TÌM HIỂU CẢM ỨNG THIÊN
MỘT ĐẠI THIỆN THƯ CỦA ĐẠO GIÁO
Lê Anh Minh
Thiện thư 善書 hay khuyến thiện thư 勸善書 (books of edification; morality tracts) là một đặc chủng trong thư tịch Đạo giáo.
TÌM HIỂU CẢM ỨNG THIÊN – MỘT ĐẠI THIỆN THƯ CỦA ĐẠO GIÁO
TÌM HIỂU CẢM ỨNG THIÊN
– MỘT ĐẠI THIỆN THƯ CỦA ĐẠO GIÁO
Lê Anh Minh
Thiện thư 善書 hay khuyến thiện thư 勸善書 (books of edification; morality tracts) là một đặc chủng trong thư tịch Đạo giáo.
Đó là những kinh sách dạy làm lành lánh dữ.
Cát Nguyên Chiêu Trị 吉元昭治, tiến sĩ y khoa Nhật Bản, đứng trên góc độ y học mà cho rằng thiện thư cũng là một liệu pháp của Đạo giáo, cùng phát triển với các liệu pháp dân gian như: lên đồng (đồng cơ 童乩 còn gọi là vũ loan 武鸞), cầu cơ bút (phù cơ 扶乩 hay phù loan 扶鸞 [1] còn gọi là văn loan 文鸞), dược thiêm 藥簽 (những lá bùa để trị bệnh), thảo dược 草藥 (thuốc bằng cây cỏ rễ lá), v.v. [2] Thường thì y học chỉ trị thể xác chứ khó trị được tâm tình (y thân bất y tâm 醫身不醫心) nhưng thiện thư có thể y tâm.
Người trì tụng thiện thư dường như đã tìm được một chỗ dựa tâm linh trong cuộc sống bất trắc phù du. Họ tin rằng mọi họa phúc hiện tại đều từ bản thân mình đã gieo mầm trong quá khứ thậm chí trong tiền kiếp, cho nên họ lựa chọn thái độ kham nhẫn trong nghịch cảnh.
Sám hối và hành thiện để trông cậy một tương lai tốt đẹp hơn, thậm chí làm được 1300 điều thiện thì có thể trở thành thiên tiên 天仙 như Cảm Ứng Thiên nói. Như vậy khoái lạc và khổ đau chỉ là những tâm cảnh có giá trị tương đối.
Người trong nghịch cảnh sẽ vơi bớt đau khổ khi nương cậy vào thiện thư: «Tổn ngã nghịch ngã tiêu nghiệt duyên» 損我逆我消孽緣 (Ai làm hại ta, nghịch với ta, là để tiêu diệt những nhân duyên oan nghiệt trong quá khứ).
Hiểu như vậy lòng sẽ thanh thản, không còn khổ tâm nữa, vì đã sòng phẳng với quá khứ.
Kinh sách Đạo giáo nói chung đều có tính khuyến thiện.
Thái Bình Kinh 太平經 của thời Đông Hán và Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇 của thời Ngụy Tấn chẳng hạn đều bao hàm những tư tưởng khuyến thiện mặc dù nội dung chủ yếu của những kinh này là dạy luyện đạo thành tiên.
Nhưng muốn thành thần tiên thì trước hết phải là người hiền lành lương thiện. Làm người chưa xong lẽ nào thành tiên cho được?
(Dục tu thiên đạo, tiên tu nhân đạo. Nhân đạo bất tu, thiên đạo viễn hĩ 欲修天道先修人道人道不修天道遠矣 = Muốn tu đạo Trời [đạo giải thoát] thì trước tiên phải cho tròn đạo làm người. Học làm người chưa xong, đạo giải thoát còn xa lắm vậy).
Kinh sách thuần túy khuyến thiện thì phải kể Cảm Ứng Thiên là tối cổ, sau đó là Âm Chất Văn 陰騭文 và Công Quá Cách 功過格. Bài viết này sơ lược về Cảm Ứng Thiên.[3]
太上感應篇
太上曰:「禍福無門,惟人自召;善惡之報,如影隨形。」
是以天地有司過之神,依人所犯輕重,以奪人算。算減則貧耗,多逢憂患;人皆惡之,刑禍隨之,吉慶避之,惡星災之;算盡則死。
又有三台北鬥神君,在人頭上,錄人罪惡,奪其紀算。又有三屍神,在人身中,每到庚申日,輒上詣天曹,言人罪過。月晦之日,灶神亦然。凡人有過,大則奪紀,小則奪算。其過大小,有數百事,欲求長生者,先須避之。
是道則進,非道則退。不履邪徑,不欺暗室;積德累功,慈心於物;忠孝友悌,正己化人;矜孤恤寡,敬老懷幼;昆蟲草木,猶不可傷。宜憫人之凶,樂人之善;濟人之急,救人之危。見人之得,如己之得;見人之失,如己之失。不彰人短,不炫己長;遏惡揚善,推多取少。受辱不怨,受寵若驚;施恩不求報,與人不追悔。
所謂善人,人皆敬之,天道佑之,福祿隨之,眾邪遠之,神靈衛之;所作必成,神仙可冀。欲求天仙者,當立一千三百善;欲求地仙者,當立三百善。
苟或非義而動,背理而行;以惡為能,忍作殘害;陰賊良善,暗侮君親;慢其先生,叛其所事;誑諸無識,謗諸同學;虛誣詐偽,攻訐宗親;剛強不仁,狠戾自用;是非不當,向背乖宜;虐下取功,諂上希旨;受恩不感,念怨不休;輕蔑天民,擾亂國政;賞及非義,刑及無辜;殺人取財,傾人取位;誅降戮服,貶正排賢;凌孤逼寡,棄法受賂;以直為曲,以曲為直;入輕為重,見殺加怒;知過不改,知善不為;自罪引他,壅塞方術;訕謗聖賢,侵凌道德。
射飛逐走,發蟄驚棲;填穴覆巢,傷胎破卵;願人有失,毀人成功;危人自安,減人自益;以惡易好,以私廢公,竊人之能,蔽人之善;形人之醜,訐人之私;耗人貨財,離人骨肉;侵人所愛,助人為非;逞志作威,辱人求勝;敗人苗稼,破人婚姻;苟富而驕,苟免無恥;認恩推過,嫁禍賣惡;沽買虛譽,包貯險心;挫人所長,護己所短;乘威迫脅,縱暴殺傷;無故剪裁,非禮烹宰;散棄五縠,勞擾眾生;破人之家,取其財寶;決水放火,以害民居;紊亂規模,以敗人功;損人器物,以窮人用。
見他榮貴,願他流貶;見他富有,願他破散;見他色美,起心私之;負他貨財,願他身死;干求不遂,便生咒恨;見他失便,便說他過;見他體相不具而笑之,見他材能可稱而抑之。
埋蠱厭人,用藥殺樹;恚怒師傅,牴觸父兄;強取強求,好侵好奪;擄掠致富,巧詐求遷;賞罰不平,逸樂過節;苛虐其下,恐嚇於他;怨天尤人,呵風罵雨;鬥合爭訟,妄逐朋黨;用妻妾語,違父母訓;得新忘故,口是心非;貪冒於財,欺罔其上;造作惡語,讒毀平人;毀人稱直,罵神稱正;棄順效逆,背親向疏;指天地以證鄙懷,引神明而鑑猥事。
施與後悔,假借不還;分外營求,力上施設;淫慾過度,心毒貌慈;穢食餧人,左道惑眾;短尺狹度,輕秤小升;以偽雜真,採取姦利;壓良為賤,謾驀愚人;貪婪無厭,咒詛求直。
嗜酒悖亂,骨肉忿爭;男不忠良,女不柔順;不和其室,不敬其夫;每好矜誇,常行妒忌;無行於妻子,失禮於舅姑;輕慢先靈,違逆上命;作為無益,懷挾外心;自咒咒他,偏憎偏愛;越井越灶,跳食跳人;損子墮胎,行多隱僻;晦臘歌舞,朔旦號怒;對北涕唾及溺,對灶吟詠及哭;又以灶火燒香,穢柴作食;夜起裸露,八節行刑;唾流星,指虹霓;輒指三光,久視日月;春月燎獵,對北惡罵,無故殺龜打蛇…如是等罪,司命隨其輕重,奪其紀算。算盡則死;死有餘責,乃殃及子孫。
又諸橫取人財者,乃計其妻子家口以當之,漸至死喪。若不死喪,則有水火盜賊、遺亡器物、疾病口舌諸事,以當妄取之值。
又枉殺人者,是易刀兵而相殺也。取非義之財者,譬如漏脯救饑,鴆酒止渴;非不暫飽,死亦及之。
夫心起於善,善雖未為,而吉神已隨之;或心起於惡,惡雖未為,而凶神已隨之。其有曾行惡事,後自改悔,諸惡莫作,眾善奉行,久久必獲吉慶;所謂轉禍為福也。故吉人語善、視善、行善,一日有三善,三年天必降之福。凶人語惡、視惡、行惡,一日有三惡,三年天必降之禍。胡不勉而行之?
I. TÁC GIẢ VÀ XUẤT XỨ CỦA CẢM ỨNG THIÊN
Cảm Ứng Thiên 感應篇 là một thiên văn chương khuyến thiện rất cổ xưa trong vô số các kinh sách khuyến thiện của Trung Quốc. Người đời cực kỳ tôn trọng Cảm Ứng Thiên mà gọi là Kinh Cảm Ứng (trong Đạo Cao Đài gọi là Kinh Cảm Ứng). Nguyên tựa kinh này là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên 太上感應篇. Tựa kinh tiết lộ tác giả là Đức Thái Thượng Lão Quân 太上老君 tức Thái Thượng Đạo Tổ 太上道祖, nhưng vấn đề không đơn giản như vậy.
Cảm Ứng Thiên có tự bao giờ và tác giả là ai?
Quyển Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Linh Dị Ký 上感應篇靈異記 (Ghi chép về những linh nghiệm kỳ lạ do trì tụng Cảm Ứng Thiên) của ngài Vô Tích Vạn Quân Thúc Hào 無錫萬鈞叔豪 ghi rằng:
«Tự Tấn dĩ lai, y thử tu thân thành chân giả đa nhân, phú quý giả dĩ bất kế kỳ số hĩ, phổ thiên hạ nhai cù lý hạng, vô bất truyền bố.»
自 晉 以 來 , 依 此 修 身 成 真 者 多 人 , 富 貴 者 已 不 計 其 數 矣 , 普 天 下 街 衢 里 巷 , 無 不 傳 布
([Kinh này xuất hiện] từ đời Tấn đến nay, người noi theo đó tu thân thành tiên (chân nhân) thì rất nhiều, người trở nên phú quí thì vô số kể; kinh này phổ biến khắp nơi).[4]
Câu văn ngắn gọn này cho biết đôi điều:
(1) Kinh xuất hiện từ đời Tấn (265-420), đến nay cũng đã hơn 1500 năm;
(2) kinh này rất linh nghiệm giúp người trì tụng trở nên phú quí hoặc tu luyện thành chân nhân;
và (3) vì sự linh nghiệm ấy kinh được phổ biến khắp nơi.
Trung Hoa Đạo Học Thông Điển [5] không khẳng định thời gian hình thành Cảm Ứng Thiên mà chỉ dè dặt nói rằng: «Thái Thượng Cảm Ứng Thiên vi Đạo gia tu chân giả, xiển thuật Thái Thượng chi tông chỉ cập kỳ thực tiễn đích trọng yếu trứ tác, tha đối Tấn đại chi tiền đích Đạo gia trứ tác Ngọc Linh Kinh, Dịch Nội Giới, Xích Tùng Tử Kinh, Hà Đồ Ký, Mệnh Phù đẳng trứ tác quân hữu khái quát. (...) Bản thư chi tác giả dữ thành thư niên đại cứ khảo chứng quân bất khả tri, chỉ năng tùng Tống Thư Nghệ Văn Chí, Đạo Tạng Tinh Hoa Lục trung đắc tri hữu thử thiên chương tồn mục, tịnh tác vi Đạo gia học phái cáo giới dữ khuyến thiện tối đại vi thư.»
太 上 感 應 篇 為 道 家 修 真 者,闡 述 太 上 之 宗 旨 及 其 實 踐 的 重 要 著 作,它 對 晉 代 之 前 的 道 家 著 作 玉 鈴 經, 易 內 戒 , 赤 松 子 經 , 河 圖 記 , 命 符 等 著 作 均 有 概 括. [...] 本 書 之 作 者 與 成 書 年 代, 據 考 證 均 不 可 知,只 能 從 宋 書 藝 文 誌, 道 藏 精 華 錄 中 得 知 有 此 篇 章 存 目, 并 作 為 道 家 學 派 兌 誡 與 勸 善 的 最 大 之 書.
(Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là trứ tác quan trọng do các Đạo gia tu chân trình bày rõ ràng tông chỉ của Đức Thái Thượng và thực tiễn của tông chỉ đó.Cảm Ứng Thiên cùng có sự khái quát [về phép tu luyện] như các trứ tác của Đạo gia trước đời Tấn như Ngọc Linh Kinh, Xích Tùng Tử Kinh, Hà Đồ Ký, Mệnh Phù, v.v.[...] Theo sự khảo chứng, tác giả kinh và thời gian bắt đầu xuất hiện kinh này đều chưa được biết rõ, chỉ có thể theo Tống Thư Nghệ Văn Chí và Đạo Tạng Tinh Hoa Lục thì biết Cảm Ứng Thiên đã được ghi chép trong đó rồi, và kinh này quả thực là quyển sách cực lớn nhằm khuyến thiện và răn [tín đồ] các phái Đạo gia giữ gìn giới luật).
Trung Quốc Đạo Giáo [6] nhận định vấn đề này như sau:
«Thái Thượng Cảm Ứng Thiên gọi tắt là Cảm Ứng Thiên. Tác giả không xác định được. Nghệ Văn Chí trong Tống Sử [Tống Thư] có chép một bản Cảm Ứng Thiên của Lý Xương Linh 李昌齡. Quyển Quận Trai Độc Thư Phụ Chí 郡齋讀書附誌 có ghi 8 quyển Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Giáp Giang Ẩn Giả 夾江隱者 tức Lý Xương Linh 李昌齡.
Hiện nay Thư Viện Bắc Kinh đang tàng trữ một bộ 8 quyển khắc vào đời Nguyên 元 (1279-1368), một bản và một bộ 8 quyển khắc vào đời Minh 明 (1368-1644). Chính Thống Đạo Tạng 正統道藏 bộ Thái Thanh 太清 chép 30 quyển Thái Thương Cảm Ứng Thiên, phụ đề «Lý Xương Linh truyền, Trịnh Thanh Chi tán» 李昌齡傳鄭清之讚 (Lý Xương Linh truyền lại, Trịnh Thanh Chi khen ngợi).
Đời Thanh 清 (1644-1911), Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Chú 太上感應篇注 của Huệ Đống 惠棟 và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Toản Nghĩa 太上感應篇纘義 của Du Việt 愈樾 đều căn cứ vào Tống Sử mà cho rằng Lý Xương Linh là tác giả của Cảm Ứng Thiên. Bản Cảm Ứng Thiên trong Đạo Tạng có chép lời tựa của Trần Hoán Tử 陳奐子 viết năm Thiệu Định 紹定 thứ 6 (1233) vua Lý Tông 理宗 đời Nam Tống 南宋 bảo rằng Lý Xương Linh chỉ là người chú thích Cảm Ứng Thiên.
Gần đây, một học giả Nhật Bản tên là Cát Cương Nghĩa Phong 吉岡義豐 (Yoshioka Yoshitoyo) cho rằng tác giả Cảm Ứng Thiên là Lý Thạch 李石, quê Tứ Xuyên 四川, từng viết quyển Phương Chu Tập 方舟集 vào năm đầu tiên của đời Nam Tống. Nói vậy nhưng chứng cứ không đầy đủ.»
Tửu Tỉnh Trung Phu 酒井忠夫 (Nhật Bản) viết Trung Quốc Thiện Thư Nghiên Cứu 中國善書研究 (nghiên cứu sách khuyến thiện của Trung Quốc) khẳng định Lý Xương Linh là tác giả của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên:
«Thiện thư là sách khuyên người đời hành thiện. Nói chung đó là sách khuyến thiện từ đời Tống về sau, được tặng không bán, phổ biến đạo đức theo kinh điển Nho giáo đồng thời bao quát những điều thiện thông thường mà đa số quần chúng dễ dàng tiếp thu. (...) Vì tính cách đại chúng của thiện thư, tác giả của thiện thư thường là những ẩn sĩ có khả năng lý giải tâm lý dân chúng.
Thiện thư đầu tiên là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên do Lý Xương Linh sáng tác vào đầu đời Nam Tống. Từ đó về sau, thiện thư nhiều vô kể. Giữa đời Minh và Thanh là thời kỳ cực thịnh của thiện thư.» [7]
Tác giả Lý Cương 李剛 [8] sau khi so sánh chương Vi Chỉ 微旨 trong Bão Phác Tử Nội Thiên 抱樸子內篇 với Cảm Ứng Thiên đã nhận định tác giả của Cảm Ứng Thiên như sau:
«Tư tưởng trong Cảm Ứng Thiên phát sinh từ (tư tưởng) của các đạo sĩ thời Hán-Ngụy. Cho đến đời Bắc Tống, với một bối cảnh xã hội mới, một đạo sĩ nào đó đã gia công cắt xén, thay đổi tên họ, và lưu truyền sách cho người đời. Trong Đạo giáo, người viết sách rất thích mượn tên của một vị thần nào đó gán là tác giả, như vậy (tác phẩm) sẽ được người đời coi trọng.
Tác giả của Cảm Ứng Thiên mượn danh Thái Thượng Lão Quân để phô diễn tư tưởng của mình, như vậy rất phù hợp với đặc điểm của Đạo giáo.»
Đạo Kinh Tổng Luận 道經總論 [9] đăng mục lục của bộ Đạo Tạng Tinh Hoa 道藏精華 xuất bản ở Đài Loan, trong 13 tập thì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên được in ở tập 1 và ghi chú là «Thái Thượng chân truyền» 太上真傳.
Lý Lạc Cầu 李樂俅 [10] chú thích về Thái Thượng Cảm Ứng Thiên như sau:
«Cảm Ứng Thiên được xem là xưa nhất trong loại sách khuyến thiện, không biết tác giả là ai (bất tri hà nhân sở tác 不知何人所作). Có thể thấy (sự giống nhau) ở thiên Vi Chỉ trong Bão Phác Tử Nội Thiên. Người tu chân cần phải đọc cho làu thông, bản thân phải cố gắng làm theo, coi như là cơ sở để nhập Đạo vậy. Phân chia mười chương để (người đời) rõ yếu chỉ, sửa lòng. Sách không biết bắt đầu di tặng cho đời tự bao giờ.»
Về lai lịch của Lý Xương Linh, Trung Hoa Đạo Học Thông Điển [11] chép rằng:
«Lý Xương Linh năm sinh và năm mất không rõ. Ông sống vào đời Nam Tống (1127-1279), quê ở Giáp Giang 夾江 thuộc Hán Gia 漢嘉 (nay là Giáp Giang thuộc Tứ Xuyên) vì thế ông còn biệt hiệu là Giáp Giang Ẩn Giả (người ẩn dật ở Giáp Giang).
Ông trùng tên với một Lý Xương Linh khác làm quan Ngự Sử Trung Thừa 御史中丞 đời Bắc Tống (960-1127).
Lý Xương Linh chú giải Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thành 30 quyển, nhằm tuyên dương lý lẽ thiên nhân cảm ứng, khuyến thiện và trừng ác. Kinh hấp thụ tư tưởng và luân lý Nho gia.
Các điều thiện trong kinh liệt kê thành 26 loại, các điều ác 170 loại. Kinh rất có ảnh hưởng đến hậu thế và được đưa vào Đạo Tạng.»
Holmes Welch, giáo sư Đại Học Harvard, cũng dè dặt nói về thời gian hình thành Cảm Ứng Thiên và ông chẳng đề cập tác giả kinh này là ai. Ông viết:
«Có lẽ được trứ tác vào thế kỷ XI cn, chúng (tức là Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn) được phổ biến rộng rãi do các tu viện và các tổ chức từ thiện.» [12]
Joseph Needham không cho biết tác giả Cảm Ứng Thiên là ai, chỉ bảo kinh này xuất hiện đầu thế kỷ XI CN:
«Cơ sở để nghiên cứu Đạo Tổ và giáo lý, tức là bộ Đạo Tạng, được đặt ra năm +745. Nhiều đạo thư đã được trứ tác chẳng hạn như Âm Phù Kinh của Lý Thuyên. Nhiều nhân vật kiệt xuất như Lý Bạch cũng tu tập Đạo giáo.
Dưới sức ép mạnh mẽ để tranh với Nho và Phật, các đạo sĩ giờ đây xuất hiện trong vai truyền giảng đạo đức phổ thông, thế (mới có) Thái Thượng Cảm Ứng Thiên vào đầu thế kỷ +11, và sau đó là Công Quá Cách, tương truyền là của một nhà tu đan nổi tiếng đồng thời cũng là một vị tiên tên Lữ Động Tân.» [13]
Farzeen Baldrian cho rằng thiện thư (sách khuyến thiện) bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XII CN và nổi tiếng nhất là Cảm Ứng Thiên:
«Trong Bão Phác Tử, Cát Hồng khẳng định rằng không hành thiện thì mong thành tiên cũng hoài công. Quyển sách của ông đã cung cấp một bản liệt kê những việc thiện và ác và những điều này còn lưu giữ những qui luật đạo đức phổ quát. Những thiện thư (mà một số dựa theo bản liệt kê của Cát Hồng) bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XII cn. Nổi tiếng nhất là Cảm Ứng Thiên và Công Quá Cách.» [14]
Qua những tư liệu trên, ta thấy không dễ khẳng định tác giả của Cảm Ứng Thiên.
Còn thời gian hình thành tác phẩm thì có người cho rằng đầu đời Bắc Tống, hoặc cuối đời Bắc Tống, hoặc xưa hơn nữa là đời Tấn.
Cho nên, nếu căn cứ vào thư tịch thì vấn đề tác giả và thời gian hình thành Cảm Ứng Thiên phải còn tồn nghi vậy.
Tuy nhiên, tại Việt Nam tín đồ các tôn giáo vẫn yên tâm rằng Thái Thượng Lão Quân là tác giả của Cảm Ứng Thiên
(Kinh Cảm Ứng).
II. ẢNH HƯỞNG CẢM ỨNG THIÊN ĐỐI VỚI HẬU THẾ
Cảm Ứng Thiên từ khi xuất hiện đã được vua chúa, quan lại và sĩ phu hoan nghênh vì tác dụng giáo hóa của kinh đối với phong hóa xã hội.
Không ít vua chúa đã góp sức truyền bá bộ kinh này.
Vào đầu đời Nam Tống, triều đình xuất tiền cho khắc in.
Vua Lý Tông 理宗 (cai trị 1225-1260) nhà Tống chấp bút viết tám chữ lớn (đại tự): «Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành» 諸惡莫作眾善奉行 vào bìa một bản khắc in.
Vua Thành Tổ 成祖 (cai trị 1403-1424) nhà Minh có hoàng hậu Từ thị 徐氏 đã phóng tác Cảm Ứng Thiên thành Nhân Hiếu Hoàng Hậu Khuyến Thiện Thư 仁孝皇后勸善書.
Vua Thuận Trị 順治 đời Thanh đã viết bài tựa cho Cảm Ứng Thiên, gọi là Khuyến Thiện Yếu Ngôn Tự 勸善要言序.
Về phía dân chúng, vào đời Tống, ngoài bản Cảm Ứng Thiên in trong Đạo Tạng, dân chúng cũng tự khắc in riêng. Đời Nguyên, có gia đình Ôn Hoài Nhân 溫怀仁 còn tàng giữ một bản in đời Tống, vì sợ mất mát nên quyên tiền trong hai năm và in tặng không cho mọi người.
Đời Minh và Thanh rất nhiều người đi quyên tiền khắc in Cảm Ứng Thiên, như đời Minh có ông Uông Tĩnh Hư 汪靜虛 ở Tiền Đường 錢塘 đã quyên tiền khắc in một vạn bản để tặng khắp nơi.
Sự quyên tiền ấn tống kinh vào đời Thanh lại càng mạnh mẽ. Năm Càn Long 20 một quan tổng binh tên là Hoàng Chính Nguyên 黃正元 đã sáng tác Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết 感應篇圖說.
Năm Quang Tự 15, Nhân Tế Thiện Đường 仁濟善堂 ở Thượng Hải cho in thạch ấn lại quyển này và cải danh là Thái Thượng Bảo Phiệt Đồ Thuyết 太上寶筏圖說.
Không những là in chữ, người ta còn vẽ những hình tượng và đồ giải cho người không biết chữ xem cũng hiểu, thành thử đó cũng là một lý do khiến kinh được lưu truyền hết sức rộng rãi, ảnh hưởng rất lớn, thậm chí còn truyền sang Nhật Bản nữa.
Đệ tử thiền môn cũng rất hâm mộ Cảm Ứng Thiên, như đời Càn Long có tăng Tế Thường 際常 biết bao nhiêu lần quyên khắc ấn tống kinh này.
Đến năm Dân Quốc, Cảm Ứng Thiên vẫn còn hấp lực. Nhà văn Mao Thuẫn 茅盾 trong tác phẩm Tý Dạ 子夜 có tả một ông lão suốt ngày tụng niệm Cảm Ứng Thiên, lúc chết tay cũng không rời cuốn kinh. Không những in khắc, chép tay, tặng không khuyên đọc, vô số người gắng công chú giải Cảm Ứng Thiên.
Đời Thanh có hai đại Nho là Huệ Đống 惠棟 và Du Việt 俞樾 tập hợp những lời chú giải. Huệ Đống viết Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Chú 太上感應篇注, Du Việt viết Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Toản Nghĩa 太上感應篇纘義. [15]
Giáo sư Holmes Welch [16] nhận xét về sự phổ biến của Cảm Ứng Thiên như sau:
«Tôn giáo của đại chúng có những luân lý và khía cạnh tâm linh của nó. Điều này được minh họa ở hai trứ tác ngắn gọn là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (The Tractate on Actions and Retributions) và Âm Chất Văn (Text on Determining to Do Good Deeds in Secret). [17]
Có lẽ những trứ tác này được hình thành vào thế kỷ XI cn và chúng được phổ biến rộng rãi do các tu viện và các tổ chức từ thiện, tương tự trường hợp của kinh thánh Thiên Chúa Giáo do hội Gideon ấn tống tại Mỹ vậy. Nhà Hán Học F.H.Balfour thế kỷ XIX đã miêu tả Cảm Ứng Thiên là một quyển kinh phổ thông nhất tại Trung Quốc.»
Tây Phương cũng biết đến Cảm Ứng Thiên nhờ sự nghiên cứu và phiên dịch của các cố đạo Thiên Chúa giáo khi họ đến Trung Quốc truyền đạo vào thế kỷ qua.
James Legge đã dịch Cảm Ứng Thiên và in trong Texts of Taoism (Đạo Giáo Kinh Văn) thuộc bộ Sacred Books of the East (Kinh Điển Đông Phương), quyển XL, gồm: Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Cảm Ứng Thiên, Thanh Tĩnh Kinh, Âm Phù Kinh và Nhật Dụng Kinh. [18]
Tại Việt Nam, Kinh Cảm Ứng (Cảm Ứng Thiên) cũng hết sức phổ biến nhưng không rõ các bản dịch đã xuất hiện tự bao giờ?
Những bản Việt dịch này thường chỉ có âm Hán Việt và dịch nghĩa, không chú giải, không ghi tên dịch giả, không ghi năm xuất bản.
Kinh vì ngắn nên thường được in kèm với các kinh khác như Kinh Di Đà, Kinh Cứu Khổ, v.v. Ngôn từ tiếng Việt trong các bản kinh này rất xưa, theo giọng miền Nam.
Thí dụ: «Đều (điều) họa phước không tìm đến», «biên chép tội ác của người đặng (để) bớt kỷ bớt toán», «nếu ai muốn sống lâu, trước tua (nên) lánh mấy đều (điều) dữ», «Thửa (vốn) gọi người lành», «Khá mà (có thể) trông cậy đến bực (bậc) thần tiên», «đờn (đàn) bà», «phung (phun) nước miếng sao vá (giá), v.v.
Nghĩa là Việt ngữ la tinh hóa của giai đoạn phát triển đầu thế kỷ XX với những lỗi chính tả như hỏi/ngã, phụ âm cuối c/t, n/ng (lén lúc (lút), lấy ngan (ngang)), v.v.
Còn những bản Cảm Ứng Thiên bằng chữ Hán có lẽ đã được các sư tăng Phật giáo cũng như các đạo sĩ đạo cô của các chi phái Lão giáo tại Việt Nam trì tụng từ lâu.
III. NỘI DUNG CỦA CẢM ỨNG THIÊN
Cảm Ứng Thiên có khoảng trên 1200 chữ (tự 字), viết theo thể loại luận thuyết văn 論說文 cũng gọi là thuyết lý văn 說理文, luận thuyết chủ đề cảm ứng.
Cảm tức là «tâm tình phát sinh», ứng tức là «đáp ứng, báo ứng».
Trung Hoa Đạo Học Thông Điển (trang 785) giải thích nhan đề Cảm Ứng Thiên như sau:
«Thái Thượng tức là tiếng xưng hô một bậc vô cùng cao tột. Lễ Ký - Điển Lễ 禮記典禮 nói: «Thái Thượng quí đức» 太上貴德 (Thái Thượng Lão Quân quí trọng đạo đức).
Xuân Thu Truyện 春秋傳 nói: «Thái Thượng dĩ đức phủ dân» 太上以德撫民 (Thái Thượng Lão Quân lấy đạo đức để an ủi vỗ về dân chúng).
Thế nên kinh điển ngàn xưa đã xưng tán Đức Thái Thượng là bậc Thượng Đức hay Thượng Thánh có trước Ngũ Đế. [19] Các phái Đạo gia về sau đều trọng Đức Thái Thượng là Thầy, gọi là Thái Thượng Cao Thánh Ngọc Thần Đại Đạo Quân 太上高聖玉晨大道君 hay là Lão Quân 老君.
«Cảm Ứng» tức là chỉ con người do trong lòng nảy sinh tình cảm hoặc phát tác một hành vi nào đó thì sẽ nhận lĩnh một hưởng ứng từ ngoại giới.»
Nói cụ thể, Cảm Ứng Thiên luận thuyết về luật Nhân Quả Báo Ứng mà tông chỉ của kinh nằm ở 16 chữ:
Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình
禍福無門惟人自召善惡之報如影隨形.
Quan niệm thiện ác báo ứng đã có từ thời Tiên Tần. Dịch Kinh, quẻ Khôn 坤, phần Văn Ngôn 文言 nói:
«Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương» 積善之家必有餘慶積不善之家必有餘殃
(Nhà nào tích thiện sẽ có nhiều may mắn, nhà nào tích ác sẽ có nhiều tai ương). [20]
Trung Quốc Đạo Giáo [21] nói về nội dung Cảm Ứng Thiên như sau:
«Kinh bảo muốn sống lâu nhiều phúc thì phải hành thiện và tích đức. Kinh liệt kê trên 20 điều thiện và trên 100 điều gọi là chuẩn mực cho việc làm lành lánh dữ.(...) Cảm Ứng Thiên xiển dương tư tưởng Thiên nhân tương cảm và nhân quả báo ứng, lại có những tín điều của Phật giáo và Đạo giáo cũng như những qui phạm luân lý của Nho gia, quả là một sự dung hợp ba nhà Nho, Thích, Đạo vậy.»
Xét về phương diện luân lý, Nho gia thường bảo:
«Lập thiện đa đoan mạc tiên trung hiếu» 立善多端莫先忠孝 (Làm điều thiện có nhiều đường nhưng chẳng gì bằng trung và hiếu).
Trung và hiếu cũng là căn bản đạo đức truyền thống của Đạo gia.
Quan điểm tu thân, trung quân, hiếu đễ ấy thể hiện rất rõ trong Cảm Ứng Thiên, chẳng hạn như:
«Bất lý tà kính, bất khi ám thất, tích đức lũy công,tâm từ ư vật, trung hiếu hữu đễ, chính kỷ hóa nhân.»
不履邪徑, 不欺暗室, 積德累功, 心慈於物, 忠孝友悌, 正己化人
(Không đi đường sái quấy, không khinh nhà tối, tích lũy công đức, lòng hiền thương mọi vật, trung quân, thương kính cha mẹ, thương em, kính anh, tự sửa bản thân rồi mới dạy người) (điều 3- Tích thiện).
Những việc kê ra ở điều 5 và 6 bị xem là ác vì phần lớn chúng ngược lại với luân lý Nho gia, thí dụ như:
«Ám vũ quân thân 暗侮君親 (Thầm khinh vua, khi dễ cha mẹ);
Mạn kỳ tiên sinh 慢其先生 (Coi thường thầy dạy);
Nhuế nộ sư phó 恚怒師傅 (Chọc giận thầy dạy);
Để xúc phụ huynh 抵觸父兄 (Khi rẻ và xúc phạm cha và anh);
Dụng thê thiếp ngữ vi phụ mẫu huấn 用妻妾語違父母訓 (Nghe lời vợ mà vi phạm lời dạy của cha mẹ);
Cốt nhục phẫn tranh 骨肉忿爭 (Chia lìa tình ruột thịt);
Nam bất trung lương 男不忠良 (Trai không lành);
Nữ bất nhu thuận 女不柔順 (Gái không nhu thuận);
Bất tri kỳ thất 不知其室 (Không quan tâm việc nhà);
Bất kính kỳ phu 不敬其夫 (Chẳng trọng chồng); v.v.»
Cảm Ứng Thiên bao hàm ngũ giới cấm [22] của Phật giáo nhưng diễn đạt cụ thể bằng cách nói khác, thí dụ như:
– «Xạ phi trục tẩu, phát trập kinh thê, điền huyệt phúc sào, thương thai phá noãn, tổn tử đọa thai»
射飛逐走, 發蟄驚棲, 顛穴覆巢, 傷胎破卵, 損子害胎
(Săn bắn chim và thú, phá hang ổ loài bu đậu, lấp lỗ hang, lật úp tổ chim, phá thai hại trứng, hại con, phá thai)
ứng với giới cấm 1 (Bất sát sinh 不殺生).
– «Sát nhân thủ tài 殺人取財 (giết người cướp của);
phá nhân chi gia thủ kỳ tài bảo 破人之家取其財寶 (phá nhà người đế lấy của nả);
cưỡng thủ cưỡng cầu háo xâm háo đoạt 強取強求好侵好奪 (giật ngang lấy ngang, thích xâm phạm và chiếm đoạt); lỗ lược trí phú 掳掠致富 (cướp giật để trở nên giàu có)»
ứng với giới cấm 2 (Bất du đạo 不偷盜: Cấm trộm cướp).
– «Dâm dục quá độ 淫欲過度 (dâm dục không kìm chế); kiến tha sắc mỹ khởi tâm tư chi 見他色美起心私之 (Thấy vợ hoặc con gái người ta xinh đẹp thì sinh lòng tư thông chiếm đoạt)» ứng với giới cấm 3 (Bất tà dâm 不邪淫: Cấm tà dâm).
– «Hư vu trá ngụy 虛誣詐偽 (gian dối lọc lừa);
biếm chính bài hiền 貶正排賢 (chê bai người hiền lương);
dĩ trực vi khúc dĩ khúc vi trực 以直為曲以曲為直 (lấy thẳng làm cong lấy cong làm thẳng= tráo trở);
khẩu thị tâm phi 口是心非 (lời nói ra vẻ ngay thẳng nhưng lòng toan tính tà vạy);
sàm hủy bình nhân 讒毀平人 (dèm pha hãm hại người dân thường);
hủy nhân xưng trực 毀人稱直 (hãm hại người mà tự xưng mình ngay thẳng)»
ứng với giới cấm 4 (Bất vọng ngữ 不妄語: Cấm nói lời quấy).
– «Thị tửu bột loạn 嗜酒悖亂 (Thích nhậu nhẹt quậy phá)» ứng với giới cấm 5 (Bất ẩm thực tửu nhục 不飲食酒肉: Cấm ăn thịt và cấm uống rượu).
Quan niệm Đạo giáo cũng rất sâu đậm trong Cảm Ứng Thiên. Căn bản của thành tiên chứng đạo là ở chỗ hành thiện tích đức.
Kinh viết: «Dục cầu thiên tiên giả đương lập nhất thiên tam bách thiện, dục cầu địa tiên giả đương lập tam bách thiện.» 欲求天仙者當立一千三百善, 欲求地仙者當立三百善 (Muốn thành thiên tiên thì phải làm 1300 điều thiện, muốn thành địa tiên thì phải làm 300 điều thiện) (điều 4: Thiện báo).
Đó cũng là quan niệm của Cát Hồng 葛洪 trong Bão Phác Tử 抱樸子 nhưng tiêu chuẩn của Cát Hồng là 1200 điều thiện và 300 điều thiện. Cũng trong điều 4, Kinh bảo người làm điều thiện thì được thế nhân kính trọng, trời phù hộ, phúc lộc đến, tà quái không dám lại gần, thần linh hộ vệ và có thể mong trở thành thần tiên (thần tiên khả ký 神仙可冀).
Nhưng việc thiện ác không phân biệt lớn nhỏ. Bão Phác Tử Nội Thiên, chương Đối Tục 對俗, viết:
«Nhân dục địa tiên, đương lập tam bách thiện; dục thiên tiên, lập thiên nhị bách thiện. Nhược hữu thiên nhất bách cửu thập cửu thiện, nhi hốt phục trúng hành nhất ác, tắc tận thất tiền thiện, nãi đương phục cánh khởi thiện số nhĩ. Cố thiện bất tại đại, ác bất tại tiểu dã»
人 欲 地 仙 , 當 立 三 百 善 ; 欲 天 仙 , 立 千 二 百 善 . 若 有 千 一 百 九 十 九 善 , 而 忽 復 中 行 一 惡 , 則 盡 失 前 善 , 乃 當 復 更 起 善 數 耳 . 故 善 不 在 大 , 惡 不 在 小 也
(Người muốn thành địa tiên phải lập 300 việc thiện, muốn thành thiên tiên phải lập 1200 việc thiện. Nếu đã làm được 1199 việc thiện mà bỗng nhiên tạo một việc ác thì sẽ mất sạch số việc thiện đã làm, và như vậy phải tính lại số việc thiện từ đầu. Cho nên việc thiện không kể lớn, việc ác không kể nhỏ vậy.) [23]
Holmes Welch cũng nhận ra sự dung hợp của Tam giáo trong Cảm Ứng Thiên, ông viết:
«Cảm Ứng Thiên chỉ ra ngay từ đầu rằng tội lỗi con người luôn được trình báo cho Trời biết do Ông Táo (the God of the Hearth) và Tam Thi Thần.(...) Theo Cảm Ứng Thiên, đời người bị giảm thọ 12 năm (1 kỷ) do mỗi tội lớn và 100 ngày (1 toán) do mỗi tội nhỏ. Ai muốn sống lâu thì phải làm lành lánh dữ. Còn muốn thành thiên tiên (celestial immortals) thì phải làm 1300 điều thiện, muốn thành địa tiên (terrestrial immortals) thì làm 300 điều thiện. "
Tất cả những điều này như ta thấy, thể hiện truyền thống cổ xưa của Đạo gia. Nhưng khi ta đọc kỹ những điều thiện và ác được liệt kê trong Cảm Ứng Thiên, ta thấy chúng không thuần túy là quan điểm Đạo gia, mà hơn thế, chúng là một sự dung hợp tam giáo Nho, Thích, Đạo.
Hầu hết các điều dạy này có thể được đem vào các bài giảng đạo ở các nhà thờ Thiên Chúa giáo mà chẳng ai chú ý (nhận ra là tín điều của Tam giáo).
Người trì tụng được dạy không gian dối, không tàn ác, không kiêu căng, không đạo đức giả, không hối lộ, không cân gian đo thiếu, không thèm muốn vợ người, không phung phí vật phẩm, không khinh phụ huynh, không dùng lửa nước phá hoại nơi dân cư, v.v.
Những tín điều Phật giáo như bất sát sinh, không lật úp tổ chim, không hại thai phá trứng ắt hẳn sẽ làm người Tây phương ngạc nhiên.
Kết luận của Cảm Ứng Thiên lại là quan điểm của Nho giáo: Nếu có ai chết vì tai ương bệnh tật hay yểu mệnh mà tội nợ chưa trả hết thì số nợ còn lại phải trả sẽ chuyển sang con cháu chứ không đợi đến kiếp sau.
Một số điều trong 212 tội ác có tính cách mê tín hơn là luân lý, thí dụ: Không day về hướng Bắc mà tiểu tiện, không phun nước bọt về phía sao băng. Trong sự liệt kê các điều thiện ác thì điều ác vượt trội điều thiện khoảng 10 lần.» [24]
Luật Nhân Quả mà Cảm Ứng Thiên xiển dương vốn là điểm trọng yếu trong luân lý Phật giáo.
Đó là lẽ công bằng trong trời đất. Con người phải thu hoạch những gì mình đã tạo tác gieo trồng bao quát cả ba mặt thân (hành vi), khẩu (ngôn ngữ) và ý (tâm tư).
Người Âu châu cũng tin như vậy qua tục ngữ «Man reaps what he sows» (gieo gì gặt đó).
Người Việt Nam bao đời nay cũng hằng tin tưởng «Ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác» là thế.
Người Trung Quốc thường nói «Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu» 種 瓜 得 瓜 種 豆 得 豆 (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu) cũng không ngoài lẽ nhân quả báo ứng.
Bên cạnh luật nhân quả báo ứng là luật Thiên nhân tương cảm 天 人 相 感 (hay Thiên nhân tương dữ 天 人 相 與, Thiên nhân hợp nhất 天 人 合 一) mà Cảm Ứng Thiên muốn xiển dương. Tam giáo quan niệm Trời tiềm ẩn trong lòng người.
Trang tử nói: «Thiên tại nội, nhân tại ngoại» 天 在 內 人 在 外 (Trời ở trong, người ở ngoài.) [25]
Lại nói: «Thiên địa dữ ngã tịnh sinh nhi vạn vật dữ ngã vi nhất» 天 地 與 我 并 生 而 萬 物 與 我 為 一 (Trời đất sinh đồng thời với ta, vạn vật với ta là một.) [26]
Đại Đỗng Chân Kinh 大 洞 真 經 viết:
«Nhân Thiên tự bản vô sai biệt» 人 天 自 本 無 差 別 (Tự bản chất Trời và người không khác nhau).
Hoàng Đế Âm Phù Kinh 黃 帝 陰 符 經 bảo: «Thiên tính nhân dã» 天 性 人 也 (Thiên tính là người).
Mạnh Tử nói: «Vạn vật giai bị ư ngã hĩ.» 萬 物 皆 備 於 我 矣 (Cái lý của vạn vật đều có đủ trong ta.) [27] Mạnh Tử quan niệm Trời ở ngay trong lòng người nên thấu triệt tường tận lòng mình thì sẽ biết tính, biết tính thì sẽ biết Trời:
«Tận kỳ tâm giả tri kỳ tính dã, tri kỳ tính tắc tri Thiên hĩ.»
盡 其 心 者 知 其 性 也 , 知 其 性 則 知 天 矣 .
Vì Trời ngự trong lòng ta, nên nói đến Trời thì cứ nghiêm chỉnh lòng lại thì Trời tự hiện.
Diễn ý này, Kinh Thư Đại Toàn viết:
«Chí ư ngôn Thiên tắc nghiêm kỳ tâm chi sở tự xuất»
至 於 言 天 則 嚴 其 心 之 所 自 出.
Như vậy theo Tam giáo, bản thể con người là Trời, cũng gọi là Thiên, Thượng Đế, chân tính, tự tánh, linh tánh, Đạo, chân tâm, chân ngã, bản lai diện mục, cốc thần, huyền tẫn, tính, thần, v.v.
Cái bản thể ấy thường hằng bất biến và bên cạnh cái bất biến ấy là vọng tâm vọng ngã. Vọng tâm đầy rẫy thất tình lục dục nên che mờ chân tâm linh tánh.
Tính Mệnh Khuê Chỉ viết: «Phụ mẫu sinh tiền nhất điểm linh, bất linh chỉ vị kết thành hình.»
父 母 生 前 一 點 靈 不 靈 只 為 結 成 形
(Trước khi cha mẹ sinh ra ta, ta là một điểm linh quang của Thượng Đế, chỉ vì ta mang nhục thể mà điểm linh bị che mờ nên không linh nữa).
Điểm linh ấy gọi là Thiên tâm, được Lữ Tổ 呂祖 giải thích trong Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ 太 乙 金 華 宗 旨 rằng:
«Thiên tâm giả, tam tài đồng bẩm chi tâm; đan thư sở vị huyền khiếu thị dã. Nhân nhân câu hữu. Hiền triết khải chi, ngu mê bế chi. Khải tắc trường sinh, bế tắc đoản chiết. Ủy chi mệnh số giả, phàm phu chi kiến giả.»
天 心 者 三 才 同 稟 之 心 , 丹 書 所 謂 玄 竅 是 也 . 人 人 俱 有 . 賢 哲 啟 之 愚 迷 閉 之 . 啟 則 長 生 , 閉 則 短 折 . 委 之 命 數 者 凡 夫 之 見 也
(Thiên tâm là cái tâm cùng phú cho tam tài [thiên-địa-nhân] mà sách luyện đan gọi là huyền khiếu. Ai ai cũng có Thiên tâm. Bậc hiền triết thì khai mở nó ra, kẻ ngu mê thì đóng nó lại. Khai mở thì trường sinh, đóng lại thì chết. Đổ thừa cho số mệnh ấy là cái hiểu biết của kẻ phàm phu vậy.) [28]
Những trích dẫn trên đây xác minh mỗi người đều có Trời và thần minh ngự trị trong lòng, vì thế Trời và người tương cảm với nhau, liên lạc với nhau, có thể hợp nhất, cho nên Cảm Ứng Thiên cho rằng hễ có Cảm thì ắt có Ứng.
Cảm Ứng Thiên còn thuyết minh về thiện ác.
Mỗi con người có hai phần Chân và Vọng. Phần chân thì bất biến, đó là chân tính, là Trời tiềm ẩn trong ta với biết bao tốt đẹp thiện lương.
Phần vọng thì biến đổi, là vọng tâm do thất tình lục dục quấy nhiễu với bản chất xấu xa.
Cảm Ứng Thiên dạy ta trở về với thiên tính thiện lương ấy và lánh xa tội lỗi.
Biết Trời ngự trị trong lòng, biết thần minh luôn giám sát, tự nhiên ta sẽ thay đổi tính tình, cố ăn ở cho đàng hoàng hơn.
Nghĩa là nhờ kính sợ Trời mới có thể luyện kỷ tu thân, cho nên Luận Ngữ nói: «Tu kỷ dĩ kính» 修 己 以 敬 (Lấy lòng kính sợ Trời mà sửa mình).
Trong sự sửa mình có hai khía cạnh: ăn năn sám hối tội cũ (mà Cảm Ứng Thiên gọi là cách đổi họa thành phúc) và ngăn chận tội lỗi có thể phạm trong tương lai.
Vì vậy kinh không luận suông về thiện ác mà chỉ dạy cách làm lành lánh dữ.
Kinh nói: «Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành»
諸 惡 莫 作 眾 善 奉 行
(Không làm các điều ác, phải làm mọi điều thiện).
Nhưng làm thế nào biết nhìn ra điều ác để mà tránh?
Khổng Tử dạy:
«Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân»
己 所 不 欲 勿 施 於 人
(Điều gì mình chẳng muốn ai gây cho mình, thì mình chớ làm cho họ). [29]
Nói cách khác ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người thì mới hiểu tâm tư và khát vọng của người thụ lãnh hành vi, nhờ đó sẽ biết việc nào nên làm hoặc không nên làm.
Đó là căn bản của hành vi thiện ác.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần xét rõ nguyên nhân cấu thành tội ác để diệt trừ tận gốc.
Tội ác có thể do cố ý hoặc không cố ý. Không cố ý là do lỡ tay (thí dụ trường hợp ngộ sát) hoặc do tâm thần điên loạn nên không ý thức và không kiểm soát được hành vi.
Còn trường hợp cố ý mà phạm tội thì phải có một tiến trình cấu thành:
tư tưởng phát sinh (vọng ý 妄意, vọng niệm 妄念) chỉ đạo ngôn ngữ (ác khẩu 惡口) hoặc và hành vi (thân nghiệp 身業).
Ngoài ra cũng phải xét đến sự huân tập hành ác trong quá khứ nữa.
Cho nên người tu phải tu dưỡng phần chân tâm linh tánh, không để vọng tâm lấn lướt quấy nhiễu nảy sinh thất tình lục dục.
Thất tình lục dục không kiềm chế nên phát sinh ác khẩu và vọng động tạo ác nghiệp.
Vậy muốn trở nên hiền lương phải đặc biệt trừng tâm, nghĩa là chú trọng yếu tố ý 意 trong ba yếu tố thân khẩu ý 身口意.
Cảm Ứng Thiên bảo ở điều 8 rằng:
«Khi lòng nảy sinh thiện ý, tuy điều thiện chưa làm nhưng cát thần đã chực sẵn bên mình; khi lòng nảy sinh ác ý, tuy điều ác chưa làm nhưng hung thần đã chực sẵn bên mình.» [30]
Luật Thiên nhân tương cảm như vậy thật là hết sức nghiêm nhặt và đáng sợ. Có sợ thì mới cố sửa mình.
Mặc dù Cảm Ứng Thiên khẳng định sự thưởng phạt công minh (thiện báo và ác báo) nhưng kỳ thực hiền nhân quân tử hành thiện không phải để truy cầu những thiện báo ấy.
Vậy thì tại sao phải hành thiện? Vì trọn thiện trọn lành là bản tánh con người, Nho gia gọi đó là cái Đức Sáng (Minh Đức 明德).
Do sự huân tập thế tục và do dục vọng, cái đức sáng ấy bị lu mờ, nên bổn phận con người là làm sáng lại cái đức sáng ấy (minh minh đức 明明德) và dừng lại nơi chí thiện (chỉ ư chí thiện 止 於 至 善).
Mạnh Tử nói:
«Quân tử mạc đại hồ dữ nhân vi thiện»
君 子 莫 大 乎 與 人 為 善
(Điều lớn lao nhất của người quân tử là làm điều thiện cho người khác).[31]
Khổng Tử bảo quân tử phải làm điều tốt đẹp cho người:
«Quân tử thành nhân chi mỹ»
君 子 成 人 之 美. [32]
Làm điều thiện không cần ai biết ai hay, không cần báo đáp: «Thi ân bất cầu báo» 施 恩 不 求 報 (Cảm Ứng Thiên - điều 3).
Người đời không biết, trong lòng ta không oán hận:
«Nhân bất tri nhi bất oán»
人 不 知 而 不 怨. [33]
Hiền nhân quân tử chỉ biết trong lòng thầm vui và thanh thản, đó là một trong ba điều vui mà theo Mạnh Tử bậc đế vương trong thiên hạ chưa chắc đã có:
«Ngưỡng bất quí ư Thiên, phủ bất tạc ư nhân»
仰 不 愧 於 天 俯 不 怍 於 人
(Trông lên không hổ với Trời, cúi xuống không thẹn với người).[34]
Như vậy, nội dung cơ bản của Cảm Ứng Thiên thâu tóm nền luân lý Tam giáo đồng thời xiển dương lẽ Thiên nhân tương cảm và luật nhân quả báo ứng, qua đó khuyến dạy người đời làm lành lánh dữ.
Nhưng phân tích những điều mục đạo đức trong kinh (chủ yếu ở điều 5 và 6) ta còn nhận ra những điểm sau đây:
* Kinh coi trọng quan hệ huyết thống, tông tộc: Chế độ gia đình là kết cấu xã hội cơ bản trong xã hội Trung Quốc cổ đại. Sự liên hệ giữa các thành viên trong gia đình là dựa vào huyết thống. Trong chế độ gia trưởng, mỗi người đều có tôn ti trật tự, không được nhiễu loạn, phải lấy hoà mục tông thân làm quan trọng.
Kinh đề xướng: «Trung hiếu hữu đễ» 忠 孝 友 悌 (trung với vua, có hiếu với cha mẹ, yêu kính anh, thương em) và phản đối: «Để xúc phụ huynh» 抵 觸 父 兄 (công kích, xúc phạm cha và anh); – «Vi phụ mẫu huấn» 違 父 母 訓 (làm trái lời dạy của cha mẹ); – «Bối thân hướng sơ» 背 親 向 疏 (nghịch với người thân thuộc mà chạy theo người dưng); – «Cốt nhục phẫn tranh» 骨 肉 忿 爭 (anh chị em ruột thịt tranh giành vật chất, chia rẽ nhau); – «Bất tri kỳ thất, bất kính kỳ phu» 不 知 其 室 , 不 敬 其 夫 (chồng bỏ bê gia đình, vợ coi rẻ chồng); – «Vô hạnh ư thê tử, thất lễ ư cữu cô, khinh mạn tiên linh» 無 行 於 妻 子, 失 禮 於 舅 姑 , 輕 慢 先 靈 (chồng không tử tế với vợ con, vợ hỗn hào với cha mẹ chồng, khinh khi ông bà tổ tiên đã khuất), v.v.
* Tán đồng chế độ quân chủ: Quân chủ chế là sự phóng đại của gia trưởng chế. Hiếu là đạo con đối với cha mẹ, trung là đạo tôi đối với vua. Trung quân là một tầng cao của hiếu phụ. Cảm Ứng Thiên cho rằng trung hiếu đứng trên mọi điều thiện, là cơ sở của thành tiên liễu đạo, nên kinh phản đối «Vi nghịch thượng mệnh» 違 逆 上 命 (trái lệnh trên), «Ám vũ quân thân» 暗 侮 君 親 (thầm khinh vua và cha mẹ), «Nhiễu loạn quốc chính» 擾 亂 國 政 (làm loạn chính trị trong nước), «Khi võng kỳ thượng» 欺 罔 其 上 (Khinh thường, khuất lấp đối với bề trên), v.v.
Không riêng gì Cảm Ứng Thiên, ngay từ đời Đông Hán, Thái Bình Kinh 太 平 經 và đời Ngụy Tấn, Bão Phác Tử đã khẳng định trung hiếu là căn bản đức hạnh của người tu tiên và hầu hết kinh sách của các phái Đạo giáo từ đời Tống về sau rất coi trọng trung hiếu, thậm chí có giáo phái như Tịnh Minh phái lấy trung hiếu làm tông chỉ.[35]
* Cảm Ứng Thiên đề ra phép xử thế: Phần lớn những cách ứng xử mà Cảm Ứng Thiên đề ra thì phù hợp với những cách ngôn, gia huấn trong các quyển như Tòa Hữu Minh 座 右 銘, Danh Hiền Tập 名 賢 集, Tăng Quảng Hiền Văn 增 廣 賢 文, v.v. Tòa Hữu Minh 座 右 銘 của Thôi Viện 崔瑗 nói: «Vô đạo nhân chi đoản, vô thuyết kỷ chi trường. Thi nhân thận vật niệm, thụ thi thận vật vong»
無 道 人 之 短 無 說 己 之 長 施 人 慎 勿 念 受 施 勿 忘
(Đừng nói ra chỗ kém của người, chớ bày tỏ cái hay của mình. Cho ai cái gì phải thận trọng và đừng ghi nhớ, thụ nhận ai cái gì thì phải thận trọng chớ quên).
Cảm Ứng Thiên cũng dạy như thế:
«Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường. Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối»
不 彰 人 短 , 不 衒 己 長 . 施 恩 不 求 報 . 與 人 不 追 悔
(Không phô bày cái dở của người, không khoe khoang cái hay của mình. Ra ơn cho ai thì không mong sự đáp đền, cho ai cái gì thì chớ nghĩ lại mà hối tiếc).
Hoặc phê phán: «Tỏa nhân sở trường, hộ kỷ sở đoản. Can cầu bất toại, tiện sinh chú hận. Thi dữ hậu hối. Giả tá bất hoàn. Phận ngoại doanh cầu»
挫 人 所 長 護 己 所 短 干 求 不 遂 便 生 咒 恨 . 施 與 後 悔 , 假 借 不 還 , 分 外 營 求
(Chèn ép cho cùn nhụt chỗ hay của người, bảo hộ chỗ dở của mình. Mong cầu [chức tước bổng lộc] mà không được nên sinh lòng chưởi bới oán hận. Cho ai cái gì về sau lại tiếc. Vay mượn không trả. Mong muốn những điều vượt quá phận mình).
• Kinh đề cao giới luật và phương thuật của Đạo giáo:
Trừ những chỗ nói về Tư Quá Thần, Tam Thi Thần, Bắc Đẩu Thần Quân, Tam Thai, v.v. là chư thần của Đạo giáo, và quan niệm từ bi giới sát ái sinh của Phật giáo (từ tâm ư vật 慈 心 於 物: lòng từ bi đối với vạn vật), Cảm Ứng Thiên còn ủng hộ phương thuật và lên án việc cản trở phương thuật (Ủng tắc phương thuật 壅 塞 方 術).
Phương thuật là gì? Từ đời Tần và đời Hán đã có những người thi hành phương thuật và được gọi là phương sĩ 方士 (magician), thí dụ như Lô Sinh 盧生 và Từ Phúc 徐福 đời Tần Thủy Hoàng 秦 始 皇 hay Lý Thiếu Quân 李少君 đời Hán Vũ Đế 漢武帝.
Phương sĩ xuất hiện từ Vu giáo 巫教 của thời Xuân Thu (722-481) và Chiến Quốc (403-221).
Chữ vu 巫 gồm chữ công 工 và hai chữ nhân 人, tượng trưng hai người đang nhảy múa cầu đảo. Người ta gọi chung bọn đồng cốt phù thủy là vu hịch 巫覡 (vu gọi nữ, hịch gọi nam).
Vương Hữu Tam [36] giải thích hai chữ vu hịch như sau:
«Vu hịch là những người cổ đại cầu đảo thần minh giáng phúc, là người môi giới giữa con người và thần minh, cũng có thể thay mặt quốc gia mà cầu thần minh phù hộ. Trong thời ban sơ của tôn giáo, vu hịch chiếm địa vị quan trọng. Quan chế thời cổ có chức chúc 祝, đó là chức quan phụ trách việc tế trời và cầu đảo thần minh, và vu chính là biệt danh của chúc. Người nam gọi là hịch, người nữ gọi là vu.
Thuyết Văn Giải Tự nói:
«Vu, chúc dã» 巫祝也 (Vu chính là chúc) và «Hịch năng trai túc sự thần minh dã, tại nam viết hịch, tại nữ viết vu»
覡 能 齋 肅 事 神 明 也 在 男 曰 覡 在 女 曰 巫
(Hịch trai giới cúc cung phụng sự thần minh, người nam gọi là hịch, người nữ gọi là vu). (...)
Dần dần vu hịch trở thành một tệ mê tín phổ biến trong dân gian, và lưu truyền tại Trung Quốc mấy ngàn năm mà không suy thoái.»
Theo Lưu Ngọc Kiến [37] đời Thương là thời kỳ đỉnh thịnh của bọn vu hịch, gần như một tôn giáo, gọi là Vu giáo 巫教. Bọn họ (gọi là vu sử 巫史) giữ chức vụ trọng yếu trong triều, vừa có nhiệm vụ về tôn giáo (thông công với thần minh) vừa có nhiệm vụ chính trị.
Một số nhân vật vu hịch có tên tuổi được cổ tịch đề cập như Y Doãn 伊尹 (tức là A Hành 阿衡) (xem Sử Ký Tư Mã Thiên- Ân bản kỷ; Mặc Tử- Thượng hiền trung; Kinh Thi- Thương tụng), Y Trắc 伊陟 (con trai của Y Doãn) [38] (xem Sử Ký- Ân bản kỷ), Vu Hàm 巫咸 và con trai là Vu Hiền 巫賢 (xem Sử Ký - Ân bản kỷ), Cam Bàn 甘盤 (xem Thương Thư - Chu thư; Sử Ký - Yên thế gia).
Theo Lý Viễn Quốc [39] ngoài công việc chính yếu là bốc phệ, các vu hịch dần dần bị phân hoá trên nhiều lãnh vực khác nhau như thiên văn, y học, tôn giáo, chính trị, v.v. Một số vu hịch lại có nguyện vọng truy cầu sự khang kiện và trường thọ nên rất chú trọng đến y dược và luyện dưỡng. Những vu hịch này dần dần tách biệt với Vu giáo và hình thành một hệ thống độc lập và được gọi là phương sĩ. Phương pháp luyện dưỡng của họ được gọi là phương thuật, gọi như vậy để khu biệt với vu thuật của bọn vu hịch.
Nhưng đến đời Tống thì phương thuật hay pháp thuật mới được Bạch Ngọc Thiềm 白玉蟾 định nghĩa rõ ràng hai khái niệm pháp 法 và thuật 術:
«Phong phù vũ ấn, long binh hổ kỵ, tế sinh độ tử, thông chân đạt linh, thử sở vị pháp. Tốn phong hóa cáp, dụ nghĩ hô qui, phi kiếm trảm tinh, đầu giản náo long, thử sở vị thuật»
風 符 雨 印 ,龍 兵 虎 騎 , 濟 生 度 死 , 通 真 達 靈 , 此 所 謂 法 . 噀 蜂 化鴿 , 誘 蟻 呼 龜 , 飛 劍 斬 精 , 投 簡 撓 龍 此 所 謂 術
(Dán phù gọi gió bắt ấn gọi mưa, cỡi cọp dẫn binh rồng, cứu người sống độ người chết, giao tiếp với tiên và thần linh, những cái đó gọi là pháp. Phun nước vào con ong biến nó thành chim bồ câu, lấy con kiến hô biến thành con rùa, phóng kiếm chém yêu tinh, ném thẻ tre cản ngăn rồng, những thứ ấy gọi là thuật). Nói cách khác, theo Bạch Ngọc Thiềm, thuật (tức đạo thuật) chỉ những hành vi và thao tác cụ thể, còn pháp (tức đạo pháp) chỉ những phương pháp để giao tiếp với thần linh, nhưng người đời quen gọi chung là pháp thuật (hay phương thuật).
Thật sự phương thuật của Đạo giáo rất phong phú, chia làm hai loại chính: một loại gồm những cách tu luyện của các đạo sĩ như thủ nhất, huỳnh đình, nội thị, thổ nạp, đạo dẫn, tịch cốc, phòng trung, hoàng bạch, kim đan, phục thực, nội đan, v.v... loại kia gồm những hoạt động tế thế độ nhân của các đạo sĩ như phù, chú, linh đồ, hàng yêu, nhiếp quỉ, v.v. [40]
Cảm Ứng Thiên ủng hộ phương thuật, nhưng phản đối dùng phương thuật với ý đồ xấu:
«Mai cổ yểm nhân» 埋 蠱 厭 人 (Chôn bùa ếm người). Ngoài ra kinh cũng lưu giữ những giới luật của Đạo giáo: «Mạ thần xưng chánh. Chỉ thiên địa dĩ chứng bỉ hoài. Dẫn thần minh nhi giám ôi sự. Hối lạp ca vũ. Sóc đán hiệu nộ. Đối bắc thế thóa cập niệu. Đối táo ngâm vịnh cập khốc. Hựu dĩ táo hỏa thiêu hương. Uế sài tác thực. Dạ khởi lõa lộ. Bát tiết hành hình. Thóa lưu tinh chỉ hồng nghê. Triếp chỉ tam quang. Cửu thị nhật nguyệt. Xuân nguyệt liệu lạp. Đối bắc ác mạ. Vô cố sát qui đả xà.»
罵 神 稱 正 . 指 天 地 以 證 鄙 懷 . 引 神 明 而 鑑 猥 事. 晦 臘 歌 舞 , 朔 旦 號 怒 . 對 北 涕 唾 及 溺 ,對 灶 吟 詠 及 哭 . 又 以 灶 火 燒 香 , 穢 柴 作 食 , 夜 起 裸 露 , 八 節 行 刑 , 唾 流 星 指 紅 霓 , 輒 指 三 光 , 久 視 日 月 , 春 月 燎 臘 , 對 北 惡 罵 , 無 故 殺 龜 打 蛇.
(Chưởi rủa Thần Thánh, tự xưng mình ngay thẳng. Chỉ trời chỉ đất để làm chứng cho lòng dạ xấu xa của mình. Gọi thần minh chứng giám cho việc quấy. Ngày cuối tháng, cuối năm ca múa. Ngày đầu tháng đầu năm khóc la giận hờn. Day về hướng bắc khóc, hỉ mũi, khạc nhổ, tiểu tiện. Trước ông Táo ngâm vịnh, khóc lóc, hoặc đốt nhang trong bếp lò. Củi dơ nấu ăn. Đêm tối để cho thân thể loã lồ. Ngày bát tiết thi hành hình phạt. Khạc nhổ về phía sao băng. Tay chỉ cầu vồng. Thường chỉ trỏ nhật nguyệt tinh. Nhìn lâu mặt trời mặt trăng. Mùa xuân đốt rừng săn bắn. Day về hướng bắc chưởi rủa độc địa. Không có lý do mà đánh giết rắn rùa.) (Cảm Ứng Thiên, điều 6).
Những cấm kỵ như «Bát tiết hành hình 八 節 行 刑 (hành hình vào các ngày thuộc 8 tiết); sóc đán hiệu nộ 朔 旦 號 怒 ngày đầu tháng, đầu năm kêu gào giận khóc); đối bắc thế thóa cập niệu 對 北 涕 唾 及 溺 (day về hướng bắc hỉ mũi, khạc nhổ và tiểu tiện); triếp chỉ tam quang 輒 指 三 光 (chỉ trỏ nhật nguyệt tinh); cửu thị nhật nguyệt 久 視 日 月 (nhìn lâu mặt trời mặt trăng)» thì Tôn Tư Mạc 孫思邈 đời Đường cũng nói trong quyển Nhiếp Dưỡng Chẩm Trung Phương 攝養枕中方 khi đề cập những đại kỵ của người tu Tiên:
«Vật dĩ bát tiết nhật hành uy hình, vật dĩ hối sóc nhật nộ, vật hướng bắc đại tiểu tiện, ngưỡng thị tam quang»
勿 以 八 節 日 行 威 刑 , 勿 以 晦 朔 日 怒 , 勿 向 北 大 小 便 ,仰 視 三 光
(Không được hành hình vào những ngày thuộc 8 tiết, không giận dữ vào ngày cuối tháng và mồng một, không hướng về phía bắc mà đại tiện và tiểu tiện, không được ngước nhìn nhật nguyệt tinh.) [41]
* Cảm Ứng Thiên dạy người đời phải công bằng trong đời sống kinh tế xã hội: Trước tiên là không giữ của cải phi nghĩa, không được mưu cầu lợi lộc mà hại mạng người khác, không được vi phạm pháp luật mà hối lộ (Cưỡng thủ cưỡng cầu. Háo xâm háo đoạt. Lỗ lược trí phú. Khí pháp thụ lộ»
強 取 強 求 , 好 侵 好 奪 , 掳 掠 致 富.棄 法 取 賂).
Trong mua bán thì không được cân gian đo thiếu (Đoản xích hiệp độ. Khinh xứng tiểu thăng. Dĩ ngụy tạp chân. Thái thủ gian lợi
短 尺 狹 度 , 輕 秤 小 升, 以 偽 雜 真 ,採 取 姦 利 ).
Vay mượn thì phải hoàn trả sòng phẳng, cấm không được «mượn tài vật của ai rồi nguyện cho khổ chủ chết đi để quịt nợ» (Phụ tha hóa tài nguyện tha thân tử
負 他 財 貨 願 他 身 死) hay «trước mượn sau giật» (Giả tá bất hoàn 假 借 不 還).
Lý Lạc Cầu chép lời của Tịnh Ý Cư Sĩ 淨 意 居 士:
«Quan Cảm Ứng Thiên Linh Dị Ký, như ảnh tùy hình, nhi sở dĩ trí thử linh dị giả hữu tam: viết tụng, viết hành, viết truyền. Tam giả chi trung, lực hành tối vi trọng yếu, nhi đắc báo tắc dĩ ấn truyền vi tối thần tốc. Cái nhất nhân hành thiện, bất như nhân nhân hành thiện dã»
觀 感 應 篇 靈 異 記 , 如 影 隨 形 , 而 所 以 致 此 靈 異 者 有 三 : 曰 誦 , 曰 行 , 曰 傳 . 三 者 之 中 ,力 行 最 為 重 要 , 而 得 報 則 以 印 傳 為 最 神 速 . 蓋 一 人 行 善 不 如 人 人 行 善 也
(Xem quyển Cảm Ứng Thiên Linh Dị Ký mới thấy những sự linh dị cũng như ảnh theo hình. Muốn đạt những sự linh dị thì có ba điều: tụng niệm, thi hành và truyền bá Cảm Ứng Thiên. Trong ba điều ấy, cố gắng thi hành là quan trọng hơn cả. Để được thiện báo thần tốc thì in ấn và truyền bá kinh. Một người hành thiện chẳng bằng người người hành thiện vậy).
Như vậy, thiết nghĩ, hiểu nội dung Cảm Ứng Thiên rồi thì chúng ta cần phải «chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành» 諸 惡 莫 作 眾 善 奉 行 (chớ làm mọi điều ác, hãy làm mọi điều thiện), thế mới quý.
************
IV. BỐ CỤC CẢM ỨNG THIÊN
Các bản Cảm Ứng Thiên mà tôi dùng tham khảo có bố cục và phân đoạn khác nhau như:
(1) Cảm Ứng Thiên Trực Giảng 感應篇直講 của Hứa Chỉ Tịnh 許止淨 [42] không có phần khai kinh, mà giảng một mạch từ đầu đến hết kinh, không phân đoạn.
(2) Thái Thượng Cảm Ứng Thiên 太上感應篇 in trong Trung Hoa Đạo Học Thông Điển [43] cũng không phân đoạn và không có phần khai kinh. Bản này do Mã Chấn Á 馬振亞 chú dịch căn cứ vào Hán Học Sư Thừa Ký 漢學師承記 mà phân thành hai quyển:
+ Quyển thượng từ câu «Thái Thượng viết họa phúc vô môn duy nhân tự triệu» đến câu «Túng bạo sát thương» [thuộc điều 5 ở bản có phân điều / đoạn].
+ Quyển hạ từ câu «Vô cố tiễn tài» [thuộc điều 5 ở bản có phân điều/đoạn] cho đến câu chót «Hồ bất miễn hành chi».
Hai quyển thượng - hạ trên không phân điều / đoạn gì cả mà ngay sự phân quyển cũng không hợp lý vì làm gián đoạn mạch văn.
(3) Bản Thái Thượng Cảm Ứng Thiên trong Tiên Học Diệu Tuyển 仙學妙選 của Lý Lạc Cầu 李樂俅 [44] không có phần khai kinh và chia làm 10 chương [khác với bản (4) và (5) sau đây] là:
Chương 1- Minh Nghĩa 明義 [«Thái Thượng viết họa phúc vô môn... như ảnh tùy hình»].
Chương 2 - Thị Cảnh 示警 [«Sở dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần ...toán tận tắc tử »].
Chương 3 - Giám Sát 鑑察 [« Hựu hữu tam thai ... dục cầu trường sinh giả tiên tu tị chi»].
Chương 4 - Tích Thiện 積善 [«Thị đạo tắc tiến ... dữ nhân bất tri hối»].
Chương 5- Thiện báo 善報 [«Sở vị thiện nhân ... đương lập tam bách thiện»].
Chương 6 - Chư Ác 諸惡 [«Cẩu hoặc ... Vô cố sát qui đả xà»].
Chương 7 - Ác Báo 惡報 [«Như thị đẳng tội ...tử diệc cập chi»].
Chương 8 - Chỉ Vi 指微 [«Phù tâm khởi ư thiện ... nhi hung thần dĩ tùy chi»].
Chương 9 - Hối Quá 悔過 [«Kỳ hữu tằng hành ác sự ... Sở vị chuyển họa vi phúc dã »].
Chương 10 - Lực Hành 力行 [«Cố cát nhân ngứ thiện ... Hồ bất miễn hành chi ?»].
(4) Bản Cảm Ứng Thiên trong quyển Kinh Cúng Tứ Thời in tại Saigon 1963 của phái Cao Đài Chiếu Minh (tức Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh) gồm có phần khai kinh và phần kinh tụng chia ra làm 10 điều. Toàn kinh chỉ có phần dịch nghĩa tiếng Việt.
Sự phân chia thành 10 điều này phù hợp với một bản Cảm Ứng Thiên khác [photocopy] theo dạng ấn tống, không ghi tên dịch giả. Chỉ có chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa với nhiều lỗi ấn loát ở phần chữ Hán. Cách phiên âm Hán Việt cũng chưa chính xác lắm. Phong cách tiếng Việt của bản dịch kèm chữ Hán này khá xưa, khoảng 40 - 50 năm về trước. Sự phân điều / đoạn hai bản này giống nhau ở chỗ dứt xong một điều rồi mới đưa ra tiêu đề và gọi thứ tự của điều.
Thí dụ: Hết điều «Đức Thái Thượng nói rằng: Đều [điều] họa phước không tìm đến, chỉ tại mình vời đến, đều [điều] lành dữ báo ứng như bóng nọ theo hình» thì ghi «I. Giải nghĩa thứ nhứt». Cách đánh dấu này chứng tỏ bản dịch rất xưa, còn giữ y theo cách đánh dấu phân chương của cổ tịch Trung Quốc. Cổ tịch Trung Quốc thường ghi từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, rồi ghi «Hữu đệ nhất chương» 右第一章 [phần bên phải là hết chương một], ghi theo tiếng Việt là «phần bên trên đây là hết chương một».
(5) Bản Cảm Ứng Thiên do Đức Văn Xương Đế Quân giáng bút diễn nghĩa ra thơ lục bát[45] không ghi chú thời gian và địa điểm Đức Văn Xương Đế Quân giáng bút, nhưng gồm có phần khai kinh và phần kinh tụng y như bản Cảm Ứng Thiên của phái Chiếu Minh.
Tuy nhiên, tựa đề mỗi điều là một câu thơ đặt trước mỗi điều. Bản khác nhau của hai bản là ở điều 8. Bản phái Chiếu Minh ghi «Ấy là điều 8» ứng với bản chữ Hán photocopy «Chỉ vi đệ bát 只為第八» thì bản Tân Định ghi là «Là điều thứ tám sửa mình thiện lương».
(Bản kinh mà Lý Lạc Cầu tuyển thì viết là «Chỉ Vi chương đệ bát» 指微章第八 [chỉ rõ điều tế vi], tôi thấy chữ chỉ vi 指微 này hợp lý hơn). Bản phái Chiếu Minh và bản Tân Định còn giống nhau ở chỗ: trước khi tụng kinh phải niệm danh tám vị Tiên Phật.
Bản do Lý Lạc Cầu tuyển có sự phân chia bố cục khác với hai bản của Cao Đài. Điều 2 ở hai bản Cao Đài thì bị ngắt ra ở cuối câu «Toán tận tắc tử» trở thành chương 2 [Thị Cảnh] và chương 3 [Giám Sát] ở bản Lý Lạc Cầu tuyển. Còn điều 5 [Chư Ác, thượng] và điều 6 [Chư Ác, hạ] ở hai bản Cao Đài được nhập thành chương 6 [Chư Ác] ở bản Lý Lạc Cầu tuyển. Điều này cũng hữu lý.
Nhưng tôi theo sự phân điều / đoạn / chương của hai bản kinh của phái Chiếu Minh và Thánh Thất Tân Định. Toàn bộ kinh văn đã gọi là thiên 篇 thì nên chia nhỏ thành tiết 節 hay đoạn 段, hoặc chương 章 (như bản Lý Lạc Cầu tuyển) nhưng để phù hợp hai bản kinh trên, tôi cũng gọi là điều.
Như vậy bố cục Cảm Ứng Thiên (Cảm Ứng Thiên) như sau: Mở đầu là phần khai kinh do Đức Thái Cực Chân Nhân giảng. Sau đó là phần kinh tụng chia làm 10 điều:
+ Điều 1 - Minh Nghĩa. Thuyết minh tổng quát về họa phúc, thiện ác và nhân quả báo ứng. Đây là tông chỉ của Cảm Ứng Thiên, bao gồm 16 chữ « Họa phúc vô môn duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình». Chín điều còn lại là khai triển điều một.
+ Điều 2 - Giám Sát. Thuyết minh sự giám sát nghiêm nhặt của thần minh đối với từng hành vi, ngôn ngữ, và tâm ý mỗi người. Từ đó nhấn mạnh rằng con người cần tránh xa tội lỗi.
+ Điều 3 - Tích Thiện. Thuyết minh rằng con người cần tích lũy điều thiện. Điều thiện cần xem xét và thi hành bao quát 3 mặt thân, khẩu, ý.
+ Điều 4 - Thiện Báo. Thuyết minh sự báo ứng tốt đẹp xuất phát từ sự tích thiện.
+ Điều 5 và 6 - Chư Ác. Liệt kê những điều ác mà con người thường gây ra. Đây là cái nhân xấu, dẫn đến cái quả xấu (ác báo) được giải thích ở điều 7.
+ Điều 7 - Ác Báo. Giải thích những quả báo xấu do những điều ác mà con người gây ra [nói ở điều 5 và 6].
+ Điều 8 - Chỉ Vi. Chỉ ra cho thấy sự tế vi, nhấn mạnh sự linh ứng cấp thời: Ngay khi con người khởi tâm (thiện hoặc ác) thì cát thần hoặc hung thần đã chực sẵn để ra tay.
+ Điều 9 - Hối Quá. Nhấn mạnh sự ăn năn sám hối tội lỗi đã qua và phòng ngừa cho khỏi làm ác về sau. Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành (không làm mọi điều ác, phải phụng hành mọi điều thiện). Được vậy thì lâu ngày sẽ trở nên tốt đẹp (cát khánh), đó là phép chuyển đổi họa thành phúc.
+ Điều 10 - Luật Định. Những luật định ra về việc hành thiện và hành ác. Đức Thái Thượng dạy rằng nếu chúng ta đã biết luật định như vậy thì phải cố gắng làm lành lánh dữ.
************
V. VAI TRÒ CỦA CẢM ỨNG THIÊN TRONG VIỆC TU NỘI ĐAN (TU ĐƠN)
Cảm Ứng Thiên (Cảm Ứng Thiên) được Phật gia và Đạo gia coi trọng.
Trong Cảm Ứng Thiên Trực Giảng của Hứa Chỉ Tịnh do Thượng Hải Phật Học Thư Cục ấn hành, chúng ta đọc được bài tựa của Ngài Ấn Quang Pháp Sư 印光法師 viết vào năm Mậu Thìn 戊辰 nhằm năm Dân Quốc 17 (1928). Ngài hết sức ca tụng Cảm Ứng Thiên và cổ vũ việc ấn tống phổ biến rộng khắp, đăng đàn thuyết giảng kinh này, coi đó là một công đức vô lượng.
Cảm Ứng Thiên được đưa vào Đạo Tạng, đó là bằng chứng sự trọng thị của Đạo gia đối với kinh này. Nhưng toàn bộ Cảm Ứng Thiên chẳng nói chi đến phép luyện đan (tức là tu đan hay "tu đơn" theo cách nói của tín đồ Cao Đài) vậy thì tại sao kinh này được gọi là rất hệ trọng với người tu đan?
Một giai đoạn trong phép tu đan là trúc cơ 筑基 (đắp nền) mà căn bản của trúc cơ là luyện kỷ 煉己 tức là rèn luyện bản thân, hàng phục phàm tâm, tu dưỡng chân tâm, giữ gìn tam bảo [tinh - khí - thần].
Người tu hằng ngày tụng Cảm Ứng Thiên để nhớ lý Thiên nhân tương cảm mà hàng phục vọng tâm nhờ đó tâm hồn trong sạch, linh tánh sáng suốt.
Nhưng kỷ 己 là gì? Đời Thanh, Liễu Hoa Dương Chân Nhân 柳華陽真人 giải thích chữ kỷ 己 trong quyển Kim Tiên Chứng Luận 金仙證論 như sau:
«Kỷ tức ngã tâm trung chi niệm nhĩ»
己 即 我 心 中 之 念 耳
(Kỷ tức là niệm trong tâm ta).
Niệm ở đây là vọng niệm hay tạp niệm phát sinh từ tam độc [tham- sân- si]. Vọng niệm quấy nhiễu sự thanh tĩnh của người tu, phá hoại tam bảo, kết quả là tinh hao tổn, khí bất túc, và thần không vượng.
Vậy Cảm Ứng Thiên giúp người tu đan luyện kỷ, giữ gìn linh tánh, bảo tồn nguyên tinh, tức là cơ sở của tam hoa tụ đỉnh 三華聚頂.
VI. KHẢO SÁT NGÔN NGỮ TRONG CẢM ỨNG THIÊN
Trung Hoa Đạo Học Thông Điển nhận xét về ngôn ngữ của Cảm Ứng Thiên qua 20 chữ như sau:
«Từ lý chất phác thâm áo, khái quát la liệt thiện ác ảnh hưởng khả vị vi hiển xiển u.»
詞 理 質 樸 深 奧 概 括 羅 列 善 惡 影 響 可 謂 微 顯 闡 幽
(Từ ngữ và lý lẽ chất phác, thâm áo, khái quát vô số thiện báo và ác báo, có thể gọi là làm rõ được sự tế vi và sâu kín).
Dù theo giả thiết Cảm Ứng Thiên có từ đời Tấn [cách nay trên 1500 năm] hoặc cho rằng Kinh này bắt đầu từ đời Nam Tống [cách nay khoảng 700 năm] thì ta thấy ngôn ngữ của Cảm Ứng Thiên thuộc về Hán Ngữ cổ đại.
Về phương diện từ nghĩa 詞義 có những từ mà ý nghĩa hiểu khác với ngày nay, như hữu 友 ngày nay hiểu là bạn bè, nhưng nghĩa cổ là tình anh đối với em (huynh đối đệ thân ái 兄對弟親愛 [trong câu trung hiếu hữu đễ, điều 3- Tích Thiện]. Ngày nay còn hiểu hữu là tốt đẹp với nhau, thân ái với nhau (tương hảo, hỗ tương thân ái 相好, 互相親愛). Sự dời chuyển từ nghĩa theo thời gian (shift of meaning) là hiện tượng bình thường trong các ngôn ngữ. Một chữ khác là chữ lạp 臘 [trong câu hối lạp ca vũ, điều 6- Chư Ác] thì gần với nghĩa ngày nay là tháng chạp, đôi khi cũng nói là lạp nguyệt 臘月. Thí dụ nói lạp bát 臘八 tức là mồng tám tháng chạp âm lịch, là ngày người Trung Quốc nấu cháo [gồm ngũ cốc và các mứt quả khô] để cúng tế tổ tiên và thần linh.[46]
Nhưng thời Tiên Tần, lạp là ngày tế lễ bách thần vào tháng mười âm lịch, đến Tần Thủy Hoàng thì bị dời vào tháng chạp. Trong thiên Ngũ Đố 五蠹 của Hàn Phi Tử 韓非子có câu:
«Phù sơn cư nhi cốc cấp giả lâu lạp nhi tương di dĩ thủy»
夫 山 居 而 谷 汲 者 臘 而 相 遺 以 水
(Cư dân nơi sơn cốc lấy nước ở đó để dùng thì những ngày lễ lâu và lạp lấy nước để tặng nhau).
Lâu là ngày tế lễ thần ẩm thực tại nước Sở vào tháng Hai âm lịch, Lạp ở đây chỉ có nghĩa là ngày tế lễ bách thần vào tháng 10 âm lịch.[47] Chữ hoặc 或 trong Hán ngữ hiện đại thường mang ý có lẽ/ hoặc là, nhưng trong cổ văn nó còn là một vô định đại từ, dịch là «có người» tương đương cụm từ 有的人 trong Hán ngữ hiện đại.
Thí dụ, Tư Mã Thiên viết Báo Nhiệm An Thư 報任安書 có câu: «Nhân cố hữu nhất tử, hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao» 人 固 有 一 死 或 重 於 泰 山 或 輕 於 鴻 毛 (Người ta ai cũng có một lần chết, có người xem nó nặng như Thái Sơn, có người xem nó nhẹ như lông hồng).[48]
Điều 5 trong Cảm Ứng Thiên mở đầu bằng chữ Cẩu hoặc 苟或, phải dịch là «Nếu như có người mà...». Ở Điều 2 có câu: «Đoạt kỳ kỷ toán» 奪其紀算 và: «Phàm nhân hữu quá, đại tắc đoạt kỷ, tiểu tắc đoạt toán» 凡 人 有 過 大 則 奪 紀 小 則 奪 算.
Kỷ và toán là hai khái niệm cổ mà Hán ngữ hiện đại đã loại bỏ ý nghĩa này: Kỷ là 12 năm và toán là 100 ngày. Các tự/từ điển như Khang Hi, Từ Hải, Học Sinh Cổ Hán Ngữ Từ Điển, Cổ Hán Ngữ Thường Dụng Tự Tự Điển đều giải thích Kỷ 紀 là đơn vị thời gian bằng 12 năm.
Nhưng Toán thì không còn xem là một đơn vị thời gian nữa. Tuy nhiên Cát Hồng Bão Phác Tử Nội Thiên đã định nghĩa Kỷ là 300 ngày và Toán là 3 ngày (Kỷ giả tam bách nhật dã 紀 者 三 百 日 也.Toán giả tam nhật dã 算 者 三 日 也).
Kỷ toán dùng chung với nhau hiểu là tuổi thọ. Hai câu trên phải dịch là «bị giảm tuổi thọ» và «Hễ người nào có lỗi thì mỗi lỗi lớn bị trừ 12 năm, mỗi lỗi nhỏ bị trừ 100 ngày».
Trong tiếng Việt ngày nay, nhiều người thích dùng từ thập kỷ với ý là 10 năm [thí dụ: thập kỷ 90, lẽ ra phải nói là thập niên 90]. Nói thập kỷ như vậy là sai vì thập kỷ sẽ có nghĩa là 120 năm.
Về phương diện ngữ pháp, phần lớn câu văn được viết ngắn gọn, ẩn chủ ngữ. Cảm Ứng Thiên dùng rất ít hư tự 虛字 tức là chữ có chức năng ngữ pháp (function words), đây là điều đặc biệt hiếm thấy trong cổ văn. Hư tự được dùng trong kinh này thường là: Thị dĩ 是以, chi 之, tắc 則, hựu 又, kỳ 其, giả 者, dã 也, ư 於, nhược 若, cẩu 苟, tất 必, phù 夫, sở 所, sở dĩ 所以, hồ 胡...
Về biện pháp tu từ, Cảm Ứng Thiên thường dùng phép tịnh đề 并提 mà ta hay gọi là cài răng lược (có thể xem là tiểu đối 小對). Phép tu từ này cũng thường thấy trong tiếng Việt, như ta nói trăm cay ngàn đắng, gió thảm mưa sầu, cười đau khóc hận... Cảm Ứng Thiên có những cách nói như vậy, thí dụ: căng cô tuất quả, biếm chính bài hiền, lăng cô bức quả, thương thai phá noãn...
Một phép tu từ khác là tỉ dụ 比喻 chỉ dùng một lần nơi điều 7: «Hựu uổng sát nhân giả, thị dịch đao binh nhi tương sát dã. Thủ phi nghĩa chi tài, thí như lậu phụ cứu cơ, trấm tửu chỉ khát. Phi bất tạm bão, tử diệc cập chi.» 又 枉 殺 人 者 , 是 易 刀 兵 而 相 殺 也 . 取 非 義 之 財 者 , 譬 如 漏 脯 救 饑 , 鴆 酒 止 渴 , 非 不 暫 飽 死 亦 及 之 (Lại có kẻ giết oan người khác [sau này cũng bị giết lại] giống như đổi đao gươm mà giết nhau. Giữ của cải phi nghĩa [để làm giàu] cũng giống như dùng thịt độc rượu độc để đỡ đói khát, nhưng chẳng tạm no lòng mà khiến cái chết xảy đến cho mình).
Nói chung, ngôn ngữ của Cảm Ứng Thiên giản dị chất phác, không dùng điển cố văn học gì, không dùng những phép tu từ cầu kỳ trong văn bản hơn 1200 chữ Hán.[49] Ta thấy tác giả của quyển kinh khuyến thiện này không nhắm vào việc sáng tác văn chương, mà chỉ muốn dùng những lời lẽ giản phác để bất cứ ai cũng hiểu được, nhằm xiển dương lẽ Thiên nhân tương cảm và nhân quả báo ứng. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến cho kinh phổ biến khắp mọi giai tầng trong xã hội.
VII. BÃO PHÁC TỬ NỘI THIÊN VÀ CẢM ỨNG THIÊN
Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇 gồm 20 quyển là tác phẩm tôn giáo, triết học và khoa học kỹ thuật do Cát Hồng 葛洪 [283-363] đời Tấn trứ tác. Đây là một tác phẩm bất hủ của Trung Quốc có giá trị độc đáo trên lĩnh vực Đạo giáo sử, hoá học sử và y học sử mà bất cứ ai nghiên cứu về Đạo giáo Trung Quốc đều phải tìm đọc.
Giá trị của tác phẩm này bao gồm hai điểm:
(1) Giá trị sử liệu Đạo giáo và
(2) giá trị sử liệu của khoa học kỹ thuật Trung Quốc cổ đại.
Cát Hồng tự là Trĩ Xuyên 稚川, hiệu là Bão Phác Tử 抱朴子 (đời gọi là Tiểu Tiên Ông 小仙翁), quê ở Đan Dương 丹陽, Cú Dung 句容 (nay thuộc Giang Tô 江蘇), xuất thân là sĩ tộc thế gia, là hào tộc ở Giang Nam 江南.
Ông tổ là Cát Phổ Lư 葛浦廬, làm Phiêu kỵ đại tướng quân 驃騎大將軍. Tổ phụ là Cát Hệ, làm Tam Quốc Ngô nhậm lại bộ thị lang 三國吳任吏部侍郎 và Ngự sử trung thừa 御史中丞. Cha ông là Cát Đễ Tiên 葛悌先, làm Ngô nhậm ngũ quan lang 吳任官郎.
Thuở nhỏ Cát Hồng lập chí làm văn nho để chấn hưng Nho giáo. Ông nhậm chức Tư Nghị Tham Quân 諮議參軍 nhưng vì thời thế ông từ quan ở ẩn, bỏ Nho theo Đạo, chuyên cần luyện đan ở La Phù Sơn 羅浮山, Quảng Châu 廣州. Đó là năm Quang Hi 光熙 nguyên niên (tức năm 306) đời Tây Tấn.
Từ luyện đan, ông tìm cầu thuật trường sanh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Bão Phác Tử Nội Thiên được ông viết trong thời kỳ ở La Phù Sơn đến năm Kiến Vũ 建武 nguyên niên (tức năm 317) đời Đông Tấn thì xong. Cát Hồng học đạo nơi Trịnh Tư Viễn 鄭思遠 tức là Trịnh Ẩn 鄭隱) mà không học nơi Cát Huyền 葛玄 (Cát Huyền là chú của Cát Hồng, vốn là sư phụ của Trịnh Tư Viễn).
* Hệ thống truyền thừa đan đạo này như sau:
(1) Tả Từ 左慈 (Tả Nguyên Phóng 左元放) truyền đạo (các bộ kinh: Bạch Hổ Thất Biến Kinh 白虎七變經, Thái Thanh Kim Dịch Thần Đan Kinh 太上金液神丹經, Tam Nguyên Chân Nhất Diệu Kinh 三元真一妙經, Hoàng Đế Cửu Đỉnh Thần Đan Kinh 皇帝九鼎神丹經, ...) cho Cát Huyền 葛玄 (tự Hiếu Tiên 孝先, đời gọi là Cát Tiên Ông 葛仙翁).
(2) Cát Huyền truyền đạo (bộ kinh và phù lục gọi là Động Thần Kinh 洞神經, gồm Chính Nhất Pháp Văn 正一法文, Tam Tinh Nội Văn 三星內文, Ngũ Nhạc Chân Hình Đồ 五岳真形圖, Động Huyền Ngũ Phù 洞玄五符, ...) cho Trịnh Tư Viễn 鄭思遠 (tức Trịnh Ẩn 鄭隱).
(3) Trịnh Tư Viễn truyền đạo cho Cát Hồng 葛洪.
Cát Hồng kế thừa và sửa đổi lý luận về thần tiên thuở ban đầu của Đạo giáo.
Ông không những tổng kết toàn bộ những lý luận về thần tiên từ đời Tấn về trước mà còn tổng kết các phép tu luyện như thần tiên phương thuật (bao quát thủ nhất, hành khí, đạo dẫn, phòng trung thuật, v.v) trước đời Tấn.
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh sự kết hơp thần tiên phương thuật với hệ thống đạo đức của Nho giáo: «Kẻ mong thành thần tiên, phải lấy trung, hiếu, hoà, thuận, nhân, tín làm gốc.
Nếu ai không tu sửa đức hạnh mà vụ cầu phương thuật thì đều không được trường sinh.Hoàng Đế và Lão Tử], thuyết âm dương ngũ hành, và thuyết thiên nhân cảm ứng.
Hạt tâm trong lý luận của Cát Hồng là Huyền 玄, còn mục tiêu của ông là Thần 神, Tiên 仙, và Trường sinh 長生, và con đường tu luyện là thể Đạo đắc tiên 體道得仙 bao quát 4 điểm cụ thể sau đây:
(1) Lý luận về thần tiên:
Trong quyển 1 (Sướng Huyền 暢玄) của bộ Bão Phác Tử Nội Thiên, Cát Hồng trình bày vũ trụ quan rằng: bản thể vũ trụ là Huyền (tương đương khái niệm Đạo hay Nhất).
Ông nói: «Huyền giả, tự nhiên chi thủy tổ, nhi vạn thù chi đại tông dã» 玄 者 自 然 之 始 祖 而 萬 殊 之 大 宗 也 (Huyền là thủy tổ của cõi tự nhiên, là cái gốc lớn của vạn vật sai biệt). Huyền sản sinh ra thiên địa và vạn vật. Huyền là cơ sở lý luận của Cát Hồng về phương thuật và thần tiên luận.
Trong 5 quyển Luận Tiên 論仙, Đối Tục 對俗, Chí Lý 至理, Tắc Nan 塞難, và Biện vấn 辦問, ông khẳng định thần tiên là có thật và con người có thể học hỏi để thành thần tiên.
Thần tiên, theo ông nghĩ, là những người
«lấy thuốc để dưỡng sinh, lấy thuật số để kéo dài mạng sống, làm cho trong thân không sinh bệnh tật, làm cho hoạn nạn bên ngoài không xâm nhập vào mình»
(Dĩ dược vật dưỡng sinh, dĩ thuật số diên mệnh, sử nội tật bất sinh, ngoại hoạn bất nhập)
以 藥 物 養 生, 以 術 數 延 命 ,使 內 疾 不 生, 外 患 不 入,
nhờ thế sẽ trường sinh cửu thị (tức là trường sinh bất tử). Con người sở dĩ chẳng gặp tiên vì tiên tục đôi đường thanh trọc khác nhau, nếu ai không đắc đạo thì chẳng bao giờ gặp tiên.
Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế xưa kia cầu thành tiên mà không được vì chẳng chịu tu. Muốn thành tiên thì phải:
(a) chí thành tin tưởng là có tiên,
(b) tìm minh sư và đêm ngày chuyên cần tu luyện,
(c) điềm tĩnh vô dục,
(d) tích thiện, lập công quả, lòng từ bi
trải rộng khắp chúng sinh. Lập được 300 việc thiện thì thành địa tiên, 1200 việc thiện thì thành thiên tiên.
Ông còn nhấn mạnh:
«Dục cầu tiên giả, đương dĩ trung hiếu hòa thuận nhân tín vi bản. Nhược đức hạnh bất tu, nhi đản vụ phương thuật, giai bất đắc trường sinh dã»
欲 求 仙 者 , 當 以 忠 孝 和 順 仁 信 為 本 . 若 德 行 不 修 , 而 但 務 方 術 ,皆 不 得 長 生 也
(Kẻ mong thành tiên phải lấy trung, hiếu, hòa thuận, nhân ái, tín thành làm gốc. Nếu không tu dưỡng đức hạnh mà vụ cầu những phương thuật thì không thể sống lâu được).
(2) Tiên đạo phương thuật:
Các quyển Kim Đan 金丹, Hoàng Bạch 黃白, Tiên Dược 仙藥, Vi Chỉ 微旨, Tạp Ứng 雜應, ThíchTrệ 釋滯 và Thủ Chân 守真 của Bão Phác Tử Nội Thiên luận về phương thuật của tiên gia mà ba điều quan trọng là hành khí, phòng trung, và phục tiên dược.
Phục thực kim đan (tiên dược) là mấu chốt của đạo trường sinh bất tử. Ông nói:
«Trường sinh chi đạo bất tại tế lễ sự quỉ thần dã, bất tại đạo dẫn dữ khuất thân dã, thăng tiên chi yếu, tại thần đan dã»
長 生 之 道 不 在 祭 禮 事 鬼 神 也 , 不 在 導 引 與 屈 伸 也 , 升 仙 之 要 ,在 神 丹 也
(Đạo trường sinh chẳng phải ở chỗ thờ cúng quỉ thần, cũng chẳng phải ở phép đạo dẫn vận động co duỗi, mà điều quan trọng để phi thăng thành tiên là thần đan vậy).
(3) Đạo giáo pháp thuật:
Bão Phác Tử Nội Thiên ghi chép những pháp thuật lưu hành vào đời Ngụy Tấn như các phép tàng hình, ẩn thân biến hóa thành những chủng loại động vật khác nhau, phép địa hành một ngày đi ngàn dặm, v.v. trong các quyển Tạp Ứng 雜應, Chí Lý 至理, Đăng Thiệp 登涉 , và Địa Chân 地真.
(4) Kỹ thuật Trung Quốc cổ đại:
Các quyển Kim Đan và Hoàng Bạch ghi chép cụ thể về phép luyện kim, coi như là thành tựu của phép luyện đan trước thời Ngụy Tấn mà Joseph Needham gọi là một thứ giả khoa học (pseudo-science), [52] là mở đường cho ngành hóa học Trung Quốc.
Trên đây là giới thiệu sơ lược về Cát Hồng và tác phẩm rất danh tiếng của ông: Bão Phác Tử Nội Thiên.
Sau đây chúng ta đối chiếu một phần của quyển 6 [Vi Chỉ] trong Nội Thiên [53] với điều 2 của Cảm Ứng Thiên.
Bão Phác Tử- quyển 6: Vi Chỉ
天 地 有 司 過 之 神, 隨 人 所 犯 輕 重 , 以 奪 其 算 , 算 減 則 人 貧 耗 疾 病 , 屢 逢 憂 患 , 算 盡 則 人 死 , 諸 應 奪 算 者 有 數 百 事, 不 可具 論 . 又 言 身 中 有 三 尸 , 三 尸 之 為 物 雖 無 形 而 實 魂 靈 鬼 神 之 屬 也 . 欲 使 人 早 死 , 此 尸 當 得 作 鬼, 自 放 縱 游 行 , 享 人 祭 酹 . 是 以 每 到 庚 申 之 日, 輒 上 天 白 司 命 , 道 人 所 為 過 失 . 又 月 晦 之 夜 , 灶 神 亦 上 天 白 人 罪 狀 , 大 者 奪 紀 , 紀 者 , 三 百 日 也 . 小 者 奪 算 .算 者, 三 日 也 .
Thiên địa hữu Tư Quá chi thần, tùy nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt kỳ toán, toán giảm tắc nhân bần hao tật bệnh, lũ phùng ưu hoạn, toán tận tắc nhân tử, chư ưng đoạt toán giả hữu sổ bách sự, bất khả cụ luận. Hựu ngôn thân trung hữu Tam Thi, Tam Thi chi vi vật, tuy vô hình nhi thực hồn linh quỉ thần chi thuộc dã. Dục sử nhân tảo tử, thử thi đương đắc tác quỉ, tự phóng túng du hành, hưởng nhân tế loại. Thị dĩ mỗi đáo canh thân chi nhật, triếp thướng thiên bạch Tư Mệnh, đạo nhân sở vi quá thất. Hựu nguyệt hối chi dạ, Táo thần diệc thướng thiên bạch nhân tội trạng. Đại giả đoạt kỷ. Kỷ giả, tam bách nhật dã. Tiểu giả đoạt toán. Toán giả, tam nhật dã.
(Trời đất có thần Tư Quá, tùy theo tội nặng hay nhẹ của con người mà bớt tuổi của họ; tuổi giảm thì nghèo, tốn hao, và tật bệnh, thường gặp lo rầu;tuổi hết thì chết; những sự việc cần phải bớt tuổi có đến vài trăm việc, nên không thể kể ra hết ở đây. Lại nói trong thân thể có Tam Thi. Tam Thi là vật, tuy vô hình nhưng thuộc loại hồn linh quỉ thần; chúng muốn cho con người mau chết sớm để chúng thành quỉ thoát khỏi xác con người mà phóng túng du hành, hưởng thụ vật cúng tế của người. Cho nên mỗi khi đến ngày canh thân, chúng bay lên trời báo cáo với thần Tư Mệnh về tội lỗi của con người. Lại nữa, mỗi đêm cuối tháng âm lịch, Táo thần cũng bay lên trời báo cáo tội trạng của con người. Tội lớn thì bớt kỷ. Kỷ là 300 ngày. Tội nhỏ bớt toán. Toán là 3 ngày).
Cảm Ứng Thiên: điều 2
天 地 有 司 過 之 神 , 依 人 所 犯 輕 重 , 以 奪 人 算 . 算 減 則 人 貧 耗 多 逢 憂 患 , 人 皆 惡 之 , 刑 禍 隨 之 , 吉 慶 避 之 , 惡 星 災 之 , 算 盡 則 死 . [...] 又有 三 尸 神 在 人 身 中 , 每 到 庚 申 之 日, 輒 上 詣 天 曹 ,言 人 罪 過 , 月 晦 之 日 , 灶 神 亦 然 . 凡 人 有 過 , 大 則 奪 紀 , 小 則 奪 算 .
Thiên địa hữu Tư Quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán. Toán giảm tắc nhân bần hao đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tị chi, ác tinh tai chi, toán tận tắc tử.[...] Hựu hữu Tam Thi thần tại nhân thân trung, mỗi đáo canh thân chi nhật, triếp thướng nghệ thiên tào, ngôn nhân tội quá, nguyệt hối chi nhật, táo thần diệc nhiên.Phàm nhân hữu quá, đại tắc đoạt kỷ, tiểu tắc đoạt toán.
(Trời đất có thần Tư Quá,tùy theo tội nặng hay nhẹ của người mà bớt tuổi của họ.Tuổi giảm ắt người bị nghèo, hao tốn, và gặp nhiều lo rầu, người đời ghét bỏ, tai họa đi theo, không được vui mừng may mắn, ác tinh gieo họa, tuổi hết thì chết.[...] Lại có thần Tam Thi trong thân thể con người, mỗi khi đến ngày Canh Thân thì bay thẳng đến Thiên tào báo cáo tội lỗi của con người; ngày cuối tháng âm lịch, ông Táo cũng thi hành y như vậy. Người hễ có lỗi, lỗi lớn thì bớt bị kỷ, lỗi nhỏ thì bị bớt toán).
Qua sự so sánh trên đây, chúng ta thấy nhiều câu văn gần như y hệt nhau. Điều đó chứng minh rằng nếu Cảm Ứng Thiên xuất hiện sau Bão Phác Tử Nội Thiên (cứ cho là khoảng đời Tống) thì tác giả của Cảm Ứng Thiên không thể nào là Đức Thái Thượng Lão Quân được vì lẽ nào bậc thần tiên lại sao chép văn chương thế nhân.
Trở lại với giả thiết của Lý Cương, ta thấy họ Lý suy luận có phần hợp lý: Một đạo sĩ ẩn danh vào cuối đời Tống đã dựa trên những tác phẩm như Thái Bình Kinh của đời Đông Hán và Bão Phác Tử Nội Thiên thời Ngụy Tấn đồng thời vận dụng tư tưởng và luân lý tam giáo dung hợp với những qui ước đạo đức phổ quát mà sáng tác ra Cảm Ứng Thiên. Để tăng trọng lượng của tác phẩm, đạo sĩ đã mượn danh Thái Thượng Lão Quân là tác giả.
TẠM KẾT
Bài viết này góp phần tìm hiểu Cảm Ứng Thiên của Đạo giáo Trung Quốc, tức là Kinh Cảm Ứng .
Tuy còn có những vấn đề mà cho đến nay người ta không thể nào xác quyết được (như vấn đề tác giả và thời gian hình thành tác phẩm), nhưng tác phẩm khuyến thiện tối cổ này vẫn có giá trị nhất định và là một trong những nhân tố rèn luyện đạo đức cho con người Đông phương.
Sách khuyến thiện (thiện thư) có ba vấn đề:
(1) ấn tống phổ biến,
(2) đọc hiểu nội dung, và
(3) thi hành (tức hành thiện).
Trong đó, hành thiện là quan trọng nhất, như Cảm Ứng Thiên đã khẳng định: «Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành» 諸 惡 莫 作 眾 善 奉 行 (chớ làm mọi điều ác, hãy làm mọi điều thiện).
LÊ ANH MINH
************
CHÚ THÍCH
[1] Người Việt ở miền Nam Việt Nam – nhất là tín đồ Cao Đài – dùng từ «phò loan».
[2] Cát Nguyên Chiêu Trị 吉元昭治, Đạo Giáo Dữ Bất Lão Trường Thọ Y Học 道教與不老長壽醫學 (nguyên tựa: 道教と不老長壽の醫學), bản dịch Hán văn của Dương Vũ 楊宇, Thành Đô xuất bản xã (=xbx), 1992, tr. 81.
[3] Phần phiên âm và dịch chú kinh văn Cảm Ứng Thiên cũng như phần khảo dịch và chú thích Âm Chất Văn và Công Quá Cách được trình bày trong quyển Thiện Thư trong thư tịch Đạo giáo của Lê Anh Minh.
[4] Nguyên văn: khắp phố phường ngõ hẻm trong thiên hạ chẳng nơi nào mà kinh không truyền bá đến (phổ thiên hạ nhai cù lý hạng, vô bất truyền bố).
[5] Ngô Phong 吳楓 chủ biên, Trung Hoa Đạo Học Thông Điển 中華道學通典, Nam Hải Xuất Bản Công Ty, Trung Quốc, 1994, tr. 785.
[6] Khanh Hy Thái 卿希泰 chủ biên, Trung Quốc Đạo Giáo 中國道教, Đông Phương xbx Trung Tâm, Thượng Hải, 1996, quyển 2, tr. 124.
[7] Cát Nguyên Chiêu Trị, sđd., tr. 80.
[8] Lý Cương 李剛, Đạo Giáo Sinh Mệnh Lý Luận 道教生命理論, Tứ Xuyên Nhân Dân xbx, 1994, tr. 133.
[9] Chu Việt Lợi 朱越利, Đạo Kinh Tổng Luận 道經總論, Liêu Ninh Giáo Dục xbx, 1991, tr. 341.
[10] Lý Lạc Cầu 李樂俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙學妙選, Chân Thiện Mỹ xb, Đài Bắc, tr. 6.
[11] Ngô Phong, sđd., tr. 1013.
[12] Holmes Welch, Đạo Chi Phân Kỳ 道之分歧 (Taoism, the Parting of the Way), Boston, 1967, tr. 140. (Probably composed in the 11th century A.D., these came to be widely distributed by monasteries and by charitable societies).
[13] Joseph Needham, Science & Civilisation in China, Vol. 2, p. 159. (The foundations of the patrology, the Tao Tsang, were laid in +745. Many Taoist books were written, such as the Yin fu Ching [Harmony of the Seen and the Unseen] of Li Chuan. Many distinguished men, such as Li Pai, were practising Taoist initiates. Under strong pressure to compete with Confucianism and Buddhism, the Taoists now appeared in the role of preachers of conventional morality, hence the Thai Shang Kan Ying Phien [tractate of Actions and Retributions] of the early +11th century; following the Kung Kuo Ko [Examination of Merits and Demerits] attributed to the famous alchemist and hsien Luš Tung Pin.)
Công Quá Cách có nhiều chủng loại, bản mà Needham cho là của Lữ Động Tân vốn được gọi: Thập Giới Công Quá Cách 十誡功過格, đã được Léon Wieger dịch sang tiếng Pháp). Tác giả của Âm Phù Kinh 陰符經 (mà Needham bảo do Lý Thuyên 李筌 sáng tác) là một vấn đề hấp dẫn khác.
Theo các học giả Trung Quốc hiện đại, chưa rõ ai là tác giả của Âm Phù Kinh. Bản Âm Phù Kinh in trong Trung Quốc Khí Công Đại Thành 中國氣功大成, Phương Xuân Dương 方春陽 chủ biên, Cát Lâm Khoa Học Kỹ Thuật xbx, 1999, tr. 383, ghi là Lý Thuyên tập chú (chứ không phải là tác giả như Needham bảo).
[14] Encyclopedia of Religion, vol. 14, New York Macmillan, 1987, mục từ Taoism, tr. 298. Ko Hung asserted in his Pao-p’u-tzu that without the practice of virtues it was useless to wish to become an immortal. His text provided a list of good and evil deeds that remained the code of popular morality. Morality tracts [shan-shu] many of which were based on Ko Hung’s list, began to appear in the twelfth century. The most famous are the Kan-ying p’ien [Book of Divine Responses to the Conduct of Men] and the Kung-kuo ke [Diagram of Meritorious Actions and Sins].
[15] Khanh Hy Thái, Sđd., quyển 2, tr. 125 và Lý Cương, Sđd., tr. 144-145.
[16] Holmes Welch, Sđd., tr. 139-140.
[17] Âm Chất Văn đã được P.Carus và D.T. Suzuki dịch ra tiếng Anh với nhan đề Yin Chih Wen - The Tract of the Quiet Way [nxb Open Court Publishing Co.,1906] [H. Welch, Sđd., tr. 140]. Trong Sources of Chinese Tradition, Vol. II, của WM. Theodore de Bary, Wing-tsit Chan, và Chester Tan, có in bản dịch tiếng Anh của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (The Treatise of the Most Exalted One on Moral Retribution, tr. 287-290) và Âm Chất Văn (The Silent Way of Recompense, tr. 290-293).
[18] James Legge (Lý Nhã Các 理雅閣, 1815 - 1897) là giáo sĩ Hội Truyền Giáo London (the London Missionary Society), cũng là một Hán học đại gia cự phách. Xem tiểu sử của J. Legge trong: Dương Ngọc Dũng & Lê Anh Minh, Kinh Dịch và Cấu Hình Tư Tưởng Trung Quốc, nxb Khoa Học Xã Hội, 1999, tr. 631-632.
[19] Tức là Thái Hạo 太皓, Viêm Đế 炎帝, Hoàng Đế 黃帝, Thiếu Hạo 少皓 và Chuyên Húc 顓頊.
[20] Ngũ Hoa 伍華 chủ biên, Chu Dịch Đại Từ Điển 周易大辭典, Quảng Châu, 1993, tr. 1009.
[21] Khanh Hy Thái, Sđd., quyển 2, tr. 124.
[22] Ngũ giới cấm 五戒禁: (1) Bất sát sinh 不殺生, (2) Bất du đạo 不偷盜, (3) Bất tà dâm 不邪淫, (4) Bất vọng ngữ 不妄語, và (5) Bất ẩm thực tửu nhục 不飲食酒肉.
[23] Ninh Chí Tân 寧志新 chủ biên, Đạo Giáo Thập Tam Kinh 道教十三經, Hà Bắc, 1994, quyển hạ, tr. 1051 (Bão Phác Tử Nội Thiên, quyển 3 - Đối Tục).
[24] Holmes Welch, Sđd., tr. 140 -141
[25] Nam Hoa Kinh 南華經, Thu Thủy 秋水.
[26] Nam Hoa Kinh 南華經, Tề Vật Luận 齊物論.
[27] Mạnh Tử 孟子, Tận Tâm [thượng] 上].
[32] Luận Ngữ 論語, Nhan Uyên 顏淵.
[33] Luận Ngữ 論語, Học Nhi 學而.
[34] Mạnh Tử 孟子, Tận Tâm [thượng] 39] Lý Viễn Quốc 李遠國, Đạo Giáo Khí Công Dưỡng Sinh Học 道教氣功養生學, Tứ Xuyên Tỉnh Xã Hội Khoa Học xbx, Thành Đô, 1988, tr. 95.
[40] Khanh Hy Thái, Sđd., quyển 3, tr. 172.
[41] Đạo Gia Nhiếp Sinh Bí Pháp 道家攝生秘法, Nội Mông Cổ Nhân Dân xbx, 1992, tr. 16.
[42] Thượng Hải Phật Học Thư Cục 上海佛學書局 ấn hành, không ghi năm.
[43] Ngô Phong 吳楓 chủ biên, Trung Hoa Đạo Học Thông Điển 中華道學通典, Nam Hải Xuất Bản Công Ty, 1994, tr. 785-790.
[44] Lý Lạc Cầu 李樂俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙學妙選, Chân Thiện Mỹ 真善美 xuất bản, Đài Bắc, [năm ?].
[45] Thánh Thất Tân Định ấn tống, giấy phép xuất bản 18-11-1964, khổ nhỏ 12 x 14 cm, 32 trang, in chung với Cứu Khổ Chơn Kinh, Chú Vãn Sanh, Bài Thần Chú Cứu Nạn của Đức Lữ Tổ.
[46] Nhà văn Trung Quốc hiện đại là Lão Xá 老舍 (1899-1996) mô tả món cháo thập cẩm của ngày Lạp bát hết sức sinh động trong đoản thiên Tiết Xuân Bắc Kinh 北京的春節 Bắc Kinh đích Xuân Tiết) và dí dỏm gọi món cháo này là «cuộc triển lãm nông nghiệp ở qui mô nhỏ» (小型的農業展覽會Tiểu hình đích nông nghiệp triển lãm hội).
[47] Xem Điền Thụy Quyên 田瑞娟 và Trương Liên Vinh 張聯榮 chủ biên, Văn Ngôn Văn Yếu Lãm 文言文要覽, Đại Học Bắc Kinh xb, 1988, tr. 3.
[48] Xem Vương Lực 王力 chủ biên, Cổ Hán Ngữ Thường Dụng Tự Tự Điển 古漢語常用字字典, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh, 1993, tr. 127, và Trần Cao Xuân 陳高春 chủ biên, Thực Dụng Hán Ngữ Ngữ Pháp Đại Từ Điển 實用漢語語法大辭典, Bắc Kinh, 1989, tr. 597.
[49] Điều này ngược với Âm Chất Văn, tuy là một bản văn rất ngắn nhưng Âm Chất Văn có khá nhiều điển cố văn học, có lẽ tác giả muốn nhắm vào tầng lớp sĩ nhân hơn là người bình dân.
[50] Dục cầu tiên giả, yếu đang dĩ trung hiếu hoà thuận nhân tín vi bản. Nhược đức hạnh bất tu, nhi đản vụ cầu phương thuật, giai bất đắc trường sinh 欲 求 仙 者 , 要 當 以 忠 孝 和 順 仁 信 為 本 . 若 德 行 不 修 , 而 但 務 求 方 術 , 皆 不 得 長 生 也.
[51] Lãm chư Đạo giới, vô bất vân dục cầu trường sinh giả, tất dục tích thiện lập công, từ tâm ư vật, thứ kỷ cập nhân, nhân đãi côn trùng, lạc nhân chi cát, mẫn nhân chi khổ, chu nhân chi cấp, cứu nhân chi cùng, thủ bất thương sinh, khẩu bất khuyến họa, kiến nhân chi đắc như kỷ chi đắc, kiến nhân chi thất như kỷ chi thất, bất tự quý, bất tự dự, bất tật đố thắng kỷ, bất nịnh siểm âm tặc, như thử nãi vi hữu đức, thụ phúc ư thiên, sở tác tất thành, cầu tiên khả ký dã. 覽 諸 道 戒 , 無 不 云 欲 求 長 生 者, 必 欲 積 善 立 功 , 慈 心 於 物 , 恕 己 及 人 , 仁 逮 昆 蟲 , 樂 人 之 吉 , 愍 人 之 苦 , 賙 人 之 急 , 救 人 之 窮 ,手 不 傷 生 , 口 不 勸 禍 , 見 人 之 得 如 己 之 得 , 見 人 之 失 如 己 之 失 , 不 自 貴 , 不 自 譽 , 不 嫉 妒 勝 己 , 不 佞 諂 陰 賊 , 如 此 乃 為 有 德 , 受 福 於 天 , 所 作 必 成 , 求 仙 可 冀 也 .
[52] Trần Lập Phu 陳立夫 dịch là ngụy khoa học 偽科學, xem Trung Quốc Cổ Đại Khoa Học Tư Tưởng Sử 中國古代科學思想史, Giang Tây Nhân Dân xbx, 1990. Đây là một bản dịch Anh Hán từ quyển Science & Civilisation in China, Vol. 2, của Joseph Needham (Lý Ước Sắt 李約瑟 tức Đan Diệu 丹耀 hay Thắng Nhũng Tử 勝冗子 hay Thập Túc Đạo Nhân 十宿道人).
[53] Đạo Giáo Thập Tam Kinh 道教十三經, Ninh Chí Tân 寧志新 chủ biên, Hà Bắc Nhân Dân xbx, 1994, quyển hạ, tr. 1099 (Bão Phác Tử Nội Thiên 抱朴子內篇, quyển 6 - Vi Chỉ 微旨).
------------------
******************