Wednesday, November 25, 2020

Phổ độ - widely spreading training salvation 1

Phổ độ 
 Widely spreading training salvation





Pho do - widely spreading training salvation
Phổ độ - widely spreading training salvation
Phổ độ 普 phổ 渡 widely spreading training salvation
generous, elegy compassionately, regulars, suitably, widely spreading training salvation. 
普 phổ 渡 độ 

Phật chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, 
Ai tìm Phật khác ấy là sai, 
Trong tâm khảm ta đây, Ngài ngự, 
Chẳng phải riêng ta, khắp mọi loài. 

Phật vẫn ở trong, vẫn ở ngoài,
Ai tìm Phật khác ấy là sai, 
Trong tâm khảm ta đây, Ngài ngự, 
Chẳng phải riêng ta, khắp mọi loài. 

Thế gian cả hữu lẫn vô tình, 
Ấy là thân phật đại quang minh, 
Từ đó nảy sinh 3 phẩm giới: 
Nhiếp, luật, nghi, độ khắp sinh linh. 

攝律儀普渡
摄律仪普渡
攝律宜普渡

攝攝摄 
儀仪宜宐
普 phổ 渡 độ 
generous, elegy compassionately, regulars, suitably, widely spreading training salvation. 
---------------------- 


 TỨ NHIẾP PHÁP

I. VĂN: 
Hoằng pháp lợi sanh là hạnh nguyện của chư Phật, chư vị Bồ tát. Đức Phật ra đời với một ý nguyện lợi sanh. Cho nên trong, tất cả phương tiện giáo hoá khuyến tu của Ngài, không một pháp môn nào ra ngoài mục đích ấy.

Người Phật tử theo dấu chân Phật và Bồ tát, học Phật không chỉ riêng giác ngộ cho mình mà còn làm cho người khác cùng hiểu biết và hành trì pháp Phật cũng như mình, nghĩa là phải lợi sanh. “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” không chỉ là lời nói suông mà người Phật tử phải thể hiện trọn vẹn trong quá trình học đạo, tu đạo và sống đạo của mình.

Tứ nhiếp pháp còn gọi là 4 nhiếp sự, là nền tảng đạo đức của thế gian. Thế gian xoay quanh 4 nhiếp sự như bánh xe quay quanh trục. Đây là cương thường đạo lý của người Phật tử tại gia.

Tứ nhiếp pháp được Phật kiến lập trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Bốn pháp.

Muốn thực hiện tinh thần lợi sanh, đức Phật kiến lập pháp môn TỨ NHIẾP PHÁP để dạy chúng ta hành đạo như sau:

1. Định nghĩa:

Tứ là bốn.

Nhiếp là nhiếp hóa, nghĩa là thâu độ.

Pháp là pháp môn, là phương pháp thâu độ người khác.

Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp giúp mình xa lìa những thói hư tật xấu, hoàn thiện nhân cách, tăng trưởng phẩm hạnh, từ đó tiến đến phổ độ kẻ khác. Đây là bốn phương pháp để người Phật tử phổ độ người khác về với mình, để cùng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Có đưa người khác đến với ta, thì ta mới có cơ duyên hóa độ.

Bốn phương pháp ấy là: “Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự”.

2. Nội dung Tứ nhiếp pháp:

a. Bố thí:

Nói nôm na bình dân thường là “Cho”, là “Giúp đỡ”, là “Dâng Tặng”, là “Cúng dường”.

Chữ THÍ là lấy của mình cho kẻ khác. Lấy của mình đem cho, tức ngầm chứa một sự hy sinh, dù nhỏ dù lớn, dù ít dù nhiều.

Bố có nghĩa là cùng khắp, rộng rãi.

Bố thí là cho một cách rộng rãi.

Một khía cạnh khác của Bố thí, khi đã hy sinh của mình đem cho người khác là đã biểu lộ lòng thương, lòng vị tha, thay thế cho lòng vị kỷ. Đây là động cơ đầu tiên cho lòng thương rộng lớn đó là lòng Từ bi.

Bố thí là sự chu cấp không những cho tất cả mà còn chu toàn nữa (all the ways).

Bố thí có ba phương diện: 

* Tài thí: gồm có Nội tài và Ngoại tài.

– Ngoại tài: nghĩa là đem của cải, tiền bạc, vật dụng nằm ngoài tài sức để giúp đỡ đời sống thiết thực cho chúng sanh.

– Nội tài: là bố thí chính tài sức của mình, sức lực, lời nói, tư tưởng, ý kiến v.v… một thứ tài sản dù nghèo đến mấy cũng có và tài sản ấy mới thật là của mình. Đừng viện cớ: tôi nghèo quá, không có gì để bố thí. Cho dù nghèo tận cùng con số không, vẫn còn có tài sức của mình, đó là vật sở hữu vô giá. Có tài sức là có sức lực, có trí tuệ bố thí cho người khác như gặp người gánh nặng ta gánh giúp, đẩy hộ một chiếc xe lên đốc cao… Đó cũng là cách bố thí. Phật dạy rằng: “Đời ai không có tài sức, có tài sức là có thể bố thí được”

* Pháp thí: nghĩa là đem giáo pháp chân chính mà giảng dạy cho chúng sanh thoát khỏi những đau buồn, đắng cay của cuộc đời, tạo niềm hân hoan vui sống cho họ hoặc tụng kinh niệm Phật để hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh.

Đem Phật pháp cảm hoá mọi người đó mới là phương tiện chính của người tại gia phục vụ xã hội.

Đức Phật dạy, trong mọi cách cúng dường, cúng dường Pháp là tối thắng, vì Pháp đem lại an vui lợi lạc cho đời này và vô lượng phước báu cho đời sau, là nhân giải thoát trong tương lai.

* Vô úy thí: tức là đem năng lực, uy thế, tất cả những gì của mình có thể che chở để bố thí cho họ “Sự không khiếp sợ” trong những lúc nguy biến, ấy là vô uý thí.

Làm thân người ai cũng có nỗi lo sợ, sợ đói, sợ nghèo, sợ bệnh tật, sợ tai họa, ách quốc gia. Vô úy thí là dùng tất cả phương tiện bố thí để giúp chúng sanh an tâm trước mọi sự nguy hiểm và biến cố. Gặp những tai nạn khủng khiếp ta hãy tìm phương cách giải cứu. Sự khổ sống trong sanh tử luân hồi ta phải giáo hóa khuyến tu để cầu giải thoát.

Vị Bồ tát có năng lực đem lại sự bình an cho chúng sanh là Ngài Quán Thế Âm. Đức Quan Thế Âm thực hành như vậy mà thế giới Ta Bà gọi Ngài là “đấng bố thí sự vô uý”.

Ngoài Tài thí, Pháp thí, còn chú trọng đến pháp Vô úy thí.

Thực hành tài thí để tương trợ đời sống vật chất cho chúng sanh. Thực hành Pháp thí để giáo hoá chúng sanh và thực hành hạnh Vô uý thí để loại bỏ những tư tưởng khiếp nhược cho chúng sanh.

Bố thí mà chỉ mong cầu báo đáp thì chỉ có phước báu, chứ không thực sự giúp ta ta vĩnh ly khổ ách, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Bố thí Ba La Mật là hình thức bố thí cao cả nhất của Phật giáo. Đó là cách bố thí không thấy có kẻ bố thí, người được bố thí và của được bố thí, nên gọi là Tam luân không tịch. Câu chuyện Thái tử Tu Đại Noa nói lên ý nghĩa cao cả của việc bố thí này.

b. Ái ngữ:

Ái ngữ là đối xử với người bằng sự mềm dẻo xuất phát từ một thiện ý thành thực cảm hoá.
Dùng lời nói dịu dàng, hoà ái, khiêm tốn, khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ cảm mến. 
Nói lời hoà nhã nhằm an ủi, giúp người vượt qua sự khổ sở. Dù với bất cứ hoàn cảnh nào như đứng trước một nhân vật hung hăng, lời lẽ mình vẫn nhu hòa để cảm hóa họ trở về con đường thiện lành.

Muốn có ái ngữ phải luôn luôn trầm tĩnh thân tâm. Không nên xem thường ái ngữ, vì ái ngữ dễ nhiếp phục lòng người. 
* Ái ngữ có công năng giúp kẻ khác tiến lên đến chỗ tốt đẹp.

c. Lợi hành:

Là lợi hạnh với mọi người. Mỗi người sống đều có lý tưởng. Lợi hành là hành vi giúp người đạt được mục đích tốt đẹp mà họ mong muốn, là làm việc vì mục đích cao cả có lợi cho người, không so tính thiệt hơn, nếu không muốn nói hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cho người khác.

Lợi hạnh là cách thâu độ lòng người nhanh nhất, hữu hiệu nhất.

Hình ảnh vị Bồ tát Trì Địa là một tấm gương sáng về Lợi hành, suốt cuộc đời chuyên lo tu sửa đường sá, lấp các ao rạch ngăn trở lối đi, bắc cầu qua các kênh mương, gánh giúp cho người già cả, giúp đỡ kẻ tật nguyền neo đơn, từ những việc lặt vặt đến những việc lớn lao đều không từ chối nên được Phật ấn chứng.

d. Đồng sự:

Đồng sự là phục vụ công việc lợi ích chung hay những phận sự xã hội mà mình phải gánh vác. Đồng sự còn có nghĩa là phổ độ tương trợ, cảm hoá họ.

Cùng hòa nhã, thông cảm cảnh ngộ của người khác để dẫn dắt họ về với chánh pháp. Đây là một pháp vừa có hiệu quả lớn mà cũng vừa rất tế nhị. Cùng một cảnh ngộ thì dễ cảm thông với nhau hơn. Cụ thể, những người cùng hoàn cảnh rất dễ thông cảm nhau. Một tấm gương đồng sự của Bồ tát Duy Ma Cật: Đến nơi cờ bạc thì Ngài dùng nơi đó để độ người. Thấy ai Ngài cũng kính nhường. Ngài nhiếp phục kẻ lớn người nhỏ. Dạo chơi nơi ngả tư đường, Ngài giúp cho chúng sanh dự vào việc chánh đáng. Vào nơi giảng luận, Ngài dùng pháp Đại thừa mà dẫn dắt kẻ khác. Vào nơi học đường, Ngài khuyên thiện và khai hóa học viên. Vào chốn ăn chơi, Ngài chỉ chỗ tội lỗi của sắc dục. Vào quán rượu, Ngài vẽ phác chí hướng cho những đệ tử của say xỉn. (Phẩm Phương tiện).

Đồng sự với mọi người, với mục đích là giáo hoá. Do đó, không một chỗ nào dù là chỗ xấu xa như nơi cờ bạc, chốn buôn hương bán phấn, Duy Ma Cật lại không bước chân vào.

Gần chúng ta hơn, Bồ tát Quán Thế Âm vì lòng từ bi thương xót chúng sanh và muốn chúng sanh an lạc tự tại, Ngài hiện 32 ứng tài sức tùy sở cầu của chúng sanh mà thi hiện cứu độ.

Đồng Sự với ý nghĩa cao sâu hơn, Đồng sự tức là Đồng ngã: nâng người lên ngang với mình về phương diện đạo đức. Đây là phần về Phật pháp: giúp người hiểu Phật pháp giữ giới ngang với mình, thấy người phạm giới giáo dục cho họ không phạm giới và giữ giới đã thọ như mình, giúp người khác (bạn tại gia) có kinh điển để học. Đối với người xuất gia: Kiến hoà đồng giải và Giới hoà đồng tu, đó là Đồng sự.

Yếu tố Lợi hành, Đồng sự giúp người chóng thích nghi với mọi môi trường ở cuộc đời và luôn tạo cho mình niềm an lạc tự tại để sống.

II. TƯ:
Tứ nhiếp pháp giúp huynh đệ tỷ muội tạo dựng cuộc sống an lạc, tự tại, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Tứ nhiếp pháp là một phương tiện thiện xảo để nhiếp phục, cảm hóa những người chung quanh.
Tứ nhiếp pháp còn giới hạn thân khẩu ý tạo tác các vọng nghiệp, tạo năng lực hành thiện độ sanh, giúp chúng ta sớm gần với chân lý giải thóat giác ngộ.
Thấy người thực hành Tứ nhiếp pháp mà sanh tâm hoan hỷ thì công đức vô lượng.
Câu chuyện “Gã cùng tử” trong kinh Pháp Hoa làm diễn tả Thế Tôn cũng như tâm nguyện của chúng ta trên con đường phục vụ chánh pháp.
III. TU:
Huynh đệ tỷ muội thực hành hạnh Bố thí để xả bỏ dần tánh tham lam keo lẩn.
Huynh đệ tỷ muội dùng lời nói nhu hòa để cảm hóa những người chung quanh.
Luôn làm mọi việc ích lợi cho tất cả chúng sanh.
Tự đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân mới thấu hiểu những trăn trở của họ, từ đó sẽ thông cảm, vị tha, độ lượng, nhân từ.
Tứ nhiếp pháp là một pháp môn rất cụ thể. Tứ nhiếp pháp không phải là một giáo lý xuất thế, mà là yếu tố xây dựng cuộc đời, đưa mọi người vào ánh sáng chánh pháp.

Với hạnh nguyện lợi tha, Tứ nhiếp pháp là phương tiện khéo và đủ vậy.

IV. CÂU HỎI:
Tứ nhiếp pháp là gì?
Giải thích nghĩa 2 chữ Bố thí trong các trường hợp?
Thế nào là Vô úy thí?
Đồng sự là gì? Vị Bồ tát nào đã thực hành Đồng sự một cách rốt ráo?
Huynh đệ tỷ muội thực hành Tứ nhiếp pháp như thế nào trong cuộc sống?
---------------------- 
 


Tứ Nhiếp Pháp

Hòa thượng Thích Thiện Hoa

A. Mở Ðề


Tu hạnh lợi tha nhiếp hóa chúng sinh là bổn phận của Bồ Tát. Ðức Phật ra đời nhằm mục đích cứu đôĩ chúng sinh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Người Phật tử theo dấu chân Phật tất phải tập làm những gì đức Phật đã làm. Trong khi tu hành, Phật tử không bao giờ nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Trong đạo Phật, mình với người là một khối, mình không khác người, không thể phân chia ra được. Càng lo tự lợi chừng nào lại càng đi ngược với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người, càng chú trọng đến lợi tha, lại càng mau chứng ngộ chừng ấy.

Phật có vô lượng phương pháp cứu độ chúng sanh, chúng ta muốn áp dụng phương pháp nào cũng được. Song muốn có kết quả cụ thể, chúng ta phải tùy theo căn cơ, hoài bão của chúng sanh mà lựa pháp môn tu hạnh lợi tha. Ðối với người đồng loại, chúng tôi tưởng không có phương pháp nào có hiệu quả thiết thực lợi ích cho người và làm cho người cảm hóa sâu xa bằng pháp môn Tứ nhiếp pháp.

B. Chánh Ðề


I. Ðịnh Nghĩa: 

Tứ nhiếp pháp là gì? Tức là bốn phương pháp lợi tha để nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp. Bốn phương pháp đó là:

- Bố thí nhiếp
- Ái ngũ nhiếp
- Lợi hành nhiếp
- Ðồng sự nhiếp

II. Hành Tướng Của Tứ Nhiếp Pháp


1. Bố thí nhiếp: Một xã hội tốt đẹp hay xấu xa, hòa bình hay hỗn loạn không phải là không nguyên nhân. Nguyên nhân của hỗn loạn xấu xa chính là lòng ích kỷ. Nhân loại đang quằn quại trong khổ đau, những cảnh nồi da xáo thịt, tái diễn hằng ngày là do đâu, nếu không phải chính là lòng tham lam ích kỷ?

Ðạo Phật là đạo từ bi, nghĩa là cứu khổ. Mà những nỗi khổ lớn của con người là gì? Ðó là sự thiếu thốn về vật chất sự mê mờ về tinh thần, và lòng lo sợ về đủ mọi thứ, như lo sợ mất tiền của, mất thân mạng, gặp tai biến v.v...

Vậy người có lòng từ bi, muốn cứu khổ thì trước tiên phải xả bỏ tánh ích kỷ, cho mọi người thứ mình có, cho những gì người khác mong muốn. Nghĩa là phải làm hạnh bố thí. Do sự bố thí ấy mà mình cảm phục được người chung quanh, mà người chung quanh thân mến mình và mong cầu học đạo giải thoát. Bố thí có 3 lối: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

a) Tài thí: Tài là tiền của. tài thí là đem tiền của mà bố thí, để cứu vớt người đồng loại thoát khỏi đau khổ. Cảnh khổ của chúng sinh về vật chất không thể kể xiết: người thiếu cơm, kẻ thiếu áo, người thiếu thuốc thang, kẻ thiếu nơi nương náu... Ðứng trước bao cảnh khổ ấy, người Phật tử không thể nào an nhiên hưởng sự sung sướng riêng được, mà trái lại thấy mình có bổn phận xuất của, ra công giúp kẻ nghèo khổ, thiếu hụt.

Ðừng viện cớ, hay tự an ủi, mình nghèo không có của tiền giúp đỡ người chung quanh. Thật ra miễn là mình có từ tâm hay không, chứ không phải mình hoàn toàn thiếu phương tiện để giúp đỡ người khác. Một chén cơm vẫn có thể chia hai được, một manh chiếu vẫn còn đủ chỗ cho thêm một người nằm được. Người ta thường nói: "chật bụng chớ chật chi nhà", là thế. Người triệu phú đem cho năm, bảy ngàn bạc cũng tốt. Người nghèo chỉ có hai bộ quần áo, mà đem cho bớt đi một bộ cũng tốt.

b) Pháp thí: Pháp là giáo pháp, là những lời dạy, những giáo lý của đức Phật và các bậc Thánh Hiền Tăng, là Tam tạng Kinh điển. Pháp thí là đem những giáo pháp quý báu ấy mà bố thí, giảng dạy cho chúng sinh.

Chúng sinh đang mê mẫn, xoay vần trong sáu cõi, gây nghiệp rồi thọ báo, khác nào tỉnh mộng rồi lại mơ. Trong lúc mộng nào biết có mơ, cứ lăn lộn vào đường ái, như bướm đâm đầu vào đèn. Vì thế, đức Phật mới đem giáo pháp ra giảng dạy khiến cho chúng sinh ra khỏi biển khổ luân hồi.

Pháp của Phật nhiều vô số lượng, cao nhiêu cũng có, thấp bao nhiêu cũng có, đủ cỡ, đủ loại cho mọi căn cơ. Dù người nước nào, bực nào, căn cơ cao hay thấp, sáng hay tối, một khi nghe đến pháp của Phật, tùy sức đều được hiểu cả. Nên trong kinh có câu: "Phật thuyết nhất âm, chúng sinh tùy loại các đắc giải".

Chúng ta đừng viện cớ mình còn kém Phật pháp, không thể làm công việc thí pháp được. Như trên dã nói, Pháp Phật có vô số lượng pháp môn, nếu không biết được pháp môn cao thâm, thì cũng biết được pháp môn thông thường. Mỗi Phật tử ít ra cũng biết tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, ăn chay. Chúng ta đem những điều ấy chỉ bảo cho người, thế cũng là thí pháp rồi. Nếu làm những điều ấy với tấm lòng chân thật, hoan hỷ, cố mong sao cho người chung quanh đi đến với đạo để được lợi ích.

Tuy thế, đã là Phật tử thì chúng ta có bổn phận phải luôn luôn trao dồi, học hỏi để biết rộng hiểu nhiều, hầu tự giải thoát và để công việc thí pháp của chúng ta được hiệu quả hơn, phổ biến rộng rãi hơn và ứng dụng trong mọi trường hợp.

Thí pháp càng lan rộng, thì người xu hướng về với Phật pháp càng nhiều và cõi đời càng bớt đau khổ.

c) Vô úy thí: Vô úy là không sợ hãi. Vô úy thí là đem cái không sợ mà thí cho chúng sinh. Sự sợ hãi là một tâm trạng rất thông thường của chúng sinh trong cõi đời giả tạm và đầy đau khổ này. Vậy người có lòng từ bi, phải cố gắng làm sao cho chúng sinh chung quanh có được sự bình tĩnh, yên ổn của tâm hồn, không hoang mang lo lắng, sợ hãi.

Vô úy thí, không phải chỉ những người có can đảm, có tài năng, có uy quyền mới làm được. Hằng ngày chung quanh ta, biết bao người đang ở trong cảnh sợ hãi; nếu thật chúng ta có lòng từ muốn giúp đỡ cho họ khỏi sợ hãi thì không có lúc nào là không thể làm được: một đứa bé đang kinh hãi trước hàm răng của con chó dữ; một bà lão lo sợ bị xe cán không dám băng qua đường nhiều xe cộ; một thiếu nữ đi đêm "sợ ma"; một thí sinh run rẩy trước giờ vấn đáp v.v... đó là bao nhiêu cơ hội mà chúng ta có thể thi hành pháp Vô úy thí. gặp người bị tai nạn, ta đem tài năng hay thế lực ra đùm bọc, che chở, cho họ khỏi sợ hãi; gặp người đau ốm, lo sợ thần chết mang đi, ta lấy luật vô thường giảng giải cho họ và bảo họ niệm đức Quan Thế Âm Bồ Tát hay các đức Phật Thánh Thần Tiên (như là: Phật A Di Ðà, v.v...) đó là Vô úy thí. 

Tóm lại, bố thí là do lòng từ bi vô hạn mà làm. Nó có một phạm vi rộng rãi vô cùng. Khi nào còn có chúng sanh đau khổ thì ta còn bố thí.

Hình thức cao nhất của bố thí là bố thí Ba la mật, nghĩa là bố thí rất nhiều mà không thấy mình có bố thí; bố thí mà không phân biệt thân sơ, không chấp ta, người, thù, bạn; bố thí mà không chấp số lượng những vật thí. Như thế là ta đã thành tựu pháp "Tam luân không tịch" về bố thí. Khi ấy, bố thí không còn là một việc làm phúc hay ban ân nữa, mà chính là một việc tự nhiên, không thể bỏ qua được như ăn, như uống hàng ngày.

Vậy đã là Phật tử thì không thể nào không thi hành pháp bố thí được. Sự thi hành này tùy phương tiện, tài năng, thể lực của mình, và ở trong hoàn cảnh nào cũng làm được, chứ không phải đợi có đủ một số điều kiện nào đó mới làm được. Miễn là ta càng cố gắng giúp ích, cứu khổ cho người được chừng nào thì quí chừng ấy.

2. Ái ngữ nhiếp: Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn cơ tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn, nhân thế khiến cho họ sinh lòng thân mến, cảm phục, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo.

Ở đời nhiều người đối với mọi người dùng lời không tao nhã, nên làm cho người chung quanh chán ghét. Vì thế, nhiều việc phải bị hư hỏng.

Tục ngữ có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Thật thế, lời nói là một của báu mà mọi người đều có cả, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Nhưng cũng lời nói ấy người nầy sử dụng thì nên công việc, còn người kia sử dụng thì lại tán gia bại sản. Sở dĩ như thế là vì một bên biết lựa lời ăn nói dịu dàng, dễ nghe, còn một bên cộc cằn, thô tục. Nhiều người, tự bào chữa, thường bảo: "Tánh tôi ngay thẳng và có hơi nóng, nên hay ăn to nói lớn, chứ thật ra tôi không có ác ý". Không có ác ý, nhưng làm cho người chung quanh phải đau khổ, khó chịu vì lời nói khiếm nhã, thô bạo của mình, thì có khác gì người ác?

Vậy Phật tử chúng ta muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được phái ái ngữ, nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái, thương yêu trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người ta đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên lơn, vỗ về lại càng vô cùng quí báu, vì có thể thoa dịu được vết thương lòng và làm cho người ta vô cùng cảm kích, khó mà có thể phai mờ được.

3. Lợi hành nhiếp: Lợi hành nhiếp là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói hay hành động, khiến cho người ta sinh lòng thân mến mà học đạo.

Cái gương sáng nhất về phương diện lợi hành là cái gương Ngài Trì Ðịa Bồ Tát. Suốt đời, Ngài thường gánh đất đắp đường, ban cho bằng phẳng, hoặc bắc cầu để cho khách bộ hành đi lại được dễ dàng tiện lợi. Ngài thay người già gánh nặng, đẩy giúp cỗ xe lên dốc cao, chèo giúp cho người lái thuyền ngược nước... Tóm lại, bất luận việc lớn nhỏ, miễn giúp ích được cho người là Ngài không bao giờ từ nan. Xem thế, thì không cần phải đợi có dủ phương tiện mới làm lợi ích cho người được. Chỉ với một ít sức khỏe cũng có thể giúp được nhiều việc lợi ích cho người rồi.

Có khi chỉ cần một ý nghĩ tốt, một lời giới thiệu hay cũng có thể giúp cho người chung quanh có công ăn việc làm.

Ðối với người giàu có, nhiều phương tiện thì phạm vi hoạt động cho lợi hành lại càng rộng rãi. Họ có thể xuất tiền của ra làm nhà dưỡng lão, nuôi người tuổi già sức yếu, để tuổi già của họ bớt đen tối, nguy nan; hay họ xây viện dục anh, nuôi trẻ mồ côi cha mẹ, cho chúng học hành và có nghề nghiệp, huấn luyện cho chúng thành những công dân hữu dụng. Hay dựng trại tế bần, cấp dưỡng cơm ăn áo mặc cho kẻ đói khó, hay dựng bệnh xá để cứu chữa những kẻ bệnh tật; hay xây trường học giúp con em có nơi học hành. Ðó là bao nhiêu công việc vô cùng lợi ích, vừa cho đời vừa cho đạo. Những công việc lành ấy sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát là con đường của đạo Phật.

4. Ðồng sự nhiếp: Ðồng sự nhiếp là tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà cộng sự với họ, để một mặt giúp đỡ họ, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo ta đến gần đạo cả.

Chẳng hạn như khi ta cùng làm việc trong một công sở, trong một xí nghiệp, trong thương trường hay trong nông nghiệp, mà từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ ý nghĩ cho đến câu nói, ta luôn luôn nêu gương đạo đức, tận tâm tận lực làm việc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi mình, cho bạn đồng nghiệp, dần dần những người cộng sự, sẽ tiêm nhiễm những đức tánh tốt đẹp của ta, sẵn sàng nghe theo, làm theo những điều ta khuyên bảo.

Ðồng sự nhiếp, là một phương pháp có hiệu quả để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. 

Với đồng sự nhiếp, ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống. Ta nên thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ; nhờ thế ta có thể giúp ích cho họ một cách có hiệu quả hơn. Vì thế ta có thể nhiếp hóa họ dễ dàng, sâu xa hơn. 
Dù là ở đâu, công sở hay tư sở, nhà máy hay nông trường, có sự chân chính, thuần thiện, thời ở đó số người thiện lành càng ngày càng đông, càng mạnh.

III.Lợi Ích Của Tứ Nhiếp Pháp


Nếu ta thực hành đúng theo tứ nhiếp Pháp ta sẽ thấy những kết quả đẹp đẽ sau đây:

1. Về phương diện cá nhân: Ta sẽ là một con người gương mẫu; mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của ta đều là một hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau nầy ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Những gì của ta nói ra, làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Ta có thể phổ độ nhân tâm một cách dễ dàng, rộng rãi, và mỗi khi đi đến đâu, ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2. Về phương diện gia đình: Do ảnh hưởng tốt đẹp, mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cả. Và một gia đình gồm những phần tử như thế, thì thể nào cũng được trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nghĩa là có hạnh phúc.

3. Về phương diện xã hội: Một người tu hạnh tứ Nhiếp pháp cũng đã gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội. Số người tu Tứ Nhiếp Pháp càng nhiều thì xã hội lại càng được cải tiến, và trở thành thuần lương, thiện mỹ.

Nếu áp dụng triệt để tứ Nhiếp Pháp vào cuộc đời thực tế, thì xã hội sẽ được cải tiến một cách vô cùng lợi lạc.

C.Kết Luận


Như trên đã nói, Tứ Nhiếp Pháp là một pháp môn để cải tiến xã hội một cách có hiệu quả nhất. Nó lấy lợi sanh làm căn bản, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm mục đích. Ðây chúng ta hãy nhớ lại từng điểm một:

1) Hãy đem của cải giúp cho người túng thiếu, tật nguyền, đem Phật pháp giảng nói để cho mọi người cải ác tùng thiện, đem dũng lực tinh thần hay vật chất để che chở cho người chung quanh khỏi lo sợ.

2) Hãy nói lời ôn hòa nhã nhặn, để cảm hóa người ta đi theo con đường lành.

3) Hãy làm lợi ích cho mọi người trong mọi trường hợp.

4) Hãy hòa nhã với cuộc sống chung quanh, nhận rõ được người nhu cầu thiết tha của mọi người, hầu giúp đỡ họ một cách có hiệu quả, và đưa dần dần họ về con đường chánh.

Vậy chúng ta không thể dửng dưng trước những lời kêu gọi lợi tha ấy được.

Nếu chúng ta không nên làm ngơ, vì chúng ta hiểu hai yếu tố quan trọng nhất để tu hành: đó là lòng từ bi và lợi tha. Thiếu hai điểm ấy không bao giờ chúng ta có thể tiến triển trên đường đạo được.

Thích Thiện Hoa
(trích "Phật học Phổ thông")
---------------------- 




TỨ NHIẾP PHÁP

 

THÍCH THÔNG HUỆ

 Tất cả chúng ta, ai tu hành cũng đều muốn nổ lực cho tự thân được lợi ích, đó gọi là tự lợi. Khi chính mình được chuyển hóa tốt đẹp, chúng ta đem kết quả đó san sẻ giúp ích cho người khác, đó gọi là lợi tha. Tự lợi và Lợi tha là con đường tu hành của các bậc Bồ Tát.

Chúng sanh đa bệnh nên phương tiện giáo hóa của Phật cũng phải có nhiều và tương ứng, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc. Trong đó, phương tiện hữu hiệu và tác động sâu xa vào lòng người là Tứ nhiếp pháp.

Từ nhiếp pháp là bốn phương tiện để nhiếp phục, cảm hóa tâm lý của người đời. Khi đã cảm hóa được họ, lần hồi từng bước hướng dẫn người phát khởi niềm tin, mở mang trí tuệ và thâm nhập Phật pháp. Các phương tiện này là: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.

1 – Bố thí nhiếp:


Là Phật tử, chúng ta đều biết, theo nhân quả hữu lậu, người hay bố thí sẽ được hưởng quả giàu sang phú quý, nếu gian tham keo kiệt thì phải chịu nghèo đói khó khăn. Nhưng cũng tùy tâm lượng của chúng ta khi bố thí mà quả hưởng được có khác nhau; nếu trước khi bố thí mà còn đắn đo toan tính, hoặc sau khi bố thí lại tiếc rẻ, thì có thể cũng được hưởng quả giàu sang nhưng phải làm lụng khó khăn cực nhọc lắm.

Nói cho cùng, mọi khổ sở đau thương trên cuộc đời này đều do lòng tham lam ích kỷ của con người mà ra. Từ tham lam đưa đến sân hận, khi lòng tham không được thỏa mãn, rồi có thể gay ra hậu quả không lường trước. Cho nên, nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ lợi ích cho riêng mình, thì ngay bản thân mình, và cả gia đình, xã hội sẽ mãi còn chìm đắm trong khổ đau. Chỉ khi nào chúng ta mở lòng ra để lo cho người có hòan cảnh khó khăn hơn mình, thì không những người khác bớt khổ mà chính mình cũng được an vui. Một số người đã kể, trước khi biết Phật pháp, họ thường xuyên buôn bán thua lỗ, chỉ vì ham tranh hơn tranh thua, gây hiềm khích với người khác. Khi đã quy y, biết cách xử sự, không còn quá tham lam, họ được cảm tình với mọi người nên công việc làm có kết quả hơn, chứ không phải nhờ sức gia trì của vị thần thánh nào cả.

Ở đây, chúng ta cũng cần phân biệt bố thí với cúng dường. Bố thí có ý nghĩa đem những gì mình có san sẻ cho người có hoàn cảnh, điều kiện sống khó khăn hơn mình, bất phước hơn mình. Cúng dường nguyên nghĩa là cung dưỡng, tức cung kính cấp dưỡng, là dâng phẩm vật, tài vật lên những người có địa vị, đạo dức cao hơn mình. Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta nên thực hành hạnh bố thí? – Để trong vòng luân hồi chúng ta có một đời sống kinh tế sung túc, dễ dàng hơn cho việc tu hành. Khi có điều kiện chúng ta lại tiếp tục bố thí cúng dường, và như vậy trong những kiếp về sau, chúng ta lại càng thuận lợi trong việc tiến tu hơn nữa.

Đối với các vị Bồ Tát, một trong những hạnh nguyện của các Ngài là giúp đỡ chúng sanh bằng tinh thần hay vật chất tùy nhu cầu của họ. Đến lúc gần gũi được họ, làm cho họ tin tưởng và cảm mến, Bồ tát mới thu nhiếp họ để đưa họ đến với Phật pháp. Đó gọi là Bố thí nhiếp. Con người thường sống bằng tình cảm hơn là lý trí, nên nếu chỉ dùng lời nói đạo lý, đôi khi thất bại. Vì vậy Bồ tát phải dùng bố thí như một phương tiện để nhiếp phục chúng sanh.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm hạnh thứ 15, Phật dạy: “Này Thiện Nam! Bồ tát lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng thương tưởng như con. Lại nữa, lúc thực hành bố thí, đối với chúng sanh khởi lòng xót xa giống như cha me săn sóc đứa con đang bệnh. Lúc thực hành bố thí, tâm Bồ tát vui mừng như Cha Mẹ thấy con lành bệnh. Sau khi bố thí, tâm Bồ tát buông xả như cha mẹ thấy con đã lớn khôn, có thể sinh sống tự tại”. Đoạn kinh này đã diễn tả một cách chính xác tấm lòng của bồ tát đối với chúng sanh, khi thực hành hạnh bố thí, các vị xem chúng sanh như con đẻ của mình. Chúng ta khi có con, lo cho máu mủ của mình một cách chu đáo từ lúc nhỏ đến lúc lớn, tâm chúng ta thương con như thế nào thì Bồ tát thương chúng sanh như thế ấy. Tuy nhiên, tình thương của chúng ta đôi khi chan rải không đều giữa đứa con này với đứa con khác, còn Bồ tát thì bình đẳng. Các Ngài thương muôn loài chúng sanh không hạn cuộc, không phân biệt, còn chúng ta lại quên các Ngài như những đứa con hoang, bỏ cha mẹ ra đi lang thang trong ba cõi sáu đường.

Lúc thực hành bố thí, tâm lượng Bồ tát lo cho chúng sanh như cha mẹ săn sóc đứa con đang bệnh. Tình thương của cha mẹ bao la như biển cả, bất tận như suối nguồn, và đôi khi chúng ta cũng hiểu được, cảm nhận và biết ơn đối với tình thương đó. Nhưng rất ít người hiểu được tình thương của Bồ tát giành cho chúng sanh. Nếu cha mẹ chỉ lo được cho cái thân vật chất hữu hình hữu hoại của con, thì Bồ tát rất chú trọng đến đời sống tinh thần. Mà đời sống tinh thần thì vô vàng quý giá hơn so với đời sống vật chất, vì đó là hành trang cho tất cả chúng sanh đi suốt lộ trình đến giải thoát viên mãn. Bồ tát biết rõ, có rất nhiều người thiếu thốn, đau khổ về tinh thần, dù họ đang ở địa vị nào, hòan cảnh nào và chỉ có thuốc chánh pháp mới điều trị được bệnh khổ cho chúng sanh.

Khi hành hạnh bố thí và nhiếp phục được chúng sanh, hướng dẫn họ đi theo chánh đạo để được giác ngộ và giải thoát, tâm Bồ tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành bệnh. Và sau đó tâm các Ngài buông xả như cha mẹ thấy con lớn khôn, đã vững bước trên đường đời. Sự buông xả này rất phù hợp với tinh thần Balamật, tức vô trước, vô trú, vô nhiễm. Dù làm tất cả mọi việc để được lợi ích cho chúng sanh, tâm các Ngài vẫn thênh thang như hư không, không thấy có người ban ơn, có kẻ chịu ơn và có một pháp để làm ơn. Đó gọi là “Tam luân không tịch”. Nhìn chung bố thí được chia ra làm ba loại

a)Tài thí: Gồm nội tài thí và ngoại tài thí.

• Nội tài thí: Dùng cả thân mạng hoặc một vài bộ phận trong cơ thể để bố thí. Đây là hạnh động buông xả lớn của Bồ tát. Hiện nay, có phong trào hiến máu nhân đạo, hiến tặng cơ quan hoặc hiến xác cho khoa học, đều thuộc về loại này.

• Ngọai tài thí: Dùng tài sản của mình kiếm được một cách lương thiện, san sẻ cho những người thiếu thốn, khó khăn về vật chất hơn mình.

Một điều chúng ta cần lưu ý: Ai cũng biết, nỗi khổ của chúng sanh thì vô hạn, nên sự bố thí cũng phải vô biên. Nhưng trong sự bố thí, ngoài lòng từ bi, chúng ta còn phải có trí tuệ. Nếu chúng ta nhẹ dạ, giúp người một cách mù quáng, như giúp tiền cho người nghiện hút, bài bạc… thì vô tình chúng ta càng làm hại cho họ. Mỗi người trong mặt trận đạo đức, chống lại những tệ nạn, những cái xấu ác, làm trong sạch hóa xã hội. Đó là giúp ích cho mọi người và cho cả bản thân mình.

b) Pháp thí: Sự thiếu thốn khó khăn về vật chất làm cho con người đau khổ, nhưng sự nghèo nàn mất mát về tinh thần càng làm họ thấy bất hạnh hơn. Cái khổ về tinh thần gây tổn hại nhiều hơn cái khổ về vật chất, nhiều khi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cả tính mạng con người. Y học đã chứng minh rất nhiều trường hợp loét dạ dày, tá tràng, bệnh tim mạch, và đặc biệt là hội chứng kích động thần kinh (stress) là hậu quả của sự căng thẳng, lo nghĩ hay buồn phiền lâu ngày.

Các vị tu hành đem Phật pháp giảng dạy cho chúng sanh, mục đích làm chúng sanh bớt khổ, đó gọi là pháp thí, nhưng cũng tùy trình độ căn cơ của từng người mà lập phương tiện giáo hóa, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc (khế cơ), và những lời giảng dạy phải phù hợp với chánh pháp, phải có giá trị bất di bất dịch (khế lý). Khi Phật pháp được truyền bá rộng rãi theo tinh thần khế cơ và khế lý, chúng sanh nương vào đó tu hành, cuộc đời sẽ được an lạc, xã hội nhờ đó cũng yên bình thịnh vượng.

Pháp thí quan trọng hơn tài thí như thế nào? Trong kinh "Kim Quang Minh Tối Thắng vương", Quyển Ba, phẩm Diệt Nghiệp Chướng, đức Phật dạy: “Này Thiện Nam! Giả sử có người đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới cúng dường Như Lai, nếu lại có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển Đại Pháp Luân, thì người này được công đức hơn người kia. Vì sao? – vì người kia dùng tài thí, người này dùng pháp thí. Này Thiện Nam! Đừng nói chi đem cả bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí, mà nếu có người đem bảy báu nhiều như hằng hà sa tam thiên đại thiên thế giới cúng dường tất cả chư Phật, thì công đức khuyến thỉnh cũng vẫn hơn cả sự cúng dường ấy, do vì pháp thí có năm điều thù thắng. Những gì là năm? – Một là, pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người, còn tài thí không được như thế. Hai là pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi, còn phước tài thí chẳng ra khỏi cõi dục. Ba là pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Bốn là, pháp thí thì vô cùng, còn tài thí có cùng tận. Năm là, pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Thế cho nên, này thiện nam! Công đức khuyến thỉnh vô lượng vô biên, không thể thí dụ”.

Đức Phật chỉ rõ năm điều thù thắng của pháp thí: 

Thứ nhất: pháp thí gồm cả lợi mình, lợi người. Ví dụ, khi một người nói pháp cho một đám đông nghe, trước hết người ấy có lợi ích vì đã gieo một nhân tốt là bố thí pháp; người nghe được chánh pháp, nếu y đó tu hành, cuộc đời sẽ được chuyển hóa, tâm sẽ được thăng hoa. Tài thí thì không được như vậy, vì nếu bố thí để họ dùng phương tiện đó làm điều xấu, thì chính sự bố thí ấy lại làm hại cho họ và cho những người xung quanh. 

Thứ hai: Pháp thí hay khiến chúng sanh ra khỏi ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc, nếu chúng sanh biết tu hành theo chánh pháp, đọan trừ tham – sân – si, được giác ngộ và giải thoát. Nếu dùng tài thí, đó là đang tu phước, có thể sanh về cõi giới thiên.

Thứ ba: Pháp thí làm pháp thân thanh tịnh, còn tài thí chỉ tăng trưởng sắc thân. Sắc thân của chúng ta do nghiệp tạo nên, dễ bị hoại diệt, biến đổi vô thường; nhưng trong đó còn có pháp thân vô tướng, không bị biến hoại theo thời gian và không gian. Nếu trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ lo chăm sóc cho cái sắc thân, thỏa mãn những nhu cầu của nó là ăn, mặc, ở, tức cái hạ tầng kiến trúc của đời sống, mà quên đi phần thượng tầng kiến trúc là văn hóa, tâm linh, thiền định, trí tuệ, thì rõ ràng chúng ta chỉ sống bằng bản năng như loài vật. Chỉ có thượng tầng kiến trúc mới nuôi dưỡng pháp thân, còn những nhu cầu vật chất tầm thường chỉ làm cho chúng ta mãi chìm trong vô minh tăm tối. Pháp thí sẽ giúp chúng ta biết chánh đạo, sống với cái cao cả, cái minh triết, là những yếu tố quyết định sự tiến hóa của toàn thể loài người.

Thứ tư: Pháp thí thì vô cùng, vì nó không có tướng mạo, nên không bị mai một theo thời gian. Người thí pháp vô cùng, vì có thể nói pháp suốt đời, nói ở mọi chỗ mà vẫn mãi mãi lưu xuất được; người nghe pháp cũng vô cùng, vì dùng pháp để tu theo suốt đời vẫn không hết, không cạn. Ngược lại vì tài thí có hình tướng, nên có giới hạn có cùng tận. 

Thứ năm: Pháp thí dứt được vô minh, còn tài thí chỉ khuất phục được tham ái. Khi nghe pháp, sự hiểu biết của chúng ta càng sâu rộng, trí tuệ càng phát triển, đến rốt ráo có thể dứt được vô minh. Tài thí thì chỉ tạm giải quyết khó khăn trước mắt cho người được bố thí, còn người bố thí thì cũng tạm thời khuất phục được tham ái ngay lúc ấy mà thôi. 

Do những đặc tính quá ưu việt của pháp thí đã nói trên, rõ ràng công đức của người pháp thí và người khuyến thỉnh pháp thí vô lượng vô biên, tài thí không thể so sánh nổi. Nếu mỗi tự viện đều là những nơi được khuyến thỉnh pháp thí, thì Phật tử sẽ được muôn phần lợi lạc, đời sống được cải thiện, đau khổ sẽ không còn và xã hội cũng được trong sạch hơn lên. Vì vậy, đã là Phật tử, chúng ta phải luôn trao dồi học hỏi, ngày càng thâm nhập Phật pháp để chuyển hóa tự thân, tự cứu mình ra khỏi mọi ràng buộc khổ não của đời sống. Sau đó chúng ta đem sự hiểu biết bằng trí tuệ và sự thanh lương của tâm hồn mình ra giúp ích cho người khác, thì hành động pháp thí ấy mới có kết quả.

c) Vô úy thí: khi tu hành đắc lực, tâm yên tĩnh, trí tuệ mở mang, Bồ tát thấy rõ mọi lẽ thực-hư của cuộc đời, các Ngài không còn lầm chấp các pháp nữa. Được sức tự tại vô úy, các Ngài đem cái vô úy đó mà che chở đùm bọc chúng sanh, làm chúng sanh không còn lo sợ, được an ổn dù gặp bao hệ lụy. Đó gọi là Vô úy thí.

Chúng ta từ lúc sinh ra đã sợ sệt nhiều điều: sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ đau ốm tai nạn, sợ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sợ những điều không đáng sợ. Bồ tát hiểu rõ điều này, nên các Ngài dùng sức vô úy che chở cho chúng sanh. Khi chúng sanh đã an ổn, tin tưởng và có cảm tình, các Ngài mới hướng dẫn họ đến với Phật pháp. Hạnh vô úy này thật ra rất khó, đòi hỏi người bố thí phải tu hành có kết quả, thấy rõ và thâm nhập lý duyên sinh-vô ngã, mới có thể thực hiện được.

Tóm lại, chúng ta thấy bố thí là một quan niệm sống, một nghệ thuật sống cao đẹp, phát sinh từ tâm từ bi. Nếu không có tâm từ bi thì không thể hành hạnh bố thí. Ngoài ra, muốn bố thí đạt đến cứu cánh, thì phải hợp với tinh thần Ba la mật, nghĩa là khi giúp người mà chúng ta hoàn toàn không thấy mình là người ban ơn, chúng sanh là kẻ chịu ơn. Có như vậy chúng ta mới phục vụ người khác bằng một tâm trong sáng, không có tính tóan, mưu mô.

2- Ái ngữ nhiếp:


Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói mềm mỏng dịu dàng, gây được cảm tình với người khác; và từ đó, hướng dẫn họ tu hành theo chánh pháp.

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người cần sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp, khi muốn bày tỏ ý kiến, tình cảm với người chung quanh. Một người có nổi buồn muốn thổ lộ, phải dùng lời nói; người có niềm vui muốn san sẻ, cũng phải dùng lời nói cho người khác cảm thông. Nhưng dù vui hay buồn, cũng phải biết cách sử dụng lời nói làm sao để ai nghe cũng mát lòng đẹp ý, đó gọi là Ái ngữ. Chỉ có loài người mới có ngôn ngữ, nên chúng ta cần biết trân quý để sử dụng đúng thời đúng mức. Thật ra ngôn ngữ là con dao hai lưỡi, có thể an ủi, xoa dịu nổi đau cho người khác, nhưng ngược lại có thể gây tổn thương tác hại cho cả mình và người. Do vậy, là Phật tử, lời nói chúng ta thốt ra phải mang tính cảm thông và xây dựng. Một số phụ huynh thường dùng áp lực, quyền hạn của bậc trưởng thượng, bắt con cháu phải theo đúng ý mình, đôi khi làm chúng bị tổn thương. Dĩ nhiên, quyền lực cũng cần thiết nhưng phải dùng đúng lúc. Cho nên sử dụng Ái ngữ đối với con cái hay người chung quanh là một nghệ thuật và là điều cần thiết.

Nếu đôi mắt được xem là cửa sổ của tâm hồn, thì ngôn ngữ chính là chổ biểu hiện của tâm hồn ấy. Vì sao nói như vậy? – Bởi vì lời nói của một người có thể biểu hiện được tư cách, trí tuệ, đạo đức và đời sống nội tâm của người đó. Một nhà hiền triết có nói: “Tạo hóa rất khéo sắp đặt, cho mỗi người hai mắt, hai mũi, hai tai nhưng chỉ có một miệng” cần hai mắt để thấy cho rõ, cần hai mũi để hít thở cho đủ dưỡng khí, cần hai tai để lắng nghe; nhưng chỉ cần một miệng để vừa ăn vừa nói. Đức Khổng Tử đã bảo: “Đa ngôn đa bại” (nói nhiều hại nhiều).

Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! có ba lối nói: Một là nói như phân; hai là nói như hoa; ba là nói như mật.

Thế nào là nói như phân? – Này các Tỳ kheo! Hạng người nói không đúng sự thật, nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như phân.

Và này, các Tỳ kheo! Thế nào là nói như hoa? Hạng người nói đúng sự thật, không dối trá không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như hoa.

Và này, các Tỳ kheo! Thế nào là nói như mật? – Hạng người không những nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, mà còn luôn luôn nói những lời lợi ích, nói những lời không hại, nói những lời hướng thiện, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, thích ý. Đây là hạng người nói như mật”

Vì sao đức Phật ví những người vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu là nói như phân?

Trong cơ thể, chất hạ tiện nhất, bẩn thỉu nhất là phân. Khi một người nói ra những lời ấy, người khác cũng nhờm gớm, không muốn nhìn, không muốn gần, như đối với phân vậy.

Hạng người thứ hai khiến người chung quanh muốn gần gũi, yêu mến, được ví như hoa, vì hoa vừa có màu sắc vừa có hương thơm, khiến người thích nhìn ngắm, thưởng thức.

Hạng người thứ ba đặc biệt hơn cả, họ đã thành tựu được chánh ngữ và sử dụng chánh ngữ để làm lợi ích cho người khác, giúp người khác đi vào chánh đạo, thăng hoa trong cuộc sống. Đức Phật ví hạng người này như mật, vì ngoài hương vị thơm ngon và ngọt ngào, mật còn có tác dụng trị liệu. Y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đã chứng minh, mật có một số tác dụng chính như thanh nhiệt giải độc, giúp an thần, tăng trí nhớ và trị suy nhược thần kinh, kích thích tiêu hóa và điều hòa độ axít trong dạ dày, long đàm và giảm ho, đặc biệt còn làm tăng thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể. Hạng người nói như mật, không những dùng ái ngữ khiến người khác cảm mến muốn gần, mà lời nói của họ khiến người khác bớt khổ, điều trị được bệnh phiền não cho người.

3- Lợi hành nhiếp:


Lợi hành nhiếp là những hành động làm lợi ích cho một người hay nhiều người khác, sau đó đưa họ về với đạo lý. Ví dụ: Dắt một người mù qua đường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tham gia các tổ chức công ích, từ thiện …

Trong thiền sử đã kể, nhiều vị thiền sư dùng y thuật điều trị bệnh cho người; sau khi lành bệnh mới đưa họ về với chánh pháp. Như thế Y-phương-minh là một trong ngũ minh, phương tiện hành đạo của Bồ tát, cũng thuộc lợi hành nhiếp. Hiện nay có rất nhiều tổ chức y tế phục vụ bệnh nhân nghèo vô điều kiện, như các bệnh viện miễn phí, các tổ phẫu thuật đem lại ánh sáng và nụ cười cho những người mù và dị tật sứt môi, tổ chức các thầy thuốc không biên giới … cũng nhằm mục đích đem lại sức khỏe cho con người. Có thể trong những tổ chức đó, các vị Bồ tát cũng có mặt để nhờ lợi hành mà thu nhiếp chúng sanh, nhưng các Ngài không bao giờ để lộ ra mình là Bồ tát.

Chúng ta cũng cần phân biệt lợi hành và đồng sự. Trong lợi hành luôn luôn có ý nghĩa phụng sự người khác mà quên lợi ích của bản thân mình. Còn đồng sư,ï sẽ phân tích ở sau, chỉ là cùng sống cùng làm, cùng hưởng thành quả như đối tượng mình muốn nhiếp phục. Trong lợi hành có sự hi sinh nhiều hơn, và lợi ích mình mang lại cho người có thể thấy một cách rõ ràng và tức thời, nên dễ khiến người cảm phục và tin theo.

4 – Đồng sự nhiếp:


Đồng sự nhiếp là hòa nhập vào việc làm, hoàn cảnh, cùng chia bùi xẻ ngọt với người, sau đó dẫn dắt họ đến với Phật pháp. Cuộc sống hòa mình, cùng chung buồn, vui, sướng, khổ với người là một nghệ thuật đắc nhân tâm. Nhưng muốn hòa đồng như thế, chúng ta phải có lối sống có phong cách, có ngôn ngữ gần giống người mà mình muốn nhiếp phục. Đối với nông dân, chúng ta lam lũ, tay lấm chân bùn, ăn nói bình dân như họ. Đối với hạng trí thức thượng lưu, chúng ta cũng có văn hóa trình độ, phong cách tao nhã tương tự như thế. Dĩ nhiên từ “hòa đồng” ở đây có ý "NGHĨA" là sống, nói năng và làm việc gần giống với đối tượng, chứ không phải giống hòan toàn, nhất là đối với những người kém văn hóa hay sống trụy lạc bê tha. Đây là ý "Nghĩa" của việc “Hòa quang đồng trần” của các vị Bồ tát. Các Ngài sống chung đụng với đủ các hạng người, từ giàu có thượng lưu đến tầng lớp bần cùng nghèo khổ, từ những người lương thiện đạo đức đến những kẻ trộm cướp lưu manh. Các Ngài gần gũi họ nên hiểu họ một cách sâu sắc, được họ tin tưởng yêu mến, từ đó mới giúp đỡ họ, nhiếp phục họ một cách hiệu quả. Hình ảnh đẹp đẽ và tiêu biểu nhất của đồng sự nhiếp là Tế điên Hòa thượng, có cuộc sống gần gũi với đời thường, thỏng tay vào chợ.

Một điều chúng ta cần ghi nhớ: vì sao các vị Bồ tát có thể hòa mình vào mọi tầng lớp trong xã hội mà không đánh mất mình? – Bởi vì các Ngài như một chai nước trong đã lọc hết cặn bã, dù lắc cách mấy vẫn không bị vẫn đục. Có như vậy các Ngài mới hướng dẫn, giáo dục được chúng sanh đi theo chánh đạo. Còn chúng ta như nước còn đục, không thể bắt chước các Ngài sống buông thả, đã không làm được lợi ích cho ai mà trái lại còn hại bản thân mình. Cho nên, chúng ta phải biết rõ trình độ tu tập, sức tự tại và thâm nhập Chánh pháp của mình đến đâu, để uyển chuyển linh động khi hành đồng sự nhiếp.

Thật ra, khi có phước duyên nghe và hiểu được Phật pháp, chúng ta đều muốn mọi người cũng đều có lợi ích như mình. Nhưng nếu chính bản thân mình chưa tu tập, chưa chuyển hóa, mà vội đem Phật pháp ra nhiếp phục người khác, thì việc làm đó đôi lúc gây tác dụng ngược với ý mình. Quan trọng là phải sống được với bản tâm chân thật của chính mình, từ đó có thể biểu hiện ra ngôn ngữ và hành động, ngay cả dáng vẻ cung cách cũng toát lên một sự bình an thanh lương, khiến người khác quý kính và tự giác nghe theo. Vào thời đức Phật, chỉ cần nhìn dáng đi, phong cách hay lối sống của Ngài và các Thánh đệ tử, nhiều người đã phát tâm tu hành thành tựu đạo nghiệp. 

Tứ nhiếp pháp mang tính tâm lý, tính thông cảm và tính xã hội rất cao. Nói rằng “mang tính tâm lý” vì cả bốn pháp nhiếp này đều đi sâu vào tâm hồn của người khác. Bồ tát sẵn sàng lăn xả vào cuộc đời, hy sinh vì mọi người để cảm hóa, thu phục người. Có thể nói đây là môn tâm lý học của Phật giáo.

“Mang tính thông cảm” vì có thông cảm với nổi khổ đau, khó khăn, thiếu thốn của người, ta mới giúp đỡ người bằng tất cả tấm lòng, không mong cầu đền đáp. Mà muốn thông cảm, ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người. Có như thế ta mới thương mến người một cách chân thành, đem lại lợi ích cho người một cách vô vị lợi.

Về “Tính xã hội” thì quá rõ ràng, vì xã hội có tính cách cá thể và tập thể, mà thực hành Tứ nhiếp pháp là thực hành đối với một người, một tập thể nào đó. Nhờ mang tính xã hội mà đạo Phật được truyền bá rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, tận các vùng sâu vùng xa. Nhờ tính xã hội mà Đạo có mặt ở mọi tầng lớp, từ giàu có đến nghèo hèn, từ trí thức thượng lưu đến bình dân thất học.

Đạo Phật dùng tứ nhiếp pháp để chinh phục lòng người, như thế cũng là dùng “Vũ khí”. Nhưng thứ vũ khí này không phải là công cụ giết người để thỏa mãn quyền lực và tham vọng, mà là phương tiện để đưa con người về con đường chân chính, giúp người tìm được sự an bình nội tâm. Đạo lại mang tính tự do dân chủ, tôn trọng quyền con người một cách triệt để. Đạo Phật đặc biệt còn mang tính từ bi, vì từ bi nên chủ trương dùng đức báo oán; vì thế mới có sức mạnh vô địch, có thể san bằng mọi nghịch cảnh oán thù. Do vậy, Đạo đã tồn tại trên hai ngàn năm trăm năm. Đây là một nét đẹp tuyệt vời của Đạo giáo.

Khi thực hành Tứ Nhiếp Pháp, ta đã thể hiện tâm Từ Bi, tức ban vui và cứu khổ vào cuộc đời. Đây là pháp tu của hàng Bồ tát chứ không phải của người tầm thường, bởi đó không chỉ là tu riêng cho bản thân mình mà còn làm cho nhiều người khác cùng chuyển hóa. Nét tự lợi và lợi tha đều có đầy đủ, mà dường như lợi tha lại cao hơn một bậc. Tất cả chúng ta, nếu muốn thành tựu Phật quả, không có con đường nào hơn là phải theo lộ trình tự lợi và lợi tha của Bồ tát. Cũng cần lưu ý, trong công cuộc giáo hóa chúng sanh, phước duyên và công phu tu tập của từng vị Bồ tát là những điều kiện tiên quyết. Công huân tu tập là đời sống căn bản của một Bồ tát, còn phước duyên là do vị ấy tích lũy trong nhiều đời kiếp.

Chúng ta cũng cần phân biệt giữa phước và duyên. Phước là có của cải, có điều kiện tốt để làm lợi ích rộng rãi, được nhiều người hỗ trợ; phước biểu hiện trên tư cách, trên cuộc sống của một người. Duyên là có khả năng lôi kéo, thuyết phục người khác, khiến người khác tu luyện. Tùy công huân tu tập và phước duyên mà một vị Bồ tát có quyến thuộc nhiều hay ít. Có nhiều người muốn giúp đỡ, làm lợi ích cho người khác, nhưng do phước duyên còn mỏng, nên thất bại trong công cuộc giáo hóa chúng sanh. Cũng có trường hợp, công huân tu tập chưa đủ, nên không thu được kết quả nhiều.

Tóm lại, Tứ nhiếp pháp là pháp môn phương tiện mang tính nhiếp hóa, cảm phục được lòng người một cách hữu hiệu. Đây là những hạnh tu lợi tha của những người có tâm Bồ tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình cho lợi ích chung, bởi vì “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” vậy. 









ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN LÀ BẬC THÁNH; THÍCH THIỆN GHÉT ÁC LÀ BẬC HIỀN; TÁCH BẠCH THIỆN ÁC QUÁ ĐÁNG LÀ HẠNG NGƯỜI THƯỜNG; ĐIÊN ĐẢO THIỆN ÁC ĐỂ SƯỚNG MIỆNG GIÈM PHA LÀ HẠNG TIỂU NHÂN HIỂM ĐỘC.

KHỔNG TỬ

~*~


THIÊN ĐỊA VÔ TƯ, THẦN LINH XÉT THẤU CẢ ĐIỀU TỐI KÍN. KHÔNG VÌ CÚNG TẾ MÀ HÀNG PHÚC, KHÔNG VÌ LỖI TẾ MÀ HÀNG HỌA. HỄ NGƯỜI CÓ THẾ THÌ CHỚ Ỷ VÀO ĐẾN CÙNG, CÓ PHÚC CHỚ HƯỞNG CHO HẾT, THẤY NGHÈO KHÓ CHỚ KHINH KHI TẬN. BA ĐIỀU ẤY LÀ THIÊN ĐỊA TUẦN HOÀN, VÒNG ĐI VÒNG LẠI. CHO NÊN MỘT NGÀY LÀM VIỆC THIỆN, PHÚC DÙ CHƯA ĐẾN, HỌA ĐÃ XA RỒI. MỘT NGÀY LÀM VIỆC ÁC, HỌA DÙ CHƯA ĐẾN, PHÚC ĐÃ XA RỒI. NGƯỜI LÀM VIỆC THIỆN NHƯ CỎ TRONG VƯỜN XUÂN, KHÔNG THẤY DÀI HƠN, MÀ NGÀY CÀNG NHIỀU THÊM. NGƯỜI LÀM VIỆC ÁC NHƯ VIÊN ĐÁ MÀI DAO, KHÔNG THẤY NÓ MÒN MÀ NGÀY CÀNG GIẢM BỚT. VIỆC TỔN HẠI NGƯỜI ĐỂ MÌNH YÊN ỔN LÀ VIỆC RẤT NÊN RĂN MÌNH. VIỆC PHẢI DÙ NHỎ, CŨNG PHẢI XỬ SỰ PHƯƠNG TIỆN VỚI NGƯỜI; VIỆC ÁC DÙ NHỎ, KHUYÊN NGƯỜI CHỚ LÀM. ÁO CƠM TÙY DUYÊN, TỰ NHIÊN VUI VẺ. TÍNH TOÁN SỐ MỆNH LÀM GÌ? HỎI QUẺ BÓI LÀM GÌ? KHINH NGƯỜI LÀ HỌA, THA NGƯỜI LÀ PHÚC. LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG, BÁO ỨNG RẤT NHANH. HÃY NGHE LỜI TA DẠY CHO KỸ, DÙ THẦN CŨNG KÍNH, DÙ QUỶ CŨNG PHỤC.


天地無私,神明暗察。不為享祭而降福,不為失禮而降禍。凡人有勢不可倚盡,有福不可享盡,貧困不可欺盡。此三者乃天地循環,周而復始。故一日行善,福雖未至,禍自遠矣。一日行惡,禍雖未至,福自遠矣。行善之人,如春園之草,不見其長而日有所増。行惡之人,如磨刀之石,不見其損而日有所虧。損人安己,切宜戒之,一毫之善,與人方便。一毫之惡,勸人莫作。衣食隨緣,自然快樂。算甚麼命?問甚麼卜?欺人是禍,饒人是福。天网恢恢報應甚速。諦聽吾言,神欽鬼伏。

THIÊN ĐỊA VÔ TƯ, THẦN MINH ÁM SÁT. BẤT VI HƯỞNG TẾ NHI GIÁNG PHÚC, BẤT VI THẤT LỄ NHI GIÁNG HỌA. PHÀM NHÂN HỮU THẾ BẤT KHẢ Ỷ TẬN, HỮU PHÚC BẤT KHẢ HƯỞNG TẬN, BẦN KHỐN BẤT KHẢ KHI TẬN. THỬ TAM GIẢ NÃI THIÊN ĐỊA TUẦN HOÀN, CHU NHI PHỤC THỦY. CỐ NHẤT NHẬT HÀNH THIỆN, PHÚC TUY VỊ CHÍ, HỌA TỰ VIỄN HĨ. NHẤT NHẬT HÀNH ÁC, HỌA TUY VỊ CHÍ, PHÚC TỰ VIỄN HĨ. HÀNH THIỆN CHI NHÂN, NHƯ XUÂN VIÊN CHI THẢO, BẤT KIẾN KỲ TRƯỞNG NHI NHẬT HỮU SỞ TĂNG. HÀNH ÁC CHI NHÂN, NHƯ MA ĐAO CHI THẠCH, BẤT KIẾN KỲ TỔN NHI NHỰT HỮU SỞ KHUY. TỔN NHÂN AN KỶ, THIẾT NGHI GIỚI CHI. NHẤT HÀO CHI THIỆN, DỮ NHÂN PHƯƠNG TIỆN. NHẤT HÀO CHI ÁC, KHUYẾN NHÂN MẠC TÁC. Y THỰC TÙY DUYÊN, TỰ NHIÊN KHOÁI LẠC. TOÁN THẬM MA MỆNH? VẤN THẬM MA BỐC? KHI NHÂN THỊ HỌA, NHIÊU NHÂN THỊ PHÚC. THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI, BÁO ỨNG THẬM TỐC. ĐẾ THÍNH NGÔ NGÔN, THẦN KHÂM QUỶ PHỤC.


ĐÔNG NHẠC THÁNH ĐẾ

~*~


HỌA PHÚC KHÔNG CÓ CỬA, NGƯỜI TA TỰ VỜI ĐẾN CHO MÌNH. THIỆN ÁC CÓ BÁO ỨNG, NHƯ BÓNG VỚI HÌNH. CHO NÊN TRONG TÂM NUÔI DƯỠNG CÁI THIỆN, CHƯA LÀM VIỆC THIỆN, CÁT THẦN ĐÃ ĐẾN RỒI. TRONG TÂM NẢY SINH CÁI ÁC, DÙ CHƯA LÀM VIỆC ÁC, HUNG THẦN ĐÃ THEO RỒI. NẾU ĐÃ TỪNG LÀM VIỆC ÁC MÀ SAU HỒI TÂM ĂN NĂN HỐI CẢI, LÂU DÀI ẮT SẼ ƯỢC CÁT LÀNH, ẤY GỌI LÀ CHUYỂN HỌA THÀNH PHÚC.

禍福無門,惟人自招。善惡之報,如影隨形。所以人心起於善,善雖未為,而吉神已隨之。或心起於惡,惡雖未至,而凶神已隨之。其有曾行惡事,後自改悔,久久必獲吉慶,所謂轉禍為福也。

HỌA PHÚC VÔ MÔN, DUY NHÂN TỰ CHIÊU. THIỆN ÁC CHI BÁO, NHƯ ẢNH TÙY HÌNH. SỞ DĨ NHÂN TÂM KHỞI VU THIỆN, THIỆN TUY VỊ VI, NHI CÁT THẦN DĨ TÙY CHI. HOẶC TÂM KHỞI VU ÁC, ÁC TUY VỊ CHÍ, NHI HUNG THẦN DĨ TÙY CHI. KÌ HỮU TẰNG HÀNH ÁC SỰ, HẬU TỰ CẢI HỐI, CỬU CỬU TẤT HOẠCH CÁT KHÁNH, SỞ VỊ CHUYỂN HỌA VI PHÚC DÃ.


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

~*~


LÒNG TỐT MẠNG CŨNG TỐT, SỚM PHÁT ĐẠT VINH HOA. LÒNG TỐT MẠNG KHÔNG TỐT, ĐƯỢC ẤM NO MỘT ĐỜI. MẠNG TỐT LÒNG KHÔNG TỐT, KHÓ BẢO TOÀN CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC. LÒNG CHẲNG TỐT MẠNG CHẲNG TỐT, NGHÈO KHÓ MÃI TỚI GIÀ.

心好命又好,發達榮華早。心好命不好,一生也溫飽。命好心不好,前程恐難保。心命都不好,窮苦直到老。

TÂM HẢO MỆNH HỰU HẢO, PHÁT ĐẠT VINH HOA TẢO. TÂM HẢO MỆNH BẤT HẢO, NHẤT SINH DÃ ÔN BÃO. MỆNH HẢO TÂM BẤT HẢO, TIỀN TRÌNH KHỦNG NAN BẢO. TÂM MỆNH ĐÔ BẤT HẢO, CÙNG KHỔ TRỰC ĐÁO LÃO.


MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


CHỨA LÀNH GẶP LÀNH, CHỨA DỮ GẶP DỮ. XÉT KỸ MÀ COI, TRỜI ĐẤT CHẲNG LẦM VIỆC BÁO ỨNG ĐÂU. LÀM THIỆN GẶP THIỆN, LÀM ÁC GẶP ÁC. NẾU KHÔNG THẤY GẶP, LÀ VÌ CHƯA ĐẾN LÚC MÀ THÔI.

MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


NGƯỜI LÀM ĐIỀU THIỆN THÌ TRỜI LẤY PHÚC MÀ TRẢ LẠI; KẺ LÀM ĐIỀU BẤT THIỆN THÌ TRỜI LẤY HỌA MÀ TRẢ LẠI.


為善者,天報之以福;為不善者,天報之以禍。

VI THIỆN GIẢ, THIÊN BÁO CHI DĨ PHÚC; VI BẤT THIỆN GIẢ, THIÊN BÁO CHI DĨ HỌA.

KHỔNG TỬ

~*~


THẤY TAI VẠ MÀ HAY LÀM LÀNH, THỜI TAI VẠ KHÔNG ĐẾN NỮA.

THUYẾT UYỂN


~*~


ÁO CỪU TUY RÁCH, KHÔNG THỂ DÙNG DA CHÓ MÀ VÁ ĐƯỢC.

XUÂN THU HẬU NGỮ

~*~


HỄ AI LÀM VIỆC THIỆN THÌ TRỜI BAN XUỐNG TRĂM ĐIỀU PHÚC, HỄ AI LÀM VIỆC BẤT THIỆN THÌ TRỜI GIÁNG XUỐNG TRĂM ĐIỀU HỌA.

作善降之百祥,作不善降之百殃。

TÁC THIỆN GIÁNG CHI BÁCH TƯỜNG, TÁC BẤT THIỆN GIÁNG CHI BÁCH ƯƠNG.

MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


MỘT NGÀY KHÔNG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU THIỆN, SỰ ÁC TỰ DẤY LÊN.

一日不念善,諸惡自皆起。

NHẤT NHẬT BẤT NIỆM THIỆN, CHƯ ÁC TỰ GIAI KHỞI.

TRANG TỬ

~*~


HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/10/05/TAM-TONG-TU-DUC/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/10/05/TAM-CANG-NGU-THUONG/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG BOOK: TAI GIA BO TAT GIOI BON 優婆塞戒經 受戒品錄出 PRECEPTS IN THE SUTRA OF THE UPASAKA PRECEPTS TAI-GIA-BO-TAT-GIOI-BON-PRECEPTS-IN-THE-SUTRA-OF-THE-UPASAKA-PRECEPTS/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/11/15/KINH-PHAM-VONG-QUYEN-THUONG/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/11/15/NGHI-THUC-BO-TAT-TAI-GIA-BO-TAT-GIOI/

THESE ARE THE VERY IMPORTANT HELPFULLY NOTES GUIDE LINES:
THE HUMAN AND BEINGS SHOULD BE:
+ GENTLE, POLITELY, NICELY, RESPECTIVELY, RESPECTIVELY, RESPONSIBILITY, FRIENDLY,… AND SO ON…
+ FORGIVENESS, ABANDONED, TENDERLY SOFTENED-HEARTED, CONGENIALLY,… AND SO ON …
+ GENEROUSLY, BENEFICENTLY, HUMANE, BENEVOLENTLY, THANKFULLY, HELPFULLY, GRACEFULLY, GRATITUDE,… AND SO ON …
+ SAFELY, CLEVERLY, SMARTLY, WISELY, WISDOM, INTELLIGENTLY, UNDERSTANDING COGNITION AND HEEDS AND KNOWLEDGE CLEVERLY,… AND SO ON..
+ SOFT-TENDER-TOUCH-HEARTED, KINDNESS, COMPASSIONATELY ELEGY NICE KIND HEARTED, MOURNFULLY, SYMPATHETICALLY HEARTED, GENEROUSLY ABIDE LAMENTABLE,… AND SO ON…
+ SALVATION, SAVIORS, SAVING, TRAINING, AMENDING,… SO ON….
+ NOT GREEDY, UNDESIRED, UNAMBITIOUS, UNBIASED, COMPLETELY FAIR RELATIONSHIPS, UNDIFFERENTIATED, FAIRLY, KINDNESS, UNBIASED, IMPARTIALLY ATTITUDE IN MIND AND /OR BEHAVIOR AND /OR WAYS, AND SO ON….
+++ THE LEGAL AND LAWS AND RULES SHOULD BE FLEXIBLE OR APPLICABLY, AND PURELY, AND FRESHLY AND VIRTUE AND MORAL AND VIRGINAL INNOCENTLY AND CALMLY AND GENEROUSLY AND COMMONLY AND PUBLICITY, AND COMPASSIONATELY ELEGY, AND FORGIVENESS, AND CONGENIALLY, AND ABANDON, AND ENCOURAGE, AND TRAINING, AND REMEDIATE, AND AMENDING, AND EDIFICATION, AND SUITABLE, AND MORALITY, AND SALVATIONS, AND WIDELY SPREADING EDIFICATION, AND SAVING, AND SAFETY, AND COMFORTABLY, AND REASONABLY, AND HELPFULLY, AND PUBLICITY, AND EDIFICATEDLY, NOT GREEDY, UNDESIRED, UNAMBITIOUS, UNBIASED, AND FAIRLY, AND UNBIAS, AND COMPLETELY FAIR RELATIONSHIPS, UNDIFFERENTIATED, KINDNESS, UNBIASED, IMPARTIALLY ATTITUDE IN MIND AND /OR BEHAVIOR AND /OR WAYS, AND SO ON…., AND THIS IS THE MOST IMPORTANT ONE IS THAT THEY ARE ALWAYS DEPEND ON THE ABSOLUTELY HEAVENLY NATURAL CREATOR GOD MIND VALUE….


























Find us at:
Share on facebook: You don't have to be worried about the FACEbook Robots Auto Blocking Servers anyway. Bạn hãy nhấn nút sau để chia sẽ liên kết trang web mới này trên FACEBOOK. Xin các bạn cứ yên tâm mà chia sẽ vì sẽ không bị các chương trình auto robot servers kiểm tra tin rác ngăn chặn được đâu. Xin cám ơn FACEBOOK, INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi! Please click these buttons to share these links (these new other sites) on FACEBOOK. (You don't have to be worried about any FACEBOOK firewall automatic spam checking robot servers anyway, it is our warranty now. Thanks to our FACEBOOK. INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi!)
You can also find us at:
Trang Web Site 1: 
You can also find us at Web Site #1: 
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or
Trang Web Site 2: 
You can also find us at Web Site #2: 
Click this button to Share on FACEBOOK: site02232d1
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
ANOTHER ONE AT:
Trang Web Site 3: 
You can also find us at Web Site #3:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn
or:
Trang Web Site 4:
You can also find us at Web Site #4:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or:
Trang Web Site 5:
You can also find us at Web Site #5:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
Namah Shakya Mouni Buddha. Nam mo Awalokiteshwara Bodhisattwa Mahasattwa maha karunikaya karuna Tadyatha. Aum, Mouniye, Maha Mouniye, Swaha.

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: