Saturday, March 28, 2020

TƯ TƯỞNG TAM GIÁO -- SỰ BẢN ĐỊA HÓA TAM GIÁO TẠI VIỆT NAM


TƯ TƯỞNG TAM GIÁO -- SỰ BẢN ĐỊA HÓA TAM GIÁO TẠI VIỆT NAM
TU TUONG TAM GIAO -- SU BAN DIA HOA TAM GIAO TAI VIET NAM 

KHÁI LƯỢC VỀ LÃO GIÁO VIỆT NAM
NHÂN SINH PHÁT DIỆU 
SỰ BẢN ĐỊA HOÁ PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM
TƯ TƯỞNG NHO HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM 
TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM 
TƯ TƯỞNG TAM GIÁO -- SỰ BẢN ĐỊA HÓA TAM GIÁO TẠI VIỆT NAM
PHẦN QUAN TRỌNG--XIN XEM THẬT KỸ

TU TUONG TAM GIAO -- SU BAN DIA HOA TAM GIAO TAI VIET NAM
TU TUONG NHO HOC & SU BAN DIA HOA TAI VIET NAM 
TU TUONG PHAT HOC & SU BAN DIA HOA TAI VIET NAM 
SU BAN DIA HOA PHAT GIAO TAI VIET NAM 
NHAN SINH PHAT DIEU 
PHAN QUAN TRONG--XIN XEM THAT KY
KHAI LUOC VE LAO GIAO VIET NAM



TƯ TƯỞNG NHO HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM

* Nhân tử Nguyễn Văn Thọ

*****

TƯ TƯỞNG NHO HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM

* Nhân tử Nguyễn Văn Thọ

*****





-------------------
     
Đạo Khổng là một đạo rất hay, chỉ tiếc là khó hiểu, nhưng nếu ta mất công sưu tầm, sẽ tìm ra mạch lạc của nó.

 Chỗ cao siêu của Đạo, Đức Khổng không phải bất kỳ ai cũng truyền, mà chỉ truyền cho người có căn cơ, như Nhan Hồi.

 Tử Cống than: «Văn chương Thầy ta thì chúng ta đều được nghe. Còn về Bổn Tánh và Thiên Đạo, thì chúng ta chẳng được nghe Thầy ta dạy.» (Luận Ngữ, 5, 12)

 Ngài nói: «Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi» 吾 道 一 以 貫 之 (Luận Ngữ, 4, 15): Đạo ta, có thể thâu tóm bằng chữ Nhất. Như vậy, Nhất đây là thuyết: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

 Khi bình về Học Thuyết Khổng Tử, cụ Trần Trọng Kim đã viết: «Khổng Tử là một bậc thượng trí. Ngài nghĩ ngợi mà suy xét mọi việc rồi mới phát minh ra cái học thuyết, chủ lấy sự theo Thiên Lý làm căn bản. Ngài cho là trời đất và vạn vật đều có cái Lý ấy cả, tất là cùng đồng một thể, cho nên Ngài mới lấy chủ nghĩa THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ làm thống hệ cho học thuyết của mình. Cái lý ấy là cái Nguyên Nhân của sự sinh hoá trong vũ trụ... Cái lý vô hình ấy... gọi là Thái Cực.» (Nho Giáo Trần Trọng Kim, q. 1, tr. 68)

Khảo Khổng Giáo, ta thấy Thái Cực, Nhất, Trung, Thiên Lý, Thiên Đạo, Thiên Tâm, hay Tính đều là một.

 Qui Nguyên Trực Chỉ, một quyển sách cổ từ thời nhà Tống có chủ trương Tam Giáo đồng nguyên, nơi chương 26 có viết: «Cái Chân Như Bản Tánh mà mỗi người đều có sẵn trước khi được cha mẹ mình sinh, nó là một cái Thể chân thiệt, không dối trá, gọi là Bổn Lai Diện Mục. Thiền Tông thì gọi nó là Chánh Pháp Nhãn Tạng. Liên Tông thì gọi nó là Bổn Tánh Di Đà. Đức Khổng thì gọi nó là Thiên Lý. Đức Lão Tử thì gọi nó là Cốc Thần. Dịch thì gọi nó là Thái Cực. Mỗi nơi kêu tên một khác, kỳ thiệt nó vẫn là một Chân Như Bản Tánh vậy.» (Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, chương 26, tr, 339)

 Cho thấy cái chốt, cái căn bản của Khổng Giáo chính là Thái Cực.

 Luận Ngữ viết: «Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sinh.» 君 子 務 本, 本 立 而 道 生 (Luận Ngữ, ch. I, câu 2). Người quân tử chuyên lo CÁI GỐC. GỐC có vững, Đạo Lý mới sinh ra.

Vụ bổn như vậy là trọng gốc, là lưu tâm, lưu ý đến căn bản vũ trụ, quần sinh; là lưu tâm, lưu ý đến những vấn đề hệ trọng quan thiết đến vận mạng con người; là suy khảo về nguyên lý vũ trụ, quần sinh, về bản tính, về chân đạo, chân lý.

 Cái gì là căn bản vũ trụ quần sinh? Khổng giáo xưa nay vẫn chấp nhận rằng:
Thái Cực hay Trời làm căn bản vũ trụ quần sinh.
Đại Đỗng Chân Kinh, một sách của Đạo Lão viết:

 Muốn tìm căn bản, phải tìm nơi Thái Cực (Căn bản do lai Thái Cực tầm - Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b).

Hệ từ viết: «Dịch hữu Thái cực. Thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái.» 易 有 太 極. 是 生 兩 儀. 兩 儀 生 四 象. 四 象 生 八 卦  (Dịch: Hệ Từ thượng)

* Dịch Kinh Đại Toàn cũng có một bài thơ, trong đó có câu:

Tu tri nhất bản sinh song cán,

須 知 一 本 生 雙 幹

Thủy tín thiên nhi dữ vạn tôn.

始 信 千 兒 與 萬 孫

*Dịch: -

Có hay một gốc đôi cành rẽ,

Mới thấy nghìn con, vạn cháu đông.


 *Một gốc là Thái Cực. Đôi cành là Âm Dương.

 Gốc hay Thái Cực thời trường tồn, bất biến.

 Âm Dương thời hư ảo, biến thiên.

 Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh như sau: «Hư Tĩnh, Điềm Đạm, Tịch Mạc, Vô Vi ấy chính là Gốc sinh ra vạn vật. Hiểu điều đó, nên Nghiêu làm vua thiên hạ, Thuấn trở nên hiền thần; ở ngôi trên, áp dụng được nó, nên Đế Vương, Thiên Tử; ở cấp dưới, áp dụng được nó, trở nên Huyền Thánh, Tố Vương.» (Nam Hoa Kinh, Thiên Đạo XIII, A).

 *Nhìn sang Triết Học Ấn Độ, ta thấy sách Áo Nghĩa Thư cũng có chủ trương tương tự.

 Shri Aurobindo toát lược Áo Nghĩa Thư đại khái như sau:

 «Áo Nghĩa Thư muốn lập căn bản vũ trụ quần sinh và đưa ra quan niệm Thực Thể duy nhất, bất biến, lồng trong mọi tạp thù, biến ảo, và là chủ chốt chi phối vũ trụ hình tướng, biến dịch bên ngoài.

«Áo Nghĩa Thư cho rằng: hai phương diện biến hằng của vũ trụ quần sinh, đều bao hàm trong những trạng thái động tĩnh của Brahman, Thực thể duy nhất, bất khả phân, và căn cơ của vũ trụ. Theo Áo Nghĩa Thư, Thực Thể duy nhất ấy thể hiện và hiển dương trong thế giới chuyển dịch và hình tướng này, qua trung gian những lớp lang, tiết tấu, những giai đoạn, những trình độ, những thời kỳ khác nhau.

 «Sự biến thiên, chuyển dịch cốt là để thực hiện lại Duy Nhất, cốt là để cho quần sinh phối hợp được với Duy Nhất.» (Shri Aurobindo, Trois Upanishads, p. 20 and ss.)

Tư Mã Thiên tóm tắt niềm tín ngưỡng tự nhiên của nhân loại bằng những lời lẽ mộc mạc sau đây: «Trời là thủy tổ của con người, cha mẹ là gốc gác của con người. Người ta khi cùng khổ sẽ quay về nguồn, về gốc, cho nên khi khổ sở, lao lung, cùng cực thời thường kêu Trời, thời thường kêu cha mẹ.» (Traduction Couvreur, Annales de la Chine, p. 110)
 Đức Khổng cũng tin rằng Trời là gốc gác muôn vật, quần sinh, gốc gác con người, nên muốn hiểu con người, trước phải biết Trời, vì Trời là gốc, mà con người là cành, là ngọn. Trung Dung viết:

Tư tri nhân, bất khả bất tri Thiên,
思 知 人 不 可 以 不 知 天.

Dịch:
Biết Trời, trước phải biết Người,
Hiểu Người chẳng nổi, hiểu Trời làm sao?
(Trung Dung, ch. XX)

 Những người vụ bản còn là những con người đi sâu được vào tầng lớp làm căn cơ, cốt cách con người, tìm ra được Đạo, được Trời ở đáy lòng.

 Ngày nay, người ta gọi những người đó là những người có «tâm địa ban sơ» (mentalité archaique), nghĩa là những tâm hồn sống kề cận với căn bản, với cốt cách con người (Arche). Đó là những con người hãy còn hồn nhiên, toàn vẹn, chưa bị pha phôi bởi vọng niệm, tư tâm, kiến văn, kiến thức. Nói thế, tức là con người vụ bản đi sâu được vào Vô thức. Vô thức đây không phải là thứ Tiềm thức hời hợt của Freud, chơi vơi giữa óc não và nhân tâm, nhưng Vô Thức đây chính là Vô Thức Đại Đồng của Jung, là Toàn Nhất của Hartmann, là Tự thể của Kant, là Tuyệt Đối của Schelling, hay Bản Tính của Carus.

 Đức Khổng gọi cái Vô Thức ấy là Tính (Trung Dung, I), Thiên Mệnh (Trung Dung, I), là Mệnh (Luận Ngữ XX, 3), là Đạo (Trung Dung I), là Thành (Trung Dung, XX, XXI), là Minh Đức (Đại Học, I), và suy luận ra rằng ý thức hay nhân tâm không phải là chủ trong con người, ngược lại chúng phải khuôn theo, thuận theo Vô Thức, thuận theo Thiên Tính để tiến tới hoàn thiện. Tìm ra được căn cơ, cốt cách, bản tính con người, tức là tìm thấy Đạo, thấy Trời trong tâm khảm mình.

 Ngô Thảo Lư viết: Đạo, Lý, Thành, Thiên, Đế, Thần, Mệnh, Tính, Đức, Nhân, Thái Cực, lời tuy có khác, nhưng ý chỉ có một. (Tống Nguyên học án, q. 12, tr. 8).

* Chính vì thế mà Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính,

Hay biết Tính, nhất định biết Trời,

Tồn Tâm, dưỡng Tính chẳng rời,

Ấy là giữ Đạo thờ Trời chẳng sai...

(Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng I).


 *Đại Học viết:-

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện, còn đi chưa ngừng.

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan

Hết lo, lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đường xét suy.

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi.

Đã nói rằng Trời là căn cơ, gốc gác con người, thì con người chẳng thể lìa xa được khỏi Trời, dù là một phút giây, vì cành làm sao lìa khỏi gốc được? Vì thế Trung Dung viết: «Đạo dã giả bất khả tu du ly dã.» 道 也 者 不 可 須 臾 離 也.

 Quan niệm này đem so với quan niệm của các nhà minh triết Ấn Độ, ta thấy giống nhau hoàn toàn.


* Katha Upanishad viết:-


Chân Tâm chủ tể muôn loài,

Thể thời duy nhất, Hình thời ngàn muôn.

Biết Ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc trường tồn, vô chung,

Biết Ngài bất biến thung dung,

Lồng trong trời đất lao lung chuyển vần.

Biết Thần ngự giữa chúng Thần,

Biết Ngài duy nhất giữa quần sinh ban,

Bao nhiếu mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh.

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc siêu sinh trường tồn.

 (Katha Up. 5, 14. - Prasna 6, 5 - Brih. 4, 4 - 1- 2)


*Vì thế mà Kinh Thi mới viết:-

Chái Tây Bắc, góc nhà thanh vắng,

Đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Đừng rằng tăm tối chơi vơi,

Đừng rằng tăm tối, ai người thấy ta.

Thần giáng lâm ai mà hay biết,

Nên dám đâu khinh miệt, dể ngươi?

(Mao Thi, Đại Nhã, Ức Thiên)


 *Quan niệm trên cũng đã được Trung Dung nhắc lại nơi chương XVỊ

 Đức Khổng vì đã tìm ra được Trời, được Đạo tàng ẩn trong tâm khảm mình, nên đã sống một cuộc đời đạo hạnh chân thực, nghĩa là sống phối kết với Trời.

Trung Dung gọi thế là Phối Thiên (Trung Dung, ch. XXVI)

Thomas Mann gần đây cũng cho rằng đạo hạnh chân thực chính là sống phối kết với bản thể (L'Homme se sente directement branché sur le mystère profond de l'être.) (Critique, mars, 1961. No 166, p. 218).

Ngoài ra, Đức Khổng còn cho rằng mọi lề luật chi phối con người và quần sinh vũ trụ đều đã được ghi tạc ngay trong lòng con người, trong lòng quần sinh, vạn hữu.


*Trung Dung viết:-

Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa rời chúng nhân,

Hiếu kỳ, lập dị là nhầm.

(Trung Dung, ch. XXII)

*Kinh Thi viết:

Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân sẵn có căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành, tốt tươi.

(Kinh Thi, Chưng Dân).


---* Chính vì lĩnh hội được cái chân đạo ấy, mà Đức Khổng không câu nệ về những hình thức cầu đảo bên ngoài.

 Khi Ngài đau, Tử Lộ khuyên Ngài nên cầu đảo. Ngài trả lời: «Ta cầu đảo từ lâu rồi.» (Luận Ngữ, VII, 30). Ý Ngài muốn nói: tuy không cầu đảo theo thói thông thường, nhưng thực ra đời Ngài đã là cả một bài kinh nguyện trường thiên, vì luôn sống phối kết với Thượng Đế.

 Ngài khuyên mọi người nên học cho nhiều để tìm cho ra cốt cách, căn cơ của mình, tìm cho ra Trời, ra Đạo ở nơi tâm khảm mình, và cho rằng đó là điều kiện thiết yếu để sống cuộc đời đạo hạnh, chân thực.

---* Đại Học viết: -


Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình.

Trị dân trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên

Muốn sửa mình, Tâm nên sửa trước,

Sửa Tâm Hồn, trước cốt ý ngay.

Ý ngay, phải học cho dày.

Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời.

Hay Khuôn Trời thoắt thôi thấu triệt

Thấu triệt rồi, ý thiệt, lòng ngay.

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên.

Nhà đã yên, nướữc liền thịnh trị.

Nước trị bình bốn bể bình an.

Từ dân cho tới vua quan,

Tu thân một mực lấy làm căn cơ.

 (Đại Học, I)


---* Ngài chủ trương dạy thiên hạ làm bừng sáng ngọn đuốc lương tâm, cố gắng cải thiện không ngừng, để tiến tới hoàn thiện.

---* Đại Học viết:-


Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy.

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.

(Đại Học, I)


 Đó chính là chủ trương của các vị đại Thánh, đại Hiền trong thiên hạ.

***

Thời cổ xa xưa, Mahagourou, vị thánh Ai Cập, cũng đã dạy thiên hạ phát huy «ánh sáng nội tại ấy». Đó là ánh sáng soi cho mọi người sinh ra nơi trần thế. Ánh sáng ấy là «con người chân thực». Ánh sáng ấy tiềm tàng khắp nơi, ẩn áo ngay cả trong lòng nham thạch. Đối với con người... ánh sáng ấy gần gũi họ hơn mọi sự, ánh sáng ấy đã hiện diện trong lòng mọi người. Thực thể ấy gần gũi con người hơn mọi hình thức lễ nghi, vì con người chỉ cần hồi quang, quán chiếu là tìm thấy ngay ánh sáng ấy. Khi con người biết ra, mà vượt lên trên mọi lễ nghi hình thức, là con người lên được tới cùng Osiris, lên được tới ánh sáng. Ánh sáng ấy chính là thượng thần Amoun- Ra, căn nguyên và cùng đích mọi sự. (A.E. Powell, Le système solaire, p. 351)

 * Tóm lại, Đức Khổng chủ trương Chân Đạo phát xuất từ «thâm tâm con người». Trung Dung viết:

Nên đạo quân tử phát xuất tự «thâm tâm»,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân,

Khảo chứng tiên vương không có chi lầm lỗi.

Sánh với luật đất trời không phản bội,

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thánh nhân ngàn đời sau, chẳng có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.

(Trung Dung, ch. XXIX)

* Những con người vụ bản là những con người hiếu cổ. Hiếu cổ không phải để mua vui, mà chính là để hướng về nguồn, mà chính là để dùng gương xưa, tích cũ, lèo lái cho công trình tạo tác thời nay, mà chính là để theo chân người xưa, khám phá và làm sống động lại các tầng lớp thẳm sâu của tiềm thức. Như vậy khảo cổ tức là khơi sâu, chẳng những khơi sâu thời gian và lịch sử, mà còn khơi sâu tâm khảm con người, làm cho con người mở rộng thêm tầm kích, sống thêm sâu xa linh diệu. Chính vì vậy mà Đức Khổng ưa khảo cổ. Ngài nói trong Luận Ngữ:-

Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.

(Luận Ngữ, Thuật Nhi, VII, 1)


 Trung Dung viết thêm: «Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn, Võ.» 仲 尼 祖 述 堯, 舜, 憲 章 文 武 (Trung Dung, ch. XXX).

 Các môn đệ Đức Khổng Nhiều người cũng tỏ ra hiếu cổ. Mạnh tử thuật lại rằng: «Các ông ấy có chí cả, và thường lớn tiếng nhắc đi, nhắc lại: ôi người xưa, ôi người xưa.» (Mạnh tử, Tận Tâm chương cú hạ, 37. Luận Ngữ. VII, 19. Luận Ngữ, IV, 21).

 Những người vụ bản còn có tâm hồn định tĩnh. Vì họ chú trọng đến các tầng lớp thẳm sâu trong tâm hồn, nên có đời sống nội tâm rồi rào.

 Các ngài ưa trầm tư, mặc tưởng, để tìm ra nguyên lý, tìm ra định luật chi phối vũ trụ

* Đại Học viết:

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan.

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an tâm trí, rộng đàng xét suy.

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, ngành ngọn đầu đuôi.

Trước sau đã rõ khúc nôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi.

(Đại Học, I)

**********************           

Trang Tử cũng có chủ trương tương tự Ông viết: «Nước lặng sẽ chiếu soi thấy được râu mày, lại được thợ dùng để đánh thăng bằng. Nước lặng mà còn trong, huống chi là tinh thần? Lòng thánh nhân mà tĩnh lãng, thời sẽ nên gương soi trời đất, vạn vật.» (Nam Hoa Kinh, Thiên Đạo, XIII, A).

 Vì vậy mà Đức Khổng thường trầm tư, mặc tưởng (Luận Ngữ, XV, 30). Ngài cũng dạy các môn đệ năng xét mình, để trừ khử những điều không hay, không tốt, (Luận Ngữ, I, 3), để khiến cho tâm hồn trở nên như băng tuyết (Luận Ngữ II, 2).

 Chính nhờ sống một cuộc sống nội tâm sâu sắc như vậy mà đức Khổng thường ung dung thư thái (Luận Ngữ, VII, 4). Có thể nói được rằng ngày nay chúng ta thường buồn bực, khổ sở, bất mãn, một phần là vì đã bỏ quên mất nếp sống tâm hồn, mà sống phiến diện nơi óc não, nơi giác quan, hay vùi đầu vào ngoại cảnh, đem hết tâm lực chạy theo tiền bạc, lợi danh, hoặc thú vui nhục dục.

 Thế là trạng thái đánh mất tâm hồn mình, theo từ ngữ Thánh Kinh (Mat. 16, 26), hoặc theo từ ngữ của Harvey Cox trong cuốn The Feast of Fools (While gaining the whole world, Western men has been losing his own soul), hay làm thất lạc con tim theo Mạnh Tử (Mạnh Tử, Cáo Tử chương Cú thượng, 2).

 Nhờ vụ bản, mà Đức Khổng đã tìm ra được nguyên lý duy nhất, do đó suy ra vạn sự.

 Đức Khổng đã nói: Đạo ta là do một nguyên lý mà suy ra (Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾 道 一 以 貫 之, Luận Ngữ, IV 15), và Luận Ngữ, XV, 2).

 Nguyên lý duy nhất ấy chính là gốc, mọi sự khác chỉ là ngọn. Biết được nguyên lý duy nhất rồi sau sẽ suy ra các điều khác. Không biết được nguyên lý duy nhất thời mọi sự sẽ rối mù.

 Đoàn Trung Còn bình: Nhất dĩ quán chi là một môn học cao vi của nhà Nho. Người ta bắt đầu từ chỗ gần, mà xét tới chỗ xa, từ chỗ hiển mà đạt tới chỗ mật. Nhà học Đạo cần phải có tâm bình đẳng, đạt mức trung dung, do một mối mà phăng lần ra, thì có thể bắt từ ngọn mà đi đến gốc. Nhờ quan sát như vậy, nhà Đạo hiểu tâm tánh người đời. Cao hơn nữa, nhà Đạo biết ra lẽ bí mật trong vũ trụ vậy. (Đoàn trung Còn, Luận Ngữ, XV, 2)

 Chính vì thế mà Trang tử đã nói: «Thông vu nhất, nhi vạn sự tất.» 通 于 一 而 萬 事 畢 (Biết được nguyên lý, thời vạn vật cũng biết xong xuôi. (Nam Hoa Kinh, Thiên Địa XII, A). Ông cũng còn nói: «Đắc kỳ hoàn trung, dĩ ứng vô cùng.» 得 其 環 中 以 應 無 窮 (Trước hết phải nắm được tâm điểm, Sau đó sẽ ứng dụng được vô cùng.) (Nam Hoa Kinh, Tề vật luận II, C).

 Đức Khổng còn dùng nguyên lý duy nhất mà suy ra lẽ tuần hoàn biến hóa của mọi sự biến địch trong hoàn võ. Ngài cho rằng mọi sự biến hóa chung qui đều trở về lại căn nguyên, và sự tu luyện học hỏi của con người cũng cốt là để nhập thần, huyền hóa. Vì thế mà Ngài đã viết trong Hệ Từ, khi bình về Hào Cửu Tứ quẻ Hàm như sau:

Dạy rằng muôn sự trên đời,

Cần chi lo lắng, rối bời mà chi.

Muôn đường nhưng vẫn đồng qui,

Trăm chiều lo lắng qui về một căn.

Cần chi mà phải băn khoăn,

Việc gì mà phải bận tâm lo lường.

Vầng trăng đắp đổi vầng dương,

Vầng dương đắp đổi đài gương Quảng Hằng.

Mặt trời cùng với mặt trăng,

Luân phiên đắp đổi, nên hằng sáng soi.

Lạnh đi, nóng lại tới nơi,

Nóng đi, lạnh lại trở lui thay liền.

Hàn ôn đắp đổi thường xuyên,

Cho nên niên tuế miên triền sinh ra.

Trôi vào quá vãng là co,

Vị lai là giãn, giãn là triển dương.

Khuất thân, co giãn thời thường

Đôi bên cảm ứng, mở đường lợi sinh.

Sâu đo có lúc co mình,

Co mình cốt để duỗi mình dễ hơn.

Long xà đông tới chập chờn,

Ngủ vùi tháng lạnh, bảo tồn tấm thân,

Học sao tinh nghĩa nhập thần,

Rồi ra áp dụng muôn phần hay ho,

Đã rành đã tỏ hóa cơ,

Rồi ra lợi dụng ấm no thân mình.

Thân mình sung túc, an ninh,

Rồi ra nhân đức thi hành sùng tôn,

Băng chừng từ đó tiến lên,

Là vào tới cõi siêu nhiên, thánh thần.

Thần minh khế hợp vào tâm,

Hóa cơ đã tỏ, siêu nhân đã đành.

 (Hệ từ hạ, chương V)

 Đức Khổng đã áp dụng nguyên lý duy nhất ấy vào công cuộc tu thân, tề gia. trị quốc, bình thiên hạ.

 Sau khi đã định được căn bản của vũ trụ quần sinh là Thái Cực, là Trời. Mà Trời hay Thái Cực thời:

- Bất biến,

- Hằng cửu,

- Siêu vi. - Vừa lồng trong vạn vật, vừa siêu xuất vạn vật

- Vừa là căn cơ, vừa là cùng đích muôn loài.

- Lại hoàn thiện, tuyệt đối.

 Ở nơi con người thì Thái cực là Lương Tâm, Lương tri, tuyệt đối, hoàn thiện, nên chính là Tính con người, là phần Thiên nơi con người. Nó khác hẳn với nhân tâm, vì nhân tâm chỉ là thất tình, lục dục, luôn luôn biến thiến, thay đổi.

 Cho nên trong công trình tu luyện phải luôn theo tiếng Lương Tâm, giữ gìn cho Lương Tâm được luôn luôn trong trẻo, và phải trở về với Lương Tâm là mới trở về được với Đạo, với Trời.

Kinh Thư gọi Lương Tâm là Đạo Tâm. (Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15)

Trung Dung gọi là Tính. (Trung Dung, I)

Đại Học gọi là Minh Đức. (Đại Học, I)

Kinh Dịch gọi là Thái Cực. (Dịch, Hệ Từ)

Mạnh Tử gọi là Xích tử chi tâm (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, 12).

 Ngoài ra chư Nho còn gọi là Nhất, là Trung, là Thành, là Mệnh v.v...Chính vì thế nên Bản Tính con người thời hoàn thiện. (Nhân chi sơ, Tính bản thiện). (Tam Tự Kinh)

 Chính vì thế mà trong công cuộc tu thân con người phải tiến tới hoàn thiện (Đại Học, I), tiến tới chí thành, chí thiện

Thành giả Thiên chi đạo dã,

Thành chi giả, nhân chi đạo dã.

*Dịch: -

Hoàn toàn là Đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

 (Trung Dung, XX).

 Như vậy, cá nhân và xã hội đều phải theo một khuôn mẫu, là tiến tới chỗ hoàn thiện. Khổng tử nói: «Trò Sâm, Đạo ta do một nguyên lý mà suy ra. Tăng tử đáp: Dạ...Đạo Thày là đem hoàn thiện vào lòng mình và làm cho người khác trở nên giống mình.» (Luận Ngữ, Lý Nhân, IV, 15).

 Mạnh tử cũng nói: «Mạnh tử chỉ bàn về tính thiện, và không ngớt ngợi khen Nghiêu Thuấn... Đạo Lý chỉ có một mà thôi.» (Mạnh tử, Đằng văn Công chương cú thượng, 1)

 Chính trị chính là sửa sang mọi người và đưa mọi người về tới Hoàng Cực hoàn thiện.

 Trung Dung viết:-


Đạo quân tử có năm hình thức,

Nương ba chồi, thịnh đức sum sê.

Quân thần, phụ tử, phu thê,

Anh em cốt nhục, bạn bè tất giao.

Ấy năm đạo tối cao thiên hạ,

 Trí, Dũng, Nhân, đức cả 3 chồi,

Năm cành, ba cỗi tốt tươi,

Tinh thành do một gốc Trời trổ sinh.

(Trung Dung XX)

 *Trung Dung còn viết:-


Thành vốn dĩ tự mình hoàn thiện,

Đạo thời thường tự khiển, tự do.

Thành là cùng đích, duyên do,

Duyên do, cùng đích khắp cho muôn loài.

Bỏ nhẽ ấy khôn bài có vật,

Nên hiền nhân quí nhất chữ Thành.

Hoàn thành không những riêng mình,

Rồi ra hoàn thiện quần sinh muôn loài.

Hoàn thành mình là người nhân đức,

Tác thành vật, là bực thông minh.

Thiên nhiên tự tính uy linh,

Trong ngoài hai mặt, một mình quán thâu.

Nên quân tử biết câu sau trước,

Xếp thời giờ, tổ chức cho hay.

(Trung Dung XXV).


**********************           


Như vậy, về phương diện chính trị, phải liệu lý từ trong ra ngoài. Căn cơ có tỏ, thì tâm mới định; thần có linh, thì tâm mới thiện; Tâm có thiện, thì thân mới an; thân có an, thì gia đình mới tốt; gia đình có tốt, thì quốc gia mới thịnh; quốc gia có thịnh, thì thiên hạ mới mong bình. Mới hay có thấu đáo căn cơ, cốt cách của mình, thì thân mới tu, gia mới tề, quốc mới trị, thiên hạ mới bình. Cái gốc có vững, thì cái ngọn mới không xiêu.

 Ngày nay, thế giới trở nên đảo điên, suy vi, loạn lạc, chính là vì người ta đã trở nên vong bản, đã quên mất gốc, hoặc không biết rằng cái gốc hoàn thiện đã ở ngay trong tâm cơ con người. Thành thử, người ta cầu mong hòa bình mà chỉ thấy loạn lạc; người ta hứa hẹn an lạc, mà chỉ thấy toàn gian khổ, điêu linh. Tất cả những cái thống khổ, khốn nạn, tất cả những chén phiền não, tân toan mà con người đã, đang, và sẽ uống hằng ngày, đều là do đã lạc mất tâm, đã quên mất gốc.

 Chúng ta muốn an bình ư? Hãy tìm về gốc, trở về nguồn. Chúng ta muốn có một nền học vấn cao siêu ư? Hãy khảo về gốc, suy về nguồn. Chúng ta muốn tìm ra giải đồng thân ái, liên kết ta được với người, với chúng dân trong hoàn võ ư? Hãy tìm ra gốc, tìm ra nguồn.

 Căn cơ, nguồn gốc của chúng ta, chúng ta khỏi tìm ở khởi điểm lịch sử. Nguồn gốc vũ trụ nhân quần, chúng ta khỏi suy khảo cho tới phút lập địa, khai thiên. Muốn tìm về gốc nguồn chúng ta, chúng ta chỉ việc phạt quang hết những lau lách dục vọng hay tạp niệm nội tâm (M. T. Tận tâm chương cú hạ, 21), rồi ra chúng ta sẽ thấy hiện ra một con đường quang, đưa tới nguồn, tới gốc, rồi ra chúng ta sẽ thấy hiện ra trong Não Thất 3, tức là trong Nê Hoàn Cung chúng ta một viên ngọc quí sáng ngời, đó là Lương Tâm chúng ta, mà Đạo Lão gọi là Kim Đơn, mà khoa luyện đan Âu Châu gọi là Philosopher's Stone. Đó là cái Đạo mà sáng nghe biết rồi, chiều chết cũng cam của Khổng giáo. (Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ. Luận Ngữ, Lý Nhân IV, 8). Tìm ra Đạo này là một công trình khó khăn, nhưng thích thú.

 Tóm lại, Thái Cực hay Trời, khi sinh ra ta thì gọi là Căn Cơ, khi kêu ta về thì gọi là Cùng Đích. Như vậy Trời không ở đâu xa, mà đã nằm sẵn trong lòng sâu con người. Ta đã thấy bất kỳ đạo giáo chân chính nào trên thế giới cũng đều chủ trương như vậy.

 Sách Trung Dung đã viết theo kiểu này: Sách bắt đầu bằng chữ Thiên, rồi nở ra thành Tam Đức, Ngũ Luân, Cửu Kinh, đoạn khép lại thành Đạo Thánh Nhân, rồi lại trở về với Trời vô thanh, vô xú. Thật là hoàn hảo tuyệt vời.

Thế là:

Tung ra tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu tóm lại dấu nơi ẩn áo.

Hay sao hay, kỳ ảo khôn cùng

Đó là thực học chính tông,

Ai hay tìm hiểu, sẽ thông ý mầu,

Thông ý mầu, rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời, cũng chẳng hề vơi.

 (Trung Dung, Chu Hi chương cú)

 Sau đây, chúng ta sẽ dùng Kinh Dịch để giải thêm thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

 Kinh Dịch chủ trương: Vũ trụ này do một đại thể duy nhất, một căn nguyên duy nhất phân hóa ra. Bản thể duy nhất ấy Dịch gọi là Thái cực, là Âm Dương hợp nhất, là Thổ, là Nhất, là 5, hay 15.

*Dịch trình bày tư tưởng trên bằng:

a) Hình vẽ Thái Cực, gồm Âm lẫn Dương.



b) Bằng chữ Dịch 易 gồm 2 chữ Nhật 日, và Nguyệt 勿 (月). Nhật thời Bất Biến, Nguyệt thời Biến Thiên.

易 =日 + 勿 = 日 + 月

c) Bằng chữ Thổ 土, gồm hai nét Âm Dương 二, và nét Sổ | hợp nhất.

d) Bằng số 5 vì năm là 3 (Dương) + 2 (Âm).

e) Bằng số 15 vì 15 là 9 (Dương) + 6 (Âm).

Thái Cực thời Bất Biến.

Âm Dương thời Biến Hóa vô cùng.

Bản Thể ấy đã sinh hóa, phóng phát ra vũ trụ, bằng cách phân hóa.

1 chia 2.

2 chia 4.

4 chia 8.

8 chia 16, chia 32, chia 64.

 Dịch diễn tả tư tưởng ấy bằng chữ: Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái...

 Hoặc bằng hình vẽ:

a/ Bản thể vũ trụ và vạn hữu vẽ thành vòng Dịch tròn.



Lúc đó:

Tâm điểm là Thái Cực.

Vạn hữu là hào quải vây quanh bên ngoài..

Thái Cực hay Bản Thể như vừng dương sinh xuất muôn ánh hào quang vạn hữu.

b/ Bản thể vũ trụ (Thái Cực) và Vạn Hữu (Hào quái) xếp theo hình ngang. Lúc ấy, Bản Thể (Thái Cực) là gốc cây, vạn hữu (hào quái) như cành, như lá bên trên.



Vòng biến dịch tuần hoàn của vũ trụ được tượng trưng bằng:

a/ Vòng Dịch Tiên Thiên bát quái



Đồ hình này có 2 nửa phải, trái. Nửa phải có 4 quẻ là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Hào trong cùng của 4 quẻ này đều là Hào âm. Hơn nữa, Hào Âm ngày càng tăng. Hào Dương càng ngày càng giảm: (Tốn có 1 hào Âm, Khảm có 2 hào Âm cách nhau, Cấn có 2 Hào Âm liền nhau, Khôn có 3 hào Âm), vì thế, chiều này gọi là chiều Âm trưởng, Dương tiêu.

Như vậy, ta thấy rằng, ở chiều này, Vật Chất ngày càng thịnh, Tinh Thần ngày càng suy

Nửa trái có 4 quẻ là Chấn, Ly, Đoài, Kiền. Hào trong cùng của 4 quẻ này đều là Hào Dương. Hơn nữa, Hào Dương ngày càng tăng, Hào Âm ngày càng giảm. (Chấn có 1 hào Dương, Ly có 2 hào Dương cách nhau, Đoài có 2 hào Dương liền nhau, Kiền có 3 hào Dương), vì thế chiều này gọi là chiều Dương trưởng, Âm tiêu. Như vậy ta thấy rằng ở chiều này Tinh Thần ngày càng thịnh, Vật Chất ngày càng suy.

b/ Bằng Vòng Dịch Tiên Thiên 64 quẻ.

Nơi vòng Dịch Tiên Thiên 64 quẻ, ta thấy nửa phải có 32 quẻ, từ Cấu đến Khôn. Tất cả các Hào trong cùng của 32 quẻ này đều là Hào Âm. Đó là Chiều Âm, vì Âm ngày càng thịnh, đó cũng gọi là chiều Thuận.

Nửa trái có 32 quẻ, từ Phục đến Kiền. Tất cả các hào trong cùng của 32 quẻ này đều là Hào Dương. Đó là Chiều Dương vì Dương ngày càng thịnh, đó cũng còn gọi là Chiều Nghịch.

Thế là:

Gẫm Đạo Lý có sau, có trước,

Lẽ Âm Dương có ngược, có xuôi.

Xuôi là gió cuốn bụi đời (Thiên Phong Cấu),

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm,

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Ngược là sấm chớp tơi bời (Địa Lôi Phục),

Tầng sâu bày giãi căn trời nội tâm,

Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu sẽ định, sẽ an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường phối mệnh chu toàn tóc tơ.

Dịch Kinh quí nhất chiều nghịch. (Dịch nghịch số dã. Kinh Dịch, Thuyết quái, chương III, câu 2), vì Chiều Nghịch là Chiều sinh Thánh, sinh Thần, còn chiều Thuận là Chiều sinh Nhân, sinh Vật.

c/ Hoặc giản dị hơn, bằng vòng Dịch Thập Nhị quái khí.

Thập Nhị quái Khí là 12 quẻ rút ra từ Vòng Dịch 64 quẻ nói trên.

Nửa phải có 6 quẻ là Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn. Đó là Chiều Âm.

Nửa trái có 6 quẻ là Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải, Kiền. Đó là chiều Dương.

d/ Hoặc bằng 1 đồ bản vẽ Thái cực nằm chính giữa, với 6 vòng tròn đồng tâm bên ngoài. Ngoài cùng có 12 quái khí.


Trông vào hình đồ trên ta thấy:

1/ Thái Cực ở Tâm Điểm.

2/ Vạn Hữu được tượng trưng bằng 6 vòng tròn bao quanh bên ngoài.

3/ Vòng biến dịch bắt đầu từ tâm điểm đi ra tới biên, rồi lại quay ngược trở về Tâm.

4/ Càng đi ra bên ngoài, âm càng thịnh, dương càng suy (âm từ 1 hào, dần dần tăng lên cho tới 6 Hào).

5/ Lúc vòng Dịch quay trở về được đánh dấu bằng quẻ Phục. (Quay trở lại)

 Như vậy, Phục là con đường hồi tâm, qui tâm, hồi hướng, hướng nội.

Phục cũng là Kiến Thiên Địa chi Tâm: Thấy được Tâm (Bản Thể) của Trời đất. Tâm của Trời đất cũng là Tâm của mình.

6/ Càng đi sâu vào tâm, càng trở nên trong sáng. Âm căn càng ngày càng giảm, Dương quang càng ngày càng tăng.

Vào đến vòng dịch thứ 6, là đạt thuần Dương, thuần Kiền.

7/ Vào tới Tâm Điểm là Đắc Đạo, đắc Nhất, đắc Thiên.

8/ Vòng biến dịch, tuần hoàn trên vẽ lại đời sống con người lý tưởng, cũng như đời sống nhân quần và toàn bộ lịch sử tiến hóa con người. Chẳng những thế, còn vẽ lại được vòng biến dịch luân lưu của mặt trời, mặt trăng, hay nói rộng hơn là toàn thể chu kỳ biến hóa của vũ trụ.

9/ Vòng biến dịch này có 2 chiều:

 Con người nói riêng, nhân loại nói chung, khi còn trẻ sẽ hướng ngoại, đem tinh thần phục vụ giang sơn, tổ quốc, cải thiện ngoại cảnh, đổi lấy miếng cơm, manh áo, đóng góp với đời...

 Khi đã luống tuổi, khi đã trở về già, sẽ hướng nội, qui tâm, sẽ dùng ngoại cảnh hỗ trợ cho tâm thần, tu luyện bản thân, tiến mãi trên con đường huyền hóa...

 Thiệu Khang Tiết viết: «Vạn Vật tòng Trung nhi khởi, tòng Trung nhi chung.» (Vạn Vật từ Trung Tâm sinh xuất, lại qui hoàn về Trung.)

 Dịch lại viết: «Nhất Âm, nhất Dương chi vị đạo. Kế chi giả, thiện dã, thành chi giả, tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道, 繼 之 者 善 也. 誠 之 者 性 也 (Hệ từ thượng, chương V).

 Một Âm, một Dương là Đạo (Đạo có 2 chiều: Âm trước, Dương sau: Vật chất trước, tinh thần sau). Theo đường đó thời tốt, đi tới cùng đường sẽ thực hiện được Tính Trời.

 Chỗ cao siêu của Dịch là cốt dạy con người: Tẩy Tâm, thoái tàng ư mật 洗 心 退 藏 於 密 (Hệ từ Thượng, ch. 11), tẩy rửa tâm hồn, trở về với tâm linh.

Các chính Tính, Mệnh, Bảo hợp Thái Hòa. 各 正 性 命 保 合 太 和 (Kiền Quái, Thuyết quái) Giữ cho Tính, Mệnh được ngay chính, bảo vệ, hiệp nhất được với Thái Hòa (Thái Cực).


Sau đây, tôi xin đi sâu thêm bằng cách lần lượt trình bày cùng quí vị những đóng góp của Tứ Thư, Ngũ Kinh vào công trình đi tìm Thượng Đế tiềm ẩn đáy lòng, tức là vào công trình xây đắp con đường Qui Nguyên Phản Bản, lý tưởng theo thánh hiền Nho Giáo.

Tôi sẽ dùng TÂM ĐIỂM và vòng TRÒN bên ngoài với hai chiều thuận nghịch để trình bày những tư tưởng then chốt của Tứ Thư, Ngũ kinh, đồng thời cũng để minh định rằng con đường quy nguyên phản bản cuả Nho Giáo chính là con đường hồi hướng, con đường quay về Tâm để mà tìm Đạo, tìm Trời hoặc quay về gốc, trở về nguồn.


Nhìn vào đồ hình này, ta sẽ thấy ngay chủ trương chính yếu của Nho Giáo có thể tóm tắt như sau:

1. Thái Cực, hay ĐẠO hay TRỜI hay THƯỢNG ĐẾ là bản thể tuyệt đối, là căn nguyên duy nhất, sinh suất ra quần sinh vũ trụ, vừa siêu suất (transcendent), vừa ẩn tàng (immanent) trong lòng sâu, trong TÂM ĐIỂM vạn hữu, nhân quần, để làm trục cốt, căn cơ, âm thầm chỉ huy, hướng dẫn mọi cuộc biến thiên, tiến thoái.

2. Vạn hữu, vạn tượng, vũ trụ, quần sinh, những hình tướng biến thiên, những công dụng biến thiên đa tạp cuả một bản thể tuyệt đối, của một Thái Cực hợp lại thành một vòng biến thiên Sinh Tử. Những Vòng Tròn biến thiên bên ngoài, tuy là biến thiên sinh tử, nhưng vẫn có vinh hạnh mang trong lòng mình một căn cơ, một nguồn sinh HẰNG CỬU, BẤT DIỆT.

3. Thượng Đế hay Thái Cực, ở nơi tâm điểm với vạn tượng, vạn hữu hay giữa các quẻ ở vòng tròn bên ngoài có liên lạc mật thiết với nhau:

- Từ tâm điểm,từ Thựơng Đế ra vòng tròn bên ngoài hay ra vạn tượng vạn hữu bên ngoài là chiều suy thoái, phóng phát ly tán, phân kỳ, hướng ngoại. Đó là chiều NHẤT TÁN VẠN, đó là chiều sinh Nhân sinh Vật.

- Từ TÂM ĐIỂM chuyển dịch, biến hóa ra vòng bên ngoài, rồi lại từ vòng bên ngoài chuyển dịch biến hóa quay trở về Tâm Điểm vẽ thành một vòng CHU DỊCH, hay một vòng biến hóa ĐẠI TUẦN HOÀN, hay ĐẠI CHU THIÊN.

Thế tức là VẠN VẬT TUẦN HOÀN CHUNG NHI PHỤC THỦY,để thực hiện điều Đại Huyền Kỳ của Trời Đất là Thủy Chung Như Nhất, mà Âu Châu gọi là Alpha = Omega (Alpha là đầu,là Thủy, vì chữ Alpha là chữ đầu trong mẫu tự Hi Lạp, Omega là chữ cuối cùng).


- Kinh Dịch gọi là:

Nguyên Thuỷ Yếu Chung (Dịch, Hệ Từ Hạ, chương IX)

Nguyên Thuỷ Phản Chung (Dịch, Hệ Từ Thượng, chương IV)

- Thiệu Khang Tiết viết: «Vạn Vật tòng trung nhi khởi, tòng trung nhi trung.»

- Văn Đạo Tử viết: «Mới đầu từ trong thuận hành mà sinh, cuối cùng lại trở lại để ẩn tàng tại trung điểm tại trung Hoàng Thái Cực tìm lại được Bản Lai Diện Mục của mình.» [1]

- Nguyễn Án Trường, tác giả quyển Tạo Hoá Thông cho rằng: «Thái Cực là Một vậy. Vạn vật bắt đầu từ một và kết thúc ở Một... Trang Tử gọi thế là: «Xuất cơ, nhập cơ» [2]

Cuộc biến dịch, tuần hoàn trong vũ trụ như vậy thực là có nhịp điệu, tiết tấu, chiều hướng, giai trình. Ta có thể theo dõi sự diễn biến ấy từ đầu đến đuôi được.Tất cả chỉ là một Nguồn sinh hóa diễn biến dần dà từ trung tâm ra tới các tầng lớp bên ngoài, rồi lại chuyển hoá, xoay mình băng qua các lớp biến thiên từ ngoài vào trong, cho tới Trung Tâm Nguyên Thủy, tạo thành một vòng biến thiên, một vòng sinh hoá có lớp lang, tiết tấu mạch lạc, có nguyên ủy thủy chung.

Vòng đại tuần hoàn này của vũ trụ chẳng qua cũng như tình non nước lúc tan lúc hợp, mà

** Tản Đà đã ngâm vịnh bằng những lời thơ thắm thiết như sau:

Cho dù sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non, nước nước, chưa nguôi lời thề.

4- Trông vào đồ hình trên (tâm điểm và hình tròn), ta thấy về phương diện nhân sinh quan, Nho giáo chủ trương con đường lý tưởng cuả nhân loại có hai chiều, hai mặt khác nhau:

a/ Một chiều hướng ngoại, cốt phục vụ nhân sinh, điểm tô cho ngoại cảnh, cho gia đình, cho quốc gia, xã hội, cho xác thân,cho vấn đề cơm áo, vật chất. Dịch kinh gọi thế là chiều Âm.

b/ Một chiều hướng nội, cốt để tìm cho ra tinh hoa cốt cách con người,tìm cho ra con đường tâm linh, hướng nội để quy căn, phản bản,tìm cho ra Đạo, ra Trời tiềm ẩn nơi lòng mình. Dịch kinh gọi thế là chiều Dương.

Hai chiều hướng Đạo, Đời nói trên rất là quan yếu.

Kinh dịch nơi chương 5 Hệ Từ Thượng viết: «Nhất âm, nhất dương chi vị Đạo. Kế chi giả thiện dã, thành chi giả, tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道, 繼 之 者 善 也. 誠 之 者 性 也.

 *Tạm dịch: Một Âm một Dương là đạo. Theo được là tốt, thành toàn được là thực hiện được Thiên tính mình.

*
* *

Dĩ nhiên, tôi sẽ không đề cập đến chiều Âm, chiều phục vụ đời sống gian trần, chiều đem lại phú cường thái thịnh cho giang sơn đất nước, vì đó không phải là chủ đề nghiên cứu của chúng ta hiện nay. Tôi sẽ dùng Tứ thư, Ngũ kinh để đề cập đến chiều Dương, đến một vấn đề mà nhiều ngươì tưởng là sở đoản cuả Nho giáo, đó là con đường Đạo đức tâm linh, con đường qui nguyên - phản bản.

Những đóng góp của kinh Dịch

Kinh Dịch cho rằng:

- Học Dịch cốt là tìm cho ra tâm điểm của bất dịch, ở giữa lòng mọi biến thiên. (Lôi phong hằng, quân tử dĩ lập bất dịch phương. (xem Đại Tượng quẻ Hằng)

- Học Dịch cốt là để tìm cho ra Căn Cơ, Vĩnh Cửu, Tuyệt Đối, tiềm ẩn sẵn trong lòng mình, trở về được CHÍNH VỊ, THIÊN VỊ, sống hạnh phúc, thanh sảng. Để diễn tả ý ấy:

- Văn ngôn hào lục ngũ, quẻ Khôn có mấy câu bất hủ như sau: «Quân Tử Hoàng Trung thông lý. Chính vị cư thể. Mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp. Mỹ chi chí dã.» 君 子 黃 中 通 理, 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 支, 發 於 事 業, 美 之 至 也.

Dịch:

Hiền nhân thông lý Trung Hoàng

Tìm nơi chính vị mà an thân mình,

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh mỹ miều,

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.

- Học Dịch cốt là: CÙNG LÝ, TẬN TÍNH, CHÍ MỆNH. (Thuyết Quái, chương I)

Cùng lý: Là hiểu biết rành rẽ về nguyên lý sự vật.

Tận tính: Là hiểu biết rành rẽ về Bản Tính cao cả của con người.

Chí mệnh: Là thực hiện được định mệnh sang cả của con người, trở thành thánh nhân sáng láng như hai vừng nhật nguyệt, cao xa như trời đất, uyển chuyển tiết tấu như bốn mùa trời. (Phù Đại nhân giả dữ Thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung... - xem Kiền quái, Văn ngôn, hào cửu ngũ.).

Văn Đạo Tử, gần đây cũng chủ trương rằng học Dịch cốt là để tìm cho ra căn cốt tinh hoa của mình, tìm cho ra định mệnh sang cả của mình, tìm cho ra lẽ phản bản hoàn nguyên, chứ không phải vụ chuyện bói toán, sấm vĩ. (xem Văn Đạo Tử, Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, trang 9, quyển I.- Xem Dịch Học Nhập Môn của tác giả).

Dịch Kinh dạy chúng ta phải «Tẩy rửa tâm hồn, rút lui về nơi tâm linh ẩn náu». (Tẩy Tâm, thoái tàng ư mật 洗 心 退 藏 於 密 - Hệ Từ Thượng chương XI).

Dịch Kinh dạy cho chúng ta biết lẽ đời, lẽ Đạo hết sức là rõ ràng:

Thuận thì sinh nhân, sinh vật,

Nghịch thì sinh Thánh, sinh thần [3]

Tán thời sinh nhân, sinh vật (THÁI CỰC = ÂM + DƯƠNG)

Tụ thời sinh thánh, sinh thần (ÂM+DƯƠNG = THÁI CỰC)

KHÍ + THẦN = ĐƠN [4]

NHÂN + THIÊN = ĐẠO, NHẤT.

Và như vậy: Nương theo dịch lý, Chúng ta có thể khẳng định rằng: Không biết hướng nội, không biết hướng tâm, không biết thu thần định trí, suốt đời hướng ngoại, để cho tâm thần tản lạc vào những công việc vụn vặt, bên ngoài thì không thể nào thành thánh, hiền, tiên, phật được.

Thái Hư thị cũng đã nói: «Đơn Đạo, thánh công, không ngoài công trình hoàn phản». [5]

Những đóng góp của Kinh Thư

Kinh Thư nơi thiên Đại Vũ Mô, tiết 15, cho ta khẩu quyết để thành thánh hiền:

Nhân tâm duy nguy                   
人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi                           
道 心 惟 微

Duy tinh duy nhất                       
惟 精 惟 一

Doãn chấp quyết trung             
允 執 厥 中

Dịch:

Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng,

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.

Những đóng góp của Kinh Thi

Nơi thiên Đại Nhã đã cho chúng ta thấy cả một hoạt cảnh của dân chúng Trung Hoa thời cổ sơ, với niềm tín ngưỡng rất lạ lùng.

Thủa xa xăm ấy, dân chúng như dây dưa mọc lan man, chưa có nhà cửa sống trong hang cốc (Kinh Thi, chương Đại minh, Miên miên qua điệt)

Họ tin sùng Thượng Đế là tin rằng Thượng Đế sống rất gần gũi với con người.Trong cuộc giao tranh quyết liệt vơí binh sĩ vua Trụ ở Mục Dã, Võ Vương muốn gây tinh thần cho quân sĩ mình đã kêu lên: Thượng Đế ở với ba quân, ba quân đừng nghi ngại.

Kinh Thi viết:

Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng,

Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng Đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng, vững dạ. [6]

Lời kêu gọi đó làm cho binh sĩ nhà Châu, hứng khởi, ào lên đánh tan quân Thương Ân trong có một buổi sáng.

Kinh Thi viết thêm:

Nơi Mục Dã mênh mang rộng rãi,

Xe bạch đàn chói chói chang chang,

Ngựa tứ nguyên phau phau đẹp rỡ ràng,

Khương thượng phụ trông oai phong lẫm lẫm,

Ngài như chim ưng xoè tung đôi cánh,

Giúp Võ Vương thế mạnh xiết bao,

Cả phá Thương, ba quân tiến ào ào,

Sau một sáng, trời thanh quang trở lại. [7]

Thời buổi thô sơ ấy, nhân loại đã tin rằng Trời từ đáy thẳm lòng sâu tâm hồn, chiếu diệu ánh sáng muôn trùng ra để làm khuôn phép mẫu mực, để ra mệnh lệnh. Các bậc vương giả, hiền nhân thời ấy cố sống sao đức hạnh tuyệt vơì, để kết hợp với Trời, để có thể nên vẻ sáng của Trời như Văn Vương. Họ mong muốn được được đức hạnh như Trời (dữ Thiên, đồng đức).

Hễ thấy ai:

Đức sáng quắc sáng choang ở dưới,

Họ liền biết:

Mệnh hiển dương, chói lọi ở trên. [8]

Thời buổi thô sơ ấy, các bậc thánh hiền, vương giả đều tin rằng có Trời ngự trị trong lòng mình. Văn Vương nói:

Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm,

Chẳng phải long đong nhưng vẫn giữ được. [9]

Văn Vương lên tới trình độ đức hạnh siêu việt, nên như vẻ sáng của Thượng Đế, vì thế goị là Văn Vương, ý nói Thượng đế là chất mà ngài là Văn, là vẻ sáng Trời được phát huy ra.

Kinh Thi viết:

Việc Trời chẳng tiếng, chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin. [10]

Kinh Thi viết thêm:

Văn Vương trọn một niềm kính nể,

Làm chói chang Thượng đế ra ngoài,

Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,

Một lòng nhân đức chẳng phai lòng vàng. [11]

Thời buổi thô sơ ấy, dân chúng quan niệm rằng giữ vẹn đạo Trời, ấy là nối chí tổ tiên, ấy là hiếu kính. Mà giữ vẹn đạo Trời chính là sống một cuộc đời vẹn hảo, phối kết tất giao với Thượng đế.

Kinh Thi viết:

Muốn nhớ tới tổ tiên khi trước,

Hãy gắng công tích đức tu thân,

Mệnh trời phối hiệp vào thân,

Muôn ngàn phước lộc xa gần chiêu lai,

Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng Thượng Đế tất giao,

Gương nhà Ân hãy soi vào,

Mệnh Trời cao cả nhẽ nào dễ đâu. [12]

Kinh Thi viết thêm:

Mệnh Trời ấy há đâu có dễ

Muốn cho ta đừng kể tư thân,

Biểu dương phóng phát thiện chân … [13]

Tóm lại thời buổi ấy, những hiền nhân quân tử đã thông hiểu nhẽ: «Thiên Nhân tương dữ», tình Trời người cá nước duyên ưa, thiên ý, nhân tâm hòa hợp. Trời người cùng tấu khúc nhạc hòa hài.

Kinh Thi viết:

Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,

Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,

Tay cầm, tay giắt, khéo sao,

Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi. [14]

Những đóng góp của Kinh Lễ

Xuyên qua Kinh Lễ, ta thấy Nho giáo chủ trương:

Thời nào cũng như thời nào, con người sinh ra ở đời, không thể tự do muốn làm gì thì làm, mà phải tuân theo các định luật tự nhiên, các định luật sinh lý, tâm lý, nhân sinh, các định luật giao tế, xã hội. Tuân theo các định luật thiên nhiên ấy, ta mới có thể tạo cho mình một đời sống lý sự, đẹp, tươi vui, tạo cho mọi người và xã hội an vui, hòa hợp. Đó là điều kiện căn bản để tiến tới Chân, Thiện Mỹ.

Những định luật tự nhiên ấy đã được gắn liền ngay vào cơ cấu, ngay vào bản chất muôn loài, muôn vật, đã được gắn liền vào mọi động tác, mọi hành vi, mọi biến hóa để định thế nào là hay, là phải.

Nhưng, muồn tìm cho ra những định luật thiên nhiên ấy không phải là chuyện dễ.

Ta có thể tìm cho ra những định luật thiên nhiên ấy hoặc bằng trực giác, hoặc bằng phương pháp loại suy, hoặc bằng cách khảo sát lại lịch sử, quan sát hiện tại, hiện tình, hay dùng Dịch Lý mà suy diễn ra.Thế tức là: Muốn tìm ra những định luật thiên nhiên, phải hiểu vật, hiểu người, biết nay, biết xưa, khảo sát lại hiến chương của đờøi trước, tham khảo lại sự thành bại đời nay. (Bác vật, Thông nhân, tri kim, ôn cổ, khảo tiên đại chi hiến chương, tham đương thời chi đắc thất. -- Lễ ký chính nghĩa, tựa, tr. I. Xem Tống Bản Thập Tam Kinh, Lễ Ký).[15]

Nhận định trên rất quan trọng về phương diện đạo giáo, về phương diện tu thân, hoàn nguyên phản bản, vì lẽ nó xác định rằng: ĐỊNH LUẬT THIÊN NHIÊN chính là LUẬT TRỜI. Luật Trời ấy đã được ghi tạc ngay trong LƯƠNG TÂM con người, trong tâm khảm con người.

Những định luật gì không phải là thiên nhiên đều là nhân vi, nhân tạo, và không thể nào đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, Chân, Thiện, Mỹ, thật cho hoàn vũ.

Chính vì vậy mà nếu ta muốn qui nguyên phản bản mà lại phóng ngọai, mà hưóng ngoại tìm cầu, thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước, bắt cá ngọn cây.

Những đóng góp của kinh Xuân Thu

Kinh Xuân Thu, theo Đổng Trọng Thư, đưa ra hai ý niệm triết lý và đạo giáo sau đây:

- Trời Người có quan hệ mật thiết với nhau,

- Con người đúng với danh nghĩa của no,ù phải toàn thiện, hoàn hảo như Trời.

Đổng Trọng Thư cho rằng sách Xuân Thu cốt là để xiển minh cái quan niệm THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ, Nghĩa là Trời và Người có quan hệ mật thiết với nhau. Trời là Tổ của vạn vật, là tổ của con người. (Xem Trần Trọng Kim, Nho Giáo,II, tr.35).

Cho nên, khi ta mới sanh, chưa phải là người, vì con người xứng đáng với danh hiệu nó phải hoàn toàn như Trời. (Trần Trọng Kim, Nho giáo II, tr.35.)

Thế tức là, trong con người đã sẵn có Thiên Chân, Thiên tính, và đã sẵn có mầm mộng hoàn thiện. Con người có bổn phận làm triển dương mầm mộng hoàn thiện ấy, cho tới tinh vi cao đại. Chính trị, có bổn phận hướng dẫn, giáo hóa dân, thành tòan sứ mệnh cao cả ấy.

**********************           


* Những đóng góp của sách Đại Học

Nho giáo trước sau vẫn chủ trương rằng: Trời chính là căn bản,là gốc gác con người. Cái gốc gác, căn bản ấy lại tiềm ẩn, sâu xa, trong đáy lòng nhân loại, để làm Bản tính nhân quần.

Bản tính Trời, ấy là Gốc, mọi việc khác như tâm tư, thân xác gia đình quốc gia,xã hội thiên hạ, sư. v.v… là thân là cành, là ngọn. Không biết được gốc, làm sao mà trị được ngọn, không hiểu được Trời, làm sao hiểu nổi người. (Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên. 思 知 人, 不 可 以 不 知 天. – Trung Dung, chương XX.) [16]

Cho nên Đại Học chủ trương rằng người quân tử phải cố gắng học hỏi, mài miệt suy tư, để tìm cho ra cái khuôn Trời, cái Gốc Trời nơi mình. (cách vật) [17]. Đó là cái học cao siêu nhất, rốt ráo nhất (trí tri) rồi ra mới có thể « chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được.»

Tất cả chủ trương trên, đã được trình bày ngay ở đầu sách Đại Học.

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dậy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng,

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi, nhẹ gánh lo toan,

Hết lo, lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng sét suy,

Suy xét rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời, nghành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần Đạo, gần Trời còn chi,

Muốn Đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa, lo cải hóa dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên,

Muốn sửa mình, Tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn trước cốt Ý hay,

Ý hay phải học cho dày,

Dày công học vấn sẽ hay KHUÔN TRỜI. [18]

Hay Khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an,

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân, một mực lấy làm căn cơ... (Đại Học, I).

* Những đóng góp của sách Luận Ngữ

Xuyên qua đời sống đức Khổng, xuyên qua tâm tư, ý nguyện, xuyên qua những lời giảng giáo của đức Khổng trong Luận Ngữ, ta sẽ rút tiả ra được những bài học sau đây:

1.Con người phải có niềm tin vững mạnh về định mệnh sang cả của mình. Khi bị vây ở đất Khuông đức Khổng đã nói:

‘Văn Vương đã thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì khi Văn Vương đã thác, chẳng có ban nó cho ta. Bằng Trời chưa muốn mất vẻ sáng ấy, thì người dất Khuông làm được gì ta (Luận ngữ IX, 5)

2. Người quân tử phải biết lẽ Nhất quán của Trời Đất.

Đức Khổng nói: Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi 吾 道 一 以 貫 之. (Luận Ngữ, IV, 15).

Thế tức là có thể dùng chữ Nhất, mà tổng hợp, mà quán xuyến hết cả đạo Nho.

Nhất, như trên đã trình bày:

Là căn nguyên muôn loài, muôn vật,

Nhất là nguồn gốc mọi biến hóa.

Nhất là cùng đích muôn loài.

Con người từ Nhất từ Trời mà ra,

Chung cuộc lại trở về phối hợp với Nhất với Trời.

Đó chính là cái đạo Phối Thiên, đó chính là Trung Đạo (Luận Ngữ, XIII, 21) đó chính là Thiên Đạo, là cái Đạo mà sáng được nghe, chiều chết cũng cam. (Luận Ngữ, IV, 8)

3. Người đạo hạnh thực sự chỉ cần sống thuận thiên lý. [19]

Nghe, nhìn, nói, làm, luôn luôn phù hợp với định luật tự nhiên của đất trời. [20]

4. Người đạo hạnh thực sự phải biến đời mình thành một bài kinh trường thiên.

Đó chính là câu: Khâu chi đảo cửu hĩ 丘 之 禱 久 矣 của đức Khổng (Luận Ngữ VII, 34)

5. Người hành đạo thực sự phải sống phối kết với Trời, phải bắt trước Trời mà hành sự.

Đức Khổng nói: «Ta muốn thôi không nói nữa» Tử Cống nói: «Nếu thày chẳng nói, bọn đệ tử chúng tôi làm sao đem lời dặy của thày mà truyền lại đời sau cho được?» Đức Khổng đáp: «Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vần xoay, vạn vật luôn sinh hóa. Trời có nói gì đâu?» (Luận Ngữ, XVII,18).

6. Người đạo hạnh thực sự sẽ đạt tới tứ tuyệt 四 絕 như Khổng tử. (Luận Ngữ, IX, 4)

Vô ý 毋 意:  Không còn tình ý riêng tây.

Vô tất 毋 必:  Không còn bị ngoại cảnh gò bó.

Vô cố 毋 固:  Không cố chấp, mà cởi mở, mà khoan quảng, hòa đồng.

Vô ngã 毋 我:  Không còn cái tiểu ngã, không còn cái mình nhỏ nhoi ti tiện, mà hoàn toàn bác hậu phối địa, cao minh phối thiên 博 厚 配 地 高 明 配 天. (Xem Trung Dung, chương XXVI)

*Những đóng góp của sách Mạnh Tử:

 Mạnh tử là người đóng góp khá nhiều vào công trình khám phá cho ra con đường Qui nguyên phản bản của đạo Nho.

1.Ông dứt khóat chủ trương phải quay về tâm mà tìm đạo, tìm Trời. Nơi chương Tận tâm thượng ông viết:

«Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành.

Kiện toàn, hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui. [21]

2. Ông cho rằng trong thâm tâm ta đã sẵn có con đường đưa tới Đạo tới Trời, nhưng con đường ấy đã bị lau lách dục tình vùi lấp mất. (Kim mao tắc tử chi tâm hĩ. 今 茅 塞 子 之 心 矣 - Mạnh Tử, Tận Tâm Chương Cú Hạ.)

3. Ông khuyên mọi người thu hồi con tim phóng đãng luân lạc nơi ngoại cảnh trở về (Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ. 學 問 之 道 無 他, 求 其 放 心 而 已. - Mạnh Tử, Cáo Tử, chương cú thượng, câu II)

4. Ông chủ trương rằng: Đi sâu về phía tâm linh, sẽ tìm ra được Thiên tính, sẽ tìm thấy Thượng đế tiềm ẩn sẵn trong lòng con người. Nơi chương Tận Tâm Thượng ông viết: «Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính, tắc tri thiên hĩ. 盡 其 心 者, 知 其 性 也. 知 其 性 則 知 天 矣.» Tạm dịch:

 Thấu triệt lòng, sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời. [22]

 5. Ông cho rằng: Bảo toàn được tinh hoa cốt cách con người, bảo toàn được thiên tính, đó là chân đạo, đó là cách phụng sự Thượng đế tốt đẹp nhất. Ông viết: «Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã. 存 其 心, 養 其 性, 所 以 事 天 也.» Tạm dịch:

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai… [23]

6. Vì ông trực giác được rằng Bản thể tuyệt đối, đã tiềm ẩn sẵn trong đáy lòng con người, vì ông trực giác được rằng Thượng đế đã tiềm ẩn trong đáy lòng nhân loại để làm căn cơ gốc gác cho con người để làm khuôn phép, mẫu mực cho con người, nên ông mạnh dạn chủ trương:

BẢN TÍNH CON NGƯỜI THỜI HOÀN THIỆN (Mạnh Tử Cáo Tử thượng, 2) [24]

7. Mạnh Tử cũng là một trong những triết gia Nho giáo đã phân tách được rằng:

Dưới lớp nhân tâm còn có Thiên tính,

Dưới lớp Nhân dục, còn có Thiên lý làm chủ chốt.

Nhân tâm thời bất toàn.

Thiên tính thời vẹn hảo.

Nhân tâm mới chỉ là mầm mộng cuả sự toàn thiện, mới chỉ gồm có những mối manh hoàn thiện, như lòng trắc ẩn, tu ố, từ nhượng, thị phi.

Thiên tính mới là sự hoàn thiện tuyệt vời, gồm đủ cả Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. (Mạnh Tử Công Tôn Sửu thượng câu 6) [25]

8. Bồi dưỡng nhân tâm, cho nhân tâm triển dương tới mức độ tuyệt vời của thiê tính, khế hợp được với thiên tính, đó chính là công trình tu thân mà Mạnh Tử chỉ vẽ cho chúng ta... (Mạnh Tử Công Tôn Sửu thượng, 6) [26]

* Những đóng góp của sách Trung Dung

Xưa nay ai cũng công nhận rằng Trung Dung là tâm pháp của Nho giáo. Sách bắt đầu bằng chữ Thiên. Từ đó suy diễn ra Tam Đức (NHÂN, TRÍ, DŨNG), Ngũ Luân (Quân thần, phụ tử, phu phụ, côn đệ, bằng hữu) Cửu kinh (chín phép trị nước) Xem Trung Dung chương I,XX). Sau đó lại dùng Cửu kinh, Ngũ luân, Tam đức như là những bậc thang thần giúp cho con người triển dương, tiến hóa đến cùng cực tinh hoa (T.D 1) [27], đến Trung Dung, Trung Đạo [28], đến chỗ kết hợp với Trời mà Trung Dung gọi là Phối Thiên.[29] Như vậy sách Trung Dung cũng kết thúc bằng chữ Thiên, vô thanh, vô xú.

Sách rất cao siêu, nhưng cũng khó hiểu. Chính vì thế mà chúng ta cũng nên đặc biệt để tâm khai thác những điều huyền nhiệm mà Trung Dung tàng trữ bấy lâu, để đóng góp vào công trình đi tìm con đường Qui nguyên phản bản...

1. Hai chữ Trung Dung:

Chữ Trung, theo từ nguyên, là một mũi tên bắn trúng hồng tâm. Hội ý tiên nho, nhất là Trình Tử và Chu Hi,tôi đã giải hai chữ Trung Dung như sau:

Trung là tâm điểm,

Dung là hằng cửu, bất biến.

Như trên tôi đã trình bày, trong vòng biến thiên ảo hóa của vũ trụ, vạn hữu chỉ một tâm điểm bất biến, hằng cửu, ấy là Bản thể tuyệt đối, là Thái cực, là Đạo, là Trời.

Chính vì thế mà Kinh Dịch đã vẽ Thái cực ở tâm điểm vòng Dịch, còn các quẻ tượng trưng cho vạn hữu, hình tướng biến thiên bên ngoài thì vẽ lên vòng tròn bên ngoài, lên vòng biến dịch bên ngoài.

Tâm điểm vì ở giữa vòng biến thiên của vạn hữu, nên không hề nghiêng lệch bên nào. Tâm điểm, vì là cơ cấu, là căn cơ gốc gác muôn loài, nên cũng không dựa nương vào đâu. Chính vì thế mà Trình Tử mới nói: Trung là Bất Thiên, Bất Ỷ.

Muôn loài, muôn vật biến thiên, ắt phải có một căn do bất biến hằng cửu làm chủ chốt. Chính vì thế mà Trình Tử giải: DUNG là Bất Dịch. Thế tức là chỉ với hai chữ TRUNG DUNG, đức Khổng đã vạch ra cho chúng ta cả một chương trình hành động, cả một con đường giải thóat.

Nghĩa là:

Sống trong muôn ngàn hiện tượng biến thiên, chúng ta phải tìm cho ra căn cơ bất biến.

Ở đâu có biến thiên, ở đấy có căn cơ làm chủ chốt.

Ở nơi con người ta, có đày dãy mọi hiện tượng biến thiên. Như vậy trong con người chúng ta, phaỉ có một căn cơ bất biến làm chủ chốt.

Mà như trên đã trình bày, chỉ có trời có Đạo, có Thái cực mới bất biến. Suy ra: trong ta, chắc chắn phải có Đạo, có Trời, có một nguồn sống siêu nhiên vĩnh cửu làm chủ chốt.

Cái gì còn biến thiên thì còn ở trong vòng sanh tử. Cái gì bất biến mới thoát ra ngoài vòng biến thiên sanh tử. Thế nên, nếu con người muốn thoát vòng sinh tử, Phải đạt cho được tới TÂM ĐIỂM BẤT BIẾN, đạt tới TRUNG DUNG.

Đức Phật cũng đã nói: «Hỡi các tỳ khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được cái sinh, thành, ỷ, tạp.» [30]

Vivekananda cũng đã viết: Chúng ta trước hết phải đi tìm cho ra một tâm điểm phát sinh ra mọi bình diện sinh hoạt khác. Khi đã tìm ra được tâm điểm rồi, chúng ta mới mong tìm ra được một giải pháp. Đó là chương trình của chúng ta. Tâm điểm ấy ở đâu? Thưa nó ở ngay trong lòng ta. Các hiền triết cổ thời đã tìm sâu mãi vào tâm con người, cho đến khi khám phá ra được rằng TÂM KHẢM CON NGƯỜI CHÍNH LÀ TRUNG TÂM VŨ TRỤ.

Tất cả mọi bình diện khác đều xoay quanh tâm điểm duy nhất ấy, và chỉ từ đó, chúng ta mới tìm ra được giải pháp chung cho mọi người.» [31]

Văn Đạo Tử cho rằng: TÂM ĐIỂM chính là Thiên Đạo.

Vào được tâm điểm của lòng người, tức là vào được tâm điểm của vòng Dịch, tức là thoát luân hồi sinh tử, tức là vào được trục pháp luân theo danh từ của Phật giáo.

Ta hãy nghe Văn Đạo tử Tử trình bày: « Thiên đạo cư trung lập cực, nên vận chuyển muôn loài không sai thất, cũng như trong bánh xe, các vành xe và tai hoa xe vận chuyển không ngừng là nhờ trục xe. Nếu ta giữ vững được Trung điểm, tận dụng được Thái Cực, thì có thể chuyển vận vạn vật và có thể góp phần được với trời đất trong công trình hóa dục.

Cho nên người quân tử tu nhân đạo để hợp thiên đạo. Hợp thiên đạo tức là vào được trục của vòng Dịch, thóat ra ngòai vòng kiểm tỏa của hiện tượng, hỗ trợ muôn vật mà không tơ vương dính bén muôn vật, xoay chuyển vòng biến Dịch mà chẳng chuyển dịch với bánh xe biến thiên luân hồi.» [32]

Hoàng đế nói:  «Vũ trụ ở trong tay, vạn hóa sinh trong mình.»

Phật nói:  «Thu bể khơi vào trong sợi lông, đem núi TU DI lồng vào trong hạt cải, đâu phải là thuật lạ. Bất qúa là các ngài đã nắm được trục của pháp luân. Ôi vi diệu thay, trục của pháp luân, hỏi mấy ai đã biết? Chẳng rõ được trục mà chỉ biết nói pháp luân, luôn vận chuyển, thì chóng thì chày cũng bị vận chuyển theo pháp luân, làm sao thoát vòng sinh tử được?»

Như vậy nếu ta hiểu Trung Dung là Tâm Điểm Bất Biến, Nếu ta đặt hai chữ Trung Dung vào Tâm điểm vòng tròn, ta sẽ có ngay một chià khóa thần để mở các chốt then Đạo Giáo, thấu triệt được huyền cơ vũ trụ và con người. Thực vậy, nếu ta nhận định rằng Tuyệt đối hằng cửu bất biến ở tâm điểm vòng biến dịch, ta sẽ định ngay được rằng Tuyệt Đối Hằng Cửu ở ngay tâm điểm, ở ngay Trung Tâm Điểm não bộ ta, vì đầu ta chính là một hình tròn, vì não bộ ta chứa đựng muôn biến hóa. Lão Giáo gọi trung tâm não bộ là HUYỀN QUAN KHIẾU, là CỐC THẦN, là NÊ HOÀN. Phật giáo Tây Tạng với lời chú: Oum Mani Padme Hum đã xác nhận rằng giữa bông hoa sen nghìn cánh, naõ bộ con người đã có sẵn ngọc châu viên giác...

Học giả Lilian Silburn, trong tác phẩm Instant et Cause đã viết: «Tìm ra được chân tâm tương đương với Brahman Thượng đế, vừa là tâm điểm của lòng mình, vừa là tâm điểm của vũ trụ, là một khám phá lớn lao của các vị đạo sĩ Bà La Môn, sự khám phá này đã dẫn tới sự hình thành cuả bộ Áo Nghĩa Thư.» [33]

2. Những nét đặc thù của Trung Dung:

A. Con người với Trời có đồng một bản tính..

Trung Dung với mấy chữ vắn vỏi:

Thiên mệnh chi vị Tính nơi đầu sách đã cho chúng ta thấy rằng: Con người muốn bước vào Thiên đạo, muốn phản bản hoàn nguyên, trước hết phải có một nhận thức nghiêm chỉnh về bản thể mình, về bản tính mình.Trung Dung cho rằng bản tính con người là Thiên tính. Nói nôm na Bản tính con người và bản tính Trời là một.

Thế tức là sau những bộ mặt nạ hóa trang mà sân khấu đời đã bắt ta mang, sau những lớp bùn đất thời gian, ngoại cảnh, của những con nguời thực tại (Le moi empirique), còn đang luân lạc trong chốn hồng trần, còn có bộ mặt vô cùng xinh đẹp của con người lý tưởng (Le moi idéal ) ẩn khuất ở bên trong. Bộ mặt đó, người Á Đông thường gọi là Bản Lai Diện Mục.

Từ khi tôi khám phá ra được điều quan trọng này, tôi đã dùng nó như một kim chỉ nam để tìm cho ra đại Đạo khuất lấp trong những cánh rừng sâu tôn giáo và triết học trên thế giới.

Gần đây, có dịp đọc quyển Lịch Đại Cao Tăng Cổ Sử, tôi thấy đại sư Đạo Sinh, sống vào thời đại Nam Bắc triều bên Tàu, đời Lưu Văn Đế (424- 453) Cũng đã có chủ trương y hệt tôi. Đạo Sinh qủa quyết rằng: Nhà Nho gọi là Thiên Mệnh, thì nhà Phật gọi là Phật tính, mà Phật tính tức là Thiên tính. [34]

Bà La Môn cũng cho rằng: con người chân thực trong chính ta là Atman, là Brahman Thượng dế.Phật giáo nhất là trong kinh Đại Niết Bàn đã chủ trương rằng: Mọi người đều có Phật tính.

Thánh Kinh Công giáo cũng có một câu làm tôi hết sức sung sướng đó là: Thượng đế chính là sự sống của bạn. [35]

Nếu Thượng đế là sự sống của chúng ta, thì chắc chắn ngài là bản thể của ta vậy.

Hội nghị Thông thiên học quốc tế họp tại Salzbourg nước Áo, năm 1966, cũng có những lời tuyên ngôn hết sức nãy lửa. ví dụ:

- Trong ta có một vô cùng. [36]

- Giác ngộ tâm linh sẽ mặc khải cho thấy yếu tố thần linh duy nhất trong tâm thần mọi người. [37]

- Thời buổi này cần phải nhận chân rằng trong mọi người có một tàn lửa Thiên Chân, và những khả năng vô tận, vô biên. [38]

Tôn giáo xưa cho rằng Trời và người xa cách nhau, phẩm và chất xa cách nhau. Thông Thiên ngày nay dạy rằng: Trời Người là Một. [39]

B.- Nhân tâm thuận tòng Thiên tính, Thiên lý thế là chân đạo. (Suất tính chi vị đạo).

Theo Trung Dung đạo Trời thật chí giản chí dị. Muốn theo đạo Trời, muốn theo Thiên lý, con người chỉ cần lắng nghe tiếng gọi của Lương Tâm. Trung Dung gọi thế là Suất Tính.

Lương tâm luôn luôn dạy ta làm điều cao đại minh chính, luôn luôn dạy ta Từ Bi Hỉ Xả, Coi người như mình, trọng lễ nghĩa, khinh lợi.

Còn tâm tư chúng ta luôn luôn làm những điều tà ngụy, bất trung, bất chính, ích kỷ, hại nhân, luôn luôn muốn vọng hành, vọng niệm.

Như vậy thuận tòng thiên lý, tức là gạt bỏ những điều tà ngụy, để tiến tới công chính, từ bỏ mọi điều ti tiện cục cằn để vươn lên tới tinh hoa cao đại.

Bà H.P Blavastsky, trong quyển Mật giáo (Doctrine Secrète) đã viết: Chỉ có nguyên lý tuyệt đối, bất khả tư nghị, căn nguyên vạn hữu mới đáng có đền thờ và bàn thờ trong khu đất thiêng liêng và u tịch của long ta. Nguyên lý ấy mình không thấy, bắt không được, mung lung huyền ảo, nhưng ta vẫn có thể cãm thấy được qua trung gian tiếng nói thầm lặng của lương tâm. Kẻ nào thờ phượng Nguyên lý tuyệt đối ấy, phải thờ trong yên lặng và trong sự u tịch thiêng liêng ấy cuả tâm hồn mình. [40]

Bà Blavastsky còn viết: «Atman, Đại ngã … sẽ tỏ quyền năng cho kẻ nào có khả năng nghe được tiếng nói thầm lặng của lương tâm… Từ thủa ban sơ cho đến thời hiện đại, không một triết gia chân chính nào mà không mang trong đền đài u tịch của tâm hồn mình chân lý cao đại và huyền diệu đó. Nếulà trường hợp người được điểm đạo, thì sự học biết về lương tâm lại trở thành một khoa học thiêng liêng» [41]

C. Trời, luật trời, Đạo trời chẳng hề rời xa con người một phút giây.
Đọc câu Đạo dã giả bất khả tu du ly dã 道 也 者 不 可 須 臾 離 也 nơi đầu sách Trung Dung tôi đã tìm ra được ba nhận định hết sức quan trọng của người xưa về đạo giáo.

1. Một là trời chẳng hề xa con người.

2. Hai là luật trời chẳng hề có ở ngoài con người, mà đã được ghi tạc ngay trong tâm khảm, thâm tâm con người.

3. Ba là Chân đạo hay là con đường dẫn người tới Trời đã có sẵn ngay trong tâm hồn mỗi một người. 

Tôi cho rằng đó là những quan niệm hết sức xác đáng.

Trời chẳng hề xa con người.

Nếu trời là căn cơ gốc gác con người, thì Trời làm sao mà rời xa con người được?. Chính vì tin rằng Trời chẳng lià xa mình, nên người quân tử trong đạo Nho luôn luôn e dè kính cẩn, dẫu là khi ở một mình.

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn náo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi, càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng

(Trung Dung chương I)

Luật Trời chẳng lià xa con người.

Chương XII Trung Dung viết:

Đạo luôn gần gũi người đời,

Những ai lập đạo xa rời chúng dân,

Hiếu kỳ lập dị là nhầm.

Kinh Thi viết:

Đẽo cán rìu có liền bên cán mẫu,

Trông lại nhìn cố đấu cho in.

Ngắm đi, ngắm lại liền liền,

Đẽo lui đẽo tới mắt xem chưa vừa,

Nên người quân tử, khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người,

Thấy người giác ngộ thời thôi,

Đã chiều cải hóa liệu bài ta ngưng.

4.- Con đường từ người dẫn đến Trời đã có sẵn trong tâm thân con người.

Nhận định này chỉ là một sự suy diễn tự nhiên của quan niệm Trời chẳng xa người đã đề cập ở nơi trên.Thực vậy đạo chẳng qua là sự tìm ra được Trời ngự trị trong lòng mình, tìm lại được bản tính thần minh sang cả cuả mình, bắc được nhịp cầu giữa lòng mình với Thần Trời trong mình, phạt quang được gai góc, lách lau của thất tình, lục dục, phá tan được lớp sương mù dày đặc của sự ngu si mê vọng. Cho nên con đường trở về Thiên quốc, con đường quy nguyên phản bản Nho giáo, không thể nào tìm thấy được trên muôn vạn nẽo đường của trần ai ngọai cảnh, của muôm dặm thinh không mà chính là đã có sẵn trong tâm thần chúng ta.

Chu Hi khi bình chương nhất Trung Dung viết:

Tử Tư nương ý chân truyền,

Trung Dung hạ bút nói liền duyên do,

Nguồn đạo ấy phát từ Thượng Đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn tòan đầy đủ nơi người,

Một giây một phút chẳng rời khỏi ta.

Rồi bàn tiếp chi là cần thiết, lẽ Dưỡng, Tồn, Tỉnh, Sát v.v. Cuối cùng, tác giả luận bàn,

Sức thiêng biến hóa thánh thần uy linh.

Những học giả muốn tìm đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai,

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.

(chương nhất, lời bình của Chu Hi).

Thông Thiên học cũng chủ trương phải tìm Đạo, tìm Trời ngay trong lòng mình. Ông Joy Mills, trong một bài thuyết trình tại đại hội Thông thiên quốc tế ở Salzbourg, có trích dẫn một đoạn Upanishad như sau:

Có một ánh sáng chiếu soi khắp cùng trời đất, đó là ánh sáng chiếu soi trong lòng chúng ta. Có một nhịp cầu nối liền thời gian và vĩnh cưủ, và nhịp cầu ấy là Thần con người. Trên cầu ấy, chẳng có ngày đêm, chẳng có lão tử, chẳng có sầu muộn ưu tư.

Một khi đã tìm thấy nhịp cầu ấy, con người sẽ nhìn thấy rõ tương lai và sẽ khỏi hết thương tích, bệnh tật. Đối với ai đã vượt được qua cầu ấy, đêm sẽ trở thành như ngày, vì trong thế giới thần linh, có một ánh sáng vĩnh cửu. [42]

Đại hội Thông Thiên ở Salzbourg còn nhận định rằng: «Người ta thấy được Thượng Đế trong tạo vật Ngài. Ngay trong lòng mình, con người có thể tìm thấy đời sống Thượng đế. Về phương diện đạo giáo, sự khám phá này cũng vĩ đại như sự khám phá ra nguyên tử năng. Nó cho con người quyền lực tinh thần không bờ bến, cũng như nguyên tử năng đã cho con người một sức mạnh kỳ diệu.» [43]

C. Những phương pháp tổng quát để tiến tới Trung Dung, tới tuyệt điểm tinh hoa.
Sau khi đã vạch rõ cho con người thấy rằng mình có một căn cơ hết sức sang cả, đó là Thiên tính, sau khi đã cho con người thấy rằng, Trời và định luật Trời, con đường đưa về Trời dã có sẵn cả trong tâm, Trung Dung đề ra ba phương pháp chính yếu để giúp con người tiến tới hoàn thiện.

Mở mang trí tuệ để đi đến chỗ đại trí, đại giác. Đó là TRÍ.

Luôn luôn thực thi những điều hay, để trở nên hoàn thiện. Đó là NHÂN.

Cố gắng không ngừng để đi đến chỗ tinh vi cao đại. Đó là DŨNG.

Trung Dung (ch. XX) viết:

Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao,

Muốn nên hùng dũng, anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

Trí, Nhân, Dũng, tu thân ấy lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người,

Trị người hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa...

Muốn phát huy những năng lực nội tại, những đức tính nội tại, con người không cần phải vào thâm sâu cùng cốc, mà chỉ việc vui sống với mọi hoàn cảnh mình gặp trên bước đường đời (Trung Dung XIV), mà chỉ cần kiên gan bền chí, đừng bán đồ nhi phế (Trung Dung XI).

D. Mục đích của con đường phản bản hoàn nguyên là PHỐI THIÊN.
Sau khi đã dùi mài học hỏi, suy tư đến mức khai thông được trí huệ, sau khi đã tha thiết thực thi những điều hay, điều phải đến mức Nhân Đức vẹn toàn, sau khi đã cố gắng phát huy được những năng lực tinh thần, để có thể tiến tới mức tinh vi cao đại, đến chỗ chí cao, chí mỹ, chí thành, chí thiện lúc ấy con người sẽ đạt đích.

Trung Dung gọi sự đắc đạo, đạt đích là đạt tới Trung Dung. Trung Đạo, là «Thung dung Trung Đạo», là PHỐI THIÊN, là sống phối kết, hợp nhất với THƯỢNG ĐẾ.

Trung Dung (ch. XXXI) phác họa bậc thánh nhân ấy như sau:

Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí huệ,

Y như thể có Trời ẩn náo, giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần,

Y như thể có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát tự cường, kiên cương, hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng,

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng đôi phân kính cẩn,

Nói năng văn vẻ, rỡ ràng, cẩn thận,

Y như là đã chia được phần thông suốt, tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm ứng dụng phải thì

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực, muôn trùng sâu thăm thẳm,

Thấy bóng Ngài dân một dạ kính tôn,

Nghe lời Ngài dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động muôn dân đều hoan lạc.

Nên thanh danh Ngài vang lừng Trung quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài,

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che, và đất chở,

Đâu còn có nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng, đâu có sương rơi,

Đâu còn có dòng máu nóng con người.

Ở nơi đó, Ngài vẫn được tôn sùng qúy báu,

Thế nên gọi là «CÙNG TRỜI PHỐI NGẪU».


**********************           


* Phần đúc kết

Trên đây tôi đã dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh phác họa lại con đường phản bản, hoàn nguyên. Tôi đã đi vào nhiều chi tiết, viện dẫn nhiều chương cú, để trình bày cặn cho kẽ các khía cạnh, các giai đọan của con đường đó. Trong khi làm công việc đó, tôi sợ đã làm tản mạn tâm tư của qúy vị. Để đền bù lại, tôi xin toát lược thực giản dị lập trường và chủ trương của Nho giáo về vấn đề Qui Nguyên Phản Bản như sau:

Muốn phản bản hoàn nguyên, phải nhận ra được rằng mình có Thiên tính, mình là dòng dõi Trời, là những vì thiên tử, những vì con của Thượng Đế luân lạc xuống cõi hồng trần này, cho nên phải phấn đấu để phục hồi nguyên vị cũ, trở lại quê hương cũ.

Thứ đến phải nhận định được rằng Trời hay Đạo chẳng có ở đâu xa, mà đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Như vậy liền biết được ngay là muốn tìm Đạo, tìm Trời phải trở về nơi tâm mà tìm kiếm.

Vì trong ta có Trời, có thiên tính, cho nên muốn trở về với Trời phải rũ bỏ phàm tâm, nhân tâm để mặc lấy Thiên tâm, Thiên tính.

Mà nhân tâm là những gì bất toàn, những gì qui ước, những gì nhân vi nhân tạo, những gì phản ảnh lại hoàn cảnh lịch sử, điạ dư, chủng tộc, phong hóa, tập quán bên ngòai.

Mà Thiên tính là những gì tòan hảo, chí công, chí chính, siêu không gian và thời gian, những gì thiên nhiên, thiên tạo.

Rũ bỏ nhân tâm, phàm tâm. Mặc lấy Thiên tâm tức là vượt lên trên những gì biến thiên, để đi vào vĩnh cửu, vượt lên trên sinh tử, để đi vào trường sinh, vượt lên trên những gì ti tiện, để trở về tinh hoa, cao đại, vượt lên trên khiếm khuyết, bất tòan, để thực hiện viên mãn, toàn hảo.

Có làm song được công trình này mới mong hợp nhất được với Thượng Đế, Phối Thiên, Phối mệnh, Thung dung Trung Đạo, duy Nhất, duy Tinh.

Cách đây hơn hai mươi năm, trong khi soạn thảo Trung Dung, tôi đã đúc kết lại Tinh hoa đạo Nho bằng ít vần thơ lục bát. Những vần thơ ấy đồng thời cũng phác họa lại con đường Phản Bản Hoàn Nguyên của Nho giáo, nay xin đem cống hiến quí vị và cũng là để tổng kết lại đề tài này:

Luân lạc mãi tới bến bờ xa lắc,

Trong đêm tăm, phiêu dạt biết về đâu,

Lênh đênh sống trên trùng dương thời khắc,

Chẳng buông neo, dừng lại được ngày sao?

Biên khu luân lạc từ bao,

Tìm sao cho thấy đường vào Trung Dung,

Đường Trung Dung linh lung ẩn khuất,

Nẻo Bồng Lai gai dấp, lau che, (Mạnh Tử Tận tâm chương cú hạ)

Bao giờ mới tỉnh giấc mê,

Bao giờ tâm tư mới hướng về tinh vi?

Bao giờ cái thế nguy mới hết,

Biết bao giờ Nhân hiệp với Thiên?

Bao giờ Thiên mệnh sáng lên,

Trời mây khắp chốn ấm êm, hiệp hòa

Gẫm cho kỹ Tính là thiên mệnh, (Trung Dung I)

Là tinh hoa, là chính đạo Trời,

Vừng trăng minh đức sáng ngời,

Mà mây nhân dục lấp vùi mất trăng.

Nhưng trăng sáng muôn năm vẫn sáng,

Mây dù che, chẳng phạm đến trăng,

Chỉn e trần thế tối tăm,

Con đường phiêu lãng muôn phần gian lao.

Trời cao cả nhẽ nào chẳng sợ,

Trời chẳng xa, trời ở đáy lòng.

Cho nên nội kính, ngoại cung, (Trung Dung I)

Mắt nhìn chẳng thấy, tưởng chừng kề bên,

Trời tuy thị vô biên, vô tận,

Nhưng mà trời vẫn lẩn trong tâm.

Thật là kỳ ảo khôn cùng,

Không hơi không tiếng vẫn lừng uy danh.

Khuôn phép Trời chí thành chí thiện,

Tiếng của Trời là tiếng lương tâm,

Mới hay trong chốn cát lầm,

Muôn ngàn đã sẵn vô ngần ngọc châu,

Mới hay giữa sông sâu, núi thẳm,

Vẫn có đường bằng phẳng thênh thênh,

Đường Trời rong ruổi mặc tình,

Không xiên, không vẹo, không vênh, không tà,

Đường Trời nọ bao la thảng đãng,

Không quanh co, không vặn, không xiên,

Đường Trời phẳng lặng êm đềm,

Không hề tráo trở, đảo điên vạy vò,

Đường Trời nọ thẳng vo thẳng tắp,

Vút một lèo tới cực cao minh,

Đó là duy Nhất, duy Tinh, (Kinh Thư, Đại Vũ Mô)

Đó là Thái cực tinh thành xưa nay.

Cuộc phù thế chớ say danh lợi,

Bả lợi danh phất phới, hão huyền,

Chớ mê những cái đảo điên,

Mà quên mất cái vững bền ngàn thu,

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt căn nguyên.

Căn nguyên là chính THANH THIÊN,

Vô biên vô tận triền miên không cùng.

Bỏ phù phiếm tìm tông, tìm tích,

Dương cung thần ngắm đích Thân Tâm,

Bắn vào Trung điểm Tâm Thần,

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than,

Như trăng sáng băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu Ngưu, đượm vẻ thần tiên.

Ấy là tâm pháp thánh hiền,

Ấy là Trung Đạo tương truyền xưa nay.

Máy tạo hóa phơi bày trước mắt,

Lẽ huyền vi đâu bặt tăm hơi,

Mới hay muôn sự tại người,

Một lòng vàng đá, thì Trời cũng thua.

Hãy học hỏi cho ra gốc ngọn,

Hãy cố công làm trọn mệnh Trời,

Tim kia lạc lõng tả tơi,

Thu về đừng để vãi rơi ngoài đường, (Mạnh tử, Cáo tử thượng,câu 2)

Tính Trời ấy khuôn vàng thước ngọc.

Phải chắt chiu bao bọc ngày đêm.

Tồn tâm dưỡng tính cho chuyên,

Tơ hào nhân dục, chớ hoen gương Trời. (Mạnh Tử Tận Tâm thượng I)

Lòng băng tuyết thảnh thơi, thãng đãng,

Sống đơn sơ, kết bạn vô biên,

Rộng dày cùng đất sánh duyên,

Cao minh kết ngãi thanh thiên muôn nghìn. (Trung Dung XXVI)

Mỗi động tác phải nên gương mẫu,

Mỗi hành vi nên dấu nên khuôn, (Trung Dung XXIX)

Lời lời, ngọc nhả châu phun,

Lưu cho hậu thế muôn ngàn dài lâu.

Gẫm đạo lý có sau có trước,

Lẽ Âm Dương có ngược có xuôi.

Xuôi là gió cuốn bụi đời (Thiên Phong Cấu)

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

 Ngược là sấm chớp tơi bời, (Địa Lôi Phục)

Tầng sâu bày giải căn trời nội tâm.

Trông tỏ đức chí nhân chí chính,

Biết mục tiêu sẽ định, sẽ an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường Phối Mệnh chu tòan tóc tơ.

Vốn hoàn thiện quang hoa mọi nhẽ,

Ấy tính trời muôn vẻ tinh anh,

Quang minh rồi mới tinh thành, (Trung Dung XXI)

Ấy nhờ giáo hóa tập tành mà nên.

Đã hoàn thiên tất nhiên thông tuệ,

Thông tuệ rồi ắt sẽ tinh thành.

Việc gì tính trước cũng linh, (Trung Dung XX)

Không toan tính trước âu đành dở dang.

Lời xếp trước hoang mang khôn nhẽ,

Việc tính rồi, hồ dễ rối ren,

Hành vi đã sẵn chốt then,

Sẽ không vấp vướng, sẽ nên tinh thành.

Đạo làm người có rành duyên cớ,

Sẽ mênh mang muôn thủa muôn đời..

Hoàn toàn là đạo của Trời, (Trung Dung XX)

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy, cũng đúng chẳng sai,

Thung dung Trung Đạo tháng ngày,

Ấy là vị thánh từ ngay lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, mới mang thi hành.

Đã định học chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi,

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua,

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thân tòan thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh,

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê, sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Rồi ra cũng sẽ ra lòng sắt son. (Trung Dung  XX)

Đạo quân tử như in lữ thứ,

Muốn đi xa phải tự chỗ gần.

Đạo người như cuộc đăng san,

Muốn lên tới đỉnh, đầu đàng là chân. (Trung Dung XV)

Việc trời thực muôn phần huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn náo khôn cùng,

Cho hay đức nhẹ như lông,

 Nhưng lông chưa thoát được vòng trọng khinh, (Trung Dung XXXIII

Đức Trời thực uy linh siêu việt,

Không tiếng tăm trác tuyệt vô cùng.

Cho người cái đạo Trung Dung,

THIÊN NHÂN NHẤT QUÁN, thần thông diệu huyền.

Khủng cụ rồi, phối thiên phối mệnh. [44] (Trung Dung I, XXV, XXXI)

Ấy đầu đuôi, động tĩnh phù trầm.

Nguyên lai, bản mạt, thiển thâm,

Hiển vi tụ tán, xa gần, ngược xuôi. [45]

Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,

Áo thô sơ che dịu gấm hoa. (Trung Dung XXXIII)

 Rồi ra vàng ngọc chói lòa,

Trời người định vị, trung hoà vô biên.

******

Trên đây tôi đã khai triển Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Nó chỉ gồm có mấy chữ: Nhất thể tán Vạn Thù, Vạn Thù qui nhất Thể, hay nói gọn hơn là Nhất Thể Vạn Thù. Bản thể thì có Một, Hiện Tượng hay Ứng Dụng bên ngoài thì muôn vàn, Tất cả những Hiện Tượng, những Ứng Dụng ấy lúc chung cuộc lại trở về Nhất. Thế là Nguyên Thuỷ phản chung, thế là Qui Nguyên Phản Bản.

Con đường Sinh Hoá của Trời Đất là con đường Phát Tán, con đường chúng ta Qui Nguyên Phản Bản là con đường Hội Tụ, Hiệp Hoà.

Quan niệm Nhất thể vạn thù đã đưa đến những hệ quả sau đây:

---*1. Các bậc danh nho như Mạnh Tử, như Vương Dương Minh đều tin vào thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể, tin rằng mình có thể sống kết hợp với Đạo, với Trời.

 Trình Y Xuyên (1033- 1107) nói: «Dịch giả, Thiên Nhân Hợp Nhất nhi dĩ hĩ.» (Dịch chỉ là Người và Trời hợp nhất mà thôi).

 Trương kỳ Quân, tác giả bộ Trung Quốc ngũ thiên niên sử đã viết: «Dịch chi vi thư quảng đại tất bị, vô sở bất bao, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi minh Thiên Nhân hợp nhất chi đạo.» (Sách Dịch mênh mông bao quát, nhưng nói cho ngay, chỉ dạy nhẽ Thiên Nhân hợp nhất mà thôi).

 Ngày nay người ta đọc sách Nho, xưng mình là Nho Học, nhưng ít người hiểu được rằng Tính con người chính là Thái Cực, thật là vẹn hảo. Con người không biết chuyện đó, chính vì xã hội đã làm cho họ sai lầm mà thôi.

---*2. Hai nữa, người ta không biết rằng con người có 2 tính: một là Tính Trời hay Thiên địa chi Tính, hai là tính người, hay Khí Chất chi tính. Tính người chính là thất tình, lục dục cần phải gột bỏ. Tính Trời thì quang minh chính đại, nó là ngọn đuốc Lương Tâm, luôn luôn ở trong con người, để soi sáng cho con người. Chính vì thế mà Nho Gia sau trứớc chỉ dạy: Khử nhân dục (Nhân tâm), tồn Thiên Lý (Thiên Tính hay Thái Cực) mà thôi.

---*3. Ngày nay người ta hay chê mình là kẻ xấu, kẻ hèn mọn, tội lỗi. Những người có tư tưởng sai lầm như vậy, dẫu tu suốt đời cũng không sao tiến bộ được. Thực là uổng phí cuộc đời.

Người ta cũng không biết rằng: Tuy vạn tượng thời biến hóa khôn lường, nhưng Bản thể hay Bản Tính chúng ta thời trường tồn bất biến. Nên nếu chúng ta muốn trường sinh bất tử phái rũ bỏ những gì biến thiên, tức là Vọng tâm hay Nhân tâm, mà chắt chiu cái gì vững bền muôn thủa, đó là Thái Cực hay Thiên Tâm, Thiên tính của chúng ta.

Dịch kinh nơi quẻ Hằng đã viết: Thiên địa chi Đạo hằng cửu nhi dĩ dã. Quan kỳ sở Hằng, Thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ. Đạo Trời thời thường hằng vĩnh cửu. Hiểu nhẽ đó, sẽ biết tình ý của muôn loài. Tiếc thay nay có ai hiểu thế nào là Hằng, Biến đâu.

Dịch gọi Hằng cửu đó là Thái Cực. Nó đã nằm sẵn trong lòng sâu con người. Dịch gọi đó là Điểm Trung Hoàng. Tìm ra được nó, nhiên hậu mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.

Văn Ngôn hào Lục Ngũ quẻ Khôn viết:

Hiền Nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh, mỹ miều.

Phát ra sự nghiệp cao siêu.

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.

Trung Dung là sách dạy ta tìm về Tâm Điểm bất biến đó của vũ trụ. Trung Dung gọi đó là Đạo Trung Dung, hay đạo Trời.

Trung ấy là không nghiêng, không ngửa,

Trung ấy là muôn thuả y nguyên.

Trung là Đạo chính mọi miền.

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa,

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Truyền cho Mạnh tử thành pho sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏe thành muôn.

Tung ra tản mạn khắp muôn phương trời,

Thu tóm lại, dấu nơi ẩn áo,

Hay sao hay, kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý mầu,

Thông ý mầu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.

(Trung Dung, Chu Hi chương cú). 

---*4. Trung Dung chia con người thành ba phần:

Tính (Thiên tính, Thiên Tâm, Lòng Trời = Thiên đạo).

Tâm (Nhân tâm, nhân dục, khí chất chi tính, lòng người =Nhân Đạo).

Xác (vật chất = Vật đạo).

Và như vậy con người cũng có 3 thứ Đạo:

a.- Thiên Đạo, nghĩa là con người phải trở thành thần, thánh. (Trung Dung XX, XXI, XXV, Dịch, Hệ Từ hạ,X)

b.- Nhân đạo, nghĩa là con người phải ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người.

c.- Vật đạo, nghĩa là con người phải được no ấm, hẳn hoi khoẻ mạnh. (Trung Dung, chương 20, chương 21, chương 25, chương 31; Dịch kinh, Hệ Từ hạ, chương X)

 Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa cũng chủ trương như vậy.

 *Kinh Thư, thiên Đại Vũ Mô, 15 viết:

Nhân tâm duy nguy                   
人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi                           
道 心 惟 微

Duy tinh duy nhất                       
惟 精 惟 一

Doãn chấp quyết trung             
允 執 厥 中

Dịch:

Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Lòng Trời thì bất biến, lòng con người thì biến thiên. Thế là thấy được lẽ Biến, Hằng trong ta vậy.

Bất kỳ là theo đạo giáo nào, không hiểu những điều căn bản trên là không biết gì về Đạo (Thái Cực), về duyên do và cùng đích của Đạo, của con người.

---*5. Đạo Khổng đã tìm ra Thiên Đạo và đã mô tả cái Đạo Phối Thiên, cái Đạo Huyền Đồng (Mysticism) trong thiên Văn Vương, Đại Nhã, Kinh Thi.

---*6. Đạo Khổng, theo Kinh Dịch cũng mô tả sự Tiến Hoá con người, và lịch sử, qua 2 chiều Tinh Thần và Vật Chất. Con người từ Trung điểm vòng Dịch đi ra vòng biến dịch ngoại cảnh, thoạt đầu sẽ đi vào con đường vật chất, qua sáu giai đoạn là Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn. Khôn là giai đoạn Vật Chất cực thịnh. Sau đó con người đi vào Tinh Thần, tìm hiểu và xây dựng Tinh Thần qua sáu giai đoạn: Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải, Kiền.

Phục là giai đoạn hồi phục, bỏ Chiều Âm sang chiều Dương, là lúc con người thấy mình có Thiên Địa chi tâm (Xem Dịch Kinh, quẻ Phục.) và là lúc con người khoảng 35, 40 tuổi.

Kiền là giai đoạn Tinh Thần cực thịnh.

Sau đó con người bước vào Giai Đoạn Thái Cực bất biến, ở Trung Cung, Trung Điểm vòng Dịch.

Chính vì thế mà Thiệu Khang Tiết mới nói: Vạn vật tòng Trung nhi khởi, tòng Trung nhi chung.

Có đi hết các giai đoạn biến dịch này, ta mới hiểu được lẽ Trời, ý Trời, hiều được bản tính chí thiện cũa con người, và mới hiểu được Mệnh Trời, là tiến hóa đến hoàn thiện để trở về kết hợp với Trời, Cao Minh Phối Thiên.Vì thế mà Dịch mới nói: Cùng lý, tận Tính dĩ chí ư Mệnh. (Dịch, Thuyết Quái, chương I) hoặc: Kiền Nguyên dụng cửu: Thiên hạ trị dã. Hay Kiền Nguyên dụng cửu, nãi kiến Thiên tắc. (Quẻ Kiền, Hào Dụng Cửu):

Kiền Nguyên biến hóa xong rồi,

Bấy giờ thiên hạ nơi nơi trị bình.

Hay:

Kiền nguyên biến hóa xong rồi,

Bấy giờ mới thấy luật Trời hiện ra.

---*7. Con người thực sự có hai chiều hướng tiến hóa, suy tư: Hướng ngoại (Extroversion, Extrovert), và Hướng nội (Introversion, introvert). Nho gia gọi Introversion là Phản cung, hay Phản thân. Nhưng người xưa ít ai biết thế nào là Phản thân. Có lẽ Chu Hi đã tìm hiểu thuyết Cùng Lý ở ngoài tâm, còn Lục Tượng Sơn và Vương Dương Minh đã đi vào Tâm mà tìm hiểu thuyết Cùng Lý.

---*8. Nho gia đã đề cao Lương Tâm, và coi Lương Tâm chính là Trời. Tôi cũng nhận xét rằng Lương Tâm chính là Phật Tính là Bản Lai Diện Mục, là Đạo, là Trời trong ta. Cho nên ăn ở theo đúng Lương Tâm chính là Chân Đạo. Thật là giãn dị vậy.

---*9. Thực ra, con người là một phân bộ trong thống thể vũ trụ, nên có liên quan mật thiết đến vũ trụ.

 Trình Minh Đạo (1032- 1065) viết: «Vạn vật dữ ngã nhất thể dã.» (Ta và vạn vật đều chung một bản thể.)

 Lục Tượng Sơn (1140- 1192) viết: «Việc ở trong vũ trụ chính là việc trong bổn phận mình; việc ở trong bổn phận mình, tức là việc ở trong vũ trụ.» (Phan Bội Châu, Khổng học Đăng II, tr. 715)

 Linh Mục Vương Xương Chỉ, trong quyển Triết Học Luân Lý của Vương Dương Minh đã viết: «Tin rằng vũ trụ này là một thống thể, trong đó sự thác loạn của một bộ phận có ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ, tin rằng con người là tâm điểm vũ trụ, tâm con người là tâm vũ trụ, đó là tư tưởng hàm tàng trong kinh điển, và đã được các triết gia thời Tống chủ trương. Cũng như các triết gia Trung Hoa khác, Vương Dương Minh (1472- 1528) cũng nhắc lại: Con người là tâm điểm vũ trụ. Vũ trụ và ta là một thống thể.» [46]

 Linh Mục Matteo Ricci (1552- 1610) sang giảng đạo bên Trung Hoa vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 đã nhận định như sau: «Trào lưu tư tưởng mà nhiều người đã theo hiện nay, theo tôi có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống Nho). Quan niệm ấy là: Thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, người vật, cỏ cây, tứ tượng đều hợp thành một phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Trời.» [47]

 Một học thuyết cao siêu như vậy, mà một nhà truyền giáo trứ danh như Ricci lại cho là tà giáo, tà thần, thì thật là đáng thương cho Ricci vậy.

---*10. Mọi người đếu giống nhau về phương diện bản thể.

Mạnh tử nói: «Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những bậc thánh nhân với chúng ta đều cùng một loại...» (Mạnh tử, Cáo tử chương cú thượng, tiết 7).

---*11. Con người có thể tiến tới Đại thể, có thể hoà đồng với Đại Thể vũ trụ. Đó chính là chủ trương: Cao minh phối Thiên, Bác hậu phối địa của Trung Dung, (Trung Dung, XXVI)

 Trình tử cũng cho rằng: «Thánh nhân phải có một tầm kích mênh mông như vũ trụ.» (Thánh nhân hữu Thiên Địa chi lượng dã.- Uyên Giám loại hàm, nơi chữ Thánh, tr. 4670).

---*12. Thế giới là một nhà, người trong bốn biển đều là anh em.

 Trương Hoành Cừ (1020- 1077) làm bài Tây Minh tóm tắt đại khái nhân sinh quan mình như sau: «Lấy thế giới làm một nhà, Trời đất làm cha mẹ, nhân loại làm anh em, vạn vật làm đồng loại của mình. Vì xem thế giới là một nhà, trời đất là cha mẹ, nên người ta phải giữ cho tròn bổn phận làm người, vì xem nhân loại đều là anh em, vạn vật đều là đồng loại, nên người ta phải rộng lòng nhân ái.»

Lễ Ký nơi thiên Lễ Vận đã đề ra một thế giới đại đồng.

Kinh Dịch, nơi quẻ Đồng Nhân, cũng đã đưa ra một viễn tượng đại đồng mai hậu.

Thế mới hay đức Khổng là vị thánh nhân. Ngài chẳng những dạy con người phải tổ chức một đời sống quốc gia xã hội cho hoàn hảo, để mọi người sống trong an bình, hạnh phúc, tương thân, tương ái, mà còn truyền dạy đạo Trời, hay đạo Trung Dung, một thứ Đạo huyền đồng, mà Kinh Thi đã trình bày trong Đại Nhã, mà Luận Ngữ đã khen là «sáng mà nghe biết, chiều chết cũng cam» (Luận Ngữ IV, 8).

 Tôn chỉ đạo ấy là:

a- Trong Tâm ta còn có Thần Trời, nghĩa là trong Nhân Tâm còn có Đạo tâm.

b- Con người có bổn phận dùng đời mình để siêu xuất phàm tâm, phối hợp với Thiên Tâm.

 Mục đích của công phu tu luyện của cuộc đời đạo hạnh chân chính là sống phối kết với Thượng Đế.

 Tất cả tôn chỉ ấy đã được cô đọng trong mấy câu khẩu quyết mà xưa vua Nghiêu đã truyền cho vua Thuấn:

Nhân tâm duy nguy                   
人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi                           
道 心 惟 微

Duy tinh duy nhất                       
惟 精 惟 一

Doãn chấp quyết trung             
允 執 厥 中

(Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15)

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.

---*13. Trong đạo Nho có mấy chữ hết sức khó hiểu: Đó là chữ CÁCH VẬT, và chữ THÀNH.

Danh Nho xưa nay như Chu Hi, Vương Dương Minh dịch mỗi người một cách. Rất là khó hiểu.

Tôi dịch: CÁCH VẬT là KHUÔN TRỜI. Trong tiếng Việt có chữ Cốt Cách trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ có câu:

Bình dẫu phá, còn lề cốt cách.

Câu sách Đại Học: «Trí tri tại cách vật. Vật cách nhi hậu tri chí» tôi dịch như sau:

Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời

Hay Khuôn Trời ắt thôi thấu triệt.

Chữ THÀNH xưa nay dịch là Thành Thật.

Tôi thấy không đúng, và tôi dịch THÀNH là Hoàn Thiện.

Cho nên câu Trung Dung: Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi gỉa nhân chi đạo dã (Trung Dung XX), tôi dịch là:

Hoàn toàn là Đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Dịch đúng câu văn trở nên linh động và trong sáng hơn nhiều.

Như vậy tôi đã dùng Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nhất Tán Vạn, Vạn qui Nhất để trìng bày Đạo Khổng. Lối trình bày của tôi còn vụng về, nhưng mong quí vị thấy được Lẽ Nhất Quán của trời đất khi tôi trình bày Phật, Lão, Khổng, và cho chúng ta thấy rằng rõ ràng là chúng ta có một con đường về với Chân Tâm, với Đạo, với Trời. Đó là con đường Hướng Nội, con đường đi vào Tâm Linh, từ Vọng Tâm lên tới Chân Tâm (Phật), từ Tâm lên tới Đạo (Lão), từ Nhân Tâm lên tới Thiên Tâm (Khổng). Con người sau trước cũng tiến tới Chân Thiện Mỹ, vì đó là cùng đích nhân loài. Đó là định luật Tiến Hoá vậy.

*Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


**********************           


SỰ BẢN ĐỊA HOÁ NHO HỌC TẠI VIỆT NAM

(Trích sách Con Đường Tam Giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng, Nxb Tp HCM, 1999, từ tr. 2 đến tr. 7)


Nho giáo du nhập vào Việt Nam trong thời Bắc Thuộc qua ba thời kỳ như sau:

+ 111 tcn- 39: Các đời Tây Hán và Đông Hán (Bắc Thuộc lần thứ I);

+ 43- 544 các đời Đông Hán, Tam Quốc,Tấn, Nam Bắc Triều. (Bắc thuộc lần thứ 2)

+ 608- 939 các đời Tùy, Đường, Ngũ Quí. (Bắc Thuộc lần thứ 3, 4, 5)

Mười thế kỷ đầu Công Nguyên, Nho học Việt Nam chưa thịnh, chưa hình thành tầng lớp nho sĩ nắm vai trò quan trọng trong xã hội. Thành phần trí thức ưu tú bấy giờ là những nhà tu, đặc biệt là những cao tăng. Thông qua việc học chữ Nho để đọc kinh Phật, các sư tiếp thu luôn Nho học. Thế nên khi nước vừa được độc lập, kể từ Ngô (939- 965), Đinh (968- 979), Lê (980- 1009), trí thức ra giúp triều đình là các đạo sỉ và thiền sư.

Nho học V.N. phát triển từ thế kỷ XI, sang đời Nguyễn thì suy. Nho học mở đường xuất thân cho kẻ sĩ thông qua khoa cử, nhồ đó thúc đẩy văn học phát triển, văn hóa được nâng cao. Không ít tiên Nho V.N. đã đi sâu vào Triết Nho. Nhưng chiến tranh liên miên, sách vở bị cướp đốt quá nhiều, tư tưởng học thuật của Tiên Nho hầu như không còn lưu lại gì cho đời sau nghiên cứu. Nên nói đến Nho Giáo V.N., cái nổi bật hình như không phải là tư tưởng triết học mà là vân chương khoa cử, và vai trò chính trị của sĩ phu trong lịch sử. (Con Đường Tam Giáo Việt Nam, Lê anh Dũng, thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 2). Nói thế có nghĩa là Nho gia Việt Nam không có ai là triết gia hay tư tưởng gia lỗi lạc nào, mà chỉ có vân gia hay chính trị gia mà thôi.

I. NHO HỌC VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI

Đời Lý (1010- 1225)
Nho học mới hưng phát. Vua Lý Thánh Tông cho lập Văn miếu, làm tượng thờ Chu Công, Khổng Tử và bảy mươi hai tiên hiền (1070)

Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi đầu tiên tên là Tam Trường (1075), mở Quốc Tử Giám (1076), lập Hàn Lâm Viện (1086), tuyển Mạc Thiên Tích làm hàn lâm học sĩ. Danh Nho triều Lý có Lý đạo Thành, Trương Bá Ngọc, Tô Hiến Thành.

Đời Trần (1225- 1400)
Vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh (1232); khoa tam giáo (1247) và mở khoa tam khôi (1247) tuyển trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; mở quốc học viện (1253) giảng tứ thư, ngũ kinh. Vua Trần Duệ Tông dổi khoa thi Thái học sinh thành tiến sĩ (1374).

Đời Trần Nghệ Tông, Hồ quý Ly soạn sách Minh Đạo (1302), dịch thiên Vô dật ở kinh Thư(1394) dạy thái tử (sau lên ngôi là Thuận Tông), dịch kinh Thi dạy nội cung (1396).

Đời Thuận Tông, Hồ Qúy Ly làm Thái Sư, nắm quyền phụ chính, caỉ cách thi cử, ấn định lương bổng của các quan dạy học ở địa phương.

Văn học đời Trần rất thịnh, nhờ khoa cử thúc đẩy. Danh Nho có Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn (viết Giới Hiên toàn tập), Trương Hán Siêu, Lê Lập, Phạm Sư Mạnh (viết Hiệp Thạch tập), Chu An (viết Tứ Thư thuyết ước, Tiều Ẩn thi), Hàn Thuyên...

Đời Hồ (1400- 1407), Hậu Trần (1407- 1413), Minh thuộc (1414- 1427)

Hồ Qúy Ly thay nhà Trần, lập nên nhà Hồ. Nước loạn, quân Minh xâm lăng, cướp sách vở đưa về Kim Lăng; Những gì không đem được thì đốt, thiệt hại không kể xiết. Nhà Minh đưa Tống Nho vào Việt Nam.

Đời Hậu Lê (14281788)

Nho học rất được chú trọng, được tôn là quốc học. Khoa cử thúc đẩy, hình thành tầng lớp nho sĩ trí thức đông đảo. Kinh đô có Quốc tử giám, Thái học viện. Vua Lê Thánh tông chia nước làm mười ba đạo, hầu hết các đạo ở đồng bằng đều lập trường công, ấn định quy chế thi cử. Năm 1463 có chừng 1400 người thi Hội ở Thăng Long; năm 1475: khoảng 3000 người. Từ triều Lê, người thi đậu rất vẻ vang: có lễ xướng danh, lễ vinh quy, lễ khắc tên tiến sĩ vào bia đá ở Văn miếu.

Danh Nho đời Lê có Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đỗ, Lương Thế Vinh, Đỗ Nhuận, ThÂn Nhân Trung, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Giáp Hải, Nguyễn Mậu Nghi, Phạm Công Trứ, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng, Phạm Đình Trọng, Lê Quý Đôn, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên...

Đời Tây Sơn (1788- 1802)
Sau khi đánh bại quân Thanh giữa năm Kỷ dậu (1879), vua Quang Trung lập Sùng chính viện, cử La Sơn Phu tử Nguyễn Thiệp làm viện trưởng, với trọng trách chấn chỉnh lại Nho học Việt Nam. La Sơn Phu tử dịch xong các sách Tiểu học, Tứ thư và Ngũ kinh ra chữ Nôm, chưa kịp cải cách thì vua Quang Trung mất.

Đời Nguyễn (18021945)
 Nền học thuật gắn liền khoa cử ngày càng suy. Thực dân Pháp xâm chiếm đất nước. Cái học theo phương Tây khởi sự chen vào. Nền Nho học cử nghiệp cổ truyền dần dần mai một, chấm dứt năm 1915 ở miền Bắc, rồi 1918 ở miền Trung.

II. CÁC TÁC PHẨM TRIẾT HỌC CỦA NHO GIA VIỆT NAM

Nhà nho có danh đời nào cũng xuất hiện, tên tuổi còn ghi lại nhiều. Ngoài công lao kinh bang tế thế, tiên nho Việt Nam còn giúp vào việc giáo hóa, trứ tác thơ văn nhiều loại. Riêng về mặt triết học, cũng rất phong phú, không những phô diễn đạo lý cổ truyền Khổng Mạnh, Trình Chu mà còn bày tỏ ít nhiều quan điểm riêng của người Việt, thể hiện hoặc tinh thần độc lập hoặc ý thức đối kháng với tư tưởng Trung Hoa. Tiếc thay, sách vở đã bị thất tán, tiêu hủy sau bao thế kỷ binh lửa.

Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Tìm hiểu kho sách Hán- Nôm của Trần Văn Giáp là hai trong những tài liệu quý hiếm, kể ra được một phần nào sách vở còn giữ lại hay còn ghi nhận được, nhờ đó cũng giúp đời sau có cái nhìn khái lược về tư tưởng triết học của nhà nho Việt Nam đời trước.

Căn cứ hai tài liệu ấy, qua một số tác phẩm mang tính triết học, giáo dục của người Việt, có thể dẫn lại một ít nhan đề tiêu biểu như sau:

1. Tứ thư thuyết ước, mười quyển, Chu An (?1370) đời Trần soạn, nay không còn.

2. Chu dịch quốc âm giải nghĩa, hai quyển, cũng gọi Chu dịch quốc âm ca [quyết], Đặng Thái Phương [hay Bàng] (1674?) đời Hậu Lê soạn xong trước năm Quý hợi (1743). Ông dùng thơ lục bát giải nghĩa từng hào (diễn ca); như quẻ Càn, hào sơ cửu Tiềm long vật dụng (rồng ẩn náu chớ nên dùng) diễn ca là:

Sơ cửu hào nghĩa tiềm long,

Bé còn ở dưới mà dùng làm chi.

3. Tứ thư ngũ kinh toản yếu, mười lăm quyển, Nguyễn Huy Oánh (17131798) đời Hậu Lê soạn.

4. Tính lý toản yếu, hai quyển, Nguyễn Huy Oánh soạn. Quyển này và quyển trên nhằm tóm tắt các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Tính lý, tiện lợi cho nho sinh chuẩn bị thi cử.

5. Thánh mô hiền phạm lục, mười hai quyển, Lê Quý Đôn (17261784) đời Hậu Lê soạn.

Ông trích lục nguyên văn các lời nói của thánh hiền, xếp loại, chia thành mười hai đề mục, ghi rõ xuất xứ từng câu đã trích trong Dịch, Thi, Thư, Xuân thu Tả truyện, Lễ ký, Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Gia ngữ, Hiếu kinh, Mạnh tử, Chu tử, Quốc sách, Quốc ngữ, Sử truyện, Tiên nho cách ngôn...

6. Thư kinh diễn nghĩa, ba quyển, Lê Quý Đôn soạn.

7. Dịch kinh phu thuyết, năm quyển, Lê Quý Đôn soạn.

8. Âm chất văn chú, hai quyển, Lê Quý Đôn soạn.

9. Vân đài loại ngữ, bốn quyển, Lê Quý Đôn soạn.

10. Chu huấn toản yếu, năm quyển, do Phạm Nguyễn Du (1739- 1787) đời Hậu Lê soạn.

Mô phỏng theo sách Cận tư lục của Chu Hy và Lữ Tổ Khiêm đời Tống, lấy toàn văn của Chu Hy chia thành loại, xếp thành tiết mục, hơn sáu trăm điều.

11. Xuân thu quản kiến, mười hai quyển do Ngô Thời Nhiệm (17461803) đời Hậu Lê soạn.

12. Nhân thế tu tri, tám quyển, do Cao Xuân Dục (18421923) đời Nguyễn soạn.

 Nho giáo Việt Nam không phải chỉ là trích cú tầm chương, khoa cử, phú thi xướng họa. Có một luồng tư tưởng của người Việt, nó hòa hợp đạo Nho với Phật, Lão và văn hóa bản địa Việt Nam. Hiện nay, mọi việc nghiên cứu lại Nho giáo Việt Nam đều còn phải khởi sự, mà khó khăn lớn nhất vẫn chính là sự thất lạc tác phẩm của tiên nho qua các triều đại.

---------------------------------------------------

CHÚ THÍCH

[1] Thuỷ chi tự trung thuận hành nhi sinh, chung nhi phục nghịch tàng, qui ư Trung Hoàng Thái Cực nhưng kiến phụ mẫu vị sinh chi tiền chi diện mục. 始之 自 中 順 行 而生, 終 而 復 逆 藏 歸 於 中 黃 太 極, 仍 見 父 母 未 生 之 前 之 面 目. ― Văn đạo Tử, Giảng đạo tinh hoa lục, tr. 101.

[2] Thái cực thuỷ vu Nhất nhi chung vu Nhất dã. Vạn vật thuỷ vu Nhất nhi chung vu Nhất, tức Trang tử xuất cơ, nhập cơ chi nghĩa. 太 極 始 于 一 而 終 于 一 也. 萬 物 始 于 一 而 終 于 一, 即 莊 子 出 機 入 機 之 義 . ―  Nguyễn Ấn Trường, Tạo hoá thông, tr. 52.

[3] Nghịch nhi thành tiên, thuận khứ sinh nhân, sinh vật. 逆 而 成 仙, 順 去 生 人, 生 物. Đạo Nguyên tinh vi ca, q.hạ, tr. 9b. ― Xem Trung Dung Tân khảo của tác giả, tr. 251.

[4] Đơn tự nhật đầu nguyệt cước, trung gian nhất hoạch hệ Nhật Nguyệt hợp nhất chi vị dã. Kỳ nội nhất điểm vi tinh khí hỗn hợp dĩ tượng nhất lạp kim đơn hĩ. 丹 字 日 頭 月 腳 中 間 一 劃 係 日 月 合 一 之謂 也 . 其 內 一 點 為 精 氣 混 合 以 象 一 粒 金 丹 矣. ― Tu Chân bất tử phương, tr. 26.

[5] Thái Hư thị viết: Đơn đạo, thánh công bất ngoại hoàn phản. 太 虛 氏 曰﹕ 丹 道 聖 功 不 外 還 返. ― Thượng Phẩm đơn pháp tiết yếu, tr. 7.

[6] Thương Ân chi lữ, kỳ hội như lâm, thỉ vu Mục Dã, duy dư hầu hâm, Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm.(J. Legge, The She King, tr. 435) ― Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, thất chương.

[7] Mục dã dương dương, Đàn xa hoàng hoàng, Tứ nguyên bành bành, Duy sư Thượng phụ, Thời duy ưng dương, Lượng bỉ Võ Vương, Tứ phạt Đại Thương, Hội chiêu thanh minh. ― Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, bátt chương. (J. Legge, the She king, p. 436)

[8] Minh minh tại hạ, hách hách tại thượng. ― Kinh Thi, Đại Nhã,Văn Vương, Đại minh nhất chương.(J. Legge, the She King, p. 432)

[9] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo. ― Kinh Thi, Đại Nhã,Văn Vương, Tư Trai, tam chương. (J. Legge, the She King, p. 447)

[10] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, Vạn bang tác phu. ― Kinh Thi, Đại Nhã,Văn Vương, Văn vương, thất chương, (J. Legge, The She King, p. 431)

[11] Duy thử Văn Vương, Tiểu tâm dực dực, Chiêu sự Thượng Đế, Duật hoài đa phúc, quyết đức bất hồi. ― Kinh Thi, Đại Nhã,Văn Vương, Đại Minh, tam chương, (J. Legge, p. 433)

[12] Vô niệm nhĩ tổ, Duật tu quyết đức, Vĩnh ngôn phối mệnh, Tự cầu đa phúc, Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng Đế, Tuấn mệnh bất dị. (J. Legge, p. 431) ― Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Văn vương, lục chương.

[13] Mệnh chi bất dị, Vô át nhĩ cung, Tuyên chiêu nghĩa văn... -- Kinh Thi, Đại Nhã,Văn Vương, Văn vương, thất chương.(J. Legge, the She King, p. 431)

[14] Thiên chi dũ dân, Như huân như trì, Như chương như Khuê, Như thủ như huề, Huề vô viết ích, Dũ dân khổng dịch. ― Kinh Thi, Đại Nhã,Sinh Dân, thập chương, Bản, lục chương. (Legge tr. 502)

[15] Lễ Ký, Lễ Vận, chương VII, tiết IV, mục 5, 6, 7. ― Nguyễn văn Thọ, Chân Dung Khổng tử, chương XI. ― Couvreur, Liki I, Introduction, p. IX. ― Nho Giáo, Trần trọng Kim I, tr. 147 và tiếp theo. ― Lễ Ký, Lễ Vận, 7. ― Couvreur Liki I, tr. 527, 528 chú thích. ― Lễ Ký, Lễ Vận tr. 4.

[16] Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri thiên. Trung Dung chương XX.

Tôi đã dịch thoát câu này như sau:

Biết người, trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?

[17] Hai chữ Cách vật của sách Đại học đã là một đề tài tranh luận của Nho Gia từ trước đến nay.

Ta cũng đã biết có 2 quan niệm khác nhau về vấn đề này: Một là của Chu Hi, hai là của Vương Dương Minh. Riêng tôi, tôi giải Cách Vật là tìm ra Cốt Cách muôn loài, muôn vật, tìm cho ra Khuôn Trời trong muôn loài, muôn vật. Trong bài Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ có câu: «Bình dẫu phá còn lề cốt cách,

Gương dù tan vẫn sạch trần ai.» Chữ Hán cũng có câu: «Bình phong tuy phá, cốt cách do tồn, Quân tử tuy bần, lễ nghĩa thường tại..»

[18] Tôi dịch Cách là Khuôn Trời (ở nơi muôn vật) vì hiểu Cách là Cốt cách.

Trung dung cũng cho rằng trời dựng nên muôn loài chỉ có một khuôn. «Thiên địa chi đạo, nhất ngôn khả dĩ tận chi, kỳ vi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc.» (Trung Dung, chương 26.)

[19] Khắc kỷ phục lễ... Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. 克 己 復 禮 [...] 非 禮 勿 視, 非 禮 勿 聽, 非 禮 勿 言, 非 禮 勿 動. ― Luận Ngữ XII, 1)

[20] Khắc kỷ phục lễ... Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. 克 己 復 禮 [...] 非 禮 勿 視, 非 禮 勿 聽, 非 禮 勿 言, 非 禮 勿 動.― Luận Ngữ XII, 1)

[21] Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành; lạc mạc đại yên. 萬 物 皆 備 於 我 矣. 反 身 而 誠 樂 莫 大 焉― Mạnh Tử, Tận Tâm Chương cú thượng, 4.

[22] Mạnh tử viết: Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ.  ― Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng,1.

[23] Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự Thiên dã. ― Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng,1.

[24] Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ dã. ― Mạnh tử Cáo tử thượng, 2.

[25] Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan dã; Tu ố chi tâm, nghĩa chi đoan dã; Từ nhượng chi tâm, Lễ chi đoan dã; Thị phi chi tâm, trí chi đoan dã...Nhân chi hữu thị tứ đoan, do kỳ tứ thể dã. (Mạnh Tử, Công tôn Sửu, chương cú thượng, 6)

...Chu Hi bình giải về chữ Tính của Mạnh tử như sau: «...Tính là Bản thể của Thái Cực, khó dùng lời lẽ mà mô tả được. Tuy Tính hàm súc vạn lý nhưng đại khái có 4 cương lĩnh lớn là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.»

Dịch theo Tống Nguyên Học Án, q. 48, tr. 19 (Hối Ông học án.)

[26] Phàm hữu tứ đoan ư ngã giả, tri giai khuếch nhi sung chi hĩ, nhược hoả chi thuỷ nhiên, tuyền nhi thuỷ đạt. Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải; cẩu bất sung chi, bất túc dĩ sự phụ mẫu. ― Mạnh tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng, 6

Chu Hi bình: Nên, theo Mạnh Tử, thì căn cứ vào nhân tình, ta có thể suy ra điều thiện - thiện đây là tính thiện - ý nói đi ngược dòng tình cảm, sẽ hay biết Tính vậy

Dịch theo. Tống Nguyên Học Án, q. 48, tr. 19 (Hối Ông học án)

[27] Thị cố quân tử tôn đức tính, nhi đạo vấn học, trí quảng đại nhi tận tinh vi, cực cao minh nhi đạo Trung Dung.  ― Trung Dung XXVII.

[28] Cực cao minh nhi đạo Trung Dung. ― Trung Dung XXVII.

[29] Cố viết Phối Thiên. ― Trung Dung XXXI.

[30] «Ô moines, il y a un état non-né, non-devenu, non-conditionné, non- composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non- né, non- devenu, non-conditionné, non-composé, il n’y aurait aucune évasion possible pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné. Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion possible de ce qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné, et de ce qui est composé.» ― Présence du Buddhisme,p. 268- Udana, p. 129, Colombo, 1929.

[31] Nous devons donc trouver, quelque part, un centre d’òu partent pour ainsi dire tous les autres plans de l’existence. Une fois là, nous devons essayer de trouver une solution. Voilà le programme. Où est ce cente? Il est en dedans de nous. Les anciens sages ont cherché de plus en plus profondément jusqu’à ce qu’ils aient trouvé qu’au coeur le plus intime de l’âme humaine est le centre de l’univers tout entier. Tous les plans gravitent vers ce seul point; il est leur terrain commun et c’est seulement en nous placant là que nous pourrons trouver une solution commune...» ― Vivekananda, Jnana Yoga, p. 138.

[32] Xem Văn Đạo Tử, Giảng đạo tinh hoa lục, tr. 36b.

[33] La découverte du Centre du Soi, qui coincide avec Brahman, et qui correspond au centre de l’espace et au centre du temps, ces deux centres qui permettent au sacrificiant d’échapper à l’espace et au temps, est la grande découverte des Brahmanes, celle qui mène à l’orée de l’Upanishad. ― Lilian Silburn, L’Instant et Cause, p. 103.

[34] Sở vị Phật tính, tựu thị Thiên Tính. Dã tựu thị Nhu Gia sở vị Thiên Mệnh, sở vị Đạo Liễu. Nan quái Khổng tử viết: Chiêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ. 所 謂 佛 性, 就 是 天 性. 也 就 是 儒 家 所 謂 天 命, 所 謂 道 了. 難 怪 孔 子 曰﹕ 昭 聞 道, 夕 死可矣 彤. Lịch đại Cao Tăng cổ sử, q. 7, tr. 30.

[35] Dieu, dit l’Ecriture, est la vie de l’homme. Ipse est vita tua. (Deutéronome,XXX, 20. Texte de la Vulgate cité par St Thomas D’Aquin, Summa Theologica, Ia- IIae,q. 110 a.I, obj. 2) et Saint Augustin a souvent affirmé que Dieu est la vie de l’âme, comme l’âme elle- même est la vie du corps. Il est donc la vie de notre vie. (Saint Augustin, Confessions, VII, 1,2 et X, 6, 10). Cf Émile Gilson, Théologie et Histoire de la Spiritualiteù, Paris, Librairie philosophique, J. Vrin. 1943, p. 10.

[36] Il y a un Infini en nous.

Florilège de la pensée théosophique moderne, Lotus Bleu, 72 Année, no II, Novembre 1967, p.293.

[37] L’illumination spirituelle révèle l’Élément unique qui est dans l’esprit et dans le cœur de tout être humain. ― Florilège de la pensée théosophique moderne, Lotus Bleu, 72 Année, Août- Septembre 1967, p.235.

[38] Notre temps a besoin de reconnaitre en tout homme une étincelle divine, et des possibilités infinies. --(Ibidem, p. 235).

[39] Pour la Religion, Dieu et l’ Homme, la Qualité et la Forme étaient séparées, elle enseigne maintenant qu’ils sont un. ― Lotus Bleu, 72e Année, Décembre, 1967, p. 326.

[40] Seul l’inconnaissable et incognoscible Karana, La Cause sans Cause de toutes les Causes, devrait avoir son sanctuaire et son autel sur le terrain sacré et solitaire de notre cœur - invisible, insaississable, indistinct, sauf par la petite voix silencieuse’ de notre conscience spirituelle. Ceux qui l’adorent devraient le faire dans le silence de la solitude sanctifiée de leurs âmes. ― Lotus Bleu, Janvier 78, p. 17.

[41] « L’Atman, le Soi...montrait toute sa puissance à celui qui était capable de reconnaitre la petite voix silencieuse’. Depuis les jours de l’homme primitif...jusqu’à notre âge moderne, il n’y a pas eu un philosophe digne de ce nom qui n’ait pas porté dans le sanctuaire silencieux de son coeur, la grande mystérieuse vérité. Si c’était un Initié, il l’apprenait comme une science sacrée. ― Doctrine Secrète, vol. 5, p. 67. Lotus Bleu, 75e Année, No I, p. 18.

[42] Il est une lumière qui brille au delà de toutes les terres, sur terre au- delà de nous tous, au- delà des cieux vraiment les plus hauts. C’est une lumière qui brille dans nos coeurs. Il y a un pont entre le temps et l’éternité et ce pont est l’Esprit dans l’homme. ni le jour ni la nuit ne traversent ce pont; ni la vieillesse, ni la mort, ni le chagrin... Quand on a trouvé ce pont, les yeux de l’avenir peuvent voir, les blessures du blessé guérissent, et le malade guérit de sa maladie. Pour celui qui franchit ce pont, la nuit devient comme le jour, parce que dans le monde de l’Esprit, il y a une lumière qui est éternelle. ― Lotus Bleu, 72e Année, 4 Avril. 1967, p. 115.

[43] On trouve Dieu dans sa création... Dans le cœur même de l’homme, on peut trouver la vie divine. En religion, cette découverte est aussi révolutionnaire que la découverte atomique. Elle place dans la main de l’homme un pouvoir spirituel sans limite, comme l’énergie atomique lui a donné un prodigieux pouvoir physique. (Lotus Bleu, 72e Année, Déc. 1967, p. 327.)

[44] Trước thời kính sợ Trời tiềm ẩn đáy lòng. Sau trở nên hoàn thiện phối hợp với Trời. Thếù là đầu đuôi của công cuộc tu trì.

[45] Đặt Trời vào Tâm Điểm con người, sẽ hiểu rõ lẽ:

Động (Người) ~ Tĩnh (Trời)

Phù (nổi = Người) ~ Trầm (chìm = Trời)

Nguyên (nguồn gốc = Trời) ~ Lai (phóng xuất ra = Người)

Bản (gốc = Trời) ~ Mạt (ngọn = Người)

Thiển (nông = Người) ~ Thâm (sâu = Trời)

Hiển (hiển lộ = Người) ~ Vi (vi ẩn =Trời)

Tụ (tụ lại = về với Trời) ~ Tán (tán ra = lìa xa Trời)

v.v...

[46]...Considérer l'Univers comme faisant un tout et où le désordre d'une partie se répercute dans le Tout; considérer encore l'homme comme au centre de cet Univers et faire du coeur de l'homme le coeur de l'Univers telle est l'idée contenue dans les livres classiques et exprimée surtout par les philosophes des Song... Avec tous les penseurs chinois, il (Wang Yang Ming) répète que l'homme c'est le coeur de l'Univers, l'Univers avec moi constitue un seul corps. ―  Wang Tch'eng Chi, S. J., La philosophie morale de Wang Yang Ming, pp. 74- 75.

[47]. Mais l’opinion la plus suivie actuellement et qui me parait (pare) empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (Philosophie de Song) c’est que tout ce monde est fait d’une seule substance, et que le Créateur du monde avec le Ciel et la Terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres.

C'est de cette unité de substance que l'on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu. ―  Henri Bernard Maitre, Sagesse Chinoise et Philosophie chrétienne, p. 108.

*LÊ  ANH  DŨNG

(hết bài Nho Giáo)
**********************           

TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM

*Nhân tử Nguyễn Văn Thọ

**************

     
Đạo Phật là một đạo giải thoát. Nó muốn giải thoát con người cho khỏi bức màn Vô Minh, che lấp Chân Như Bản Thể con người, để con người nhìn thấy Bản Lai diện mục của mình, thoát khỏi mọi đau khổ, tìm ra được Niết bàn trường tồn hạnh phúc vô biên, vốn tiềm tàng sẵn trong con người mình.

Nói thế có nghĩa là chúng ta sống mà chưa hiểu gì về con người chúng ta. Chúng ta chỉ mới sống một phần nào của con người chúng ta, chứ chưa thực sống toàn diện, chúng ta chỉ mới biết những hiện tượng về con người, chứ chưa biết về Bản Thể, về Tính con người.

Dưới đây, xin trình bày cách Phật và các tiên hiền Việt Nam giải quyết các vấn đề trên.


SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

Khảo sát cuộc đời đức Phật, ta học được với Đức Phật nhiều bài học:

- Trước hết là sức mạnh tinh thần phi thường, để có thể rũ bỏ được mọi công danh, lợi lộc, quyền quí, địa vị và mọi lạc thú gian trần để phát tâm cầu đạo giải thoát vô thượng.

- Thứ nữa là trước khi thành đạo, Ngài đã học hỏi với nhiều thày. Như vậy ta đừng nên ngại chuyện: Tầm sư, học đạo.

- Trong khi cầu đạo, tu đạo, Ngài cũng thấy cần phải có bạn đạo.

- Ngài cũng có thể lầm lẫn, Ngài cũng có thể tu lầm đường, cũng đã hành hạ thân thể quá mức. Nhưng khi đã biết mình lầm, ngài lập tức sửa sai.

- Ngài cũng đã được rất nhiều người trợ giúp.

- Sau cùng Ngài cho chúng ta thấy rằng, muốn tìm cho ra chân lý, cần phải biết tập trung tinh thần, và mài miệt suy tư.

Theo tôi sau khi đắc đạo, Ngài đã đạt tới Chân tâm hằng cửu của vũ trụ và của Con Người. Ngài gọi đó là cảnh giới Niết Bàn.

Như vậy, Ngài cho thấy rằng: Dưới những lớp lang hiện tượng biến thiên của vũ trụ và của tâm thân con người, sinh sinh diệt diệt, khổ ải lao lung, biến thiên chất chưởng, còn có Chân Tâm hằng cửu của trời đất, bất sinh, bất diệt.

Chân Tâm ấy, Niết Bàn ấy không ở đâu xa, mà đã khuất lấp ngay sau hình hài con người, tâm tư con người.

Con đường đưa tới Chân tâm đó chính là Trung Đạo; phương tiện để thực hiện Lý tưởng đó là Chính đạo, hay Bát Chính đạo.

Con đường Trung Đạo của Phật là tránh cực đoan: Không phóng túng nhưng cũng không hành xác.

Đến đây tôi liên tưởng đến Đạo Khổng với hai chữ TRUNG, CHÍNH của Dịch Kinh và của Nho giáo:

TRUNG là luôn luôn sống cho hay cho phải, cho hợp lý, hợp định luật thiên nhiên, thực hiện tinh hoa Trời, hằng giây, hằng phút. CHÍNH là CHỈ NHẤT, là CHỈ Ư CHÍ THIỆN: Luôn luôn vươn lên cho tới TINH HOA HOÀN THIỆN. Đem Tinh Hoa trời đất vào trong lòng mình (TRUNG), sau đó làm cho người khác trở nên giống mình (THỨ).

Có thể Đức Phật, tuỳ căn cơ tùng đệ tử đã tiến hành song song hai phương pháp giảng giáo: Đối với quần chúng Ngài dạy Hiển Giáo hay Quyền Giáo, tức là dạy về phần Hình, Danh, Sắc, Tướng của vũ trụ và của con người.

Còn đối với những đệ tử có thượng căn, Ngài dạy Mật Giáo hay Thực Giáo, tức là dạy về Chân Tướng vũ trụ và con người. [1]

Muốn hiểu rõ giáo lý của Đức Phật, ta cũng nên bàn qua về bối cảnh lịch sử tư tưởng Ấn Độ đương thời.

Phan Văn Hùm viết trong quyển Triết Học Phật Giáo, Phật Học Viện quốc tế xuất bản năm 1984 như sau: «Trước thời Phật giáo ra đời ở Ấn Độ có những nền triết học sâm si chẳng đều nhau, cùng chủ trương phiếm thần luận như nhau. Brahma là căn bản vũ trụ. Nhất thiết sự vật đều là hình thái của Brahma. Vạn hữu đều ở Brahma mà sinh ra. Lúc trụ thời ở tại Brahma. Lúc diệt trở về Brahma. Brahma như thế nó vô thỉ vô chung. Sống đây là sống gởi. Chết sẽ trở về Brahma, đời đời khoái lạc.» (sách trích dẫn, tr. 135).

Đại Thừa Phật giáo tư tưởng luận, tác giả là Bác Sĩ Nhật Bản Kimura Taken, dịch giả là Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Phật Học viện quốc tế xuất bản năm 1986, nơi trang 148, có ghi như sau: «...Đối với vạn hữu, đặc biệt là tự thân con người, người ta cảm thấy cần phải so sánh đối chiếu giữa cái chân tướng và giả tướng của vạn vật. Và do cái ý hướng muốn xa lìa giả tướng để trở về với chân tướng, mà đã phát sinh ra tư tưởng giải thoát. Song tại Ấn Độ, cái thời đại mà sự đối chiếu giữa chân tướng và giả tướng được bộc lộ một cách rõ ràng, đồng thời vấn đề giải thoát được luận cứ một cách rộng rãi, dĩ nhiên là thuộc thời đại U Ba Ni Sát Đàm (Upanishads). Do đó, vấn đề giải thoát được thiên hạ đặc biệt chú ý và đưa ra thảo luận vẫn là thuộc thời đại Upanishads (800-500 trước kỷ nguyên). Đến thời này, giải thoát quan mới thật sự được qui định thành hình. Upanishads nói: «Cái bản tính của Tự Ngã cùng với Thật Tại của vũ trụ tức Phạm Thiên (Brahman) là đồng nhất, bản lai thanh tịnh, không nhơ nhớp, là cảnh giới diệu lạc, vĩnh viễn bất biến. Nhưng vì mê mờ không thấy được cái chân tướng ấy, nên con người bị tách khỏi cái tính đồng nhất kia để rồi phải lăn lộn trôi dạt trong bể khổ sinh tử, bị đắm chìm và trói buộc mất hết tự do». Cũng vì thế mà cái lý tưởng cứu cánh của con người là làm thế nào để thoát ly được cảnh giới sinh tử trói buộc này, để trở về với bản tính đồng nhất của Phạm Thiên. Nền giáo lý Upanishads tuy rất mông mênh, nhưng cái qui kết tối hậu thì không ngoài tư tưởng này...»

Đem những tư tưởng trên soi rọi vào đời sống Đức Phật, ta có thể suy ra được khi Ngài giác ngộ, Ngài đã chứng được những gì?

Phật Học Tinh Yếu, Thích Thiền Tâm soạn, Phật Học Viện quốc tế xuất bản 1984, nơi trang 142-143 có ghi: «...Và đến lúc sao mai mọc lên, Ngài chứng được lậu tận minh, dứt sạch phiền não, rõ hết đầu mối nghiệp duyên, tâm thể lặng yên sáng suốt. Bấy giờ Ngài đã thành Phật.

Nội dung của sự giác ngộ chân chính này, có thể giải đáp vấn đề nhơn sanh một cách mỹ mãn. Trước kia Ngài thắc mắc về hai yếu điểm:

1– Già, bịnh, chết và tất cả sự ràng buộc của kiếp người do đâu mà có?

2– Làm thế nào để giải thoát những điều ấy?

Và đây là lời giải đáp:

1– Do vô minh làm mê mờ bản thể, nên mới có sanh, già, bệnh, chết, lo thương buồn rầu.

2– Muốn được giải thoát phải có chính kiến, dứt trừ phiền não, trở về bản tính, tức là phải tu theo con đường Bát chánh...»

Sau khi Đức Phật thành đạo, điều mà Ngài muốn đem truyền dạy cho các đệ tử và cho thiên hạ chính là Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Bát Chính Đạo. Ngài chú trọng dạy người phương pháp tu trì, khuyên mọi người tìm cho ra những định luật tự nhiên vĩnh cửu của đất trời để mà theo mà giữ, dạy tăng chúng sống một cuộc đời thanh thản, trang nghiêm, kỷ luật và hòa hiệp. Ngoài ra Ngài không thích bàn cãi những vấn đề triết học ngoài tầm hiểu biết của quần chúng. Tôi vẫn nghĩ rằng ngay từ khi đức Phật còn sinh tiền, giới luật được coi trọng hơn cả. Các đẳng cấp trong hàng tăng chúng được xác định bằng số giới luật mà mỗi người tình nguyện giữ.

Ví dụ thiện nam (ưu bà tắc), tín nữ (ưu bà di) muốn tu tại gia, thì thọ ngũ giới (chẳng sát sinh, chẳng trộm đạo, chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, chẳng uống rượu); hoặc bát giới (năm giới trên cộng với chẳng dùng hoa phấn dầu; chẳng xem hát xướng, kỹ nhạc; chẳng nằm giường cao, nệm rộng). Ngày nay gọi thế là thọ bát quan trai, hay bát giới trai.

Sa di giữ 10 giới.

Sa di ni giữ Thập giới.

Tỳ kheo (tăng) Đại thừa giữ 250 giới (Cụ túc giới); Tiểu thừa 227 giới.

Tỳ Kheo ni (ni) giữ 348 giới (Cụ túc giới).

Ngoài ra muốn tu hành Bồ Tát Giới tại gia thì giữ 6 giới trọng, 28 giới khinh.

Muốn tu hành Bồ Tát xuất gia, thì tăng ni nguyện giữ 10 giới trọng, 48 giới khinh. Muốn tường các giới luật đó, xin đọc Phật học từ điển Đoàn Trung Còn nơi các chữ Ưu Bà Ni giới, Ưu Bà Tắc giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, Bồ tát ưu Bà tắc giới; Bồ tát giới v.v...

*Chính Đức Phật đã qui định các vật sở hữu mà một tì kheo có thể có:

1– Giày.

2– Bồ đoàn, hay tọa cụ (giống như chiếu).

3 & 4– Hai khăn mặt trắng.

5– Y(ba áo: áo trong, áo ngoài, áo choàng)

6– Bình bát.

7– Trượng.

8– Một cái lọc nước.

9– Dao con.

10– Chỉ

11– Kim.

12- Cái chuông.

13– Quạt.

(Tối thiểu là 8 vật dụng, tối đa là 13 vật dụng nói trên). [2]

Khi Đức Phật nhập diệt rồi, hai lần kết tập đầu tiên đều bàn cãi về giới luật, chứ không bàn cãi về giáo lý, và cũng vì có những chủ trương khác nhau về cách hành trì giới luật mà Phật giáo nguyên thủy chia thành Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ, như sau ta sẽ đề cập đến...

Tóm lại vì đạo Phật mới đầu mở rộng để đón mọi hạng người, mọi căn cơ, mọi giai cấp, nên dạy trọng giới luật, dạy tu hành là điều phổ cập nhất, thực tế nhất, dễ cho đại chúng thi hành nhất.

*Để giản dị hóa vấn đề giới luật, ta có thể toát lược như sau:

Con người sinh ra ở đời, phải giữ cho tròn Thân Khẩu Ý

Thân là hành động cho hay (good deeds).

Khẩu là nói lời cho hay (good speeches).

Ý  là có tư tưởng cho hay (good thoughts).

*Phật giáo  có bài  kệ:

«Chư ác mạc tác,

Chư thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.»

* Dịch:-

Không làm ác,

Cố làm lành.

Giữ lòng thanh,

Phật dạy thế.

Có một điều lạ là trong suốt đời Đức Phật, Ngài đã tránh né không trả lời, hoặc không đưa ra một lập trường dứt khoát về những vấn đề triết học trọng đại như:

- Vũ trụ vô cùng hay hữu hạn;

- Vũ trụ vô thủy chung, hay hữu chung thủy;

- Như Lai sau khi nhập Niết Bàn, có còn hay không còn;

- Con người có ngã hay không có ngã.

Đối với những vấn đề trên, Ngài thường hoàn toàn yên lặng, khi có người chất vấn.

Về phương diện hiện tượng, về phương diện hình danh, sắc tướng, thì tất cả đều là sai biệt, đều chỉ là phiền tạp. đều trôi nổi trên triền không gian thời gian, đều bị hạn hẹp, đều bị giam hãm trong những hình danh sắc tướng. Đó là những gì hữu hạn, những gì biến thiên, những gì vô thường vô định. Đó chính là những bức tranh vân cẩu, những cảnh tang thương được vẽ vời trong khoảnh khắc trên bức khung bao la, vô tận của Bản Thể. Đó chính là những cái mà ta gọi là NGŨ UẨN, LỤC TRẦN, VỌNG TÂM, VỌNG NGÃ. Chúng hoàn toàn chịu những định luật của sinh tử, luân hồi (luân hồi đây nên hiểu là biến thiên vô thường, vô định); đây chính là địa bàn hoạt động của mọi tục lụy, khổ đau, tranh chấp, THAM, SÂN, SI dưới mọi hình thức.

Có thể gọi chúng là VÔ NGÃ, vì đây chính là những tập hợp biến thiên, của Tứ Đại, Ngũ Uẩn, Lục Trần. Chúng chính là những phiên chợ đời, tập hợp nhau trong khoảnh khắc, ồn ào trong khoảnh khắc, bả lả, mặn nồng trong khoảnh khắc, nhưng rồi ra lại sẽ chia tay, để «Anh đi đường anh, tôi đường tôi».

Gọi chúng là KHÔNG, vì chúng không có thực thể. Gọi chúng là VÔ THƯỜNG vì nằm trong ảnh hưởng biến hóa của không gian, thời gian, và các nhân duyên đa tạp của hồng trần. Gọi chúng là TIỂU NGÃ vì chúng là hình hiện của những gì thấp hèn, ti tiểu. Gọi chúng là VỌNG NGÃ, vì chúng chẳng qua chỉ là những bộ mặt nạ hóa trang, đeo lên trên BẢN LAI DIỆN MỤC, khi đóng những tấn kịch đời...Đó là thế giới của VẠN, của ĐA TẠP.

Bản thể và Hiện tượng luôn luôn ở trong thế cài răng lược. Không Bản Thể, Hiện Tượng không chỗ dựa nương. Không Hiện Tượng, Bản Thể sẽ u tịch, không thể tìm cho ra vết tích.

Bản thể và Hiện Tượng nơi con người, theo nhãn quan Phật giáo sẽ là Niết Bàn và Khổ Hải; Niết Bàn và Luân Hồi; Thường và Vô Thường.

Con người sinh ra ở đời này phải theo những định luật thiên nhiên vĩnh cửu, và một trong những định luật đó là phải vươn từ HỮU HẠN, lên tới VÔ HẠN; vươn từ TỐI TĂM lên tới ÁNH SÁNG; vươn từ PHÙ SINH lên tới TRƯỜNG SINH, vươn từ KHỔ HẢI lên tới NIẾT BÀN.

Và như vậy NIẾT BÀN, hay CHÂN TÂM hay BẢN THỂ đều thực sự đã chẳng hề lìa xa con người...

Con đường dẫn từ LUÂN HỒI lên tới NIẾT BÀN chính là GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.

GIỚI là đi tìm những định luật thiên nhiên vĩnh cửu mà theo mà giữ.

ĐỊNH là biết tập trung TINH THẦN để càng ngày càng có thêm THẦN THÔNG, THẦN LỰC.

TUỆ chính là phát được ĐẠI GIÁC, ĐẠI HUỆ. Mở TUỆ GIÁC để nhìn thấy cái BẢN THỂ. NIẾT BÀN xét về phương diện LUÂN LÝ, NGHỆ THUẬT thì chính là Lý Tưởng mà con người cần phải liễu đạt. Cho nên nếu BÁT CHÍNH ĐẠO là con đường đưa tới NIẾT BÀN, thì BÁT CHÍNH ĐẠO có thể tóm tắt lại bằng lời khuyên sau:

Luôn luôn hãy sống cho hay, cho đẹp, cho tuyệt vời, bất kỳ trong giây phút nào, trong hoàn cảnh nào. Nho giáo gọi thế là THỜI TRUNG...

Phật giáo gọi thế là QUI Y PHẬT, lấy Phật làm lý tưởng tối cao để qui định hành vi của mình.

Nếu chúng ta học đạo Phật không phải là để thỏa mãn cái trí tò mò, mà cốt là theo gương Phật, bắt chước Phật, mong trở thành Phật, tu trì tinh tiến, mong sớm được đại giác, đại ngộ, đem lòng từ bi vô lượng, thương xót chúng sinh, nguyện làm lợi ích cho nhân quần, cho xã hội, nếu mọi người ai cũng quyết tâm như vậy, thì Tịnh Thổ, Cực Lạc, Niết Bàn, trước sau cũng sẽ hình hiện để thay thế cho trần ai tục lụy này.

Thực ra thì tùy trình độ, tùy căn cơ, tùy công phu thiền định, tùy sự tập trung tinh thần của mỗi người, tùy công phu suy cứu của mỗi người, mà mỗi người lại có một quan niệm khác, suy tư khác về những lời Phật dạy.

Đã từ ngót 40 năm nay, tôi đã cố gắng đi tìm cái lẽ NHẤT QUÁN trong các đạo giáo thiên hạ, sau khi đã đi sâu vào đáy lòng mình để tìm ra thân thế, giá trị và định mệnh con người. Nói cách khác, tôi khảo sát các đạo giáo, các triết học Đông Tây, kim cổ cốt là để kiểm chứng những điều tôi đã quán chiếu và chiêm nghiệm mà thôi. Tôi đã đến với Phật giáo sau khi đã thâm cứu Khổng giáo, Lão giáo, Bà La môn giáo, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi Giáo v.v... Năm 1965, tôi đã viết một tiểu luận nhan đề là TINH HOA PHẬT GIÁO.

 Đi vào đạo Phật, tôi đã giữ một thái độ thành khẩn, lễ độ nhưng đồng thời cũng không đánh mất cái tính tự tín, tự cường, tự lập của mình.

 *Trước hết cái điều mà tôi rất kính phục ở nơi Đức Phật chính là thái độ hiên ngang của Ngài đã dám gạt bỏ mọi thần thánh, mọi lễ nghi van vái, mọi kinh sách ra một bên, để chỉ vẽ cho mọi người thấy rằng:

 1– Cái gì vô thường, cái gì biến thiên, cái gì ở trong vòng Sinh Diệt, là nguồn gốc mọi sự khổ đau.

 2– Ngài lại dạy thêm rằng đừng có tin suông vào lời Ngài, mà hãy tự mình kiểm nghiệm lại những điều Ngài nói, xem có đúng sự thực không.

 3– Ngài dạy chúng ta hãy hồi quang quán chiếu vào tận đáy lòng mình, để trực giác được rằng mình cũng chính là Phật. [8]

Với những lời khuyên đó như chỉ nam, chúng ta liền hiểu được vi ý của Tứ Diệu Đế; Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, và Bát Chính Đạo.


 TỨ DIỆU ĐẾ

1– Khổ đế: Đời là khổ.

2– Tập đế: Nguồn gốc sự khổ: Tham

3– Diệt đế: Cách Diệt khổ: Vào Niết Bàn.

4– Đạo đế: Đường đưa tới giải thoát, tới Niết Bàn: Bát chính đạo. [9]


 1– Cái nhận xét đầu tiên: Đời là khổ, thì hầu như ai cũng chịu là đúng.

 2– Cái nhận xét thứ hai cho rằng Tham dục là nguồn gốc sự khổ như dân gian thường nghĩ chưa đủ sâu sắc:

 Đức Phật khi giảng về Ngũ Uẩn -Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức- đã cho biết thêm:

 Ngũ uẩn do nhân duyên sinh ra, nên đều là những gì bị chi phối. Chúng có những đặc tính sau đây: Vì chúng do nhân duyên huân tập mà nên, và chịu định luật sinh, trụ, hội (tử), cho nên căn bản chúng là biến thiên, vô thường, vô ngã... Ngũ Uẩn là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. [10] Tóm lại, cái gì biến thiên là khổ, và vô ngã. Nhận xét này mới thật phong phú, Suy ra thì không được theo đuổi, không được cưu mang cái gì biến thiên, dù nó ở ngoại cảnh, ở hình hài, ở trí lự, hay tâm tư ta.

 Cảnh giới vô thường, vô ngã, biến thiên chính là cảnh giới của Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức; của Ngũ Uẩn; của Thập Nhị Nhân Duyên. Dần dần chúng ta sẽ duyệt lại từng vấn đề.

 3– Theo dân gian, nhận xét thứ ba là muốn thoát khổ phải trừ diệt nguồn gốc sự khổ. Mà nguồn gốc sự khổ là Tham Dục. Vậy muốn thoát khổ, phải diệt dục. Dẹp xong tham dục sẽ vào cảnh giới Niết Bàn.

 Tôi giải Diệt Đế như sau: Nếu sống trong vòng biến thiên, hiện tượng, là sống trong vòng Ngũ Uẩn, trong vòng sinh diệt, khổ đau, thì muốn thoát khổ, phải đạt được cảnh giới Bản thể, cảnh giới Chân tâm. Chỉ có cảnh giới này mới gọi được là cảnh giới Niết Bàn.

 Đức Phật không bình giải về cảnh giới này, chắc là để ta tự chứng ngộ lấy.

 Nhưng ta có thể dễ dàng luận ra được cảnh giới Niết Bàn.

 Trước hết, vì cõi Ta Bà chúng ta là bể khổ, thì dĩ nhiên Niết Bàn phải là cảnh giới Hạnh Phúc.

 Chúng ta ở trong cõi BIẾN THIÊN, SINH DIỆT thì dĩ nhiên Niết Bàn phải là cảnh giới BẤT SINH, BẤT DIỆT, VĨNH CỬU, THƯỜNG HẰNG.

 Nếu cảnh giới Ta Bà là cảnh giới Vô Ngã, Vọng Ngã, thì NIẾT BÀN phải là cảnh giới của CHÂN NGÃ.

 Nếu Hồng Trần Tục Lụy là cõi ngoại giới, cõi hình hài, tâm tư trí lự, thì Niết Bàn phải là cõi nội giới, nằm sau lớp trí lự, tâm tư. Sở dĩ chúng sinh không tìm ra được CHÂN TÂM, hay NIẾT BÀN chính là vì ĐỊNH, TUỆ chưa đủ, nên chưa xuyên thấu được bức màn VÔ MINH ngăn cách giữa hai cảnh giới CHÂN và VỌNG.

 Tóm lại như trên đã chứng minh rằng Đức Phật đã cho thấy KHỔ ĐAU nằm gọn trong Ngũ Uẩn, mà Ngũ Uẩn chính là hình hài ta, trí lự ta, tâm tư ta. Nếu vậy thì Niết Bàn chắc chắn cũng đã nằm sẵn trong tầng sâu cùng tột của tâm hồn ta, mà chỉ vì ta ngu si, ta phù phiếm xốc nổi, ta không chịu thu thần định trí mà quán chiếu, nên mới nhìn chẳng ra, hiểu chẳng nổi mà thôi. Đối với tôi, chúng ta dù là trong muôn kiếp, bao lâu còn thở than rằng chúng ta khổ, chúng ta hèn, chúng ta sống phù du như bèo trôi, mây nổi, thì bấy lâu chúng ta vẫn lạc lõng trong Luân Hồi, Sinh Tử. Nhưng nếu có một ngày nào, một phút nào, ta bừng mở được con mắt tâm linh để nhìn thấy Chân Tâm, Chân Bản Thể của chúng ta, một Chân tâm vô biên tế như vũ trụ, một Chân tâm quang minh hơn nhật nguyệt, một Chân tâm thanh tịnh hơn nước hồ thu, thì ngay lúc ấy ta sẽ lập tức triển dương được thần uy, thần lực tiềm tàng từ muôn thủa trong ta, và ngay lúc ấy có một sự chuyển biến vô hạn trong ta, làm cho chúng ta từ hữu hạn trở thành vô biên, từ u minh trở thành nguồn sáng, và ta sẽ cảm nghiệm được sự tĩnh lãng siêu tuyệt của đất trời hiện tiền trong tâm linh ta.

 Thực ra, Đức Phật không định nghĩa Niết Bàn, nhưng thường xuyên nói đến một vài đặc tính của nó. Ngài quả quyết rằng các vị La Hán đã đạt được hạnh phúc không tả xiết (Udana- Tự Thuyết- 8. 10); rằng Niết Bàn là hạnh phúc (Anguttara-Tăng nhất A Hàm- 4. 414; rằng Ngài đã đạt tới Bất Tử, và các tì kheo cũng có thể đạt tới như vậy: «Các bạn có thể chứng kiến chuyện này ngay khi còn sống, các bạn sẽ sống và mang Bất tử trong mình» (Majjhima N. -Trung A Hàm- 1. 172). Bậc La Hán ngay trong kiếp này, đã rũ bỏ mọi phiền trược, nhập Niết Bàn, hưởng hành phúc nơi mình, và sống với Brahman... (Anguttara-Tăng Nhất A Hàm- 1. 206; Majjhima Nikya-Trung A Hàm-1. 341).

 Những câu trên đã được học giả Pháp là Vallée-Poussin sưu tầm.

 Ông Vallée-Poussin luôn tiện còn so sánh những tư tưởng trên của Đức Phật với một câu trong thánh kinh Bhagavad Gita của Ấn Giáo:

 «Một vị đạo sư mà không tìm thấy được hạnh phúc, nguồn vui và ánh sáng ở đâu khác ngoài tâm mình, vị đó đồng hóa mình với Brahman, đạt tới Niết Bàn, mà Niết Bàn là Brahman.» [11]

 Nhân đọc những câu kinh sách trên do học giả Vallée-Poussin sưu tầm tôi chợt nhớ lại một sự nhận định của tôi về chữ Niết Bàn như sau: Số là năm 1956, khi tôi khảo về đạo Khổng và đạo Lão -lúc ấy tôi chưa khảo về đạo Phật- tôi thấy Trung Dung chương XXVI có câu: «Cao minh phối Thiên», và Đạo Đức Kinh chương 68 có câu: Thị vị Phối thiên cổ chi cực (Sống kết hợp với Trời là cực điểm của người xưa), tôi liền suy luận ra rằng nếu Khổng, nếu Lão chủ trương Phối thiên là đạt đích của con người, thì chữ Nirvana của Ấn Giáo, Phật giáo cũng phải hiểu được là Phối Thiên. Để kiểm chứng sự suy luận của tôi, tôi hỏi một Thiếu Tá người Ấn Độ, thời ấy làm trong ủy Hội Đình Chiến xem trong tiếng Ấn Độ chữ Nirvana nghĩa là gì? Ông trả lời tôi là «Union with God» (Phối Thiên).

Tôi liền suy ra rằng xưa nay thánh hiền tiên phật, lúc đắc đạo đều có một luận điệu như nhau và đều cho thấy rằng các Ngài đã thể nhập với Bản thể của Vũ Trụ, Căn Nguyên và Cùng Đích của vũ trụ...

 Thế là chưa vào Bà La Môn giáo và Phật giáo, mà đã suy ra được cái đạt đích thâm viễn của hai tôn giáo nói trên. Cái hay của khoa Tôn Giáo đối chiếu chính là ở chỗ đó...

 Tối hôm 4/6/89, nhân muốn tìm lại xuất xứ của hai chữ Phối Thiên trong Lão Trang, tôi dở quyển Les Pères du Système Taoiste, của Léon Wieger, thì tự nhiên một đoạn của Nam Hoa Kinh (Chương Tại Hựu 11) đập vào mắt tôi: Đó là cuộc đối thoại giữa Quảng Thành Tử chân nhân với Hoàng đế. Đoạn đó như sau:

 Theo ta đến Cực Dương,

 Lại theo đến Âm Cực.

 Cùng ta vượt Âm Dương,

 Nhập vào trong Thái Nhất.

 Âm Dương có gốc nguồn,

 Đất trời có chủ chốt.

 Để ý gìn bản thân,

 Tự nhiên sẽ khỏe mạnh.

 Ta sống trong Thái Hòa,

 Ấp ôm gìn Thái Nhất.

 Nên dẫu nghìn năm qua,

 Ta đây vẫn tươi tắn.

 * Hoàng Đế khen Quảng Thành:

 Ngài chính là Trời vậy.

 Quảng Thành vẫn điềm nhiên,

 Truyền Hoàng đế nghe tiếp:

 Cái đó vốn vô cùng,

 Con người tưởng hữu hạn.

 Cái đó khó tư lường,

 Con người lầm có cực.

 Nếu hiểu nổi đạo ta,

 Vua chúa làm như bỡn.

 Như không hiểu đạo ta,

 Chẳng qua sống phàm tục.

 Căn bản mà quên đi,

 Bụi đất hoàn bụi đất.

 Nay ta tương biệt ngươi,

 Vào cửa Vô Cùng Cực.

 Ta chơi trong Vô Biên,

 Ta sáng như nhật nguyệt.

 Đời ta sẽ vô cùng,

 Vĩnh cửu như trời đất.

 Người theo hay không theo,

 Riêng ta ta không chấp.

 Mọi người đều chết đi,

 Riêng ta vô cùng cực...[12]



 Tôi ghi lại đoạn này để giúp hiểu thêm về đời sống trong cõi Niết Bàn của các vị Chân Nhân...

 Sau khi suy tư về những nhận định của Đức Phật về Niết Bàn, tôi suy tư tiếp:

 Niết Bàn như vậy là Bản Thể chân thực của ta, của quần sinh và vũ trụ.

 Niết Bàn là hạnh phúc.

 Niết Bàn ở sẵn trong tâm khảm con người.

 Niết bàn là Chân Thường, Hằng Cửu.

 Niết Bàn là một trạng thái tĩnh lãng, bất biến.

 Niết bàn có thể thực hiện ngay trong cõi đời này.

 Như vậy Niết Bàn là trạng thái mà ta có thể tự tạo cho ta, ban bố cho ta, chứ không do một vị Thần Phật ngoại tại nào. Tại sao vậy? Thưa chính là vì ta đã nhập thể với Bản Thể vũ trụ, nguồn sinh xuất ra vũ trụ, và chư Phật, chư Thần.

 Đến đây tôi sực nhớ lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, câu 276: «Các ngươi hãy nỗ lực lên. Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ, chứ không giác ngộ thế cho ai được. Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của ngươi mà được cởi mở.»

 Mới hay công trình tu trì, giải thoát của con người cũng đã chịu một định luật thiên nhiên chi phối. Đó là: LINH TẠI NGÃ, BẤT LINH TẠI NGÃ (Hay tại ta, dở cũng tại ta).

 Nếu Niết Bàn là hạnh phúc, là bất biến, là trạng thái có thể thực hiện ngay ở đời này, thì dĩ nhiên là nếu có được hạnh phúc bây giờ, thì hạnh phúc ấy cũng không thua kém hạnh phúc hưởng được sau khi nhắm mắt tắt hơi. Nhận định này hết sức quan trọng, và làm cho chúng ta hết những mơ ước viển vông về những thiên đường mai hậu, bởi vì ngay từ trong cuộc sống hiện tiền của chúng ta, chúng ta có thể đạt được một trạng thái cao siêu nhất mà trời đất có thể dành để cho chúng ta.


Nhận định thứ tư là: Có nẻo vào Niết Bàn, có phương pháp để thực hiện Niết Bàn: Đó là Bát Chính Đạo.

 Khi tôi suy tư về những nhận định trên của Đức Phật, tôi thấy ngay được mạch lạc tư tưởng của Ngài, mà tôi tóm lại như sau:

 Nếu cái gì là hiện tượng, cái gì là hình danh sắc tướng, cái gì là suy tư, niệm lự, cái gì là thất tình lục dục, tất cả những cái đó đều là những gì biến thiên (vô thường), vô ngã, sinh diệt, và là nguồn gốc khổ đau.

 Muốn chữa bệnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử thì phải có cái gì bất sinh, bất bệnh, bất lão, bất tử.

 Muốn vượt khổ hải, tất nhiên phải có Niết Bàn, là nơi vô ưu, vô khổ, có vậy công trình ta mới có ý nghĩa.

 Muốn vượt qua các cảnh giới biến thiên, ắt phải có cảnh giới trường cửu, như vậy sự vươn vượt của chúng ta mới có ý nghĩa.

 Nếu tu mà muốn diệt Vọng Tâm, thì ắt là phải muốn đạt tới Chân Tâm.

 * Tôi chứng minh những điều tôi nói bằng những lời của Đức Phật.

 Phật cho rằng sống trong biến thiên, chất chưởng, tương đối, dĩ nhiên là sẽ phải lệ thuộc, sẽ không thể nào được hạnh phúc bền bỉ. Như vậy muốn được tự do, hạnh phúc trường tồn, tất nhiên phải tìm cho ra tuyệt đối, hằng cửu, bất biến.

 Phật nói: «Hỡi các tì khưu, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được cái sinh, thành, ỷ, tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho cái: Sinh, Thành, Ỷ, Tạp.» [13]

 Khi Đức Phật mới ra giảng giáo, có 30 chàng thanh niên nhân đi tìm một cô bạn gái, đến hỏi thăm đức Phật xem Ngài có thấy cô bạn gái đó không? Đức Phật hỏi lại: «Theo ý các con thì nên tìm một người phụ nữ hay nên tự tìm ra mình là hơn?»

 - Bạch Ngài tự tìm ra mình hẳn là hơn

 - Vậy hãy ngồi lại đây Như Lai sẽ giảng giáo lý cho các con.

 - Chúng con xin vâng.

... Sách kể ba mươi thanh niên đó đều đã xuất gia theo Phật.

 Đọc truyện này, dĩ nhiên phải hiểu là Đức Phật dạy tìm Chân Ngã hằng cửu nơi con người. Chứ chẳng nhẽ ngài lại dạy chúng thanh niên đó đi tìm Con người hư ảo, biến thiên trong người họ hay sao. Nếu một mặt Ngài dạy đi tìm Tự Tâm, Tự Tính, rồi một mặt khác Ngài lại dạy rằng cái Tự Tâm, Tự Tính ấy cũng chẳng hằng cửu, thì chung qui Ngài không thể giúp họ giải thoát, và như vậy Ngài đã làm một chuyện vô ích...[14]

 Sau khi thành đạo, Đức Phật tuyên bố:» Cửa Vô Sanh, Bất Diệt đã mở cho chúng sinh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe, đặt trọn niềm tin tưởng.» [15] Tôi hiểu VÔ SINH BẤT DIỆT là VĨNH CỬU TRƯỜNG TỒN, và lại càng tin chắc là Đức Phật vừa thấy Biến Thiên, vừa thấy Hằng Cửu.

 Tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy Phật Giáo Tiểu Thừa từ trước tới nay luôn luôn chủ trương rằng theo Đức Phật, thì trong thế giới này tất cả đều biến thiên. Bản thể vũ trụ này biến thiên, Chân tâm, Đại Ngã nhất nhất đều biến thiên.

 Tôi không bao giờ đồng quan điểm với Tiểu Thừa được, vì nếu tất cả đều biến thiên, thì tất cả là khổ lụy, và con người không còn có cõi nào để mà giải thoát, và Niết Bàn cũng chỉ là hư danh, vì cũng vẫn luẩn quẩn ở trong vòng biến thiên sinh diệt.

 Có lẽ Tiểu Thừa đã làm như vậy để tôn vinh Đức Phật và cho rằng Ngài đã hoàn toàn không có vay mượn gì của Bà La Môn. Đối với Bà La môn, thì Bản Thể của Vũ trụ, Bản thể của con người, Bản thể của quần sinh là một. Bản thể của vũ trụ là BRAHMAN, bản thể của con người là ATMAN. Và con người tu luyện cốt là trở thành ATMAN vô biên tế. Chúng ta biết rằng ATMAN, BRAHMAN đây không còn là những vị tối thượng thần hữu ngã, mà chính là Nguồn sinh của vũ trụ quần sinh. Kinh Bà La Môn là Áo Nghĩa Thư chuyên giảng về ATMAN; nên Tiểu Thừa đã chủ xướng ANATMAN (hay Nairatmya). Nói thế có nghĩa là đối với Áo Nghĩa Thư, dưới các lớp lang biến ảo của vũ trụ quần sinh, còn có một căn cơ bất biến vĩnh cửu làm chủ chốt. Cái căn cơ đó được hài danh là ATMAN. Còn đối với Tiểu Thừa thì cho rằng nói như vậy là điều tối ư sai lạc, vì trong vũ trụ này không có gì là cốt lõi, không có gì là vĩnh cửu không có gì là Chân Tâm. [16]

 *Là người đứng bên ngoài Phật giáo, tôi nhận định lại một lần nữa về vấn đề Atman/Anatman như sau:

 Đức Phật đúng là một vị đại cách mạng: Ngài coi thường những thần thánh Ấn Độ vì cho rằng nếu các vị thần thánh đó mà có ngôi, có vị, có danh, tướng, thì cũng chưa thể nào bất diệt được (có nghĩa là cũng còn ở trong vòng luân hồi). Ngài không lệ thuộc vào các Thánh Kinh Veda, Upanishads. Ngài chống lại sự phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ. Ngài coi thường các lễ nghi hình thức bên ngoài. Nhưng Ngài vẫn còn dùng những danh từ của Bà La Môn, như Vô Minh, như Nghiệp Báo, như Luân Hồi, như Giác Ngộ. như Giải Thoát, như Niết Bàn. Nói như vậy, tức là Ngài đã loại trừ hết mọi tệ đoan, mọi ô trọc của Bà La Môn mà chỉ giữ lấy tinh hoa.

 Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai, bất kỳ một Phật tử nào, nếu vô tư, vô chấp cũng sẽ tán đồng đường lối lý luận của tôi.

*
* *

 Bây giờ tôi tiến thêm một bước nữa, và cho thấy rằng từ lâu đã có những học giả Âu Mỹ, những Phật tử Âu Mỹ lỗi lạc như bà Rhys Davids cũng đã có một quan điểm như tôi.

 Bà Rhys Davids là một người rất giỏi tiếng Pali, và đã để cả đời nghiên cứu về Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) mà chủ trương chính yếu là không làm gì có «hồn vĩnh cửu». Bà đã lẩy ra rất nhiều đoạn kinh Tiểu Thừa để chứng minh rằng Đức Phật không hề dạy rằng Chân Ngã con người là hư ảo, mà chỉ dạy rằng không thể tìm thấy Chân Ngã đó, không thể tìm thấy được Chân Thường hằng cửu, trong cái thân phiến diện kết cấu bởi Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức, bởi Ngũ Uẩn biến thiên.

 Bà Rhys Davids và ông Humphreys đã chứng minh rằng trong Kinh Tạng viết bằng tiếng Pali, nhất là trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada), Đức Phật đã dạy rằng con người có hai thứ Ngã: Đại Ngã và Tiểu Ngã, và không hề dạy rằng Đại Ngã là hư ảo. Bà Rhys và ông Humphreys cho rằng thuyết An-Atman (không có Ngã = Not-Self) là do một sự hiểu lầm của nhiều người theo Tiểu Thừa.

 Bà Rhys Davids tóm tắt sứ mạng của Đức Phật như sau:

 «Ngài bắt đầu sứ mạng Ngài bằng cách khuyên mọi người tìm cho ra Chân Tâm, Chân Ngã (Atman), sau đó kết thúc bằng lời chỉ dạy con người phải lấy Chân Tâm, Chân Ngã mình, làm đèn soi, và làm nơi nương tựa cho mình.» Và bà dẫn chứng bằng hai câu kinh Pháp Cú: «Đại Ngã là Chúa của tiểu ngã, và là mục đích của nó.» [17]

 Tôi đã trình bày vấn đề này một lần trước đây, khi bàn về Luân Hồi, Chuyển Kiếp trong tạp chí Hoa Sen, số 6: tháng 1&2. 1989.

 Quí vị nào muốn biết thêm chi tiết về vấn đề quan trọng này, xin đọc:

 The Central Philosophy, Buddhism T.R.V. Murti, Mandala Books, Unwin Paperbacks, London, Boston, Sydney, 1980, pp. 18, 20ff v.v...

 Joseph Heads & S.L. Cranston, Reincarnation, The Phænix Fire Mystery, Julian Press, New York, 1977, p. 436.

 Hoa Sen, số 6; Tháng 1 & 2. 1989. tr. 52, 72, 73.

 Những nhận định của tôi trở thành chân lý, khi chúng ta đọc các kinh sách của Đại Thừa như Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già, Kim Cương, Diệu Pháp Liên Hoa, Hoa Nghiêm, Pháp Bảo Đàn Kinh v.v...

 Trong bộ Phật Học Phổ Thông, Phật Học Viện Quốc tế xuất bản, 1982, nơi Khóa X, XI, có một bài nhan đề: Tâm Chân Như; Tâm sinh diệt; Trở về Chân Tâm.

 Như vậy, vấn đề tôi bàn trên đã trở thành một vấn đề của đại  chúng từ lâu...


NGŨ UẨN = SÀO HUYỆT CỦA KHỔ ĐAU

 Một vị tướng soái, trước khi muốn đánh địch cần phải biết rõ vị trí của địch, nội tình của địch. Đức Phật cũng vậy, trước khi dạy ta «diệt khổ», cần phải cho ta biết rõ khổ đau nằm tại nơi đâu. Nếu như dùng từ ngữ bình dân mà nói, thì có lẽ Đức Phật đã nói: Đau khổ nằm sẵn trong:

 1– Ngoại cảnh.

 2– Hình hài thân xác ta.

 3– Trí lự ta.

 4– Tâm tư ta.

 5– Cách thức ta đối phó với ngoại cảnh.

 Thay vì nói nôm na như vậy, Đức Phật đã dạy: Ngũ uẩn là địa bàn của đau khổ, vì Ngũ uẩn có đủ những đặc tính sau đây là: biến thiên, vô ngã, và đau khổ (xem chú thích 2 nơi trên).

 Ngũ Uẩn hay Ngũ âm (Skandas, - Five Aggregates) được hiểu là Năm món tích tụ, hòa hiệp lại thành thân, tâm con người, và chúng sinh.

 Ngũ Uẩn gồm có: Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức.

 - Sắc (rupas- Forms or corporeality): Sắc là cái gì hữu tướng hữu hình, được cấu tạo bởi Tứ Đại (the four great elements: Đất, Nước, Gió, Lửa), bởi Ngũ Trần (Sắc, thanh hương, vị, súc), Ngũ Căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân).[18]

 Như vậy Sắc là ngoại cảnh, và xác thân ta.

 - Thụ (Vedana– Sensations– Feelings): 'Thụ' bao gồm tất cả những cảm giác được sinh ra khi ngũ quan (ngũ căn) tiếp xúc với ngoại cảnh (ngũ trần).

 - Tưởng (Sanjna– Perceptions– Cognitive phenomena– Notions): 'Tưởng' là tri giác bao quát tất cả những hình ảnh, những dữ kiện mà tâm tư, trí não đã thu thập được từ ngoại cảnh.

 - Hành (Samskaras– Psychic constructions, including both conscious and unconscious activity– Volitions– Impressions): 'Hành' bao gồm tất cả những hoạt động của trí lự, tâm tư hữu ý hay vô tình.

 - Thức (Vijnana– thoughts– Knowledge), Thức có 6 loại: Nhãn thức, nhĩ thức, Tị thức, Thiệt thức, thân thức, ý thức.

 Như vậy: Sắc bao quát ngoại cảnh và thân xác, ngũ quan con người.

 Thọ, Tưởng, Hành, Thức bao quát tâm tư, trí lự con người.

 Ngũ uẩn vẽ ra hình ảnh một con người hướng ngoại, chỉ lo ứng phó với ngoại cảnh. Ngũ uẩn làm tôi liên tưởng đến bộ máy computer hiện giờ. Sắc Thụ là giai đoạn thu thập dũ kiện; hành là giai đoạn biến hóa dữ kiện; tưởng là giai đoạn áp dụng dữ kiện để giải quyết công việc thường nhật.

 Nếu hiểu Ngũ Uẩn như vậy, thì bất kỳ ai nếu chỉ sống bằng Ngũ Uẩn, trong Ngũ Uẩn, người ấy chỉ mới là một con người dung phu, dung tục, hướng ngoại, hết sức lệ thuộc vào ngoại cảnh, tùy nghi độ nhật, mưu sinh, chưa có gì là cao đại.

*Vô Cấu Tử có kệ:

Ngũ Uẩn sơn đầu nhất đoạn không,

Đồng môn xuất nhập bất tương phùng.

Vô kượng kiếp lai nhẫm ốc trú,

Đáo đầu bất thức Chủ Nhân Ông.

Tạm dịch:

Đầu non Ngũ Uẩn một vừng Không,

Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng.

Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,

Tới nay, nào biết Chủ Nhân Ông.

Ngũ Uẩn chính là con người phù du, hư ảo, chính là cái Vọng Tâm, tà ngụy, biến thiên, chính là nguồn gốc sinh tử, khổ đau. Khi đã rõ bộ mặt thực của nó là biến thiên, sinh tử, giả tạo, khổ đau, thì nhất định chúng ta không thể nào còn muốn ôm ấp, chắt chiu, tu sửa, dùi mài gì nó được. Nó chính là giặc cướp hóa trang làm con cái trong nhà. Chỉ có một giải pháp là vứt bỏ nó cho mau, để vươn vượt tới Con Người Chân Thực, tới Chân tâm quang minh, hằng cửu, tĩnh lãng, hạnh phúc. Thế chính là Diệt Ngã để nhập Niết Bàn, để khế hợp với Chân tâm...

Phật Học Từ Điển, Đoàn Trung Còn, nơi chữ Bổn Ngã, cũng ghi nhận đại khái rằng 'Bổn Ngã', hay Ngã, hay Cái ta, tức là Ngũ Uẩn tạm hiệp, và luận tiếp rằng: Nhà đạo học chân chánh phải cho rằng cái bổn ngã tức thân tâm là giả, vốn không. Tưởng quyết như vậy mới dứt các mối tríu mến, phiền não, mới dễ bề đắc đạo...

Kinh Tạp A Hàm - Samyutta Nikaya - bình về Ngũ uẩn như sau: «Giả sử sông Hằng chảy xuôi với những bọt nước bồng bềnh trôi nổi bên trên, lại giả sử có một người biết nhận xét tinh tế đứng quan sát cảnh tượng đó, người đó sẽ thấy bọt nước là rỗng không, không có thực tướng. Cũng như thế, thể xác vì là sắc tướng nên là giả tạo, không có thực chất. Bốn uẩn kia cũng vậy:» Sắc là bọt nổi; Thọ là bong bóng nước; Tưởng là ảo ảnh; Hành như cây chuối xốp; và Thức như bóng ma. Đã hẳn rằng cái gì có sinh tất phải có diệt...[19]

Ngũ uẩn như vậy là những hiện tượng biến thiên, nên nhất định là bị hủy hoại. Muốn trường sinh, bất tử chắc chắn chúng ta phải vượt lên trên cảnh giới của Ngũ Uẩn, nghĩa là phải vào cảnh giới Niết Bàn.

Nếu thật sự Ngũ Uẩn nó xấu xa như vậy, tại làm sao mà con người lại không chịu vứt bỏ nó, tại làm sao con người lại cứ ôm ấp nó để mãi mãi luân lạc trong cảnh luân hồi sinh tử?

Phật giải câu hỏi trên bằng Thập Nhị nhân duyên, và cho rằng sở dĩ thế chính là vì con người ngu dốt.

**********************           


THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

(Doctrine of Dependent Origination, which stressed the conditionality, relativity and interdependence of all the factors that compose what we call man): CĂN DO CỦA LUÂN HỒI SINH TỬ.

 Dưới đề mục Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đại khái luận về cái thế giới hiện tiền, biến thiên sinh diệt, cái thế giới của các nhân duyên tương liên, tượng hợp; tương giao, tương tùy; tương hô, tương ứng; tương khắc, tương thừa; tương sinh, tương diệt. Cái thế giới này bao quát cả ngoại cảnh, đến hình hài, đến tâm tư, trí lự con người. Cái thế giới biến thiên ảo hóa ấy chung qui vẫn là ở trong vòng luân hồi, sinh tử...

 Con người bị luân hồi sinh tử, chính là vì chỉ biết nhìn thấy cái Hiện Tượng nhãn tiền, phiến diện bên ngoài, mà không nhìn thấy cái Bản Thể vi diệu bên trong, chính là vì NGU SI, DỐT NÁT.

 Con người bị luân hồi sinh tử chính là vì tham luyến, vì ôm ấp trần ai, tục lụy, chính là vì đã chạy theo giả cảnh, biến thiên bên ngoài, mà bỏ quên mất cái Chân thường Vi Diệu bên trong.

 Đức Phật trình bày quan niệm trên bằng Thập Nhị Nhân Duyên.

 Thập Nhị Nhân Duyên (Pratitya samutpada– dvadasanga pratityasamutpada) là:

 1. Vô Minh - 2. Hành - 3. Thức - 4. Danh Sắc - 5. Lục Nhập - 6. Xúc - 7. Thụ - 8. Ái - 9. Thủ - 10. Hữu - 11. Sinh - 12. Lão, Tử.

 Các sách thường giải Thập Nhị Nhân Duyên chính là căn do làm cho con người luân lạc trong cõi sinh tử luân hồi. Họ giải Vô Minh, Hành là nhân trong kiếp trước; Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu là quả trong kiếp này; còn Sinh, và Tử là hậu quả cho kiếp sau.

 Tôi thấy giải thích kiểu này có vẻ bất ổn, nhất là chỉ cho nó có ảnh hưởng trong ba kiếp.

 Ngoài ra ta còn thấy Phật giáo Tây Tạng thường vẽ Thập Nhị Nhân Duyên chung vào một hình cùng với Tham Sân Si, và Lục Đạo, Tam Đồ.



 Vòng tròn trong cùng là Tham, Sân Si, tượng trưng bằng hình con Gà (Tham); Con Rắn (Sân), Con Lợn (Si). Ba con cắn đuôi nhau. Tham Sân si chính là Vọng Tâm.

 Vòng tròn giữa có hình Lục đạo: Thiên (Tiên)– Atula (Thần)– Nhân (Người)– Địa Ngục– Ngạ quỉ (Ma đói)– Súc sinh– Súc vật.

 Vòng ngoài cùng là vòng Thập Nhị Nhân Duyên: Có 12 hình vẽ: 1. Bà lão mù (Vô Minh)– 2. Hình thợ gốm (Hành)– 3. Hình con khỉ (Thức)– 4. Hình chiếc thuyền (Danh Sắc)– 5. Hình cái nhà (Lục Nhập)– 6. Hình trai gái ngồi với nhau (Xúc)– 7. Hình một người bị tên (Thụ)– 8. Hình người đang uống rượu (Ái)– 9. Hình người hái quả (Thủ)–10. Hình trai gái yêu nhau (Hữu)– 11. Hình người đang sinh con (Sinh)– 12. Hình bà lão chống gậy hay hình hai người khiêng cái xác (Lão, Tử).

 Ngoài cùng có hình Ma Vương (Mara– Tử Thần).

 Ngụ ý toàn hình: ôm ấp Vọng tâm, coi đó là Mình; Ngu muội ám tâm, luyến trần, luyến cảnh đó chính là duyên do đưa con người vào cảnh sinh tử, luân hồi.

 Cắt nghĩa như vậy, thật hết sức sáng tỏ.

 Trở lại Thập Nhị Nhân Duyên (Pratityasamutpada – The formula of Dependent Origination – Doctrine of Causality – Dependently Coordinated Origination):

 1. Vô Minh (Avidya – Ignorance): Sự ngu dốt chính là nguồn gốc, là căn do đưa con người vào trần ai tục lụy. Ngu dốt chính là vì đã không nhìn thấy Bản Thể vi diệu, sang cả của con người, nên đành dấn thân vào con đường trần ai, tục lụy.

 2. Hành (Samskara – Karnic Formations – Action – Activity – Conceptions – Dispositions). Con người sinh ra vốn có khuynh hướng hoạt động, nên nếu không hướng nội, sẽ hướng ngoại, nếu không biết được cái cao siêu, vĩnh cửu, thì sẽ dồn nỗ lực vào công cuộc mưu sinh bên ngoài.

 3. Thức (Vijnana): Rồi ra sẽ tò mò tìm hiểu ngoại cảnh.

 4. Danh sắc (namarupa – Names and forms). Danh sắc là Hình, Danh, Sắc, Tướng bên ngoài, tức là ngoại cảnh. Từ đây con người bắt đầu ứng đối, giao tiếp với cảnh trí bên ngoài.

 5. Lục nhập (Sadayatana – The six sense-organs – The six bases of Consciousness). Lục nhập là ngũ quan và ý của con người.

 6– Xúc (Sparsa – contact) Xúc là sự tiếp xúc giữa con người và ngoại cảnh.

 7– Thụ (Vedana – Feelings, sensations): Ảnh hưởng ngoại cảnh bắt đầu xâm nhập vào ý thức tâm tư con người qua lối đường cảm giác.

 8– Ái (Trsna. Yêu, ước muốn). Do đó nảy ra lòng ham muốn, thèm khát.

 9– Thủ (Upadana – laying hold of, grasping). Tức thời sinh ra lòng muốn chiếm đoạt.

 10– Hữu (Bhava – being, existing, becoming – life i. e. various conscious activities): Chiếm đoạt để làm của sở hữu, và cuộc đời cứ thế chảy trôi. Hết danh, đến lợi, đến tình, lặn ngụp mãi trong vòng hưởng thụ. Và cứ như thế, tầm nhìn lối nghĩ hẹp mãi dần, thần trí hôn quyện dần...

 11– Sinh (Jati – Birth) và cứ thế sinh sinh...

 12– Lão, Tử (Jana – Marana – old age and dealth) rồi lão, tử.

 Đối với tôi, Thập Nhị Nhân Duyên chính là một cuốn phim chiếu chậm lại để mô tả hình ảnh một con người, vì mê lạc, nên đã chạy theo hình danh sắc tướng bên ngoài, chạy theo biến thiên, ảo hóa. Mà gieo gì sẽ gặt nấy, những người xốc nổi phù phiếm như vậy sẽ gặt hái được phù du, hư ảo. Hướng đi của Thập Nhị Nhân Duyên là hướng đi ra TRẦN CẢNH, TỤC LỤY bên ngoài. Cứu cánh sẽ chỉ là toàn sinh, với diệt, toàn là những khổ với đau.

 Sau khi đã luận về Niết Bàn, về Vô Minh, về Ngũ Uẩn, về Chân tâm, Vọng tâm, về Tứ Diệu Đế, về Thập Nhị Nhân Duyên, ta thấy Đức Phật hoàn toàn khảo sát về con người và về các tầng lớp trong con người, nên tới đây tôi thiết nghĩ nên vẽ ra một sơ đồ về con người, để cho thấy đâu là Chân Tâm, đâu là bức màn Vô Minh, đâu là Vọng tâm, đâu là Ngũ Uẩn, Lục Trần, Lục Căn, đâu là Thập Nhị Nhân Duyên, đâu là Luân Hồi, đâu là Niết Bàn v.v...

 Sơ đồ đó như sau:

- Vòng tròn trong cùng là Chân tâm, là Cảnh giới Niết Bàn, là Ba La Mật Tâm.

 - Giữa Vòng trong cùng, và vòng thứ 2, có một vòng đen, tượng trưng cho bức màn Vô Minh. Nó ngăn cách Chân Tâm và Vọng Tâm. Nó cũng thường được ví như là một biển khơi, có hai bờ: Bờ Mê, và Bến Giác. Bờ phía Chân Tâm là Bờ Bên Kia, là Bến Giác. Bờ phía Vọng Tâm (vòng thứ 2) là Bờ Bên Này, là Bờ Mê. Muốn vượt biển Vô Minh phải dùng «Tuệ Giác» tức là Con Thuyền Bát Nhã, nói theo tiếng Phật Giáo.

 - Vòng thứ 2 là Vọng Tâm, gồm đủ thất tình, lục dục, trí lự, tâm tư.

 - Vòng ngoài cùng là xác thân, với Ngũ Quan.

 - Vòng tròn 2 và 3 (vọng tâm, thân xác) cộng với Ngoại Cảnh sẽ tạo thành Ngũ Uẩn.

 - Cảnh giới Luân Hồi chính là ở trong ngoại cảnh đó. Thập Nhị Nhân Duyên cũng hoạt động ở trong các môi trường Ngũ Uẩn, và Lục Trần (Ngoai cảnh).

 Vậy muốn vào Niết Bàn, chỉ có một phương thế duy nhất là biết rõ hướng đi dẫn tới Niết Bàn (tức là đi sâu vào nội tâm); lặng lẽ vượt qua được các trạm kiểm soát, các chướng ngại ngoại cảnh, xác thân, ý thức, tâm tư; tìm ra được tới bờ biển Vô Minh; sắm được một con thuyền Bát Nhã, và làm một cuộc hải trình tâm linh đơn độc; cố sang tới Bờ Bên Kia. Sang tới Bờ Bên Kia tức là thoát Luân Hồi, vào tới Chân Tâm, tới cảnh giới Niết Bàn.

 Chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm «Vượt Biên», để thoát Luân Hồi mà vào Niết Bàn.

 Còn như nói theo từ ngữ triết học, Phật học thì ta sẽ rằng: Muốn tìm ra con đường giải thoát, tìm ra lối vào cảnh giới Niết Bàn, con người phải thay đổi, tầm nhìn, lối nghĩ, thay đổi chiều hướng, thay đổi lối sống thường nhật. Đó là BÁT CHÍNH ĐẠO


BÁT CHÍNH ĐẠO = CON ĐƯỜNG DẪN TỚI NIẾT BÀN

 Bát Chính Đạo (Aryastangamarga – The Eight Fold Paths) là:

 - Chính kiến (right view): Hãy có cái nhìn cho đúng.

 Phật giáo xưa nay đặt nặng chữ Giác Ngộ, chữ Huệ. Nên Đức Phật dạy muốn vào Niết Bàn điều kiện tiên quyết là phải nhìn nhận cho đúng.

 Nếu chúng ta cho rằng cuộc đời này là vô thường, là biến thiên, là vô ngã, là khổ đau, ngoài ra chẳng có cái gì gọi là chân thường, là bất sinh bất tử, thì chúng ta sẽ kết luận rằng: Sống trên đời, hưởng thụ được gì, cứ việc hưởng, rồi ra buông hai tay xuôi, thế cũng là xong.

 Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy rằng ngoài cái biến thiên, sinh tử, còn có cái gì bất sinh bất tử; Ngoài con người phù phiếm bên ngoài của chúng ta, một con người đang bềnh bồng trên trùng dương thời khắc, còn có một con người vĩnh cửu mà ta có thể thực hiện được; ngoài cái khổ đau, sinh tử bên ngoài, chúng ta còn có thể tìm được cõi Niết Bàn ẩn áo bên trong, thì dĩ nhiên ta sẽ có hành động khác.

 Cái đau khổ, biến thiên, chất chưởng bên ngoài chúng ta ai cũng nhìn thấy. Nhưng cái con người vĩnh cửu, chân thực vô biên tế trong ta, cõi Niết Bàn vĩnh cửu trong ta thì không ai nhìn thấy. Chúng ta tránh né không dám dùng những chữ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, mà chỉ dám coi Niết Bàn như là cái gì Tịch Diệt. Chúng ta hãy thay đổi tầm nhìn lối nghĩ, và hãy nhận định rõ ràng rằng Niết Bàn chính là hạnh phúc trường tồn, là trạng thái thoát vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử, thoát vòng biến thiên, thoát vòng lệ thuộc của thời gian. Đức Phật đã thấy như vậy, đã dạy như vậy. Thánh, Hiền, Tiên, Phật xưa nay đều tin như vậy, đều dạy như vậy. Không nhận định, không tin tưởng như vậy, sẽ không có đủ hùng tâm, dũng chí mà tiến tới.[20]

 2– Chính Tư Duy (Right Thought– Right Resolve– Right purpose or aspiration). Có học giả dịch chính tư duy là suy nghĩ cho đúng; có học giả lại dịch là quyết định cho đúng. Tôi cũng hiểu là quyết định cho đúng.

 Tôi nghĩ rằng muốn nhìn cho đúng, tất nhiên là đã phải nghĩ cho đúng rồi. Nên đối với tôi, muốn vào Niết Bàn, phải quyết tâm, phải lập đại nguyện. Đó là một điều kiện tiên quyết để làm nên những đại công, đại nghiệp.

 Đức Phật đã hạ quyết tâm nếu không tìm ra được chân lý rốt ráo, sẽ không đứng dậy, sẽ không rời gốc Bồ Đề.

 3– Chính ngữ (right speech): Nói năng cho hẳn hoi.

 4– Chính nghiệp (right action– right conduct): Hành vi cho hẳn hoi.

 5– Chính mệnh (right livelihood): Sống một cuộc sống hẳn hoi.

 Các thánh hiền xưa nay đều giảng dạy mọi người phải có tư tưởng hay, phải có lời nói cho hay, phải có hành động cho hay.

 Bái Hỏa Giáo cho rằng nghĩ hay, nói hay, hành hay là như ba lớp lông của cánh chim thần. Nhờ chúng mà con người có thể bay về với Tối Thượng Thần Ahura Madza.

 Trung Hoa xưa có thơ:

 Minh kính chỉ thủy dĩ tồn tâm,

 Thái sơn kiều nhạc dĩ lập thân,

 Thanh thiên bạch nhật dĩ ứng sự,

 Thanh phong, minh nguyệt dĩ đãi nhân.

 Dịch:

 Lòng như nước lắng, gương trong,

 Thân như non Thái, phong long cao vời,

 Thanh thiên bạch nhật đối đời,

 Trăng trong gió mát với người ở ăn.

 Trung Dung chương 29 có câu:

 Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,

 Mỗi hành vi là khuôn phép chúng dân theo.

 Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

 Người xa ngưỡng vọng, người gần không hề chán...

 Mượn ý đó, nên trong tập Trung Dung Yếu Chỉ, tôi đã viết:

 Mỗi động tác phải nên gương mẫu,

 Mỗi hành vi nên dấu, nên khuôn.

 Nhời nhời ngọc nhả châu phun,

 Lưu cho hậu thế muôn ngàn dài lâu...

 Hệ Từ Thượng, khi bình giải Hào Cửu Nhị quẻ Trung Phu, cũng đã viết:

 Khi người quân tử nói lời,

 Nói ra ảnh hưởng đến đời, đến dân.

 Hành vi phát động tuy gần,

 Nhưng mà ảnh hưởng dần dần lan xa.

 Việc nhời ấy chính động cơ,

 Động cơ đã phát, hãy chờ nhục vinh.

 Mới hay quân tử ngôn hành,

 Làm cho trời đất rung rinh mấy hồi.

 Cho nên trong việc, trong lời,

 Cố sao thận trọng đáng người hiền nhân.

 6– Chính tinh tiến: (right effort). Cố gắng vươn vượt. Không cố gắng, không vươn vượt, sẽ không tiến tới được.

Trung Dung chương XX viết:

 Còn những kẻ cố công nên thánh,

 Gặp điều lành, phải mạnh tay co.

 Ra công học hỏi thăm dò,

 Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

 Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

 Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

 Đã định học, chưa thành chưa bỏ,

 Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

 Đã suy, suy hết khúc nhôi,

 Chưa ra manh mối chưa rời xét suy.

 Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

 Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

 Đã làm làm tới tinh hoa,

 Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

 Người một chuyến, thâu toàn thắng lợi,

 Ta tốn công, dở dói trăm khoanh.

 Người làm mười bận đã thành,

 Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

 Đường lối ấy, nếu ai theo được,

 Dẫu u mê, sau trước sẻ thông.

 Dẫu rằng mềm yếu như không,

 Sớm chầy, cũng sẽ ra lòng sắt son.

 7– Chính niệm (right kind of awariness or mindfulness: You must think about it incessantly). Tôi giải chữ Niệm theo từ nguyên là «kim tâm»: Lúc nào cũng sẵn có trong tâm, và tôi giải chính niệm là: Muốn thành Phật, muốn vào Niết Bàn, thời ngày đêm phải luôn luôn tâm niệm đến công trình đó, có thể đến quên ăn, quên ngủ. Có vậy mới thành công!

 8– Chính định (right concentration): Tôi hiểu chính định là biết định tĩnh tâm thần; biết thu thần định trí; là giữ cho tâm thần tĩnh lãng, an nhiên, tự tại.

 Có định mới phát huệ, có phát huệ mới nhìn ra được Bản thể siêu việt nơi mình, mới thấy Niết Bàn là gần kề trong gang tấc!

 Nhìn ra được nẻo về, lập đi nguyện thành Thánh, thành Phật ngay từ kiếp này, luôn luôn giữ gìn cho thân, khẩu, ý được toàn hảo, cố gắng vươn lên siêu tuyệt, vươn tới lý tưởng; không lúc nào ngừng nghỉ, luôn luôn canh cánh bên lòng, nhất định thực thi đi nghiệp; giữ cho tâm hồn, điềm đạm hư vô, an nhiên định tĩnh, thì làm sao mà không đạt được tới Niết Bàn, ngay từ kiếp này.

Thế là lời Phật dạy không có ngoa vậy.

Có một điều ta nên chú ý là Đạo Phật đề cao sự Giác ngộ của con người. Phật giáo tuy hay, nhưng nếu con người không Giác ngộ được nó, và thể nhập được nó vào trong mình, thì ảnh hưởng cũng không được bao lăm.

Thế nào là Giác ngộ: Giác ngộ là phá được bức màn vô minh che phủ con người thực tại và con người giả tạo của chúng ta để trở thành con người viên mãn, toàn diện..

Giác ngộ là một sự chuyển hóa tâm hồn hết sức thần kỳ, xảy đến hết sức thình lình, không sao biết trước được. Richard Maurice Bucke, M. D. tác giả quyển Cosmic Consciousness xác định nó thường xảy ra vào khoảng từ 30 tới 50 tuổi. (Xem Sđd., tr. 81). Cũng có người sớm hơn hay muộn hơn. Đó là 1, vài ngoại lệ. Vì thế Đạo Khổng, Đạo Lão gọi khi đó là Hoạt Tí Thời.

Tuy nó chỉ xảy ra trong phút giây nhưng sẽ hoàn toàn thay đổi con người chúng ta. Khi chúng ta chưa giác ngộ, khi còn là chúng sinh, còn là một thiền sinh, theo lời Suzuki, «thực chẳng khác nào một con chó quèn, lang thang đầu đường xó chợ, nguẩy đuôi, ăn mày đầu tôm, xương cá và cả tình thương, và bị trẻ con đánh đuổi không tiếc tay, giờ đây biến thành sư tử lông gáy vàng, một khi rống lên là khiếp đảm tất cả các tâm hồn hèn yếu...(Thiền Luận bản dịch Trúc Thiên, quyển thượng tr. 392. – Hoa sen số 8, Nguyễn văn Thọ, Suy Tư về Thiền, tr. 16-48. – Hoa Sen, số 23, Mạn đàm về Thiền, của Nguyễn Văn Thọ, tr.129-164)

**********************           


TỐI THƯỢNG THỪA PHẬT GIÁO

 A. Những nguyên tắc tu thân căn bản.

1. Băng qua Vạn Pháp biến thiên, trở về với Chân Như Bản Thể.

 Khi nhận thấy rằng chỉ có một Bản Thể duy nhất bao trùm không gian và thời gian, bao trùm cả vạn hữu, khi đã chấp nhận rằng Bản Thể ví như Đại Dương, hiện tượng và quần sinh ví như muôn nghìn sóng cả, hay như những bọt nước bồng bềnh trên mặt, thì điều kết luận dĩ nhiên sẽ là:

 a. Bản Thể thì trường tồn, vĩnh cửu.

 b. Hiện Tượng, quần sinh thì phù du, hư ảo.

 c. Cho nên, phải bỏ phù du, để trở về với vĩnh cửu; bỏ hiện tượng để tìm về Bản Thể Chân Như. [21]

 Phật xưa đã ba lần chuyển Pháp Luân:

 Lần thứ Nhất: Giảng kinh Hoa Nghiêm, để chỉ vẽ gốc rễ, căn bản con người.

 Lần thứ hai: thuyết kinh A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng, để chỉ vẽ chi mạt, ngọn ngành con người.

 Lần thứ ba: thuyết kinh Pháp Hoa, Niết Bàn để dạy đời thu nhiếp ngọn ngành để trở về cội gốc, bỏ Hiện Tượng để trở về với Bản Thể, Chân Như. Đó là thành Phật, thành Đạo, đó là vào Niết Bàn.[22]

  2. Tìm ra Chân Tâm, Chân Như Bản Thể dưới lớp Vọng Tâm, Vọng Ngã.

  Sau khi đã dùng hai chữ Bản Thể và Hiện Tượng để bao quát hết mọi lớp lang đại vũ trụ từ vô hình đến hữu hình, ta trở lại tiểu vũ trụ là con người chúng ta.

 Như trên đã nói, trong vũ trụ, một Bản Thể Duy Nhất phát sinh muôn ngàn hiện tượng, nay trở lại con người, ta cũng thấy vẫn một Bản Thể Duy Nhất, Tuyệt đối ấy phát sinh ra muôn vàn hiện trạng, điều động mọi suy tư, hướng dẫn mọi hành động. Bản thể ấy, theo từ ngữ Phật Giáo, chính là Phật Tính, làm căn cốt cho mọi người, cũng như làm căn cốt cho vũ trụ và muôn vật, vì thế nói: Chúng sinh đều có Phật Tính (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tính).

 Cũng như vũ trụ có hai phương diện Biến Thiên và Hằng Cửu, mỗi một người chúng ta cũng có hai bộ mặt, hai con người. Bộ mặt bên ngoài, con người bên ngoài thì nhem nhuốc, biến thiên chịu định luật thành, trụ, dị, không của thời gian; một bộ mặt, một con người bên trong thì uy nghi, rực rỡ, siêu thoát trên mọi hình, thức, sắc, tướng, và không điêu tàn với quang âm, tuế nguyệt.[23]

 Vì thế mà Phật giáo mới phân Chân Tâm, Vọng Tâm, Chân Ngã, Vọng Ngã.

 Vọng Tâm, Vọng ngã gồm tất cả những trạng thái biến thiên của tâm hồn, gồm thất tình, lục dục, tri giác, cảm giác, hoài bão, lý luận, tư tưởng, sinh sinh, diệt diệt với các hiện tượng bên ngoài.

 Còn Chân Tâm, Chân Ngã thời tế vi, huyền diệu, bất biến trường tồn.

 Chân Tâm, Chân Ngã còn gọi là Đại Ngã. Vọng tâm, Vọng Ngã gọi là Tiểu Ngã. Đại Ngã là có. Tiểu Ngã là không.[24]

 Con người tưởng chừng hữu hạn, tưởng chừng lao lung, tưởng chừng tảo vong, yểu tử, mà kỳ thực đã chứa đựng sẵn vô biên, vô tận, đã sẵn có hạnh phúc, đã sẵn có trường sinh, bất tử.

 Có như vậy, mới cắt nghĩa được con người tại sao luôn mơ ước vô biên, luôn tìm cầu hạnh phúc, luôn mong mỏi trường sinh bất tử.

 Tìm ra được Chân Tâm tiềm ẩn dưới lớp Vọng Tâm, các hiền triết Phật Giáo mới chủ trương con người thay vì có ngũ quan và ý thức, lại còn có đến tám thức: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt Na thức, A lại Da thức.[25]

 Ý thức là Vọng Tâm, mà A Lại Da chính là Chân Tâm. Còn Mạt Na ở giữa đóng vai môi giới.

Khi mê thì Mạt na đóng vai vô minh chỉ liên lạc được một chiều từ Chân Tâm ra Vọng Tâm, thành thử Vọng Tâm không bao giờ nhìn nhận ra được Chân Tâm. Khi Ngộ thì Mạt Na đóng vai Bát Nhã, thành con thuyền đưa người từ bến bờ Vọng Tâm cho tới bờ bến Chân Tâm, lúc ấy sự liên lạc sẽ hoàn tất cả hai chiều, không còn Sâm Thương đôi ngả.

 Duy thức Tông có thơ:

 Đệ huynh bát cá, nhất nhân si,

 Độc hữu nhất cá, tối linh lại,

 Ngũ cá môn tiền tố mãi mại,

 Nhất cá gia trung tác chủ y.[26]

 (Tu tâm, tr. 21)

 Anh em tám kẻ, một người si (mạt na = Ngã si)

 Duy có một chàng rất linh ly. (ý thức)

 Năm người buôn bán ngoài cửa ngõ (Ngũ quan)

 Một vị trong nhà đứng chỉ huy. (A Lại Da)

 Các sách thường chủ trương khi giác ngộ, Thức sẽ biến thành Trí. Và A Lại Da sẽ biến thành Đại Viên Cảnh Trí. Chủ trương này xét ra cũng chính xác, vì nếu trong A Lại Da thức còn có chút tì ố nào, thì chưa phải là Chân Tâm.

 Có sách lại chủ trương còn có Đệ Cửu Thức gọi là Bạch Tịnh Thức, mà Đệ Cửu Thức mới là Căn Nguyên Tuyệt Đối. [27]

Khám phá ra được rằng, sau những lớp lang tâm tư biến ảo, còn có Tuyệt Đối Chân Tâm, sau bộ «mặt nạ» tiểu ngã hóa trang, còn có «bộ mặt Bản lai diện mục», «bộ mặt Đại Ngã»; khám phá ra được rằng: dưới làn sóng vô thường, vô ngã, tràn ngập vũ trụ, tràn ngập lòng mình, dưới lớp ba đào trùng điệp ấy, còn có Giác Hải Chân Như tĩnh lãng, ấy là Giác ngộ.

 Đại Ngã là Phật Tính, là Chân Như, là căn cốt của tạo vật và của con người; vĩnh cửu, trường tồn, chân thường, bất biến, bất hoại.

 Còn Tiểu ngã là vọng tâm của mỗi người, kết cấu bằng những tầng lớp hình ảnh, tư tưởng, dục tình, biến thiên, vô thường, vô định.[28]

 «Lạc trong muôn tứ, nghìn tình,

 Soi gương, nào biết tướng mình thế nao?»

 Trở về Đại Ngã Đại Đồng, Chân Ngã vô tướng, tức là không còn cái mình nhỏ nhoi, hèn mọn nữa, và sẽ trở thành Pháp Thân uy nghi, trang trọng, phổ biến, phổ quát. Đạt tới Đại Ngã là đạt tới Niết Bàn. Vì thế Niết Bàn được định nghĩa là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Bà Blavatsky viết: «Bao giờ Thần con người hoàn toàn không còn tơ vương chút vật chất nào, không còn chút hình tượng nào, sẽ trở thành Linh Khí hoàn toàn. Khi ấy, nó mới vào được Niết Bàn vĩnh cửu, bất biến, trường tồn, đó là Niết Bàn vĩnh cửu thật sự. Linh Khí ấy là Thần, là Không, vì nó là mọi sự. Nó hoàn toàn vô hình tướng; nhưng về phương diện thuần Thần, thì nó là chính Bản Thể. Khi hồn con người đã thành thần thì được gọi là Nhập vào Bản Thể Đại Đồng, hay là phối hợp với Bản Thể chứ không bao giờ có nghĩa là hủy diệt, vì hủy diệt là vĩnh cửu chia ly.» [29]

 Nhiều người theo Phật giáo chỉ chú trọng đến vô thường, vô ngã mà quên biến mất Chân Thường, Chân Ngã. Như vậy mới là biết Biến Thiên chưa biết Hằng Cửu, mới biết hiện tượng chưa biết Bản Thể, mới biết Luân Hồi chưa biết Niết Bàn. [30]

 Biết Vô Thường, Vô Ngã mới là biết Biến Thiên, Khổ Ải, Luân Hồi, mà chưa biết Niết Bàn. [31]

 Biết Vạn Pháp là Vô Thường, Vô Ngã mới là biết hiện tượng phù phiếm, biến thiên; chưa biết Bản Thể bất biến, chưa biết được Thực Tại trường tồn. [32]

 Biết Hiện Tượng, chưa biết Bản Thể gọi là Mê; thấy Bản Thể mà không thấy hiện tượng cũng chưa gọi được là Ngộ. [33]

 Giác Ngộ là phải thông suốt lẽ biến hằng, thông suốt hai phương diện thể dụng trong trời đất và lòng người. [34]

 Người theo đạo Phật mà chỉ nói Vô Ngã, Vô Thường, mà không biết Chân Ngã, Chân Thường, thì cũng y như người học Dịch mà chỉ biết hào quải bên ngoài, chưa biết Vô Cực, Thái Cực bên trong...

 Nhiều người khảo cứu về Đạo Phật rất bạo dạn khi nói về thuyết vô ngã Anatta,[35] Anatman,[36] nhưng không dám đả động đến Chân Ngã. Nhưng may thay, cũng còn có nhiều người dám bàn về Chân Ngã,[37] nhưng may thay trên nhiều cổng chùa, còn có viết bốn chữ đại tự: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.


Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: «Thất nhữ Nguyên Thường, cố thụ luân chuyển.» 失 汝 元 常 故 受 輪 轉 (Không biết căn nguyên vĩnh cửu nên bị luân chuyển).[38]

Kinh Đại Niết Bàn viết: «Kiến nhất thiết Không, bất kiến bất Không, bất danh Trung Đạo, nãi chỉ kiến nhất thiết Vô Ngã, bất kiến Ngã giả, bất danh Trung Đạo. Trung Đạo giả, danh vi Phật Tánh.» 見 一 切 空, 不 見 不 空, 不 名 中 道. 乃 只 見 一 切 無 我, 不 見 我 者, 不 名 中 道. 中 道 者, 名 為 佛 性.

«Thấy tất cả đều là 'Không', mà chẳng thấy cái 'chẳng Không', thì chẳng gọi là Trung Đạo, thấy tất cả là 'Vô Ngã' mà chẳng thấy có 'Ngã' thì cũng chẳng gọi là Trung Đạo. Trung Đạo ấy gọi là Phật Tánh.» [39]

 Không hiểu trong con người có hai thứ Ngã (Đại Ngã, Tiểu Ngã), có hai thứ căn nguyên (Niết Bàn, Sinh Tử), có phân ngôi Chủ khách (Hằng, Biến), thì không sao hiểu được giáo lý đạo Phật, không sao thành Phật được, dù tu luyện mấy muôn kiếp.

 Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết:

«Phật bảo A Nan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh bị lao lung, điên đảo, các nghiệp chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng thành được vô thượng Bồ Đề lại thành ra bực thanh văn, duyên giác, và các thứ ngoại đạo, các Trời và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết hai thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát thành cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.

Thế nào là hai thứ căn bản, hỡi A Nan! Một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp, y như nay ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) làm tự tính.

Hai là căn bản «vô thủy Bồ Đề Niết Bàn Nguyên Thanh Tịnh Thể» đó ở nơi ngươi, chính là «Thức Tinh Nguyên Minh«có thể sinh ra vạn duyên, vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã bỏ mất cái căn nguyên sáng láng ấy, cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn luôn dùng mà chẳng tự biết được nó, rồi ra lăn lộn, đắm đuối vào các thú vui, uổng phí cả cuộc đời. [40]

 Bỏ cái «nguyên thường» trường cửu, mà theo cái vô thường biến dịch, coi vọng tưởng mà lầm là «chân tính» thì có khác gì nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi Luân Hồi, khổ ải?

 Phật bảo A Nan: «Cái đó là vọng tưởng do lục trần bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng tưởng; nó làm hoặc loạn chân tíng ngươi. Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi nhận giặc làm con, bỏ mất tính chân thường của ngươi, nên ngươi bị luân chuyển, luân hồi.» [41]

Làm sao phân biệt được Chân Tâm, Vọng Tâm nơi con người?

Phật cho rằng; cái gì từ bé đến già mà chẳng đổi thay là Chân Tâm. Theo đà thời gian, đầu ta tuy bạc, mặt ta tuy nhăn, nhưng cái Tính Thấy ấy chẳng hề nhăn, chẳng hề bạc,[42] mà đã không nhăn, không biến thì làm gì có sinh, có diệt? [43] Suy ra, trong con người, cái gì bất động, bất biến là Chân Tâm.

Đã bất biến, thường trụ thời là Chủ Nhân, đã trừng tịch bất động thời là «Không».[44]

Trái lại, cái gì thay đổi, biến thiên trong con người, cái gì giao động thì là Vọng Tâm. Mà đã giao động, biến thiên, thì chẳng qua là trần ai, hay khách qua đường mà thôi.

 Cho nên Vọng Tâm chính là hiện tượng sẽ bị sinh, diệt; còn Chân Tâm mới là Bản Thể bất sinh, bất diệt.[45]

Bỏ mất bản tâm, mà lại nhận lầm duyên trần, nhận vật làm mình, nhận giao động biến thiên làm Chân Tâm, Chân Cảnh, thì làm sao mà chẳng bị quay cuồng trong ngọn lốc Luân Hồi lưu chuyển.[46]

 Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã mất Chân Tâm, bản tâm rồi, thì dẫu «có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo, chẳng khác nào đứa con bỏ cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế, làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm sao mà no được.» [47]

 Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo Lục Tổ Huệ Năng: «Kẻ nào chẳng biết Bổn Tâm, thì học đạo vô ích. Nếu ai biết Bổn Tâm, thấy Bản Tánh tự nhiên, tức thị là Trượng Phu, là thày của Trời, Người, là Phật.» [48]

  3. Bỏ Vọng Tâm để sống theo Chân Tâm, hay diệt ngã để khế hợp với Chân Như Bản Thể.

 Nếu không phân biệt Chân Tâm, Vọng Tâm, thì không sao hiểu được đạo Phật. Phật giáo chủ trương Vô Ngã, rồi lại dạy Diệt Ngã. Nếu chỉ có Vọng Tâm, mà không có Chân Tâm, thì chủ trương như vậy rất vô lý, vì đã Vô Ngã thì còn gì mà diệt; vả lại tu mà đi đến tận diệt, thì tu để làm gì? Nhưng trái lại, nếu biết sau Vọng Ngã, còn có Chân Ngã, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay.

 Chủ trương Phật giáo chính là: con người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như vậy, phương châm và mục đích tu luyện sẽ được vạch rõ:

 Từ Vọng Ngã nhỏ hẹp ta sẽ phát huy Đại Ngã rộng lớn, mênh mông;[49] trong sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy pháp thân siêu việt; trong phàm thân dễ bị hủy hoại, sẽ cố phát huy kim cương thân bất khả tiêu diệt; trong u minh, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc Chân Tâm.

Chữ Diệt Ngã, hiểu cho đứng đắn, là phá tan mọi hình tướng để tìm ra Chân Tính (khiển tướng, chứng tính);[50] làm lu mờ tan biến mọi nhỏ nhen, ti tiện cho quang minh chính đại hiện ra (ẩn liệt, hiển thắng).[51] Mục đích tối hậu là khế hợp với Tuyệt Đối,[52] là hoà hợp với Bản Thể Tuyệt Đối.

Thế là đi từ Hữu Vi, Hữu lậu trở về Vô Vi, Vô lậu; rũ bỏ hết mọi phiền trược, buộc ràng, mà sống ung dung tự tại; vất bỏ hết mọi giả tạo, để tìm ra Chân Thực trường tồn (khiển hư, tồn Thực);[53] rũ bỏ mọi tạp thù, để giữ nguyên thuần tuý (xả lạm, lưu thuần);[54] bỏ ngọn nghành, chi mạt, để trở về gốc gác, căn nguyên (nhiếp mạt, lưu bản).[55]

 Đạo Nho gọi thế là Khử Nhân Dục, tồn Thiên Lý, vì theo qui luật «phục, khởi» của Kinh Dịch, thì «Nhân dục thắng, Thiên Lý vong» và ngược lại «Nhân dục tận, Thiên Lý hiện», hay Âm tận thì Dương thuần. Nhân dục và Thiên Lý không thể lưỡng lập.

 Đạo Lão gọi thế là «tâm tử, thần hoạt» (tâm có chết đi, thần mới sống được.)

 Suy ra thì nhẽ Phản Bản, Qui Nguyên trước sau chỉ là một, từ ngữ tuy thay đổi, cách diễn tả tuy không đồng nhất, nhưng tinh thần muôn đời vẫn chẳng có hai. 

B. Con đường giải Thoát: Tìm Chân Tâm ở đáy lòng.

Hướng ngoại mà tìm cầu,

 Tất cả đều ngoan si.

 Hướng nội mà tùy xứ tiện nghi,

 Tất cả đều là chân thật.

 (Lâm tế lục thị chúng,  ĐĐ Thiên Ân, Triết học Zen, tr.103)

 Tất cả các kinh sách Phật Giáo, các môn phái Phật Giáo đều có mục đích chỉ vẽ Chân Tâm.

 Như trên đã nói: Chân Tâm là Phật Tánh, là Chân Như bất biến, hằng cửu lồng ngay trong vạn hữu và trong tâm hồn ta, chẳng ở đâu xa.

 Kỳ lạ thay là thân thế con người: thân thế con người, tuy lao lung, chất chưởng, nhưng chính đã được gắn liền vào trường sinh, tuyệt đối, như sóng gắn liền với nước.[56]

 Như vậy, con đường giải thoát không phải là đường sông, đường biển, đường Tây Trúc xa xăm, mà chính là con đường nội tâm của mỗi người.

 Phải đi sâu vào đáy lòng mới tìm ra Chân Tâm, mới tìm ra Niết Bàn, mới tìm ra hạnh phúc, tự do, giải thoát.

 Lục Tổ Huệ Năng nói: «Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp Thân của mình, thấy Phật ở Tự Tâm mình, độ lấy mình mới được.» [57]

 Như vậy châm ngôn để đi tìm chân lý sẽ là:

 Con đường hướng nội tiến cho sâu,

 Càng sâu, càng thấy lắm nhiệm mầu.

 Tâm khảm bao la không bờ bến,

 Vũ trụ mênh mông đã thấm đâu.

 Tâm con người càng tìm hiểu, càng thấy kỳ diệu. Phiến diện, thì lao lung, chất chưởng, biến thiên,[58] đầy tràn trần ai, nghiệp chướng, mà trái lại, căn cốt thì vô biên, tuyệt đối.

 Như vậy, mỗi người đã sẵn có bảo châu vô giá giấu trong vạt áo, sao không cố tìm kiếm cho ra, mà cứ an phận sống một cuộc đời khổ ải.[59]

 Như vậy, mỗi người có thể ví như một hoàng tử lưu vong, mà bụi phong trần đã phủ kín hết các nét hào hoa, phong nhã, mà cuộc đời luân lạc đã làm cho lầm than, chìm nổi, cho đến quên khuấy cả dòng dõi sang cả mình, quên hết căn nguyên huy hoàng, quên hết cả đến định mệnh siêu việt đang chờ đón mình trong những bước đường tương lai.[60]

Phật đã nhắc nhở con người về dòng dõi sang cả, cũng như về định mệnh cao quí cuả con người.

Phật khi đắc đạo đã nhận định rằng: «Đạo quả chân thật giải thoát không phải do hành hạ xác thân, không thể nương vào kẻ khác và cũng không phải tìm kiếm đâu xa ngoài chính mình.» [61]

 Vậy muốn tìm Chân Tâm, muốn tìm Phật Tính, phải tìm ngay trong người mình, trong lòng mình.

 Phật bảo A Nan: Chân Tính đã ở nơi ngươi mà ngươi chẳng tin, lại theo nơi miệng ta mà tìm Chân Tính, vậy ngươi đã lầm chưa? [62]

 Tây Du Ký cũng đã vạch rõ đâu là động phủ để tầm sư học Đạo: Muốn tìm Chân Đạo, muốn gặp Chân Sư, Tề Thiên Đại Thánh phải tìm về Phương Thốn Sơn, vào Tà Nguyệt Tam Tinh Động; Mà Phương Thốn Sơn là Tấc Vuông, hay Tấc Lòng, còn Tà Nguyệt Tam Tinh Động, chính là chữ TÂM, viết bằng nửa vành trăng khuyết và ba sao rực rỡ. [63]

* Trong Hồi 85 của Tây Du, tác giả còn nhắc lại: Tìm Phật phải tìm ở đáy lòng:

 «Phật ở Linh Sơn, vốn chẳng xa,

 Linh Sơn kỳ thực, tại lòng ta.

 Người người đều có Linh Sơn tháp,

 Tu tại Linh Sơn, mới khéo là.» [64]

 Thiền Tông tha thiết chủ trương: «Trực Chỉ Nhân Tâm, kiến Tính thành Phật.» [65]

 Các tổ sư thiền học giúp các đệ tử đả thông vấn đề này bằng câu thoại đầu:

 «Bính Đinh đồng tử lai cầu hỏa.» (Thần lửa Bính Đinh đến xin lửa.)[66]

Lục Tổ Huệ Năng thường đề cập tới bí quyết: «tìm Phật ở đáy lòng.» Ngài nói:

«Phật tự Tính trung tác,

Mạc hướng thân ngoại cầu.»

Phật do trong Tính khởi lên,

Chớ đừng vất vả, kiếm tìm ngoài thân.[67]

Trong Phẩm Sám Hối, Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ lại nói: « Qui y Phật, thì Phật ở nơi đâu? Nếu không thấy Phật, thì không biết nơi nao tìm về.

Hoa Nghiêm Kinh viết: «Quy y với Phật của mình, chớ chẳng quy y với Phật khác.» [68]

 Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, vị sáng lập Thiền Tông tại Trung Quốc, là người tha thiết nhất với vấn đề đi vào nội tâm để tìm Phật Tính, tìm Bồ Đề, Niết Bàn.[69]

 Quyển Đạt Ma Huyết Mạch Luận [70] đã ký thác hoài bão Ngài. Ngài chủ trương:

 Bất lập văn tự,

 Trực chỉ nhân tâm,

 Kiến Tính thành Phật.

 Lĩnh hội vi ý sách Đạt Ma huyết mạch luận, [71] ta có thể thâu tóm tư tưởng của Ngài Bồ Đề Đạt bằng mấy vần thơ sau:

Chân tâm bao quát đất Trời,

Xưa nay, chư Phật chẳng ngoài Chân Tâm.

Chẳng cần lập tự, lập văn,

Xưa nay chư Phật, tâm tâm tương truyền.

Tâm ta gồm mọi nhân duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.[72]

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật Đà ở tại tâm ta chẳng rời.

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài tâm tìm kiếm, công toi, ích gì?

Ngoài tâm, tìm kiếm được chi?

Niết Bàn đâu có lối về ngoài tâm.

Tự Tâm trí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm, Niết Bàn.[73]

Ngoài tâm, tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Bỏ tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu,

Phật tâm, tâm Phật trước sau,

Ngoài tâm, tìm Phật, hỏi sao chẳng lầm.

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan, quán chiếu mà tầm siêu linh.

Bản Lai Diện Mục của mình,

Muốn tìm thì phải ly hình, nhập tâm.[74]

 Khi đã biết rõ căn bản cao siêu của mình, khi đã nhận thức được Pháp Thân trường tồn trong mình; khi đã biết rõ bộ mặt thật của vọng tâm, biết rõ thân phận mây trôi, bèo nổi của vọng tâm, các bậc Chân Tu mới ra công «diệt ngã». «Diệt Ngã» là «diệt Tiểu Ngã», cho Chân Như Đại Ngã hiện ra.[75]

 «Diệt Ngã» đây cốt là để:

 ---Hoà hợp với Bản Thể tuyệt đối.[76]

 ---Nhất trí với thực tại. [77]

 ---Đồng thể với Di Đà.[78]

 ---Khế hợp với Chân Như tuyệt đối. [79]

Diệt Ngã là cốt diệt trừ hết những vọng tưởng, vọng niệm, diệt trừ hết mọi dây rợ luyến ái bên ngoài, thoát ly hết mọi giây triền phược, trói buộc mình vào hoàn cảnh và vật chất. Đây là một thái độ tinh thần trừu tượng, chứ không phải là một sự trốn tránh, thoát ly vật chất cụ thể. Cho nên, ta có thể Diệt Ngã ngay giữa lòng đời, ngay trong chốn phồn hoa, đô hội. Đó tức là sự thanh tịnh, tự do, tự tại về tinh thần, đó tức là«đắc thiên hạ nhi bất dự yên.» [80]

Diệt ngã là vén mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thủa hiện ra, bỏ Sắc Thân mà hiển «Pháp Thân»;[81] bỏ Phàm Thể mà mặc Thánh Thể. [82]

Như trên đã nói: Chân Như là Bản Thể, là Như Lai siêu xuất trên hình thức, sắc tướng, siêu xuất trên mọi vọng tưởng, vọng niệm, cho nên muốn thấy Bản Thể phải lìa bỏ hình tướng, đi ngược lại dòng tư tưởng, niệm lự; đi sâu vào chỗ dục tình chưa phát xuất; chỗ tư tưởng chưa manh nha; hư không, trạm tịch mới chứng quả được. [83]

Mượn ý kinh Kim Cương và Đạt Ma Huyết Mạch Luận, ta phác họa phương pháp Tu thân Kiến Tính, Thành Phật như sau:

 Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng, [84]

 Hãy cố tìm vô thượng Bồ Đề,

 Niết Bàn muốn rõ nẻo về,

 Đừng nên chấp trước, đam mê lụy trần.

 Con đường giải thoát nội tâm,

 Cố suy, cố nghĩ, cố tầm cho ra.[85]

 Vọng Tâm cố vén mây mù,[86]

 Băng qua hình tướng, vào toà Như Lai,[87]

 Nơi Vô Trụ là nơi an lạc, [88]

 Pháp Vô Vi là Pháp Thánh Hiền. [89]

 Chớ đừng dính líu sự duyên,

 Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai. [90]

 Hãy nhớ kỹ hình hài, sắc tướng,

 Đều là tuồng mộng tưởng, mau qua.

 Đều là bào ảnh, quang hoa,

 Sương vương ngọn cỏ, chớp loà chân mây. [91]

 Như Lai chẳng ở đây, ở đó,

 Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu. [92]

 Như Lai ở sẵn lòng sâu,

 Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai.

 Tóm lại, trước sau, chư vị Phật, chư vị Đạt Trí, Đại Giác đều công nhận rằng: Không thể nào tìm ra được Bản Thể Tuyệt Đối ngoài vũ trụ và ngoài tâm mình. Bản Thể ấy, Chân Tâm ấy đã lồng ngay trong lòng vũ trụ, và trong lòng con người. Sự giác ngộ cũng bắt đầu từ đó, và sự chứng quả cũng tận cùng ở đó.

 Cho nên ta có thể mượn lời Đạt Ma tổ sư mà kết thúc như sau:

Tâm, tâm, tâm,

Tâm kia sao khó, khó sao tầm,

Khi rộng, rộng trùm muôn pháp giới,

Khi thu, thu nhỏ, khó lọt châm.

Ta chỉ tìm tâm, không tìm Phật,

Rũ không tam giới, mới hết lầm.

Phật kia, muốn chứng, muốn tầm,

Muốn tầm ra Phật, ngoài tâm chớ hòng.

Tâm ấy Phật, chớ không đâu nữa,

Phật tính nào, đời thủa ngoài tâm

Tâm sinh, sinh cả cát lầm,

Tâm sinh, tội cũng âm thầm sinh theo.[93]

----------------
(Hết phần Tư tưởng Phật học--Xem tiếp phần Bản địa hóa Phật học)

**********************           


SỰ BẢN ĐỊA HOÁ PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM

(Trích sách Con Đường Tam Giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng, Nxb Tp HCM, 1999, từ tr. 8 đến tr. 10)

Phật giáo đã có ở Việt Nam khá sớm. Gần cuối thế kỷ II, Việt Nam có một trung tâm Phật học lớn ở vùng Dâu (Hà Bắc). Bấy giờ Việt Nam đang bị nhà Hán xâm chiếm, tên nước bị giặc đổi là Giao Chỉ Bộ. Năm 203, Hán Hiến đế lại đổi là Giao Châu.

Phật học vào Việt Nam trước tiên bằng đường biển, từ phương Nam lên, do các nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn. Luy Lâu (vùng Dâu, Hà Bắc) có thể là cửa ngõ để từ Việt Nam, các nhà sư, nhà buôn viễn xứ mượn đường đi vào đất Hán.

Theo Thiền uyển truyền đăng tập lục, Pháp sư Đàm Thiên trong khi đàm đạo với vua nhà Tùy (thế kỷ VI? VII) cho biết Giao Châu có đường thông thương với Ấn Độ, nên khi ở Giang Đông (Trung Quốc) đạo Phật hãy còn xa lạ thì tại thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có trên hai mươi chùa Phật, hơn năm trăm nhà sư, đã biết đến mười lăm bộ kinh.

Có lẽ Phật giáo đã từ Việt Nam vào Trung Quốc trước khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam. Thế kỷ III, Ngô Tôn Quyền ở Giang Đông đã được sư Khương Tăng Hội từ Giao Châu sang truyền đạo, Tôn Quyền đã cho cất chùa Kiến sơ vào dịp này.

Đại Việt sử ký toàn thư và Ngô chí (viết vào thế kỷ IV) chép lại lá thư của một người Hán là Viên Huy, gửi cho Thượng thư lịnh Tuân Úc năm 207, trong thư kể rằng Thái thú Sĩ Nhiếp ở Giao Châu mỗi khi ra đường đều có các nhà sư Ấn Độ theo xe, xông trầm đốt hương, đánh chuông khánh, thổi kèn sáo.

Do miền Bắc sớm trực tiếp gặp Phật giáo Ấn Độ nên người người miền Bắc có từ bụt. Bụt do gốc tiếng Ấn buddha (phật đà, giác giả: người đã giác ngộ).

Về sau, việc truyền đạo trực tiếp từ Ấn sang giảm bớt dần, trong lúc theo đường bộ đạo Phật từ phương Bắc du nhập chiếm ưu thế hơn. do ảnh hưởng từ phương Bắc xuống, hay Bắc tông, Phật giáo Việt Nam chủ yếu thuộc ngành đại thừa. Trái lại, do ảnh hưởng từ phương Nam lên, hay Nam tông, các lân bang như Lào, Căm Pu Chia, Thái thuộc ngành tiểu thừa.


I. TỪ THẾ KỶ III ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIII

Trong các hệ phái Phật giáo ở nước Nam, Thiền tông phát triển mạnh nhất và có nhiều đặc sắc, khởi đầu với sư Khương Tăng Hội (đầu thế kỷ III). Sư có công khai sáng Thiền học Việt Nam và là người đầu tiên đem đạo Phật từ Việt Nam truyền sang người Hán. Phật giáo Việt Nam lúc này đã là đại thừa vì Sư đã cùng các cao tăng khác dịch kinh Bát nhã, rồi sư Chi Cương Lương Tiếp dịch kinh Pháp hoa tam muội.

Tư liệu về thế kỷ IV còn khiếm khuyết.

Thế kỷ V, theo Tục cao tăng truyện, có Thiền sư Huệ Thắng, là môn đồ của sư Đạt Ma Đề Bà. Sư Huệ Thắng nhiều lần sang Trung Quốc hoằng giáo.

Từ thế kỷ VI đến hết triều Lý, Việt Nam có ba dòng Thiền lớn.

1. Phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi

Năm 580 sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Việt Nam, trụ trì mười bốn năm ở chùa Pháp vân (Bắc Ninh), liễu đạo năm 594. Phái này truyền được mười chín đời. Đời chót có Thiền sư Y Sơn (liễu năm 1213).

2. Phái Vô Ngôn Thông

Năm 820 sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam, trụ trì chùa Kiến sơ (Bắc Ninh), liễu năm 826. Phái này truyền được mười bảy đời. Vua Lý Thái tông (1028-1054) là môn đệ đời thứ tám.

3. Phái Thảo Đường

Sư Thảo Đường từ Trung Quốc sang Chiêm Thành. Năm 1069, vua Lý Thánh tông đánh thắng quân Chiêm, đưa Sư về Thăng Long, phong làm Quốc sư. Sư trụ trì chùa Khai quốc.

Phái này truyền được sáu đời. Trong hàng đệ tử có chín nhân vật đáng kể như: vua Lý Thánh tông (1054-1072), đời thứ hai; quan Tham chính Ngô Ích, đời thứ ba; vua Lý Anh tông (1138-1175) và quan Thái phó Đỗ Vũ, đời thứ tư; quan Thái phó Đỗ Thường, đời thứ năm; vua Lý Cao tông (1176-1210) và quan Quản giáp Nguyễn Thức, đời thứ sáu.



II. PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỜI TRẦN

Đầu thế kỷ XIII, ba phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dần dần sáp nhập, đưa tới sự lớn mạnh của phái thiền Yên tử để thành một phái duy nhất đời Trần là phái Trúc Lâm.

Phái Yên tử xuất hiện từ núi Yên tử. Tổ khai sơn là Thiền sư Hiện Quang (liễu năm 1220). Tổ thứ hai là thầy của vua Trần Thái tông, được tôn là Trúc Lâm Quốc sư, pháp hiệu Đạo Viên, có tên khác là Viên Chứng.

Trong hai mươi ba vị tổ của phái Trúc Lâm, tổ đời thứ sáu là vua Trần Nhân tông, pháp hiệu Trúc Lâm Đầu đà.

Trong hoàng tộc có một thiền sư lẫy lừng là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ngài tên thật là Trần Quốc Trung, tước Hưng ninh vương, con cả của An sinh vương Trần Liễu, và là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Khóa hư lục của vua Trần Thái tông và Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ là hai kiệt tác trong thiền học đời Trần.

Đời Trần cũng noi theo Lý, mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài ra giúp nước (đời Lý: 1195; Trần: 1247).


III. TỪ THẾ KỶ XV ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX

Nhà Hồ (1400-1407) rồi nhà Hậu Trần (1407-1413) mất, quân Minh xâm chiếm Việt Nam (1413-1427). Loạn lạc liên miên, đạo Phật suy yếu. Đuổi xong giặc, vua Lê Thái tổ (1428-1433) tổ chức khảo sát trình độ các sư, đạo sĩ. Ai kém phải hoàn tục.

Nhà Hậu Lê suy; ngoài Bắc, chúa Trịnh thao túng; trong Nam, chúa Nguyễn tung hoành. Phật giáo suy. Đầu thế kỷ XVIII, thống nhất xong đất nước, vua Quang Trung (1788-1792) theo gương đời Lê, lo chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn lại việc cất chùa, chỉ đạo cất các chùa lớn có quy củ, gạn lọc các phần tử kém phẩm chất ra khỏi cửa thiền, buộc hoàn tục.

Từ thế kỷ XV trở đi tuy không còn rực rỡ như hai triều Lý, Trần nhưng đời nào cũng có cao tăng, chân tu xuất hiện. Một số dòng thiền khác được ghi nhận như: phái Tào động, gốc từ Trung Quốc, triều Lê Thế tông (1573-1599); phái Liên tông, triều Lê Hy tông (1676-1705). Hai phái này ở miền Bắc. Miền Trung có phái Liễu Quán và phái Nguyên Thiều. Phái Nguyên Thiều có từ triều Lê Huyền tông (1663-1671), gốc từ Trung Quốc, là hệ phái của dòng thiền Lâm Tế...

Ngày 01.9.1858, phát súng đầu tiên của hải quân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh loạn lạc, đạo Phật bị ảnh hưởng, suy thoái dần.

Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo đã lần lượt dấy lên ở nhiều nơi. Lúc này, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số tôn giáo mới, chẳng hạn như đạo Cao đài. Các hội nghiên cứu Phật học, các giảng khóa lần lượt được tổ chức. Các cao tăng bấy lâu ẩn dật đến lúc nhập thế hoằng dương Phật pháp. Các tạp chí nghiên cứu đạo Phật nhờ phương tiện in tiến bộ đã có thể phổ biến rộng rãi hơn. Có những cư sĩ trí thức đã đổi mới lại cách giảng dạy cổ truyền của nhà thiền. Các ông Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (chùa Quán sứ, Hội Phật học Bắc Kỳ), Chánh Trí Mai Thọ Truyền (chùa Xá lợi, Hội Phật học Nam Việt)... đều có nhiều công lao đóng góp. Sau này, việc đào tạo tăng ni tại Việt Nam đã có quy củ với các hệ cao đẳng, đại học cũng nhờ sự quật khởi từ những thập niên đầu thế kỷ XX. 

**********************           


CHÚ THÍCH

[1] 1. Historically, it must be said that Buddha preached his phenomenological doctrines in an «Exoteric Form» to the people and his ontological doctrine in the «Esoteric Form» was reserved only for advanced or brilliant. Teachings on both these lines proceeded simultaneously without implying any periodical or chronogical divisions. However, from the doctrinal point of view, the former is the more expedient (upaya) doctrine, while the latter is the real doctrine. This order equates well with the inherent natural law in the spiritual domain. Here the former or «exoteric» must come first and the later or «esoteric» would come next.

The terms Hinayana and Mahayana etc, p. 60, T.R.V. The Central Philosophy of Buddhism, Mandala Books, Unwin Paperbachs, London, Boston, Sidney, p. 50 note 1.

[2] Edited by Heinz Bechewart and Richard Gombrich, The World of Buddhism,, Facts on File Publications, Mew York, Bicester, England, 1985, pp. 14-41; 56-57.

[3] Xem T.R. V. Murti, The Central Philosophy of Buddhism, Mandala Books, Unwin paperbacks, London, Boston, Sidney 1980, pp. 36-54, Chapter II: The Silence of the Buddha and the beginning of the Dialectics

Xem thêm Narada Maha Tera, Đức Phật và Phật Pháp. Người dịch: Phạm Kim Khánh, Chùa Pháp Vân, 850 W. Phillips Boulevard, Pomona, CA 91766, nơi các trang 305-308.

[4] In the article «Buddhism teaches rebirth», Humphrey relates that Mrs. Rhys Davids, in her day, the leading Pali scholar in the West, once made a list of «ten things which the Gautama the Buddha would not have taugh.» The first is «that the man, the very man; self, spirit, soul, purusa is not real.»Mrs Rhys Davids, a life student of Theravada Buddhism –the very school that lay so much stress on No Soul Idea-adds that in reality Buddha begins his mission by advising man to seek thouroughly for the Atma, and ended by bidding Men lives as having Atma for their lamp and refuge. The Buddha concerns, she said, was with the wayfarer upon the way. «How to waufare from this to That; here was life problem.» And this was a long journey. Mr. Humphrey asks:

 Are there then two types of self in the Pali Canon. Ms. I. B. Horner, a pupil of Mrs Rhys Davids and the present president of the Pali Text Society, shows that this is so..In the famous article reprinted in «The Middle Way» (Vol. 27, p. 76),she lists some seventeen passages from the Pali Canon which make this clear. The «lesser self» and the «greater Self» are clearly distinguished, and the «grater self» is described as «a dweller in the incommensurable». But the Dhammapada, the most famous text in the Canon, will itself suffice.»Self is the lord of self, what other lord could there be,»Anh again «Self is the lord of self, and self «bourn» i. e. the very goal of all endeavour. If it is possible to lift the Buddha teaching nearer still to the Hindu original, look at: «The Self in thee knows what is true and what is false.»Every mystic since the world began would agree.

 «If «, Humphreys continues, «the Buddha then taugh Atta, as his brilliant predecessors in the field of Indian thought, what did he says was Not-Self, An-Atta? He is quite specific. It is the five skandhas, the constituents of personality in which there is no permanent self to be found...But the monks would not leave the statement alone. Attacking the concept of Atman as degraded in the Buddha’s day to a thing...the size of a thumb, in the human heart, they swung to far. «No self, no self, they cried, and in time, produced the joyless, cramping doctrine, a drearily proclaimed to day, «especially in Theravada Buddhism».

Elsewhere Humphreys concedes that the attacks of the Thersavada monks, or bhiskkus, is legimately «directed against the concept of unchanging individuality, a separate self, distinct from the vast totality of Life, and its illimitable forms. « However, he adds, «the Bhikkus ignore the «Unborn, Unoriginated, Unformed» of their Scriptures, as inherent in every manifested thing.»Clearly the phenomenal self, whether called ego, shadow, or the evolving soul, is changing all the time,» but this does not means «no soul, no self at all.» – Joseph Head & S. L. Cranston, Reincarnation, the Phœnix Fire Mystery, Juylian Press, New York, 1977 pp. 63; 75-76)

[5] Buddha, according to Mrs Rhys Davids, did not deny the soul or self outright, but only that the body, the sense-organs etc., were the self.:The words’ body is not the self,’ can not rationally be said to imply that there is no self or soul or’realman’. As soon might I be held to be denying the existence of the captain, if I said on looking at two sailors,’you are not the skipper’.Yet this is just the inference that Buddhism has come to draw from this monition! This belongs to the after- history...

«...Gautama was both teaching and expanding the Immanent Cult of his day.» Accepting the Upanishadic ideal of the self as the ultimate value, Buddha taugh how to release it, how to become that. He insisted on conduct (sila), works, concentration (samadhi) and insight (panna) and dependence on oneself than on the ritual or knowlegde...

Mrs. Rhuys Davids quotes...the ‘Mahaparinibbana (Kinh Đại Niết Bàn) passage «attadipa attasarana» etc...and translates it:»Live as they who have the self for a lamp, the self for a refuge; as they who have dharma for a lamp, dharma for a refuge, and none other’

T.R. V. Murti, The Central Philosophy of Buddhisn,Mandala Books, Unwind Phperback, London, Boston, Sydney, 1989, p. 21 and note 1 page 23.

[6] His (Buddha’s) position was not Nihilism, even in an implicit form. Neither Buddha nor any Buddhistic system ever took this to be so. Buddha avers in the most explicit terms the existence of Nirvana as an implication of his doctrine and the spiritual discipline. Numerous are the passages in which Nirvana is spoken of in positive terms as a reality beyond all suffering and change, as unfading, still, undecaying, taintless, as peace, blissful. It is an island, the shelter, the refuge and the goal. In a celebrated Udana (Tự Thuyết) passage, Buddha says:»There is a not-born, a not-become, a not-created, a not-formed. If there were not this not-born, not-become...there would not be the escape, the way out of this bondage.

 Buddha did not doubt the reality of Nirgvana (Absolute), only he would not allow us to characterize and clothe it in empirical terms as being, non-being etc...His silence can only be interpreted as meaning the consciousness of the undescribable nature of the Unconditioned Reality. Professor Radhakhrishnan unerringly indicates the nature of Buddha’s silence in his works thus: «If the Buddha declined to define the nature of the Absolute or if he contended himself with negative definitions, it is only to indicate that absolute being is above determinations. Why then, did Buddha not admid in express terms the reality, the legitimacy of which he was the first to contest in others. The absolute is not a matter of empirical observation. The world of experience does not reveal the Absolute anywhere within its limits.»

     (Ib. pp. 47-48)- Udana pp. 80-81.)

[7] He follows no one, save the eternal life within his own heart; he trusts no other Saviour except the saving power resident within his soul. Thus in the words of the Gospel of Phillip, the Gnostics become not only a Christian, but a Christ,

Robert’s Ellwood Jr. Religious and Spiritual Groups in Modern America, Prentice Hall Inc. Englewood Cliffs, New Jersey, 1973, pp. 120-121.

[8] Much of Buddhism's powerful influence may have had its source in the deliberate avoidance and claims to exclusive Truth, adherence to inflexible dogma, or the authority of any final, sacrosaint, theocratic hierarchy. The «Come and see for yourself» attitude of the original Great Teacher, Siddhartha Gautama, who became the Buddha, the Enlightened One, his pragmatic insistence on «Don't take my work for it. Try it yourself!» the unswerving challenge of his famous aphorism, «Look within, thou art the Buddha.»

 Nancy Wilson Ross, Buddhism A Way of Life and Thought,Alfred A. Knopf New York 1980, p.4.

[9] The Dharma, that is, the Buddhist Doctrine, is condensed in the Four Noble Truths (Aaryasatya) expounded by the Buddhas, and especially by Sakyamuni in his Discourse at Benares (Vinayapitaka -Luật tạng- ed. H. Oldenberg, 5 vols, London 1879-83, I. 10; The Gilgit Manuscript of the Sanghabhedavastu ed. R. Gnoli, 2 vols, Rome 1977-78, I, 137-8):

            (1) Everything is suffering (duhkha).

            (2) The origin of suffering (duhkhasamudaya) is desire (trsna).

            (3) There exists a Nirvana, an end to suffering (duhkhanirodha).

            (4).- A Path, defined by the Buddha, leads to Nirvana.

 The World of Buddhism, Ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts On File publications, New York, 1984, p.47.

[10] The Five Aggregates, inasmuch as they arise from causes and conditions, are conditioned things (Samskrta dharma), also referred to as Formations (samskara). They are endowed with the three or four characteristics of conditioned things (samskrta laksana)- arising (upada), disappearance (vyaya), duration-and-change (sthity-anyathatva) - by the terms of which they arise, endure and disappear (A. I, 152; S, III, 37; NidSa. 139).

 Each Formation (samskara) has its own essential nature (svabhava) or particular characteristic (svalaksana), but all are marked by the seal of impermanence, suffering and impersonality (M. I, 138,9; S. II,244-6; M. III, 271-3)...

A. = Anguttara-Nikaya (Tăng Nhất A Hàm) ed. R. Morris and E. Hardy, 5 vols, London 1885-1900.-

S. = Samyutta-Nikaya (Tạp A Hàm) ed. L. Feer, 5 vols, London 1884-98).

NidSa. = C. Tripathi Funfundzwanzig Sutra des Nidana-samyukta Berlin 1962.

M. = Mijjhima Nikaya (Trung A Hàm) ed. V. Trenckner and R. Chalmers 3 vgol, London 1888-99.

The World of Buddhism, ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts On File Publications, New York, Bicester, England, p.49-50.

As we shall see, the Buddha reduces the «self» to a combination of five aggragates(shandhas) of the physical and psychic forces. And he states that dukkha is, in the last analysis, the five aggregates.

 Mircea Eliade, A History of Religious Ideas, Vol.2: From Gautama to the Triumph of Christianity, pp. 93-94.

[11] The Buddha does not put forth a definition of nirvana, but he constantly returns to some of its attributes. He affirms that the arhats (the delivered Saints) «have attained unshakable happiness» (Udana 8. 10); that nirvana is bliss» (Anguttara 4. 414); that he, the Blessed One, has attained the Immortal» and that the monks can attain it too: «You will make yourselves present even in this life; you will live possessing this Immortal» (Majjhima N. 1. 172). The arhat, even in this life, cut off, nirvanaized (nibbuta), feeling happiness in himself, spends his time with Brahman.»

...Texts cited by Vallée-Poussin, who compares Bhagavad Gita 5. 24: «He who finds no happiness, joy, light except within, the yogin identified with brahman.» Another Buddhist text thus describes the delivered saint: «Of this monk I say that he will go neither east nor south nor west...; even in this life he is detached, nirvanized, chilled, identified with Brahma (Brahma-Bhutta) (cited by VallÍe-Poussin, p. 73, n. 1).

[12] Ngã vị nhữ toại ư đại minh chi thượng hĩ, chí bỉ chí Dương chi nguyên dã; vị nhữ nhập ư ảo minh chi môn hĩ; chí bỉ chí Âm chi nguyên dã. Thiên địa hữu quan, Âm Dương hữu tàng. Thận thủ nhữ thân, vật tương tự tráng. Ngã thủ kỳ Nhất, dĩ xử kỳ hoà. Cố ngã tu thân thiên nhị bách tuế hĩ, ngô hình vị thường suy. Hoàng đế tái bái kê thủ viết: Quảng Thành Tử chi vị Thiên hĩ. Quảng Thành Tử viết: Lai, Dư ngữ nhĩ: Bỉ kỳ vật vô cùng, nhi nhân giai dĩ vi chung. Bỉ kỳ vật vô trắc, nhi nhân giai dĩ vi cực. Đắc Ngô Đạo giả, thượng vi Hoàng, hạ vi vương. Thất Ngô đạo giả, thượng kiến quang, nhi hạ vi thổ. Kim phù bách xương giai sinh ư thổ, nhi phản ư thổ. Cố Dư tương khứ nhĩ, nhập vô cùng chi môn, dĩ du Vô Cực chi dã. Ngô dữ nhật nguyệt tham quang, Ngô dữ thiên địa vi thường.Đương Ngã dân hồ, viễn Ngã hôn hồ. Nhân kỳ tận tử, nhi Ngã độc tồn hồ.  –  Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, Catharsia, 35 Rue de Sèvres, Paris, VIe, 1913, pp. 287-289.

[13] «Ô moines, il y a un état non-né, non devenu, non-conditionné, non composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé, il n’y aurait aucune évasion possible pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné et ce qui est composé. Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion de ce qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné et de ce qui est composé.»  – Udana, p. 139, Colombo 1929. – Présence du Bouddhisme, p. 238.

[14] Narada Mara Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Ký Viên Tự Saigon, 1982, tr. 127.

[15] Ib. tr. 80.

[16] For the Upanishads, the self is a reality; for the Buddha it is a primordial wrong notion, not real...

 The fundamental difference between Buddhism and the Upanishads seems to be about the metaphysical reality of an immutable substance, which is the true self of man as well...It is true that Buddha finds no centre of reality or principle of permanence in the flux of life and the whirl of the world, but it does not follow that there is nothing real in the world at all except the agitation of forces...

 The Upanishads and Buddhism belong to the same spiritual genus, they differ as species; and the differentia are the acceptance or rejection of the atman (permanence substance). –  T.R.V. Murti, The Central Philosophy, Buddhism, Mandala Books, Unwin Paperbacks, London, Boston, Sydney, 1980, pp. 19, 20.

[17] In reality Buddha begins his mission by advising men to seek thoroughly for the Atma, and ended by bidding men live as having Atma for their lamp and refugee...». - «Self is the lord of self, and self's bourn». –  Joseph Head and S. L. Cranston, Reincarnation, the Phœnix Fire Mystery, Julian Press, New York, 1077, pp. 63, 75, 76.

[18] Xem Phật học từ điển Đoàn Trung Còn nơi chữ Ngũ Uẩn.

 Xem The World of Buddhism, Ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts On File Publications, New York, 1984, p. 47).

[19] Let us suppose the Ganges sweeps long a mass of foam and that a man with keen sight perceives, observes and attentively examines it. He will find that the ball of foam is empty and insubstantial, with no real essence. In the same way, if it is observed, corporeality will be seen to be empty and insubstantial, with no real essence, and it is the same with the other four Aggregates: 'Form is like a mirage, volition is like the trunk of a banana tree [i.e. without a core, like an onion] and consciousness is like a ghost' (S. III, 140-2). It is undeniable that all that is subject to arising is also subject to destruction (S. IV, 47).

[20] Nirvana is supreme happiness (param sukha). Secure from birth, disease, old-age-and-death, Nirvana is supreme happiness (M. I, 508)... Nirvana is unconditioned (asamskrta). Free from arising, disappearance, endure and change, aggregates which arise, disappear, endure and change. Earthly Buddhism accepted the reality of conditioned things and hence deduced the reality of the unconditioned, especially Nirvana - which led to the saying: «There is an unborn, unarisen, uncreated, unconditioned; if there were no unborn, there would be no release for what is born, arisen, created, conditioned» (It. 37).

 M.= Majjhima-Nikya ed. V. Trenckner and R. Chalmers, 3 vols, London 1888-99.

 It. = Itivuttaka ed. E. Windisch, London 1899.

Cf. The World of Buddhism, ed. by Heinz Bechert and Richard Gombrich, Facts on File Publications, New York, 1984, p.52.

 So the Buddha teaches that Nirvana is «visible here below,» «manifest,» «actual,» or «of this world.» But he emphasizes the fact that only he among the yogins «sees» and possesses nirvana (by this we must understand that he means both himself and those who follow his path, his method). «Vision,» called in the canon «the eye of the saints» (ariya cakkhu), allows «contact» with the unconditioned, «the non-constructed» with nirvana. Now this transcendental «vision» is obtained by certain contemplative techniques, that were practiced even from Vedic times and parallels to which are found in ancient Iran...

 (A distinction must, however, be made between the 'visible' nirvana, the one that is accessible during life, and the paranirvana, which is realized at death.)

 Mircea Eliade, A History of Religious Ideas, Vol. 2: From Gautama Buddha to the Triumph of Christianity, translated by Willard R. Trask, The University of Chicago Press, Chicago and London, 1982 pp. 99-100 and note 9, p. 99.

[21] La formule «se tirer de l'impermanence, obtenir la permanence» avait été le point d'orgue final de tous les discours du Bouddha Sakyamuni. – Léon Wieger, Histoire des Croyances religieuses... p. 438.

[22] Tam chuyển Pháp Luân: 1 Căn Bản Pháp Luân: thuyết Hoa Nghiêm. 2 Chi mạt pháp luân: Thuyết A Hàm chí Phương Đẳng; 3 Nhiếp mạt qui bản: Thuyết Pháp Hoa.

Phật Học Chỉ Nam, tr. 11.

[23] Phân biệt Nhất Tâm Chân Như, Nhất Tâm Sinh Diệt là chủ đích của kinh Lăng Già.

[24] Đại Ngã the greater self, or the true personality 真 我 (chân ngã). Hinayana (tiểu thừa) is accused of only knowing and denying the common idea of a self, or soul, whereas there is a greater self, which is a nirvana self. It specially refers to the Great Ego, the Buddha, but also to any Buddha... Trung Anh Phật Học từ điển, tr. 89.

[25] 阿 賴 耶 識 A Lại Da Thửc Alaya Vijnana «The receptacle intellect or consciousness; «the originating of receptacle intelligence»; basic consciousness (keith)... It is called 第 一 識 Đệ Nhất Thức the prime or supreme mind or consciousness... 無 垢 識 Vô Cấu Thức unsullied consciousness when considered in the absolute i. e. the Tathagata and đệ bát thức 第 八 識 as the last vijnana. There has been much discussion as to the meaning and implication of the Alaya- Vijnana. It may be also termed the unconscious, or unconscious absolute, out of whose ignorance or unconsciousness arises all consciousness. –  Trung Anh Phật Học Từ Đỉển, tr. 292.

[26]  弟 兄 八 箇 一 人 痴

 只 有 一 箇 最 伶 俐

 五 箇 門 前 做 買 賣

 一 箇 家 中 作 主 依

Tính Mệnh Khuê Chỉ, I, tr. 41.

[27] Xem Bát thức qui nguyên đồ, Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. I, tr, 41.

[28] Phật tính thị thường, thiện ác chư pháp nãi chí Bồ Đề Tâm, giai thị vô thường. (Niết Bàn kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trong Còn phiên dịch), Đốn tiệm phẩm, tr. 118.

[29] Lorsque l’Entité Spirituelle s’affranchit pour toujours de toute particule de matière, de substance ou de forme et redevient un souffle spirituelle. C’est alors seulement qu’elle entre dans le Nirvana éternel qui ne change jamais et qui dure, aussi longtemps que le cycle de vie a duré: une éternité vraiment. Et ce souffle qui existe en Esprit, n’est rien, parce qu’il est tout; comme forme ou comme apparence quelconque, il est complètement anéanti; mais comme Esprit Absolu, il Est, car il est devenu l’Être même. Lorsqu’il s’agit de «l’ââme», prise dans le sens d’Esprit, l’expression:  «absorbée dans l’Essence Universelle», signifie «union avec»...il ne peut jamais être question d’annihilation, car cela voudrait dire séparation éternelle. – H. P. Blavatsky. La Clé de la Théosophie, p. 162.

[30] Soit dit en passant que pour avoir ignoré l’importance de la connexion de ces deux ordres (le phénoménal et le transcendant, le samsara et le Nirvana) qu’on a si mal compris le Bouddhisme. Car il faut noter que si le Bouddha a jeté l’anathème sur l’existence terrestre dans son ensemble (tout est douleur, tout est impermanent, tout est sans-soi Sarvam Duhkha, sarvam anita, sarvam anatman), il s’est tout entier tendu vers ce qu’il appelait l’Autre Rive, le Nirvana. – Nguyễn Văn Trung, La Conception Bouddhique du devenir, p. 66.

[31] Toutes les choses conditionnées sont impermanentes...toutes les choses conditionnées sont dukka (khổ)... tous les dhammas sont sans soi... – Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha, p. 84.

[32] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 177-178.

[33] Chấp trước vũ trụ chi hiện tướng nhi bất kiến Bản Thể giả vị chi Mê. Kiến Bản Thể nhi bất kiến hiện tướng giả, diệc bất đắc vị chi Ngộ. – Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa.

[34] Hải tín cư sĩ, Quán thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 36.

[35] Walpola Rahula, l’Enseignement du Bouddha, Chapitre 6: La doctrine du Non-Soi.

[36] Nguyễn Văn Trung, La Conception bouddhique du devenir, article 3, L’Anatman, ou l’explication bouddhique du devenir.

... Thuyết Vô Ngã đã được bàn cãi sâu rộng trong «Na tiên tì kheo kinh» (khoảng thế kỷ V sau công nguyên). đó là đề tài đối thoại giữa vua Di Lan (Milanda) và tì khưu Na Tiên (Nagasena). – Cf. Léon Wieger, L’Histoire des Croyances et des opinions philosophiques en Chine, pp. 445, 446.

[37] «Cái ta» có nhiều nghĩa là «giả ta», «cái ta» không có tới 2 nghĩa là «Thật ta»...Nhờ đứng trên cái thuyết vô ngã này, mà người tu giải thoát được những tướng khổ của «Giả ta». Bởi cớ sao? Nhận được cái «ta chân thật bất diệt» là không còn bám víu chạy theo những cái «Ta giả và sinh diệt» nữa. – Cư sĩ Hải Tín, Quán Thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 42.

[38] Thủ Lăng Nghiêm kinh. Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 65.

[39] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 119-120.

[40] Thủ Lăng Nghiêm kinh quyển I. (Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 22-23); Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn phật học nghiên cứu hội, tr. 55-56.

[41] Phật cáo A Nan: «Thử thị tiền trần hư vọng tướng, tưởng hoặc nhữ Chân tính; do nhữ vô thuỷ chí ư kim sinh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển».

Thủ Lăng Nghiêm kinh, q. I, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 25.

Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 55-56.

[42] Phật ngôn: «Đại Vương, nhữ diện tuy trứu, nhi thử kiến tính vị tằng trứu; trứu giả vi biến, bất trứu phi biến, biến giả thụ diệt, bỉ bất biến giả nguyên vô sinh diệt». – Thủ Lăng Nghiêm kinh q. II, tr. 5. hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[43] Trụ danh chủ nhân. 住 名主 人. – Thủ Lăng Nghiêm kinh, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 33, hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[44] Trần chất giao động, hư không tịch nhiên. Như thị tư duy: trường tịch danh Không, giao động danh trần.

Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 34. và Linh Sơn tr. 75-76.

[45] Nguyện văn Như Lai hiển xuất thân tâm, chân vọng, hư thực, hiện tiền sinh diệt dữ bất sinh diệt nhị phát minh tính. –  Thủ Lăng Nghiêm kinh q. 2, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 1. - Linh Sơn, tr. 80.

[46] Dĩ động vi thân, dĩ động vi cảnh...tính tâm thất chân, nhận vật vi kỷ, luân hồi thị trung, tự thủ luân chuyển. – Thủ Lăng Nghiêm, q. I, Việt Nam Phật Tử Hội xb, 36; & Linh Sơn, tr. 80.

[47] Thất ngã Bổn Tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo, thí như cùng tử, xả phụ đào thệ, kim nhật nãi từ. Tuy hữu đa văn, nhược bất tu hành, dữ bất văn đẳng, như nhân thuyết thực, chung bất năng bão. – Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật Tử Hội xb, tr. 28-29; Linh Sơn, tr. 66-67.

[48] Tổ chi ngộ Bản tính vị Huệ Năng viết: « Bất thức Bản Tâm, học pháp vô ích, Nhược thức tự Bản Tâm, kiến tự Bản Tánh, tức danh Trượng Phu, Thiên, Nhân sư, Phật.»

[49] Thích Đạo Quang, Đại cương Triết học Phật Giáo, tr. 55.

[50] Ibidem, tr. 93-94.

[51] Ibidem, tr. 94.

[52] Ibidem, tr. 56 - tr. 94.

[53] Ibidem, tr. 93.

[54] Ibidem, tr. 93.

[55] Ibidem, tr. 93.

[56] 現 相 之 我 與 本 體 之 佛, 猶 如 水 與 波. 此 本 體 謂 之 真 如, 亦 謂 之 佛. Hiện tượng chi Ngã dữ Bản Thể chi Phật do như thuỷ dữ ba. Thử Bản Thể vị chi Chân Như, diệc vị chi Phật. (Ngã hiện tượng với Phật Bản Thế là như sóng và nước. Phật Bản Thể ấy gọi là Chân Như, là Phật.) – Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 546.

[57] Pháp Bảo Đàn Kinh (Đoàn trung Còn dịch), Sám Hối Phẩm, tr. 61.

[58] Tam điểm như tinh tượng, 
三 點 如 星 象

 Hoành câu tự nguyệt tà     
 橫 鉤 似 月 斜

 Phi mao tòng thử đắc         
 披 毛 從 此 得

 Tác Phật cánh vô tha.       
 作 佛 更 無 他

 Long lanh ba chấm tựa sao,

 Mình cong vầng nguyệt, tiêu hao xế tà.

 Muông chim nguồn ấy phát ra,

 Duyên do Thần Phật cũng là đấy thôi.

[59] Diệu Pháp liên hoa quyển thứ 4. Phẩm ngũ bá đệ tử thụ ký, kệ của A Nhã Kiều Trần Như. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Liên Hải Phật Học đường, tr. 243.

[60] Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Tín Giải. Kệ của Ma Ha Ca Diếp. Người cùng tử của Ông Trưởng giả). Diệu Pháp Liên Hoa, Liên Hải Phật Học đường, từ tr. 145 đến 153.

[61] ĐĐ Thiên Ân, Triết Học Zen I, tr. 162.

[62] 云 何 自 疑 汝 之 真 性, 性 汝 不 真,  取 我 求 實. Vân hà tự nghi nhữ chi Chân Tính, Tính nhữ bất chân, thủ Ngã cầu thực. – Thủ Lăng Nghiêm kinh (V.N. P. T. hội xuất bản), q. II, tr. 16-17.- Thủ Lăng Nghiêm, -Linh Sơn, Phật Học, tr. 113-114.

...O Ananda, soyez des lampes pour vous-même, soyez un refuge pour vous-même; ne cherchez pas d’autre refuge. Prenez la vérité comme lampe, prenez la vérité comme refuge. Ne cherchez pas d’autre refuge qu’en vous-même. (Mahaparinibhana sutta- Niết Bàn kinh - Présence du Bouddhisme, p. 539.)

[63] 十 箇 大 字 乃 是:  靈 檯 方 寸 山, 斜 月 三 星 洞. Giá cá Thập Đại Tự nãi thị: Linh Đài Phương Thốn Sơn, Tà Nguyêt Tam Tinh Động. (Tây Du, hồi 1)

[64] Phật tại Linh Sơn, mạc viễn cầu       
佛 在 靈 山 莫 遠 求

 Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.         
 靈 山 只 在 汝 心 頭

 Nhân Nhân hữu cá Linh Sơn tháp, 
 人 人 有 箇 靈 山 塔

 Hảo hướng Linh Sơn tháp tự tu.     
 好 向 靈 山 塔 自 修.

Tây Du ký, hồi 85.

[65] Không nên hướng ngoại mà tìm cầu, trái lại, cần phải hướng về nội Tâm để tìm Phật Tính. (Truyền Tâm Pháp của Hoàng Bích Thiền Sư. ĐĐ. Thích Thiên Ân, Triết học Zen II, tr. 25)

...Tự Tâm của ngươi là Phật, Phật là tự tâm của ngươi. Tâm và Phật không sai biệt, vì thế cổ nhân nói: Tự Tâm tức Phật. (Truyền Tâm Pháp Yếu. Cf. ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 54.)

...Trong Tâm Tính của mọi loài chúng sinh vốn đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Nhưng nếu không thật tu, thì không bao giờ hiển hiện, không thật chứng, không thể nào hoạch đắc.

Chánh Pháp Nhãn Tàng, Biện Đạo thoại. ĐĐ. Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 87.

...Giáo Lý đã nói: Chân ở trong Vọng. Vậy tìm Chân Tâm ở ngoài thân và tư tưởng của mình, là không thể được. –  Hải Tín Cư Sĩ, Quan thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.

[66] 丙 丁童 子 來 求 火. – ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết Học Zen, II, tr. 55 và tiếp theo.

[67] 佛 自 性 中 作, 莫 向 扶 外 求. – Quyết Nghi Phẩm, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trung Còn dịch.

 本 性 是 佛, 離 性 無 別 佛. – Pháp Bảo Đàn Kinh, Bát Nhã Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 28.

[68] Nhược nhiên qui y Phật, Phật tại hà xứ? Nhược bất kiến Phật, bằng hà sở qui... Kinh văn phân minh ngôn tự qui y Phật, bất ngôn qui y tha Phật. 若 然 歸 依 佛, 佛 在 何 處. 若 不 見 佛, 憑 何 所 歸. 經 文 分 明 言: 自 歸 依 佛, 不 言 歸 依 他 佛. – Pháp Bảo Đàn Kinh, Sám Hối Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 64-65.

[69] Le Nibbana «doit être réalisé par les Sages au-dedans d’eux-mêmes. (paccattam veditabbo vinnuhi).- Présence du Bouddhisme, p. 268.

[70] Xin xem Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine, p. 524 et ss.

[71] Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu (phần phiên Âm), và Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 524 et ss.

[72] 三 界 本 起 同 歸 ㄧ 心. 先 佛 後 佛 以 心 傳 心 不 立 文 字... 從 無 始 曠 大 劫 來, 乃 至 施 為 運 動 ㄧ 切 時 中, ㄧ 切 處 所 皆 是 汝 本 心, 皆 是 汝 本 佛. Tam giới bổn khởi đồng qui nhất tâm. Tiên Phật, hậu Phật dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự...Tòng vô thuỷ khoáng đại kiếp lai, nãi chí thi vi, vận dộng, nhất thiết thời trung, nhất thiết xứ sở, giai thị nhữ bổn tâm, giai thị nhữ bổn Phật. – Đạt Ma huyết mạch luận. (Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu)

... Le monde tout entier est pensé dans le cœur. Tous les Bouddhas, passés et futurs ont été et seront formés dans le cœur. La connaissance se transmet de cœur à cœur, par la parole. A quoi bon, tous les écrits? Le cœur de chaque homme communie à ce qui fut tous les temps, à ce qui est tous les lieux. – Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses...p. 524.

[73] 即 心 是 佛, 亦 復 如 是. 除 此 心 外, 覓 菩 提, 涅 槃 無 有 是處. 自 性 真 實, 非 因 非 果 法, 即 是 心 義. Tức tâm thị Phật, diệc phục như thị. Trừ thử tâm ngoại, mích Bồ Đề, Niết Bàn vô hữu thị xứ. Tự Tính chân thật, phi nhân, phi quả pháp, tức thị tâm nghĩa. – Đạt Ma huyết mạch luận.

...Le cœur est le bouddha. Il n’y a pas de Bouddha en dehors du cœur. Considérer l’illumination et le nirvana comme des choses extérieures au cœur, c’est une erreur. Il n’y a pas d’illumination en dehors du cœur vivant. Il n’y a pas de lieux où se trouvent des êtres nirvanés. Hors la réalité du cœur, tout est imaginaire...Il n’y a pas de causes, il n’y a pas d’effets. Il n’y a d’activité que la pensée du cœur, et son repos, c’est le Nirvana. Chercher quelque chose en dehors de son cœur, serait vouloir saisir le vide. Le Bouddha, chacun le crée dans son cœur par sa pensée. Le cœur est Bouddha, Bouddha c’est le cœur.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses...p. 524.

[74] 若 言 心 外 有 佛, 求 菩 提 可 得 無 有 是 處. 佛 及 菩 提 皆 在 何 處? 譬 如 有 人 以 手 提虛 空, 得 否 ... 除 此, 心 外 見 佛, 終 不 得 也... 心 即 是 佛, 佛 即 是 心. 心 外 既 無 佛, 何 起 佛 見? 際 相 誑 惑... 若 欲 見 佛, 見 性 即 是 佛 Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ. Phật cập Bồ Đề giai tại hà xứ? Thí như hữu nhân, dĩ thủ đề hư không, đắc phủ. .. Trừ thử, tâm ngoại kiến Phật, chung bất đắc dã...Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm, tâm ngoại ký vô Phật, hà khởi Phật kiến? Tế tương cuống hoặc... Nhược dục kiến Phật, kiến tính tức thị Phật. – Đạt Ma huyết mạch luận.

...Imaginer un Bouddha en dehors du cœur, se figurer qu’on le voit en un lieu extérieur, c’est du délire. Donc il faut tourner son regard, non vers le dehors, mais vers le dedans, il faut le concentrer en soi-même, et contempler en soi sa bouddhaité. – Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses, p. 524.

[75] Ở nơi mỗi người, nếu cái Vọng Tâm sinh, thì cái Chân Tâm phải ẩn, nhưng nó lại ẩn trong cái Vọng Tâm. Còn khi cái Chân Tâm hiện ra, thì cái Vọng Tâm phải mất, nhưng nó lại mất trong Chân Tâm. – Hải Tín Cư Sĩ, Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.

...Trong cái bản ngã nhỏ hẹp, chúng ta phát huy cái Đại Ngã rộng lớn. – Thích Đại Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 55.

[76] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 56.

[77] Ibidem, tr. 54.

[78] Di Đà đồng thể. Ibidem, tr. 54.

[79] Ibidem, tr. 94.

[80] Luận Ngữ, Thái Bá đệ Bát, tiết 18.

[81] Pháp Thân = Corps mystique. –  Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 525.

 ... Sư viết: Ký nhược bất biệt, tức thử thân thị nhữ bổn Pháp Thân; tức thử nhữ bổn Pháp Thân thị nhữ bổn tâm.

 Thử tâm tòng vô thỉ khoáng đại kiếp lai, dử như kim bất biệt; vị thường hữu sinh tử; bất sinh, bất diệt; bất cấu, bất tịnh; bất hảo, bất ác; bất lai, bất khứ; diệc vô thị phi; diệc vô nam, nữ tướng; diệc vô tăng tục, lão thiếu; vô thánh, vô phàm; diệc vô Phật; diệc vô chúng sinh; diệc vô tu chứng; diệc vô nhân quả; diệc vô cân lực, diệc vô tướng mạo; do như hư không; thủ bất đắc; xả bất đắc; sơn hà thạch bích, bất năng vi ngại; xuất một, vãng lai, tự tại, thần thông... – Đạt Ma huyết mạch luận.

[82] Thánh Thể = Le Saint Corps. – Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 526.

...Nhược trí huệ minh liễu, thử tâm hiệu danh Pháp Tính, diệc danh Giải Thoát Sinh Tử, Bất Câu Nhất Thiết Pháp, Câu Đà Bất Đắc; thị danh Đại Tự Tại Vương Như Lai, diệc danh Bất Tư Nghị; diệc danh Thánh Thể; diệc danh Trường Sinh Bất Tử; diệc danh Đại Tiên. Danh tuy bất đồng, Thể tức thị nhất.

 Thánh nhân chủng chủng phân biệt, giai bất ly Tự Tâm. – Đạt Ma huyết mạch luận.

[83] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. .. (Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chảng phải tướng, tức là thấy Như Lai.) – Kim Cương Kinh, Đoạn V.

...Ly nhất thiết tướng, tức danh chư Phật. (Thoát ly mọi hình thức, sắc tướng tức gọi chư Phật.) – Kim Cương Kinh, đoạn XIV.

...Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến. – Kim Cương kinh, XX.

[84] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.

[85] Tự tâm thị Niết Bàn. Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ. – Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[86] Minh tâm kiến Tánh, nhược bất kiến Tánh, đắc thành Phật Đạo, vô hữu thị xứ. – Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[87] Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật. – Kim Cương Kinh, đoạn V.

[88] Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. – Kim Cương Kinh, X.

[89] Nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt. – Kim Cương Kinh, VII.

[90] Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai. – Kim Cương Kinh, XXVI.

[91] Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán. (Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt bóng, như sương và như chớp, nên quan sát như thế.) – Kim Cương Kinh, XXXII.

[92] Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. (Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. = Pháp Thân là Bản Lai Thường Trụ, không chỗ xuất hiện, không chỗ nhập diệt) Kim Cương Kinh, XXIX.

[93]  心 心 心

 心 難 可 尋

 寬 時 遍 法 界

 隙 也 不 容 針

 我 本 求 心 不 求 佛

 了 知 三 界 空 無 物

 若 欲 求 佛 但 求 心

 只 這 心 這 心 是 佛

 我 本 求 心 心 自 知

 求 心 不 得 待 心 知

 佛 性 不 從 心 外 得

 心 生 便 是 罪 生 時

 Tâm, tâm, tâm,

 Tâm nan khả tầm,

 Khoan thời biến pháp giới,

 Khích dã bất dung châm.

 Ngã bổn cầu tâm, bất cầu Phật,

 Liễu tri tam giới, không vô vật.

 Nhược dục cầu Phật, đãn cầu tâm,

 Chỉ giá tâm; giá tâm thị Phật.

 Ngã bổn cầu Tâm, tâm tự tri,

 Cầu Tâm bất đắc, đãi Tâm tri,

 Phật tính bất tòng tâm ngoại đắc,

 Tâm sinh tiện thị tội sinh thì.

 (Đạt Ma huyết mạch luận. Đoạn kết.)


*Hết bài Tư tưởng Phật học -- Xin xem Tư tưởng Đạo học)

******************       

TƯ TƯỞNG LÃO HỌC & SỰ BẢN ĐỊA HOÁ TẠI VIỆT NAM

* Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
     
Xưa nay, có rất nhiều người thường cho rằng các đạo giáo Á Đông, các triết thuyết Á Đông hết sức là mơ hồ, huyền ảo. Khảo về các học thuyết Á Đông nhiều người cảm thấy như mình lạc vào một mê đồ trận, hay vào một khu rừng rậm giữa đêm tăm, không còn biết đầu đuôi, phương hướng ra sao. Cho nên muốn khảo sát các đạo giáo Đông phương, ta cần phải nắm vững ít nhiều tư tưởng then chốt của Tam Giáo...

1. Đầu tiên có Nhất Thể

Trước hết các đạo giáo Đông Phương đều xác tín rằng có một thực thể tuyệt đối, một Bản Thể duy nhất, uyên nguyên, vô hình vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hóa vô cùng. Bản Thể ấy, Lão Giáo gọi là ĐẠO.

ĐẠO vì là Bản Thể của vũ trụ, tuyệt đối, vô biên tế nên không thể dùng danh hiệu để tuyên xưng, không thể dùng ngôn từ để mô tả.

Đạo có 2 thế: Thế tiềm ẩn, và thế hiển dương.

Trước khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế tiềm ẩn. Sau khi sinh ra vũ trụ, Đạo ở thế hiển dương. Vũ trụ này xét về phương diện Bản Thể thì hư tĩnh, vi diệu; xét về phương diện hình tướng, thì có giới hạn, có hình danh, sắc tướng.

Muốn hiểu rõ vũ trụ, thì phải bao quát cả hai mặt:

― Bản thể (Diệu), Hằng.

― Hình tướng (Khiếu), Biến của nó.

Đạo gia gọi đó là Diệu Khiếu Tề Quan.

Các ý tưởng trên đã được Lão Tử nói lên nơi chương I, Đạo Đức Kinh:

 Hóa Công hồ dễ đặt tên,

 Khuôn Thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

 Không tên, sáng tạo thế gian,

 Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

 Tịch nhiên cho thấy uy linh,

 Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

 Hai phương diện, một hóa nhi,

 Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

 Đó là Chúng diệu chi môn,

 Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

Đạo khi chưa sinh hóa ra vũ trụ còn được gọi là:

Hư, Hư Vô, Hồng Mông, Hỗn Độn, Hư Không, Đạo, Vô Cực v.v...Hư Vô, Hư Không không phải là Hư Ảo mà là Thực Thể Bất Khả Tư Nghị, vô biên tế của vũ trụ.

Vì thế, Lão Tử nói: Thiên Hạ vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô (ĐĐK, chương 41).

Trang Tử cũng nói: Đầu trước hết có Vô, không hiện hữu, không tên tuổi. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thiên Địa). Hai chữ Vô Cực được Lão Tử đề cập nơi chương 28, Đạo Đức Kinh.

Các danh từ Không, hay Hư Vô cũng được các Đạo Gia thường dùng. Sách Xướng Đạo Chân Ngôn viết: Vạn vật bắt đầu từ Không. Thái Cực là Không. Không sinh ra Nhất, Nhất sinh ra Vạn, Vạn trở về Không. Không là Thủy Tổ muôn loài. Học giả cần biết Chân Không, cần phân biệt Linh Không với Ngoan Không. [1]

Xướng Đạo Chân Ngôn còn gọi Hư Vô là Vô Cực, là Đơn, là Đạo, là Bản Thể của Trời Đất. Sách viết: «Đơn là Bản Thể của vạn vật. Đơn là Đạo, Đạo là Bản Thể của Hư Vô. Hư Vô không thể đặt tên, nên Thánh Nhân tạm gọi là Đạo. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư.» [2]

Sách viết thêm: «Đạo gia gọi là Hư, Phật gia gọi là Không. Hư Không nghe biết, nhìn biết mọi sự... Cho nên khi một người suy nghĩ, người cùng nhà không hay biết, mà Hư Không vô lượng đã biết, đã hay...Vì thế Nho Gia thận độc, úy không (cẩn thận khi ở một mình, sợ cái Không).» [3]

Đạo sinh ra vũ trụ bằng sự hiển dương phóng phát, tức là bằng Đức[4] và cũng bằng sự phân liệt chia phôi.

Bản Thể ấy sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng, hữu hình, hữu tướng này. Đó là thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ.


2. Nhất Thể biến vạn thể

Bản thể duy nhất vô sinh, vô diệt, vô thủy vô chung ấy là căn nguyên sinh xuất ra vũ trụ hữu hình, hữu sinh, hữu diệt, hữu thủy, hữu chung này; nó mang muôn ngàn danh hiệu. Dưới đây chỉ đan cử ít nhiều danh hiệu để rọi sáng vào ít nhiều tính cách của Bản Thể uyên nguyên ấy.


3. Danh hiệu của Nhất Thể

Bản Thể ấy trước hết được gọi là NHẤT vì cũng như số Một sinh ra mọi con số khác, Bản Thể ấy cũng sinh mọi hiện tượng, mọi sinh linh.

Bản Thể ấy cũng còn được gọi là Trung, vì nó lồng trong mọi hiện tượng, mọi sinh linh, để làm Chân Tâm, làm Khu Nữu, làm Cốt Lõi, nâng đỡ giữ gìn vạn sự, vạn loài.

Trung này vừa vô định tại, vô phương sở, vì bao trùm vũ trụ, vì là bản thể vũ trụ; vừa hữu định tại, hữu phương sở, vì nằm trong lòng sâu muôn loài, muôn vật, từ tinh tú, nhật nguyệt, đến vi tử, vi trần.

* Phật giáo gọi Bản Thể ấy là:

Tâm Địa vì sinh xuất vạn loài.

Bồ đề vì đó là sở đắc của chư Phật.

Pháp Giới vì dung nhiếp vạn tượng.

Niết Bàn vì tịch nhiên thường lạc.

Bất lậu vì không tì ố, bợn nhơ.

Chân Như vì vô vọng, bất biến.

Phật Tính vì siêu xuất thị phi

Viên giác vì phá sạch quần mê.

Như Lai vì hàm nhiếp vạn linh.

Mật nghiêm quốc vì siêu việt, huyền bí.

Bản Lai diện mục vì là bộ mặt thật của con người muôn thủa.

Kim Cương vì là Bản Thể bất diệt, trường tồn, vĩnh cửu nơi con người.

* Lão giáo gọi Bản Thể đó là:

Đạo vì là đường đi, nước bước của nhân quần.

Tạo hóa chi nguyên vì là căn cơ sinh hóa.

Tiên thiên chủ nhân vì sẽ tạo dựng ra trời đất, vạn hữu,

Vạn tượng chủ tể vì sinh xuất mọi hiện tượng.

Huyền tẫn chi môn vì bao quát âm Dương (Huyền = Dương; Tẫn = âm).

Tổ Khiếu vì là nơi phát xuất muôn loài.

Cốc Thần vì ở sẵn ngay trong đầu não con người.

Chân Nhất Xứ vì Bản Thể ấy duy nhất.

Trung hoàng cung vì là Tâm điểm vạn hữu.

Mậu Kỷ môn vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Chân Thoå vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Huỳnh đình vì là Tâm Điểm vạn hữu.

Qui Trung vì là tâm điểm vạn hữu.

Ngưng kết chi sơû vì có Đắc Nhất thì luyện đơn mới thành.

Qui căn khiếu, Phục Mệnh quan vì đó là cùng đích muôn loài.

Huyền quan Khiếu vì là cửa sinh xuất muôn loài v.v...

* Khổng giáo gọi Bản Thể đó là:

Vô Cực. Thái Cực. Nhất. Trung
Và Dịch Kinh cũng chỉ triển khai mấy quan niệm đó...

Nhất Thể đó khi thì được đạo Lão coi như là Vô Ngã và được hài danh bằng những danh từ như Đạo, Hư Vô, Hư, Vô, Vô Cực, Đơn, Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Hòa Nguyên Khí, Hạo Thiên chi khí v. v... Lão Tử, Trang Tử theo chủ trương này.

Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hy lạp cổ thời như Pythagoras, Héraclitus, Parmenides, Plato, Anaximander v. v...

Đó là quan niệm Nhất Nguyên Vô Ngã theo danh từ Triết Học ngày nay.

Cũng Nhất Thể ấy, khi thì được đạo Lão coi như là Hữu Ngã và được gọi là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đó là Quan niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai trong Phật Giáo, và Thượng Đế trong các đạo giáo.

Đạo Lão có khi còn dung thông 2 quan niệm trên làm một và gọi Bản Thể vũ trụ là Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Thượng Lão Quân.

4. Tâm điểm và vòng tròn

Nó tượng trưng cho Nhất Thể vạn thù. Quan niệm Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui Nhất Thể còn được Dịch Kinh và các đạo gia, đạo sĩ xưa biểu hiệu tượng trưng bằng Tâm Điểm và Vòng Tròn.

Tâm điểm tượng trưng cho Bản Thể, căn nguyên, gốc gác, cùng đích muôn loài.

Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng, cho luân lưu biến hóa. Trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh, do Tử Hà, Hàm Hư Tử chú, nơi tr. 4a, có một câu hết sức ý vị:

Nhất Thần chính vị nhi trung lập,

Vạn Thần triều củng nhi hoàn trần.

Huỳnh Đình chi thể dụng bị hĩ.

Nghĩa là:

Một Thần chính vị nơi Trung Điểm,

Vạn thần chầu chực thành vòng quanh

Thể và dụng của Huỳnh Đình đầy đủ trong hai câu đó.


5. Nhất thể, vạn thù ở hai thế giới đối đỉnh

Từ hình vẽ TÂM ĐIỂM và vòng tròn chúng ta dễ dàng suy diễn ra được rằng: Vũ trụ này gồm có hai phần:

a.- Một thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la, tiềm ẩn, đồng đẳng, vô phân biệt. Đó là Chân Như Môn theo danh từ Phật Giáo, đó là Vô Vi, là Diệu, theo danh từ Lão Giáo, là Thể theo Nho Giáo.

b.- Một thế giới của hiện tượng, của giác quan, của thiên nhiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Ở nơi con người nó bao quát hết cả tâm tư, trí não giác quan, hình hài ta, tóm lại tất cả cái gì là vọng tâm, vọng ngã, cái gì là Tứ Đại Giả hợp, theo Phật giáo. Đó cũng chính là Sinh Diệt Môn theo danh từ Phật giáo, là Hữu Vi, là Khiếu theo danh từ Lão giáo, là Dụng theo Khổng giáo.

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh chìm nổi trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ mê những gì là hào nhoáng bên ngoài; lạc lõng trong muôn ngàn sai biệt; bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa, từ ngữ tư tưởng ám nhãn, manh tâm, thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian thời gian, hình hài sắc tướng hữu hạn.

Thánh nhân trái lại đã xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy để vào thế giới chân tâm, vô biên vĩnh cửu, thế giới bản thể vĩnh cửu, trường tồn: xuyên qua được tâm thức, để vào tới cõi Hư Vô, Chân thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì thế mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Chân nhân tiềm thâm uyên,

Phù du thủ qui trung

 *Tạm dịch:

Chân nhân sống rất thâm trầm,

Phởn phơ khinh khoát, ôm cầm Khuôn thiêng.

 (Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86)


*Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,

Doãn chấp quyết trung

 *Tạm dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trung Tâm giữ vững chẳng rời tấc gang.


6. Nhất thể vạn thù với hai chiều thuận nghịch.

Tâm điểm và vòng tròn còn giúp ta nhìn được hai chiều thuận nghịch, biến hóa của trời đất và của con người.

Ở nơi trời đất, thì chiều đi từ Bản Thể đi ra hiện tượng, đi từ Vô đến Hữu, chiều từ Tâm ra Biên, chiều từ Nhất sinh Vạn, là chiều Thuận, là chiều sinh hóa ra Vạn Hữu.

Đó là chiều Ly Tâm và đồng thời cũng là chiều đi xuống, chiều thoái hóa, từ Khinh Thanh ra dần, xuống dần đến Trọng Trọc, từ Phác Giản ra dần, xuống dần đến Tần Phiền.

Ở nơi con người, thì chiều Thuận chính là chiều Ly Tâm, là chiều Phóng Ngoại, Hướng Ngoại, từ Thần ra dần đến Tâm Tư, Ý Thức, Hình Hài, Ngoại Cảnh.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người chiều Thuận sẽ được phác họa như sau:

TÍNH ➔ TÂM ➔ Ý ➔ TÌNH ➔ VỌNG (MÊ VỌNG).

(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh tr. 8)

Ở nơi trời đất thì chiều biến hóa từ Biên trở về Tâm Điểm, chiều từ Vạn qui hoàn về Nhất, là Chiều Nghịch, là chiều Thăng Hoa sinh Thánh sinh Thần. Đó là chiều Đi Vào, Chiều Hướng Tâm, đồng thời cũng là Chiều Đi Lên, Chiều Tiến Hóa từ Trọng Trọc trở lại dần tới Khinh Thanh, từ Tần Phiền trở lần về tới Phác Giản.

Ở nơi con người thì Chiều Nghịch đó chính là Chiều Hướng Tâm, là Chiều Hồi Hướng, là Chiều Hướng Nội, chiều từ Hình Hài quay về với Thiên Tính, với Thần Linh, với Đạo Tâm, Chân Tâm nội tại.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ, thì ở nơi con người, chiều Nghịch sẽ được phác họa như sau:

VỌNG (MÊ VỌNG) ➔ TÌNH ➔ Ý ➔ TÂM ➔ TÍNH.

(Tính Mệnh Khuê Chỉ, Thuận Nghịch Tam Quan Đồ, q. Nguyên tr. 13a).

Chiều Nghịch này mới là chiều quan trọng.

Cuối cùng, mọi sự lại trở lại Hư Vô.

Vòng tuần hoàn, biến dịch của vũ trụ, được Trang Tử toát lược bằng một câu: «Vạn vật giai xuất ư cơ, giai nhập ư cơ.» Vạn vật đều xuất ở Cơ ra, rồi lại đều trở về Cơ. (Nam Hoa Kinh, Chí Lạc).

Đạo Đức Kinh viết: Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh, phục mệnh viết thường. (ĐĐK, chương XVI).

Dịch:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

Ở nơi vòng DỊCH, thì chiều Thuận là chiều Quan Nguyệt Quật theo từ ngữ của Thiệu Khang Tiết, từ quẻ CẤU đến quẻ KHÔN.

Còn chiều Nghịch là chiều Kiến Thiên Căn theo Thiệu Khang Tiết, từ quẻ PHỤC đến quẻ KIỀN, rồi vào TRUNG CUNG THÁI CỰC. Thế là Quân tử HOÀNG TRUNG THÔNG LÝ, CHÍNH VỊ CƯ THỂ.

Dịch chủ trương Chiều Nghịch mới là chiều quan trọng, và Thánh Hiền xưa đã định nghĩa Dịch là Nghịch số. (Dịch Kinh, Thuyết quái, chương 3)

Liệt Tử viết trong Xung Hư Chân Kinh:

Hình thanh, vị, sắc đều do Vô Vi mà sinh ra.

Hình, thanh, vị, sắc khi còn, khi mất, khi có, khi không. Vô vi không bao giờ có cùng.

Hình, thanh, vị, sắc hình hiện ra bên ngoài, mà Vô Vi thì không bao giờ hình hiện.

Tất cả hình, thanh, sắc, tướng đều là chức năng của Vô Vi.

Vô Vi có thể Âm, có thể Dương, có thể mềm, có thể cứng, có thể vắn, có thể dài, có thể tròn, có thể vuông, có thể làm cho sống, có thể khiến cho chết, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là Cung, có thể là Thương, có thể ẩn, có thể hiện, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh, có thể thơm. Tưởng không biết, không hay, mà cái gì cũng biết, cũng hay.

Liệt Tử còn viết: Xưa Thánh Nhân lấy Âm Dương bao quát trời đất, mà hữu hình thời sinh ra từ vô hình, nên trời đất dần dà mới có. Cho nên nói: Có Thái Dịch, có Thái Sơ, có Thái Thủy, có Thái Tố.

Thái Dịch là giai đoạn chưa có Khí.

Thái Sơ là giai đoạn Khí bắt đầu có.

Thái Thủy là giai đoạn Hình bắt đầu có.

Thái Tố là giai đoạn Chất bắt đầu có.

Khí, Hình, Chất có đủ, nhưng chưa chia lìa nhau. Cho nên gọi là Hồn Luân. Hồn Luân là khi vạn vật còn trà trộn, chưa phân ly... Nhìn không thấy, nghe không ra, theo không được nên gọi là Dịch. Dịch không giới hạn, không bến bờ. Dịch biến thành Nhất, Nhất biến thành Thất, Thất biến thành Cửu. Cửu là biến hóa đến cùng cực. Thế rồi lại trở về Nhất.[5]

Sách Linh Bảo Tất Pháp có một đoạn tương tự như vậy, mà tôi đã chuyển thành thơ như sau:

Tự Đạo phân chia số mới thành,

Ngũ Hành hình tượng: Đạo nha manh.

Năm phương vũ trụ: Thần phân liệt,

Chất sắc năm màu: đạo tán sinh.

Số từ Vô Số xuất sinh,

Trở về Vô Số mới thành vãng lai.

Tượng từ Vô Tượng an bài,

Trở về Vô Tướng trong ngoài ấm êm.

Vị hoàn Vô Vị mới nên,

Chất hoàn Vô Chất, tinh tuyền trước sau.

Chớ chia Đạo Thể nhiệm màu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành.

Muốn trừ cho hết tượng hình,

Ngừng cơ biến hóa, mối manh tiêu liền.

Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt bản nguyên làm gì.

Đạo không phát tán, chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời.

Đạo là Vô Số, Vô Ngôi,

Vô Hình, Vô Chất, chia phôi nhẽ nào.

Đạo Trời vi diệu biết bao... [6]

7. Con đường trở về Nhất Thể phải là con đường qui tâm hướng nội
Hiểu được hai chiều tiến hóa ngược xuôi ấy, ta sẽ thấy ngay:

*Đi ra Ngoại Cảnh là đi Ra Đời... Bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài miếu mạo, Thần Phật hay chi chi nữa.

*Đi vào nội Tâm mới là đi Vào Đạo.

Có vậy, ta mới hiểu lời lẽ sau đây của Tính Mệnh Khuê Chỉ:

Muốn thoát Luân Hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu bản tâm, muốn quán chiếu bản tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào hư không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm; ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư Vọng, hợp Nhãn quang, ngưng Nhĩ vận, điều Tị tức, khóa Thiệt khí, tứ chi bất động, để cho Ngũ Thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay trở về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ an vị: suất cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan quán chiếu nhìn vào Khiếu ấy, tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy, đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy, vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời khỏi Khiếu ấy... Khiếu ấy chính là Bản Thể Thần Linh của con người.

Đó là Bản Thể tuyệt đối mà chúng ta đã đề cập tới trong suốt cả chương này.

Thái Thượng nói: Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc đạo, và tới được Hư Vô. (Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp, quan tâm đắc đạo nãi chí Hư Vô.) (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Hanh, tr. 3a).

Hiểu được Bản Thể là hiểu được Căn Nguyên, Cùng Đích vũ trụ và con người.

Hiểu được hai chiều Thuận, Nghịch nói trên là hiểu được nhẽ biến dịch tuần hoàn của vũ trụ, vạn hữu và của con người.

8. Chung qui, Hiểu chữ Nhất là hiểu được tinh hoa đạo giáo Á Đông nói chung, Lão Giáo nói riêng

Dù đứng trên lập trường Vô Ngã hay Hữu Ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, thì khái niệm cơ bản vẫn là:

Nhất thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng sinh xuất biến hóa ra vạn sự vạn hình.

Nhất Thể đó có thể hóa thành Tam Thể, Vạn Thể.

Nhất Khí đó có thể hóa thành Tam Khí, Vạn Khí.

Nhất Thần đó có thể hóa thành Tam Thần, Vạn Thần.

Nhất Lão đó có thể hóa thành Tam Lão, Vạn Lão.

Nhất Thiên đó có thể hóa thành Tam Thiên, Vạn Thiên.

Thế tức là hiểu Lẽ Một, sẽ hiểu được Căn Cơ, Gốc Gác của muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức triết học và khoa học sau đây: «Thiên, Địa, Nhân, Vật Nhất Tính, Đồng Thể.» (Tính Mệnh Khuê Chỉ, Nguyên, tr. 6a)

Suy ngược lại sẽ có:

Nếu Nhất Thần hóa Chúng Thần, thì Chúng Thần sẽ qui Nhất Thần; Nhất khí hóa Vạn Khí thì Vạn Khí cũng qui Nhất Khí.

Nếu trong con người có Chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.

Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ắøt cũng có Chân Nguyên Nhất Khí hay Nguyên Khí.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ:

Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.

Chọn cái Giản dị, bỏ cái Tần Phiền.

Chọn Chân Tâm mà bỏ Thất Tình, Lục dục, Tam Thi, Tứ Đại, Âm Dương đối đãi.

Vì hiểu lẽ Một cho nên người đạo sĩ biết mình là Tiên Thiên Nhất Khí hóa thân, nghĩa là có đồng bản tính với Thượng Thần trong trời đất.

Vì biết lẽ Một cho nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trời đất là Một. Mình đây chẳng qua là Hóa Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng hay.

Họa sĩ Wyzewa đã viết từ năm 1893:

Cái mà ta gọi là Thực Tại chẳng qua chỉ là hình ảnh của Bản Thể thầm kín nơi ta, phóng phát ra hư cảnh bên ngoài mà thôi. [7]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Vì thế nói: Thánh Nhân tẩy rửa tâm hồn, trở về náu ẩn trong nơi thầm kín. Trong đó vốn đã có Bản Thể uyên nguyên cùng với Thái Hư hỗn thành nhất khối. Vì thế nói: Thánh Nhân đồng thể với Thái Hư. [8]

Lão Giáo vì thế chủ trương Thủ Trung Bão Nhất, giữ Trung ôm Nhất.

Khổng giáo vì thế chủ trương: Ngô Đạo Nhất dĩ quán chi, Đạo ta dùng chữ Nhất bao quát tất cả.

Tính Mệnh Khuê Chỉ có chép: «Khi Hoàng Đế lên núi Nga Mi, gặp Thiên Chân Hoàng Nhân ở Ngọc Đường và hỏi về cái đạo Chân Nhân. Hoàng Nhân đáp: Đó là cái đạo quí trọng nhất của Đạo Gia. Kinh của Đạo này, Thượng đế giấu trong 5 thành núi Côn Lôn (đầu não con người), cất trong hòm ngọc ( Trong sọ người), viết vào thẻ vàng, phong bằng bùn tím (Nê Hoàn), đóng ấn bằng chữ Trung (Trung Tâm đầu não con người).

Nhất đó ở Thái Uyên Bắc Cực (đầu), trước có Minh Đường (Trán), sau có Ngọc Trẩm (ót), trên là Hoa Cái (Đỉnh Đầu), dưới là Giáng Cung...» [9]

Với những lời lẽ mập mờ đó, Ta thấy ngay rằng Hoàng Nhân đã muốn nói như sau:

Muốn tìm Trời, tìm Đạo, tìm Nhất, tìm Trung, phải tìm nơi Trung Điểm đầu não con người.

Trước đó vài dòng Tính Mệnh Khuê Chỉ đã khéo léo đề cập tới Nê Hoàn Cung và trích dẫn Kinh Huỳnh Đình:

Nê Hoàn Cửu Chân giai hữu phòng,

Phương Viên Nhất Thốn xứ thử trung.

Đồng phục tử y, phi la thường,

Đãn tư nhất bộ thọ vô cùng.

Dịch:

Nê Hoàn Cửu Chân đều có phòng,

Vuông Tròn Một Tấc tại Não Trung.

Áo tía, quần là đều rỡ ràng,

Tâm tồn Cửu Chân, thọ vô cương.

(Huỳnh Đình Kinh chương 7 và Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Lợi tr. 9a).



Nhập Dược Kính viết:

Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,

Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời khóa hạc, khứ triều nguyên.

(Nhập Dược Kính, tr. 10b)

Nê Hoàn một khiếu thấu cửa Trời,

Ngọc Hoàng Thượng Đế ấy tòa ngôi.

Thánh hiền lui tới, duy đường ấy,

Cưỡi hạc băng chừng thẳng tới nơi.


Viết đến đây, tôi liên tưởng đến lời chú của Phật Giáo Tây Tạng: Um Mani Padme Hum, ôi Ngọc Châu Viên Giác nằm tại Liên Hoa Tâm, mà Liên Hoa Tâm theo lời bình giải của các đạo sư Tây Tạng, thì chính là Trung Tâm Đầu Não con người.

Tôi mở đầu đoạn này bằng Bản Thể Uyên Nguyên của vũ trụ và của con người, kế đến bàn về hai chữ Trung và chữ Nhất, cuối cùng kết thúc bằng chữ Nhất và đem chữ Nhất ấy vào Trung Tâm Đầu Não con người, vào Nê hoàn Cung, nơi mà từ vô lượng kiếp Đức Thái Thượng đã dạy đạo cho chúng ta, đúng như lời kinh Huỳnh Đình: Thị tích Thái Thượng cáo ngã giaû... (Huỳnh đình Kinh chương 17), thiết tưởng cũng đã phát quang được gai góc và để lộ ra con đường Đại Đạo...

VŨ TRỤ THÁM VI

(TÌM HIỂU HUYỀN CƠ VŨ TRỤ)

Người xưa chỉ dùng Thần (tuệ giác = illumination, intuition), Trí (raisonnement), Giác quan để quan sát, suy tư và trực giác về vũ trụ, để tìm cho ra những điều vi ẩn của vũ trụ.

Lão giáo cũng như các Đạo khác ở Đông Phương xác tín rằng có một Thượng Đế Tuyệt Đối, một Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên, vô hình, vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hoá vô cùng, đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Bản Thể vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung này, đạo Lão đã hài danh bằng nhiều danh hiệu, đại khái là:

a. Khi chưa có Trời Đất, thì Đạo hay Bản Thể tuyệt đối còn ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nên được gọi bằng những danh từ như: Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn, Vô Cực, Vô Vi, hoặc được tượng trưng bằng con số 1, hay bằng vòng tròn không có tâm điểm. Tất cả đều nói lên sự viên dung, toàn mãn, hoàn hảo, đồng đẳng tuyệt đối, không tịch tuyệt đối, hư tĩnh tuyệt đối.

b. Khi bắt đầu hiển dương, thì gọi là Đạo, là Thái Cực, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần, là Huyền Quan Khiếu, hay Huyền Tẫn chi môn, là 5, là 15, và được tượng trưng bằng vòng tròn có chấm ở giữa, hay bằng đồ hình Thái Cực mà ta vẫn thường thấy.


c. Khi đã có Trời đất, thì Bản Thể ấy tiềm ẩn dưới các lớp lang hiện tượng, và được gọi là Trung, là Đạo, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần v.v... hay được tượng trưng bằng vòng Dịch với:

- Thái Cực ở giữa, tượng trưng cho Bản Thể duy nhất.

- Các hào quải bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, vạn tượng luân lưu biến hoá.

Ta vẽ lại, trình bày lại 3 quan điểm trên thành sơ đồ sau:

 Tiên Thiên (Chưa hiển dương): Đạo, Nhất, Hỗn Độn, Hư Vô, Hồng Mông, Thường, Hằng, Căn Nguyên, Vô vi, Tiên Thiên, Trường Sinh Bất tử.

Thuỷ Chung.  Tổ Khiếu. Đạo, Thái Cực, Huyền Tẫn, Huyền Quan, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan.   

 Hậu Thiên (Đã hiển dương): Vạn Hữu, Vạn Tượng, Dị Biệt, Tạp Thù, Biến thiên, Ảo hoá, Lưu Mạt, Hũu Vi, Hậu Thiên, Sinh Diệt, Phù Sinh.

 Nhờ những đồ hình và những quan niệm khái quát trên, ta hiểu được một điều rất trọng đại này là:

 Vũ Trụ hữu hình này sở dĩ có là do sự phóng phát, tán phân của một thực thể duy nhất.

 Thuyết Phóng Phát của hiền, thánh muôn phương khác với Thuyết Tạo Dựng của các Đạo Giáo Công Truyền Tây Phương (Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo) như sau:

Thuyết Phóng Phát (Emanation)

1. Vũ Trụ Hữu Hình này là những phân thể của một Toàn Thể.

2. Vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

3. Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu (Immanent)

4. Chung cuộc là Hoà Hài, Hợp Nhất, Siêu Thăng, Hoà Giải.

5. Lịch sử vũ trụ chuyển hoá 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, phản phục, thành một chu kỳ.   

Thuyết Sáng Tạo (Creationism).

1.  Vũ trụ Hữu Hình này là do quyền năng của Thượng Đế sáng tạo từ không.

2. Vạn hữu nhất nhất đều có bản thể riêng biệt.

3. Thượng Đế siêu việt, tách rời khỏi vạn hữu. (Transcendent).

4. Chung cuộc là Tan vỡ, kinh hoàng, là Tận Thế.

5. Lịch sử vũ trụ và con người chuyển biến một chiều, theo đường thẳng.

 Dựa vào Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Lão Giáo, ta suy ra:

1. Vạn Hữu đồng căn, dị mạt. Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. [10](Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Người xưa cũng nói:

Thiên, Nhân nhất Lý.

Ngã Vật đồng nguyên

2.Vạn vật hữu hình biến hoá có chu kỳ, theo 2 chiều tán tụ.

 -Chiều Tán:

Chiều phân hoá, giáng bản, qui mạt (Đi từ gốc tới ngọn).

Chiều giáng (từ Căn Nguyên Thái Cực xuống vạn vật, quần sinh, hào quái), chiều đi ra (từ nội tâm ra ngoại cảnh), chiều thuận (thuận theo dòng đời, thuận theo dục vọng), chiều ly tâm (từ hợp nhất ra phát tán chi ly.

 - Chiều Tụ:

Chiều hoà hợp, qui nguyên, phản bản, thăng, lai, nghịch, hướng tâm.

Hai chiều biến hoá thuận nghịch nói trên là 2 chiều biến hoá từ vô tướng ra hữu tướng, rồi lại từ hữu tướng trở về vô tướng.

Đạo đức Kinh và Kinh Dịch đều đề cao chiều Nghịch hay chiều Phục.

Dịch Kinh viết: Số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã. (Dịch kinh, Thuyết quái, chương 3, tiết 2)

 Dịch:

 Tìm ra quá vãng là thường,

 Tương lai tiên đoán tỏ ràng mới cao.

 Dịch kinh có số ngược chiều,

 Ngược chiều thời thế khinh phiêu về nguồn.

Đạo Đức Kinh nơi chương 16 viết: «Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, phục mệnh viết trường.»

Dịch:

 Muôn loài sinh hoá đa đoan,

 Rồi ta cũng phải lai hoàn bản nguyên,

 Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

 Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.

Chương 29 viết: «Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.»

Chương 14 viết: «Phục qui ư vô cực.»

3. Vạn hữu vì là sự hiển dương của Đạo, của Bản Thể tuyệt đối, nên rất có giá trị.

4. Vạn hữu vì là phân thể của một đại thể, nên không có vật nào, người nào toàn mãn, mà phải dựa vào nhau, cái nọ bổ sung lẫn cái kia.

5. Mọi sự thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng chẳng ít, thì nhiều, đến chung quanh.

 Liệt tử đã viết trong Xung Hư Chân Kinh, chương 3, đoạn C: «Nhất thể chi doanh hư, tiêu tức giai thông ư Thiên Địa, ứng ư vạn loại.» 一 體 之 盈 虛 消 息 皆 通 於 天 地, 應 於 萬 類.

Dịch: Mỗi một sự thay đổi, đầy vơi, tăng giảm nơi sự vật, đều thông với trời đất, ứng với muôn vật.

Người xưa còn nói:

Lạc hồng bất thị vô tình vật,

Hoá tác xuân nê, cánh bộ hoa

Dịch:

Hồng rơi chẳng phải vô tình,

Hoá thành bùn lại nuôi cành hoa xuân.

Nếu ta đồng ý dùng Tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ thấy vũ trụ này gồm 2 phần:

a. Một Thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu, trường tồn (Tâm Điểm). Đó là thế giới khinh thanh, bao la và đồng đẳng, vô phân biệt. Đạo Lão gọi đó là Đạo, là Tiên Thiên, là Vô Vi, là Hư, là Diệu.

b. Một Thế giới của Hiện Tượng, của giác quan, của Biến Thiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Đạo Lão gọi đó là Hậu Thiên, là Hữu Vi, là Khiếu (Vòng tròn bên ngoài).

 Người học Đạo, hiểu Đạo phải biết nhìn thấy cả hai mặt Biến, Hằng, Hữu Hạn và Vô Hạn, của một Bản Thể, một Thực Thể duy nhất. Có vậy, mới gọi được là Diệu, Khiếu Tề Quan.

 Người học Đạo cũng còn phải biết nhìn thấy Đạo Thể vô biên tế xuyên qua các lớp lang hiện tượng, các bức màn hình, thanh, niệm, dục.

 Thế mới hay: «Đắc Nhất vạn sự tất» 得 一 萬 事 畢. (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch. Thiên Địa: Thông Nhất, nhi vạn sự tất.)

  Trên đây đưa ra 5 vấn đề rất quan trọng:

- Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

- Thuyết Vạn Vật tương ứng, tương thừa, tương giao, tương tiếp.

- Thuyết Vạn Vật biến dịch, tuần hoàn.

- Thuyết Phóng Phát, Tán Phân (Emanation and division) thành vũ Trụ.

- Thuyết Thượng Đế ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu (God Immanent). Có như vậy,Thượng Đế mới ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự.


NHÂN SINH PHÁT DIỆU

(VI DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI)

 Từ trước đến nay, người ta thường học con người dưới những khía cạnh phiến diện, đa đoan, nên càng học càng lìa xa Chân, Diện, Mục con người, càng sao lãng cái Tinh Hoa Chí Bảo nơi con người.

 Cho nên, muốn học về con người cho thấu đáo, cho có cơ sở triết học, khoa học vững chắc, ta phải dựa vào:

 - Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

 - Thuyết Nhất Thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.

 - Thuyết Đạo nội tại, Thái Cực nội tại, Thượng đế nội tại. [11]

 1. Nơi con người có 2 phần Chân, Giả, Biến, Hằng.

 Trước hết, nếu ta chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, mà Nhất Thể đó ta đã biết là Đạo, là Thái Cực, là Thượng Đế, thì dĩ nhiên trong ta phải có phần Thiên, có Thái Cực, có Thượng Đế.

Như vậy, nhận định sơ bộ về con người đã cho thấy rằng: Trong ta có 2 phần:

- Một phần vĩnh cửu, bất biến, bất sinh, bất diệt. Đó là phần Thiên.

- Một phần Biến Thiên, ảo hoá. Đó là phần Nhân.

  a. Phần Thiên, phần vĩnh cửu, bất biến: Đạo Lão gọi phần Vĩnh Cửu, Bất Biến đó là: Đạo, Cốc Thần, Thái Cực, Thiên, Đạo Tâm, Thiên Tâm, Thiên Địa chi tâm, Chủ Nhân Ông, Đơn v.v...

Châm thạch tử viết: Thiên Tâm giả, Bản Thể dã, Chủ Nhân Ông dã. 天 心 者 本 體 也, 主 人翁 也.[12]

 Vì biết mình có Đạo bất biến, vĩnh cửu ẩn tàng bên trong, nên Trang Tử mới nói:

«Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh,   
天 地 與 我 並 生

Nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.»   
而 萬 物 與 我 為 一 [13]

 Dịch:

Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.

Từ Viên Tiên Sư viết:

Đương thời vị hữu tinh hà đẩu,           
當 時 未 有 星 河 斗

Tiên hữu Ngô, đương hậu hữu thiên.
先 有 吾 當 後 有 天 [14]

Dịch:

Trước khi Thiên Hán, quần tinh có,

Trước có ta, sau mới có Trời.

Và:

Ngã thể bản đồng Thiên địa lão,   
我 體 本 同 天 地 老

Tu Di sơn đảo, tính do tồn.       
須 彌 山 倒 性 猶 存[15]

Dịch:

Tính ta vốn thọ cùng trời đất,

Tu di sơn đảo, tính do tồn.

b. Phần Nhân, phần biến thiên, ảo hoá nơi con người: gồm Nhục thân (xác) với lục căn (Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý), Nhân Tâm (Hồn), với Thất Tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục).

Chia con người thành 2 phần biến, hằng như vậy, chẳng những hiểu được tinh hoa Đạo Lão, mà còn hiểu được các Đạo Giáo Á Đông, các Mật giáo Âu Châu.

Âm Phù Kinh viết:

Thiên tính nhân dã, 
天 性 人 也

Nhân Tâm cơ dã.     
人 心 機 也

Lập Thiên chi đạo   
立 天 之 道

Dĩ định nhân dã       
以 定 人 也

Dịch:

Thiên Tính là người,

Nhân Tâm là máy.

Lập ra Thiên Đạo,

Để định con người

 Sách Tiên Học Tập Cẩm của Cung Tùng Tiên, có đoạn như sau:

«Cái Thân ảo hoá là Nhục Thân (Xác). Cái Tâm ảo hoá là Nhân Tâm.

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý đều do ảo thân mà ra.

Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn đều do Nhân Tâm mà ra.

Lục căn (Ảo Thân) mỗi mỗi đều đủ để làm hại sinh mệnh.

Thất tình, vọng niệm (Nhân Tâm) mỗi mỗi đều có thể đưa đến cõi chết.

Còn như cái Thân chân chính đó là Pháp Thân.

Cái Tâm Chân Chính đó là Thiên Tâm.

Ngũ tính nhân duyên (tức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), nơi Pháp Thân đều là những mầm mống giúp ta thành Đạo.

Ngũ Ban chí Bảo (tức là Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần, Nguyên Tánh, Nguyên Tình nơi Thiên Tâm), đều là vật liệu giúp ta luyện đơn.

Đem dùng những chất liệu ấy mà tu luyện, sẽ khởi tử, hoàn sinh, cải lão, hoàn đồng.

Vì con người không biết mình có Pháp Thân và Thiên Tâm, nên Pháp Thân mai một, Ảo Thân dụng sự, Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, cảm nhi toại thông, đó là nơi nương tựa của Tính.» [16]

 Có người hỏi Doãn Chân Nhân về Lý Thái Cực. Chân Nhân đáp: «Thái Cực là Thiên Tâm nơi ta. Thích thị gọi là Viên Giác, Đạo gọi là Kim Đơn, Nho gọi là Thái Cực.

Gọi là Vô Cực rồi Thái Cực, có nghĩa là Siêu Việt tuyệt đối. Con người khi chưa bẩm sinh, thoạt kỳ thuỷ có điểm linh quang ấy, để làm chủ hình hài sau này, đó chính là Thái Cực.

Trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta, cũng một điểm Thái Cực đó, vì chưa thuộc về hình hài, nên gọi là Vô Cực.

 Muốn biết Bản Lai Chân Diện Mục,

 Một vầng sáng láng lúc chưa sinh...» [17]

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh, chìm nổi, trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ chuộng những gì là phù phiếm bên ngoài, lạc lõng trong muôn sai ngàn biệt, bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa; bị từ ngữ, tư tưởng ám nhãn, manh tâm; thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian, thời gian, hình hài, sắc tướng hữu hạn.

 Thánh nhân trái lại, xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy, vào tới được thế giới Chân Tâm vô biên, vĩnh cửu, thế giới của vĩnh cửu, trường tồn; xuyên qua được tâm thức để vào tới Hư Vô, Chân Thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì vậy mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Thánh Nhân tiềm thâm uyên   
聖 人 潛 深 淵

Phù du thủ qui trung         
浮 游 守 規 中. [18]

Dịch:

 Chân Nhân sống rất thâm trầm,

 Nhởn nhơ, khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng.


Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,   
離 種 種 邊

Doãn chấp quyết Trung.   
允 執 厥 中 [19]

Dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trong Tâm giữ vững, chẳng rời tấc gang.


Con người có 3 phần. Thần, Hồn, Xác. Thần thời Bất biến. Đó là phần Thiên. Đó là Thái Cực trong ta. Còn Hồn, Xác là phần biến thiên, luân hồi, sinh tử.

 Chúng ta hay Lão Tử, hay Trang Tử, Liệt Tử hay chư Tiên trong Đạo Lão, cũng đều có một Thái Cực, một Thần, một Đạo như nhau nơi căn cốt. Mọi người khác nhau là từ ở các tầng lớp biến thiên nơi hồn phách, trí não, lục phủ, ngũ tạng bên ngoài.

 Chúng ta khác với Lão, Trang, chẳng những vì tâm hồn, thể phách khác nhau, mà còn khác hơn nữa là vì Lão, Trang thời biết trở về khế hợp với Đạo, với Thái Cực nơi tâm, biết:

Phục qui ư Vô Cực. (ĐĐK, tr. 28)

Phối Thiên (ĐĐK, tr. 68)

Hưu hồ Thiên Quân (yên nghỉ trong Trời) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Đắc kỳ hoàn trung (vào được trung điểm vũ trụ) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Còn chúng ta thì cứ luẩn quẩn nơi các vòng sinh, tử, hiện tượng, ái, ố bên ngoài, vì thế không thoát được sự hấp dẫn của vạn hữu (Attraction Universelle, Attraction électro-magnétique), và vì thế không thể băng mình tới cõi siêu việt được...

Đã biết trong ta có Đạo, làm sao tìm cho ra, làm sao mà kiểm chứng?

1. Người xưa cho rằng: Muốn tìm cho ra Đạo, ra Thái Cực trong con người, phải trở về Nguyên Thuỷ, Gốc Gác, vì thế nên phải tìm Đạo khi con người thoạt sinh thân, thụ khí.

Tử Dương Ông viết: «Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ.»  勸 君 窮 守 生 身 處.

Lại viết:

Cùng thủ sinh thân thụ khí sơ,   
窮 守 生 身 受 氣 初

Hạo quái thiên cơ câu tiết tận         
皓 怪 天 機 俱 洩 盡 [20]

Trương Cảnh Hoà có thơ:

Hỗn nguyên nhất khí thị Tiên Thiên:   
混 元 一 氣 是 先 天

Nội diện hư vô, lý tự nhiên.                   
內 面 虛 無 理 自 然

Nhược hướng vị sinh tiền kiến đắc,     
若 向 未 生 前 見 得

Minh tri tất thị Đại La Tiên.             
明 知 必 是 太 羅 仙 [21]

Dịch:

Hỗn Nguyên nhất khí ấy Tiên Thiên,

Tịnh tĩnh, hư vô, khớp tự nhiên.

Từ trước sinh ra, tìm mới thấy,

Hiểu thông nhẽ ấy, chính Chân Tiên.

2. Người xưa chỉ thêm rằng khi ta đã sinh ra, thì Đạo ở nơi sinh xuất ra mọi niệm lự. Người xưa gọi thế là «Niệm Đầu Động Xứ»

 Trần Nê Hoàn nói: «Niệm đầu động xứ vi Huyền Tẫn». [22]

3. Dẫu sao, thì Trời, thì Đạo cũng ở trong ta. Trang Tử viết: «Thiên tại nội, Nhân tại ngoại.» [23]

Sách Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu cũng quyết rằng Đơn, hay Đạo, hay Huyền Quan Khiếu, hay Tổ Khiếu chắc chắn là ở trong ta:

 Tại Nhân thân trung       
 在 人 身 中

 Mạc hướng ngoại cầu. 
 莫 向 外 求

và viện dẫn Kim Đơn Tứ Bách Tự cũa Trương Tử Dương:

 Thử khiếu phi phàm khiếu, 
 此 竅 非 凡 竅

 Càn Khôn cộng hiệp thành       
 乾 坤 共 合 成 [24]

4. Tống tiên sinh trong bài Giải Mê Ca cho biết:

«Đạo đã ở sẵn trong Nê Hoàn nơi óc não con người (Nê Hoàn, Niết Bàn, Tâm):

 Đạo bất viễn, tại Nê Hoàn. 道 不 遠, 在 泥 丸 [25]

5. Để giản dị hoá, và phổ thông hoá, cách thấy Đạo, thấy Trời, tôi cho rằng: Lương Tâm là Tiếng Trời. Lương Tâm là Đạo, là Trời.

 Nghe được tiếng Lương Tâm là nghe được tiếng của Đạo, của Trời, là chứng minh được rằng trong Thân có Đạo, có Trời.

 Lương Tâm thời hằng cửu, bất biến, Đông Tây, kim cổ ai cũng như ai, mà chỉ có Thái Cực, có Trời trong ta mới hằng cửu, bất biến, nên chắc chắn Lương Tâm là Thiên Tâm.

Còn Nhân Tâm thời biến thiên, nên chắc chắn đó là Vọng Tâm, là Tư Tâm.

Đạo Học Từ Điển bình về Lương Tâm như sau:

«Đó là Thiên Tâm chi Tâm, bổn lai chi linh tính. Ai ai cũng đều có đủ, lương tâm nào cũng hoàn mỹ, viên thành. Nho nói: Không nghĩ sái quấy, tức là nhận được tiêu chuẩn hoàn thiện của Lương Tâm. Thích nói: Ly nhất thiết vọng tâm tức kiến Như Lai. Như Lai tức Lương Tâm vậy.Đạo nói: Trừ nhất thiết phiền não, sẽ được tâm thanh tịnh.»

 Nói đến Lương Tâm, không thể nào không nhắc tới một danh nho thời Minh là Vương Dương Minh (1472-1528) với Học Thuyết về Lương Tri của Ông. Trong phần phụ lục, sẽ sao lại những bài thơ bất hủ của Ông về Lương Tri, Lương Tâm.

6. Hai chiều Thuận, Nghịch nơi con người.

Nếu ở trong vũ trụ có 2 chiều tiến thoái, thuận nghịch, vãng lai, thì ở nơi con người cũng có 2 chiều tiến thoái thuận, nghịch đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại:

Chiều Thuận là chiều từ Bản Thể sinh xuất ra hiện tượng.

Chiều Nghịch là chiều từ Hiện Tượng, vạn hữu quay trở về Bản Thể.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người, chiều Thuận được phác hoạ như sau:

TÍNH - TÂM - Ý - TÌNH - VỌNG (Mê Vọng).

Và chiều Nghịch:

VỌNG - TÌNH - Ý - TÂM - TÍNH. (Bản Thể). [26]

Nhiều sách khác cho rằng: Chiều Thuận là chiều Thần sinh Khí, Khí sinh Tinh.

Chiều Nghịch là chiều Tinh hoá khí, Khí hoá Thần, Thần hoàn Hư, phục qui Vô Cực.

Cũng nên ghi nhận rằng: Trong chiều Thuận thời Thần Tán, Khí Sơ 神 散 氣 疏. Trong chiều Nghịch thì Thần Ngưng. Khí Tụ 神 凝 氣 聚 [27]

Chiều Thuận sinh nhân, sinh vật.

Chiều Nghịch sinh Tiên, sinh Thần, Thánh, Phật.

Tiên học từ điển định nghĩa:

Thuận là từ Vô nhập Hữu, Nghịch là từ Hữu nhập Vô, và đưa ra những câu:

Thuận sinh nhân, Nghịch sinh đơn (Trương Tam Phong).

Thuận vi Phàm, Nghịch vi Tiên, chỉ tại trung gian điên đảo điên. (Vô Căn Thụ).

Thuận tắc sinh Phàm, Nghịch tắc sinh thánh.

Thị tắc sinh Nhân, sinh Đơn, lý vô nhị trí dã.

Nói cho rõ hơn, chiều Thuận là chiều hướng ngoại, đi ra ngoại cảnh. Chiều Nghịch là chiều hướng nội, đi vào nội tâm.

- Đi ra ngoại cảnh là đi vào Đời, bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài, miếu mạo, Thần, Phật, chi chi đi nữa.

- Đi vào nội tâm, mới là vào Đạo, mới là đi Đạo.

Có vậy mới hiểu được lời đức Thái Thượng: «Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc Đạo, và tới được Hư Vô.» [28]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu Bản Tâm. Muốn quán chiếu Bản Tâm, tất phải dắm mắt hồi quang,nhìn vào Hư Không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi mà Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm, ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng. Hợp nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tỵ tức, khoá thiệt khí. Tứ chi bất động để cho ngũ thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ yên vị, suốt cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan, quán chiếu, nhìn vào Khiếu ấy; tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy; đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy. Vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời Khiếu ấy.» [29]

7. Tìm Đạo nơi Nhất niệm bất sinh.

Như vậy, đã biết Đạo ở nơi đâu, ta sẽ tìm được Đạo.

Người xưa biết rằng Đạo ở «niệm đầu động xứ», nên đã nói:

 Nhất niệm bất sinh, toàn thể hiện, 
 一 念 不 生 全 體 現

 Lục căn tài động, bị vân già.                   
 六 根 栽 動 被 雲 遮 [30]

 Dịch:

 Một niệm chưa sinh toàn thể hiện,

 Lục căn vừa động bị mây che.

(Tú Tài Trương Chuyết)

*Tùng Giang, Vương Cảnh Dương Duy Nhất nói:

Yếu tri Tính Mệnh an thân xứ, 
要 知 性 命 安 身 處

Ý vị manh thời hợp Thái Hoà.         
意 未 萌 時 合太 和 [31]

Dịch:

Biết nơi Tính Mệnh sinh thân xứ,

Lúc ý chưa sinh, hợp Thái Hoà.

Lại nói:

Dục niệm vị trừ, không học Đạo,

Tham tâm bất đoạn, mạc cầu Tiên. [32]

Dịch:

Dục niệm chưa trừ, không học Đạo (học Đạo uổng công),

Tham tâm chưa tuyệt, uổng cầu Tiên.

Tiêu Dao Đại Sư viết:

«Nếu mà một niệm không sinh tức thoát sinh tử. Tới được một nơi một niệm không sinh, là thấy được Bản Lai Diện Mục.» [33]

Hoài Nam Tử viết: «Thanh tĩnh vô vi, nhập ư Thiên môn». [34]

Chúng ta kết luận đoạn này bằng 2 bài thơ tứ tuyệt:

Học Đạo, tu cùng Thiên Địa Tâm,   
學 道 須 窮 天 地 心

Hãn văn thế thượng, hữu tri âm.       
罕 聞 世 上 有 知 音

Đô duyên thử lý nan khinh tiết,           
都 緣 此 理 難 輕 洩

Tận hướng bàng hề, khúc kính tầm. 
盡 向 旁 兮 曲 徑 尋 [35]

Dịch:

Học Đạo phải rành Thiên Địa Tâm,

Ít nghe trần thế có tri âm,

Toàn vì nhẽ ấy, không khinh tiết,

Đường tà, nẻo vạy, mới đâm sầm.

Duy Giác Thiền Sư viết:

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu, 
勸 君 學 道 莫 貪 求

Vạn sự vô tâm, Đạo hợp đầu,                 
萬 事 無 心 道 合 頭

Vô tâm thuỷ thể Vô Tâm Đạo,               
無 心 始 體 無 心 道

Thể đắc Vô Tâm Đạo dã hưu.         
體 得 無 心 道 也 休 [36]

Dịch:

Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Vạn sự vô tâm, hiệp Đạo mầu.

Vô Tâm khế hợp Vô Tâm Đạo,

Khế hợp Vô Tâm, Đạo mới cao.

******************       


PHẦN QUAN TRỌNG--XIN XEM THẬT KỸ

Chỗ cao siêu nhất của Đạo Lão là dạy con người Phối Thiên.

Lão Tử trong chương 68 Đạo Đức Kinh đã viết: Phối Thiên là cực điểm của người xưa.

Các đạo sĩ lớn xưa nay cũng coi mình là Vô Cực, là Thái Cực, là Trời.

Đạo học cầu chân, chương X, viết:

Hướng tiền, thần tụ, đồng Vô Cực,

Kim tán, trần ai mãn thế đồ.

Dục qui Chính Vị Hoàng Trung Lý,

Nê hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Dịch:

Khi xưa Thần Tụ, đồng Vô Cực,

Nay tán:Trần ai mãn thế đồ.

Muốn về Nguyên Vị Hoàng Trung Lý,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Lão giáo chủ trương rằng khi ta chưa sinh ra, thì là Trời, là Thuần Kiền. Nhưng khi ta đã sinh ra, thì chúng ta biến thành Ly. Mà quẻ Ly là quẻ Kiền bị thay ruột bằng một hào Âm. (Ngã sinh chi tiền, Thiên vi chủ, Ngã sinh chi hậu, Tâm vi chủ). Nên tất cả công trình tu luyện là phải biết dùng Hào Dương của quẻ Khảm để biếân Ly, thành Kiền. Đó là Khầu quyết Dĩ Khảm Điền Ly, biến Ly thành Kiền.

Nam Hoa Kinh viết: Thiên tại nội, Nhân tại ngoại. (Nam Hoa Kinh, chương XVII, Thu Thuỷ, cuối đoạn A) (Trời ở trong, người ở ngoài)..

Vì trong ta có Trời, nên tu luyện cốt là bỏ được cái Lốt Người, mà giữ nguyên được cái Cốt Trời.
Đạo Lão gọi thế là Tâm Tử Thần Hoạt, Tâm con người có chết đi, thì Thần bên trong mới sống động.
Trang Tử gọi thế là Dữ Thần vi Nhất. Nên Một với Thần (Nam Hoa Kinh, Khắc Ý, cuối phần B).

Các vị Đạo Sĩ xưa đi theo hai con đường:

1. Một là Đạo Học của Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử v... v với chủ trương Thanh Tĩnh, Vô Vi, Thủ Trung Bão Nhất.

Đạo Đức Kinh chương LXII viết:

Đạo là bí quyết muôn loài,

Là châu, là báu của người hiền lương.

Đạo còn là chốn dựa nương,

Cho người bạc đức có đường dung thân.

Lời hay, ý đẹp gian trần,

Đều do nguồn đạo tinh thuần phát ra.

Mấy đời những kẻ gian tà,

Mong nhờ lượng cả khỏi ra thân tàn.

Cho nên đã tiếng vua quan,

Phải đâu rỡn ngọc, đùa vàng trêu ngươi.

Phải đâu tứ mã rong chơi,

Vua quan cốt để Tiến Trời vào thân.

Người xưa chuộng Đạo muôn phần,

Vì khi Đắc Đạo luỵ trần tiêu tan,

Đạo là vật báu thế gian,

 2. Hai là Tiên Học, đặt cho mình mục tiêu phản lão, hoàn đồng, trường sinh bất lão.

Nguỵ bá Dương (thế kỷ 2) tác giả bộ Tham Đồng Khế, là người đã xây nền tảng Tiên Học. Nhưng Tiên Học hay Nội Đơn (Esoterical Alchemy) hưng thịnh từ thời nhà Hán.

Đó là chủ trương, từ thời nhà Hán, của Hán Chung Ly, của Lữ Đồng Tân (798-) cho tới các vị tổ Tiên Học sau này như Lưu Thao, Trương Bá Đoan (984-1082), Tiết Đạo Quang, Trần Nam, Bạch Ngọc Thiềm (Nam Tông), Vương Trùng Dương (1112-1170) với bảy đệ tử là Khưu Xử Cơ (1148-1227), Lưu Xử Huyền, Đàm Xử Đoan (1123-1185), Mã Ngọc (1123-1183), Hách Đại Thông (1140-1212), Vương Xử Nhất (1142-1217), và Tôn Bất Nhị (1119-1182); (Bắc Tông); Lục Tiềm Hư (1520-1606) (Đông Phái); Lý Hàm Hư (đời Thanh) (Tây Phái); Lý Đạo Thuần (đời Nguyên) (Trung Phái) với những hậu duệ trứ danh như Doãn Chân Nhân sư đệ, Huỳnh Nguyên Cát, Lưu Nhất Minh v.v...

Phái Tiên Học đóng góp rất nhiều cho tư tưởng nhân loại:

 * Chẳng hạn họ đã tìm ra được rằng: Nê Hoàn Cung trong trung tâm đầu não con người chính là Bản Thể con người, chính là Căn Nguyên và Cùng Đích con người. Họ gọi đó là Thiên Đường, là Thiên Tâm, là Bồng Lai v.v... (xem Chú Thích 17 của chương này) )

 * Họ chủ trương Tính Mệnh Song Tu. Mà Tính là Thái Cực là Tuyệt đối. Mệnh là Âm Dương, là Tương Đối. Chân Mạch Tử cho rằng: Thần là Tính, Tức (Khí, Hơi) là Mệnh (Tiên Học, tr. 35). Ngộ Chân Trực Chỉ viết: Tính là Pháp Thân thượng sự, Mệnh là Ảo Thân thượng sự. Tính là Vô Vi chi đạo, Mệnh là Hữu Vi chi đạo (Ngộ Chân trục chỉ, tr. 1).

 * Họ dạy con người phải biết thở qua 2 Mạch Nhâm Đốc. Như vậy con người có 2 cách thở. Một là Thở bằng Mũi mà người xưa gọi là Phàm Tức, và Thở qua 2 Mạch Nhâm Đốc mà người xưa gọi là Chân Tức. Khi biết thở bằng Chân Tức, thì thở bằng mũi sẽ đình. Huỳnh Nguyên Kiết gọi thế là Phàm Tức đình nhi Chân Tức hiện.

Tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ để luyện tập lối thở qua hai Mạch Nhâm Đốc, và kiểm chứng được rằng người xưa nói thật không ngoa. Có điều là lối luyện tập trên rất là nguy hiểm, và rất khó luyện, vì không có thày truyền. Cho nên từ khi sang Mỹ tôi đã bỏ không còn luyện tập như xưa nữa, vì sợ sẽ Thọ Cùng Thiên Địa nhất ngu phu (là một kẻ ngu phu sống lâu cùng trời đất).

* Họ biết rằng 2 mạch Nhâm Đốc là một vòng Từ Tuyến đứt quãng, nên lúc thở qua Nhâm Đốc, phải biết Khoá Lưỡi (Để) và Khép Chặt Hậu Môn (Toát).

Tiên gia có khẩu quyết: Hậu Thăng tiền Giáng Định Nhất Chu (Trước xuống sau lên, định một vòng). Mạch Đốc là Thăng là Tiến Dương Hoả, Mạch Nhâm là Giáng, là Thoái Âm Phù.

*Thiết tưởng nên nói thêm về 2 Mạch Nhâm Đốc và Nê Hoàn Cung trong con người.

Ở ngoài vũ trụ thì Vòng Hoàng Đạo là vòng Đại Chu Thiên. Quần tinh đều xoay quanh vòng Hoàng Đạo này. Tâm Điểm bất biến của vũ trụ là sao Bắc Thần hay nói đúng hơn là khoảng không cách sao Bắc Thần 1 độ. Nhà Thiên Văn Tổ Hằng Chi (430-501) đã khám phá ra chuyện này.

Còn trong con người thì 2 Mạch Nhâm Đốc là Vòng Tiểu Chu Thiên, còn Nê Hoàn Cung hay Tổ Khiếu là Trung Cung Thái Cực trên đầu. Huyệt Vĩ Lư là quẻ Phục, Huyệt Bá Hội là quẻ Kiền. Huyệt Thừa Tương, chỗ lõm dưới môi dưới là quẻ Cấu, Huyệt Hội Âm là quẻ Khôn. Thần dẫn Khí qua tủy sống lên Nê Hoàn (Thần Tức tương y), rồi lại từ Nê Hoàn chuyển qua Thừa Tương xuống Hội Âm. Cứ như vậy hoài. Khi Thần khí lên tới Nê Hoàn, thì con người có thể ngưng thở (Định Tức). Đó là đi vào Đại Định (samadhi). Đại Định tức là Thai tức (respiration embryonnaire). Xưa có những người nhập định được cả giờ hay nhiều giờ; người xưa tính giờ bằng thắp tàn mấy nén nhang. (Xem Thái Thanh Trung Hoàng Chân Kinh, tr. 7a, Pháp Quyết Minh Chỉ, tr. 10b, quyển 4. Tiên Thiên Chính Lý Trục Luận, tr. 33a, Đạo Nguyên Tinh Vi Ca quyển thượng,tr. 15a, Sao Kiểu Động Chương, quyển Hạ, tr. 8a, Pháp Quyết Minh Chỉ, q. 5, tr. 17a, q. 8, tr. 15a, q. 9, tr. 6a, Tiên học diệu tuyển tr. 345 v.v...).

Tuy nhiên nhiều đạo gia thường lấy Hạ Đơn Điền (huyệt Khí Hải phía dưới Rốn) làm nơi thu thần, định khí. (Xin đọc Tính Mệnh Khuê Chỉ). Tôi không bàn thêm.

 Như vậy Đạo Lão đã tìm thấy Trời, thấy Đạo, thấy Thái Cực trong Tâm, và tìm ra cách phối Thiên, ngay trong con người. Tôi không muốn đi sâu thêm vào vấn đề phức tạp này.

Cách hô hấp đặc biệt của Đạo Lão trên đây đã trở thành môn Khí Công, hay Nội Công của Trung Hoa (Xin đọc bộ Phương Xuân Dương, Trung Quốc Khí Công Đại Thành Tập, Cát Lâm Khoa Học Kỹ Thuật xuất bản xã).

 *Tiên Gia còn đề cao Mạch Âm Kiều. Các sách Tiên Học còn gọi nó là Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan, Sinh Tử Lộ hay Sinh Tử Khiếu, Hư Nguy Huyệt, Tẫn Môn, Tử Lộ v.v...

Âm Kiều cắt 2 mạch Nhâm Đốc nơi khỏang giữa Hội Âm (Nhâm Mạch) và Trường Cường, Vĩ Lư (Đốc Mạch). Âm Kiều dưới thông tới gót chân, trên thông tới Tình Minh (mắt).

Nó giải thích được câu của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, Đại Tông Sư: Thánh Nhân chi tức dĩ chủng (Thánh Nhân thở bằng gót chân.).

Tôi giải thích thêm vế Nhâm Đốc và Âm Kiều như sau:

Huyệt Hội Âm của Mạch Nhâm là quẻ Khôn. Huyệt Vĩ Lư của Mạch Đốc là quẻ Phục. Âm Kiều cắt chính giữa 2 mạch Nhâm Đốc nên gọi là Sinh Tử Lộ, Phục Mệnh Quan, vì đó là nơi mà con người thoát vòng Sinh Tử (tượng trưng bằng Mạch Nhâm), và được Trời gọi về, sau khi đã làm trọn Mệnh Trời, và trở về được với Căn Trời (Qui Căn Khiếu). Sau đó con người sẽ vào được Cửa Trời (Vĩ Lư). Vĩ Lư chính là cái Cổng Trời, Đạo Bà La Môn cũng gọi Vĩ Lư là Cửa Trời (Brahma’s Gate) (Xem Hồ Phu Thâm, Trung Hoa Đạo giáo Đại Từ Điển tr. 1173, 1174, 1175).

 * Tiên gia sáng lập ra Đơn Đạo

Dưới khía cạnh Triết Học, Đơn Đạo chung qui là tất cả những công trình suy tư, tìm hiểu về Bản Thể Chân Thực của con người, cũng như tất cả các phương pháp các giai trình để thực hiện Bản Thể ấy. Đơn đạo chẳng qua là những áp dụng của Dịch vào phương pháp tu trì.

Theo Dịch, thì Bản Thể vũ trụ là Thái Cực duy Nhất, duy Tinh. Thái Cực này đã sinh xuất ra vũ trụ và con người, bằng cách phóng phát, tán phân (Émanation), và vẫn luôn luôn tiềm ẩn trong lòng sâu con người.

 Suy tư tìm kiếm cốt là tìm ra Căn Bản ấy.

 Tu luyện cốt là để trở về với Căn Bản ấy.

 Trường sinh bất tử chính là khế hợp với Căn Bản ấy.

Nếu Thái Cực đã phóng phát ra con người và ra quần sinh vũ trụ, thì con đường về với Thái Cực là con đường nội tâm, phương pháp tu luyện để trở về với Thái Cực là phương pháp Thu Nhiếp, Ngưng Tụ, Hoà Hài. Con đường Nội Tâm chính là chiều nghịch của vòng Dịch. Nếu Thái Cực đã tiềm ẩn đáy lòng, thì Trường Sinh Dược, mục đích của khoa Luyện Đan cũng đã sẵn có ở nơi Thân, Tâm con người.

Dưới khía cạnh Đạo Giáo, thì Đơn Đạo chính là công trình để tìm cho ra Thượng Đế tiềm ẩn đáy lòng.

Mục đích tối hậu của Đơn Đạo chính là đi đến chỗ hợp nhất với Thiên Tâm, với Thượng đế.

Tất cả các phương pháp tu luyện chung qui là sửa sang cho Tâm Thần trở nên xứng đáng với Toà Ngôi của Thượng Đế chí tôn.

*
* *

 Sau đây, xin bàn qua về khoa Luyện Đơn của Đạo Lão.

1. Trước hết, ta tìm hiểu về chữ Đơn 丹

- Chữ Đơn, đầu tượng Nhật, chân tượng Nguyệt.

Chấm ở giữa là Thử Châu (Thái Cực)

Nét ngang là « Được».

Trước thời Hán, thì gọi là Đạo 道, sau thời Hán thì gọi là Đơn 丹 [37]

Thế nghĩa là: Đơn chính là Thái Cực, bao quát Âm Dương, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và thu gọn lại ở thế cực tiểu, như hạt vừng (Thử) theo từ ngữ Trương Tam Phong. Tu Đơn Đạo cốt là để đắc Thái Cực, đắc Đạo, vì Đơn chính là Đạo, là Thái Cực vậy.

Đơn chính là Độc Nhất. Chỉ có Đạo là Độc Nhất Vô Nhị, cho nên gọi là Đơn.

Trời được Một thời trong xanh, đất được Một thời đầy đặn, người được Một thời Trường Sinh. [38]

Định nghĩa này cho thấy: Muốn trường sinh phải Đắc Đơn, Đắc Đạo, Đắc Nhất.

 - Kết Đơn chi Đạo chỉ là Nhất mà thôi. Mà Nhất chẳng qua chỉ là Hư mà thôi. [39]

 Định nghĩa này đưa ta trở về với Hư với Vô Cực.

 Định nghĩa này còn cho thấy Đơn là Thái Cực tiềm ẩn trong thân.

 - Tâm là Đơn, Đơn là Tâm. [40]

 - Đơn là Đạo, Đạo là Đơn. [41]

 - Đơn là Bản Thể, là gốc gác của Trời đất, vạn vật.

Cái gì là Gốc của Trời đất, vạn vật? Đó là Đơn, là Đạo. Nó Hư Vô không thể đặt tên, nên tạm gọi là Đạo. Hư sinh Một, Một sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. [42]

Định nghĩa này lại càng cho thấy: Đơn là Thái Cực và sách Đại Động chân kinh cũng cho rằng:

Muốn tìm gốc gác phải tìm nơi Thái Cực.[43]

Xướng Đạo Chân Ngôn còn cho rằng: khi con người bừng tỉnh, nhận ra được Thái Cực nơi Tâm, tức là nhìn thấy Bản Lai Diện Mục của mình, thấu triệt được Căn Nguyên của mình. [44]

Những danh từ như:

- Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ. [45]

- Thử mễ bảo Châu. [46]

- Nhất lạp Kim Đơn. [47]

- Nhất lạp túc [48]

đều là những danh từ để chỉ Thái Cực tiềm ẩn nơi Tâm.

- Kim Đơn: Kim là Pháp Thân bất hoại. Đơn là Thực Tướng Viên Mãn. [49]

Định nghĩa này cho thấy: Đơn của Lão Giáo tức là Pháp Thân của Phật Giáo.

- Đơn Đạo dạy con người con đường Hoàn Phản, Phản Bản, Hoàn Nguyên. Chính vì thế mà người xưa định nghĩa:

Thất phản là Phản Bản.

Cửu Hoàn là Hoàn Nguyên.[50]

2. Muốn phản bản hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch. chiều hướng nội.
-Muốn phản bản, hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch, chiều qui tâm, hướng nội.

 «Thuận sinh nhân, nghịch sinh Đơn.» (Trương Tam Phong).

 «Thuận vi phàm, nghịch vi tiên.» [51]

 « Phải hồi tâm, mới có thể hướng Đạo. [52]

Tôn Bất Nhị viết:

 Thuận kỳ cơ, để hành nhân đạo. [53]

 Nghịch kỳ cơ, để hành Tiên Đạo. [54]

 Sinh cơ ngoại phát, gọi là Thuận. [55]

 Sinh cơ nội liễm, gọi là Nghịch. [56]

Tiên Học Diệu Tuyển viết: «Kim đơn Đại Đạo từ Hữu Vi nhập Vô Vi, tức là Liễu Mệnh (lo cho thân thể khang cường) (Nguyễn Văn Thọ), kiêm Liễu Tính (tu tâm, luyện Thần ) (Nguyễn Văn Thọ), có như vậy Thần Hình mới song toàn, viên mãn.» [57]

 Xướng Đạo Chân Ngôn viết:

 «Tâm nội quan tâm, mịch bản tâm,

 Tâm tâm câu tuyệt, kiến Thiên Tâm.

 Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

 Ngoại đạo, thiên ma bất cảm sâm.» [58]

 Dịch:

 Rong ruổi trong tâm, kiếm bản tâm,

 Phàm tâm diệt tích, kiến Chân Tâm.

 Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

 Ngoại đạo, thiên ma chẳng dám sâm.

«Xưa nay, thánh hiền cầu Đạo, đều không hướng ngoại tìm cầu. Chỉ tĩnh định mà cầu ở nơi nhất tâm...trong đó có đủ mọi sự.» [59]

 Tôn Bất Nhị còn gọi công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên là Cửu Chuyển hoàn đơn, hay Phản Hoàn, Nghịch Chuyển. [60]

 Kim Đơn Đại Đạo trọng tại Nghịch Chuyển Tạo Hoá, cho nên nếu Tạo Hoá phát tán đi từ Nhất ra Vạn, để sinh hóa ra vạn hữu, thì Tu Đơn phải đi từ Vạn trở về Nhất, phải thu nhiếp, hòa hài, tập hợp để trở về với Thái Cực Tiên Thiên. [61]

Trương Bá Đoan cũng lý luận tương tự như vậy. Ông viết: «Nhận rằng Đạo từ Hư Vô sinh xuất vạn vật, theo chiều Thuận, còn Tu Nội Đơn thời đi ngược lại: Phải trở về Hư Vô, phải hợp nhất với Đạo.

Luyện Đơn diệu dụng, theo Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận chuyển, sinh Ngũ Hành.

Ngũ Hành thuận chuyển sinh sống chết,

Ngũ Hành nghịch chuyển hoá Kim Đơn.»  [62]

3. Phải thu nhiếp tất cả về Một.

- Thu nhiếp Ngũ Khí, Ngũ Hành (Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý) trở về Thái Cực.

Người xưa gọi thế là Toàn Thốc Ngũ Hành hay Ngũ Khí Triều Nguyên.

- Thu nhiếp Tứ Tượng (tinh thần, hồn, phách) về với Thái Cực. Người xưa gọi thế là: Tứ Tổ qui gia.

- Thu Nhiếp Tam Tài về cùng Thái Cực (Tinh, Khí, Thần). Tam Hoa qui đỉnh.

- Thu Nhiếp Lưỡng Nghi về cùng Thái Cực (Lưỡng Nghi đây là Thần Khí). Và tới đây, thì các danh từ trở nên vô cùng hùng hậu, bởi vì thay vì dùng 2 chữ Thần Khí, thì người ta nói Long Hổ: Anh Nhi, Xá Nữ; Kim Ô, Ngọc Thố; Diên, Hống; Hắc Qui, Xích Xà; Khảm Ly; Thủy Hỏa; Âm Dương; Kim tinh, Mộc dịch; Mã Ngưu; Thần Thủy, Hoa Trì v.v...

4. Thu Nhiếp tất cả về Thái Cực, Trung Cung.
- Muốn thu nhiếp, phải thu nhiếp về một nơi nào. Nguyên tắc là thu nhiếp về Trung Cung, Thái Cực. Lúc ấy, Trung Cung Thái Cực được gọi là Huỳnh Bà Xá, Trung Cung, Trung Hoàng, Mậu Kỷ Môn, Phục Mệnh quan, v.v...

Nhưng trên thực tế là thu nhiếp về 1 Đơn Điền nào đó trong con người (hoặc Thượng, Trung, Hạ). Nhưng chung qui, thường là thu nhiếp về Thượng Đơn Điền hay Nê Hoàn Cung.

Tính Mệnh Khuê Chỉ tóm tắt bằng câu sau: «Tứ Tượng, Ngũ Hành toàn thốc ư nhất đỉnh. Hồn hữu linh ư Thiên Cốc, Lý Ngũ Khí ư Nê Hoàn.» [63]

Nếu ta dùng quan niệm Đạo Giáo mà tìm hiểu khoa Luyện Đơn, ta sẽ thấy một chiều hướng thứ 2, với những nét chính yếu sau đây:

 Trong tâm ta có Đạo, có Trời, mà ta chẳng biết, chẳng hay. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a có thơ:

 Tá vấn Chân Nhân hà xứ lai?

 Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh Đài.

 Tích niên, vân vụ, thâm già tế,

 Kim nhật tương phùng, đạo nhỡn khai.

Dịch:

 Chân Nhân ướm hỏi tới từ đâu?

 Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu.

 Thủa trước Linh Đài vân vụ phủ,

 Ngày nay gặp gỡ hết xa nhau.

 Như vậy, con người phải tu tâm, luyện kỷ, định tĩnh, thanh hư, để mong thấy Đạo, thấy Trời hiện ra trong tâm khảm mình.

 Tam Mao Chân Quân có thơ:

 Linh Đài trạm trạm tự băng hồ,

 Chỉ hưá Nguyên Thần lý diện cư.

 Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

 Khởi năng chứng Đạo, hợp Hư Vô.

Dịch:

 Tâm linh vằng vặc tự băng hồ,

 Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

 Nếu để vật chi vương vấn đó,

 Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô.

5.Thế nào là Đơn thành.

Đây là một vấn đề có thể làm chúng ta điên đầu. Tiên hiền cho rằng sẽ luyện thành Nhất lạp Thử Châu, hay luyện thành Thánh Thai. Tôi suy tư về vấn đề này rất nhiều, và thấy nếu hiểu theo nghĩa đen thì không ổn vì luyện đơn là trở thành Thái Cực, mà Thái Cực thì vô hình tượng, vô thanh, vô xú, nên chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng.

Tôi giải vấn đề như sau:

Đạo Lão chũ trương con người có 3 phần, là:

Tinh (Xác).

Khí (Hồn)

Thân (Thần)

Có Xác thì chúng ta phải làm ăn, và phải luyện xác cho khoẻ mạnh.

Có Hồn, thì chúng ta phải làm người, và phải luyện hồn cho thành một con người xứng đáng với danh vị con người.

Có Thần nên phải làm Thần, Phật, Thánh, Tiên.

Cho nên đơn thành là khi con người bỏ được lốt người, mà mặc lấy cốt Tiên, cốt Trời. Biết mình chính là Tiên, là Phật tại thế.

Sách Thái Thượng Bảo Phiệt viết: «Văn Đạo Tử một hôm gặp một đạo sĩ, liền mời vào nhà đãi đằng, xong mới hỏi đâu là Huyền Môn Diệu Chỉ. Đạo Sĩ đáp:

Tâm tức thị Đạo,

Đạo tức thị Tâm.

Tâm dữ Đạo ly,

Tắc tạo Lục Đạo Tam Đồ,

Tâm dữ đạo hợp,

Tắc tạo Bồng Lai Tam Đảo. [64]

Dịch:

Tâm là Đạo, Đạo là Tâm,

Bỏ Tâm tìm Đạo, hỏi tầm đâu ra.

Tâm kia và Đạo lìa xa,

Thì là Lục Đạo, Tam Đồ chẳng sai.

Tâm Kia mà hợp Đạo Trời,

Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra.

Cuối sách Tính Mệnh Khuê Chỉ có một bức tranh, với bài thơ sau của Mã Ngữ:

Tụng Kinh, Trai Giới tổng giai không,

Hà tất tham thiền, uổng phí công.

Kham tiếu danh sơn bôn tẩu khách,

Bất tri Phật tại kỷ tâm trung.

Dịch:

Tụng Kinh, Trai giới thảy đều không,

Khỏi phải tham thiền uổng phí công.

Nực cười thiên hạ tìm trong núi,

Chẳng hay rằng Phật tại tâm trung.

Như vậy là người xưa nhiều người đã tin rằng mình chính là Phật, là Trời. Tiếc rằng chúng ta không có cái nhìn sáng tỏ như vậy.

Người xưa còn nói:

Dữ Đạo vi thể, siêu xuất Thiên Địa. (Có Đạo làm Bản Thể mình, sẽ siêu xuất Thiên Địa).

Chân Nhân khế Đạo cố viết Chí Nhân (Chân Nhân là người kết hợp với Đạo, cho nên gọi là Chí Nhân,)

Tham Đồng Khế cho rằng Đơn thành là thành Phật (Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 3, chương Linh Đơn nhập đỉnh, trường dưỡng Thánh Thai, tr.376-377), và nuốt được Kim Đan là thoát vòng sinh tử.

Thâu Thạch Giản viết:

Nhất lạp xan hề, Thiên Địa thọ,

Tử sinh, sinh tử bất tương can. [65]

Nuốt hạt Kim Đơn, thọ vô cùng,

Từ nay sinh tử đã thoát vòng,

Thiết tưởng nên nhấn mạnh rằng phải sống sao cho thật tự nhiên. Lão tử dạy trong chương 25 Đạo đức Kinh: «Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên Pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên.» (Người khuôn theo phép đất đai, Khuôn Trời Đất lấy, Đạo cai quản Trời. Tự Nhiên, Đạo cứ thảnh thơi.)


 NHỮNG BIẾN THÁI CỦA ĐẠO LÃO QUA CÁC THỜI ĐẠI

Như chúng ta đã thấy, Đạo Lão theo đà thời gian đã khoác nhiều bộ mặt khác nhau:

- Biến thái thứ 1 là từ một triết thuyết, một nghệ thuật sống, một đạo huyền đồng siêu việt, dành cho một ít ẩn sĩ siêu phàm, đạo Lão đã trở thành một tôn giáo ẩn sâu vào lòng quần chúng với những tín ngưỡng, những phù chú ma thuật, những đền miếu, những lễ nghi thờ phụng.

Đạo, hay Nguyên lý tối cao lúc ban đầu dần dần được hình dung hóa, nhân cách hóa thành Thái Nhất, Nguyên Thủy Thiên Tôn hay Ngọc Hoàng Thượng đế. Lão Tử được suy tôn thành Thái Thượng Lão Quân và được tôn sùng như là hiện thân của Thượng đế từ đời nhà Hán.

Đó là công trình của các vua nhà Hán như Hán Văn Đế (179-156) Hán Vũ Đế (140-86) các vua nhà Đường như Đường Cao Tổ, Lý Uyên (620-627), Đường Huyền Tông (713-756), Hiến Tông (806-820), Mục Tông (821-825), Vũ Tông (841-847), các vua nhà Tống như Tống Chân Tông (998-1023), Tống Huy Tông (1101-1126), các vị Thiên sư, cái vị đạo sĩ như Trương Đạo Lăng, Trương Giác, Trương Lỗ, Trương Tu, Trịnh Tư Viễn, Khấu Khiêm Chi, Bão Phác Tử v.v… Về phương diện Đạo giáo, Đạo Lão đã đặt nặng vấn đề giao tiếp với thần tiên, cầu trường sinh bất tử.

- Biến thái thứ 2 của Đạo Lão là bùa chú, phù thủy môn, hô phong, hoán võ, hô thần, trừ quỉ v.v... Đó là những bí thuật của các thầy phù thủy pháp môn, mà ngày nay rất ít người biết được.

- Biến thái thứ 3 của Đạo Lão là các phương thuật dưỡng hình, dưỡng sinh với thủ thuật, công phu như:

. Đạo dẫn, ma sát.

. Võ công như Bát Đoạn Cẩm, Lục Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm, Thái cực quyền.

. Khí công tức là vận khí điều tức.

. Tĩnh công tức là đặt nặng vấn đề giữ yên tâm thần, định hồn phách.

- Biến thái thứ 4 là đi tìm các phương dược để bổ dưỡng thân tâm.

Chính vì thế mà đã có một số đạo sĩ đã trở thành những y sư danh tiếng như Đào Hoằng Cảnh (452-536), Cát Hồng (281-340), Tôn Tư Mạc (581-682) v.v.

- Biến thái thứ 5 của đạo lão là chủ trương sống thoát vòng cương tỏa của xã hội, sống tùy ý, tùy thích. Đó là chủ trương của Trúc Lâm Thất Hiền thời Tam quốc gồm các nhân vật như Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đạo, Hướng Tú, Vương Nhung…

- Biến thái thứ 6 của đạo Lão là luyện nội đan để cầu trường sinh bất tử mà người chủ xướng là Ngụy Bá Dương thời Hán (thế kỷ 2), tác giả bộ Tham Đồng Khế.

Phương pháp luyện nội đơn này chẳng qua là vận khí, điều tức, tập trung tâm thần để đi đến chỗ xuất thần huyền hóa. Cho nên, tuy dùng những thuật ngữ đặc biệt, nhưng bộ mặt thực của khoa luyện nội đơn cũng chỉ là tu luyện tâm thần để đi đến chỗ phối kết với Trời với Đạo, mà ta đã đề cập đến rất nhiều ở bên trên.

- Biến thái thứ 7 của đạo Lão là những phương thuật luyện ngoại đơn, gồm tất cả các phương thức làm cho thân xác trở nên khinh phiêu bất tử.

Từ thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, Tống Vô Kỵ học trò Tiện Môn Tử Cao đã có chủ trương rằng con người có thể thoát xác để trường sinh. Rồi tiếp đến có Bão Phác Tử một người đã dùng cả đời để luyện thuốc trường sinh. Công cuộc cầu trường sinh này gồm:

- Phương pháp Tịch cốc để cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, tinh khiết.

- Hấp thụ khí âm dương tinh hoa của trời đất. Tắm ánh sáng mặt trời để hấp thụ khí dương. Uống sương móc hứng giữa thinh không lúc ban đêm để hấp thụ tinh hoa của khí Âm.

- Dùng những loại kim thạch, tinh hoa của âm dương để luyện thành kim đơn mà uống.

Người xưa cho rằng Lưu Hoàng (Soufre) và Vàng là tinh hoa của Dương. Những chất liệu trên không thể dùng thẳng được nên cần phải chuyển biến tinh luyện.

Muốn ăn Lưu Hoàng người ta dùng Đơn Sa hay Chu Sa hay Thần Sa (Cinabre) tức là một hợp chất gồm Thủy ngân và Lưu Hoàng (S2Hg).

Muốn điều chế vàng nhân tạo người ta dùng Chì có pha bạc hay Thạch tín (Plomb argentifère hay arsénifère). Điều chế chất chì này người ta được Hùng hoàng (Sulfure d’arsenic rouge) hay Thư Hoàng (Sulfure d’arsenic jaune) mà người ta coi như là vàng nhân tạo.

Đơn Sa, Chu Sa, Thần Sa và Hùng Hoàng, Thư Hoàng sau này được coi là linh đơn, hay ít nữa là được coi là những chất liệu chính dùng để chế linh đơn.

Đọc những thành phần các chất liệu dùng để luyện linh đơn như thấy trong bài Bát quỳnh đơn[66] hay Cửu chuyển hoàn đơn,[67] ta thấy chúng toàn là những loại kim thạch tối độc cho cơ thể con người. Hậu quả là các vua chúa đã uống qua linh đơn đều trở nên điên cuồng hay chết non ví dụ:

+ Ai Đế nhà Đông Tấn (361-366)

+ Đường Hiến Tông (805-820)

+ Đường Mục Tông (820-824)

+ Đường Vũ Tông (840-847)

Vị tiên ông chuyên luyện thuốc trường sinh là Cát Hồng Bão Phác tử cũng chỉ hưởng thọ có 61 tuổi.

Sau khi thấy các linh đơn rất là nguy hiểm, các vua chúa đã có những phản ứng khác nhau như sau:

1. Ra lệnh hành quyết hết các thầy luyện đan như đời vua Đường Y Tông (860).

2. Nhận thuốc trường sinh, nhưng chỉ sẽ uống lúc hấp hối như vua Văn Tuyên Đế nhà Bắc Tề (550-559).

3. Bắt các tử tội phải thí nghiệm thuốc trường sinh như trường hợp vua nước Ngụy là Đạo Vũ Đế đã làm năm 400.

Nhà văn hào Tô Đông Pha được biếu thuốc trường sinh, đã viết thư cho bạn như sau: «Mới đây đệ có nhận được một ít chu sa thần dược màu tuyệt đẹp, nhưng đệ không đủ can đảm dùng linh đan ấy.» (Xem Trần Văn Tích, Tư tưởng Lão Trang trong Y thuật Đông phương, tr. 141).



 NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC NƠI LÃO TRANG

Những trình bày và nhận xét trên đã cho chúng ta thấy:

+ Phương pháp luyện ngoại đơn đã hoàn toàn thất bại.

+ Chủ trương xác thân con người có thể nhờ dược liệu, nhờ công phu tu luyện mà trở nên bất tử được chỉ là một ảo vọng, vì hễ là hợp chất, tạp chất thời trước sau cũng phải ly tan. Mà Á Đông vẫn cho thân này là Tứ đại giả hợp thì làm sao mà trường cửu được cho cam?

+ Những chuyện con người có thể bạch nhật thăng thiên cũng là những chuyện huyền thoại hoang đường.

+ Những ma thuật phù chú sẽ dần dần đưa dân chúng vào một thế giới nghi kỵ lẫn nhau, và sợ hãi lẫn nhau. Đời xưa khi vua Hán Vũ Đế lâm bệnh, triều đình đã giết trước sau cả vạn người vì nghi là đã trù ếm vua.

+ Chủ trương con người có thể tịch cốc để cho xác thân trở nên phiêu bồng bất tử cũng đi ngược lại với định luật thiên nhiên.

* Còn như nói rằng con người cần phải dưỡng sinh, cần phải phòng bệnh, ăn ở cho sạch sẽ, ăn uống cho có tiết độ, lao tác sống động cho có chừng mực, đừng quá lao tâm lao lực, giữ cho lòng mình ung dung thoải mái, hồn nhiên khinh khoát, để sống cho khỏe mạnh, để sống cho trọn tuổi đời thì là những bài học hết sức là khôn ngoan và hữu lý, rất đáng cho chúng ta theo.

* Quan niệm vui sống, vui chết là một quan niệm hết sức là hào sảng. Thái độ này sẽ làm cho chúng ta sống bình thản hồn nhiên hết mọi lo âu, sợ hãi.

* Lão Trang lại còn chủ trương sống theo thiên nhiên, rũ bỏ nhân tạo. Đó là một chủ trương hết sức đẹp đẽ, cao siêu, nếu hiểu và áp dụng cho đúng đắn, nhất là vào thời buổi văn minh này, con người đang bị đủ mọi thứ gông cùm ngoại cảnh, lý thuyết, xã hội, tập quán, chính trị, văn minh vật chất buộc ràng, những bậc thức giả cũng nên rũ bỏ bớt những gì nhân vi, nhân tạo, rũ bỏ những gì giả tạo, bôi bác mà sống một cuộc sống đơn thuần, thành khẩn, an nhiên.

* Lão Trang có cái đẹp là từ thời Tuỳ, Đường đến nay nhất là từ Vương Trùng Dương và các đệ tử (đời Tống) đều nhất luật chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên, Tam Giáo Hợp Nhất. Đời Minh Gia Khánh 1562, Lâm Triệu Ân soạn quyển Tam Giáo Hội Biên cũng theo chiều hướng đó. Đời Minh Vĩnh Lạc có người soạn quyển Tam Giáo Nguyên Lưu Sưu Thần Đại Toàn, vẽ 181 hình Thánh, Tiên, Phật v.v.. (Xem Ho àPhu Thâm,Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xuất bản xã, 1995, các trang 1768, 468, 421.)

* Cao siêu nhất là lời kêu gọi của Lão Trang khuyên ta tìm về với Thiên Chân, trở về với Đạo với Trời.

Thiết tưởng chúng ta nên nghe theo lời kêu gọi đó mà rũ bỏ bớt những kiến thức đa đoan phù phiếm của tiểu trí để mà có cái nhìn bao quát của những bậc đại trí, đại huệ, thấy rằng mình hồn dung liên kết với Đạo, với Trời với vũ trụ vạn hữu, để mà sống cho khinh phiêu siêu thoát, tẩy rửa tâm tư cho sạch những tà tâm tà niệm, trở nên thuần nhất, tinh toàn, dữ Đạo hợp chân, dữ Thiên tương phối ….

Tôi nghĩ bàn về Đạo Lão như vậy, đã quá nhiều. Người xưa có câu:

Nhất ngôn bán cú tiện thông huyền,

Hà dụng đơn kinh thiên vạn biên.

*Dịch:-

Thông Huyền một chữ cũng thông,

Đơn kinh lọ phải thuộc lòng ngàn pho [68]

*Nguyễn Văn Thọ

******************       


KHÁI LƯỢC VỀ LÃO GIÁO VIỆT NAM

(Sự bản địa hóa)

(Trích sách Con Đường Tam Giáo Việt Nam của Lê Anh Dũng, Nxb Tp HCM, 1999, từ tr. 11 đến tr. 18)

Cái học Lão Trang trong sáu, bảy thế kỷ trước công nguyên ở Trung Quốc (thời Xuân thu Chiến quốc) là một học thuật tư tưởng. Các đạo gia không chủ trương những điều huyền bí, trước cảnh thiên hạ đại loạn họ chọn cuộc sống ẩn dật, di dưỡng thiên chân. Từ thế kỷ I, thời Đông Hán (Hậu Hán), với Trương Đạo Lăng 張 道 陵, cái học Lão Trang biến thành một tôn giáo, gọi là Đạo giáo, Lão giáo.

Đạo giáo phát triển muôn vẻ. Các đạo sĩ (phương sĩ 方 士) chuyên tâm vào bùa chú (phù chú 符 咒 hay phù lục 符 籙 ), luyện đan. Họ được gọi là phái thần tiên đan đỉnh 神 仙 丹 鼎 và phù lục. Toàn bộ kinh điển Đạo giáo rất phức tạp, gồm 5.485 quyển, gọi chung là Đạo tạng 道 藏, gồm Chính Đạo tạng, Tục Đạo tạng. Đạo giáo có nhiều môn phái, rất phức tạp, một số phái chủ yếu:

- Phái Chính nhất (Thiên sư đạo), phát triển mạnh ở phương Nam, tôn Trương Đạo Lăng làm Thiên sư; con cháu họ Trương đời đời làm thủ lãnh. Các đạo sĩ không xuất gia, gọi là hỏa cư đạo sĩ.

- Phái Toàn chân, xuất hiện thời Liêu Kim, phát triển rộng ở phương Bắc, có cả đạo sĩ và đạo cô, đều xuất gia, gọi là mao sơn đạo sĩ.

Có thể Lão giáo du nhập Việt Nam khoảng thế kỷ II, bấy giờ đã mang màu sắc Đạo giáo. Nguyên vì ở Trung Quốc, sau khi Hán Linh đế mất (năm 189), xã hội đại loạn, người Hán chạy sang Giao Châu lánh nạn rất đông, trong đó có nhiều đạo sĩ tịch cốc (nhịn ăn), luyện pháp trường sinh.

Quan lại Trung Quốc sang đô hộ nước Nam hầu như đều sính phương thuật. Theo Đại Việt sử ký toàn thư 大 越 史 記 全 書, quyển 3, Thái thú Sĩ Nhiếp lâm bịnh, chết đã ba ngày, lại được một đạo nhân là Đổng Phụng đến cho thuốc cải tử hoàn sinh. Lại chép việc Thứ sử Trương Tân (sang Giao Châu từ năm 201) hay đội khăn đỏ, đọc kinh sách Đạo giáo. Đời Đường, năm 865, Cao Biền sang nước Nam đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân Việt. Cao là một thuật sĩ có hạng, chuyên về phong thủy ­嗣水, ráo riết tìm phá long mạch, trấn yểm các nơi anh linh tú khí của nước Nam, cốt ý cho nước Nam không còn sinh ra nhân tài, anh hùng hào kiệt, sẽ phải lệ thuộc dưới ách đô hộ của phương Bắc đời đời.

Đạo Lão Việt Nam cũng khá phức tạp, vừa mang màu sắc Đạo giáo, vừa chịu ảnh hưởng các Đạo gia, và đồng thời cũng kết hợp với Thần đạo 神 道 của người Việt; vì thế, đạo Lão ở Việt Nam có nhiều khuynh hướng.

I. CÁC KHUYNH HƯỚNG TIÊU BIỂU CỦA LÃO GIÁO VIỆT NAM

1. Khuynh hướng phù chú và bạo động

Bùa chú trong một thời gian dài có ảnh hưởng trong các sinh hoạt xã hội. Chẳng hạn, cọp được coi là loài thú tính dương, nên có thể khu trừ tà ma (tính âm), do đó nhiều nhà dán bùa vẽ hình cọp trước cửa để che chở gia đình, và lá bùa ấy có tên trừ tà trị bệnh, trấn trạch bình an.

Đạo giáo có sức lôi cuốn nông dân vào các hội bí mật, hoặc để tương trợ nhau chống lại cường hào ác bá, hoặc để mưu đồ quốc gia đại sự. Đời Trần Phế đế, ở lộ Bắc Giang có Nguyễn Bổ, năm 1379 xưng vương, hiệu Đường lang Tử y. Đời Hồ có Trần Đức Huy cũng dùng phương thuật thu hút đông người theo, bị Hồ Quý Ly dẹp năm 1403. Thời kháng Pháp có đạo sĩ Trần Cao Vân (1866-1916), tên thật là Trần Công Thọ, hiệu Hồng Việt, quê làng Tư Phủ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Miền Nam có Thiên địa hội 天 地 會 lôi cuốn hàng ngàn người. Có Phan Phát Sanh (Phan Xích Long) xưng hoàng đế, nổi lên đánh Pháp (cuối tháng 3.1913); nghĩa quân đeo bùa, mang giáo mác, gậy gộc, bất chấp súng đạn của giặc. Còn rất nhiều những phong trào như thế khắp cả nước, như Mạc Đình Phúc (miền Bắc), Võ Trứ (miền Trung), Nguyễn Hữu Trí (miền Nam)...

2. Khuynh hướng phong thủy và sấm ký

Khoa phong thủy (địa lý) ở nước Nam và việc tiên tri loan truyền sấm ký rất được quần chúng ưa thích. Đời Trần?Hồ ở lộ Tân Hưng có Trần Quốc Kiệt làm quan chức an phủ sứ, soạn Hình thế địa mạch ca. Đời Mạc có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), hiệu Bạch Vân Cư sĩ 白 雲 居 士, đời gọi Trạng Trình, nổi tiếng vì nhiều tiên tri ký bí. Đời vua Lê chúa Trịnh ở làng Tả Ao, tỉnh Nghệ An, có Nguyễn Đức Huyên vang danh nhờ khoa địa lý. Đời Tây Sơn ở huyện La Sơn, tỉnh Hà Đông có Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu tử) cũng nổi tiếng về phong thủy.

Sấm ký cũng được nhiều cao tăng sử dụng. Làng Cổ Pháp, tỉnh Bắc Ninh, trong phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi có nhiều nhân vật lừng lẫy: sư Định Không (thế kỷ VIII, đời thứ tám); sư La Quý An (852-939, đời thứ mười); sư Vạn Hạnh (thế kỷ XI, đới thứ mười hai)...

3. Khuynh hướng trường sinh bí thuật

Vua Trần Dụ tông (1341-1369) cầu đạo trường sinh với đạo sĩ Huyền Vân tu ở núi Niết (núi Phụng Hoàng), huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đời Trần Thuận tông (1388-1398) có quan tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, tên Từ Thức, người Hóa Châu. Đời Trần?Hồ ở xã Cổ Định, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có Trần Tu vào ẩn tu ở núi Nưa (Na Sơn). Đời vua Lê chúa Trịnh ở huyện Đông Thành có Phạm Viên...

Triều Lê Cảnh hưng có Nguyễn Hoãn, làng Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, làm quan Lại bộ thượng thư, Viện quốc công, Quốc sư Quốc lão. Gia phả họ Nguyễn, mục Tiên khảo đạo tu lục cho biết ông tu tiên từ năm ba mươi ba tuổi (Ất sửu 1745), đọc Đạo đức kinh. Năm bốn mươi bốn tuổi lập tĩnh thất để tu luyện ngay trong nhà. Năm bốn mươi tám tuổi thờ thần Ngũ Nhạc. Sau lại xây thêm tháp mười hai tầng để luyện khí âm dương... Vì cuồng vọng, ông về sau đi lạc sang tà đạo. Mất năm 1792, thọ tám mươi tuổi.

4. Phương hướng thanh tĩnh, nhàn lạc

Triết lý vô vi thanh tĩnh của Lão-Trang ảnh hưởng giới Nho sĩ rất nhiều, tạo cho con người xu hướng ẩn dật, ưa thích gần thiên nhiên, tìm cái thú nhàn lạc bên chén rượu cuộc cờ, tiêu dao với ngón đàn, vần thơ, hay nét thư họa... Xu hướng này thích hợp khi con người không gặp thời, hoặc khi đã chán cuộc đời phồn tạp. Vì thế, Nho sĩ Việt Nam thời xưa luôn luôn trang bị cho bản thân tư tưởng xuất xử. Gặp thời hay, được thi thố tài năng thì xuất 出, tham gia việc nước. Lúc bất đắc chí, khi tuổi già hay chán quan trường thì xin bỏ về điền dã; đó là xử 處.

Đời Trần, Nguyễn Phi Khanh viết:

Bách niên phù thế nhân giai mộng,

Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên.

(Cuộc đời nổi trôi trăm năm kiếp người như giấc mộng, Ăn trộm được cái nhàn nửa ngày thì ta cũng là tiên).

Đời Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Nhưng trong mọi việc đà ngoài hết,

Được một ngày là tiên một ngày.

Hay là:

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,

Nhìn xem thế sự tựa chiêm bao.

Đời Lê-Mạc, có Nguyễn Hãng, quê xã Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây, thi đậu hương cống nhưng không làm quan, về ẩn tu ở xã Đại Đồng, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ông lấy hiệu Nại Hiên. Triều Lê (khi trung hưng) phong tặng là Thảo Mao Dật sĩ. Ông sáng tác những bài phú như Đại Đồng phong cảnh phú, Tam Ngung động phú, Tịch cư ninh thể phú... Những bài này ca ngợi thú ở ẩn non cao.

Đời Tây Sơn, có Phan Huy Ích (1750-1822), quê ở Nghệ An, lấy hiệu Bảo chân Đạo nhân. Năm 1796 ông dựng nhà tại kinh thành Thăng Long, đặt tên là Bảo chân quán. Trong bài ký do ông sáng tác để nói về Bảo chân quán, ông bày tỏ mục đích là để sớm hôm quanh quẩn ở đó, khi dựa bao lơn uống trà, khi đến dòng sông buông câu, khi khảy đàn nhắp rượu, khi ngâm vịnh tùy hứng... Đời Nguyễn có Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một con người độc đáo, tiêu biểu chi lối sống xuất xử vẹn toàn của nhà Nho. Ông từng tự hào:

Tri túc, tiện túc; đãi túc, hà thời túc?

Tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn?

Cầm kỳ thi tửu với giang san,

Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế?

Khuynh hướng thanh tĩnh, nhàn lạc còn thấy được qua thú chơi cây kiểng và hòn non bộ. Người ta chơi một gốc cây sù sì, nho nhỏ, uốn cành sửa lá theo ý riêng, hoặc bày vài hòn đá con con, chông chênh trên một bể nước cạn. Thêm vào vài nhánh lá, chiếc cầu, con thuyền, lác đác một hai tượng sành tí xíu hình lão tiều, ông câu, hay đôi bạn đang đánh cờ... Đó là cả một thế giới riêng của con người đem thu nhỏ lại từ hình ảnh thật của thiên nhiên bao la. Chơi cây kiểng và hòn non bộ từ lâu đời vẫn được coi như thú tiêu khiển thanh tao, giúp con người di dưỡng tánh tình. Nó được xếp hạng không kém bốn thú tài tử cầm, kỳ, thi, họa. Người sành chơi, khi đứng trước một chậu kiểng đẹp, một hòn non bộ khéo đắp, có thể dễ mê mẫn tâm hồn, đắm mình trong sức tưởng tượng phong phú, và quên cả thực tại phồn tạp bên ngoài.

II. LÃO GIÁO KẾT HỢP VỚI THẦN ĐẠO VIỆT NAM

Từ lâu đời, người Việt có một đức tin sâu sắc vào sự trường cữu của anh linh những công thần, hào kiệt. Lúc sống, làm rường cột chống đỡ sơn hà xã tắc, cứu dân giúp nước. Khi thác, trở thành thần thánh, hiển hích, âm phò mặc trợ cho đồng bào. Thần đạo Việt Nam giản dị như vậy, và đó cũng là một truyền thống yêu nước và lòng kính trọng nghìn đời của dân tộc đối với các vị anh hùng, những bậc kỳ tài của đất nước. Cái đình làng, tục thờ thành hoàng, đền thờ hay lăng, miếu các danh tướng lương thần đều là nét tín ngưỡng Thần đạo của người Việt.

Đạo Lão cũng như đạo Phật đã khéo dung hợp, hòa nhập với những tín ngưỡng cổ truyền trong lòng xã hội Việt Nam. Đế quốc phong kiến phương Bắc đã thất bại khi tìm cách dập tắt tín ngưỡng bản địa này của người Việt. Trong lúc nước mất chủ quyền, chính tín ngưỡng Thần đạo đã nuôi dưỡng ý thức quốc gia, khơi lòng yêu nước, để khi thời cơ đến thì gây phong trào khởi nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm.

Trong toàn bộ lịch sử lâu dài vừa đấu tranh giữ nước vừa ra sức dựng nước, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu bất khuất, không phải chỉ với phương tiện vật chất hữu hình, mà còn có cả sức mạnh vô hình là đức tin mãnh liệt vào khí thiêng sông núi, tin rằng có biết bao thế hệ anh linh tiền nhân dân tộc đang cùng đứng chung chiến tuyến với chính nghĩa của dân tộc để bảo vệ sự độc lập, thống nhất, trường tồn của Việt Nam.

Chính Thần đạo Việt Nam cũng thể hiện tình yêu nước Việt Nam. Người Việt theo đạo Lão nhưng vẫn không hề mất bản sắc của mình. Do đó, bên cạnh các vị thần tiên của đạo Lão theo kinh điển Trung Quốc truyền sang, dân Việt vẫn thờ chung các vị thần của người Việt. Thí dụ, Thông thánh quán ở vùng Bạch Hạc (Việt Trì) đã thờ thần sông Tam Giang là vị phúc thần của địa phương. Các đạo quán khác thờ thần núi Tản Viên (núi này ở tỉnh Sơn Tây), gồm ba ngọn cao ngất, nên cũng gọi là núi Ba Vì), thờ thần sông Tô Lịch, Lý Ông Trọng... Từ đời Trần, đức Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn được thờ ở Vạn Kiếp, Chí Linh, rồi lan truyền nhiều nơi. Đời Hậu Lê, có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh. Các nữ thần khác cũng được dân gian thờ phụng khắp trong nước.

III. MỘT SỐ ĐẠO QUÁN NỔI TIẾNG

1. Thông thánh quán
Ở vùng Bạch Hạc (Việt Trì), dựng khoảng năm 650-655, đến thế kỷ XIV thì không còn.

2. Thái thanh cung
Cung được dựng ở kinh thành Thăng Long, bên trái. Bên phải là chùa Vạn tuế. Vua Lý Thái tổ (1010-1028) cho cất cung và chùa này khi mới dời đô về Thăng Long.

3. Trấn vũ quán
Cũng được xây dựng lúc vua Lý Thái tổ vừa dời đô về Thăng Long (1010), hiện nay nằm ở góc đường Quan Thánh và đường Thanh Niên, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Quán thờ đức Huyền thiên Trấn vũ để hộ trì mặt phía bắc của thành Thăng Long. Quán này còn được gọi là đền Trấn vũ hay Chân vũ. Đời vua Lê Hy tông (1676-1704), tượng đức Trấn vũ được đúc bằng đồng đen cao 3,96 mét, nặng 4 tấn. Năm 1893, lại xây thêm một bệ đá cho tượng. Bệ này cao 1,20 mét.

4. Ngọc thanh quán
Quán nằm trên núi Đại Lai (Thanh Hóa). Năm 1398, Hồ Quý Ly mưu việc dứt ngôi nhà Trần, ép vua Trần Thuận tông (1388-1398) thoái vị, và cưỡng bách vua về tu tiên ở quán này.

5. Nghinh tiên quán (hay Vọng tiên quán)
Nguyên vua Lê Thánh tông chơi Hồ Tây, gặp một thiếu nữ xinh đẹp, xướng họa thơ rất ưng ý nên vua Lê rước lên xe đưa về cung. Khi đến cửa Đại Hưng thành Thăng Long (nay là cửa Nam Hà Nội), thiếu nữ bay lên trời, biến mất. Vua cho cất tại cửa Đại Hưng lầu Vọng tiên để kỷ niệm, sau chốn này thành quán Vọng tiên hay Nghinh tiên nằm ở phố Hàng Bông, Hà Nội.

6. Tiên tích tự
Vua Lê Hiển tông chơi hồ Kim Âu phía nam thành Thăng Long gặp hai cô tiên, nên cho cất Tiên tích tự ở đấy làm kỷ niệm. Hồ Kim Âu nay ở vị trí nhà ga đường sắt Hà Nội.

7. Đền Ngọc sơn
Đền nằm trên một gò đất nổi lên ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm. Thoạt đầu nơi đây thờ đức Quan thánh Đế quân, sau trùng tu lại, thờ Phật, gọi là chùa Ngọc sơn. Năm 1841, biến thành đền thờ đức Văn xương Đế quân. Về sau lại thờ thêm đức Lữ tổ và đức Trần Hưng đạo.

8. Bảo chân quán
Do Phạm Huy Ích cất tại Thăng Long năm 1796.

IV. THƯỢNG SƯ NỘI ĐẠO

Đây là một đạo trường lớn của đạo Lão ở Việt Nam thời xưa. Đời Hậu Lê, Trần Toàn là người làng Yên Đông, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê (thời gian 1527-1529), ông từ quan về quê tu hành, đắc đạo, được Thiên đình phong chức Thượng sư, lo trừ tà khử quái suốt hai vùng châu Hoan (Thanh Hóa) và châu Ái (Nghệ An). Thượng sư đến làng Từ Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mở đạo trường. Vua Lê Thần tông (1619-1662) ban cho trường tên là Nội đạo trường. Lúc Thượng sư thoát xác, Vua lại truy phong là Phục ma Thượng đẳng Phúc thần và cho lập đền thờ.

Thượng sư có ba con trai là Nhật Quang, Nguyệt Quang, và Ngọc Quang, đều tinh thông đạo pháp của Thượng sư truyền dạy. Ba vị nổi danh lừng lẫy, đời xưng tán, gọi là Tam thánh Nội đạo. Sau khi Thượng sư về Trời, Ngọc Quang kế tục đạo nghiệp của cha, lãnh phần điều khiển Nội đạo trường.

Triều đình đã công nhận đạo trường này. Nó có uy thế rất lớn. Chi nhánh của Nội đạo trường xuất hiện khắp nơi, nào là làng Từ Quang (tức Từ Minh trước kia, huyện Hoằng Hóa), là làng Yên Đông (huyện Quảng Xương), đều ở tỉnh Thanh Hóa; hoặc ở tỉnh Nghệ An, ở hạt Huệ Lai, tỉnh Hưng Yên; hay ở Nhật Tảo (tỉnh Hải Dương), ở làng Giảng Võ (gần Hà Nội)...

Về sau, Nội đạo trường thờ cả bà chúa Liễu Hạnh, đức Trần Hưng đạo, đức Phù đổng Thiên vương, thần núi Tản Viên, thần Bạch Mã...

V. THI LÃO HỌC

Triều Lý Cao tông (1195) và triều Trần Thái tông (1247) đều mở khoa thi Tam giáo. Riêng về nội dung thi Lão giáo, Nguyễn Đổng chi đã sưu tầm được một đề thi và một bài trả lời các câu hỏi ra trong đề đó. Nghiên cứu tài liệu này, có thể hiểu được phần nào sự học Lão của người Việt đời trước. Sau đây là bài thi:

1. PHÁP MÔN LÀ GÌ?
Mọi pháp quy tôn, muôn đời chẳng đổi, muôn thánh ngàn thần, một môn đồng hội, ấy gọi là pháp môn vậy.

2. PHÙ THỦY LÀ GÌ?
Khí âm khí dương hỗn hợp mà thành ra thiêng, dùng nước đại bi phun cho ma sợ, ấy gọi là phù thủy vậy.

3. PHÁP MÔN LẤY AI LÀM THÁNH?
Pháp môn do Thái thượng Lão quân lập ra cho nên tôn Ngài làm Thánh.

4. PHÙ THỦY LẤY AI LÀM THẦY?
Phù thủy do Chân vũ Tiên sinh lập ra cho nên tôn Ngài làm Thầy.

5. TỨ THÁNH, TỨ GIÁC, TỨ TUNG, TỨ DUY LÀ Ý THẾ NÀO?
Thiên bồng, Thiên du, Bảo đức, Hắc sát gọi là Tứ thánh. Càn, Khôn, Tốn, Cấn gọi là Tứ giác. Thiên hoa, Địa hoa, Lão hạc, Đồng trụ gọi là Tứ tung. Tí, Ngọ, Mão, Dậu gọi là Tứ duy.

6. TAM GIỚI, TAM THANH, TAM ĐỘNG, TAM TY LÀ THẾ NÀO?
Dục giới, sắc giới, vô sắc giới ấy là Tam giới. Ngọc thanh, Thượng thanh, Thái thanh, ấy là Tam thanh. Động chân, Động huyền, Động vi ấy là Tam động. Lôi đình, Linh bảo, Thái huyền ấy là Tam ty.

7. ÔN, HOÀNG, DỊCH, LỆ SINH VÀO BUỔI NÀO?
Vua Hoàng Đế có bốn người con bất tài tên là, Ôn, Hoàng, Dịch, Lệ sinh vào đời Chuyên Húc.

8. TỐN, LY, KHÔN, ĐOÀI SINH ĐƯỢC MẤY CON?
Tốn sinh ra được bốn con là Đông, Tây, Nam, Bắc. Ly sinh được chín con từ Nhất bạch, Nhị hắc đến Bát bạch, Cửu tử. Khôn sinh ra sáu con tức là Thái âm, Lục khí. Đoài sinh ra bảy con tức là Bắc đẩu Thất tinh. Ấy là Tốn, Ly, Khôn, Đoài có hai mươi sáu con vậy.

9. HÀNH MÃN TAM THIÊN SỐ, THỜI ĐƯƠNG TỨ VẠN NIÊN LÀ GÌ?
Số Trời thành 1.000, số đất thành 1.000, số người thành 1.000, ấy là hành mãn tam thiên số. Từ Thái dịch đến Thái sơ là 10.000 năm, từ Thái sơ đến Thái thủy 10.000 năm, từ Thái thủy đến Thái tố 10.000 năm, từ Thái tố đến Thái cực 10.000 năm. Ấy là thời đương tứ vạn niên.

10. ĐẠO CẠO LONG HỔ PHỤC, ĐỨC TRỌNG QUỶ THẦN KINH CHỈ VỀ THẦY NÀO?
Đạo chí cao không thể vượt qua được, mà rồng là dương tinh, cọp là âm tinh đều phục đạo cao. Đức chí hậu không thể vượt qua được, mà quỷ là khí tán, thần là khí tinh đều sợ đức trọng. Ấy là Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh, chính là chỉ sư Phổ Am vậy.

11. PHÉP BẮT TÀ TRÓI QUỶ DÙNG LINH PHÙ NÀO? ĐỌC THẦN CHÚ NÀO?
Nếu được đàn tràng cho chỉnh túc, pháp tịch cho hẳn hoi, niệm thấy tam giới mà muôn thánh đều đến, trống đánh ba hồi mà muôn thần đều nhóm họp, trước phải gọi tướng, thứ phải sai đi. Tưởng đến thiên võng mà kín đáo ra bùa, bắt tay ấn mà thiêng liêng chú bút, bốn chữ thánh đè năm chữ quỷ, chữ (...?) hợp với vạn linh. Dùng những bùa thiêng Bạch xà, Độc cước, đọc những thần chú Thái thượng, Tề thiên.

12. MUỐN CHO ĐỜI NÀY, DÂN NÀY ĐỀU VÀO TRONG ĐÀI XUÂN, CÙNG BƯỚC LÊN CÕI THỌ THÌ PHẢI DÙNG THUẬT GÌ?
Nếu trước hết chính tâm thì bọn tà mị không thể rục rịch. Trước hết chính thân thì khí tà không thể xâm phạm. Tâm chính rồi thì lấy đó ra ơn cho dân. Thân chính rồi thì lấy đó mà giúp chúng.

Qua bài làm của thí sinh đời trước, cùng với cách ra câu hỏi như thế, có thể phỏng đoán rằng trọng tâm cái học Lão giáo đời xưa nặng về Đạo giáo (Taoist religion) hơn là Đạo học (Taoist philosophy).

VI. CẦU TIÊN

Cầu tiên là một phương tiện liên lạc, tiếp xúc (thông công) giữa cõi người hữu hình với các đấng tiên thánh trong cõi vô hình. Người cầu tiên có thể do nhiều mục đích khác nhau: hoặc mượn thơ phú xướng họa để tiêu khiển thanh tao, hoặc xin thuốc chữa bịnh, hoặc hỏi việc tương lai hậu vận, hoặc hỏi thiên cơ quốc sự, hoặc để học hỏi trực tiếp đạo lý với thần tiên. Thông thường các đấng thiêng liêng tùy duyên hóa độ, cũng vì từ bi, cho nên mượn những mục đích bình thường của thế nhân (thơ phú, xin thuốc...) để gây đức tin, rồi dẫn dắt đến chỗ học đạo thánh hiền.

Thời kỳ Việt Nam còn dưới ách thực dân Pháp, ở tỉnh Nghệ An có nhiều nơi cầu tiên, gọi là Thiện đàn. Ở miền Nam, đầu thế kỷ XX nhiều địa danh và các đàn tiên đã gắn liền với lịch sử khai đạo Cao đài như đàn ở Miễu Nổi (Bình Lợi, Gò Vấp), ở chùa Ngọc hoàng (Đất Hộ, tức Đa Kao), đàn Minh thiện (Thủ Dầu Một), đàn Hiệp minh (Cái Khế, Cần Thơ), đàn ở núi Thạch Động (Hà Tiên), đàn ở chùa Quan âm (núi Dương Đông, Phú Quốc), đàn ở phố Hàng Dừa (đường Arras, Sài Gòn, nay là Cống Quỳnh).

Qua mười chín thế kỷ, đạo Lão hầu như dần dần vắng bóng ở Việt Nam. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi đạo Cao đài ra đời, dường như có những mối liên hệ gần gũi với đạo Lão. Đạo Cao đài thờ Ngọc hoàng Thượng đế (cũng là Cao đài Tiên ông), Diêu trì Kim mẫu, Thái thượng Lão quân, v.v... cũng là các đấng vốn được sùng bái, tôn thờ trong đạo Lão cổ truyền. Bản thân các tín đồ Cao đài vẫn coi mình là học trò Tiên, tu đạo Tiên. Phương tiện cơ bút là một điểm tương đồng khác giữa đạo Lão xưa và đạo Cao đài nay. Việc dạy giáo lý qua hình thức thơ phú trong Cao đài cũng cho thấy đường nét của văn hóa Lão-Trang. Như vậy, phải chăng sau mười chín thế kỷ, đạo Lão ở Việt Nam không hoàn toàn biến mất? Phải chăng đã có một sự hồi phục đạo Lão xưa trong một nền tôn giáo mới là Cao đài? Trả lời thích đáng câu hỏi này cần có sự tiếp tục nghiên cứu trong một chuyên khảo khác về Tam giáo Việt Nam, kể từ đầu thế kỷ XX trở đi.


--------------------------------------------

Phụ Lục:

Mấy bài thơ về Lương Tâm, Lương Tri của Vương Dương Minh.

1. Nhĩ thân các các hữu Thiên Chân,

Bất dụng cầu nhân, cánh vấn nhân.

Đãn trí Lương Tri thành chức nghiệp,

Mạc tòng cố chỉ phí tinh thần.

Thân anh ai nấy có Thiên Chân,

Khỏi phải cầu nhân, phải vấn nhân.

Hãy dựa Lương Tri, tu đức nghiệp,

Giấy cũ đọc chi, phí tinh thần.

2. Lương tri tức thị độc tri thì,

Thử tri chi ngoại cánh vô tri.

Thuỳ nhân bất thức Lương Tri tại,

Tri đắc Lương Tri khước thị thuỳ?

Lương tri thấy được lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra há biết gì?

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri?

Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,

Tự tương văn kiến khổ già mê,

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,

Chỉ thị Lương Tri cánh mạc nghi.

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp, mới u mê,

Nay ta đem chỉ Chân Đầu Diện,

Chính thực Lương Tri chớ khá nghi.

4. Vấn quân hà sự nhật động đồng,

Phiền não trường trung thố dụng công.

Mạc dạo Thánh Môn vô khẩu quyết.

Lương Tri lưỡng tự thị Tham Đồng.

Sao anh suốt buổi chạy Tây, Đông,

Trong vòng phiền não, uổng dụng công.

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Hai chữ Lương Tri chính Tham Đồng.

(Hai chữ Lương Tri trong đạo Khổng cũng có giá trị như bộ sách Tham Đồng Khế của Đạo Lão.)

5. Nhân nhân tự hữu định bàn châm,

Vạn hoá căn nguyên, bản tại Tâm.

Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,

Chi chi diệp diệp ngoại đầu tầm.

Trong ta ai cũng sẵn Nam Châm,

Căn nguyên vạn hoá sẵn nơi Tâm.

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li vất vả tầm.

6. Vô thanh vô xú độc tri thì,

Thử thị Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Phao khước tự gia vô tận tạng,

Diên môn trì bát, hiệu bần nhi.

Vô thanh, vô xú lúc độc tri,

Ấy thực Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Vứt bỏ cửa nhà kho vô tận,

Từng cửa ăn xin, thực thảm thê.

Léon Wieger, Textes Philosophiques, tr. 259-260.


******************       


CHÚ  THÍCH

[1] Phàm vật giả thủy ư Không, Thái Cực giả Không dã. Không năng sinh Nhất, Nhất năng sinh Vạn, dĩ Vạn hoàn Nhất, Nhất phục hoàn Không.

Không giả, vạn vật chi tổ dã. Học giả yếu kiến Chân Không, vật kiến Giả Không, Yếu kiến Linh Không, vật kiến Ngoan Không... ―  Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 9.

[2] Đơn giả thiên địa chi bản dã. Hà dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản. Đơn giả, Đạo dã. Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh. Cố thánh nhân dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn. Vạn hoàn Nhất, Nhất hoàn Hư. ―  Xướng đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19.

[3] Đạo Gia vị chi Hư, Phật gia vị chi Không. Không năng vô sở bất biến, vô sở bất văn. Không vô sở cách, Không bản vô lượng, vô biên. Cố nhân phát nhất niệm, đồng thất chi nhân bất tri, nhi vô lượng vô biên Hư Không tri chi. Nhu gia chi thận độc uý không cố dã. ―  Xướng đạo chân ngôn, q. 5, tr. 31.

[4] Đạo tán vi Đức: Les produits divers du Principe sont les manifestations de sa Vertu. Đức vi Đạo chi kỷ dã: La chaine infinie de ses manifestations, de la Vertu du Principe, peut s'appeler le dévidage du Principe. ―  Les Pères du Système Taoiste, Léon Wieger p. 29.

[5] Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, Xung Hư Chân Kinh, chương I.

[6] Ce que nous appelons la Réalité n'est que la projection au néant externe de l'image de notre Essence intime. ―  Pierre Francestel, Art et Technique, p. 198.

[7] Ngọc thư viết: Nhất, tam, ngũ, thất, cửu, Đạo chi phân nhi hữu số. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Đạo chi biến nhi hữu tượng. Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, Đạo chi liệt, nhi hữu vị. Thanh, bạch, xích, hoàng, hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. Số qui ư Vô Số, Tượng phản ư Vô Tượng, Vị chí ư Vô Vị, Chất hoàn ư Vô Chất. Dục Đạo chi vô số, bất phân chi tắc vô số hĩ. Dục Đạo chi vô Tượng, bất biến chi tắc vô tượng dã. Dục Đạo chi vô Vị, bất liệt chi, tắc vô Vị hĩ. Dục Đạo chi vô Chất, bất tán chi, tắc vô Chất hĩ. Vô Số, Đạo chi nguyên dã, Vô tượng Đạo chi Bản dã, Vô Vị Đạo chi Chân dã. ―  Linh Bảo Tất Pháp,  tr. 12a.

[8] Cố viết: Thánh Nhân dĩ thử tẩy tâm thoái tàng ư mật, kỳ trung Bản Hư Nguyên dữ Thái Hư hỗn nhi vi Nhất. Cố viết: Thánh Nhân dữ Thái Hư đồng thể.  ―  (Xem Tính Mệnh Khuê Chỉ, nơi hình Trung Tâm Đồ, q. Nguyên Tr. 10b)

[9] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Lợi, tr. 9b.

[10] Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

Vũ Trụ này do Nhất Thể phóng phát ra, đã được chứng minh là một học thuyết dành cho các cao nhân, danh phái, còn quần chúng thì tin và Thuyết Tạo Dựng, mà các Đạo giáo Công Truyền Âu Châu như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo giảng dạy. (Xem trang 11 và 12 chương này.)

Trong tập Khảo Luận về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của tôi, tôi đã chứng minh rằng có nhiều hiền thánh Công Giáo (mystiques) như John of the Cross, Teresa of Avila, và nhiều hiền thánh Do Thái giáo thuộc Mật Tông Kaballah, hay nhiều Hiền Thánh Hồi Giáo thuộc môn phái Sufism (Bạch Y) cũng theo Thuyết Phóng Phát, Tán Phân, và chủ trương Thượng Đế ở trong lòng sâu vạn hữu.

***

Đây xin trưng thêm 1 tài liệu về một học thuyết của một vị thánh hiền Hồi Giáo mới chết năm 1934: Đó là Ông Cheikh Ben Aliona. Tài liệu này được đăng tải trong Lotus Bleu, Paris, số 39, tr. 89-106, và trong Gabriel Gobron, Histoire du Caodaisme, tr. 92.

Nội dung như sau:

Học Thuyết của Ben Aliona như thế nào?

Aliona chủ trương: Thượng Đế duy nhất và Nhất Thể. Thế giới hữu hình, hữu hạn này chỉ là những màn che «barzakh» làm cho chúng ta không trông thấy thế giới chân thực (Thế giới vô cùng).

Thế giới này do Thượng Đế phóng phát ra, ngược lại với Thánh Thư Hồi giáo Coran. Coran chủ trương thế giới này đã được tạo dựng. Chủ trương thế giới này được tạo dựng dành cho quần chúng (Focara), còn cái Vi Diệu (Le Sirr= caché), thì chỉ dành cho một số môn đệ hiểu được áo nghĩa (bathen). Thuyết Phóng Phát ăn khớp với Thuyết «Thượng Đế nội tại». Ai hiểu được Chân Thể mình sẽ biết Thượng đế; ai thăm dò Chân Thể đó sẽ tới gần Thượng Đế). «Thuyết Thượng Đế nội tại» cũng không loại trừ «Thuyết Thượng Đế siêu việt.»

*Nguyên văn chữ Pháp:

Les doctrines de Ben Aliona? Unité de Dieu (le monde temporel n’est qu’un exemple de voiles» barzakh» nous cachant le monde réel: l’infini), Univers émané de Dieu, à l’inverse du Coran créationiste pour la masse des Focara, croyants ordinaires; le Sirr (caché) est réservé à certains disciples capables de saisir le «Bathen» (le sens occulte), émanationisme s’accordant avec l’immanentisme (qui pourrait connaitre son proprium, connaitrait Dieu; qui le scrute avec attention, s’approche de Dieu); doctrine de l’immanence n’excluant pas la transcendance...

Quyển Histoire du Caodaisme, nơi tr. 91, khi mô tả lại đời sống của Ben Aliona, có những dòng bất hủ sau đây:

«Nhờ ở phái Soufisme (Bạch Y), ông biết được Mật giáo của Hồi Giáo, và nhờ Mật giáo đó, ông có được khuymh hướng vươn lên tới Đại Đạo (bao quát Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, v.v...) Tất cả những mặc khải trước sau đều bổ sung lẫn nhau, và tất cả đều cùng do một nguồn mặc khải siêu việt:»Các đấng tiên tri, dẫu là vạn người - theo một ngạn ngữ của môn phái Soufisme - cũng chỉ là Một, cũng chỉ là những tia lửa của một thứ lửa duy nhất.

[11] Thiên địa vị phân, Thái Cực tại thiên địa chi thuỷ; Thiên địa ký phân, Thái Cực tại Thiên địa chi trung. ― Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường ngữ lục, tr. 50.

[12] Tiên Học, tr. 30.

[13] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận.

[14] Từ Viên Tiên sư chân kinh, tr. 39a.

[15] Ibidem, tr. 17a.

[16] Ảo hoá chi thân, nhục thân dã. Ảo hoá chi tâm, nhân tâm dã. Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý, câu ảo thân chi sở xuất. Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, giai Nhân Tâm chi sở xuất. Lục căn môn đầu, dạng dạng túc dĩ táng mạng. Thất tình, vọng niệm, kiện kiện năng dĩ chí tử. Chí ư Chân Chính chi thân, Pháp Thân dã. Chân Chính chi tâm, Thiên Tâm dã. Ngũ tính nhân duyên, câu giai thành Đạo chi chủng. Ngũ ban chí bảo, tận hệ luyện đơn chi tài. Thái chi, tu chi, khởi tử, hồi sinh, phản lão, hoàn đồng.

Đãn thử thân «Thiên Tâm», nhân đa bất thức, sở dĩ Pháp Thân mai một, ảo thân dụng sự; Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thử Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông. Thị tính chi sở ký dã. ― Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 215.

[17] Thỉnh vấn Thái Cực chi lý.

Sư viết: Thái Cực giả ngô thân chi Thiên Tâm dã. Thích Thị viết: Viên giác, Đạo viết: Kim Đơn, Nho viết: Thái Cực.

Sở vị Vô Cực nhi Thái Cực giả, bất khả cực nhi cực chi chi vị dã. Phàm nhân thuỷ sinh chi sơ, chỉ thử nhất điểm Linh Quang. Sở dĩ chủ tể hình hài giả, tức thử Thái Cực dã. Phụ mẫu vị sinh chi tiền, nhất phiến Thái Cực, nhi kỳ sở dĩ bất thuộc hồ hình hài giả, nãi vi Vô Cực dã.

 Dục thức Bản Lai Chân Diện Mục,

 Vị sinh thân xứ, nhất luân minh.

Liêu Dương diện mục vấn đáp thiên. tr. 2b.

[18] Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86.

 Nguỵ Bá Dương, Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy. tr. 18a.

 Nguỵ Bá Dương giải Chân Nhân là Nguyên Thần, và Giải Thâm Uyên là Thái Uyên, là Nê Hoàn Cung, là Thiên Cốc, là Thiên Đường,v.v...

Sách viết: Chân Nhân tức Nguyên Thần dã. Thâm Uyên tức Thái Uyên dã. Dị danh chúng đa, kim thí cử nhi ngôn chi viết:

Nê Hoàn Cung, Lưu Châu Cung, Ngọc Thanh Cung, Thuý Vi Cung, Thái Vi Cung, Thái Ất Cung, Thái Huyền quan, Huyền Cung, Huyền Môn, Huyền Thất, Huyền Cốc, Huyền Điền, Sa Môn, Đệ Nhất Quan, Đô Quan, Thiên Quan, Thiên Môn, Thiên Cốc, Thiên Điền, Thiên Tâm, Thiên Luân, Thiên Trục, Thiên Nguyên, Thiên Trì, Thiên Căn, Thiên Đường, Thiên Cung, Kiền Cung, Kiền Gia, Giao Cảm Cung, Ly Cung, Thần Cung, Thần Thất, Thần Quan, Thần Phòng, Thần Đô, Huyền Đô, Cố Đô, Cố Hương, Cố Khưu, Cố Lâm, Cố Cung, Tử Phủ, Tử Kinh Thành, Tử Kim Đỉnh, Cống đỉnh, Ngọc Đỉnh, Ngọc Thất, Ngọc Kinh, Ngọc Vũ, Dao Phong, Đệ Nhất Phong, Tối Cao Phong, Chúc Dung Phong, Côn Lôn Đỉnh, Không Động Sơn, Bồng Lai, Thượng Đảo, Thượng Cung, Thượng Kinh, Thượng Huyền, Thượng Nguyên, Thượng Cốc, Thượng Thổ Phủ, Thượng Đan Điền. Kỳ danh tuy chúng, kỳ thật tắc nhất dã.

Thuý Hư Thiên vân: Thiên hữu thất tinh, địa thất bảo. Nhân hữu thất khiếu quyền qui não.

Thái Cổ tập vân: Kim đơn vận đáo Nê Hoàn Huyệt, Danh tính tiên tương ký Thiên Đô, thị dã.

Cố Đế Nhất hồi nguyên chi Đạo, tố lưu bách mạch, thượng bổ Nê Hoàn. Não thực tắc Thần toàn, Thần toàn tắc hình toàn dã.

Kim Nguỵ Công vị Chân Nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung giả, tuỳ chân tức chi vãng lai, nhiệm chân khí chi thăng giáng. Tự chiêu chí mộ, Nguyên Thần thượng thê ư Nê Hoàn dã. Huỳng Đình Kinh vân: Tử dục bất tữ tu Côn Lôn. Tĩnh trung ngâm vân: Ngã tu Côn Lôn đắc Chân Quyết. Phục Mệnh Thiên vân: Hội hướng ngã gia viên lý, tài bồi nhất mẫu Thiên Điền. Hoàn nguyên Thiên vân: Ngộ Đạo hiển nhiên minh khuếch lạc, nhàn nhàn đoan toạ vận Thiên Quan.

Thử nãi chí giản chí dị chi đạo...

Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, tr. 18a.

[19] Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 8b.

[20] Kim Đơn yếu quyết, tr. 1b.

[21] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a.

[22] Tiên Học Từ Điển, tr. 76. ―  Thượng Phẩm Kim Đơn bí quyết, tr. 2b.

[23] Nam Hoa Kinh, XVII, Thu Thuỷ, A.

[24] Thượng phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu, tr. 2b.

[25] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 139.

[26] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 13. Chương Thuận Nghịch Tam quan Đồ.

[27] Tiên học Diệu Tuyển, tr. 184.

[28] Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai, quan tâm đắc Đạo nãi chí Hư Vô. 太 上 曰: 吾 從 無 量 劫 來 觀 心得 道, 乃 至 虛 無. ― Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 3a.

[29] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 2.

[30] Trương Chuyết tú tài. ― Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 5.

[31] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 121.

[32] Ib. tr. 139.

[33] Nhược nhất niệm bất sinh tức thoát sinh tử. Hướng thử nhất niệm bất sinh xứ, tức kiến Bản Lai Diện Mục. ― Tiên Học diệu tuyển, tr. 141.

[34]. P. Léon Wieger, Textes Philosophiques, Confucianisme, Taoisme, Bouddhisme, Hien Hien 1930, tr. 333.

[35] Tùng giang, Dương cảnh Dương Duy Nhất, Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 140.

[36] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 4b.

[37] Đơn tự, đầu tượng Nhật, cước tượng Nguyệt. Trung Nhầt điểm vi thử Châu. Nhất hoạch vi đắc. Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu, vị chi Đơn. ― Tiên Học Từ Điển, tr. 62.

[38] Đơn giả, đơn dã. Duy Đạo vô đối, cố viết Đơn. Thiên đắc Nhất dĩ thanh, địa đắc nhất dĩ doanh, nhân đắc Nhất dĩ trường sinh.

[39] Kết Đơn chi đạo, Nhất nhi dĩ hĩ...Nhất vô tha...Hư nhi dĩ hĩ. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 11.

[40] Tâm tức Đơn, Đơn tức Tâm. ― Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 231.

[41] Đơn tức Đạo dã, Đạo tức Đơn dã. ― Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 263.

[42] Đơn giả, Thiên Địa vạn vật chi bản dã, hà vị dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản, viết: Đơn giả, Đạo dã. Đạo giả, Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh, cố thánh nhân cưỡng dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19a.

[43] Căn bản do tòng Thái Cực tầm. ― Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b.

[44] Đỗng kiến Bản Lai Diện Mục, chứng triệt Nguyên Căn. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 1, tr. 2b.

[45] Kim đơn yếu quyết, tr. 1b.

[46] Trương Tam Phong, Đạo thuật hối tông, q. 3, tr. 101.

[47] Xướng Đạo Chân Ngôn, q.2, tr. 8.

[48] Nhất lạp túc trung tàng thế giới. ― Tiên học, tr. 30.

[49] Kim giả, bất hoại chi Pháp Thân, Đơn giả, viên thành chi thực tướng. ― Tiên Học, tr. 9.

[50] Thất phản giả, phản bản. Cửu hoàn giả, hoàn nguyên. ― Hoàn Nguyên Thiên, tr. 4a. Hậu tự.

[51] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 59.

[52] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 56.

[53] Thuận kỳ cơ nhi hành nhân đạo. ― Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 20.

[54] Nghịch kỳ cơ, nhi hành Tiên Đạo. ― Ib. tr. 20.

[55] Sinh cơ ngoại phát vi Thuận. ― Ib. tr. 20.

[56] Sinh cơ nội liễm vi Nghịch. ― Ib. tr. 20.

[57] Kim đơn Đại Đạo tòng hữu vi nhi nhập vô vi, tức Liễu Mệnh nhi kiêm Liễu Tính, phương thị Thần Hình câu diệu. ― Tiên học diệu tuyển, tr. 99.

[58] Tiên Học diệu tuyển, tr. 383.

[59] Cố tòng thượng thánh hiền cầu Đạo, đô bất hướng ngoại trì cầu, tĩnh nhi cầu chi ư nhất tâm, vô bất cụ túc. ― Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 4, tr. 35.

[60] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 13-14.

[61] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 14.

[62] «Nhận vi Đạo tự Hư Vô sinh vạn vật, thị thuận sinh quá trình, nội đơn tu luyện tắc phản thử. Đương phục qui Hư Vô, dữ Đạo hợp nhất.

Đại Đơn diệu dụng pháp Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận hề, ngũ hành phân.

Ngũ Hành thuận hề, thường Đạo hữu sinh hữu tử,

Ngũ hành nghịch hề, đơn thể thường linh, thường tồn.»

認 為 道 自 虛 無 生 萬 物, 是 順 生 過 程. 內 丹 修 鍊 則 反 此, 當復 歸 虛 無, 與 道 合 一.

大 丹 妙 用 法 乾 坤,

冢坤 運 兮 五 行 分.

眇行 順 兮, 常 道 有 生 有 死.

眇行 逆 兮, 丹 體 常 靈 常 存.

Trung Quốc Đạo Giáo, Khanh Hi Thái chủ biên, tr. 305.

[63] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 10a.

[64] Xem Thái Thượng bảo Phiệt, q. Hiếu tr. 16.

[65] Tính Mệnh Khuê chỉ, tr. 372.

[66] Bát quỳnh đơn: 1. Đơn sa (Chu sa): Sulfure de Mercure - 2. Hùng hoàng: Réalgar, Sulfure d’Arsenic rouge - 3. Thư Hoàng: Sulfure d’arsenic jaune - 4. Lưu Hoàng: Soufre - 5. Nhung diêm: Borate de Soude - 6. Vân Mẫu: Mica - 7. Tiêu Thạch: Salpêtre - 8. Không thanh (Sulfate de Cuivre).

[67] Cửu chuyển hoàn đơn gồm 14 vị. Ngoài tám vị của bài Bát quỳnh đơn còn có 6 vị khác là: Bạch thạch anh (quartz blanc) - 2. Tử thạch anh (quartz violet) - 3. Thanh đại (Plombagine) - 4. Dương khởi thạch (Actiolite) - Kim nha thạch (dent de tigre) - 6. Hồ phấn (Céruse). (Xem Henri Doré, Variétés sinologiques, No 66, Chapitre II, Section B, Art. V. La pilule d’immortalité.

[68] Tiên Học diệu Tuyển tr. 9.

------------------------
*LÊ  ANH  DŨNG
------------------------



Quan niệm Tam Tài với con người:

*Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Dưới nhan đề này, tôi sẽ dùng quan niệm Tam Tài để tìm hiểu về con người và đề phân loại các Ðạo giáo. Bàn về con người tuy là một vấn đề hết sức thông thường, quen thuộc, nhưng không bao giờ vô ích.

I.- Thuyết Tam Tài với con người:-

Soplocles xưa đã nói: «Dầu trong vũ trụ này có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng nhất đi chăng nữa, thì cũng chẳng có gì đáng quí báu, đáng tôn sùng hơn con người.» [1]
Nhưng nếu con người đáng quí báu, đáng tôn sùng nhất, thì con người cũng là cái gì khó hiểu nhất từ xưa đến nay. Từ bao thế hệ nay, chúng ta am hiểu về con người, nhưng cho đến nay, con người vẫn còn là một vấn đề khó hiểu. Thật đúng như câu ca dao: -

“Sông kia còn có kẻ đo,
Lòng người, ai dễ mà dò sâu nông.”

Chúng ta thực ra chẳng ai dám nói là đã biết rõ mình. Ta thấy mặt mũi người khác, bóng dáng người khác, nhưng mà oái oăm thay, mặt mũi ta, bóng dáng ta, ta phải mượn gương, mượn nước, mượn máy ảnh, mới nhìn ra được.
Như thế tức là, ngay con người phiến diện của ta đã hết sức xa lạ với ta rồi. Chúng ta dùng nó hằng ngày, mà thực ra chẳng biết nó hính thù ra sao, hoạt động ra sao. Ðọc câu ca dao sau đây sẽ rõ: -

“Ðàn ông năm, bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người !”

Ðến như óc, chất trí não, tâm tư chúng ta, thì ta lại càng mù tịt. Cho đến cuối thế kỷ 20, người ta vẫn tưởng rằng, chúng ta yêu bằng tim – bằng con tim thịt nằm trong lồng ngực – vì thấy nó hồi hộp, khi ta rung động, cảm xúc. Nhưng bây giờ thấy trong các bệnh viện, người ta thay tim rầm rầm, thay bằng tim thật, tim giả, thay van tim, mới vỡ lẽ ra rằng mình đã lầm. Gần đây, triết học Âu Châu còn khám phá ra rằng dưới lớp ý thức, còn có vô thức – hoặc là tiềm thức, hoặc là Vô thức đại đồng. Khám phá mới mẻ này thật ra chỉ mới mẻ cho Âu Châu, chứ Á Châu, từ mấy ngàn năm nay đã bàn hoài về vấn đề này, dưới những danh từ khác như: Ðại Ngã, Tiểu Ngã; Chân Tâm, Vọng Tâm; Nguyên Thần, Thức Thần;Thiên địa chi tính, khí chất chi tính, v.v.
Tóm lại, ta quả thật là một con người xa lạ đối với ta. Hằng ngày, ta sống kề cận với ta, với tâm tư ta, mà ta chẳng biết tâm tư ta ra sao.
Hằng ngày, ta khoe ta thế này, ta thế nọ, nhưng đến khi hỏi ta là ai, ta là gì, thì ta đành chịu không biết trả lời ra làm sao.
Chính vì thế, khi đem quan niệm Tam Tài, để soi rọi vào vấn đề con người, tôi thấy mình đã không làm một chuyện vô ích. Ðó chính là một cách suy tư, tìm hiểu về mình. Mà có chịu suy tư, tìm hiểu về mình, mới có thể biết mình, biết Trời.

*Mạnh Tử viết:-

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính
Hay biết Tính, nhất định biết Trời.
Tồn tâm dưỡng tánh chẳng rời,
Ấy là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai. [2]

*Trung Dung cũng viết: -

Biết người, trước phải biết Trời.
Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu Người làm sao? [3]

Chia con người thành 3 phần, chỉ là một cách chia để tiện việc học hỏi. Khi cần tôi cũng có thể chia con người thành 7, thành 10. Nhưng dẩu sao, thì chia con người làm ba thành phần cũng đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn khá chính xác, khá đứng đắn về con người.

Trước đây trong bài THÂN THẾ VÀ ÐỊNH MỆNH CON NGƯỜI trong Đất Nước Tôi số 13, tôi đã kể lại hành trình của tôi từ quan điểm nhị nguyên – con người có Hồn có Xác – đến quan niệm Tam Tài – con người  có Xác, Hồn, Thần. Ðại khái tôi đã kể lại rằng: tôi đã tìm ra được quan niệm Tam Tài trong mấy giây đồng hồ giác ngộ tâm linh và từ khi biết được trong lòng có Ðạo có Trời, cuộc đời tôi đã chuyển hóa hết sức là mãnh liệt.
Quan niệm Nhị Nguyên, tôi học được do truyền thống xã hội; Quan niệm Tam Tài tôi học được do giác ngộ tâm linh. Nhưng nói cho đúng hơn, lẽ Nhất Quán của Trời đất mới là điều rốt ráo mà tôi đã lĩnh hội được.
Sau khi nhận ra rằng con người có ba phần: Tính (Thần), Hồn, Xác, tôi lại thấy được rằng: Các tôn giáo, tuy khác nhau bề ngoài, nhưng chung qui là đưa con người tới Thiên Ðạo, tới Ðại Ðạo. Thiên Ðạo, Ðại Ðạo hoàn toàn ở trong nội tâm ta, nó chính là đường đi từ Hồn, đến Thần, biến hóa Hồn con người thành Thần trời đất.

Trời, Ðạo Trời hằng tiềm ẩn trong lòng ta, và không hề rời ta một phút giây.
Những quan niệm trên đã đến với tôi hết sức là bất ngờ, nhưng hết sức là mãnh liệt. Và riêng tôi, tôi coi đó là một đại hồng ân mà Thượng Ðế đã ân tứ cho tôi.
Tôi nhận định thêm rằng từ trước tới nay, tôi đã đánh mất chiều kích sâu xa, cao đại của con người, mà chỉ mới sống hời hợt trên bình diện nhân tâm, chưa hề có ý tưởng, hay ước mơ sống vươn vượt lên trên cái Nhân tâm, chưa hề có ý tưởng đạt tới Thiên tâm. Và tôi tự nhủ rằng từ trước đến nay tôi đã sống mơ màng, ù cạc, không biết được chính bản thân mình.

Tuy nhiên, theo đúng tinh thần khoa học, tôi thấy những điều tôi vừa lãnh hội được khi ấy, nếu đem chia sẻ với chúng nhân, thì sẽ bị coi như là một giả thuyết. Nên tôi thấy nó còn cần được chứng minh.
Như quí vị đã thấy: Ðiều tôi được truyền dạy là:
Dưới lớp nhân tâm, còn có Thiên tâm, Thiên tính. Cho nên con người thực ra có 3 phần chính yếu:
Ði từ trong ra đến ngoài, ta có: -

1- Phần Tính, phần Thiên Tính, hay phần Thiên, phần Trời phần Thần vĩnh cửu, làm căn cốt.
2- Phần Tâm, hay phần Nhân Tâm, tức là phần Nhân, phần Người, phần Hồn gồm trí lự, thất tình lục dục, bao phủ bên ngoài phần Thiên.
3- Phần ngoài cùng là phần xác, phần Ðịa, phần Ðất, phần vật, đóng vai trò hỗ trợ, bao bọc cho các phần cao quí bên trong, chẳng khác nào phần vỏ bên ngoài nơi cây, nơi quả.

Mục đích chân chính và cao siêu nhất của các đạo giáo là làm sao dạy con người rũ bỏ được phần xác, phần hồn, biến thiên, luân lạc trong vòng sinh tử, và chỉ giữ lại phần Thiên, vĩnh cửu và bất tử, y thức như một vệ tinh nhân tạo, càng lên cao, càng phải vất đi dần dần những phần phụ thuộc không còn cần thiết, mới có thể thoát vòng áp lực của khí quyển, mà đi vào không gian.
Hôm nay, khi viết đến vấn đề rất quan trọng này, một vấn đề đi ngược lại với quan điểm của quần chúng, tôi liền cầu chứng  thánh hiền. Phép cầu chứng thánh hiền muôn thủa của tôi rất giản dị. Tôi nhìn quanh quất thấy một quyển sách nào mà mắt tôi nhìn thấy, liền cầm lên, và dở ra đọc. Trong trường hợp này, tôi rút ra quyền Thiền học, bộ thượng, do Suzuki viết và Trúc Thiên dịch. Tôi dở ra trúng vào trang 276, mà tôi chưa từng đọc, thấy có đoạn viết như sau:
Một thầy Bà la môn tên là Móng Tay Ðen mang đến cúng Phật hai cây bông nguyên cành rễ khổng lồ, thầy dùng phép thần thông nắm chặt mỗi tay một cây. Phật gọi tên, thầy dạ. Phật liền bảo: «Buông xuống đi». Thầy Bà la môn bỏ cây hoa tay trái xuống trước mặt Phật. Phật lại bảo buông xuống nữa , thầy bỏ luôn cả cây hoa tay mặt. Phật lại bảo buông nữa .Thầy Bà la môn bạch: «Tôi có gì đâu nữa mà buông bỏ. Phật muốn dạy gì?» Phật đáp: «Tôi không hề bảo thầy buông hết mấy cây hoa, tôi bảo thầy bỏ là bỏ sáu căn, sáu trần, sáu thức. Khi thầy bỏ được hết đến không có gì nữa để bỏ, đó là lúc thầy thoát ly tất cả ràng buộc của sanh tử, luân hồi...»
Như vậy cái nhìn của tôi bây giờ chính là cái nhìn mà Phật xưa đã có, và ý nghĩ của tôi đã được sự soi sáng , sự đồng vọng của Tiên Phật muôn đời.
Sau đó, ngẫu nhiên tôi lại đọc một đoạn của Ðại sư Paramahansa Yogananda tự thuật lại kinh nghiệm của một lần ông xuất thần đầu tiên. Ông tả rằng: «...Tôi thấy rằng từ Trung điểm thiên cung, tức là từ trung điểm Linh đài tôi, tung tỏa ra muôn ánh hào quang soi cùng Vũ trụ. Nguồn sống vĩnh cửu, như quỳnh tương tiên tửu rạo rực trong tôi. Âm thanh sáng tạo của Thượng Ðế, tôi nghe thành chữ Aum chuyển rung trời đất...Nhưng bỗng đâu phổi tôi bắt đầu thở lại. Tôi rất thất vọng vì thấy rằng, cái bao la vô cùng tận của tôi đã mất. Tôi lại trở về cái xác thân hữu hạn của tôi, chẳng xứng chút nào với Thần con người. Tôi như một đứa con hoang đàng đã từ bỏ đại thể vô biên, mà giam mình vào trong tiểu thể hữu hạn...» [4]
 Tôi cho đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà chính là khi lòng mình mà thành sẽ cảm động được trời đất, khi ý mình mà thành, thì thần minh sẽ phụ họa. Trở lại vấn đề, điều mà tôi cần chứng minh là con người có ba phần Thần, Hồn, Xác. Ðể chứng minh vấn đề này, tôi sẽ dùng thánh thư các đạo giáo kỳ thư bí điển trong thiên hạ văn chương triết học và ngôn ngữ Ðông Tây. Sự tương đồng tìm ra sẽ là ấn chứng cho một chân lý phổ quát, đại đồng.

******************       

II.- Thuyết Tam Tài với Khổng giáo: -

Nhờ dùng chìa khóa Tam Tài tôi mới mở ra được kho tàng Khổng giáo. Khổng giáo nhận con người có 3 phần: Xác, Hồn, Thần. Nhưng danh từ Khổng giáo dùng hơi khác:
- Xác
- Tâm, Nhân tâm, Nhân dục, Khí chất chi tính.
- Tính, Thiên tính, Thiên tâm, Thiên địa chi Tính, Ðạo tâm, Trung.
Kinh Thư, Thiên Ðại Vũ Mô, kể lại rằng khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, đã truyền luôn cả tâm ấn sau:

Nhân tâm duy nguy,         
人 心 惟 危
Đạo tâm duy vi,                 
道 心 惟 微
Duy tinh, duy nhất,           
惟 精 惟 一
Doãn chấp, quyết trung.   
允 執 厥 中

Tôi dịch:

Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,
Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.
Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,
Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời

*Mạnh Tử cũng phân biệt Tâm và Tính.
Trong sách Mạnh Tử, chương Tận tâm hạ, ông đã viết: «Tận kỳ tâm giả tri kỳ Tính dã; tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ.»  盡 其 心 者 , 知 其 性 也 . 知 其 性 , 則 知 天 矣.

Dịch:
Thấu triệt lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính nhất định biết Trời.

Chính vì Khổng tử và Mạnh tử hiểu rằng con người có Thiên tính nên đã chủ trương: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tống Nho sau này, hay dùng chữ Thiên địa chi tính để chỉ Thiên Tính, và Khí chất chi tính để chỉ nhân tâm, nhân dục.

III.- Thuyết Tam Tài với Bà La Môn giáo: -

Bà La Môn giáo từ xa xưa vốn đã chia con người ra làm ba thành phần:-

- Xác (thô thân)
- Nhân tâm (Jiva) (tế thân)
- Brahman, Atman, Ngã tuyệt đối (Absolute Self, Metaphysical Self).

Bà La Môn gọi hồn con người là Tiểu Ngã, Thần con người là Ðại Ngã hay Atman.
Atman hay Thượng Ðế ngự trị trong tâm khảm con người cũng chính là Brahman, Tuyệt đối thể trong vũ trụ. Ðối với Bà La Môn; con người chân thực của ta không phải là Tiểu Ngã nhỏ nhoi, mà là Ðại Ngã vô biên tế. Tat tvam Asi = Con chính là Cái Ðó; nghĩa là con chính là Atman, là Ðại Ngã bất khả tư nghị.
Katha Upanishad viết: «Ðại Ngã trổ cửa giác quan ra phía ngoài, cho nên người ta nhìn ra ngoài, mà không biết nhìn vào trong lòng mình. Có vài kẻ khôn ngoan trong khi đi tìm trường sinh, bất tử, nhờ nội quan quán chiếu, đã trực diện quan chiêm được Ðại Ngã.» [5]
Chandogya Upanishad viết: «Bao quát mọi hoạt động, bao quát mọi ước mơ, bao quát mọi hương vị, bao quát cả hoàn võ nầy, mà vẫn vô ngôn, vô ý, đó là Ðại Ngã của tôi, lồng trong tâm khảm tôi, đó là Brahman Thượng Đế. Sau khi từ biệt cõi trần này, tôi sẽ thể nhập vào trong Ngài...» [6]
Radhakrishnan, cựu Tổng Thống ấn Ðộ, cũng là một đại triết gia lừng danh quốc tế, đã viết: «Chân thể, lồng trong tâm khảm muôn loài, chính là tinh hoa tâm hồn con người. Bé hơn hết mọi sự, mà cũng lớn hơn hết mọi sự, tinh hoa âý tiềm ẩn trong tâm vạn hữu. Cái học thuyết làm cho bộ kinh ÁO NGHĨA THƯ được nhiều người trên thế giới hay biết, đó là học thuyết TA T TVAM ASI (Con Là Cái Ðó). VĨNH CỬU đã ở ngay trong con người, THẦN LINH đã ngự trị nơi tâm khảm con người. Vị THỦY TỔ Muôn Loài, mà ngũ quan chẳng biết, chảng hay, mà bao lớp lang hiện tượng như những bức màn vân vụ đã làm khuất lấp; vị Thủy Tổ ấy vẫn ngự trị, vẫn sống động trong tâm hồn con người...» [7]

IV.- Thuyết Tam Tài với Phật giáo: -

Phật giáo cũng phân biệt nơi con người có Thân, Vọng tâm và Chân tâm.
Vọng tâm hay Vọng ngã tức là Nhân tâm, gồm thất tình, lục dục sinh diệt, biến thiên; Chân tâm, hay Bản Lai diện mục, thời trường tồn vĩnh cửu.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho rằng có tìm ra được phần chân thường nơi con người thì mới mong thoát bến mê, bể khổ; bằng cứ chấp nhất nơi phần vọng tâm, vọng ngã, thì muôn đời luân lạc trong muôn kiếp phù sinh.
Phật nói với vua Ba Tư Nặc: «Ðại vương có biết trong thân có cái Bất Diệt không?» [8]
Phật lại dạy A Nan: «A Nan, ngươi muốn tu cho thành Ðạo, thì phải biết hai thứ căn bản: Một là căn bản vô thủy sinh tử, tức là hiện nay, ngươi và chúng sinh đều lấy cái tâm vọng tưởng mà nhận làm tư tính đó. Hai là Căn bản Niết Bàn tức là Thức Thứ Tám, vi tế tư tưởng của ngươi đang có, ngày nay gọi là Thức tinh nguyên minh đó. Bởi đem cái Thức tinh nguyên minh bỏ đi, nên tuy hằng ngày vẫn dùng đến, mà chẳng biết đặng cái thể của Bổn minh Tư Tính, đến nỗi lặn lội vào các thú mà thọ nghiệp sinh tử, luân chuyển, Thiệt là uổng thay?» [9]
Ðại đức Thích Chân Giám, khi bình đoạn này, đã viết: «Phải biết rằng chỗ thủ thắng của kinh này là toàn phá nơi Thức tâm, mà hiểu rành Căn Tánh, vì dùng theo Thức tâm mà tu, thì dầu trải qua trần hà sa số kiếp cũng không đặng đạo Bồ Ðề; còn do nơi Căn Tánh mà vào, thì trong lúc vừa khảy móng tay, cũng vượt lên đặng bậc Vô Học. Cho nên muốn quyết định thành chánh giác và chứng Niết Bàn, thì cứ lấy Căn Tính mà làm cái Tâm “nhân địa” rồi sau mới có thể viên thành được cái Giác ở nơi “quả địa”.»  [10]


V.- Thuyết Tam Tài với Lão giáo: -

Nhìn sang phía Lão Trang, ta cũng thấy rằng các Ngài chủ trương trong tâm còn có Ðạo, có Trời Tâm thì ở trong vòng tương đối, biến thiên, hữu vi, hữu tướng. Ðạo thì tuyệt đối, hàng cửu, vô vi, vô tướng, bất khả tư nghị. Muốn tu trì, dĩ nhiên là phải xây căn cơ trên Ðạo, phải hiểu thấu đáo về Ðạo phải siêu lên trên cõi hữu vi, hữu tướng, nhân vị, nhân tạo, mà đi vào cõi Vô vi, Tuyệt đối.
Chính vì coi Ðạo là căn cốt muôn loài, nên ngay đầu sách Ðạo Ðức kinh, Lão Tử đã dành một chương nói về Ðạo.

Hóa công hồ dễ đặt tên,
Khuôn thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.
Không tên, sáng tạo thế gian,
Có tên, là mẹ muôn ngàn thụ sinh.
Tịch nhiên cho thấy uy linh,
Hiển dương cho thấy công trình vân vi,
Hai phương diện, một Hóa Nhi,
Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,
Ấy là chúng diệu chi môn,
Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

Trang Tử, chính vì thấy rằng trong tâm mình còn có Ðạo, có Trời, có Bản thể bất sinh, bất tử, nên đã nói trong thiên Tề vật luận, Nam Hoa kinh:

Ta và Trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.[11]
Âm Phù Kinh viết:
Thiên tính Nhân dã,   
天 性 人 也
Nhân tâm cơ dã.         
人 心 機 也
Lập Thiên chi đạo,     
立 天 之 道
Dĩ định nhân dã.         
以 定 人 也

Dịch:
Thiên tính là Người,
Nhân tâm là máy.
Lập ra Thiên đạo,
Ðịnh mực phiêu Người.

Trong bài tựa quyển Huyền Diệu Cảnh của đức Lã Ðộng Tân ta thấy Thiên đạo, Nhân đạo được định nghĩa như sau:
Thế nào là Thiên đạo? Thiên đạo là tu tính, dưỡng mệnh, vượt tình trạng con người mà hợp với Trời. Thế nào là Nhân đạo?. Nhân đạo là giữ tròn ngũ luân, ngũ sự (giữ trọn nhân luân)
Tóm lại Ðạo Lão cũng cho rằng con người có Thiên tính, và đắc đạo là «Hợp Thiên». Theo Ðạo Lão, lúc mới đầu con người còn mê muội, chưa biết được rằng Ðạo, hay Trời đã ở sẵn trong tâm, nên phải «tầm sư, học Ðạo», «tầm sư cầu Ðạo». Khi đã chứng Ðạo, sẽ thấy được rằng Ðạo đã ở sẵn trong lòng mình. Thế là đắc Ðạo, mà Ðắc Ðạo là Ðắc Thiên. Khi đã biết rằng Ðạo là căn cốt của mình, tự nhiên con người sẽ trở nên hồn nhiên, tiêu sái. Người xưa khen là có Tiên phong, Ðạo cốt. Ðối với người Trung Hoa Ðạo là Thiên, là Thần...
Cho nên, khi phiên dịch câu Phúc Âm Thánh John: «Ðầu trước hết có Ngôi Hai, Ngôi Hai ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Hai là Thiên Chúa», người Trung Hoa đã viết: «Thái sơ hữu Ðạo, Ðạo dữ Thần đồng tại, Ðạo tức thị Thần.»

VI.- Thuyết Tam Tài với Hồi giáo: -

Hồi gláo cũng chủ trương con người có ba phần. Trong hội nghị tôn giáo tại Lahore, Pakistan, tháng 12, năm 1896, ông Harzat Ahmad, đại diện chính thức của Hồi giáo đã dùng thuyết Tam Tài để giải thích và toát lược thánh thư Koran. Ông cho rằng thánh thư Koran chủ trương con người có 3 bình diện:
- Bình diện vật chất hay Naf-Ammara.
- Bình diện tâm hồn hay Nafs-lawwama.
- Binh diện siêu nhiên hay Nafs-matmainnah. [12]
Koran cũng xác nhận một, cách khéo léo rằng:
- Thượng Ðế chẳng hề xa con người. [13]
- Thượng Ðế đã truyền Thần Ngài vào trong con người. [14]
- Thượng Ðế thực sự đã tràn ngập con người từ trong ra đến ngoài. [15]

VII.- Thuyết Tam Tài với Công giáo & Tin Lành: -

Công giáo, xét về phương diện giáo lý công truyền, thì chỉ chủ trương con người có hai phần: Hồn, Xác.
- Hồn thì thiêng liêng, bất tử; xác thì tử vong. Khi còn sống, thì hồn, xác kết hợp mật thiết với nhau thành một con người, và sau này khi tới ngày tận thế và tới ngày phán xét chung, xác mọi người sẽ sống lại, hợp cùng với hồn để được thưởng hay chịu phạt đờì đời.
 Công đồng Latran IV (1215) và Vatican I (1869-1870) đã xác định con người chỉ có hai phần; hồn, xác và không chấp nhận quan niệm Tam Tài về con người của Plato, của phái Gnosticism, Manicheism, Apollinarianism.
 Công đồng chung thứ 8, họp tại Constantinople (869-870) phi bác lý thuyết cho rằng con người có hai hồn, và đã xác định con người chỉ có một linh hồn biết nghĩa lý.
 Ngược lại, Thánh kinh Công giáo lại chủ trương thuyết Tam Tài về con người.
 Trong quyển Con đường cứu rỗi (Le chemin du Salut) của Charles Gerber, một tác giả thuộc giáo phái Cơ Ðốc Phục Lâm, đã cho thấy:
- Chữ Thần được nhắc đến 827 lần trong Thánh kinh.
- Chữ Hồn được nhắc đến 873 lần trong Thánh kinh. [16]
 Giáo phái chứng nhân của Jehovah, sau khi lấy Thánh kinh để chứng minh rằng hồn con người thường được chỉ bằng những danh từ Psyché (Hi Lạp) hay Nephesch (Do Thái), còn lấy Thánh kinh để chứng minh rằng hồn con người không bất tử, nhất là dựa vào câu Ezechiel: «Hồn nào phạm tội, sẽ chết.» (Ezechiel, 18:24)
 Quyển The Secret Teachings of all ages (Vạn đại bí chỉ) cũng đã dùng Thánh kinh để chứng minh rằng hồn thì tử vong, mà Thần thì bất tử. [17]
 Vua David, đã nói trong Thi Thiên (Psalm) 82, câu 6: «Ta đã nói: Các người là Thần, và tất cả đều là Con Ðấng Tối Cao.»
 Chúa Giêsu phán trong Phúc Âm Yoan, chương 4, câu 24: «Thiên Chúa là Thần, nên những kẻ thờ phượng Ngài, phải thờ phượng bằng Thần, và sự thật.» Ngài lại chủ trương muốn vào nước Trời, phải được sinh lại bằng Thần, phải có Thần (Yoan, 3:4 -8). Nói thế có nghĩa là nếu con người mà không có Thần sẽ không thờ phượng Thiên Chúa một cách chân chính hữu hiệu được; nếu không có Thần không vào được Nước Trời. Quan niệm Tam Tài về con người đã được thánh Paul chủ trương hết sức rõ ràng. Trong thánh thư I gửi giáo đoàn Thessalonica, chương V, câu 23, Ngài viết: «Ước gì toàn thân anh em Thần, Hồn, Xác được giữ vẹn, không chê trách được, cho tới ngày Chúa Giêsu Kitô chúng ta đến.» Trong thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, Ngài viết: «Vì lời Chúa sống động, linh nghiệm, sắc bén hơn bất kỳ gươm hai lưỡi nào, nó có thể thấu vào tới chỗ phân chia của Hồn và Thần.» (He. 4:12).
 Bản Bible de Jerusalem (Bản Thánh kinh Jerusalem) bình rằng đối với thánh Paul, TÂM phải nhường bước cho THầN, thì con người mới có thể sống một đời sống thần minh. [18]
 Nếu vậy thì chủ trương của thánh Paul có khác gì chủ trương của Ðạo Lão đâu! Ðạo Lão Tử xưa đã dạy: «Tâm tử, Thần hoạt.» (Tâm con người phải chết đi, cho Thần được sống động).
 Paul Tillich, một thần học gia Thiên Chúa Giáo nổi tiếng hoàn cầu hiện nay, đã thuyết giảng một bài làm chấn động dư luận. Ðó là bài «Chiều kích sâu thẳm của đời sống con người». Bài giảng đó đã được đăng tải vào trong Tuyển tập của ông nhan đề là The Shaking of the Foundations, phát hành năm 1949 tại Anh Quốc. Trong bài này, Tillich đưa ra một nhận định hết sức mới mẻ về Thượng Ðế. Thay vì chủ trương Thượng Đế là một đấng ngự trên trời cao thẳm, mà mọi người cố tin là có, ông lại cho rằng Ngài chính là Căn Cơ, Gốc Gác con người.
 Ông viết: «Tên gọi của Căn Cơ sâu thẳm của muôn loài được gọi là Thượng Ðế. Danh từ Thượng Đế chính là để chỉ chiều kích sâu thẳm đó. Nếu danh từ này chưa có ý nghĩa gì với bạn, bạn hãy chuyển dịch danh từ đó thành chiều kích sâu thẳm của cuộc đời bạn, thành nguồn gốc bản thể bạn, điều quan thiết tối hậu của bạn, và là điều mà bạn chú trọng nhất. Có lẽ, để làm được như vậy, bạn phải quên đi những gì mà truyền thống đã dạy bạn về Thượng Đế, phải quên ngay đi cả danh từ Thượng Đế. Vì nếu bạn hiểu đư'ợc rằng Thượng Đế là chiều kích sâu xa của cuộc đời bạn, bạn đã hiểu được rất nhiều về Thượng Đế. Hiểu Thượng Đế như vậy, không thể rằng bạn là vô thần hay vô tín ngưỡng. Vì bạn không thể nghĩ hay nói được rằng: Sự sống không có chiều sâu; sự sống chỉ là nông cạn, hời hợt; bản thể chỉ là phiến diện, Nếu bạn thực tình đã thốt ra những câu như trên, thì bạn là kẻ vô thần; bằng không, thì bạn đâu phải vô thần. Ai hiểu biết được chiều sâu, tức là hiểu biết Thiên Chúa.» [19]
Giám mục John A. T. Robinson, Giám mục giáo phận Woolwich tạl Anh quốc, tác giả cuốn sách nhan đề là Honest to God tả lại rằng khi ông đọc bài giảng trên, ông đã mở mắt ra và mục kích sự chuyển hóa của truyền thống giáo lý từ chiều cao thành chiều sâu.
 Nhiều môn phái Tin Lành, như Transcendentalists (T), Anabaptists (A), Quakers (Q), và Liberal Theology (LT) đều đồng thanh chủ trương Thượng Đế ngự trị trong lòng chúng sinh và muôn vật.
 Emerson (T) cho rằng: «Mặc khải cao siêu nhất cho thấy rằng Thượng Đế đã ngự sẵn trong lòng mọi ngườ.» [20]
Storch và Munstzer (A) tin rằng đấng Christ ở trong lòng mọi người... Chẳng những con người có thể kết hợp với Thượng Đế, lại còn có thể trở nên như Thượng Đế. [21]
 Niềm tin cốt cán của Giáo phái Quakers chính là trong con người đã có Linh Quang Nội Tại (Inner Light), đã có đấng Christ, đã có Thượng Đế. Chính vì vậy mà họ coi mọi người là anh em, và cố gắng làm những công cuộc cứu trợ, để làm vơi nỗi khổ của nhân loại. [22]
 Schleieremacher (LT) và phái Thần Học Tự Do cấp tiến, cũng đồng ý trong tâm có Trời, cho nên tôn giáo đối với họ chính là sự trực tiếp nhận ra rằng trong Hữu Hạn có Vô Cùng; trong Dị Biệt, Tạp Thù, có Ðồng Nhất Bất Phân.[23]

******************       


VIII.- Thuyết Tam Tài với Mật tông, Mật giáo Ðông phương: -


Mật tông, Mật giáo cho rằng các pháp môn tu luyện tuy nhiều, nhưng có thể thâu tóm lại thành 3 loại:
Luyện xác (Hatha Yoga)
Luyện tâm (Lana Yoga)
Luyện thần (Raja Yoga)
tương ứng với ba phần xác, hồn, thần trong con người.[27]
Như vậy các Huyền Môn Tây Tạng, và Mật Tông Ðông Phương cũng chấp nhận quan niệm Tam Tài về con người.

IX.- Thuyết Tam Tài với Thông Thiên Học: -


Thông Thiên Học, tuy chia con người thành 7 bình diện chính, 49 bình diện phụ, nhưng vẫn chấp nhận quan niệm Tam Tài về con người. Trong bài khảo cứu về Thánh ngữ AUM, do ông Fr. Mylne biên soạn theo tài liệu của ông, Arthur M. Coon, và đã được đăng tải trong tập san Tìm hiểu Thông Thiên Học, 1965, số Xuân Ất Tị, ta thấy nơi chú thích 1, trang 62, ghi như sau:

Theo Giáo lý Thông Thiên Học, con người gồm có:
– CHÂN THẦN hay Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế vô cùng tinh anh, ngự trị tại cõi Niết Bàn.
– CHÂN NHÂN hay là Tam Thể Thượng gồm có Tiên Thể, Thánh Thể, và Thượng Trí, hoạt động ở trong những cõi Niết Bàn, Bồ Ðề và Thượng Thiên.
– PHÀM NHÂN hay Tam Thể Hạ, gồm hạ trí, thể vía, và xác thân hoạt động ở những cỏi hạ thiên, trung giới và hồng trần.

Nhưng theo tôi, cái điều quan trọng của Thuyết Tam Tài là trong con người, dưới lớp Phàm Ngã, còn có Chân Ngã; dưới lớp Nhân Tâm, còn có Thượng Đế làm chủ chốt.
Ðiều này cũng chính là niềm tin của Thông Thiên Học.

Trong Theosophia 3, do Thông Thiên Học Việt Nam, chi bộ Phụng Sự phát hành, từ trang 13 đến 34, ông Lê Thiện Duyên, một hội viên Thông Thiên Học, khi giải thích dấu hiệu Thông Thiên Học đã viết:

«Ấn Tín Salomon, tức là hình ngôi sao sáu cánh cài lên nhau, chính là biểu tượng:
Thượng Đế và Con người; Thượng Đế nội tâm (tức là Chân Ngã) và Phàm Ngã.
Chân Ngã và Phàm Ngã, hay nói cách khác, Thượng Đế và Tâm hồn con người, liên lạc với nhau hết sức là mật thiết, như hai hình tam giác xuôi, ngược, trong ấn tín Salomon, được cài lên nhau, hết sức là gắn bó, đến nỗi không thể nào gỡ ra được, rứt ra được. 
Tam giác có đầu quay lên, tượng trưng cho Thượng Đế, hay con người thiêng liêng hay Chân ngã hay Chân Thần.
Tam giác đầu quay xuống tượrng trưng cho Phàm Ngã.

Như vậy ý nghĩa tổng quát của ấn tín Salomon, có ý muốn nói rằng hành giả nào muốn tìm đến thập tự Tau, tức cửa Ðạo, thì điều kiện tiên quyết là phải hợp nhất giữa mình và Thượng Đế. Ðiều này chỉ có thể đến, khi con người sống thuận theo Thiên Cơ và đồng thời khi thuận Thiên, tức nhiên nơi con người có sự hòa hợp giữa Chân Ngã và Phàm Ngã. Trong Phàm Ngã luôn luôn hiện diện tinh thần của Chân Ngã để nhờ đó, ta soi sáng bước đường hiệp nhất giữa con người và Thượng Ðế.»
Như vậy tôi đã chứng minh được điều mà tôi muốn chứng minh. Ðó là đối với Thông Thiên, trong Hồn còn có Thần; trong Nhân tâm còn có Thượng Đế làm chủ chốt.

X.- Thuyết Tam Tài trong Văn chương và triết học: -

 Ảnh Aristotle

Dante, một văn sĩ Ý thời Trung Cổ (1265-1321), cũng công nhận thuyết Tam Tài về con người. Nền nhân bản của ông coi vũ trụ là một toàn thể, và con người là nhãn giới tiếp giáp giữa Thượng Đế và vạn vật, là một thực thể duy nhất, nhưng nối kết với:
– Thế giới vật chất bằng ngũ quan.
– Thế giới tư tưởng bằng tâm tư.
– Thế giới huyền vi bằng Thần.[28]
Averroès (l126- l198), một triết gia Ả Rập ở Tây Ban Nha, đồng thời cũng là một nhà học giả Hồi giáo trứ danh, đã từng bình giải các tác phẩm của Aristotle, cũng chủ trương rằng hồn con người có liên lạc mật thiết với khối óc, và sẽ chết theo khối óc; nhưng, trong con người còn có Lý, tức là Nguyên căn vĩnh cửu. Tu luyện Lý ấy con người sẽ có thể kết hợp với Lý Sống Ðộng, với Ðại Trí vĩnh cửu phổ quát. [29]
 Môn phái Valentinian (thành lập vào khoảng năm 140 do Valentinus ở Alexandria, (cũng cho rằng con người có thể chia thành ba hạng:
– Phàm phu tục tử, xác đất vật hèn (Hyliques)
– Con ngườl có nhân cách (Psychiques)
– Con người có tiên cách (Spirituels) [30]
 Theo Papus, thì các triết gia huyền học hiện đại, khoa học huyền bí hiện đại, môn phái thần bí Allen Kardec và một số môn nhân Rosi-Crucians, cổ giáo Ai cập, mật giáo Kabbalah Do Thái, Pythagoras, Paracelsus và thánh Paul đều chủ trương thuyết Tam Tài với con người. [31]

********************         


XI.-  Từ ngữ với Thuyết Tam Tài: -

*Nhị tổ điều tâm - tranh Thạch Khác 石 恪 (Ngũ Đại)


 Khảo từ ngữ các nước, ta thấy nước nào cững có những tiếng để chỉ Hồn và Thần và cũng phân biệt Lương Tâm và Nhân Tâm.

 Ta có thể viết:

 Thần = Lương Tâm
 Hồn = Nhân Tâm

 Như vậy, phần Thiên, phần Thần nơi chúng ta là Lương tâm, phổ quát vĩnh cửu; còn phần Nhân nơi ta là Nhân Tâm, biến thiên hạn hẹp.
 Lương tâm thời phi nhân, phi ngã.
 Nhân tâm thời mang sắc thái riêng tư của mỗi người. Nó là những bộ mặt hóa trang, mà mỗi người đã đeo lên trên Lương tâm – Chân diện mục – của con người.
 Khi ta làm điều gì xấu, thì Lương Tâm oán trách ta.
 Còn Tâm hồn ta thì xấu hổ, phàn nàn, hối hận.
 Tiếng Pháp, tiếng Anh gọi Lương tâm là Conscience. «Con-» là «cùng», «Science» là «biết», mà đã «cùng biết», thì phải là HAI chứ là MỘT làm sao? .

 XII.- Những cảm nghĩ của tôi về Xác, Hồn, Thần: -

Quan niệm Tam Tài về con người giúp tôi nhìn tỏ về con người. Theo huyền học Kabbalah Do Thái, thì bình diện Tâm Hồn cũng được gọi là bình diện tinh tú (Astral plane).
 Ông Desbarolles, tổ sư khoa xem chỉ tay Âu Chãu, cũng đã theo truyền thống Kabbalah mà chia con người thành ba bình diện:
– Bình diện thần minh.
– Bình diện tâm hồn hay bình diện Tinh tú.
– Bình diện vật chất hay bình diện phàm trần.[32]
 Cũng có người lại chia Hồn thành Hồn Nước (âme liquide); Hồn Khí (âme aérienne).[33]
 Tôi vẫn cho hồn là KHÍ. Nhưng nhìn sâu sắc hơn lại thấy hồn có hai phương diện:
– Hồn Trọc = Phách (cấu tạo bằng trọc khí). Ðây là sở cư của thất tình lục dục, mà các nền luân lý của các Ðạo giáo cố công tìm cách kềm chế, chuyển biến.
– Hồn Thanh - Thanh Khí = Hồn (Cấu tạo bằng thanh khí). Lòng yêu chuộng nghệ thuật cũng từ nơi đây phát sinh.
 Dù Hồn là thanh khí, hay trọc khí cũng vẫn là cái gì hữu hạn, biến thiên, nên nó chính là cơ sở tạo nên cá nhân, cá tính, tạo nên phân biệt.
 Vì hữu hạn, nên bao giờ cũng khao khát, cũng khắc khoải. Vì biến thiên, nên vẫn ở trong vòng sinh tử, luân hồi. Vì mang đầy cá nhân, cá tính, nên còn hết sức là ti tiểu.
 Á Ðông mỗi khi kể chuyện người chết hiện hồn về đều mô tả như là một làn sương khói, tuy vẫn thấy hình, nhưng sờ nắm không còn được nữa. Ðại khái vẫn như là một «làn KHÍ» tụ lại...
 Thần, đối với tôi là một Linh Quang. Gọi là Linh quang vì nó tỏa lan khắp vũ trụ. Nó là một loại ánh sáng vi tế hơn «vũ trụ tuyến», có thể xuyên thấu mọi sự, chứ không phải thứ ánh sáng thông thường có tốc độ 300.000 ngàn cây số một giây, mà mắt phàm ta nhìn thấy được.
 Vì tỏa lan khắp nơi, xuyên thấu mọi sự, nên được gọi là ở khắp nơi, «vô sở bất tại». Vì thế Dịch kinh viết: «Thần vô phương, nhi Dịch vô sở.» Vì xuyên thấu mọi sự nên có năng lực vô biên. Vì là Linh Quang nên thông sáng vô cùng tận. Người xưa cho Thần là thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, ở khắp mọi nơi chính là vì vậy.
 Lúc mà THẦN đã thông, không còn bị kẹt trong sa mù nam châm của khí, của hồn; và trong vòng trọng trọc của vật chất, xác thân, lúc ấy Thần sẽ vô biên, sẽ khinh khoát, sẽ vĩnh cửu. Người xưa gọi thế là Giải thoát.
 Hiểu Thần, Hồn, Xác như vậy, mới có thể hiểu nghĩa đích thực của các đạo giáo, và về các vấn đề hữu hạn, vô hạn; tù túng, giải thoát; biến thiên và hằng cửu.
 Thần trong quan niệm Tam Tài của tôi phải được hiểu là Tuyệt đối thể vô biên vô tận. Nơi đây không còn Thanh và Sắc... Nơi đây là nơi vắng lặng không hư, chỗ qui tụ, hòa hài của thánh hiền, Tiên, Phật muôn thủa, muôn nơi... Ðược vậy, chính là vì đây là «Nơi không Nơi», «không đây, không đó».
 Quan niệm Tam Tài về con người đề cao giá trị của con người. Nó giúp chúng ta thấy rằng tuy các bình diện bên ngoài, các bình diện xác hồn con người thì biến thiên, sinh tử, nhưng bình diện căn cốt của con người lại trường sinh, vĩnh cửu.
Mới hay: -

“Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,
Áo thô sơ che dịu gấm hoa!
Rồi ra vàng ngọc chói lòa,
Trời người hợp nhất, Trung Hòa vô biên.”
 – Vì con người có Xác, nên mới có Ngũ Quan để tiếp xúc với ngoại cảnh.
 – Vì con người có Hồn, cho nên có thất tình lục dục, có trí lự để suy tư, để yêu cái này, ghét cái nọ.
 – Vì con người có Thần nên có Linh giác, Linh cảm, Linh Tri, Linh Tính, hay Tuệ giác, để tiếp xúc với Thần Linh, để khám phá ra những bí nhiệm của Trời đất.
Bên Á Châu cho rằng cái hiểu biết cao siêu, toàn bích là do Tuệ giác, Linh tri, Linh Giác. Bên Âu Châu thì cho là do Thượng Đế mặc khải. Càng ngày các bậc thượng trí, thượng nhân trong thiên hạ đều chủ trương rằng Linh Tri, Linh Giác hay Mặc khải không phải là hồng ân dành cho một số người nào đặc biệt, cho một thời đại nào đặc biệt, mà bất kỳ ai, nếu dày công tu luyện, sẽ đạt tới Linh Giác. Người ta thường cho rằng chỉ có đại thánh, đại hiền mới được diễm phúc đối thoại với Thượng Đế. Riêng tôi, tôi thấy chúng ta thường xuyên đối thoại với Thượng Đế, qua tiếng Lương Tâm, mà chúng ta không hề hay biết...
 Các tôn giáo công truyền xưa nay quan niệm hết sức sơ sài về Thần, Hồn, Xác. Hỏi bản tính Thượng Đế là gì, của Thần là gì, thì nói là tính thiêng liêng. Hỏi bản tính của hồn là gì cũng trả lời là tính thiêng liêng. Nhưng nếu hỏi thêm thiêng liêng có bản chất là gì, chắc là không trả lời được Khi biết mù mờ về con người, sẽ bế tắc khi nói về trường sinh, và giải thoát, và cũng sẽ rất hồ đồ về phương pháp tu luyện. Ðối với tôi truy nguyên về bản tính của Thần, Hồn, Xác là một vấn đề tuyên quyết, một vấn đề căn bản. Chúng ta hãy đi từ cái thô thiển nhất, trang trọng nhất, để tiến lên dần tới cái khinh thanh nhất và tế vi nhất.
 Xác dĩ nhiên là trọng trọc và thô thiển. Xác là vật chất hữu hình. Xác gắn liền với ngoại cảnh, với vật chất, với đất. Xác có ngũ quan để liên lạc với ngoại cảnh. Cỏ cây thảo mộc, cầm thú đều có sinh, có hủy. Xác con người cũng có sinh, có hủy. Chết đi xác con người lâu dần sẽ đồng hóa với đất đai. Ai là người mà đã chẳng chứng kiến cảnh tan rã, hủy hoại của thân xác con người?. Xác như vậy là Ðất, là Nước.

 Hồn con người, xét về bản tính, là KHÍ. Khảo từ ngữ Nhật Bản, ta thấy có điều lạ lùng này, là chữ Khí trong tiếng Nhật tương đương với chữ Hồn. Người Nhật rất chú trọng đến phần KHÍ trong con người, vì nó liên quan đến sức khỏe con người, tâm trạng con người. Họ cũng cho rằng bầu khí quyển bên ngoài mà biến chuyển, thì tâm trạng con người cũng biến chuyển.Vì thế khi viết thư từ cho nhau, bao giờ cũng bàn về thời tiết trước tiên. Ví dụ họ viết: «Ten ki ga ii desu.» (Khí Trời tốt), «Ten ki ga warui desu.» (Khí trời xấu) Khi muốn hỏi thăm sức khỏe nhau họ nói: «Ki bun ga ikaga desu ka?» (Khí phận Ngài hôm nay ra sao?) Tâm trạng vui buồn trong con người, hay dở trong con người, được coi như là khí khi tốt, khi xấu trong con người.

– Ki bun ga ii desu = Khí phận tốt - Vui = Sảng khoái - dễ chịu.
– Ki bun ga warui desu = Khí phận xấu = Bực bội, khó chịu.

 Có điều Khí đây là thứ Khí đặc biệt: Ðó là những «ions» + và «ions» – , nên luôn luôn phát sinh ra một từ lực và một từ trường. Khi gặp nhau, từ lực, từ trường của mỗi người đan quyện với từ trường từ lực của mọi người; rồi từ lực, từ trường của mình lại đan quyện với từ lực từ trường của quần sinh, vũ trụ. Chính vì vậy mà các đạo giáo Ðông Phương cho rằng con người bị «nhân duyên triền phược» và con người tự giam hãm mình vào trong những vòng cương tỏa gian trần.
 Dịch nói: «Tại thiên thành tượng.» Ở nơi tâm hồn, ta thấy đầy dẫy những ảnh tượng mà gian trần , mà xã hội đã in vào. Những ảnh tượng này thường ảnh hướng rất nhiều đến tâm trạng con người. Và những bão tố trong tâm hồn bên trong cũng y như những bão tố từ trường nơi vũ trụ bên ngoài. Ý niệm của chúng ta cũng bắt đầu hình thành ở nơi đây. Âu Châu có nhiều môn phái coi tính chất của hồn tương đương với tính chất các vì tinh tú, nên gọi thể hồn là ASTRAL (thể tinh tú).
 Nó đề cao giá trị con người, vì cho thấy Thần con người và Thần Trời đất là Một... Nó chỉ vẽ cho con người con đường đạo giáo chân thường: đó là đi vào nội tâm mà tìm Ðạo tìm Trời. Nó lại dạy con người một bí quyết hết sức nhiệm mầu khác là một khi đã đạt Thần, đạt Ðạo, đạt Thiên, lập tức phải rũ bỏ những gì biến thiên, tử sinh, hư ảo: đó là vật chất xác thân, đó là nhân tâm, tiểu ngã nếu chẳng vậy không thể nào thực hiện được khẩu quyết: «Ta và Cha Ta là Một.» (Yoan 17: 20-21)
 Cho nên, tu luyện thời mới đầu là lo cho thân xác được thoải mái, khoẻ mạnh; rồi lo cho tâm hồn ngày một nên tế vi, tinh khiết, tỉnh lãng, thanh cao.
 Cuối cùng là đạt trạng thái thần linh, tức là sống một cuộc đờl huyền hóa với trời đất, hồn nhiên, vô vi, vô dục, khoáng đãng, hư linh bất muội. Thế chính là đạt đạo, đắc đạo, phổ quát, bất biến, trường tồn, vĩnh cửu.
 Thực tế hơn, thì phải nói ta có thể cảm thấy xác thân, cảm thấy hồn dễ dàng, vì xác thân nằm trong phạm vi giác quan chúng ta, vì tâm hồn chúng ta có thất tình lục dục, có những thú thanh cao thuộc về thi ca, nghệ thuật. Nhưng còn Thần, còn Trời nơi ta, ta nghĩ rằng ta không sao cảm thấy được.
 Tuy nhiên, ta vẫn có trong tầm tay ta một phương tiện để cảm thấy Trời, thấy Thần trờl đất nơi ta. Thực vậy Trời chẳng ở đâu xa, Trời đã ở ngay trong tâm hồn ta. Trời chính là Lương tâm chúng ta.
 Tâm tư con người hằng giây, hằng phút biến thiên; Lương tâm con người muôn đời bất biến. Lương tâm con người vượt tầm không gian, thời gian; đã hiện diện ở nơi con người đầu tiên trên mặt đất, và sẽ hiện diện y như vậy nơi con người sau chót. Nó mới chính là Lời Chúa, nó mới chính là Thánh kinh, nó mới không sai lầm, nó mới vĩnh cửu.
 Lương tâm chính là cái gì cao quí nhất, đẹp đẽ nhất của nhân quần. Sống hoàn toàn thuận theo lương tâm, tức là sống hoàn toàn thuận theo Thiên Lý, và như vậy sẽ là một vị Thánh, Hiền, Tiên, Phật ngay từ khi còn ở gian trần này. Phật, Thánh xưa nay chẳng qua là những hiện thân của Lương tâm, của Thượng Đế...
 Pierre Abelard, một triết gia Pháp, thời trung cổ (1079- 1142) đã nói rằng: «Con người phạm tội là khi nào làm điều trái nghịch với lương tâm. Cái lề luật thiên nhiên ấy đã có trước sự mặc khải của các đạo giáo. Trước Moses, con người đã biết sống theo thiên lý. Socrates và Plato còn có đời sống thánh thiện hơn những người Công giáo sau này. Người Công giáo, người Do Thái và nhà triết học khi đàm thoại với nhau đã gặp nhau ở điểm tương đồng này, là lấy lương tâm làm kim chỉ nam cho luân lý và cho nhân loại...» [34]
 Tôi đã dùng thuyết Tam Tài, để nghiên cứu sự diễn biến của Văn Hóa, của Ðạo giáo và của Lịch sử trên triền thời gian.
 Thời Thượng cổ, nhân loại sống theo chữ Thiên, và đã tin rằng con người gồm đủ Tam Tài: Thần, Hồn, Xác. Nền đạo giáo cao siêu nhất của thời đại ấy là Thiên đạo, mà Thiên đạo là luyện Thần để sống phối hợp vớl Thượng Đế. Ðạo Lão gọi thế là Luyện Thần hoàn Hư, phục qui Vô Cực.
 Không thể nói được là ai đã lập ra Thiên đạo, vì Thiên đạo từ muôn thủa đã bàng bạc trong vũ trụ, và đã ẩn áo trong tâm linh con người Thánh, hiền, Tiên, Phật là những người có công khám phá ra Thiên đạo, và đã thực hiện Thiên đạo. Cho nên đối với tôi, Thiên đạo là «Ðạo vũ trụ», là «tôn giáo vũ trụ» (cosmic religion). Nó là của chung của muôn phương, và đã dành sẵn cho những tâm hồn thành khẩn nhất, đẹp đẽ nhất, hào sảng nhất. Nó có mục đích tối hậu là làm cho con người trở thành Thần, Phật, chứ không chủ trương van vái, lạy lục Thần, Phật.
 Thời Trung cổ, nhân loại theo quan niệm «lưỡng nguyên», và chỉ còn tin rằng con người có xác, có hồn. Nên cái đạo phổ biến nhất của thời ấy là đạo «tu tâm», sống sao cho công bằng, bác ái. Thời Trung cổ sống theo chữ Nhân. Các Ðạo giáo được sáng lập phần lớn là trong thời đại này. Chúng là những «Ðạo giáo lịch sử» (historical religions), nghĩa là có người sáng lập hẳn hoi, có khuôn phép, lễ nghi hẳn hoi. Tuy nhiên, chúng chỉ dạy rằng con người là con người. Con người không thể nào trở thành thần minh. Ðạo giáo lập ra cốt là để ca tụng thần minh, thờ phụng Thần minh, van vái thần minh để cầu phúc, nhương tai. Chúng có mục đích dạy con người thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Thế là đạo giáo đặt trọng tâm đi vào đời, để cải thiện đời, cải thiện xã hội. Ðạo giáo trong thời đại này, với hai chủ trương chính yếu là thờ phượng Thần Linh và yêu mến tha nhân, đã trở nên phóng ngoại, và dần dần đánh mất chiều kích tâm linh. Chủ trương của tôn giáo trong thời kỳ này là con người không bao giờ có thể nên bằng Thần Linh, không bao giờ có thể trở thành Thần Linh. Như vậy, con người đã từ chối giá trị siêu việt của mình, và đành mang lấy thân phận tôi đòi, đối với Thần Linh. Thật là: -

 “Ra vào theo lũ thanh y,
 Dãi dầu tóc rối, da chì quản bao.” (Kiều)

 Thời Cận kim, nhân loại chạy theo chủ nghĩa Duy vật, chỉ tin rằng con ngườl duy có xác. Hồn chỉ là hư danh, hay phụ tượng không đáng kể. Và cái đạo phổ quát nhất là cái đạo hình thức bên ngoài; là những công trình khai thác ngoại cảnh. Trào lưu được sùng thượng là xu phụ xác thân, tiền tài, danh lợi, hưởng thụ khoái lạc nhãn tiền.
*
* *
 Nhưng theo lẽ Dịch, cái gì cùng cũng sẽ biến; cái gì «vãng», cũng có lúc «phản». Vì thế nên trong tương lai, ta có thể tin chắc chắn rằng nhân loại sẽ đi lại ba chặng đường Tam Tài, nhưng sẽ đi theo chiều ngược, nghĩa là sẽ đi từ Vật đạo, tới Nhân đạo, rồi cuối cùng sẽ trở về Thiên đạo. Như vậy thuyết Tam Tài cho chúng ta một cái nhìn toàn bích về vai trò các đạo giáo, và ý nghĩa lịch sử nhân quần. Quan niệm Tam Tài cho thấy con người có 3 thứ đạo phải theo, phải giữ.
1. Vì có xác nên con người có Vật đạo. Vật đạo là lo khai thác ngoại cảnh, thích ứng với ngoại cảnh, để cho xác thân được no ấm, khỏe mạnh.
2. Vì có hồn, con người phải theo Nhân đạo. Nhân đạo dạy tu tâm, luyện tính, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, đối đãi với nhau cho vẹn tình, vẹn nghĩa, vẹn niềm kính ái, thủy chung, cốt sao cho tâm tư an lạc, gia đình đầm ấm, xã hội hòa ái.
3.Vì có Thần, nên con người phải theo Thiên đạo. Thiên đạo có mục đích tìm ra Chân Thần khuất lấp sau những bức màn hiện tượng tâm tư dầy đặc, trở thành Thần Linh, siêu xuất sinh tử. Như trên đã nói, hồn là phần biến thiên trong con người mà đã biến thiên ắt phải ở trong vòng sinh tử. Thần mới là phần bất biến trong con người. Mà đã bất biến, mới bất sinh, bất tử.
Mục đích tối hậu của con người là rũ bỏ cái xống áo biến thiên, sinh tử bên ngoài, để mà thể hiện cái Bản thể Thần Linh bất tử bên trong.
Nho gia gọi thế là: Khử nhân dục, tồn Thiên Lý.
Lão Trang gọi thế là: Tâm tử, Thần hoạt.
Bà La Môn gọi thế là: Tat Tvam Asi: Con là Cái Ðó.
Phật giáo gọi thế là thoát vọng tâm, thể hiện Chân tâm; siêu sinh tử, nhập Niết Bàn.
Không chấp nhận mình có Thần, vĩnh viễn không bao giờ vào được Nước Trời. (Yoan, 3:5-6), vĩnh viễn không bao giờ trở thành Tiên, Phật. Thần trong con người là hạt giống Tiên, Phật, Thần, Thánh. Không có Thần, dẫu tu muôn đời cũng không thoát được kiếp người... Ấp trứng gà, làm sao nở ra lại thành chim phượng?.

**************         

XIII.- KẾT LUẬN

Quan niệm Tam Tài, mà tôi đã trình bày như trên, có một tầm kích hết sức quan trọng,
Nó giúp chúng ta đi sâu vào chiều sâu tâm hồn, để tìm cho ra Thần Linh vỉnh cửu, tiềm ẩn bên trong. Nó vạch lại cho chúng ta thấy con đường mà hiền thánh xưa nay đã dùng, để bước vào cửa Ðạo, cửa Trời.
Nó không phải là một cuộc thăm dò, bàn cãi suông, mà chính là một công cuộc thăm dò để tìm hiểu về thân thế và định mệnh con người, với mục đích đem lại một sự biến chuyển nội tâm hoàn toàn, một sự tái tạo, phục sinh không tiền, khoáng hậu. Nó cũng sẽ làm đảo lộn quan niệm thông thường về đạo giáo. Thay vì vụ vào những hình thức thờ phụng, cúng quải, van vái bên ngoài, nó thôi thúc chúng ta hướng nội, quay về với bản tâm, để tìm cho ra Thần Trời đất, tìm cho ra Thượng Đế làm căn cốt bên trong. Có vậy mới mong khế hợp nhất như với Thượng Đế, mới mong giải thoát thật sự.
Xưa có một người hỏi Ðốn Ngộ thiền sư. Thế nào là Phật?
Thiền sư trả lời: «Gánh nước bán đầu sông.» Nghĩa là trong ta đã có một dòng sông linh thiêng, vĩnh cửu, đã có một vị Phật vô biên, mà ta không biết, lại vất vả, chen chúc nhau, đi cầu Phật ở bên ngoài, cầu Chúa ở bên ngoài; đi mua những thứ nước đục, mà người ta ngạo nghễ đem bán cho chúng ta với một giá rất đắt, ngay bên bờ sông tâm linh của chúng ta...

 Câu chuyện trên làm ta liên tưởng đến lời Thiên Chúa, ghi trong Jeremiah 2:13, đã trách dân Do Thái:-

«Dân ta lầm lỗi hai đàng,
Bỏ ta suối mát, đào quàng giếng khơi,
Nước thời chẳng thấy tăm hơi,
Giếng dò, giếng nứt, ôi thôi, khốn nàn !»

*Vương Dương Minh xưa cũng có những lời, những ý tương tự. Tôi mượn ý, mượn lời ông phóng tác thành bài thơ sau: -

“Sao thắc mắc lo suốt ngày, suốt buổi?
Sao học hành, bàn cãi mãi mà chi?
Bao nghi nan, mâu thuẫn của vấn đề,
Dùng trực giác, phá tan trong chốc lát.
Lòng con người có chỉ nam từ sơ phát,
Trong lòng người đã sẵn đấng muôn trùng.
Có mọi sự trong kho báu đáy lòng,
Sao ta vẫn ăn xin từng cửa ngõ ?” [35]

Ước mong bài khảo luận về thuyết Tam Tài này sẽ giúp quí vị, trong muôn một, tìm ra được Thần Linh nơi tâm khảm, vượt qua trần hoàn này trong vinh quang, và thực hiện được Bản thể tối hậu của mình, dữ Thiên đồng nhất. 





*Nhân Tử  NGUYỄN  VĂN  THỌ

______________________

*CHÚ THÍCH: -

[1] Un penseur de l'antiquité, Soplocle, je crois, dit: «Quelles que soient les choses admirables qu'il y ait dans le monde, rien n'est plus admirable que l'homme.» – Henri Montherlant. Nouvelles littéraires, No 2399 du 17 au 23 Septembre 1973, p. 12.
[2] Mạnh Tử, Tận tâm chương cú hạ.
[3] Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên. (Trung Dung, XX)
[4] «I recognized the center of the empyrean as a point of intuitive perception in my heart. Irradiating splendor issued from my nucleus to every part of the universal structure. Blissful amrita, the nectar of immortality, pulsed through me with a quicksilvelike fluidity. The creative voice of God I heard resounding as A um,. the vibration of the Cosmic Motor. Suddenly the breath returned to my lungs. With the disappointment almost unbearsble, I realiled that my infinite immensity was lost. Once more I was limited to the humiliating cage of the body, not easily accomodative to the Spirit. Like a prodiga child, I had run away from my macrocosmic home and lmprisoned my self in a narrow microcosm.» – Paramahamsa Yogananda, Autobiography of a yogi (Los Angeles: Self Realization Fellowship). pp. l49-l5l, 1946.
[5] Katha Up. IV, 1-4. 10-11. Cf. A Source Book of Indian Philosophy, p.47.
[6] Chandogya Up. III,XIV. 1-2, 4. A Source Book of Indian Philosophy, p.65.
[7] Radhakrishnan, East & West, Some Reflections, Harper and Brothers, Publishers. New York. 1956, p. 22.
[8] Thủ Lăng Nghiêm, diễn dịch Hán văn ra Việt ngữ và giải thích. Linh Sơn Phật Học Nghiên Cứu Hội phát hành. q.II, tr. 90.
[9] Ib. tr. 56.
[10] Ib. tr. 69.
[11] Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.
[12] Harsat Ahmad, The philosophies of the teachings of Islam, 1959, p. 19.
[13] But we created man, and we know what his soul whispers; for we are nigher to him than his jugular vein! (The Qur’ ân, L. 50)
[14] And when I have fashloned it, and breathed into it of my spirit... ( The Qur’ân XV. 30)
[15] He is the first and the last; and the outer and the inner... ( The Qur’ân, LVII. 30)
[16] L’Esprit (Ruah en hébreu. Pneuma en Grec, mot qui se rencontre 827 fois dans la Blile) c'est le souffle de vie qui est communiqué par Dieu... L' âme (Nephesch en Hébreu, Psuche en Grec, mot mentionné 873 tois dans la Bible) désigne avant tout la vie individuelle, la vie passagère. Of Charles Gerbier. Le Chemin du Salut, chapitre: L’Homme est-il immortel?)
[17] According to the Scriptures, Spirit is indestructible, but soul is destructible. Obviously then, they are not synonymous. It is clearly stated that the soul that sinneth, it shall die; but the Spirit shall return to God who gave it. Cf. Manly Palmer Hall, The Secret Teachings of all Ages, p. clv.
[18] Bible de Jerusalem, p. 1525, note a.
[19] The first of these in date tor me (though not in composition) was a sermon by Paul Tillich, which appeared in his collection The Shaking of the Foundations, publlshed ln England in 1949. lt was called The Depth of Existence' and it opened my eyes to the transtormation that seemed to come over so much of the traditional religious symbolism,when it was transposed from the heights to the depths. God. Tillich was saying, is not a projection 'out there',an Other beyond the akies, of whose existence we have to convince ourselves, but the Ground of our very being.
The name of this infinite and inexhaustible depth and ground of all being is God. That depth is what the word God means. And if that word has not much meaning for you, transiate it, and speak of the depth of our life, of the source of our being, of your ultimate concern, of what you have taken seriously without any reservtion. Perhaps, in order to do so,you must forget evrything traditional that you have learned about God, perhaps even that word it self. For you know that God means depth, you know much about him. You cannot call yourself an atheist or unbeliever. For you cannot think or say: Life has no depth! Life is shallow. Being itself is surface only. If you could say this in complete seriousness, you would be an stheist; but otherwise you are not. He who knows about depth, knows about God.
John A. T. Robinson, Bishop of Woolwich, Honest to God, The Westminster Press Philadelphia, 1963. pp. 21. 22.
[20] Emerson thought that the «highest revelation» was that God was in every person... (Paul F. Boller, Jr., American Transcendentalism, 1830-1860, G.P. Putnam's sons, New York, Capricorn Books, New York, 1974, p.78.
[21] Storch spoke of the mystics’ belief in the indwelling of the Christ in man... Not only could the individual be united with God through; his suffrerings; he could become as God... ( Jack Gratus, The False Messiahs, Taplinger Publishing company, New York, 1976. p. 93)
[22] They spoke of the light Within, or of Christ within, even of God within... In the world at large, Quaker concern early manifested itself in the alleviation of suffering and in philanthropic works.
John Dillenberger and Claude Weich, Protestant Christianity, Charles Scribner's sons, New York. 1954. pp. 119&121.
[23] Religion, more precisely, is the immediate apprehension of the Infinite in the finite, of the unity in the diversity. Ib. p.184.
[24] Xem Ðại Thừa Chơn Giáo, các trang 56, 61. Cao Ðài Giáo Lý, số 74, tháng Giêng. năm Nhâm Tí, tr.5. Cao Ðài Giáo Lý, Kỷ niệm Rằm tháng hai, Mậu Ngọ, tr. 20.
[25] Ðàn cơ Nam Thành Thánh Thất, giờ Ngọ, Mùng l, tháng Giêng, năm Kỷ Dậu. Xem Cao Ðài Giáo Lý, số 91,tr. 31.
[26] Lịch sử Cao Ðài, Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ độ, Ðồng Tân, quyển 2, Phần phổ độ, 1926-1927. Cao Hiên xuất bản. 1972. tr. 97.
[27] Autant que le Dhyana Yoga est commun à tous les Yogas, on pourrait réduire cette classification à trois, c'est-à-dire: Hatha Yoga. Lana Yoga et Raja Yoga. Chacun conduit à la perfection et au contrôle indomptable de l'un des trois asvects de l'homme: le vremier. celui de l'homme phvsique; le second, celui de l'homme mental: et le troisième celui de l'homme spirituel...
Le Yoga, comme un tout unifié, peut être conidéré comme une méthode efficace et scientifique de développer la triple nature de l'homme par le moyen de la concentration mentale sur les diverses fonctions psycho-physiques, les pouvotrs mentaux, et les forces spirituelles expérimentées par et au moyen de l'organisme humain. (Le Yoga Tibétain et les Doctrines Secrète, Édité par le Dr W. Y. Evans Vents, M.A.D. Litt. D.Sc. de Jesus College, Oxford- Traduction francaise de Marguerite la Fuente, pp. 44-45)
[28] The result, as Dante. a leading scholar puts it, is a humanism that can accept the Cosmos as a whole and yet see in MAN the horison between God and Nature, a being utterly one and yet linked by his senses to the world of matter, by his mind to the world of thoughts and by his spirit to the world of Mystery. The Cultural Approach to History, p. 210.
[29] II (Averròes) pensait que l' âmê humaine est étroitement assoclée avec le cerveau et meurt avec cet organ, mais qu' il existe en l'homme un, Raison, Principe dotê d' immortalité, en cultivant ce Principe, on peut s’unir à la Raison Active, à l’Intellect, agent universel et éternnel...
E. Royston Pike, Dictionnaire des Religions, p. 34.
[30] Serge Hutin. Lee Gnostics, Éd. PUF. p. 79.
[31] Cf. Papul. ABC Illustré de I' Occultisme, p.196.
[32] Le Mens; le corps sidéral; le corps terrestre. C'est toujours le monde divin, le monde abstrsctif, le monde instinctif. Le corps terrestre, fait de matière et qui doit nécessairement retourner à la matière, est porté vers les jouissances de la matière, il cherche à séduire et à corrompre, par l'attrait des plaisirs sensuels, le Mens deatinê à le dominer et à le conduire, il a pour auxiliaires les passion, surtout la volupté.
Le corps sidéral est l’intermédiaire entre l’âme et le corps matériel. II sert de lien entre le coeur, source de la vie du corps, et le cerveau, siège de la vie, de l’âme.
Le Mens, l’âme. est l’étincelle divine qui vit en nous: C’est notre guide, notre conscience, notre flambeau, pendant notre séjour sur la terre...
Desbarolles, Mystères de la main, p. 27.
[33] Cette âme (âm liquide) est le siège de notre «individualité» présente, mais elle est destinée à se dissoudre dans le Léthé comme le corps dans la Terre. L’autre âme, c’est le PNEUMA, le char de l’esprit, ainsi que l’appelait Platon, le noyau sans cesse grossi de l’immortalité de l’âme, l’embryon du corps glorieux. Raoul Auclair, Le Livre des Cycles, p. 143-144.
[34] II n'y a de péché que lorsque l'homme agit contrairement à sa propre conscience. La loi naturelle précède la révélation surnaturelle (avant Moise, déjà les hommes ont vécu selon Dieu. Socrate et Platon avaient plus de foi chrétienne que bien des chrétiens qui ont vécu après eux) et le Chrétien, le Juif et le philosophe qui discutent dans son dialogue, se rencontrent sous l'égide de la loi morale et de l'humanité. Paul Sander, Histoire de la Dialectique, Nagel, p. 67.
[35] Vấn quân hà sự nhật đồng đồng,
Phíền não trường trung thố dụng công.
Mạc đạo thánh môn vô khẩu quyết,
Lương tri lưỡng tự thị Tham Ðồng.
Nhân nhân tự hữu định bàn châm.
Vạn hóa căn nguyên bản tại tâm.
Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,
Chi chi diệp diệp ngoại đầu tầm.
***
Vô thanh vô xú. độc tri thì.
Thử thị Kiền Khôn vạn hữu ki,
Phao khước tự gia vô tận tạng,
Diên môn trì bát, hiện bần nhi.

P. Léon Wieger, Textes Philosophiques, Imprimerie de Hien Hien,1930, p. 260.

* Hết


**************         











No comments:

Post a Comment

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: