Sunday, December 13, 2020

Việc học tập - Học tập Nữ Đức

Học tập Nữ Đức
Việc học tập - Học tập Nữ Đức



Download Sach ve in: 






Học tập Nữ Đức (Tập 1)

Các vị thầy cô tôn kính, xin chào mọi người!

Hôm nay tôi xin phép báo cáo với quý vị về những trải nghiệm tâm đắc khi tôi học tập “Nữ Đức”. Tính đến năm nay tôi đã làm phụ nữ ba mươi tám năm rồi, nhưng trên thực tế thì tôi chưa bao giờ tiếp xúc với “Nữ Đức”, cũng chưa từng học tập một cách có hệ thống. Vào tháng tư khi đến Hồng Kông, tôi nhận được sự quan tâm của Tiến Sĩ Chung, Ngài hy vọng tôi có thể phát tâm vì đại chúng giảng giải về “Nữ Đức”, nên tôi mới trở về nhà bắt đầu học tập vì vậy cảm thấy rất xấu hổ. Ngày hôm nay tại đây, tôi xin đem những trải nghiệm tâm đắc mà bản thân tự tu học “Nữ Đức” ở nhà trong hai tháng qua chia sẻ với quý vị.

Bởi vì bản thân tôi ban đầu khi mới bước chân vào xã hội, chịu sự ảnh hưởng của xã hội, nên tôi có một khái niệm rất kiên cố, đó chính là làm phụ nữ thì phải độc lập, phải có công ăn việc làm, phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, phải làm chủ về mặt kinh tế. Cho nên khi vừa tốt nghiệp đại học, vốn dĩ tôi được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh miễn phí, nhưng lúc đó tôi liền nói với chủ nhiệm lớp: “cho dù như thế nào thì em cũng không thể học tiếp được, em nhất định phải nhanh chóng ra ngoài kiếm tiền, nên thầy hãy nhường vị trí này cho người khác”. Lúc đó mới hai mươi mốt tuổi tôi đã tốt nghiệp đại học, sau khi tốt nghiệp thì vào xã hội làm việc. Lúc mới bắt đầu thì tôi làm nhân viên nhà nước. Làm hết một năm, cảm thấy tiền kiếm được quá ít nên tôi đã từ chức, chuyển sang làm việc tại một công ty chứng khoán. Lúc đó, tôi làm nhân viên giao dịch trong công ty chứng khoán nên kiếm được nhiều tiền. Quan niệm này liên tục ảnh hưởng đến tôi, cho đến trước khi tôi học tập “Nữ Đức”.

Năm ngoái, tôi còn nhớ trong buổi họp cho nhân viên, tôi còn nói với các nhân viên nữ là: “Các cô cần phải tự lập để làm một phụ nữ mạnh mẽ, phải có công ăn việc làm. Trong những lúc quan trọng trong túi phải có tiền, phải có thể làm chủ”. Những nhân viên nữ của chúng tôi đều cho rằng nên như vậy.

Thế nhưng, tôi nhớ khoảng mười năm trước lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông, tôi gặp được một hướng dẫn viên, khi đó là đi theo đoàn du lịch. Hướng dẫn viên đó nói một câu, để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Người đó nói: “Trên thế gian, phàm là dùng tiền để giải quyết công việc, thì việc đó không gọi là việc”. Tôi thường xuyên suy ngẫm về câu nói này. Tôi còn nhớ trước khi chưa học “Đệ Tử Quy”, tôi còn nói với con tôi: “Con à! Con xem thế giới này có thứ gì mà tiền không thể mua được nào?”. Lúc đó con tôi liền mở miệng trả lời là: “Cha mẹ không thể mua được bằng tiền, hạnh phúc cũng không thể mua được bằng tiền”. Nhưng làm sao có thể sống hạnh phúc, làm thế nào để tạo dựng một cuộc sống mỹ mãn thì không biết làm từ đâu? Cho đến năm ngoái, gặp được “Đệ Tử Quy”, cùng với văn hóa truyền thống , tôi đã bắt đầu từ từ quay đầu.

Hai tháng nay ở nhà học “Nữ Đức” tôi đã dùng cuốn sách của Ban Chiêu thời Đông Hán, gọi là “Nữ Giới” để bắt đầu học tập. Việc đầu tiên mà tôi học được đã để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Tháng tư, từ Hồng Kông quay về tôi đã nói với chồng tôi rằng: “em chuẩn bị học “Nữ Đức”, giảng “Nữ Đức”, bây giờ phải giúp chồng dạy con, quay về với gia đình”. Ông xã tôi rất phấn khích, rất vui vẻ. Bởi vì anh cũng làm kinh doanh, sự nghiệp rất lớn, cũng rất bận. Như có những lúc tôi cùng với những đối tác làm ăn lớn ở bên ngoài đi ăn cơm thì anh rất không vui. Hai đứa con ở nhà còn rất nhỏ, một đứa tám tuổi, một đứa ba tuổi. Người lớn trong nhà tuổi tác cũng đã cao, cha mẹ chồng tôi không an tâm. Lúc đó tôi rất cố chấp, tôi nói tôi nhất định phải kiếm tiền. Chồng tôi nói tôi cũng không nghe. Nên lần này quay về, việc đầu tiên tôi nói với anh là việc này. Anh rất vui và nói: “Anh rất ủng hộ em”. Tôi nói: “Vậy còn việc làm ăn của em thì phải làm sao?”. Bởi vì tôi còn một công ty. Anh nói: “Anh là Chủ tịch công ty mà, em có thể buông nó xuống, cứ giao cho anh”. Tôi nói: “Tốt!” . Tôi lúc đó còn một chút may mắn. Bởi vì trước giờ trong nhà tôi luôn có hai người bảo mẫu, vào tháng ba trước khi tôi đến Hồng Kông, cô bảo mẫu do có việc nhà nên đã xin nghỉ. Tôi vốn cũng định sau khi từ Hồng Kông quay về trước tiên là tìm thêm một bảo mẫu. Khi tôi về đến nơi, tôi suy nghĩ, “không cần tìm thêm bảo mẫu nữa, vẫn còn một người, vẫn được”. Rốt cuộc khi tôi quay về nhà, chưa đến ba ngày thì cô bảo mẫu kia (chính là người giúp tôi trông nom trẻ), cô ấy nói nhà có chuyện và cũng nghỉ việc. Khi đó tôi mới nghĩ, một người khi đã nói sẽ phát tâm làm việc gì đó, lập chí làm việc gì đó, thì sẽ có khá nhiều thử thách. Lời tôi nói là sự thật. Tôi xin thưa với quý vị, tôi đã do dự hơn mười ngày là có nên tìm bảo mẫu hay không? Tôi kiên trì hết hơn mười ngày, cuối cùng tôi đã buông xuống. Tôi quyết định thôi không nghĩ ngợi thêm nữa, tự mình ở nhà chăm nom vậy. Dù gì đứa lớn đã đi học, đứa nhỏ học mầm non, trong nhà thì buổi sáng tôi dọn dẹp làm việc nhà, sau đó làm ba bữa cơm. Vạn sự khởi đầu nan.

Tôi kết hôn được mười sáu năm, cũng luôn có bảo mẫu. Cho nên khi bắt đầu làm việc nhà, tôi cảm giác tôi làm chưa được mấy ngày thì da tay đã bắt đầu nổi sần, rất thô ráp. Lúc đó tôi có chút suy nghĩ không duy trì được nữa. Tôi nghĩ, nhà mình cũng không phải không có điều kiện, người xung quanh họ cũng khuyên tôi nên tìm một người giúp việc bán thời gian. Tôi bắt đầu dao động. Tôi đặc biệt cảm ân vì xung quanh tôi luôn có những người bạn tốt. Vị thầy mà chúng tôi học văn hóa truyền thống đã kể cho tôi một câu chuyện. Thầy nói, thầy quen một diễn viên ca múa, vì muốn bảo vệ đôi tay của mình mà người đó chưa từng làm qua việc nhà. Kết quả là sức khỏe của cô không được tốt. Sau đó cô học Phật biết được phải tiếc phước, phải biết cảm ân, nên cô ấy mới bắt đầu làm việc nhà. Khi mới bắt đầu làm thì tay của cô  cũng giống như tôi vậy, nổi rất nhiều nếp nhăn, nếp sần. Lúc đó cũng có một thầy nói với cô ấy: “Cô làm một thời gian đi sẽ khỏi thôi. Hãy kiên trì, đây là Phật Bồ Tát đang thử thách cô”. Quả nhiên cô làm một thời gian sau đó thì tay đã hồi phục lại, vả lại còn đẹp hơn so với đôi bàn tay mà trước đây cô đã tỉ mỉ chăm sóc nữa. Cho nên vị thầy này khuyên tôi, nói với tôi là phải kiên trì, vượt qua giai đoạn này sẽ tốt thôi. Thật vậy, hôm qua tôi nằm trên giường suy ngẫm, hiện giờ tay tôi rất mượt mà, việc nhà vẫn liên tục làm.

Tôi làm việc nhà có một cảm xúc rất lớn. Lúc trước tôi không cảm thấy biết ơn đối với những cô bảo mẫu kia, cảm thấy cô ấy làm việc, tôi trả công, là việc rất bình thường. Nhưng từ lúc tôi bắt đầu dọn dẹp công việc nhà, tôi đặc biệt cảm ơn bảo mẫu nhà tôi. Nhà tôi rất lớn, để dọn dẹp hết thật sự không dễ dàng. Ấy thế mà việc tôi không thuê bảo mẫu lại có lợi cho con của tôi. Hiệu trưởng trường mầm non nơi đứa con út của tôi học nói với tôi: “Tịnh Du à! Tôi kể cho cô nghe một câu chuyện. Nếu như cô có một loại vải đặc biệt tốt, muốn may thành một bộ đồ, nhưng nếu như cô đem loại vải này giao cho một người không biết gì về may vá, cô thử nghĩ xem, người này sau khi may xong bộ đồ cho cô, cô có thích không?”. Lúc đó tôi chưa hiểu lắm, tôi hỏi hiệu trưởng: “Ý của cô là sao?”. Cô ấy nói: “Đứa con này của cô rất thông minh, rất giỏi, tại sao cô lại để cho bảo mẫu chăm?”. Bởi vì bảo mẫu đều xuất thân từ nông thôn, văn hóa của họ không cao. Hiệu trưởng nói: “Cô có biết đứa con út này của cô học hỏi rất nhanh, học những lời nói xấu cũng rất nhanh, mà học nói những điều tốt cũng học rất nhanh”. Sau một thời gian bảo mẫu không còn làm nữa, tôi thật sự có một trải nghiệm. Con trẻ rất dễ dàng nhiễm phải thói hư tật xấu, nhưng khi bạn muốn nó sửa đổi, hình thành một thói quen tốt, thì điều này rất khó. Đứa thứ hai của tôi hay nói lời thô tục, ban đầu tôi nghe thấy rất nóng giận, tôi không nhịn được nên đã mắng bảo mẫu. Sau đó ba tôi mới nói với tôi: “Con đừng có trách người khác nữa, quan trọng là con đó. Nếu như con sớm quay về nhà chăm con như bây giờ, thì làm gì xảy ra chuyện này?”. Sau đó tôi không còn oán hận nữa.

Khi tôi thật sự đem tâm mình buông xuống làm công việc nhà, thì đúng lúc đó cha mẹ tôi vừa đi du lịch ở Hoa Kỳ trở về. Nhìn thấy tôi cực khổ như vậy, họ đã từ nơi khác chuyển đến Đại Liên, toàn tâm toàn ý giúp tôi trông nom việc nhà. Ba tôi lúc ấy nói với tôi một câu làm tôi rất cảm động. Ông nói: “Con học “Nữ Đức” không phải học cho riêng mình, mà còn học vì mọi người. Ba với mẹ con sức khỏe vẫn còn tốt, còn trẻ, chỉ sáu mươi mấy tuổi thôi, không sao, ba mẹ tình nguyện sang đây giúp con thành tựu”. Lúc ấy tôi rất cảm động, tôi nói: “Dạ được!”. Nhưng ở đây có một vấn đề rất quan trọng. Bởi vì từ nhỏ tôi đã không sống cùng cha mẹ, tôi từ nhỏ sống cùng ông bà nội. Tôi luôn có một khoảng cách với cha mẹ mình. Tôi nghĩ cha mẹ cũng chưa từng nuôi tôi, học lực của mẹ lại không cao. Tôi tự nhận thấy mình kiến thức nhiều, học lực cao, lại kiếm được nhiều tiền, nên trong tâm luôn không xem trọng cha mẹ của mình. Nhưng khi cha mẹ tôi thật sự chuyển qua đây sống cùng với tôi, tôi mới phát hiện ra, để hiếu kính và hiếu thuận cha mẹ thật là khó khăn.

Tôi còn nhớ, có một lần đang trên lầu học giáo trình về “Nữ Đức”. Nhà tôi là một biệt thự, tôi ở trên tầng bốn. Mẹ tôi thì đang bế đứa nhỏ, chuẩn bị đi xuống dưới lầu ăn cơm. Đứa con lớn của tôi đứng đằng sau, có thể là chọc ghẹo đứa em của nó. Mẹ tôi lúc đó lo lắng sợ mình đi cầu thang bị vấp, nên đã lớn tiếng nói: “Con đừng phá nữa, con muốn bà ngoại té à!”. Tôi đang trên tầng bốn, nghe được câu nói này tôi đặc biệt lớn tiếng hét tên đứa con lớn của tôi. Tôi nói: “Con lên đây cho mẹ, mau lên tầng bốn ngay!”. Tôi nói: “Phạt con đứng đó!”, rất là nghiêm khắc. Kỳ thực, có một phần là tôi muốn nổi nóng với mẹ tôi, bởi vì lúc đó tôi cảm thấy mẹ làm gì phải lớn tiếng như thế, tôi đang học rất nghiêm túc. Sau đó ba tôi mới đi lên theo, rồi nói: “Con nó cũng đâu có làm gì có lỗi đâu, con phạt nó làm gì?”. Con tôi cũng học “Đệ Tử Quy”, nên khi tôi gọi nó một tiếng là nó giật mình, từ lầu một chạy lên nói: Mẹ ơi! Con lên ngay. Mẹ ơi! Con lên đây!”. Nó từng bước nhanh chóng chạy lên lầu bốn, và nói: “Mẹ ơi! Có chuyện gì vậy? Con xin lỗi!”. Tôi nói: “Mẹ còn phải học. Con ra đằng sau đứng mà suy nghĩ lại xem”. Ba tôi lên đến nơi và nói: “Nóng giận của con từ đâu ra vậy?”. Tôi cũng không khách khí nói với ba: “Không cần ba phải lo”. Ba tôi mới nói: “Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Con xem, con đã nhìn thấy chuyện gì mà lại lớn tiếng hét con trẻ”. Tôi mới nói: “Ai biểu mẹ con nói lớn tiếng vậy?”. Kết quả bởi vì tính khí của mẹ tôi rất mềm yếu, nên khi nghe tôi nói vậy mẹ liền đi vào trong phòng nằm khóc thầm. Ba tôi cũng khuyên tôi: “Con đến chỗ mẹ nói một tiếng đi”. Tôi vẫn chưa kiềm chế được mình, tôi không lên tiếng. Sau đó tôi đứng dưới tầng một suy ngẫm một lúc, tôi đột nhiên nghĩ: “Rốt cuộc mình đang học cái gì đây? Tôi học một đống lý luận, nói ra câu nào cũng là đạo lý thì có ích gì, bản thân lại không làm được. Kể cả cha mẹ mình cũng không thể kính và thuận, đối với chồng thì khỏi cần phải nói rồi”. Tôi bưng đến một chậu nước, bởi vì lúc đó là buổi tối, nên tôi đã vào phòng mẹ, muốn tìm cách để xuống nước với mẹ. Tôi nói: “Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc nữa, con giúp mẹ rửa chân nhé!”. Mẹ nói: “Mẹ đã rửa rồi”. Tôi bưng chậu nước, đứng đó rất lâu. Mẹ tôi vẫn không lên tiếng. Lúc đó, đứa con lớn cũng ở đó. Sau đó mẹ tôi nói: “Tịnh Du à! Không phải bởi vì con lớn tiếng mà mẹ tổn thương khóc đâu, mà vì trước đó con cũng có một số lời nói, đến hôm nay mẹ nhịn không được nữa nên mới khóc”. Tôi nói: “Lúc trước con nói gì ạ?”. Mẹ nói: “Con lúc trước nói, lần này mẹ đến Đại Liên con cũng nói, con nói là mẹ lúc nào muốn đi thì cứ đi, trên thế gian này con không có nợ nần ai cả, cũng chẳng nợ cha mẹ”. Bởi vì cha mẹ không có nuôi tôi. Mẹ tôi lúc đó rất đau lòng. Đích thực lúc ấy tôi đặt chậu nước xuống, tôi lập tức quỳ xuống. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ quỳ xuống. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Con thật sự đã sai rồi! Vì con quá ngạo mạn, tự cao. Mẹ không nợ con bất cứ thứ gì, chỉ có con nợ mẹ một mạng sống”. Bởi vì mạng sống này của tôi là do cha mẹ ban cho, nếu như đối với cha mẹ mà mình không thể có tâm cảm ân, thì làm sao đối với cha mẹ chồng, đối với chồng, với những người xung quanh, thậm chí là đối với thầy giáo, làm sao có tâm cảm ân được? Tôi liên tục khấu đầu trước mẹ và nói là: “Thật sự con đã sai rồi!”. Tôi nói: “Con luôn luôn đối xử với mẹ như vậy, con thật sự xin lỗi mẹ!”. Tôi nói tôi đã đọc rất nhiều lần Kinh “Phật Nói Ơn Nặng Của Cha Mẹ Rất Khó Báo Đáp”, thế mà sao trong tâm mình lại không hiểu được đạo lý này vậy. Việc này tôi đã báo cáo hết hai lần, mỗi lần nhắc đến tôi đều cảm thấy xấu hổ với mẹ. Bởi vì lần này mẹ tôi đến nhà tôi bà còn nói: “Mẹ sẽ giúp con trông nom tốt mấy đứa nhỏ. Con cứ yên tâm mà đi học, học thật tốt nha con! Con đừng vì bản thân mà hãy vì mọi người”. Tôi thật sự cảm thấy mình đã xử sự rất tệ, cũng không phải là một cô giáo. Tôi một mực sám hối. Tôi khóc rất lâu.

Ngày thứ hai, tôi phát hiện đôi mắt của tôi đều rướm máu. Tôi nói với mẹ: “Mẹ à! Nếu con còn nói những lời này, con sẽ không là con người”. Mẹ tôi mới nói: “Cũng tại mẹ không tốt. Thật sự con đã rất tốt rồi, con đã không dễ dàng chút nào. Trong số những đứa trẻ hiện nay con đã rất tốt rồi”.  Tôi mới suy ngẫm, tại sao tâm của cha mẹ luôn luôn rộng lượng như vậy? Mẹ mới nói: “Năm đó tại sao con phải rời xa cha mẹ?”. Bởi vì cha mẹ tôi hồi còn trẻ làm về công trình thủy điện. Mẹ tôi kể về sự gian khổ khi phải ở trong một căn nhà, vào mùa đông buổi sáng khi thức dậy, nước rửa mặt trong chậu đã đóng thành băng. Cha mẹ thật không nhẫn tâm để cho con phải chịu khổ, nên đã để cho ông bà nội đem con đến Đông Bắc. Thật sự cha mẹ rất nhớ con, nhưng không còn cách nào khác, bởi vì hoàn cảnh công việc lúc đó. Cha mẹ tôi sinh tôi ra ở Tứ Xuyên. Tôi sinh ra ở Thị trấn Ánh Tú, kế bên nơi đã xảy ra trận động đất lớn ở Văn Xuyên. Năm 2006, tôi đã từng quay về nơi đó. Thật sự, lúc tôi quay về thì điều kiện ở đó cũng không được tốt.

Sau khi cha mẹ đến nhà tôi, cha mẹ đã dạy tôi nhiều bài học. Có một lần mới sáng sớm, tôi đã nói với chồng của mình về văn hóa truyền thống. Tôi nói anh làm việc này không được, việc kia làm không được tốt. Ông xã của tôi rất khiêm tốn, anh nói: “Đúng rồi! Anh nên học tập ở em nhiều hơn”. Nói xong rồi thì tôi đi xuống nói với mẹ: “Mẹ xem! Con đã dùng văn hóa truyền thống giáo dục anh ấy”. Mẹ tôi thấy tâm tình của tôi khá tốt nên đã nhỏ nhẹ nói với tôi thế này: “Con à! Con đừng có nói chồng con như vậy nữa, con làm việc còn thua xa chồng con. Mười sáu năm qua, mẹ chưa từng thấy qua chồng con nói một câu thô tục nào, một câu khiến người khác phiền não, một câu ly gián khiêu khích cũng không hề có, chỉ một việc luôn luôn bao dung con. Con không học hỏi người ta mà còn ở đây khoa tay múa chân”. Lúc đó tôi không lên tiếng, chỉ ở đó cúi đầu ăn cơm. Tôi ở nhà trong hai tháng này học tập nữ đức, nhưng sự thật là cha mẹ tôi đã giúp tôi thành tựu từng chút một.

Có một ngày kia, tôi cùng với ba tôi cũng xảy ra xung đột. Bởi vì sáng hôm đó ba tôi nói: “Tịnh Du à! Ba thấy con ở bên ngoài sống đối xử hòa đồng với người khác, xử sự cũng không tệ chút nào, nhưng khi trở về nhà thì con vẫn luôn làm không tốt”. Lúc đó tôi rất không vui. Trước giờ con người tôi có một đặc điểm là không thích người khác đánh giá và phê bình tôi. Bạn nói tốt thì được, hoặc là bạn dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên tôi, tôi cũng chấp nhận. Nhưng nếu nói trực tiếp thì tôi không chấp nhận, hễ nghe được thì tôi liền không vui. Lúc đó không nói tiếng nào, tôi đi lên lầu. Tôi rất nóng giận và nói với chồng mình một hơi. Anh không dám nói gì. Sau đó anh ấy xuống dưới nhà nói với ba, tính tình của tôi không chịu được người khác phê bình. Sau đó ba mới tìm tôi và nói: “Tịnh Du! Ba không có ý nói gì con hết, ba chỉ muốn tốt cho con. Con không phải muốn học “Nữ Đức” sao? Con cần phải làm được chứ!”.

Bài đầu tiên trong sách “Nữ Giới” gọi là “ti nhược”. Năm ngoái, lúc tôi mới bắt đầu đọc sách “Nữ Giới”, tôi rất phản cảm với từ này. Bởi vì tôi không có xem tường tận nội dung bên trong, tôi mới nghe qua thì có cảm giác thấp hèn kém cỏi, đặc biệt thấp tiếng bé họng. So với quan niệm ban đầu về người phụ nữ có công ăn việc làm, rất có khí phách, có tiếng nói riêng, độc lập tự chủ, hoàn toàn không giống nhau. Nhưng thật sự khi tôi mới bắt đầu học “Nữ Giới”, Ban Chiêu giải thích từ “ti nhược” này như thế nào? Sáu câu: “Khiêm nhường cung kính, tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh”. Tức là bạn làm việc tốt thì không nên phô trương. “Hữu ác mạc từ”. Bạn đã làm những việc không tốt thì nên phản tỉnh, không thể cứ cho rằng không liên quan đến mình. “Nhẫn nhục hàm cấu, thường nhược úy cụ, thị vi ti nhược dã”. Khi nhìn sáu câu này, một việc tôi cũng không làm được, không làm nổi. “Ti nhược” có nghĩa là khiêm tốn và nhu thuận.

Lần trước tôi đến Hồng Kông là để sám hối với quý vị về tính ngạo mạn, đố kỵ, tham lam của tôi. Khi tôi quay về nói với chồng của mình, anh nói với tôi: “Khi kết hôn thì anh đã biết em có những tật xấu này, đặc biệt là tính ngạo mạn của em. Em cứ cho mình là đúng, nên em không thể nghe lọt tai ý kiến của người khác, người ta vừa nhắc đến thì em liền phiền não”. Tôi mới hỏi chồng mình là: “Tại vì sao lại như vậy?”. Anh ấy nói: “Những thứ em cho rằng mình đã làm đúng, kỳ thật chẳng có cái nào đúng cả, em còn xem những thứ đó là thật”. Tôi nghe được những câu nói này, tôi đã ở nhà suy nghĩ rất lâu. Từ trước đến giờ tôi chưa từng nhờ mẹ chỉ dạy mình bất cứ việc gì. Năm ngoái, mẹ rất khiêm nhường viết cho tôi rất nhiều bức thư.

Trình độ văn hóa của mẹ không cao, cũng chưa bao giờ viết thư cho người khác, vậy mà mẹ rất cung kính[pk1]  viết thư cho tôi. Tôi còn nhớ có một bức mẹ viết thế này: “Tịnh Du! Con là con của mẹ, nhưng mẹ phải nhận con làm thầy, bởi vì con học văn hóa truyền thống rất tốt. Mẹ không hiểu, con hãy chỉ dạy mẹ nhiều hơn”. Bởi vì năm rồi, tôi bắt đầu đưa cho mẹ nghe đĩa “Hạnh Phúc Nhân Sinh” của thầy Thái Lễ Húc. Mẹ tôi rất hoan hỷ, vả lại còn nghe lời hơn cả tôi, ở nhà nghe hết bốn mươi mấy lần. Sau đó tôi nói với mẹ: “Việc lễ bái tổ tiên rất tốt”. Mẹ tôi liền ra ngoài đem những tấm ảnh quá cố của bà ngoại, ông ngoại của tôi phóng lớn, mỗi buổi sáng đều lạy ba trăm lạy. Có một lần mẹ gọi điện cho tôi để sám hối: “Khi bà ngoại của con còn trẻ, mẹ cũng đối xử không tốt với bà. Hiện giờ người đã không còn, mẹ rất hối hận”. Có một lần, vào một buổi chiều, tôi pha trà xong lên lầu giả bộ tỏ vẻ đang học “Nữ Giới”. Học không có ích, quan trọng là làm được. Tôi nói với mẹ là: “Mẹ ơi! Mẹ uống ít trà”. Tôi nói là tôi muốn mẹ chỉ dạy một vấn đề. Bởi vì lần trước sau khi báo cáo xong, tôi nói chuyện với thầy Hồ (thầy Hồ Tiểu Lâm), thầy Hồ đã nói: “Tịnh Du à! Cô đừng tưởng cô có rất nhiều phước báo, nhất định là do tổ tiên của cô tích đức nên cô mới có ngày hôm nay, nên hiện giờ cô mới có thể gặp được bao nhiêu thiện tri thức đến để nhắc nhở cô. Cô không tin cứ về mà hỏi thử xem”. Khi thầy Hồ nói những lời này, tôi đã không để vào trong tâm.

Hôm đó, tôi có hỏi mẹ: “Mẹ à! Những bậc tiền bối của nhà mình lúc trước họ như thế nào vậy?”. Mẹ nói: “Trời ạ, truyền thống đều mất hết, đến đời của mẹ đã mất hết một nửa, đến đời con thì sắp không còn gì rồi”. Tôi hỏi: “Phương diện nào không còn vậy mẹ?”. Mẹ chỉ nói một từ chính là: “Cần kiệm”. Mẹ nói về bà nội của mẹ: “Tịnh Du! Con có biết không, bà sống đến chín mươi hai tuổi, cả đời khi đi ra ngoài đường chỉ có một chiếc áo khoác”. Khi đi ra ngoài, bà khoác vào một cái áo, là một cái áo khoác dài. Mẹ tôi nói bên dưới không phải là quần, ngày xưa mặc giống như một bộ quần áo khoác lên người vậy. Chiếc áo dài rất dài, che cả người. Bà có một đôi giày mang đi ra đường. Bà tự mình thêu một chiếc nón hoa để đội ra ngoài. Bà mặc như thế hết cả một đời người. Khi mẹ nói với tôi, suy nghĩ đầu tiên của tôi là gì? Nhất định là nhà mình hơi nghèo nên mới phải làm như vậy. Mẹ tôi còn muốn tiếp tục nói, thì tôi hỏi: “Mẹ à! Mẹ ngưng một chút cho con hỏi, có phải hồi trước bà rất nghèo không? Làm sao bà có thể chỉ mặc một bộ đồ được, là thật sao?”. Mẹ mới nói: “Thật đấy! Không chỉ vậy, mà nhà bà nội còn rất giàu, không nghèo một chút nào, lúc đông nhất còn thuê cả hàng trăm người làm. Bà còn đích thân dẫn con dâu vào bếp làm cơm cho những người này. Đặc biệt bà rất cung kính, chưa bao giờ đối đãi không tốt với người ở”. Tôi hỏi: “Còn có việc gì nữa ạ?”. Mẹ nói: “Hồi đó sử dụng nước làm gì giống mấy con ngày nay mỗi ngày tắm một lần, lại còn dùng nước vô tội vạ”, giống như thầy Hà nói là lãng phí tài nguyên. Mẹ tôi còn nói, ở những đời xa xưa hơn, truyền thống của họ cho rằng, nếu như bạn lãng phí bao nhiêu nước, thì đến khi bạn chết phải uống hết tất cả nước mà bạn đã lãng phí đó một lượt.

Hôm đó nghe thầy Hà giảng, tôi thật sự rất xúc động. Sau khi tôi nghe hết hai câu nói đó của mẹ, tôi không nói câu nào nữa, đi lên lầu tiếp tục phản tỉnh. Sau mấy ngày, tôi lại trao đổi với mẹ. Mẹ nói: “Đời trước của mẹ, người phụ nữ làm việc rất giỏi. Thêu thùa, làm ăn, việc nhà, làm nước tương cũng biết. Đến đời của mẹ còn lưu lại một chút, đời con thì một chút cũng không còn”. Đích thực, việc nấu cơm tôi ít ra còn tạm được, còn lại những thứ khác như dệt, thêu, đan móc thứ gì cũng không biết. Tôi nói: “Vậy con phải làm thế nào đây mẹ?”. Mẹ nói: “Cách duy nhất, nếu có thời gian con hãy tổng hợp ghi chép lại”. Tôi nói: “Con không có con gái, sau này có con dâu rồi thì có cơ hội truyền lại đời sau”. Cho nên khi học tập “Nữ Giới”, tôi có một thể hội rất lớn, chính là chữ “hiếu”. Thật sự phải nói là truyền từ đời cha đến đời con, đời đời có thể tương truyền, đây gọi là “hiếu”. Bất kể là văn hóa truyền thống ưu tú của gia đình, hay là tác phong, hoặc đối với cha mẹ phải có tâm yêu thương. Tất cả đều truyền thừa cho đời sau thì gọi là đạo hiếu.

Sau đó, tôi chia sẻ với nhân viên của mình. Tôi hỏi: “Quý vị có trao đổi với cha mẹ mình về cuộc sống của tổ tiên mình ngày xưa hay không? Bàn về chuyện của ông cố bà cố, ông sơ bà sơ xem có những gia phong nào tốt không?”. Những người xung quanh tôi đều lắc đầu nói: “Chưa từng hỏi qua”. Tôi mới nói: “Nếu quý vị có cơ hội nên trao đổi với cha mẹ, nhất định sẽ có lợi ích”. Khi tôi đang học chương “Ty Nhược” trong sách “Nữ Giới”, đối với câu: “Nhẫn nhục chịu đựng, giữ tâm kính sợ”. Đối với tám chữ này, tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân tôi không thể nhẫn nhịn. Đừng nói là nhịn trong tâm, ngay cả miệng cũng không nhịn nổi, có uất ức thì nhất định sẽ nói ra. Tốt nhất là việc gì cũng thuận theo ý tôi, chỉ cần có một chút nghịch ý thì tôi sẽ phân tích, nói lý lẽ với người ta.

Tôi đặc biệt cảm ơn Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông. Vì sao vậy? Mỗi lần đến là mỗi lần tôi thật sự được giáo dục, được học tập. Lần trước, tôi đến và đem về một cuốn sổ tay nhỏ, hiện tại bên ngoài cũng có. Đó là “Vãng Sanh Ký của Cư sĩ Hoàng Yên Bình” và “Vãng Sanh Ký của Cư sĩ Hoàng Trung Xương”. Tại sao cuốn sổ tay này ảnh hưởng rất lớn đến tôi? Bởi vì tôi nhìn thấy Cư sĩ Hoàng, ông ấy có thể thành tựu là bởi vì ông ấy phát tâm không nói chuyện hơn hai năm. Ông liệt kê ra mười một điều lợi ích khi không nói chuyện. Tôi thì nói chuyện rất nhiều, không sai chút nào. Ví dụ như khi thấy chuyện này không hợp với ý mình, tôi nhất định sẽ phải nói ra để xem bạn xử lý như thế nào. Thấy chuyện kia không đúng, tôi nhất định phải nói. Ở nhà tôi cũng như vậy. Nếu như ba tôi không tắt đèn ở trên lầu và dưới lầu, thì tôi liền nói: “Ba không biết tiếc phước, không tắt đèn”. Sau đó, mỗi ngày tôi đều đọc một lần về những điều tốt khi không nói chuyện. Ba tôi đi đằng trước, thì tôi đi đằng sau tắt đèn.

Hôm đó mẹ tôi có nói là: “Lúc trước con làm việc gì, có bao giờ con hỏi qua ý kiến của cha mẹ đâu. Từ những việc nhỏ như mua quần áo cho con cái, cho đến việc lớn như kết hôn, muốn làm gì con đều tự ý làm hết. Còn hiện tại, đúng là con có chút thay đổi”. Mỗi buổi sáng sớm tôi đều đến hỏi ý của mẹ, tôi không cảm nhận ra điều này mà mẹ tôi nói: “Đến việc hai đứa con của con mặc đồ gì là thích hợp, con cũng hỏi mẹ ”. Mẹ tôi rất vui: “Mặc bộ này đi, hay là mặc bộ kia đi”.

Có một thời gian, khi đang tu học tại nhà, bản thân tôi quyết tâm không nói chuyện, còn viết một đoạn văn phát nguyện nói với công nhân: “Các vị có việc gì thì gửi thư điện tử, nhắn tin cho tôi. Tôi có một trợ lý, tất cả những cuộc gọi cho tôi, tôi đều chuyển đến cho trợ lý hết, việc gì cũng đừng đến tìm tôi”. Kết quả có một hôm, chồng của tôi nổi nóng và nói: “Em làm bộ làm tịch gì vậy? Em có đức hạnh cao thế nào mà điện thoại này không tiếp, điện thoại kia không tiếp vậy”. Tôi nói: “Em phải tu, em phải tu thật tốt”. Chồng tôi nói: “Em đang hiểu nhầm rồi, đây căn bản không phải gọi là tu. Tu không phải là làm những chuyện như vậy”. Tôi hỏi: “Thế phải làm thế nào?”. Tôi đi xuống dưới lầu, ở đó phản tỉnh lại. Ba tôi qua nói với tôi một câu. Ngày thường tôi thường xuyên chỉ dạy ba mình, tôi khuyên ba hãy nghe Kinh nhiều, nghe nhiều bài giảng của lão pháp sư, không thể không nghe, không nghe sẽ không có trí huệ. Kỳ thực, ba tôi đã từng học lớp bồi dưỡng ở Đại học Thanh Hoa, trước khi về hưu ông từng là cán bộ hành chánh. Hôm đó ba nói một câu làm tôi rất kinh ngạc. Ba nói: “Lão pháp sư thường xuyên nói bốn chữ, gọi là “tùy duyên diệu dụng”. Con nên tùy duyên, sau đó thì mới diệu dụng được. Tiếp điện thoại cũng không trở ngại việc gì, con tâm bình khí hòa có phải là tốt rồi không?”. Lúc đó tôi mới nói: “Ba à! Sao ba lợi hại vậy? Ba nghe được ở trong Kinh nào thế?”. Ba nói: “Ba quên mất rồi. Hôm đó con đang nghe, ba đi ở phía sau nghe được, cảm thấy câu này rất hay thì liền ghi nhớ”. Sau đó tôi đã nghe điện thoại như bình thường. Tôi lật cuốn “Đệ Tử Quy” ra xem, tôi nghiên cứu. Tôi thuộc lớp phần tử trí thức, không phải người thượng căn, cũng chẳng phải người hạ căn, mà là người trung căn. Năm xưa Phật giảng Kinh thuyết pháp đặc biệt là đối trị loại người này.

Tôi nghiên cứu thấy Lão phu tử Lý Dục Tú nói những điều liên quan đến miệng, có bao nhiêu điều nói về lỗi lầm từ miệng mà ra. Tôi vừa mở ra xem thì giật mình. Mọi người có cơ hội thì nên đọc qua. Quý vị xem chương về chữ “tín”, về chữ “cẩn” trong phần “Yêu Bình Đẳng”, rất nhiều đoạn nói về khẩu. Làm sao có thể tránh được tội lỗi từ miệng? Tôi liền suy nghĩ xem, tại vì sao lại phải tránh lỗi từ miệng? Tại vì sao Cư sĩ Hoàng có thể không nói chuyện thì được vãng sanh? Bởi vì ông đã nói rất rõ: “Miệng chính là cửa của họa phước”. Tôi đem cánh cửa này đóng lại, phước đều được giữ lại, họa thì cũng không chiêu cảm đến được. Quý vị xem, giữ lại thì toàn là phước, họa thì không chiêu cảm đến, tốt biết bao! Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Ít nói chuyện. Cho nên, tôi ở nhà cố gắng ít nói chuyện nhất có thể. Ví dụ như ba mẹ tôi nói phải làm như thế này, đi ra ngoài phải chạy xe này, phải thế này thế kia. Lời nói của tôi sắp ra tới cửa miệng thì tôi phải nhịn lại, tôi sẽ không phát biểu thêm ý kiến nữa. Mẹ tôi nói: “Tịnh Du! Tối nay hãy nấu món này”. Đáng lẽ tôi nghĩ thầm, đã mấy ngày toàn ăn món này, có thể đổi sang làm món cơm được không? Đến cửa miệng thì tôi lại nhịn. Tôi nghĩ: “Cha mẹ thích món gì thì mình sẽ làm món đó vậy”. Những việc nhỏ thì bắt đầu làm từ trong nhà, khi làm xong sẽ có hiệu quả. Bởi vì tôi đã nghiệm chứng rồi.

Làm sao để tôi nghiệm chứng? Ở nhà tu học đến nay đã được hơn một tháng, bên ngoài có một nơi tổ chức một sự kiện khá lớn mời tôi đi thuyết giảng, cũng chính là giảng “Nữ Đức”. Thầy cô giáo rất nhiều, người nghe cũng khá nhiều. Sau lần đó trở đi, nếu không có việc gì, hầu như là tôi không nói chuyện. Ngoại trừ trên đài giảng giải, hoặc khi họ nhờ tôi thay phiên làm người dẫn chương trình thì tôi mới nói chuyện, còn lại thì tôi cười trừ. Người ta nói cái gì, “rất tốt! Rất tốt!”. Thật sự ai muốn tôi nói chuyện, thì tôi lấy cớ rồi đi ra ngoài. Ra ngoài thì tôi đeo tai nghe mang theo máy MP3 mà bên trong tôi đều lưu trữ bài giảng Kinh, những bài giảng của lão pháp sư và những bài mà trước đây tôi giảng giải với quý vị về “Bồ Tát Tam Trọng Chướng”, những bài học về “Hoa Nghiêm”. Tôi nghe nhiều lần, nghe đi nghe lại gần mười lần. Nghe xong rồi cảm thấy mình làm cái gì cũng không đúng, thật sự là có cảm giác đó. Cho nên, sau đó tôi nghe được từ những thầy giáo khác, chính họ truyền đến tôi, nói là cô Trần có sự thay đổi khá lớn, “cô ấy nói chuyện rất ít, rất tốt, giữ lại được phước báo”. Điều này có thể giúp quý vị thành tựu công phu nhẫn nhục.

Nhẫn nhục không dễ chút nào. Đối với hết thảy sự tướng bên ngoài chúng ta đều có thể nhẫn nhịn được, tuy nhiên đối với một người tu học Phật pháp chân chánh, công phu nhẫn nhục là gì? Chính là không ngừng tinh tấn, chịu đựng được sự khô khan, đơn điệu trong quá trình tu học.

Lần trước, tôi lại được mời đi thuyết giảng. Khi quý vị cảm thấy hình như cảnh giới của mình đã nâng lên một bước, thì ngay lập tức thử thách lớn hơn sẽ đến. Cho nên có một vị thầy giáo đã từng nói: “Tất cả là thử thách, xem bạn làm thế nào, đối mặt với thử thách mà không vượt qua được thì vẫn phải làm lại từ đầu”. Chính là thử thách này luôn lặp đi lặp lại.

Lần thứ hai tôi đi thì tâm thái hoan hỷ, có thể vì đại chúng mà tuyên giảng “Nữ Đức”. Có trên ngàn người tham dự. Tôi ở nhà đã chuẩn bị bài giảng hết một tuần, sau đó ở nhà luyện giảng rất nhiều lần, cảm thấy cái nào thích hợp để nói với đại chúng, có thể thu hút sự quan tâm của mọi người đối với việc giáo dục đức hạnh cho phụ nữ tôi đều liệt kê ra hết. Kết quả là tối hôm đó khi tôi xuống máy bay, ban tổ chức nói với tôi một câu, cũng không hẳn ban tổ chức, một người nào đó đã nói: “Xin lỗi cô Trần! Thời gian cho Hội nghị lần này chúng tôi không sắp xếp được, cô không thể giảng được rồi”. Nếu như lúc trước thì tôi nhất định sẽ rất phiền não, tôi sẽ nói lý lẽ, “không thể thuyết giảng tại sao không nói với tôi sớm một chút? Ban tổ chức xử lý như thế là không được. Tôi từ nơi xa đi đến đây, ở nhà còn có con nhỏ, còn có người già nữa”. Nhưng hôm đó tôi rất hoan hỷ, “đây không phải là bài thi hay sao?”. Tôi nói: “Anh yên tâm, tôi nhất định không có một chút tâm oán hận nào”. Ngồi ở dưới lắng nghe người khác giảng thì tôi hiểu được nhiều thứ hơn là tôi lên thuyết giảng. Tôi có nhiều cơ hội ngồi dưới đài nghe giảng, cho nên tôi đã vui vẻ mà ngồi bên dưới nghe giảng. Tôi nhớ là lúc đó có một thầy đi cùng tôi, ông ấy cảm thấy lạ nên hỏi: “Sao cô nghiêm túc vậy? Từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy cô nghe giảng nghiêm túc đến vậy. Vì sao vậy?”. Tôi nói: “Phật Bồ Tát an bài cho tôi đến đây là phải ngồi nghiêm túc để nghe giảng, nên tôi nhất định phải làm tốt công việc này. Tôi nghiêm túc nghe giảng để xem thầy giáo khai thị cho tôi những gì”.

Bao gồm cả việc đến Hồng Kông lần này, tôi không có bất cứ sự chuẩn bị gì để báo cáo với mọi người. Tôi chính là đến để tu học, để nạp năng lượng. Tôi rất giống miếng bọt biển, đặc biệt nghiêm túc nghe bài giảng của thầy giáo Hà. Tôi nghĩ thầm, thầy hôm nay giảng đề tài “Thấy người nhan sắc, tâm khởi ý niệm chiếm đoạt”, tôi rất muốn nghe. Nếu tôi thuyết giảng thì tôi không được nghe rồi, về nhà lại phải bổ sung bài học này. Cho nên, thử thách này bạn tự nhiên vượt qua. Vậy thì, việc này so với việc thuyết giảng có hiệu quả lớn hay nhỏ hơn? Rất lớn. Bởi vì khi tôi quay về, trong ban tổ chức có một vị thầy nói: “Cô Trần à! Hai tháng nay cô tu học có tiến bộ đó. Tuy là cô không thuyết giảng nhưng chúng tôi nhận ra được”. Lúc đó tâm tôi có một chút hoan hỷ, sau đó lập tức nghĩ đến câu: “Thường sanh tâm kính sợ”, không được sanh tâm hoan hỷ. “Thận trọng dè dặt, như bước trên băng mỏng”. Lúc đó tôi nói với thầy bên ban tổ chức là: “Tôi thật sự rất tệ”. Thầy bên ban tổ chức mới nói: “Lần này bài thi đưa ra cho cô rất khó, nhưng cô đã hoàn thành rất tốt”. Tôi nói: “Không có đâu, kỳ thực tôi biết bản thân mình còn kém rất xa”. Bởi vì câu nói của ba tôi cứ mãi bên tai tôi: “Con làm việc ở bên ngoài còn coi được, ở nhà thì không được tốt”.

Nhà là gì? Nhà chính là gốc rễ. Gốc rễ còn không vững, cho dù bên ngoài có đẹp đến đâu, cũng giống như cành hoa trong bình vậy, đều vô dụng. Cho nên, tôi đặc biệt cảm ân ba của mình. Nên trong lần thuyết giảng đó, tôi đã nhắn cho ba một tin nhắn nói là: “Ba ơi! Con thật sự rất biết ơn ba. Con không biết làm sao báo đáp ân của ba. Nhân ngày Lễ Phụ Thân, con quỳ lạy ba được không?”. Khi tôi quay về, ba tôi đã nói một câu: “Tịnh Du à! Con học đã bao lâu nay, đạo lý đơn giản như vậy mà con vẫn không hiểu, chúng ta là người một nhà, cần gì phải cảm ơn chứ? Lão pháp sư khi giảng Kinh thường nói, cái gì gọi là người một nhà, cái gì gọi là một thể. Tay trái của bạn bị ngứa, thì tay phải của bạn sẽ gãi cho tay trái. Tay trái có nói tôi cảm ơn bạn, tôi biết ơn bạn hay không? Không có, không cần phải nói. Răng cắn trúng đầu lưỡi, lưỡi có đánh nhau không, có giận hờn không? Không có!”. Hôm đó tôi thực sự khóc, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Tôi cảm thấy trước đây tôi rất khinh thường cha mẹ, tôi cảm thấy học thức của mình rất cao, sự nghiệp lại rất lớn, cha mẹ không có dạy dỗ tôi gì cả.

Hai tháng nay tôi đặc biệt cảm nhận sâu sắc, tại vì sao họ có thể trở thành cha mẹ của tôi? Họ không chỉ có ân đức đối với sinh mạng này của tôi, mà tôi không có cách gì để báo đáp ân sinh thành. Quan trọng nhất chính là ân cha mẹ dạy dỗ, thật sự là từng giây từng phút họ đều dạy dỗ tôi. Ba tôi nói: “Ba ngẫu nhiên nghe được sư phụ ngài thường hay nói, “quý vị phải làm cho được, quý vị phải làm cho được”. Cho nên Tịnh Du con không thể từ sáng đến tối cứ nghe Kinh mãi trên lầu. Làm sao để làm được đây? Tâm của con phải đồng nhất với tâm của cha mẹ, đồng nhất với tâm của chồng con, đồng nhất với tâm của con con. Nếu con có thể đạt đến nhất tâm, thì con thông rồi”. Lời nói này khiến tôi suy tư rất lâu. Bởi vì có một vị thầy giáo ở Đại Liên cũng nói tương tự. Hiện giờ thầy ấy đang thuyết giảng hoằng dương văn hóa truyền thống ở khắp nơi trên toàn quốc, thầy tên là Vương Hy Hải. Thầy Hy Hải được công nhận là một trong số “Mười nhân vật làm cảm động toàn Trung Quốc”. Người cha già của thầy từ lâu đã nằm liệt giường, sống thực vật. Thầy chăm sóc cho cha của mình. Vì phải chăm sóc cho cha nên thầy đã nghỉ việc, từ bỏ cơ hội xuất ngoại, thầy vẫn chưa kết hôn, toàn tâm toàn ý hầu hạ cho cha mình gần ba mươi năm. Thầy liên tục chăm sóc cha mình đến khi cha thầy tám mươi hai tuổi, tự tại rời khỏi thế gian. Thầy là một trong thập đại hiếu tử làm cảm động Trung Quốc. Thầy Hy Hải nói với tôi: “Tịnh Du! Điều gì mới chính là niềm vui thực sự của cô? Không phải là cô đếm xem mình có bao nhiêu tiền, không phải vậy, không phải là cô ở đó hưởng thụ. Bản thân mình rất sung sướng, đi dạo, làm đẹp, không phải như vậy. Mà thật sự đó là đối với những người bên cạnh cô, như cha mẹ cô, chồng cô, người thân của cô, con của cô. Chính vì sự có mặt của cô nên họ đều vui vẻ. Sau đó cô thấy họ đều rất vui vẻ, thì cô cũng sẽ rất vui vẻ. Đây là niềm vui thật sự”.

Lúc ấy tôi có hỏi thầy Hy Hải: “Sao thầy lại làm được như vậy?” thầy nói: “Chỉ cần một cái tâm. Ví dụ như chồng của cô, tâm của anh ấy nghĩ gì cô đều biết rõ, cô đều có thể đoán được. Tâm tư của cha mẹ là gì cô đều hiểu được. Sau đó, cô có thể từng giây từng phút làm theo những gì mà tâm họ muốn, đương nhiên họ sẽ rất hoan hỷ”. Tôi nói: “Nếu như họ làm trái với luân lý, không phù hợp với ngũ luân đại đạo, không phù hợp với ngũ thường thì sao?”. Thầy Hy Hải nói: “Vậy thì vấn đề vẫn là ở cô! Bởi vì cô phải nghĩ ra phương pháp có thể khiến họ hoan hỷ vui vẻ làm theo những gì cô cho rằng là đúng. Chính là phương pháp của cô có vấn đề, không phải họ có vấn đề”. Tôi nói: “Thế thì, nói qua nói lại cũng là vấn đề ở tôi sao?”. Thầy nói: “Đúng rồi! Quan trọng nhất chính là cô hãy buông xuống cái tôi của mình, không nên nghĩ đến bản thân mình nữa”. Thầy nói khi thầy hầu hạ cha mình thì thầy không còn cái tôi nữa, hoàn toàn có thể trở thành một thể với cha của mình. Cha của thầy không thể nói chuyện, nhưng thầy biết cha của mình ngứa chỗ nào, khi nào phải trở lưng, khi nào cần uống nước. Chưa bao giờ cha của thầy phải dùng ống thông đàm. Mỗi lần thầy dùng ống thông đàm hút đàm ra cho cha mình, thầy canh lúc cha mình thở một hơi thì thầy hút đàm ra, hút vào trong miệng mình. Mỗi lần cha thầy đi đại tiện, thầy cũng rất hạnh phúc mà đưa lên ngửi, “phân hôm nay rất tốt, không khô, cũng không loãng”. Thân thể của cha thầy rất khỏe mạnh.

Ở Đại Liên có một bệnh viện rất nổi tiếng. Thầy dẫn cha mình đi tái khám, khi đó bác sĩ điều trị chính ở bệnh viện đã nói: “Anh Hy Hải! Với khả năng của anh bây giờ (anh Hy Hải không có văn hóa) trình độ hộ lý của anh có thể đến Đại học Y khoa giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành hộ lý được rồi đó”. Cho nên, sau khi phát tâm chân thành hiếu thảo, không có điều gì là không thông. Câu nói trong “Hiếu Kinh” thật sự rất đúng: “Thông ư thần minh, quang ư tứ hải”.

Tôi đặc biệt cảm ân, cảm thấy mình rất may mắn có cơ hội được tiếp xúc với những vị thiện tri thức. Chính là câu nói trong “Đệ Tử Quy”: “Yêu bình đẳng, gần người nhân”. Tại sao “yêu bình đẳng” ở phía trước, còn “gần người nhân” ở phía sau. “Đệ Tử Quy” đều có thứ tự. Quý vị xem “Nhập Tắc Hiếu” là chương đầu tiên. Tôi đã suy nghĩ về điều này rất lâu, xin chia sẻ tâm đắc này cho quý vị. Đó là vì, khi bạn đem tâm yêu thương cha mẹ mở rộng ra thành tâm yêu thương mọi người xung quanh, thì bạn mới có thể thực sự có được tâm cung kính. Bạn đem tâm cung kính này thân cận người hiền thì bạn mới được thọ dụng, ngược lại thì làm sao thọ dụng được đây? Người hiền ở ngay bên cạnh bạn, bạn cũng không xem ra gì, cuối cùng nghe không lọt tai, bạn không học được thứ gì cả. Tôi chia sẻ với mọi người là bản thân tôi có tập khí phiền não rất nặng, thật đấy! Tôi cứ ngưỡng mộ những vị đại đức lão sư, như giáo sư Chung tôi rất ngưỡng mộ. Bản thân tôi rất muốn thay đổi, cho nên tôi suy nghĩ rất nhiều phương pháp, kiên định thực hiện nó. Đã rất nhiều năm rồi, gia đình tôi không có xem báo chí, từ trước đến giờ không xem tivi, nếu như xem thì chỉ xem phim về văn hóa truyền thống .

Khi học tập đức tính cung kính khiêm nhường, tôi nghĩ làm sao mình có thể vừa hiểu về mặt lý, mà đối với mặt sự cũng có thể làm được. Làm sao từ trong tâm tôi có thể hiểu được một cách triệt để. Khi mới bắt đầu thì tôi lạy Phật. Lần trước, tôi đã chia sẻ qua với quý vị rồi.

Qua quá trình hai tháng tu học, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi hạ quyết tâm dẫn theo con tôi đi ra ngoài làm công quả. Tôi chưa làm qua công việc này. Những thầy cô giáo thuyết giảng về văn hóa truyền thống nói chính là làm công quả. Kỳ thực, khi đi ra ngoài thì được rất nhiều người tôn sùng, tâm ngã mạn tự cao của mình càng ngày càng nặng. Cho nên, ngày chủ nhật tôi dắt theo con của mình đi đến một ngôi chùa ở Đại Liên để cọ rửa nhà vệ sinh. Quý vị thử nghĩ xem, lúc trước ngay cả nhà vệ sinh trong nhà tôi còn chưa cọ rửa qua. Nói thật lòng, tôi hạ quyết tâm rất lớn. Sau đó, tôi lái xe và nói với cha mẹ. Cha mẹ tôi cũng rất hoan hỷ, họ nói rất tốt. Ba tôi còn đặc biệt mua cho tôi một cây kẹp rác rất dài. Ba nói: “Con dẫn đứa lớn vào trong nhà vệ sinh cọ rửa, ba với mẹ con dẫn theo đứa nhỏ đi nhặt rác ở bên ngoài chùa. Đến giờ thì chúng ta cùng nhau đi ăn, ăn xong rồi về nhà. Làm nguyên một buổi sáng, rất tốt!”. Kết quả là lần đầu tiên khi cọ rửa nhà vệ sinh, lúc đó thật sự tôi có cảm xúc rất lớn. Nói thật lòng là khi tay đeo găng tay, vừa cầm cây cọ lên thì ngửi được cái mùi rất nồng. Tôi cứ tưởng là chỉ có một cái nhà vệ sinh, đến đây rồi mới biết là tự viện rất lớn, có hai khu vệ sinh công cộng. Bên nữ tổng cộng có đến tám phòng. Ngoài tám phòng ra, con tôi còn phải cọ rửa bồn vệ sinh. Trước tiên tôi dạy con cách cọ rửa, sau đó chúng tôi chia nhau ra làm việc. Kết quả, tôi vừa cọ được một lúc thì có người đi vào nói: “Đừng có làm nữa, toàn nước không à, qua bên kia làm đi, tôi phải đi vệ sinh”. Khi đó tôi mới nghĩ: “Tại sao tôi lại đến đây làm gì, ở nhà tôi có thể nhàn nhạ rất sung sướng. Thật là!. Tôi nghĩ dù gì cũng đã đến đây, nên thôi không lên tiếng, sau đó nhường cho cô ấy”. Một lúc sau lại có một người vào, nhìn tôi rồi nói: “cô làm việc ở đây à?”. Tôi nói: “ không phải ạ!, cô ấy nói: “không phải à?”. Lúc đó tôi mới nghĩ: “Mình có nên tiếp tục hay không?”. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi cũng kiên định tiếp tục, vì phải thay đổi bản thân, hãy làm thôi. Dù gì cũng phải luyện tập từ đây, mặc người ta muốn nói gì tôi vẫn cọ rửa từng phòng vệ sinh. Sau đó tôi tịnh tâm trở lại, cầm cây cọ bắt đầu cọ rửa phòng vệ sinh. Thật sự có cảm giác như đang cọ rửa bản thân mình, bao lâu nay tâm mình đã tích lũy những thứ ô uế, rất khó cọ sạch. Khi cọ đến cuối cùng thì trong tâm tôi cảm thấy phiền não tập khí của con người mình thật sự rất khó thay đổi. Nếu như không có tâm kiên định vững vàng như trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đã nói, nếu không có cái tâm dũng mãnh, tâm kính sợ, tâm hổ thẹn, thì rất khó quay đầu thay đổi. Tôi suy đi nghĩ lại nhiều lần, tại sao cần có tâm kính sợ? Bởi vì tôi biết khi tôi học Phật nhiều năm, hiểu được nhân quả, với nghiệp mà tôi đã tạo thì tương lai tôi nhất định sẽ phải đọa vào ác đạo. Thật sự là tôi thấy sợ hãi, mỗi lần đọc “Kinh Địa Tạng” tôi đều rất sợ. Tôi không muốn đến nơi đó. Bởi vì tôi biết, khi tôi học Đại học tôi rất thích học Triết học. Tôi cứ liên tục nghĩ, tại sao con người lại đến thế gian này? Thân thể của con người có thật sự tồn tại? Rốt cục có linh hồn không? Cái gì là tôi? Đây là những vấn đề thường gặp phải trong Triết học, chính là bản thể, là mối quan hệ giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần.

Lần đó tôi đã đọc một lượng lớn sách Triết học. Như sách của Niết-chê (Nietzsche), Socrates, triết học của cổ Hy Lạp tôi đều đọc qua hết, tu học rất nhiều môn, nhưng không đạt được kết quả gì. Tôi thích Phật học, đích thực là ban đầu tôi đã đem Phật học ra nghiên cứu. Bởi vì tôi cảm thấy nó so với Triết học nói thấu triệt hơn. Tôi còn có tâm lý là xem Phật học như một thứ tiêu khiển cho qua thời gian, tôi cảm thấy như vậy. Sau này khi nghe giảng đi giảng lại thì tôi thấy rất sợ, bởi vì con người thật sự không có chết, người chết thì chưa có hết. “Mọi thứ không thể mang theo được, chỉ có nghiệp theo thân”. Thiện nghiệp thì tôi không có, ác nghiệp thì rất nhiều. Tôi sợ hãi, làm sao để sửa đổi đây? Tôi phải kiên trì.

Làm đến giữa chừng con tôi mệt quá không làm nổi, nó nói: “Mẹ ơi! Chúng ta có thể đi nhặt rác được không, cũng làm công quả mà!”. Tôi nói: “Con à! Không được!”. Con tôi hỏi là vì sao vậy? Tôi nói: “Mẹ rất ngạo mạn, con nhất định phải cùng với mẹ dùng phương pháp này đối trị tính ngạo mạn của mẹ”. Chúng tôi đến chùa làm hết ba lần, lần thứ hai đi thì đỡ hơn nhiều rồi.

Sau này thầy Hy Hải có nói với tôi: “Cọ rửa nhà vệ sinh thì phải kiên trì. Đây là việc rất tốt!”. Cho nên tâm dũng mãnh này phải kiên định. Nguyên nhân có thể làm được việc này chính là bạn có tâm hổ thẹn và tâm kính sợ, nó sẽ thành tựu tâm dũng mãnh của bạn. Lần này tôi đến, đem về cuốn “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”. Hôm qua, tôi đứng đấy xem được vài đoạn. Tôi quyết định khi đi về có thời gian nên xem nhiều hơn. Tôi biết được có nhân quả nhưng không tin sâu. Bởi vì bạn tưởng tượng không ra bạn trồng ác nhân này sẽ gặt được quả báo gì. Không thấy được quả báo, nên bạn rất dễ khinh thường, xem nhẹ, không xem ra gì cả.

Hôm đó, nghe thầy Hà thuyết giảng tôi rất cảm động. Vì sao vậy? Hồi trước tôi rất sợ sét đánh. Khi tôi lên Đại học, sợ đến mức độ nào? Đến nỗi nếu như có tiếng sét, tôi liền chui vào trong chăn của người khác. Người ta hỏi tôi làm sao vậy? Tôi mới nói là hễ nghe được tiếng sét thì lông tóc dựng đứng. Tôi rất sợ tiếng sét đánh. Thậm chí ngay trong giấc mơ, tôi đã mơ thấy thần thiên lôi trách mắng tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng mấy năm nay tôi không còn sợ nữa, đặc biệt là năm nay tôi không còn sợ sét đánh. Như ngày hôm đó ở Đại Liên có sét đánh, tôi mới cảm thấy kỳ lạ. Tôi hỏi: “Tại vì sao lần này tôi không sợ vậy?”. Kết quả là nghe bài giảng của thầy Hà tôi đã hiểu ra. Thầy giảng rất rõ: Lãng phí ngũ cốc chiêu cảm tiếng sét, người đó sẽ sợ hãi. Khi tôi học Đại học, nếu như tôi không thích ăn món nào, tôi chỉ thử một miếng rồi sẽ vứt cả một tô cơm và đồ ăn vào thùng rác, không có cảm giác gì. Hơn nữa, khi tôi ăn cơm thường chỉ ăn một nửa, ăn phần ở giữa, bởi vì tôi nghĩ cơm bên rìa không ngon. Phần rìa còn lại tôi đem đi đổ. Lúc trước, đi ăn ở tiệm tôi không bao giờ mang về, bởi vì tôi cảm thấy đồ ăn thừa rất bẩn, không thể ăn đồ thừa, lãng phí ngũ cốc không kể xiết. Thật sự tôi cảm thấy, vì việc đó mà tôi vẫn còn một chút kiên định tín tâm để sửa đổi. Bởi vì, tôi sợ mình sẽ chiêu cảm lấy ác báo, rất sợ hãi. Thì ra hôm qua thầy Hà nói, bởi vì hai năm trở lại đây tôi đã làm được từng chút một. Lúc mới bắt đầu tôi cho rằng mình tiết kiệm, nhưng những lúc cơm bị thiu thì tôi cũng sẽ đem đổ. Đích thực là đồ ăn dư của con ăn không hết tôi sẽ đổ bỏ.

Nhưng sau khi tôi tu tập “Nữ Đức”, khi cha mẹ tôi đến ở cùng, ba tôi đặc biệt làm một sọt rác nhỏ, gọt xong vỏ táo, vỏ dưa, kể cả những hạt cơm rơi dưới đất đều nhặt bỏ vào sọt rác đó. Tôi mới hỏi ba: “Ba à! Ba muốn làm gì vậy?”. Ba nói: “Ba đem những thứ này đưa ra ngoài, ủ một thời gian thì sẽ thành phân bón”. Bởi vì phía trước nhà chúng tôi lúc trước trồng hoa, có một vườn hoa. Hai tháng sau khi ba tôi đến, ở những khu đất trống ba tôi đều trồng rau xanh, bắp cải, bí đỏ. Ba tôi đem phân vừa ủ xong, bao gồm sữa của đứa con út của tôi vừa uống hết, ba tôi lấy nước tráng qua, sau đó đều đem tưới cho hoa, cho rau. Ba tôi còn hay nói những câu cảm ân như: “Các bạn hãy phát triển cho tốt, những loại phân bón này không biết có hợp khẩu vị hay không”. Hoa nở rất đẹp, rau cũng phát triển rất tốt. Đến mùa hè, hầu như chúng tôi đều ăn rau cải ở nhà trồng. Cho nên, bây giờ tôi thật sự không còn sợ sét đánh nữa, ngày trước thì rất sợ.

Tôi cùng cô giáo Mỹ Huệ cũng thỉnh cuốn “Cảm Ứng Thiên Vựng Biên”, quyết định đem về nhà tu học, xem từng câu chuyện, từng câu chuyện một. Người ta không biết nên mới dám tạo ác, mới không biết sợ. Sau khi biết rõ rồi thì huân tập nhiều lần. Nghe giảng một lần không được thì nghe hai lần, hai lần không xong thì nghe giảng mười lần. Không được nữa thì bạn sẽ giảng lại cho người khác mười lần. Cuối cùng thì cũng hiểu rõ, hóa ra là như thế này. Đích thân tôi đã trải nghiệm rồi.

Cho nên chúng ta học văn hóa truyền thống cũng tốt, học “Đệ Tử Quy” cũng tốt, quan trọng nhất là phải hiểu được nhân quả. Nếu như không tin nhân quả, hoặc không hiểu rõ về nhân quả, thì thực sự mỗi ngày bạn luôn tạo ra ác nghiệp nhiều hơn thiện nghiệp. 

Hiện nay, cũng có lúc ba tôi nói với tôi: “Con hiện tại cũng đang phạm lỗi, cũng may là so với lúc trước con có ưu điểm là con biết quay đầu ngay lập tức, con biết con đã sai”. Chúng ta thường hay làm những việc sai trái nhưng không biết đó là sai trái, còn cho rằng là rất đúng, như việc dạy con trẻ. Tôi luôn nghĩ rằng trẻ con là trẻ con, tôi là tôi, tôi phải phê bình nó, tôi phải nói nó, tôi phải dạy dỗ nó. Tôi tu học ở nhà hai tháng nay có một trải nghiệm rất lớn, không phải dạy trẻ kiểu như vậy. Bạn thay đổi rồi, thì nó sẽ thay đổi.

Bạn với con trẻ cũng giống như thân thể của bạn và hình bóng của bạn vậy. Khi bạn đứng thẳng, thì mặt trời rọi xuống bóng của bạn mới đứng. Nếu thân của bạn nghiêng, thì mặt trời rọi xuống bóng cũng nghiêng. Cho nên, khi nói về việc giáo dục đức hạnh của phụ nữ, Tổ sư Ấn Quang đã từng nói qua một câu rất Kinh điển. Ngài nói, mẹ và con cũng giống như vàng được nung chảy thành khuôn vậy. Đem vàng nung chảy ra, rồi đổ vào trong khuôn, khuôn đó hình thù như thế nào thì hình dạng của vàng cũng như thế đó. Ví dụ như khuôn là hình cột, thì nhất định sẽ tạo ra vàng cây. Khuôn là hình đĩnh vàng, thì nhất định sẽ tạo ra đĩnh vàng. Ngài nói cái khuôn này chính là người mẹ, người con chính là vàng.

Tại sao tôi nói tôi đặc biệt xúc động? Bởi vì sau ba ngày kể từ khi tôi dập đầu xin lỗi với mẹ, vào một buổi tối, đứa con út của tôi chủ động cầm một cái khăn đứng bên cạnh ba của tôi. Ba tôi lúc đó đang rửa chân, cũng không để ý. Ba tôi mới nói: “Con muốn làm gì đó?”. Nó mới nói: “Ông à! Khi nào ông rửa chân xong con muốn lau chân cho ông”. Nó chỉ hai tuổi rưỡi, chưa đến ba tuổi. Ba tôi rửa xong rồi thì nó đã rất chăm chú lau từng bàn chân, từng ngón chân cho ba tôi. Sau khi lau sạch sẽ rồi thì nó đem dép mang vào cho ông. Sau đó nó nói với anh nó: “Anh đem đổ nước đi, em bưng không nổi”. Anh nó liền đem nước đổ đi. Sau đó ba tôi rất là vui, niềm hoan hỷ đó không gì so sánh nổi. Ngày hôm sau, khi gặp chồng tôi, ba liền nói với anh là: “Đứa con này của con đúng thật là ...”. Bởi vì ba tôi cũng có hai đứa cháu nữa. Tôi có hai đứa em trai, là song sinh. Ba tôi mới nói: “Con xem hai đứa cháu nội của ba, chúng cũng ba bốn tuổi rồi, lúc trước ở bên cạnh ba không có đứa nào rửa chân giúp ba hết”. Ba tôi rất vui.

Đứa con lớn của tôi có vẻ tủi thân, bởi vì chúng tôi đang khen đứa em nên nó đứng đó không lên tiếng. Sau đó, tôi hiểu được tâm ý của nó, tôi nhẹ nhàng gọi nói qua một bên, tôi nói: “Con à! Mẹ nói cho con nghe một bí mật. Thật ra bà ngoại của con vẫn chưa từng được ai rửa chân. Em của con không phải là người đầu tiên rửa chân cho ông hay sao? Tối hôm nay con có thể là người đầu tiên rửa chân cho bà. Con còn có thể chủ động bưng nước đến rửa chân cho bà. Con làm còn tốt hơn so với em con. Đừng nói với bà là mẹ nói chuyện này với con nhe. Con cứ nói với bà là con nghĩ ra như vậy”. Kết quả là đến tối, nó cứ hỏi, “bà mấy giờ mới ngủ, bà mấy giờ mới rửa chân?”. Mẹ tôi mới nói: “Con muốn làm gì vậy?”. “Con chỉ hỏi thôi ạ”. Cuối cùng mẹ tôi cũng nói: “Bà muốn rửa chân rồi, con có chuyện gì không?”. Con nó nói: “Bà cứ ngồi ở đó, con đi lấy thau nước”. Sau đó đích thực là nó đã làm theo lời của tôi. Mẹ tôi rất vui. Mẹ tôi nói nó làm còn tốt hơn so với em nó, còn làm cả mấy việc từ rửa chân đến cọ chân, mẹ rất vui.

Cho nên, bản thân tôi suy nghĩ rất lâu, chúng ta là người làm mẹ mà cứ luôn trách móc con mình không tốt, cứ luôn cảm thấy trẻ con rất khó dạy bảo, trẻ con không hiếu thuận. Thật sự là tôi chưa bao giờ phản tỉnh lại chính mình. Bởi vì khi nhìn thấy những khuyết điểm của con mình, cũng chính như là nhìn thấy khuyết điểm của chính bản thân mình vậy, chỉ là chính mình ngại không dám thừa nhận, không dám đối mặt.

Lần này trước khi tôi đến Hồng Kông, con tôi đã viết cho tôi một bức thư. Đứa con lớn của tôi, bởi vì nó đã vào tiểu học lớp một, trong hai ngày này nó đang thi cuối kỳ, hôm qua đã bắt đầu thi. Nó biết tôi có chút lo lắng, nên nó đã viết cho tôi một tờ ghi chú vuông vức ngay ngắn. Nó nói: “Mẹ thân yêu! Mẹ đi Hồng Kông chăm chú nghe giảng nhé, con ở nhà sẽ thi thật tốt để mẹ yên tâm”. Tôi rất cảm động. Bởi vì nói thật lòng, chúng ta có thể cảm ân cha mẹ, nhưng có biết cảm ân con của mình hay không? Lúc trước, tôi cảm thấy hai đứa con của mình rất phiền toái, tôi thấy nếu tôi không có chúng nó tôi sẽ sống tốt hơn nhiều, sẽ vô lo vô ưu, tự do tự tại. Hiện tại, chính ngày hôm đó đã khiến tôi suy ngẫm, tại sao tôi có hai đứa con này? Bởi vì tôi thiếu rất nhiều bài học, kiếp này ông trời ban cho tôi hai vị thầy. Trẻ con cũng là thầy, ông trời phái xuống bên cạnh để thành tựu cho tôi.

Lần trước khi tôi giảng bài, tôi còn nhắc đến, tôi phải nhẫn nhịn, đối với tất cả mọi người đều phải nhẫn nhịn. Sau khi quay về, đối với cha mẹ thì tôi dần dần có thể làm được. Khi bạn làm không được trọn vẹn thì luôn sẽ có thử thách. Tôi cứ nghĩ mình làm rất tốt, kết quả là đứa con út liên tục mấy đêm liền không hiểu lý do gì cứ khóc suốt. Ngày đầu tiên tôi có thể chịu được, ngày thứ hai thì tôi cảm thấy rất phiền. Tôi mới hỏi con: “Không bị bệnh cũng không có chuyện gì, con khóc làm gì chứ?”. Ngày hôm sau mẹ tôi thức dậy thì nói với tôi, bởi vì chúng tôi ở sát vách, ngay lầu một. Mẹ tôi nói: “Cháu út đêm hôm qua ngủ không được ngon giấc”. Tôi nói: “Dạ đúng rồi mẹ, mẹ cũng nghe thấy à?”. Mẹ tôi nói: “Quan trọng nhất là mẹ xem biểu hiện của con. Đêm đầu tiên con còn tốt, ngày thứ hai đã nhịn không nổi, vậy làm sao được?”. Sau đó tôi mới nói chuyện với đứa con út. Tôi nói: “Con có thể không khóc được không? Con muốn làm gì đây?”. Đứa con út của tôi rất thông minh, không hiểu tại sao nó nói với tôi một câu khiến tôi rất kinh ngạc. Nó nói: “Dạ con đến để thành tựu mẹ”. Tôi mới nói: “Vậy được rồi, vậy mẹ sẽ bình thản mà chịu đựng”. Khi ý niệm của tôi vừa chuyển đổi, thì con nó không khóc nữa, đều trở lại bình thường. Cho nên, trải nghiệm mà tôi muốn báo cáo cho quý vị là gì? Chúng ta thường nói đến phiền não và trí tuệ chính là bồ đề, cũng giống như mặt úp và mặt ngửa của bàn tay vậy, khi quý vị vừa chuyển ý niệm trở lại thì thử thách sẽ không còn nữa. Bởi vì khi quý vị nghĩ nó là như vậy, nó đến để thành tựu tôi đấy, thì ý niệm này của bạn là ý niệm của trí tuệ, không phải ý niệm của phiền não. Nếu quý vị không còn nghĩ đến những phiền toái đang liên tục xảy ra, thì thử thách sẽ không còn, sẽ vượt qua thử thách. Nếu như quý vị muốn nâng cao cảnh giới, thì sẽ còn những thử thách khó khăn hơn nữa tiếp tục xuất hiện, quý vị sẽ ở trong đây mà luyện tập. Mỗi lần một chuyển đổi, chuyển đến cuối cùng thật sự là như lời sư phụ đã nói: “Đối với thuận cảnh không có một tơ hào ý niệm tham luyến”.

Thuận cảnh là gì vậy? Thuận cảnh là cái mà chúng ta thường ngày hay nói, những người mình gặp đều là những người mà mình ưa thích, những lời nói xung quanh đều là những lời mà mình thích nghe, không lo lắng về chuyện ăn uống, quý vị không có tham luyến. Đây cũng là khảo nghiệm. Nghịch cảnh là gì? Không phải là đại họa đại nạn gì, mà chính là đối với những chuyện vặt vãnh thường hay xảy ra trong gia đình bạn xem thấy việc gì cũng đều vừa mắt, không phải nhìn việc nào cũng không vừa ý. Thấy người này tại sao đi vệ sinh không giội nước, thấy người này tại sao mới ra ngoài mà lớn tiếng thế, thấy người kia tại sao mặc đồ không có thẩm mỹ gì, lại thấy người nào đó đầu tóc sao rối bù, lại còn ngửi được mùi của người khác…. Thật sự ý niệm chuyển rồi thì cảnh giới sẽ thay đổi.

Bởi vì ban đầu tôi đã từng gặp qua tình cảnh như vậy, tự cho mình rất sạch sẽ. Có một vị thầy dạy văn hóa truyền thống, tôi cứ cảm thấy người thầy đó có mùi, mỗi lần tôi đều tránh rất xa. Kết quả có một ngày tôi đã làm thử nghiệm, thử xem thầy là Phật Bồ Tát, tìm những ưu điểm của thầy. Dù gì thầy cũng có duyên với tôi, chúng tôi luôn ở cùng một nơi, nhất định là thầy đến để chỉ dạy tôi bài học gì đây. Tôi tìm kiếm. Khi tôi tìm ra được những thứ tốt đẹp ở thầy, tôi thật sự rất kinh ngạc. Tôi nói, quả thật là thầy đến để đối trị tật xấu của tôi, để tôi phát hiện ra những khuyết điểm và vấn đề của bản thân mình. Thầy có đức hạnh rất tốt. Đột nhiên có một ngày, tôi mới ý thức được sao tôi lại không ngửi được mùi cơ thể của thầy nữa. Thật là tôi muốn ngửi cũng ngửi không ra, vẫn là như vậy. Cho nên mùi ở đâu ra? Ở trong tâm của mình phát ra, không phải bên ngoài.

Quý vị cảm thấy bên ngoài dơ bẩn, quý vị cảm thấy người bên ngoài đều không phải là người tốt, quý vị cảm thấy con mình không tốt, quý vị cảm thấy cha mẹ chồng của mình không tốt, chính là tâm của bản thân quý vị không tốt. Khi tâm quý vị không còn ý niệm xấu này, nhất định mọi thứ sẽ khác. Thay đổi khá là khó. Tôi cảm thấy tôi có được lợi ích gì? Hai tháng nay tôi rất ít đến công ty, mỗi buổi sáng đều nghe Kinh, buổi chiều có lúc cũng nghe Kinh, có lúc thì soạn bài, cả buổi chiều nghiên cứu “Nữ Giới”, buổi tối lại nghe Kinh.

Tôi đã hiểu được câu nói, chính là câu nói thường gặp trong bài giảng của Sư phụ. Chính miệng Ngài nói: “Tôi ngày nào cũng ở cùng Phật Bồ Tát, nên tôi lúc nào cũng vui vẻ”. Trong phút chốc tôi chưa cảm nhận được sự hoan hỷ đó, nhưng tôi có cảm giác phiền não đang giảm bớt từng chút một. Sau đó có vẻ như mình đã hiểu ra một chút một đạo lý nhỏ. Con người ta khi hiểu được đạo lý, lợi ích lớn nhất chính là biết bản thân mình sai rồi, thật sự đã sai. Không phải nói trên miệng là tôi sai rồi, tôi sẽ sửa đổi, không phải như vậy. Ngày trước của tôi là như thế. Chồng của tôi mới nói: “Em sai ở đâu?”. Tôi nói: “Chỗ nào em cũng sai cả”. Anh ta nói: “Em nói cụ thể xem”. Tôi mới nói: “Không có gì để nói cả”. Anh nói: “Vậy thì em vẫn chưa nhận thức được”. Tôi quay người bỏ đi. Đó chỉ là ngoài mặt, chỉ là hình thức. Cho nên, hiểu lý rất quan trọng. Sau khi hiểu rõ lý rồi, bản thân phải chân thật đi thực hiện. Sau khi phản tỉnh lại, thì đó mới gọi là thật sự học tập.

Bởi vì khi tôi học “Nữ Giới”, tôi thường xuyên phải tra “Thuyết Văn Giải Tự” để xem tổ tiên chúng ta khi sáng tạo ra mỗi chữ cái thì họ có hàm ý gì bên trong. Kết quả là sau khi tôi tra xong từ “học”, tôi rất ngạc nhiên. Trong cuốn “Thuyết Văn Giải Tự” có nói: “Học có nghĩa là ngộ”. Từ “ngộ” trong từ giác ngộ. Thì ra từ trước đến giờ tôi đều không có học, bởi vì tôi chưa có giác ngộ, chỉ như là một cái máy ghi nhớ đơn giản vậy, lưu trữ một đống kiến thức, một đống từ ngữ. Tôi tra rất nhiều từ, bao gồm từ “giáo” và “dục”. Từ “giáo” trong “Thuyết Văn Giải Tự” có ghi là: “Trên làm, dưới noi theo”. Còn chữ “dục” là nghĩa gì? “Con cái sẽ theo đó mà trở nên thiện”. Lúc đó tra xong hai từ này, có thể rất nhiều thầy cô đều biết, chỉ có tôi lần đầu mới biết. Tôi rất phấn khích, tôi liền chia sẻ với ba. Ba tôi nói: “Đúng rồi! Con làm như thế nào thì con của con sẽ làm thế đó. Con như thế nào thì con của con sẽ như thế đó. Con tốt rồi thì con con cũng sẽ tốt”. Ba còn nói: “Con xem chữ “giáo”, một bên là chữ hiếu, bên còn lại là chữ “văn” đảo ngược, giống như một cây roi vậy. Bạn không có hiếu thì sẽ đánh bạn, như vậy gọi là “giáo””. Lúc đấy tôi mới suy ngẫm, mình đã sắp bốn mươi tuổi rồi mà đến giờ mới hiểu đạo lý này.

Quý vị xem Khổng Lão Phu Tử, đến bốn mươi tuổi Ngài đã không còn nghi hoặc. Tôi hy vọng trong vòng mười năm có thể nỗ lực cố gắng, có thể đạt đến cảnh giới của Khổng Lão Phu Tử, không mê hoặc, sẽ rất vui vẻ. Bởi vì khi quý vị không có nghi hoặc nữa, thì quý vị sẽ bớt tạo nghiệp rất nhiều.

Trong quá trình chúng tôi học tập, thường xuất hiện những nghi vấn gì? Kể cả việc tôi dẫn dắt nhân viên cùng nhau học tập “Nữ Đức”, học “Nữ Giới”, đã gặp những nghi vấn gì? Những thứ lỗi thời này bây giờ còn học để làm gì, có tác dụng gì? Tôi nói với họ: “Mặt trời có lỗi thời không? Vậy thì chúng ta cần nó chiếu sáng để làm gì?”. Cổ ngữ Trung Hoa chúng ta có câu: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Còn có câu: “Nghe người khuyên, ăn cơm no”. Người xưa là ai? Cha mẹ, người lớn trong nhà là người xưa. Thánh Hiền thời xưa để lại những điển tích này cho chúng ta, nó cũng là người xưa. Cho nên Khổng Lão Phu Tử thường nhắc đến câu là: “Tín nhi hiếu cổ”. Tin tưởng lời nói của cổ nhân, nguyện học tập theo người xưa.

Mỗi ngày ở nhà, tôi đem “Câu Chuyện Đức Dục” gồm bốn quyển ra xem. Ba tôi rất hoan hỷ, ba nói sách này rất tốt, đều nói về đức hạnh của cổ nhân, đều dựa trên “Bát Đức”: “Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để biên soạn, và còn phân chia ra phần của người nữ và phần của người nam. Tôi xem người nữ thời xưa họ như thế nào để làm người phụ nữ, làm người vợ, làm người mẹ, làm người con dâu. Chúng ta thật sự có lỗi với tổ tiên, chúng ta bỏ đi rất nhiều thứ. Trong “Bát Đức”, tôi cảm thấy tôi học đi học lại cũng chỉ có một đức, đặc biệt là xã hội ngày nay cần đến, chính là chữ “hiếu”. Vì sao mỗi lần tôi phản tỉnh từ chữ “hiếu” này, thì tôi cảm thấy hiếu chính là gốc. Cha mẹ của mình, họ chính là cái gốc sinh mệnh của mình, quý vị chính là từ đây mà ra. Nếu như các vị niệm niệm đều quay về tâm hiếu thảo đối với cha mẹ, thì nhất định có thể thành tựu, ít nhất là trên thế gian có thể ít tạo nghiệp hơn. 

Chúng tôi trong lúc học tập văn hóa truyền thống, có rất nhiều thầy cô cũng đang chia sẻ cho mọi người, tôi cảm thấy chính mình không biết thuộc loại người nào? Tôi cảm thấy mình thật sự không phải là một tấm gương tốt, tôi chính là đến để phản tỉnh, để sám hối. Bởi vì chúng ta thường quan niệm là đi học vài năm để có được những tấm bằng, những học vị, rồi thì không cần đến giáo huấn của người xưa nữa. Không nghe lời dạy của cha mẹ, cũng không chịu cúi đầu nghe thầy cô giảng dạy, cả một đời này không chỉ là tự hủy đi bản thân mình. Thật vậy, giống như chương đầu tiên “Ti Nhược” trong “Nữ Đức” có nói đến ba cái “thường đạo” của người phụ nữ. Chữ “thường” trong từ luân thường, “đạo” trong từ đạo đức. Thường đạo này siêu việt cả thời gian và không gian. Nói trắng ra, chính là căn bản của sự tu thân dưỡng đức của người phụ nữ, là căn bản của việc thành gia lập nghiệp, căn bản của việc gia hòa vạn sự hưng, căn bản của tất cả mọi thứ mà chúng ta lại không biết nó, không có nó, cho nên học đến cuối cùng thì nhà không ra nhà, người cũng không giống người.

Quý vị xem chương thứ nhất về “Ti Nhược” nói đến ba thứ “thường đạo” của người phụ nữ, là ba thứ “thường đạo” nào?

Thứ nhất, tôi xin báo cáo cho quý vị, “ti nhược” chính là tánh đức khiêm tốn nhu hòa, cung kính khiêm nhường, người trước mình sau, giữ lòng nhẫn nhục. Nói thật ra, chính là chịu thương chịu khó. Ở nhà không để gia đình trở thành nơi chứa đựng đầy oán khí, tất cả những điều không vừa ý đều phải nhẫn nhịn. Giống như đức tính của nước vậy, đổ nó vào cái bình vuông thì nó hình vuông, vào bình tròn thì nó hình tròn, vậy thì gia đình này nhất định có phước.

Thứ hai là nói đến người phụ nữ phải cần cù, cần mẫn. Người phụ nữ nếu không biết cần kiệm thì nhất định là tướng bại gia. Lúc trước tôi là như vậy, rất xa xỉ, rất lãng phí. Trong hai tháng tu học này, tôi đem quyền quản lý tài chính trong gia đình giao cho ba tôi, bởi vì cha mẹ tôi rất tiết kiệm. Tháng đầu tiên, tôi đưa ba 2.000 tệ. Trong nhà có hai đứa trẻ, cha mẹ, cộng thêm tôi nữa. Bởi vì ông xã làm kinh doanh nên thường xuyên ăn cơm bên ngoài, chủ yếu là những chi phí trong nhà. Kết quả sau một tháng, cha tôi rất cẩn thận lấy sổ ghi chép chi tiêu. Các khoản chi tiêu chỉ dùng hết 1.600 tệ. Tôi cảm thấy như thế là rất tiết kiệm rồi. Ngày trước, một tháng tôi chi tiêu rất nhiều. Ba tôi ở đó xem xét những khoản nào cần nên cắt giảm, khoản nào không cần thiết, khoản này có thể tiết kiệm hơn. Trong khu vườn nhỏ này có thể làm thêm vài luống đất, tiền rau có thể cắt giảm đi. Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự đời này của chúng ta kém rất xa so với đời trước, không biết tiếc phước, không biết cảm ân. Cho nên, có một vị thầy nói với tôi những lời khiến tôi kinh ngạc. Thầy nói hưởng phước, quý vị hưởng thụ phước báo chính là đang tiêu hao phước báo, hưởng thụ nhiều một phần thì tiêu hao nhiều một phần. Khi không còn để tiêu hao nữa thì phước tận nhân vong, khắp người mang theo ác nghiệp thì bạn phải đi thọ ác báo. Thầy ấy nói, chịu khổ chính là hết khổ. Quý vị chịu khổ nhiều một chút thì nghiệp nợ của quý vị sẽ giảm đi một phần, tích thêm một phần phước. Cho nên, tôi bắt đầu từ bản thân mình, sau đó đến con của tôi.

Trong thời gian đó có ngày quốc tế thiếu nhi. Mọi người đều biết, hồi xưa đến ngày quốc tế thiếu nhi tôi nhất định dắt con ra ngoài, phải ăn, phải chơi, một ngày cũng tiêu đến một ngàn tám trăm tệ. Dịp lễ này chúng tôi không đi đâu cả, ở nhà dọn dẹp nhà cửa.

Chúng ta học được rồi thì chúng ta hãy áp dụng, tuy là có lúc không làm nổi. Đôi khi tôi cũng không thể khống chế bản thân mình được, nhưng vẫn cảm nhận được bản thân đang tiến về phía trước. Mặc dù tiến ba bước, lùi hai bước, nhưng vẫn còn một bước chưa lùi lại chỗ ban đầu, liền mong chóng tiến lên phía trước hai bước nữa. Nếu như không học thì hoàn toàn lùi về sau rồi.

Thứ ba là gì vậy? Trong chương “Ti Nhược” có nói, gọi là “kế tế tự”. Cái gọi là “kế tế tự”, ý nói trọng trách của người phụ nữ trong việc kế thừa gia đạo và truyền thừa lại cho đời sau.

“Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Câu nói này tôi cũng cẩn thận tra cứu trên mạng. “Hậu” ở đây là chỉ cho thế hệ sau có đức, có thể thật sự gánh vác được gia nghiệp, gia đạo. Quý vị sanh nhiều con, không chỉ là hai đứa, quý vị sanh ba đứa, chúng đều không được giáo dục về đức hạnh, không biết hiếu dưỡng phụ mẫu, tôn trọng sư trưởng, thì không khác gì so với cầm thú.

Tôi nghe được một câu chuyện về một doanh nhân rất giàu ở Đại Liên, luôn bận rộn trong công việc. Con của ông ấy bởi vì thiếu sự giáo dục về văn hóa truyền thống, đã tiêu hơn một triệu tệ để mua xe. Mới mua không lâu lại không thích, đòi cha mình phải mua thêm một chiếc xe khác hơn một triệu tệ. Người cha không đồng ý. Anh ta cố ý lái chiếc xe đó ra ngoài đâm vào lề đường, đâm liên tục nhiều lần làm cho chiếc xe bị tông đến vỡ nát, sau đó đem bỏ đi, không cần nữa. Người cha không còn cách nào khác, phải làm theo ý muốn của nó, lại cho nó mua kiểu xe mà nó thích.

Tôi thật sự rất cảm ân, may mắn khi con mình chưa trưởng thành, con vẫn còn nhỏ tôi vẫn kịp quay đầu, tôi có thể giảng cho con mình như thế nào mới thật sự là đạo làm người. Bởi vì ban đầu con tôi cũng như vậy, nó cứ hỏi: “Công ty của ba kiếm tiền nhiều hay là công ty của mẹ kiếm nhiều hơn?”. “Mẹ à! Con muốn cái công ty kiếm nhiều tiền của ba, cái ít hơn mẹ để dành cho em con đi”. Bởi vì tôi kinh doanh vàng, có một lần con tôi đến tiệm vàng của tôi nói: “Mẹ ơi! Cây vàng lớn nhất là của con, nhất định sau này phải để lại cho con”. Hiện giờ tôi nghĩ lại rất sợ. Sau này con mình lớn lên trong mắt chúng chỉ có tiền, tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn được chúng. Dục vọng của con người không bao giờ có điểm dừng. Ba - bốn tuổi nó đã trở nên như thế này, sau này ra ngoài xã hội sẽ như thế nào đây? Cho nên, năm ngoái thông qua việc cùng con tôi học tập văn hóa truyền thống, chồng tôi đã nói một câu, câu chuyện này tôi không nhớ là có chia sẻ qua với mọi người chưa. Năm ngoái, chồng tôi có một lần lái xe chở con đi ra ngoài chơi. Lúc đó chồng tôi cũng muốn đổi một chiếc xe mới, nên đã đem những hình ảnh của chiếc xe mới đưa cho con tôi xem. Con tôi xem qua một lần, bởi vì lúc trước con tôi cũng rất thích xe, nhưng lúc đó con tôi xem xong thì không nói gì. Đúng thật là nó rất hờ hững đặt tờ quảng cáo xe ra trước mặt. Sau đó chồng tôi mới hỏi: “Con cảm thấy kiểu xe này như thế nào?”. Con tôi mới trả lời: “Ba ơi! Có phải xe này đắt lắm không?”. Chồng tôi mới nói: “Đúng rồi! Rất đắt đó!”. Con tôi mới nói: “Ba ơi! Nhà mình đã có rất nhiều xe rồi, không cần phải mua thêm xe mới. Ba có thể đem số tiền đó giúp đỡ được nhiều người nghèo khó”. Chồng tôi rất ngạc nhiên. Con tôi quay về có nói với tôi, tôi cũng cảm thấy rất cảm ân. Tôi cảm thấy con nó đã có một chút thay đổi và tiến bộ, nó cũng như đang động viên và nhắc nhở tôi, nói với tôi, làm mẹ như tôi nên biết phải làm như thế nào. “Mẹ dạy như thế nào thì con sẽ như thế đấy, mẹ thay đổi rồi thì tụi con cũng thay đổi”. Nên có những lúc tôi suy nghĩ, một người phụ nữ không nên oán trách bất cứ những chuyện không vừa ý xung quanh mình, như là cha mẹ chồng không tốt, hay chồng mình không tốt, hoặc con mình không tốt. Thật sự không phải như vậy, đều là bản thân mình làm chưa được tốt. Quý vị thay đổi rồi, chồng của quý vị sẽ rất yêu thương quý vị, con của quý vị cũng biết hiếu thuận nghe lời, cha mẹ chồng cũng sẽ rất tôn trọng quý vị. Bản thân tôi tu học rất tệ, rất may mắn tôi có cơ hội được chia sẻ với mọi người. Nếu như có chỗ nào không đúng, khẩn thỉnh các vị lão sư, đại đức ra sức chỉ giáo, Giúp chúng tôi trở thành một người phụ nữ có đức hạnh, thành tựu một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Xin cảm ân mọi người!
-----------------
 


Học tập Nữ Đức (Tập 2)

Kính chào các vị thầy cô giáo tôn kính, xin chào mọi người! Chúc mọi người một buổi sáng tốt lành!

Hôm nay, tôi xin tiếp tục báo cáo với mọi người một số những tâm đắc thể hội trong quá trình học tập “Nữ Đức”, chủ yếu liên quan đến đạo quan hệ vợ chồng. “Phu Phụ Thiên” là phần thứ hai trong cuốn “Nữ Giới” mà tôi học tập.

Tôi kết hôn đến nay đã được mười sáu năm. Tôi kết hôn hơi sớm, tốt nghiệp đại học được một năm thì đã kết hôn rồi. Đời sống hôn nhân trong mười sáu năm qua cũng có rất nhiều cảm xúc. Trước khi chưa học văn hóa truyền thống thì tôi cũng đã đi qua rất nhiều con đường vòng, lộ trình tâm thức của bản thân thật sự khó mà nói cho hết được, thật là ngọt bùi cay đắng đều có cả. Cuối cùng tổng kết lại, bất kể là hôn nhân mỹ mãn hay là đời sống gia đình hạnh phúc, thực sự không phải cầu được từ bên ngoài mà cầu từ trong tâm chính mình.

Từ năm ngoái, tôi bắt đầu học tập văn hóa truyền thống, học tập “Đệ Tử Quy”, học tập “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Ở trong nước tổ chức rất nhiều những buổi luận đàm văn hóa truyền thống tôi đều đến tham gia nghe, và cảm xúc lớn nhất đó là: văn hóa truyền thống chính là sự giáo dục về tình yêu thương. Nó dạy chúng ta hai điều là “ngũ luân” và “ngũ thường”.

Điều đầu tiên là dạy cho chúng ta thực tế những mối quan hệ trong cuộc sống giữa người với người. Trong văn hóa truyền thống gọi đó là “ngũ luân”.

Điều thứ hai, dạy chúng ta nên căn cứ vào những đạo lý nào để xử lý năm mối quan hệ này. Trong văn hóa truyền thống gọi là “ngũ thường”. Tôi cảm thấy, nói đến cuối cùng chính là bốn chữ này.

Quan hệ vợ chồng là mối quan hệ đứng đầu trong “ngũ luân”. Có vợ chồng rồi mới có quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ quân thần. Khi tôi học “Đệ Tử Quy”, tôi nghĩ “Đệ Tử Quy” tổng cộng có bảy chương, nhưng không nhắc đến quan hệ vợ chồng, mà chỉ nhắc đến “nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ”. Đó là quan hệ cha con, quan hệ anh thương em kính, phía sau còn nhắc đến quan hệ bạn bè phải giữ chữ “tín”, bao gồm quan hệ quân thần cũng đều nhắc đến. Nhưng  vì sao không nói đến quan hệ vợ chồng? Vấn đề này đã khiến tôi vướng mắc rất lâu.

Tôi là một người rất thích đọc truyện ký. Năm ngoái tôi đọc một cuốn truyện ký, gọi là “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện”. Tôi đọc cuốn truyện ký này, trong đó có một đoạn kể về việc năm đó Đức Phật đã làm thế nào để giáo huấn một người con dâu không hiếu thuận. Năm đó ở Ấn Độ có một người trưởng giả giàu có, trong nhà có rất nhiều tiền của, gia đình đó có bảy người con. Người con trai út lấy được một người vợ gia thế vô cùng tốt, dung mạo cũng rất thanh tú, xinh đẹp, tên là Ngọc Da Nữ. Ngọc Da Nữ cậy nhà mình có tiền, có thế, dung mạo lại rất đẹp, nên sau khi gả vào nhà chồng thì cô vô cùng kiêu ngạo, không làm việc nhà, chỉ ham muốn hưởng thụ. Hơn nữa, cô không hiếu thuận cha mẹ chồng. Cha chồng của cô chính là vị trưởng giả này, ông rất lo lắng. Có một lần, ông đã khẩn cầu Đức Phật đến nhà mình để giáo hóa cô con dâu này. Đức Phật rất từ bi, Ngài nói: “Được, không vấn đề gì, ta sẽ đến nhà ông một chuyến”. Sau khi Đức Phật đến nhà trưởng giả, tất cả mọi người trong nhà đều ra bái kiến Đức Phật, Ngọc Da Nữ rất ngạo mạn, trốn phía sau bình phong không ra. Thế nhưng, khi cô nhìn thấy tướng mạo tốt đẹp, trang nghiêm không gì sánh được của Đức Phật thì cô không kiềm chế được, cũng ra bái kiến Đức Phật. Phật liền bắt đầu dạy cô nên làm một người phụ nữ như thế nào, nên làm vợ ra sao. Điều này đã làm tôi ấn tượng đặc biệt sâu. Mỗi lần học tập văn hóa truyền thống, bao gồm cả việc học “Nữ Giới”, tôi đều nghĩ đến những lời nói đó của Đức Phật, tôi còn lấy đoạn văn này làm thành chương trình Power point để trình chiếu cho toàn thể nhân viên của chúng tôi xem. Nhân viên nam, nhân viên nữ tôi đều cho xem. Đối với những đồng nghiệp nam thì tôi hy vọng, sau khi trở về họ sẽ chia sẻ với vợ của mình.

Hai tháng này tôi ở nhà tu học “Nữ Giới”, tôi cũng đã đọc qua vài lần rồi. Đức Phật nói, làm một người vợ thì bạn phải làm “ngũ phụ”, chính là năm phép làm vợ.

Thứ nhất, bạn phải làm “mẫu phụ”(vợ như mẹ). “Mẫu” trong từ mẫu thân, “phụ” trong từ tức phụ, ý nói bạn phải yêu thương chồng mình giống như một người mẹ yêu thương con trai mình vậy.

Thứ hai, bạn phải làm “thần phụ” (vợ như bề tôi). “Thần” trong từ đại thần, ý nói bạn phải giống như một người thần tử trung thành tuyệt đối với quân vương của mình vậy.

Thứ ba, bạn phải làm “muội phụ” (vợ như em gái). Phải giống như em gái đối với anh trai vậy, “trưởng ấu hữu tự”.

Thứ tư, bạn phải làm một “tỳ phụ” (vợ như nô tỳ). “Tỳ” trong từ nô tỳ, ý nói bạn phải giống một người nô tỳ đối với chủ nhân vậy, chăm sóc thì vô cùng chu đáo, vô cùng cung kính.

Cuối cùng mới là “phu phụ”(vợ như một người vợ). Ý nói vợ chồng phải kính nhau như khách, yêu thương lẫn nhau.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu. Sau đó, một buổi tối tôi đem năm câu nói này của Đức Phật chia sẻ với chồng mình, và hỏi anh ấy. Chồng tôi học vấn cũng rất cao, anh là một thạc sĩ. Trong thời gian học đại học, anh đều là Chủ tịch hội học sinh. Hiện nay thì anh tự mình làm kinh doanh, sự nghiệp cũng rất tốt. Anh là một người đàn ông rất truyền thống. Anh ấy chưa từng tiếp xúc với Phật Pháp, nhưng anh lại nói: “Em còn phải nói nữa sao? Đức Phật thật là trí huệ, sao Ngài có thể tổng kết một cách viên mãn như vậy chứ?”. Anh ấy nói: “Em chỉ cần làm theo năm điều này là được rồi, nhưng trọng điểm là phải làm tốt bốn điều phía trước”. Lúc đó tôi rất kinh ngạc, tôi nghĩ anh ấy chắc phải phản bác một hai điều. Tôi không nói gì nữa, sau đó tôi đã suy nghĩ rất lâu.

Sáng nay tôi gọi điện cho mẹ chồng, tôi nói chuyện với mẹ. Mẹ chồng tôi còn nói: “Phật nói rất hay, nhưng làm được thì rất khó”. Tôi nói: “Mẹ xem điều thứ nhất: là vợ như mẹ”. Tôi nói: “Con cảm thấy, kỳ thực có rất nhiều người nam họ trở về nhà, nhà giống như một nơi tránh gió vậy. Bởi vì họ ở bên ngoài có thể rất kiên cường, hô mưa gọi gió, dốc hết sức để gây dựng sự nghiệp kiếm tiền nuôi sống gia đình, cho nên tất cả những oan ức và tất cả những mệt nhọc họ chỉ giải tỏa được khi trở về nhà. Nhưng nếu trở về nhà mà người vợ lại rất ngang ngược, ăn nói lớn tiếng, thì gia đình sẽ không giống gia đình nữa, không ấm áp”. Do đó tôi luôn nghĩ, người làm mẹ nên yêu thương con mình như thế nào? Nếu tôi không biết cách yêu thương con mình, thì cũng giống như vậy tôi sẽ không biết cách yêu thương chồng mình.

Trước đây tôi thật sự không biết cách yêu thương con, mà là chiều chuộng, con muốn cái gì thì tôi cho cái đó. Lúc con trai tôi ba tuổi, tôi đưa nó đến nhà hàng ăn cơm. Khi xuống xe thì nó không chịu xuống. Lúc đó tôi lái xe, tôi nói: “Tại sao con không xuống xe đi”. Con trai tôi rất ngạo mạn, ngồi trên xe nó nói: “Mẹ à! Nhà hàng này phải có người tới mở cửa cho mình chứ? Con đợi họ đến mở cửa”. Lúc đó tôi cũng rất kiêu ngạo, tôi nghĩ: “Con mình nhỏ vậy mà đã có kiến thức thế kia, còn biết ở đây sẽ có người mở cửa”. Chờ một lúc, quả thật có người đến mở cửa cho nó, lúc đó nó mới xuống xe. Hiện tại, nghĩ lại tôi thấy rất hối hận và sợ hãi. Nếu tôi không học văn hóa truyền thống, con trai tôi tiếp tục lớn lên sẽ biến thành người như thế nào đây?

Mua đồ cũng như vậy. Một lần, có một cô muốn mời nó ăn kem, con tôi liền nói: “Cháu chỉ ăn loại Haagen-Dazs, một viên kem là sáu mươi tệ”. Cô đó rất kinh ngạc. Tôi nói: “Đúng vậy! Con trai tôi chỉ ăn thứ ngon nhất, mặc đồ tốt nhất”. Tôi cảm thấy như vậy chính là yêu nó. Thật là sai lầm!

Thời gian trước tôi đã viết cho con trai mình một bức thư, bởi vì hôm sau nó sẽ tham gia vào đội thiếu niên tiền phong. Thầy giáo chúng đã gửi tin nhắn mời các vị phụ huynh tặng cho con mình một phần quà đặc biệt có ý nghĩa. Tôi đã viết một bức thư đặc biệt sám hối với con trai. Vừa viết tôi vừa khóc. Tôi nói: “Con trai! Trước đây mẹ không biết yêu con, không hiểu cách yêu con, đều thương con một cách sai lầm. Mẹ học tập “Đệ Tử Quy”, học tập văn hóa truyền thống mới biết làm thế nào để dạy con”. Con trai tôi đã hỏi tôi là: “Mẹ à! Ngày mai mẹ sẽ tặng quà gì cho con vậy?”. Tôi nói: “Mẹ sẽ viết cho con một bức thư”. Con trai tôi rất thông minh, không lâu sau nó cũng viết cho tôi một bức thư nói: “Mẹ à! Mẹ xem bức thư này trước đi, mẹ xem bức thư con viết cho mẹ trước đi!”. Tôi vừa mở thư ra xem thì thấy con trai tôi viết là: “Mẹ à! Quà tặng ngày mai, ngoài bức thư mẹ viết ra, con vẫn muốn nhận được một món quà. Những đồ chơi lớn ba mua cho con đều bị mẹ thu hết rồi, ngày mai mẹ có thể tặng con một món đồ chơi lớn được không? Con tin tưởng, mẹ nhất định sẽ tặng cho con. Những lời không cần thiết con sẽ không nói nữa, con rất mong chờ”. Kỳ thực, tâm tôi rất buồn. Ngày thứ hai, sau khi con tôi đi học, nó luôn hỏi tôi. Tôi nói: “Con an tâm, mẹ nhất định sẽ tặng con một món quà đặc biệt có ý nghĩa”. Tôi còn nhấn mạnh sẽ tặng nó. Nó rất vui vẻ đi học. Tôi liền lấy bộ đĩa “Mẹ Hiền Con Hiếu” của thầy Chung bỏ vào trong túi xách và đi đến trường. Đến trường, vốn dĩ tôi muốn đến một cửa hàng nhỏ để gói lại, kết quả nhìn thấy trong cửa hàng đều là những vị phụ huynh đang cầm các loại đồ chơi, thức ăn như là những hộp sô-cô-la rất đẹp mắt, những cái cặp sách lớn,… đang ở đó gói quà. Phí gói quà cũng rất đắt nên tôi không gói nữa, liền đi ra. Ngôi trường này rất xem trọng hoạt động này, họ tổ chức nghi thức rất long trọng cho hơn 100 học sinh lớp một. Cuối cùng là đeo khăn quàng đỏ, và sau đó là phụ huynh lên phía trước để tặng quà cho con mình. Tôi đến trước mặt con trai mình, ngồi quỳ một chân xuống. Tôi rất trang trọng đặt cái đĩa đó lên trên đầu. Tôi nói: “Mẹ sẽ tặng con cái đĩa này”. Con trai tôi rất thất vọng, vẻ mặt nó rất không vui. Sau đó nó ngó nhìn xung quanh và nói: “Mẹ à! Người ta đều tặng đồ chơi mà!”. Kỳ thực, lúc đó tôi đã khóc. Tôi nói: “Đúng vậy! Nhưng đồ chơi có ý nghĩa đặc biệt không? Đồ chơi có thể chơi để thành một Thánh Hiền không? Đồ chơi có thể làm con trở thành một đứa con hiếu thuận với ba mẹ không?”. Tôi nói: “Mẹ đã không từ, nên con cũng  không hiếu. Mẹ xin lỗi ba con, cũng xin lỗi ông bà nội của con. Mẹ rất xấu hổ”. Lúc đó con trai thấy tôi khóc như vậy nó cũng không nói gì nữa, nó rất khoan dung. Sau đó nó đã nhận chiếc đĩa đó của tôi. Sau khi nhận quà, lúc đó kỳ thực tôi rất buồn, vì nhiều phụ huynh học sinh như vậy nhưng ngay đến tặng một quyển sách cũng không có, thực sự chỉ toàn đồ chơi. Sau đó tôi trở về nhà.

Về nhà, bản thân tôi rất sám hối. Tôi cảm thấy trong bảy năm đầu đời của con trai mình tôi đã dẫn nó đi sai đường, không biết cách yêu thương con, để con mình không hiểu được cái gì mới thực sự là tình yêu. Mấy hôm đó, mỗi ngày tôi đều sám hối từng chuyện trước đây với con trai lớn của mình, sám hối từng chuyện một. Tôi nói: “Con trai à! Trước đây mẹ làm thật không đúng, như luôn dẫn con đi ăn cơm ở những nhà hàng năm sao. Tuổi còn rất nhỏ, nhưng con muốn gì mẹ cũng đều cho con, thật là sai lầm”. Ba - bốn ngày sau đó, có một hôm vào buổi tối con trai tôi tự mình chủ động đem đĩa “Mẹ Hiền Con Hiếu” đặt vào đầu DVD, xem rất chăm chú. Nó thật sự rất chăm chú xem hết. Hơn nữa, khi em trai ở bên cạnh làm ồn, nó đều bảo em trai ra ngoài. Nó nói: “Anh phải học cái này, đây là quà mẹ tặng cho anh”. Sau khi xem xong nó nói một câu làm tôi rất cảm động. Nó rất nghiêm túc là: “Mẹ à! Con muốn học tập thầy Chung, con muốn trở thành một người có chí hướng để mẹ cũng cảm thấy tự hào và kiêu hãnh”. Lúc đó tôi thật sự rất xấu hổ. Tôi rất cảm ơn, vì hiện nay trên thế giới này chúng ta vẫn còn có một tấm gương như mẹ của thầy Chung để có thể học tập, để khích lệ tôi. Buổi tối khi tôi đọc quyển “Mẹ Hiền Con Hiếu”, tôi luôn rơi nước mắt, bởi vì tôi thật sự rất xấu hổ. Tôi làm quá kém, cảm thấy rất xấu hổ với hai chữ “mẫu thân”. Tôi cũng rất cảm ơn, vì có tấm gương như thầy Chung để tôi có thể noi theo. Nhìn mọi người xung quanh nhưng không có ai để tôi học tập theo. Do đó, mỗi lần tiếp xúc với thầy Chung, tôi đều cảm thấy rất trân quý. Mỗi câu nói của thầy tôi đều nghĩ rất lâu. Mặc dù tuổi tác chúng tôi gần bằng nhau, nhưng bất luận là học thức hay là tu dưỡng đạo đức, hoặc là đối người tiếp vật tôi đều kém thầy rất xa. Tôi thường nghĩ đến câu nói của Ô Sào Thiền Sư nói với Cư sĩ Bạch Cư Dị: “Đứa bé ba tuổi cũng biết, nhưng lão ông tám mươi làm chẳng xong”. Vậy thì có tác dụng gì chứ?

Tôi cũng dùng trái tim như vậy để yêu thương chồng mình, nhưng cũng yêu sai rồi. Bởi vì không có đạo nghĩa, không hiểu được làm thế nào dùng đạo tâm để giữ gìn quan hệ vợ chồng, do vậy bản thân tôi thường cảm thấy không hạnh phúc. Có lúc chồng tôi nói: “Em thật kỳ lạ! Em không phải lo lắng về chuyện ăn uống, vậy là tốt rồi, em nổi giận cái gì chứ? Có phải là em bị bệnh tiền mãn kinh hay không?”. Bản thân  tôi cũng không biết, tôi luôn cảm thấy không hài lòng. Do vậy, hôm kia tôi nghe Pháp sư Ngộ Hoằng giảng bài, có một câu nói khiến tôi được lợi ích rất lớn. Khi hết giờ, tôi đã thảo luận cùng thầy. Pháp sư Ngộ Hoằng nói: “Tri túc thường lạc”, thì thành Phật rồi, bạn phải biết đủ. Trong “Nữ Giới” cũng nói: “Phải biết đủ”, hiểu được dừng lại đúng lúc. Do đó, khi học thiên thứ hai này tôi đặc biệt được lợi ích, bởi vì mỗi một lần đọc là một lần tôi có cảm giác được gội rửa từ đầu đến chân. Ví dụ trong “phu phụ đệ nhị” có nhắc đến ý nghĩa của “quan thư”. Tối  hôm qua thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến câu này, đó là một câu trong “Thi Kinh”. “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Tôi tin có rất nhiều người đều biết những câu này. Nhưng tôi cũng tin có rất nhiều người giống tôi trước đây, thật sự không hiểu được tổ tiên chúng ta muốn biểu đạt ý nghĩa gì. Giống như sư phụ thường nói, văn hóa truyền thống mấy ngàn năm nay nếu như nó là cặn bã thì sớm đã không lưu truyền được đến ngày nay rồi.

Thời xưa, in ấn cũng không phát triển. Chúng tôi liền nghĩ: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, họ đã viết ra biết bao nhiêu thơ từ ca phú, còn lưu giữ lại bao nhiêu? Nhất định là được rất nhiều người tán đồng nên mới có thể đời đời tương truyền.

Thư cưu là một loại chim, một loại chim sống dưới nước. Trước đây tôi từng gặp một thầy giáo, thầy đó nói với tôi: “Thư cưu thực tế là thiên nga, là một loại chim rất cao quý”. Tôi vẫn chưa tìm hiểu nên cũng không biết. Nhưng tôi xem thấy trong chú giải có nói, chim thư cưu có hai đặc tính. Thứ nhất, loài chim này chỉ có một bạn đời, cả đời không hề thay đổi, trong cổ văn gọi là: “Ngẫu bất loạn giao”. Bạn đời của chúng không quan hệ lung tung. Thứ hai, chim thư cưu khi chúng thân mật với nhau, chúng đều tránh người, tránh đồng loại, trốn vào bụi cỏ để thân mật. Điều này làm tôi rất chấn động. Người xưa lấy cầm thú, lấy chim thú để ngụ ý cho chúng ta. Loài chim đều có thể làm được, người hiện đại chúng ta có thể làm được như vậy không? Người xưa nói một cái là nghĩa, một cái là lễ, chính là giữa vợ chồng phải giữ nghĩa, lễ nghĩa.

Lễ thì phải như thế nào? Lễ trong “Khúc Lễ” nói là: “Vô bất kính”. Cảm xúc của tôi đặc biệt sâu. Bản thân tôi có thể hội rất sâu sắc, vì vợ chồng ở cùng nhau thời gian lâu ngày dài tháng người phụ nữ đặc biệt rất dễ sanh tâm khinh mạn. Bởi vì ở rất gần nhau, cũng giống như kính phóng đại vậy, từng li từng tí điểm xấu trên thân người chồng họ đều có thể tìm thấy rồi phóng đại lên, dần dần không còn chú ý đến những ưu điểm của chồng mình nữa, rồi từng chút một xem thường. Khi tâm khinh mạn của bạn xuất hiện, thì sẽ có lúc bạn nói ra những lời làm cho họ cảm thấy vô cùng khó chịu. Thời gian lâu dần thì nhất định sẽ giống như một lớp bụi phủ lên đời sống hôn nhân vậy. Bởi vì tôi từng có cái cảm nhận này. Chồng tôi nói: “Anh đã trưởng thành dưới sự rèn luyện, đả kích của em. Anh rất cảm ơn em!”. Lần trước anh còn nói như vậy, thực sự làm tôi cảm thấy rất xấu hổ. Ví dụ như việc kinh doanh của anh ấy rất tốt, anh sẽ trở về và kể với tôi, nhưng tôi lại nói: “Ây da! Vậy có gì chứ, chẳng qua cũng chỉ là có thể kiếm thêm chút tiền mà thôi, em lại không thích tiền”. Sau đó tôi nói: “Anh xem, ngay đến một quyển sách anh cũng không đọc, đạo lý gì cũng không hiểu”. Tôi đã giảng đạo lý cho anh ấy nghe. Cuối cùng chồng tôi luôn nói : “Anh thấy rồi, em là nhà lý luận, anh thì theo trường phái thực hành. Em nói nhiều như vậy nhưng cũng không làm được mấy việc. Anh đã làm rồi, mặc dù không nói ra nhưng anh có thể làm được”. Do vậy thời gian trước tôi cũng rất xấu hổ, tôi nói với chồng mình rằng: “Cuối cùng em cũng hiểu vì sao người ta luôn gọi chồng là tiên sinh rồi. Anh thật sự có thể làm thầy giáo của em đó”.

Hôm nay trời vừa sáng tôi liền gọi điện thoại cho mẹ chồng tôi. Vì sao vậy? Vì trong “Thiên Phu Phụ” có nói, một người con trai tốt từ năm tám tuổi đã bắt đầu được mẹ dạy dỗ rồi. Tôi liền hỏi mẹ chồng tôi. Tôi nói: “Mẹ à! Con còn nhớ lúc mới kết hôn, hình như con có nghe qua mẹ từng nói gia đình mình khi tìm con dâu đều có mấy tiêu chuẩn nhưng con đã quên hết rồi”. Tôi nói: “Mẹ có thể nói lại cho con một lần nữa được không?”. Mẹ chồng tôi nói: “Được! Không có vấn đề gì. Ba điểm này rất quan trọng, tương lai con cũng phải dạy cho con trai mình nữa”. Mẹ tôi rất là chất phác. Mẹ nói: “Điều thứ nhất, tìm một người phụ nữ nhất định phải lương thiện, tâm địa phải tốt. Điều thứ hai, tìm một người phải chân thành, không được làm việc hư dối. Điều thứ ba đơn giản hơn, là thân thể phải khỏe mạnh”. Tôi nói: “Mẹ à! Con cảm thấy hình như thân thể con còn tạm được, nhưng hai điều phía trước con đều làm không tốt”. Mẹ nói: “Con rất tốt, rất tốt!”. Mẹ chồng rất khuyến khích tôi. Sau đó tôi liền nói: “Lúc còn nhỏ mẹ đã dạy chồng con như thế nào vậy ạ?”. Mẹ nói: “Thứ nhất, mẹ luôn dạy nó phải nhẫn nhường, phải khiêm nhường”. Con người hiểu được nhường thì mới có người muốn kết giao. Do đó, lúc nhỏ bất luận anh ấy có tranh chấp với ai thì anh ấy cũng nhất định không nói ra. Lời dạy bảo đó khiến tôi lập tức nhớ đến một chuyện. Có một năm chồng tôi làm kinh doanh, có một khách hàng là một phụ nữ hơn bốn mươi tuổi rất chua ngoa, lúc đó cô ta muốn vi phạm hợp đồng, muốn làm lại từ đầu. Cô ta ở trong văn phòng chồng tôi không ngừng la lối om sòm. Chồng tôi đã nói rất rõ ràng với cô ta, vì anh ấy vốn dĩ cũng là một luật sư, cũng có một văn phòng luật sư riêng. Anh nói: “Cô có thể đến toàn án khởi tố tôi nếu hợp đồng của tôi không hợp quy định, hoặc là có chỗ nào không đúng. Chúng ta đều đã ký rồi, nhưng bây giờ cô muốn hủy bỏ, như vậy dường như không hợp tình lý, còn liên lụy đến bên thứ ba”. Nói hai lần nhưng cô ta không chịu tiếp nhận mà vẫn tiếp tục làm ầm lên. Chồng tôi không nói một lời nào nữa. Bởi vì năm ấy lúc xảy ra chuyện tôi cũng ở trong công ty của chồng tôi, ở ngoài cửa, rất sợ hãi. Tôi đứng ở bên ngoài nghe, nhưng cả một buổi sáng chỉ nghe thấy tiếng của cô đó, chồng tôi không nói gì cả. Sau đó, tôi cùng vài nhân viên ghé sát mắt qua khe cửa để nhìn lén, nhưng tôi thấy anh ấy rất an nhiên bình tĩnh ngồi đó uống trà. Sau đó anh rót trà đưa cho cô gái đó nói: “Chị có mệt không? Uống ngụm nước rồi nói tiếp nhé!”. Sau đó đến lúc phải đi ăn cơm trưa, anh ấy lại gói mấy cái bánh bao đưa cho cô ấy, vì anh cũng ăn bánh bao. Anh nói: “Hay là chị ăn xong rồi nói tiếp nhé!”. Đến buổi chiều anh ấy nói: “Thật ngại quá, tôi phải ra ngoài rồi, nếu chị nói chưa xong thì ngày mai đến nói tiếp nhé!”. Cô ấy sau đó rất ngại ngùng tự mình đi về, sau đó cũng không trở lại công ty chúng tôi nữa. Chuyện đó làm tôi bội phục sát đất. Bởi vì cô ta chửi những lời rất khó nghe, đều là vô cớ gây rối. Lúc đó tôi không hiểu được tại sao anh ấy có thể làm được điều đó. Sự việc này đã để lại cho tôi một ấn tượng  rất sâu.

Sáng sớm nay nói chuyện với mẹ chồng tôi mới biết, một người mẹ thật sự có thể ảnh hưởng cả đời một đứa trẻ, làm cả đời nó đều được lợi ích. Hơn nữa, chồng tôi có quan hệ xã hội rất rộng, rất nhiều bạn bè đều muốn kết giao với anh ấy. Tôi thấy rất kỳ lạ, cũng là sáng nay mẹ nói với tôi. Mẹ nói: “Mẹ đặc biệt khuyến khích con trai kết giao nhiều bạn bè, phải có một tấm lòng rộng lượng”. Mẹ chồng tôi nói, tất cả những bạn bè tốt của anh ấy từ tiểu học cho đến đại học mẹ tôi đều quen biết. Hơn nữa, có rất nhiều bạn học của anh ấy đều rất quan tâm mẹ tôi, đều gọi bà là mẹ. Bởi vì họ đều được mẹ anh mời về nhà ăn cơm, đi chơi. Mẹ nói mẹ rất tôn trọng họ, mẹ đều xem họ giống như người lớn vậy, rất tôn trọng họ. Tôi thật sự rất xấu hổ, vì tôi thích yên tĩnh, tôi không thích người ngoài đến nhà tôi. Do đó, kết quả của con trai tôi là nó không có bạn bè. Con trai tôi lên lớp một nó thường buồn bã nói với tôi: “Mẹ à! Con không có bạn bè”. Lúc đó tôi còn cảm thấy rất tốt, tôi nói: “Cần bạn bè làm gì, một mình tốt biết bao!”. Phật Pháp có nói là: “Rộng kết thiện duyên”, cho nên tôi biết vì sao người muốn nghe tôi giảng bài tương đối ít. Vì không có kết thiện duyên, bản thân thích yên tĩnh mà! Trồng nhân gì thì nhất định được quả đó.

Tôi cũng hiểu được tại sao công ty chồng tôi tuyển người rất dễ dàng, còn công ty của tôi tuyển người thì rất khó khăn. Tôi rất lo buồn. Sau cùng, mỗi một lần tôi đều phải tỏ ra khiêm tốn đi nhờ những người ở bên công ty chồng tôi giúp đỡ. Tôi nhờ chồng là: “Anh xem có thể tìm giúp em một nhân viên bảo vệ”, rồi lại “tìm giúp em một nhân viên kinh doanh”. Mỗi lần đều là như vậy. Tôi luôn không hiểu tại vì sao công ty tôi kinh doanh tuyển người sao lại khó như vậy? Sáng nay tôi mới hiểu rõ. Do tôi không hiểu khiêm nhường, không biết dùng lòng khoan dung để yêu thương những người ở bên cạnh. Do vậy bạn xem, mẹ chồng thật sự đã thành tựu rất lớn cho chồng của tôi.

Trong quá trình học tập “Nữ Giới”, tôi bắt đầu từng chút từng chút sanh khởi tâm cảm ân đối với mẹ chồng mình, trước đây thật sự không có. Kể cả năm ngoái trên mặt hình thức thì làm ra vẻ một chút, nhưng trong tận đáy lòng thì tôi không có cái tâm chân thành cảm ân đó, còn có chút xem thường bà. Tôi cảm thấy mẹ chỉ là bà lão, cái gì cũng không hiểu, chỉ quanh quẩn ở trong nhà, dường như cũng chẳng có gì hay. Tôi cảm thấy con người thật sự phải khiêm tốn, phải biết cúi đầu xuống.

Vì sao thiên đầu tiên trong “Nữ Giới” gọi là “ti nhược”? Nếu bạn không hiểu được cúi đầu khiêm tốn thì bạn không học được gì. Tôi được gả vào nhà mẹ chồng đã mười sáu năm, đây là lần đầu tiên tôi nghe mẹ chồng nói với tôi những lời này. Sáng hôm nay tôi dậy từ rất sớm, ngồi trên giường rất lâu để nghe những lời mẹ giảng cho tôi. Trong tâm tôi giống như là đánh đổ một bình ngũ vị vậy, cái cảm giác giữ trong tay một núi vàng mà không biết đó là vàng.

Trước đây, khi tôi mới được gả vào gia đình anh ấy, mẹ đã dạy tôi phải cần kiệm, đều dạy bảo tôi từ những việc rất nhỏ, nhưng tôi lại rất phản cảm. Có một lần chúng tôi mời bạn bè đến nhà ăn cơm, nhưng cơm tôi nấu lại không đủ. Sau đó, tôi liền lấy những chiếc bánh bao thừa đem đi hấp lại. Nhìn thấy một chiếc bánh bao ăn còn thừa một nửa, tôi cảm thấy hấp xong sẽ không đẹp mắt, rất là mất mặt, cho nên thuận tay liền ném nửa cái bánh bao đó vào thùng rác. Mẹ tôi lập tức chạy tới nhặt cái bánh đó từ trong thùng rác ra, còn trách mắng tôi: “Tại sao con có thể lãng phí lương thực như vậy?”. Tôi nói: “Mẹ à! Có chút xíu thôi mà! Thừa lại có một chút như vậy có thể không cần ăn nữa. Họ đều là bạn bè, như vậy thật rất ngại”. Mẹ liền nói với tôi: “Con lãng phí lương thực mới là mất mặt”. Bởi vì mẹ nói tôi trước mặt nhiều người như vậy, nên tôi cảm thấy rất tức giận. Tôi cũng không nói gì, nhưng tôi nói: “Dù gì con cũng không ăn”. Mẹ tôi nói: “Vậy mẹ ăn”. Thật sự, sau khi học văn hóa truyền thống tôi mới thay đổi, thật sự là thay đổi. Ba chồng tôi đem vỏ bánh bao vứt đi tôi đều nhặt lên ăn, trước đây thì tôi sẽ không ăn. 

Tôi tự cho rằng mình rất sạch sẽ, kỳ thực linh hồn lại rất dơ bẩn. Bao gồm việc mặc y phục, tôi cũng rất chú trọng tới việc mặc y phục. Rất nhiều quần áo sau khi mua xong vẫn chưa mở ra, đều vứt ở đó. Mỗi ngày tôi đều phải thay quần áo mới. Mẹ chồng tôi cả đời không đi dạo các trung tâm mua sắm. Khi tôi dẫn mẹ đi ra ngoài, tôi cảm thấy bà rất bủn xỉn. Có một lần tôi nói: “Mẹ à! Mẹ có thể thay một bộ y phục đẹp hơn một chút không? Mẹ mặc như vậy sẽ làm người ta cười chết mất”. Mẹ tôi liền nói một câu: “Họ chết, chứ không phải mẹ chết. Mẹ cảm thấy rất tốt, mẹ mặc cũng rất đẹp mà!”. Lúc mẹ tôi nói những lời này nhưng tôi không có phản ứng gì. Hai ngày trước, tôi nghe sư phụ ngài giảng Kinh nói giống hệt mẹ chồng tôi, lúc đó tôi cảm thấy kinh ngạc. Tôi liền gọi điện thoại cho mẹ, tôi nói: “Mẹ à! Những lời mẹ nói trước đây thật là chính xác”. Sau đó mẹ tôi hỏi tôi đang nói gì vậy? Tôi liền nói lại những lời này. Mẹ nói: “Đúng vậy!”. Mẹ nói: “Bản thân con không cảm thấy gì là được, người khác như thế nào là việc của họ. Mẹ cảm thấy cần kiệm rất tốt”. Cho nên, nếu có cơ hội tôi sẽ lấy khăn lau mặt của mẹ cho mọi người xem, rách tả tơi. Mẹ tôi đã dùng mười mấy năm rồi nhưng chưa thay cái mới. Mỗi lần tôi nói: “Mẹ à! Cái khăn mặt này của mẹ có cho con làm giẻ lau con cũng không dùng”. Mẹ liền nói: “Ây da! Vậy thì cái giẻ lau đó của con quá cao quý rồi”. Do đó, tôi thực sự cảm thấy những truyền thống cũ tốt đẹp đều sắp bị chúng ta vứt bỏ hết rồi, thực sự cần phải đi tìm về. Tìm về chúng ta mới có phước báo, mới chân thật xứng đáng với tổ tiên, mới thực sự thành tựu cho gia đình, xã hội, và cho đất nước.

Cho nên hôm qua tôi nghe thầy Chung giảng bài, thầy nói:  “Cái gốc của một đất nước ở con người. Gốc của người là ở đức, gốc của đức là ở hiếu”. Tôi đổi thành từ gia trong gia đình, vì cảm thấy giống nhau. Gốc của một gia đình nằm ở hai vợ chồng. Họ phải có đức, phải có hiếu, mà hiếu phải có gốc. Có một câu nói mà tất cả các cặp vợ chồng đều nên cùng cố gắng gọi là: “Vợ chồng vừa kết hôn là gì? Là trị bình sơ cơ, đại đạo chi thủy”. Ý nói hai vợ chồng khi vừa trở thành một gia đình, đó chính là nền tảng ban đầu của trị quốc - bình thiên hạ, là bắt đầu của ngũ luân đại đạo. Đạo lý nếu không hiểu thì khi làm càng khó khăn hơn. Đây là tình trạng trước đây của tôi.

Nếu bạn hiểu đạo lý rồi, có phải lập tức sẽ làm được không? Tôi xin nói với mọi người rằng, tập khí của tôi rất nặng, nên ngay tức khắc thì không làm được. Vài hôm trước tôi còn nổi nóng với chồng, bởi vì anh là vị giám khảo đưa ra đề thi cho tôi. Tôi còn cho rằng mình ở nhà tu cũng không tệ, học cũng khá tốt. Bởi vì có một hôm anh ấy nói với tôi: “Ba mẹ em cũng đến giúp em thành tựu. Ban ngày anh cũng phải đi làm, con cái đứa thì đi học, đứa đến trường mẫu giáo rồi, buổi tối anh về nhà cũng rất muộn, như vậy thì em giúp chồng cái gì, dạy con cái gì? Ban ngày em đều làm cái gì?”. Tôi nói: “Ban ngày thì em học tập, học tốt rồi thì em có thể cố gắng giúp chồng dạy con”. Anh ấy nói: “Ừ! Có đạo lý. Hai ngày nữa anh sẽ kiểm tra em”. Anh ấy thuận miệng nói như vậy. Kết quả khi phát bài thi thì tôi quên mất đây là bài kiểm tra. Có một hôm anh ấy rất tự nhiên ngồi ở đó và bắt đầu nói tôi thế này thế kia như: “Điểm này của em còn thế này thế nọ, cho nên công ty em làm không ra sao cả. “Đệ Tử Quy” không thể mỗi sáng đều đọc, mà còn phải làm”. Cuối cùng khi anh ấy nói tới điểm thứ tư thì tôi không chịu nổi nữa, đập bàn đứng dậy nói: “Anh câm miệng lại đi!”. Tôi còn nói: “Không cùng chí hướng không thể đàm đạo. Chúng ta không cùng một con đường đạo”. Tôi liền bỏ đi. Sau khi bỏ đi cũng vẫn chưa nguôi cơn giận, tôi lại gửi cho anh ấy hai tin nhắn, còn cố gắng dạy dỗ anh một trận, còn dùng những lời lẽ khoe khoang như là: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Sau khi gửi hai tin nhắn xong, tôi liền cảm thấy không đúng. Tôi nghĩ: ““Đệ Tử Quy” không phải dùng để dạy người khác mà là dạy bản thân mình, đáng lẽ phải: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Tôi lại sai nữa rồi, cũng rất xấu hổ. Bởi vì anh ấy ở Bắc Kinh bàn chuyện làm ăn rất lớn nên tôi cũng không dám làm phiền anh ấy. Làm thế nào đây? Vậy thì mình đợi anh ấy trở về, hai ngày này ở nhà sám hối. Buổi tối anh ấy trở về, về cũng rất muộn. Tối hôm đó tôi đun nước, pha trà, gọt trái cây cho anh ấy, sau đó vòng vo nửa ngày rồi nói một câu. Tôi nói: “Em lại sai nữa rồi!”. Chồng tôi nói: “Anh đã quen rồi, không sao đâu! Em dần dần sửa vậy”.

Do vậy, lần này tôi đến Hồng Kông, tôi nói với anh ấy tôi đi học tập, anh ấy nói: “Em học vẫn chưa thấy tiến bộ mà”. Tôi nói: “Nhưng cũng phải học chứ!”. Hôm qua tôi còn nói chuyện với anh ấy, tôi nói: “Ngày mai em phải sám hối vì đã đối xử không tốt với anh, nên hôm nay xin anh tha thứ trước cho tất cả những chuyện xấu của em”. Anh ấy trả lời tin nhắn là: “Haha…Không sao đâu! Biết sai mà có thể sửa thì không gì thiện bằng”. Do đó tôi cảm thấy tâm lượng của đàn ông thật rất rộng lớn. Tôi cũng rất may mắn gặp được một vị hiền phu. Bởi vì trong chương “Phu Phụ Thiên” này có nói: “Chồng không hiền đức thì không thể quản lý tốt vợ mình”.

Vậy người chồng phải như thế nào mới được coi là hiền đức? Lúc đó, khi tôi đọc đoạn văn này có một câu nói xuất hiện trong đầu tôi, có thể là do tôi thường đọc “Cảm Ứng Thiên”, là câu: “Nam phải trung lương, nữ phải nhu thuận”. Tôi liền cảm thấy, đàn ông có thể trung lương thì họ mới có thể được xem là một người chồng hiền đức. Tôi hồi tưởng lại chồng tôi đã dạy dỗ tôi như thế nào.

Người xưa có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ buổi ban sơ mới về”. Dạy bảo một người vợ nhất định là khi họ mới gả vào nhà, gọi là đánh đòn phủ đầu. Tôi cũng là như vậy. Khi tôi mới kết hôn, việc đầu tiên là đem hết tài sản cá nhân của mình giao cho chồng. Bởi vì trước khi kết hôn công việc của tôi rất tốt, làm chứng khoán cũng rất biết làm, đầu óc cũng rất thông minh. Lúc đó tôi làm ở phòng giao dịch, do vậy cũng xem là tương đối có tiền. Chồng tôi không chút khách khí đã thu hết tất cả tiền bạc của tôi. Khi mới kết hôn thu tài sản còn khá dễ dàng, vì người vợ còn tương đối nghe lời. Nếu hiện nay tôi đoán là sẽ không thu được. Tôi cũng rất nghiêm túc giao cho anh ấy. Chồng tôi còn nói: “Em còn sổ tiết kiệm riêng nào nữa không?”. Tôi nghiêm túc nghĩ lại và nói: “Chắc là không còn nữa đâu”. Thật sự là không còn một xu dính túi. Sau đó mua ngôi nhà đầu tiên là dùng tiền của tôi để mua. Lúc đó, người làm thủ tục giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã hỏi: “Chủ nhà tên gì vậy?”. Bởi vì tôi lấy tiền đi mua, nên tôi buột miệng liền nói: “Trần Tịnh Du”. Chồng tôi nói: “Im miệng! Đây là nhà của anh. Ngay đến người em cũng gả cho anh rồi, em lấy đâu ra nhà nữa”. Lúc đó tôi cũng không dám nói, bởi vì lúc đó có mặt rất nhiều người. Trong tâm tôi rất bất bình. Sau khi về nhà tôi luôn buồn rầu không vui. Anh liền dạy dỗ tôi, anh nói: “Em còn may mà ở Trung Quốc đấy, nếu em ở Đài Loan hay Hồng Kông thì ngay đến họ em cũng không còn nữa. Em tên là Trương Trần Tịnh Du, em rất may mắn vẫn còn giữ được họ của mình”. Tôi cũng không nói gì. Cho nên, khi bạn mới kết hôn thì dạy bảo tương đối dễ dàng.

Sau khi chúng tôi nhận được giấy chứng nhận, mấy tháng sau chúng tôi cử hành hôn lễ. Chồng tôi thật sự rất trí huệ. Phụ nữ đều rất thích khoe khoang, tiếng tăm, tôi cũng vậy. Bởi vì điều kiện kinh tế của gia đình cho phép, nên tôi nghĩ đó chắc là một hôn lễ rất long trọng, rực rỡ. Kết quả sau khi tôi sửa soạn xong, vừa từ trong nhà tôi bước ra thì nhìn thấy lác đác lẻ tẻ, ngay đến sáu chiếc xe cũng không nối với nhau được thành một hàng, may mắn vẫn còn một chiếc Mercedes. Tôi cảm thấy khá may mắn, có Mercedes cũng được. Rước dâu từ nhà tôi đến nhà chồng. Đến nhà chồng đợi một chút, khi xuống dưới lầu tôi nói: “Chiếc xe Mercedes đó sao không thấy nữa?”. Chồng tôi nói: “Ây da! Họ còn phải đến một đám cưới khác nữa, em ngồi tạm chiếc xe Lada này vậy”. Xe Lada rất rẻ. Tôi nghĩ: “Dù sao cũng còn một chiếc xe vẫn tốt hơn là đi bộ”, tôi liền đồng ý. Sau khi đến nhà hàng, mới đầu tôi có chút không vui vì đẳng cấp của nhà hàng này rất thấp. Chồng tôi nói: “Em nên cảm thấy hài lòng vì trước đây ba của anh phải tổ chức ở nhà ăn của trường học đó”. Tôi nói: “Hả? Vậy được rồi! Ở đây em đồng ý mà!”. Món ăn cũng rất bình thường. Sau khi dùng xong tiệc cưới, tôi nghĩ: “Ngồi xe Lada về nhà cũng không tệ”. Vừa ra ngoài thì thấy xe Lada cũng không còn, không còn một chiếc xe nào. Tôi rất kinh ngạc, vì tôi còn mặc áo cưới. Tôi nói: “Vậy hai chúng ta phải làm sao đây?”. Chồng tôi nói: “Không được thì chúng ta đi bộ về nhà thôi”. Tôi nói: “Phải đi bộ qua mấy trạm xe đó”. Sau đó một người bạn cấp ba của tôi vô cùng từ bi, anh ấy mang chiếc xe đạp (là hôm đó anh ấy rất may mắn rút thưởng trúng được), đến trước mặt hai chúng tôi và nói: “Bạn xem xe mới tốt biết mấy, tôi vẫn chưa sử dụng qua, hai người lấy xe đạp về nhà đi”. Chồng tôi liền ngồi lên xe nói: “Em vén áo cưới lên ngồi phía sau nhé!”. Tất cả mọi người ở trên đường đều nhìn chúng tôi. Anh ấy đạp qua mấy trạm xe mới về tới nhà. Tôi luôn cúi đầu xuống, cũng không dám nói gì. Sau khi về nhà, chồng tôi liền nói: “Em lấy mấy bông hoa ở trên đầu xuống, vào bếp bắt đầu làm việc đi”. Tôi nói: “Việc này có nhanh quá không, em rất mệt, rất muốn nghỉ ngơi một chút”. Anh ấy nói: “Em xem mẹ chồng đang nấu ăn ở trong bếp, lại còn nhiều người thân bạn bè đến như vậy, em không thể nằm ở trong phòng được”. Lúc đó tôi cảm thấy cuộc hôn nhân này rất đau khổ, không nên kết hôn. Mấy ngày sau tôi mới dám bạo dạn nói: “Ngày tháng sau này của hai chúng ta nếu cứ như vậy thì xong, từ Mercedes thẳng tới xe đạp rồi”. Sau đó chồng tôi nói: “Ngồi xe gì không quan trọng, quan trọng là chiếc xe đó có phải của em hay không”. Tôi nghĩ thấy cũng đúng, đó đều là xe đi mượn, cũng không phải của mình. Cho nên, sau này mỗi lần nhìn thấy hôn lễ (hôn lễ ở Đại Liên đều rất long trọng), khi thấy có rất nhiều xe đẹp tôi liền an ủi bản thân, “những chiếc xe này nhất định không phải của họ, không sao cả”.

Cho nên bạn thấy, anh đã thu hết tiền bạc của tôi như vậy, nếu không thì tôi sẽ ngạo mạn không xem ai ra gì, cho rằng học lực của mình cao, gia đình mình tốt, tướng mạo của mình cũng không tệ, tiền bạc cũng nhiều hơn anh. Giống như con người trước đây của tôi, khi chưa được nhận qua sự hun đúc thì sẽ cưỡi lên cổ người nhà chồng để điều khiển họ rồi.

Kết hôn được hai năm, chồng tôi không hề kiến nghị tôi đi tìm công việc, mà để tôi ở nhà thu dọn việc nhà, làm nữ công gia chánh. Tôi không biết nấu cơm, anh ấy đã mua mười mấy quyển sách dạy nấu ăn để khích lệ tôi nấu ăn, chiên luộc nấu xào món gì cũng có, sau đó mỗi tuần đều mời bạn bè về nhà ăn cơm thưởng thức tay nghề của tôi. Cho nên hiện nay những món duy nhất mà tôi có thể trổ tài được chính là xào rau, nấu cơm rất ngon. Làm bánh sủi cảo, bánh bao, mì vằn thắn, bánh rán tôi đều biết làm. Đó là do được luyện mà ra. Nếu hiện nay bảo tôi luyện thì tôi không luyện ra được.

Sau đó là chuyện y phục. Anh ấy cũng yêu cầu tôi tuyệt đối không được phép mặc đồ hở hang, tuyệt đối không được phép. Khoảng mười sáu năm trước, khi mới gả vào nhà anh ấy thì tôi còn rất trẻ. Lúc đó mới bắt đầu có quần áo mặc ở nhà, tôi cũng mua một bộ. Một lần anh ấy có bạn đến nhà, tôi liền mặc bộ đó đi tiếp khách. Lần đầu tiên tôi bị chồng trách mắng một trận rất nghiêm khắc. Anh ấy nói: “Em vĩnh viễn không được mặc loại y phục này đi tiếp khách, không lễ phép, không trang trọng. Nếu có khách đến nhất định phải mang tất vào, không được phép đi chân trần mang dép, hay đi chân đất”. Mặc dù lúc đó tôi không phục nhưng cũng đồng ý.

Có một lần tôi cũng chạy theo mốt Hàn Quốc, đi mua một chiếc áo rất quyến rũ. Sau khi mua về, đến buổi tối tôi còn khoa chân múa tay nói với anh ấy: “Anh xem cái áo này hơn 1.000 tệ rất đẹp, phía trước còn rất quyến rũ, rất ngắn”. Chồng tôi nhìn qua rồi nói ba câu: “Anh cho em ba chọn lựa: thứ nhất là trả lại, thứ hai cắt bỏ, thứ ba tặng người khác. Em xem rồi làm đi!”. Tôi nói: “Ai sẽ cắt?”. Anh ấy nói: “Anh cắt giúp cho em, không cần làm phiền em.”. Sau đó tôi nghĩ, tặng cho người khác thì tôi cũng không quen biết ai, cắt bỏ thì quá đáng tiếc. Tôi liền cầm cái áo sơ mi đó đến cửa hàng, cố gắng thương lượng với họ. Tôi nói: “Chồng tôi thật sự không đồng ý cho tôi mặc, chị làm ơn cho tôi trả lại. Tôi cũng chưa mặc qua, nhãn mác vẫn còn nguyên”. Họ cảm thấy rất kỳ lạ, hỏi vì sao lại như vậy? Tôi nói: “Thật sự là anh ấy không cho tôi mặc. Thật mà! Tôi không gạt chị đâu, mặc dù tôi rất thích nhưng cũng không được”. Từ đó về sau, để tránh ba kết quả chọn lựa đó nên tôi không mặc những loại y phục đó nữa.

Sau này, lần đầu tiên tôi đến công ty do anh ấy thành lập; anh ấy thành lập công ty này khoảng hơn mười năm trước. Tôi muốn đến công ty xem anh ấy kiếm được bao nhiêu tiền và kết giao với những người như thế nào, xem nhân viên nữ có những hành vi không tốt hay không? Tôi muốn đến làm người giám sát. Kết quả chồng tôi nói: “Em có thể đi”, nhưng anh cũng lập cho tôi năm quy định. Có ba cái tôi ấn tượng rất sâu, tôi sẽ báo cáo với mọi người. Mỗi lần đi, anh ấy đều bắt tôi học thuộc xong mới cho tôi đến công ty, còn bắt tôi viết vào một cuốn sổ. Anh ấy nói: “Thứ nhất, vĩnh viễn không được bàn luận về chuyện nhà của chúng ta”, chính là không cho phép bàn luận chuyện gia đình của chúng tôi ở trước mặt nhân viên. “Thứ hai, vĩnh viễn không được nói chuyện thị phi của bất cứ một nhân viên nào, tốt hay xấu cũng không được nói. Thứ ba, không được nhúng tay vào việc quản lý của công ty. Em không có quyền quản lý công ty”. Lúc đó, tôi đến công ty để làm những việc như thu dọn vệ sinh, bưng nước rót trà. Rất nhiều người cho rằng tôi là một cô thư ký được thuê về, tố chất tương đối cao nhưng việc gì cũng không cho quản. Tôi chuyên chỉnh lý các văn kiện, làm những công việc này, không cho tôi quản cái gì khác. Ba điều này tôi ấn tượng rất sâu, còn hai điều phía sau tôi đã quên rồi.

Tôi nhớ, lúc đó tôi mới sanh xong đứa con trai lớn nên không thường đến công ty làm. Các nhân viên đều rất hiếu kỳ hỏi: “Con chị như thế nào rồi?”. “Tôi không biết”. Hỏi: “Gần đây nhà chị như thế nào rồi?”. “Tôi không biết”. Các nhân viên đều nói: “Chị làm sao mà hỏi gì cũng không biết vậy?”. Tôi liền mở cuốn sổ đó ra và nói: “Đây là Giám đốc Trương quy định không cho tôi nói”. Việc tôi kết bạn anh ấy cũng rất hạn chế, đều phải được anh xét duyệt. Bây giờ tôi rất cảm ơn, bởi vì sư phụ từng nói như vậy. Hai ngày trước tôi mới nghe được sư phụ nói, đây là thiện tri thức chân thật đến để thành tựu cho bạn, để bạn không có tâm tham; đoạt đi quyền sở hữu tài sản của bạn, để bạn không được có tâm ngạo mạn, không được có tâm dâm dật,… rất nhiều.

Khi tôi mới kết hôn với anh ấy, có rất nhiều điều như người xưa thường nói, đây chính là phòng bị trước khi sự việc xảy ra. Có một lần ăn cơm, bởi vì trong bàn ăn có một đồng học nam nói chuyện rất hay nên tôi thường hay nhìn cậu ấy. Sau đó, về nhà tôi liền bị chồng tôi dạy dỗ một trận. Anh ấy nói: “Không được phép, cái tâm đó của em không tốt”. Tôi nói: “Em thực sự không có gì cả, em chỉ cảm thấy cậu ấy nói chuyện rất hay nên không kiềm chế được thôi”. Anh ấy nói: “Như vậy cũng không được”. Bây giờ học tập “Nữ Đức”, học tập “Nữ Giới”, tôi cảm thấy rất đúng. Một người đàn ông phải biết cách làm thế nào để chăm lo dạy bảo vợ mình, như vậy thì cô ấy mới không xảy ra những chuyện vượt qua giới hạn quá lớn. Nhìn lại cuộc sống hôn nhân mười sáu năm qua, tôi cảm thấy chính là hai chữ giáo dục, thật sự rất chính xác. Đó là giáo dục từ nhất cử nhất động từng lời nói, từng hành động, khởi tâm động niệm và những việc vụn vặt nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đây chính là phòng bị trước.

Thời gian trước, có một vị thầy giáo đến Đại Liên nói: “Tôi thấy cô dường như ngoài sát nghiệp tương đối nặng ra thì những phương diện khác cũng không tệ. Trong xã hội hiện nay, cô ở bên ngoài như vậy mà không xảy ra những chuyện linh tinh thật là rất khó được”. Kỳ thực, lúc đó đối với những lời nói của vị thầy giáo này tôi còn không cho là đúng, bởi vì tôi cảm thấy tôi chỉ có ăn chút đồ biển. Trước kia khi chưa học Phật, tôi mua một chút đồ biển về, bởi vì kỹ thuật nấu ăn cũng không tệ nên thường mua về biểu diễn một chút tay nghề. Chúng tôi lại ở cạnh bờ biển; cũng giống với Hồng Kông vậy, Đại Liên chúng tôi cũng là một thành phố ven biển. Điều kiện gia đình lại cho phép nên thường xuyên ăn đồ biển. Vị thầy giáo này đã nói: “Cô sẽ phải nhận quả báo đấy!”. Tôi còn nói đùa là: “Quả báo gì chứ?”. Thầy nói: “Phổi của cô sẽ không tốt. Đến già phổi của cô sẽ có vấn đề”. Tôi nói: “Làm sao có thể như vậy, tôi cảm thấy phổi không có chút vấn đề gì”. Vị thầy giáo này liền nói: “Bởi vì cô trồng cái nhân chưng nấu những chúng sanh này, làm phổi của chúng bị nghẹt. Hải sản khi bị chưng nấu đều chết do phổi bị nghẹt. Cô xem cô hấp cua, cô sẽ bị bệnh phổi”. Đại Liên chúng tôi còn có một loại gọi là tôm tích, khi bị nấu thì phổi của chúng đều bị nghẹt thở mà chết. Lúc đó tôi không hiểu, tôi nói: “Tôi không nhìn thấy hiện tượng gì cả, liệu có đúng không vậy? Tôi lại vẫn chưa già, hiện tại tôi cũng rất tốt. Tôi lại làm nhiều việc tốt như vậy, chắc sẽ không xảy ra như vậy đâu”. Kết quả ông trời thật sự sẽ an bài cho bạn. An bài cái gì?

Tôi quen một vị thiện tri thức là thầy Tân. Sau đó vài ngày, có một hôm thầy gọi điện thoại cho tôi. Thầy nói mẹ của thầy bệnh rất nặng, có thể trong mấy ngày này sẽ qua đời. Thầy nói: “Cô có thể đến giúp tôi khai thị một chút được không?”. Tôi nói: “Tôi nào biết khai thị chứ! Tôi không biết”. Thầy nói: “Thì cô cứ đến nói vài lời an ủi mẹ tôi cũng đã rất tốt rồi, làm việc tốt mà”. Tôi cũng chưa làm qua việc này. Tôi đã tự mình lái xe đến đó. Sau khi đến, tôi đứng bên ngoài giường bệnh nhân bệnh. Lúc nhìn thấy bà cụ tôi rất sợ hãi, bởi vì bà cụ phải đeo bình dưỡng khí, trên đầu còn có một ống truyền dịch, hô hấp rất khó khăn. Chính là rất lâu, rất vất vả há miệng thật to mới có thể thở ra một hơi, sau đó dừng rất lâu mới thở ra một hơi nữa. Tôi không dám nhìn. Tôi ở bên ngoài, bởi vì bên trong bác sĩ còn đang bận. Ở bên ngoài tôi liền hỏi thầy Tân. Tôi nói: “Tại sao lại như thế? Đây là bệnh gì vậy?”. Thầy Tân nói: “Phổi của bà bị tắc nghẽn rất nghiêm trọng, hô hấp rất khó khăn”. Thầy nói: “Bởi vì mẹ tôi sanh tiền vô cùng thích ăn hải sản. Điều kiện gia đình cũng rất tốt, những con bào ngư rất to trước khi đưa vào thị trường đều phải qua nhà thầy ấy trước. Nhà thầy ấy giữ lại những con to, sau đó họ mới tiếp tục đem bán, đều là chọn ăn rất nhiều những con to nhất”. Sau đó khi bước vào phòng, nhìn thấy bà cụ tôi đã khóc rất nhiều. Lúc đó tôi cảm thấy, đây là một vị Bồ Tát đang thị hiện cho tôi xem, “chẳng phải hai ngày trước tôi còn cảm thấy điều đó không đúng hay sao? Không có chuyện gì hay sao?”. Bởi vì thầy Tân nói mẹ của thầy cũng không gây ra sát nghiệp nào khác, chỉ là thích ăn hải sản. Người Đại Liên chúng tôi đều rất thích ăn hải sản. Bà cụ hô hấp rất khó khăn, mỗi một lần bà thở ra một tiếng là tôi không chịu được mà khóc lên. Sau đó tôi nói: “Lão Bồ Tát à! Con vô cùng cảm ơn bác! Nếu không thì con còn phản đối, không nghĩ đến sẽ có quả báo như thế nào khi tổn hại những chúng sanh đó, tương lai bản thân con sẽ ra làm sao?”. Cho nên hôm qua tôi giảng bài cho mọi người, lúc báo cáo tôi nói, tôi thực sự sợ hãi cái quả báo này, thật sự như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

Do vậy, bạn thấy phụ nữ họ rất quan trọng. Trong gia đình họ nắm đại quyền chế biến món ăn, họ mua gì thì người trong nhà phải ăn những thứ đó. Trước đây tôi cũng như vậy, cua thì phải chọn mua con to nhất, (hải sản) thì phải mua loại sò điệp. Ba chồng tôi rất thích ăn, tôi còn tự cho rằng mình rất hiếu thảo. Hiện nay ba chồng tôi cũng giống mẹ của thầy Tân, đầu óc rất không tốt. Tôi rất sám hối. Cho nên, có lúc chúng ta phải nhìn rõ ràng quả báo thì bạn mới triệt để không dám tạo cái nhân đó.

Tôi rất kỳ vọng thầy Chung sẽ sớm giảng bộ “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”. Giảng rõ từng điều thì mọi người thật sự không dám làm điều này nữa. Vì biết rõ quả báo trong tương đang đợi mình, thì họ nhất định có thể ngăn cấm bản thân. Tôi cảm thấy điều này so với giáo dục luân lý đạo đức đều phải xem trọng. Bởi vì có lúc con người thật sự không có tâm hổ thẹn, nhưng họ có tâm kính sợ.

Từ sự việc của thầy Tân, tôi còn có một cảm xúc rất lớn, đó là phận làm con cái phải sớm giúp ba mẹ tiếp xúc với Phật Pháp, sớm nghe Phật Pháp. Hơn nữa, cái hiếu lớn nhất của con cái đối với ba mẹ chính là biến tất cả những duyên phận bên cạnh mình thành thiện duyên và pháp duyên. Nếu được như vậy thì ba mẹ thật sự được thơm lây cùng  bạn.

Giống như hôm qua, tôi có nhắc đến một bộ sách “Hoàng Yên Bình Cư sĩ Vãng Sanh ký”. Con gái của cô tên là Hồ Ni Ni, là một đại hộ pháp trong Phật môn nên mới có sự việc thù thắng như vậy. Tôi thật sự khuyến khích chúng ta đều nên hộ trì Phật Pháp, hoằng dương chánh pháp, không vì người khác thì chí ít cũng vì ba mẹ, hay người thân của mình. Trong “Phu Phụ Đệ Nhị”, phía sau còn nhắc đến “phụ bất hiền, tắc vô dĩ sự phu”. Vợ không hiền đức thì không thể phụng sự chồng. Cái hiền của phụ nữ là hiền ở đâu?

Phần tiếp theo chương thứ ba của sách “Nữ Giới” có nhắc đến, tâm kính cẩn thận trọng, nhắc đến bốn đức hạnh của phụ nữ, nhắc đến chuyên tâm. Bây giờ chúng ta mở lại những điển tịch của lão tổ tông, khi học tập chúng ta sẽ phát hiện có một đặc điểm chính là chúng ta không hiểu người xưa đang nói gì, xem không hiểu người xưa muốn biểu đạt ý gì. Đối với lão tổ tông cảm thấy thật sự không có khái niệm gì, vậy thì chúng ta làm gì còn truyền thống, làm gì còn gia đạo và gia nghiệp nữa chứ?

Có một lần khi tôi giảng “Nữ Giới” cho mấy người bạn, có một cô gái thuộc phái tiên phong hiện đại xem qua một lần rồi nói: “Cô Trần à! Nếu cô không giảng thì tôi xem một chữ cũng không hiểu, tôi căn bản không biết họ nói cái gì. Cô giảng xong thì đại khái tôi cũng hiểu, hình như là nói chúng ta phải tu dưỡng đức hạnh, tu thân dưỡng tánh”. Cô ấy là một phụ nữ tri thức, có thể coi là tương đối có văn hóa. Tôi nói: “Đúng vậy! Tu thân rồi mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng chúng ta không biết tu như thế nào, làm thế nào mới được”. Phụ nữ thời xưa có quyển “Nữ Tứ Thư”, còn có “Nữ Hiếu Kinh”. Tôi giống thầy Chung, đều rất hy vọng có nhiều phụ nữ học tập nữ đức, nên tôi thường khích lệ những bạn bè bên cạnh.

Thời gian trước có một cô gái, cô hy vọng tôi giúp cô tìm một công việc. Tôi nói: “Điều kiện gia đình bạn rất tốt, chồng bạn làm việc  ở một tập đoàn công ty lớn, lương tháng phải hơn 10.000 tệ, thu nhập trước đây của bạn cũng không ít, tiền để dành cũng rất nhiều, nhà cửa cũng không phải lo, con thì mới sanh, sao bạn không ở nhà cố gắng dạy con của mình chứ?”. Cô ấy nói: “Vậy tôi thành kẻ vô dụng, trở thành người phụ nữ của gia đình rồi. Tôi muốn tìm bảo mẫu để bảo mẫu chăm sóc”. Tôi nói: “Tôi đã rất hối hận rồi. Hai đứa con của tôi lúc nhỏ đều do bảo mẫu chăm sóc, không thể lặp lại được nữa. Hiện tại giáo dục chúng tôi đã cảm thấy có chút khó khăn rồi”. Tôi nói: “Người mẹ nhất định phải đích thân chăm sóc con mình, không ai có thể so sánh với người mẹ. Bảo mẫu có thể yêu thương con của bạn giống như bạn hay không? Lúc đầu tôi học văn hóa truyền thống chính là vì yêu thương con trai tôi, sau đó tôi mới phát tâm đi học “Đệ Tử Quy”, cùng con trai tôi học thuộc “Đệ Tử Quy”. Đó chính là trái tim của một người mẹ. Do lúc đó không hiểu nên tôi không có cách gì dạy con trai tôi”. Cô ấy liền do dự, một lúc sau cô ấy nói: “Nếu con tôi đi mẫu giáo thì tôi phải làm sao? Tôi sẽ không còn việc gì để làm nữa, vậy thì tôi vẫn phải đi tìm việc”. Tôi nói: “Bạn thực sự cũng không thiếu tiền tiêu, bạn có thể làm một cô giáo dạy văn hóa truyền thống, cô giáo nghĩa công cống hiến cho xã hội”. Tôi nói: “Cuộc đời con người thực sự qua rất nhanh, tất cả bạn nên tích phước cho con cái của mình. Tuyên giảng đức hạnh của phụ nữ tốt biết bao”. Tôi đem quyển “Nữ Giới” đưa cho cô ấy, đĩa giảng cũng tặng cho cô ấy. Sau khi cô ấy nghe giảng xong vài lần thì một hôm cô ấy đã gửi tin nhắn cho tôi. Cô ấy nói: “Tịnh Du! Cảm ơn cô! Tôi sẽ nghe theo lời của cô. Tôi cảm thấy xã hội thực sự cần nền giáo dục này. Hiện tại tôi ở nhà cố gắng học, nếu có duyên phận tôi cũng hy vọng ra ngoài giảng cho mọi người nghe. Trước tiên, tôi sẽ chăm sóc con cho tốt để bản thân có được một số thể hội”.

Bản thân tôi làm cũng rất kém, phần “Nữ Đức” này tôi làm vẫn chưa tốt, vì thiên thứ nhất “ti nhược” hôm qua tôi vẫn chưa làm được, không khiêm tốn cũng không dịu hiền, tâm rất cứng rắn. Tâm cứng rắn biểu hiện đối với rất nhiều việc, rất nhiều người bên cạnh nhưng tôi đều thờ ơ không chút quan tâm. Trước khi học văn hóa truyền thống, tôi chưa từng rơi nước mắt, thật đấy! Khi tôi mang thai đứa con trai lớn, tôi đều nôn ra máu, phản ứng rất khủng khiếp, nhưng tôi không hề rơi nước mắt. Mẹ tôi ở bên cạnh khóc, và nói: “Tại vì sao con không có nước mắt vậy?”. Tôi nói: “Không có gì ạ, nôn thì nôn thôi”. Nhìn thấy những người bên cạnh tôi cũng không có cảm giác gì, tôi hoàn toàn sống trong thế giới tự ngã của mình. Có khi tranh cãi với chồng nhưng tôi chưa bao giờ khóc, trong tâm đều rất lý trí để xử lý. Thực sự sau khi tôi học văn hóa truyền thống thì tâm tôi lại trở nên rất mềm yếu, rất dễ khóc. Tâm tôi đã có chút thay đổi, vừa nhìn thấy những việc cảm động, việc thương tâm đau lòng tôi cũng khóc. Do vậy, vài hôm trước có một người bạn nói với tôi: “Tịnh Du! Gần đây bạn làm gì thế, tướng mạo của bạn sao không giống trước kia vậy?”. Bởi vì khoảng hơn một năm nay chúng tôi không gặp mặt, trong thời gian một năm này tôi học văn hóa truyền thống tương đối dũng mãnh. Tôi thấy rất kỳ lạ nên nói: “Trước đây tướng mạo tôi như thế nào?”. Anh ấy nói: “Bạn trước đây là nữ doanh nhân, tướng mạo rất kiên cường, nói một là một”. Còn có những chuyện anh ấy rất ngại nói ra. Tôi nói: “Vậy hiện nay thì sao?”. Anh ấy nói: “Hiện nay bạn có một chút dịu dàng, giống phụ nữ rồi”. Tôi nói: “Bạn đang khích lệ tôi đó à!”.

Tôi hy vọng mình có thể sống trở về đúng với hình dáng của một người phụ nữ. Phụ nữ nên vĩnh viễn có một trái tim tràn đầy tình thương của một người mẹ. Giống như Đức Phật dạy bảo Ngọc Da Nữ vậy, bắt đầu làm từ “vợ như mẹ”. Bạn phải học cách làm sao yêu thương con mình, làm sao để che chở cho chồng mình giống như che chở con mình vậy. Điều này tôi cũng đang trong quá trình dần dần học tập.

Hôm qua tôi cũng nói đến lợi ích lớn nhất của việc học tập rồi, phải từng chút một hiểu rõ đạo lý. Hiểu rõ đạo lý thì tốc độ sửa sai sẽ tương đối nhanh, tốc độ quay đầu cũng khá nhanh. Bản thân tôi học  phần “Phu Phụ” này còn có một thể hội khá sâu sắc. Trong đây có nhắc đến dạy người nam, chính là từ xưa tới nay giáo dục người nam từ lúc còn nhỏ vô cùng nghiêm túc, có trường tư thục để dạy học, nhưng giáo dục nữ giới thì  đều qua loa. Do đó Ban Chiêu nói, giáo dục phụ nữ không kém phần quan trọng so với nam giới, cần phải coi trọng, cần dạy giống như nam giới. Phải dạy họ “Thư Tịch Truyện Ký”. Trong “Tứ Khố Toàn Thư”, “Thập Tam Kinh”, đối với người hiện đại mà nói thì quá nhiều, rất khó để bạn có thể định tâm lại học. Do đó chúng ta nên bắt đầu học từ những điều giới nhỏ nhặt trong “Đệ Tử Quy”, vậy là rất tốt! 113 điều trong “Đệ Tử Quy” phải thực hiện từng câu một, sau đó chúng ta mới có thể hiểu sâu nhân quả.

Bản thân tôi cũng có những thể hội trong thực tiễn cuộc sống. Con trai tôi rất thích xem phim hoạt hình, ví dụ như xem “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Xem xong nó liền chia sẻ với em trai: “Đó là phim dạy về nhân quả”. Nó đã chia sẻ với em trai mình như thế nào vậy? Nó đưa cho em trai một món đồ chơi nhỏ và nói: “Đây là đồ chơi phải không?”. Em trai nói: “Vâng!”. Bởi vì con trai nhỏ của tôi mới có hai tuổi rưỡi. Nó nói: “Em đưa cho anh”, em trai liền đưa cho nó. Nó lại đưa cho em trai một món đồ chơi lớn hơn. Nó nói: “Hiện giờ em nhận được có phải là một món đồ chơi lớn hơn không?”. Em trai nói: “Đúng vậy!”. Nó nói: “Đây chính là nhân quả đấy!”. Ở nhà nó đã dạy em trai như vậy. Con trai út của tôi cũng mơ mơ hồ hồ, nhưng tôi cảm giác nó có một chút nhận thức mơ hồ về quan hệ giữa nhân và quả.

Trước đây, đứa con lớn của tôi có một đặc điểm khi nhìn thấy những thứ mà nó thích thì nó liền muốn chiếm làm của riêng. Hơn nữa nó rất thông minh, cho nên có lúc thông minh sẽ bị thông minh hại. Cũng giống như hôm qua thầy Chung có nói đến. Nó nói đến mức em bé kia bất giác liền cầm đồ chơi của mình đưa cho nó. Nó liền lấy mấy miếng dán hình nhỏ, hoặc cái gì đó ra để đáp lại. Có một lần, nó lấy được không phải là đồ chơi, mà là lấy điện thoại của người bạn nhỏ đó về nhà, vì nhà bạn nhỏ đó cũng tương đối có tiền. Lúc đó tôi rất tức giận, nổi trận lôi đình. Cho nên, so với mẹ của thầy Chung thì tôi rất kém cỏi. Tôi biết khi cơn thịnh nộ này bùng lên mà đi trách mắng con thì sẽ không đúng, nhưng tôi lại không kiềm chế được, nên tôi nhờ chồng mình trợ giúp. Tôi nói: “Việc này em đã khống chế không nổi rồi, không cách gì kiềm chế được. Em mà nói chuyện chắc chắn rất giận dữ, cho nên anh ra mặt đi”. Chồng tôi làm việc gì cũng đều tâm bình khí hòa. Anh ấy nói: “Em yên tâm đi, không có chuyện gì đâu. Anh sẽ dạy dỗ nó”. Chồng tôi kỳ thực chưa có học qua văn hóa truyền thống, nhưng tôi cảm thấy rất kỳ lạ là anh ấy có thể làm được. Anh ấy rất nghiêm túc bảo ban con trai tôi và cầm cái điện thoại đó đi. Sau đó chồng tôi hẹn người bạn nhỏ bị nó lấy điện thoại cùng với mẹ của bạn ấy đến văn phòng của chồng tôi. Sau đó anh ấy còn lấy bộ cờ vây và bàn cờ mà nó rất thích đều cầm đi. Vì con tôi từ nhỏ đã đánh cờ vây, nó có một bộ. Chồng tôi cũng không nói nhiều. Sau khi đến văn phòng, chồng tôi liền bảo nó cầm cái điện thoại đó, còn anh thì cầm bàn cờ. Anh ấy dẫn con trai mình cung cung kính kính cúi mình trước mẹ và cô bé đó, cúi mình ba lần. Sau đó nhận lỗi, rồi nói: “Chúng tôi làm ba mẹ dạy dỗ con cái không tốt, chúng tôi rất xấu hổ. Bây giờ chúng tôi trả lại điện thoại cho chị và tặng bộ cờ vây của nó cho chị để biểu đạt thành ý xin lỗi của chúng tôi. Xin chị nhất định phải nhận giúp”. Mẹ của cô bé không nhận. Chồng tôi liền nói: “Xin chị nhận giúp để hai bên chúng ta phối hợp dạy dỗ con cái ”. Cô ấy liền nhận lấy và ra về. Chồng tôi nói với con trai là: “Con đã chiếm lấy những đồ vật mà người khác yêu thích nhất làm của riêng cho mình, bây giờ con hãy nếm thử mùi vị khi con mất đi thứ mà mình yêu thích nhất xem cảm giác của con ra sao”. Sự việc này của con trai tôi xảy ra vào năm ngoái. Thực sự từ năm ngoái đến hiện tại nó không hề tái phạm, tôi cũng quên rồi.

Bởi vì thời gian trước, có một hôm nó nói với tôi rằng: “Mẹ à! Đã rất lâu rồi con không còn lấy đồ của các bạn nhỏ nữa, cũng không còn ý nghĩ đổi đồ chơi nữa, mẹ có thể xin ba mua cho con một bộ bàn cờ khác được không ạ? Con rất muốn đánh cờ vây”. Bởi vì từ nhỏ nó đã học đánh cờ vây, học cũng rất tốt. Tôi nói: “Con nói thật không?”. Nó nói: “Thật mà mẹ, mẹ có thể đi hỏi thầy giáo, hỏi bạn học của con”. Tôi liền đi nói chuyện với thầy chủ nhiệm của nó, Thầy giáo nói nó thật sự rất tốt, hơn nửa năm nay đều rất ngoan, nên tôi đã thương lượng với chồng tôi. Chồng tôi nói: “Có thể được! Con đã biết sửa đổi rồi, biết sai rồi, vậy thì mua cho nó bộ khác đi. Học đánh cờ cũng không phải xấu, có thể luyện định lực”. Nó thường tự mình bày một ván cờ, sau đó tự ngồi đó đánh một mình. Một lần nó có thể chơi cờ vài giờ đồng hồ.

Ở bên cạnh tôi cũng có một vị thiện tri thức như vậy để nhắc nhở tôi. Tôi cũng nhắc nhở chồng mình, bởi vì anh ấy thường xuyên đi công tác. Sau đó quen biết rất nhiều bạn bè, cho nên họ thường mua cho con tôi một số những món đồ chơi. Thời gian trước anh còn lấy về nhà một món, bị tôi tịch thu lại bỏ vào trong kho. Tôi chuẩn bị đem quyên tặng cho cô nhi viện, kết quả ngày hôm sau anh ấy lại lấy về một món nữa, tôi rất tức giận. Tôi nói: “Sao anh lại lấy về hoài vậy?”. Anh ấy nói: “Ở văn phòng anh còn hai cái vẫn chưa lấy về đó. Đó là của bạn bè tặng”. Tôi nói với anh ấy: “Đồ chơi không thể chơi được”. Anh ấy nói: “Em đừng nói nữa, em làm như vậy rất đúng. Cái này ngày mai anh sẽ bảo bác lái xe mang trở lại văn phòng. Ba cái đó anh sẽ đem tặng người khác. Những thứ ở nhà thì cứ mang đi tặng theo ý của em. Điều này em làm rất đúng, anh ủng hộ em”. Hơn nữa, đứa trẻ này nó đặc biệt chịu ảnh hưởng của ba mẹ. Nếu bạn làm ba mẹ mà có tâm trạng  tốt, khi trao đổi với con cái thì con cái cũng sẽ cảm thấy rất vui vẻ. Nếu ba mẹ có mâu thuẫn, có chướng ngại, từ nhỏ con cái đã chịu ảnh hưởng những từ trường không tốt này, chúng sẽ sinh ra một số tâm trạng uất ức, thậm chí mắc bệnh tự kỷ. Những bệnh này trẻ nhỏ hiện nay đều mắc phải. Thầy cô giáo nhất định phải dạy trẻ nhỏ làm sao để hiếu thảo ba mẹ. Người làm ba mẹ nhất định phải dạy con mình làm sao để tôn trọng thầy cô giáo.

Con trai tôi có một vị gia sư. Vị thầy gia sư này là một nhân viên của tôi, do đó tôi đã không cung kính cậu ấy. Mỗi lần khi vị thầy này đến nhà dạy cho con trai tôi, bởi vì trong tâm tôi cảm thấy cậu ấy là nhân viên của tôi, nên tôi cũng không đứng dậy chào. Cậu ấy đến thì tôi nói: “Ờ, đến rồi hả”. Cậu ấy đi thì tôi nói: “Ờ về nhé!”. Cậu ấy đều chủ động đi lên lầu chào hỏi tôi. Nhà chúng tôi tầng lầu tương đối nhiều. Cho nên, việc hiểu rõ lý lẽ rất quan trọng.

Đột nhiên có một ngày khi tôi nghe sư phụ giảng Kinh, ngài có nhắc đến điều này. Tôi rất là kinh ngạc, tôi nói: “Thảo nào con trai mình luôn không nghe lời thầy giáo, thì ra là do mình đã không cung kính vị thầy giáo này”. Do vậy lúc đó, khi cậu ấy rời khỏi nhà tôi, bởi vì khi cậu ấy đến tôi vẫn còn đang nghe giảng, khi cậu ấy đi thì tôi vụt đứng dậy, lần đầu tiên tôi gọi con trai mình. Tôi nói: “Con mau chóng xuống tầng một cung kính tiễn thầy rời khỏi nhà mình đi”. Tôi liền đỡ lấy cặp đựng máy tính và túi xách tay của thầy giáo. Con trai liền nhìn tôi như vầy. Sau đó khi thầy ra về, lúc đứng ở cửa để mang giầy tôi liền ở đó cúi người và nói:  “Thầy giáo à! Vô cùng cảm ơn thầy, thầy vất vả rồi”. Thầy giáo cũng vô cùng kinh ngạc, bởi vì cậu ấy còn rất trẻ, nhỏ tuổi hơn tôi. Cậu ấy nói: “Giám đốc Trần à! Xin đừng khách khí, không sao đâu”. Tôi nói: “Không thể được, thầy là thầy giáo của con trai tôi, cũng là thầy giáo của tôi. Thầy mỗi ngày đều là nghĩa vụ đến đây để hướng dẫn con tôi học bài, tôi thật sự rất cảm ơn thầy”. Ngày thứ hai, khi tôi gọi con trai mình thì con tôi đã chủ động cầm lấy cái cặp đựng máy tính. Đến cửa, nó còn cầm giầy của thầy giáo ra ngoài đặt ở trước chân thầy và nói: “Thầy mang giầy vào đi ạ!”. Con tôi còn tranh nói: “Thầy vất vả rồi, con cảm ơn thầy ạ!”. Sự việc này đại khái xảy ra khoảng hơn một tháng trước. Bây giờ thì không cần gọi nhau nữa, mà có lúc con trai còn gọi tôi. Bởi vì học xong thì con trai liền gọi: “Mẹ ơi, thầy giáo phải đi rồi, cung kính tiễn thầy về thôi ạ!”. Tôi liền nhanh chóng từ trên lầu đi xuống nói: “Thầy giáo vất vả rồi, chúng tôi cùng tiễn thầy về”. Quả thực, sau khi tôi bắt đầu làm như vậy thì con trai tôi nghe thầy giáo giảng bài rất nghiêm túc, vô cùng  lợi ích. Ví dụ như trước đây tư thế ngồi của nó không chính xác, thầy giáo nói rất nhiều lần nhưng nó vẫn ngồi như vậy, sau đó nó còn nhìn thầy giáo một cái, rất không cung kính. Hiện tại, thầy giáo vừa nói một cái là nó sẽ ngồi rất ngay ngắn và nói: “Con xin lỗi thầy, con sai rồi!”. Cho nên, tôi cảm thấy không phải con trẻ không cung kính thầy cô giáo, mà là người làm mẹ như tôi không để thầy giáo vào trong mắt .

Năm nay khi đón Tết Đoan Ngọ, tôi cũng là lần đầu tiên mang bánh ú cung kính tới thăm thầy chủ nhiệm của con trai tôi. Tôi cũng dẫn con trai tới cúi người với thầy chủ nhiệm, và nói: “Vô cùng cảm ơn thầy! Con tôi học ở trường đã làm phiền thầy Dương rất nhiều”. Sau đó thực sự là thầy giáo rất quan tâm đến nó, bởi vì ba mẹ cung kính thầy giáo như vậy, thầy giáo sẽ tự nhiên cảm nhận được tinh thần và trách nhiệm. Lần đầu tiên con trai trở về nhà nói: “Mẹ à! Thầy giáo khích lệ con, biểu dương con, nói gần đây con thay đổi rất tốt. Lần đầu tiên thầy giáo biểu dương con trước mặt đồng học cả lớp, con nhất định phải tiếp tục nỗ lực nữa”. Do đó, chúng ta làm ba mẹ phải biểu diễn cho con cái xem. Ngoài việc hiếu dưỡng ba mẹ và ba mẹ chồng của chúng ta ra, còn một việc phải biểu diễn cho chúng thấy, đó là phải hiếu kính thầy giáo của chúng. Bất luận vị thầy giáo đó bao nhiêu tuổi, con cái sẽ nghiêm túc mà học tập, không cần bạn phải lo lắng. Tôi cũng nói với thầy gia sư của con tôi rằng: “Tôi khẩn cầu thầy một việc, là nhất định phải thường dạy nó phải hiếu thuận ba mẹ”. Bởi vì ba mẹ rất ngại khi mở miệng nói: “Con phải hiếu thuận mẹ đấy!”. Cậu nhân viên này của tôi cũng học văn hóa truyền thống, cậu ấy nói: “Giám đốc Trần! Xin cô yên tâm, tôi nhất định sẽ nói với nó”.

Vì con trai, cho nên ở đơn vị tôi cũng thành lập một trường tư thục quốc học nhỏ. Những hội viên và khách hàng của tôi có con cái muốn học tập ở đó đều dạy học nghĩa vụ, miễn phí. Con trai tôi một mình học, không có bạn bè sẽ tương đối nhàm chán. Lớp học này đã bắt đầu kể từ đầu năm nay. Lớp nghỉ đông đã được khai giảng, gần đây lại bắt đầu mở lớp nghỉ hè. Các lớp nghỉ đông và nghỉ hè một tuần có ba ngày lên lớp, bình thường là học mỗi thứ bảy hàng tuần. Hai nhân viên của tôi chuyên giảng về văn hóa truyền thống, văn hóa doanh nghiệp. Họ phụ trách dạy học, tạo nên thay đổi đặc biệt lớn. Con trẻ cũng cần phải có đồng tham đạo hữu. Thời gian nghỉ hè cuối tháng này chúng lại cùng nhau tham gia trại hè “Đệ Tử Quy”. Những thầy cô giáo là nhân viên của tôi sẽ dẫn chúng cùng đi. Một kỳ mười hai ngày. Học gì vậy? Trại hè “Đệ Tử Quy” này nhận các em từ tám tuổi đến mười tuổi vào lớp thiếu nhi. Còn có lớp thành niên. Nội dung học tập chính là quét dọn ứng đối, gấp mền, giặt quần áo, cung kính ba mẹ, tập trung vào những vấn đề này. Bởi vì bạn rất khó tìm được một môi trường rộng lớn như vậy. Phải làm sao đây? Cho nên tôi đã tận hết năng lực của bản thân để xây dựng cho con mình một môi trường nhỏ như vậy từ nhà đến trường. Bởi vì ở trường học nó cũng không được học, trường học thì lấy dạy học làm chính. Tôi không tìm được một trường học văn hóa truyền thống “Đệ Tử Quy” nào như vậy. Nhưng bầu không khí nhỏ của ngày thứ bảy, mười đứa nhỏ tập trung lại học “Đệ Tử Quy”, học “Hiếu Kinh”, học “Thường Lễ Cử Yếu”, học “Tam Tự Kinh”, chúng còn tập diễn những tiết mục nhỏ như “Hai Mươi Bốn người con hiếu”, tập diễn rất hay. Tôi nói: “Các con diễn thuộc và hát cho hay bài hát “Dê con quỳ bú”, chúng ta sẽ tới viện dưỡng lão biểu diễn cho các cụ già xem”. Bọn trẻ rất thích thú.

Tôi cảm thấy, một người mẹ làm tất cả những điều này là xuất phát từ trong tâm yêu thương con cái mãnh liệt. Bắt đầu từ điểm khởi nguồn này mà từng chút, từng chút mở rộng ra. Tôi tin rằng, mẹ của thầy Chung cũng là như vậy, hết sức thương yêu con của mình, đứa con trai duy nhất cuối cùng từng chút một trưởng thành đến ngày hôm nay. Cái tâm đó cũng là từng chút một mà phát ra. Lúc bắt đầu tôi cũng không có cái tâm rộng lớn như vậy, không phải vì mọi người, chỉ cảm thấy dạy tốt con cái, không có lỗi với con trai tôi thì đã tốt lắm rồi.

Nhưng có một lần trong quá trình giảng bài, có một cô giáo dạy văn hóa truyền thống nói: “Bạn phải xem tất cả phụ nữ trong thiên hạ đều là chị em ruột của mình, xem tất cả trẻ nhỏ trong thiên hạ đều là con trai của mình, được vậy thì bài giảng của bạn nhất định sẽ có rất nhiều người muốn nghe, bởi vì cái tâm đó là tương thông”. Lời của cô ấy đã làm tôi bị chấn động. Tôi cảm thấy tôi vẫn chưa đạt đến cái tâm lượng lớn như vậy, nhưng tôi sẽ đem tâm yêu thương của mình từng chút từng chút mở rộng ra.

Năm rồi, thực sự là trong hơn một năm này tôi tham gia rất nhiều luận đàm như vậy. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, nhưng nội dung chân thật chỉ trên hai phương diện. Một là hôn nhân không hạnh phúc. Có một cô giáo gọi điện thoại cho tôi, khẩn cầu tôi đến nói chuyện với chồng cô ấy. Gia đình rất bất hạnh. Còn một cái nữa chính là vấn đề con cái, có 1 cô giáo, bởi vì ly hôn nên con của cô mới mười mấy tuổi bị mắc bệnh tự kỷ, trầm cảm, bỏ học, muốn tự sát. Làm một người mẹ nên cô rất đau lòng, cô ở trước mặt tôi khóc rất nhiều, hỏi tôi phải làm như thế nào? Cô nói hiện tại đứa trẻ không muốn ở cùng ai, không muốn ở cùng ba, cũng không muốn ở cùng mẹ. Không có việc gì thì nó chỉ ở trong quán điện tử, và chỉ muốn chết. Thực sự là tôi đã tiếp xúc qua với một số người như vậy, bao gồm thời gian trước đây có một cô giáo đã tới văn phòng của tôi để tìm tôi. Tôi nói: “Làm sao cô có thể tìm được tôi vậy?”. Cô nói: “Tôi đã hỏi rất nhiều người mới xin được số điện thoại của cô. Trong tâm tôi thực sự rất đau khổ nên muốn kể với cô một số việc”. Vậy làm sao mới có thể đạt được hạnh phúc, đạt được vui vẻ? Nếu niềm hạnh phúc này chỉ là nhất thời thì cái đó là giả. Cũng giống như chúng ta ra ngoài hưởng thụ một chút vậy, đi dạo phố mua mấy bộ y phục đẹp, đi làm đẹp, đi mát-xa, đó chỉ là nhất thời, qua mấy ngày nếu không làm những việc này nữa thị lại không vui. Lúc không mua y phục mà thấy không vui thì cái vui đó là giả thôi. Niềm vui chân thật là trong tâm tánh đạo đức lưu lộ ra, bởi vì nó không thay đổi. Đạo vợ chồng cũng vậy. Không chỉ có ân nghĩa, có tình nghĩa, mà quan trọng nhất chính là có đạo nghĩa.

Tôi xem “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” của thầy Chung giảng, tôi xem rất nhiều lần rồi, hai tháng này đại khái có thể đã xem bốn - năm lần rồi, đọc rất tỉ mỉ. Trong sách tôi đánh dấu rất nhiều đạo lý, rất có lợi ích. Tôi cũng mua rất nhiều cuốn “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” tặng bạn bè. Bởi vì bên trong có một câu nói làm tôi ấn tượng rất sâu. Thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến: “Dĩ thế giao giả, thế khuynh tắc giao tán”. Ý nói, nếu bạn dựa vào quyền thế, ỷ quyền cậy thế phan duyên đi kết giao, đến khi quyền thế đều không còn nữa thì giao tình cũng tan. “Dĩ lợi giao giả, lợi cùng tắc giao tán”. Ý nói dùng lợi ích để kết giao thì cũng như vậy, đến khi không còn lợi ích, không còn tiền tài nữa thì tình bạn sẽ chấm dứt. “Dĩ sắc giao giả, hoa lạc nhi ái du”. Vì sắc mà kết giao, hoa tàn thì tình cũng hết. Đàn ông thích tìm một người phụ nữ xinh đẹp, qua bốn mươi tuổi không còn đẹp nữa thì cũng hết yêu. Cuối cùng là: “Dĩ đạo giao giả, địa lão nhi thiên hoang”. Dùng đạo kết giao thì thiên trường địa cửu. Lần đầu tiên khi tôi đọc đến đoạn này, vừa lúc tôi nhìn thấy trên mạng có một đoạn tin tức như vậy, tôi liền cảm thấy có thể giải thích được khi thấy hiện nay có rất nhiều phụ nữ chọn đối tượng.

Một tỷ phú rất giàu tìm bạn đời, thì có hàng ngàn mỹ nữ đến ứng tuyển. Các cô gái đẹp đều hỏi: “Cụ thể là tiền có mấy tỷ? Kinh doanh ngành nghề gì? Trong tay anh có bao nhiêu công ty?”. Phụ nữ đều hỏi những vấn đề này. Còn đại diện bên phía người nam thì chỉ có một tiêu chuẩn, chính là: “Có đẹp không? Có phải là nghiêng nước nghiêng thành không?”. Một bên thì chạy theo lợi, còn một bên thì chạy theo sắc đẹp, như vậy làm sao có thể duy trì được cuộc sống hôn nhân lâu dài chứ?

Bạn xem, tổ tiên của chúng ta đã giải thích sự kết giao giữa người với người vô cùng tinh tế, sâu sắc. Có thể hiện nay người học tập văn hóa truyền thống còn khá ít, mà tự mình thực hành thì lại càng ít hơn. Nhưng tôi tin chắc, chỉ cần chúng ta đều bắt đầu làm từ chính mình, cho dù là từng li từng tí, nhưng nhất định sẽ có thể ảnh hưởng và cảm hóa đến rất nhiều người bên cạnh. Bạn thật làm, thật thực hành. Tôi từ trước đến nay chưa từng nghĩ đến việc này, năm ngoái vì con trai mình mà tôi học “Đệ Tử Quy”, còn năm nay tôi lại có may mắn ngồi đây cùng chia sẻ với mọi người, tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến việc này. Bởi vì tôi cảm thấy suy nghĩ của tôi vào lúc đó rất đơn giản là học tập “Đệ Tử Quy”. Con trai lớn thì tương đối nghe lời, không quá bướng bỉnh, chung sống với em trai rất tốt. Trong nhà khá yên ổn, trải qua những ngày tháng bình yên, tôi cũng cảm thấy rất an nhiên. Khi tôi quay đầu hồi tưởng lại chặng đường của một năm qua, bất giác như trong mộng vậy. Thực sự hiện nay tôi cảm thấy mình có một sứ mệnh với những người ở bên cạnh mà tôi quen biết. Hoàn cảnh trong lúc học tập khá tốt. Nhưng khi tôi quay về cuộc sống thường ngày của mình, thì nhiều người họ đều hỏi “Đệ Tử Quy” là gì? Lần đầu tiên khi tôi đưa “Đệ Tử Quy” cho người chị chồng thứ hai của tôi xem, chị nói: “Cái này ai viết vậy? Viết cũng không tệ, viết cũng rất hay”. Chị còn là một giáo sư đại học.

Tôi cảm thấy không chỉ bản thân có thể đạt được lợi ích, nếu có thể giúp nhiều người bên cạnh mình đạt được lợi ích hơn nữa thì đó mới là niềm vui chân thật. Trong quá trình học văn hóa truyền thống có mấy điểm mà tôi thể hội rất sâu sắc.

Điểm đầu tiên, kỳ thực rất giống với thầy Hồ Tiểu Lâm, chính là phải thật làm. Bạn thật sự buông xuống các loại mê hoặc, có lúc không nhẫn nổi. Ví dụ trước đây rất thích đi dạo phố, định kỳ nhất định phải đi làm đẹp, rất thích đi tiêu tiền, nhưng khi bạn hiểu rõ những đạo lý này thì bạn sẽ cảm thấy mình làm như vậy không phù hợp với yêu cầu của luân lý đạo đức văn hóa truyền thống. Nhất định phải chân thật hạ quyết tâm thay đổi. Rất khó! Tôi sửa đổi vẫn chưa triệt để, nhưng mỗi lần khi tôi đối diện với nhân viên của mình, khi đối diện với rất nhiều thính chúng thì tôi sợ hãi. Bởi vì bản thân chưa làm được, nên tôi không dám nói, không dám lừa người. Bạn cũng không thể chỉ sám hối suông, bạn chỉ nói mà không sửa thì làm sao được chứ? Do vậy mỗi lần sau khi trở về nhà, tôi nghĩ cho dù là giả, là giả thì mình từ từ làm có thể sẽ trở thành thật. Cho nên khi chưa có cơ duyên ra ngoài giảng bài, tôi có một câu lạc bộ riêng do tôi thành lập, có lúc cùng một số người bạn tốt tụ tập lại nói chuyện, ở đó tôi có đặt một cái máy quay nhỏ. Hai tháng này tôi đều lên chia sẻ với mọi người. Tôi giảng vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy, từ chín giờ đến mười một giờ. Bất luận người ngồi phía dưới là bốn người hay năm người thì tôi cũng đều rất nghiêm túc giảng bài, lấy việc này để khích lệ bản thân, làm rõ những đạo lý đã học, không được qua loa đại khái. Trước đây tôi học tập rất qua quýt, xem thấy mình biết rồi nên liền bỏ qua. Bây giờ thì không dám nữa, chăm chỉ nghiêm túc tra từ điển, tra những tài liệu liên quan, liên tục giảng, giảng rõ ràng cho mình hiểu, sau đó về nhà thì nghiêm túc sửa chữa.

Thứ hai là tôi có một thể hội rất lớn, phải sám hối. Sám hối nhất định phải sám hối trước mặt đại chúng, lén lén lút lút sám hối sau lưng người thật sự không hiệu quả. Phát lộ sám hối trước mặt đại chúng thì tâm hổ thẹn của chúng ta mới có thể xuất hiện, bạn mới chịu chân thật mong muốn sửa đổi.

Điều thứ ba là nhất định bên cạnh phải quen biết nhiều thiện tri thức chân chánh. Nếu như không có cái duyên phận đó thì chúng ta cũng đừng đi phan duyên. Thiện tri thức ở trong Kinh điển, ngày ngày không rời xa những lời giáo huấn trong Kinh điển. Hiện nay chúng ta rất thuận tiện, có rất nhiều sách, rất nhiều đĩa giảng, chúng ta có thể xem, có thể nghe. Mọi người phải thật sự định tâm lại để nghe, để làm, đoạn dứt tất cả các ngoại duyên. Ở nhà lúc mới nghe giảng, muốn định tâm lại nhưng tâm không định lại được. Tôi ngồi nghe mà vọng niệm lan tràn, ước đoán tôi nghe hai giờ đồng hồ thì có một giờ tâm đều chạy ra ngoài. Nghe một lúc thì tôi nghĩ: “Hôm nay có phải nên đi mua chút gì không? Hôm nay có phải nên gọi điện thoại cho ai không?”. Chuyện này chuyện nọ đều nghĩ, rất khó để định lại được. Chờ đến khi nghe qua khoảng mười ngày, bạn thử lại sẽ ít đi một chút, thêm một tháng thì lại giảm đi một chút nữa, khoảng một tháng rưỡi bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, rất tự tại. Không có ai gọi điện thoại, yên tĩnh, ở nhà có thể thu tâm lại. Tâm phải định.

Tôi cảm thấy hiện tại chúng ta có quá nhiều những thứ mê hoặc rối rắm, cám dỗ. Cái chúng ta thiếu là tịnh duyên. Tịnh trong từ an tịnh, tịnh duyên, có thể rất an tịnh đặt bản thân vào trong bầu không khí văn hóa của cổ Thánh tiên Hiền nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cho nên, một câu nói trong “Chu Tử Gia Huấn” tôi viết trước tất cả những cuốn Kinh điển mà tôi đọc là: “Đọc sách chí tại Thánh Hiền”.

Trước đây tôi đọc sách chỉ là tiêu khiển giải trí, xem qua loa, không xem trọng. Ba tôi từng nói, hơn hai mươi năm trước ông đã biết “Đệ Tử Quy”, nhưng chỉ coi nó là một cuốn Kinh điển để đọc, không ngờ nó có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi vận mạng, thay đổi chính mình. Chúng ta cũng là như vậy. Nó có thể giúp chúng ta không ngừng nâng cao. Tôi cảm thấy đó chính là một loại hưởng thụ của đời người.

Hiện nay chúng ta luôn đề xướng xã hội hài hòa, bắt đầu làm từ đâu? Điểm khởi đầu của nó chính là hài hòa thân tâm của chính bản thân mình. Tôi rất có cảm xúc, vì có một lần tôi cùng con trai và ba mẹ mang một số bánh bao đến bờ biển ở Đại Liên, đem những chiếc bánh bao này ném xuống biển. Bởi vì đây là bánh bao cúng dường trong niệm Phật đường nhà tôi vẫn còn thừa, tôi liền xé ra ném xuống biển. Mọi người có thể không thể tưởng tượng ra, chúng tôi đã đếm được khoảng 70, 80 con Hải Âu rất thản nhiên ở đó ăn bánh bao. Lúc đó ba tôi rất xúc động. Bởi vì ông nói: “Một - hai con Hải Âu đến còn được, nhưng tại vì sao nhiều như vậy? Chúng có trao đổi thông tin với nhau không? Có tín hiệu không? Có biết con người không hại chúng không?”. Sau đó vào một ngày, vào buổi tối tôi cùng ba mẹ và con trai cùng đi tản bộ, khoảng vào tháng trước. Hoa đại biểu cho Thành phố Đại Liên là hoa hòe, khoảng tháng trước hương thơm của hoa hòe bay khắp mọi nơi. Dọc  đường trên núi mà chúng tôi đi tản bộ đều là cây hòe, chúng tôi cảm thấy rất thanh thản dễ chịu khi đi trên con đường đó. Ba tôi liền nói: “Tịnh Du à! Đại tự nhiên nó thật sự có tín hiệu, nó có cảm giác”. Tôi nói: “Làm sao ba biết ạ?”. Ba tôi nói: “Con xem cây hoa hòe này, chỗ nào mà tay người có thể với tới và hái hoa của nó thì chỗ đó sẽ không ra hoa nữa. Còn bên trên và bên cạnh có những cành cao mà tay người không thể với tới thì hoa mọc đều rất đẹp. Nó không muốn bị làm tổn thương”. Thực nghiệm về nước tôi vẫn chưa thử qua, nhưng từng li từng tí trong cuộc sống đều phù hợp với những đạo lý mà chúng ta học.

Chúng ta sẽ phát hiện ra, con người mà yêu thương vạn sự vạn vật thì thế giới này nhất định sẽ hài hòa. Nếu một người mà thiếu đi tình yêu thương, thì họ sẽ không cảm nhận được những sự việc này. Cho nên, trong giáo huấn của lão tổ tông có một câu gọi là:“Nhân giả vô địch”. Chúng ta cũng thường học, nhưng không để vào trong tâm. Một người nhân ái, có tâm nhân từ, vì sao họ không có kẻ địch vậy? Vì họ không đối lập với tất cả người, tất cả sự, tất cả vật. Giống như hư không vậy, nó có thể dung chứa vạn vật, bất luận vạn vật đối đãi với nó như thế nào. Bản thân tôi cũng chưa đạt được cảnh giới cao như vậy, nhưng tôi muốn thực hành từng chút một trong cuộc sống để hiểu thấu đáo những đạo lý này.

Tối hôm qua, khi nghe thầy Chung giảng bài cũng có nhắc đến chữ “nhân” này. Khổng Tử nói: “Tìm điều nhân thì được nhân, có gì đâu mà oán hận”. Tôi nghĩ, vợ chồng chính là một chữ “nhân”. Phía trên là chồng, phía dưới là vợ, hợp thành một chữ nhân, thành tựu một chữ ái. Một gia đình hài hòa, một gia đình hạnh phúc sẽ giúp thế giới này giảm thiểu đi rất nhiều động loạn. Do đó có một câu ngạn ngữ nói rất hay gọi là: “Nhổ một sợi tóc động đến toàn thân”. Chúng ta là một gia đình nhỏ, một đôi vợ chồng nhỏ bé, cũng  giống như một sợi tóc nhỏ trên thân thể vậy, cảm giác rất là nhỏ bé. Nhưng bởi vì họ là một thể với xã hội, thậm chí là cùng một thể với vũ trụ, bạn kéo một sợi tóc của mình bạn có thấy đau không? Bản thân tôi là một phụ nữ rất bình thường, cũng không có đức hạnh và học vấn gì, tôi cảm thấy mình cũng không cống hiến được gì lớn lao, nhưng tôi phát nguyện bắt đầu làm tốt từ gia đình mình, học tập cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta là Đại Thuấn. Đại Thuấn bởi vì bản thân ông rất nhân ái, ông bắt đầu từ việc thành tựu cho ba mẹ, cho gia đình, cuối cùng có thể trị lý thiên hạ. Tôi sẽ học tập ông. Không biết đời này có thể đạt được hay không, nhưng từ tận đáy lòng tôi thật sự hy vọng đem hai đứa con của tôi bồi dưỡng chúng thành người giống như thầy Chung vậy, thật sự làm lợi ích cho xã hội, lợi ích cho đại chúng. Buông bỏ những truy cầu đối với danh và lợi, tận hết khả năng của bản thân làm tốt bổ phận của một người mẹ, làm tốt bổn phận một người vợ. Tôi cảm thấy tôi không phải đang thành tựu chồng mình, mà là anh ấy đến thành tựu cho tôi. Do vậy không dám nói là giúp chồng, chỉ là xử lý tốt những việc trong nhà để anh ấy có thể an tâm làm tốt sự nghiệp của mình không còn phải bận tâm lo lắng. Phụng dưỡng tốt ba mẹ chồng của tôi. Họ tuổi tác cũng cao, để họ không có lo buồn thì tôi đã làm tròn bổn phận của mình rồi. Bản lĩnh lớn hơn nữa thì tôi không có, do đó trong lúc tôi báo cáo nhất định có những chỗ không thỏa đáng, không thích hợp, xin khẩn cầu các vị thầy cô phê bình chỉ dạy. Vô cùng cảm ơn mọi người!. Xin cảm ơn mọi người!
-----------------
 




Học tập Nữ Đức (Tập 3)

Các vị thầy cô giáo tôn kính, xin chào mọi người!

Hôm nay, tôi xin tiếp tục chia sẻ với mọi người về những thể hội trong quá trình  học tập “Nữ Đức”. Năm nay tôi bắt đầu căn cứ vào quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu thời Đông Hán để học tập đức hạnh của phụ nữ. Phụ nữ tốt là do dạy, do học mà ra. Kỳ thực bản thân tôi rất khó có thể ngộ ra được điều này.

Hai ngày trước chồng tôi có nói: “Nếu sớm biết em là một học sinh ngoan như vậy thì anh đã tìm thầy giáo và tài liệu cho em rồi”. Sau khi tôi xem xong quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu, lúc mới bắt đầu thì ý niệm đầu tiên của tôi chính là làm không được, nó quá xa vời so với xã hội hiện nay. Bởi vì năm nay tôi ba mươi tám tuổi, trước khi chưa được huân tập văn hóa truyền thống tôi là một nữ doanh nhân khá hiện đại, nên đối với giá trị quan của Phương Tây tôi cũng khá tán thành  một số việc . Nhưng năm ngoái khi tôi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa truyền thống, đặc biệt là năm nay, sau khi bắt đầu học tập “Nữ Đức”, bản thân tôi phát hiện ra rất nhiều thứ, đặc biệt là những lời giáo huấn của lão tổ tông đích thực có thể giúp chúng ta đạt được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Hôm nay tôi xin chia sẻ với mọi người chương thứ ba của “Nữ Giới” là chương “Kính Thuận”.

Một gia đình có thể hưng vượng hay không, có thể hài hòa hay không, mấu chốt là phải xem gia đình này có thể giữ vững được chữ “kính” không? Giữa người với người thương kính lẫn nhau thì tự nhiên có thể hài hòa, gia đình tự nhiên liền có thể hưng vượng. Có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”.

Gia đình hiện nay chủ yếu có ba mối quan hệ tương đối khó xử lý là: quan hệ vợ chồng, vấn đề giáo dục con cái, mẹ chồng nàng dâu. Nếu ba mối quan hệ này không hài hòa thì lý do căn bản nhất chính là ở chỗ thiếu tâm cung kính, ái kính và lễ kính. Ba mối quan hệ này phải bắt đầu làm từ người phụ nữ, vì phụ nữ là cái gốc của gia đình.

Trước đây tôi cũng không ý thức được điểm này, sau khi học tập “Nữ Đức” thì bản thân thực sự đã có sự thay đổi rất lớn. Chỉ cần bạn giữ tâm “kính” thì có thể xử lý ba mối quan hệ này rất hài hòa, ổn thỏa. Trước khi chia sẻ nguyên văn của “Nữ Giới”, tôi xin chia sẻ với mọi người một câu chuyện xảy ra hai ngày trước trong gia đình tôi.

Hai ngày trước là sinh nhật của mẹ chồng tôi. Trước ngày sinh nhật của mẹ một tháng thì bà rất nghiêm túc nói với người trong nhà chúng tôi là bà kiên quyết không ra ngoài ăn cơm vì bà rất tiết kiệm, nhưng người trong nhà tôi đều phản đối. Bởi vì năm nay bà đã bảy mươi ba tuổi, chúng ta đều nói bảy mươi ba, tám mươi tư Diêm Vương không mời cũng tự mình đi, cho nên mọi người đều rất xem trọng việc này. Già trẻ trong nhà có khoảng hơn hai mươi người đều bất đồng quan điểm với bà. Bà nói: “Trong nhà có người giúp việc mà”. Nhưng lúc đó cô giúp việc có vẻ không vui lắm, bởi vì cô phải làm cơm cho nhiều người, vả lại đang là mùa hè nên thực sự tương đối khó khăn. Sau đó ở trước mặt bà, lúc đó có chồng tôi, chị chồng thứ hai của tôi đều hỏi tôi. Kỳ thực, phản ứng đầu tiên của tôi chính là sự “kính thuận” mà tôi đã học ở trong “Nữ Giới”. Tôi nói: “Mẹ nói rất đúng, chúng ta nên tiết kiệm, cứ làm theo ý của mẹ đi. Nếu không được thì chúng ta có thể xuống bếp mỗi người một tay”. Mẹ nghe vậy thì vô cùng vui mừng, sau đó liền nói: “Đúng vậy! Con xem Tịnh Du nói chúng ta sẽ ăn cơm ở nhà”. Sau đó không ai nói gì nữa. Khi trở về nhà, tôi bị chồng mắng cho một trận. Anh nói: “Nhiều người như vậy, cái bàn ăn nhỏ thế kia thì phải chia thành mấy nhóm ăn đây? Trời nóng như vậy, mẹ lại không cho bật điều hòa”. Bởi vì còn cách ngày sinh nhật gần một tháng, nên tôi nói: “Anh nói chuyện này trước hơn hai mươi ngày sẽ làm mẹ không thoải mái, tâm mẹ sẽ luôn nghĩ đến chuyện đó. Trước tiên chúng ta cứ thuận theo ý mẹ đi, đợi đến lúc đó sẽ tính tiếp, dù sao thì xe đến trước núi ắt sẽ có đường mà”. Chồng tôi nói: “Vậy đến lúc đó em chịu trách nhiệm giải quyết việc này nhé”. Tôi nói: “Được!”.

Trước ngày sinh nhật của mẹ một ngày, chồng tôi, chị chồng của tôi đều gọi điện thoại cho tôi nói: “Em chẳng phải nhận lời xử lý việc này hay sao? Vậy em nói với mẹ sao để mẹ đến nhà hàng ăn cơm đi, dù thế nào thì chúng ta cũng không ăn ở nhà”. Tôi nói: “Được! Để em nói”. Sau đó tôi nghĩ đi nghĩ lại rồi gọi điện thoại cho mẹ nói: “Mẹ à! Ngày mai đến sinh nhật mẹ rồi. Đúng lúc có người tặng cho con một thẻ ưu đãi ăn cơm ở nhà hàng, trong thẻ này đã có sẵn tiền rồi. Mẹ xem, nếu chúng ta không dùng thì thẻ ưu đãi đó sẽ hết hạn, bởi vì nó có kỳ hạn ạ. Hay là lúc tổ chức sinh nhật cho mẹ chúng ta sẽ dùng nó. Còn một điều nữa là, nhiều người như vậy ngộ nhỡ làm cô giúp việc mệt, có thể sau này cô ấy làm việc sẽ không thấy thoải mái”. Mẹ tôi nghe thấy thẻ ưu đãi này được ăn cơm miễn phí, thì rất vui vẻ nói: “Dù sao thì tiền ăn nhà hàng chúng ta cũng không phải trả, vậy thì đi thôi!”.

Sau đó toàn bộ chúng tôi rất vui vẻ tụ họp ở một gian phòng lớn của nhà hàng để dùng cơm. Sau khi chồng tôi và chị chồng thứ hai đến, họ đều rất kinh ngạc nhìn tôi. Tôi nói: “Mọi người đừng nhìn em nữa, dù sao thì mẹ cũng rất vui vẻ đến đây ăn cơm rồi”. Họ nói: “Em dùng cách gì vậy?”. Tôi nói: “Đây là trí huệ”. Sau đó mọi người đều ăn uống rất vui vẻ.

Bởi vì sinh nhật năm nay của mẹ chồng tôi cảm thấy không giống trước đây, đặc biệt là sau khi tôi học tập “Nữ Đức”. Trước đây sinh nhật thì tôi chỉ đơn thuần cho mẹ tiền, cảm thấy tuổi tác của mẹ lớn như vậy rồi cũng không biết nên mua gì, có khi mua đồ về còn bị nói. Năm nay, trước khi đến ngày sinh nhật tôi đã thương lượng với con trai rằng: “Con trai! Sinh nhật lần này của bà nội con rất quan trọng, chúng ta phải làm cho bà nội con vui vẻ, hài lòng, nếu chỉ mừng tiền cho bà thôi thì không được”. Sau đó con trai tôi nói: “Mẹ à! Con phụ trách hát một bài. Con sẽ hát chúng ta là người một nhà tương thân tương ái. Sau đó mẹ với Nhị Bảo (chính là con trai út của tôi) sẽ phụ họa”. Tôi nói: “Việc này mẹ không biết làm”. Con trai lớn của tôi nói: “Vậy con sẽ dạy hai người”. Tôi nói: “Được!”.

Sau đó chúng tôi ở nhà luyện tập một buổi chiều. Luyện tập xong rồi thì viết bao đỏ, lần đầu tiên tôi để con trai lớn viết. Tôi nói: “Con viết cho bà nội mấy câu để đại diện cho cả nhà chúng ta nhé”. Sau đó con trai lớn của tôi vô cùng nghiêm túc viết lên bao đỏ là: “Cháu nội Trương Khôn Bằng đại diện cho toàn thể thành viên gia tộc họ Trương chúc bà nội sinh nhật vui vẻ, thọ tỉ nam sơn, phúc như đông hải!”, viết rất là nghiêm túc. Nó vừa mới lên tiểu học, đang học lớp hai.

Hôm đó chúng tôi ăn cơm xong, khi chuẩn bị cắt bánh kem, tôi liền nói với mẹ chồng là: “Mẹ à! Trước đây đến sinh nhật thì chúng con chỉ tặng mẹ bao đỏ, hôm nay trước khi tặng bao đỏ thì chúng con muốn biểu diễn một tiết mục tặng cho mẹ”. Mẹ tôi rất bất ngờ, bởi vì bình thường tôi là một người khá hướng nội, không biết hát, hát sai điệu. Mẹ tôi hỏi tiết mục gì vậy? Tôi nói: “Mọi người đứng nghiêm túc nhé, chúng tôi chuẩn bị biểu diễn đây”.Tôi cùng hai con trai biểu diễn. Con trai lớn thì hát, tôi và con trai út ở bên cạnh phụ họa. Tôi phát hiện có một dòng lệ trong khóe mắt mẹ, bà vô cùng vui vẻ. Sau đó hai con trai của tôi đã lạy bà ba lạy. Tiếp theo, con trai lớn của tôi lại đặt bao đỏ vào trong tay của bà. Bà rất hạnh phúc! Tôi cảm thấy điều này thực sự không có quan hệ gì với việc tặng bao nhiêu tiền.

Chồng tôi nhìn thấy cảnh này, vì đây là việc chưa từng xảy ra, nên lần đầu tiên anh đã chủ động xin phát biểu. Anh nói: “Con muốn nói hai câu”. Trước tiên, anh ấy phản tỉnh chính mình về những điều đã làm không tốt. Bởi vì anh mở công ty nên vô cùng bận rộn, rất nhiều việc trong nhà không thể chăm nom, đặc biệt nhiều năm nay ba mẹ chồng đều do tôi phụ trách chăm sóc. Sau đó chồng tôi đã nhận lỗi với ba mẹ và cũng xin ba mẹ có thể thông cảm. Thứ hai, cũng là lần đầu tiên trước mặt toàn thể người trong nhà anh đặc biệt tán thán tôi, nói tôi rất hiền đức, cho nên anh ấy làm việc tâm trạng rất vui vẻ, gặp rất nhiều áp lực nhưng khi về nhà thì không còn cảm thấy nữa. Quan trọng nhất chính là anh ấy đã tán thán văn hóa truyền thống rất tốt, bởi vì lúc mới bắt đầu anh ấy có chút không hiểu rõ nên không tán thành.

Sau đó mẹ chồng tôi đã nói: “Mẹ chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như vậy, vui vẻ như vậy”. Tôi nói : “Mẹ à! Xã hội hài hòa trước tiên bắt đầu từ sự hài hòa của gia đình chúng ta, từ sự hài hòa từ thân tâm mỗi người chúng ta, như vậy thì chúng ta cũng xem như đã cống hiến cho quốc gia rồi”. Mẹ tôi vô cùng vui mừng. Lúc đó chị chồng thứ hai của tôi nói, bởi vì năm 2004 tôi tiếp xúc Phật Pháp thì chị ấy rất phản đối. Lúc đó chị nói: “Tịnh Du à! Chị luôn nghĩ em học Phật là rất mê tín, hiện tại chị mới cảm thấy học Phật thật sự rất tốt. Nhìn thấy em bây giờ rất thoải mái, rất vui vẻ, rất hạnh phúc”. Tôi nói: “Kỳ thực mục đích học Phật chính là vì muốn gia đình chúng ta hài hòa hơn, thân tâm đều khỏe mạnh hơn, quan hệ giữa người với người viên mãn hơn và không xảy ra xung đột”.

Sau đó, còn có một chi tiết nhỏ trong ngày sinh nhật mẹ chồng tôi. Mẹ chồng tôi hơn bảy mươi tuổi, còn mẹ tôi đúng sáu mươi tuổi, trước lúc sinh nhật mẹ chồng, tôi đã nói với mẹ ruột của tôi mấy câu là: “Mẹ à! Bởi vì mẹ nhỏ tuổi hơn mẹ chồng con, nên mẹ chồng con là chị của mẹ. Sinh nhật lần này người trong gia đình con rất xem trọng, nên con sẽ gói một bao đỏ, đó là tiền của con, mẹ cứ nói đây là bao đỏ của mẹ. Sau đó lúc ăn cơm mẹ đem cái bao đỏ này tặng cho mẹ chồng con, mẹ chồng con nhất định sẽ rất vui”. Mẹ tôi cũng rất vui, mẹ tôi nói: “Được! Dù sao thì cũng không phải tiền của mẹ, mẹ sẽ mượn hoa cúng Phật vậy”. Mẹ tôi liền nhận lấy. Kết quả, ngày hôm đó lúc sắp ăn cơm xong mẹ tôi liền lấy cái bao đỏ đó ra tặng cho mẹ chồng tôi. Chồng tôi lại đứng dậy phát biểu một đoạn cảm nghĩ, đặc biệt cảm ơn ba mẹ tôi. Cho nên, kỳ thực tất cả những điều này tôi cảm thấy đều xuất phát từ tâm cung kính. Nếu như bạn không có tâm cung kính đối với chồng, không có tâm cung kính đối với ba mẹ chồng, thì bạn sẽ không chân thành làm. Chỉ là hình thức trên bề mặt, như vậy thì bạn làm những điều này cũng không thể làm tâm họ cảm động. Lúc ban đầu tôi cũng không phải như vậy.

Do vậy, đoạn thứ hai trong chương “Kính Thuận” Ban Chiêu viết một câu rất quan trọng là: “Tu thân không gì hơn cung kính, tránh sự cang cường không gì bằng nhu thuận” (Tu thân mạc nhược kính, tỵ cường mạc nhược thuận), cũng chính là nói tâm cung kính của bạn là do tu mà sanh ra. Chúng ta thường nói, tánh đức nếu không tu thì nó sẽ không hiển lộ được, ngọc không mài thì không sáng được.

Vậy tu là gì? Tu kỳ thực chính là không ngừng sửa sai, không ngừng chuyển ý niệm, không ngừng chuyển tâm phiền não của mình thành tâm trí huệ, không ngừng đem những thứ mà mình mê hoặc chuyển thành thông suốt. Phương pháp duy nhất, tôi cảm thấy hơn nửa năm nay tôi đặc biệt được lợi ích, chính là do mỗi ngày nghe lời giáo huấn của Thánh Hiền. Ở nhà tôi nghe thời gian dài nhất là hơn mười giờ đồng hồ, thật sự là không ăn không uống. Nếu như bạn nghe ít, thời gian ít nhất là phải nghe bốn giờ một ngày, phải để tâm mình tịnh lại. Trong quá trình nghe, bản thân phải không ngừng hiểu, phải đi thể hội. Ví dụ, bản thân tôi có lúc ở nhà tôi luôn nghĩ đến chữ “kính” này. Tôi nghĩ, “kính” không đơn thuần thể hiện ở trong tâm, quan trọng hơn là thông qua tâm nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, hành vi của bạn.

Ví dụ trước đây tôi đã sai lầm, khoảng ba - bốn năm trước tôi vẫn còn như vậy. Chồng tôi gọi tôi vào trong thư phòng, anh ấy nói: “Việc này em làm sai rồi, em nói xem có phải vậy không?”. Tôi cũng biết mình sai nhưng tôi không có cái tâm cung kính đó, tương đối ngạo mạn, lại ngại ngùng không thừa nhận. Tôi liền gật đầu nói: “Đúng! Em sai rồi”, nhưng tôi lại không cho là như vậy. Sau đó anh ấy nói: “Vậy em nói xem, em sai ở đâu?”. Lúc đó tôi liền nói: “Chỗ nào cũng sai”. Anh ấy nói: “Làm sao có thể chỗ nào cũng sai. Em nói xem sự việc này sai ở đâu”. Tôi nói: “Xin lỗi em không nói được”. Sau đó anh ấy rất tức giận nói: “Thái độ này của em không nghiêm túc”. Tôi nói: “Chính là cái thái độ này đấy, anh còn nói nữa thì em sẽ không nói gì thêm”. Tôi từ chối trả lời, dùng im lặng để kháng cự. Sau đó anh ấy cũng không còn cách nào khác.

Hai ngày trước cũng như vậy. Tức là có một chuyện anh ấy cũng phê bình tôi, sau đó tôi thực sự cảm thấy mình sai, tôi liền rất nghiêm túc xin lỗi anh ấy. Tôi nói: “Thật sự xin lỗi anh, sự việc này em thật đã làm sai rồi, xin anh tha thứ, về sau em không tái phạm nữa. Sau này em nhất định sửa đổi”. Đó là một chuyện trong công việc có liên quan đến chính sách quyết định phát hành một loại sản phẩm mới và tôi đã quyết định không đúng. Tôi nói xong thì chồng tôi nói: “Thái độ hiện tại của em rất tốt, anh nghe rồi thấy rất thoải mái”. Thực ra, đó là dựa vào sự chuyển đổi ý niệm của bản thân, sau đó thông qua những lời giáo huấn của Thánh Hiền để huân tập, không phải tự động tự phát bạn có thể thay đổiđược. Căn tánh của tôi rất kém, không thể thay đổi ngay được.

Vậy thì trong quá trình cung kính, trong quá trình học tập, chúng ta cần phải tránh ba điều sai lầm. Sai lầm gì vậy? Đừng nên chỉ vì thích cái gì đó mà đi học. Ví dụ chúng ta rất thích nghe giáo huấn của Thánh Hiền, cũng rất thích ngồi đó để học tập, nhưng chúng ta nên nghĩ xem mục đích chúng ta học những thứ này là gì? Mục đích chúng ta học những thứ này không phải vì bản thân, mà vì để người trong nhà hạnh phúc hơn, để cuộc sống của con cái có được một nền giáo dục tốt đẹp hơn, đồng thời cũng có thể trợ giúp tốt cho chồng. Do vậy, khi mới bắt đầu học tôi không phải suy nghĩ như vậy. Ví dụ ba tôi muốn gọi tôi đi tản bộ, tôi liền nói: “Không được! Không thể đi tản bộ được, con còn phải học, con vẫn chưa học đủ”. Sau đó chồng tôi lại nói: “Em xuống đây nói chuyện với anh”. Bởi vì nhà tôi có mấy tầng lầu, tôi ở trên lầu. Tôi nói: “Em không xuống được, em còn phải học”. Chồng tôi nói: “Có phải em học thành ngốc rồi không?”. Sau đó có một ngày tôi tự mình ở đó nghĩ: “Mình học những thứ này là vì cái gì? Nếu mình học như vậy thì thành mọt sách rồi”. Có một hôm tôi tự mình ngồi đó suy nghĩ, sau đó tôi đã nghĩ thông. Ngày hôm sau, khi ăn cơm xong ba tôi nói: “Hôm nay con cùng mọi người ra ngoài tản bộ nhé, có hai đứa nhỏ cùng đi nữa”. Tôi nói: “Dạ được ạ!”. Tôi liền đem bát đũa thu dọn hết, vô cùng vui vẻ cùng ba mẹ tôi ra ngoài. Ba mẹ tôi rất là vui vẻ. Ba tôi nói: “Hôm nay sao con không ôm mấy quyển sách đó nữa, đã nghĩ thông rồi hả?”. Tôi nói: “Con đọc sách cũng chỉ vì muốn mọi người vui vẻ hơn, chỉ cần ba mẹ muốn thì bất cứ lúc nào con cũng có thể đi cùng mọi người”. Khi ba mẹ không cần thì chúng ta mỗi người đều tự mình học tập. Ví dụ ban ngày xem đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, tôi ở trên lầu nghe, mẹ tôi ở dưới lầu nghe. Đến buổi trưa lúc nấu cơm chúng tôi cùng nhau tụ hợp lại trong bếp, sau đó mẹ tôi nói những cảm nhận học tập của bà, tôi nói những cảm nhận học tập của tôi. Nói xong thì chúng tôi lại tự mình kiểm điểm xem còn chỗ nào làm chưa tốt. Buổi tối thông thường chúng tôi đều ra ngoài tản bộ hơn một tiếng. Do vậy chúng ta đừng nên chết cứng trong sách vở mà phải thường xuyên nghĩ mục đích học của chúng ta là gì? Ví dụ nói, chúng ta cho dù là niệm Phật cũng được, học kinh giáo cũng được, mục đích là gì? Nếu như chúng ta chỉ học, hoàn toàn quên mất mục đích là gì thì sẽ dễ dẫn đến sai lầm.

Sai lầm thứ hai là gì? Chính là không được đối lập. Sự đối lập này không chỉ đơn thuần là đối lập với người, có lúc chúng ta đối với những giáo huấn của lão tổ tông vẫn chưa học thì đã đối lập trước rồi. Ví dụ tôi quen rất nhiều bạn bè, họ căn bản chưa từng xem qua “Nữ Giới”, tôi vừa mới nhắc đến họ liền nói “đó là lễ giáo phong kiến, cái này cổ hủ rồi, đã thời đại nào rồi mà cô còn học cái này chứ”. Bạn vừa đối lập thì trên thực tế tâm cung kính của bạn đã mất rồi, tâm ngạo mạn sẽ khởi lên, bạn sẽ không đạt được lợi ích.

Tôi phát hiện văn hóa của cổ Thánh tiên Hiền trong xã hội hiện nay chúng ta có thể dùng một câu thành ngữ để biểu đạt, gọi là: “Tích phi thành thị” (sai riết thành đúng). “Tích” là tích trong từ tích cóp, “phi” là phi trong từ phi thường, “thành” là thành của thành tựu, “thị” là thị trong từ thị phủ. Ý nói những thứ không đúng, nhưng tích lũy quá nhiều rồi thì mọi người sẽ cho rằng nó là đúng. “Nữ Đức” cũng giống như như vậy. Rất nhiều người không học sẽ cảm thấy học xong “Nữ Đức” rồi thì sẽ giống như những phụ nữ chân nhỏ thời xưa, ở nhà vâng vâng dạ dạ, cái gì cũng không đúng, đó hoàn toàn đều là sai lầm. Cho nên khi bạn buông cái tâm đối lập xuống, bạn dùng tấm lòng rộng mở để tiếp nhận những lời giáo huấn của Thánh Hiền, của lão tổ tông, thì sự thọ dụng của chính bạn không cách gì có thể diễn tả được. Cũng giống như chữ “kính” trong phẩm này. Bởi vì sau khi học xong “ Nữ Giới” thì tôi lại cùng thầy Chung tiếp tục học “Nữ Luận Ngữ”. “Nữ Giới” chủ yếu giảng lý, “Nữ Luận Ngữ” chủ yếu giảng sự, từng phần trong các sách đó đều giảng cụ thể những việc nhỏ nên làm như thế nào.

Tôi có một thể hội rất lớn trong quá trình học tập. Cả đời này của tôi có thể không có bản lĩnh gì, cũng không có năng lực làm những chuyện vĩ đại, nhưng làm một người phụ nữ có thể dùng một phương thức vĩ đại để làm những chuyện nhỏ trong cuộc sống, đó chính là chúng ta giữ một cái tâm hết sức kiền thành và cung kính để làm tốt từng việc nhỏ nhất trong nhà. Đó là bắt đầu từ chính mình làm ra một tấm gương tốt, làm một người vợ tốt, thê tử tốt, người mẹ tốt, con gái tốt. Từ việc học tập “Nữ Đức” có thể tôi không thể ảnh hưởng đến toàn thế giới, toàn Trung Quốc, thậm chí những người bên cạnh, nhưng chí ít tôi có thể thay đổi bản thân mình, có thể khiến cho chính mình sống cuộc đời vui vẻ. Bởi vì từ sau khi học tập “Nữ Đức”, cảm xúc lớn nhất của bản thân tôi chính là những lời nói oán giận dường như không còn nữa, rất ít hoặc dường như không còn nữa. Bởi vì mỗi lần sắp nói ra thì tôi đột nhiên liền nghĩ “điều này không giống một người phụ nữ học tập “Nữ Đức” nên có”, tự nhiên liền chuyển trở lại. Sau khi chuyển trở lại thì tâm sám hối, tâm xấu hổ có thể sanh khởi. Do vậy, huân tập một thời gian lâu dài thực sự có thể làm cho con người biết hổ thẹn, khiến con người có thể dũng cảm sửa sai, khiến họ có thể không ngừng đổi mới.

Chữ “kính” này không chỉ đơn thuần là đối với người, mà còn bao gồm đối với vạn vật. Tôi xin lấy một ví dụ cho mọi người xem. Ví dụ trước đây khi tôi thu dọn đồ thì tôi chỉ thu dọn ở bên ngoài, còn những chỗ góc nhỏ thì tôi không chú ý, hoặc có lúc bỏ mặc không quan tâm. Nhưng sau khi học “Nữ Giới”, tôi liền bắt đầu thu dọn những góc nhỏ. Bởi vì nhà chúng tôi có một vườn hoa, sau đó tôi luôn nói với ba tôi rằng: “Ba à! ra ngoài ba đừng dẫm lên cỏ, mà hãy bước trên những tấm đá đó nếu ba muốn tỉa cành cho những hoa cỏ này thì...” .Bởi vì nhà tôi có rất nhiều cây, ở trước vườn có khoảng sáu cây đinh hương, phía sau vườn còn có cây hạnh, cây anh đào. Thời gian trước ba tôi muốn tỉa cành. Tôi nói: “Trước khi cha muốn cắt cành thì phải thương lượng, phải nói rõ với chúng. Nói là tôi cần phải cắt cành, chủ yếu muốn giúp bạn chỉnh sửa thông thoáng một chút, để quá dày như vậy không tốt”. Ba tôi liền cười và nói: “Con đang nói gì với nó vậy?”. Tôi nói: “Vạn vật đều có linh tánh nên phải nói rõ với nó”.

Hai ngày trước tôi đi tham gia một diễn đ[pk1] àn, vừa gặp mặt thì họ liền tặng tôi rất nhiều hoa. Nếu như trước đây, ví dụ họ tặng hoa cho tôi thì tôi sẽ không chăm sóc cẩn thuận cho chúng, bạn tặng xong rồi thì tôi liền đặt chúng ở trong phòng. Bởi vì không có nước, nên qua mấy ngày thì những bông hoa đó có thể sẽ khô héo hết. Hôm đó, tôi nhìn những bông hoa đó và nghĩ “chúng nhất định cũng có sanh mạng, chúng ta nên có tâm cung kính đối với chúng”. Tôi nói với một vị thầy giáo nghĩa công là: “Có thể giúp tôi tìm hai bình hoa được không”. Sau đó cậu ấy nói: “Những bông hoa này qua một hai ngày nữa thì sẽ héo hết, không cần bình hoa đâu”. Tôi nói: “Hay là chúng ta cứ tìm một bình hoa, bởi vì chúng cần nước”. Sau đó, cậu ấy tìm giúp tôi hai bình hoa lớn. Tôi liền cắt tỉa cành chỉnh sửa từng bông một rồi cắm chúng vào bình hoa. Kết quả, tôi ở lại buổi luận đàm khoảng ba - bốn ngày, đến hôm tôi về thì hoa vẫn nở rất đẹp. Buổi sáng tôi thay nước một lần, buổi tối thay nước một lần. Do vậy, hôm tôi đi vị thầy giáo nghĩa công còn nói: “Những bông hoa này tại vì sao lại nở đẹp như vậy?”. Tôi nói: “Bởi vì nó biết tâm ý của thầy mà, thầy đừng vứt đi nhé. Sau khi tôi đi thì thầy lấy chúng mang qua văn phòng của thầy nhé!”, chính là phòng riêng, phòng làm việc của thầy ấy. “Thầy hãy cầm sang phòng của thầy rồi lại đặt ở đó, chú ý mỗi ngày thay nước cho chúng”. Do vậy, tâm cung kính của bạn có thể sanh ra tình yêu thương đối với vạn sự vạn vật, tình yêu thương này cũng có thể giúp bạn sinh trí huệ mà không sinh phiền não.

“Tránh sự cang cường không gì bằng nhu thuận”. Vì sao “thuận” lại ở phía sau “kính”? Bởi vì bạn có cái tâm cung kính này rồi thì bạn vô cùng dễ dàng làm được thuận. Hơn nữa, trong quá trình bạn thuận thì nhất định không phải thuận một cách ngu ngốc, mà phải thuận một cách rất trí huệ.

Trước tiên chúng ta nói về “thuận” với chồng. Bởi vì chồng tôi là một người theo chủ nghĩa đại nam tử, khá là có chủ kiến. Chủ kiến của anh ấy rất kiên định. Thời gian trước có xảy ra một sự việc. Vào mùa hè thì có rất nhiều muỗi, muỗi thường xuyên đốt anh ấy. Tối hôm đó anh ấy trở về nhà thì không vui, anh ấy liền nói với tôi: “Em phải đuổi muỗi đi, đám muỗi này quá ngông cuồng rồi”. Bởi vì phía trước nhà tôi có vườn hoa nên nhất định sẽ có muỗi. Trước đây anh ấy cũng biết tôi không đập muỗi. Anh ấy nói: “Hôm nay em nhất định phải đập muỗi cho anh, chúng đốt anh không chịu nổi”. Sau đó tôi nói với anh ấy rằng: “Anh à! Anh có thể thương lượng với những con muỗi này”. Anh ấy vừa nghe nói thế liền cười rồi nói: “Đầu óc em có vấn đề rồi phải không?”. Tôi nói: “Không có, anh xem”, liền lấy quyển “Nước Biết Câu Trả Lời Về Cuộc Sống” của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto), vì nhà tôi có quyển sách này. Tôi nói: “Anh xem, những điều này nước đều biết. Dán cho nước những thông tin không giống nhau, nước đều có thể nhận được. Đây là thí nghiệm của một nhà khoa học người Nhật Bản không có tín ngưỡng tôn giáo. Đây là thực nghiệm khoa học”. Tôi nói: “Anh nghĩ xem, những con muỗi này thông minh hơn nước rất nhiều, nó biết bay, còn biết hút máu của anh, chắc chắn là máu của anh rất ngon”. Sau đó tôi nói: “Hơn nữa, em có thể chứng minh cho anh xem”. Bởi vì hai hôm lúc tôi nghe giáo huấn của Thánh Hiền thì muỗi đều bay ở đó, âm thanh của chúng rất lớn, tôi liền thương lượng với chúng. Tôi nói: “Các Bồ Tát muỗi, các vị có thể đừng bay quanh quẩn ở đây được không? Nếu các vị đói rồi thì các vị hãy đốt tôi một vết, nhưng với điều kiện là đừng đốt ở phía trên của tôi. Con người tôi vẫn còn khá chú trọng đến ngoại hình, các vị hãy đốt phía dưới chân đi, cắn chân không nhìn thấy. Ngoài đốt chân ra các vị đừng làm tôi bị ngứa, bởi vì ngứa thì tôi không có cách gì nghiêm túc nghe Kinh được”. Tôi nói xong thì sau đó muỗi cũng không bay nữa. Tôi cũng không chú ý. Đến sáng hôm sau tôi phát hiện hai chân tôi, mỗi một chân có hai nốt đỏ. Những nốt đỏ đó không có sưng lên. Nốt đó chính là do muỗi cắn, hơn nữa không ngứa một chút nào. Tôi vô cùng cảm ơn các Bồ Tát muỗi, tôi nói: “Vô cùng cảm ơn các vị! Nếu các vị muốn đốt thì có thể đốt nhiều một chút, dùng phương thức này để đốt thì không có vấn đề gì”. Sau đó tôi liền đem việc này kể cho chồng tôi nghe. Chồng tôi rất vui mừng nói: “Ừm, muỗi nhà mình cũng học văn hóa truyền thống rồi. Em có thể nói chuyện với đàn muỗi trong phòng của anh được không? Trước tiên phải giáo dục chúng mới được, nếu đốt như vậy thì anh cũng đồng ý”. Sau đó tôi nói: “Đúng rồi! Quan trọng là đốt anh hai vết anh cũng không bị sao. Chúng đói như vậy thì anh cứ để chúng đốt một chút”. Việc này sau đó anh ấy cũng không nói với tôi nữa.

Sau đó, ba tôi rất thương anh ấy liền mua một cái máy đuổi muỗi đặt ở trong phòng anh ấy. Đương nhiên trước khi đặt máy tôi đã vào phòng và nói với chúng. Tôi mở hết cửa ra và nói: “Mùi trong phòng này không tốt, các vị đổi sang phòng khác nhé! Sang phòng của tôi đốt tôi, còn phòng này thì nhường cho anh ấy”. Do vậy bạn nói xem, đây có thể xem là “thuận” không? Có lúc tôi cảm thấy, trong lúc “thuận” bạn nhất định phải tâm bình khí hòa. Bởi vì nếu bạn không tâm bình khí hòa, mà trước tiên đã đối lập và có một số những cảm xúc khác, vậy thì họ sẽ không chấp nhận cái “thuận” này của bạn, cho dù bạn “thuận” nhưng họ cũng không xem trọng bạn.

Chồng của tôi mở công ty làm kinh doanh, có thể là chồng của nhiều người bạn của chúng tôi cũng vậy. Tôi có một nguyên tắc lớn, bởi vì anh ấy mở công ty mười mấy năm rồi. Nguyên tắc của tôi trước khi chưa học văn hóa truyền thống đều là như vậy.

Thứ nhất, tôi chưa bao giờ hỏi qua bất cứ việc gì trong công ty của anh ấy. Tất cả những quyết định tôi đều không hỏi đến.

Thứ hai, tôi chưa bao giờ hỏi anh kiếm được bao nhiêu tiền, anh ấy đưa hay không thì tùy ý.

Thứ ba, tất cả những nhân viên, công nhân trong công ty của anh tôi không bình luận. Bởi vì từng có một số lãnh đạo cấp trung của công ty họ đã tìm riêng tôi, nói với tôi chuyện này chuyện nọ trong công ty, hy vọng tôi ở trước mặt Giám đốc Trương nói thế này thế nọ. Chồng tôi họ Trương. Sự việc này đại khái cũng có khoảng hai lần như vậy. Tôi liền nói với họ rằng: “Tôi không tham dự vào bất cứ việc gì trong công ty của chồng tôi, bản thân anh ấy có năng lực và trí huệ để xử lý. Tôi chỉ phụ trách quản việc trong nhà”.

Bởi vì, trước đây khi tôi chưa học văn hóa truyền thống thì chồng tôi đã quy định rất rõ ràng, anh ấy lo việc bên ngoài, tôi quản việc trong nhà. Tôi dùng điều này để nói vòng vo cho qua chuyện. Từ đó về sau không ai đến tìm tôi nữa, nhưng tôi cảm thấy công ty của chồng tôi càng làm càng lớn. Hơn nữa càng làm càng thoải mái, không có những lời to nhỏ, không có. Nhưng thỉnh thoảng anh ấy trở về cũng có hỏi ý kiến của tôi. Khi anh ấy hỏi tôi, tôi chỉ kiến nghị những điều có tính nguyên tắc.

Ví dụ, năm ngoái anh ấy bắt đầu xây dựng một viện dưỡng lão, anh ấy đã hỏi tôi một số ý kiến đối với viện dưỡng lão. Tôi liền lấy một đoạn khai thị đối với viện dưỡng lão của sư phụ thượng nhân. Sau khi mở đoạn khai thị ra tôi liền nói: “Kiến nghị tốt nhất chính là cái này”. Tôi nói: “Kiến nghị của em là không thể lấy tiền của người già, cần phải vì những người già này làm một số việc thiện. Toàn bộ là tích công lũy đức. Nếu như cần em làm nghĩa công, lúc nào em cũng có thể đến đó làm nghĩa công”. Sau đó anh ấy nhìn tôi và không nói gì nữa.

Sau đó tôi xem một chút, chính là trong quá trình học tập “Nữ Đức” tôi đã học được rất nhiều tấm gương tốt trong thời cổ đại. Giống như những câu chuyện “Giáo Dục Đức Hạnh” vậy, trong đó có một câu chuyện. Không phải trong những câu chuyện “Giáo Dục Đức Hạnh”, mà là câu chuyện tôi xem ở trên mạng nói về Trưởng Tôn Hoàng Hậu và Lý Thế Dân. Khi Trưởng Tôn Hoàng Hậu giúp đỡ Lý Thế Dân chính là như vậy, bà không bao giờ tham dự vào bất cứ công việc nào của quốc gia. Lý Thế Dân nếu như hỏi bà ý kiến liên quan đến bất cứ chuyện lớn nào của quốc gia, bà chỉ nói một câu. Ví dụ như: “Bệ hạ hãy tiếp nhận lời khuyên nhủ của hiền thần tài đức, thần thiếp chỉ biết điều này thôi”. Nhưng nếu khi Ngụy Trưng và Lý Thế Dân có mâu thuẫn thì bà liền dùng phương pháp vô cùng trí huệ để đi hòa  giải. Tôi vô cùng kính phục những phụ nữ như vậy. Mặc dù bà là hoàng hậu của một nước, nhưng tôi cảm thấy đối với những gia đình nhỏ của chúng ta kỳ thực cũng không có gì khác biệt, bởi vì nó đều cùng một đạo lý. Nam giới họ thực sự có thể chống đỡ được bầu trời ở bên ngoài, nhưng nếu như bạn luôn không tín nhiệm họ, bạn cứ muốn can thiệp vào việc của họ, vậy bạn cứ giúp đi, bản thân bạn cũng sẽ rất mệt. Mặt đất của bạn không có ai gánh vác nó sẽ vô cùng lỏng lẻo. Do đó chúng ta phải làm tốt bổn phận là “đất” của mình, để người nam đi làm “trời”. Giữ tốt bổn phận của mình như vậy thì rất tốt.

Trong quá trình học tập tôi cũng gặp rất nhiều phụ nữ vô cùng mạnh mẽ, tôi xin nêu một ví dụ cho mọi người. Ví dụ này cũng đã nhận được sự đồng ý của cô ấy. Cô ấy đã mắc một căn bệnh cực kỳ hiếm thấy trên toàn thế giới, mười một năm rồi. Đó là bệnh teo cơ mức độ cao, đại khái là một loại bệnh như vậy. Biểu hiện bên ngoài của cô ấy chính là triệu chứng toàn bộ thân thể từ trên xuống dưới đều không có sức lực, toàn bộ xương cốt đều bị mềm. Ví dụ cô ấy muốn ngồi xuống thì cô ấy không thể đứng lên được mà phải có người giúp cô ấy, đỡ cô ấy lên. Cô ấy muốn đứng dậy thì sẽ không ngồi xuống được, lại phải có người giúp cô ấy ngồi xuống. Bệnh này nếu mắc phải thì thông thường sau khoảng bốn năm, không tới bốn năm sẽ nằm liệt, sau đó nếu muốn đút cơm thì cần phải kéo miệng ra và đổ thức ăn lỏng vào. Nhưng ý thức của cô ấy vô cùng rõ ràng, lục phủ ngũ tạng tất cả các cơ quan đều rất tốt, nhưng cô ấy một chút cũng không thể động đậy được. Căn bệnh này rất đau khổ.

Bạn nghĩ xem, một người còn sống, thân thể rất tốt, lục phủ ngũ tạng đều rất tốt, ý thức rất rõ ràng, cô ấy cũng không phải người thực vật, nhưng cô ấy lại không thể có bất cứ một năng lực hành vi nào. Mắc bệnh này không bao lâu thì cô ấy học Phật. Cô bị bệnh này đến nay là mười một năm, nhưng sau khi học Phật cô vẫn có thể đi lại. Trạng thái mà tôi đang nói ở đây là đứng lên ngồi xuống được đều rất khó khăn, ở đâu cũng phải dựa vào người khác. Cô ấy nói với tôi, cô ấy rất mạnh mẽ, tất cả mọi việc đều do cô ấy làm chủ: chống đối với ba mẹ, chống đối với chồng. Cô đã ly hôn vài lần, chống đối với ba mẹ chồng, nhìn ai cũng không thuận mắt. Trong thời gian sinh bệnh, em gái nấu cơm cho cô ăn, có chút không vừa ý thì cô liền gạt đổ hết cả bát cơm xuống đất, một miếng cũng không ăn. Cô ấy vô cùng cang cường. Sau đó cô ấy khóc, nói với tôi là: “Cô Tịnh Du à! Nếu tôi học tập “Nữ Đức” thì tôi sẽ không như thế này. Đây có phải, đơn giản là vì tôi muốn làm đàn ông hay sao? Nhưng rõ ràng tôi là thân một người phụ nữ”. “Ông trời thật tốt, ông ấy đã cho chị quả báo hiện tại chính là làm cho chị hoàn toàn mềm ra, chị muốn mạnh mẽ cũng mạnh mẽ không nổi”. Hiện nay, điều mạnh mẽ duy nhất chính là cô ấy đi vệ sinh phải đứng giống như nam giới vậy, vô cùng đau khổ. Sau đó tôi nói: “Chị hãy từ từ học, vẫn có thể chuyển hóa được từng chút. Cảnh do tâm chuyển, nhất định có thể chuyển được!”. Do vậy, phụ nữ nhất định phải học kính, học nhu, học thuận, để tâm và thân của chúng ta có thể thuận với tất cả các cảnh giới ở bên ngoài, không xảy ra xung đột.

“Thuận” với chồng chỉ là một phương diện. Trong nhà không chỉ có chồng, thể hội của bản thân tôi là đối với con cái cũng phải kính thuận. Chúng ta là bậc làm ba mẹ thường xuyên có chút không vừa ý, con cái không phù hợp với cách nghĩ của bạn thì hoặc chửi bới, mắng nhiếc hoặc ra tay đánh đập. Bởi vì tôi nhìn thấy rất nhiều phụ huynh ở trước mặt con cái, ở trước mặt rất nhiều người đều trách mắng và chửi bới con cái, không biết tôn trọng con trẻ. Đứa bé đó sau khi lớn lên tâm tình của chúng sẽ rất không tốt. Bởi vì có một số ví dụ đã xảy ra ngay bên cạnh tôi.

Vị phụ huynh đó ở trước mặt tôi chỉ vào đứa con trai của anh ấy nói những lời rất khó nghe, nên cậu bé đó đã biểu hiện tâm trạng không tốt. Lúc đó tôi đã xoa đầu cậu bé đó, tôi nói: “Đứa bé này rất tốt, thực sự rất tốt, anh đừng nói nữa, nó thật sự rất tốt mà”. Sau đó tôi nói với nó rằng: “Con nghe lời của cô, qua bên kia chơi, qua phòng bên kia chơi nhé”. Sau đó tôi nói với vị thầy giáo này là: “Thầy nhất định đừng mắng con cái như vậy, con trẻ chúng đều có lòng tự tôn”. Bởi vì tôi đã từng trải qua chuyện như vậy, đã nếm mùi tổn hại và đã nhận được một bài học kinh nghiệm rồi.

Trước đây tôi rất nghiêm khắc đối với đứa con trai lớn, bất luận là trước mặt đông người hay ít người. Thỉnh thoảng nếu như nó làm không tốt; trẻ nhỏ làm sao có thể gọn gàng ngăn nắp, tôi lại rất nghiêm khắc trách mắng nó. Việc này xảy ra vào khoảng năm - sáu năm trước. Chồng tôi nói nhưng tôi không nghe. Kết quả, lúc ba tuổi đứa con trai lớn của tôi đã mắc một trận bệnh, là bệnh nháy mắt liên tục, không ngừng chớp mắt. Sau đó chồng tôi vô cùng lo lắng nói: “Em xem! Cảm mạo, phát sốt đều có thể trị, em nói xem chứng nháy mắt liên tục này làm sao để trị đây?”. Tôi đã  hỏi qua rất nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh, sau đó họ nói nguyên nhân của bệnh chính là tâm lý của đứa bé bị kiềm nén rất lớn, mà nó lại không có cách nào điều giải và giải tỏa. Bởi vì đứa trẻ còn rất nhỏ, nên sẽ phản ứng lên các cơ quan của nó, sẽ thông qua cách này để phản xạ, để điều giải. Nó hai - ba tuổi tôi đã đánh nó, dùng cây chổi lông gà để đánh nó rất là nghiêm khắc. Bởi vì lúc nhỏ tôi đã được giáo dục như vậy nên tôi cảm thấy trẻ nhỏ hiện nay cũng nên dạy như vậy, nhất định phải nghiêm, không thể vì gia đình có điều kiện tốt mà không nghiêm khắc với chúng. Sau đó tôi phát hiện mình sai. Sai lầm căn bản nhất mọi người biết là gì không? Bởi vì tôi là phụ nữ, nó là nam, nó là con trai, phụ nữ từ nhỏ nhất định phải được dạy nghiêm khắc. Bạn xem thiên thứ nhất trong “Nữ Giới”, sanh xong con gái thì đặt chúng xuống dưới đất cho chúng đùa nghịch với con thoi dệt vải[DTNT2] , con trai thì không như vậy, con trai thì cho chúng viên ngọc làm đồ chơi. Nam - nữ không giống nhau. Đàn ông họ đại biểu cho trời, là tôn quý ở phía trên. Lúc đó tôi không biết, nhưng lúc đó thực sự là chí thành cảm thông, cũng là từ lúc đó tôi bắt đầu chăm chỉ học Phật, bởi vì lúc đó tôi đã cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm cầu Ngài, niệm danh hiệu Ngài hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Tôi nói nếu Ngài thật sự có thể trị khỏi bệnh cho con trai tôi, tôi sẽ phát tâm chăm chỉ học Phật. Tôi tin tưởng có Phật Bồ Tát. Thực sự là con trai tôi đã khỏi bệnh, nhưng sau đó tôi đã nhận được một bài học, chính là không được quá nghiêm khắc như vậy đối với nó. Đặc biệt là sau khi học “Nữ Đức”, bạn phải hiểu được cách tùy thuận thiên tánh của chúng, sau đó mới biết cách để giáo hóa chúng.

Tôi xin kể cho mọi người một ví dụ hai ngày trước, đều là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tôi lại lấy ví dụ này bởi vì còn có một ví dụ của một cô giáo khác, lấy nó để so sánh một chút. Có người tặng cho con trai tôi mấy viên kẹo, nó liền đặt trên tủ trong phòng của nó. Nó đang ngồi  làm bài tập, nhìn thấy viên kẹo đó tôi liền nghĩ răng của nó không tốt, nên tôi không muốn để cho nó ăn. Tôi liền nói với nó: “Viên kẹo này chắc là rất ngon, mẹ lấy ăn nhé con”. Nó đương nhiên không nói gì. Nó nói “Được ạ! Mẹ ăn đi”. Tôi liền lấy và ăn viên kẹo đó. Ăn xong, kỳ thực tâm nó rất không thoải mái. Đợi đến buổi tối nó buồn buồn, không vui tới tìm tôi. Nó nói: “Mẹ à! Con muốn nói chuyện với mẹ một chút”. Tôi nói: “Được! Con nói đi, có chuyện gì vậy?”. Nó nói: “Mẹ học văn hóa truyền thống tại sao mẹ lại không có tâm cung kính vậy?”. Tôi nói: “Vì sao vậy?”. Nó nói: “Mẹ lấy kẹo của con nhưng mẹ không nói cảm ơn con,, sau đó ăn xong mẹ cũng không có phản hồi gì”. Lúc đó tôi đã sững người ra. Nếu như trước đây tôi nhất định sẽ nói: “Đúng, nên như vậy!”, nhưng hôm đó tôi cảm thấy không đúng. Sau đó tôi liền nghĩ, bởi vì “ Hiếu Kinh” nó đã học thuộc lòng rồi, nhưng tôi không để nó đọc thuộc tôi nói:“Con mở  quyển “ Hiếu Kinh” này ra, con đem chương một đọc qua một lần, mẹ ngồi đây nghe con đọc”. Nó cũng không biết ý của tôi là gì, nó liền đọc “Khai tông minh nghĩa chương đệ nhất”. Sau khi nó đọc xong, tôi nói con giải thích cho mẹ xem cái gì gọi là: “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu”. Nó nói: “Chính là thân thể của con, tóc của con đều là nhận được từ mẹ, từ ba”. Tôi nói: “Thân thể của con đều là ba mẹ ban cho con, có viên kẹo con cho mẹ, mẹ có phải nói lời cảm ơn con không?”. Tôi nói: “Con có viên kẹo này, suy nghĩ đầu tiên của con nên làm gì? Mẹ mình có muốn ăn không? Bà ngoại ông ngoại mình có muốn ăn không? Mình trước tiên nên hiếu thuận họ, chứ không phải trước tiên nên bỏ vào trong bụng mình. Khi mẹ dạy dỗ con, con nên sanh tâm hổ thẹn”. Sau đó nó đứng đó không nói gì. Một hồi lâu nó nói một câu: “Được ạ! Mẹ à, sau này có đồ ăn ngon con sẽ đưa mẹ ăn trước, mẹ cũng không cần nói cám ơn con”.

Vì sao tôi lại nói ví dụ này cho quý vị? Bởi vì trong quá trình tôi dạy “Nữ Đức”, có một cô giáo khoảng năm mươi tuổi ở trước mặt tôi khóc nức nở cả một buổi sáng. Con gái của cô ấy làm việc tại một công ty nước ngoài, lương mỗi tháng rất cao, nhưng một đồng cô ấy cũng không cho mẹ. Mua đồ ăn ngon mang về nhà thì xách vào trong phòng, ngồi trong phòng ăn một mình. Nếu mẹ cô ấy vào nếm thử một ít thì cô ấy liền trách mắng mẹ mình là: “Ngay đến một tiếng cảm ơn mẹ cũng không biết nói hay sao?”. Mẹ cô ấy liền mau chóng nói: “Cảm ơn con con gái! Món này rất ngon”. Người mẹ này đã khóc và nói với tôi rằng: “Tại sao nó có thể như vậy chứ?”. Tôi nói: “Việc đó sao cô lại hỏi tôi, cô nên hỏi chính bản thân mình”. Tôi nói: “Ông bà mình chẳng phải đã nói hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ hay sao? Đứa con gái này của cô có phải từ nhỏ cô rất cưng chiều, chiều chuộng nó phải không?”. “Đúng vậy! Tôi yêu thương nó, thương nỗi đến hơn hai mươi tuổi tôi vẫn còn giặt quần lót cho nó, việc gì cũng không để nó làm, không để nó phải lo lắng chuyện gì cả. Đối với nó vô cùng tốt, nhưng tại vì sao nó có thể đối xử với tôi như vậy chứ?”. Tôi nói: “Cô đã yêu sai rồi, cô đối tốt với nó, nhưng cách cô đối tốt với nó lại là sai, không phù hợp với giáo dục luân lý đạo đức. Bởi vì “mẹ nhân từ, con hiếu thảo”. Chữ “từ” này tuyệt đối không phải là cô chăm sóc cho nó từng li từng tí mọi mặt trong cuộc sống. “Từ” chân thật chính là cô làm thế nào để dẫn dắt con trẻ nâng cao linh tánh, để chúng có thể trong tương lai khi đối người, tiếp vật, đối nhân xử thế, khi đối diện với quan hệ ngũ luân, chúng hoàn toàn căn cứ vào ngũ luân để ứng xử. Cô phải làm gương cho chúng”.

Tôi xin kể thêm một ví dụ nữa cho mọi người, cũng là câu chuyện xảy ra giữa tôi và con trai tôi. Bởi vì bản thân tôi có sự thay đổi rất lớn, do đó tôi sẽ chia sẻ với mọi người. Có một lần vào buổi tối, tôi cũng dẫn con trai đi tản bộ (không phải ngày nào cũng vậy) qua nhà hàng xóm. Cô hàng xóm này không có con nên rất thích hai đứa con trai của tôi. Sau đó cô ấy lấy bánh ngọt, kẹo, kẹo mè rất ngon cho hai con trai tôi ăn. Hai đứa con tôi rất vui mừng, bởi vì những thứ này ở nhà chúng tôi đều không có. Sau đó chúng mỗi đứa ăn một cái, trên tay lại cầm thêm một cái rồi đi ra. Sau khi đi ra, cô hàng xóm muốn đưa cho chúng những thứ này cầm đi ăn, nhưng tôi ngăn lại, tôi nói: “Những thứ này cứ để ở nhà chị, đợi hôm nào đi tản bộ chúng muốn ăn thì lại tới ăn nữa, đừng để chúng tập thành thói quen ăn rồi lại còn mang về”. Sau đó chị hàng xóm này nói: “Được!”. Sau khi ra về, con trai lớn của tôi mau chóng ăn hai viên kẹo vào bụng. Kết quả bởi vì đứa út còn nhỏ, nó vẫn chưa ba tuổi, vừa ăn hết một viên kẹo mè, trong tay thì vẫn còn cầm một viên kẹo mè khác. Đứa con lớn liền đến nói với tôi: “Mẹ à! Mẹ xem Nhị Bảo còn nhỏ như vậy phải giữ gìn răng cho tốt, nên viên kẹo kia con ăn giúp em một nửa có được không ạ?”. Tôi nói: “Được!”. Tôi mới nói “được”, vẫn chưa nói xong, vẫn chưa nói câu tiếp thì nó đã bước nhanh xông tới dành viên kẹo của Nhị Bảo muốn bẻ làm đôi. Bạn nghĩ xem, trẻ con mà. Nhị Bảo nhỏ như vậy nó chắc chắn nắm chặt, chết cũng không chịu đưa. Sau đó đứa lớn bắt đầu khóc lớn, rồi nhảy dựng lên nói: “Mẹ nói rồi, phải chia mỗi người một nửa”. Lúc đó chúng tôi vẫn chưa rời khỏi sân nhà cô hàng xóm. Sau đó cả hai cũng không chịu, đều bắt đầu khóc, khuyên thế nào cũng không được. Cô hàng xóm liền chạy ra nói: “Đừng khóc nữa, mỗi người một hộp mang về nhà từ từ ăn nhé”. Nếu như trước đây tôi nhất định sẽ nổi nóng, bởi vì tôi cảm thấy rất mất thể diện, nhưng lúc đó cơn tức giận của tôi lại không nổi lên. Bởi vì tôi nghe đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, tôi nhớ một từ, đó là hoán đổi vị trí để suy nghĩ. Tôi nghĩ nếu tôi là đứa lớn, tôi có thể cũng sẽ như vậy, tôi nghĩ viên kẹo đó nhất định rất ngon nên nó mới có thái độ như vậy. Tôi liền cười và nói với đứa lớn rằng: “Con trai à! Con đừng kích động, sự kích động này chính là ma quỷ. Con vừa kích động thì mà quỷ sẽ xuất hiện đấy!”. Con trai lớn của tôi lớn tiếng nói: “Con chính là muốn để ma quỷ xuất hiện, ma quỷ không xuất hiện thì viên kẹo này có thể xuất hiện không?”. Sau đó tôi không nói gì nữa. Cô hàng xóm lấy hộp kẹo đưa cho chúng tôi, sau đó chúng tôi liền ra về. Sau khi trở về tôi rất nghiêm túc, tôi nói với mẹ tôi rằng: “Hộp kẹo này mẹ giữ lại mang về cho con của em trai con ăn, hai đứa chúng không được ăn nữa”. Hai đứa con tôi trở về nhà đều biết mình sai rồi nên không ai nói lời nào. Khi tôi nói câu này, hai đứa đều mở to mắt không dám nói lời nào. Mẹ tôi liền cầm lấy hộp kẹo rồi đi. Tôi nói: “Mẹ à! Mẹ khóa cẩn thận lại nhé, để vào trong tủ của mẹ ấy”. Sau đó tôi không nói gì, xuống chuẩn bị nước tắm. Sau đó tôi nói: “Nhị Bảo, đi tắm thôi!”. Sau đó, đứa con trai lớn đi theo sau nhưng tôi cũng không nói chuyện, giống như không nhìn thấy nó vậy. Tôi tắm xong cho Nhị Bảo rồi đi ra. Khi tôi lên lầu mặc quần áo cho Nhị Bảo thì tôi phát hiện trên bàn có một mẩu giấy. Trên mẩu giấy đó viết: “Mẹ thân yêu! Con xin lỗi, con sai rồi, sau này con sẽ không nói to hét lớn nữa. Con trai lớn của mẹ!”. Sau đó tôi giữ lại mẩu giấy đó. Sau khi giữ lại thì con trai lớn cũng xuống tắm. Nó tắm xong, đi lên lầu nhìn vẻ mặt của tôi vẫn không có gì thay đổi, nó liền nói: “Mẹ à! Mẹ có nhìn thấy thứ gì ở trên bàn không?”. Tôi nói: “Mẹ không thấy gì cả”. Tiếp theo nó nói: “Mẹ không nhìn thấy thì thôi vậy! Mẹ đừng giận nữa, sau này con sẽ không để ma quỷ xuất hiện nữa đâu”. Tôi nói: “Được. Con trai à! Con người phải có thể khống chế được chính mình. Đặc biệt là con trai, nếu một viên kẹo đã có thể lôi con đi, tương lai con lớn lên liệu có bị những thứ khác kéo đi mất không? Lúc đó con không còn là chính mình nữa đâu”.

Vì sao tôi lại kể ví dụ này cho mọi người? Với tính cách trước đây của tôi, nếu con cái như vậy thì tôi rất dễ nổi giận, đặc biệt là ở trước mặt người ngoài. Nhưng tôi cảm thấy nổi nóng không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Giống như có người nói oán hận, oán hận không thể đối trị được oán hận, mà chỉ có yêu thương mới có thể chấm dứt oán hận. Nhưng tình yêu thương này không chỉ đơn thuần nói trên miệng, mà phải chân thành từ tận đáy lòng tôn kính con trai mình, xem chúng chính là thầy của bạn. Tôi đã xem hai đứa con trai của mình thành thầy giáo của tôi, ngày ngày đưa ra đề thi, thật sự là càng ngày càng khó. Chúng thường xuyên ra đề thi cho bạn, đề thi vừa phát ra bạn phải nhìn vào đó mà làm. Sau đó, quay đầu nhìn lại chúng vẫn rất yêu bạn. Cho nên tôi nghĩ, rất nhiều phụ nữ có thể người mà cả đời họ qua lại nhiều nhất, thường không nhất định là ba mẹ, có thể là chồng mình, con mình, cho nên nếu giải quyết tốt hai vấn đề này thì có thể cả đời này họ sẽ rất hạnh phúc, rất thoải mái. Những chuyện này đều là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, nhưng bản thân chúng ta phải điều chỉnh từng li từng tí một.

Chúng tôi đang chia sẻ chương “Kính Thuận” trong sách “Nữ Giới”, đoạn tiếp theo nói: “Phu kính phi tha”. Ý nói ngoài việc kính chồng ra thì không có gì khác. “Trì cửu chi vị dã”, mấu chốt là có thể kính trọng dài lâu. “Trì cửu giả, tri chỉ túc dã”, chính là bạn biết dừng lại, biết được đủ. “Trì cửu”, hai chữ này rất quan trọng. Cái gì là “chỉ”? Chính là cái gì cũng đều phải biết dừng lại đúng lúc.

Tôi xin lấy một ví dụ đơn giản nhất, như có đồ ăn ngon không thể ăn mà không biết dừng, có những thứ thú vị không thể chơi mà không biết chán, không thể vừa nổi giận thì giận mãi không nguôi. Thường khi phụ nữ nổi giận thì giống như hiệu ứng Domino vậy, vốn dĩ cãi nhau với chồng là vì chuyện này, nhưng cãi tới sau cùng đã lôi cả những chuyện mười năm trước ra nói. Bởi vì tôi từng nghe một phụ nữ ngồi đó than phiền với tôi, vốn dĩ là cô đang oán trách về chuyện này, đến cuối cùng sau khi nghe một giờ đồng hồ thì cô ta đã lôi cả những chuyện mấy năm trước ra kể. Thường thường đều là như vậy. Cho nên chúng ta phải đem hai chữ này học cho tường tận. Chữ “chỉ” này trong cuộc sống thực tế chỉ có hai loại hoàn cảnh mà chúng ta thường xuyên gặp phải, một loại là thuận cảnh, một loại là nghịch cảnh. Thuận cảnh chính là ngày hôm nay mọi việc đều hài lòng vừa ý, gặp thấy đều là những người mình thích, nghe thấy đều là những lời mình muốn nghe, làm việc gì cũng đều vui vẻ, ưa thích, hy vọng ngày ngày đều như vậy. Sai rồi! Bạn phải biết được dừng lại. Khi thuận cảnh không khởi tham luyến, không có tâm muốn chiếm hữu liên tục bất cứ thứ gì, như vậy là đúng! Tôi luôn dùng những lời trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” để đối trị với cái “chỉ” này.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có sáu loại quán tưởng. Ví dụ khi số mệnh đương gặp lúc vinh hiển thì phải thường nghĩ đến lúc cô quạnh, bạn liền biết chừng mực. Khi trước mắt ăn uống sung túc thì phải thường nghĩ đến lúc bần hàn, nên cũng có thể dừng lại. Khi học vấn có phần cao phải thường nghĩ rằng mình còn kém cỏi, cũng có thể dừng lại. Bạn vừa dừng lại thì cái tâm ngạo mạn của bạn sẽ không sanh khởi, mà tâm cung kính sẽ sanh khởi, con người này liền có thể không ngừng tiến về phía trước. Khi gặp nghịch cảnh, ví dụ ngày hôm nay đều là những việc không thuận ý, bạn nhất định đừng nổi nóng, mà ngay lúc đó phải biết đem ý niệm này toàn bộ chuyển trở lại.

Tôi xin chia sẻ với mọi người, kỳ thực trong cuộc sống có một câu nói, đó là “chuyện không vừa ý thường chiếm đến tám - chín phần”. Trong mười việc thì có đến tám - chín việc không như ý muốn, vậy phải làm sao? Bạn phải nghĩ tất cả theo chiều hướng tốt đẹp. Nếu bạn nghĩ theo chiều hướng tốt đẹp thì tâm thái của bạn chẳng phải đã khác rồi sao? Ví dụ như trước đây tôi luôn nghĩ là mình chỉ cần ở nhà, tôi nghĩ tôi không cần đi làm, ở nhà học “Nữ Đức” thật thoải mái, việc trong nhà xử lý tốt là được rồi. Nhân viên của công ty rất nhớ tôi, thường gọi điện thoại cho tôi, lúc đó tôi rất phiền toái, tôi nói tại sao họ cứ gọi điện thoại làm phiền tôi như vậy, trong lòng khởi lên phiền não. Vì tôi xem việc này là nghịch cảnh nên tôi đã khởi lên tâm sân giận. Sau đó tôi liền chuyển ý niệm. Tôi nghĩ, họ có duyên với mình như vậy, quý mến mình từ tận đáy lòng như vậy, mình nên quý trọng, quý tiếc cái duyên này, mến tiếc cái phước này, không nên đối lập với họ. Sau đó, có một lần tôi đến chỗ các nhân viên, tôi nói: “Hiện nay các bạn đều đã công tác được mấy năm rồi, mọi việc ở công ty cũng đều bình thường, kỳ thực bản thân các bạn đều có thể làm tất cả mọi việc rất tốt, đừng cứ mãi coi tôi là chỗ dựa, coi tôi là một cái gậy chống, cần vứt bỏ thì phải vứt bỏ. Nhưng nếu các bạn thực sự không vứt nổi, muốn tôi đến giúp các bạn giải quyết vấn đề, thì lúc nào các bạn cũng có thể gọi điện thoại cho tôi. Một tuần tôi sẽ cố định đến công ty để nói chuyện với các bạn về những chuyện trong công việc, những chuyện trong cuộc sống và nhiều việc khác nữa”.

Nhân viên trong công ty đều gặp phải những sự việc như thế này, ví dụ như có một cô nhân viên quen bạn trai nhưng không vừa ý, sau đó gọi tôi đến công ty. Tôi liền đến đó nói chuyện với cô ấy một buổi chiều, giải quyết vấn đề tình cảm yêu đương của cô ấy. Còn có một nhân viên có tình cảm không tốt với chồng, tôi cũng đến giải quyết vấn đề này. Còn có một lần, hai nhân viên xích mích với nhau, bên này gọi điện thoại cho tôi đòi khiếu nại, bên kia cũng gọi điện thoại khiếu nại. Sau đó khi tôi đến, tôi liền cười và nói: “Cả hai bạn đều nên dùng cách hoán đổi vị trí để suy nghĩ cho người khác. Bạn đứng ở góc độ của cậu ấy mới nhận thấy cậu ấy cũng không dễ dàng gì. Bạn lại đứng ở góc độ của cậu ấy để nghĩ xem có phải cậu ấy cũng không dễ dàng gì phải không? Chẳng phải là không có chuyện gì rồi sao?”. Con người mỗi một ngày đều sống rất vui vẻ, không cần thiết phải làm cho bản thân mình căng thẳng như vậy. Nhìn cái này không vừa mắt, nhìn cái kia không thuận mắt, chính là vì đã không làm tốt chữ “chỉ” này. Làm tốt chữ “chỉ” này thì bạn lúc nào cũng có thể ngăn được cơn thịnh nộ trong tâm mình, không để nó phát triển thành một cơn sóng biển, sóng lớn, sóng thần. Tôi từng nhìn thấy sóng, bởi vì tôi sống ở ven biển Đại Liên. Bạn nhìn thấy những cơn sóng nhỏ, gợn sóng nhìn rất đáng yêu, nhưng khi có cuồng phong sóng lớn thì thật sự rất đáng sợ. Do vậy không nên để cái tâm mình khởi cuồng phong sóng lớn, mà hãy dần dần dập tắt nó.

Thời gian trước đây, nhân viên của chúng tôi nói rằng: “Giám đốc Trần à! Những lúc cần thiết cô phải thường xuyên đến nói chuyện trị liệu một chút”. Nói chuyện trị liệu, “liệu” trong từ trị liệu. Tôi nói: “Được! Nếu các bạn cần thì chúng ta sẽ nói chuyện để trị liệu”.

Từ “chỉ” này là gì? Trong “Đại Học” cũng có nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”. Tôi cảm thấy từ “chỉ” này chính là bước đầu tiên, vô cùng quan trọng, đặc biệt là phụ  nữ. Còn “túc” đương nhiên chính là “tri túc thường lạc” rồi.

Hôm trước tôi đã chia sẻ cùng mọi người rồi, tôi đã tổng kết ra có năm loại tình yêu. Tổng kết xong tôi còn rất vui. Tôi căn cứ vào việc học đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân mà tổng kết ra. Sau đó tôi liền chạy đến chỗ chồng tôi chia sẻ với anh ấy. Tôi nói: “Anh à! Em đã tổng kết ra là tình yêu có năm loại, hợp năm loại này lại chính là một loại tình yêu mà con người cần phải có, là tình yêu giữa vợ chồng cần phải có”. Anh ấy rất tán thán.

Tôi nói: “Thứ nhất, yêu chính là cảm ơn. Con người không có tâm cảm ân thì sẽ không có tâm yêu thương”. Nếu bạn không biết cảm ân chồng bạn đã cho bạn một mái nhà, cho bạn một chỗ dựa, thì bạn cũng không có tâm yêu thương. Bạn nói bạn vì tiền của anh ấy, vì quyền của anh ấy, vì danh của anh ấy mà bạn kính anh ấy, bạn yêu anh ấy, nếu một ngày những thứ đó không còn nữa thì sao?

“Thứ hai, yêu là biết đủ”. Biết đủ thường vui. Những thứ bạn đang có chính là những thứ tốt nhất, đừng đi ngưỡng mộ người khác nữa, ngưỡng mộ cũng không có được. Đặc biệt có rất nhiều người rất thích đem so sánh chồng mình với chồng người khác, so tới so lui kết quả bản thân mình là kém nhất, những thứ tốt đẹp đều rơi vào tay người khác.

Bởi vì thời gian trước có hai vị giám đốc dẫn vợ mình đến Đại Liên chơi, chúng tôi cùng nhau ăn cơm. Vợ của họ chưa từng gặp mặt chồng tôi, nên họ đem hai người chồng của họ ra so sánh với tôi. Ngày thứ hai ăn cơm, có một vị giám đốc nói: “Bà xã tôi cứ luôn bảo tôi phải học tập cô, làm tôi rất phiền muộn”. Sau đó tôi nói: “Sai rồi, đàn ông phải học tập với đàn ông, phụ nữ phải học tập với phụ nữ, anh không cần học tôi. Mặc dù tôi là giám đốc nhưng tôi là phụ nữ, hai chúng ta nên cùng nhau học tập, học “Nữ Đức”. Nếu có cơ hội tôi sẽ giới thiệu chồng tôi với chồng các chị để họ cùng thảo luận xem nên làm đàn ông như thế nào. Việc này nhất định đừng nên nói nữa”. So sánh chồng mình với chồng người khác là chuyện không nên rồi, thế thì sao còn có thể đem chồng mình so sánh với vợ người khác được chứ? Đó là sai lầm lớn, rất là sai lầm. Cho nên tuyệt đối không nên so sánh, vì vừa so sánh thì tâm của bạn liền sẽ có cao thấp.

Tôi chưa từng so sánh, bởi vì trước đây có một lần duy nhất tôi đã nhận được một bài học. Đó là gì vậy? Lúc mới kết hôn, chồng tôi không biết làm việc nhà, vào phòng thì tất vứt một cái bên đông, một cái bên tây, sau đó nằm dài ở đó không làm gì. Tôi rất tức giận nhưng không dám nói với ba mẹ, lén lút gọi điện thoại cho cô của tôi. Cảm tình giữa tôi và cô rất tốt. Tôi vẫn chưa oán trách, chưa nói quá ba câu thì đã bị cô tôi mắng cho một trận. Cô nói: “Nó như vậy sao con còn lấy nó? Tầm nhìn của con thế nào vậy, không được vạch áo cho người xem lưng”. Tôi lập tức gác máy. Tôi đặt điện thoại xuống, từ đó về sau thực sự cho đến hôm nay tôi chưa từng than phiền với ai. Ví dụ như chồng tôi cái này hay cái kia không tốt, tôi tin là mọi người có thể chưa nghe qua. Bởi vì trước đây tôi thường buồn bực, cảm thấy anh ấy tại sao lại như vậy. Nhưng bình thường tôi rất thích xem sách, tôi thường lấy sách để điều chỉnh bản thân, hoặc là chuyển sự chú ý sang việc khác, như ra ngoài đi dạo, đi làm đẹp, tôi sẽ quên đi và không nhớ đến chuyện đó nữa. Hiện tại tôi biết cách đó là trị ngọn không phải trị gốc, bởi vì thật sự thuận là tâm bạn thuận, nếu thuận trên sự thì sẽ không thể trị được gốc.

Có một lần chồng tôi đã khai thị cho tôi. Chúng ta nói nhẫn nó có ba cấp bậc, có thể nhẫn thì chính là thuận. Anh ấy nói: “Thứ nhất gọi là nhẫn chịu, đây là tầng thấp nhất. Đây là mức tổi thiểu mà con người đều nên có, là mức tu dưỡng thấp nhất của một người. Anh ấy nói chữ nhẫn này chính là trên trái tim có một con dao, ý nói em nhìn thấy người khác làm sai, nhìn thấy người khác không thuận mắt em cũng phải nhẫn, chí ít thì em cũng phải bịt chặt cái miệng mình lại không được tùy tiện đi bình luận người khác, không được động một tý là đi tranh tới tranh lui với người khác. Anh ấy nói đây là tầng thấp nhất, tầng này nếu em không vượt qua được thì kết cục và kết quả của em chính là một thân bệnh tật. Bởi vì những thứ trong tâm em nghĩ đều có con dao, trong lòng em vừa uất ức vừa nổi giận thì em có thể không sanh bệnh được không?”. Anh ấy nói: “Thứ hai gọi là khoan dung. Khoan dung tức là đối phương sai, đối phương không đúng, đối phương lăng nhục em, nhưng em có thể tha thứ cho họ, tâm của em phải lớn. Tâm lớn lượng lớn thì phước liền lớn. Nên em phải đem những cái đó buông xuống”. Anh ấy nói đây là tầng thứ hai. Anh ấy nói tầng thứ ba là cao nhất, và cũng khuyên tôi cần phải đạt tới tầng này, gọi là bao dung. Anh ấy nói: “Bất cứ việc gì cũng không có đúng sai, chỉ là do đứng ở góc độ khác nhau. Nếu em đạt tới tầng này thì em sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của người khác, làm gì có sai chứ? Cảnh giới của họ như vậy, sự tu dưỡng hàng ngày của họ như vậy, nên họ nói câu này, họ lý giải như vậy là có đạo lý, vì họ mê hoặc điên đảo nên cho rằng như vậy là được. Anh ấy lại nói cảnh giới này của em như vậy, hoàn cảnh này của em là như vậy, môi trường giáo dục này của em là như vậy nên em sẽ cho rằng như vậy là đúng, điều này cũng có thể lý giải”. Sau khi anh ấy nói với tôi xong, lúc đó tôi đã rất tán thán anh ấy, tôi nói: “Cảnh giới của anh cao hơn em, thảo nào thời xưa đều gọi chồng là tiên sinh”. Thực sự họ là cấp thầy giáo rồi mới có thể cả đời giáo hóa bạn.

Tôi vô cùng kính phục anh ấy, bởi vì anh ấy có thể dẫn dắt tôi trên rất nhiều phương diện, bao gồm cả việc học văn hóa truyền thống. Năm ngoái, anh ấy đã nói với tôi là: “Em học văn hóa truyền thống phải làm được nhân hậu mà không bảo thủ, nhìn xa trông rộng mà không gian xảo, theo kịp thời đại mà không theo kiểu nước chảy bèo trôi. Trước tiên bản thân em phải thực sự làm được, bản thân phải có thể ngộ sau đó mới đi nói. Nói hay không nói, có thể làm thầy người khác hay không không quan trọng, quan trọng nhất chính là bản thân em có làm được hay không”.

Do vậy, thật sự từ trong tâm tôi có một cảm giác hài lòng, có một sự tôn kính đối với anh. Trên sự bạn làm được, thì bạn sẽ cảm thấy rất tự nhiên. Ví dụ như khi anh ấy về nhà muộn, tôi thường ở trong thư phòng của anh ấy vì sau khi anh ấy về nhà thì thường sẽ dùng máy tính một lúc. Anh ấy thích chơi cờ tướng. Sau đó thông thường tôi sẽ chuẩn bị cho anh ấy một số thứ bao gồm như trái cây, sữa, trà, đồ ăn vặt, rồi nước rửa chân. Bởi vì chậu rửa chân của anh ấy có thể chỉnh thời gian cố định, độ ấm cố định, đến lúc anh ấy ngâm chân hay làm gì cũng đều được tôi chuẩn bị sẵn. Có một lần, bởi vì quá bận nên tôi đã sơ suất. Ngày hôm sau, sáng sớm hơn ba giờ tôi đi lên xem anh ấy (thông thường hơn ba giờ là tôi thức dậy, hiện tại buổi sáng học “Nữ Đức” nên canh năm, trước bốn giờ phải mau chóng dậy), thì anh ấy vẫn ngồi đó chơi cờ tướng, sau đó đặt hai cái chân lên bàn nhìn tôi. Cảm giác đầu tiên của tôi là quên lấy khăn lau chân, nên tôi nói: “Anh à! Em xin lỗi em quên lấy khăn lau chân cho anh”. Anh ấy nói: “Đúng vậy! Anh đã hong khô rồi”. Tôi nói: “Thật ngại quá, đây là sơ suất, sơ xuất nghiêm trọng, lần sau em nhất định chuẩn bị đầy đủ cho anh”. Khi bạn làm những việc này, bạn không nên có những cảm giác như bản thân mình hèn mọn, thấp kém hoặc là bản thân không thoải mái vì sao tôi phải làm những việc này chứ. Không có cảm giác như vậy, mà bạn phải nên hoan hỷ, vui vẻ, vô cùng vui thích đi làm cho anh ấy. Sau khi bạn làm xong rồi, bạn có thể nhận được hồi báo, thật đấy!

Trước đây chồng tôi là một đại nam nhân, anh ấy không chú ý đến những chuyện nhỏ nhặt, nhưng mùa hè năm nay vô tình tôi đã nói một câu là: “Quạt trong nhà mình đều là quạt lớn”. Mọi người chắc thấy qua loại quạt lớn đó rồi. Tôi nói: “Tay em nhỏ quá, sao không có cái quạt nhỏ nào nhỉ?”. Tôi chỉ thuận miệng nói câu đó. Kết quả buổi sáng ngày thứ hai, trên cái tủ trước đầu giường của tôi, anh ấy đã tự mình đi mua một cái quạt lụa nhỏ, là quạt đàn hương của Hàng Châu đặt ở đầu giường. Lúc đó tôi không ngờ của anh ấy mua, tôi còn đứng đó nhìn, “sao ở đây lại có cái quạt nhỏ nhỉ?”. Sau đó tôi liền cầm cái quạt đó, cũng rất thích nó. Sau đó anh ấy liền hỏi tôi: “Em có thích cái quạt đó không? Là anh mua đấy!”. Tôi vô cùng cảm động. Có thể nó chỉ đáng mấy đồng, khoảng mười đồng, hai mươi đồng, nhưng tôi cảm thấy chỉ cần bạn cống hiến một cách vô tư thì nó nhất định sẽ được báo đáp. Tôi nói điều này là “tình yêu chính là phụng hiến”. Chẳng phải tôi đã nói yêu là cảm ân, yêu là biết đủ hay sao? Yêu còn là phụng hiến. Thật sự bạn cống hiến một cách vô tư, không tính toán, thì bạn sẽ nhận được những sự báo đáp mà mình không hề nghĩ tới.

“Thứ tư, tôi tổng kết rằng, yêu chính là chuyên nhất”. Bởi vì tình yêu hiện nay đều không chuyên nhất, ba tâm hai ý. Yêu nhất định phải chuyên nhất, một lòng một dạ. Chúng ta chẳng phải nói: “Nhất môn thâm nhập trường thời huân tu sao?”. Môn học làm vợ chồng này bạn cũng phải “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, nếu bạn cứ thay đổi thì huân tu sẽ không thành. Do vậy, khi mười ba tuổi tôi đã quen biết chồng tôi, chúng tôi là bạn học cấp ba. Mười sáu tuổi tôi thi lên đại học nhân dân Trung Quốc, anh ấy thi lên đại học Cát Lâm. Năm hai mươi tuổi tôi tốt nghiệp, anh ấy lớn hơn tôi một tuổi, hai mươi mốt tuổi. Hai năm sau tôi hai mươi ba tuổi, tôi được gả cho anh ấy mãi đến bây giờ. Do vậy mà việc “nhất môn thâm nhập này” đến hiện nay chúng tôi đã huân tu mười lăm - mười sáu năm rồi. Chúng tôi huân tu cũng không tệ, nhưng ở giữa cũng có rất nhiều thăng trầm, thật sự là như vậy. Bạn thấy thời gian huân tu của cô Lưu Tố Vân còn dài hơn tôi, do vậy cô cũng thành tựu rồi. Cho nên, tôi tin tưởng một người phụ nữ chỉ cần một lòng một dạ tiếp tục huân tu thì nhất định sẽ đạt được chân đế của hôn nhân, chân đế của tình yêu, bạn sẽ thấu suốt. Khi bạn xử lý nó sẽ không phức tạp, sẽ làm tốt mọi việc.

Ngày mốt tôi có thể sẽ giảng chương thứ năm, chính là “chuyên tâm”. Tôi sẽ chia sẻ với mọi người những trọng điểm này.

Thứ năm, tôi cảm giác tình yêu chính là bao dung. Tâm của người phụ nữ phải lớn. Làm sao tâm mới có thể rộng lớn được? Chính là không nên quá để ý đến những thứ bên ngoài, đặc biệt là đừng nên quá quan trọng tiền bạc. Việc phụ nữ hay so đo tính toán phần nhiều đều là tiền bạc, thích chiếm những món lợi nhỏ. Khi ra ngoài mua đồ, bạn thấy cửa hàng giảm giá, tặng sản phẩm, đều là phụ nữ đổ xô vào mua. Mua món này thì được tặng thêm mấy sản phẩm nữa, nên một nhóm phụ nữ đều đổ xô đến mua. Vốn dĩ chuẩn bị mua loại mỹ phẩm này, đến cuối cùng mua cả túi mang về nhà.

Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì tôi phát hiện rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều vấn đề trong gia đình đều là do tiền bạc gây ra, chính là quá quan trọng đến tiền bạc. Tôi nghĩ, hôm nay tôi có thể cùng chia sẻ với mọi người niềm hạnh phúc trong hôn nhân hoặc là những thể hội, những lợi ích của bản thân trong nhiều năm qua thực sự là do tôi không quá xem trọng đối với tiền bạc. Bởi vì cách nhìn nhận của tôi đối với tiền bạc là gì? Tôi từng có một cuộc đối thoại với chồng tôi ở Thượng Hải vào mùa hè năm ngoái. Anh ấy cùng hai vị lãnh đạo ở đại sảnh một nhà hàng ngồi uống trà, trong đó có một vị lãnh đạo đã nói với anh ấy. Bởi vì ban đầu hai chúng tôi có một công ty tư vấn chứng khoán, nếu là người làm chứng khoán thì sẽ biết công ty đó địa vị rất cao, rất khó tìm. Nhưng sau đó, vào năm 2002 tôi đã chuyển nhượng công ty, chuyển nhượng quyền nắm giữ cổ phần. Bởi vì lúc đó tôi kiên quyết không muốn bước chân vào thị trường cổ phiếu mà rút khỏi hoàn toàn. Năm 2000 thì tôi đã rút khỏi, đến năm 2002 thì tôi kiên quyết chuyển nhượng. Sau đó vị lãnh đạo đó đã nói với chồng tôi rằng: “Nếu như anh không chuyển nhượng, bây giờ anh bán hết quyền nắm giữ cổ phần công ty thì có thể bán được mấy mươi triệu tệ đó, vậy thì anh sẽ thu được rất nhiều tiền”. Chồng tôi vừa nghe thì ánh mắt liền thay đổi, sau đó nhìn tôi. Anh nhìn tôi, tôi liền nghĩ: “lúc đó quyết định đều là mình đưa ra, mình tìm người để chuyển nhượng. Mức giá lúc đó thấp hơn rất nhiều, rất nhiều so với hiện nay, chỉ là một số lẻ thôi. Tôi rất điềm nhiên nói rằng: “Anh à, anh phải nghĩ thoáng một chút. Tiền trong ngân hàng chỉ là một dãy số, tiền cầm trong tay chỉ là một đống giấy mà thôi. Sau khi có nhiều tiền rồi, nếu anh muốn sử dụng thì anh phải suy nghĩ sử dụng thế nào để không tạo nghiệp, phải dùng tiền cho phù hợp, còn phải có trí huệ nữa”. Đây là quan điểm đối với tiền của tôi. Sau đó ba người đàn ông nghe xong đều nhìn tôi, không ai nói gì. Sau đó có một vị lãnh đạo, bởi vì ông rất thích sưu tầm ngọc, ông sững người ra hồi lâu rồi nói: “Tịnh Du! Theo cách lý giải của cô thì số ngọc của tôi nếu như không bán thì chỉ là một đống đá bày ở nhà, còn nếu bán đi thì vẫn chỉ là một đống giấy vụn”. Sau đó tôi nói: “Đúng rồi!”. Tôi nói xong thì không dám ngồi lại đó nữa, sợ ba người họ sẽ nói tiếp. Tôi nói: “Mọi người cứ nói chuyện, tôi về phòng nghỉ ngơi”, liền chạy về phòng. Nhưng từ đó về sau, chồng tôi nói với tôi rằng: “Quan niệm này của em thật mới mẻ, rất nhiều người sẽ đi tuyên truyền điều này”. Tôi nói: “Đích thực là như vậy. Bởi vì nếu anh không thấu rõ việc này, anh sẽ luôn bị mệt mỏi vì những sự việc này đeo bám không buông được”.

Tôi xin nêu một ví dụ cho mọi người, là việc trong gia đình tôi. Bởi vì chị cả của chồng tôi  gia đình chịtương đối khó khăn, không được tốt lắm, con của chị từ tiểu học lên trung học, trung học lên cấp ba, cấp ba lên đại học, tất cả chi phí đều do tôi giúp đỡ. Tôi giúp đỡ chị với quan niệm gì? Chính là dù sao chị ấy có việc nên mới gọi điện thoại cho tôi. Sau đó tôi liền gửi tiền cho chị. Chị chưa bao giờ tìm em trai mình. Sau khi đứa cháu gái này của tôi lên đại học, mỗi tháng tôi đều cố định gửi tiền phí sinh hoạt vào thẻ ở trường đại học cho nó. Thời gian trước, bởi vì chồng tôi có một khoản tiền gửi vào trong thẻ của chị tôi, sau đó nói với chị ấy số tiền này tặng cho chị để chị nộp học phí cho con cái. Tôi không biết việc này, chị tôi cũng không  nói với tôi. Vốn dĩ tôi đang chuẩn bị tiếp tục gửi tiền học phí học kỳ mới cho nó, sau khi chồng tôi nói với tôi chuyện này, tôi  nói: “Thật khéo, vậy em không cần gửi tiền nữa”. Kết quả, hai ngày trước chị chồng tôi gọi điện thoại đến nói chị muốn để con chị xin học bổng. Tôi liền nói với chị: “Chị không cần phải làm như vậy, chẳng phải đã có tiền rồi sao? Điều kiện nhà mình đã có đủ rồi thì mình không cần xin khoản học bổng đó nữa, hãy nhường khoản tiền đó cho người khác”. Nhưng tôi nói lời này là có ý gì? Tức là chúng ta chung sống với tất cả người thân, bạn bè của mình, có thể giúp đỡ được thì nên giúp đỡ một tay. Nếu cảm thấy tài lực của bản thân không đủ thì chí ít có tâm niệm này cũng rất tốt, không nên quá xem trọng tiền bạc. Xem trọng tiền bạc nhất định sẽ làm tổn thương tình cảm, không xem trọng tiền bạc thì sẽ không làm tổn thương tình cảm.

Trong “Nữ Giới” có nói đến “thuận” cũng là như vậy: “Phu thuận phi tha, khoan dụ chi vị dã”. Ý nói “thuận” không có gì khác chính là “khoan” và “dụ”. “Khoan” nghĩa là rộng trong từ rộng hẹp, “dụ” chính là phong phú. Nó hình dung cái tâm của bạn phải rộng lớn, tâm phải phong phú, có thể dung chứa vạn sự vạn vật. Còn sự phong phú này chính là người dưới cung kính người trên. Cung là cung kính, người dưới luôn luôn ở phía dưới, không nên cứ ở phía trên lớn tiếng la hét rồi đi bình luận. Ví dụ có một số bạn nữ rất có năng lực, còn có công việc rất tốt, hoàn cảnh điều kiện gia đình cũng rất tốt, sau đó điều kiện kinh tế của bản thân cũng không tệ thì bạn nên dùng số tiền đó đi giúp đỡ người thân trong gia đình nhà chồng hoặc là bạn bè của chồng thì trên miệng tuyệt đối đừng nên nhắc đến những chuyện đó nữa. Bạn không nhắc đến việc đó thì chồng bạn còn cảm ơn bạn, người thân bạn bè của bạn còn cảm niệm bạn. Nếu bạn ở trước mặt chồng thường nhắc đến những chuyện đó thì tâm cảm ân đó của anh ấy sẽ không còn nữa, cuối cùng sẽ biến thành bạn cầm tiền đi cho còn mua về một đống oán hận, người ta cũng không tin bạn, còn rất chán ghét bạn. Bởi vì bên cạnh tôi đã có người bạn như vậy.

Cô ấy nói cô cũng là một người vợ rất có tiền, cô giúp đỡ những bạn bè nghèo khó. Những người thân nghèo khổ cô giúp đỡ rất nhiều nhưng lại không có kết quả tốt. Sau đó cô ấy nói: “Vì cái gì mà tôi bỏ ra nhiều tiền như vậy?”. Tôi nói: “Chị đừng nói nữa, tiền thì chị cũng đã đưa rồi, đưa xong rồi thì chị phải quên hết đi, toàn bộ coi như không đưa thì họ còn cảm niệm chị. Nếu chị cứ thường nhắc thì người ta một chút cũng không cảm ơn chị đâu. Có một số chuyện chị đừng cho rằng nên hay không nên, chị đừng nghĩ đến nó nữa”.

Ví dụ năm ngoái tôi đi công tác ở bên ngoài, trước tiên là chị chồng thứ hai gọi điện cho tôi. Tôi có hai người chị chồng đều lớn hơn tôi mười mấy tuổi, nhưng nếu gia đình họ có chuyện thì tôi trở thành chị cả, còn họ đều là em gái. Tôi đang ở bên ngoài đi công tác, sau đó đi họp thì chị hai gọi điện thoại đến nói: “Hôm nào em về, mau về nhà đi”. Tôi nói có chuyện gì vậy ạ? Chị nói: “Cần phải tìm người giúp việc cho ba mẹ”. Tôi nói: “Em còn phải ở đây hai ngày nữa, nếu thực sự cần gấp thì chị đến chỗ dịch vụ nhờ tìm một người”. Chị nói: “Các chị không biết tìm, chờ em về rồi tính tiếp nhé!”. Cô liền đặt điện thoại xuống. Đến ngày thứ hai, chị cả của chồng của tôi lại ở bên ngoài gọi điện thoại đến nói: “Em mau về đi, việc tìm người giúp việc rất gấp, nhất định phải tìm rồi. Em không thể kết thúc chuyến công tác trước được hay sao?”. Tôi nói: “Các chị ở nhà có thể tìm được mà”. Chị nói: “Các chị không làm được”. Do vậy, gặp phải những chuyện này thì không có cái gì là nên hay không nên cả, bạn cũng đừng oán giận. Sau đó tôi nói với bên tổ chức ở đó: “Nhà tôi có chút chuyện gấp, tôi nhất định phải trở về để xử lý”, liền mau chóng chạy về. Sau khi trở về thì tôi sắp xếp tìm người giúp việc, đi nộp phí, làm xong thủ tục và dẫn họ về nhà.

Tôi nhớ khi tới Tết Trung Thu năm ngoái cũng vậy. Tôi đi công tác ở bên ngoài, lúc đó ba chồng tôi nhìn một vòng các con của ông rồi nói: “Sao không  thấy Tịnh Du? Tịnh Du không ở nhà thì chẳng có ý nghĩa gì, không đón Trung Thu nữa”. Họ khá là đau lòng, đặc biệt là chồng tôi. Anh nói: “Cô ấy không phải con gái của ba, chúng con mới là con gái, con trai của ba”. Sau đó ba chồng tôi không nói gì nữa. Bởi vì từ khi kết hôn tôi đã sống cùng với ba chồng, sống cùng cũng gần hai mươi năm rồi, có lẽ tôi đối với ông còn kính trọng, tôn trọng hơn cha ruột của mình. Ông cũng khá lớn tuổi, tám mươi tuổi rồi, thân thể cũng không được tốt lắm. Do vậy, bạn nói cái gì là nên, cái gì là không nên chứ? Ở nhà không thể có cái đạo lý này.

Phía sau chương “Kính Thuận” có nói, trong nhà “việc có cong thẳng, lời nói có đúng sai, thẳng thì đi tranh giành, cong thì kiện tụng nhau, đến cuối cùng thì sanh ra phẫn nộ”. Chương “Kính Thuận” nói, nếu trên mặt sự tướng bạn đi tranh chấp đúng sai, tranh chấp cong thẳng vậy thì bạn đã sai rồi. Cho nên tôi nói với mọi người, gia đình không phải là nơi nói lý lẽ, gia đình là nơi nói yêu thương. Bởi vì có một lần, con trai lớn chạy tới trước mặt tôi nói: “Mẹ à! Mẹ nói xem việc này rốt cuộc là con đúng hay Nhị Bảo đúng? Mẹ nhất định phải cho chúng con một lời bình luận”. Tôi nói: “Không có đúng sai, con phải nhớ lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”: Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”. Các con giữ vững nguyên tắc này thì đều đúng, nếu không giữ được thì mỗi người phải tự phản tỉnh. Một bàn tay không thể vỗ ra tiếng được”. Nó nói: “Vậy dựa vào cái gì chứ?”. Tôi nói: “Bởi vì chúng ta là một gia đình, chúng ta không phải là tòa án, con muốn nói lý đi kiện tụng thì con đến tòa án, đừng ở nhà, ở nhà con cũng không có cách gì tranh luận, mẹ chỉ có thể lấy “Đệ Tử Quy” ra để nói đạo lý với các con thôi”. Từ đó về sau, con trai lớn của tôi không đến tìm tôi nói những chuyện như vậy nữa. Do đó bạn xem phải “hòa”, chúng ta nói lục hòa kính điều đầu tiên là “kiến hòa đồng giải”, trong gia đình đều phải có gia quy. Vậy áp dụng “Đệ Tử Quy” vào gia đình chính là đồng giải, dựa theo “Đệ Tử Quy” để thực hành, có thể học tập và sử dụng linh hoạt “Đệ Tử Quy”.

Tại sao gọi là học tập và sử dụng linh hoạt? Bởi vì có một buổi sáng, cũng là con trai lớn của tôi (lúc đó nó tám tuổi, học “Đệ Tử Quy” một năm rưỡi rồi) rất thông minh, nó thức dậy muộn nhưng vẫn không nhanh chóng đi rửa mặt, mặc quần áo. Mẹ tôi có chút sốt ruột, mẹ tôi liền nói: “Cháu nhanh lên một chút”. Kết quả con trai tôi cứ từ từ, ung dung thong thả nói: “Chớ làm vội, vội sai nhiều”. Mẹ tôi không còn lời gì để nói, bà sững người một lúc lâu rồi đến nói với tôi: “Đã bảy giờ rồi mà nó còn nói chớ làm vội là thế nào đây?”. Lời này trong quyển “Đệ Tử Quy” có đạo lý. Sau đó tôi nói với nó: “Con trai à! “Chớ làm vội, vội sai nhiều” là ở phía trước hay ở phía sau của “Nhập Tắc Hiếu”? Con phải có trước, có sau chứ. Cái phía trước thì con phải làm được trước”. Nó nói: “Ở phía sau ạ!”. Tôi nói: “Nhập tắc hiếu ở phía trước nói như thế nào?”. Nó nói: “Ba mẹ bảo, chớ làm biếng. Ba mẹ dạy, phải kính nghe”. Tôi nói: “Vậy ba mẹ của ba mẹ có phải là càng phải kính nghe, càng phải chớ làm biếng hay không?”. Nó nói: “Đúng ạ!”. Tôi nói: “Đúng vậy! Vậy bà ngoại con chính là mẹ của mẹ, tức là lời nói của mẹ của mẹ con thì con phải nghe trước”. Sau đó nó nói: “ Ồ! Thế à!”. Dù sao nó cũng bị tôi khảo cho một vòng, liền nhanh chóng đi rửa mặt. Nó còn nói với bà ngoại là: “Sao bà không nói sớm chứ?”. Cho nên, bạn thấy trẻ nhỏ thực sự có lúc chúng rất đáng yêu, bạn cũng không nên sốt ruột với chúng, mà phải giảng đạo lý cho chúng. Bạn đem đạo lý giảng tường tận cho chúng nghe, vì người lớn và trẻ nhỏ đều giống nhau. Người lớn cũng như vậy, trẻ nhỏ cũng vậy.

Nhân viên công ty tôi cũng giống như trẻ nhỏ vậy. Thời gian trước tôi nói với họ: “Chúng ta làm kinh doanh nên cái miệng này phải đặc biệt chú ý, tuyệt đối không được làm người khác dao động, không được nói lung tung. “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Câu phía trước tôi không biết, không nhớ lắm, nhưng câu cuối cùng tôi nhớ rất rõ ràng là: “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Kết quả, hôm đó một vị quản lý cấp cao của tôi vô cùng tức giận gọi điện thoại cho tôi nói: “Chị nhanh chóng đến đây. Cái gì mà “nói nhiều lời, không bằng ít”. Tôi muốn hỏi cái gì cũng không hỏi được, làm việc đều không thể câu thông, vừa hỏi thì “nói nhiều lời, không bằng ít”, không thể làm việc”. “Được! Tôi đến liền”. Đến nơi tôi cũng như vậy, để mọi người ngồi xuống rồi tôi mới nói: “Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được”. Sau đó mới: “Nói nhiều lời, không bằng ít”, có phải không?”. Tôi nói: “Các bạn nói câu: “Nói nhiều lời, không bằng ít”, nhưng các bạn phải tuân thủ câu phía trước “lời dối trá sao nói được”. Rõ ràng lãnh đạo hỏi bạn về công việc, bạn lại nói không biết, đây có phải là lừa gạt không? Có phải là nói dối hay không?”. Tôi nói: “Lời bạn nói ra phải tuân thủ ngũ luân và ngũ thường. Khi người với người giao tiếp với nhau thì bạn không được làm trái với ngũ thường”. Nhân viên và người quản lý đó chẳng phải là quân thần hữu nghĩa, quân nhân thần trung hay sao? Tôi nói với họ một lúc, cuối cùng không ai nói lời nào. Sau đó thì mọi người đều trở lại vị trí bình thường của mình.

Do vậy, học “Đệ Tử Quy” cũng được, học “Nữ Giới” cũng được, nhất định không được học một cách cứng nhắc. Nếu cái mà bạn học được đều biến thành một loại vũ khí, một loại dụng cụ để bản thân tự tư tự lợi, vậy thì bạn đã hoàn toàn chà đạp lên những thứ của lão tổ tông để lại rồi. Học xong rồi cần phải như thế nào? Bản thân vui vẻ, người khác cũng vui vẻ, hai bên đều vui vẻ. Không phải học xong rồi thì chỉ có bản thân tôi vui vẻ, người khác vui hay không tôi không quan tâm, hoặc học xong rồi thì tôi muốn người khác vui vẻ còn bản thân tôi thì rất đau khổ, học như vậy cũng sai rồi. Hai bên đều vui vẻ thì đúng. Cho nên, bạn phải tường tận những đạo lý này, vậy thì sẽ không có vấn đề gì.

Trong chương “Kính Thuận” này có nói: “Phu phụ chi hảo, chung thân bất ly, phòng thất chu hoàn, toại sanh tiết độc”. Trong tay mọi người có thể không có đoạn văn này, ý của đoạn văn này là nói giữa vợ chồng. Bởi vì đều ở trong một căn phòng, ở cùng nhau lâu ngày dài tháng thì rất dễ dàng sinh ra khinh nhờn[pk3] . Đây chính là tâm khinh mạn. Vì sao lại như vậy? Có một câu nói tôi cũng không biết có gọi là thành ngữ hay không, gọi là “quen rồi sanh lờn mặt”. Không biết mọi người có cái cảm nhận này hay không? Ý nói, quá thân quen rồi thì sẽ không còn lễ nghĩa nữa. Bạn nghĩ thử xem, có phải như vậy không? Bởi vì giữa bạn bè quá thân thiết rồi, khi vừa gặp mặt thì “anh này tốt, anh kia xấu”, vậy thì không còn lễ tiết nữa.

Giữa anh em cũng như vậy. Đối với chồng thì không cần phải nói. Vì sao một số người chồng lại có chút xem thường đối với những phụ nữ ở nhà giúp chồng dạy con vậy? Có đấy! Tôi từng gặp qua rồi. Chúng ta không nên trách chồng mình, hãy phản tỉnh bản thân chúng ta. Bạn cung kính đối với chồng, kỳ thực cũng chính là cung kính bản thân mình. Bạn không khinh thường họ, cũng giống như bạn không xem thường bản thân mình. Bạn thử nghĩ xem, nếu cả ngày bạn ở nhà lôi thôi lếch thếch, bạn nói xem khi chồng bạn nhìn bạn thì anh ấy có thấy thoải mái hay không? Bình thường dù thế nào tôi cũng tương đối chỉnh tề. Do vậy có một hôm tôi ở nhà cũng mặc như vậy, chồng tôi buổi sáng thức dậy vừa nhìn thấy tôi đã giật mình nói: “Em không phải ở nhà hay sao? Em chuẩn bị ra ngoài à?”. Tôi nói: “Không phải, em ở nhà cũng phải như vậy”. Anh ấy liền cười. Bất luận người chồng như thế nào, thì người phụ nữ nhất định trước tiên phải chỉnh đốn bản thân gọn gàng sạch sẽ. Nếu chúng ta học “Nữ Luận Ngữ”, khi nói đến phần lập thân, hoặc là giảng đến những chi tiết rất nhỏ, bạn liền phát hiện phụ nữ cũng phải thu dọn ngăn nắp chỉnh tề tất cả môi trường xung quanh. Vệ sinh là điều đầu tiên. Một người phụ nữ lôi thôi thì không thể nào phục vụ và giúp đỡ chồng mình tốt được. Điều này chúng ta học tập “Nữ Giới”, học tập “Nữ Luận Ngữ” phải đặc biệt chú ý, bởi vì có rất nhiều phụ nữ có thể không chú ý đến điều này, ở nhà tùy tiện cẩu thả, không phải cái dáng vẻ này.

Còn khi chung sống với chồng, phía sau có nói:“Tâm khinh mạn một khi đã sanh, thì sẽ nói lời lầm lỗi. Một khi nói lời lầm lỗi, thì sẽ phóng túng ý tứ” (Tiết độc ký sanh, ngữ ngôn quá hỹ. Ngữ ngôn ký quá, túng tứ tất tác). Ý nói khi tâm khinh mạn của bạn vừa sanh khởi, thì trong ngôn ngữ sẽ dễ dàng nói lời quá đáng. Chúng ta có cảm thấy như vậy không? Không cảm thấy. Bởi vì khi một người ngạo mạn, thường xuyên xem thường người khác, thì bản thân họ hoàn toàn không có cảm giác. Nếu không tin, bạn hãy tịnh tâm lại suy xét, thì bạn sẽ có thể suy xét ra. Đây là một số vấn đề thường dễ phát sinh trong cuộc sống thực tế của chúng ta. Đặc biệt trong cuộc sống gia đình, người phụ nữ không chú ý đến ngôn ngữ, vừa nói ra những lời này thì đã sai rồi.

Cho nên, tôi nghe đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân đã cho tôi một cảm xúc rất lớn. Cô ấy đã đề xuất “bốn không”, không biết mọi người còn nhớ không?

Thứ nhất, không tranh luận.

Thứ hai, không biện luận.

Thứ ba, không thảo luận.

Thứ tư, không giải thích.

Tôi muốn cùng mọi người trên cơ sở này thêm một điều nữa.

Thứ năm, không đánh giá.

Chung sống với chồng, không nên đánh giá bất cứ người nào trong gia đình chồng. Cha chồng như thế này, mẹ chồng như thế kia, chị của anh thế này, em trai anh thế kia, cũng không đánh giá bất cứ người nào ở bên ngoài, trừ khi bạn có thiện ý muốn nhắc nhở. Cũng không đi thảo luận, tranh luận và biện luận. Nói chuyện với chồng thì phải phù hợp với luân lý đạo đức văn hóa truyền thống. Bạn muốn có được sự tôn trọng của chồng thì đây là bước đầu tiên. Nếu khi nói chuyện mà bạn không chú ý, thì trong gia đình sẽ thường xảy ra tình trạng người vợ thì cứ ở đó nói luôn miệng, còn người chồng thì ở đó nghe, sau đó thì sẽ như thế nào vậy? Nếu bạn nói chuyện có rất nhiều sai sót mà bản thân bạn lại không hay biết, kết quả người chồng kỳ thực có lúc sẽ sanh tâm khinh mạn bạn trước tiên, sau đó bản thân bạn cũng có thể sẽ sanh ra cái tâm đó, xung đột giữa đôi bên sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bản thân tôi cũng có thể hội này. Bởi vì trước đây tôi ở Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông, lần đầu tiên lên giảng bài tôi đã sám hối ba loại nghiệp chướng nặng. Đề mục là: “Học Tập “Kinh Hoa Nghiêm” Bồ Tát Tam Trọng Chướng”.

Thứ nhất chính là ngạo mạn.

Thứ hai là đố kỵ.

Thứ ba là tham lam.

Nói một cách chính xác thì chính là dục vọng. Điều này phụ nữ đặc biệt dễ phạm phải. Khi bạn ngạo mạn thì bạn rất dễ dàng khinh thường người khác. Đặc biệt là một số nữ doanh nhân, khi điều kiện công việc, hoàn cảnh sinh sống tương đối tốt, điều kiện gia đình tương đối ổn định, thì cô ấy sẽ không lưu tâm đến người chồng. Còn một loại người nữa, đó là chấp lý, bắt lỗi người. Ví dụ bạn nắm được cái lý này rồi, rõ ràng là chồng sai còn bạn thì đúng, bạn liền nắm lấy cái lý này nói mãi không thôi. Điều này rất làm tổn thương người khác. Đây cũng là thuộc vào điều phía trước đã nói, chính là không biết dừng, không biết đủ. Bởi vì bạn xem thường anh ấy, bạn lấy cái lý này để sống chết, đối đầu với anh ấy.

Tôi xin chia sẻ với mọi người một ví dụ sau. Năm ngoái, có một lần vào buổi tối nhà chúng tôi bị người ta dùng một cây gậy đập vỡ kính. Trước khi bị đập vỡ thì có người gọi điện thoại đến tìm tôi, họ nhắc đến tên tôi. Sau đó người trong nhà tôi đều cho đó là người mà tôi đã đắc tội nên họ mới đến đập phá. Bởi vì lúc đó đúng lúc tôi đi công tác nên tôi không biết. Sau khi tôi trở về nhà, chồng tôi rất tức giận. Bởi vì trước đây tôi không đi đâu khỏi nhà, tan ca là về thẳng nhà, nhưng năm ngoái sau khi học tập văn hóa truyền thống tôi thường xuyên ra ngoài tham học. Chồng tôi vô cùng tức giận nói: “Có phải em đi ra ngoài nói chuyện cũng không biết nói nên đắc tội với ai rồi không?”. Con người tôi kỳ thực có lúc rất đơn thuần, ví dụ sáng nay đến hiệp hội thì bị lạc đường, đi vòng vòng ở đó nửa ngày. Sau đó tôi đã suy nghĩ vô cùng nghiêm túc, tôi thật sự không nghĩ ra là ai đã đập cửa kính. Bởi vì tôi biết có thể mình làm vẫn chưa tốt, nhưng tôi vẫn không nghĩ ra ai lại oán hận tôi như vậy. Sau đó chồng tôi rất tức giận. Buổi tối hôm đó căn bản là cả đêm tôi không ngủ, nghiêm khắc ngồi đó phản tỉnh đến nửa đêm vẫn chưa nghĩ ra. Ngày hôm sau, anh ấy lại bắt tôi ngồi phản tỉnh. Tôi vẫn không phản tỉnh ra, nhưng tôi rất nghiêm túc suy nghĩ, “đó là ai nhỉ?”. Tôi vô cùng sám hối, tôi làm sao có thể như vậy được. Kết quả, khoảng ba ngày sau người đập kính đó gửi một bức thư đến nói rõ anh ta là ai. Họ chính là muốn mua một loại sản phẩm của công ty chồng tôi nhưng không mua được nên rất tức giận, bất mãn. Bức thư đó tôi cũng không xem kỹ. Sau đó tôi liền đưa bức thư đó cho chồng tôi. Chồng tôi vừa xem thì liền hiểu rõ. Bởi vì chồng tôi có một công ty dùng tên tôi để đăng ký, nên họ cho rằng chính là tôi làm, cho rằng chính tôi là bà chủ. Kỳ thực thì cái gì tôi cũng không biết. Sau đó chồng tôi cũng không nói gì. Lúc đó tôi còn nói với chồng tôi rằng: “Tốt quá, may mà dùng tên của em. Anh xem, dùng tên của em nên họ tìm em. Dù sao thì cái gì em cũng không biết nên cũng sẽ không việc gì. Nếu họ tìm anh, vậy thì không ổn rồi, anh ở bên ngoài bận như vậy”. Sau đó chuyện này cũng qua đi. Chuyện qua một năm rồi, đến hiện tại chồng tôi vẫn chưa bao giờ nhận mình đã sai, kể cả việc anh ấy bắt tôi phản tỉnh là sai lầm, nhưng trong tận đáy lòng thì anh ấy đã thừa nhận với tôi, bởi vì anh ấy từng nói với bạn bè bên cạnh mình như vậy.

Do vậy khi chúng ta xử lý công việc, cho dù bản thân không có chút sai lầm nào thì bạn cũng phải nghĩ, bởi vì bạn và họ là cộng nghiệp. Chỉ cần những tình huống này xảy ra thì bạn phải phản tỉnh, vì đức hạnh của bản thân có vấn đề. Chúng ta học văn hóa truyền thống đều học đến hai chữ chiêu cảm rồi. Tại sao người như vậy, việc như vậy lại đổ lên đầu của chúng ta chứ? Không có việc gì vô cớ, nhất định là do chiêu cảm. Đức hạnh của bạn vẫn chưa đạt đến mức đó nên bạn mới chiêu cảm ra sự việc như vậy. Nếu như bạn vô cớ bị hủy báng thì tốt, quá tốt! Nếu dùng lời trong Phật Pháp thì chính là tiêu nghiệp. Nếu dùng lời trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, thì đó là “khi bị hủy báng thì xem đó là cơ hội để tôi luyện bản thân”. Bản thân bạn không nổi nóng thì cũng giống như bạn cầm đuốc đốt không trung vậy, không có cảm giác gì, bản thân nó sẽ tự tắt.

Tôi cũng chưa đạt được đến mức 100 % không tức giận, không nổi nóng, nhưng so với ngày trước, so với trước đây thì đã giảm đi rất nhiều, rất nhiều rồi. Đặc biệt là một năm nay học tập “Nữ Giới” và “Nữ Đức”, những người bên cạnh tôi đều nói tôi đã thay đổi rất nhiều.

Có một người bạn từ Nhật Bản trở về, khoảng hai - ba năm chưa gặp lại tôi. Cô ấy nói: “Ồ! Tướng mạo của bạn thay đổi rồi, trở nên dịu dàng hơn so với trước đây”. Tôi cũng không biết, tôi hỏi cô ấy rằng: “Vậy trước đây tướng mạo của tôi như thế nào?”. Cô ấy nói: “Trước đây bạn là một nữ doanh nhân rất cang cường”. Cho nên bạn xem, thân thể của chúng ta không thể gạt được người khác. Tất cả ngôn ngữ, tất cả tâm niệm của bạn đã chuyển đổi, nó đều có thể biểu hiện trên tướng mạo của bạn. Kỳ thực không chỉ là những người này.

Thời gian trước có một vị thầy giáo nói tư thế ngồi của tôi không tốt lắm, bảo tôi đi khám chỉnh xương, chính là chỉnh hình xương khớp. Kết quả, vị bác sĩ này vừa sờ vào xương của tôi, chính là mấy đốt xương phía sau lưng tôi, sờ vào thì liền biết. Ông nói: “Con người cô khá là quy củ, rất giữ quy củ”. Lúc đó tôi không hiểu, tôi nói: “Làm sao vừa sờ vào xương mà anh có thể biết được?”. Bác sĩ đó nói: “Cô là phụ nữ, nếu cô không giữ quy củ, ví dụ như hành vi rất phóng túng, rất lười nhác, thì xương của cô sẽ bị vẹo”. Một dãy xương trên cột sống phía sau lưng đều có quan hệ rất mật thiết đến những hành vi thường ngày của bạn. Do vậy, mọi người khi có điều kiện có thể xem những đĩa giảng của Tiến sĩ Bành Hâm, ông nói về những lý luận trong Đông Y rất hay.

“Việc thì có cong có thẳng, lời thì có đúng có sai, thắng lý vẫn không tranh luận, đuối lý vẫn không kiện tụng”. Chúng ta thường cho rằng mình còn có một ưu điểm, chính là tình tình thẳng thắn, cảm thấy bản thân chúng ta là người tốt, nếu việc này không nói ra thì không thoải mái, tôi nhất định phải giúp anh ấy, nếu không giúp thì tôi không làm tròn nghĩa vụ của một người bạn, không làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, phải như thế nào đây? Bạn sai rồi!

Sư phụ khi giảng Kinh đã từng nói, người hai mươi tuổi đến ba mươi tuổi, bạn nêu ý kiến về một sự việc mà họ làm sai, đối với cùng một sự việc bạn có thể nhắc nhở họ ba lần; với người ba mươi đến bốn mươi tuổi thì nhắc nhở họ hai lần; bốn mươi tuổi đến năm mươi tuổi thì nhắc nhở họ một lần; người trên năm mươi tuổi thì một lần cũng không cần nhắc, bạn nhắc nhở họ thì chỉ làm họ khởi lên tâm oán hận mà thôi. Đạo lý này rất dễ hiểu.

Khi tôi đến Hàng Châu, tôi đã từng nhìn thấy cây cổ thụ 800 năm. Bạn nghĩ xem, bên ngoài có một cái cây nhỏ và một cái cây lớn, cây lớn đó đều rất cao, cành lá đan xen rất rậm rạp, bạn nói “cây à, tôi sẽ giúp bạn chỉnh sửa một chút nhé”. Cái cành cây này, cái gốc này, cái thân này đều không đúng, làm sao có thể chỉnh sửa lại được chứ? Thói quen xấu rất khó sửa. Hơn nữa, bạn còn nói năm lần bảy lượt, thẳng thắn khuyên răn thì chỉ có thể kết oán thù.

Trước đây tính cách của tôi chính là nghĩ sao nói vậy, chính là làm việc thiếu suy nghĩ. Tôi cảm thấy việc này nên làm như vậy thì tôi một phát liền nói ra những lời đó. Trước đây mẹ chồng tôi từng nói tôi rằng: “Tịnh Du nhà mình khá là thẳng tính”, nhưng lúc đó tôi cũng không thể hội được là như thế nào. Bây giờ tôi đã gần bốn mươi tuổi rồi, khi phản tỉnh bản thân mình tôi thấy đặc biệt điều này cần phải sửa đổi.

Gặp phải một số sự việc rõ ràng là không đúng, họ làm sai rồi, bạn cũng nên nghĩ xem bạn nhắc nhở rồi họ có thể tiếp nhận hay không? Tôi thực sự đã gặp phải một tình huống như vậy. Tôi không thể nói anh ấy là ai. Đó là một người bên cạnh tôi. Rõ ràng biết anh ta sai ở đâu, bạn thấy rất rõ ràng, nhưng bạn càng nói thì anh ta càng hận bạn. Sau đó tôi khống chế bản thân, chính là không nói nữa.

Còn có người rõ ràng họ đến hỏi bạn, nhưng bạn cũng không thể nói, vì sao vậy? Vì khi họ hỏi bạn, nhưng bản thân họ lại không có tâm cung kính, họ có thể cũng không hy vọng, cũng không mong đợi. Bạn có thể nói một, hai, ba lần, có lúc sau khi bạn nói xong thì những lời nói này ngược lại còn bị xuyên tạc, sau khi họ truyền đi thì lệch lạc không đúng. Tôi thật sự là, chính tôi rất chân thành nói chuyện với một người bạn chuyện này nên làm như thế này, như thế kia, bởi vì tôi nói không nhiều nên tôi nhớ rất rõ ràng tôi đã nói những gì. Kết quả chưa đến hai ngày, có một người khác truyền đạt lại rằng tôi nói thế này thế nọ, lời này đã hoàn toàn sai sự thật rồi. Sau đó tôi đã phản tỉnh chính mình. Sự sai lầm này nhất định không phải tại người khác mà ở bản thân tôi, tôi liền phản tỉnh. Chính là bạn lấy tâm chân thành để nghe những lời không chân thành của người khác nói chuyện, nhưng bạn nghe thấy đều là những lời tốt đẹp. Nói cách khác, ví dụ như bạn dùng trái tim của Phật Bồ Tát để nghe phàm phu nói chuyện, bạn sẽ nghe thấy đều là lời của Phật Bồ Tát; bạn lấy tâm phàm phu để nghe Phật Bồ Tát nói chuyện thì bạn nghe thấy cũng đều là những lời của phàm phu. Cho nên trước khi nói chuyện bạn cần phải vô cùng đặc biệt suy xét kỹ càng người này thuộc luân nào trong ngũ luân? Không thuộc mẹ hiền con hiếu, không thuộc phu phụ hữu biệt, không thuộc quân thần hữu nghĩa, không thuộc anh nhường em kính, nếu như rơi vào luân bạn bè thì trước tiên bạn phải phản tỉnh bản thân, bạn và họ có phải bằng hữu không? Nếu không phải bằng, cũng không phải hữu, thì còn lời gì mà nói chứ? Lời nói ra chính là tạo nghiệp.

Thực sự con người tôi có duy nhất một đặc điểm, chính là tôi tuyệt đối sẽ không rơi hai lần xuống cùng một cái hố. Thông thường khi tôi phạm một sai lầm, bản thân tôi sẽ ở đó suy nghĩ, “tại vì sao mình có thể phạm cái lỗi này được chứ?”. Thật sự là trước đây tôi còn oán hận người khác, hiện nay thì tôi tuyệt đối không oán giận nữa, mà tôi sẽ nghĩ nhất định là bản thân mình có vấn đề. Bản thân bạn chỗ nào có vấn đề, bạn cũng không nghĩ ra, thì đó chính là ngu si. Vì sao người ta lại đối đãi với bạn như vậy? Nếu không phải là do đức của bạn chưa tu thì là do bản thân bạn chiêu cảm đến. Bạn xem, tôi luôn phản tỉnh bản thân mình.

Tôi xin chia sẻ với mọi người, trước đây tôi rất nhiệt tình, nhìn thấy người ta mùa đông ở đây không có lò sưởi thì tặng họ một cái lò sưởi, thấy ở đó thiếu bánh thì tặng bánh trung thu, thấy ở đây thiếu cái gì đó tôi tặng tiền. Bản thân cảm thấy rất vui khi làm việc thiện. Thấy người ta thiếu sách thì tôi in sách tặng họ. Tặng một số lượng lớn rồi thì tôi bị một nhóm người chửi mắng. Không có gì tốt cả. Tôi liền phản tỉnh, mình làm sao vậy? Đây là giúp đỡ hay không phải là giúp đỡ, sao làm việc tốt mà lại rước lấy một đống tiếng xấu vậy? Sau đó tôi nghĩ, nguyên nhân căn bản là gì? Nếu bạn là người nghèo, bạn làm như vậy thì có thể người ta sẽ tán thán bạn, còn như điều kiện của bản thân bạn không tệ, vậy bạn có cái gì để khoe khoang chứ? Chính là khoe khoang bạn có tiền, khoe khoang bạn có thể làm gì đó.

Trước đây, có một câu chuyện kể một người, có lẽ là họ Bàng. Tôi nhớ đó là một cư sĩ vào thời xưa, ông muốn một lòng tu đạo. Ông có rất nhiều tiền, cuối cùng khi ông xuất gia tu đạo ông quyết định đem tất cả tiền tài gói lại đặt trên một chiếc thuyền, sau đó toàn bộ đều nhấn chìm xuống đáy biển, nhà cũng đốt đi. Vì sao lại như vậy? Ông nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không có việc gì, hưởng phước thanh nhàn là quan trọng nhất”, còn tôi chính là phan duyên. Sau khi tôi phản tỉnh bản thân xong thì tôi không tặng nữa, cũng không dằn vặt nữa, tôi liền yên tĩnh ở nhà, chính mình tu tốt cái đạo này, cái lý này. Chí ít ở nhà tôi phải đóng ba vai trò là: làm vợ, làm mẹ, làm con gái. Phải làm cho thấu triệt.

Hôm nay thời gian có hạn, bản thân tôi cũng làm không tốt lắm, nhưng thông qua học tập “ Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, giáo dục “Nữ Đức” truyền thống xa xưa, sau khi hiểu rõ những đạo lý này từng chút một thì cuộc sống gia đình tôi đã có thọ dụng, chồng tôi vui vẻ, con cái có tiến bộ, ba mẹ hài lòng. Tôi xin cùng chia sẻ lại với mọi người, nếu có chỗ nào không thỏa đáng xin các vị thầy cô có thể chỉ bảo, góp ý. Xin cảm ơn các vị đại đức, thầy cô giáo! Xin cảm ơn mọi người!
-----------------
 




Học tập Nữ Đức (Tập 4)

Các vị thầy cô giáo tôn kính! Xin chào mọi người!

Hôm nay, tôi xin tiếp tục chia sẻ tâm đắc khi học tập chương thứ tư  “Phụ hạnh” trong “Nữ Giới”. “Phụ hạnh” trên thực tế chính là bốn đức hạnh của phụ nữ: Phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. trong “Nữ Giới”, bốn đức hạnh “đức, ngôn, dung, công” là phần mà tôi có cảm xúc lớn nhất trong quá trình học tập bảy chương này. Bởi vì tầm tuổi này (tôi sinh năm 1972, năm nay tôi ba mươi tám tuổi), nhưng đối với tam tòng tứ đức tôi lại không có bất cứ khái niệm gì. Hơn nữa, nếu như nghe những lời này thì tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu, rất phản cảm, vì một chút tôi cũng chưa từng tiếp xúc qua. “Nữ Giới” là do tình cờ năm ngoái khi học tập văn hóa truyền thống, tôi nhìn thấy một quyển sách nhỏ hay, chính là “Quyển sách mà phụ nữ đời nay không thể không đọc”. Sau đó tôi thuận tay lật vài trang đặc biệt, nhìn thấy phần “phụ hạnh” tôi rất chấn động, bởi vì tôi cảm thấy nó hoàn toàn khác so với tưởng tượng của tôi. Sau đó, tôi liền đem cuốn sách này về công ty. Lúc đó tôi đã in khoảng 1.000 quyển. Trước tiên tôi phát cho nhân viên nữ trong công ty, sau đó thì phát cho các hội viên. Kỳ thực tôi cũng không nghiêm túc học tập, chỉ cảm thấy nó rất hay. Đương nhiên sau đó tôi cũng in mấy vạn cuốn phát ra bên ngoài để cho các nhân viên nữ học tập, nhưng họ lại không hiểu lắm. Lúc đó các nhân viên nữ còn nói với tôi: “Giám đốc Trần à! Cô giảng cho chúng tôi đi!”. Tôi nói: “Kỳ thực, tôi làm cũng không tốt, nên không giảng nổi. Mọi người hãy đọc nhiều lần. Chẳng phải nói, đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu hay sao?”.

Trước khi giảng giải thì tôi xin chia sẻ một chút với mọi người sự kết duyên của tôi với quyển “Nữ Giới” này. Việc mà giúp họ thay đổi nhiều nhất chính là khi học phần “phụ hạnh”. Lúc đó, bởi vì tất cả nhân viên nữ trong công ty chúng tôi đều là con một, phần lớn đều là thế hệ 9X, tức là khoảng hơn hai mươi tuổi, cho nên thứ nhất là không biết nấu cơm, thứ hai là không biết dọn dẹp nhà cửa. Khi học “Nữ Giới”, mặc dù các nhân viên nữ không hiểu tầng ý nghĩa thâm sâu bên trong, nhưng sau khi học xong thì thay đổi đầu tiên họ nói với tôi là: “Giám đốc Trần à! Buổi trưa chúng tôi có thể tự nấu cơm”, là do các nhân viên nữ tự họ yêu cầu. Lúc đó tôi cảm thấy rất vui, tôi nói: “Được, vậy chúng ta tự nấu cơm nhé!”. Bởi vì trước đây họ đều mua cơm hộp về ăn, sau khi tự nấu ăn thì tôi đã nói với toàn thể nhân viên là: “Mỗi buổi trưa tôi sẽ trợ cấp tiền cơm trưa cho các bạn. Nếu các bạn ở lại tự nấu cơm thì tôi sẽ xuất ra một phần tiền của tôi, nhưng chỉ dùng số tiền này để nấu cơm trưa mà phải nấu chay. Nếu các bạn muốn ăn thì các bạn ăn, còn các bạn không muốn ăn thì có thể tiếp tục dùng tiền trợ cấp ăn trưa để mua thịt kho tàu. Nhưng nếu các bạn ăn cơm chay tôi nấu thì không thể tay này lại cầm một cái lạp xưởng được. Hai bên đều muốn, đều ăn, thì không được”. Lúc mới bắt đầu thì chỉ có hai - ba người hưởng ứng. Sau khi họ tính toán kỹ lại thì thấy, nếu ăn cơm chay của tôi thì một ngày tiết kiệm mười đồng, một tháng chí ít có thể tiết kiệm được ba trăm đồng. Sau đó tất cả đều ăn chay. Khi mới bắt đầu ăn chay thì ai cũng than đói, có thể do họ đang ăn thịt lại chuyển qua ăn chay, đặc biệt là những đồng nghiệp nam. Sau đó tôi nói: “Nếu đói các bạn có thể ăn thêm mấy bát. Dù sao trên bàn cũng không thể nhìn thấy thịt, nhìn thấy thịt vậy thì không đúng rồi, không công bằng”. Sau đó dần dần họ cũng quen.

Tôi đã mở một khóa học riêng khoảng ba ngày cho các nhân viên nữ, không phải giảng “Nữ Giới” mà học về nấu ăn như thế nào. Tôi nói: “Hiện tại xem sách dạy nấu ăn thì quá khó, nên trước tiên tôi sẽ đơn giản nói qua với các bạn, ví dụ như cơm phải nấu như thế nào?”. Bởi vì có khoảng hơn hai mươi nhân viên, nồi cơm đó rất lớn nên họ đều không biết nấu cần phải đổ bao nhiêu nước. Tôi liền nói cho họ biết phương pháp. Nồi rau lớn như vậy cần phải xào như thế nào? Xào phải có trước, có sau. Ví dụ từ khâu rửa rau, chuẩn bị rau, sau đó làm cái gì trước, làm cái gì sau. Bởi vì không có nhiều nồi như vậy nên bạn phải nấu trước, xào trước, hay là hấp trước. Tôi nói đại khái về trình tự nấu ăn, sau đó trọng điểm nói mấy nguyên tắc. Tôi nói: “Đầu tiên, ăn chay thì phải có rau ngũ sắc, không thể kén ăn. Thứ hai, không thể thiếu những món đậu, tức là đậu tương, đậu nành đều nên ăn thường xuyên. Thứ ba, các loại nấm không thể thiếu. Ví dụ như: mộc nhĩ, nấm hương nên thường xuyên ăn. Thứ tư, hạnh nhân không được thiếu. Thường xuyên rang đậu phộng, hạt điều”. Sau đó họ đều nói: “Giá thành cao quá”. Tôi nói: “Chúng ta không thể vì ham rẻ mà ăn chay. Thứ nhất, phải khiến tất cả mọi người đều cảm thấy ngon miệng. Thứ hai, phải để họ ăn xong thì cảm thấy thân thể khỏe mạnh hơn, có dinh dưỡng hơn trước đây. Do vậy, về mặt tiền bạc không thể keo kiệt. Các bạn chỉ cần mua là được rồi, bao nhiêu tiền tôi sẽ đưa một sổ tài khoản cho các bạn, các bạn tự đi rút tiền mua”.

Học “Nữ Giới” là một sự thay đổi lớn nhất đối với các nhân viên nữ trong công ty chúng tôi. Đến hiện tại thì tài nghệ nấu ăn của họ đều rất tốt, nấu ăn rất ngon. Tôi đến công ty thấy họ còn làm sủi cảo chay, bánh bao chay, nào là khoai tây kho tàu, đều do họ tự nghiên cứu ra. Đến Tết họ trở về nhà nấu cơm cho cha mẹ, cha mẹ họ đều nói: “Công ty các con còn dạy cả nấu ăn nữa sao?”. Sau đó họ đều nói: “Điều này rất tốt, bởi vì tương lai kết hôn có thể đều phải cần đến”.

Học tập “Nữ Đức” tôi cảm thấy quan trọng không phải là học tri thức, mà là sau khi học xong thì thân tâm, cuộc sống của chúng ta có phải hài hòa, vui vẻ hơn hay không.

Khi chúng tôi giảng bài có chia sẻ phần “kính thuận” trong chú giải của Vương Tương. Ông đã nói, “kính thuận” chủ yếu ở tâm. Đức hạnh của phụ nữ là nhìn ở trên sự, cũng chính là nói trong lòng bạn luôn giữ tâm cung kính và nhu thuận thì biểu hiện ra bên ngoài chính là bốn đức tướng. Do vậy, chúng ta xem phần mở đầu trong “Nữ Giới” nói như thế nào về “tứ đức”?

“Phụ đức không nhất định phải thông minh tuyệt đỉnh, phụ ngôn không nhất định phải mồm mép lanh lợi, phụ dung không nhất định phải nhan sắc mỹ lệ, phụ công không nhất định tay nghề phải khéo léo hơn người”.

Mọi người xem xong đoạn này thì tâm liền sẽ buông xuống. Kỳ thực nó rất dễ làm. Bởi vì, nếu một điều nào đó mà bạn làm rất xuất sắc, thì tâm kính thuận của bạn sẽ không còn nữa, đặc biệt bạn rất dễ sinh ngạo mạn. Bạn nghĩ xem, nếu như một người rất xinh đẹp hoặc một kỹ năng nào đó rất tốt, hoặc rất giỏi biện luận, vậy thì người phụ nữ này rất dễ trưởng dưỡng tâm ngạo mạn. Cho nên, phía trên Ban Chiêu - Tào Thái Cô [DTNT1] đã nói ra tổng nguyên tắc, tức là bốn điều này đều phải có đủ, nhưng không được chìm đắm ở trong đó. Mấu chốt là cái tâm đó của bạn. Những điều bà nói kỳ thực chính là thực hành cái đạo “Trung Dung” trong “Đại Học”. “Trung Dung” tức là không được bất cập, cũng không được thái quá. Chúng ta sẽ chia sẻ từng điều một.

Trước khi chia sẻ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy “tứ đức” thì ấn tượng đầu tiên của tôi là gì? Trên thực tế chính là giúp ba nghiệp: thân, khẩu, ý của chúng ta đều có thể thanh tịnh, không nhiễm. Bạn xem, Ban Chiêu nói “phụ đức” là gì? “Tâm chi sở thí vị chi đức” (những thứ từ tâm thể hiện ra gọi là đức). “Phụ ngôn” là: “Khẩu chi sở tuyên vị chi ngôn” (lời tuyên truyền từ miệng gọi là ngôn). “Phụ dung” là: “Mao chi sở sức vị chi dung” (phục sức dung mạo gọi là dung). “Phụ công” là: “Thân chi sở vụ vị chi công” (việc làm của thân gọi là công). Trên thân phải thêm một cái, là dung mạo của phụ nữ, bởi vì phụ nữ đều rất chú ý đến dung mạo.

Bà đã chú giải cho “phụ đức” như vầy: “U nhàn trinh tịnh, thủ tiết chỉnh tề, hành kỷ hữu sỉ, động tịnh hữu pháp”. Mười sáu chữ, nếu chúng ta học qua “Luận Ngữ” của thầy Chung giảng thì sẽ biết chữ “trinh” trong “u nhàn trinh tịnh” có bốn hàm nghĩa. Nếu chúng ta học “Nữ Tứ Thư” thời xưa sẽ phát hiện thấy chữ “trinh” này số lượng xuất hiện rất nhiều và chữ “tịnh” số lượng xuất hiện cũng rất nhiều. “Trinh”, tôi cảm thấy trong xã hội hiện tại nên đặc biệt nhấn mạnh trinh tiết. Đó chính là hàm nghĩa thứ tư. Bởi vì trước tiên chúng ta làm người thì hiếu thân tôn sư là đức hạnh vốn có, cần phải có của chúng ta. Nhưng là một người phụ nữ, thì trên cơ sở này cần phải nhấn mạnh điều gì? Tôi cảm thấy cái đức hạnh đó chính là trinh tiết.

Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì tôi từng tiếp xúc với một số phụ nữ, họ đối với mẹ cũng rất hiếu thuận, cho rằng mình rất hiếu thuận, rất cung kính, không tiếc dùng tiền phụng dưỡng mẹ, nhưng về mặt tình cảm trong đời sống hôn nhân thị lại rất phóng túng, không chú ý trên phương diện này. Khi tôi trao đổi với cô giáo này, cô ấy nói với tôi là: “Hiện tại là xã hội gì rồi?”. Bởi vì tuổi của cô ấy và tôi gần bằng nhau. Cô ấy nói: “Cô hãy xem giá trị quan của phương Tây, chúng ta đừng nên cứ mãi nắm chặt, không buông những thứ cổ hủ, phải buông xuống”. Cô ấy nói: “Cô là đồ cổ hủ”. Cô ấy nói tôi là đồ cổ hủ, vì sao vậy? Bởi vì người bạn trai đầu tiên của tôi chính là chồng tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, mặc dù chúng tôi là bạn học cấp ba nhưng cấp ba không có tiếp xúc, sau khi tốt nghiệp đại học thì anh ấy theo đuổi tôi. Lúc đó tôi đã hỏi bà nội của tôi, bởi vì từ nhỏ tôi đã sống chung với bà. Bà nội tôi nói: “Con nên mau lấy chồng đi, nếu không để lớn tuổi sẽ không còn đẹp. Nếu không lấy được chồng thì phải làm sao?”. May mà các bạn học khá hiểu rõ, tôi rất sớm, hai mươi tuổi tốt nghiệp đại học, hai mươi hai tuổi thì lấy chồng. Thế nên lúc đó cô giáo đó đã nói: “Cô là đồ cổ hủ”. Bởi vì ở bên ngoài tôi không hiểu rõ lắm. Sau đó tôi liền hỏi cô ấy: “Có phải hiện nay các cô đều có những quan điểm như vậy đúng không? Có thể ở bên ngoài có rất nhiều những mối quan hệ gọi là tình một đêm phải không?”. Cô ấy nói: “Đúng rồi! Điều này chẳng xem là gì cả”. Cô ấy cho rằng điều đó cũng không trái ngược với luân lý đạo đức, bởi vì cô ấy nói “tôi cũng rất hiếu thuận cha mẹ tôi”. Sau đó tôi cũng không nói gì.

Nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta nhìn từ góc độ của “Đệ Tử Quy”, trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Đức hạnh kém, cha mẹ tủi”. Việc này có được xem là đức hạnh kém hay không? Tôi cảm thấy một người phụ nữ chân chánh thì không những tâm thanh tịnh, không nhiễm, mà thân của cô ấy cũng phải thanh tịnh, không nhiễm. Hơn nữa, tôi nghĩ hiện nay không phải chỉ có tôi nói như vậy, hai ngày trước trước khi tôi đến giảng bài ở buổi luận đàm Hàm Đan, cha tôi đã đặc biệt đưa cho tôi xem một đoạn tin tức trên báo. Hiện nay ông có một công việc, bởi vì ông muốn xem báo mà gia đình chúng tôi nhiều năm không đặt mua báo. Tôi cũng đồng ý với ông nhưng tôi nói: “Ba có một nhiệm vụ, đó là giúp con cắt lấy một số minh chứng, ví dụ như quả báo của việc bất hiếu cha mẹ, hoặc những tin tức như gia đình rất hòa thuận”. Đây là một đoạn tin tức mà cha tôi đặc biệt đưa cho tôi. Tin tức này là ở tỉnh Vân Nam. Họ đã chính thức đưa chủ đề “Giữ Trinh Tiết Trước Khi Kết Hôn” vào trong giáo trình, hơn nữa còn trích dẫn những tài liệu của phương Tây. Phương Tây cũng đang tuyên truyền giảng giải điều này. Đó là một đoạn tin tức ngắn nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó, trong buổi luận đàm ở Hàm Đan tôi còn tuyên đọc trước đại chúng. Điều này nói rõ, nước ngoài đã ý thức được phụ nữ giữ trinh tiết là một đức hạnh rất quan trọng. Đây là truyền thống mỹ đức của dân tộc, đất nước chúng ta từ xưa tới nay đều như vậy, là mỹ đức mà phụ nữ dân tộc ta nên có. Nghĩa là phải giữ trinh tiết của mình, phải giữ thân mình như ngọc vậy. Bạn không thể học những thứ không tốt của người khác, còn những thứ quý giá của mình thì vứt bỏ. Cho nên, đoạn này tôi có thể chia sẻ những trọng điểm cần thiết với mọi người, bởi vì trên phương diện này bản thân tôi không có kinh nghiệm, chỉ là tôi nhìn thấy một số ví dụ bên cạnh mình.

Ví dụ trong số những bạn nữ mà tôi từng tiếp xúc, có một phụ nữ lớn hơn tôi mười mấy tuổi, có mối tình với một người đàn ông đã có vợ từ rất sớm, khoảng mười mấy năm. Người đàn ông đó là một vị lãnh đạo, cũng chưa hề chuẩn bị ly hôn để ở với cô ấy. Cô ấy vẫn luôn ôm suy nghĩ trông ngóng, trông ngóng. Từ năm ba mươi tuổi cô ấy trông ngóng đến năm bốn mươi tuổi, nhưng không có kết quả. Sau đó vì việc này mà cô ấy đã phá thai khoảng sáu lần, toàn bộ thân tâm đều tiều tụy. Cô ấy mắc rất nhiều bệnh phụ khoa, nhìn rất già. Đương nhiên với tình trạng hiện nay của cô ấy, người đàn ông đó cũng đối xử với cô ấy không tốt lắm. Do vậy, lúc đó tôi còn nói với cô ấy rằng: “Vì sao chị phải làm như vậy?”. Cô ấy nói, vì cô ấy rất yêu người đàn ông này, còn nói như thế này, như thế kia. Do vậy tôi cảm thấy phụ nữ nên có một tình yêu lý trí, chứ không phải một tình yêu chấp trước si mê, không hay không biết, hủy hoại bản thân mình, hủy hoại gia đình mình, còn nghĩ rằng giữ mối tình đó cả đời là một việc tốt mà không hề nghĩ đến con cái, cha mẹ của mình.

Một người phụ nữ đức hạnh chân chánh thì cả đời của họ trên thực tế chịu ảnh hưởng lớn nhất đầu tiên chính từ người mẹ. Tôi cảm thấy sự ảnh hưởng cả đời này của tôi kỳ thực không phải sau này ở bên ngoài học giáo dục văn hóa truyền thống, mà là gia giáo lúc tôi còn nhỏ. Trong buổi luận đàm văn hóa truyền thống trong nước, tôi từng có một bài giảng khá có tiếng vang, chính là “Hai Người Phụ Nữ Hai Cuộc Đời”. Lúc đó, tôi cùng một cô giáo khác cùng tuổi, cùng học lực, cùng một công việc rất tốt, nhưng đời sống nhân sinh thì hoàn toàn tương phản. Hiện nay thì tôi vẫn là người chồng, hai đứa con trai này, còn cô ấy thì đã ly hôn, tự mình nuôi một đứa con và gặp rất nhiều bất hạnh. Sau đó, chúng tôi bắt đầu chia sẻ về gia giáo lúc còn nhỏ. Bởi vì lúc tôi còn rất nhỏ, khoảng hơn một tuổi đã được ông bà nội đón về nuôi. Lúc đó mẹ tôi thân thể không được tốt lắm, lại mang song thai hai đứa em trai của tôi, nên tôi sống chung với bà nội.

Bà nội tôi là một người phụ nữ rất truyền thống, mười sáu tuổi đã được gả cho ông nội tôi. Nhà ông nội tôi là một gia đình khá giả, nhưng ông là con một. Đến năm nay thì bà nội tôi đã tám mươi lăm tuổi, ông nội tôi tám mươi tuổi, nhưng họ vẫn sống với nhau rất hạnh phúc. Bà nội tôi không có học lực gì, cũng không có văn hóa, còn ông nội thì từ nhỏ đã đọc nhiều thơ kinh, rất có văn hóa, cũng có một chức vụ nhất định, nhưng ông chưa từng ghét bỏ bà nội tôi. Cả đời của bà nội cho tôi một cảm giác, chính là nhẫn nhục, chịu khó. Tôi chưa từng thấy bà la mắng ai, chưa từng thấy bà nội nói ai. Cũng giống như hôm qua cô giáo Lưu đã chia sẻ một số sự việc, lúc nhỏ tôi đều đã trải qua. Gia đình chúng tôi giống như một khách sạn vậy, tức là ai đến cũng được, ăn ở tự nhiên. Nếu không có ai đến, tôi nhớ có một lần bà nội tôi cứ đứng bên bệ cửa sổ nhìn xuống dưới. Tôi nói: “Bà nội! Bà nhìn gì vậy?”. Bà tôi nói: “Hôm qua bà nhìn thấy một người giống như ăn xin vậy, bới trong thùng rác tìm thức ăn”. Bà nội tôi đã đặc biệt hấp mấy cái bánh bao, sau đó lấy túi ni lông bọc lại cẩn thận rồi bỏ vào trong thùng rác đó. Bà luôn để ý xem người ăn xin đó hôm nay có đến tìm đồ ăn hay không. “Vừa tìm chẳng phải ông ấy liền có thể lấy được những cái bánh bao mới hấp rồi hay sao?”. Tôi nói: “Bà à! Bà đừng nhìn nữa, họ muốn lấy thì họ lấy”. Bà nội tôi nói: “Bà đợi ông ấy đến lấy. Tốt nhất ăn lúc còn nóng, không nên ăn nguội. Nên bà cứ đứng đó nhìn”.

Hơn nữa, từ nhỏ khi lên lớp tôi cũng từng chia sẻ những sự dạy dỗ của bà đối với tôi. Ví dụ: Tôi chưa từng có quần áo mới, đều là mặc đồ thừa của bà nội, của cô, của thím. Bà nội tôi nói: “Con gái không được coi trọng việc mặc đồ như vậy”. Cho nên, sau khi lớn lên tôi cũng có phản đối, phản kháng. Bởi vì sau này điều kiện kinh tế của tôi tương đối tốt, đã có một thời gian tôi điên cuồng mua y phục. Đương nhiên học xong văn hóa truyền thống thì tôi đã quay đầu. Lúc nhỏ thì tôi chưa từng được mặc áo mới.

Còn một điều nữa, bà nói không được phép kén ăn. Con gái không được kén cá chọn canh. Có một lần tôi không thích ăn mì, bà nội liền phạt tôi đứng ở dưới lầu từ bốn giờ chiều đến hơn mười giờ tối, cứ đứng đó. Tôi cũng không nói gì. Sau đó, sau khi đưa tôi lên lầu bà nội hỏi tôi có đói không? Tôi nói: “Có đói ạ!”. Bà nội lại mang bát mì đó ra rồi nói: “Đói rồi thì ăn đi!”. Tôi lại ăn bát mì đó. Do vậy, sau này nhà tôi thuê người giúp việc vì sao tay nghề nấu ăn không có tiến bộ vậy? Vì tôi không kén ăn, cô ấy nấu gì thì tôi ăn cái đó. Chồng tôi nói: “Khó ăn như vậy mà em cũng ăn được sao?”. Tôi nói: “Cũng được”. Có thể đó chính là thói quen của tôi.

Một điều nữa, chính là bà nội không cho phép tôi chiếm lợi ích. Bà nói: “Con chiếm bất cứ chút lợi ích nhỏ nào thì đó chính là con chịu thiệt lớn. Con gái đặc biệt không được có tâm lý chiếm lợi ích”. Hơn nữa, từ nhỏ tất cả việc nhà bà đều bắt tôi làm, khoảng năm - sáu tuổi tôi đã gói sủi cảo với bà rồi. Hơn nữa, nếu gói không đẹp thì bà sẽ trách mắng tôi, do vậy mà tôi gói sủi cảo rất đẹp. Sau đó vào dịp tết, ngày lễ, tất cả việc nhà đều do tôi làm.

Những điều này thực sự đã ảnh hưởng cả đời của tôi. Có thể sau khi kết hôn, bước vào trong môi trường xã hội mới bị tiêm nhiễm phải những thứ không tốt, nhưng gặp được văn hóa truyền thống, gặp được thiện duyên này, thì tôi quay đầu đặc biệt nhanh. Bởi vì trước đây tôi cảm thấy hình như từ tận đáy lòng trồng cái hạt giống đó chưa nảy mầm. Có thể trước đây có một số thứ che lấp mất, nhưng khi bạn gặp được duyên phận tốt thì nó sẽ mọc lên rất nhanh. Hơn nữa, trong cuộc sống hôn nhân không thể nói tôi đều thuận buồm xuôi gió, cũng có một số những mê muội, vì tôi không có những đức hạnh tốt như cô giáo Lưu Phương. Trong hôn nhân tôi cũng có những sự mê muội.

Ví dụ sáu - bảy năm trước, lúc đó tôi chưa có con, tôi làm việc tại một công ty nước ngoài ở Bắc Kinh. Công ty đó vô cùng xem trọng tôi. Tổng giám đốc là người nước ngoài, ông hy vọng đưa tôi đến Thượng Hải để phát triển sự nghiệp. Lúc đó, cách nghĩ của tôi tương đối ấu trĩ. Tôi nghĩ, dù sao mình cũng chưa có con, nếu dứt khoát ly hôn, thì tôi sẽ phát triển sự nghiệp của mình càng nhanh chóng, nhẹ nhàng hơn. Tôi liền trở về nhà và vô cùng điềm nhiên nói với chồng tôi rằng tôi muốn ly hôn. Bởi vì con người tôi thuộc loại người không quá chấp trước tình cảm, tức là đối với tình cảm không xem trọng. Chồng tôi nói: “Vì sao vậy?”. Tôi nói: “Em muốn phát triển tốt sự nghiệp”. Chồng tôi rất tức giận, anh ấy nói: “Em có thể ly hôn nếu em viết lý do này rồi trước tiên thưa trình lên ông bà nội của em và ba mẹ em. Họ ký tên thì anh cũng sẽ ký tên”. Sau đó tôi không dám viết, bởi vì tôi rất sợ ông bà nội mắng. Từ nhỏ thực sự họ quản tôi rất nghiêm.

Tôi nhớ, có một lần tôi đứng thổi kẹo cao su, lúc đó khoảng mười tuổi, còn rất nhỏ. Lúc đó nổi lên [phong trào] một loại kẹo cao su (chewing-gum), tôi cũng vừa mới thổi. Tôi về nhà cảm thấy rất thích thú, đang ở đó thổi một cái bong bóng lớn, còn đang ở đó thưởng thức liền bị ông tôi tát một cái vào miệng. Bỗng nhiên tôi nuốt nó vào bụng. Nuốt vào bụng rồi, kỳ thực tôi cũng không nghĩ vì sao ông nội đánh tôi, tôi chỉ nghĩ có phải nó sẽ dính vào bao tử của tôi, hay tôi có còn ăn cơm được hay không? Sau đó ông tôi liền nói: “Đứng vào tường đi! Vì sao ông đánh, con có biết hay không?”. Tôi nói: “Con không biết ạ!”. Ông nói: “Làm gì có đứa con gái nào như vậy chứ, thổi phì phì phì phì, quá xấu! Cả đời này con không được phép thổi nữa”. Sau đó thực sự cả đời này tôi không dám thổi kẹo cao su nữa. Sau đó tôi còn lén hỏi bà nội là: “Nuốt cái đó vào bụng có vấn đề gì không nội?”. Bà tôi nói: “Không sao cả! Con muốn ăn cơm thì cứ ăn đi”. Nhưng giáo dục lúc nhỏ có ảnh hưởng đặc biệt suốt cuộc đời một người.

Hơn nữa, tấm gương của cha mẹ, những tấm gương của tổ tiên sẽ cho bạn sự khích lệ rất tốt. Gia đình chúng tôi không có chuyện ly hôn. Giống như cha mẹ, tôi cũng kết hôn rất sớm, khoảng hai mươi hai - hai mươi ba tuổi là tôi kết hôn. Hiện tại họ cũng đều hơn sáu mươi tuổi rồi, sống cùng nhau rất đằm thắm, giống như chồng cày ruộng, vợ dệt vải vậy. Cha tôi lái xe, mẹ tôi ngồi xe; cha tôi quét dọn vườn hoa, mẹ tôi ở nhà nấu cơm, hai người phối hợp với nhau vô cùng tốt. Giống như rất nhiều hàng xóm trong khuôn viên của chúng tôi rất ngưỡng mộ họ. Có cơ hội tôi có thể dẫn mẹ tôi đến. Mẹ tôi rất trẻ, giống như người hơn bốn mươi tuổi vậy, việc gì cũng không quản, không lo nghĩ. Bà nói: “Những việc này đều do ba con làm chủ, mẹ chỉ nấu cơm cho ngon, nhà cửa dọn dẹp cho sạch vậy là việc của mẹ đã làm xong rồi, những việc lớn khác cũng không liên quan gì đến mẹ”. Do vậy, mặc dù tôi cảm thấy mẹ tôi một đời chẳng phải là một phụ nữ thành công hay là một nữ doanh nhân gì, nhưng cuộc sống như vậy của bà có ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với phận làm con cái như chúng tôi. Trong gia đình thì tôi kết hôn được mười sáu năm rồi, em trai tôi cũng kết hôn được hơn mười năm. Chúng tôi đều sống cuộc sống rất bình thường như vậy.“U nhàn trinh tịnh, thủ tiết chỉnh tề”, điều tôi có thể lý giải chính là trinh tiết.

Tôi nhớ có một lần tôi tới Hàng Châu uống trà Long Tĩnh, lúc đó họ đã nói với tôi: “Tịnh Du à! Cô thưởng thức loại trà này đi, nó đặc biệt thơm”. Tôi không biết nghệ thuật thưởng thức trà. Sau đó tôi liền nói: “Tại sao nó lại thơm như vậy?”. Anh ấy nói: “Tôi quen biết gia đình này, khi họ sao trà họ đều dùng các cô gái trong trắng, đều là những cô gái phẩm hạnh rất tốt đi sao trà, cho nên trà của gia đình họ đặc biệt thơm, đặc biệt ngon. Nếu như để những người không giữ quy củ ở đây sao trà, thì vị của trà sẽ không thơm như vậy”. Đương nhiên tôi không thường uống trà nên tôi cũng không biết, nhưng tôi cảm thấy anh ấy nói như vậy có thể có đạo lý. Bởi vì một người phụ nữ phẩm hạnh rất tốt thì từ trường của cô ấy nhất định rất tốt, sẽ cảm hóa được một số cảnh vật bên cạnh.

Vậy “hành kỷ hữu sỉ”(biết hổ thẹn khi chính mình phạm sai) là câu thứ ba của “phụ đức”. Câu nói này do Khổng Lão Phu Tử nói. Chúng ta học “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, trong đó cũng có nói: “Mới giàu có một chút đã kiêu căng chạy tội, không biết xấu hổ”. Con người sợ nhất chính là không có tâm hổ thẹn. Bạn xem “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói cách để sửa lỗi. Cái tâm đầu tiên cần phải có chính là tâm hổ thẹn. Con người không có tâm hổ thẹn thì không khác gì cầm thú, làm việc gì cũng kiêu ngạo, không biết hổ thẹn, cảm thấy mình làm gì cũng có đạo lý, đều tự cho mình là đúng. Đặc biệt phụ nữ hiện nay, có thể trên phương diện này không có cảm giác hổ thẹn. Điều này tôi nghĩ, không thể trách phụ nữ hiện nay, phải bắt đầu làm từ chính mình, đặc biệt những đệ tử học Phật như chúng ta phải làm một tấm gương tốt để cảm hóa được những người bên cạnh mình.

Tôi có quen một cô học Phật nhỏ hơn tôi vài tuổi. Cô phản bội chồng mình đi ngoại tình với một người đàn ông khác bên ngoài, nhưng ngày ngày vẫn lên công phu khóa sáng, khóa tối. Sau khi cô ấy ngoại tình thì lại phá thai. Sau đó, có một người bạn trung gian quen biết tôi, cũng quen biết cô ấy, đã hỏi tôi. Tôi nói: “Như vậy thì quả báo sau này sẽ rất nặng nề. Cô ấy không nhận thức được chính xác thế nào là học Phật”. Ví dụ có một người nói với tôi là: “Bạn trai của cô ấy học Phật, cô ấy phát hiện thấy anh ấy có rất nhiều điểm sai sót”. Tôi nói: “Vậy cô hãy hỏi anh ta Phật là người thế nào? Anh ta đã học vị Phật nào vậy?”. Có thể trên thân chúng ta có rất nhiều phiền não tập khí, nhưng chỉ cần bạn có tâm hổ thẹn này thì bạn sẽ muốn sửa đổi.

Tập khí của tôi cũng rất nặng. Lần cuối cùng tôi nổi nóng một trận rất lớn với chồng tôi là khoảng ba năm về trước, lúc đó tôi vẫn chưa học “Đệ Tử Quy”. Lúc đó nộ khí của tôi rất lớn, thực sự là không tìm được người để thổ lộ. Bởi vì bình thường tôi cũng không có bạn bè gì, chỉ tình cờ quen một vị trưởng bối tu học rất tốt. Ông là một bác sĩ Đông y chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Ông đã hơn bảy mươi tuổi. Tôi thường gọi ông là bác sĩ Tống. Tôi gọi điện thoại cho ông, tôi đã khóc. Tôi nói: “Con rất đau khổ, con đã gặp phải một vấn đề về tình cảm, không phải bởi vì tình cảm mà là chấp ngã”. Lúc đó bác sĩ Tống đã cười và câu đầu tiên ông nói là: “Con đang làm gì?”. Tôi buột miệng nói: “Con học Phật ạ!”. Ông nói: “Vậy con học Phật vì cái gì?”. Tôi nói: “Để thành Phật ạ!”. Ông nói: “Vậy chẳng phải đủ rồi sao? Con muốn thành Phật mà con còn đi so đo với cậu ấy làm gì? Con nói xem, voi có đi tính toán với kiến hay không?”. Đương nhiên sự so sánh này cũng không được thích hợp lắm, nhưng lúc đó tôi lại thấy nhẹ nhõm. Tôi nhẹ nhõm là do tôi nghĩ, mình có chí hướng cao như vậy thì sao phải đi so đo những chuyện phàm tục của thế gian này làm gì. Do vậy, hiện nay tôi cũng thường lấy điều này để hóa giải một số chuyện. Ví dụ như, việc này chẳng có quan hệ gì đến việc tôi thành Phật, chẳng  cuốn sách nào nói nhất định phải làm việc này thì bạn có thể thành Phật, vậy là tôi liền nghĩ đều tốt, tùy duyên vậy! Ví dụ giảng bài, cũng không nói nhất định phải giảng bài thì mới có thể thành Phật. Giảng hay không giảng đều tốt, có duyên thì giảng, không có duyên thì không giảng. Có duyên làm việc gì thì làm việc đó, không có duyên làm gì thì thôi. Do vậy tôi cảm thấy, đệ tử Phật thực hiện “Nữ Đức” có lẽ là dễ nhất. Bởi vì khi trong tâm có chí hướng vô cùng cao, thì chúng ta sẽ xem những việc này rất đỗi bình thường. Chúng ta còn có một tấm gương tốt như sau. Tôi từng in 1.000 cuốn “Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện”. Tôi rất thích đọc, không rời tay, cũng tặng cho rất nhiều người. Từ đầu đến cuối tôi đã xem qua một lượt. Ngài là thầy giáo, là bổn sư của chúng ta. Ngài làm như thế nào? Mặc dù Ngài là nam, còn tôi là phụ nữ, nhưng Ngài có rất nhiều lời chỉ dạy, giáo huấn cho phụ nữ. Một người phụ nữ nên làm vợ, nên làm phụ nữ như thế nào, Ngài đã dạy như vậy thì chúng ta cũng nên làm theo như vậy, nếu không thì chúng ta đừng nói là mình học Phật. Bạn nói tôi có hứng thú với lời Phật dạy, tôi hiểu rõ, ấy thế mà thực sự lại là người không tốt.

Tâm hổ thẹn là do thông qua học tập, thông qua việc không ngừng phản tỉnh bản thân mà sanh khởi. Con người nếu không phản tỉnh bản thân thì sẽ không có cảm giác hổ thẹn. Bạn làm rồi bạn sẽ cảm thấy rất có đạo lý, nên làm như vậy. Khi bạn vừa phản tỉnh bản thân thì tâm hổ thẹn của bạn sẽ sanh khởi.

Phản tỉnh như thế nào? Tôi cảm thấy, ví dụ bạn gặp phải một số nghịch cảnh, gặp phải một số chuyện không như ý, gặp phải một số chuyện phiền não, hoặc là bạn sanh bệnh, những lúc này bạn phải tịnh tâm lại phản tỉnh chính mình một chút. Vì sao bạn lại sanh bệnh, vì sao người như vậy lại đến bên cạnh bạn? Do chiêu cảm mà ra. Chẳng phải là: “Vật ở theo bầy, người chơi theo nhóm” (vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân) hay sao? Tại sao người như vậy lại đến tìm bạn? Chẳng phải họ nói ra đều là những lời nói rất khó nghe hay sao? Thế nên bạn phải phản tỉnh chính mình.

Hôm đó tôi nghe thầy Chung giảng “Luận Ngữ”, phần để lại cho tôi ấn tượng sâu nhất chính là: “Dân vô tín tắc bất lập”. Đây là một chương trong “Luận Ngữ”. Tôi cảm thấy cho dù là học gì thì “tín” có lẽ là quan trọng nhất, nếu không có “tín” thì đều sẽ xuất hiện vấn đề. Cũng giống như sáng hôm qua, kỳ thực tôi không lạc đường, con đường tôi đi hoàn toàn chính xác, nhưng đi nửa đường thì tôi lại nghĩ, “có phải con đường này không, hình như không phải”, liền quay lại. Quay lại rồi tôi đứng ở đó. Sau đó tôi nghĩ, sắp đến giờ rồi không tìm nữa, hay là tìm thiện tri thức đến dẫn về. Tôi liền gọi điện thoại cho cô Du. Tôi nói: “Hình như tôi lạc đường rồi, tôi ở đây chờ cô”. Kết quả, chờ chưa đến hai phút thì cô Du đến. Cô nói: “Cô đi đúng đường rồi, chính là con đường này. Cô cứ đi thẳng là đến”.

Trong quá trình học của chúng ta đều là như vậy, đều do dự mình học cái này có đúng không, có phải như vậy không? Nếu vậy thì bạn đã làm lỡ thời gian. Do vậy, kiên định lòng tin chính là không cần gì phải do dự, chỉ cần làm như vậy thì đúng rồi. Học “Nữ Đức” có thể thành tựu một đời này của chúng ta. Nó là nền tảng để chúng ta học Phật.

Nếu mọi người có hứng thú thì mở “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”, sẽ thấy một lượng lớn đều giảng về “Nữ Đức”. Chi tiết đến mức, đeo đồ trang sức hay không, có thể xuất gia hay không, làm sao dạy con cái, làm sao chỉ bảo chồng, nên cho con cái xem những sách gì, đặt tên như thế nào, nhất cử nhất động Ngài đều nói. Tôi cảm thấy Tổ Sư Ấn Quang thật từ bi, bao gồm cả việc đặt tên Ngài cũng nói cho bạn. Con gái nên đặt những tên gì, cần đặt những tên tương tự như là “u nhàn trinh tịnh”, không nên quá khoa trương[DTNT2] . Đặt tên như vậy để lúc nào chúng cũng nhắc nhở chính mình.

Tên của tôi là do ông nội tôi đặt cho. Bởi vì lúc đó ông đã chọn hai cái tên. Một là Trần Vũ Tâm, hai là Trần Tịnh Du. “Vũ” nghĩa là trời mưa; “tâm” là tâm linh, cảm giác khá thanh tịnh mà linh hoạt. Ông nội tôi là người rất thích đọc sách. Sau đó ông tôi chọn tên cho tôi là Tịnh Du. “Tịnh” là ông hy vọng cả đời tôi giống như một người phụ nữ phải yên tĩnh, giữ được sự thanh tịnh. Ông nói với tôi: ““Du” có nghĩa là ngọc đẹp, không tỳ vết, hy vọng phẩm hạnh của con có thể giống như một viên ngọc đẹp, không tỳ vết vậy”. Nhưng bản thân tôi rất hổ thẹn, vì tôi có rất nhiều khuyết điểm. Do vậy mà tôi cần phải thông qua học tập giáo huấn của Thánh Hiền để có thể loại bỏ từng chút một, chuyển hóa những khuyết điểm đó.

“Động tịnh hữu pháp”. “Động tịnh hữu pháp” đứng sau ba câu phía trước. Chữ “pháp” này chính là quy tắc, quy củ, cũng chính là nói khi bạn khởi lên một lời nói, một hành động hay khi bạn trầm mặc tĩnh tọa, thì đều phải có một cái tướng uy nghi. Kỳ thực, một người phụ nữ sau khi bạn làm được bốn câu này thì sẽ khiến mọi người cảm thấy người phụ nữ này rất đức hạnh đoan trang, bao dung, không lẳng lơ, rất đúng mực, lịch sự nho nhã, điềm đạm, khiêm tốn. Tôi tin đây có lẽ cũng là tiêu chuẩn của yểu điệu thục nữ.

Nhưng một người phụ nữ như vậy, trong xã hội hiện nay thật sự vô cùng khó tìm. Nguyên nhân căn bản chính là thiếu sự giáo dục, không có người dạy. Cha mẹ chúng ta không dạy, trường học không dạy, xã hội đương nhiên càng không dạy. Chúng ta hãy mở tất cả tạp chí ra xem, có quyển nào chuyên dạy về “Nữ Đức” hay không? Tất cả tạp chí đều chỉ dạy bạn làm sao để trang điểm, làm đẹp, mặc những trang phục hết sức gợi cảm. Đều là những tạp chí bới móc đời tư của các minh tinh, làm thế nào để tìm người có tiền,….

Tôi đến thẩm mỹ viện, sau đó tôi đã kiến nghị họ nên thay những quyển sách tạp chí đó bằng quyển “Hạnh Phúc Nhân Sinh” của thầy Thái Lễ Húc, “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Sau đó họ nói, họ không có những loại sách này, không mua được. Tôi liền mang đến rất nhiều sách, tôi nói: “Những quyển sách này có thể xem, những quyển kia nếu khách hàng thích có thể thỉnh về”. Nhưng họ cũng không thay đổi toàn bộ sách, mà vẫn giữ lại những quyển sách báo của họ. Sau đó họ nói, hiệu quả cũng khá tốt. Có người xem liền nói: “Quyển sách này tôi chưa từng xem qua, hoàn toàn mới mẻ, cũng có đạo lý”. Bởi vì trước đây tôi cũng đi mỹ viện, tiền trong thẻ của thẩm mỹ viện trước đây vẫn chưa dùng hết nên vẫn phải tiếp tục sử dụng, muốn trả lại họ cũng không đồng ý. Tôi đến rồi ngồi ở đó. Tôi nói: “Tôi muốn xem tạp chí”. Sau đó tôi nói đùa với họ là: “Những quyển tạp chí này của bạn tôi không cách gì xem được, chúng đều ảnh hưởng không tốt đến thân tâm của tôi”, nên tôi muốn giúp họ đổi sang sách khác.

Khi yên tĩnh một mình phải nhất tâm hướng thiện, không nên có tạp niệm, không nên để những chuyện hỗn tạp vào trong tâm. “Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” có nói: “Thường tư duy thiện pháp, thường quán sát thiện pháp”. Đây chính là việc chúng ta cần làm khi yên tĩnh một mình. Bạn phải luôn tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp. Nhìn mọi người, nhìn nhất cử nhất động của người bên cạnh bạn, họ đều đáng để bạn học tập. Bạn học như thế nào, làm như thế nào, làm sao để giúp đỡ người khác, bạn hãy tùy duyên tùy phận, không cần phải đặc biệt cố gắng đi tìm cầu.

Con người ai cũng có một đặc điểm, khi họ quen làm việc thiện thì thiện tâm và thiện căn của họ sẽ tích lũy càng ngày càng sâu dày, khi sâu dày tới một mức độ nhất định thì sẽ xuất hiện một cảnh giới bất khả tư nghì. Nhưng nếu bạn không đi tích lũy, bạn không tích công lũy đức, thì cảnh giới đó vĩnh viễn sẽ không xuất hiện. Vậy khi làm những việc này bạn nên tùy duyên là được.

Ví dụ năm ngoái, khi tham gia buổi luận đàm ở đảo Tần Hoàng tôi đã quen được một nhà hảo tâm. Nhà hảo tâm đó đã giúp đỡ tất cả những nông dân nghèo khổ ở vùng núi, chủ yếu là giúp đỡ gửi một số quần áo cũ, mua một số gạo, mì, dầu đến đó. Sau khi trở về, bởi vì quần áo cũ của tôi, quần áo lao động của các nhân viên không mặc cũng rất nhiều, một số thứ khác như: ga giường, mền, chăn, giày mà gia đình của các nhân viên này không dùng chúng tôi đã thu gom được khoảng sáu thùng lớn. Chúng tôi gom xong đem đi giặt sạch sẽ, xong gửi qua bên đó. Hoạt động này làm từ năm ngoái, đến hiện tại vẫn duy trì việc gửi đồ qua bên đó. Hoạt động này sau đó đã được nhân rộng ra.

Tôi có một hội tịnh tâm [DTNT3] riêng. Trong hội chúng tôi, có một số bạn bè đều cùng nhau học văn hóa truyền thống. Họ đều là một người truyền cho hai người, hai người truyền cho ba người, định kỳ mang một số quần áo trong nhà không dùng đem đến hội. Sau đó, trong hội có hai cô giáo đem chúng đi giặt sạch sẽ rồi đóng gói lại  gửi qua bên đó. Họ làm việc này dường như đã trở thành một việc vô cùng tự nhiên. Không phải bạn ráng sức đi làm, hoặc như thế nào đó, mà dần dần nó sẽ khởi phát cái tâm thiện lành của mọi người.

Khi nói đến động, đương nhiên bao gồm miệng động và thân động. Phía sau có nói nên làm như thế nào? Nói tóm lại, một người phụ nữ đức hạnh họ biểu hiện ra luôn là một người có quy tắc, có khuôn phép, nghiêm túc, không nóng vội, tâm rất an tĩnh, có định lực. Một người có định lực thì sẽ khiến mọi người cảm thấy rất vững vàng, khiến mọi người cảm thấy có thể nương tựa được. Họ sẽ cảm thấy khi gần bạn tâm sẽ định lại, họ sẽ muốn đến tìm bạn.

Trước tiên hãy khoan nói đến lo cho mọi người bên ngoài, mà chính là bạn có thể lo liệu tốt cho gia đình nhỏ trong nhà bạn hay không. Ví dụ, tôi không thể nổi giận hoặc nóng vội. Tâm tôi vừa nóng vội thì chồng tôi liền không định. Anh ấy nói: “Trong tâm anh thấy bất ổn, dạo này em làm sao vậy?”. Do vậy, tâm của phụ nữ phải yên tĩnh, tâm phải định. Tâm bạn vừa định thì từ trường trong nhà bạn cũng sẽ định lại. Bạn ở trong nhà giống như là vật báu trấn biển vậy. Cho nên bạn không được dao động, bạn vừa dao động thì gia đình bạn liền sẽ nổi sóng thần, cuồng phong dữ dội, đều sẽ  làm bất ổn đến con cái cũng hoảng sợ, chồng bạn cũng thấp thỏm, họ sẽ cảm thấy ở đây có vấn đề gì vậy. Do vậy bạn xem, từ xưa đến nay những bà lão trong gia đình rất uy nghiêm ngồi ở đó. Các bà ngồi ở đó thì gia đình đều rất ổn định. Tương lai chúng ta nên trở thành những bà lão như vậy, không nên dao động.

Sau đây chúng ta tiếp tục chia sẻ phần “phụ ngôn”. “Phụ ngôn” vô cùng hay, cũng có bốn câu là: “trạch từ nhi thuyết” (“từ” là ngôn từ), “bất đạo ác ngữ” (nghĩa là không nói những lời thô ác), “thời nhiên hậu ngôn” (“thời” là thời gian). “Thời nhiên hậu ngôn, bất yếm ư nhân” (“yếm” là đáng ghét).

Bốn câu này có ý nghĩa gì vậy? Nghĩa là bạn phải suy nghĩ xem, những lời mà bạn nói ra, những lời mà bạn chọn lựa đó có nên nói hay không, có thể nói hay không?

“Trạch từ nhi thuyết”. Nhìn một cách đơn giản thì những lời chúng ta nói ra không thể là những lời thô ác. Nhưng trên thực tế, nếu phân tích ra thì cũng không dễ dàng. Trước tiên bạn phải phân biệt được thiện - ác. Bạn còn cho rằng những lời nói ra đều là lời thiện lương, nhưng trên thực tế đều là những lời thô ác, vậy phải làm sao? Học tập tiêu chuẩn của thiện - ác, kỳ thực trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” đã phân biệt rất rõ ràng, đặc biệt là trên phương diện ngôn ngữ. Lời lưỡng thiệt, lời vọng ngữ, lời ỷ ngữ, lời ác khẩu đều thuộc lời nói thô ác. Vậy, những lời nói thông thường khác nên nói như thế nào?

Đối với phụ nữ, tôi xin phân tích những điểm trọng yếu như sau. Thứ nhất, phụ nữ không nên tụ tập nói chuyện phiếm, tán gẫu. Đây là điều mà phụ nữ đặc biệt dễ phạm. Vì sao vậy? Bởi vì những nhân viên nữ trong công ty chúng tôi trước đây đều là như vậy. Nghĩa là hai - ba người một tốp, ba đến năm người một nhóm, ngồi đó nói chuyện y phục của bạn như thế này, khuyên tai của tôi như thế kia, hôm qua bạn xem phim gì, phim Hàn Quốc gì…. Bạn xem, đó không phải vọng ngữ, cũng không phải ác khẩu, cũng không phải lưỡng thiệt, cũng chẳng phải ỷ ngữ, nhưng những lời nói này không có một chút tác dụng gì. Sau đó, sau khi tôi học tập “Nữ Giới” tôi liền nói rất rõ ràng với họ là: “Chúng ta phải sửa đổi một chút, có thể không túm năm tụm ba nói những lời vô nghĩa này được không. Các bạn tập trung lại, nếu có công việc thì nói công việc, khi không có chuyện gì thì chúng ta xem giáo huấn của Thánh Hiền hoặc nghĩ xem việc này nên làm như thế nào để có kết quả tốt hơn”. Tôi nói: “Những lời này thực chất lãng phí thời gian, tinh lực, và thể lực của chúng ta”. Hơn nữa, còn dễ dẫn tới mâu thuẫn. Đó là tâm so sánh cao thấp. Bộ y phục này của bạn đẹp, ngày mai tôi cũng đi mua một bộ; bạn xem bộ phim Hàn Quốc đó, ngày mai tôi cũng xem. Những chuyện không tốt sẽ truyền đi càng ngày càng nhiều. Hơn nữa, ba đến năm người tụ tập lại dễ xảy ra vấn đề là mọi người cảm thấy, có phải hai - ba người kia họ cũng khá tốt, như thế này thế kia. Đặc biệt sẽ dễ xảy ra tranh cãi trong đoàn thể. Đây là một điều mà sau khi học “Nữ Giới” tôi đã chia sẻ cùng các nhân viên của mình.

Còn một điều mà tôi đã nói với rất nhiều thầy cô giáo và bạn bè rằng, không nên nói những lời bông đùa. Bởi vì, có rất nhiều phụ nữ đặc biệt thích nói đùa, đặc biệt những phụ nữ phương Bắc chúng ta tính cách rất qua loa, thoải mái. Chúng ta nói chuyện thường tùy tiện, cẩu thả, thuận miệng là nói ra những lời nói đùa. Những lời nói đùa này thường là: “Người nói vô tình người nghe hữu ý”. Có thể người nói không có ý gì, nhưng người nghe lại để tâm, nên họ sẽ tính toán so đo. Bởi vì bên cạnh tôi đã xảy ra một số việc. Trong số họ, có một cô gái đặc biệt thích nói đùa, kết quả đã đắc tội với người khác nhưng cô lại không hề biết, cô còn cảm thấy mình rất biết nói chuyện rất hài hước. Việc này không gọi là hài hước. Nếu chúng ta học “Nữ Luận Ngữ”, trong  “Nữ Luận Ngữ” đã chỉ ra, đối với những lời nói này phải rất cẩn trọng, đặc biệt là phụ nữ không được nói những lời bông đùa.

Thứ ba, chính là không được nói những lời không nghiêm túc, đặc biệt khi bên cạnh có những bạn khác giới. Bởi vì tôi cũng phát hiện có một số phụ nữ, ví dụ khi ăn cơm cùng khách hàng hay cùng một số những vị lãnh đạo chức vị tương đối cao thì rất thích biểu hiện bản thân, nói hoài nói mãi, đến lúc nói ra những lời không thực tế. Thêm vào đó, có thể dáng vẻ tương đối ưa nhìn, khá xinh đẹp, những lời này càng nói càng không nghiêm túc. Kết quả, dẫn đến một số phiền phức. Có thể người nam này cho rằng, có phải bạn có tâm tư gì không, hay thế này thế nọ. Điều này sẽ rước họa vào thân. Do vậy, nếu bản thân chúng ta có thể trang nghiêm thì sẽ không dẫn đến những việc không tốt đó.

Trong cuộc sống, mỗi người có thể đều đã trải qua cám dỗ, nhưng quan trọng là xem bản thân bạn cư xử như thế nào. Bạn có thể rất kiên định thì một lần là nắm bắt được, vượt qua được đề thi này rồi, sẽ không có lần thứ hai. Cuộc đời của tôi, trong ấn tượng thì có hai lần tôi trực tiếp đối diện.

Lần thứ nhất, lúc đó tôi đang làm việc trong công ty của chồng tôi. Sau đó có một khách hàng lớn, ông không biết thân phận của tôi nên thường đến công ty mời tôi đi ăn cơm. Bởi vì tôi không làm bên nghiệp vụ, tôi làm văn phòng. Tôi nói: “Anh làm bên nghiệp vụ không có liên quan gì với tôi cả, nên anh không cần thiết phải mời tôi đi ăn cơm. Anh nên mời giám đốc nghiệp vụ đi ăn cơm”. Sau đó anh ta nói: “Tôi ăn cơm với cô thì tôi sẽ mua đồ của công ty cô”. Tôi nói: “Anh mua hay không mua không quan hệ gì với việc có ăn cơm với tôi hay không”. Tôi đã nói trước toàn thể nhân viên. Lúc đó tôi đã không hề khách khí mà nói như vậy.

Sau đó khi lần thứ ba anh ta đến tìm tôi, tôi đã trực tiếp nói rằng: “Tôi có con rồi, có gia đình rồi, nên tôi không cần phải ra ngoài ăn cơm với người khác, trong nhà tôi cũng rất bận”. Anh ta nói: “Vậy cô mang cả con đi cùng”. Tôi liền cười và nói: “Điều đó không thể được. Con người tôi tương đối truyền thống, tôi là người như vậy”. Sau khi anh ta đi rồi, mọi người nói với tôi rằng: “Chị có nghĩ, anh ta có thể là một vị lãnh đạo không?”. Tôi nói: “Điều đó không có quan hệ gì với tôi. Anh ta thích thì mua, không mua thì thôi”. Đây là một lần.

Còn có một lần, chính là khi tôi đã rời khỏi tập đoàn công ty của chồng tôi để lập công ty riêng. Tôi cũng gặp một vị giám đốc. Lúc đó, chúng tôi cũng đang cùng ăn cơm để nói những việc liên quan đến công việc. Nói một lúc anh ta liền chuyển chủ đề, anh ta nói: “Tịnh Du à! Cô có biết trong xã hội hiện nay nam nữ qua lại có thể còn có quan hệ gì không?”. Tôi nói: “Điều đó không liên quan gì với bữa cơm hôm nay của chúng ta. Anh muốn ăn thì anh hãy nghiêm túc ăn, nếu không ăn thì sau này đến đây là kết thúc”. Đó là lần cuối cùng chúng tôi cùng nhau ăn cơm. Trước đây, khi anh ta đến còn thường gọi tôi là Tịnh Du này Tịnh Du kia, nhưng từ đó về sau khi anh ta đến công ty chúng tôi mua một số đồ thì anh ta khá nghiêm túc nói: “Giám đốc Trần à! Tôi muốn mua cái này (cái kia), cô có thể giảm giá được không?”. Tôi nói: “Cái đó giảm giá một chút cũng có thể được”. Tôi đã gặp qua hai lần như vậy, sau này thì không còn những loại đề thi này nữa. Bởi vì dường như ông trời chính là như vậy, phát cho bạn một bài thi, rồi lại phát thêm một bài thi nữa, nếu thấy ý chí của bạn khá kiên định thì ông trời sẽ không thử bạn nữa, nếu không thì sẽ luôn có những bài thi như vậy. Cuộc đời tôi đã gặp chuyện này hai lần. Chồng tôi cũng biết tôi gặp chuyện đó, nhưng rất thản nhiên, trở về tôi còn nói đùa với anh ấy. Sau đó anh ấy nói: “Em vẫn còn sức hấp dẫn sao? Tại sao anh không nhìn ra vậy?”. Tôi nói: “Đúng! Con người em rất bình thường, thật không ngờ!”. Cho nên là phụ nữ, bạn chỉ cần giữ vững bản thân thì sẽ không gặp phải những vấn đề này, mọi người sẽ rất tôn trọng bạn. Khi nói chuyện đừng nên nói những lời ngả ngớn, bởi vì sau khi nói ra những lời này đều sẽ dẫn đến một số phiền phức cho chính mình.

Còn một điều quan trọng nhất, cũng là điều mà chúng ta có thể cần phải làm được, chính là không được trách móc người khác. Phụ nữ chúng ta đặc biệt bản thân có một số những ưu điểm như vóc dáng rất xinh đẹp, công việc tương đối tốt, nhận được tiền lương cao hơn chồng, trở về nhà trước tiên chúng ta không nói người khác, mà sẽ nói này nói nọ với chồng, nói những lời thị phi. Vậy nói ra những lời này có tác dụng hay không? Tôi cảm thấy không có tác dụng gì. Bởi vì bạn trách móc người khác thì họ cũng không nhất định sẽ nghe, sau đó bạn còn đắc tội với họ. Do vậy, tốt nhất không nên nói.

Nói tóm lại, tối hôm qua tôi đã tổng kết lại, những lời nói ra nên “nhu ngôn ái ngữ”. Vì sao gọi là “nhu ngôn”? Tức là ngữ khí phải dịu dàng, ôn hòa, lời nói ra đều là ái ngữ, trân trọng bảo hộ người khác. Đặc biệt là trân trọng bảo hộ tánh đức của người khác, trân trọng bảo hộ tánh đức của bản thân. Những lời nói tuân theo tự tánh thì bạn nên nói với anh ấy. Nói chuyện rất quan trọng, bởi vì từ xưa đến nay đều nói: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”. Miệng là cửa của họa - phước. Cái cửa này thường bị phụ nữ chúng ta hễ không cẩn thận một chút là liền mở ra[DTNT4] . Sau khi mở ra thì thường xuyên là họa nhiều, phước ít. Chúng ta nghĩ xem, những lời chúng ta nói ra trong một ngày được phước báo nhiều hay tai họa nhiều? Tỉ mỉ mà suy xét thì thường là phước ít, họa nhiều. Có lúc chúng ta còn tự cho những lời nói ra rất có lợi ích đối với người khác, trên thực tế bạn nghĩ xem, những lời bạn nói ra có khế cơ hay không, có thực sự khế lý hay không? Không khế cơ, không khế lý, thì họ không thể tiếp nhận, nếu nói vô ích còn dẫn đến oán hận. Ở nhà sống cùng chồng cũng như vậy.

Chúng ta giúp chồng dạy con không hoàn toàn chỉ dùng thân giáo, bởi vì người trong nhà không phải là người câm, nên nói nhiều hơn, thường nói nhiều hơn so với bên ngoài một chút. Nếu bạn muốn lời nói của bạn có thể khởi được tác dụng giúp đỡ và dạy dỗ, thì mỗi một câu nói phải rất cẩn thận. Nếu như vậy thì mỗi lời bạn nói ra sẽ có trọng lượng. Bởi vì bạn ít nói những lời vô nghĩa, ít nói những lời tạp nhạp, mà những lời bạn nói ra đều có mục tiêu, vậy thì tự nhiên họ sẽ tương đối nghe theo bạn.

Tôi nói chuyện với chồng tôi cũng không nhiều, bởi vì anh ấy khá bận rộn. Thông thường khi trở về nhà, nếu anh ấy mệt thì tôi sẽ không nói chuyện gì với anh ấy. Nếu khi bạn nhìn thấy anh ấy không mệt mỏi mà khá vui vẻ, thì nhất định là anh ấy rất muốn nói chuyện với bạn. Sau đó tôi nói đùa với anh ấy là: “Tối nay có phải anh muốn buôn dưa lê một tí phải không?”. Anh ấy nói: “Đúng vậy!”. Sau đó tôi liền đến nói chuyện với anh ấy. Bởi vì anh ấy trở về khá muộn, nói chuyện với anh ấy nhưng thường thì tôi luôn lắng nghe anh ấy nói nhiều hơn. Mọi người nên nhớ, bất luận là chồng hay người già trong nhà thì bạn nên làm người lắng nghe nhiều hơn. Đặc biệt là người già, họ muốn nói thì bạn nên ở đó lắng nghe.

Ví dụ mẹ chồng tôi, có những chuyện tôi tin chắc bà đã nói với tôi hơn trăm lần rồi. Tôi gả vào trong nhà bà mười lăm năm, thực sự tôi có thể thuật lại, đọc thuộc lại. Bởi vì bà đặc biệt thích nói, còn tôi thì luôn ở đó lắng nghe. Sau đó, có một lần chồng tôi nói: “Anh vô cùng hoài nghi cái tâm chân thành của em. Làm sao em có thể nghiêm túc nghe mẹ nói như vậy?”. Tôi nói: “Thật sự em có thể đọc thuộc câu phía sau của mẹ, nhưng mẹ thích nói thì em sẽ ở đó nghe”. Bởi vì mọi người trong nhà đều không muốn nghe, cuối cùng là tôi nghe. Tôi nói: “Mẹ à, mẹ cứ nói đi!”. Sau đó bà lại tiếp tục đem những chuyện huy hoàng khi bà còn trẻ nói thêm lần nữa với tôi. Chồng tôi có lúc cũng như vậy, anh ấy cũng phạm cái lỗi này. Kỳ thực anh ấy đã từng nói rồi, nhưng anh ấy vẫn nói. Tôi lại nghiêm túc lắng nghe. Cuối cùng anh ấy nói xong rồi, tôi nói: “Việc này hôm đó anh đã nói rồi!”. Anh ấy nói: “Nói rồi sao? Sao anh không cảm thấy vậy?”. Tôi nói: “Đúng vậy!”.

Có lúc tôi cảm thấy mình không cần nói gì, nhưng cũng có lúc tôi sẽ ở bên cạnh dẫn dắt anh ấy một chút. Tôi xin nói một ví dụ đơn giản liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp. Bởi vì anh ấy quản lý công ty này là một tập đoàn. Anh ấy mở công ty được mười mấy năm, còn công ty của tôi mới mở được ba năm, thêm năm nay nữa là bốn năm. Chúng tôi có hai phong cách quản lý khác nhau. Anh ấy thì hoàn toàn thả lỏng để nhân viên tự mình tùy ý làm, hoàn toàn dùng cách của Phương Tây để khích lệ họ. Nghĩa là bạn làm được việc thì tôi thưởng tiền cho bạn, còn bạn không làm được thì bạn không được thưởng. Còn tôi chẳng phải đã học văn hóa truyền thống rồi hay sao, đặc biệt là năm ngoái bắt đầu đặc biệt chú trọng đến đức hạnh. Mọi người giống như dùng chung một nồi cơm lớn vậy, chúng ta chẳng phải lợi hòa đồng quân sao? Trên căn bản thì lương cũng không thấp hơn quá nhiều, mà tiền thưởng cũng không ít hơn quá nhiều, đãi ngộ đều rất tốt, có hai mươi người. Nhân viên của tôi không nhiều bằng chỗ anh ấy, người của anh ấy nhiều hơn tôi. Anh ấy nói với tôi cách thức quản lý của tôi như vậy là không được. Tôi nói: “Kỳ thực em tin chắc văn hóa truyền thống có một điểm “đức hạnh là gốc, tiền tài là ngọn”. Nếu như đức là gốc, vậy thì đối với gia đình cũng là như vậy, đối với một doanh nghiệp có phải cũng là như vậy không? Đối với một đất nước có phải cũng là như vậy không? Nếu như đạo lý này chỉ thích hợp cho một người mà không phù hợp cho một doanh nghiệp, vậy thì nó sai rồi, nó không phải là chân lý. Doanh nghiệp cũng là do rất nhiều người tạo thành”. Tôi nói: “Nếu như nó phù hợp với doanh nghiệp, vậy thì em chỉ chú trọng đến đức hạnh của nhân viên. Cho dù đức hạnh của nhân viên rất bình thường, nhưng ít nhất nhân viên này sẽ không gây ra những sai lầm quá lớn”. Bởi vì chúng tôi kinh doanh “tiền tệ theo pháp luật quy định”, cũng thuộc về nhà bán lẻ được cấp phép. Tôi nói tôi làm như vậy thì chí ít tôi cũng không có lỗi với tổng công ty, tâm tôi không thẹn, hỏi lòng không hổ thẹn. Thực sự điều này tôi không cảm thấy có lỗi, bởi vì tôi chấp hành các quy định của Tổng công ty vô cùng nghiêm ngặt.

Kết quả, hai ngày trước lãnh đạo của Tổng công ty tới nói tôi là: “Điều này cô có chút si mê rồi. Cô xem cùng ngành của chúng ta, cô phải học cách khen thưởng, khích lệ, cô không thể chia đều như vậy được. Đạo đức chỉ để nói vậy thôi, hiện tại thì ai còn thực sự đi chú trọng nữa. Trong công ty mà cô chú trọng đạo đức, vậy còn có thể kiếm được tiền nữa hay không?”. Sau đó tôi ở đó lắng nghe, cũng không lên tiếng. Lời của lãnh đạo chúng ta nên lắng nghe, “đúng, đúng!”. Tôi ngồi lắng nghe cũng không lên tiếng, rồi tôi pha trà cho anh ấy. Sau đó lãnh đạo nói tôi rằng: “Nếu không thì cô đừng làm nữa, công ty này sẽ bại trong tay cô mất. Cô cũng không giống một giám đốc, cả ngày chỉ bồi dưỡng văn hóa truyền thống cho nhân viên”. Sau đó tôi nói: “Lãnh đạo à! Chỗ tôi có mấy quyển sách, anh mang về xem qua để hiểu thêm về công ty của chúng tôi. Chúng tôi căn cứ vào cuốn “Làm sao để đầu tư một nhân sanh hạnh phúc” và giảng giải “Đệ Tử Quy” để học tập. Việc này thực sự có thể thấy hiệu quả rất chậm”. Bạn nói xem, “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, nhưng tôi tin tưởng thời gian tồn tại của công ty này sẽ dài lâu. Chúng ta không gấp gáp đi tranh cái lợi ích nhất thời này, cần phải phóng tầm mắt ra xa hơn. Sau khi vị lãnh đạo này mang sách về xem thì anh ấy đã gọi điện thoại cho tôi. Anh ấy đã nói với chồng tôi là: “Tầm mắt của vợ anh thực sự rất xa. Làm được điều này cần phải có một lòng nhẫn nại và nghị lực nhất định”. Tôi nghĩ, chúng ta học rồi thì phải tin tưởng. Như cô Lưu Tố Vân đã nói: “Lão thật, nghe lời, thực làm”. Nếu bạn học rồi mà không làm thì đó là giả.

Tôi thường xuyên thảo luận với chồng tôi, thảo luận khoảng hơn một năm. Hai ngày trước, anh ấy đến công ty chúng tôi mở một cuộc họp. Anh ấy nói rằng: “Tố chất này của em thực sự rất tốt. Khí chất của nhân viên thực sự rất khác”. Chúng ta không thể nói tố chất của văn hóa truyền thống là như thế nào, nhưng khi bạn nhìn nhân viên này sẽ có cảm giác họ rất trong sạch, cảm giác không giống với hiện tượng tranh đoạt trong xã hội, cảm thấy ai cũng rất lịch sự nho nhã, khi giao tiếp thì đều nghĩ cho đối phương trước mà không nghĩ cho bản thân mình, đối với khách hàng cũng như vậy. Chồng tôi nói, anh ấy cảm thấy tôi làm điều này sẽ có hiệu quả. Đương nhiên anh ấy vẫn chưa hoàn toàn đồng ý, vẫn còn phải đợi thời gian để chứng minh. Bởi vì tôi không giống thầy Hồ Tiểu Lâm. Thầy là người đứng đầu, còn tôi dù sao cũng đứng ở vị trí thứ hai, phía trên tôi còn có chủ tịch. Công ty này anh ấy là Chủ tịch nên tôi đều phải nghe lời của anh ấy, do vậy mà chỉ có thể làm từng chút một.

Khi tôi học phần “phụ ngôn” này thì cảm xúc lớn nhất là phụ nữ không đơn thuần chỉ chú ý đến lời nói. Hiện  nay chúng ta có rất nhiều tác giả là phụ nữ, còn có rất nhiều tác giả ở trên mạng là phụ nữ, nghĩa là họ viết một số thứ ở trên mạng. Việc này có thuộc về ngôn ngữ hay không? Bởi vì thực sự nó có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Tôi từng xem một quyển tiểu thuyết do một tác giả nữ viết, tôi xin phép không nói tên của cô ấy. Tôi đã xem mấy năm về trước. Lúc đó, khi xem xong tôi có một nghi vấn, “sau khi cuốn sách này xuất bản thì sẽ có ảnh hưởng gì đối với mọi người”. Năm ngoái, bộ sách này đã được quay thành phim truyền hình dài tập, đã gây chấn động lớn. Nó đã thịnh hành một quan niệm gì vậy?

Thứ nhất, phụ nữ làm người thứ ba không cảm thấy đáng xấu hổ, hơn nữa còn rất đẹp.

Thứ hai phụ nữ phải giàu có. Bởi vì sau khi giàu có thì cô ấy sẽ sống trong nhung lụa, tương lai có thể kết hôn với một người giàu sang, người nghèo thì không xứng với cô ấy .

Lần này tôi đến Hồng Kông, một người bạn ở Hồng Kông của tôi là phó chủ tịch một ngân hàng đến đón tôi. Vị phó chủ tịch này đã hỏi tôi: “Đến đây làm gì?”. Tôi nói: “Tôi đến Hiệp hội Phật Đà Hồng Kông học tập văn hóa truyền thống”. Cô ấy nói: “Vậy tôi hỏi cô một vấn đề, phụ nữ có cần giàu có hay không?”. Bởi vì cô ấy có một đứa con gái mười mấy tuổi, điều kiện gia đình cũng rất tốt. Tôi nói với cô ấy là: “Không cần giàu có”. Trên đường tôi đã chia sẻ với cô ấy rất nhiều. Tôi nói: “Phụ nữ giàu có, từ nhỏ sống trong nhung lụa, một ngày nào đó bạn bước vào xã hội mà có chút không hài lòng thì bạn sẽ có cảm giác bực bội, khó chịu đúng không? Cô ấy có cảm giác bực bội khó chịu vậy thì cô ấy có thể tự nghĩ thông suốt được không? Nếu một khi nghĩ không thông, liệu cô ấy có làm một số việc cực đoan hay không? Cô có thể bảo đảm cô sẽ mãi ở bên cạnh con gái để bảo vệ nó không?”. Bởi vì khi tôi học nghiên cứu sinh, tôi đã tận mắt chứng kiến một cô gái ở bên cạnh ký túc xá của tôi. Sau khi đi làm tôi mới học nghiên cứu sinh, còn cô ấy thì học trực tiếp lên nghiên cứu sinh, hơn hai mươi tuổi. Buổi trưa hôm đó, khi tôi ăn cơm trở về thì cô gái đó đã tự chốt trái cửa trong phòng và nhảy từ tầng ba xuống, chết ngay tại chỗ. Mẹ của cô ấy ở bên ngoài khóc rất đau thương. Sau đó chúng tôi đều đến khuyên mẹ của cô gái này. Chúng tôi đều không dám xuống dưới xem thảm cảnh đó. Chúng tôi đã hỏi mẹ của cô gái này: “Vì sao lại như vậy?”. Mẹ cô ấy nói: “Từ nhỏ đã nuông chiều nó không giống những đứa trẻ khác, chiều chuộng mọi thứ”. Việc này là do khi lên đại học cô ấy quen một cậu bạn trai, chưa quen được mấy ngày thì cậu bạn trai đã bỏ cô ấy đi quen một người bạn gái khác. Cô ấy nghĩ không thông, sau đó đã nhảy lầu. Trường học đã phát hiện một số dấu hiệu không bình thường nên đã gọi mẹ cô ấy đến. Hôm đón mẹ đến thì cô ấy đã chết trước mặt mẹ mình. Năm đó tôi hai mươi sáu tuổi, học nghiên cứu sinh ngành pháp luật. Cô gái chết như vậy. Tôi nói, đây là thứ nhất.

Thứ hai, phụ nữ nếu từ nhỏ đã sống trong nhung lụa thì cô ta sẽ không có đức hạnh tốt. Bạn nói xem, cô ấy có biết nấu cơm không, có biết thu dọn nhà cửa không, biết cách chăm sóc người khác hay không? Những điều kiện thấp nhất của một người vợ cô ấy cũng không có. Cô ấy lấy chồng, bạn có thể đảm bảo người chồng này nhất định sẽ có tiền tìm người giúp việc để cô ấy không cần làm việc gì hay không. Hơn nữa, có rất nhiều việc mà người giúp việc không thể thay thế được. Bạn nói xem, buổi tối người chồng trở về nhà, người giúp việc pha một tách trà tốt hơn, hay là bạn pha cho anh ấy một tách trà tốt hơn? Bạn nói xem, người chồng mặc y phục để bạn đi chọn tốt hơn, hay để người giúp việc đi chọn tốt hơn? Bạn nói xem, người chồng ăn cơm do người giúp việc nấu thì tâm tình anh ấy thoải mái hơn hay là bạn xuống bếp nấu một bữa ăn thì anh ấy sẽ thoải mái hơn? Nhất định là không giống nhau. Bởi vì bản thân tôi đã có những thể hội này.

Chồng tôi chưa bao giờ ăn cơm do người giúp việc nấu, người giúp việc nấu có nấu ngon hơn nữa thì anh ấy cũng thấy không ngon. Tôi cảm thấy tôi nấu không ngon lắm, nhưng anh ấy lại cảm thấy rất ngon. Tôi nói: “Anh thật kỳ lạ, chọn người cũng chọn thật lợi hại”. Do vậy, thông thường anh ấy ở nhà thì tôi nhất định phải nấu cơm, cho dù là món đơn giản nhất. Những món đơn giản nhất như chiên trứng gà, xào ớt xanh với thịt, sau đó làm một món canh chua cay gì đó, rồi cắt hai miếng lạp xưởng vào. Những món vô cùng đơn giản mười phút là có thể nấu xong, nhưng anh ấy cũng thấy rất ngon. Người giúp việc nấu thịt kho tàu gì đó, nấu rất nhiều, anh ấy nói không ngon. Tôi nói: “Em thật không hiểu anh như thế nào nữa, anh thật sự đã quá xem trọng em rồi. Em rất cảm ơn anh!”. Nhưng đó là cầu nối trong tình cảm vợ chồng.

Cho nên phụ nữ viết văn chương, đặc biệt là diễn tả những việc trên phương diện này nên chú ý. Hiện nay trên mạng Internet truyền tải cũng rất nhanh, một tác phẩm ngôn tình, một tác phẩm bóp méo đức hạnh phụ nữ của bạn một khi được lưu truyền thì nhân quả sẽ rất nặng. Bạn nói xem, những người chịu ảnh hưởng những tác phẩm của bạn họ sẽ từng đời truyền lại cho thế hệ sau. Họ đã xuất bản thành sách, đều diễn thành phim, nó sẽ  như vậy mà lưu truyền.

“Phụ ngôn”, chúng ta xem kỹ hơn trong “Đệ Tử Quy”. Phần “tín” trong “Đệ Tử Quy” giảng rất nhiều về cách nói chuyện như thế nào như: “Phàm nói ra, tín trước tiên”, “Nói nhiều lời, không bằng ít”, “Khen người thiện, tức là thiện. Chê người ác, tức là ác”. Chúng ta phải bắt đầu làm từ đây. Sư phụ nói, đây là những giới nhỏ, chúng ta phải bắt đầu làm từ những giới nhỏ này. Sau khi có những oai nghi nhỏ rồi thì hãy tiếp tục tích lũy từng chút một.

Phương diện thứ ba là: “Quần áo dơ phải mau chóng giặt giũ sạch sẽ. Tắm gội đúng giờ, giữ cho thân thể sạch sẽ. Không có cáu bẩn gọi là phụ dung”. Chúng ta thấy Ban Chiêu viết đoạn này có thể rất đơn giản. Nghĩa là chúng ta phải giữ cho bản thân luôn sạch sẽ, gọn gàng, để thân thể không bị cáu bẩn. Nhưng trên thực tế nó có một hàm nghĩa rất sâu. Chữ “cáu bẩn” này không phải chỉ bụi bặm, hơn nữa nó còn chỉ những thứ ô nhiễm không thanh khiết trong tâm bạn, khiến đức hạnh của bạn bị vấy bẩn, biểu hiện ra bên ngoài chính là dung mạo của bạn.

Hôm qua chúng ta nghe “Kinh Vô Lượng Thọ”, bạn thấy trước khi Phật giảng Kinh thì Ngài dùng tướng mạo để nhiếp thọ chúng sanh trước. Tướng mạo trang nghiêm, vẻ mặt vô cùng rạng rỡ. Một người phụ nữ cũng là như vậy. Bạn xem, một người phụ nữ có tâm tà dâm nặng, có thể bạn vừa nhìn thì sẽ thấy tướng mạo của cô ta giống như hồ ly vậy. Tôi từng gặp qua phụ nữ như vậy, chính cô ấy kể trong buổi luận đàm văn hóa truyền thống. Khi tôi giảng xong bài “Nữ Đức” thì cô giáo này đã tìm riêng tôi để sám hối. Cô ấy nói, khi cô ấy hơn bốn mươi tuổi, những người đàn ông mà cô ấy quen biết quan hệ với cô ấy có khoảng mười mấy người, những người cô ấy không quen biết thì không đếm xuể. Trên phương diện này thì cô ấy vô cùng phóng túng. Sau đó tôi nói: “Cô tự nhìn lại dung mạo của mình xem? Mặt mày thì đen thui, môi thì không còn sắc hồng, khuôn mặt thì nhọn nhọn, nhãn thần của đôi mắt không đoan chánh”. “Tướng do tâm sanh”. Cho nên, phụ nữ không nên trang điểm quá lộng lẫy.

Từ nhỏ tôi đã không trang điểm, trước khi chưa học văn hóa truyền thống tôi còn đánh chút son, xịt một chút nước hoa mùi khá dịu nhẹ, sau khi học tập văn hóa truyền thống thì tôi đã không dùng những thứ này nữa. Có một số người cũng từng hỏi tôi, tôi ba mươi tám tuổi nhưng một số người cảm thấy không giống. Tôi chưa từng dưỡng sinh, chỉ cần không thiếu nước là được rồi. Bởi vì có thể tôi thuộc chòm sao song ngư, nên chỉ cần không thiếu nước là được. Môn thể thao duy nhất mà tôi ưa thích chính là bơi lội. Hiện nay, cơ bản tôi cũng không có thời gian đi bơi. Mấy năm đầu tôi còn đến thẩm mỹ viện, hiện nay căn bản tôi không đi nữa, thỉnh thoảng mới đi cùng mẹ hoặc là mẹ tôi tự đi.

Tướng mạo của con người không phải dựa vào đồ trang sức. Nếu bạn có đức hạnh tốt thì tướng mạo của bạn sẽ trang nghiêm, người khác sẽ muốn nhìn bạn, sẽ sanh tâm hoan hỷ. Hiện nay phụ nữ trang điểm quá cầu kỳ.

Tôi từng gặp một phụ nữ, khi nhìn thì cô ấy rất xinh đẹp, kết quả buổi tối trở về nhà khi cô ấy tẩy trang xong đã làm tôi giật mình. Cô ấy lớn hơn tôi vài tuổi. Trước đây tôi cho rằng cô ấy rất trẻ, sau đó tôi thấy, cô giáo này tại sao lại già như vậy. Cô ấy nói: “Chỗ này của tôi không được, tôi nhất định phải bôi một lớp phấn nền. Phải đánh phấn, phải đánh một số loại phấn gì đó”. Bạn nghĩ xem, buổi tối khi bạn về nhà với dáng vẻ như vậy gặp chồng bạn, có phải làm anh ấy kinh sợ hay không? Ban ngày còn xinh đẹp, đến tối thì lại như vậy, người chồng sẽ nghĩ “có phải đổi thành người khác rồi không?”. Do vậy dáng vẻ như thế nào thì nên như vậy, không cần phải hóa trang. Bạn nên cố gắng giữ gìn cái tâm của mình là tốt rồi. Đặc biệt bạn không nên đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Hiện nay phụ nữ có thể tốn rất nhiều tiền để đi phẫu thuật thẩm mỹ. Môn học này nếu mọi người từng ngồi đây nghe qua cô giáo Đinh Gia Lệ chia sẻ, có thể cô ấy chia sẻ hay hơn tôi vì kinh nghiệm của cô ấy nhiều hơn tôi. Tôi cũng có kinh nghiệm một lần đi thẩm mỹ. Không phải tôi muốn đi thẩm mỹ, là tôi đi cùng một người bạn nữ muốn nâng mũi. Kỳ thực, trước đây tôi cũng không hài lòng với cái mũi của tôi lắm. Cô ấy nói: “Cô cứ xem tôi nâng mũi trước, sau đó cô hãy quyết định là nên nâng hay không”. Tôi nói: “Được!”. Tôi đi cùng cô ấy, nhưng sau khi đi thì cô ấy lại sợ, cuối cùng cô ấy do dự hơn một giờ đồng hồ. Cô ấy nói: “Hay là chúng ta cứ cùng nhau làm thì tôi không sợ nữa. Tôi cũng hoàn toàn làm bố thí vô úy”. Cô ấy nâng rất nhiều. Tôi nói: “Tôi chỉ nâng một chút”, đại khái nâng chưa to bằng hạt đậu tương, là nâng ở đây. Bởi vì tôi cảm thấy chỗ này hơi thấp, nên nâng thêm một chút. Phẫu thuật xong cũng không có cảm giác gì. Tôi cũng không dám nói với chồng tôi. Bởi vì anh ấy rất phản đối việc tôi động vào bất cứ bộ phận nào trên thân thể, đặc biệt là mũi. Có một lần anh ấy đã vì cái mũi của tôi mà an ủi, đặc biệt tìm một thầy tướng số, là một vị thuộc cấp đại sư. Vị thầy này nhìn tôi không nói điểm nào, chỉ khen ngợi cái mũi của tôi. Nói cái mũi của cô như thế nào đó…, dù sao cũng đều là tướng vĩ nhân, lại có thể phát tài, rồi lại nói thế nào đó… Cuối cùng tôi rất lấy làm lạ, liền hỏi chồng tôi: “Ông ấy tại sao chỉ chọn cái mũi của em để nói vậy?”. Anh ấy nói: “Anh chú trọng để ông ấy xem cái mũi của em đó, tuyệt đối không được động vào”. Nhưng tôi đã động vào rồi. Sau khi phẫu thuật thì tôi nghĩ, tôi mới chỉ nâng có chút xíu, như vậy chồng tôi nhất định không nhìn thấy, nhưng trong tâm cũng thấy xấu hổ. Buổi tối khi trở về nhà tôi luôn cúi đầu xuống, cũng không dám lên tiếng, không nói chuyện. Sau đó sáng ngày thứ hai, lúc đó tôi vẫn làm ở công ty của anh ấy, khoảng sáu - bảy năm trước. Tôi ngồi ở ghế phụ trên xe anh ấy, tôi cũng không nói chuyện. Tôi luôn như thế này nhìn ra bên ngoài, anh ấy thì lái xe. Khi sắp tới nơi thì tôi xuống xe, còn anh ấy phải đi xử lý việc khác. Kết quả, lúc đó anh ấy nói một câu đã khiến tôi chột dạ. Anh ấy nói: “Em phải nhớ thời gian này biểu hiện tốt một chút. Nếu thái độ của em không tốt thì anh sẽ đấm cho cái mũi của em bị lệch đi đấy!”. Tôi nói: “Sao vậy?”. Anh ấy nói: “Em mới đi nâng mũi phải không?”. Tôi vô cùng sợ hãi, tôi nói: “Vâng, em đã cùng (ai đó) đi nâng mũi, nâng cũng không nhiều”. Sau đó anh ấy nói: “Có thể lấy cái đó ra được không?”. Tôi nói: “Có thể không lấy ra được nữa rồi, để như vậy thôi. Nếu như ảnh hưởng đến tài vận của anh thì em rất xin lỗi, sau này em sẽ không bao giờ làm nữa”.Vì cái mũi này mà tôi rất đau khổ. Thật sự thời gian đó tôi biểu hiện rất tốt. Vì cái mũi này tôi vô cùng lo lắng anh ấy sẽ đánh tôi thật.

Khi tôi nghe cô Đinh Gia Lệ giảng bài, tôi luôn cảm thấy mũikhông thoải mái. Sau khi cô ấy đi xuống dưới, tôi nói với cô Đinh là tôi cũng nâng mũi, nhưng tôi không làm nghiêm trọng như cô ấy. Cô ấy dùng một miếng nhựa silicone to nhét vào trong, còn tôi làm còn nhỏ hơn hạt đậu tương một chút, sau đó như vậy mà tiêm vào bên trong. Nói tóm lại, tốt nhất không nên phẫu thuật thẩm mỹ. Lúc đó tôi còn trẻ, đặc biệt chưa học văn hóa truyền thống, nên cũng không nghĩ nhiều như vậy, bạn bè vừa lôi kéo thì liền đi theo làm cùng cô ấy.

Ấn Tổ Ngài từng khai thị phụ nữ không nên tích đồ trang sức. Nguyên nhân vì nó đặc biệt làm hao tổn phước báo của bạn. Bởi vì chúng ta dùng một số tiền lớn để mua những thứ này, cuối cùng thì không có tác dụng gì. Tôi nghĩ, nếu tôi sớm thấy được những điều này thì tôi sẽ không mua đồ trang sức. Những đồ trang sức của tôi rất nhiều, hiện nay tôi cũng không có cách gì xử lý được. Hôm đó tôi còn nghĩ, không biết có hiệu cầm đồ không, nếu có thì tôi có thể mang đến đó. Bởi vì hiện nay học văn hóa truyền thống rồi nên tôi cũng không đeo mấy thứ leng keng đó, hơn nữa  cảm thấy rất phiền phức.

Năm ngoái bởi vì đã học văn hóa truyền thống rồi, tôi cùng chồng tôi tham gia một buổi gặp gỡ của những người có tiền. Có một bà vợ rất giàu có, cô ngồi bên cạnh tôi. Đó là một buổi gặp mặt gia đình. Sau đó tôi đã nói nhỏ với chồng tôi là: “Từ đầu đến chân cô ấy nếu như bị người ta cướp, thì kẻ cướp đó rất vừa ý”. Bởi vì một khuyên tai bằng kim cương rất lớn, tay bên này đeo hai cái nhẫn lớn, tay bên kia hai cái nhẫn lớn; tay này một cái vòng lớn, tay kia một cái vòng kim cương lớn, sau đó đeo những chiếc vòng ngọc đều rất lớn. Toàn thân trên tay cô đều đeo quá nhiều những thứ leng keng. Thông thường tôi cảm thấy, đeo một chiếc nhẫn còn có thể chấp nhận được, nhưng cô ấy đeo một tay hai chiếc, rồi còn đồng hồ, dây chuyền. Sau đó chồng tôi liếc nhìn tôi và nói: “Ừ, cũng hơi nhiều một chút”. Những thứ ngọc ngà châu báu, trang điểm lộng lẫy, trong văn hóa truyền thống chúng ta học như “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” thì biết, thầy Chung từng giảng qua rồi. Đó gọi là trang điểm diêm dúa, bạn rất dễ chuốc lấy tai vạ. Bạn nói xem, người ta thực sự muốn cướp thì đến cướp một chút đồ của bạn là họ đã vừa ý rồi. Hơn nữa, cô ấy khoe khoang như vậy thì rất dễ ra bên ngoài khoe khoang.

Hiện nay, đặc biệt phụ nữ Hồng Kông nên đặc biệt chú ý. Bởi vì trước đây tôi cũng như vậy, vô cùng thích chạy theo hàng hiệu nổi tiếng như túi xách nhất định phải là hãng LV, mặc y phục nhất định phải là Chanel hay Prada. Lúc đó, những nhãn hiệu mà tôi chạy theo tôi đều đã từng tìm hiểu qua, cảm thấy vô cùng có ý nghĩa. Nhất định phải mặc những đồ hàng hiệu có ý nghĩa, vì lúc tôi đó rất chấp trước, rất mê hoặc. Quay đầu nghĩ lại, kỳ thực không có tác dụng, vì những vật ngoài thân thì một thứ cũng không mang theo được, bạn chỉ đang làm hao tổn phước báo của bạn mà thôi. Con người hưởng phước tức là họ đang tiêu phước, con người chịu khổ tức là họ đang thoát khổ, vậy thì không bằng chịu khổ. Bởi vì tôi đã nếm đủ các thứ khổ rồi, nên đến lúc già bảy mươi - tám mươi tuổi thì tôi không có bệnh tật, không có tai họa. Không bệnh mà chết thì tốt biết bao!

Rất nhiều phụ nữ vì mặc những thương hiệu nổi tiếng này, hay nhìn thấy những người giàu có mặc những thứ ngọc ngà châu báu này thì cực kỳ ngưỡng mộ. Họ hoặc là không tiếc dùng thân thể của mình để đi đổi lấy tiền bạc, hoặc là ra sức làm việc để kiếm tiền, hoặc là cố gắng đi tìm những người giàu có,… những cách như vậy.

Tôi từng gặp một cô giáo dạy văn hóa truyền thống. Bởi vì từ nhỏ cuộc sống rất gian khổ, lại cực kỳ ham thích cuộc sống vật chất, nhưng lại không muốn làm những công việc rất cực khổ nên cô đã đi làm gái mại dâm. Cuối cùng cũng kiếm được một số tiền, nhưng cô đã làm thân thể mình bị các bệnh phụ khoa tổn hại rất nghiêm trọng. Còn một vấn đề là phước báo của cô ấy có thể giữ được hay không? Không thể giữ được.

Chúng ta đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì liền rõ ràng. Trong mạng của bạn nhiều tiền tài như vậy, bạn đi làm những việc chánh đáng, tiền tài có thì nó sẽ đến. Dù bạn dùng phương pháp không chánh đáng để có được tiền, nhưng vẫn là trong mạng bạn vốn có tiền. Kết quả sẽ như thế nào? Vốn dĩ là năm triệu, bạn dùng phương pháp này nên cuối cùng bị hao tổn biến thành còn hai triệu. Bạn vẫn cảm thấy rất nhiều tiền, tôi có thể kiếm được hai triệu thật sung sướng, nhưng lại không biết, nếu bạn đường hoàng đi làm người thì có thể kiếm được hơn năm triệu.

Tôi nói với những nhân viên của chúng tôi, còn có rất nhiều bạn bè ở bên cạnh là: “Chúng ta học văn hóa truyền thống thì phải nhìn cho thấu chữ tài này. Điều này quan trọng nhất”. Người thế gian chẳng phải có câu: “Người khắp thiên hạ đều vì lợi mà chạy đôn chạy đáo”, nghĩa là họ đều vì tiền bạc mà xảy ra chuyện. Tôi nói một câu bạn sẽ dễ hiểu hơn một chút: “Đức là gốc của tài”. Bạn có đức thì sẽ có tài. Mọi thứ bạn đều phải buông xuống. Có rất nhiều người không nhìn thấu điểm này, do vậy mà xảy ra rất nhiều vấn đề.

Còn một điểm nữa, “phụ dung” chính là bạn mặc y phục. Đặc biệt là phụ nữ, nhất định không được mặc những y phục rất hở hang. Bao gồm rất nhiều đệ tử học Phật, mặc y phục đều không chú ý. Đặc biệt vào mùa hè, mặc bộ y phục đó, vừa cúi người xuống thì các bộ phận bên trong thân thể có thể bị hở ra. Mặc váy ngắn cũng không kiểm tra kỹ.

Vì sao không nên mặc những bộ y phục hở hang, gợi cảm như vậy?

Thứ nhất, đối với bản thân không tôn trọng, không trang nghiêm. Thứ hai, dễ dẫn khởi những tà tư tà niệm cho người khác giới. Như vậy bạn chẳng phải đang tạo nghiệp hay sao? Rất nhiều người nam chính là như vậy.

Khi tôi mới giảng về “Nữ Đức”, có một phóng viên đến công ty phỏng vấn tôi. Cô ấy nói: “Chị giảng đều là những thứ cổ hủ, không có tác dụng”. Tôi liền giảng cho cô ấy nghe “Nữ Đức” là như thế nào. Cô phóng viên này là một cô gái còn rất trẻ, hơn ba mươi tuổi. Sau đó cô ấy nói: “Chị Trần à! Chị nói thật rất có đạo lý”. Đại Liên chúng ta là một thành phố tương đối phóng khoáng, phụ nữ cũng rất xinh đẹp, vóc dáng cao lớn, rất thích mặc đẹp. Cô ấy nói: “Chị nói rất có đạo lý! Thời gian trước tôi thấy sở trưởng của một đồn công an nói, thật lo buồn lại đến mùa hè rồi. Đến mùa hè là các vụ án phạm tội cưỡng dâm đều tăng lên rất nhanh. Tóm lại một câu là gì? Đều trách các cô gái đó ăn mặc quá hở hang”. Tôi tin tưởng nếu họ học “Nữ Đức”, học phần “phụ dung”, thì họ sẽ không bị như vậy, cũng sẽ không thích mặc những loại y phục như vậy nữa. Chúng ta kiểm tra xem, trong tủ quần áo của chúng ta có những bộ y phục như vậy hay không, nếu có thì phải bỏ hết ra.

Vì sao chúng ta học văn hóa truyền thống đều đề xướng mặc những y phục truyền thống? Vì nó vô cùng trang nghiêm. Tôi và mẹ tôi còn tổng kết, không chỉ phía trên rất đoan trang mà thông thường phía dưới còn rất dài. Do vậy khi bạn cúi xuống làm việc gì đó cũng không bị hở lưng. Bạn xem, phụ nữ chúng ta hiện nay mặc áo rất ngắn, vừa cúi người xuống, không chỉ là lưng bị hở, mà quần lót cũng bị hở ra. Bản thân bạn không nhìn thấy, vì bạn không có một đôi mắt ở phía sau, nhưng những người nam ở phía sau thì họ nhìn thấy, họ đều chăm chăm nhìn vào đó.

Nhân viên nữ trong công ty tôi khi mới vào làm cũng như vậy. Tôi nói: “Y phục của các bạn nhất định phải đến đây, đến cổ”. Cô ấy nói: “Mặc như vậy không thoải mái, hơi khó thở. Mặc đến ngực như vậy thì thấy dễ chịu, thoải mái”. Tôi nói: “Các bạn thoải mái, khi bạn đến quầy hàng cúi người xuống lấy đồ cho khách thì khách hàng không nhìn vào đồ mà chỉ nhìn bạn”. Sau đó, các nhân viên nữ của chúng tôi nói: “Vậy phải làm thế nào?”. Tôi nói: “Vậy thì thống nhất may một kiểu đồng phục”. Ban đầu đồng phục của chúng tôi là áo sơ mi, đều yêu cầu nút áo phải cài từ đây. Sau này, từ năm ngoái học văn hóa truyền thống thì đổi thành y phục văn hóa truyền thống. Y phục văn hóa truyền thống trên căn bản đều cài nút như vậy, là ở đây. Sau khi chúng tôi đổi thành y phục văn hóa truyền thống thì người tán thán nhất chính là những hội viên nam (những khách hàng nam của công ty chúng tôi). Họ nói: “Những bộ y phục này tại sao lại đẹp như vậy? Các cô mua ở đâu thế?”. Sau đó tôi nói: “Tại sao nam giới họ lại đặc biệt tán thán như vậy?”. Cho nên, chúng ta từ trong tâm mà suy nghĩ, tánh người thật sự vốn thiện. Bạn là phụ nữ,  bạn thật sự trở về tự tánh, quay về đức hạnh tự tánh của bạn, thì người nam sẽ tán thán, tôn trọng, kính trọng bạn, đều sẽ yêu kính bạn từ tận đáy lòng. Bạn nói xem, có người đàn ông nào lấy một cô gái bán hoa về nhà hay không? Giống như lời thầy Chung nói, không phải là đại trí thì cũng là đại ngu. Đại trí thì chưa thấy xuất hiện, họ thật sự là như vậy. Bạn nói ai có thể lấy một cô gái phong trần ở bên ngoài về nhà làm vợ chứ? Bạn là một người phụ nữ, bạn nói thời gian sống trong phong trần dài hay là thời gian bạn chân thật sống dài? Dẫu sao thì cả đời này thời gian xinh đẹp mỹ miều của bạn cũng không nhiều, hai mươi - ba mươi tuổi, mười năm hai mươi năm, cuối cùng đến lúc hơn bốn mơi tuổi kỳ thực bạn rất khó có thể dùng nhan sắc của mình để nuôi sống mình nữa, lúc đó bạn sẽ rất thê thảm.

Năm ngoái, khi tôi tham gia buổi luận đàm ở Đường Sơn, có một cô giáo không phải mặc quần áo hở hang, nhưng cô lại chuyên bán những loại y phục đó. Cho nên sau này khi cô phản tỉnh lại, cô nói những y phục này xem ra cô không thể tiếp tục bán được nữa, cũng là đang trồng một cái nhân không tốt. Đúng lúc chúng tôi lại quen biết nhau, cô ấy còn nói với tôi là: “Vậy cô nói xem, tôi nên bán cái gì?”. Tôi nói: “Cô bán y phục truyền thống Trung Hoa đi! Cô xem người nam, người nữ mặc đều đẹp như vậy, trang nghiêm như vậy. Đừng nên bán những loại áo hai dây, y phục diêm dúa nữa”. Cô nói: “Không học cái này thực sự không biết, tôi còn cảm thấy việc kinh doanh đó của tôi rất tốt. Hiện tại nghĩ kỹ lại, tôi thấy đều là những cô gái bán hoa đến chỗ của tôi mua đồ”.

Có một cô giáo nói với tôi là: “Trước đây tôi luôn không hiểu tại sao tôi thường nhận được những cuộc điện thoại do những người nam không đứng đắn gọi cho tôi. Sau đó, tôi nghe cô giảng về “Nữ Đức” thì tôi mới hiểu rõ, đều là do khuôn mặt của tôi gây ra. Cô nhìn tôi hóa trang, dùng mascara vẽ lông mi rất đậm. Ba tôi còn nói, cảm giác như không tìm thấy mắt nữa. Môi tôi đánh rất đỏ, mi mắt thì phải vẽ thành màu đen. Đây là màu hun khói đang kiểu thịnh hành nhất. Khi tôi trở về nhà thường làm ba tôi giật mình. Ba tôi nói: Tại sao con lại trang điểm giống như quỷ vậy?”, nhưng cô ấy lại cảm thấy rất đẹp, rất xinh. Đây là một cô gái trẻ hai mươi tám - hai mươi chín tuổi. Cô nói: “Tôi không hiểu tại sao tôi luôn nhận những cuộc điện thoại nói những lời rất khó nghe từ những người nam. Tôi không phải là người như vậy, tôi cũng không làm những việc đó”. Tôi nói: “Đó là do dáng vẻ của cô gây ra. Họ nhìn vào tướng mạo mà! Nếu cô trang điểm nhẹ nhàng, thanh  lịch, gọn gàng thì sẽ không dẫn đến những việc như vậy”. Cho nên, dung mạo của phụ nữ rất quan trọng.

Chúng ta học bốn đức hạnh này của phụ nữ, trên thực tế chính là trồng một cái nhân tốt cho cuộc sống của mình. Bạn đem bốn cái nhân tốt này trồng xuống là được rồi. Cũng giống như một cái bàn, bốn chân vững chắc thì mặt bàn sẽ được ổn định. Phước báo của bạn từ đây mà sinh ra, bạn liền tạo phước cho gia đình. Bạn đừng nóng vội, đáng có tiền thì sẽ có tiền, đáng có quyền thế thì sẽ có quyền thế, đáng có một người chồng tốt thì sẽ có một người chồng tốt, đáng có con cái tốt thì sẽ có con cái tốt. Mọi người chẳng phải nói: “Không trồng cây ngô đồng làm sao dẫn phượng hoàng vàng đến”. Nếu bạn là cây ngô đồng, thì chồng bạn sẽ là chim phượng hoàng vàng. Bạn nói xem, nếu bạn không phải là người như vậy, thì bạn còn hy vọng tìm được một người chống tốt như vậy hay không? Vật cùng loại sẽ tụ hợp lại với nhau. Nam châm còn có một nguyên lý, cùng chiều thì đẩy nhau. Quy luật của đại tự nhiên nói với chúng ta vô cùng rõ ràng. Bạn nói bạn là một người rất phóng túng, bạn lại hy vọng tìm được một người chồng chung thủy, rất giữ lễ tiết với bạn, điều này trên mặt đạo lý nói không thông rồi. Cho nên, chúng ta trồng tốt bốn cái nhân này, thì có thể đạt được những quả báo tốt.

Trong “phụ dung”, ngoài vẻ bề ngoài ăn mặc, trang điểm thì đôi mắt trên khuôn mặt rất quan trọng. Đặc biệt phải nhớ kỹ, đôi mắt của phụ nữ chúng ta không được nhìn Đông, ngó Tây. Điều này trong “Nữ Tứ Thư” nói vô cùng nhiều. Ánh mắt của phụ nữ phải nhìn xuống dưới, không được xem xem ở đây xảy ra chuyện gì vậy, lại ngó xem cô gái nào đẹp hơn tôi, lại nhìn xem có anh chàng nào đẹp trai hay không. Điều này đều sẽ gây ra một số nhân thị phi. Bạn nói, tôi không nói những lời lẳng lơ, nhưng bạn có ánh mắt lẳng lơ; bạn nói, tôi không trang điểm hay ăn mặc như vậy, nhưng ánh mắt bạn lại như vậy. Người ta chẳng phải nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” hay sao?

Tâm rất quan trọng nhất, nó không ở những việc bên ngoài. Nếu chúng ta đọc qua “Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký”, sẽ thấy Du Tịnh Ý Công làm rất nhiều việc tốt như: kính trọng giấy có chữ viết (kính giấy, tiếc chữ), in Kinh, phóng sanh, kết Văn Xương Xã, khuyên người giữ giới dâm, nhưng kết quả ông lại bị nhiều quả báo xấu. Do ý niệm ác của ông quá nặng, sau đó may mắn ông đã cảm được Táo Thần xuất hiện khai thị cho ông rõ. Rất nhiều ý niệm xấu ác của ông cũng xuất hiện từ đôi mắt. Táo Thần nói: “Ông không gian dâm với vợ người khác, nhưng nhìn thấy gái đẹp thì ánh mắt của ông không ngừng dõi theo họ[DTNT5] ”. Cho nên, tâm không động thì mắt cũng không động; mắt động thì tâm bạn cũng động. Do vậy, người phụ nữ nên giữ ánh mắt không được nhìn Đông, Ngó tây, phải nhìn xuống, phải giữ an định.

Bạn xem tam thái, đặc biệt là Thái Nhậm mẹ của Chu Văn Vương. Khi bà mang thai, bà đã giữ vững ba điều: miệng không nói lời kiêu ngạo, tai không nghe dâm thanh, mắt không nhìn ác sắc. Ác sắc chính là những việc lung tung, lộn xộn. Sắc là chỉ những hiện tượng vật chất, báo chí, tạp chí, truyền hình, mạng Internet, đều thuộc về sắc. Đây chẳng phải thuộc về sắc pháp hay sao? Bạn không nhìn những thứ đó thì đúng rồi. Bạn nói tôi không xem, cả ngày tôi chỉ dán mắt vào máy tính lên những trang mạng sắc tình, điều đó cũng không đúng, mắt bạn đã đặt sai vị trí rồi. Do vậy đôi mắt rất quan trọng, phải khéo dùng đôi mắt của chúng ta.

Cuối cùng tôi xin chia sẻ cùng mọi người về đức hạnh cuối cùng chính là “phụ công”. “Phụ công” là: “Chuyên tâm kéo sợi dệt vải, không thích cười đùa ồn náo, biết làm những món ăn ngon để tiếp đãi khách”. Đây là phần “phụ công”. Phần “phụ công” này chúng ta xem, cũng rất đơn giản. Dường như Tào Thái Cô nói với chúng  ta, phụ nữ thời xưa họ đều dệt vải cho nhà mình, tự mình may y phục. Ý nói phải chuyên tâm, một lòng một dạ dệt vải. Sau đó phải chuẩn bị tốt một số món ăn, chăm sóc tốt những người thân, bạn bè của chồng. Nhìn trên sự tướng thì có thể chỉ là những sự tướng như vậy, nhưng trong cuộc sống thực tế có thể làm tốt được “phụ công” thì rất khó. Vì làm tốt “phụ công” là bạn đang tích đức, tích phước. “Phụ công” làm không tốt thì bạn bị tổn đức, tổn phước.

Chúng ta nói, ở nhà phụ nữ có ba việc thường làm nhất là: nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo. Chúng ta xem, hiện nay giặt quần áo có thể có máy giặt làm thay, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm có thể tìm người giúp việc, thử hỏi xem cái gia đình này có giống một gia đình hay không? Tôi dùng người giúp việc rất nhiều năm, tôi cảm thấy gia đình không giống gia đình. Nửa năm nay từ khi người giúp việc rời đi thì tôi cảm thấy gia đình giống gia đình rồi. Do vậy tôi đã kêu gọi mọi người trong khu vực của chúng tôi, có thể tự làm được việc gì thì phải tận sức để làm, đừng nên làm phiền người giúp việc. Bởi vì chúng ta có đức hạnh cũng không cách gì có thể quản giáo tốt những người giúp việc hiện nay, sẽ xảy ra rất nhiều những sự việc như vậy. Nghĩa là người giúp việc và chủ nhà xảy ra rất nhiều những việc tranh cãi.

Thời gian trước tôi có quen một người bạn nữ, là nhân viên quản lý cao cấp trong ngân hàng. Cô nói với tôi là: “Tịnh Du à! Hai năm nay sau khi tôi kết hôn đều do mẹ đẻ giúp tôi chăm sóc gia đình. Hiện tại mẹ tôi phải trở về nhà cũ rồi, tôi có cần tìm người giúp việc không?”. Tôi nói: “Cô nhất định đừng tìm. Cô xem, cô chưa có con cái, nhà cô mặc dù hơn 200 mét vuông, nhưng y phục có thể giặt bằng máy giặt. Lại không có trẻ nhỏ chạy nhảy trong phòng, nên cô hoàn toàn có đủ tinh lực để dọn dẹp. Toàn bộ đều là rèn luyện thân thể, vừa khéo cô ở nhà nấu cơm để chồng cô nếm thử tay nghề của cô, vậy thì tốt biết mấy”. Cô ấy nghe lời của tôi thì bán tín bán nghi, sau đó cô ấy đến nhà một người bạn khác của cô ấy để tìm hiểu về tình trạng nhà cô ấy thuê người giúp việc như thế nào. Kết quả sau mấy ngày điều tra, trở về nhà cô ấy quyết định không tìm người giúp việc nữa, sau đó tự mình bắt đầu làm những việc này, làm cũng rất tốt.

Chúng ta thường nói nấu một bữa cơm, nếu như bà chủ gia đình không biết làm thế nào để nấu cho người nhà một bữa cơm. Trong này thực sự là một đại học vấn. Đối với đệ tử học Phật có thể sẽ tốt hơn một chút, bởi vì chúng ta ăn chay nên sẽ ít tạo nghiệp hơn.

Trước đây khi tôi chưa học Phật, đặc biệt vào mùa hè tháng bảy, tháng tám là lúc cua mập nhất, gia đình chúng tôi nấu từng nồi, từng nồi cua như vậy. Nhìn thấy chúng ở trong nồi nhưng không có cảm giác gì. Cho nên, vì sao chúng sanh trên thế giới này phải học nhân từ? Vì tâm của bạn đã chai sạn, vô cảm nên sẽ hoàn toàn ngăn cách; chúng là chúng, tôi là tôi. Do đó, tôi vô cùng cảm ân đời này tôi có thể may mắn gặp được Phật Pháp.

Tôi từng phá thai một lần. Tôi vô cùng cảm ân đứa con mà tôi đã phá thai. Sáng nay, khi thức dậy tôi rất sám hối, tôi đã khóc. Vì nếu không có đứa con này thì tôi sẽ không định lại chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp. Mặc dù tiếp xúc Phật Pháp rồi, nhưng nhân duyên rất lớn chính là vì đứa con này. Sau khi tôi phá thai tôi luôn nằm mộng thấy nó. Trong giấc mộng, nó là một cậu bé mập mạp, trắng trẻo. Nó nói: “Mẹ à! Mẹ tắm cho con đi. Mẹ à! Con muốn uống  sữa”, chính là như vậy. Có một thời gian, kỳ thực lúc đó tôi vô cùng mê muội, cảm thấy có chuyện này hay không, nó thật sự tồn tại, nhưng tôi lại vô cùng rõ ràng việc này không giống như mộng. Đặc biệt là khi tôi mới phá thai một - hai năm thì thường xuyên mộng thấy nó, thân thể cũng không được tốt lắm. Năm 2004 tôi học Phật. Sau khi học Phật tôi liền hỏi người giúp việc trong nhà tôi, bởi vì cô ấy là người dẫn tôi vào cửa Phật. Tôi nói: “Trong Phật Pháp có cách nào để bù đắp, giúp đỡ người đã mất không?”. Lúc đó cô ấy nói: “Có thể”. Cô ấy nói với tôi là: “Cô hãy tụng “Kinh Địa Tạng”. Nếu làm như vậy thì họ sẽ dễ chịu một chút”. Do vậy từ năm 2004 thật sự lúc đó tôi vô cùng thành tâm tụng “Kinh Địa Tạng”. Tôi tụng khoảng ba năm; buổi sáng tụng “Phổ Môn Phẩm”, buổi tối tụng “Kinh Địa Tạng”, sau đó đến tháng bảy âm lịch thì một ngày tôi tụng tám - chín lần, đều tụng như vậy. Lúc đó tôi tụng khoảng hơn một năm, tôi còn nghĩ “con à! Mẹ cũng không biết con có cảm nhận được không”. Lúc đó, khi nói tôi đã khóc. Thật sự sau khi học Phật rồi tôi mới biết xin lỗi nó. Nếu như tôi sanh nó ra thì có thể hiện tại tôi đã có ba đứa con trai, nó cũng sẽ rất hạnh phúc, rất vui vẻ. Nhưng hiện nay tôi cảm thấy, bởi vì có nó nên tôi rất muốn thành tựu, hy vọng tương lai có thể giúp đỡ đứa con này. Bởi vì, có thể tâm giữa mẹ và con tương đối khó đoạn dứt. Do vậy, tôi cảm thấy việc gì cũng có mặt tốt, mặt xấu. “Trong họa thường tiềm ẩn phúc, họa và phúc thường gần kề nhau”. Bạn thật sự có thể đem cái nhân duyên này chuyển trở lại, cũng có thể biến nó thành động lực để bản thân mình hướng lên.

Từ sau khi học Phật tôi bắt đầu ăn chay, cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Ví dụ, công ty chúng tôi có một cô nhân viên cũng học Phật, ăn chay, ba chồng cô ấy (ba của chồng cô) ông không học Phật, rất thích ăn cá. Cô ấy nói: “Tôi vì không muốn để ông ăn cá hoặc là đoạn dứt ý niệm muốn ăn cá của ông nên khi nấu cá đã tôi cố ý cho thật nhiều muối hoặc không cho chút muối nào, nên món cá này làm xong hoặc là rất mặn hoặc không có chút mùi vị nào”. Sau đó thì ba chồng cô ấy rất tức giận nói: “Con cố ý có phải không? Trước đây con nấu đâu có như vậy, vì sao hiện tại lại nấu thành như vậy?”. Sau đó cô ấy nói: “Ba à! Con nấu không ngon thì ba đừng ăn nữa”. Sau khi tôi tiếp xúc với cô ấy, tôi nói với cô ấy không thể làm như vậy. Bởi vì tôi không làm như vậy. Người trong gia đình, chồng tôi hiện tại vẫn ăn thịt, tôi cũng vẫn nấu những món rất ngon cho anh ấy. Tôi nói: “Anh ấy có thể có duyên phận của anh ấy, chúng ta có duyên phận của chúng ta. Anh ấy muốn ăn, chúng ta làm bà chủ gia đình  thì phải cố gắng làm tốt cho họ, đặc biệt là phải phụng dưỡng tốt người già”. Nguyên tắc của tôi mọi người trong gia đình đều biết. Tôi nói: “Em tuyệt đối không đến chợ mua những động vật sống để nấu cho mọi người ăn. Em kiến nghị mọi người cũng cố gắng không nên mua, nếu mọi người thực sự phải mua thì em cũng không còn cách gì”. Sau này, nhà tôi trên căn bản là không mua động vật sống nữa, nhưng thỉnh thoảng có người tặng thì họ không để tôi biết, vì nếu biết thì tôi đều thả chúng đi.

Một lần, có người tặng cua cho chồng tôi. Họ không để tôi biết. Anh ấy lén đem đi nấu, rồi lại mang về nhà. Tôi nói: “Vậy mọi người ăn đi, em cũng không có ý kiến gì đâu”. Hơn nữa, bạn cũng đừng nên chấp trước việc này, bạn càng chấp trước thì những sự việc như vậy càng xuất hiện trước mắt bạn.

Năm nay, có một thời gian tôi luôn nghĩ tại sao chồng tôi vẫn còn ăn? Tốt nhất là không nên ăn. Vốn dĩ anh ấy nói với tôi: “Được! Anh không ăn nữa”. Tôi rất vui mừng. Kết quả một hôm anh ấy trở về, tôi liền cảm thấy có mùi khác lạ, bởi vì mũi của tôi rất mẫn cảm. Anh ấy đem ra mười con chim bồ câu nướng. Lúc đó tôi nói: “Tại sao anh lại mua nhiều như vậy?”. Anh ấy nói: “Anh rất muốn ăn”. Tôi cũng không nói gì. Cách vài hôm, anh ấy mang về năm - sáu con. Cách mấy hôm anh ấy lại mang về nữa. Sau đó tôi liền nói: “Tại sao anh vẫn thích ăn bồ câu như vậy?”. Anh ấy nói: “Không sao, anh ở đây ăn. Em qua bên kia, cần làm gì thì làm đi”. Do vậy tôi nghĩ, con người có thể mỗi người đều có duyên phận riêng, không nên đi cưỡng cầu, cũng không nên chấp trước cái tướng này, làm tốt công việc của mình là được rồi.

Phần “phụ công” còn bao gồm những gì? Phụ nữ chúng ta hiện nay ngoài việc cố gắng làm tốt việc nhà ra, quan trọng nhất là chúng ta vẫn còn công việc ở bên ngoài. Bởi vì hiện nay phụ nữ có thể đều có công việc, dù sao phụ nữ ở nhà vẫn là số ít, vậy thì “phụ công” của chúng ta cũng là một sở trường. Chúng ta đều biết, trong bốn môn giáo học của Khổng Tử bao gồm: thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, cuối cùng có thể là thành thạo một nghề. Trong công ty thì phụ nữ phải nên giữ tốt bổn tánh, bổn phận của một người phụ nữ.

Nếu chúng ta xem phần thứ nhất của “Nữ Giới”, chính là nói ba điều thường đạo của phụ nữ. Thứ nhất là khiêm tốn. Thứ hai là làm việc cần mẫn. Cần là cần mẫn. Thứ ba là tiếp nối việc hương hỏa, trên thực tế chính là làm sao để nuôi dạy con cháu tốt. Do vậy, chân thật một người phụ nữ làm việc trong xã hội không phải vì kiếm tiền, không phải vì thể  hiện tài hoa của mình giỏi cỡ nào, điều kiện tiền đề là có thể chăm sóc tốt cho gia đình; dùng nhiều tinh thần và công sức hơn nữa để có thể chăm sóc tốt con cái, sau đó mới làm những việc trong công ty.

Có người nói, khí chất doanh nhân của tôi đã bị giảm đi một ít. Mặc dù mấy năm làm giám đốc, nhưng tôi luôn có một nguyên tắc từ khi tôi kết hôn cho đến hiện tại đều là gia đình luôn thứ nhất. Đặc biệt khi tôi có con cái, thì con cái ở vị trí đầu tiên. Con tôi bị bệnh hay làm bất cứ việc gì tôi đều đích thân làm cùng nó, do vậy mà hai đứa con trai của tôi có cảm tình rất sâu với tôi. Tôi cũng nói với con trai là tương lai các con tìm vợ, quan trọng nhất người phụ nữ này thứ có thiện lương hay không, thứ hai có chăm chỉ hay không, thứ ba có rộng lượng hay không. Có thể tôi nói điều này có chút hơi sớm, nhưng tôi muốn đả thông tư tưởng cho nó sớm một chút sẽ tương đối tốt. Phụ nữ phải khoan dung rộng lượng. Cuối cùng con mới xem dung mạo, học vấn của cô ấy. Những việc này đều là thứ yếu. Mặc dù chúng hiện nay vẫn còn quá nhỏ, nhưng chúng tiếp xúc với xã hội rất nhanh.

Năm trước, con trai tôi còn giới thiệu cho tôi một người. Nó nói, trong trường mầm non có một bạn rất hợp ý, bạn ấy gần như đều phù hợp yêu cầu, hỏi tôi có được hay không? Tôi nói với nó là: “Con trai à! Con nói xem, con tìm sớm như vậy? Tương lai chúng ta lại gặp một người tốt hơn vậy phải làm sao? Con không thể thay lòng đổi dạ được”. Lúc đó nó vô cùng nghiêm túc, nhìn tôi và nói: “Mẹ nói có đạo lý! Việc này tạm thời con không nghĩ nữa, tương lai sẽ có người tốt hơn”. Cho nên, trẻ nhỏ hiện nay thực sự không giống với thời đại của chúng ta.

Chúng tôi vào những năm bảy mươi, khoảng tuổi con trai tôi (đứa lớn sanh năm 2002, đứa út sanh năm 2007), hiện tại chúng ở trong xã hội bạn không thể hoàn toàn kìm hãm chúng được, chúng tiếp xúc chính là môi trường như vậy. Bản thân chúng ta ở nhà làm gương tốt cho chúng.

Ở nhà chúng tôi thường mở đĩa giảng pháp. Con trai lớn của tôi rất thích xem đĩa giảng của thầy Chung, nhưng có lẽ nó cũng chịu ảnh hưởng của bà nội. Nó nói: “Mẹ à! Thầy Chung vô cùng tốt, nhưng con là con trưởng của nhà họ Trương, tương lai con vẫn phải kết hôn, con phải nối dõi tông đường”. Tôi không dám nói nhiều, bởi vì nói nhiều mẹ chồng tôi sẽ tức giận, người già họ luôn có cách nghĩ của họ. Tôi nói: “Được, có thể! Như thế nào cũng đều tốt cả, không có cái gì là không tốt, chỉ cần bản thân làm một tấm gương tốt thì rất tốt rồi”.

Ví dụ khi xem đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, hai đứa chúng đều ngồi vây quanh tôi cùng xem. Sau đó chúng nói: “Bà cụ này giảng rất hay”. Tôi nói: “Đúng vậy!”. Ví dụ xem đĩa giảng của Tiến sĩ Bành Hâm, con trai lớn của tôi ngồi ở trước chân tôi, hai chúng tôi cùng nhau xem. Có chỗ nó xem không hiểu, nó còn nói: “Bác ấy nói điều này là có ý gì vậy?”. Tôi nói: “Ý của bác ấy đại khái, đàn ông nếu không cố gắng làm người tốt thì sẽ có rất nhiều quả báo hiện tiền. Ví dụ như mắc những căn bệnh không tốt, sự nghiệp bị tổn thất”. Sau khi con trai lớn của tôi xem xong, nó còn chính thức nói: “Bác ấy giảng rất chính xác, giảng rất hay. Mẹ à! Chúng ta có thể xem thêm một lần nữa không?”. Tôi không cảm thấy quá sớm để trẻ nhỏ xem những đĩa giảng này, bởi vì trong đầu chúng sẽ luôn lưu lại ấn tượng. Chúng lưu lại cái ấn tượng này, tương lai sau này chúng lớn lên, trưởng thành rồi thì nó sẽ luôn khởi hiện hành. Ví dụ cảnh giới này hiện tiền, có thể đột nhiên chúng sẽ nghĩ ra, “lúc nhỏ tôi cùng mẹ xem qua cái gì, cùng mẹ chia sẻ qua cái gì”.

Dường như một người phụ nữ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với gia đình, đặc biệt là đối với con cái. Bởi vì tôi có hai đứa con, cho nên có lúc tôi nghĩ: “Sở dĩ đời này tôi tới thế gian này, tôi lại đầu thai làm người, trong lục đạo luân hồi, vì sao lại cho tôi hai đứa con trai?”. Tôi nghĩ, làm sao để đem những thể nghiệm dạy dỗ con cái, những thể nghiệm chung sống cùng chồng tôi chia sẻ lại với mọi người, để mọi người cùng trưởng thành học tập với chúng tôi. Cuối cùng, chính là khóa học này. Sau khi hoàn thành thì buông xuống. Chúng ta nên đi đâu thì sẽ đi đến đó. Có lúc tôi nghĩ, con người không nên có tình chấp. Con người có tình chấp thì sẽ xuất hiện rất nhiều chướng ngại, lý trí của bạn sẽ không hiện tiền.

Con người tôi tình chấp tương đối ít một chút, nhưng những người bên cạnh tôi thì tình chấp rất nặng. Con trai tôi thường nói: “Mẹ à! Mẹ nhất định phải vĩnh viễn ở cùng với chúng con”. Tôi nói: “Không có chuyện như vậy, trên thế gian này không có bữa tiệc nào mà không tàn. Chỉ cần đời này mẹ làm tốt mẹ của con, con làm tốt con của mẹ, chúng ta có thể làm tốt tấm gương của người thế gian thì rất tốt rồi, không nhất thiết. Trừ khi chúng ta đến Thế giới Cực Lạc, thì có thể đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn ở cùng nhau”. Cho nên, mỗi buổi tối trước khi tôi và hai con trai đi ngủ thì chúng tôi có một tiết mục rất quan trọng, là quán tưởng cảnh tượng của Thế giới Cực Lạc. Có một vị Phật A Di Đà to lớn đứng trước mặt ba chúng tôi, là ở đây, giữa chân mày phóng quang. Chúng tôi mỗi người chọn một tòa hoa sen mà mình yêu thích. Tôi thường chọn hoa sen trắng, hai đứa chúng thì đứa chọn hoa sen màu đỏ, đứa chọn màu xanh lục, xanh lá cây. Chúng tôi nghĩ, ở đó thật thoải mái, thật tự tại biết bao. Sau đó chúng tôi niệm thầm Phật hiệu, an định đi vào giấc ngủ. Cho nên, học Phật thực sự là sự hưởng thụ tối cao của đời người. Tôi lại nhắc đến vấn đề của Phật pháp. Bởi vì tôi cảm thấy ba nhà Nho - Thích - Đạo, kỳ thực cuối cùng vẫn là quy kết về học Phật pháp mới có thể chân thật khiến bản thân đạt được giải thoát.

Hôm nay xin chia sẻ với mọi người một chút về bốn đức hạnh của phụ nữ. Có chỗ nào tôi giảng không thỏa đáng, xin các vị thầy cô giáo chỉ giáo nhiều hơn. Xin cảm ơn các vị thầy cô giáo!

Báo cáo tâm đắc về việc học tập “Nữ Đức” – Tập 4

Chủ giảng: Cô Trần Tịnh Du

Giảng ngày 8/7/2010

Tại hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông

Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Biên Tập: Ban Biên Tập Tịnh Không Pháp Ngữ 

 

Mục Lục
Muc Luc
(The Content Pages numbers)


Table of Contents
Học tập Nữ Đức (Tập 1) 3
Học tập Nữ Đức (Tập 2) 29
Học tập Nữ Đức (Tập 3) 59
Học tập Nữ Đức (Tập 4) 94
Mục Lục 131
























Find us at:
Share on facebook: You don't have to be worried about the FACEbook Robots Auto Blocking Servers anyway. Bạn hãy nhấn nút sau để chia sẽ liên kết trang web mới này trên FACEBOOK. Xin các bạn cứ yên tâm mà chia sẽ vì sẽ không bị các chương trình auto robot servers kiểm tra tin rác ngăn chặn được đâu. Xin cám ơn FACEBOOK, INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi! Please click these buttons to share these links (these new other sites) on FACEBOOK. (You don't have to be worried about any FACEBOOK firewall automatic spam checking robot servers anyway, it is our warranty now. Thanks to our FACEBOOK. INC,. and many others. Cheers! From Yours friends!!! Hi!)
You can also find us at:
Trang Web Site 1: 
You can also find us at Web Site #1: 
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or
Trang Web Site 2: 
You can also find us at Web Site #2: 
Click this button to Share on FACEBOOK: site02232d1
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
ANOTHER ONE AT:
Trang Web Site 3: 
You can also find us at Web Site #3:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn
or:
Trang Web Site 4:
You can also find us at Web Site #4:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
or:
Trang Web Site 5:
You can also find us at Web Site #5:
Please click this link to see more.
Xin các bạn hãy nhấn vào liên kết trên để xem nhiều thông tin hơn.
Namah Shakya Mouni Buddha. Nam mo Awalokiteshwara Bodhisattwa Mahasattwa maha karunikaya karuna Tadyatha. Aum, Mouniye, Maha Mouniye, Swaha.

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: