Sunday, November 15, 2020

Kinh Phạm Võng BỒ TÁT GIỚI – Quyển Thượng Phạm Võng Kinh

BỒ TÁT GIỚI
Kinh Phạm Võng BỒ TÁT GIỚI – Quyển Thượng
Phạm Võng BỒ TÁT GIỚI Kinh

Kinh Pham Vong BỒ TÁT GIỚI – Quyen Thuong
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch


Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch

Bản Việt dịch 
T. Trí Tịnh

***

I. Lời dẫn
Tạng: Chos-kyi rgya-mo saís-rgyas rnam-par snaí-mdsad-kyis byaí-chub sems-dpa#i sems-kyi gnas bzad-pa le#u bcu-pa.

Gọi đủ: Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập. Cũng gọi Phạm võng kinh Bồ tát tâm địa phẩm, Phạm võng giới phẩm Kinh, 2 quyển, tương truyền do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Diêu Tần, được thu vào Đại chính tạng tập 24.

Nội dung kinh này nói về các giai vị tu đạo của Bồ tát và 10 giới nặng, 48 giới nhẹ mà Bồ tát thụ trì. Cứ theo bài tựa của ngài Tăng triệu trong kinh Phạm võng, Quảng bản của kinh này gồm có 61 phẩm, 120 quyển, kinh này là phẩm thứ 10. Giáo môn của chư Phật trùng trùng vô tận, trang nghiêm pháp thân không bị ngăn ngại, giống như mạng lưới (võng)Nhân đà la của Đại Phạm thiên vương, lớp lớp giao thoa xen lẫn nhau không cùng tận, cho nên kinh này được gọi là kinh Phạm võng.

– Quyển thượng: Từ tầng trời Đệ tứ thiền, đức Phật Thích ca tiếp dắt đại chúng về cung Tử kim cương quang minh ở thế giới Liên hoa tạng, chiêm ngưỡng đức Phật Lô xá na và thưa hỏi về nhân hạnh của Bồ tát, đức Phật Lô xá na liền đối trước trăm nghìn Phật Thích ca nói rộng về 40 pháp môn: 10 tâm phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng, 10 tâm kim cương và 10 địa.

-Quyển hạ: Nói về 10 giới nặng và 48 giới nhẹ của Bồ tát. Đây là các giới pháp do đức Phật Thích ca chỉ dạy dưới gốc cây Bồ đề ở cõi Diêm phù đề trong thế giới Sa bà.

Kinh này được xem là kinh điển bậc nhất về luật Đại thừa, rất được giới Phật giáo Trung quốc và Nhật bản coi trọng. Ngài Tối trừng của Nhật bản đã lấy kinh này làm căn cứ, dựa vào đó mà xử đoán các vấn đề có liên quan đến giới luật đương thời.

Ngoài ra, kinh này vốn do đức Phật Lô xá na tuyên thuyết, đức Phật Thích ca nói lại dưới gốc cây Bồ đề, gọi là Phạm võng bồ tát giới kinh, Bồ tát giới bản, Đa la giới bản, Bồ tát ba la đề mộc xoa kinh, Phạm võng kinh Lô xá na Phật thuyết bồ tát thập trọng tứ thập bát khinh giới.

Kinh này có rất nhiều sách chú thích như: Bồ tát giới nghĩa sớ, 2 quyển, do ngàiTrí khải soạn vào đời Tùy; Thiên thai bồ tát giới sớ, 3 quyển, do ngài Minh khoáng san bổ vào đời Đường; Phạm võng kinh bồ tát giới bản sớ, 6 quyển, do ngài Pháp tạng soạn vào đời Đường; Bồ tát giới bản sớ, 3 quyển, do ngài Nghĩa tịch, người Tân la soạn. [X. Kim cương đính kinh đại du già bí mật tâm địa pháp môn nghĩa quyết Q.thượng; Khai nguyên thích giáo lục Q.4; luận Hiển giới Q.trung].

*

Kinh Phạm Võng BỒ TÁT GIỚI – Quyển Thượng
Bồ Tát Giới được đề cập trong Kinh Phạm Võng rất cụ thể.

Kinh nầy theo lời tựa của Ngài Tăng Triệu, thì Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch gồm có 120 cuốn, bao gồm 61 phẩm. Nhưng, hiện tại ở Đại Tạng Tân Tu chỉ hai cuốn Thượng và Hạ.

Cuốn Thượng: Đức Phật Thích Ca bấy giờ, ở tại cõi trời Ma Hê Thủ La của sắc giới, đã đưa tất cả đại chúng đến Liên Hoa Đài Tạng Thế Giới để gặp Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, nhằm hỏi con đường thành tựu hàng Bồ Tát Thập địa và cũng như những hình thái để thành tựu Phật quả.

Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, đã nói cho đại chúng nghe pháp môn Tâm địa, tức là con đường tu tập thành Phật của Ngài, và thế giới Liên Hoa Đài Tạng là do Ngài tu tập pháp môn Tam địa nầy mà tạo nên, cũng như trăm ngàn ức Đức Thích Ca cũng đều là hóa thân từ Ngài.

Đức Phật Tỳ Lô Xá Na đã nói cho ngàn Đức Phật Thích Ca báo thân và trăm ngàn Đức Phật Thích Ca ứng hóa thân về pháp môn Tâm Địa, mà trong đó gồm có: Thập Phát Thú Tâm, Thập Trưởng Dưỡng Tâm, Thập Kim Cang Tâm và Thập Địa.

Cuốn Hạ, sự ẩn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng và sự xuất hiện của Ngài trong thế giới Ta Bà nầy. Trong đó, đề cập đến thân thế, chí nguyện xuất gia, tu tập, thành đạo và nói năm mươi tám giới của Bồ Tát, gồm mười giới tướng là thuộc về giới pháp vô tận.



Kinh do Ngài cưu Ma La Thập (Kumarajìra) dịch vào thời hậu Tần.

Ngài người Kucha (Khâu Tư) thuộc Ấn Độ, xuất gia năm bảy tuổi. Ngài là vị thần đồng không thua bất cứ ai về sự thông minh vào thời bấy giờ.

Ngài học thông Tam Tạng, đáp ứng lời mời của vua Phù Kiên đời Tiền Tần, nên đã đến Trung Quốc năm 383-386.

Ngài đã ở Tràng An để dịch thuật nhiều kinh điển từ Phạn sang Hán và mất năm 413 T L.

Sự nghiệp dịch kinh của Ngài đã để lại cho đời rất vĩ đại. Kinh Phạm Võng là một bản kinh do Ngài dịch, hiện đang được lưu hành, trì tụng rất phổ biến ở các nước Phật giáo Đại Thừa. Kinh hiện có ở Đại Tạng Tân Tu 24, trang 997.

Kinh Phạm Võng BỒ TÁT GIỚI – Quyển Thượng

Đức Phật Lô-xá-na thuyết tâm địa giới của Bồ-tát

Phẩm thứ mười

(Quyển thượng)

Thời Hậu Tần, nước Quy Tư, Tam tạng Cưu Ma La Thập dịch.

Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại cung điện của thiên vương Ma Hê Thủ La, nơi Đệ tứ thiền địa, cùng với vô lượng Đại Phạm thiên vương, và bất khả thuyết bất khả thuyết chúng Bồ tát; Ngài thuyết phẩm Pháp Môn Tâm Địa mà đức Phật Lô Xá Na đã nói ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng.

Khi ấy, thân đức Phật Thích Ca phóng ra ánh sáng trí tuệ, chiếu từ thiên vương cung đây cho đến thế giới Liên Hoa Đài Tạng. Chúng sinh trong các thế giới được ánh sáng chiếu đến, thảy đều biểu lộ niềm hoan hỷ an lạc, đều sinh nghi ngờ, không biết lý do gì mà có ánh sáng này; vô lượng chư thiên, loài người cũng sinh nghi ngờ.

Bấy giờ, trong đại chúng có bồ-tát Huyền Thông Hoa Quang Vương vừa rời khỏi Đại trang nghiêm hoa quang tam muội. Đức Phật dùng thần lực phóng ra ánh sáng màu mây trắng và kim cương, soi sáng tất cả thế giới, do đó tất cả Bồ tát cùng về tập hội, chung lòng khác miệng, thưa hỏi: “Những ánh sáng này là biểu tượng cho gì?”

Khi ấy, đức Thích Ca liền nâng đỡ đại chúng ở thế giới này đưa về thế giới Liên Hoa Đài Tạng, vào trong trăm vạn ức cung điện Tử Kim Cương Quang Minh, thấy đức Phật Lô Xá Na đang ngồi trên tòa hoa sen triệu cánh rực rỡ ánh sáng. Sau khi đức Phật Thích Ca và chư đại chúng kính lễ dưới chân đức Phật Lô Xá Na, đức Phật Thích Ca thưa: “Trong thế giới này, tất cả chúng sinh nơi đại địa và hư không thực hành nhân duyên gì để thành tựu con đường của Bồ tát thập địa? Thành tựu quả Phật bằng những sắc thái nào?” Như trong phẩm Phật Tánh Bản Nguyên có hỏi rộng về chủng tử của tất cả Bồ tát.

Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na liền rất hoan hỷ, hiện ra thể tánh hư không và ánh sáng, cùng Bản nguyên thành Phật thường trú pháp thân tam muội, chỉ dạy chư đại chúng: “Này chư Phật tử, hãy lắng nghe, khéo tư duy và tu hành, Ta đã trải qua trăm A tăng kỳ kiếp tu hành tâm địa, lấy đó làm nhân tố, mới bỏ được tánh phàm phu mà thành Đẳng chánh giác, hiệu là Lô Xá Na, trú thế giới hải Liên Hoa Đài Tạng. Có ngàn cánh hoa sen bao quanh đài ấy, một cánh là một thế giới, làm thành một ngàn thế giới. Ta hóa ra một ngàn đức Thích Ca trú ở một ngàn thế giới. Rồi thì một thế giới cánh sen, lại có trăm ức núi Tu Di, trăm ức mặt trời – mặt trăng, trăm ức Bốn châu thiên hạ, trăm ức Nam Diêm Phù Đề, trăm ức Bồ tát Thích Ca ngồi dưới trăm ức cội Bồ đề, mỗi đức Thích Ca sẽ nói pháp môn Tâm địa của Bồ-đề-tát-đỏa mà các ông vừa hỏi. Chín trăm chín mươi chín đức Thích Ca còn lại cũng như vậy. Ngàn Phật Thích Ca hiện ra ngàn lần trăm ức đức Thích Ca. Ngàn Phật Thích Ca trên ngàn cánh sen là hóa thân của Ta. Ngàn lần trăm ức đức Thích Ca là hóa thân của ngàn Phật Thích Ca. Ta chính là bản nguyên, danh hiệu là Phật Lô Xá Na.”

Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na ngự trên tòa Liên Hoa Đài Tạng, dạy bảo thêm cho lời hỏi về pháp môn Tâm địa của ngàn Phật Thích Ca và ngàn lần trăm ức đức Thích Ca: “Chư Phật nên biết, trong tín nhẫn kiên cố có mười tâm phát thú để hướng quả: 1. Xả tâm; 2. Giới tâm; 3. Nhẫn tâm; 4. Tiến tâm; 5. Định tâm; 6. Tuệ tâm; 7. Nguyện tâm; 8. Hộ tâm; 9. Hỷ tâm; 10. Đảnh tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm phát thú đi vào pháp nhẫn kiên cố, có mười tâm trưởng dưỡng để hướng quả: 1. Từ tâm; 2. Bi tâm; 3. Hỷ tâm; 4. Xả tâm; 5. Thí tâm; 6. Hảo ngữ tâm; 7. Ích tâm; 8. Đồng tâm; 9. Định tâm; 10. Tuệ tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm trưởng dưỡng đi vào tu nhẫn kiên cố, có mười tâm kim cương để hướng quả: 1. Tín tâm; 2. Niệm tâm; 3. Hồi hướng tâm; 4. Đạt tâm; 5. Trực tâm; 6. Bất thối tâm; 7. Đại thừa tâm; 8. Vô tướng tâm; 9. Tuệ tâm; 10. Bất hoại tâm. Chư Phật nên biết, từ mười tâm kim cương đi vào thánh nhẫn kiên cố, có mười địa để hướng quả: 1. Thể tánh bình đẳng địa; 2. Thể tánh thiện tuệ địa; 3. Thể tánh quang minh địa; 4. Thể tánh nhĩ diễm địa; 5. Thể tánh tuệ chiếu địa; 6. Thể tánh hoa quang địa; 7. Thể tánh mãn túc địa; 8. Thể tánh Phật hống địa; 9. Thể tánh hoa nghiêm địa; 10. Thể tánh nhập Phật giới địa. Đó là phẩm loại của bốn mươi pháp môn. Đó là căn nguyên tu hành đi vào quả Phật khi Ta làm Bồ tát. Như vậy, tất cả chúng sinh đi vào phát thú, trưởng dưỡng, kim cương, thập địa, chứng thành quả Phật: vô vi, vô tướng, đại mãn thường trú, mười lực, mười tám hành bất cộng, đầy đủ pháp thân, trí thân.”

Bấy giờ, nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, đức Phật Lô Xá Na đang ngự trên tòa ánh sáng lớn rực rỡ; ngàn đức Phật ngự trên ngàn cánh hoa; ngàn lần trăm ức đức Phật trú nơi tất cả thế giới Phật. Trong chúng hội có một vị Bồ tát tên là Hoa Quang Vương Đại Trí Minh Bồ tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa với đức Phật Lô Xá Na rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã khai thị sơ lược về danh tướng của mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười kim cương và mười địa. Đối với những nghĩa lý mà chưa thể hiểu rõ, cúi xin đức Thế Tôn nói đó, cúi xin đức Thế Tôn nói đó.” Đó là tất cả trí môn của Diệu cực Kim cương bảo tạng, mà trong phẩm Như Lai Bách Quán đã hỏi rõ.

Bấy giờ, đức Phật Lô Xá Na dạy: “Ngàn Phật hãy lắng nghe! Trước hết Ta sẽ nói cho các ông thế nào là nghĩa của mười phát thú. Chư Phật tử, xả tâm là xả tất cả các vật hữu vi như quốc độ, thành ấp, ruộng vườn, nhà cửa, vàng bạc châu báu, người nam, người nữ, bản thân. Xả tất cả là vô vi, vô tướng . Tri kiến về mình người toàn do giả danh hội hợp, thành ra có chủ thể tạo tác ngã kiến. Mười hai nhân duyên thì không có hội hợp, không có tan rã, không có thọ giả. Mười hai nhập, mười tám giới, năm ấm, tất cả pháp là tướng nhất hợp, nhưng là tướng vô ngã và vô ngã sở, do giả hợp làm thành các pháp. Nếu đối với tất cả pháp ở trong và tất cả pháp ở ngoài mà Bồ tát không xả bỏ, không thọ nhận, thì gọi là Như giả hội quán hiện tiền. Xả tâm thì đi vào Không tam muội.”

“Chư Phật tử! Giới tâm là phi giới, là chẳng phải phi giới, là không có người thọ giới, là thập thiện giới, là không có đạo sư thuyết pháp, là không dối trá cho đến không tà kiến, là không có sự tập khởi. Tình thương, lương thiện, trong sáng, thẳng thắng, chánh đáng, chân thật, chánh kiến, xả, hỷ, là thể tánh của mười giới. Giới ấy chế ngự và đình chỉ tám thứ điên đảo , rời xa tất cả tánh [nhị biên], là con đường duy nhất đưa tới thanh tịnh.”

“Chư Phật tử! Nhẫn tâm là thể tánh của trí tuệ hữu tướng và vô tướng. Nhất thiết không gọi là Không nhẫn. Nhất thiết xứ nhẫn gọi là Vô sinh hành nhẫn. Nhất thiết xứ đắc gọi là Như khổ nhẫn. Vô lượng hành tướng, mỗi một hành tướng gọi là nhẫn. Nhẫn là không nhận, không đánh, không dao gậy, không tâm giận dữ, đều là chân như. Không có tánh chất biệt lập, đế lý nhất tướng, không có vô tướng, có vô hữu tướng, chẳng phải phi tâm tướng, duyên và vô duyên tướng, đứng đi động dừng, mình người trói buộc và cởi thoát; tất cả các pháp đều là chân như, nên sắc thái của nhẫn là bất khả đắc.”

“Chư Phật tử! Tiến tâm là thực hành bốn uy nghi trong mọi thời gian, chế phục cái không và cái giả, thể hội pháp tánh , lên núi vô sinh, để thấy tất cả pháp là hữu, vô, như hữu, như vô . Quán nhập đại địa, xanh, vàng, đỏ, trắng , biến khắp tất cả, cho đến trí tánh của Tam bảo. Đem tất cả đức tin ấy để thăng tiến đạo: không, vô sinh, vô tác, vô tuệ . Từ cái không đi vào pháp thế tục đế mà không có hai tướng. Tương tục không tâm để thấu suốt thiện căn tiến phần.”

“Chư Phật tử! Định tâm là tịch diệt vô tướng. Người [thông đạt] vô tướng bấy giờ đi vào nội không, gặp bậc đạo tâm chúng sinh , không nói duyên, không thấy vô tướng, có vô lượng hạnh, được Vô lượng tâm tam muội. Phàm phu và Thánh nhân, ai cũng có thể đi vào tam muội, nếu có được định lực và tương ưng được với thể tánh thanh tịnh. Ngã, nhân, tác giả, thọ giả và tất cả phược là nhân duyên chướng ngại cho sự kiến tánh. Tâm trí tán động thì không cần tĩnh lặng mà tự diệt. Không không thì tám thứ điên đảo không còn duyên tố [sinh khởi]. Tuệ quán về giả danh và thanh tịnh thì tất cả ý niệm giả hợp đều diệt. Tất cả tội tánh nhận chịu quả dị thục trong ba cõi được diệt trừ toàn do có được định tâm, từ đó phát sinh tất cả thiện.”

“Chư Phật tử! Tuệ tâm là tuệ giác về không. Tuệ tâm ấy chẳng phải không có duyên tố. Nhận biết thể tánh gọi là tâm. Tâm phân biệt được tất cả pháp, tạm gọi là ông chủ. Tâm ấy xuyên suốt và đồng điệu với tuệ giác, nắm giữ quả, thực hành nhân, nhập Thánh xả phàm, diệt tội khởi phước, giải thoát những phiền não trói buộc, đó là thể tánh và công dụng của tâm. Tất cả những kiến chấp về thường, lạc, ngã, tịnh có ra là do không hiểu rõ phiền não và tuệ tánh. Lấy tuệ làm đầu, tu hành tuệ quán bất khả thuyết , đi vào trung đạo nhất đế . Cái tuệ bị vô minh che lấp, tuệ ấy chẳng có tướng, chẳng từ đâu đến, chẳng phải duyên, chẳng phải tội, chẳng phải tám thứ điên đảo, không có sinh diệt. Ánh sáng tuệ giác soi chiếu bao trùm cái không, từ đó phương tiện chuyển biến thành thần thông, vì lấy cái thể của trí làm ra cái dụng của tuệ vậy.”

“Chư Phật tử! Nguyện tâm là thệ nguyện và mong cầu sự vĩ đại , đó là cầu nhất thiết trí. Vì quả trí mà thực hành nhân hạnh, cho nên nguyện tâm tiếp nối nguyện tâm, tương tục trải trăm [A tăng kỳ] kiếp. Đắc quả Phật thì tội chướng diệt, thiết tha cầu tâm địa, cầu đạt vô sinh, không không và nhất nguyện. Khi tu quán thì phải quán nhập chánh định soi chiếu tuệ giác. Vô lượng thấy biết bị trói buộc nhờ tâm mong cầu mà được giải thoát. Vô lượng diệu hạnh nương tâm mong cầu mà được thành tựu. Vô lượng công đức của bồ đề lấy tâm mong cầu làm căn bản. Khởi đầu phát tâm mong cầu, khoảng giữa tu đạo, thực hiện trọn vẹn những nguyện cầu thì quả Phật liền thành tựu. Quán nhập trung đạo nhất đế, [thường an trú tịch tĩnh], thì chẳng có tịch chiếu, chẳng có ấm giới, chẳng có mất đi và sinh ra, cái thấy chẳng phải là cái thấy. Hiểu biết về tuệ giác là thể tánh của nguyện, là bản nguyên của tất cả hành.”

“Chư Phật tử! Hộ tâm là hộ trì Tam bảo và hộ trì công đức của tất cả hành, bằng cách không cho ngoại đạo, tám thứ điên đảo, ác tà kiến, v.v… nhiễu loạn đức tin chân chánh. Diệt ngã phược và kiến phược bằng tuệ quán vô sinh thì thông suốt hai đế chân tục. Quán tâm ngay hiện tại là sự hộ trì căn bản , trong đó: (1) Hộ trì vô tướng là hộ trì ba giải thoát môn: không, vô tác và vô tướng, để tâm và tuệ đi vào vô sinh, để không đạo và trí đạo đều là ánh sáng. (2) Hộ trì ánh sáng [tuệ giác] là quán nhập đạo lý không và giả nơi các pháp, thấy từng phần là huyễn hóa. Huyễn hóa sinh khởi thì như là không có (như vô). Pháp thể như vô ấy dù tập khởi hay ly tán đều không thể hộ trì, [không thể thủ đắc] . Quán pháp cũng như vậy.”

“Chư Phật tử! Hỷ tâm là thường sinh tùy hỷ, vui thích khi thấy người khác và muôn vật được an vui. Thể hội đạo lý giả không và tịch chiếu, cho nên không đi vào hữu vi, không đi vào vô vi, có được đại lạc của sự tịch nhiên: không có hội hợp, không có ly tán, có tiếp nhận thì dạy dỗ, có giáo pháp thì học hỏi. Huyền diệu (vô vi) và giả huyễn (hữu vi) là pháp tánh bình đẳng. Quán chiếu chuyên nhất vào tâm và tâm hành, nghe nhiều về phước đức và công hạnh của chư Phật. Hoan hỷ và trí tuệ thì vô tướng, nên khi duyên với các pháp, trong tâm sinh khởi ý niệm mà tâm vẫn vắng lặng, sáng soi và an lạc.”

“Chư Phật tử! Đảnh tâm là Bồ tát có được cái trí tối thượng, diệt được vô ngã luân , những kiến nghi về thân và tất cả phiền não tham, sân, v.v… , đảnh pháp quán trí liên tục, quán trí liên tục đảnh pháp . Nhân quả trong pháp giới đều là nhất đạo chân như. Trí tác quán đây là trí tối thắng thượng, như đảnh của sự vật, như đảnh đầu người. Quán trí ấy chẳng phải thân kiến, chẳng phải sáu mươi hai kiến chấp, chẳng phải năm uẩn sinh diệt, chẳng phải thần ngã làm chủ sự chuyển động co duỗi, không tác ý, không cảm thọ, không tâm hành, không có gì để nắm buộc. Bồ tát bấy giờ đi vào nội không, gặp bậc đạo tâm chúng sinh, không thấy duyên, không thấy phi duyên, trú Đảnh tam muội, được Tịch diệt định, phát khởi diệu hạnh, hướng đến tuệ giác, tánh thật. Bồ tát đối với thường kiến về mình người, sinh tám thứ điên đảo, thì vin vào pháp môn bất nhị, vì vậy không thọ tám nạn , hoàn toàn không thọ những quả báo huyễn hóa . Đó là một chúng sinh mà đến đi tọa vị, tu hành diệt tội, trừ mười việc ác, sinh mười việc thiện, là bậc chánh nhân nhập đạo, bậc chánh trí chánh hành, là Bồ tát đạt quán trí hiện tiền, là người không thọ quả báo sáu đường, chắc chắn không thoái lui chủng tánh Phật, đời đời vào nhà của Phật, không rời xa chánh tín.”

Mười phát thú ở trên được nói rộng trong phẩm Thập thiên quang.

[Mười tâm trưởng dưỡng:]

Đức Phật Lô xá na dạy: “Này ngàn đức Phật! Mười tâm trưởng dưỡng các ông đã hỏi. Chư Phật tử! Từ tâm là thường thực hành tâm từ, nhân tố sinh ra cái lạc. Quán chiếu cái lạc tương ưng bằng trí vô ngã[26] để đi vào các pháp. Trong đại pháp: thọ, tưởng, hành, thức và sắc[27], không có sinh, không có trú, không có diệt, như huyễn hóa, là chân như vô nhị, cho nên tất cả sự tu hành là làm thành pháp luân[28], hóa độ tất cả chúng sinh, làm họ sinh chánh tín, không do ma vương dạy dỗ, cũng làm cho tất cả chúng sinh có được cái quả an lạc của từ tâm, cái quả mà phi thật, phi thiện ác, và có được tam muội Thể tánh giải không.”

“Chư Phật tử! Bi tâm là vận dụng tánh không không và vô tướng vào tâm bi, và lấy tâm bi làm duyên để hành đạo, tự diệt tất cả nguyên nhân của khổ. Đối với vô lượng khổ của tất cả chúng sinh thì sinh khởi trí [đại bi], không làm duyên sát sinh, không làm duyên hủy pháp, không làm duyên chấp ngã, cho nên thường hành không sát, không trộm, không dâm, không gây phiền não cho một chúng sinh nào. Phát bồ đề tâm là thấy như thật tướng của tất cả pháp qua sự quán sát tánh Không; là sinh đạo trí tâm[29] bằng sự thực hành chủng tánh [thanh tịnh sẵn có]; là giúp ba loại người: sáu thân, sáu ác và sáu thân ác[30] bằng Thượng lạc trí[31]. Trong chín phẩm người ác duyên[32] ở trên, ai có được kết quả an vui, Bồ tát đều vui mừng khởi tâm đại bi, vì nơi tánh Không thì tự thân, tha thân, tất cả chúng sinh đều bình đẳng.”

“Chư Phật tử! Hỷ tâm là tâm hỷ duyệt đối với pháp Vô sinh, khi ấy chủng tánh và thể tướng [của các pháp], cùng với đạo trí đều là tánh Không không[33]. Hỷ tâm là không dính mắc ngã và ngã sở, là không có tập khởi sự sinh tử nhân quả ba đời. Tất cả pháp hiện hữu đi vào Không, nên quán hạnh thành tựu. Hỷ tâm là bình đẳng với tất cả chúng sinh, khởi Không nhập đạo, bỏ ác tri thức, cầu thiện tri thức chỉ dạy cho mình con đường tốt, là làm cho chúng sinh đi vào ngôi nhà Phật pháp. Khi đi vào pháp vị thì thường sinh tâm hoan hỷ đối với chánh pháp. Và còn khiến cho các chúng sinh đi vào chánh tín, bỏ tà kiến, vui mừng khi bỏ được khổ đau trong sáu đường.”

“Chư Phật tử! Xả tâm là thường tu tâm xả bỏ, qua ba pháp như hư không: vô tạo, vô tướng và không. Bình đẳng quán chiếu đối với nhị nguyên: thiện và ác, hữu kiến và vô kiến, tội và phước. Nơi đối tượng của tâm không thấy có nhân ngã, vì tự thể của tự tha thì không thể thủ đắc. Đại xả[34] là xả bỏ tay, chân, thân mạng của mình, xả bỏ con trai, con gái, quốc thành, coi như huyễn hóa, dòng nước, ánh đèn, tất cả vật đều xả bỏ, mà tâm vô sinh. Xả tâm là thường tu sự xả bỏ như vậy.”

“Chư Phật tử! Thí tâm là thường đem tâm thí xả khắp cả chúng sinh, như thí thân thể, thí lời nói, thí ý nghĩ, thí của cải, thí giáo pháp, nghĩa là dạy bảo, hướng dẫn tất cả chúng sinh bằng Phật pháp. Nội thân, ngoại thân, quốc thành, người nam, người nữ, ruộng vườn, nhà cửa, đều là sắc thái của chân như. Thí xả mà không có ý niệm về tài vật, người nhận, người cho, không có trong ngoài, không có kết hợp, không có tan rã, không có tâm hành hóa[35] mà vẫn đạt đạo lý, đạt bố thí, tất cả tướng[36] hiện hành ngay hiện tại.”

“Chư Phật tử! Hảo ngữ tâm[37] là nhập tam muội Thể tánh ái ngữ, là pháp ngữ và nghĩa ngữ của đệ nhất nghĩa đế[38]. Tất cả thật ngữ đều thuận theo đệ nhất ngữ của Phật[39], ngôn ngữ mà điều hòa tâm tánh của tất cả chúng sinh, ngôn ngữ không sân giận và tranh cãi. Trí tuệ về Nhất thiết pháp không thì không có duyên tố, thường sinh ái tâm, hành thuận ý Phật, cũng thuận tất cả người khác. Bồ tát dùng Thánh pháp ngữ để dạy bảo các chúng sinh, thường hành tâm như thật, phát khởi các thiện căn.”

“Chư Phật tử! Lợi ích tâm[40] là khi phát tâm làm lợi ích thì vận dụng thể tánh thật trí để thực hành đạo trí[41]: tập hợp tất cả pháp môn Minh diễm[42], tập hợp quán hạnh Thất tài[43]. Trên hết là vì lợi ích cho người, nhiếp thọ tất cả thân mạng bằng sự thể nhập tam muội Lợi ích, hóa hiện tất cả thân, tất cả lời nói và tất cả ý nghĩ mà chấn động Đại thiên thế giới. Tất cả hành vi, tạo tác của Bồ tát là vì đưa người vào trong Pháp chủng, Không chủng và Đạo chủng[44], để được lợi ích và an vui. Bồ tát dù hiện hình trong sáu đường, sống giữa vô lượng khổ não mà không lo lắng gì cả, chỉ có một mục đích là lợi ích mọi người.”

“Chư Phật tử! Đồng tâm[45] là vận dụng Đạo tánh trí, cái trí đồng thể với tánh Không. Lấy trí Vô ngã mà quán chiếu đạo lý Vô nhị[46] thì thấy pháp vô sinh đồng với pháp sinh diệt; thấy tánh Không đồng với nguyên cảnh[47]. Sắc thái chân như của các pháp là thường sinh, thường trú, thường diệt. Các pháp thế gian tương tục, lưu chuyển không có hạn lượng, thế nhưng Bồ tát có thể hiện hóa vô lượng hình thân, sắc tâm, theo các nghiệp của chúng sinh, đi vào sáu đường, hòa đồng tất cả sự loại, tánh Không đồng với Vô sinh, tự ngã đồng với vô vật. Bồ tát phân thân tán hình như vậy mà vẫn đi vào tam muội Đồng pháp.”

“Chư Phật tử! Định tâm là từ tâm định tĩnh, một lần nữa quán tuệ để chứng tánh Không, tâm thức luôn duyên tĩnh lặng.  Bồ tát đối với ngã, ngã sở, pháp, thức giới, sắc giới,[48] mà tâm không động chuyển. Bồ tát dù có sống trong thuận cảnh hay nghịch duyên, có thị hiện hay nhập diệt thì vẫn thường đi vào trăm tam muội[49], mười thiền chi[50], lấy một niệm trí[51] làm thành cái biết, biết tất cả ngã nhân, hoặc căn ở trong, hoặc cảnh ở ngoài, chủng tử hiện hành, đều không có tụ hội, ly tán, các pháp tập thành, khởi tác mà không thể thủ đắc.”

“Chư Phật tử! Tuệ tâm là khi tuệ khởi tác thì thấy biết tâm; quán sát sự trói buộc của các tà kiến, kết sử, quá hoạn v.v… thì biết thể tánh của chúng là không cố định. Vì thuận nhẫn [giải thoát] và tánh Không thì đồng nhất, cho nên chẳng có ấm, chẳng có giới, chẳng có nhập[52], chẳng có chúng sinh, chẳng có nhất ngã, chẳng có nhân quả, chẳng có pháp ba đời. Tuệ tánh khởi vầng sáng, một tia sáng soi sáng, thấy hư không không có tiếp nhận. Tuệ ấy làm phương tiện sinh khởi, trưởng dưỡng tâm. Tâm ấy đi vào Không không[53], khởi Trung đạo, phát Vô sinh tâm.”

Trong phẩm Thiên hải minh vương đã nói về mười tâm ở trên và Trăm môn pháp minh[54].

[Mười tâm Kim cương:]

Đức Phật Lô xá na dạy: “Này ngàn đức Phật! Trước có nói, chủng tử kim cương có mười tâm.”

“Chư Phật tử! Tín tâm dẫn đầu cho tất cả hành, là căn bản của các công đức. Người có tín tâm thì không khởi các tà kiến của ngoại đạo. Các kiến còn gọi là chấp trước[55]. Các kết[56] tạo nên các nghiệp, [và chướng ngại Thánh đạo]. Bồ tát thì chắc chắn không tiếp nhận các kiến và kết. Bồ tát đi vào trong pháp Không vô vi, thì liễu tri ba tướng: sinh, trú, diệt, đương thể của chúng là vô; vô tướng cũng vô nên sinh tức vô sinh, vô sinh tức sinh, vô trú mà trú, trú tức vô trú, vô diệt mà diệt, diệt tức vô diệt, cho nên không chỉ vô nhất thiết pháp, mà còn vô nhất thiết pháp Không[57].  Trí thế đế và trí đệ nhất nghĩa đế hủy diệt hết cái không dị biệt, cái không đối lập với sắc, cái không của một niệm tâm vi tế[58], cái không của không một niệm tâm vi tế[59], nên gọi là tín. Tín tâm đi vào tịch diệt thì không thể tánh, và tướng hòa hợp cũng không có chỗ dựa. Tuy nhiên, chủ giả, ngã nhân vẫn có danh ngôn, vẫn có tác dụng. Ba cõi giả lập có ngã, nhưng ngã ấy không có cái tướng thủ đắc và tập khởi, cho nên gọi là vô tướng tín.”

“Chư Phật tử! Niệm tâm là thường tác ý nhớ nghĩ về sáu niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên. Nơi tất cả pháp, Bồ tát tu đệ nhất nghĩa đế, Không, vô trước, vô giải; nơi tướng sinh, trú, diệt không thấy có động, [không thấy không động], không thấy có đến nơi, [không thấy không đến nơi]; nơi các nghiệp đời trước, đời sau, và người thọ nhận quả báo là nhất hợp tướng. Bồ tát luôn hồi hướng về cái trí nhập pháp giới, trí tuệ tương ứng ba thừa, ba thừa đồng quy tịch diệt, ánh lửa vô thường, vầng sáng vô sinh, vô sinh chẳng khởi, chuyển đổi Không đạo[60], biến trước chuyển sau[61], biến chuyển hóa hóa[62], hóa chuyển chuyển biến[63], đồng thời đồng trú[64], ánh lửa nhất tướng, sinh diệt nhất thời, đã biến sẽ biến hiện biến[65], hóa cảnh cũng đắc nhất, thọ dụng cũng như vậy.”

“Chư Phật tử! Hồi hướng tâm là đệ nhất nghĩa không. Đối với thật pháp, Bồ tát vận dụng Không trí để chiếu soi thế đế và thật đế. Nghiệp đạo tương tục, nhân duyên, trung đạo, gọi là thật đế. Các pháp giả danh, ngã nhân, chủ giả, gọi là thế đế. Với cả hai đế, sâu xa nhập Không mà không đến đi, huyễn hóa thọ quả mà không tiếp nhận, cho nên thâm tâm đưa đến giải thoát.”

“Chư Phật tử! Đạt chiếu tâm là nhẫn thuận tất cả thật tánh, tánh tánh[66], không trói buộc, không giải thoát[67], pháp đạt vô ngại, nghĩa đạt vô ngại, từ đạt vô ngại, giáo hóa đạt vô ngại[68]. Ba đời nhân quả, chúng sinh căn hành toàn là chân như: không hội hợp, không ly tán, không có thật dụng, không có vô dụng, không dụng của danh, không dụng của dụng, nhất thiết Không không, Không chiếu đạt Không, gọi là thông đạt Nhất thiết pháp không. Không thể thủ đắc tướng trạng của Không không và chân như.”

“Chư Phật tử! Trực tâm là trực chiếu tự ngã thủ chấp, năng duyên, nhập Vô sinh trí. Vô minh và tự ngã đều Không. Trong cái Không cũng Không. Theo đạo lý Không không, tâm thức ở trong cái hữu hay ở trong cái vô, thì chủng tử của tuệ giác cũng chẳng hư hoại. Nơi trung đạo vô lậu, nhất tâm quán sát tất cả chúng sinh ở mười phương cần được giáo hóa, làm cho tất cả chúng sinh đều chuyển nhập Tát-bà-nhã[69], chân tánh Không. Nương chân tánh Không mà tu hành chân thật thì Bồ tát đi vào ba cõi với bao kết phược mà không thọ nhận chúng.”

“Chư Phật tử! Bất thối tâm là không đi vào những lãnh vực của phàm phu, không khởi và tăng thêm các kiến tạp loạn, cũng như không tập khởi nhân tố khổ đau và ý niệm mình người; là dấn thân vào các nghiệp trong ba cõi để thực hành tánh Không, tâm không thoái chuyển đối với giải thoát. Nơi trung đạo đệ nhất nghĩa đế, tâm hành hợp nhất nên hành không thoái lui, bản tế[70] [với thân tâm] không hai nên niệm không thoái lui. Quán trí Không sinh về chân như nơi các pháp, tương tục không thoái không trú, tâm đi vào Bất nhị, tâm an trú Không sinh. Nhất đạo và nhất tịnh[71] làm sự bất thối cho nhất đạo và nhất chiếu[72].”

“Chư Phật tử! Đại thừa tâm là trí thấu suốt Đệ nhất nghĩa Không. Tất cả hành là pháp giới hành, tất cả tâm là pháp giới tâm, đó gọi là Nhất thừa. Ngồi cổ xe Nhất thừa Không trí là ngồi cổ xe trí và cổ xe hành. Ngồi cổ xe trí là vận dụng tâm, chuyển tải trí một cách tự nhiên, để hóa độ tất cả chúng sinh vượt qua dòng sông ba cõi, dòng sông kết phược, dòng sông sinh diệt. Ngồi cổ xe hành là vận dụng trí, chuyển hóa tâm một cách tự nhiên, đi vào trong biển tuệ giác của Phật. Cho nên, những chúng sinh nào chưa được Không trí thì chưa gọi là có Đại thừa tâm, mà chỉ gọi là Thừa tâm, nghĩa là người được đưa qua biển khổ.”

“Chư Phật tử, Vô tướng tâm là trí tuệ ba-la-mật soi chiếu không hai: vọng tưởng và giải thoát, tất cả kết nghiệp và chân như, các pháp ba đời và đệ nhất nghĩa đế; cho nên sự tu hành nơi Vô sinh không, thì tự biết tương lai được thành Phật. Tất cả Phật là đạo sư của ta, tất cả Hiền thánh là bạn đồng học của ta, đều đồng nhất bản thể Vô sinh Không, nên gọi là Vô tướng tâm.”

“Chư Phật tử! Tuệ tâm là quán trí nơi vô lượng pháp giới thì không có nhân tập khởi, không có quả thọ sinh, sống trong phiền não mà không bị trói buộc; quán trí nơi tất cả pháp môn đều là chỗ hành đạo của các bậc Hiền, chỗ quán pháp của các bậc Thánh, bao nhiêu Bồ đề Thánh đạo cũng như vậy. Tất cả pháp trí phương tiện giáo hóa của chư Phật, tôi đều tích tập ở trong tâm. Tất cả luận thuyết, tà định của ngoại đạo, công dụng, huyễn hóa, ma thuyết, Phật thuyết, tôi đều phân biệt, đi vào nhị đế xứ: chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng có ấm giới nhập. Đó là ánh sáng của tuệ giác, ánh sáng soi chiếu tự tánh để thể nhập tất cả pháp.”

“Chư Phật tử! Bất hoại tâm là đi vào Thánh địa trí, đến gần Giải thoát vị, có được Đạo chánh môn, soi sáng Bồ đề tâm, Phục nhẫn[73] thuận với Không, tám loại ma[74] không thể phá hoại.[75] Bấy giớ, Bồ tát được chúng Thánh xoa đảnh, chư Phật khuyến phát, đi vào tam muội Ma đảnh (xoa đảnh), thân phóng hào quang chiếu khắp mười phương Phật độ, tức là thể nhập thần thông và uy nghi của Phật, ẩn hiện tự tại, chấn động Đại thiên thế giới, cùng với Bình đẳng địa tâm không hai, không khác, tuy nhiên chẳng phải là trung quán tri đạo. Nhờ sức tam muội Ma đảnh, trong hào quang, Bồ tát thấy chư Phật nơi vô lượng quốc độ, hiện đang thuyết pháp. Bấy giờ, Bồ tát liền đắc nhập tam muội Đảnh, chứng được Hư không bình đẳng địa và Tổng trì pháp môn, đầy đủ các Thánh hành. Bồ tát tâm tâm hành nơi Không không, Không tuệ nơi trung đạo, vô vi vô tướng, nhất chiếu nhất tịch, tất cả tướng diệt, chứng đắc Kim cương tam muội môn, thể nhập Nhất thiết hành môn.”

 Trong kinh Phật Hoa có nói rộng về sự thể nhập Hư không bình đẳng địa.

[Mười địa:]

Đức Phật Lô xá na dạy: “Này ngàn đức Phật! Trước các ông có hỏi, mười địa có nghĩa thú gì?”

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa đi vào Thể tánh Bình đẳng tuệ địa, lưu xuất từ pháp chân thật mà giáo hóa chúng sinh bằng tất cả hành, đầy đủ trí Hoa quang, du hành Bốn thiên hạ, hóa độ tự tại, hóa độ khắp cả, đầy đủ thần thông, mười lực, mười hiệu, mười tám pháp bất cộng, trú tịnh độ của Phật.  Vô lượng đại nguyện, biện tài vô úy, tất cả luận[76], tất cả hành, tôi đều đắc nhập. Bồ tát sinh ra từ nhà Phật, ngồi ở tánh địa Phật, hoàn toàn không nhận tất cả chướng ngại và nhân quả phàm phu, đại lạc hoan hỷ. Từ một Phật độ đi vào vô lượng Phật độ, từ một kiếp đi vào vô lượng kiếp, từ pháp bất khả thuyết làm thành pháp khả thuyết. Bồ tát dùng tuệ soi thấy tất cả pháp, thấy tất cả pháp theo chiều thuận, thấy tất cả pháp theo chiều nghịch[77], thường đi vào nhị đế mà vẫn ở trong đệ nhất nghĩa đế. Bồ tát lấy một trí [bình đẳng] để biết thứ tự của mười địa, mỗi một sự khai thị cho chúng sinh, nhưng tâm thường an trú trung đạo. Bồ tất lấy một trí [bình đẳng] để biết mười phương Phật độ thù thắng sai biệt và những giáo pháp của chư Phật thuyết, nhưng thân tâm không biến động. Bồ tát lấy một trí [bình đẳng] để biết mười hai nhân duyên, mười chủng tánh ác, mà thường trú đường lành. Bồ tát lấy một trí [bình đẳng] để biết cái thấy không có hai tướng. Bồ tát lấy một trí [bình đẳng] để biết sự nhập mười thiền chi, sự hành ba mươi bảy đạo phẩm, mà hóa hiện tất cả sắc thân trong sáu đường. Bồ tát lấy một trí [bình đẳng] để biết mười phương các sắc pháp, từng phần sinh khởi rõ ràng, đi vào sinh tử thọ nhận quả báo hình sắc mà tâm thức không bị ràng buộc, ánh sáng tuệ giác soi chiếu tất cả, vì vậy hiện tiền có được Không tuệ tín nhẫn Vô sinh. Từ địa thứ nhất, địa thứ hai, cho đến quả vị Phật, trong khoảng thời gian ấy, Bồ tát một lúc thực hành tất cả pháp môn. Đây là lược nói kho tàng biển cả công đức và hạnh nguyện của pháp môn Bình đẳng địa, sự thể đó như một giọt nước biển trên đầu cọng lông.”

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa đi vào Thể tánh Thiện tuệ địa, thấu suốt pháp giới thanh tịnh, thành tựu tất cả thiện căn, được gọi là tuệ giác của bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Căn bản của tất cả công đức là từ sơ quán nhập Đại không tuệ. Trong Phương tiện đạo trí, Bồ tát thấy khổ đế luôn có mặt trong các chúng sinh có thức tâm. Khi duyên với tất cả khổ não: dao, gậy, v.v… trong ba đường dữ mà sinh khởi nhận biết, gọi là khổ đế. Ba sắc thái khổ, đó là: (1) Cái biết nơi thân: từ dao, gậy, v.v… và cái thân sắc ấm; hai duyên này xúc chạm, sinh ra cái biết Hành khổ duyên[78]. (2) Cái biết nơi ý thức: khi ý thức duyên với đối tượng nhận biết của năm thức thân, nên cảm nhận được khổ đau do trúng dao, gậy, v.v… hay thân có vết thương, sưng bầm, v.v…, gọi là cái biết Khổ khổ duyên. Vì khổ não thêm lên, nên gọi là Khổ khổ. (3) Cái biết nơi thọ hành: hai tâm nơi hành khổ và khổ khổ, tức duyên trên cái thân sắc ấm, những vết thương đang hủy hoại mà sinh cái biết về khổ, gọi là cái biết Hoại khổ duyên. Như vậy, ba cái biết này theo thứ tự sinh ra ba tâm (hành khổ, khổ khổ, hoại khổ), gọi là Khổ khổ khổ. Nơi tất cả chúng sinh có tâm thức, Bồ tát thấy có ba khổ, làm nhân duyên sinh khởi vô lượng khổ não. Bồ tát phát nguyện: ‘Tôi nguyện ở trong mọi khổ não, đi vào tam muội Giáo hóa đạo, hiện hóa tất cả sắc thân trong sáu đường, chứng mười thứ biện tài, nói ra các pháp môn.’ Đó là tất cả chúng sinh lấy khổ thức làm căn bản, sinh ra khổ duyên. Có đủ cái duyên dao gậy, thì khổ thức hiện hành, những vết thương sưng bầm trên thân bắt đầu hủy hoại. Nội thân và ngoại trần tiếp xúc nhau thì hoặc có đủ duyên, hoặc không có đủ duyên. Có đủ hai duyên thì sinh ra thức phân biệt, thức tạo tác, thức cảm thọ; cái biết của thức khi xúc đối, gọi là Khổ thức. Vì hiện hữu hai duyên (căn và trần) nên tâm tâm duyên sắc, tâm xúc xúc não; thọ nhận phiền độc thì là Khổ khổ. Tâm duyên thức, khởi đầu ở căn môn, nhận biết nơi trần duyên, gọi là Khổ giác. Tâm tạo tác, tâm cảm thọ, khi xúc đối trần cảnh ý thức biết xúc đối nhưng tâm chưa cảm thọ phiền độc thì gọi là Hành khổ. Cảnh duyên bức bách sinh ra cái biết, như quẹt đá ra lửa. Nơi tâm thì niệm niệm sinh diệt, nơi thân thì tán hoại, chuyển biến. Thức đi vào hoại duyên, theo duyên ấy mà tập khởi hay ly tán; tâm khổ tâm não nên lãnh thọ những niệm mà duyên sau bị nhiễm trước, tâm tâm không buông xả được, đó là Hoại khổ. Bồ tát quán tất cả Khổ đế nơi ba cõi như thế. Lại quán vô minh tích tập vô lượng tâm, khởi tác tất cả nghiệp tương tục, tương liên. Thói quen tích tập làm nhân, gọi là Tập đế. Chánh kiến, giải thoát, Không không, trí đạo tâm tâm; vì lấy trí làm đạo nên gọi là Đạo đế. Hết quả báo của chư hữu, hết nguyên nhân của chư hữu, thanh tịnh nhất chiếu, thể tánh diệu trí, là Tịch diệt đế. Tuệ phẩm đầy đủ gọi là căn. Bồ tát vận dụng tất cả tuệ tánh để khởi Không nhập quán, đó là thiện căn ban đầu. Tiếp theo, Bồ tát quán xả tất cả tham trước, v.v… của chư hành, nhập Nhất thiết bình đẳng Không, xả vô duyên mà quán tưởng biên tế tánh Không của các pháp, rằng: ‘Tôi quán mười phương tất cả địa độ đều là đất tạo dựng các thân xưa cũ, quán nước trong bốn biển lớn là nước tạo dựng các thân xưa cũ, quán tất cả kiếp hỏa là lửa tạo dựng các thân xưa cũ, quán tất cả phong luân là gió tạo dựng các thân xưa cũ. Tôi nay đi vào trong quốc độ này, pháp thân đầy đủ, xả bỏ các thân xưa cũ, hoàn toàn không thọ nhận cái thân được tạo dựng bằng tứ đại, phần đoạn, bất tịnh. Vì vậy mà Xả phẩm của tôi đầy đủ.’ Sau cùng, Bồ tát quán chiếu tất cả chúng sinh mà mình giáo hóa, trao cho họ cái vui của trời người, ý lạc của mười địa, ý lạc rời xa mười ác, có được ý lạc của tam muội Diệu hoa, cho đến ý lạc của Phật địa. Bồ tát quán nhập như vậy thì phẩm tánh Từ bi đầy đủ. Bấy giờ, Bồ tát an trú nơi địa vị không si, không tham, không sân; thể nhập trí Bình đẳng nhất đế, cái trí làm căn bản cho tất cả hành; du hành tất cả thế giới chư Phật, hiện hóa vô lượng pháp thân.”

Phần trên giống như phẩm Nhất thiết chúng sinh Thiên Hoa đã nói.

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa đi vào Thể tánh Quang minh địa, từ tam muội sinh khởi cái trí thấu rõ mọi sự, biết các pháp môn của tất cả Phật trong ba đời, qua danh vị cú[79] của mười hai pháp phẩm: trùng tụng, ký biệt, trực ngữ, kệ, bất thỉnh thuyết, luật nghi, thí dụ, Phật giới, tích sự, phương chánh, vị tằng hữu, đàm thuyết[80]; thể tánh của giáo pháp ấy là đệ nhất nghĩa biệt. Trong danh vị cú ấy nói rằng, tất cả pháp hữu vi, trong đó, mỗi tự thể thọ sinh: (1) ban đầu nhập thức thai, (2) tứ đại tăng trưởng, sắc và tâm, gọi là danh sắc, (3) sáu căn khởi lên cái biết chân thật, gọi là sáu trú, (4) cái biết mà chưa phân biệt được khổ vui gọi là xúc thức, (5) cái thức biết khổ vui gọi là ba thọ[81], (6) liên tục nhận biết và ái chấp các thọ khởi lên không dứt, (7) cho nên có dục thủ, ngã kiến thủ và giới cấm thủ; (8) vì vậy đường lành, đường dữ hiện hữu; (9) tâm thức sinh khởi gọi là sinh, (10) tâm thức diệt mất gọi là tử. Đây là mười phẩm nhân duyên quả khổ hiện tại.[82] Quán trung đạo về hành tướng ấy, Bồ tát nói: ‘Tôi từ lâu đã rời xa hành tướng sinh tử, vì các pháp không có tự thể tánh.’ Bồ tát đi vào tam muội Quang minh, dẫn sinh ra thần thông, tổng trì biện tài, tâm trí hiện hành tánh Không, cho nên ở trong mười phương Phật độ, nơi kiếp hiện tại hóa chuyển chúng sinh, hóa chuyển đến trăm kiếp, ngàn kiếp. Trong mỗi quốc độ của Phật, Bồ tát nuôi dưỡng thần thông, lễ kính trước đức Phật, thưa thỉnh, tiếp nhận giáo pháp. Lại nữa, nơi sáu đường, Bồ tát hiện hóa các thân hình, trong một âm thanh thuyết ra vô lượng pháp phẩm, làm cho mỗi chúng sinh được nghe, sinh tâm ưa thích giáo pháp. Đó là âm thanh của đệ nhất nghĩa đế: khổ, không, vô thường, vô ngã. Cho dù quốc độ bất đồng, chúng sinh khác biệt thân tâm, Bồ tát cũng hóa độ khắp cả.”

Đây là nói một chút phần về Diệu hoa quang minh địa, nếu hiểu rộng thì xem phẩm Pháp, mục Pháp môn Giải quán, và xem phẩm Thiên tam muội.

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Nhĩ diễm địa, từ chân đế như thế mà sáng tỏ tục đế, chân tục không hai, không đoạn, không thường, tức sinh, tức trú, tức diệt. Trong một thế giới, một thời gian, một niệm, có vô số sai biệt, hiện hữu, biến dị.  Các pháp duyên khởi trung đạo thì chẳng một, chẳng khác, chẳng thiện, chẳng ác, chẳng phàm, chẳng Phật. Cõi Phật và cõi phàm, tất cả đều là giả danh, gọi là thế đế. Bồ tát lấy đạo trí mà quán chiếu, thấu rõ thế đế không một, không khác, đi vào huyền thông trung đạo chánh định phẩm, chỗ gọi là tâm hành của Phật, là những giác chi làm nhân tố khởi đầu cho chánh định: tín giác, tư giác, tịnh giác (thiền định), thượng giác (tinh tiến), niệm giác, tuệ giác, quán giác, ỷ giác (khinh an), lạc giác và xả giác; mười giác chi đây là phẩm loại của phương tiện đạo, là tâm hành để nhập định quả. Bồ tát trú trong định, phát sinh tuệ quang soi chiếu tướng Không của các pháp. Nếu khởi niệm nhập định thì nhập cái định Tâm không, sinh tâm ái thuận Thánh đạo, từ đạo pháp hóa sinh, gọi là pháp lạc nhẫn, trú nhẫn, chứng nhẫn, tịch diệt nhẫn. Cho nên chư Phật nhập vào tam muội Quang quang hoa, hiện vô lượng Phật, dùng tay xoa đảnh chư Bồ tát, thuyết pháp bằng một âm thanh, khởi phát trăm ngàn giáo pháp mà không xuất định. Trú định, vị lạc định, trước định, tham định; trong một kiếp, ngàn kiếp, trú định. Thấy đức Phật ngồi tòa liên hoa, thuyết một trăm pháp minh môn; Bồ tát cúng dường, nghe pháp, một kiếp trú định. Khi đó, trong ánh sáng, được chư Phật xoa đảnh, Bồ tát phát khởi định phẩm, xuất tướng, tiến tướng, khứ hướng tướng, cho nên không mất định, không thoái định, không đọa lạc, an trú nơi pháp tánh của tam muội Đảnh, có được lạc nhẫn ở trên, phiền não dứt hết không sót. Bồ tát liền đi vào tất cả Phật độ, tu trì vô lượng phẩm hạnh công đức.  Bồ tát thực hành trong ánh sáng tuệ giác, thể nhập thiện quyền phương tiện, giáo hóa tất cả chúng sinh, làm cho chúng sinh thấy được thể tánh thường, lạc, ngã, tịnh của chư Phật. Bồ tát sống và trú trong thể tánh địa như vậy mà hành hóa các pháp môn, dần dần thâm nhập thể tánh trung đạo của Diệu hoa quán trí, đầy đủ tất cả pháp môn phẩm, giống như trăm ngàn tam muội Kim cương.”

Trong phẩm Minh nguyệt đạo ở trên, đã nói rõ nghĩa lý ấy.

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Tuệ chiếu địa, pháp sở chứng có mười thứ lực sinh phẩm, khởi tất cả công đức hành, tức đem nhất tuệ phương tiện để biết: (1) Biệt hành của hai nghiệp thiện ác, tức Xứ lực phẩm; (2) Những nghiệp thiện tác, ác tác, tức Trí lực phẩm; (3) Tất cả những mong cầu quả dị thục trong sáu đường, tức Dục lực phẩm; (4) Tánh phân biệt bất đồng trong sáu đường, tức Tánh lực phẩm; (5) Tất cả thiện căn, ác căn, mỗi một bất đồng, tức Căn lực phẩm; (6) Tà định tụ, chánh định tụ và bất định tụ, tức Định lực phẩm; (7) Tất cả nhân quả, vừa làm nhân, vừa làm quả, cho đến đạo phẩm làm nhân cho quả xứ, tức Đạo lực phẩm; (8) Con mắt biết tất cả pháp, thấy tất cả thọ sinh, tức Thiên nhãn lực phẩm; (9) Biết hết thảy sự trong trăm kiếp, tức Túc thế lực phẩm; (10) Nơi tất cả sinh, phiền não diệt, nơi tất cả thọ, vô minh diệt, tức Giải thoát lực phẩm. Đó là Thập lực phẩm trí. Bồ tát biết nhân quả của sự tự tu hành, cũng biết nhân quả sai biệt của tất cả chúng sinh, nên thân, khẩu, ý có sự biệt dụng. Bồ tát lấy tịnh quốc độ làm ác quốc độ, lấy ác quốc độ làm diệu lạc độ, có thể chuyển thiện tác ác, chuyển ác tác thiện, sắc làm phi sắc, phi sắc làm sắc, lấy nam làm nữ, lấy nữ làm nam, lấy lục đạo làm phi lục đạo, phi lục đạo làm lục đạo, cho đến địa thủy hỏa phong làm phi địa thủy hỏa phong. Bấy giờ, bồ tát lấy đại phương tiện lực, nơi tất cả chúng sinh mà thấy được sự bất khả tư nghị, nơi mỗi bước chân ở hạ địa không có việc gì bồ tát không hay biết. Đại minh trí của bồ tát ấy dần dần tiến tới Phần phần trí, ánh sáng vô lượng vô lượng, pháp môn bất khả thuyết bất khả thuyết được thực hành ngay trong hiện tại.”

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Hoa quang địa, thường ở trong tất cả thế giới, sử dụng mười thần thông minh trí phẩm, qua các loại biến hóa để chỉ dạy tất cả chúng sinh. (1) Bồ tát dùng trí Thiên nhãn minh, biết trong các quốc độ ba đời, tất cả sắc như vi trần, v.v…, từng phần của chúng tạo dựng các thân của chúng sinh trong sáu đường, mỗi thân là tổ hợp của những vi trần, tế sắc tạo thành đại sắc. (2) Bồ tát dùng trí Thiên nhĩ minh, biết âm thanh khổ vui của chúng sinh sáu đường, trong ba đời và mười phương, biết phi phi âm, biết phi phi thanh, biết tất cả âm thanh của giáo pháp. (3) Bồ tát dùng trí Thiên thân minh, biết tất cả sắc, sắc và phi sắc, biết những thân hình phi nam phi nữ, ở trong một niệm hiện hóa số thân nhiều như vi trần nơi các vô số quốc độ lớn nhỏ trong mười phương ba đời. (4) Bồ tát dùng trí Thiên tha tâm, biết được tâm hành của chúng sinh ba đời, biết những tâm niệm, mong cầu khổ vui, việc thiện ác, v.v… của tất cả chúng sinh trong sáu đường mười phương. (5) Bồ tát dùng trí Thiên nhân, biết sự khổ vui, thọ mạng và đời trước của tất cả chúng sinh trong các quốc độ mười phương ba đời, biết đời sống của một chúng sinh trong một trăm kiếp. (6) Bồ tát dùng trí Thiên giải thoát, biết sự giải thoát của chúng sinh mười phương ba đời, biết sự đoạn trừ tất cả phiền não nhiều ít như thế nào, biết tùy miên diệt tận ở địa thứ nhất cho đến địa thứ mười. (7) Bồ tát dùng trí Thiên định tâm, biết tâm chúng sinh trong các quốc độ mười phương ba đời, là định, bất định, phi định, phi bất định, biết phương pháp khởi định, biết cả trăm tam muội, và biết tam muội nào chúng sinh có thể nhiếp thọ. (8) Bồ tát dùng trí Thiên giác, biết tất cả chúng sinh đã thành Phật, chưa thành Phật, cho đến tâm niệm của tất cả chúng sinh trong sáu đường, cũng biết giáo pháp tâm địa của mười phương chư Phật. (9) Bồ tát dùng trí Thiên niệm, biết trăm kiếp, ngàn kiếp, đại kiếp, tiểu kiếp, biết tất cả chúng sinh thọ mạng dài ngắn. (10) Bồ tát dùng trí Thiên nguyện, biết tất cả chúng sinh, Hiền thánh ở mười địa, trong ba mươi tâm[83], mỗi một hạnh nguyện, hoặc cầu khổ vui, hoặc pháp phi pháp, tất cả mong cầu, mười nguyện[84], trăm ngàn đại nguyện phẩm thảy đều đầy đủ. Bồ tát ấy an trú trong Thể tánh Quang hoa địa, vận dụng mười thần thông minh, hiện vô lượng thân tâm khẩu với những ứng dụng sai biệt, thuyết giảng về công đức ở các địa không thể cùng tận trong trăm ngàn muôn kiếp.”

Như vậy, đức Phật Thích Ca đã lược khai phẩm Thần thông minh, cũng như trong phẩm Quán mười hai nhân duyên có đề cập.

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Mãn túc địa, đi vào trong pháp tánh ấy có mười tám trí phẩm của bậc Thánh[85] mà Bồ tát ở hạ địa không có, đó là: (1) Thân không lầm lỗi; (2) Miệng không lầm lỗi; (3) Niệm không lầm lỗi; (4) Rời xa tám pháp[86]; (5) Xả bỏ tất cả pháp; (6) Thường an trú tam muội. Bồ tát nhập địa thì đầy đủ sáu phẩm trí như vậy. Lại từ sáu trí ấy sinh ra sáu Cụ túc trí, đó là: (1) Hoàn toàn không thọ nhận kết tập của ba cõi, cho nên Dục cụ túc; (2) Tất cả công đức, tất cả pháp môn mà mình mong cầu thì đầy đủ, cho nên Tiến tâm cụ túc; (3) Đối với tất cả pháp sự, tất cả kiếp sự, tất cả chúng sinh sự[87], thì biết hết khắp cả chỉ trong một niệm, cho nên Niệm tâm cụ túc; (4) Biết hai đế tướng chân tục là tất cả pháp Không và sáu đường chúng sinh, cho nên Trí tuệ cụ túc; (5) Biết hàng Bồ tát mười phát thú cho đến tất cả đức Phật, không có kết, không có tập, cho nên Giải thoát cụ túc. Đối với tất cả chúng sinh, thì biết phân biệt mình người, đệ tử, sư trưởng, v.v… mà không có lậu hoặc, không có các phiền não, cho nên lấy trí biết tha thân để đầy đủ sự giải thoát. Bồ tát thể nhập sáu minh trí cụ túc liền khởi thêm các trí, đó là: (1) Theo tâm hành của chúng sinh trong sáu đường, mà thân hiện hóa tất cả thân chúng sinh, miệng biện thuyết vô lượng pháp môn phẩm; (2) Theo tâm hành của chúng sinh, Bồ tát thường đi vào tam muội, mà hiện chấn động mười phương đại địa, hóa hoa quang nơi hư không, làm cho tâm hành của chúng sinh đi vào được Đại minh trí cụ túc; (3) Thấy chư Phật xuất thế trong tất cả kiếp ở thời quá khứ, cũng như chỉ dạy tất cả chúng sinh tâm; (4) Đem cái trí vô trước để thấy tất cả đức Phật trong tất cả quốc độ mười phương hiện tại, và thấy những sở hành trong từng ý nghĩ của tất cả chúng sinh; (5) Đem cái trí thần thông để thấy chư Phật xuất thế trong tất cả kiếp ở thời vị lai; (6) Thấy tất cả chúng sinh từ chư Phật tiếp nhận và lắng nghe đạo pháp. Bồ tát chứng nhập và an trú trong mười tám phẩm trí của bậc Thánh thì tâm trí luôn ở trong tam muội, quán chiếu các thân sắc nhiều như vi trần của ba cõi là các thân đời trước của mình, tất cả chúng sinh là cha mẹ mình, làm cho họ đi vào các địa, để có được tất cả công đức, tất cả thần quang, tất cả pháp sở hành của chư Phật, cho đến tất cả pháp môn phẩm ở địa thứ tám và địa thứ chín. Bồ tát đã thể nhập các địa, cho nên ở trong tất cả quốc độ của chư Phật, Bồ tát thị hiện làm Phật, thành đạo, chuyển pháp luân, thị nhập diệt độ, chuyển hóa tha phương nơi ba thời gian, thường đi vào các quốc độ của Phật nhiều như vô số vi trần.”

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Phật hống địa, đi vào tam muội Pháp vương vị. Trí tuệ của Bồ tát ấy như trí tuệ của Phật, nên gọi là tam muội Phật hống. Bồ tát đi vào trí Thập phẩm đại minh, định môn Tịch diệt thường hiện hữu trước mặt, tam muội thể nhập tâm tánh là Hoa quang âm. Không tuệ của Bồ tát ấy là tuệ môn nội không, tuệ môn ngoại không, tuệ môn hữu vi không, tuệ môn vô vi không, tuệ môn tánh không, tuệ môn vô thủy không, tuệ môn đệ nhất nghĩa không, tuệ môn không không, tuệ môn không không phục không, tuệ môn không không phục không không. Như vậy là mười không môn mà Bồ tát ở hạ địa không biết đến.  Bồ tát ở địa này thể nhập hư không bình đẳng tánh, có được đạo trí và thần thông không thể nghĩ bàn. Bồ tát dùng một niệm trí biết tất cả pháp từng phần sai biệt, đi vào trong vô lượng quốc độ của chư Phật, học hỏi giáo pháp với mỗi đức Phật, rồi chuyển vận giáo pháp ấy hóa độ tất cả chúng sinh, trao cho chúng sinh tất cả pháp lạc. Bồ tát ấy là đại pháp sư, là đại đạo sư, phá hủy bốn loại ma quân[88], pháp thân biến hóa đi vào các cảnh giới Phật. Ở nơi chư Phật và nơi các Bồ tát ở địa thứ chín và thứ mười, Bồ tát ấy trưởng dưỡng pháp thân, có được trăm ngàn đà-la-ni môn, trăm ngàn tam muội môn, trăm ngàm kim cương môn, trăm ngàn thần thông môn, trăm ngàn giải thoát môn. Như vậy, ở trong trăm ngàn Hư không bình đẳng môn, Bồ tát ấy được sự đại tự tại, thực hành trong một niệm, một thời gian. Bồ tát ấy nhận biết: kiếp thuyết phi kiếp, phi kiếp thuyết kiếp, phi đạo thuyết đạo, đạo thuyết phi đạo, phi lục đạo chúng sinh thuyết lục đạo chúng sinh, lục đạo chúng sinh thuyết phi lục đạo chúng sinh, phi Phật thuyết Phật, Phật thuyết phi Phật, cho nên nhập xuất tam muội Thể tánh chư Phật, bằng sự quán chiếu tự tánh, quán chiếu thuận nghịch mười hai duyên khởi, quán chiến đời trước và đời sau, quán chiếu nhân và quả, quán chiếu không và có, quán chiếu đệ nhất trung đạo nghĩa đế. Trí quán chiếu ấy là sở chứng của Bồ tát địa thứ tám, mà Bồ tát ở hạ địa không thể có được. Bất động bất đáo, bất xuất bất nhập, bất sinh bất diệt, chính là pháp môn phẩm của địa này. Pháp môn của địa này thì có vô lượng vô số, bất khả thuyết bất khả thuyết, nay chỉ trình bày sơ lược một chút phần trong trăm ngàn phần.”

Trong phẩm La hán cũng đã nói rõ.

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Phật Hoa nghiêm địa, vận dụng uy nghi của Phật, tự tại xuất nhập tam muội Như lai, vua của các loại định. Khắp mười phương, trong các thế giới Tam thiên với trăm ức nhật nguyệt, trăm ức tứ thiên hạ, Bồ tát nhất thời thành Phật, chuyển pháp luân cho đến diệt độ[89]. Trong cái Tâm duy nhất [và đồng nhất], Bồ tát làm tất cả Phật sự, trong một thời gian nhất định, thị hiện cho tất cả chúng sinh thấy được cái thân tám mươi vẻ đẹp và ba mươi hai tướng tốt, thị hiện sự an lạc tự tại đồng như hư không. Bồ tát trang nghiêm bằng vô lượng đại bi, quang minh tướng hảo, mà chư thiên, nhân loại và chúng sinh sáu đường không thể có được. Bồ tát vận dụng mọi phương pháp trong sự hóa độ sáu đường chúng sinh: hiện vô lượng thân, vô lượng khẩu, vô lượng ý; thuyết vô lượng pháp môn, để chuyển ma giới vào Phật giới, Phật giới vào ma giới, lại chuyển tất cả kiến vào Phật tri kiến, Phật tri kiến vào tất cả kiến, Phật tánh vào chúng sinh tánh, chúng sinh tánh vào Phật tánh. Ánh sáng tuệ giác của Bồ tát ở địa này soi chiếu rực rỡ, biểu hiện bằng bốn đức vô úy, bốn tâm vô lượng, mười lực, mười tám pháp bất cộng, tám giải thoát, niết bàn vô vi, nhất đạo thanh tịnh. Bồ tát vì hóa độ chúng sinh mà hiện làm cha mẹ, anh em, thuyết pháp cho họ, dẫn dắt họ trong vô số kiếp cho đến khi thành đạo quả. Lại hiện hóa trong tất cả quốc độ, xem tất cả chúng sinh như cha mẹ, xem thiên ma ngoại đạo như cha mẹ. Bồ tát an trú trong địa này, khởi đi từ biên tế sinh tử cho đến biên tế Kim cương, đem một niệm tâm mà hiện các sự việc như vậy, có khả năng chuyển nhập vô lượng chúng sinh giới. Có vô lượng sự hiện hóa của Bồ tát, những sự được nói ra chỉ như giọt nước biển.”

“Chư Phật tử! Bồ-đề-tát-đỏa an trú trong Thể tánh Phật giới địa, chứng nhập đại tuệ về cái Không tuyệt đối[90]. Trí tuệ bình đẳng như tánh hư không thì có đầy đủ mười phẩm tánh công đức của Như lai: (1) Không đồng nhất tướng, thể tánh vô vi, thần hư thể nhất, pháp đồng pháp tánh, nên gọi là Như ai. (2) Ứng thuận tứ đế và nhị đế, tận cùng biên tế sinh tử luân chuyển, pháp nuôi lớn pháp thân không hai, gọi là Ứng cúng. (3) Biết hết mọi sự trên mọi thế giới, biết tất cả pháp hữu vi, biết căn tánh tất cả chúng sinh bằng chánh trí và chánh giải thoát trí, đó là Chánh biến tri. (4) Trí tuệ sáng suốt, tu hành phước đức thì cụ túc quả Phật, gọi là Minh hạnh túc. (5) Khéo đi vào pháp của chư Phật trong ba đời, giáo pháp của Phật trước và Phật sau, thời quá khứ thiện thiện, thời vị lai thiện thiện, gọi là Thiện thệ. (6) Bồ tát thực hiện công đức cao tột, đi vào trong thế gian để giáo hóa chúng sinh, làm cho chúng sinh giải thoát tất cả kết phược, gọi là Thế gian giải thoát. (7) Bồ tát ở trên tất cả pháp, thể nhập uy thần của Phật, hình nghi như Phật, hành xứ của bậc đại sĩ, làm bậc giải thoát thế gian, gọi là Vô thượng sĩ. (8) Điều thuận tất cả chúng sinh, gọi là Trượng phu. (9) Ở trong chư thiên và nhân loại mà giáo hóa tất cả chúng sinh, trao truyền pháp ngữ, gọi là Thiên nhân sư. (10) Bậc diệu bản không hai, Phật tánh huyền giác, thường trú đại mãn, nên tất cả chúng sinh tôn kính và lễ lạy, gọi là Phật Thế Tôn. Tất cả người đời đều tin nhận và vâng làm, đó là Phật địa. Phật địa ấy là nơi mà tất cả Thánh nhân đi vào, gọi là Phật giới địa.”

“Bấy giờ, đức Phật Lô xá na đang ngồi trên tòa hoa sen trăm báu, thọ ký cho chư vị Bồ tát khiến ai cũng sinh tâm hoan hỷ. Đức Phật pháp thân dùng tay xoa đảnh của chư vị Bồ tát. Chư vị Bồ tát đồng kiến đồng học, khác miệng chung lời, ngợi khen sự Vô nhị. Lại nữa, trong trăm ngàn ức thế giới, có tất cả Phật, tất cả Bồ tát, nhất thời vân tập, thỉnh chuyển pháp luân bất khả thuyết, là pháp môn hóa đạo Hư không tạng. Phật địa có những pháp môn mà phẩm tánh kỳ diệu bất khả thuyết, như là tam minh, tam muội môn, đà-la-ni môn, chẳng phải tâm thức ở hạ địa và phàm phu có thể biết được, chì có thân, khẩu, tâm ý của vô lượng chư Phật mới có thể biết hết căn nguyên.”

Như trong phẩm Quang âm thiên cũng nói về mười vô úy[91] và đường đi của Phật.

Khởi dịch 24/12/2016 đến 12/3/2017

 

 


[1] Kiên tín nhẫn = tín nhẫn kiên cố. Kiên pháp nhẫn = pháp nhẫn kiên cố. Kiên Thánh nhẫn = Thánh nhẫn kiên cố.

[2] Vô vi là nhân không. Vô tướng là pháp không.

[3] Pháp ở trong là thân tâm. Pháp ở ngoài là thế giới của thân tâm.

[4] Từ đề phòng sát sinh. Lương đề phòng trộm cắp. Thanh đề phòng dâm dục. Trực đề phòng vọng ngữ. Chánh đề phòng rượu chè. Thật đề phòng hủy báng. Chánh kiến đề phòng tà kiến. Xả đề phòng xan tham. Hỷ đề phòng sân hận. (9 giới)

[5] Bát đảo: Phàm phu có 4 thứ điên đảo hữu vi: vô thường chấp là thường, vô lạc chấp là lạc, vô ngã chấp là ngã, vô tịnh chấp là tịnh. Nhị thừa có 4 thứ điên đảo vô vi: thường chấp là vô thường, lạc chấp là vô lạc, ngã chấp là vô ngã, tịnh chấp là vô tịnh. (tứ đức niết bàn)

[6] Không là biến kế. Giả là y tha. Pháp tánh là viên thành.

[7] Hữu là hữu tướng. Vô là vô tướng. Như hữu là thế tục tợ có. Như vô là thắng nghĩa tợ không có.

[8] Chỉ cho mười biến xứ, cũng gọi là mười nhất thiết xứ, là quán 10 thứ sau đây mỗi mỗi biến khắp tất cả nơi, đó là xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.

[9] Chỉ cho tam giải thoát môn: không, vô tướng, vô tác.

[10] Vô tuệ là không có tam giải thoát tuệ.

[11] Chánh văn là đạo tâm chúng sinh, cách gọi khác của Bồ tát. Bồ tát, gọi đủ là Bồ đề tát đõa, ý dịch là Đạo chúng sinh, Giác hữu tình, Đại giác hữu tình, Đạo tâm chúng sinh, Đại sĩ.

[12] Không không là một trong 17 cái Không mà kinh điển thường nói. Sự tác ý tư duy về cái không để đối trị các cái tướng (như tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã, tướng duy thức, tướng thắng nghĩa, tướng vô vi, tướng không biến dịch, v.v…) thì có cái tướng không, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi không không.

[13] Tuệ quán bất khả thuyết = tuệ quán vô ngôn: tuệ quán về pháp tánh vô ngôn.

[14] Nhất đế = đệ nhất nghĩa đế: cũng gọi thắng nghĩa đế, chân đế, Thánh đế, niết bàn, chân như, thật tướng, trung đạo, pháp giới.

[15] Dục tâm = Bồ đề tâm: Đó là chí cầu đạo quả Vô thượng bồ đề, cùng với tất cả bồ tát, tất cả chúng sinh, đồng tâm, đồng hành, đồng nguyện, đồng cầu.

[16] Ngã phược và kiến phược là hai chấp ngã và pháp.

[17] Căn bản là hộ trì tâm mình.

[18] Bản thể của các pháp vốn không tập tán, sinh diệt, nên không thể thủ đắc.

[19] Vô ngã luân là phiền não nhiễu loạn ở Bồ tát thập trụ.

[20] Chỉ cho ngũ lợi sử phiền não: thân kiến, biên chấp kiến, kiến thủ kiến, tà kiến và giới cấm thủ kiến.

[21] Chỉ cho ngũ độn sử phiền não: tham, sân, si, mạn và nghi.

[22] Chánh văn là như đảnh quán liên, quán liên như đảnh. Đảnh là đảnh đầu hay đảnh núi. Luận Câu xá, quyển 23 tr. 119c15: “Noãn thiện căn đây, hạ trung thượng phẩm, lần lượt tăng trưởng cho đến khi thành mãn, có thiện căn sanh tên là đảnh pháp.  Do sự chuyển thắng này nên lập tên khác; trong thiện căn động, pháp đây tối thắng, như là đảnh đầu nên gọi đảnh pháp; hoặc do từ đây có sự tiến thoái hai bên, như đang ở đảnh núi, gọi tên là đảnh.” 

[23] Xem Kinh Phạm võng lục thập nhị kiến, ĐTK No.21, đời Ngô, Chi Khiêm, H.T Thích Chánh Lạc dịch. Trường bô kinh - Kinh Phạm võng, H.T Thích Minh Châu dịch.

[24] Tám nạn xứ: tám trường hợp không may mắn, chướng nạn cho sự thấy Phật nghe pháp: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ; 3. Súc sinh (1,2,3 là ba đường dữ); 4. Bắc câu lô châu (sống quá sướng); 5. Trời Trường thọ (sống quá lâu); 6. Làm người mà đui, điếc, câm, ngọng; 7. Làm người mà thế trí biện thông; 8. Làm người mà sinh trước hay sau Phật xuất thế và nhằm chỗ hay lúc không có Phật pháp.

[25] Chỉ quả báo trong ba cõi, sáu đường.

[26] Vô ngã trí = căn bản trí.

[27] Đại pháp là tứ đại pháp. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm. Sắc là thân.

[28] Pháp luân: bánh xe chánh pháp, tức thành tựu pháp của Phật thuyết.

[29] Đạo trí tâm = hậu đắc trí.

[30] Sáu thân: cha, mẹ, vợ, con, anh, em. Sáu ác là sáu thân mà không tốt (oan gia). Sáu thân ác là người ngoài như thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, người làm công, người không quen, v.v…

[31] Thượng lạc trí = đại bi trí: trí trao cho niềm vui.

[32] Nói về mặt ác (không tốt, xấu xa) thì được chia làm 3 bậc thượng trung hạ, mỗi bậc lại có 3, thành ra 9 phẩm.

[33] Đạo trí = trung đạo trí, trí biết về chủng tánh và thể tướng của các pháp. Không không là tự tha không và ngã pháp không.

[34] Đại xả: vô vi xả, vô tướng xả.

[35] Không có thí tâm sinh khởi, không có thí hạnh thực hiện, không có chúng sinh hóa độ.

[36] Tất cả tướng: không tướng, vô sinh tướng.

[37] Hảo ngữ tâm là ái ngữ nhiếp.

[38] Các pháp có pháp tướng và nghĩa tướng. Pháp ngữ là ngôn ngữ về pháp tướng. Nghĩa ngữ là ngôn ngữ về nghĩa tướng. Đệ nhất nghĩa đế (chân lý bậc nhất) cũng gọi là thắng nghĩa đế, chân đế (chân lý chân thật); đối lại là thế tục đế (chân lý phổ thông), cũng gọi là thế đế hay tục đế (chân lý giả thiết).

[39] Trong tất cả thật ngữ của người thế gian, lời dạy của chư Phật là chân thật bậc nhất.

[40] Lợi ích tâm là lợi hành nhiếp.

[41] Thật trí (trí chân thật) = căn bản trí. Đạo trí = hậu đắc trí, quyền trí, phương tiện trí.

[42] Pháp môn minh diễm: pháp môn ngọn lửa sáng, pháp môn trí tuệ. Đây là tư lương trí tuệ.

[43] Thất tài: Cũng gọi là Thất Thánh tài, Thất đức tài, Thất pháp tài. Chỉ cho 7 Thánh pháp để thành tựu Phật đạo. Đó là tín, giới, tàm, quí, văn, thí và tuệ. Vì 7 pháp được gìn giữ này có công năng trợ giúp cho sự nghiệp thành Phật nên gọi là Tài (của cải). 1. Tín tài: Tin nhận chánh pháp; 2. Giới tài: Giữ gìn giới luật; 3. Tàm tài: Tự hổ thẹn không dám làm các việc xấu ác; 4. Quí tài: Tâm sinh hổ thẹn khi làm điều bất thiện; 5. Văn tài: Có khả năng nghe chánh giáo; 6. Thí tài: Lìa bỏ tất cả không đắm trước; 7. Định tuệ tài: Thu nhiếp tâm không tán loạn, chiếu soi rõ các pháp. Đây là tư lương phước đức.

[44] Pháp chủng là trung quán. Không chủng là Không quán. Đạo chủng là giả quán.

[45] Đồng tâm = đồng sự tâm, là đồng sự nhiếp.

[46] Vô nhị = bất nhị: Nghĩa đen là không hai. Hai là chỉ cho khái niệm đối hiện và đối lập lẫn nhau. Khái niệm như vậy là hiện thân của sự thác loạn. Vô nhị là tự siêu việt lấy nó, là pháp tánh phi hữu vi, phi vô vi. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh, phẩm Chân thật: “Vô nhị nghĩa là đệ nhất nghĩa.  Năm sắc thái vô nhị được trình bày như sau:  (1) Chẳng có, là sự biểu hiện của hai tánh phân biệt và y tha thì không phải thật có, nên nói là không.  Chẳng không, là tánh chân thật biểu hiện thì thật có, nên nói là có.  (2) Chẳng một, là hai tánh phân biệt và y tha không cùng một thật thể (với tánh chân thật). Chẳng khác, là hai tánh ấy cũng không phải khác thể (với tánh chân thật).  (3) Chẳng sanh, chẳng diệt, là vì (chân như thì) vô vi.  (4) Chẳng thêm, chẳng bớt, là hai phần tạp nhiễm và thanh tịnh khi sanh khởi hay khi đoạn diệt thì pháp giới các pháp vẫn an trú đúng như vậy.  (5) Chẳng sạch, là tự tánh (chân như) vốn vô nhiễm nên chẳng cần tu tập cho thanh tịnh.  Chẳng không sạch, là khách trần (phiền não) đã bỏ đi.  Đây là năm sắc thái vô nhị, chính là sắc thái đệ nhất nghĩa, cần phải biết.” (tr. 598b24) Tánh phân biệt là tánh biến kế sở chấp. Tánh chân thật là tánh viên thành thật.

[47] Đối cảnh chưa có sự phân biệt, còn gọi là hiện lượng.

[48] Ngã, ngã sở, pháp, thức giới, sắc giới: nói chung lại là thân tâm và thế giới của thân tâm, tùy theo cấp độ nhận thức, định tâm (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định).

[49] Trăm tam muội: Kinh Nhập Lăng già: “Quán sát hạnh địa liền được Sơ địa vào cả trăm tam muội, được sai biệt tam muội, thấy cả trăm đức Phật và cả trăm Bồ tát. Biết việc về trước về sau cả trăm kiếp, hào quang chiếu cả trăm cõi nước, biết tướng các địa trên, đại nguyện thù thắng, thần lực tự tại, được Pháp vân địa vào vị Quán đảnh, sẽ được Như Lai tự giác địa. Khéo buộc tâm nơi thập vô tận cú, làm thành thục chúng sanh, các thứ biến hóa trang nghiêm sáng suốt, được tự giác thánh lạc tam muội chánh thọ.” (tr. 538a01~09)

[50] Mười thiền chi = mười nhất thiết xứ: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.

[51] Một niệm trí: một niệm tương ưng trí, tức định và tuệ cùng tương ưng trong một niệm.

[52] Năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mười tám giới: 6 căn, 6 cảnh, 6 thức. Mười hai nhập: 6 căn, 6 cảnh. Tất cả chỉ cho thân tâm và thế giới của thân tâm.

[53] Không không: ngã pháp nhị không.

[54] Bách pháp minh môn: Pháp là chánh pháp, là vô lượng Phật pháp. Minh là ánh sáng, là trí tuệ. Pháp minh là ánh sáng chánh pháp, là thừa tự và gìn giữ vô lượng Phật pháp, lấy ánh sáng tuệ giác để soi sáng cho mình và cho người. Trăm pháp minh môn này là pháp học và pháp hành của bồ tát Sơ địa, được đức Phật Lô xá na chỉ dạy.

[55] Phàm phu chấp hữu; nhị thừa chấp Không; ngoại đạo chấp thường, đoạn, v.v… (có 62 kiến)

[56] Có 9 thứ kết (phiền não): ái, sân, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật và xan. Trong 9 kết, có kết thuộc căn bản phiền não: ái, sân, mạn, vô minh, kiến (thân kiến, biên kiến và tà kiến), thủ (kiến thủ và giới cấm thủ) và nghi; có kết thuộc tùy phiền não: tật và xan.

[57] Không ấy là siêu việt khái niệm, đối đãi, là vô tự tánh, vô ngã tánh, chính là duyên sinh tánh của các pháp.

[58] Chánh văn là tế tâm tâm không.

[59] Chánh văn là tế tâm tâm tâm không.

[60] Chuyển đổi vô minh thành chân trí, chuyển đổi phiền não thành bồ đề, chuyển sinh tử thành niết bàn.

[61] Chuyển diệt tướng vô minh thành bất diệt tướng.

[62] Chuyển trú tướng vô minh thành vô trú tướng.

[63] Chuyển sinh tướng vô minh thành vô sinh tướng.

[64] Bốn tướng sinh, trú, dị, diệt nương nhau mà có, vì đồng nhất bản thể.

[65] Ba đời sinh diệt pháp.

[66] Tánh tánh là hữu tình và vô tình thì nhất thể không sai biệt, bản lai thanh tịnh.

[67] Không trói buộc là không sinh tử. Không giải thoát là không niết bàn.

[68] Bốn vô ngại trí: pháp vô ngại trí, nghĩa vô ngại trí, từ vô ngại trí, lạc thuyết vô ngại trí.

[69] Tát-bà-nhã: Phạn ngữ là Sarvajđa, dịch nghĩa là Nhất thiết trí, chỉ trí tuệ của bậc giác ngộ viên mãn, vì có thể thấu suốt tất cả mọi sự vật, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

[70] Bản tế: bản thể phổ biến vũ trụ.

[71] Nhất đạo và nhất tịnh: trung quán và không quán. Khế hợp tâm thể, bất nhiễm nhị biên.

[72] Nhất đạo và nhất chiếu: trung quán và giả quán. Lý trí nhất như.

[73] Nhẫn có 5: 1. Phục nhẫn; 2. Tín nhẫn; 3. Thuận nhẫn; 4. Vô sinh nhẫn; 5. Tịch diệt nhẫn. Hành giả sơ tâm muốn nhẫn thuận nghịch cảnh, thì trước phải chế phục tâm mình, gọi là Phục nhẫn. Bồ tát tam hiền (mười trú, mười hành và mười hồi hướng), gọi là Phục nhẫn vị; Bồ tát sơ địa đến địa thứ ba, gọi là Tín nhẫn vị; Bồ tát địa thứ tư đến địa thứ sáu, gọi là Thuận nhẫn vị; Bồ tát địa thứ bảy đến địa thứ chín, gọi là Vô sinh nhẫn vị; Bồ tát địa thứ mười, đẳng giác, diệu giác, gọi là Tịch diệt nhẫn vị.

[74] Bát ma: tám loại ma là ma phiền não, ma năm ấm, ma chết, ma trời Tha hóa tự tại (là những yếu tố não hại tất cả phàm phu) và vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh (là những yếu tố não hại hàng Nhị thừa).

[75] Có sáu yếu tố này gọi là Bất hoại tâm.

[76] Tất cả luận chỉ cho ngũ minh: thanh minh, công xảo minh, y phương minh, nhân minh, nội minh.

[77] Thấy tất cả pháp theo chiều thuận là thấy các pháp đều không. Thấy tất cả pháp theo chiều nghịch là thấy các pháp đều giả.

[78] Cái biết này chưa phân biệt được khổ, vui, chỉ theo niệm, không có so sánh.

[79] Danh vị cú: nghĩa vị do danh cú tạo thành, cũng gọi là danh cú văn. Danh thân, cú thân và văn thân (danh cú văn) là tổng thuyết (hợp thể) của ý tưởng, chương cú và âm tiết. Trong đó, danh thân chỉ các danh từ như rūpa (sắc), śabda (thanh), v.v.; cú thân, chỉ thành cú hay mệnh đề như anityā bata samskārāḥ (ôi, các hành là vô thường). Văn thân là âm tiết như nguyên âm: a ā i ī; phụ âm: k, c, ṭ, t, p. (trong tiếng Pali).

[80] Mười hai phần giáo, hay 12 loại thể văn và sự lý trong tất cả các kinh: 1. Trùng tụng (Gaya); 2. Thọ ký (Vyakarama); 3. Khế kinh (Sùtra); 4. Phúng tụng (Gàthà); 5. Tự thuyết (Udana); 6. Nhân duyên (Nidàna); 7. Thí dụ (Avadàna); 8. Bổn sự (Itivrtaka); 9. Bổn sanh (Jàtaka); 10. Phương quảng (Vaipulya); 11. Vị tằng hữu (Adbhutahdarma); 12. Luận thuyết (Upadisa).

[81] Ba thọ: khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ.

[82] Đây là nói 10 chi duyên khởi: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, tử.  Hai chi vô minh và hành thuộc nhân quá khứ. Hai chi sinh và lão tử thuộc quả vị lai. Tám chi còn lại là nhân quả hiện tại.

[83] Ba mươi tâm: 10 tâm phát thú, 10 tâm trưởng dưỡng và 10 tâm kim cương.

[84] Mười nguyện của Bồ tát Phổ HIền.

[85] Chỉ cho 18 pháp bất cộng: 1. Thân không lầm lỗi; 2. Miệng không lầm lỗi; 3. Ý không lầm lỗi; 4. Không có ý tưởng riêng khác; 5. Không lúc nào tâm không trú định; 6. Không có sự không biết mà đã xả; 7. Nguyện dục không giảm; 8. Tinh tiến không giảm; 9. Niệm không giảm; 10. Tuệ không giảm; 11. Giải thoát không giảm; 12. Giải thoát tri kiến không giảm; 13. Trí biết đời quá khứ không vướng mắc, không chướng ngại; 14. Trí biết đời vị lai không vướng mắc, không chướng ngại; 15. Trí biết đời hiện tại không vướng mắc, không chướng ngại; 16. Thân nghiệp hành động theo trí tuệ; 17. Khẩu nghiệp hành động theo trí tuệ; 18. Ý nghiệp hành động theo trí tuệ.

[86] Tám pháp: thường, lạc, ngã, tịnh, vô thường, khổ, không, bất tịnh.

[87] Pháp sự là các pháp. Kiếp sự là thời gian. Chúng sinh sự là sáu đường chúng sinh.

[88] Bốn loại ma quân: ngũ ấm ma, phiền não ma, tử ma và thiên ma.

[89] Bồ tát thị hiện 8 tướng thành đạo: giáng thần, nhập thai, trú thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn, để khiến chúng sinh đều tín lạc và thanh tịnh.

 

[90] Chánh văn là “Không không phục không không phục không”. Mười tuệ môn: tuệ môn nội không, tuệ môn ngoại không, tuệ môn hữu vi không, tuệ môn vô vi không, tuệ môn tánh không, tuệ môn vô thủy không, tuệ môn đệ nhất nghĩa không, tuệ môn không không, tuệ môn không không phục không, tuệ môn không không phục không không.

[91] Kinh Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm, quyển 39: “Chư Phật tử! Đại Bồ Tát có mười vô úy:

(1) Đại Bồ Tát đều hay văn trì tất cả ngôn thuyết nghĩ rằng: giả sử có vô lượng vô biên chúng sanh từ mười phương đến đem trăm ngàn đại pháp để hỏi tôi. Nơi tất cả câu hỏi của họ, tôi không thấy có chút gì khó đáp cả. Vì không thấy khó nên tâm được vô úy, rốt ráo đến bĩ ngạn đại vô úy. Tùy theo chỗ họ hỏi đều có thể giải đáp quyết đoán trừ sự nghi hoặc cho họ không hề khiếp sợ. Đây là vô úy thứ nhứt của đại Bồ Tát.

(2) Đại Bồ Tát được Như Lai quán đảnh vô ngại biện tài đến nơi bĩ ngạn rốt ráo tất cả văn tự ngôn âm khai thị bí mật. Nghĩ rằng: giả sử có vô lượng vô biên chúng sanh từ mười phương đến, đem vô lượng pháp hỏi tôi. Nơi tất cả lời hỏi của họ, tôi không thấy có chút gì là khó đáp cả. Vì không thấy khó nên tâm được vô úy, rốt ráo đến nơi bĩ ngạn đại vô úy. Tùy chỗ hỏi của họ đều có thể giải đáp dứt nghi hoặc không kinh sợ. Đây là môn vô úy thứ hai của đại Bồ Tát.

(3) Đại Bồ Tát biết tất cả pháp là không, lìa ngã, lìa ngã sở, không tạo tác, không tác giả, không tri giả, không mạng giả, không dưỡng dục giả, không bổ đặc già la. Rời uẩn, xứ, giới. Thoát hẳn các kiến chấp. Tâm như hư không. Nghĩ rằng: chẳng thấy chúng sanh có chút tướng tổn não được thân ngữ ý của tôi. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát đã rời ngã và ngã sở, nên chẳng thấy các pháp có chút tánh tướng. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy, rốt ráo đến bĩ ngạn đại vô úy, kiên cố dũng mãnh chẳng ai trở hoại được. Đây là môn vô úy thứ ba của đại Bồ Tát.

(4) Đại Bồ Tát được Phật lực gia hộ, Phật lực nhiếp trì, trụ tại oai nghi của Phật, việc làm chơn thiệt không biến đổi. Nghĩ rằng: tôi chẳng thấy có chút phần oai nghi làm cho chúng sanh móng lòng quở trách. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy, ở trong đại chúng an ổn thuyết pháp. Đây là môn vô úy thứ tư của đại Bồ Tát.

(5) Đại Bồ Tát, thân khẩu ý đều thanh tịnh, sạch trắng nhu hòa, xa lìa những điều ác. Nghĩ rằng: tôi chẳng thấy thân khẩu ý ba nghiệp có chút phần đáng quở trách. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy, có thể làm cho chúng sanh an trụ nơi Phật pháp. Đây là môn vô úy thứ năm của đại Bồ Tát.

(6) Đại Bồ Tát thường được Kim Cang lực sĩ, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương v.v... theo hộ vệ. Tất cả Như Lai luôn hộ niệm chẳng rời. Đại Bồ Tát nghĩ rằng tôi chẳng thấy có chúng ma ngoại đạo kẻ tà kiến nào có thể đến làm chướng ngại hạnh Bồ Tát của tôi. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy rốt ráo đến bỉ ngạn đại vô úy, phát tâm hoan hỷ thật hành hạnh Bồ Tát. Đây là môn vô úy thứ sáu của đại Bồ Tát.

(7) Đại Bồ Tát đã được thành tựu niệm căn đệ nhứt tâm không quên mất, được Phật hứa khả. Nghĩ rằng: Đức Như Lai nói văn tự cú pháp thành đạo Bồ đề. Trong đó tôi chẳng thấy có chút phần quên mất. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy, thọ trì tất cả chánh pháp của Như Lai, thật hành Bồ Tát hạnh. Đây là môn vô úy thứ bảy của đại Bồ Tát.

(8) Đại Bồ Tát trí huệ phương tiện đều đã thông đạt, Bồ Tát chư lực đều đã rốt ráo, thường xuyên giáo hóa tất cả chúng sanh. Vì bi mẫn chúng sanh nên luôn dùng nguyện tâm khắn chặt nơi Phật Bồ đề. Vì thành tựu chúng sanh nên ở nơi đời phiền não trược thị hiện thọ sanh, dòng họ tôn quý, quyến thuộc viên mãn, chỗ mong muốn tùy tâm được toại nguyện, hoan hỷ vui sướng. Nghĩ rằng: tôi dầu cùng quyến thuộc này tụ hội mà chẳng có một chút gì đáng tham luyến để bỏ phế việc tu hành thiền định, giải thoát và các môn tam muội, tổng trì, biện tài, đạo pháp Bồ Tát. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát ở nơi tất cả pháp đã được tự tại đến bĩ ngạn, tu hạnh Bồ Tát thề chẳng đoạn tuyệt. Chẳng thấy thế gian có một cảnh giới nào làm mê loạn được Bồ Tát đạo. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy rốt ráo đến nơi bĩ ngạn đại vô úy. Dùng đại nguyện lực nơi tất cả thế giới thị hiện thọ sanh. Đây là môn vô úy thứ tám của đại Bồ Tát.

(9) Đại Bồ Tát luôn chẳng quên mất tâm Nhứt thiết trí, ngự nơi Đại thừa, thật hành hạnh Bồ Tát. Dùng thế lực của đại tâm nhứt thiết trí, thị hiện tất cả oai nghi tịch tịnh của Thanh Văn, Độc Giác. Nghĩ rằng: tôi chẳng tự thấy sẽ ở nơi nhị thừa mà lấy chút phần xuất ly. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy đến nơi bĩ ngạn vô thượng đại vô úy. Có thể khắp thị hiện đạo nhứt thiết thừa, rốt ráo đầy đủ bình đẳng Đại thừa. Đây là môn vô úy thứ chín của đại Bồ Tát.

(10) Đại Bồ Tát thành tựu tất cả pháp bạch tịnh, đầy đủ thiện căn, viên mãn thần thông, rốt ráo an trụ nơi Phật Bồ đề, đầy đủ tất cả hạnh Bồ Tát. Ở chỗ chư Phật thọ ký nhứt thiết trí quán đảnh, mà thường khuyến hóa chúng sanh thật hành Bồ Tát đạo. Nghĩ rằng: tôi chẳng tự thấy có một chúng sanh đáng được thành thục, mà chẳng thể thị hiện Phật tự tại để thành thục. Vì chẳng thấy nên tâm được vô úy, rốt ráo đến nơi bĩ ngạn đại vô úy, chẳng dứt Bồ Tát hạnh, chẳng bỏ Bồ Tát nguyện. Tùy tất cả chúng sanh đáng được giáo hóa, hiện Phật cảnh giới để giáo hóa họ. Đây là môn vô úy thứ mười của đại Bồ Tát.

Nếu chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại úy vô thượng của chư Phật, nhưng cũng chẳng bỏ vô úy của Bồ Tát.” (No. 278, 649c16~650b24, H.T Thích Trí Tịnh dịch)




Đức Phật Lô Xá Na dạy: “Này ngàn đức Phật! Mười tâm trưởng dưỡng các ông đã hỏi. Chư Phật tử! Từ tâm là thường thực hành tâm từ, nhân tố sinh ra cái lạc. Quán chiếu cái lạc tương ưng bằng trí vô ngã để đi vào các pháp. Trong đại pháp: thọ, tưởng, hành, thức, sắc, không có sinh, không có trú, không có diệt, như huyễn hóa, là chân như vô nhị, cho nên tất cả sự tu hành là làm thành pháp luân , hóa độ tất cả chúng sinh, làm họ sinh chánh tín, không do ma vương dạy dỗ, cũng làm cho tất cả chúng sinh có được cái quả an lạc của từ tâm, cái quả mà phi thật, phi thiện ác, và có được Giải Không thể tánh tam muội.”

“Chư Phật tử! Bi tâm là vận dụng không không và vô tướng vào tâm bi, và lấy tâm bi làm duyên để hành đạo, tự diệt tất cả nguyên nhân của khổ. Đối với vô lượng khổ của tất cả chúng sinh thì sinh khởi trí [đại bi], không làm duyên sát sinh, không làm duyên hủy pháp, không làm duyên chấp ngã, cho nên thường hành không sát, không trộm, không dâm, không gây phiền não cho một chúng sinh nào. Phát bồ đề tâm là thấy như thật tướng của tất cả pháp qua sự quán sát tánh Không; là sinh đạo trí tâm bằng sự thực hành chủng tánh [thanh tịnh sẵn có]; là giúp ba loại người: sáu thân, sáu ác và sáu thân ác bằng Thượng lạc trí . Trong chín phẩm người ác duyên ở trên, ai có được kết quả an vui, Bồ tát đều vui mừng khởi tâm đại bi, vì nơi tánh Không thì tự thân, tha thân, tất cả chúng sinh đều bình đẳng.”

“Chư Phật tử! Hỷ tâm là tâm hỷ duyệt đối với pháp Vô sinh, khi ấy chủng tánh và thể tướng [của các pháp], cùng với đạo trí đều là không không . Hỷ tâm là không dính mắc ngã và ngã sở, là không có tập khởi sự sinh tử nhân quả ba đời. Tất cả pháp hiện hữu đi vào Không, nên quán hạnh thành tựu. Hỷ tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, khởi Không nhập đạo, bỏ ác tri thức, cầu thiện tri thức chỉ dạy mình con đường tốt, làm cho chúng sinh đi vào ngôi nhà Phật pháp. Khi đi vào pháp vị thì thường sinh tâm hoan hỷ đối với chánh pháp. Và còn khiến cho các chúng sinh đi vào chánh tín, bỏ tà kiến, vui mừng khi bỏ được khổ đau trong sáu đường.”

“Chư Phật tử! Xả tâm là thường tu tâm xả bỏ, qua ba pháp như hư không: vô tạo, vô tướng và không. Bình đẳng quán chiếu đối với nhị nguyên: thiện ác, hữu kiến vô kiến, tội phước. Nơi đối tượng của tâm không thấy có nhân ngã, vì tự thể của tự tha thì không thể thủ đắc. Đại xả là xả bỏ tay, chân, thân mạng của mình, xả bỏ con trai, con gái, quốc thành, coi như huyễn hóa, dòng nước, ánh đèn, tất cả vật đều xả bỏ, mà tâm vô sinh. Xả tâm là thường tu sự xả bỏ như vậy.”

“Chư Phật tử! Thí tâm là thường đem tâm thí xả khắp cả chúng sinh, như thí thân thể, thí lời nói, thí ý nghĩ, thí của cải, thí giáo pháp, tức dạy bảo, hướng dẫn tất cả chúng sinh bằng Phật pháp. Nội thân, ngoại thân, quốc thành, người nam, người nữ, ruộng vườn, nhà cửa, đều là sắc thái của chân như. Thí xả mà không có ý niệm về tài vật, người nhận, người cho, không có trong ngoài, không có kết hợp, không có tan rã, không có tâm hành hóa mà vẫn đạt đạo lý, đạt bố thí, tất cả tướng hiện hành ngay hiện tại.”

“Chư Phật tử! Hảo ngữ tâm là nhập Thể tánh ái ngữ tam muội, là pháp ngữ và nghĩa ngữ của đệ nhất nghĩa đế . Tất cả thật ngữ đều thuận theo đệ nhất ngữ của Phật , ngôn ngữ mà điều hòa tâm tánh của tất cả chúng sinh, ngôn ngữ không sân giận và tranh cãi. Trí tuệ về Nhất thiết pháp không thì không có duyên tố, thường sinh ái tâm, hành thuận ý Phật, cũng thuận tất cả người khác. Bồ tát dùng Thánh pháp ngữ để dạy bảo các chúng sinh, thường hành tâm như thật, phát khởi các thiện căn.”

“Chư Phật tử! Lợi ích tâm là khi phát tâm làm lợi ích thì vận dụng thể tánh thật trí để thực hành đạo trí: tập hợp tất cả pháp môn Minh diễm , tập hợp quán hạnh Thất tài . Trên hết là vì lợi ích cho người, nhiếp thọ tất cả thân mạng bằng sự thể nhập Lợi ích tam muội, hóa hiện tất cả thân, tất cả lời nói và tất cả ý nghĩ mà chấn động Đại thiên thế giới. Tất cả hành vi, tạo tác của Bồ tát là vì đưa người vào trong Pháp chủng, Không chủng và Đạo chủng , có được lợi ích và an vui. Bồ tát dù hiện hình trong sáu đường, sống giữa vô lượng khổ não mà không lo lắng gì cả, chỉ có một mục đích là lợi ích mọi người.”

“Chư Phật tử! Đồng tâm là vận dụng Đạo tánh trí, cái trí đồng thể với tánh Không. Lấy trí Vô ngã mà quán chiếu đạo lý Vô nhị thì thấy pháp vô sinh đồng với pháp sinh diệt; thấy tánh Không đồng với nguyên cảnh . Sắc thái chân như của các pháp là thường sinh, thường trú, thường diệt. Các pháp thế gian tương tục, lưu chuyển không có hạn lượng, thế nhưng Bồ tát có thể hiện hóa vô lượng hình thân, sắc tâm, theo các nghiệp của chúng sinh, đi vào sáu đường, hòa đồng tất cả sự loại, tánh Không đồng với Vô sinh, tự ngã đồng với vô vật. Bồ tát phân thân tán hình như vậy mà vẫn đi vào Đồng pháp tam muội.”

“Chư Phật tử! Định tâm là lại từ tâm định tĩnh, quán tuệ để chứng tánh Không, tâm thức luôn duyên tĩnh lặng. Bồ tát đối với ngã, ngã sở, các pháp, thức giới, sắc giới, mà tâm không động chuyển. Bồ tát dù có sống trong thuận cảnh hay nghịch duyên, có thị hiện hay nhập diệt thì vẫn thường đi vào trăm tam muội , mười thiền chi , lấy một niệm trí làm thành cái biết, biết tất cả ngã nhân, hoặc căn ở trong, hoặc cảnh ở ngoài, chủng tử hiện hành, đều không có tụ hội, ly tán, các pháp tập thành, khởi tác mà không thể thủ đắc.”

Chư Đại-Đức! (Đại-chúng, chư Phật-Tử) Chắp tay chí tâm lóng nghe! – Nay tôi sắp tụng lời tựa về pháp Đại-Thừa của Chư Phật. Đại-chúng lẳng-lặng lóng nghe. Trong đây vị nào biết mình có tội phải sám-hối. Sám-hối thời được an vui. Không sám-hối thì tội lỗi càng thêm nặng. Người không có lỗi thời yên lặng. Vì yên lặng nên biết đại-chúng thanh-tịnh.

Chư Đại-Đức (Đại-chúng, chư Phật-Tử) lóng nghe! Sau khi đức Phật diệt-độ, trong thời mạt-pháp, nên phải tôn kính Ba-La-Đề-Mộc-Xoa. Ba-La-Đề-Mộc-Xoa chính là giới pháp nầy. Trì giới này thời như đi đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của báu, như bịnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà . Nên biết rằng giới-pháp nầy là đức Thầy sáng-suốt của đại-chúng, không khác đức phật còn ở đời. Nếu không có lòng sợ tội, thời tâm lành khó nẩy nở. Cho nên trong Kinh có lời dạy: – Chớ xem thường lỗi nhỏ mà cho là không hại, giọt nước dầu nhỏ mà lần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút, mà phải nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa-ngục. Một phen bị đọa-lạc mất thân người, thời muôn đời khó đặng lại. Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô-thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo-đảm được ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng-nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham-thiền, chớ để thời gian luống qua vô-ích, mà sau này phải ăn-năn. Đại-chúng mỗi người nên nhất tâm cung-kính y theo giới nầy, như pháp tu-hành, cần nên học tập.


KINH PHẠM VÕNG
NGHI TỤNG GIỚI BỒ-TÁT
Thích Trí Tịnh

Bài Tán Lư Hương

Lò Hương vừa ngún chiên đàn
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Lòng con kính ngưỡng thiết-tha
Ngửa mong chư Phật thương mà chứng minh.
Nam-Mô Phạm-Võng Giáo-Chủ Lô-Xá-Na Phật. (3 lần)

Bài Kệ Khai Kinh

Pháp Phật cao sâu rất nhiệm mầu
Ngàn muôn ức kiếp dễ hay đâu
Con nay nghe thấy xin vâng giữ
Chân Nghĩa Như-Lai hiểu thật sâu.
Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. (3 lần)

Chúng thọ Bồ-Tát giới lắng nghe!
Quy-mạng Lô-Xá-Na,
Mười phương Kim-Cương Phật.
Đảnh lễ Đức Di-Lặc
Sẽ hạ-sanh thành Phật
Nay tụng ba tụ giới
Bồ-Tát đều cùng nghe.
Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm.
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp.
Giới như Châu Ma-Ni
Rưới của giúp kẻ nghèo.
Thoát khổ mau thành Phật
Chỉ giới này hơn cả.
Vì thế nên Bồ-Tát
Phải tinh-tấn giữ-gìn.
Già chết gần kề, Phật-Pháp sắp diệt, chư Đại-Đức


(Đại-chúng, chư Phật-Tử) vì muốn đắc đạo nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chư Phật do nhất tâm cần cầu tinh-tấn nên đặng chứng quả vô-thượng chánh-giác, huống là các pháp lành khác.
Nhân lúc còn mạnh khỏe, các Ngài phải gắng sức siêng tu pháp lành. Đâu nên chẳng gấp cầu đạo lại chần chờ đợi già yếu. Còn mong mỏi thú vui gì?
Ngày nay đã qua. Mạng sống giảm lần,
Như cá cạn nước. Nào có vui chi!!

Hỏi: Chúng nhóm chưa? (Vị tụng giới hỏi)
Đáp: Chúng đã nhóm. (Vị tri-sự đáp).
Hỏi: Hòa-hiệp chăng?
Đáp: Hòa-hiệp.
Hỏi: Chúng nhóm họp để làm gì?
Đáp: Thuyết giới bố-tát.
Hỏi: Người chưa thọ giới Bồ-Tát và người không thanh-tịnh ra chưa?
Đáp: Trong đây không có người chưa thọ giới Bồ-Tát và người không thanh-tịnh.
(Nếu có thì bảo ra rồi đáp rằng: - Người chưa thọ giới Bồ-Tát và không thanh-tịnh đã ra).
Hỏi: Có bao nhiêu vị Bồ-Tát khiếm-diện thuyết-dục và thanh-tịnh?
Đáp: Trong đây không có Bồ-Tát khiếm-diện thuyết-dục và thanh-tịnh. (Nếu có thời ra thuyết-dục. Nên ra thưa: - Chư Đại-Đức lóng nghe cho. Tôi là Bồ-Tát ... có lãnh giữ dục cho Bồ-Tát ... những việc làm đúng pháp của Tăng, Bồ-Tát ... giữ dục và thanh-tịnh).

Chư Đại-Đức! (Đại-chúng, chư Phật-Tử) Chắp tay chí tâm lóng nghe! - Nay tôi sắp tụng lời tựa về pháp Đại-Thừa của Chư Phật. Đại-chúng lẳng-lặng lóng nghe. Trong đây vị nào biết mình có tội phải sám-hối. Sám-hối thời được an vui. Không sám-hối thì tội lỗi càng thêm nặng. Người không có lỗi thời yên lặng. Vì yên lặng nên biết đại-chúng thanh-tịnh.

Chư Đại-Đức (Đại-chúng, chư Phật-Tử) lóng nghe! Sau khi đức Phật diệt-độ, trong thời mạt-pháp, nên phải tôn kính Ba-La-Đề-Mộc-Xoa. Ba-La-Đề-Mộc-Xoa chính là giới pháp nầy. Trì giới này thời như đi đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của báu, như bịnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà . Nên biết rằng giới-pháp nầy là đức Thầy sáng-suốt của đại-chúng, không khác đức phật còn ở đời. Nếu không có lòng sợ tội, thời tâm lành khó nẩy nở. Cho nên trong Kinh có lời dạy: - Chớ xem thường lỗi nhỏ mà cho là không hại, giọt nước dầu nhỏ mà lần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút, mà phải nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa-ngục. Một phen bị đọa-lạc mất thân người, thời muôn đời khó đặng lại. Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô-thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo-đảm được ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng-nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham-thiền, chớ để thời gian luống qua vô-ích, mà sau này phải ăn-năn. Đại-chúng mỗi người nên nhất tâm cung-kính y theo giới nầy, như pháp tu-hành, cần nên học tập.

Chư Đại-Đức! (Đại-chúng, chư Phật-Tử) nay là ngày thứ mười lăm có trăng (mười bốn không trăng), làm phép Bố-Tát tụng Bồ-Tát giới. Đại chúng nên nhất tâm nghe kỹ.

Ai có tội thời phát lồ. Người không tội thời im-lặng. Vì im-lặng nên biết Đại-chúng thanh-tịnh, có thể tụng giới Bồ-Tát. Tội đã tụng lời tựa của giới Bồ-Tát rồi.

Nay xin hỏi Đại-chúng đây được thanh tịnh không?
(hỏi 3 lần)

Thưa Đại-chúng! Trong đây thanh-tịnh, vì im-lặng. Việc này xin nhận biết như vậy.
Nam-Mô Phạm-Võng Hội-Thượng Phật Bồ-Tát. (3 lần)

Phật Thuyết
PHẠM-VÕNG KINH
BỒ-TÁT TÂM-ĐỊA PHẨM

(Nhà Dao-Tần, Tam-Tạng Pháp-Sư CƯU-MA-LA-THẬP Hán dịch
Hòa-Thượng THÍCH TRÍ TỊNH Việt dịch). 

I.- LÔ-XÁ-NA PHẬT: 
Bấy giờ, đức Phật Lô-Xá-Na vì trong đại-chúng lược giảng “Tâm-Địa” như chừng đầu sợi lông trong số trăm nghìn hằng-hà-sa bất-khả-thuyết pháp-môn.

Ngài kết “Tâm-Địa đây chính là lời của tất cả Phật thời quá-khứ đã giảng, tất cả Phật thời vị-lai sẽ giảng và tất cả Phật thời hiện-tại đương giảng. Cũng là pháp-môn mà tất cả Bồ-Tát đã học, sẽ học và đương học.

Ta đã từng trăm A-Tăng-Kỳ kiếp tu-tập tâm-địa nầy, do đó ta được hiệu là Lô-Xá-Na. Chư Phật! Các Ngài đem lời giảng của ta đây hầu mở con đường tâm-địa cho hết thảy chúng-sanh”.

Liền đó, từ trên Tòa Thiên-Quang Sư-Tử rực-rỡ nơi thế-giới Liên-Hoa Đài-Tạng, đức Phật Lô-Xá-Na phóng ra những tia sáng. Trong tia sáng ấy có tiếng nói với chư Phật đang ngự trên nghìn cánh sen báu: “Các Ngài thọ-trì phẩm Tâm-Địa Pháp-Môn của ta đây, rồi tuần tự đem giảng lại cho nghìn trăm ức Thích-Ca cùng tất cả chúng-sanh. Ai nấy đều nên thọ-trì đọc tụng và nhất-tâm vâng làm”.

Sau khi lãnh-thọ phẩm Tâm-Địa Pháp-Môn, chư Phật đang ngự trên nghìn cánh sen báu cùng nghìn trăm ức đức Thích-Ca đồng đứng dậy rời khỏi tòa Sư-Tử. Toàn thân của các Ngài chiếu ra vô-số tia sáng. Trong mỗi tia sáng ấy đều hóa hiện vô-lượng đức Phật, đồng thời tung lên vô-lượng hoa đẹp xanh, vàng, đỏ, trắng để cúng-dường đức Phật Lô-Xá-Na. Cúng-dường xong, chư Phật từ tạ trở về.

Khi rời khỏi thế-giới Liên-Hoa Đài-Tạng, chư Phật vào chánh-định thể tánh hư-không hoa-quang, mỗi Ngài trở lại chốn cũ, dưới cội Bồ-Đề nơi cõi Diêm-Phù.

Sau khi ra khỏi chánh-định thể-tánh hư-không hoa-quang, đức Phật mới ngự trên tòa Kim-Cương Thiên-Quang-Vương và Diệu-Quang-Đường mà giảng về Thập Thế-Giới-Hải.

Rồi đức Phật giảng pháp Thập-Trụ nơi cung Đế-Thích, giảng pháp Thập-Hạnh nơi cung trời Diệm-Ma, giảng pháp Thập Hồi-Hướng nơi cung trời Đâu-Xuất, giảng pháp Thập Thiền-Định nơi cung trời Hóa-Lạc, giảng pháp Thập-Địa nơi cung Trời Tha-Hóa, giảng pháp Thập Kim-Cương cõi Sơ-Thiền, giảng pháp Thập-Nhẫn nơi cõi Nhị-Thiền, giảng pháp Thập-Nguyện nơi cõi Tam-Thiền, và sau cùng ở Tứ-Thiền nơi cung của Đại-Tự-Tại Thiên-Vương, đức Phật giảng Phẩm Tâm-Địa Pháp-Môn mà thủa trước đức Phật Lô-Xá-Na đã giảng ở thế-giới Liên-Hoa Đài-Tạng. Tất cả nghìn trăm ức đức Thích-Ca ở nơi Thế-giới của mình đều giảng nói như thế cả. (Như trong phẩm “Hiền Kiếp” đã nói).

II.- THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT: 
Bấy giờ, đức Thích-Ca Mâu-Ni, từ lúc sơ-khởi hiện thân nơi thế-giới Liên-Hoa Đài-Tạng, rồi qua phương Đông đến tại cung của Thiên-Vương, diễn nói kinh “Ma-Thọ-Hóa”. Sau đó, Ngài giáng-sanh nơi cõi Nam-Diêm-Phù-Đề tại nước Ca-Tỳ-La, Vua Bạch-Tịnh là thân-phụ, và Hoàng-Hậu Ma-Gia là sinh mẫu, nhũ-danh của Ngài là Tất-Đạt-Đa. Xuất gia bảy năm, ba mươi tuổi thành đạo hiệu Ngài là Thích-Ca Mâu-Ni Phật. Từ Bửu-Tòa Kim-Cương Hoa-Quang nơi đạo-tràng Tịch-diệt nhẫn đến nơi cung của Đại-Tự-Tại Thiên-Vương, trong mười nơi ấy đức Phật tuần-tự ngự đến thuyết-pháp. Lúc đó nhơn khi xem bửu-tràng mành lưới của Đại-Phạm Thiên-Vương, đức Phật vì đại-chúng mà giảng Kinh Phạm-Võng.

Ngài dạy rằng: – Vô-lượng thế-giới dường như là lỗ lưới. Mỗi thế-giới đều khác nhau cả, khác nhau đến số vô-lượng. Giáo-pháp của Phật cũng như vậy.

Đức Phật đã tám nghìn lần đến thế-giới Ta-Bà nầy, ngự trên Bửu-Tòa Kim-Cương Hoa-Quang nhẫn đến ngự nơi cung của Đại-Tự-Tại Thiên-Vương, lược giảng

“Tâm-Địa Pháp-Môn” cho cả thảy đại-chúng trong những Pháp-Hội ấy. Sau đó từ cung của Thiên-Vương, đức Phật trở xuống ngự dưới cội Bồ-Đề nơi cõi Diêm-Phù, vì tất cả chúng-sanh trên quả đất nầy, hạng người Phàm ngu tối mà giảng một giới-pháp Kim-Cương Quang-Minh Bửu-Giới. Giới-Pháp nầy là lời thường trì tụng của Phật-Lô-Xá-Na, khi Ngài mới phát Bồ-Đề tâm trong thời kỳ tu nhân của Ngài. Giới pháp nầy cũng chính là bổn-nguyên của tất cả Phật, là bổn-nguyên của tất cả Bồ-Tát và là chủng-tử của Phật-Tánh. Tất cả chúng-sanh đều có Phật-Tánh. Tất cả ý-thức, sắc, tâm, là tình, là tâm đều vào trong phạm-vi giới-pháp Phật-Tánh. Vì chắc-chắn thường có chánh-nhân, nên chắc-chắn Pháp-Thân thường-trụ. Mười Ba-La-Đề-Mộc-Xoa như thế xuất hiện trong đời. Giới-pháp nầy là chỗ kính-trọng thọ-trì của tất cả chúng-sanh trong ba thủa. Giờ đây, đức Phật sẽ vì trong đại-chúng nầy mà giảng lại Giới-Phẩm Vô-Tận-Tạng, là Giới-Phẩm của tất cả chúng-sanh, bổn-nguyên tự-tánh thanh-tịnh.

Nay ta là Lô-Xá-Na

Đương ngồi trên đài Liên-Hoa.

Trên nghìn cánh sen đơm vòng

Lại hiện ra nghìn Thích-Ca.

Mỗi cánh sen trăm ức cõi

Mỗi cõi một Phật Thích-Ca.

Đều ngồi dưới cội Bồ-Đề

Đồng thời thành chánh-giác đạo.

Nghìn trăm ức Phật như vậy

Lô-Xá-Na là bổn thân.

Nghìn trăm ức Phật Thích-Ca

Đều đem theo vi-trần chúng

Cùng nhau đến tại chỗ ta

Để nghe ta tụng Phật-Giới,

Ta liền giảng môn Cam-Lộ.

Bây giờ nghìn trăm ức Phật,

Trở về đạo-tràng của mình,

Đều ngồi nơi cội Bồ-Đề

Tụng mười trọng, bốn-mươi-tám

Giới của Bổn-Sư Xá-Na,

Giới như vừng nhựt-nguyệt sáng,

Cũng như chuỗi báu ngọc châu,

Chúng Bồ-Tát như vi-trần

Do giới này mà thành Phật,

Đây là đức Xá-Na tụng

Ta đây cũng tụng như vậy.

Các ông tân-học Bồ-tát

Phải cung kính thọ trì-giới!

Khi thọ trì giới nầy rồi

Nên truyền lại cho chúng-sanh,

Lắng nghe ta đang trì tụng

Pháp Ba-La-Đề-Mộc-Xoa

Là giới-tạng trong Phật-Pháp.

Đại-Chúng lòng nên tin chắc: 

Các người là Phật sẽ thành,

Ta đây là Phật đã thành.

Thường có lòng tin như vậy

Thời giới-phẩm đã tròn-vẹn

Tất cả những người có tâm

Đều nên nhiếp hộ Phật-Giới.

Chúng-sanh nào thọ Phật-Giới

Chính là vào hàng chư Phật.

Đã đồng hàng bực Đại-Giác

Mới thật là con chư Phật.

Đại-Chúng đều nên cung-kính

Chí tâm nghe lời ta tụng.

III.- ĐỨC PHẬT KIẾT BỒ-TÁT GIỚI: 
Thủa ấy, đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, lúc mới thành đạo vô-thượng chánh-giác trong khi ngồi dưới cội Bồ-Đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ-Tát Giới”. Ngài dạy: 

Hiếu thuận với cha mẹ, Sư-Tăng, Tam-Bảo. Hiếu thuận pháp chí-đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn. Liền đó, từ nơi miệng, đức Phật phóng ra vô-lượng tia sáng. Bấy-giờ có đến trăm vạn ức đại-chúng, các Bồ-Tát, mười tám Phạm-Thiên, sáu cõi Trời Dục, mười sáu đại Quốc-vương đồng chắp tay chí tâm nghe đức Phật tụng Giới-Pháp đại-thừa của tất cả chư Phật.

Đức Phật nói với các vị Bồ-Tát: Nay ta cứ mỗi nửa tháng tự tụng giới-pháp của chư Phật. Tất cả hàng Bồ-Tát sơ phát tâm, nhẫn đến các Bồ-Tát thập Phát-Thú. Thập Trưởng-Dưỡng, Thập Kim-Cương, Thập-Địa cũng tụng giới ấy. Vì thế nên giới-quang từ miệng ta phóng ra. Phóng quang là vì có duyên do, chớ chẳng phải vô cớ. Giới-Quang ấy chẳng phải màu xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, chẳng phải sắc-pháp, cũng chẳng phải tâm-pháp, chẳng phải pháp-hữu, pháp-vô, cũng chẳng phải pháp nhân, pháp quả. Nó chính là bổn-nguyên của chư Phật, là căn-bổn của chúng Phật-Tử. Vì thế nên chúng Phật-Tử phải thọ-trì, phải đọc tụng, phải học kỹ giới-pháp nầy.

Chúng Phật-Tử lóng nghe! Nếu là người thọ giới Bồ-Tát nầy, không luận là Quốc-Vương Thái-Tử, các Quan-chức hay Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, không luận là chư Thiên cõi Sắc, cõi Dục, không luận là hàng thứ-dân, huỳnh-môn, dâm-nam, dâm-nữ hay hàng nô-tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ-thần, thần Kim-Cương hay loài súc-sanh nhẫn đến kẻ biến-hóa hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp-Sư thời đều thọ đặng giới, và đều gọi là thanh-tịnh thứ nhất.

IV.- MƯỜI GIỚI TRỌNG: 
Đức Phật bảo các Phật-Tử rằng: 

Có mười điều giới trọng. Nếu người thọ giới Bồ-Tát mà không tụng điều giới nầy, thời người ấy không phải Bồ-Tát, không phải Phật-Tử. Chính ta cũng tụng như vậy. Tất cả Bồ-Tát đã học, sẽ học và đương học. Đã lược giảng xong tướng-trạng của giới Bồ-Tát cần nên học, hết lòng kính-trọng phụng-trì. Đức Phật dạy: 

1.- Giới sát sanh: 

Nếu Phật-Tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy-hỉ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết: Nhân giết, duyên giết, cách-thức giết, nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu-tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng-sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát-sanh, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

2.- Giới trộm cướp: 

Nếu Phật-Tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương-tiện trộm cướp, nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp: Nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp, nghiệp trộm cướp. Tất cả tài-vật có chủ, dầu là của quỷ-thần hay kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không đặng trộm cướp. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui, mà trái lại trộm cướp tài-vật của người, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

3.- Giới dâm: 

Nếu Phật-Tử, tự mình dâm dục, bảo người dâm-dục, với tất cả phụ-nữ, các loài cái, loài mái, cho đến Thiên-Nữ, Quỷ-nữ, Thần-nữ cùng phi-đạo mà hành dâm: Nhân dâm-dục, duyên dâm-dục, cách-thức dâm-dục, nghiệp dâm-dục. Là Phật-Tử, đối với tất cả không được cố dâm-dục. Lẽ ra phải có lòng hiếu-thuận, cứu-độ tất cả những chúng-sanh, đem pháp thanh-tịnh khuyên dạy người, mà trái lại không có tâm từ-bi, làm cho mọi người sanh việc dâm-dục, kể cả súc-sanh, cho đến hành-dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

4.- Giới vọng: 

Nếu Phật-Tử, mình nói vọng-ngữ, bảo người vọng-ngữ, phương-tiện vọng-ngữ: Nhân vọng-ngữ, duyên vọng-ngữ, cách-thức vọng-ngữ, nghiệp vọng-ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng-ngữ, tâm vọng-ngữ. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn chánh-ngữ, chánh-kiến, và cũng làm cho tất cả chúng-sanh có chánh-ngữ, chánh-kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà-ngữ, tà-kiến, tà-nghiệp, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

5.- Giới bán rượu: 

Nếu Phật-Tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu: Nhân bán rượu, duyên bán rượu, nghiệp bán rượu, – Tất cả rượu không được bán – Rượu là nhân-duyên sanh tội lỗi. Là Phật-Tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng-sanh có trí-tuệ sáng-suốt, mà trái lại đem sự mê say điên-dảo cho tất cả chúng-sanh, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

6.- Giới rao lỗi của tứ chúng: 

Nếu Phật-Tử, tự miệng rao nói tội lỗi, của Bồ-Tát xuất-gia, Bồ-Tát tại-gia, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy: Nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách-thức rao nói tội-lỗi, nghiệp rao nói tội-lỗi. Là Phật-Tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại-đạo cùng người nhị-thừa nói những điều phi-pháp, trái Luật trong Phật-Pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ-bi giáo-hóa những kẻ ác ấy cho họ sanh tín-tâm lành đối với đại-thừa, mà trái lại Phật-Tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật-Pháp, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

7.- Giới tự khen mình chê người: 

Nếu Phật-Tử, tự khen mình chê người, cũng bảo người khác khen ngợi mình chê người: Nhân chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người. Là Phật-Tử, lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ-nhục cho tất cả chúng-sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật-Tử tự phô dương tài-đức của mình mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

8.- Giới bỏn sẻn thêm mắng đuổi: 

Nếu Phật-Tử, tự mình bỏn-sẻn, bảo người bỏn-sẻn: Nhân bỏn-sẻn, duyên bỏn-sẻn, cách-thức bỏn-sẻn, nghiệp bỏn-sẻn. Phật-Tử khi thấy những người bần-cùng đến cầu xin, phải cấp cho theo chỗ cần dùng của họ. Mà Phật-Tử lại đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy, có người đến cầu học giáo-pháp cũng chẳng nói một kệ một câu, lại còn xua đuổi quở mắng, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

9.- Giới giận hờn không nguôi: 

Nếu Phật-Tử, tự mình giận, bảo người giận: Nhân giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Người Phật-Tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng-sanh được những căn lành không gây gổ, thường có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận. Mà trái lại, đối với trong tất cả chúng-sanh, cho đến trong loài phi chúng-sanh, đem lời ác mạ-nhục, còn thêm dùng tay, chân, dao, gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến nạn-nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám-hối tạ-tội, nhưng vẫn còn không hết giận, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

10.- Giới hủy-báng Tam-Bảo: 

Nếu Phật-Tử, tự mình hủy-báng Tam-Bảo, xúi người hủy-báng Tam-Bảo: Nhân hủy-báng, duyên hủy-báng, cách-thức hủy-báng, nghiệp hủy-báng. Phật-Tử nghe một lời hủy-báng Tam-Bảo của ngoại-đạo và kẻ ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự miệng mình hủy-báng! Không có đức tin và lòng hiếu-thuận đối với Tam-Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà-kiến hủy-báng nữa, Phật-Tử này phạm “Bồ-Tát Ba-La-Di tội”.

V.- ĐỨC PHẬT KẾT RĂN: 
Nầy các Phật-Tử! Trên đây là mười giới trọng của Bồ-Tát, các Phật-Tử cần nên học. Trong mười giới đó không nên trái phạm một giới nào cả, dầu một mảy nhỏ như vi-trần, huống chi phạm đủ cả mười giới ư! Nếu có người nào trái phạm, thời người ấy hiện đời không được phát Bồ-Đề tâm, rồi cũng mất ngôi Quốc-Vương, ngôi Chuyển-Luân-Vương, ngôi Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, cũng mất những quả “Thập Phát Thu”, “Thập Trưởng-Dưỡng”, “Thập Kim-Cương”, “Thập-Địa”, tất cả diệu quả Phật-Tánh thường-trú đều mất, đọa trong ba ác-đạo, trong hai kiếp, ba kiếp chẳng được nghe danh-tự của cha mẹ và Tam-Bảo. Vì thế nên không được phạm một giới nào cả. Tất cả Bồ-Tát các Ngài đã học, sẽ học và hiện nay học. Mười giới như thế cần nên học, hết lòng kính-trọng phụng-trì. (Trong phẩm “Bát Nạn Oai Nghi” có giảng rộng)

VI.- 48 ĐIỀU GIỚI KHINH: 
Đức Phật bảo các vị Bồ-Tát rằng: Đã giảng mười giới trọng rồi, nay tôi sẽ nói về bốn mươi tám giới khinh.

1.- Giới không kính thầy bạn: 

Nếu Phật-Tử, lúc sắp lãnh ngôi Quốc-Vương, ngôi Chuyển Luân-Vương, hay sắp lãnh chức Quan, trươcù nên thọ giới Bồ-Tát. Như thế tất cả Quỷ-thần cứu hộ thân Vua và thân các Quan, Chư Phật đều hoan hỷ.

Đã đắc giới rôài, Phật-Tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bực Thượng-Tọa, Hòa-Thượng, A-Xà-Lê, những bực Đại-Đức, đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, hỏi thăm. Mỗi sự đều đúng như Pháp cúng dường, hoặc tự bán thân cho đến Quốc thành con cái, cùng bảy báu trăm vật để cung cấp các bực ấy. Nếu Phật-Tử lại sanh lòng kiêu mạn, sân hận, ngu-si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo Pháp mà cúng dường, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

2.- Giới uống rượu: 

Nếu Phật-Tử cố uống rượu, mà rượu là thứ làm cho người uống hay sanh ra vô-lượng tội lỗi. Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống sẽ mang ác báo: Năm trăm đời không tay, huống là tự uống. Cũng chẳng tự bảo người và tất cả chúng-sanh uống rượu, huống là tự mình uống! Tất cả các thứ rượu, Phật-Tử không được uống. Nếu mình cố uống cùng bảo người uống, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

3.- Giới ăn thịt: 

Nếu Phật-Tử cố ăn thịt, tất cả thịt của mọi loài chúng-sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ-bi, dứt giống Phâät-Tánh, tất cả chúng-sanh thấy đều tránh xa người này. Người ăn thịt măéc vô-lượng tội lỗi. Vì thế nên tất cả Phật-Tử không được ăn tâát cả thứ thịt của mọi loài chúng-sanh. Nếu cố ăn thịt, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

4.- Giới ăn ngũ-tân: 

Nếu Phật-Tử, chẳng được ăn loại “Ngũ tân” loại hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ. Loại ngũ tân này gia vào trong tâát cả các thực phẩm đều không được ăn. Nếu cố ăn, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

5.- Giới không dạy người sám tội: 

Nếu Phật-Tử khi thấy người phạm ngũ giới, bát giới, thập giới, phá giới, hay phạm thất nghịch, bát-nạn, tất cả tội phạm giới v. v. . . , phải khuyên bảo người ấy sám-hối. Nếu Phật-Tử chẳng khuyên bảo người phạm tôäi sám hối, lại cùng ở chung, đồng sống chung, đồng chúng Bồ-Tát, đồng thuyết giới, mà không cử tôäi người ấy, không nhắc người ấy sám-hối, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

6.- Giới không cúng dường thỉnh Pháp: 

Nếu Phật-Tử, thấy có vị Pháp-Sư Đại-thừa hay những bực đồng học, đồng kiến, đồng hạnh Đại-thừa, từ trăm dặm nghìn dặm đến nơi Tăng phường, nhà cửa, thành ấp thời liền đứng dậy rước vào, đưa đi, lễ bái, cúng dường. Mỗi ngày ba thời cúng duờng, trăm thức uống ăn, giường ghế, thuốc men, tất cả đồ cần dùng giá đáng ba lượng vàng đều phải cấp hộ cho Pháp-Sư. Môãi ngày: Sáng, trưa và chiều, thường thỉnh Pháp-Sư thuyết Pháp và đảnh lễ. Không hề có lòng sân hận buồn rầu. Luôn thỉnh Pháp không mỏi nhàm, chỉ trọng Pháp chứ không kể thân. Nếu Phật-Tử không như thế thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

7.- Giới không đi nghe Pháp: 

Nếu Phật-Tử, hàng Tân-học Bồ-Tát, phàm nơi nào, chốn nào có giảng Kinh, Luật, phải mang Kinh, Luật đến chỗ Pháp-Sư để nghe giảng và thưa hỏi. Hoặc nơi núi rừng, trong vườn cây, chùa, nhà v.v. .. Tất cả chỗ thuyết pháp đều đến nghe học. Nếu Phật-Tử không đến nơi ấy để nghe Pháp cùng thưa hỏi, thời phạm “Khinh cấu tội”.

8.- Giới có tâm trái bỏ Đại-Thừa: 

Nếu Phật-Tử, có quan niệm trái bỏ Kinh Luâät Đại-thừa thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì Kinh Luật tà kiến và tâá cả cấm giới của Thanh-văn Nhị-thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

9.- Giới không khán bịnh: 

Nếu Phật-Tử, thấy tất cả người tật bệnh phải tận tâm cúng dường như cúng dường Phật. Trong tám phước điền, khán bệnh là “Phước điền thứ nhất”. Nếu như cha mẹ, sư Tăng cùng đệ-tử có bệnh, có tật, trăm thứ bệnh đau khổ, đều nên săn sóc cho được lành mạnh, Phật-tử lại vì lòng hờn giận không chăm nuôi, nhẫn đến thâáy trong tăng phường, thành ấp, nơi núi rừng đồng nội, đường xá có người tật bệnh mà không lo cứu tế, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

10.- Giới chứa khí cụ sát-sanh: 

Nếu Phật-Tử không đặng cất chứa những binh khí, như dao, gậy, cung, tên, búa, giáo, v.v… cùng những đồ sát sanh như chài, lưới, rập, bẫy v.v… Là Phâät-Tử, dầu cho đến cha mẹ bị người giết, còn không báo thù, huống lại đi giết tất cả chúng-sanh! Không được cất chứa những khí cụ sát sanh! Nếu cố cất chứa, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

Mười giới như thế, cần nên học và kính trọng phụng trì. (Trong sáu phẩm sau có giảng rộng)

11.- Giới đi sứ: 

Nếu Phật-Tử, chẳng đặng vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô-lượng chúng-sanh bị giết hại. Là Phật-Tử còn không được vào, cùng qua lại trong quân trận, huống lại cố làm môi giới chiến tranh. Nếu cố làm, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

12.- Giới buôn bán phi pháp: 

Nếu Phật-Tử cố bán người lành, tôi trai, tớ gái, lục-súc, buôn bán quan tài, ván cây, đồ đựng thây chết, còn không được tự mình buôn bán các thứ ấy, huống lại bảo người. Nếu cố tự buôn bán, hay bảo người buôn bán các thứ ấy, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

13.- Giới hủy-báng: 

Nếu Phật-Tử, vì ác tâm, nơi người tôát, người lành, Pháp-sư, Sư-tăng, hoặc Quốc-vương và hàng quý nhân, vốn vô sự mà hủy báng là phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Với cha, mẹ, anh, em, lục thân phải có lòng từ-bi, lòng hiếu thuận, mà trở lại vu khống cho là phạm tôäi nghịch, đọa nơi ác đạo, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

14.- Giới phóng hỏa: 

Nếu Phật-Tử, vì tâm ác, phóng hỏa đốt núi, rừng, đồng nôäi. Từ tháng tư đến tháng chín phóng hỏa. Hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, tăng phường, ruộng cây của người và cung điện tài vật của Quỷ-thần. Tất cả chỗ có sanh vật không được cố thiêu đốt. Nếu cố thiêu đóát, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

15.- Giới dạy giáo-lý ngoài Đại-Thừa: 

Nếu Phật-Tử, từ Phật đệ-tử, lục thân, tất cả thiện tri-thức, đến ngoại-đạo ác nhân, đều phải khuyên bảo thọ trì Kinh Luật Đại-thừa. Nên giảng cho hiểu nghĩa lý khiến phát Bồ-Đề Tâm, Thập-Phát-Thu, Thập Trưởng-Dưỡng Tâm, Thập Kim-Cương Tâm. Trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu Pháp dụng tuần thứ của mỗi món. Mà Phâät-tử lại vì ác tâm, sân tâm đem Kinh Luật của Thanh-Văn Nhị-thừa, cùng các bộ Luận của ngoại-đạo tà kiến để dạy ngang cho người, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

16.- Giới vì lợi mà giảng pháp lộn lạo: 

Nếu Phật-Tử, phải tận-tâm học Kinh-Luật oai-nghi đại-thừa. Thông hiểu nghĩa-lý, khi thấy có hàng tân-học Bồ-Tát từ xa trăm dặm nghìn dặm đến cầu học Kinh Luật Đại-thừa, nên đúng như pháp giảng giải tất cả khổ-hạnh, hoặc đốt thân, đốt cánh tay. Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật thời không phải là hàng Bồ-Tát xuất-gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố-thí cho tất cả những cọp, sói, sư-tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói. Rồi sau mới tuần tự theo căn-cơ của mỗi người mà giảng chánh-pháp cho hàng tân-học ấy được mở thông tâm-ý. Nếu Phật-tử vì quyền-lợi, đáng dạy mà không dạy, lại giảng Kinh-Luật một cách điên-đảo, văn-tự lộn-xộn không có thứ lớp trước sau, thuyết-pháp có tánh cách hủy-báng Tam-Bảo, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

17.- Giới cậy thế-lực quyên tởi: 

Nếu Phật-Tử, tự mình vì việc ăn uống tiền của, lợi-dưỡng, danh-dự mà thân-cận Quốc-Vương, Hoàng-Tử cùng các Quan, nương quyền cậy thế bức người để lấy tiền của, lại bảo người khác cũng cầu lợi như vậy. Tất cả sự cầu lợi ấy gọi là ác-cầu, đa-cầu, đều không có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

18.- Giới không thông hiểu mà làm thầy truyền giới: 

Nếu Phật-Tử, phải học mười hai phần Kinh, thường tụng giới. Mỗi ngày sáu thời, nghiêm-trì Bồ-Tát giới, hiểu rõ nghĩa lý-tánh Phật-Tánh của giới. Nếu Phật-Tử không hiểu một kệ một câu cùng nhân-duyên của Giới-Luật, mà dối rằng thông hiểu, đó chính là dối gạt mình và cũng là dối gạt người khác. Không hiểu một Pháp, không biết một Luật mà lại đi làm Thầy truyền giới cho người. Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

19.- Giới lưỡng thiệt (Lưỡi đôi chiều): 

Nếu Phật-Tử, vì ác tâm, thấy Thầy Tỳ-Kheo trì-giới tay bưng lư-hương, tu hạnh Bồ-Tát, tự đi đâm thọc hai đầu, cho sanh sự bất hòa khinh-khi người hiền, tạo nhiều tội ác. Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

20.- Giới không phóng-sanh: 

Nếu Phật-Tử, vì tâm từ-bi mà làm việc phóng-sanh. Tất cả nam-tử là cha ta, tất cả nữ-nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác-sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng-sanh trong lục-đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ-đại đều là bổn-thân bổn-thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sanh, nên tìm cách cứu-hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ-Tát giảng dạy để cứu-độ chúng-sanh.

Nếu ngày cha mẹ hay anh chị em chết, nên thỉnh Pháp-Sư giảng Kinh-Luật Bồ-Tát giới. Người chết nhờ phước-đức ấy, hoặc được vãng-sanh Tịnh-Độ ra mắt chư Phật, hay thác-sanh trong cõi Trời, cõi Người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

Mười giới như thế cần nên học tập kính-trọng phụng-trì. (Như trong phẩm “Diệt tội” giảng rõ mỗi giới)

21.- Giới đem sân báo sân đem đánh trả đánh: 

Nếu Phật-Tử, không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh. Nếu cha mẹ anh em hay lục-thân bị người giết cũng chẳng được báo thù, hoặc quốc chủ bị người thí chết cũng chẳng được báo-thù. Giết sanh mạng để báo thù sanh mạng, đó là việc không thuận với hiếu đạo. Hãy còn không được chứa nuôi tôi tớ, rồi đánh đập mắng nhiếc chúng, mỗi ngày tam nghiệp tạo vô lượng tội, nhất là khẩu-nghiệp. Huống lại cố đi làm tội thất nghịch. Nếu xuất-gia Bồ-Tát không có lòng từ-bi cố báo-thù, nhẫn đến cố báo thù cho trong hàng lục-thân, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

22.- Giới kiêu mạn không thỉnh Pháp: 

Nếu Phật-Tử, mới xuất-gia chưa thông hiểu Kinh-Luật, mà tự ỷ mình là trí-thức thông-minh, hoặc ỷ mình là cao quý, lớn tuổi, hoặc ỷ mình là giòng sang, con nhà quyền quý, hoặc ỷ mình học rộng, phước to giàu lớn v.v.. rồi sanh lòng kiêu-mạn mà không chịu học hỏi Kinh-Luật với các vị Pháp-Sư học đạo trước mình. Vị Pháp-Sư ấy hoặc dòng hèn, con nhà hạ tiện, tuổi trẻ, nghèo nàn, hèn-hạ hay có tật nguyền nhưng lại thiệt có đức hạnh cùng thông hiểu nhiều Kinh Luật. Hàng tân-học Bồ-Tát không được nhìn vào dòng giống vị Pháp-Sư mà không chịu đến học đạo-lý đại-thừa với vị ấy, Phật-Tử nếu như vậy thời phạm “Khinh cấu tội”.

23.- Giới khinh ngạo không tận tâm dạy: 

Nếu Phật-Tử, sau khi Phật nhập-diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ-Tát, thời đối trước tượng Phật cùng tượng Bồ-Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật và tượng Bồ-Tát sám-hối trong bảy ngày, hễ được thấy hảo tướng là đắc giới. Như chưa thấy hảo tướng thời phải sám-hối 14 ngày, 21 ngày, hay đến cả năm, cầu thấy được hảo-tướng. Khi được thấy hảo-tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật, Bồ-Tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới. Nếu đối trước vị Pháp-Sư đã thọ Bồ-Tát mà thọ giới, thời không cần thấy hảo tướng. Tại sao vậy? Vì vị Pháp-Sư ấy là chư sự truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp-Sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới. Nếu ở trong vòng nghìn dặm, mà tìm không được vị Pháp-Sư truyền-giới, thời Phật-Tử đuọc phép đối trước tượng Phật và Bồ-Tát mà tự nguyện thọ giới Bồ-Tát, nhưng cần phải thấy hảo tướng.

Nếu các vị Pháp-Sư ỷ mình thông Kinh-Luật cùng giới-pháp đại-thừa, kết-giao với các nhà quyền quý, khi có hàng tân-học Bồ-Tát đến cầu học nghĩa Kinh, Luật, lại giận ghét, hay khinh ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo, vị nầy phạm “Khinh cấu tội”.

24.- Giới không tập học Đại-Thừa: 

Nếu Phật-Tử, có Kinh Luật Đại-Thừa-Pháp chánh-kiến, chánh-tánh, chánh-pháp-thân của Phật, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở học những sách luật tà-kiến của nhị-thừa, ngoại-đạo, thế-tục, đó mà làm mất giống Phật, là nhân-duyên chướng-đạo, chẳng phải thật hành đạo Bồ-Tát. Nếu cố làm như vậy, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

25.- Giới tri-Chúng vụng về: 

Nếu Phật-Tử, sau khi Phật nhập-diệt làm Pháp-Sư, Giảng-Sư, Luật-Sư, Thiền-Sư Thủ-Tọa, Tri-Sự, Tri-Khách, phải có lòng từ-bi khéo hòa-giải trong chúng, khéo giữ-gìn tài vật của Tam-Bảo, chớ dùng vô-độ như của riêng mình, mà trở lại khuấy chúng gây gổ, kình-chống, lung lòng xài của Tam-Bảo, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

26.- Giới riêng thọ lợi dưỡng: 

Nếu Phật-Tử ở trước trong Tăng-phường, lúc sau thấy có khách Bồ-Tát Tỳ-Kheo đến hoặc nơi thành ấp nhà cửa của Tăng hay của Vua, nhẫn đến chỗ kiết-hạ an-cư cùng trong đại-hội … chư Tăng ở trước phải rước đến đưa đi, cung cấp cho những đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men, nhà, phòng, giường, ghế v.v… Nếu tự mình không có, thì phải bán thân, bán con cái, lóc thịt thân mình mà bán, để sắm đồ cung cấp cho những khách Tăng ấy. Nếu có thí-chủ đến thỉnh chúng Tăng thọ trai, khách Tăng có dự phần, vị Tri-Sự phải theo thứ-tự phái Khách Tăng đi thọ trai. Nếu chư Tăng ở trước riêng đi thọ trai mà không phái Khách Tăng đi, thời vị Tri-Sự mắc vô-lượng tội, không đáng là hàng Sa-Môn không phải dòng Thích-Tử, nào khác gì loài súc-sanh. Phật-Tử nầy phạm “Khinh cấu tội”.

27.- Giới thọ biệt thỉnh: 

Nếu Phật-Tử, tất cả chẳng được nhận của cúng-dường dành riêng về mình. Của cúng-dường nầy thuộc thập-phương Tăng, nếu nhận riêng thời là lấy của thập-phương Tăng đem về phần mình. Và của vật trong tám phước-điền: Chư Phật, Thánh-Nhân, các Sư-Tăng, cha, mẹ và người bịnh, tự mình riêng nhận dùng. Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

28.- Giới biệt thỉnh Tăng: 

Nếu Phật-Tử có những hàng Bồ-Tát xuất-gia, Bồ-Tát tại gia và tất cả đàn-việt lúc muốn thỉnh Tăng để cúng-dường cầu-nguyện, nên vào Tăng-phường thưa với vị Tri-Sự. Vị Tri-Sự bảo rằng: Theo thứ-tự mà thỉnh thời được Thập-Phương Hiền-Thánh-Tăng. Mà người đời thỉnh riêng năm trăm vị A-La-Hán Bồ-Tát Tăng vẫn không bằng theo thứ-tự thỉnh một phàm-phu Tăng. Trong giáo-pháp của bảy đức Phật đều không có pháp thỉnh Tăng riêng. Nếu thỉnh Tăng riêng đó là pháp của ngoại-đạo, là không thuận với hiếu-đạo. Nếu Phật-Tử cố thỉnh riêng thời phạm “Khinh cấu tội”.

29.- Giới tà mạng nuôi sống: 

Nếu Phật-Tử dùng ác tâm vì lợi-dưỡng buôn bán nam-sắc, nữ-sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã, xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai hay gái, bùa chú, pháp thuật, nghề-nghiệp, phương-pháp nuôi ó và chó săn, hòa-hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc, độc rắn, độc sanh-kim, sanh-ngân, độc sâu cổ, đều không có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận. Nếu cố làm các điều như thế, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

30.- Giới quản-lý cho Bạch-Y: 

Nếu Phật-Tử vì ác tâm, tự mình hủy-báng Tam-Bảo, giả tuồng kính mến, miệng thì nói không, mà hành-vi lại ở trong có, làm Quản-lý cho hàng bạch-y, vì hàng bạch-y làm mai làm mối cho nam cho nữ giao-hội dâm-sắc gây thành các nghiệp kiết-phược, những ngày lục-trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai trong mỗi năm, làm việc sát sanh, trộm cướp, phá-trai, phạm-giới. Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

Mười giới như thế, cần nên học hết lòng kính-trọng phụng-trì. (Trong phẩm “Chế Giới” có giảng rõ)

31.- Giới không mua chuộc: 

Nếu Phật-Tử, sau khi Phật nhập-diệt ở trong đời ác, thấy hàng ngoại-đạo, bọn giặc cướp cùng tất cả người ác đem bán hình tượng Phật, Bồ-Tát, cha mẹ, đem bán Kinh Luật, đem bán Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, cùng người hành đạo Bồ-Tát, kẻ phát tâm Bồ-Đề, để làm tay sai cho các quan hay làm tôi tớ cho mọi người. Phật-Tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ-bi tìm cách cứu vớt. Nếu không đủ sức, Phật-Tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc hình tượng Phật, Bồ-Tát và tất cả Kinh Luật, chuộc Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, người tu hạnh Bồ-Tát, kẻ phát tâm Bồ-Đề. Nếu không chuộc, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

32.- Giới tổn hại chúng-sanh: 

Nếu Phật-Tử, không được buôn bán dao, gậy, cung, tên những khí-giới sát-sanh. Không được chứa cân non giạ thiếu. Không được nương thế-lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Không được ác tâm trói buộc người, và phá hoại việc thành-công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó … Nếu cố làm các điều trên, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

33.- Giới tà nghiệp giác quán: 

Nếu Phật-Tử, không đặng vì ác-tâm đi xem tất cả nam nữ v.v… đánh nhau, hay quân trận binh tướng giặc cướp v.v… đấu chiến nhau. Cũng chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng v.v… cho đền bói xủ. Chẳng được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

34.- Giới tạm bỏ Bồ-Đề tâm: 

Nếu Phật-Tử, ngày đêm sáu thời đọc tụng giới Bồ-Tát nầy. Nên giữ gìn giới luật trong tất cả khi đi đứng nằm ngồi, vững chắc như kim-cương, nhe đeo trái nổi để qua biển lớn, như các Tỳ-Kheo bị cột bằng dây cỏ. Thường có tín tâm lành đối với đại-thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, rồi phát Bồ-Đề-Tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm-niệm xu-hướng theo Nhị-Thừa hay ngoại-đạo, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

35.- Giới không phát nguyện: 

Nếu Phật-Tử, nên phát những điều nguyện lớn: Nguyện ở hiếu thuận với cha mẹ, Sư-Tăng – Nguyện đặng gặp được thầy tốt – Bạn Thiện-Tri-Thức – Thường dạy bảo tôi các Kinh Luật Đại-Thừa – dạy cho tôi về “Thập-Phát-Thu” – “Thập-Trưởng-Dưỡng” – “Thập-Kim-Cương” – “Thập-Địa” – Cho tôi hiểu rõ để tu hành đúng chánh-pháp – Nguyện giữ vững giới của Phật: Thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu tất cả Phật-Tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “Khinh cấu tội”.

36.- Giới không phát thệ: 

Nếu Phật-Tử khi đã phát mười điều nguyện lớn trên đây rồi, phải giữ gìn giới-cấm của Phật. Tự thệ rằng: Thà nhảy vào đống lửa, hố sâu, núi dao, quyết không cùng với tất cả người nữ (nam) làm điều bất-tịnh để phạm điều cấm trong Kinh Luật của Tam-Thế chư Phật.

Lại thệ rằng: Thà lấy lưới sắt nóng quấn thân mình cả nghìn lớp, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ những đồ y-phục của tín tâm đàn-việt. Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp quyết không để miệng này phá giới mà ăn các thứ thực-phẩm của tín-tâm đàn-việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân này phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín-tâm đàn-việt. Thà trong một hai kiếp chịu cho cả trăm gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân này phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín-tâm đàn-việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp quyết không để thân này phá giới mà lãnh những phòng nhà, ruộng vườn, đất đai của tín-tâm đàn-việt.

– Lại phát thệ rằng: Thà dùng chày sắt đập thân nầy từ đầu tới chân nát như tro bụi, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ sự cung-kính lễ-bái của tín-tâm đàn-việt.

– Lại phát thệ rằng: Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét đôi mắt mình quyết không đem tâm phá giới này mà nhìn xem sắc đẹp của người. Thà lấy trăm nghìn dùi sắt đâm thủng lỗ tai mình trải trong một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới này mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ lỗ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới này mà ngửi các mùi thơm. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới này, mà ăn các thứ tinh-thực của người. Thà lấy búa bén chặt chém thân thể mình, quyết không đem tâm phá giới này mà tham mặt đồ tốt.

– Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng-sanh đều được thành Phật.

Nếu Phật-Tử không phát những điều thệ này, thời phạm “Khinh cấu tội”.

37.- Giới vào chỗ hiểm nạn: 

Nếu Phật-Tử, mỗi năm phải hai kỳ hành đầu đà, mùa Đông mùa Hạ thời ngồi thiền kiết-hạ an-cư. Thường dùng nhành dương, nước tro, ba Y, bát, bình, tọa-cụ, tích-trượng, hộp lư-hương, đãy lược nước, khăn tay, con dao, đá lửa, cái nhíp, giường dây, kinh, luật, tượng Phật, tượng Bồ-Tát. Khi Phật-tử hành đầu-đà cùng lúc du-phương đi lại trăm dặm ngàn dặm, mười tám món này mang luôn bên mình. Đây là hai kỳ hành đầu-đà trong mỗi năm: Từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng Ba, và từ rằm tháng Tám đến rằm tháng Mười. Trong hai kỳ hành đầu-đà luôn mang theo mình mười tám món ấy như chim hai cánh.

Nếu đến ngày Bố-tát, hàng tân-học Phật-tử, mỗi nửa tháng luôn Bố-tát, tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.

Lúc tụng giới, nên ở trước tượng Phật và Bồ-Tát mà tụng. Chỉ có một người Bố-Tát thời một người tụng, nếu hai người, ba người nhẫn đến trăm nghìn người cũng một người tụng, còn bao nhiêu thời lắng nghe. Người tụng ngồi cao người nghe ngồi thấp. Mỗi người đều đắp y hoại-sắc chín điều, bảy điều và năm điều. Trong lúc Kiết-Hạ an-cư cũng phải mỗi việc đúng theo phép tắc.

Lúc hành đầu-đà chớ đi đến chỗ có tai nạn, cõi nước hiểm-ác, nhà vua hung bạo, đất đai gập-gềnh, cỏ cây rậm-rạp, chỗ có giống sư-tử, cọp, sói, cùng lụt, bão, nạn cháy, giặc cướp, đường xá có rắn rít … Tất cả nơi hiểm nạn ấy điều không được đến. Chẳng những lúc hành đầu-đà, mà lúc kiết-hạ, an-cư cũng không được vào những chỗ hiểm-nạn ấy.

Nếu cố vào những nơi ấy, Phật-Tử này phạm

“Khinh cấu tội”.

38.- Giới trái thứ tự tôn ty: 

Nếu Phật-Tử, phải theo thứ-tự đúng pháp mà ngồi: Người thọ giới trước thời ngồi trước, người thọ giới sau thời ngồi sau. Không luận già, trẻ, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, người sang như Quốc-Vương, Hoàng-Tử, nhẫn đến kẻ hèn như Huỳnh-môn, tôi-tớ v.v… tất cả đều nên theo thứ-tự mà ngồi: Người thọ giới trước thời ngồi trước, người thọ giới sau thời ngồi sau.

Không được như hàng ngoại-đạo, si-mê, hoặc già, hoặc trẻ, ngồi trước sau lộn-xộn không có thứ-tự, không khác cách ngồi của bọn binh-nô. Trong Phật-Pháp của Ta, hễ người thọ giới trước thời ngồi trước, còn người thọ giới sau thời ngồi sau.

Nếu Phật-Tử không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi, thời phạm “Khinh-Cấu-Tội”.

39.- Giới không tu phước-huệ: 

Nếu Phật-Tử, thường phải khuyến hóa tất cả mọi người kiến tạo Tăng-Phường nơi núi rừng vườn ruộng, xây dựng Phật-Tháp, chỗ an-cư, tọa-thiền trong mùa Đông mùa Hạ, tất cả những cơ-sở hành-đạo đều nên kiến-tạo.

Người Phật-Tử phải giảng-thuyết Kinh Luật Đại-Thừa cho tất cả chúng-sanh. Lúc tật-bịnh, nước có nạn có giặc, ngày cha, mẹ, anh, em, Hòa-Thượng, A-Xà-Lê khuất-tịch, và mỗi tuần thất, nhẫn đến bảy tuần thất, cũng nên giảng thuyết Kinh Luật Đại-Thừa. Tất cả những Trai-hội cầu nguyện, những lúc đi làm ăn, những khi có tai nạn lụt, bão, hỏa-hoạn, ghe thuyền trôi giạt nơi sông to biển lớn, gặp quỷ La-Sát v.v… đều cũng đọc tụng Kinh Luật Đại-Thừa. Nhẫn đến tất cả tội báo, tam ác, bát nạn. Thất nghịch gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân, hoặc người nhiều dâm, nhiều sân, nhiều ngu si, nhiều tật bệnh, đều nên giảng Kinh Luật Đại-Thừa nầy.

Nếu hàng tân-học Phật-Tử không thực-hành như trên đây, thời phạm “Khinh cấu tội”.

Chín giới như thế cần nên học, hết lòng kính-trọng phụng-trì. (Trong phẩm “Phạm Đàn” có giảng rộng)

40.- Giới không bình đẳng truyền giới: 

Nếu Phật-Tử, lúc cho người thọ giới không được lựa chọn. Tất cả hàng Quốc-Vương, Hoàng-Tử, các Quan, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, Tín-Nam, Tín-Nữ, Dâm-Nam, Dâm-Nữ, Phạm-Thiên trong 18 cõi Sắc, Thiên-Tử trong sáu cõi dục, người thiếu căn, hai căn, huỳnh-môn, tôi-tớ và tất cả Quỷ-Thần đều được thọ giới. Tất cả y-phục ngọa-cụ nên bảo phải hòa màu: Xanh, đỏ, đen, tím nhuộm thành hoại sắc cho hiệp với đạo.

Trong tất cả quốc-độ, theo y-phục của người trong nước mặc, y-phục của thầy Tỳ-Kheo đều phải khác với y-phục của người thế-tục.

Khi ai muốn thọ Bồ-Tát giới, vị Sư phải hỏi rằng: Trong đời nầy ngươi có phạm tội thất-nghịch chăng? Bồ-Tát Pháp-Sư không được cho người phạm tội thất-nghịch thọ giới trong đời nầy.

Đây là tội thất-nghịch: Ác-tâm làm thân Phật chảy máu, hại bực Thánh-Nhân, giết cha, giết mẹ, giết Hòa-Thượng, giết A-Xà-Lê, phá Yết-Ma-Tăng, chuyển Pháp-Luân-Tăng Nếu phạm tội thất-nghịch, thời hiện đời không đắc giới. Ngoài ra tất cả người đều được thọ giới.

Theo pháp của người xuất-gia, không lạy Quốc-Vương, cha mẹ, lục thân và quỷ-thần.

Phàm hễ ai nhận được hiểu lời nói của Pháp-Sư đều được thọ giới. Mà có người từ trăm dặm nghìn dặm đến cầu Pháp, nếu Bồ-Tát Pháp-Sư vì ác tâm, sân tâm, mà không mau mắn truyền giới Bồ-Tát cho người ấy, thời phạm “Khinh cấu tội”.

41.- Giới vì lợi làm thầy: 

Nếu Phật-Tử, giáo hóa người sanh lòng tin tưởng Pháp đại-thừa, Bồ-Tát làm Pháp-Sư giáo giới cho người. Lúc thấy có người muốn thọ giới Bồ-Tát, nên bảo người ấy thỉnh hai Đại-Sư: Hòa-Thượng và A-Xà-Lê.

Phải hỏi người ấy có phạm tội thất-nghịch không? Nếu người ấy hiện đời có phạm tội thất-nghịch, thời Pháp-Sư không được cho người ấy thọ giới. Như không phạm tội thất-nghịch thời cho thọ giới. Nếu có phạm trong mười giới trọng, phải bảo người ấy sám-hối, đối trước tượng Phật và Bồ-Tát. Ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ-Tát tha-thiết đảnh-lễ Tam-Thế Chư Phật cho được thấy hảo tướng. Sám-hối như thế trong bảy ngày, mười bốn ngày, hai mươi mốt ngày, nhẫn đến trọn năm mãi đến chừng nào thấy được hảo-tướng. Đây là hảo-tướng: Thấy Phật đến xoa đầu mình, thấy quang-minh, thấy hoa báu v.v… các thứ cảnh tưởng lạ. Thấy được những hảo tướng ấy là triệu chứng tội đã tiêu diệt. Nếu không được thấy hảo tướng, dầu có sám-hối vẫn vô ích. Người này hiện đời cũng không đắc giới, nhưng đặng tăng ích thọ giới.

Nếu là người phạm trong bốn mươi tám điều giới khinh, đối-thú sám-hối, thời tội đặng tiêu-diệt, không phải như tội thất-nghịch.

Vị Pháp-Sư giáo-giới ở trong những pháp này phải hiểu rõ. Nếu không hiểu Kinh Luật Đại-thừa, những giới khinh, giới trọng, hành tướng phải, chẳng phải, không hiểu đệ-nhất Nghĩa-đế, tập chủng-tánh, trưởng-dưỡng tánh, tánh chủng-tánh, bất-khả hoại-tánh, đạo-chủng-tánh, chánh-pháp-tánh. Những quán-hạnh đa, thiểu, xuất, nhập của trong các pháp đó, cùng mười chi thiền, tất cả pháp hạnh, mỗi mỗi đều không thông hiểu. Phật-tử vì tài lợi, vì danh tiếng, cầu quấy, cầu nhiều, tham đệ tử đông lên giả tuồng là mình hiểu biết tất cả Kinh Luật để được cúng-dường đó là tự dối mình mà cũng khi-dối người khác. Nếu cố làm Giáo-Sư truyền giới cho người, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

42.- Giới vì người ác giảng giới: 

Nếu Phật-Tử, không được vì tài lợi mà đem đại giới của chư Phật đây, nói với người chưa thọ giới Bồ-Tát, hoặc với hàng ngoại-đạo, những người tà kiến … trừ Quốc-Vương, ngoài ra không được nói với tất cả hạng người ấy. Những hạng người ấy chẳng thọ giới của Phật, gọi là súc-sanh, đời đời sanh ra không gặp được Tam-Bảo, như cây đá, không có tâm-thức, gọi là ngoại-đạo, bọn tà-kiến, nào khác cây cối. Với những hạng người tà ác ấy, nếu Phật-Tử giảng nói giới-pháp của chư Phật, thời phạm “Khinh cấu tội”.

43.- Giới cố mống tâm phạm giới: 

Nếu Phật-Tử, do đức tin mà xuất gia, thọ chánh-giới của Phật, lại cố mống tâm hủy phạm giới-pháp, thời không được thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn-việt, cũng không được đi trên đất của Quốc-dân, không được uống nước của Quốc-dân. Năm nghìn Đại-Quỷ luôn đứng án trước mặt người đó mà gọi là “Gã bợm giặc”.

Nếu khi đi vào trong phòng nhà thành ấp, các Quỷ thường theo chà quét dấu chân của người ấy. Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ giặc trong Phật-Pháp. Hết thảy chúng-sanh đều không muốn nhìn ngó người ấy. Người phạm giới, khác nào loài súc-sanh, cây cỏ. Nếu cố phá-hủy giới-pháp của Phật, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

44.- Giới không cúng-dường Kinh-Luật: 

Nếu Phật-Tử, phải thường nhất-tâm thọ-trì đọc tụng Kinh Luật Đại-thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép Kinh Luật, dùng vàng bạc làm hộp, rương, đựng những quyển Kinh Luật.

Nếu không y theo Pháp mà cúng-dường Kinh Luật, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

45.- Giới không giáo hóa chúng-sanh: 

Nếu Phật-Tử, nên có lòng đại-bi, khi vào trong tất cả nhà cửa thành ấp, thấy những loài chúng-sanh, phải xướng lên rằng: “Các ngươi đều nên thọ Tam-Quy và Thập-Giới”. Nếu gặp trâu, bò, chó, ngựa, heo, dê, v.v.. nên tâm nghĩ miệng nói: “Các ngươi là súc sanh phát Bồ-Đề-Tâm”. Khi Phật-tử đi đến núi, rừng, sông, nội cùng tất cả chỗ, đều làm cho hết thẩy chúng-sanh phát Bồ-Đề-Tâm.

Nếu Phật-Tử không phát-tâm giáo hóa chúng-sanh, thời phạm “Khinh cấu tội”.

46.- Giới thuyết-Pháp không đúng Pháp: 

Nếu Phật-Tử, thường nên có lòng đại-bi phát tâm giáo hóa. Lúc vào nhà đàn-việt sang giàu, cùng trong tất cả chúng hội, không được đứng thuyết-pháp cho hàng bạch-y. Phải ngồi trên tòa cao trước chúng bạch-y.

Vị Tỳ-Kheo Pháp-Sư không được đứng dưới đất thuyết-pháp cho tứ-chúng. Khi thuyết-pháp vị Pháp-Sư ngồi tòa cao, dùng hương hoa cúng dường, còn tứ chúng, hàng thính-giả thời ngồi dưới. Đối với Pháp-Sư phải như là hiếu-thuận cha mẹ, kính-thuận Sư-trưởng như Bà-La-Môn thờ lửa. Nếu Phật-Tử thuyết-pháp mà không đúng như pháp thời phạm “Khinh cấu tội”.

47.- Giới chế hạn phi pháp: 

Nếu Phật-Tử, đều đã có lòng tin thọ giới của Phật, hoặc Quốc-Vương, Hoàng-tử, các Quan, bốn bộ đệ-tử tự ỷ thế lực cao-quý, phá diệt giới-luật Phật-Pháp, lập ra điều-luật chế, hạn chế bốn bộ đệ-tử của Phật, không cho xuất-gia hành-đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ-Tát, cùng Tháp và Kinh Luật. Lại đặt ra chức Quan đổng-lý hạn-chế tứ-chúng, và lập bộ sổ ghi số Tăng Tỳ-Kheo Bồ-Tát đứng dưới đất còn Bạch-y ngồi tòa cao, làm nhiều việc phi-pháp như binh-nô thờ chủ. Hàng Bồ-Tát này chính nên được mọi người cúng-dường, mà trở lại bắt làm tay sai của các Quan chức, thế là phi-pháp phi-luật.

Nếu Quốc-vương và các Quan có lòng tốt thọ-giới của Phật, chớ làm những tội phá Tam-Bảo ấy. Nếu cố làm, thời phạm “Khinh cấu tội”.

48.- Giới phá diệt Phật-Pháp: 

Nếu Phật-Tử, do lòng tốt mà xuất-gia, lại vì danh tiếng cùng tài lợi, giảng thuyết giới của Phật cho Quốc-Vương và các Quan, làm những sự gông trói các Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, người thọ giới Bồ-Tát như cách của ngục-tù và binh-nô. Như trùng trong thân Sư-tử tự ăn thịt Sư-tử, chớ chẳng phải trùng ở ngoài đến ăn. Cũng thế, các Phật-Tử tự hủy phá Phật-Pháp, không phải ngoại-đạo hay Thiên-Ma phá được.

Người đã thọ giới của Phật, nên hộ trì giới-luật của Phật như ấp yêu con một, như kính thờ cha mẹ, không được hủy phá.

Người Phật-Tử khi nghe ngoại-đạo, người ác dùng lời xấu hủy-báng giới-pháp của Phật, thời đau đớn không khác nào cả ba trăm cây giáo nhọn đâm vào tim mình, hay cả nghìn lưỡi dao, cả vạn cây gậy đánh bổ vào thân mình. Thà tự cam vào ở địa-ngục đến trăm kiếp, chớ không muốn nghe lời hủy-báng giới pháp của Phật do bọn người ác. Huống là không lòng hiếu-thuận, tự mình hủy-phá giới-pháp của Phật, hay làm nhân duyên bảo người khác hủy-phá. Nếu cố phá giới-pháp, Phật-Tử này phạm “Khinh cấu tội”.

Chín giới như vậy, cầu nên học, hết lòng kính-trọng phụng-trì.

VII.- TỔNG-KẾT: 
Đức Phật dạy: Các Phật-Tử! Đó là bốn mươi tám điều giới khinh, các người phải thọ-trì. Chư Bồ-Tát thủa đời quá-khứ đã tụng, chư Bồ-Tát thuở đời vị-lai sẽ tụng, chư Bồ-Tát hiện-tại đương tụng.

Các Phật-Tử lóng nghe! Mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh đây, chư Phật trong ba thủa đã tụng, sẽ tụng và hiện đương tụng. Nay ta cũng tụng như vậy.

VIII.- LƯU-THÔNG: 
Đức Phật phán tiếp: Tất cả Đại-Chúng, Quốc-Vương, Vương-Tử, các Quan, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, Tín-Nam, Tín-Nữ thảy, những người thọ-trì giới Bồ-Tát, nên phải thọ-trì đọc tụng giảng-thuyết biên chép quyển giới-pháp Phật-Tánh thường-trụ để lưu-thông mãi-mãi. Tất cả chúng-sanh xoay vần truyền dạy lẫn nhau không dứt. Do đây, đặng gặp chư Phật, được chư Phật trao tay. Đời đời khỏi hẳn ba ác đạo và tám chỗ nạn. Thường được thác-sanh trong loài người, hay cõi Trời.

Nay Ta ở dưới cội Bồ-Đề nầy, lược-giảng giới-pháp của chư Phật. Tất cả đại-chúng phải nhất-tâm học Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, hoan hỷ phụng hành.

Như phần “Khuyến Học” trong phẩm “Vô-Tướng Thiên-Vương” mỗi mỗi đều giảng rõ.

Lúc đó chư vị Học-sĩ trong cõi tam-thiên ngồi lóng nghe đức Phật tụng giới, hết lòng kính-trọng, hoan-hỷ thọ-trì. Đức Thích-Ca Mâu-Ni giảng xong về mười vô-tận giới pháp trong phẩm “Tâm-Địa Pháp-Môn” của đức Phật Lô-Xá-Na đã giảng nơi thế-giới Liên-Hoa Đài-Tạng lúc trước, nghìn trăm ức đức Thích-Ca cũng đồng giảng như vậy. Từ cung Đại-Tự-Tại Thiên-Vương đến dưới cây Bồ-Đề nầy, thuyết-pháp cả mười chỗ, vì tất cả Bồ-Tát và vô-số đại-chúng thọ-trì đọc tụng giải-thuyết pháp-nghĩa cũng như vậy.

Nghì trăm ức thế-giới, Liên-Hoa Đài-Tạng thế-giới, vi-trần thế-giới, chư Phật cũng giảng-thuyết như vậy. Tất cả Phật-Tâm-Tạng, Địa-Tạng, Giới-Tạng, Vô-Lượng Hạnh-Nguyện-Tạng, Nhân-Quả Phật-Tánh Thường-Trụ-Tạng. Tất cả chư Phật giảng thuyết vô-lượng pháp-tạng như thế đã xong.

Hết thảy chúng-sanh trong nghìn trăm ức thế-giới đều thọ trì hoan-hỷ phụng-hành.

Còn về phần giảng rộng những hành-tướng của tâm-địa thời như trong phẩm “Phật-Hoa Quang-Vương Thất-Hạnh” có nói.


IX.- KỆ KHEN TẶNG GIỚI PHÁP: 

Người trí nhiều Định Huệ
Thọ trì được pháp này
Lúc còn chưa thành Phật
Được hưởng năm điều lợi: 
Một là Thập-Phương Phật
Thương tưởng hộ-trì luôn
Hai là lúc lâm chung
Chánh niệm lòng vui vẻ
Ba là sanh chỗ nào
Cùng Bồ-Tát làm bạn
Bốn là những công-đức
Giới-độ đều thành tựu
Năm, đời này, đời sau
Đủû giới và phước-huệ
Đây là các Phật-Tử
Người trí khéo nghĩ lường
Kẻ trước tướng chấp-ngã (Phàm phu)
Không thể được pháp nầy
Người trầm không trệ-tịch (Tiểu-Thừa)
Cũng không gieo giống được.
Muốn nẩy mầm Bồ-Đề
Trí-Huệ soi thế-gian
Phải nên quan sát kỹ
Thật tướng của các pháp: 
Không sanh cũng không diệt
Không thường lại không đoạn
Chẳng đồng cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Trong thể nhất-tâm ấy
Siêng tu tập trang-nghiêm,
Công-hạnh của Bồ-Tát
Phải tuần tự học tập.
Nơi học, nơi “Vô học”
Chớ mống tưởng phân biệt
Đấy là “Đệ Nhất-Đạo”,
Cũng gọi pháp Đại-Thừa
Hết thảy lỗi hý-luận
Đều từ đây dứt sạch
Vô-thượng trí của Phật
Đều do đây mà thành.
Vì thế nên Phật-Tử
Phải phát-tâm dõng-mãnh
Nghiêm trì giới của Phật
Tròn sạch như Minh-Châu.
Chư Bồ-Tát quá-khứ
Đã từng học giới này,
Hàng vị-lai sẽ học,
Người hiện-tại đương-học.
Đây là đường Phật đi
Là chỗ Phật khen ngợi.
Ta đã giảng giới xong
Phước-đức nhiều vô-lượng,
Hồi-hướng cho chúng-sanh
Đồng đến “Nhất-Thiết-Trí”
Nguyện ai nghe pháp này
Đều được thành Phật đạo


X.- PHẦN HỒI-HƯỚNG:

Trên Liên-Hoa-Tạng
Đức Xá-Na Tôn
Lược giảng Tâm-Địa Pháp-môn này
Truyền lại chư Thế-Tôn
Khinh, Trọng phân rành
Tất cả được nhờ ân
Nam-Mô Phạm-Võng Giáo-Chủ Lô-Xá-Na Phật Biến Pháp-giới Tam-Bảo (3 lần)

KIẾT KINH KỆ

Trời, A-Tu-La, Dạ-Xoa thảy
Ai đến nghe pháp phải hết lòng
Ủng-hộ Phật-Pháp cho thường còn
Mọi người siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu thính-giả đến chỗ này
Hoặc ở cõi đất hoặc trên không
Nương theo chánh-pháp ngày đêm tu
Xót thương người đời luôn cứu-hộ
Cầu cho Thế-giới thường an-ổn
Pháp-trí vô-biên lợi quần-sanh
Tất cả tội-nghiệp đều tiêu trừ
Dứt hẳn quả khổ vào viên-tịch
Thường dùng giới-hương thoa vóc sáng
Luôn gìn định-phục mặc che thân
Hoa mầu trí-giác khắp trang-nghiêm
Khắp xứ, khắp nơi thường an-lạc.
Nam-Mô Hộ-Pháp Chư-Tôn Bồ-Tát Ma-Ha-Tát (3 lần)

(Người tụng giới đứng dậy chắp tay nói: Kính bạch đại-chúng, nay tôi là ... vưng lịnh tụng giới, vì ba nghiệp biếng trễ, nếu có điều chi sai sót, xin đại-chúng bố-thí hoan-hỷ).

KINH TÂM-YẾU BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA

Bồ-tát Quán-Tự-Tại thực hành sâu xa pháp Bát-Nhã ba-la-mật-đa. Ngài soi thấy năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách.
Này Xá-Lợi-Tử ! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.
Này Xá-Lợi-Tử ! Tướng Không của mọi pháp không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Cho nên trong Chân-không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn-thức giới cho đến không có ý-thức giới. Không có vô-minh cũng không có hết vô-minh cho đến không có già chết cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí-tuệ cũng không có chứng đắc. Bởi vì vô sở đắc.
Bồ-tát y Bát-Nhã ba-la-mật-đa nên tâm không quản ngại. Vì không quản ngại nên không sợ hãi, xa hẳn mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu-cánh Niết-Bàn. Ba đời chư Phật y Bát-Nhã ba-la-mật-đa nên được đạo quả Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Cho nên biết Bát-Nhã ba-la-mật-đa là đại-thần chú, là đại-minh chú, là vô-thượng chú, vô-đẳng-đẳng chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư.
Vì vậy nói chú Bát-Nhã ba-la-mật-đa:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, sa bà ha ! (3 lần)

(Nếu có thì giờ thì niệm Phật hồi-hướng theo nghi Tinh-Độ phổ-thông, bằng không có thì giờ dư thời theo nghi lễ dưới đây):

HỒI HƯỚNG

Tụng giới công đức thù thắng hạnh
Vô biên thắng phước con hồi hướng
Khắp nguyện trầm nịch bao chúng-sanh
Sớm về cõi Phật Quang Vô Lượng
Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não
Nguyện được trí tuệ chơn minh liễu
Khắp nguyện tội chướng đều tiêu trừ
Đời đời thường hành Bồ-Tát Hạnh
Nguyện sanh Tây Phương cõi Tịnh Độ
Chín phẩm Hoa sen làm cha mẹ
Hoa nở thấy Phật chứng Vô sanh
Bất Thoái Bồ-Tát làm bạn lữ

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng-sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

Tự quy-y Phật, xin nguyện chúng-sanh hiểu rõ đạo lớn, phát tâm Bồ-đề. (1 lạy)

Tự quy-y Pháp, xin nguyện chúng-sanh vào sâu kinh tạng, trí-tuệ như biển. (1 lạy)

Tự quy-y Tăng, xin nguyện chúng-sanh thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lạy)

Bài Phát Nguyện

Nguyện cầu Sư Tăng cha mẹ đời này đời trước, thiện ác tri thức, đàn việt lập chùa, Mười phương tín thí, bà con quyến thuộc, hoặc còn hoặc mất, sáu đạo chúng sanh, hoặc oán hoặc thân.
Nguyện giải tất cả bao oan khiên, tiêu tất cả bao tội nghiệp, đồng chứng Đại Bồ-Đề, đồng sanh cõi An-Lạc.

Nam-Mô Tây-Phương An-Lạc Thế-Giới Đại-Từ Đại-Bi Tiếp-Dẫn Đạo-Sư A-Di-Đà Phật. (3 lần)

Nam-Mô Tây-Thiên Đông-Độ Việt-Nam Lịch-Đại Nhất Thiết Chư Vị Tổ Sư. (3 lần)

KỆ ĐỊA-TẠNG

Từ bi quảng đại diệu khó lường,
Cứu khổ đường mê Địa-Tạng Vương,
Tích trượng rung thời khai Địa Ngục,
Thần châu trổ chiếu hết đau thương,
Bi quang cứu tế U-Minh Giới,
Pháp lực dương buồm Bát-Nhã thuyền,
Tiếp dẫn tinh thần cao đuốc tuệ,
Đường đường khắp phóng ngọc hào quang.

Nam-Mô Đại Hoằng Thệ Nguyện Địa Ngục chưa không thề chẳng thành Phật, chúng-sanh độ tận mới chứng Bồ-Đề, Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ Bổn Tôn Địa-Tạng Vương Bồ-Tát. (3 lần)

KỆ HỘ PHÁP

Trời A-Tu-La, Dạ-Xoa thảy
Ai đến nghe pháp nên chí tâm
Ủng-hộ Phật-Pháp cho thường còn
Mọi người siêng tu lời Phật dạy
Bao nhiêu thính-giả đến chỗ nầy
Hoặc ở cõi đất hoặc trên không
Nương theo chánh-pháp ngày đêm tu
Xót thương người đời luôn cứu-hộ
Cầu cho Thế-giới thường an-ổn
Pháp-trí vô biên lợi quần-sanh
Tất cả tội nghiệp đều tiêu trừ
Dứt hẳn quả khổ vào viên-tịch
Thường dùng giới-hương thoa vóc sáng
Luôn gìn định-phục mặc che thân
Hoa mầu trí-giác khắp trang nghiêm
Khắp xứ, khắp nơi thường an-lạc.
Nam-mô Tồi Tà Phụ Chánh Hộ-Pháp Chư Tôn Bồ-Tát Ma-ha-tát. (3 lần)

 

CHÚ THÍCH

Không nên ăn ngũ vị tân (còn gọi ngũ vị thuộc loại Allium) gồm: tất cả các loại hành, tỏi, hẹ, củ kiệu, củ nén (miền Trung Viet Nam gọi là: hành hương, hành tăm). Ăn các vị này vào thì không tốt cho việc tu luyện. Chi Hành (Allium), Họ Hành (Alliaceae). Một số nhà thực vật học cũng đã từng phân loại chi này trong Họ Loa kèn (Liliaceae: some classes are toxical or poisionous). 
- A Nan! tất cả chúng sanh, ăn ngọt thì sống, ăn độc thì chết. Vậy chúng sanh cầu Tam Ma Địa (Samadhi, Samatha, Dhyana, Vipassana,... ), nên dứt bỏ ngũ tân của thế gian, ngũ tân này hễ ăn chín (cooked) thì phát lòng dâm, ăn sống (raw) thì thêm sân hận. Những người ăn ngũ tân, dù biết giảng giải mười hai bộ kinh, nhưng mười phương Thiên Tiên (sa: Rsi gana) đều chê mùi hôi thối ấy mà tránh xa; các loài ma quỷ (greedy-desired-devils), thừa lúc đang ăn ngũ tân, liếm môi của họ, người ấy thường ở chung với quỷ, phước đức ngày càng tiêu mòn, chẳng được lợi ích.
- Người ăn ngũ tân mà tu Tam Ma Địa, thì Bồ Tát, Thiên Tiên, mười phương thiện thần chẳng đến hộ vệ. Đại lực ma vương có cơ hội hiện ra thân Phật, thuyết pháp cho họ, chê bai giới cấm, tán thán dâm dục và sân si. Người ấy chết thành quyến thuộc ma, khi hết phước báo của ma, liền đọa ngục A Tỳ.
- A Nan! Người tu đạo Bồ Đề phải dứt hẳn ngũ tân, ấy gọi là tiệm thứ tu hành tinh tấn thứ nhất. (KINH THỦ LĂNG NGHIÊM 8, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM QUYỂN TÁM). 
* Should not have any sort of these foods in your meals, please: 
- The Onions Families: Including Leeks, chives, garlic, porrum, shallots, and all sorts of onions.  
E.i.: 
- Hành lá (A sort of plant looks like a bunch of long green tube-shape leaves): Allium fistulosum L. 
- Củ Hành ta: Allium ascalonicium L. (Củ Hành ta). 
- Củ Hành Tây: Allium Cepa L. 
- Lá Hẹ: Allium Odorum L. (Allium Tuberosum Roxb.). 
- Củ Tỏi: (Garlic Chives, Chinese Chives) Allium Sativum L. (Bulbus Allii). 
- Củ Kiệu: Chinese Garlic, Allium Chinese G. Don, A. Bakeri Regel., Allium Splendens Wild (Schult F.), Allium Chinese, Allium Chinenis. 
- Củ Nén (Củ Hành Tăm, Củ Hành Hương, Củ Hành Trắng): Allium Schoenoprasum L., pearl onions, shallots.  
- Củ Tỏi Tây (Leeks): Allium Ampeloprasum L. (porrum). 

-----------------------------



1. Vô vi là nhân không. Vô tướng là pháp không.

2. Pháp ở trong là thân tâm. Pháp ở ngoài là thế giới của thân tâm.

3. Từ phòng sát sinh. Lương phòng trộm cắp. Thanh phòng dâm dục. Trực phòng vọng ngữ. Chánh phòng rượu chè. Thật phòng hủy báng. Chánh kiến phòng tà kiến. Xả phòng xan tham. Hỷ phòng sân hận. (9 giới)

4. Bát đảo: Phàm phu có 4 thứ điên đảo hữu vi: vô thường chấp là thường, vô lạc chấp là lạc, vô ngã chấp là ngã, vô tịnh chấp là tịnh. Nhị thừa có 4 thứ điên đảo vô vi: thường chấp là vô thường, lạc chấp là vô lạc, ngã chấp là vô ngã, tịnh chấp là vô tịnh. (tứ đức niết bàn)

5. Không là biến kế. Giả là y tha. Pháp tánh là viên thành.

6. Hữu là hữu tướng. Vô là vô tướng. Như hữu là thế tục tợ có. Như vô là thắng nghĩa tợ không có.

7. Chỉ cho mười biến xứ, cũng gọi là mười nhất thiết xứ, là quán 10 thứ sau đây mỗi mỗi biến khắp tất cả nơi, đó là xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.

8. Chỉ cho tam giải thoát môn: không, vô tướng, vô tác.

9. Vô tuệ là không có tam giải thoát tuệ.

10. Chánh văn là đạo tâm chúng sinh, cách gọi khác của Bồ tát. Bồ tát, gọi đủ là Bồ đề tát đõa, ý dịch là Đạo chúng sinh, Giác hữu tình, Đại giác hữu tình, Đạo tâm chúng sinh, Đại sĩ.

11. Không không là một trong 17 cái Không mà kinh điển thường nói. Sự tác ý tư duy về cái không để đối trị các cái tướng (như tướng nhân vô ngã, tướng pháp vô ngã, tướng duy thức, tướng thắng nghĩa, tướng vô vi, tướng không biến dịch, v.v…) thì có cái tướng không, cái tướng ấy được chính yếu trừ khử bởi không không.

12. Tuệ quán bất khả thuyết = tuệ quán vô ngôn: tuệ quán về pháp tánh vô ngôn.

13. Nhất đế = đệ nhất nghĩa đế: cũng gọi thắng nghĩa đế, chân đế, Thánh đế, niết bàn, chân như, thật tướng, trung đạo, pháp giới.

14. Đó là chí cầu đạo quả Vô thượng bồ đề, cùng với tất cả bồ tát, tất cả chúng sinh, đồng tâm, đồng hành, đồng nguyện, đồng cầu.

15. Ngã phược và kiến phược là hai chấp ngã và pháp.

16. Căn bản là hộ trì tâm mình.

17. Bản thể của các pháp vốn không tập tán, sinh diệt.

18. Vô ngã luân là phiền não nhiễu loạn ở Bồ tát thập trụ.

19. Chỉ cho ngũ lợi sử phiền não: thân kiến, biên chấp kiến, kiến thủ kiến, tà kiến và giới cấm thủ kiến.

20. Chỉ cho ngũ độn sử phiền não: tham, sân, si, mạn và nghi.

21. Chánh văn là như đảnh quán liên, quán liên như đảnh. Đảnh là đảnh đầu hay đảnh núi. Luận Câu xá, quyển 23 tr. 119c15: “Noãn thiện căn đây, hạ trung thượng phẩm, lần lượt tăng trưởng cho đến khi thành mãn, có thiện căn sanh tên là đảnh pháp. Do sự chuyển thắng này nên lập tên khác; trong thiện căn động, pháp đây tối thắng, như là đảnh đầu nên gọi đảnh pháp; hoặc do từ đây có sự tiến thoái hai bên, như đang ở đảnh núi, gọi tên là đảnh.”

22. Tám nạn xứ: tám trường hợp không may mắn, chướng nạn cho sự thấy Phật nghe pháp: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ; 3. Súc sinh (1,2,3 là ba đường dữ); 4. Bắc câu lô châu (sống quá sướng); 5. Trời Trường thọ (sống quá lâu); 6. Làm người mà đui, điếc, câm, ngọng; 7. Làm người mà thế trí biện thông; 8. Làm người mà sinh trước hay sau Phật xuất thế và nhằm chỗ hay lúc không có Phật pháp.

23. Chỉ quả báo trong ba cõi, sáu đường.

24. Vô ngã trí = căn bản trí.

25. Đại pháp là tứ đại pháp. Thọ, tưởng, hành, thức là tâm. Sắc là thân.

26. Pháp luân: bánh xe chánh pháp, tức thành tựu pháp của Phật thuyết.

27. Đạo trí tâm = hậu đắc trí.

28. Sáu thân: cha, mẹ, vợ, con, anh, em. Sáu ác là sáu thân mà không tốt (oan gia). Sáu thân ác là người ngoài như thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, người làm công, người không quen, v.v…

29. Thượng lạc trí = đại bi trí: trí trao cho niềm vui.

30. Nói về mặt ác (không tốt, xấu xa) thì được chia làm 3 bậc thượng trung hạ, mỗi bậc lại có 3, thành ra 9 phẩm.

31. Đạo trí = trung đạo trí, trí biết về chủng tánh và thể tướng của các pháp. Không không là tự tha không, ngã pháp không.

32. Đại xả: vô vi xả, vô tướng xả.

33. Không có thí tâm sinh khởi, không có thí hạnh thực hiện, không có chúng sinh hóa độ.

34. Tất cả tướng: không tướng, vô sinh tướng.

35. Hảo ngữ tâm là ái ngữ nhiếp.

36. Các pháp có pháp tướng và nghĩa tướng. Pháp ngữ là ngôn ngữ về pháp tướng. Nghĩa ngữ là ngôn ngữ về nghĩa tướng. Đệ nhất nghĩa đế (chân lý bậc nhất) cũng gọi là thắng nghĩa đế, chân đế (chân lý chân thật); đối lại là thế tục đế (chân lý phổ thông), cũng gọi là thế đế hay tục đế (chân lý giả thiết).

37. Trong tất cả thật ngữ của người thế gian, lời dạy của chư Phật là chân thật bậc nhất.

38. Lợi ích tâm là lợi hành nhiếp.

39. Thật trí (trí chân thật) = căn bản trí. Đạo trí = hậu đắc trí, quyền trí, phương tiện trí.

40. Pháp môn minh diễm: pháp môn ngọn lửa sáng, pháp môn trí tuệ. Đây là tư lương trí tuệ.

41. Thất tài: cũng gọi là Thất Thánh tài, Thất đức tài, Thất pháp tài. Chỉ cho 7 Thánh pháp để thành tựu Phật đạo. Đó là Tín, Giới, Tàm, Quí, Văn, Thí và Tuệ. Vì 7 pháp được gìn giữ này có công năng trợ giúp cho sự nghiệp thành Phật nên gọi là Tài (của cải). 1. Tín tài: Tin nhận chánh pháp; 2. Giới tài: Giữ gìn giới luật; 3. Tàm tài: Tự hổ thẹn không dám làm các việc xấu ác; 4. Quí tài: Tâm sinh hổ thẹn khi làm điều bất thiện; 5. Văn tài: Có khả năng nghe chánh giáo; 6. Thí tài: Lìa bỏ tất cả không đắm trước; 7. Định tuệ tài: Thu nhiếp tâm không tán loạn, chiếu soi rõ các pháp. Đây là tư lương phước đức.

42. Pháp chủng là trung quán. Không chủng là Không quán. Đạo chủng là giả quán.

43. Đồng tâm = đồng sự tâm, là đồng sự nhiếp.

44. Vô nhị = bất nhị: Nghĩa đen là không hai. Hai là chỉ cho khái niệm đối hiện và đối lập lẫn nhau. Khái niệm như vậy là hiện thân của sự thác loạn. Vô nhị là tự siêu việt lấy nó, là pháp tánh phi hữu vi, phi vô vi. Luận Đại thừa trang nghiêm kinh, phẩm Chân thật: “Vô nhị nghĩa là đệ nhất nghĩa. Năm sắc thái vô nhị được trình bày như sau: (1) Chẳng có, là sự biểu hiện của hai tánh phân biệt và y tha thì không phải thật có, nên nói là không. Chẳng không, là tánh chân thật biểu hiện thì thật có, nên nói là có. (2) Chẳng một, là hai tánh phân biệt và y tha không cùng một thật thể (với tánh chân thật). Chẳng khác, là hai tánh ấy cũng không phải khác thể (với tánh chân thật). (3) Chẳng sanh, chẳng diệt, là vì (chân như thì) vô vi. (4) Chẳng thêm, chẳng bớt, là hai phần tạp nhiễm và thanh tịnh khi sanh khởi hay khi đoạn diệt thì pháp giới các pháp vẫn an trú đúng như vậy. (5) Chẳng sạch, là tự tánh (chân như) vốn vô nhiễm nên chẳng cần tu tập cho thanh tịnh. Chẳng không sạch, là khách trần (phiền não) đã bỏ đi. Đây là năm sắc thái vô nhị, chính là sắc thái đệ nhất nghĩa, cần phải biết.” (tr. 598b24) Tánh phân biệt là tánh biến kế sở chấp. Tánh chân thật là tánh viên thành thật.

45. Đối cảnh chưa có sự phân biệt.

46. Ngã, ngã sở, pháp, thức giới, sắc giới: nói chung lại là thân tâm và thế giới của thân tâm, tùy theo cấp độ nhận thức, định tâm (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, diệt tận định).

47. Trăm tam muội: Kinh Nhập Lăng già: “Quán sát hạnh địa liền được Sơ địa vào cả trăm tam muội, được sai biệt tam muội, thấy cả trăm đức Phật và cả trăm Bồ tát. Biết việc về trước về sau cả trăm kiếp, hào quang chiếu cả trăm cõi nước, biết tướng các địa trên, đại nguyện thù thắng, thần lực tự tại, được Pháp vân địa vào vị Quán đảnh, sẽ được Như Lai tự giác địa. Khéo buộc tâm nơi thập vô tận cú, làm thành thục chúng sanh, các thứ biến hóa trang nghiêm sáng suốt, được tự giác thánh lạc tam muội chánh thọ.” (tr. 538a01~09)

48. Mười thiền chi = mười nhất thiết xứ: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, không, thức.

49. Một niệm trí: một niệm tương ưng trí, tức định và tuệ cùng tương ưng trong một niệm.


CHÚ THÍCH

Không nên ăn ngũ vị tân (còn gọi ngũ vị thuộc loại Allium) gồm: tất cả các loại hành, tỏi, hẹ, củ kiệu, củ nén (miền Trung Viet Nam gọi là: hành hương, hành tăm). Ăn các vị này vào thì không tốt cho việc tu luyện. Chi Hành (Allium), Họ Hành (Alliaceae). Một số nhà thực vật học cũng đã từng phân loại chi này trong Họ Loa kèn (Liliaceae: some classes are toxical or poisionous). 
- A Nan! tất cả chúng sanh, ăn ngọt thì sống, ăn độc thì chết. Vậy chúng sanh cầu Tam Ma Địa (Samadhi, Samatha, Dhyana, Vipassana,... ), nên dứt bỏ ngũ tân của thế gian, ngũ tân này hễ ăn chín (cooked) thì phát lòng dâm, ăn sống (raw) thì thêm sân hận. Những người ăn ngũ tân, dù biết giảng giải mười hai bộ kinh, nhưng mười phương Thiên Tiên (sa: Rsi gana) đều chê mùi hôi thối ấy mà tránh xa; các loài ma quỷ (greedy-desired-devils), thừa lúc đang ăn ngũ tân, liếm môi của họ, người ấy thường ở chung với quỷ, phước đức ngày càng tiêu mòn, chẳng được lợi ích.
- Người ăn ngũ tân mà tu Tam Ma Địa, thì Bồ Tát, Thiên Tiên, mười phương thiện thần chẳng đến hộ vệ. Đại lực ma vương có cơ hội hiện ra thân Phật, thuyết pháp cho họ, chê bai giới cấm, tán thán dâm dục và sân si. Người ấy chết thành quyến thuộc ma, khi hết phước báo của ma, liền đọa ngục A Tỳ.
- A Nan! Người tu đạo Bồ Đề phải dứt hẳn ngũ tân, ấy gọi là tiệm thứ tu hành tinh tấn thứ nhất. (KINH THỦ LĂNG NGHIÊM 8, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM QUYỂN TÁM). 
* Should not have any sort of these foods in your meals, please: 
- The Onions Families: Including Leeks, chives, garlic, porrum, shallots, and all sorts of onions.  
E.i.: 
- Hành lá (A sort of plant looks like a bunch of long green tube-shape leaves): Allium fistulosum L. 
- Củ Hành ta: Allium ascalonicium L. (Củ Hành ta). 
- Củ Hành Tây: Allium Cepa L. 
- Lá Hẹ: Allium Odorum L. (Allium Tuberosum Roxb.). 
- Củ Tỏi: (Garlic Chives, Chinese Chives) Allium Sativum L. (Bulbus Allii). 
- Củ Kiệu: Chinese Garlic, Allium Chinese G. Don, A. Bakeri Regel., Allium Splendens Wild (Schult F.), Allium Chinese, Allium Chinenis. 
- Củ Nén (Củ Hành Tăm, Củ Hành Hương, Củ Hành Trắng): Allium Schoenoprasum L., pearl onions, shallots.  
- Củ Tỏi Tây (Leeks): Allium Ampeloprasum L. (porrum). 

-----------------------------




Nhan Qua Bao Ung
Nhan Qua Bao Ung

Thập Thiện Nghiệp Đạo

Thập Thiện Nghiệp Đạo


 

These are the very important helpfully notes guide lines:


The human and beings should be: 

+ Gentle, politely, nicely, respectively, respectively, responsibility, friendly,… and so on…

+ Forgiveness, abandoned, tenderly softened-hearted, congenially,… and so on …

+ Generously, beneficently, humane, benevolently, thankfully, helpfully, Gracefully, Gratitude,… and so on … 

+ Safely, Cleverly, smartly, wisely, wisdom, intelligently, understanding cognition and heeds and knowledge cleverly,… and so on..

+ Soft-tender-touch-hearted, kindness, compassionately elegy nice kind hearted, mournfully, sympathetically hearted, generously abide lamentable,… and so on…

+ Salvation, saviors, saving, training, amending,… so on….

+ Not greedy, undesired, unambitious, unbiased, completely fair relationships, undifferentiated, fairly, kindness, unbiased, impartially attitude in mind and /or behavior and /or ways, and so on….

+++ The legal and laws and rules should be flexible or applicably, and purely, and freshly and virtue and moral and virginal innocently and calmly and generously and commonly and publicity, and compassionately elegy, and forgiveness, and congenially, and abandon, and encourage, and training, and remediate, and amending, and edification, and suitable, and morality, and salvations, and widely spreading edification, and saving, and safety, and comfortably, and reasonably, and helpfully, and publicity, and edificatedly, not greedy, undesired, unambitious, unbiased, and fairly, and unbias, and completely fair relationships, undifferentiated, kindness, unbiased, impartially attitude in mind and /or behavior and /or ways, and so on…., and this is the most important one is that they are always depend on the absolutely Heavenly Natural Creator God Mind Value….


ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN LÀ BẬC THÁNH; THÍCH THIỆN GHÉT ÁC LÀ BẬC HIỀN; TÁCH BẠCH THIỆN ÁC QUÁ ĐÁNG LÀ HẠNG NGƯỜI THƯỜNG; ĐIÊN ĐẢO THIỆN ÁC ĐỂ SƯỚNG MIỆNG GIÈM PHA LÀ HẠNG TIỂU NHÂN HIỂM ĐỘC.

KHỔNG TỬ

~*~


THIÊN ĐỊA VÔ TƯ, THẦN LINH XÉT THẤU CẢ ĐIỀU TỐI KÍN. KHÔNG VÌ CÚNG TẾ MÀ HÀNG PHÚC, KHÔNG VÌ LỖI TẾ MÀ HÀNG HỌA. HỄ NGƯỜI CÓ THẾ THÌ CHỚ Ỷ VÀO ĐẾN CÙNG, CÓ PHÚC CHỚ HƯỞNG CHO HẾT, THẤY NGHÈO KHÓ CHỚ KHINH KHI TẬN. BA ĐIỀU ẤY LÀ THIÊN ĐỊA TUẦN HOÀN, VÒNG ĐI VÒNG LẠI. CHO NÊN MỘT NGÀY LÀM VIỆC THIỆN, PHÚC DÙ CHƯA ĐẾN, HỌA ĐÃ XA RỒI. MỘT NGÀY LÀM VIỆC ÁC, HỌA DÙ CHƯA ĐẾN, PHÚC ĐÃ XA RỒI. NGƯỜI LÀM VIỆC THIỆN NHƯ CỎ TRONG VƯỜN XUÂN, KHÔNG THẤY DÀI HƠN, MÀ NGÀY CÀNG NHIỀU THÊM. NGƯỜI LÀM VIỆC ÁC NHƯ VIÊN ĐÁ MÀI DAO, KHÔNG THẤY NÓ MÒN MÀ NGÀY CÀNG GIẢM BỚT. VIỆC TỔN HẠI NGƯỜI ĐỂ MÌNH YÊN ỔN LÀ VIỆC RẤT NÊN RĂN MÌNH. VIỆC PHẢI DÙ NHỎ, CŨNG PHẢI XỬ SỰ PHƯƠNG TIỆN VỚI NGƯỜI; VIỆC ÁC DÙ NHỎ, KHUYÊN NGƯỜI CHỚ LÀM. ÁO CƠM TÙY DUYÊN, TỰ NHIÊN VUI VẺ. TÍNH TOÁN SỐ MỆNH LÀM GÌ? HỎI QUẺ BÓI LÀM GÌ? KHINH NGƯỜI LÀ HỌA, THA NGƯỜI LÀ PHÚC. LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG, BÁO ỨNG RẤT NHANH. HÃY NGHE LỜI TA DẠY CHO KỸ, DÙ THẦN CŨNG KÍNH, DÙ QUỶ CŨNG PHỤC.


天地無私,神明暗察。不為享祭而降福,不為失禮而降禍。凡人有勢不可倚盡,有福不可享盡,貧困不可欺盡。此三者乃天地循環,周而復始。故一日行善,福雖未至,禍自遠矣。一日行惡,禍雖未至,福自遠矣。行善之人,如春園之草,不見其長而日有所増。行惡之人,如磨刀之石,不見其損而日有所虧。損人安己,切宜戒之,一毫之善,與人方便。一毫之惡,勸人莫作。衣食隨緣,自然快樂。算甚麼命?問甚麼卜?欺人是禍,饒人是福。天网恢恢報應甚速。諦聽吾言,神欽鬼伏。

THIÊN ĐỊA VÔ TƯ, THẦN MINH ÁM SÁT. BẤT VI HƯỞNG TẾ NHI GIÁNG PHÚC, BẤT VI THẤT LỄ NHI GIÁNG HỌA. PHÀM NHÂN HỮU THẾ BẤT KHẢ Ỷ TẬN, HỮU PHÚC BẤT KHẢ HƯỞNG TẬN, BẦN KHỐN BẤT KHẢ KHI TẬN. THỬ TAM GIẢ NÃI THIÊN ĐỊA TUẦN HOÀN, CHU NHI PHỤC THỦY. CỐ NHẤT NHẬT HÀNH THIỆN, PHÚC TUY VỊ CHÍ, HỌA TỰ VIỄN HĨ. NHẤT NHẬT HÀNH ÁC, HỌA TUY VỊ CHÍ, PHÚC TỰ VIỄN HĨ. HÀNH THIỆN CHI NHÂN, NHƯ XUÂN VIÊN CHI THẢO, BẤT KIẾN KỲ TRƯỞNG NHI NHẬT HỮU SỞ TĂNG. HÀNH ÁC CHI NHÂN, NHƯ MA ĐAO CHI THẠCH, BẤT KIẾN KỲ TỔN NHI NHỰT HỮU SỞ KHUY. TỔN NHÂN AN KỶ, THIẾT NGHI GIỚI CHI. NHẤT HÀO CHI THIỆN, DỮ NHÂN PHƯƠNG TIỆN. NHẤT HÀO CHI ÁC, KHUYẾN NHÂN MẠC TÁC. Y THỰC TÙY DUYÊN, TỰ NHIÊN KHOÁI LẠC. TOÁN THẬM MA MỆNH? VẤN THẬM MA BỐC? KHI NHÂN THỊ HỌA, NHIÊU NHÂN THỊ PHÚC. THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI, BÁO ỨNG THẬM TỐC. ĐẾ THÍNH NGÔ NGÔN, THẦN KHÂM QUỶ PHỤC.


ĐÔNG NHẠC THÁNH ĐẾ

~*~


HỌA PHÚC KHÔNG CÓ CỬA, NGƯỜI TA TỰ VỜI ĐẾN CHO MÌNH. THIỆN ÁC CÓ BÁO ỨNG, NHƯ BÓNG VỚI HÌNH. CHO NÊN TRONG TÂM NUÔI DƯỠNG CÁI THIỆN, CHƯA LÀM VIỆC THIỆN, CÁT THẦN ĐÃ ĐẾN RỒI. TRONG TÂM NẢY SINH CÁI ÁC, DÙ CHƯA LÀM VIỆC ÁC, HUNG THẦN ĐÃ THEO RỒI. NẾU ĐÃ TỪNG LÀM VIỆC ÁC MÀ SAU HỒI TÂM ĂN NĂN HỐI CẢI, LÂU DÀI ẮT SẼ ƯỢC CÁT LÀNH, ẤY GỌI LÀ CHUYỂN HỌA THÀNH PHÚC.

禍福無門,惟人自招。善惡之報,如影隨形。所以人心起於善,善雖未為,而吉神已隨之。或心起於惡,惡雖未至,而凶神已隨之。其有曾行惡事,後自改悔,久久必獲吉慶,所謂轉禍為福也。

HỌA PHÚC VÔ MÔN, DUY NHÂN TỰ CHIÊU. THIỆN ÁC CHI BÁO, NHƯ ẢNH TÙY HÌNH. SỞ DĨ NHÂN TÂM KHỞI VU THIỆN, THIỆN TUY VỊ VI, NHI CÁT THẦN DĨ TÙY CHI. HOẶC TÂM KHỞI VU ÁC, ÁC TUY VỊ CHÍ, NHI HUNG THẦN DĨ TÙY CHI. KÌ HỮU TẰNG HÀNH ÁC SỰ, HẬU TỰ CẢI HỐI, CỬU CỬU TẤT HOẠCH CÁT KHÁNH, SỞ VỊ CHUYỂN HỌA VI PHÚC DÃ.


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

~*~


LÒNG TỐT MẠNG CŨNG TỐT, SỚM PHÁT ĐẠT VINH HOA. LÒNG TỐT MẠNG KHÔNG TỐT, ĐƯỢC ẤM NO MỘT ĐỜI. MẠNG TỐT LÒNG KHÔNG TỐT, KHÓ BẢO TOÀN CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC. LÒNG CHẲNG TỐT MẠNG CHẲNG TỐT, NGHÈO KHÓ MÃI TỚI GIÀ.

心好命又好,發達榮華早。心好命不好,一生也溫飽。命好心不好,前程恐難保。心命都不好,窮苦直到老。

TÂM HẢO MỆNH HỰU HẢO, PHÁT ĐẠT VINH HOA TẢO. TÂM HẢO MỆNH BẤT HẢO, NHẤT SINH DÃ ÔN BÃO. MỆNH HẢO TÂM BẤT HẢO, TIỀN TRÌNH KHỦNG NAN BẢO. TÂM MỆNH ĐÔ BẤT HẢO, CÙNG KHỔ TRỰC ĐÁO LÃO.


MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


CHỨA LÀNH GẶP LÀNH, CHỨA DỮ GẶP DỮ. XÉT KỸ MÀ COI, TRỜI ĐẤT CHẲNG LẦM VIỆC BÁO ỨNG ĐÂU. LÀM THIỆN GẶP THIỆN, LÀM ÁC GẶP ÁC. NẾU KHÔNG THẤY GẶP, LÀ VÌ CHƯA ĐẾN LÚC MÀ THÔI.

MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


NGƯỜI LÀM ĐIỀU THIỆN THÌ TRỜI LẤY PHÚC MÀ TRẢ LẠI; KẺ LÀM ĐIỀU BẤT THIỆN THÌ TRỜI LẤY HỌA MÀ TRẢ LẠI.


為善者,天報之以福;為不善者,天報之以禍。

VI THIỆN GIẢ, THIÊN BÁO CHI DĨ PHÚC; VI BẤT THIỆN GIẢ, THIÊN BÁO CHI DĨ HỌA.

KHỔNG TỬ

~*~


THẤY TAI VẠ MÀ HAY LÀM LÀNH, THỜI TAI VẠ KHÔNG ĐẾN NỮA.

THUYẾT UYỂN


~*~


ÁO CỪU TUY RÁCH, KHÔNG THỂ DÙNG DA CHÓ MÀ VÁ ĐƯỢC.

XUÂN THU HẬU NGỮ

~*~


HỄ AI LÀM VIỆC THIỆN THÌ TRỜI BAN XUỐNG TRĂM ĐIỀU PHÚC, HỄ AI LÀM VIỆC BẤT THIỆN THÌ TRỜI GIÁNG XUỐNG TRĂM ĐIỀU HỌA.

作善降之百祥,作不善降之百殃。

TÁC THIỆN GIÁNG CHI BÁCH TƯỜNG, TÁC BẤT THIỆN GIÁNG CHI BÁCH ƯƠNG.

MINH TÂM BẢO GIÁM

~*~


MỘT NGÀY KHÔNG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU THIỆN, SỰ ÁC TỰ DẤY LÊN.

一日不念善,諸惡自皆起。

NHẤT NHẬT BẤT NIỆM THIỆN, CHƯ ÁC TỰ GIAI KHỞI.

TRANG TỬ

~*~


HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/10/05/TAM-TONG-TU-DUC/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/10/05/TAM-CANG-NGU-THUONG/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG BOOK: TAI GIA BO TAT GIOI BON 優婆塞戒經 受戒品錄出 PRECEPTS IN THE SUTRA OF THE UPASAKA PRECEPTS TAI-GIA-BO-TAT-GIOI-BON-PRECEPTS-IN-THE-SUTRA-OF-THE-UPASAKA-PRECEPTS/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/11/15/KINH-PHAM-VONG-QUYEN-THUONG/

HTTPS://BIBLEBOOK.HOME.BLOG/2020/11/15/NGHI-THUC-BO-TAT-TAI-GIA-BO-TAT-GIOI/

THESE ARE THE VERY IMPORTANT HELPFULLY NOTES GUIDE LINES:
THE HUMAN AND BEINGS SHOULD BE:
+ GENTLE, POLITELY, NICELY, RESPECTIVELY, RESPECTIVELY, RESPONSIBILITY, FRIENDLY,… AND SO ON…
+ FORGIVENESS, ABANDONED, TENDERLY SOFTENED-HEARTED, CONGENIALLY,… AND SO ON …
+ GENEROUSLY, BENEFICENTLY, HUMANE, BENEVOLENTLY, THANKFULLY, HELPFULLY, GRACEFULLY, GRATITUDE,… AND SO ON …
+ SAFELY, CLEVERLY, SMARTLY, WISELY, WISDOM, INTELLIGENTLY, UNDERSTANDING COGNITION AND HEEDS AND KNOWLEDGE CLEVERLY,… AND SO ON..
+ SOFT-TENDER-TOUCH-HEARTED, KINDNESS, COMPASSIONATELY ELEGY NICE KIND HEARTED, MOURNFULLY, SYMPATHETICALLY HEARTED, GENEROUSLY ABIDE LAMENTABLE,… AND SO ON…
+ SALVATION, SAVIORS, SAVING, TRAINING, AMENDING,… SO ON….
+ NOT GREEDY, UNDESIRED, UNAMBITIOUS, UNBIASED, COMPLETELY FAIR RELATIONSHIPS, UNDIFFERENTIATED, FAIRLY, KINDNESS, UNBIASED, IMPARTIALLY ATTITUDE IN MIND AND /OR BEHAVIOR AND /OR WAYS, AND SO ON….
+++ THE LEGAL AND LAWS AND RULES SHOULD BE FLEXIBLE OR APPLICABLY, AND PURELY, AND FRESHLY AND VIRTUE AND MORAL AND VIRGINAL INNOCENTLY AND CALMLY AND GENEROUSLY AND COMMONLY AND PUBLICITY, AND COMPASSIONATELY ELEGY, AND FORGIVENESS, AND CONGENIALLY, AND ABANDON, AND ENCOURAGE, AND TRAINING, AND REMEDIATE, AND AMENDING, AND EDIFICATION, AND SUITABLE, AND MORALITY, AND SALVATION, AND WIDELY SPREADING EDIFICATION, AND SAVING, AND SAFETY, AND COMFORTABLY, AND REASONABLY, AND HELPFULLY, AND PUBLICITY, AND EDIFICATEDLY, NOT GREEDY, UNDESIRED, UNAMBITIOUS, UNBIASED, AND FAIRLY, AND UNBIAS, AND COMPLETELY FAIR RELATIONSHIPS, UNDIFFERENTIATED, KINDNESS, UNBIASED, IMPARTIALLY ATTITUDE IN MIND AND /OR BEHAVIOR AND /OR WAYS, AND SO ON…., AND THIS IS THE MOST IMPORTANT ONE IS THAT THEY ARE ALWAYS DEPEND ON THE ABSOLUTELY HEAVENLY NATURAL CREATOR GOD MIND VALUE….




 

 






Find us at:
Share on facebook: You don't have to be worried about the FACEbook Robots Auto Blocking Servers anyway. Bạn hãy nhấn nút sau để chia sẽ liên kết trang web mới này trên FACEBOOK. Xin các bạn cứ yên tâm mà chia sẽ vì sẽ không bị các chương trình auto robot servers kiểm tra tin rác ngăn chặn được đâu. Xin cám ơn FACEBOOK, INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi! Please click these buttons to share these links (these new other sites) on FACEBOOK. (You don't have to be worried about any FACEBOOK firewall automatic spam checking robot servers anyway, it is our warranty now. Thanks to our FACEBOOK. INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi!)
You can also find us at:
Trang Web Site 1: 
You can also find us at Web Site #1: 
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or
Trang Web Site 2: 
You can also find us at Web Site #2: 
Click this button to Share on FACEBOOK: site02232d1
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
ANOTHER ONE AT:
Trang Web Site 3: 
You can also find us at Web Site #3:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn
or:
Trang Web Site 4:
You can also find us at Web Site #4:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or:
Trang Web Site 5:
You can also find us at Web Site #5:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
Namah Shakya Mouni Buddha. Nam mo Awalokiteshwara Bodhisattwa Mahasattwa maha karunikaya karuna Tadyatha. Aum, Mouniye, Maha Mouniye, Swaha.

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: