Saturday, March 28, 2020

TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO phần 1


TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO - NHÂN TỬ NGUYỄN VĂN THỌ phần 1



--------------------------
TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO
--------------------------

MỤC LỤC


 Chương 1: Tinh Hoa Thiên Chúa Giáo (Phần Mật Truyền).

 Chương 2: Sơ lược về Bà La Môn giáo.

 Chương 3: Từ Veda đến Bhagavad---Gita.

 Chương 4: Các môn phái Triết Học Ấn Độ Giáo

 Chương 5: Tinh Hoa Bà La Môn Giáo

 Chương 6: Lão Giáo --- Đạo Đức Chân Chuyên. Đạo đức là gì

 Chương 7: Vũ Trụ Thám Vi. Tìm hiểu Huyền Cơ Vũ Trụ

 Chương 8: Nhân Sinh Phát Diệu. Vi Diệu Cuộc Đời

 Chương 9: Dịch Kinh Yếu Chỉ --- Cốt Tủy Kinh Dịch

Chương 10: Thân Học Minh Tuyên – Tìm Hiểu Về Con Người

Chương 11: Tính Mệnh Song Tu – Tu Thể Xác Lẫn Thần Hồn

Chương 12: Đơn Đạo Mạn Đàm – Bàn Về Luyện Đơn

Chương 13: Quần Kinh Diệu Tuyển --- Kinh Sách Đạo Lão

Chương 15: Quy Nguyên Phản Bản. Trở Về Nguồn Gốc

Chương 16: Điều Kiện Tiên Quyết Để Khảo Cứu Phật Giáo Cho Có Hiệu Quả

Chương 17: Siêu Hình Học Phật Giáo

Chương 18: Tối Thượng Thừa Phật Giáo

Chương 19: Đạo Khổng – Chân Dung Khổng Phu Tử

Chương 20: Tinh Hoa Khổng Giáo Theo Tứ Thư, Ngũ Kinh

Chương 21: Vũ Trụ Quan (Theo Trung Dung Và Dịch Lý)

Chương 22: Nhân Sinh Quan (Theo Trung Dung Và Dịch Lý)

Chương 23: Sử Quan (Theo Trung Dung Và Dịch Lý)

Chương 24: Hai Chữ Tính Mệnh Theo Khổng Giáo

Chương 25: Tiểu Nhân, Quân Tử, Thánh Nhân

Chương 26: Thuyết Thiên Nhân Tương Dữ Và Thiên Nhân Hợp Nhất Trong Nho Giáo

Chương 27: Quan Niệm Tu Thân Theo Nho Gia

Chương 28: Con Đường Huyền Nhiệm Trung Dung

Chương 29: Tinh Hoa Cao Đài Giáo

Chương 30: Tinh Hoa Hồi Giáo

Chương 31: Tinh Hoa Do Thái Giáo: Kabbala

Chương 32: Tinh Hoa Phật Giáo Hòa Hảo




CHƯƠNG I

TINH HOA THIÊN CHÚA GIÁO.

(PHẦN MẬT TRUYỀN TRONG THIÊN CHÚA GIÁO).



(Một phần tài liệu này đã được trích ra từ bộ LA DOCTRINE ESOTERIQUE À TRAVERS LES ÂGES, gồm 2 cuốn của Ernest Bosc, Chamuel Editeur, Paris 1889, nơi các trang 22---44, Tập II, thuộc Chương XXVII, nhan đề ÉSOTÉRISME CHRÉTIEN).

*
* *

Đã từ lâu, tôi để tâm suy cứu về những đoạn Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, có thể nói là TINH HOA. Cách đây khoảng 20 năm, nhân đọc bộ La Doctrine ésotérique à travers les âges của Ersnest Bosc, tôi thấy nên đúc kết lại, hệ thống hoá lại, xiển minh lại bằng các lời trích dẫn trong các sách Phúc Âm, và Thánh Thư, để thân tặng những ai có lòng thành khẩn và tha thiết tìm cầu Chân, Thiện, Mỹ.

Nói rằng Công Giáo có phần Mật Truyền, ắt nhiều người sẽ bỡ ngỡ. Nhưng thực tế, có như vậy. Vả lại, không phải cứ theo Đaọ là nắm được tinh hoa của Đạo, là biết được điều thâm sâu của Đạo.

Chính thánh Paul đã viết: “Hỡi Anh Em, phần tôi, tôi đã không thể nói với Anh Em, như nói được với những người có linh cơ siêu thoát, mà là nói như thể với những người phàm tục, với những trẻ thơ trong đấng Kitô. Tôi đã cho Anh Em ăn sữa, chứ không cho những của ăn rắn đặc vì Anh Em không chịu nổi...(I Cor. 3,1)

Vậy phần Mật Giáo nội truyền đó có thể được trình bày như sau:---

1. Con người có Thiên Tính hay Thiên Chúa hằng ngự trị trong tâm hồn mọi người.

2. Nước Trời đã ở ngay trong tâm khảm con người.

3. Mọi người đều có đấng Kitô trong tâm khảm.

4. Hai phương diện một con người: TÂM và THẦN.

5. Ý nghĩa cuộc tiến hoá quần sinh:

---Từ phàm phu con người sẽ trở thành Thần Linh.

---Từ phàm phu, con người sẽ tiến hoá, sẽ triển dương tới tuyệt đỉnh, để trở nên những con Thiên Chúa, để đạt đúng tầm kích như Chúa Kitô.

6. Đại Đạo chân truyền:

---Đi vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.

---Tỉnh giảm mọi lễ nghi, hình thức.

---Tìm cho ra luật lệ Trời ghi tạc trong tâm can.

---Sống kết hợp với Thiên Chúa.


I. Con người có Thiên Tính hay Thiên Chúa hằng ngự trong tâm hồn mọi người.

Thánh Paul viết:”Chỉ có một Thiên Chúa là cha chung mọi loài. Ngài ở trên mọi loài, xuyên thấu mọi sự, mọi loài, và ở trong mọi người chúng ta”[1]

Ngài lại nói:” Nhưng cũng chỉ là một Thiên Chúa tác động mọi sự trong mọi người. Mọi người đều được một phần hiển dương của Thần Chúa để góp phần vào ích chung.”[2]

Ngài cũng nói: “Anh Em há chẳng biết Anh Em là đền thờ. Chúa và Thần Chúa ở trong anh em sao?”[3]

Ngài viết thêm:”Anh em chẳng phải sống bằng xác mà bằng Thần, vì Thần Chúa ở trong anh em.”[4]

2. Nước Trời đã ở ngay trong tâm khảm con người.

“Nước Trời kề cận. [5]

“Nước Trời không đến một cách lộ liễu, và không thể nói được: Nước Trời ở đây, nước Trời ở đó, vì anh em hãy biết: Nước Trời ở trong anh em.” [6]

Tiếc thay những câu đó xưa nay được hiểu như là Nước Trời đã gần tới...Nước Trời ở giữa Anh em.

Vả lại niềm tin rằng nước Trời ở ngay trong tâm khảm mỗi người, chỉ là một hệ luận tự nhiên của niềm tin rằng: Chúa, Thần Chúa đã ngự trị trong tâm khảm mỗi người, như đã chứng minh ở trên.

3. Mọi người đều có đấng Kitô trong tâm khảm.

Ernest Bosc gọi đó là Huyền Nhiệm Đấng Kitô (le mystère du Christ) hay là Huyền Nhiệm Phúc Âm (mystère de l’évangile)[7]

Như vậy, theo Ernest Bosc, hiểu được huyền nhiệm đấng Kitô, nghĩa là linh cảm được rằng mình có Chúa Kitô trong lòng mình, là sẽ hiểu được tinh hoa Phúc Âm, nắm được cốt tuỷ Phúc Âm.

Ernest Bosc cho rằng: không nên hiểu Đấng Kitô là Ngôi Hai chỉ giáng trần một lần duy nhất trong Chúa Giêsu, mà phải hiểu đó chính là Ánh Linh Quang tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, Ánh Linh Quang phát xuất từ Đại Linh Quang bao quát toàn thể vũ trụ. Như vậy trong mỗi người đều có sẵn đấng Kitô, mỗi con người đều là một Tiểu Linh Quang, một phần tử bất khả ly của Đại Linh Quang.[8]

Thánh Paul viết: “Anh em há chẳng biết thể xác anh em là thân thể đấng Kitô...Anh em hãy ngợi khen và mang Thiên Chúa trong thể xác anh em.”[9] Câu Kinh Thánh trên là dịch nguyên văn từ Thánh Kinh Vulgate, nguyên bản Latinh. Trong các bản Thánh Kinh sau này, bất kỳ bằng tiếnh Anh, Pháp hay Việt, đều bỏ không dịch mấy chữ hãy mang thiên chúa trong thể xác anh em.

Thánh Paul cho rằng: Cái điều huyền diệu trên đây, từ bao thế kỷ trước ngài, người ta đã quên khuấy mất, và Ngài có trách nhiệm tuyên xưng lại điều ấy. Đó là: Đấng Kitô ở trong Anh Em.[10]

Chính là vì trong mỗi người chúng ta, có cái Mầm Mộng Kitô đó, cho nên thánh Paul mới chủ trương rằng chúng ta có thể triển dương tới viên mãn, để thực sự đạt tới tầm kích của đấng Kitô. [11]

Như vậy, cái điều huyền diệu, cái điều bí ẩn của Phúc Âm chính là chỉ vẽ cho mọi người biết rằng: Trong lòng họ có Thượng đế hiện diện. Hồng ân này không rành riêng cho ai. Người Do Thái hay người muôn phương cũng được diễm phúc đó đồng đều như nhau. [12]

Thánh Paul cho rằng: Ngài đã chịu đau khổ, chịu vất vả để cho đấng Kitô được hình thành trong tâm hồn các giáo hữu.[13]

Như vậy lúc thì Phúc Âm nói: Trong ta có Thiên Chúa, lúc thì nói trong ta có đấng Kitô, lúc thì nói trong ta có Thần Chúa . Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa há đã chẳng mãi mãi ngự trị trọn vẹn trong tâm hồn ta hay sao?

Đây là lời Thánh Paul về Thần Chúa hiện diện trong ta: “Chính vì chúng ta có Thần Chúa, nên chúng ta mới có thể gọi Chúa là Cha. [14] và mới có thể cộng hưởng gia nghiệp Thượng Đế như Chúa Giêsu.” [15] “Chính vì chúng ta có Thần Chúa, nên chúng ta mới có sự hiểu biết về Chúa.”[16]

Thánh John cũng chủ trương: “Chúng ta biết được rằng: ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta, chính là vì Ngài đã cho chúng ta Thần Chúa.” [17]

Riêng tôi, từ lâu đọc Thánh Kinh, tôi thấy rằng, nếu Phúc Âm là một Tin Mừng, thì Tin Mừng ấy sẽ là như sau:

*Anh em chẳng phải là nhửng kẻ phàm hèn, chẳng phải là con nuôi, con nhặt, con đòi, mà anh em cũng y thức như tôi, chúng ta là con một Cha Chung. Vì thế mà Ngài mới lập ra Kinh Lạy Cha Chúng Tôi. [18]

*Nước Trời đã ở ngay trong lòng chúng ta.[19]

*Nếu Nước Trời ở trong ta, thì dĩ nhiên Vua Nước Trời không thể sống lưu vong ngoài nước Ngài, mà chắc chắn là phải sống động trong lòng chúng ta.

*Như vậy anh em chính là đền thờ của Ngài. [20]

*Như vậy, việc gì phải xây cất những đền đài, những thánh đường, thánh thất nguy nga cho Ngài ở, vì Ngài đâu có thèm ở trong những đền đài đó. Thánh Stephen, vị thánh tử đạo đầu tiên, và Thánh Paul, một trong những vị sáng lập ra Đạo Thiên Chúa đã long trọng tuyên xưng: Chúa Trời Đất chẳng bao giờ ở trong những đền đài do tay người tạo dựng nên.[21]

*Nếu Chúa ở trong mọi người, thì dĩ nhiên yêu người là mến Chúa. Cho nên Chúa Giêsu chung qui, chỉ dạy mến Chúa và yêu người, và bao giờ cũng chủ trương yêu người là mến Chúa.[22]

*Hơn thế nữa, con người chẳng bao giờ có thể tách rời Thiên Chúa dù là một phút, một giây. [23]

4. Hai phương diện trong một con người: Tâm và Thần.

Bí quyết này xưa nay chưa hề được giảng giải. Ernest Bosc tuy có đề cập đến vấn đề này, nhưng giải thích chưa được rõ ràng. [24]

Tôi cảm thấy có bổn phận làm sáng tỏ lại vấn đề.

Giáo lý Công Giáo công truyền chấp nhận rằng con người chỉ có 2 phần: XÁC VÀ HỒN (Công đồng LATRAN IV, 1215.---VATICAN I, 1870), còn Thánh Kinh Công Giáo thì trái lại chấp nhận con người có 3 phần: Thần, Hồn, Xác. [25]

Thần và Hồn hoàn toàn khác biệt nhau. [26]

*Thánh Paul và thánh Jude phân biệt 2 hạng người:

1---Một hạng phàm phu, tục tử, sống lệ thuộc vào thất tình, lục dục. Đó là những ngưởi sống bằng Tâm Hồn (Êtres psychiques).

2---Một hạng người sống bằng Thần (Êtres Spirituels)

Những hạng phàm phu, tục tử sống theo thất tình, lục dục (theo xác thịt), là những hạng người hay chia rẽ, [27] đĩ thoã, dâm tà, tin vơ thờ quấy, ghen ghét, chia rẽ, hay ghen, hay giận, hay cãi cọ, tham ăn, tục uống, chè chén, say sưa . [28]

Họ không sao hiểu được những gì siêu linh. [29]

Những con người như thế làm sao mà được nước Trời? [30]

Còn những con người siêu linh, tức là những người sống bằng Thần sẽ: nhân từ, vui tươi, khoan quảng, thích giúp người, có từ tâm, tin cậy nơi người khác, hiền từ, biết tự chủ, [31] và tùy nghi, những người đó, vì công ích, có thể trở nên khôn ngoan, hiểu biết, làm được phép lạ, chữa được bệnh tật, nói được tiên tri. [32]

Chỉ những người đó mới thông thần, mới hiểu được những điều huyền diệu của Chúa, biết được ý Chúa. [33]

Và quan trọng nhất là chỉ có những hạng người siêu linh ấy mới được TRƯỜNG SINH VĨNH CỬU. [34]

Trong thư viết cho bổn đạo thành Corinth, [35] thánh Paul có một đại luận “thần sầu, quỉ khốc” về hai phần Tâm (Hồn= corps psychique) và Thần (Corps spirituel).

Nhưng tiếc vì nó quá cao siêu, nên xưa nay chẳng mấy ai hiểu nổi, chẳng mấy ai để ý tới, chẳng mấy sách dịch được cho ra hồn.

Ngài cho rằng: phần Tâm (Hồn) hiện ra trước, phần Thần hiện ra sau. [36]

Ai có một chút kinh nghiệm đời sống tâm linh sẽ hoàn toàn đồng ý. Khi chưa giác ngộ, thì cái Thần trong con người chưa hiện, chưa hoạt động. Lúc ấy, Thần trong ta còn ngủ, chỉ mới có cái hồn là sống động.

Cái Hồn đó chẳng qua là phần bao bì, phần Địa, biến thiên, sinh tử. Như vậy, dĩ nhiên, nó không thể nào hưởng được Nước Trời, không thể nào được trường sinh vĩnh cửu, không thể nào trở nên bất hủ.[37]

Nó chẳng khác nào như những phần tuỳ thuộc của hạt lúa mì, cốt là để hỗ trợ cho cái mầm sống trong hạt lúa mì nảy nở ra cây lúa mì. Cũng như vậy, nó sẽ đóng vai hỗ trợ để cho cái phần Thần được trở nên sống động, triển dương.

Thế tức là gieo giồng cái Tâm Hồn, mà sẽ nảy nở ra cái Thần Linh. Gieo giồng cái biến thiên, sinh tử, để sản sinh ra cái trường sinh; gieo giồng cái yếu hèn, ti tiện, sẽ nảy nở ra cái huy hoàng và mãnh liệt. [38]

Thánh Paul tha thiết khuyên ta rằng:

Đã biết sống bằng Tâm Hồn, còn phải biết sống bằng Thần Linh nữa.

Cái phần Hồn chẳng qua là cái phần Đất, sẽ bị huỷ hoại. [39]

Cái phần Thần mới là cái phần Trời, siêu linh, vĩnh cửu. [40]

Tôi toát lược phần trình bày về Tâm và Thần của thánh Paul như sau:

THÁNH, PHÀM hai nét ghép thành NHÂN,

Phàm: ấy Nhân Tâm; Thánh: ấy Thần.

Tâm hình hiện trước, Thần kế tiếp,

Thần: Trời; Tâm: Đất, nhẽ tương phân.

Tâm, Đất dĩ nhiên vương sinh diệt,

Thần, Trời nên mới thoát chuyển luân.

Tâm, Đất tử vong, đành số kiếp,

Bất tử, trường sinh, chỉ có Thần.

5. Ý nghĩa cuộc tiến hoá quần sinh.

*Từ phàm phu con người sẽ tiến tới Thần Linh.

*Từ phàm phu con người sẽ tiến hoá, sẽ triển dương tới tuyệt đỉnh để trở nên Những Con Thiên Chúa, để đạt đúng Tầm Kích của Chúa Kitô. [41]

Cả vũ trụ, quần sinh như đang chờ sự hiển dương của những Con Thiên Chúa. [42]

“Cho tới ngày ấy, vạn vật như quằn quại trong cơn đau đẻ. Và không phải chỉ tạo vật mới như thế. Ngay đến như chúng ta, vì có Mầm Mộng Thần Linh, chúng ta cũng như thấy thâm tâm đang rên rỉ chờ ngày được nhận là Con Thiên Chúa. “[43]

Tiến hoá như vậy chính là lột bỏ đời sống phàm phu, đời sống theo thất tình, lục dục. Tức là rũ bỏ con người cũ, sống theo con người mới, lề lối mới, đạt dần tới sự hiểu biết chân thực, khuôn dần theo được đúng như chân tướng của Hoá Công. [44]

Muốn tiến hoá trên bình diện tinh thần, trước hết phải rũ bỏ cái lốt phàm phu, tục tử, phải rũ bỏ cái Hồn đầy thất tình, lục dục. Ôm ấp nó, o bế nó, muốn cưu mang, cứu chuộc nó thì làm sao mà mong được cứu rỗi. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng trong Matthew II, 39: “Ai muốn cứu linh hồn mình, thì sẽ mất; ai mà mất linh hồn mình vì ta, thì sẽ được nó.” [45]

Lão giáo nói: Tâm tử, Thần hoạt. Phật giáo dạy:

Diệt Tiểu Ngã, trở về với Đại Ngã cũng tương tự như vậy. Ý nói: Hồn có chết đi, thì Thần mới sống động được. Tiểu Ngã có chết đi, thì Đại Ngã mới triển dương được.

Cái tâm hồn phàm tục ấy cần phải chết đi, để chúng ta được sống lại một lần nữa, sống lại bằng Thần. [46]

*Vì Chúa là Thần, cho nên chúng ta không thờ Chúa bằng môi miệng, [47] cũng không phải bằng Hồn, vì Hồn đầy thất tình lục dục, không hiểu nổi được Chúa,[48] mà phải thờ Chúa bằng Thần. [49]

Lạ lùng thay trong Cựu Ước có nhiều nơi chép rõ rằng Hồn không bất tử. [50]

Charles Herbert, một tác giả thuộc Cơ Đốc Phục Lâm, một giáo phái thành lập năm 1862, trong quyển Le Chemin du Salut của Ông, đã cho thấy:

Chữ Thần được nhắc 827 lần trong Thánh Kinh.

Chữ Hồn được nhắc 873 lần trong Thánh Kinh.[51]

Sống bằng Thần, siêu phàm, thoát tục, mới có thể hợp nhất với Thiên Chúa, [52] mới có thể có cùng một Thần với Thiên Chúa. [53]

Chúng ta chẳng cần đợi tới lai sinh mới được hưởng nước Trời siêu việt ấy, mà ngay từ khi còn ở gian trần này. [54]

Có như vậy, sau này mới đáng được ngồi cùng một toà với Thiên Chúa. [55]

Ta cũng có thể mượn lời linh mục Henry Le Saux khi ông bình câu I Cor 15, 14 và tiếp theo để bàn về cuộc tiến hoá con người như sau:

Cũng là một sinh linh mà trước kia thì là:

Phàm phu, tục tử; phàm tâm, phàm thể.

Nhưng ngày nay, và mãi mãi về sau, sẽ là Thần Linh, là Thiên Thể, sẽ là Siêu Phàm. [56]

6. Đại Đạo chân truyền.

* Đi vào tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.

Phúc Âm gọi thế là “khi cầu nguyện, hãy vào buồng, đóng cửa lại, cầu cùng Cha ở đó, ở trong nơi thầm kín, và Cha ngươi, nhìn thấu nơi thầm kín, sẽ trả công cho ngươi.” [57]

Ernest Bosc chủ trương rằng: Thiên Chúa nói cùng mỗi người chúng ta, trong buồng thầm kín của tâm hồn, chẳng cần qua trung gian; trung gian chỉ làm giảm tia sáng giữa tạo vật và tình yêu Ngài. [58]

* Tỉnh giảm lễ nghi hình thức bên ngoài.

Chính Chúa Giêsu đã khuyên: Đọc kinh làm chi cho nhiều. Đừng bắt chước lối ngoại giáo. [59]

Đừng quá chú trọng những lễ nghi, hình hạc, giả tạo bên ngoài, những lời giảng giáo, nhân vi, nguỵ tạo. [60]

“Những linh mục ngày nào cũng đứng cầu kinh, dâng lễ, làm đi, làm lại một lễ hiến dâng, nào có xin tha được tội lỗi cho ai?” Đó chính là nguyên văn lời thánh Paul trong thư cho người Do Thái. [61]

* Tìm cho ra lề luật Trời ghi tạc trong tâm can.

Như vậy, tinh hoa đạo giáo không cốt tại những lễ nghi, hình thức bên ngoài, những lễ dâng để xin xá tội. [62]

Mà chính là để tìm cho ra luật Trời đã ghi tạc sẵn trong tâm can mình, [63] để tìm cho ra Thiên Ý, để mà theo, mà giữ. [64]

* Sống kết hợp với Thiên Chúa.

Sống kết hợp với Thiên Chúa chính là phần thưởng dành cho những người đã biết sống siêu phàm, thoát tục, đã rũ bỏ được phần Nhân, phần Hồn đầy thất tình, lục dục, đã sinh lại được bằng Thần, [65] đã đọc được Thiên Ý, [66] đã nói được như Thánh Paul: “Tôi sống, chẳng còn là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.” [67] “Tôi có Thần Chúa” [68] “Tôi đã nắm được tư tưởng chúa Kitô.” [69] “Tôi cũng có một Thần như Chúa.”[70]

Tóm lại, Chân Đạo trước sau chỉ có một chủ trương: “Hãy bỏ lề thói sống của con người cũ, điêu tàn theo đà thời gian, với muôn nghìn dục vọng hoàng lương, hãy sống một đời sống Thần Linh mới, hãy mặc lấy con người mới, con người đã được tạo dựng nên đúng theo Thiên Ý, trong công chính, trong thánh thiện của Chân Lý.” [71].


CHÚ THÍCH


[1] Unus et Deus et Pater omnium, qui est super omnes, et per omnia, et in omnibus nobis. Eph. IV, 4,5,6.

[2] Mais c’est le même Dieu qui opère tout en tous. À chacun, la manifestation de Dieu est donnée en vue du bien commun. I Cor. XII 6,7.

[3] Ne savez---vous pas que vous êtes un temple de Dieu et que l’Esprit de Dieu habite en vous? I Cor. III,16.

[4] Vous, vous n’êtes pas dans la chair, mais dans l’Esprit, puisque l’Esprit de Dieu habite en vous? Rom. VIII, 9

[5] Le Royaume de Dieu est tout proche. Mc I, 15. Mat. 3, 2.

[6] Lk 17, 21.

[7] Ernest Bosc, La Doctrine Ésotérique, tome 2, trang 26, 34---44.

[8] On désigne sous cette expression, la présence en l’homme de ce Rayon du Verbe, de cette étincelle de L’Esprit de Dieu qui est dénommé Christ. Le Christianisme et la Théosophie ne donnent pas à ce terme, la même signification; celle---ci prétend que l’échelle des êtres est infinie, que de l’homme à l’émanation première de l’Absolu, nous venons de le voir, de l’homme au Logos (Christ Universel), il existe un nombre considérable de degrés de développement et que cette énorme distance ne saurait être franchie d’une facon arbitraire. Le corps du Logos (du Christ) c’est l’univers tout entier et toutes les qualités de cet Univers, toutes les potentialités de matières (visibles et invisibles), que nous nommons des êtres qui ont pour cause cet ESPRIT UNIVERSEL, dans lequel nous vivons,et nous nous mouvons...

Ernest Bosc, La Doctrine Ésotérique, p. 34---35. Xem thêm I Cor.XII, 6---11. Acts 17---28.

[9] Nescitis quoniam corpora vestra membra sunt Christi...Glorificate et portate Deum in corpore vestro. I Cor VI, 15---20

[10] Col. I, 25---27.

[11] Eph. IV, 13.

[12] Eph. III, 3---6.---Rom. III, 29.

[13] Ga IV, 19.

[14] Rom VIII, 14, 17.

[15] Rom VIII, 8, 17.

[16] I Cor 2, 12.

[17] I John, IV, 12---13.

[18] Mat 5, 45 và 9, 14.

[19] Lk 17, 21

[20] I Cor, 3, 16---17

[21] Ac 7, 48---49.---Ac 17, 24.---He 9, 24.

[22] Mat 5, 43.---Mat 22, 37---40.---Mk 9, 37.---Mk 12, 29---34.

[23] Jn 15, 5.

[24] Ernest Bosc La Doctrine ésotérique II, trang 31---40.

[25] I Th, 5, 22.

[26] He 4, 12.

[27] Ga 5, 18---25.---I Cor 2, 13---14.---Jd 19.

[28] Ga 5, 19---21.

[29] L’Homme psychique n’accueille pas ce qui est de l’Esprit de Dieu: C’est folie pour lui et il ne peut le connaitre. I Cor 2, 14.

[30] Ga 5, 21.

[31] Ga 5, 22---23.

[32] I Cor 12, 4---7.

[33] I Cor 2, 1---16.

[34] Ga 6, 7---9.

[35] I Cor 15, 35---53.

[36] I Cor 15, 46.

[37] I Cor 15, 50.

[38] I Cor 15, 35---44.

[39] I Cor 15, 50.

[40] I Cor 15, 49---53.

[41] Eph 4, 13

[42] Rom 8, 19.

[43] Rom 8, 23.

[44] Co 3, 6---16

[45] Qui enim voluerit animam suam salvam facere, perdet eam; qui autem perdiderit animam suam propter me, inveniet eam. Mat. 2, 39.---Mat. 16, 25.

[46] Jn 3, 7---8.---Mat 2, 38.---Mat 16, 25.

[47] Mk 7, 6---7.

[48] L’Homme psychique n’accueille pas ce qui est de L’Esprit de Dieu.

La Sainte Bible (Bible de Jérusalem.) I Cor 2, 14

[49] Jn 4, 24.

[50] * L’âme qui pèche, c’est elle qui mourra. Ez 18---4.

* C’est pourquoi je lui assignerai une part avec les grands. parce qu’il aura livré son âme à la mort. Isaie 53, 10---12, La Sainte Bible par J. N. Darby.

Vulgate dịch như sau: Pro eo quod tradidit in mortem animam suam.

*Puisque le Fils de l’homme n’est pas immortel. Si 17, 20.

[51] L’Esprit (Ruah en Hébreu, Pneuma en Grec, mot qui se rencontre 827 fois dans la Bible) c’est le souffle de vie qui est communiqué par Dieu...

L’âme (Néphesh en Hébreu, Psuché en Grec, mot mentionné 873 fois dans la Bible) désigne avant tout la vie individualisée, la vie passagère...

Charles Gerber, le Chemin du Salut, Chapitre: L’Homme est---il immortel?

[52] Jn 17, 21.---I Jn 4, 12.

[53] I Cor 6, 16---17.

[54] Mat 16---28.

[55] Rev 3, 21---22.

[56] Ce fut le même être qui fut---Animalis, psychikon, “psychique” , “naturel”---qui maintenant est, et à jamais sera spiritualis, pneuma---tikon, spirituel.

I Cor 15, 44 and ss.---Henri le Saux, La Rencontre de l’Hindouisme et du Christianisme, Édition du Seuil, Paris, 1966, p. 29.

[57] Mat 6,6.

[58] Le Maitre Divin parle à chacun de nous dans la chambre secrète du coeur, sans qu’il soit nécessaire d’intermédiaire oblitérateur de son rayon entre sa créature et son amour.

Ernest Bosc, La Doctrine ésotérique II, p. 43.

[59] Mat 6, 7.

[60] Mk 7, 6---7.

[61] He 10, 11.

[62] He 10, 5---7.

[63] He 10, 16.

[64] He 10, 10.

[65] Jn 3, 5.

[66] I Cor 2, 16.

[67] Ga 2, 20

[68] I Cor 7, 40.

[69] I Cor 2, 16.

[70] I Cor 6, 16---17.

[71] Eph 4, 24.

Cựu Ước.

Ecclesiasticus (Sirach)
 Si.

Ezekiel
 Ez.

Isaiah
 Is.

Tân Ước.

Acts
 Ac

Colossians
 Co

I Corinthians
 I Cor

II Corinthians
 II Cor

Ephesians
 Eph

Galatians
 Ga

Hebrews
 He

John
 Jn

I John
 I Jn

II John
 II Jn

III John
 III Jn

Jude
 Jd

Luke
 Lk

Mark
 Mk

Matthew
 Mt

Revelation
 Rev

Romans
 Ro

I Thessalonians
 I Th

II Thessalonians
 II Th

***************

CHƯƠNG II

SƠ LƯỢC VỀ BÀ LA MÔN GIÁO

A. Ít nhiều nhận định về Ấn Độ: ---

Ấn độ xưa nay đối với chúng ta luôn luôn khoác một vẻ huyền bí với những danh từ Tây Thiên, Tây Trúc, với những hình ảnh các vị thần linh thiên thủ, thiên nhãn, nhựng đạo sĩ lang thang không nhà, với những Fakirs chôn sống không chết.

Mà thực Ấn Độ là một xứ lạ lùng.

Ấn Độ xưa chia xã hội làm bốn thành phần chính:

1.Giai cấp tăng lữ (Brahmana) coi về tế tự, giáo hoá.

2.Giai cấp chiến sĩ (Kshatriya), làm vua, làm quan, làm tướng.

3.Giai cấp thương nhân (Vaishya) làm nông, thương.

4.Giai cấp công nhân (Shudras) làm công việc tay chân.

Ngoài bốn giai cấp chính ấy ra, còn có những người sống ngoài lề xã hội. Đó là:

---Những tu sĩ không nhà (Sanyasins)

---Những người cùng tiện (Paria)

---Những người ngoại quốc (Mlecchas)

Gandhi, lúc còn sinh thời, hết sức bênh vực những người cùng tiện. Hiến pháp Ấn, năm 1949, đã bỏ lệ phân giai cấp, và cho nam nữ bình quyền.

Ấn Độ chia cuộc đời con người thành bốn thời kỳ:

---Thời kỳ thanh khiết và học tập (Brahmacharya).

---Thời kỳ lập gia đình (Garhasthya)

Kiếm tiền (Arthra)

Hưởng tình (Kama)

Sống hẳn hoi, đạo đức (Dharma)

---Thời kỳ vào rừng ẩn cư (Vanaprasta)

---Thời kỳ thoát tục, vô gia cư (Sannyassa)

Trong thời kỳ này, con người rũ bỏ hết mọi dây rợ gian trần, sống khất thực, vô vi, vô trụ. Họ sống, nhưng sống kết hợp với Đại Ngã Thường Trụ. [1]

Heinrich, trong quyển Les Philosophes de L’Inde, còn cho rằng Ấn Độ có 4 môn học:

Ba môn đầu dạy làm người (Trivarga).

1. Môn học cầu danh, tranh lợi (Arthacastra), mục đích tìm tài lợi, công danh. (Philosophie du Succès).

2. Môn học Ái tình (Kamacastra), mục đích hưởng thụ khoái lạc thể chất. (Philosophie du Plaisir)

3. Môn học làm người (Dharmacastra) sống theo nhân luân. (Philosophie du Devoir)

4. Môn học cầu giải thoát. (Moksa)

Đó là mục đích của Triết Học Ấn Độ. Minh Triết tức là học để biết mình có Bản Thể Thần Minh, và Hành là để trở thành Thần Minh.[2]

B. Tôn Giáo Ấn Độ.

Tôn giáo Ấn Độ là Bà la Môn (Brahmanism) hay Ấn Độ Giáo (Hinduism). Ấn Giáo rải rắc khắp hoàn cầu. Tổng số theo thống kê nay là: 689.205.100.[3]

Tôn giáo Ấn thật là đa diện.

Thấp thì đi dâng hương cúng thần, tắm cho thần, mặc cho thần, hoặc đi hành hương Benares, đi tắm sông Hằng (Gangus).

Cao thì vào rừng ẩn tu, sống siêu thoát, vượt lên trên các lễ nghi, chiêm bái, mà chỉ còn chuyên chú, tĩnh tâm, suy nghiệm cầu giải thoát.

Quan niệm về thần minh cũng muôn sắc thái, đi từ chỗ thấp nhất, đến cao nhất.

Khi thì nó đa thần, thờ vô số thần, coi như có quyền lực ngang nhau. (Polytheism)

Khi thì nó cho các thần luân phiên nhau giữ ngôi bá chủ (henotheism hay Kathenotheism).

Khi thì nó chủ trương độc thần (Monotheism).

Khi thì nó chủ trương Nguyên Lý Sáng Tạo Vô Ngã (Impersonal Monism).

Đối với Ấn Độ, các chủ trương trên đều hữu lý vì:

---Nó phản ảnh mọi trình độ tiến hoá từ ngu si đến minh triết của dân gian.

---Thần minh dù là đa tạp, hay đơn thuần, cũng chỉ là những hiển dương của một nguyên lý tối sơ.

Ấn Độ cho rằng mình có 330.000.000 vị thần. Dưới đây là ít nhiều vị thần chính:

1. Trước hết là Tam Vị Thượng Thần: Brahma, Vishnu, Shiva.

Brahma là thần sáng tạo, có bốn đầu, ngự trên đỉnh núi huyền thoại Meru (Tu Di), với vợ là nữ thần văn nghệ Sarasvati, thường cưỡi con công thần.





(Ảnh Brahma)

Vishnu là thần bảo trì vũ trụ, thường nằm trên mình con rắn chín đầu Ananta. Ngài thường với vợ là Laksmi, sống trên thiên đỉnh Meru. Ngài thường cưỡi con nhân điểu Garuda, trong khi vân du thượng giới.

Vishnu có tất cả 10 hoá thân: Cá, rùa, lợn rừng, người, sư tử, người lùn Vanana, Parashu-Rama, Ông hoàng Rama, ông hoàng Krishna, đức Phật và thần Kalki trong tương lai.

Krishna có người tình là Radha.

Rama có vợ là Sita, và có thần khỉ Hanuman phụ tá.



(Ảnh Vishnu)

Shiva là thần phá huỷ, sống trên núi Kailas. Ngài hay cưỡi bò, và có nhiều vợ như Parvati, Uma, Durga, Kali, Shakti v. v...

Con ngài là Karttikaya, thần chiến tranh và Ganesha, thần đầu voi.




(Ảnh Shiva)

2. Thứ đến, là những trung đẳng thần, như:

*Ashvin, song thần, y sĩ của chúng thần.

*Usha, nữ thần bình minh, cưỡi xe có bảy con bò kéo, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần.

*Surya, thần mặt trời, cưỡi trên cỗ xe, có bảy con ngựa kéo.

*Agni, hoả thần.

*Indra, thần thinh không và bầu trời, thần sét, thần chiến tranh.

*Chadra, thần mặt trăng.

*Varuna, thần trời, cưỡi trên lưng con quái thú Makars.

*Vayu, thần gió.

*Maruts, thần phong ba.

3. Cuối cùng là những hạ đẳng thần, như:

*Yakshinis và Yakshas các tiểu quỉ, hầu hạ thần phú quí Kabera.

*Ravana, quỉ vương đã cướp đoạt vợ Ông hoàng Rama, và đã cùng chúng yêu là Rahshasas, chống lại Rama.

*Manu, đã được một con cá thần cứu thoát khỏi Hồng Thuỷ.

*Soma, tửu thần.

*Yama, tử thần.

*Kinnaras, các nhạc thần trên trời.

*Apsarases, nữ thuỷ thần và Nagas, xà thần v.v...

Với những quan niệm tiên khởi trên, thiết tưởng chúng ta đã được chuẩn bị để đi vào triết học và đạo giáo Ấn Độ.


--------------------

CHÚ THÍCH

[1] Vit s’identifiant au Soi éternel et ne considère rien d’autre. Heinrich Zimmer, Les Philosophes de L’Inde, Payot, Paris, 106, Boulevard St Germain, 1953, p. 129.

[2] Heinrich Zimmer, Les Philosophes de L’Inde, p. 35.

Les 4 buts de la vie:

La Philosophie s’achève par l’accession à un état divin, en ce monde et dans l’autre. (ib. p. 52).

Le Philosophe est quelqu’un dont la nature a été transformée, re---formée en un type de nature vraiment surhumaine du fait qu’il a été traversé par le pouvoir magique de la vérité . (ib. p. 52).

[3] Britannica Book of the Year, 1990, p. 375

***************

CHƯƠNG III

Từ Veda đến Bhagavad-Gita.

Trước khi học về các Thánh Kinh Bà La Môn giáo, tưởng cũng nên nói đại lược về Bà La Môn giáo.

Bà La Môn giáo (Brahmanism) hay Ấn Độ Giáo (Hinduism) là một tôn giáo lớn mà đa số người Ấn Độ tôn sùng. Nó là một đạo giáo cổ nhất còn tồn tại tới ngày nay.

Họ tôn thờ Thượng Đế Nhất Thể Tam Vị. Đó là:

*Brahma, đấng sáng tạo vũ trụ.

*Vishnu, đấng bảo tồn.

*Shiva, đấng phá huỷ.

Vishnu đã giáng trần nhiều lần để cứu độ nhân quần. Rama, Krishna, Đức Phật là vài vị trong những hiện thân của Ngài.

Thần Shiva có vợ là Kali. Hai vị này còn được thờ dưới những hình tượng Lingam (Dương) và Yoni (Âm).

Ngoài ra, dân Ấn còn thờ nhiều vị thần khác, như đã đề cập ở chương trước.

Dân Ấn không giết bò, không ăn thịt bò, và rất trọng bò. Bò có thể đi nhởn nhơ trong các thành phố lớn, làm cản trở lưu thông mà vẫn không sao...

Đạo Bà La Môn ngày nay được thế giới chú ý tới nhiều, không phải vì những hình thức, lễ nghi bên ngoài, mà chính vì những bộ Thánh Kinh của họ, và phương pháp Yoga.

*Thánh Kinh Ấn Giáo gồm có:

1/ Veda (Samhita hay Mantra) (Các thế kỷ từ 15 đến 10 trước Công Nguyên), với các bộ kinh:

---Rig Veda (Độc Tụng Vệ Đà).

---Sama Veda (Ca vịnh Vệ Đà).

---Yajur Veda (Tế Tự Vệ Đà)

---Yajur trắng (Lời Kinh).

---Yajur đen (Lời Kinh và chú giải).

---Atharva Veda (Nhương tai Vệ Đà---Bùa chú khẩu quyết)

---Brahmana (10 quyển. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 7 trước C.N).

---Aranyaka (Lâm Tuyền Ca) (Bộ này không mấy đặc sắc, nên ít được bàn tới) .

2/ Upanishads (Áo nghĩa thư) (Khoảng thế kỷ 7 đến 5 trước C.N.).

3/ Bhagavad Gita (Thế Tôn Ca), rút ra từ bộ Anh Hùng Ca Mahabharata.

Người Âu Châu đã dịch và khảo sát rất nhiều về các Thánh Thư nói trên. Trong quyển Triết Sử Ấn Độ I của L.M. Hoàng Sĩ Quý (Hưng Giáo Văn Đông Xuất Bản, 161 Yên Đổ, Saigon), chúng ta có một thư mục rất đày đủ về các công trình phiên dịch và sưu khảo Thánh Thư Ấn Độ (Xem các trang 158---162 sách trích dẫn).

Sau đây là sơ lược và nhận định về các Thánh Thư nói trên.

A/ Veda

Trong 4 bộ Veda, bộ Rig Veda là quan trọng nhất.

1/ Rig Veda:
chia làm 10 quyển, có tất cả 1017 bài thơ gồm 20.000 câu thơ.

Các bài thơ trên đại khái tán tụng, cầu khẩn các thần minh, như thần:

--- INDRA (thần mưa, thần sét, thần chiến tranh, thần tổ của dân Aryen)

--- AGNI (thần lửa), (200 bài thơ).

--- VISHNU, SURYA, PUSAN, MITRA (Các thần mặt trời).

--- USHA (thần bình minh).

--- VARUNA (thần trời).

--- SOMA (tửu thần), (cả quyển IX).

Ngoài ra, còn mấy bài thơ rất quan trọng, nói về khởi nguyên của vũ trụ. Đó là:

Vô Hữu Tán Ca (Rig Veda X, 129).

Sinh Chủ Thần Tán Ca (Rig Veda X, 121).

Nguyên Nhân Tán Ca (Purusa Sukta) (Rig Veda X, 90).[1]

Rig Veda phản ánh lại sự cố gắng của con người đi tìm Chân Thể của vũ trụ, qua mọi dạng thức thần minh (Đa thần, độc thần).

Nhờ quan sát, họ nhận thấy rằng các hiện tượng thiên nhiên như mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm, sét, bão táp, rượu, lửa v.v...đều có một động lực, một năng lực, một thứ sức mạnh, có thể làm ích hay làm hại mọi người.

Sức mạnh ấy do đâu phát sinh?

Mới đầu, họ cho rằng nguồn năng lực, nguồn sức mạnh ấy do nơi chư thần phát sinh (Indra, Mitra, Varuna, Agni, Soma, Pudra v.v...)

Dần dà, họ cho rằng nguồn năng lực thiên nhiên ấy do một vị thần, do một vị Hoá Công sinh xuất ra. (Vị Hoá Công đó có thể có nhiều tên như Prajapati, Brahmanaspati, Visvakarman v.v...).

Cuối cùng họ cho rằng nguồn năng lực đó do Chân Bản Thể Duy Nhất của Vũ Trụ phát sinh.

Họ tạm gọi Chân Bản Thể Vũ Trụ đó là:

--- Brahman (Thượng Đế Vô Ngã, khác với Brahma, Thượng đế Hữu Ngã).

--- Cái Ấy (Giá Cá)

--- Bỉ Nhất (Cái Nhất ấy, Cái Một ấy).

--- Bỉ (Ấy).

Chỉ có Chân Thể này mới chân thường, hằng hữu, mới là:

Chân Thể (Sat).

Chân Trí (Cit).

Chân Phúc (Ananda).

Còn các hiện tượng bên ngoài, và cả đến chư thần, đến độc thần, vẫn còn nằm trong vòng HÌNH, DANH, SẮC, TƯỚNG, khả hình, khả danh, khả tư, khả nghị, và vì vậy, còn ở trong vòng luân hồi, sinh tử, biến thiên, khổ não.

Nếu ta gọi thế giới hữu hình, hữu tướng này là THỬ (cái này), và Chân Thể là BỈ (cái kia), ta sẽ hiểu được tinh hoa Bà La Môn, khi họ nói Con là Cái Đó’ (TAT TVAM ASI), và tinh hoa đạo Phật khi họ gọi Giác Ngộ là Bỉ Ngạn, hoặc gọi Luân Hồi là Thử Ngạn, Niết Bàn là Bỉ Ngạn.

Vũ trụ quan, theo Rig Veda cũng đa tạp. Có thể đưa chúng về 2 đề mục sau:

A. Nhất nguyên Thuyết:

Vũ trụ này đã từ một Nguyên Thể xuất sinh. Nguyên thể ấy là:

--- Nước (Rig Veda X, 190).

--- Khí (Rig Veda X, 168)

--- Vô Hạn (Aditi) (Rig Veda X, 72).

--- Hoặc do Thượng Đế phân thân để sinh ra vũ trụ. (Rig Veda, X, 90).

Đọc Thánh Thư Ấn Độ, ta càng ngày càng thấy thuyết THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ, hoặc NHẤT THỂ TÁN VẠN THÙ, VẠN THÙ QUI NHẤT THỂ, ngày một hiện rõ ra, hoặc nói bằng Huyền Thoại: (Lửa sinh tàn, nhện sinh tơ, v.v...), hoặc bằng Thần Thoại: (Purusa phân thân thành vũ trụ).

B. Nhị Nguyên thuyết:

Vũ trụ này đẵ được Thượng Đế (Rig Veda X, 121), hoặc chư thần tạo ra, từ một chất liệu sẵn có. (Rig Veda VII, 86; III, 32, 80; X, 81, 2; X, 72,2; X, 121, 1).

Rig Veda tin rằng vũ trụ này đã được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu, mà họ gọi là Rita hay Dharma.

Về lai sinh, Rig Veda mới đề cập đến Thiên Đàng, Địa Ngục. (Rig Veda, VI, 10; XI, 1, 2 ; I, 25, 6; X, 132; IV, 5, 5; IX, 73, 8; X, 152, 4).

Các quan niệm Luân Hồi, Nghiệp Báo chưa rõ rệt (Rig Veda IV, 2, 10; IV,26, 1; IV, 27, 1; X, 16, 3).

2/ Sama Veda

Sama Veda gồm những bài hát để các thày chủ tế (Urgart) hát khi hành lễ.

3/ Yajur Veda

Yajur Veda trắng và đen gồm các kinh kệ, các khẩu quyết, các lời chỉ dẫn cho các thày phó tế (Hort hay Adhvaryu) trì tụng khi đang hành lễ. Ví dụ các lời kinh đọc khi nhóm lửa, khi ép rượu, dâng rượu Soma, hoặc khi giết các sinh vật để hiến tế.

4/ Atharva Veda

Atharva Veda là một quyển sách dạy các bài thần chú, các bùa phép ma thuật, y như quyển Vạn Pháp Qui Tông của Lão giáo.

*Ví dụ: Thần chú chữa ho . (Sacred books of the East, t. 2, p. 8), Thần chú mọc tóc (Charles Braden, les livres sacrés de l’humanité, p. 85), thần chú cầu lấy được chồng (Như trên. 2, 3), cầu vợ (6, 82), thần chú cho được trai yêu (7, 38), gái yêu (6, 8) v.v.. [2]

Shri Aurobindo nhận định về Veda như sau:

“...và đây là tư tưởng sâu sắc nhất của những bậc hiền thánh đã soạn nên bộ Veda:

“Con người sống trong lòng đất mẹ, và thường chỉ biết có cái thế giới chết chóc này. Nhưng ngoài cuộc sống đó, còn có Siêu Thức chứa đựng các thế giới thần minh, trong một bí ẩn sáng láng. Và dưới bộ mặt phiến diện của những ấn tượng khi tỉnh thức, còn có Tiềm Thức hay Vô Thức. Từ đêm tăm Vô Thức ấy, đã sinh ra vũ trụ mà con người thấy được... Con người luôn luôn có những liên lạc thầm kín với các thế giới đó. Con người nếu muốn, có thể minh giác mà vào trong những thế giới đó, sinh ra trong những thế giới đó...

Con người có thể lên cho tới những thế giới quang minh chân lý, vượt qua những cánh cửa Siêu Thức, để bưởc vào ngưỡng cửa Siêu Việt. Các cửa trời sẽ mở ra, đón chào các tâm linh đang đà triển dương. Sự Siêu Thăng đó của con người có thể thực hiện được, vì mọi người đang mang sẵn trong mình, tất cả những gì mà con mắt giác quan nhìn thấy được như là ở bên ngoài mình.

“...Và nếu các Thần minh đã xây dựng ra được một hệ thống vũ trụ, thì các Ngài cũng đã xây dựng ra trong tâm thức con người một hệ thống đẳng cấp, thứ bậc hẳn hoi, triển dương từ thân phận tử vong, cho đến bất tử viên mãn.

“Sự tương phản giữa tử vong và bất tử mà ta có thể vươn lên tới được, chính là chìa khoá, giúp ta hiểu biết tư tưởng, và hành động của Veda.

“Veda là Phúc Âm cổ sơ nhất cho biết về sự bất tử của con người. Những ca khúc của nó chứa đựng tâm thuật của những bậc minh giác đã khám phá ra được con đường trường sinh bất tử...

“Hiểu Veda cho đứng đắn, nó sẽ không còn là một tập bài ca tối tăm, hỗn loạn, man rợ, mà nó sẽ trở thành một bài ca ca lên những nguyện vọng cao siêu nhất của nhân loại. Các bài ca của nó là những giai đoạn trong bản hùng ca rạt rào tình tứ của tâm hồn nhân loại, trên con đường tiến tới bất diệt.

“Ít nhất, nó là thế. Ngoài ra, ta còn có thể tìm thấy những gì nó chứa đựng về khoa học cổ xưa, về những kiến thức đã mất, và về những truyền thống tâm lý, vật lý xa xưa...” [3]

Radhakrishnan, trong quyển Indian Philosophy I, nơi phần kết luận về Veda, đã nhận định đại khái rằng:

“Veda, vì nói về Tế Lễ, nên Brahmana đã được viết ra.

Vì có phần triết học, nên đã sinh xuất ra Áo Nghĩa Thư.

Vì nói về thần Trời Varuna, nên đã gợi cảm cho Bhagavad Gita với chủ trương Độc Thần. Vì nói đến RITA, đến định luật đất trời, nên đã sinh xuất ra quan niệm Quả Báo sau này (làm hay, sẽ gặp quả tốt, làm dở, sẽ gặp quả xấu).

Vì có quan niệm Nguyên Thần Hyranyagarbha bềnh bồng trên mặt Nước Nguyên Thuỷ, nên đã đưa tới Nhị Nguyên Luận (Thần---Vật; Purusa---Prakiti) của triết phái Samkhiya sau này.

Vì đề cập đến ảnh hưởng của lời kinh, tiếng hát, của rượu thần Soma có thể làm cho con người xuất thần, nên có liên quan đến các vấn đề xuất thần sau này của môn phái Yoga.[4]

5/ Brahmanas.

Brahmana là sách nặng về các lễ nghi, hình thức, nên cũng đại loại như Yajur Veda, Sama Veda.

Ở Rig Veda, thì đạo giáo còn hồn nhiên, đầm ấm, rạo rực tình người. Đến thời đại Brahmanas (1000---700 trước C.N.) đạo giáo trở nên lạnh lẽo, khô khan, và bị gò bó trong những lễ nghi, hình thức cố định, phức tạp, phiền toái.

Và đây là những chủ trương chính yếu của Brahmanas:

--- Vishnu, Shiva bắt đầu xuất hiện (Kausitaki Brahmana VI, 1, 9)

--- Brahman là Nguyên Lý vũ trụ (Satapatha Br. XI, 2,3).

--- Kinh kệ, lễ nghi trở nên quan trọng, cần yếu (Satapatha Br. III, 1, 4, 3 -Aiterya Br. II, 1, 1).

--- Giới tăng lữ trở thành trọng yếu, trở thành siêu phàm (Satapatha Br. II, 2, 2, 6 -II, 4, 3, 14).

--- Veda trở thành Thiên Thư (Aiterya Br. VII, 9).

--- Brahmanas đề cao đời sống nhân luân: không tà dâm (Sat Br. II, 5, 2, 20), không nói dối (Sat. Br. I, 2, 4). Con người có bổn phận với thần linh, với tổ tiên, với thánh hiền, với tha nhân, với loài vật. [5]

--- Xã hội thời Brahmanas được chia thành giai cấp (Atharva Veda V, 17, 8 ---RV VII, 103, 1.7. và 8. Sat. Br. VIII,1, 4, 10).

--- Đời sống xã hội được chia thành bốn thời kỳ (Brih. Up. III, 5, 1 ---Apastamba Sutras II, 9. 21. 1 ---Gautama Sutras III, 2 ---Bodhanya II, 6, 11, 12 ---Manu V. 137 ---Vasistha VII, 2---A. Veda V, 17, 8 ---RV. VII, 103, 1,7 và X, 88, 19---Sat. Brah. VIII, 1, 4,10).

--- Lành, dữ đều được tái sinh để hưởng thụ quả kiếp trong thế giới này và thế giới khác. [6]

--- Vấn đề Luân Hồi chưa được bàn cãi rõ rệt. [7]



***************


Có thể nhận định chung về Brahmanas, Yajur Veda và Atharva Veda như sau: Brahmanas, Yajur Veda, tuy nặng về hình thức lễ nghi, Atharva Veda tuy nặng về bùa chú, ma thuật, nhưng đã đánh dấu một sự suy tư lớn của con người muôn thủa, đó là:

Làm sao để XU CÁT, TỊ HUNG; CẦU PHÚC, NHƯƠNG TAI ?

Muốn được vậy con người phải dựa vào tha lực, dựa vào thần linh (Cầu khẩn, bùa chú, cúng lễ, ma thuật), hoặc vào tự lực (ma thuật, bùa chú), hay là cố quan sát các hiện tượng để tìm ra những định luật tự nhiên, vĩnh cửu chi phối các hoạt động con người; nghiên cứu phong tục, dể tìm ra đường lối lý tưởng phải theo, phải giữ. Chính những định luật tự nhiên ấy (Ritadharma) mới giải thích được tại sao con người được phúc (xử sự theo đúng định luật tự nhiên, giải quyết sự việc theo đúng đường lối khoa học), hoặc bị hoạ, bị tai (Suy luận sai, nhận định sai, hành động sai).

B. Upanishads.

Upanishads có rất nhiều bộ. Đây chỉ xin nói sơ lược nội dung chính yếu của 13 quyển chính.

1. Isa Upanishad.

Bàn về phong thái vô tất, vô cố của người đạo sĩ.

2. Kena Upanishad.

Ai thực sự điều hành vũ trụ?

Thưa đó là Atman = Brahman.

3. Katha Upanishad.

Chân Ngã Bất tử, không thể biết được bằng Lý Trí mà bằng Trực Giác. Xác thân là xe tải Chân Ngã.

4. Prasna Upanishad.

Đưa ra 6 câu hỏi về vũ trụ, về cá tính, về nhân bản con người. (căn cơ, gốc gác con người).

5. Mundaka Upanishad.

Con người có 2 thứ biết:

---Cao (biết về Bản Thể).

---Thấp (biết về Hiện Tượng).

Tu tâm quan trọng hơn tế lễ, công quả bên ngoài.

6. Mandukya Upanishad.

Bốn bình diện, bốn trạng thái của một con người:

---Trạng thái thức.

---Trạng thái ngủ.

---Trạng thái ngủ không mơ.

---Trạng thái siêu việt (Turita).

7. Taittitya Up.

Bàn về năm tầng lớp nơi con người:

---Vỏ áo cơm (Food): Nhục thể, thô thân. (trạng thái thức).

---Vỏ khí (breath): Tế thân (Subtil body).

---Vỏ tâm tư (mind): hồn. Trạng thái ngủ mơ.

---Vỏ lý trí (intellect): Duyên thân, nhân thân.

---Vỏ Hạnh Phúc: Trạng thái ngủ không mơ. Vô minh (Avidya).

Sau 5 lớp vỏ áo đó, mới tới cốt lõi Atman, AUM.[8]

8. Aitareya Up.

Bàn về lai sinh.

9. Chandogya Up.

Cho rằng Chân Ngã nơi con người, Atman là Chân Ngã Vũ Trụ Brahman. Atman=Brahman.

Đưa ra công thức Tat Tvam Asi (Con là cái đó; Con là Bản thể Vũ Trụ).

Bàn về chữ Om.

Om = Aum.

A (Thức).

Aum = Turiya: U (Mộng).

M (ngủ không mơ).

OM (Aum) là tinh hoa của Thanh Âm, Từ Ngữ. Và Thanh Âm, Từ Ngữ là Tinh Hoa con người. Con người là Tinh Hoa Vạn Hữu. Vậy OM là tinh hoa con người và vạn hữu...

Chandogya là 1 Upanishad rất nên đọc.

10. Brihah Aranyaka Up.

Bàn về Chân Ngã Atman, siêu vi, phổ quát, duy nhất, bất phân.

11. Kaushitaki Up.

Bàn về Luân Hồi và Giải thoát.

12. Svetasvara Up.

Bàn về Tuyệt Đối Thể lồng trong vạn hữu và trong con người.

13. Maitri Up.

Điều nguyện ước cao siêu nhất là ao ước Hiểu Biết Chân Ngã.

Yoga là phương pháp đưa tới sự phối hợp với Chân Ngã.


Tổng luận về Upanishads.


A. Chủ đề của Upanishads là Chân Ngã, là Bỉ Nhất (Brahman).

B. Upanishads đưa ra 2 phương pháp đi tìm Chân Ngã. Phương pháp ngoại quan (Quan sát ngoại giới) và phương pháp nội quan (Quán chiếu nội giới).

C. Dùng mọi phương pháp mô tả Brahman:

---Phương pháp khẳng định (Affirmative Method): Brahman là mặt trời, là mặt trăng, là không gian, là trí, là khí, là thần chủ trì trong các hiện tượng thiên nhiên.

---Phương pháp phủ định: (Negative Method): Neti, Neti, không phải vậy, không phải vậy.

---Phương pháp mâu thuẫn (Paradoxical Method): Brahman vừa to, vừa nhỏ, vừa xa, vừa gần, vừa tĩnh, vừa động...

---Phương pháp ngậm miệng, làm thinh: Lặng thinh, vì Brahman bất khả tư nghị.

D. Upanishads chủ trương vũ trụ cũng như con người, đều từ một Nguyên Thể phóng phát, sinh xuất ra.

Vạn hữu này đã từ Bất Tử xuất sinh,

Như tơ nhện nhả ra từ lòng nhện,

Như cây cối từ đất đai xuất hiện,

Như tóc lông từ thân xác trổ ra,

Như tia lửa, phát từ đám lửa chói loà.

Ngàn muôn tia, vẫn lửa hồng không chi khác.

Vạn hữu tuy ngàn muôn sai khác,

Đều từ lòng Bất Tử xuất sinh,

Rồi lại về đó khi hết giai trình biến hoá... [9]


Atman, Chân Ngã lúc nào cũng tiềm ẩn sẵn trong con người, chẳng khác nào như BƠ vẫn tiềm ẩn sẵn trong SỮA. [10]

Đó chính là Chủ Trương Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

E. Con người có nhiều tầng lớp, nhưng cốt lõi vẫn là Chân Ngã Atman vô đối.

F. Như vậy trong chúng ta, có 2 con người:

---Con người hữu hạn, sinh tử, khổ đau.

---Con người, vô hạn, bất biến, thường lạc.

Và hai thứ hiểu biết:

--- Huệ (Intuition), và Trí (Intellect).

G. Upanishads dạy con người cố gắng tìm cho ra Chân Ngã, Chân Thể ấy. Thế là Trí Tri, là Cái Biết cùng Tột. Nó cũng dạy ta tu luyện để thực hiện Chân Thể ấy. (Yoga).

H. Upanishads coi nhẹ lễ nghi, hình thức, và tin có Luân Hồi, Nghiệp Báo.

I. Upanishads là tinh hoa của Veda. Và vì nó là phần sau chót trong bộ Veda, nên còn được gọi là Vedanta. (Vedanta sau này cũng còn là tiếng để chỉ môn phái triết học của Samkara, hay Nhất Nguyên Tuyệt Đối Luận.)

Upanishads như vậy chứa đựng một Mật Giáo.

Bí mật huyền diệu này, trước kia không được truyền cho ai ngoài đệ tử, ngoài con cái, cũng không được truyền cho kẻ nào mà lòng chưa định tĩnh. [11]

Anquetil Duperron là người đầu tiên dịch Upanishad từ tiếng Ba Tư sang tiếng Latinh năm 1775, và cho xuất bản sách năm 1801---1802. Anquetil toát lược Upanishads bằng 1 câu bất hủ như sau: “Ai biết Chúa, sẽ trở thành Chúa.” [12]

Schopenhauer, đại triết gia Đức, sau khi đọc bản dịch trên đã hết lời xưng tụng. Ông nói:

“Hàng, hàng lời lẽ đều cao đẹp, câu câu tư tưởng rất cao siêu, toàn sách tràn ngập 1 tinh thần cao siêu, thánh thiện, đứng đắn...Trong cả thế giới này, không có cái học nào cao siêu hơn, lợi ích hơn là cái học Oupanikhat (trừ bản văn nguyên thuỷ ra). Oupanikhad là nguồn yên ủi tôi khi sống và là nguồn yên ủi tôi khi chết...” [13]

Giáo Sư Deussen, giáo sư triết học Đại Học Kiel rất sung sướng vì đã khảo sát xong Upanishads và Vedanta. Ông thấy chúng rất lý thú. Trong 1 bài diễn văn tại Bombay Branch of The Royal Asiatic Society, trước khi từ giã Ấn Độ, ông nói: “Vedanta, nếu dịch cho đứng đắn, sẽ bảo vệ luân lý, sẽ yên ủi ta khi sống và khi chết. Dân Ấn hãy giữ lấy nó.” [14]

C. Bhagavad Gita.

Bhagavad Gita là một tập sách nhỏ gồm 18 chương, rút từ thiên Anh Hùng Ca Mahabharatha của đạo sĩ Vyasa, ghi những lời lẽ của thần Krishna, hiện thân của thần Vishnu, đối thoại với vương tử Arjurna.

Về phương diện đạo giáo, Bhagavad Gita chủ trương bao dung, phổ độ.

Thực vậy, trong khi Upanishad thiên về chủ trương Nhất Nguyên Vô Ngã, thì Bhagavad Gita chủ trương Thượng đế vừa Vô Ngã, vừa Hữu Ngã. Upanishad đề cao Giác Ngộ như là một phương tiện giải thoát, thì Bhagavad Gita cho rằng con người có thể giải thoát bằng:

---Giác Ngộ.

---Lòng sốt mến, kính thờ.

---Hành động vô cầu.

Bhagavad Gita dung hoà mọi khuynh hướng đạo giáo, tu trì của Ấn Độ Giáo:

---Không chê phương pháp lễ nghi, trì tụng của Veda.

---Chủ trương Thượng đế vừa Vô Ngã như Upanishad, vừa Hữu Ngã.

---Vừa chủ trương Thiên Địa Vạn Vật Nhất thể, nhưng cũng không chê Chủ trương Vũ Trụ Nhị Nguyên của triết học Samkhya (Purusha ---Prakriti tinh thần và vật chất đều hằng cửu.)

---Dung hoà Samkhya với Yoga, đồng thời đề cao phương pháp tu trì của Yoga. Chính vì thái độ bao dung, cởi mở đó mà Bhavagad Gita được mọi tầng lớp mến yêu, xưng tụng.

Swami Pavitrananda viết: “Chỉ cần thay tên Khrishna bằng chữ Thượng Đế, là tác phẩm Gita sẽ trở thành cuốn thánh kinh của nhân loại.” [15]

Ước gì 2 bộ Upanishad và Bhadgavad Gita được dịch ra tiếng Việt, và được nhiều người tìm đọc. Hiện ở Việt Nam có bản dịch 3 Upanishads Isha, Kena và Mundaka và bản dịch Bhagavad Gita của Thạch Trung Giả.

***************


CHÚ THÍCH:

[1] Charles S. Braden, Les Livres Sacrés de l’Humanité, Payot, Paris, 1955, tr. 79---81.

 Hoàng Sĩ Quí, Triết Sử Ấn Độ I, tr. 102---103.

 Hoàng Sấm Hoa, Ấn Độ Triết Học Sử Cương, Chân Thiện Mỹ xuất bản, 1966, tr. 17)

[2] Charles S. Braden, Les livres Sacrés de l’humanité, p. 86.

[3] Dịch từ Hymns of the Atris (Arya, II, 45---47, và 97---112).

Xem J. Herbert, La Spiritualité Hindoue, p. 294).

[4] Rhadakhrisnan, Indian Philosophy I, p. 116.

[5] Radhakrishnan, Indian Philosophy I, p. 131

[6] Như trên. I, p. 134.

[7] Như trên. I. p. 135---136.

[8] Taitt. Up. II, 5 ---Taitt. Up. Baysa, Sankara II, 1.

Heinrich Zimmer, Les Philosophies de L’Inde, p. 136.

[9] Mundaka Up. I, 1, 7.---Brihad---Upa. 2.1.20---The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, Second Edition Rivised, 1887, p. 31, p. 22, p. 37, p. 39 etc...

[10] Mundaka Up. I, 1, 7.---Brihad---Upa. 2.1.20---The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, Second Edition Rivised, 1887, p. 31, p. 22, p. 37, p. 39 etc...

[11] Mundaka Up. I, 1, 7.---Brihad---Upa. 2.1.20---The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, Second Edition Rivised, 1887, p. 31, p. 22, p. 37, p. 39 etc...11 With the illustration at hand of a man awaking from sleep, that into which one goes to sleep and from which one wakes again. The conclusion is: “As a spider might come out with his thread, as small sparks come forth from fire, even so from this Soul come forth all vital energies, all worlds, all gods, all beings. The Mystic meaning (upanishad) thereof is “The REAL of the real”.

The thirteen Principal Upanishads, Robert Ernest Hume, 1887, p. 18.

[12] Maitri Up. VI, 29 ---Svet. Up. VI, 22.13. In the title to his Latin translation ‘Oupnekhat’, Anquetil Duperron set this sentence as the summary of the contents of the Upanishads:  ‘Quisquis Deum intelligit, Deus fit’ ‘Whoever knos God, becomes God.’

[13] How does every line display its firm, definite and throughout harmonious meaning. From every sentence deep, original, and sublime thoughts arise, and the whole is pervaded by a high and holy and earnest spirit...In the whole world, there is no study except that the original, so beneficial and so elevating as that of the Oupanikhat. It has bên the solace of my life, it will be the solace of my death...”

Dasgupta Surendranath, A History of Indian Philosophy, London Cambridge University Press, Vol I, 1922, p. 40.

Robert Ernest Hume, The Thrirteen Principal Upanishads. 1887, p. 3---4.

[14] Robert Ernest Hume, The Thirteen Principal Upanishads, p. 4.

[15] Enseignement de la Gita, France---Asie No 14, Saigon Novembre, 1949.

Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, tr. 172.

***************


CHƯƠNG IV

CÁC MÔN PHÁI TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ GIÁO

******


* Triết học Ấn Độ có:

---6 chính phái (Orthodox systems).

---3 biệt phái (Heterodox systems)

***

* 6 chính phái.

Gọi là chính phái vì đều công nhận:

--- Giá trị của Veda.

--- Xã hội được chia làm 4 giai cấp.

--- Đời người có 4 giai đoạn.

--- Đời người có 4 mục tiêu:

---Công danh, tài lợi.

---Tình ái.

---Sống một đời sống hẳn hoi.

---Tìm cầu giải thoát.



*Có 6 chính phái (khoảng từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 5)

---NYASA: Nhân minh luận (Chính luận).

---VAICESIKA: Thắng luận (Vệ thế sư luận, Tỳ thế sư luận).

---SAMKHYA: Số luận.

---YOGA: Du Già Luận.

---MIMAMSA: Thanh thường trú luận.

---VEDANTA: Thánh kinh huyền nghĩa luận.

* 3 Biệt phái:

Gọi là Biệt phái vì:

---Không chấp nhận Hoá Công, tách biệt khỏi vũ trụ, tạo nên vũ trụ.

---Không công nhận giá trị của Veda.

---Không chấp nhận lễ nghi, kinh kệ.

---Không chấp nhận lối phân chia giai cấp.

* 3 Biệt Phái là:

---Triết học Duy Vật Carvaka.

---Kỳ Na Giáo (Jainism).

---Phật giáo (Buddhism).

Trừ phái Duy Vật Carvaka ra, ta thấy triết học Ấn Độ (Phật, Ấn, Kỳ Na) có những điểm tương đồng sau đây:

---Vũ trụ này được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu.

---Đạo nào cũng chủ trương không nên mê luyến ngoại cảnh gian trần.

---Chủ trương sống cho hẳn hoi.

---Cần tu luyện để thoát vòng luân hồi, nghiệp chướng.

Sáu Chính Phái.

6 Chính Phái đều đề cao sự hiểu biết, vì chỉ có sự hiểu biết mới khai phóng được con người, và giúp con người thoát mê lầm, giác ngộ, giải thoát.

1. Nyaya (Nhân minh luận, chính luận phái):

Nyaya dạy cách suy luận, hiểu biết cho đúng đắn, hẳn hoi. Nó tương đương với Luận Lý Học (Logic) Tây Phương.

2. Vaicesika (Thắng luận phái):

Vaicesika khảo sát về các yếu tố, cấu tạo nên vũ trụ hữu hình. Người ta thường gọi phái này là Nguyên Tử Đa Nguyên Phái. Gọi là Đa Nguyên vì Kanada, người sáng lập ra môn phái cho rằng vũ trụ này đã do 9 yếu tố vĩnh cửu sáng tạo nên. 9 yếu tố đó là:

Địa (đất), thuỷ (nước), hoả (lửa), phong (khí), không (thái hư), thời (thời gian), phương (không gian), Thần (Thượng Đế và các hồn thiêng. Thực ra, môn phái này, thoạt đầu chỉ chấp nhận có các hồn thiêng vô số kể, nhưng không chấp nhận có Thượng Đế. Ý niệm Thượng Đế dần dà mới được thêm vào.)[1] Cuối cùng là Ý (cơ quan suy tưởng, mana, organ of thought).

Chín yếu tố đó vĩnh cửu, như vậy đối với Vaicesika, vũ trụ này là thật chứ không phải là giả.

Vaicesika tức là Nguyên Tử Luận của Âu Châu.

Tóm lại phái Vaicesika chủ trương:

---Vũ trụ này được cấu tạo bằng 9 yếu tố vĩnh cửu.

---Các nguyên tố ấy hợp thì thành vũ trụ, tan thì huỷ vũ trụ.

---Các linh hồn vĩnh cửu.

---Thượng đế (nếu có) thì chỉ điều khiển cho các nguyên tố ấy ly hợp cho phải phép, chỉ trông coi cho các duyên nghiệp được hoạt động đứng đắn, chứ không tạo nên các nguyên tố, cũng như không dựng nên các linh hồn.

---Muốn giải thoát khổ đau, phải biết cho đúng, hành cho phải, và rũ sạch duyên nghiệp.

3. Samkhya.

Samkhya bàn về các yếu tố cấu tạo nên các thế giới tinh thần và vật chất, và phân biệt 2 bình diện vũ trụ:

---Một bình diện hiện tượng của Prakriti.

---Một bình diện siêu việt của Purusa.

Sáng lập viên là Kapila.

Vaicesika là Đa Nguyên Vô Thần Luận, còn Samkhya là Nhị Nguyên Vô Thần Luận, hay Nhị Nguyên Nhị Thập Tam Đế Luận.

Tại sao Samkhya là vô thần? Thưa vì không đề cập đến Thượng Đế trong học thuyết.

Tại sao gọi là Nhị Nguyên? Thưa vì chủ trương vạn hữu này đã được tạo dựng nên từ 2 Nguyên Lý Vĩnh Cửu. Đó là:

Purusa = Thần Ngã.

Prakriti = Tự Tính.

Thần Ngã là những linh hồn cá thể (nhiều vô số), không trực tiếp tạo thành vũ trụ.

Prakriti thực ra không đơn thuần, nhưng gồm có 3 hợp chất, ba tính:

---Tuệ Tính (Sattva) (khinh thanh, vi tế, quang minh).

---Động tính (Rajas) (Động tính, hoạt lực, năng lực).

---Hôn Tính (Tamas) (Trọng trọc, thô thiển, hôn ám)

Nếu ba tính đó (Gunas) ở thế quân bình, thì Prakriti ở trạng thái tĩnh, lúc ấy không có vũ trụ.

Nếu ba tính đó mất quân bình, tác dụng lẫn nhau, thì Prakriti dần dần sinh thêm 23 yếu tố mới, đi từ tế vi, đến trọng trọc, thô thiển để tạo thành vũ trụ.

*23 yếu tố mới hay Nhị Thập Tam đế là:

1. Purusa.

2. Đại hay Giác (Mahat, Buddhi)

3. Ngã mãn, ngã chấp (Ahamkara)

4. Ý Căn (Mana)

5-9 Ngũ Tri Căn (5 Buddhindryas): Nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý.

10-14 Ngũ tác căn (5 Kormendrya): Thiệt, thủ, túc, cơ quan sinh dục, cơ quan bài tiết.

15-19 Ngũ Duy (5 Tanmatras) là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

20-24 Ngũ Đại (5 Mahabhutas) là: Không, phong, hoả, thuỷ, địa.

Ngũ tri căn, ngũ tác căn thuộc nội giới.

Ngũ duy, ngũ đại thuộc ngoại giới.

Theo Samkhya, thì con người được phác hoạ như sau:

A. Purusa: Phần thần, vĩnh cửu, bất biến

B. Phần Nhân Tâm gồm:

--- Giác (Buddhi).

--- Ngã mạn (Ahamkara).

--- Mana

--- Ngũ tri căn + Ngũ tác căn.

Phần Nhân Tâm này còn được gọi là Tế Thân (subtil body), hay phần Hồn (Soul) theo từ ngữ Âu Châu, hay Hồn Phách theo từ ngữ Trung Hoa.

C. Phần Xác (Thô Thân, Nhục Thể) tương ứng với Ngũ Đại.

*Tóm lại:

---Giác, Ngã Mạn, Ngũ Tri Căn, Ngũ Tác Căn, Ngũ Duy, Ngũ Đại hợp lại thành Nhị Thập Tam Đế, do Prakriti biến hiện ra. Chúng tạo thành toàn thể hiện tượng biến thiên.

---Như vậy, Luân Hồi là khi Tam Tính (3 gunas) loạn động, tạo duyên, tạo nghiệp, làm ta luẩn quẩn trong vòng hiện tượng biến thiên. Chỉ có Phần Nhân Tâm bị Luân Hồi; phần Thần không bị Luân Hồi.

---Buddhi là Giác, nhưng Giác được là nhờ ảnh hưởng Purusha. Giác này nếu thuần là Sattva, thì sẽ tĩnh lãng, trong trẻo. Nhưng nếu bị Rajas (Động tính) Tamas (trọng tính, hôn tính) pha phách, trộn lộn vào, sẽ làm cho loạn động, ám hôn. Tu trì là cốt gột rửa cho Buddhi khỏi mọi hôn ám, định tĩnh cho buddhi được hết loạn động.

---Giải thoát là khi tam tính quân bình, Thần Ngã (Purusha) tách rời khỏi Tự Tính (Prakriti), khỏi Buddhi.

* Samkhya chủ trương Nhị Nguyên chẳng khác nào Trung Hoa chủ trương ÂM DƯƠNG tạo thành Vũ trụ.

* Tam Tính (3 Gunas) cũng giúp ta hiểu thuyết Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân Trung Hoa.

Nó giúp ta trông rõ đâu là Thần, đâu là Hồn, cái gì là Tế Thân, cái gì là Thô Thân, V. V...

Bồ Đề (Buddhi) của Samkhya tương ứng với Bồ Đề Tâm của Phật Giáo.

Mạt Na (Ý Căn) là Mạt Na thức của Phật giáo.

Ngũ Tri Căn (Nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) sau này được Phật Giáo gọi là Ngũ Căn.

Ngũ Đại sau này Phật Giáo gọi là Ngũ Cảnh, hay Ngũ Trần.

*Phái Samkhya có nhiều điểm tương đồng với Phật Giáo, ví dụ:

---Coi cuộc sống là khổ đau.

---Không trọng lễ nghi, hình thức.

---Không tin có Thượng đế chủ trì, chủ trương như Veda.

---Tin vũ trụ biến thiên.

---Coi hành hạ xác thân quá lẽ là vô lý. [2]


***************


4. Yoga (Du già phái).

Do Patanjali sáng lập.

Yoga áp dụng các khám phá của Samkhya vào công cuộc tu thân, và dạy con người cách thức chế ngự xác thân, tâm chí, để vươn vượt từ bình diện hiện tượng lên tới bình diện siêu việt.[3]

Yoga phái, ngoài nhị thập ngũ đế (như Samkhya), còn tin có Thượng Đế mà họ gọi là Isvara.

Yoga phái chủ trương rằng Thần Ngã (Purusha) bị giam cầm trong màng lưới xe bằng ba sợi dây Tam Tính (Gunas: Sattva, Raja, Tama) của Prakriti, bị giam trong vòng tâm tư, xác thân, ngoại cảnh.

Mục đích của Yoga là làm sao cho Thần Ngã thoát khỏi những mối dây phiền trược đó.

Như vậy, muốn giải thoát, trước hết phải xác tín rằng trong thân mình, có Thần Ngã Cao Cả, Vĩnh Cửu, Trường Tồn, Khinh Khoát, Thảnh Thơi, Tự Tại.

Sau đó, phải biết những phương pháp, để chế ngự xác thân, chế ngự tâm tư, định thần, phát huệ.

Khi đạt tới trạng thái xuất thần (Thần thoát khỏi sự vấn vương Tâm và Cảnh), con người sẽ đạt tới cảnh giới THẦN LINH, SIÊU VIỆT, HUYỀN DIỆU, đồng thời cũng thoát khỏi những khuôn sáo lý luận thông thường, gác bỏ mọi thị phi, thiện ác, để sống hồn nhiên, tiêu sái, thanh thản.

Trước hết Yoga nhận định rằng: Sở dĩ con người không được tự do, tự tại, thoải mái vì không nhận ra Chân Tướng, Chân Thể của mình. Khi ấy, Tâm Thần bị mê hoặc (Blundered), loạn động (turbulent), tản mác (dissipated), bị ngoại cảnh trói buộc, tù túng.

--- Loạn động, mê hoặc chính là vì Tam cách, Tam Đức (Gunas) trong con người mất quân bình. Raja, Tama quấy nhiễu, bức bách Sattva.

--- Mê hoặc bởi ngoại cảnh, cho nên không nhận ra được Thần Ngã nơi mình.

--- Tâm hồn bị tản mạn, phiền trược vì:

--- Vô minh (ngu dốt):  (Avidya).

--- Chấp Ngã (Asmita):  lấy tiểu ngã làm trọng.

--- Ái (Raja):  Yêu sắc tướng bên ngoài (Attraction).

--- Ố (Dvesa): Ghét sắc tướng bên ngoài (Repulsion)

--- Ham sống (Adhinivrca)



Yoga còn đưa ra 8 phương pháp sau đây để diệt trừ phiền trược, thanh tâm, tĩnh trí, điều thần, mà người Trung Hoa dịch là Bát Chi Hành Pháp, mà tôi dịch là Bát Đại huyền Công.

*Bát Đại Huyền Công là:

1. Ngũ Giới (Yama):

Không sát sinh, không trộm đạo, không tà dâm, không nói dối, không tham lam.

2. Ngũ luật (Niyama), Năm điều khuyên:

---Sạch sẽ thể xác (Sauca), Thanh tịnh.

---Tri túc (Samtosa = Contenment).

---Khổ luyện, tu luyện để gia tăng nội lực (Tapas).

---Học tụng (Svadyaya). Học tập, trì tụng Veda.

---Kính mến Thượng đế (devotion to God): Isvara---Pranidhana.

3. Toạ pháp (Asana) Posture:

Thực hành ít tư thế ngồi để định thần.

4. Điều tức (Respiration control).

Điều hoà hơi thở.

5. Chế cảm (Withdrawal of senses organs from the objects): Lục căn thu nhiếp, để tâm thần khỏi bị ngoại cảnh quấy nhiễu.

6. Chấp trì = Bất động tâm (Fixation of thoughts): Chuyên tâm, chú ý về một vấn đề gì, hay về một điểm gì trong ngoài con nguời.

7. Tĩnh lự (Dyana = Meditation): Thiền na, thiền định, quán tưởng, tham thiền.

Tinh thần càng ngày càng tập trung, càng ngày càng định tĩnh.

8. Đẳng trì (Xuất thần = Samadhi): Chỉ quán, Tam muội, Tam ma địa, định huệ, thiền định.

Thần hoàn toàn được tập trung và thoát ly khỏi vòng kiềm toả của thân tâm.

* Về phương diện Sinh Lý Học, Yoga đã hết sức chú trọng đến:

---Xương Sống, đến Tuỷ Xương Sống, nhất là đến đường kinh chạy qua Tuỷ Xương Sống (Sudhuma Nadi).

---Đường kinh chạy qua tuỷ xương sống được gọi là Brahma nadi = Con đường dẫn tới Tuyệt Đối Thể.[4]

---Cuối xương sống (huyệt Vĩ Lư) được gọi là Cánh Cửa của Brahma (Brahmadvara: Brahma gate, la porte de Brahma [5]

---Chung quanh tuỷ sống có 2 đường thần kinh Âm Dương, Ida (Dương) và Pindala (Âm) quấn quanh.

---Đường thần kinh giữa tuỷ sống lên cho tới Luân Xa Sahasrara (Não thất Ba = Third Ventricle). Sahasrara, hay bông hoa sen nghìn cánh, chính là nơi mà nhà đạo sĩ Yogi sống kết hợp với Thượng Đế. [6]

Thóp nơi đỉnh đầu được gọi là Thượng Đế Huyệt (Trou de Brahman, Brahma’s cave = Brahmarandhra)[7]

Từ Xương Cùng cuối xương sống, lên tới Não thất Ba, có tất cả bảy Luân Xa chính. Luân Xa là những tụ điểm của Chân Khí qui tụ về để vào tuỷ xương sống. [8]

Nhà Đạo Sĩ Yogi, phải biết cách vận chân khí qua tuỷ xương sống, để đưa lên đỉnh não. Âu Châu, Ấn Độ gọi là Đánh thức Con Hoả Xà, Trung Hoa gọi là Đả Thông Nhâm Đốc. [9]

* 7 Xa Luân đó có vị trí, hình dáng, và tên gọi như sau:

1. Muladhara (Soutien de la Base, bulbe de la Base; Mula means root, adhara support.) Nó tương ứng với Thổ Đại. Có hình hoa sen 4 cánh. Nó ở cuối xương sống, tương ứng với huyệt Vĩ Lư Trung Hoa).

2. Svadhistana (Siège de Soi; Sva means “that which is its self; which belong to which self”, and Dhistana means “its actual place”. Hình bông sen 6 cánh. Giữa đốt xương cùng và thắt lưng. Tương ứng với Thủy Đại, và huyệt Khí Hải.

3. Manipura (Abondance de joyau; city of jewels), hình bông sen 10 cánh. Tương ứng với Hoả Đại, tương ứng với huyệt Trung Uyển.

4. Anahata (intact; unbeater). Hình sen 12 cánh. Ngang Tim. Tương ứng với Khí Đại, và Huyệt Chiên Trung.

5. Visuddha (le purifié à la gorge; pure). Hình bông sen 16 cánh. Ngang cổ. Tương ứng với Không Đại và huyệt Thiên Đột.

6. Ajna (commandement au palais; command). Hình bông sen hai cánh. Giữa trán. Tương ứng với Thức Đại và Huyệt Ấn Đường.

Sáu huyệt trên tổng cộng có 50 cánh sen. Mỗi cánh có một chữ trong mẫu âm tiếng Phạn. Như vậy gồm đủ các mẫu âm.

7. Sahasrara (mille pétales; Thousand ---petaled lotus). Hình bông sen nghìn cánh. Khoảng Não Thất Ba, giữa các xoang não). Đó chính là Nê Hoàn Cung của Đạo Lão. Sahasrara tương ứng với Kiến Đại.

Bông sen nghìn cánh là tượng trưng cho óc não con người. Mà Luân Xa này nằm ở giữa bông sen nghìn cánh. Đó chính là nơi Thần Trời và Thần người kết hợp, như đã đề cập tới ở trên. Và 1000 cánh sen tức là gấp 20 lần tổng số cánh sen của sáu Luân Xa trước (20 x 50 =1000).[10]

7 Chakras trên, xếp từ dưới lên trên, theo tỉ trọng từ nặng đến nhẹ, từ trọng trọc đến khinh thanh. Đất >Nước>Lửa> Khí>Không>Thức> Kiến. Thật là khéo léo.


* Về phương diện đạo giáo, Yoga có thể được coi như là đường đưa tới Phối Thiên, kết hợp với Thượng Đế, hay là con đường tìm lại Bản Thể Thần Minh của Con Người, qua các tầng lớp Thân, Tâm ...

*Như vậy, Giải Thoát, đối với Yoga, chính là:

Sống phối kết với Thượng Đế, hay là sự Thoát Ly của Thần Ngã nơi con người, ra khỏi sự phiền trược, ám chướng của vật thể, của Tâm, Thân, nói tóm lại của màng lưới tam tài Prakriti...

Yoga áp dụng các định luật tự nhiên vào công cuộc tu thân.

Người thường thì Hướng Ngoại, tâm thần bị ngoại vật làm hôn mê, ô trọc, tán loạn, động dao.

Đạo sĩ Yogi thì Hướng Nội, tâm thần thoát khỏi vòng kiềm toả của ngoại cảnh, thanh sảng, định tĩnh, tĩnh lãng...

* Yoga muốn phát huy con người toàn diện, nên có nhiều hình thức Yoga: ---

A. Hatha Yoga: Phương pháp điều hoà thân xác.

B. Laya Yoga: Phương pháp điều hoà tâm tư.

C. Raya Yoga: Phương pháp tập trung thần trí.

Tóm lại, muốn phát huy con người toàn diện, phải biết định thần, điều khí, giữ gìn thân xác khoẻ mạnh, tâm hồn thanh sảng, tinh thần khinh khoát.

Yoga chỉ cho ta con đường giải thoát và hạnh phúc, đó là sống phối kết với Thượng Đế, hay sống bằng Thần Ngã.

Yoga là thuỷ tổ của Thiền Tông. Các tư thế ngồi Thiền, cách điều tức, định Thần của Yoga, Thiền Tông đều dùng.

Chữ Dhyana (tịnh lự) sau này được Phật Học Tự Điển dịch là Thiền Na, Thiền Định, Quán Tưởng, Toạ Thiền.

Phép vận chân khí qua tuỷ xương sống của Yoga rất giống với phương pháp vận chân khí qua mạch Nhâm, Đốc của Đạo Lão.

Yoga cho rằng nơi Xa Luân Sahasrara (Nê hoàn cung) là nơi Trời, Người phối kết, thì Đạo Lão cũng chủ trương y thức như vậy.

* Nhập Dược Kính, đạo Lão có thơ:

Nê hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,

Trực thượng Hư Hoàng, Ngọc Đế Tôn.

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời khoá hạc khứ triều nguyên.

Nhập dược Kính, tr. 108.

*Dịch:---

Nê Hoàn một khiếu đạt Thiên Môn,

Thẳng tới Hư Hoàng, Ngọc Đế Tôn.

Ấy chính Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời cưỡi hạc để triều nguyên.


***
Yoga chủ trương thu nhiếp, định tĩnh, thì Đạo cũng chủ trương y thức như vậy. Và khi giảng về Đạo Lão, tôi thường nhắc đến bài thơ sau:

Hướng tiền, Thần tụ, đồng Vô Cực,

Kim tán, trần ai mãn thế đồ,

Dục qui Chính Vị Hoàng Trung Lý,

Nê Hoàn vạn vựng, tốc hồi qui.

Đạo Học Cầu Chân, Chương X.

Dịch:

Xưa kia, Thần tụ đồng Vô Cực,

Nay tán: trần ai mãn thế đồ,

Muốn về Nguyên Vị, Hoàng Trung Lý,

Nê hoàn, vạn tượng kíp hồi qui.

 * Có so sánh như vậy ta mới thấy lẽ Nhất Quán của các đạo giáo.

5. Mimansa (thanh thường trụ phái)

Mimansa do Jamini sáng lập. Mimansa có muc đích:

A. Giải thích, bảo vệ Veda.

B. Giải thích, tìm hiểu vi ý của lễ nghi trong Veda.

C. Tìm tòi những định luật nhân sinh đã được Veda đề cập tới.

D. Cho rằng tiếng Sanscrit dùng để viết nên Veda đã được phát sinh từ những âm thanh vĩnh cửu của Bản Thể từ muôn thủa phát ra, vì thế những lời chú trong Veda có một huyền lực đặc biệt. Chính vì chủ trương này mà Mimamsa được gọi là phái Thanh (Thanh Âm) Thường Trụ (Vĩnh Cửu).

E. Chủ trương muốn được giải thoát, phải làm những gì Veda dạy làm, lánh những gì mà Veda cấm.

G. Giải thoát là lên đến cảnh giới Thần Linh.

Cố gắng của Mimamsa là đi tìm những định luật tự nhiên chi phối các hành vi con người, qua các lễ nghi, phong tục, cũng y thức như cố gắng của Đạo Nho, trong công cuộc đi tìm các lễ nghi. Mà Lễ chính ra đối với Đạo Nho cũng như Mimamsa, cần phải là những hoạt động lý tưởng, những đường lối lý tưởng, mà con người phải theo, phải giữ, để mà tinh tiến.

Không biết định luật đất trời thì làm sao mà biết tu trì tinh tiến?

Trời đất đã được chi phối bởi những định luật vĩnh cửu mà hai định luật lớn nhất là VÃNG (TÁN = PRAVITI) và LAI (TỤ= NIVRITI).

Có biết đi vào con đường Lai, mới đi vào được con đường giải thoát.

Mimamsa gọi những định luật vĩnh cửu đó là Dharma.

Dharma chính là vòng tuần hoàn của vũ trụ. Nó có chiều đi ra và chiều đi vô. Chiều đi ra là chiều phát tán sinh hoá ra muôn vật, chiều đi vô, mới là chiều qui nguyên, phản bản, sinh Thánh, sinh Thần. Đi theo chiều ra và chiều vô chính là theo định luật trời đất. Nhưng đi theo được chiều vô cho tới kỳ cùng, là Tham Tán Tài Thành cùng Trời Đất. Theo Dharma, như vậy là sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thực. Xin đọc thật kỹ lời chú giải sau đây, sẽ hiểu rõ Dharma.[11]

Hiểu Mimamsa là một cố gắng đi tìm định luật của đất trời là vạch ra cho nhân quần hiện tại và mai hậu một con đường lớn để khoa học hoá đạo giáo...

6. Vedanta.

Phái này chủ trương phát huy tinh hoa và huyền nghĩa của Veda và Upanishads.

Phái này vạch rõ đích điểm (Anta: cùng đích) của Veda, là tìm hiểu về Brahman, bản tính của Brahman, nhờ đó đạt tới Brahman và được giải thoát.

Theo phái này, thì chỉ có Brahman hay Atman là thực thể duy nhất; còn tâm tư, tiểu ngã, vũ trụ biến thiên bên ngoài, chỉ là những áo, những vỏ bên ngoài, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, chỉ là những phóng ảnh, hay ảo ảnh (Maya) của Brahman mà thôi.

* Brahman hay Atman được che lấp nơi con người bằng 5 lần vỏ:

1.Vỏ ngoài cùng là Vỏ Thức Ăn (Annamayakoca. Anna = thức ăn; Maya = làm bằng; Koca = vỏ).

2.Vỏ Sinh khí (Pranamayakoca. Prava= Sinh Khí.)

3.Vỏ Tâm Tư (Manamayakoca. Mana= Tâm trí.)

4.Vỏ Trí Tuệ (Vijnanamayakoca. Vinana= Trí Tuệ)

5.Vỏ hạnh phúc (Anandamayakoca. Ananda = hạnh phúc).

Trong cùng là Đại Ngã nằm khuất sau bức màn Vô Minh (Avidya).[12]

* Vedanta cũng còn phân biệt nơi con người: ---

A. Atman hay Brahman, Ngã Tuyệt đối, Bất biến, Hằng cửu nơi con người (Absolute Self, Metaphysical subject).

Atman ở trong con người, Brabman ở ngoài con người. Nhưng 2 đằng là một. Nên ta viết Atman=Brahman.

Atman hay Brahman vừa là căn cốt, vừa là Bản Thể con người, vừa là bản thể vạn hữu. Ngài là đấng chứng giám (Witness self).

B. Jiva hay Nhân tâm, gồm thất tình, lục dục. Đó là con người tâm tư (Psychological Self), con người hoạt động, thụ hưởng (Active and enjoying individual), biến thiên tương đối. [13]

Như vậy càng đi ra bên ngoài, thì càng ngày càng đi xa Atman. Càng tiến sâu vào nội tâm, thì càng gần tới Atman. Giải thoát là đạt tới Atman nội tại.

Cũng một lẽ, vũ trụ này chẳng qua là do một Căn Nguyên Duy Nhất, Brahman vô ngã phát sinh, biến hoá ra. Chính vì thế mà vũ trụ này được coi là một hiến tế (sacrifice) vĩ đại, mà chủ tế và lễ hiến dâng đều là Brahman. (Trong cuộc tế lễ, vật hi sinh tế thần, đã được cắt chặt ra để dâng thần, thì trong cuộc tạo dựng, Brahman chính đã như phân thân, xả thân để phóng phát, xuất sinh ra vũ trụ, vì thế vũ trụ được coi như là một cuộc hiến tế.)

Brahman căn nguyên vũ trụ thời siêu không gian, thời gian. Còn vũ trụ hữu hình này thì nằm trong không gian, thời gian, và định luật nhân quả.

 *****

Vedanta đại cương là như vậy, và ta thấy Vedanta phản ảnh lại thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất Thể với các cách suy luận, các phương thức áp dụng của nó vào công cuộc tìm hiểu vũ trụ và con người. Nhất Thể Tán Vạn Thù là phương trình tạo dựng. Vạn Thù Qui Nhất Thể là phương trình giải thoát. Đó là Đạt Đạo của Vedanta và Upanishads.

Tuy nhiên Vedanta không đồng nhất về chủ trương như ta tưởng. Có 4 môn phái với tư tưởng khác nhau ít nhiều:

a. Sankara (788---820) chủ trương Nhất Nguyên Thuần Tuý, hay Nhất Nguyên Vô Biệt (Monisme Absolu). Đó chính là thuần tuý chủ trương Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể của Upanishads, mà Gaudapada khoảng năm 600 đã bắt đầu xiển minh, chủ xướng. Ấn Độ gọi thuyết này là Avisista---advaita).

Nếu như vậy, thì Brahman hoàn toàn đơn thuần, không có gì phân biệt nơi Brahman, mà cũng không có gì ở ngoài Brahman. Cho nên sự vật, con người, vũ trụ, vạn hữu, xét cho cùng chỉ là ảo ảnh giả tạo, chỉ khác nhau ở chỗ hình danh, sắc tướng.

Đối với Sankara, giải thoát là đồng nhất với Brahman, không còn cái tiểu ngã nhỏ nhoi nữa.

Theo tôi, chủ trương của Sankara là cao siêu và hay nhất. Sankara là một người đắc đạo sớm nhất. Trên 10 tuổi đã đi giảng đạo...

b. Ramanuja (1017---1137) chủ trương; Cục hạn Nhất Nguyên. Nghĩa là Brahma tuy là nhất thể, tuy thể hiện trong lòng vạn hữu, nhưng tâm hồn con người, vạn hữu chỉ là ngoại thân của Thượng Đế, của Brahman. Và như vậy, tâm hồn con người cũng như vạn vật vừa đồng nhất, vừa khác biệt với Brahman.

Khi giải thoát, linh hồn sẽ được bản tính Chúa làm bản tính mình, nhưng không tan biến hoàn toàn vào Chúa. Tóm lại, lúc ấy tuy được kết hợp với Chúa nhưng cái Ta vẫn còn.

c. Madhava chủ trương Chúa, Hồn, Chất hoàn toàn khác biệt. Thế là ông chủ xướng Tam Nguyên.

Chủ thuyết của Ông là Duy Phân: Theo đó thì các hồn và vạn vật đều phân biệt với Chúa và với nhau.Tất cả đều có Bản Thể riêng biệt, nhưng đều dựa vào Chúa.

d. Vallaba (1481---1553) cho rằng: Chỉ có Chúa là viên mãn, còn vạn hữu đều bất toàn. Chúa thì gồm đủ Chân (sat), tri (cid), hạnh (ananda). Vật chất chỉ có Sat; con người chỉ có Sat, Cid.

******

BA BIỆT PHÁI

Sau khi đã trình bày sáu Chính Phái, đáng lẽ phải trình bày luôn cả Ba Biệt Phái là Carvaka, Kỳ Na giáo và Phật giáo. Nhưng vì chương VI sách này sẽ dài giòng trình bày về Phật giáo, nên nơi đây chỉ nói sơ lược về Carvaka và Kỳ Na giáo mà thôi.

A. Phái Carvaka (Duy Vật).

Chủ thuyết của phái này là Lokayata. Chỉ có vũ trụ này mà thôi (Loka); ngoài ra không còn gì khác. Phái này không tin có lai sinh, cho rằng con người biết được là nhờ tri giác (perception), còn suy luận thời không có giá trị.

Cơ cấu rốt ráo của Vũ Trụ này là Tứ Đại: Thuỷ, Hoả, Khí, Địa.

Hồn con người chỉ là những biến hoá do các nguyên tố này tạo nên, khi kết hợp với nhau. Cho nên, khi các nguyên tử này chia lìa nhau, thì hồn cũng tan biến. Học phái này chia làm 4 chi, tuỳ theo nhận định về linh hồn.

---Chi thì cho rằng: Hồn chỉ có xác, có trí khôn.

---Chi thì cho rằng: Hồn là Giác quan.

---Chi thì cho rằng: Hồn là hơi thở.

---Chi thì cho rằng: Hồn là cơ quan suy tư.

Đối với phái này, thì Thượng Đế, đạo giáo, tự do, trường sinh, bất tử chỉ là ảo tưởng vu vơ, tính con người chẳng tốt cũng chẳng xấu. Sống ở đời cốt sao thoát khổ và được sung sướng.

Dĩ nhiên là phái Carvaka cũng không tin rằng Veda là có giá trị. Đó cũng là chủ trương của Kỳ Na giáo và của Phật Giáo.

B. Kỳ Na Giáo (Jainism).

Giáo chủ là Mahavira.

(Tượng Giáo Chủ Mahavira)

Đối với Kỳ Na Giáo thì Mahavira là một trong 25 vị Tirthankara (Hướng Đạo nhân loại; Faiseuse de passage) đã có từ trước tới nay.

Mahavira không nhận có Thượng Thần nào làm chủ tể vũ trụ, cấm nói về Thần minh, cấm cầu xin, tế tự, kinh kệ.

Theo Kỳ Na Giáo, vũ trụ này là do một Đại thể Duy Nhất đã phóng phát ra từ muôn thủa, và Con Người Vũ Trụ ấy, Đại thể ấy với vũ trụ là Một, nên phi bác các quan niệm về sự khởi nguyên cũng như về chung cuộc của vũ trụ.

Quần sinh cũng là những cá thể thiêng liêng (monade) nằm trong những vỏ tế vi, bị duyên nghiệp chi phối.

Tuỳ theo làm lành hay làm dữ, mà cái vỏ vi tế của mỗi người đổi màu: Trắng, vàng, hay hồng, đỏ thẫm, xám, xanh thẫm, đen.

Càng trong trẻo thì càng khinh thanh, và càng nổi lên cao trong thân đại vũ trụ. Càng đen đủi, thì càng trọng trọc, và càng sa xuống các tầng lớp dưới trong thân hình đại vũ trụ.

Vũ trụ này chẳng qua là một lò cừ để vạn vật tự thanh lọc mình để đi từ thô đến tinh. Giải thoát là thoát số kiếp con người, trở thành thần minh, trở về với Bản Thể Nguyên Thuỷ, thanh cao, thuần tuý của mình.

Mỗi hành vi con người lập tức có ảnh hưởng đến vi thể, không cần là có ý hay không có ý. Ví dụ, một tu sĩ ăn nhầm phải một miếng thịt, thì lập tức vi thể bao quanh nguyên thể bị ô uế, không cứ là phải minh tri, cố phạm. Gosala, một triết gia Kỳ Na Giáo đã có lần chủ trương muôn loài trước khi được giải thoát đều phải trải qua 84.000 kiếp, từ vật đến thần, và tu trì hay không tu trì không ảnh hưởng gì hết.

Tuy nhiên Kỳ Na Giáo vẫn tin rằng tu trì có thể được giải thoát mau hơn. Một tu sĩ Kỳ Na Giáo phải khổ hạnh, khiêm nhường, không làm hại ai, không thù oán ai. Kỳ Na Giáo tin rằng vạn hữu, từ đất, nước, cỏ, cây, hoa, lá, đến muông chim, đến con người, tất cả đều sống động, và như vậy, người tu sĩ phải hết sức tránh không được giết hại hay quấy nhiễu sinh linh, để tránh làm cho vạn vật tổn thương; thở thì thở qua miếng vải thưa, có té xuống sông, cũng không được vùng vẫy, mà cứ nằm cho nước đưa dần vào bờ. Tu sĩ Jain đi đâu cũng đem theo một cây chổi để quét đất trước khi tiến bước. Như vậy, để tránh khỏi phải dẵm vào những sinh vật ở dưới chân. Đồ đạc họ cũng được sơn bóng, để dễ nhìn thấy những sinh vật bò ở trên.

Mahavira đả kích sự chia xã hội thành nhiều giai cấp.

Ai muốn tu trì, thì được nhận vào đoàn thể tăng lữ, sống chung với nhau.

Mahavira cho rằng phụ nữ là căn do mọi tội lỗi trong xã hội. Tuy nhiên, ông cũng chấp nhận cho họ đi tu, và sống trong những đoàn thể ni lữ.

Tam Bảo của Kỳ Na Giáo là Tri Thức (Knowledge), Thành Tín (Faith) Chính Hạnh (Right Behavior). Tam Bảo ấy sẽ dẫn đến giải thoát. Giái thoát cũng được gọi là Moksha, hay Nirvana, là trạng thái hạnh phúc, mà tâm hồn con người đạt được, khi thoát khỏi mọi tiền oan, nghiệp chướng.

* Jain nghĩa là Kẻ Chiến thắng (Người đã chiến thắng mọi dục vọng). Họ cho rằng Đạo họ mới là chân đạo. Còn Ba La Môn đã đánh mất phần tinh hoa của Chân Đạo. Họ cũng cho rằng Đạo họ mới là Đạo có từ muôn thủa. Họ chủ trương không bạo động, không dùng vũ lực, (Ahimsa), không bao giờ giết hại sinh linh. Một sinh vật nào, dù hèn mọn đến đâu, cũng giá trị như một con người cao quí nhất. Họ trường chay. Moksha như vậy không phải là nhập thể với Brabman, vì họ không tin có Brahman. Đạo Jaism thật ra cũng rất cao siêu.

****************       

CHÚ THÍCH


[1] Radhakrishnan, Indian Philosophy, vol. II, p. 226.

*Notes 1 &2 là của phái Samkhya.

[2] Heinrich Zimmer, Les Philosophies de L’Inde, p. 262

*Notes 1 &2 là của phái Samkhya.

[3] Le terme Yoga désigne donc ces exercices physiques et psychiques utilisés pour découvrir l’essence intime de l’ homme, qui est le Suprême.

Arthur Avalon, La Puissance du Serpent, p. 179.

... Et c’est pour cette raison que l’homme est accaparé par le monde, et leurré par Maya, prend son corps et son petit moi pour son Soi réel; ainsi tourne la roue de la vie en son cycle sans fin de naissances et de morts...

Như trên. p. 236.

The universe consisting of both the decaying

And undecaying states,

the manifested and the unmanifested forms,

is held by the Lord of the universe (God)

it is He Himself,

who for enjoying His own creation,

imprisons himself in every being.

He again after knowimg his own true self,

frees himself from all fetters

(of this mortal world)

Upanishads for All, p. 89.

Keith Sherwood, Chakra therapy, for personal Growth and Healing, Llewellyn Publications, St Paul Minnasota 55164---0383, USA, P. 129.

[4] Brahma nadi ---the path toward the Supreme Being.

Swami Vishnu Devananda, The Completed illustrated Book of Yoga, Pocket Book, N. Y. p. 326.

[5] Arthur Avalon (Sir John Woodroffe), La puissance du Serpent, (the Serpent Power) Lyon , Paul Derain, 128, rue Vauban, 1959, p. 114

[6] Sahasrara Chakra---thousand petal lotus; the symbolic expression of the highest Center in the brain, wherein the Yogi attains union between his individual self and God.

The Complete illustrated Book of Yoga, p. 249, 266, 274, 325, 327, 330, 408.

[7] Renou, l’Inde Classique, t. II, p. 160---161.

[8] Cakhras = Carrefours des souffles où ils convergent et sont canalisés dans le Susuma.

Renou et Fillozat, L’Inde Antique, T. II, pp.160---161.

[9] A yogi tries his levels best to make his Prana or Vital Air flow in the Susuma.

The complete illustrated book of Yoga, p. 326.

...Réveil de la Kundalini:

La méthode consiste à réveiller le serpent, à le faire passer de cercle en cercle (c’est le Satcakrabeda). Le brisement des six cercles poussé par le souffle vers la fontanelle. Des moyens préliminaires sont mis en oeuvre, enseigné par le Yoga: pression exercée sur le ventre, bloquage des souffles dans le corps par obstruction des orifices et compression. L’élevation de température produite éveille le Kundalini, l’attire vers le haut, en montant elle résorbe” les éléments” de chaque cercle (layakrama: processus de résorption) qu’elle émettra en redescendant (srstikrama: processus d’émission). Le rite s’appelle Kundaliyoga ou Layayoga: Yoga de résorption. On dit aussi: Crividya “Science sacrée”, une forme réduite symbolique est la Bhuthacuddhi.

Renou et Fillozat, L’ Inde Classique, t. II, p. 599.

[10] Renou, L’Inde Classique, t. II, p. 160---161.

La puissance du Serpent, phần phụ lục.

... By awakening the AJNA center, a person has achieved wholeness through the process of psychospiritual integration. He has transcended fear, identified himself as the I AM, and experienced unconditional joy. His development is not complete because although he knows himself in his multiplicity, his experience of self is stilldifferentiated from the All. There is still duality. The final step which is the merging of a person’s personal energy field with the universal field (the merging of the I Am with the All), only takes place when the thousand---petaled lotus blossoms and the Kundalini arrives and fully awakens Sahasrara.

Subject, object and God

The Inspirer of the Both

All three are (formed in) Brahma

And nothing but Brahma.

Knowing this, one should try to realize HIM in

one’s own Being.

Nothing remains to be known after this.

Keith Sherwood, Chakra Therapy,1965, Llwellyn Publications, St Paul, Minnesots 55164---0383, USA, p. 155.

Upanishads for All, Svetasvararopanishad 12, p. 91.

..Aum ---may all the parts of my body,

My eyes, ears, speech and life, all the strengh

Of my senses get nourishment in Him.

All beings are actually Brahma...

The Upanishads.

Keith Sherwood, Chakra Therapy, p. 103.



[11] Le mot Dharma qui comprend à la fois la morale et la religion, mais possède aussi des significations plus étendues, vient de la racine Dhri “soutenir” et c’est donc à la fois le soutien et l’action de soutenir. L’univers est soutenu (Dharyate) par le Dharma et le Seigneur qui est son Soutien Suprême est incarné dans la loi éternelle et il est la Béatitude qu’assure l’accomplissement de celle---ci. Dharma est donc la loi qui gouverne l’évolution universelle, ou Voie de la Sortie (Pravritti), et l’involution, ou Voie de Retour (Nivritti). Et seuls peuvent atteindre à la délivrance à laquelle conduit la seconde Voie, ceux qui par leur fidélité à Dharma collaborent à l’accomplissement du dessein universel. C’est la raison de cette belle parole:” Faire le Bien aux autres, est le devoir suprême” ...

(Arthur Avalon, la Puissance du Serpent, p. 184).

...Cette grandiose conception du Dharma englobe donc sous ce nom toutes ces lois (dont la “religion” ne représente qu’une) qui maintiennent la cohésion de l’univers . C’est la loi inhérente à tout être manifesté. Ainsi c’est la Loi de la Forme , dont l’essence est au---delà de Dharma et d’Adharma. Comme la douleur suit l’acte mauvais, le Vaisheshita Dharshana décrit Dharma comme “ce par quoi l’on obtient le bonheur en ce monde et dans l’autre, et met un terme aux naissances et aux souffrances (Mokshadharma)”.

La Puissance du Serpent, p. 184, note 455.


[12] Taitt. Up. Bhasya của Sankara II, 1; Taitt. Up. II, 1.5; Chandogya Up. VIII, 7, 2.

Heinrich Zimmer, Les Philosophies de L’Inde, p. 326.

D’après un résumé introductoire cette doctrine présentée de manière pertinente, dans le Vedantasara, par le moine Sadananda, au XVème siècle, le Soi se dissimule sous cinq enveloppes, cinq couches psychosomatique superposées.

La première, la plus substantielle, s’appelle Annamayakoca; “l’enveloppe (koca) faite (maya) de nourriture (anna). C’est naturellement Le Corps Grossier et son univers de matière grossière. Elle correspond au plan de la conscience éveillée, décrite dans la Mundukya Up.

La seconde enveloppe, Pranamayakoca, “L’enveloppe faite des forces vitales (prana” et la troisième Manamayakoca, “l’enveloppe faite de l’esprit (et des sens) (manas)”, en même temps que la Quatrième Vijnamayakoca “L’enveloppe faite d’intelligence” (Vijnana), composent le Corps Subtil qui correspond au plan de la conscience de Rêve, tandis que la Cinquième, Anandamayakoca. “l’enveloppe faite de félicité” (Anandâ), qui répond au plan du sommeil profond, décrit dans la Mandukya Up. forme ce qu’on appelle le Corps Causal.

C’est un très sombre et très profond revêtement d’ignorance (Avidya), gaine intérieure fondamentale, de tout le monde créé. C’est seulement, quand on l’aura arrachée qu’on connaitra le Soi ---ce Silence serein au delà de la syllabe AUM, qui du point de vue du Vedanta, non dualiste de Sankara, est la seule activité, la seule réalité. Enveloppé des cinq gaines, écrit Cankara, dans son

Vivekacudamani, produites par son propre pouvoir, le Soi ne se montre pas comme l’eau dans un étang recouvert de masses interrompu de roseaux (produites par son propre pouvoir). Mais quand le roseau a été écarté complètement, l’eau claire devient visible à l’homme, elle allège les souffrances de la soif et confère le bonheur au plus haut degré.

La nescience (avidya), la ‘faiseuse” (maya) de roseaux, n’est pas un simple manque d’intuition, un principe négatif, c’est aussi un pouvoir positif (cakti) qui projette ou produit l’illusion du monde et des cinq gaines. Dans sa fonction négative, la nescience cache le Soi, “tout comme un pan de nuage cache le soleil”, mais dans sa capacité positive, elle donne naissance à la multiplicité du cosmos, submergeant toutes nos facultés de jugements, excitant nos sens et nos pouvoirs mentaux, nos passions de désir et de dégout, de crainte, d’accomplissement et de désespoir, causant la souffrance et fascinant notre conscience troublée, stupide, avec des inanités transitoires de jouissances.

Zimmer, Les Philosophies de L’Inde, p. 326---327.

[13] Radhakrishnan, Indian Philosophy, II, p.601---603.

****************       

CHƯƠNG V

Tinh Hoa Bà La Môn Giáo

Veda là Upanishads chứa đựng tất cả những điều chúng ta cần biết về Thiên Đạo, về Đại Đạo. Cho nên nói về Tinh Hoa Bà La Môn giáo, túc là nói đến Tinh Hoa Veda và Upanishads, mà nói dến Tinh Hoa Veda và Upanishads là nó dến Tinh Hoa Thiên Đạo, Đại Đạo.

Bà La Môn giáo, về phương diện Đại Đạo, được xây dựng trên Nhất Thể Brahman, túc là trên thuyết:

Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể,

Nhất Thể Tán Vạn Thù; Vạn thù Qui Nhất Thể.

Linh Mục Hoàng Sĩ Quý, trong quyển Triết Sử Ấn Độ của Ông, đã nhận định: “Có điều là, dù khác nhau đến đâu, thì các Upanishads cũng có chung một số điểm chính yếu. Đó là:

---Nhất Nguyên Thuyết.

---Tên Nhất Nguyên: Brahman---Atman.

---Mục đích nhằm: Giải Thoát.

---Đường dẫn tới mục đích: Minh Minh Trí (Jnana) [1].

Tất cả các quan niệm chính yếu nói trên của Upanishads và Veda sau này đã được môn phái Triết Học Vedanta làm sống động lại. Và người đại diện lỗi lạc của môn phái là Samkara (778---820) đã toát lược bằng mấy chữ Nhất Nguyên Thuần Tuý (Absolute Monism).

Brahman, Nhất Nguyên Thuần Tuý, Căn Nguyên Vũ Trụ là Thực Thể Duy Nhất, Bất Khả Phân, tràn ngập vũ trụ.

Vũ trụ hữu hình này, chẳng qua là do Brahman, tán phân, phóng phát ra, theo trình tự từ Vô Tướng, đến Hữu Tướng; từ Khinh thanh, đến trọng trọc; từ Vi Tế đến Thô Thiển, Hiển Lộ.[2]

Nếu dùng lời lẽ Huyền Thoại, thì ta sẽ kể vũ trụ này là do thượng thần Purusa phân thân mình ra để mà tạo dựng nên. [3]

Nếu dùng cung cách ví von, so sánh, thì Veda và Upanishads cho rằng vũ trụ này đã từ lòng Brahman sinh ra, phóng phát ra, chẳng khác nào:

---Tơ nhện từ lòng nhện sinh ra,

---Cây cối từ lòng đất sinh ra,

---Lông tóc từ thân thể sinh ra,

---Tàn lửa từ lửa sinh ra. [4]

Nhưng sự tạo dựng không phải lập tức đã Tinh Toàn, Hoàn Thiện, vì Phóng Phát, Tán Phân sẽ đưa tới Thác Loạn, Tử Vong cho nên Thượng Đế (Prajapati), theo sách Brahmanas, đã dựng nên Lễ Nghi để củng cố lại vũ trụ, và mang lại trật tự, chính danh, định phận lại muôn vật.[5]

Như vậy, con người có bổn phận lật ngược lại thế cờ, hoặc là để tìm lại cái gì đã mất mát, tản lạc đi, theo Brahmanas, hoặc là phải siêu lên trên Hình, Thức, Sắc Tướng để trở về với Atman căn nguyên của mình, theo môn phái Vedanta.[6]

Nói cách khác, nếu Brahman đã dùng phương thức Phóng Phát, Tán Phân, để tạo thành vũ trụ hình, danh, sắc, tướng bên ngoài, và tâm tình, trí lự, tứ chi, bá hài, nơi con người, thì muốn tìm lại được Brahman, phải biết siêu việt lên trên, hay phá tan những lớp vỏ, áo, hình, danh, sắc, tướng, vỏ, áo hiện tượng bên ngoài, vỏ, áo xác thân, tâm tình, trí lự bên ngoài, thì mới trở về được với Brahman, Căn Nguyên vụ trụ.

---Phóng Phát, Tán Phân để tạo thành vũ trụ đó là Nhất Thể Tán Vạn Thù.

---Tập trung thần trí, để băng qua các lớp lang hiện tượng, cả nội giới lẫn ngoại giới, để trở về Nguyên Thể Brahman. Đó là Vạn Thù Qui Nhất Thể.[7]

Có lấy học thuyết Nhất Bản Tán Vạn Thù, Vạn Thù Qui Nhất Bản làm cơ sở suy luận, ta mới tìm ra được các định luật vĩnh cửu chi phối mọi cuộc biến thiên trong hoàn võ, nhân quần. Những Định Luật Vĩnh Cửu ấy Ấn Giáo gọi là Rita hay Dharma. Xin đan cử ít nhiều định luật:

---Định luật Tụ tán, Vãng lai, Phản phục, Xuất (Evolution), Nhập (Involution).

---Định luật Loạn động sinh Hôn Trầm.

---Định luật Định Tĩnh sinh Tuệ Giác v.v...

Yoga đã áp dụng những định luật ấy vào công cuộc tu trì, giải thoát. Đối với Ấn Giáo, Hướng Ngoại, Xuất Cơ (Evolution) là ra đi đến tản mạn, thác loạn, tử vong. Hướng nội, Nhập cơ (Involution) mới là chiều hướng Giải thoát. [8]

Về phương diện con người, Ấn Độ Giáo đã cố gắng hết sức để tìm hiểu và chủ trương đại khái rằng: Con người có nhiều lớp áo vỏ (Poka, Upadhi), nhưng căn cốt bên trong vẫn là Atman, là Brahman duy nhất, bất khả phân.

Con người tuy sống trên nhiều bình diện khác nhau, trong nhiều trạng huống khác nhau, nhưng căn cơ, thực chất vẫn là Atman, là Brahman tuyệt đối.

Nếu ta vẽ một hình tròn để tượng trưng con người, thì:

A. Tâm Điểm sẽ là Atman, là Chân Tâm, hằng cửu bất biến.

Còn các tầng lớp bên ngoài như:

B. Giác, Đại (Buddhi) sẽ là Nguyên Thân (Causal Body).

C. Ngã mạn, Ý căn (manas), thập căn (Ngũ tri căn + Ngũ tác căn) là Tế Thân (Subtil Body, psychical Body) (gồm: Vỏ Trí, Tâm, Khí) . Đó là Phàm Tâm (Vọng Ngã, Tiểu Ngã)

D. Xác thân Thô Thân, Nhục Thể) (Gồm Ngũ Duy, Ngũ Đại).Khi chết, xác thân sẽ tan rã, Tế Thân, Nguyên Thân sẽ tuỳ nghiệp luân hồi.

Con người có thoát Phàm Tâm, mới mong giải thoát.

Cho nên, Buddhi, nếu theo chiều hướng ngoại, bị Raja (động), Tama (Hôn) khiên dẫn, sẽ bị Mê. Còn khi biết tập trung, biết hướng nội, mà rũ bỏ được các trạng thái hôn trầm, thác loạn, sẽ trở thành Giác. Lúc ấy, Buddhi sẽ là con thuyền Bát Nhã (nói theo tiếng Nhà Phật sau này), giúp ta sang bờ bên kia, sang bến bờ Giải Thoát.

Xác thân chúng ta với ngũ quan, tiếp xúc với Ngũ Đại (Không, Thuỷ, Hoả, Phong, Địa) sẽ làm cho chúng ta bị ngoại cảnh phiền trược.[9]

Các tầng lớp bên ngoài từ Buddhi (Nguyên Thân) trở ra cho đến Nhục Thể, cho đến Ngũ Duy, Ngũ Đại, tức là các Hiện Tượng ngoại giới, đều ở trong vòng:

Hình danh, sắc tướng (Nama---rupa)

Luân hồi (Samsara)

Vòng phiền trược của Tam Tài (3 gunas: Sattva, Raja, Tama)

Mê (Avidya, Maya).

Hí trường (Lila) của Tạo Hoá.

Và đó chính là vòng Biến Thiên, Sinh Tử.

Sau đây là ít nhiều quan niệm then chốt giúp ta trong công trình: Tầm đạo, Tu Đạo, Đạt Đạo.


1. Công thức:

Brahman = Atman.

Phạm Thiên = Tự Ngã.

Brahman.

Chúng ta bàn về Brahman trước, và Atman sau:

Brahman là Tuyệt Đối Thể, là Căn Nguyên sinh Thần, Thánh, Vạn Vật. [10]

Brahman duy nhất nhưng có nhiều danh hiệu:

Ngài là:

--- Đấng Bất Tử (The Imperishable). (Brihah. Up. 8. 8. 3. 9) Brahmanasti (RV 10. 2. 2)

--- Visvakarman (Tạo hoá; The All maker) (RV 10. 61)

--- Purusha (Chân Nhân) (RV 10.90)

--- Prajapati (Chúa Tể Càn Khôn; Lord of Creatures)

--- Hiranyagarbha (Kim đơn; Kim Nhân = Golden Germ) (RV 10. 121. 1)

Brahman là đấng bất khả tư nghị, [11] nhưng các Upanishads vẫn cố hình dung, mô tả Ngài. [12]

Ngài quán thâu cả hai bề động, tĩnh của hoàn võ, quán thâu cả 2 phương diện hằng cửu và thời gian, [13] cả 2 phần Thể Dụng của Vũ Trụ. [14]

Ngài là căn nguyên duy nhất của muôn loài.

Cho nên mô tả Ngài, Áo Nghĩa Thư cùng toàn những từ ngữ tương phản.

Isa Up. viết:

“Duy Nhất đứng, vẫn nhanh hơn thần trí,

Vẫn vượt xa, lướt trước các quan năng.

Dẫu muôn loài dong duổi, cũng chẳng bằng,

Tuy là đứng, mà vẫn đi, đi rất lẹ”. [15]


Isa viết tiếp:

Chuyển vần, mà chẳng chuyển vần,

Tuy xa mà vẫn kề gần lạ sao,

Trong lòng muôn vật ẩn sâu,

Mà ngoài muôn vật, vẫn bao, vẫn trùm. [16]

Ngài ở khắp nơi nhưng không tìm đâu ra dáng dấp:

“Làm sao mà gặp được Ngài,

Trên cao, dưới thấp, trong ngoài, tìm đâu?

Dung quang, dáng dấp ngài sao?

Chỉ hay vinh hiển tối cao, tên Ngài.” [17].

“...Dung quang Ngài khó mà cầu,

Mắt trần sau trước thấy sao được Ngài.

Biết Ngài trong dạ mấy ai?

Tâm thần biết thế, muôn đời trường sinh.” [18]


Trần gian tưởng hay biết Ngài mà thực ra đâu có biết, còn những người được diễm phúc biết Ngài, lại cảm tưởng mình chẳng biết, chẳng biết, chẳng hay.

Tưởng biết Ngài, mà đâu có biết,

Ngỡ không hay, mà thiệt đã hay.

Cố suy, mờ mịt Đông Tây,

Ngỡ rằng chẳng hiểu, hiểu ngay được Ngài. [19]

Không có chi vĩ đại như Ngài, và Người nào hiểu thế sẽ thành người Hiền và đáng trọng nhất trong loài người. [20]

Brahman dựng nên muôn vật mà vẫn lồng trong muôn vật. [21]

****************       


Atman.

Brahman không những bao trùm vũ trụ, mà còn ngự trị ẩn áo, huyền vi trong tâm khảm con người. Tuyệt đối Thể ở ngoài vũ trụ là Brahman, Tuyệt Đối Thể trong tâm khảm con người là Atman, là Đại Ngã.

“...Ngã, Atman ở trong tim tôi nhỏ hơn hạt thóc, nhỏ hơn hạt mì, nhỏ hơn hạt cải, nhỏ hơn hạt kê, nhỏ hơn nhân hạt kê. Cũng Atman ở trong tim tôi, lại lớn hơn trái đất, hơn không gian, hơn trời, hơn muôn ngàn vũ trụ. [22]

Đó là Chân Tâm trong lòng tôi. Đó chính là Brahman. [23]

Atman như vậy cũng vô lượng như Tuyệt Đối Thể.

Atman = Brahman. [24]

2. Công thức:

So’Ham = Tôi là cái đó.

Tat tvam Asi तत् त्वं असि = Cái đó chính là Con
.

Một quan niệm then chốt của Áo Nghĩa Thư là: Trong lòng con người, có đấng Vô Cùng. Con người không phải cô đơn, khổ ải, lao lung một mình trên bước đường đời, mà trái lại, lúc nào cũng có người bạn muôn trùng sang cả ám trợ bên trong. Cho nên, nếu con người giác ngộ, nhận ra được Đấng Muôn Trùng trong lòng mình, cố gắng tu luyện, sẽ trở thành Atman.

Hai chim cùng đậu cây Thân,

Keo sơn kết ngãi, chẳng phân, chẳng lìa.

Một chim ăn quả thoả thuê,

Một chim lặng ngắm chẳng hề uống ăn.

Một người sống ở cây Thân,

Suy vi, não nuột, âm thầm oán than,

Ngẩng lên, thấy đấng Thanh Nhàn,

Vinh quang, sang cả, liền tan tần phiền.

Hoá Công mà thấy nhãn tiền,

Nhãn tiền mà thấy căn nguyên trần hoàn.

Dữ lành, dũ sạch tinh toàn,

Rồi ra trong trắng, cao sang in Trời. [25]


Áo Nghĩa Thư đưa ra đại công thức Tat Tvam Asi = Cái đó, chính là Con.

“Sự thật, con ơi, cái thực thể tế vi mà con người tự giác được, chính là cái thực thể tế vi mà cây vả này đã mọc lên. Con ơi, con hãy tin rằng: cái thực thể tế vi ấy đã tạo thành cả thế giới, toàn thể vũ trụ. Đấy là thực tại. Đấy là Atman. Con chính là cái ấy. Tat tvam Asi. [26]

3. Cho nên, mục đích đời người là cốt bắn vào trúng hồng tâm ấy, cốt là chinh phục đấng vô cùng.

“Hỡi thanh niên ưu tú, hãy khôn ngoan, dùng cung thần, lắp tên bản ngã đã được mài nhọn bằng lòng sốt mến, kính thờ, hãy bắn đi với tất cả tâm trí, miệt mài, chăm ngắm vào Ngài, hãy bắn trúng đích, hãy bắn vào Đấng Vô Cùng.” [27]

Chuyển thơ:

Ngài là đích điểm phải coi,

Phải nhìn, phải ngắm, chớ lơi lòng vàng.

Thánh Thư là cánh cung dương,

Mũi tên Thần Trí ta mang lắp vào.

Bạn ơi ngắm đích đi nào,

Dương cung hãy ngắm trúng vào Thiên Tâm,

Oum là chính chiếc cung thần,

Mũi tên là Bạn, hồng tâm là Trời,

Hãy nhìn ngắm đích chớ lơi,

Như tên, bạn phóng vào Trời cho sâu.

Đấng làm trục cốt hoàn cầu,

Khí, Thần, trời đất trước sau nương nhờ.

Bạn ơi, đừng có nghi ngờ,

Đó là Chân Ngã, đó là chính anh.

Nhịp cầu bắc tới trường sinh,

Những lời vừa nói, bắc thành chẳng sai.

Quên đi tạp thuyết trên đời,

Chào mừng bạn đã là người quá giang.

Từ nay bến giác đã sang,

Bờ mê, nhìn lại mơ màng, âm u. [28]

4. Cho nên học vấn cao siêu nhất là học vấn để tìm ra đấng Vô Cùng:

Biết rằng trong dạ có Trời,

Rối ren, ngu muội tức thời tiêu tan... [29]

5. Công phu tu luyện siêu việt nhất là kết hiệp được với Atman, với Trời:

Từ nay âu đã thành Thần,

Từ nay mơ ước hồng trần tiêu tan.

Người phàm nay đã siêu phàm,

Lòng trần nay đã biến sang lòng Trời. [30]

6. Nhưng con đường tu luyện chẳng có dễ dàng:

Con đường tu luyện khó sao,

Như lưỡi dao bén nhẽ nào vượt qua. [31]

7. Vả lại, tìm ra được Atman, được Tuyệt đối Thể đâu phải chuyện dễ:

Chân Tâm học chẳng tìm ra,

Thông minh, uyên bác cũng là công toi,

Biết Trời, âu cũng duyên Trời,

Trời kia chỉ hiển cùng người hữu duyên.[32]

8. Tìm Tuyệt Đối Thể không phải là lìa đời, không phải vào thâm sơn cùng cốc, vì Tuyệt đối Thể ở ngay trong lòng con người, ngay trong tâm khảm con người:

Chân Nhân nhỏ tựa ngón tay,

Nằm trong tâm khảm muôn loài thụ sinh,

Tâm thần, trí lự bao quanh,

Ai mà biết được trở thành Thần Tiên. [33]

9. Nhưng đâu là Tâm con người? Upanishad chỉ đường về Tâm như sau:

“Tâm người trăm linh mốt kinh,

Mà duy có một, Thượng Đình đi lên.

Cứ theo đường ấy mà men,

Rồi ra ắt được tới miền trường sinh. [34]

*Như vậy, thì Tâm ấy ở trong đầu con người, nơi các giây thần kinh giao hội, hội tụ về:---

Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vành bánh xe.

Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi Tuyệt Đối chưa hề hoá Thân.

Cố tìm Tuyệt Đối, Chân Tâm,

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê.

Ngài là toàn giác, toàn tri,

Trần hoàn vinh hiển, ai bì, ai đương,

Ngài đương ngự giữa Thiên Đường [35]

Trời cao là chính Đế Hương của Ngài.

Chỉ huy thần trí trong ngoài,

Chính Ngài chi phối lòng người thường xuyên.

Biết Ngài những bậc Thánh Hiền,

Biết Ngài nhờ ánh tâm huyền phát huy. [36]


Tâm khảm ấy chính là Nê Hoàn Cung, là Não Thất Ba theo khoa học hiện đại. [37]. Upanishad còn viết:

Kìa xem trong chốn Thiên Đường,

Có cung nho nhỏ, nhỏ dường Liên Hoa,

Bên trong là một tiểu toà,

Trong toà ai đó tìm ra mới tình...

Tuy là một khoảng tâm linh,

Nhưng mà Trời Đất trong mình gồm thâu.

Gồm thâu gió lửa, tinh cầu,

Hai vầng nhật nguyệt cũng đâu có ngoài.

Gồm thâu muôn sự trên đời,

Gồm thâu ngàn vạn khúc nhôi sự tình...[38]

10. Đạt đạo sẽ là đạt tới Viên Mãn, không còn phải ước mơ, tìm hiểu chi nữa, vì viên mãn là lạc thú, viên mãn là trường sinh, viên mãn là bao quát vũ trụ. [39]

Đạt đạo sẽ được hạnh phúc vô biên.

Chân tâm chủ tể muôn loài,

Thể thời duy nhất, hình thời ngàn muôn.

Biết Ngài ngự giữa tâm hồn,

Mới mong hạnh phúc trường tồn vô chung.

Biết Ngài bất biến, thung dung,

Lồng trong trời đất, lao lung chuyển vần.

Biết Ngài Thần giữa chúng thần,

Biết Ngài duy nhất, giữa quần sinh ban.

Bao niềm mơ ước chứa chan,

Biết Ngài phân phát cho toàn sinh linh.

Biết Ngài ngự giữa lòng mình,

Mới mong hạnh phúc, siêu sinh trường tồn. [40]

Lòng không vướng mắc tơ hào,

11. Đạt đạo sẽ tiến tới vô ngã, đại đồng.

Kìa sông tới biển thời tiêu,

Hết danh, hết sắc, hết điều riêng tây.

Trở thành biển cả từ nay,

Gọi là biển cả mảy may, khác gì.

Con người, nhìn lại cũng y,

Khi “mười sáu bộ” đã qui về Ngài.

Còn đâu danh tướng lôi thôi,

Rồi ra cũng chỉ là ngôi Chân Thần.

Thế là vĩnh cửu bất phân,

Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa.

Đã điều qui tụ, hiệp hoà,

Như đũa liền trục, ắt là Chân Nhân.

Chân Nhân là chính Chân Thần,

Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.[41]

12. Đạt đạo sẽ thành Brahma Thượng Đế. [42]

Ai mà biết được Trời cao,

Rồi ra nên giống Trời nào, khác chi.

Gia đình không kẻ u mê,

Cháu con đều biết hướng về Brahma.

Sầu tình khinh khoát băng qua,

Băng qua tội lệ, khéo là làm sao.

Con người thể ấy ắt vào trường sinh.[43]


13. Vòng Luân Hồi trong Áo Nghĩa Thư chẳng qua là thế giới vạn hữu, thế giới hiện tượng, trong đó con người như một lữ khách ruổi rong; gần mục đích mà vẫn tưởng xa muôn vạn dặm; cùng dòng dõi với Hoá Công, mà vẫn ngỡ mình kém hèn, sa đoạ. Bước trên những hiện tượng ảo hoá, biến thiên ấy, con người sẽ tiến dần về Bản Thể, về Đại Đồng, và khi nhận được Hoá Công là chính Bản Thể mình, sẽ trở nên bất tử. [44]

14. Ngoài ra Upanishads còn đưa ra một phương pháp diệt trừ Luân Hồi, Nghiệp Chướng rất giản dị. Theo Áo Nghĩa Thư, nếu Luân Hồi, Nghiệp Chướng phát sinh do tâm tưởng con người, do sự dính bén trần ai, tục luỵ, thì diệt trừ mọi tâm tư, rũ bỏ mọi luyến ái, dục tình, sẽ được giải thoát.

Như lửa cháy, hết dầu sẽ tắt,

Tâm tưởng ta, lìa vật sẽ ngưng.

Tâm thần vắng lặng, không không,

Là vì đa õbiết gia công tìm Trời.

Để ngũ tặc [45], tơi bời đưa đẩy,

Thời trần ai, xa xảy, lầm than,

Luân Hồi, Nghiệp Chướng đa đoan,

Tâm tư ta tạo, tâm can ta bày.

Hãy cố gắng mà thay, mà đổi,

Kiếp Luân Hồi thoát khỏi, mới hay.

Cơ Trời ẩn áo khó bày,

Tưởng sao, thành vậy, xưa nay lẽ thường.

Giữ tâm khảm đừng vương tư tưởng,

Thời trần ai, nghiệp chướng sẽ tan. [46]

Lâng lâng vẹn sạch, tinh toàn,

Lòng trời vui hưởng muôn ngàn thảnh thơi,

Để thanh sắc cuốn lôi, giăng mắc,

Thời tâm Thần dính chặt trần ai,

Một niềm gắn bó với Trời,

Dây oan dù mấy, thôi thời cũng tiêu.

Tâm thường có 2 chiều, 2 vẻ,

Vẻ phàm phu, và vẻ thanh cao.

Phàm phu, dục vọng dạt dào,

Thanh cao, thì chẳng xuyến xao tâm Thần.

Lòng cố giữ thập phần tĩnh lãng,

Đừng ù lì phá tán lòng ai.

Hoà đồng hiệp nhất với Trời,

Ấy là Tuyệt Đối trên đời mấy ai.

Lòng chớ để pha phôi lạc lõng,

Tội tình chi lóng ngóng đông tây,

Đáy lòng giải thoát là đây,

Giác minh vô tận ở ngay đáy lòng.

Hãy cố gắng tập trung thần trí,

Thời oan khiên, phiền luỵ, tiêu tan.

Hoà đồng, phối hiệp Atman,

Ấy là hạnh phúc muôn ngàn tả sao.

Diễm tuyệt ấy lời nào tả xiết,

Chỉ tâm thần, mới biết, mới hay,

Nước kia, nước nọ hoà hài,

Lửa phừng trong lửa ai người biện phân...

Khí pha khí, ai lần manh mối,

Đã hiệp hoà khó nỗi chia ly.

Tâm Thần mà nhập huyền vi,

Thời thôi trần cấu còn chi bận lòng.

Lẽ giải kết ở trong hoàn võ,

Đều do Tâm, dây rợ mối manh.

Luỵ là: Bám vứu sự tình,

Tâm không luỵ vật: đã đành thần tiên.[47]

 ***

*Tóm lại, tinh hoa Đạo học và Triết học Bà La Môn có thể toát lược như sau:

“...Áo Nghĩa Thư chủ trương mỗi cá nhân đều thông phần bản thể của Thượng Đế, nên có Tuyệt Đối Thể trong đáy lòng. Nó mặc khải cho mỗi tâm hồn biết: Chúa Tể trời đất, vũ trụ, đấng được đề cập tới trong kinh Veda, đấng ấy lại chính đồng bản thể và ý thức như con người. Tat Tvam Asi, Đấng tối cao ấy, con chính là đấng tối cao ấy”. [48]

Áo Nghĩa Thư bao hàm tất cả những sự suy nghiệm về Atman, về Chân Ngã, hay về Thực Tại, Thực Tướng, về “Chân chi Chân” theo định nghĩa của Atharva Veda.

Nói rõ hơn, Atman chính là cùng đích của một nền siêu hình học đi tìm Thượng Đế trong con người, và cuối cùng là tìm ra được Thượng đế, phối hợp, hoà đồng được với Thượng Đế. [49]

------------------------------------------------------------------------
*Hết chương 5

****************       

PHỤ LỤC

CHÍ TÔN CA TRÍCH DIỄM.

(EXCERPTS from the BHAGAVAD GITA).


A. Chân tâm (the Self).

1. Chân tâm thời hằng cửu, bất hoại và vô lượng. Các hình hài của chân thể thời hữu hạn. [50]

2. Ngài vô thuỷ, vô chung, vô vãng, vô lai, tự hữu, trường sinh, vĩnh cửu, cổ sơ. Ngài chẳng bị giết, khi xác thân bị giết. [51]

3 Ngài được gọi là vô hình tích, bất khả tư nghị, bất khả biến dịch, cho nên biết Ngài là thế, bạn đừng còn lo buồn. [52]

B. ĐỜI ĐẠO HẠNH: ---

1. Hỡi Dhananjaya, hãy hoạt động, nhưng vẫn sống trong sự phối hợp với Thiên Chân, đừng còn tơ vương, dính bén, hãy bình thản, luôn trong thành công, cũng như trong thất bại. Thung dung, bình thản ấy là Đạt Đạo.[53]

2. Các thánh hiền, sống phối hợp với Chân Lý, nên hoạt động không cầu mong lợi lộc, kết quả; và thoát ly khỏi vòng sinh tử, các Ngài sẽ lên toà Hạnh Phúc. [54]

3. Khi thần trí con người hết bị lạc lõng vì kinh kệ, khi thần trí con định được vào sự chiêm ngưỡng [Atman], lúc ấy con sẽ Đắc Đạo, phối Thiên. [55]

4. Hỡi Partha, khi một người rũ bỏ mọi dục vọng của tâm hồn và chỉ thoả mãn trong Chân Ngã bởi Chân Ngã, người ấy là người đã được định trí.

...Người mà tâm trí được thảnh thơi không lo sợ trong đau khổ; thanh thản, không bị lôi cuốn giữa các lạc thú; thoát vòng phiền trược của dục tình, của sợ hãi, của giận dữ, người ấy, được gọi là Thánh Hiền có định trí. [56]

5. Kẻ rũ bỏ được mọi ước mơ, và tiến bước ung dung, không bị dục vọng chi phối, vô tư, vô ngã, kẻ ấy đi vào an lạc.

Hỡi con của Pritha, đó là một trạng thái hằng cửu. Đạt tới đó, không còn bị huyễn hoặc nữa.

Ai mà ngay lúc chết vẫn còn ở trong trạng thái đó, sẽ vào Niết Bàn của Hằng Cửu. [57]

6. Người đạt Đạo, luôn luôn kết hợp với Chân Ngã, lòng trí hết lao lung, người đạt Đạo sẽ đạt tới An Lạc vô biên. Hạnh phúc ấy ở trong Ta (Thượng đế). [58]

7. Hỡi Krishna, tôi đã coi Ngài như Bạn,

Đã coi Ngài như Bạn hay rắc rối, tơ vương,

Ngài oai nghi, mà tôi cứ ngỡ tầm thường

Tôi sơ xuất, vì tôi đã yêu Ngài nhiều quá.

Tôi đùa cợt và đã tỏ ra sàm sỡ,

Khi chơi đùa, khi ăn uống, hoặc nghỉ ngơi.

Hoặc một mình, hoặc trước mặt bạn tôi.

Xin Duy Nhất thứ tha cho vì lầm lỡ.

Ngài là Cha sinh vũ trụ, sinh biến hằng vạn thủa,

Oai nghi Ngài, thiên hạ hỏi ai đương?

Quyền phép Ngài chấn động khắp muôn phương,

Trước mặt Ngài, bằng thể xác tôi, tôi cúi lạy.

Xin Ngài thương giáng phúc cho tràn lan, đầy rẫy,

Như Cha, Con, xin Ngài đối với tôi,

Như bằng hữu, như những kẻ yêu nhau ở trên đời,

Van xin Ngài, hãy đối với tôi như thế...[59]


****************       

CHÚ THÍCH


[1] Hoàng sĩ Quý, Triết Sử Ấn Độ, tr. 100.

[2] Vô Hữu Tán Ca: Rig Veda X, 1, 9. Tạo Nhất Thiết Thần Ca: Rig Veda X, 82; Nguyên Nhân Tán Ca: Rig Veda X, 90; Yajur Veda: VS XXXI và XXXII; Atharvaveda XIX, 6 và X, 2;

Hoàng Sĩ Quý, Triết Sử Ấn Độ, p. 102.

Revue de l’Histoire des Religions, p. 4,6, 69, PUF.

Hoàng Sĩ Quý, Le Mythe Indien de l’Homme Cosmique dans son contexte culturel et dans son Évolution, pp. 134, 135, 140, 141, 154.

Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, q. 3, các tr. 37, 38, 39.

[3] Nguyên Nhân Tán Ca, Rig Veda X, 90.

Hoàng Sĩ Quý, Triết Sử Ấn Độ, tr. 100.

[4] Brihadaranyaka Up. I, 1,7: Mundaka Up. 11.1,1.

[5] La création ne fut pourtant pas parfaite du premier coup. Par le même mouvement d’émanation et d’extension, elle tend à la dispersion, au désordre et à la mort. Prajapati dut alors créer des rites ---thème brahmanique ---pour consolider l’univers et mettre de l’ordre en toutes choses par l’attribution des noms et des formes précises.

Le Mythe Indien de l’homme cosmique par Hoàng Sĩ Quý, in Revue de l’Histoire des Religions, 4, 6, 69, PUF, p. 150.

[6] Tout comme L’Univers structuré, l’autel ne désigne que la partie manifestée du Créateur, il reste de lui une “partie perdue”. La plus grande et l’essentielle, qu’on doit restaurer, par le sable répandu de tous côtés et en quantité indéfinie, pour que Prajapati soit restauré dans sa totalité et dans sa forme naturelle. Outre ce procédé, il en existe d’autres qui s’expriment comme un complément rituel par la récitation murmurée ou par le silence. Le Silence ne veut pas dire une interruption de la Parole sacrificielle, mais une intériorisation de cette Parole. Comme la Parole articulée représente la partie manifestée . Cette partie la plus grande et la plus fondamentale, dans les Brahmanas, devient en d’autres traditions, la partie transcendante du Purusa (Tel que dans RV. X, 90), l’Esprit, comme opposé à la Matière (Prakriti) (chez les Samkhyens), et la Réalité Unique, subsistant sous le Nom et la Forme (tel que le concoit le Vedanta).

Hoàng Sỹ Quý, Le mythe Indien de l’homme cosmique, p. 151---152)

---thème brahmanique de l’agencement du monde, par le Nom et la Forme. C’est Le Nom et la Forme qui constitue chaque chose en elle---même, en tant que telle. La réaction mystique du Védanta réduira le Nom et la Forme (Nama---rupa) à l’illusion (maya) et ne conservera que la Substance Transcendante (Atman) qui existe sous le Nom et la Forme.

ib. p. 150, note 2.

[7] Whether you look upon God, with the savage, as an Angry or Offended Man, or with the civilized, as a Merciful, and Compassionate Being, the Judge of all the earth, the Author and Controller of the world. It is a weak conception that cannot endure criticism. The Anthropomorphic Ideas must vanish. They give us Subtitutes for God, but not the true Living God. We must believe in God, the Center of Life, and not his shadow as reflected in men’s mind. God is the inexhaustible light surrounding us 0n all sides. Prano virat (“life is immense”). It includes Thoughts no less than Things. The Same reveals Itself under differents Aspects. It is One, Uniform, Eternal, Necessary, Infinite and All---powerful. From It, All flows out; to It, All returns.

Radhakhrishnan, Indian Philosophy, Tome I, p. 94.

[8] Dharma est donc la Loi qui gouverne l’Évolution Universelle, ou voie de la Sortie (Pravritti), et l’Involution ou voie du Retour (Nivritti). Et seuls peuvent atteindre à la Délivrance à laquelle conduit la seconde Voie, ceux qui par leur fidélité à Dharma, collaborent à l’accomplissement du dessein universel.

Arthur Avalon, La Puissance du Serpent, p. 104.

[9] Phật giáo sau này gọi Ngũ Tri Căn (Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân) là Ngũ Căn, gọi Ngũ Duy là Ngũ Cảnh hay Ngũ Trần (Sắc, thanh, Hương, Vị, Xúc). Ngũ Căn gặp Ngũ Trần sẽ sinh ra Ngũ Thức (Nhãn thức, Tị Thức, Nhĩ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức). Và Ngũ Uẩn do đó mà sinh. Ngũ Uẩn là Sắc (ngũ căn+ngũ trần), Thọ (Cảm giác), Tuởng (Tri Giác), Hành (tâm trạng), Thức (ý niệm).

[10] Brih. 1. 4. 10---11.

 Maitri 6. 17.

 Tait. 2.6.

[11]Brih. 2.36; 3. 9. 26; 4. 24.

[12] Svet. 4. 19---20; Tait. 2. 4. 9f; Katha 6.12; Svet. 5.1; Mundaka. 2. 2. 1; Kena 3; Isa 9. 10; Brih. 4. 1---2; Brih. 2. 3. 6; 3. 9. 26.

[13] Maitri Up. 6.16; 6.22 ; Brih. 2.3.1; 2.1. 20.

[14] Mund. 2.2. 8; Prasna 5.2; Svet. 1. 13; Mund. 1. 4---5.

[15]

Unmoving, the One is swifter than the mind,

The sense---powers reached not It, speeding on before

Past others running, this goes standing. (Isa 4)

[16]

It moves. It moves not,

It is far and It is near,

It is within all this,

And it is outside of all this. (Isa 5).

[17]

Not above, not across,

Nor in the miđle has one grasped Him.

There is no likeness of Him,

Whose name is Great Glory. (Svetas. 4, 19).

[18]

His form is not to be beheld,

No one soever sees Him with the eye.

They who thus knows Him with heart and mind,

As abiding in the heart, become immortal.

Svetasvatara Up. 4. 20.

[19] It is conceived of by him whom It is not conceived of.

He by whom It is conceived of, knows It not,

It is not understood by those who (say they) understand It,

It is understood by those who (say they) understand It not.

Kena Up. 13 (3)

[20] Satapathabrahmana 1, 3, 5, 7---12.

Triết Học Nhập Môn, Trần Thái Đỉnh, tr. 16.

[21] Tait. 2.6; Chand. 6.3.

[22] This Soul of mine within the heart is smaller than a grain of rice, 0r a barly---corn, or a mustard---seed, or a grain of millet, or the kernel of a grain of millet; this Soul of mine within the heart is greater than the earth, than the atmosphere, greater than the sky, greater than these worlds.

Chandogya Up. 3. 14. 3.

[23] Containing all works, containing all desires, containing all odors, containing all tastes, encompassing this whole world, the unspeaking, the unconcerned ---this is the SOUL of mine within the heart. THIS IS BRAHMA. Into him, I shall enter on departing here.

Chandogya Up. 3. 14. 4.

[24] Brih. 2.5.1; Mundaka 2. 2. 9; Nguyễn đăng Thục, Lịch Sử Triết học Đông Phương, III, tr. 141.

[25]

Two birds, fast bound companions,

Clasp close the self---same tree.

Of these two, the one eats sweet fruit;

The other look without eating.

On the same tree a person, sunken,

Grieves for his impotence, deluded,

When he sees the other, the Lord contented,

And his greatness, he becomes freet from sorrow.

When a seer sees the brilliant,

Maker, Lord, Person, the Brahma---source,

Then, being a knower, shaking of good and evil,

Stainless, he attains supreme identity [with Him].

Mundaka Up. 3.1.1---3.

[26] Then he said to him: ‘Verily my dear, that finest essence, which you do not perceive ---verily, my dear, from that finest essence this great Nyagrodha (sacred fig) tree thus arises. Believe me, my dear,’ said he’ that which is the finest essence ---this whole world has that as its soul. That is Reality. That is Atman (Soul). That art Thou, Svedaketu.

Chandogya Up 6. 12. 2 ---3.

[27] Taking as a bow the great weapon of the Upanishad, One should put upon it an arrow sharpened by meditation. Streaching it with a thought directed to the essence of that. Penetrate that Imperishable as the mark, my friend. the Mystic syllable Om (pranava) as the bow, the arrow is the soul (Atman), Brahma is said to be the mark.

Mundaka Up. 2.2. 3---4.

[28]

C’est Lui, la cible qu’il faut viser. Ami, vise droit au but.

Prends entre les mains, l’arc splendide des Oupanishads,

Sur lui, place la flèche

Aiguisée dans la méditation.

De ton esprit, tendu vers l’unité, bande ton arc.

Ami, vise ce but, c’est Lui, l’Immuable,

Oum, le Pravana, voilà ton arc,

La flèche, c’est le Soi,

C’est toi---même.

La cible, c’est Brahman.

Vise---la, sans te laisser distraire.

Fixe toi, là toi---même, comme la flèche en sa cible.

Celui sur qui tout ce monde est fixé,

Cieux comme terre, souffle comme Esprit,

Sache que c’est cela même, l’unique Soi: C’est toi.

Tous les autres mots, laisse---les aller,

Le pont qui mène à la non---mort, c’est celà.

Salut à toi, qui passe à l’autre rive,

Au---delà de la ténèbre,

Brahman, en vérité, c’est tout cela, c’est Tout.

Devant, Brahman ! derrière, Brahman!

À droite Brahman! à gauche Brahman!

Au---dessus, Brahman! au---dessous Brahman!

Brahman, seul en vérité.

En tout, et partout.

Mundaka Up. 2.2. 3---5; 2.2. 11.

Henri le Seau, la Rencontre de l’Hindouisme et du Christianisme, Éditions du seuil, p. 156.

[29] He who knows that, set in the secret place (of the heart), he here on earth, my friend, rends asunder the knot of ignorance.

Mundaka Up. ---2.1. 10

[30]

Being very Brahman, he goes to Brahman.

..When are liberated all

The desires that lodge in one’s heart,

Then a mortal becomes immortal

Therein he reaches Brahman.

Brih. Up. 4.4.6; 4.4.7

[31]

A sharpened edge of a razor, hard to traverse,

A difficult path is this ---poets declare.

 Katha Up. 3. 14.

[32]

This Soul (Atman) is not to be obtained by instruction,

Nor by intellect, nor by much learning,

He is to be obtained only by the one whom he chooses,

To such a one, that Soul (Atman) reveals his own person.

Mundaka Up. 3.2.3.

[33]

A Person of the measure of a thumb, is the inner Soul (antaratman),

Ever seated in the heart of creatures,

He is frame by the heart, by the thought, by the mind,

They who know that, become immortal.

Svetasvatara Up. 3. 13.

[34] There are a hundred and one channels of the heart,

One of these passes up to the crown of the heart.

Going up by it, one goes to immortality

 Chandogya Up. 8. 6. 6.

Bản dịch Pháp:

Il sort du coeur 101 canaux,

L’un d’eux communique avec la grande fontanelle,

S’élevant par ce grand canal, l’homme (l’âme particulière)

Rejoint l’immortalité.

[35] Xác thân con người.

[36] Where the channels are brought together,

Like the spokes in the hub of a wheel.

Therein he moves about,

Becoming manifold.

Om!-thus meditate upon the Soul (Atman).

Success to you, in crossing the farther shore beyong darkness.

He who is all-knowing, all-wise,

Whose in this greatness on the earth-

He is in the divine Brahma city

And in the heaven established! The Soul (Atman)

Consisting of mind, leader of the life-breath and of the body,

He is established on food, controlling the heart,

By this knowledge the wise perceive

The blissful Immortal that gleams forth.

Mundaka Up. 2. 2. 6-7.

[37] L’opération du Yoga est un mouvement de retour à la Source, l’inverse du mouvement créateur de cette Source... Le Siège de la Source étant dans le corps humain, le cerveau, où se trouve la plus grande manifestation de la conscience, le siège du mental, est entre les sourcils et les sièges de la matière dans les cinq centres qui s’échelonnent de la gorge à la base de la colonne épinière.

Arthur Avalon, La Puissance du Serpent, p. 85.

... Le Centre où se réalise la conscience endormie est le sommet du cerveau ou Sahasrara, d’où chez le Yogi, le Prana s’échappe, au moment de la mort par la fissure appelée Bramarandhra (Fontanelle)

Như trên. p. 57.

[38] Om! Now what is here in this City of Brahma (the body) is an abode, a small lotus---flower (the heart). Within that is a small space. What is within that should be searched out; that assuredly, is what one should desire to understand... As far, verily, as this world---space extends, so far extends the space within the heart. Within it, indeed, are contained both heaven and earth, both fire and wind, both sun and moon, lightning and the stars, both what one possesses here and what one does not possess; everything here is contained within it.

Chandogya Up. 8. 1.1---2.

[39] Where one sees nothing else, hears nothing else, understands nothing else - that is Plenum.

Chandogya Up. 7. 24.

... Verily, the Plenum is the same as pleasure

Chandogya Up. 7. 23.

... Verily, the Plenum is the same as immortal.

Chandogya Up. 7. 23.

It, indeed, is the whole world.

Chandogya Up. 7. 25; Tait. 2. 4; Katha 5. 14.

[40] The Inner Soul of all things, the one Controller,

Who makes his one form manifold.

The wise who perceive Him as standing in oneself,

They, and no others, has eternal happiness.

Him who is the Constant among the inconstant, the Intelligent among intelligences,

The One among many, who grant desires ---

The wise who perceive Him as standing in oneself,

They, and no others, has eternal peace.

Katha Up. 5. 14; Prasna Up. 6.5; Brih. 4.4.1.2.

[41] As these flowing rivers that tend toward the ocean, on reaching the ocean, disappear, their name and form (nama---rupa) are destroyed, and it is called simply “the ocean” ---even so of this spectator these sixteen parts that tend toward the Person, on reaching the Person, disappear, and it is called simply “the Person.” That one continues without parts, immortal! As to that there is verse:

---Whereon the parts rest firm

Like the spokes on the hub of a wheel---

Him I know as the Person to be known!

So let death disturb you not.

Prasna Up. 6.5.6; Brihad 4. 4. 1---2.

[42] Brih. 4.4. 25; Prasna 4. 10; Svet. 1.7.

[43] He, verily, who knows the Supreme Brahma, becomes very Brahma. In his family, no one ignorant of Brahma arises. He crosses over sorrow. He crosses over sin. Liberated from the knots of the heart, he becomes immortal (Mundaka 3.2.9.)

[44] Dans cette infinie Roue de Brahma, demeure de tous les êtres, erre le Hamsa, s’imaginant que le Soi et l’Ordonnateur sont différents.

Svet. 1.6. Annie Besant, La Sagesse des Upanishads, p. 74.

[45] Ngũ quan.

[46] As fire, of fuel destitude,

Becomes extinct in its own source,

So thought by loss of activeness,

Becomes extinct in its own source.

Becomes extinct in its own source,

Because the Mind the Real seeks!

For one confused by things of sense,

There follow action’s false controls.

Samsara is just one’s own thought,

With effort he should cleanse it, then.

What is one’s thought, that he becomes;

This is the eternal mystery.

For by tranquillity (prasada) of thought,

Deeds (Karman), good and evil, one destroys.

With soul serene, stayed on the Soul,

Delight eternal one enjoys!

Maitri 6. 34.

[47] As firmly as the thought of man,

Is fixed within the realm of sense -

If thus on Brahma it were fixed,

Who would not be released from bond?


The mind is said to be twofold:

The pure and also the impure;

Impure ---by union with desire;

Pure ---from desire completely free!


By making mind all motionless,

From sloth and from distraction freed,

When upon mindlessness one comes,

Then that is the supreme estate !

So long the mind should be confined,

Till in the heart its meets its end.

That is both knowledge and release!

All else is vut a string of world!

With mind’s stains washed away by concentration,

What may his joy be who has enter Atman -

Impossible to picture then in language!

Oneself must grap it with the inner organ.

In water, water; fire in fire;

In air, air one could not discern.

So he whose mind has entered in -

Released is he from everything!

The mind, in truth, is for mankind

The means of bondage and release:

For bondage, if to objects bound;

From object free - that’s called release!

Maitri Up. 6.34.

[48] Elle pose, en principe, que chaque individu participe au Brahman et par conséquent, possède l’Absolu en lui même. Elle révèle à chaque conscience que le grand Dieu cosmique, par lequel furent comme éclipsés les Dieux du Véda, lui est consubtantiel et identique. Tat Tvam Asi “Cet Absolu, tu l’es!”

P. Marson Oursel, L’Inde Antique et la Civilisation Indienne, p. 138.

[49] Les Upanishads constituent un ensemble de considérations philosophiques au sujet de l’Atman, au concept du Moi, ou encore “réalité de la réalité” selon la définition ésotérique de l’Atharva Veda.

Disons, pour être clair, que “l’Atman” désigne le terme suprême d’une métaphysique recherchant Dieu dans l’homme et finissant par l’y trouver.

Occultisme et Magie en Extrême---Orient, Louis Chochod p. 102.

[50] These bodies of the embodied One, who is eternal, indestructible, and immeasurable are known as finite.

Second Discourse, p. 19. Bản dịch của Annie Besant.

[51] He is not born, nor doth he die, not having been ceased, He any more to be, unborn, perpetual, eternal, ancient, he is not slain, when the body is slaughtered.

Second Discourse, p. 20

[52] Unmanifest, unthinkable, immutable, he is called; therefore, knowing Him as such, thou should not grieve.

Second Discourse, p. 25.

[53] Perform action, O Dhananjaya, dwelling in union with the divine, renouncing attachments and balanced evenly in success and failure; equilibrium is called Yoga.

Second Discourse, p. 48

[54] The sages, united with the Pure Reason, renounce the fruit which action yieldeth , and liberated from the bonds of birth, they go to the blissful seat.

Second Discourse, p. 51.

[55] When thy mind, bewildered by the Scriptures shall stand immovable, fixed in contemplation, then shalt thou attain into Yoga (To union with Atman, the Self: Yoga implies with the divine will)

Second discourse, p. 53, bản dịch của Annie Besant.

At present, your intellect is bewildered by conflicting interpretations of the Scriptures. When it can rest, steady you will reach union with Atman.

Bản dịch của Swami Prabhavananda. cf. The song of God: Bhagavad Gita ---A Mentor Book, p. 41.

[56] When a man abandoneth , O Partha, all the desires of the heart and is satisfied in the Self by the Self, then he is called stable in mind.

Second Discourse, p. 55

He whose mind is free from anxiety amid pain, indifferent amid pleasures, loosed from passion, fear and anger, is called a Sage of stable mind.

Second Discourse, p. 56.

[57] Who so forsaketh all desires and goeth onwards free from yearnings, selfless and without egoism, he goes to Peace.

This is the Eternal State, o son of Prita. Having attained thereto, none is bewildered. Who, even at the death hour is established therein, he goeth to the Nirvana of the Eternal.

Second Discourse, p. 71---72.

[58] The Yogi, ever united with the Self, with the mind controlled, goeth to Peace, to the Supreme Bliss, that abideth in Me.

Sixth Discourse, p. 15.

[59] If thinking Thee but friend, importunate,

O Krishna! Or O Yadava! O friend,

I cried, unknowing of Thy majesty,

And careless in the fondness of my love.

If jesting I irreverence showed to Thee,

At play, reposing, sitting or at meals,

Alone, O sinless One, or with my friends,

Forgive me my error, O Thou, boundless One.

Father of worlds, of all that moves and stands,

Worthier of reverence than the Guru’s self,

There is none like Thee, who passed Thee?

Pre---eminent Thy power in all the world,

Therefore I fall before Thee, with my body

I worship as it fitting; bless Thou me,

As Father with the Son, as friend with friend,

With the Beloved as lover, bear with me.

Eleventh Discourse , 41, 42, 43, 44. Trích trong The Bhagavad Gita or Lord’s Song with the text in Devanagari, and an English translation.

-------------------------------


****************       

CHƯƠNG VI

LÃO GIÁO

ĐẠO ĐỨC CHÂN THUYÊN

***


ĐẠO ĐỨC LÀ GÌ?

Muốn học Đạo Lão, trước hết phải hiểu hai chữ Đạo Đức.

A. ĐẠO.

Đạo chính là Tuyệt Đối Thể, là Bản Thể thường hằng đã sinh xuất ra vũ trụ, vạn hữu, và luôn tiềm ẩn trong đáy lòng vạn hữu.

Vì là Tuyệt Đối Thể, nên Đạo không thể bàn cãi được. không thể danh xưng được. Tất cả mọi nghị luận về Đạo, tất cả mọi danh xưng về Đạo, vì nằm trong hình, danh, sắc, tướng, nên đều cưỡng ép, bất xứng, chỉ có thể cho ta thấy ít nhiều khía cạnh của Đạo.

---Đạo chính là nguồn gốc sinh xuất Vũ Trụ, quần sinh.

---Đạo có thể ở vào một trong hai trạng thái sau đây:

---a. Tĩnh tức là trạng thái chưa hiển dương, chưa sinh xuất ra vũ trụ, quần sinh (Tiên Thiên, Vô Vi, Diệu).

---b. Động, tức là trạng thái đã hiển dương, đã sinh xuất vũ trụ (Hậu Thiên, Hữu Vi, Kiếu).

Chưa hiển dương thì hết sức minh linh, ảo diệu.

Đã hiển dương thời có công trình vân vi, hình thanh, danh sắc, độ số.

Nhưng Đạo, dầu chưa hay đã hiển dương, cũng vẫn chỉ là một Thực thể siêu vi, duy nhất. Danh hiệu tuy khác, nhưng thực thể vẫn một.

Đạo thể siêu vi ấy chính là Cửa Thiêng sinh xuất mọi nguồn huyền vi, áo diệu trong hoàn võ.

Những tư tưởng then chốt trên đã được trình bày nơi Chương I, Đạo Đức Kinh, như sau:


Đạo khả Đạo phi thường Đạo
 道 可 道 非 常 道

Danh khả danh phi thường danh
 名 可 名 非 常 名

Vô danh thiên địa chi thủy
 無 名 天 地 之 始

Hưũ danh vạn vật chi mẫu
 有 名 萬 物 之 母

Thường vô dục dĩ quan kỳ Diệu
 常 無 欲 以 觀 其 妙

Thường hữu dục dĩ quan kỳ Kiếu
 常 有 欲 以 其 徼

Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh
 此 兩 者 同 出 而異 名

Đồng vị chi huyền
 同 謂 之 玄

Huyền chi hựu huyền
 玄 之 又 玄

Chúng diệu chi môn
 眾 妙 之 門


Dịch:

Hoá Công hồ dễ đặt tên,

Khuôn Thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn ngàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

*Lưu Tư, tác giả cuốn Bạch Thoại Dịch Giải Lão Tử, có toát lược và phân loại các lời bình luận của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh như sau:

1. Khi gọi tên Đạo, Lão Tử dùng những chữ:

--- Đạo (chương 1, 4, 21, 24 v.v...)

--- Nhất (chương 10, 22).

--- Cốc Thần (chương 6).

--- Huyền Tẫn (chương 6).


2. Khi mô tả hình dáng của Đạo, Lão Tử nói:

---Hoảng hề, hốt hề (chương 21)

---Ảo hề, minh hề (chương 21)

---Vô trạng chi trạng (chương 14)

---Thị chi bất khả kiến (chương 14)

---Thính chi bất khả văn (chương 14)

---Bác chi bất khả đắc (chương 14)

---Nghinh chi bất kiến kỳ thủ (chương 14)

---Tùy chi bất kiến kỳ hậu (chương 14)


3. Khi mô tả đến gốc Đạo, Lão tử nói:

---Đế tượng chi tiên (chương 5)

---Tiên Thiên Địa sinh (chương 25).


4. Khi đề cập đến sự vận hành của Đạo, Lão Tử nói:

---Độc lập nhi bất cải (chương 25)

---Chu hành nhi bất đãi (chương 25)

---Kỳ thượng bất kiểu (chương 14)

---Kỳ hạ bất muội (chương 14)


5. Khi nói về cái dụng của Đạo, Lão tử viết:

---Uyên hề tự vạn vật chi tông (chương 14)

---Dĩ duyệt chúng phủ (chương 21)

---Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân (chương 32)

---Vạn vật đặc chi nhi sinh (chương 34)

---Đạo thường vô vi nhi vô bất vi (chương 3)

---Thiên đắc Nhất dĩ thanh, thần đắc Nhất dĩ linh, Cốc đắc Nhất dĩ doanh, địa đắc Nhất dĩ ninh, hầu vương đắc Nhất nhi thiên hạ trinh. (chương 39)

---Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. (chương 42)

* Chữ Đạo theo từ nguyên:


Có rất nhiều sách đã phân tích, tìm hiểu chữ Đạo, ví dụ:

---Tu Chân tiệp kính, nơi tr. 1a.

---Tu chân bất tử phương, nôi tr. 12.

---Tiên học từ điển, tr. 150 v.v...

Đại khái ta thấy rằng: Chữ Đạo 道 gồm 2 phần chính:

---Một chữ Thủ 首 (đầu)

---Một chữ Sước (Khi đi, khi ngừng)

*Chữ Thủ gồm:

a. 2 nét trái phải: tượng trưng cho Âm Dương.

b. Chữ Nhất tượng trưng cho Thái Cực.

c. Chữ Tự 自 (mình). Ý nói Thái cực bao quát Âm Dương ấy, đã sẵn có nơi mình.

Tất cả hợp thành chữ Thủ. Ý nói: Thái Cực hay Đạo đã tiềm ẩn ngay trong đầu não ta.

Sách Tu Chân Tiệp Cảnh viết: Đầu là nơi tối cao trong con người, thống toàn thân Dương khí. Khí Dương nơi người đều hội tụ nơi đó, y như vị Nguyên thủ quốc gia, tôn trưởng trong nhà. Đã thế, trong đầu còn tàng ẩn một Huyền Khiếu. Đạo từ Hư Vô mà sinh ra Hữu cũng bắt đầu từ đó. Từ Hữu phản về Hư, cũng không thể bỏ khiếu đó mà cầu nơi đâu xa lạ. [1]

---Chữ Sước gồm chữ Sách hay Khuể là nửa bước, là bước đi và chữ Chỉ là ngừng lại.

Ý nói: Đã hiểu Đạo thời phải hành trì, phải xử sự cho thuận tự nhiên, khi đáng làm, thời làm, khi đáng nghỉ, thời nghỉ.

René Guénon giải rằng: Đạo vì gồm chữ Thủ và chữ Sước, tức là Đầu và Chân, nên tượng trưng cho cả Thuỷ lẫn Chung. [2]

* Dựa vào Từ Nguyên của chữ Đạo, ta có thể vịnh chữ Đạo như sau: ---

Nhất thể hoành không, thống vạn thù
 一 體 橫 空 統 萬 殊

Bao quát Âm Dương, quán Thái Hư
 包 括 陰 陽 貫 太 虛

Ẩn tại hình sơn, đầu não lý
 隱 在 形 山 頭 腦 裡

Giáo nhân hành chỉ hợp nguyên sơ
 教 人 行 止 合 元 初

Các tác giả Âu Châu đã dịch chữ Đạo là Voie (Đường) là Principe (Nguyên thủ) v.v...

Gần đây Đạo Thiên Chúa cũng dùng chữ Đạo để dịch chữ Logos, tức Ngôi Hai Thiên Chúa. Ví dụ: Nơi chương Nhất thánh John ta đọc: Thái Sơ hữu Đạo, Đạo dữ Thần (Thượng Đế) đồng tại, Đạo tức thị Thần (Thượng Đế). [3]

Ít Nhiều danh xưng tương ứng với chữ Đạo.

Chữ Đạo có nhiều danh từ tương đương:

a. Tiên Thiên.

Đạo, Vô Cực, Hư, Hư Vô, Hộng Mông, Hỗn Độn, Khí, Tiên Thiên chi khí.

b. Hậu Thiên.

1. Khởi Thuỷ:

Đạo, Thái Cực, Nhất, Thái Hoà, Nguyên Khí, Hạo Nhiên Chi Khí, Tổ Khí, Tổ Khiếu, Huyền Tẫn Môn, Huyền Quan Khiếu, Cốc Thần.

2. Trung cuộc Biến Hoá Tuần Hoàn.

Lúc ấy, Đạo hay Thái Cực ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu, để làm căn cơ, chủ chốt.

Huỳnh Nguyên Kiết viết: Thiên Địa vị phân, Thái Cực tại thiên chi thuỷ. Thiên địa ký phân, Thái Cực tại Thiên Địa chi trung. [4]

Đạo, Trung, Thiên Địa chi trung, Thiên Khu,[5] Căn Nguyên, Căn Cơ, Căn Bản, Thần, Trung Hoàng cung, Huỳnh Bà Xá, Qui Trung, Viên Trung, Mậu kỷ Môn, Huyền Tẫn Môn, Chủ Nhân Ông, Tử Đơn, Xích Thành Đồng tử, Nê Hoàn Phu Nhân.

Tuy lồng trong giữa mọi biến thiên, nhưng tính chất của Đạo lúc ấy vẫn là Hư Cực Tĩnh Đốc, Bất biến.

3. Chung Cuộc.

Đạo, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan, Đơn. [6]

****************       

B. ĐỨC: ---

Nếu Đạo là Bản Thể, là Căn Nguyên thì Đức là sự hiển dương của Đạo, là mọi Hiện Tượng trong trời đất này. Nó bao gồm:

---Vạn hữu.

---Mọi sự biến thiên trong trời đất, nhân quần.

Wieger, nơi trương 14 Đạo Đức Kinh chú giải chữ Đức như sau:

Đạo tán vi Đức
 道 散 為 德

Đức giả, Đạo chi kỷ dã.
 德 者 道 之 紀 也


(Đạo tán ra thành Đức, nếu Đạo như cuộn tơ, thì Đức như là cuộn tơ xổ lần ra, và cuộn dần lại.)

*Sự Xổ lần cuộn tơ Tạo Hoá đó, Âu Châu gọi là: Developpement, Evolution, Catabase, Déroulement, Enwichtlung.

Trang Tử gọi đó là Xuất Cơ: Sự tiến ra Hữu Hình (Sortie dans le Manifesté).

Trung Dung gọi là: Phóng chi tắc di lục hạp (Tung ra tản mạn khắp muôn phương Trời).

Sự Cuộn dần cuộn tơ Tạo Hoá đó, Âu châu gọi là: Enveloppement, Enroulement, Involution, Anabase,

Trang Tử gọi đó là Nhập Cơ (Rentrée dans le non---manifesté).

Trung Dung gọi đó là: Quyển chi tắc thoái tàng ư mật (Thu cuốn lại, dấu nơi ẩn áo).

*Đạo Đức Kinh đã dùng 2 chữ Thượng Đức để mô tả vị Chân Nhân đạt Đạo. (Đạo Đức Kinh, chương 38).

Điều đó hợp lý, vì người đạt Đạo, là người có được Đạo hiển linh trong tâm hồn mình, và biết dùng đời mình để làm hiển dương Chân, Thiện, Mỹ của Đạo.

ĐẠO và ĐỨC

1. Tóm lại, Đạo là Căn Nguyên sinh xuất vũ trụ.

2. Khi chưa có vũ trụ thời chỉ có Đạo. Lúc ấy, Đạo ở thể tĩnh, thể tiềm ẩn.

3. Khi đã có trời đất, thì Đạo ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu và hiển dương bằng Đức.

Đức bao quát mọi biến hoá, cho nên Đức là quyền năng vô biên của Đạo. Thấy được Đạo và sự biến hoá vô biên của Đạo là thấy được cả 2 bề động tĩnh của đất trời. Đạo Lão gọi thế là Diệu Khiếu Tề Quan.

René Guénon, trong quyển Le Symbolisme de la Croix, nơi chương VII: La Révolution des Oppositions, đã bình luận hết sức là sâu sắc, xác đáng về 2 chữ Đạo Đức. Nên tham khảo.

* Mấy câu sách nên ghi nhớ.

1. Dữ Đạo vi thể, siêu xuất thiên địa. [7]

2. Chân Nhân khế Đạo, cố viết chí nhân. [8]

Sách Thái Thượng Bảo Phiệt chép:

Văn Đạo Tử một hôm gặp một Đạo sĩ, liền mời vào nhà đãi đằng, xong mới hỏi đâu là Huyền Môn Diệu Chỉ. Đạo sĩ đáp:

心 即 是 道, 道 即 是 心。 心 與 道 離, 則 入 六 道 三 途, 心 與 道 合, 則 造 蓬 來 三 島。

Tâm tức thị Đạo, Đạo tức thị Tâm. Tâm dữ Đạo ly, tắc tạo Lục Đạo Tam Đồ. Tâm dữ Đạo hợp tắc tạo Bồng Lai, Tam Đảo.

Tâm là Đạo, Đạo là Tâm,

Bỏ Tâm tìm Đạo, hỏi tầm đâu ra.

Tâm kia và Đạo lìa xa,

Thì là Lục Đạo, Tam Đồ chẳng sai.

Tâm kia mà hợp Đạo Trời,

Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra.9

Những câu vắn tắt trên có tính cách thức tỉnh con người, ta nên học thuộc.

*Người xưa nói:

Nhất ngôn, bán cú tiện thông huyền
 一 言 半 句 便 通 玄

Hà Dụng đơn kinh, thiên vạn biên
 何 用 丹 經 千 萬 編


Thông Huyền một chữ cũng Thông,

Đơn kinh lọ phải thuộc lòng ngàn pho. [9]

 ***

Chương này có mục đích giúp chúng ta nhận ra được Thiên Căn, Đạo Cốt trong ta, giúp ta sống đời đạo đức, trở nên vẻ sáng của Trời, sự hiển dương của Đạo.

Nó cũng cho ta thấy rằng: Sống phải phối kết với Trời, “dữ Đạo hợp chân”. Đó mới chính là nguyện vọng của các đạo gia chân chính.

*HẾT CHƯƠNG 6
----------------------------------------

CHÚ THÍCH


[1] Thủ cư nhân thể tối cao địa vị, thống toàn thân chi Dương nhi hội tụ chi, do quốc chi nguyên thủ, gia chi tôn trưởng. Cánh dĩ kỳ trung, ẩn tàng Huyền Khiếu. Đạo tự Hư Vô nhi hữu, thực thuỷ ư thử xứ. Do Hữu hoàn Vô, bất năng xả thử nhi tha cầu dã...

Tu Chân Tiệp Cảnh, tr. 1a, 1b.

[2] Le mot Tao, littéralement “Voie” qui désigne le Principe. est représenté par un caractère idéographique qui réunit les signes de la tête et des pieds, ce qui équivaut au symbole de l’’Alpha et de l’Oméga dans les traditions occidentales.

René Guénon, Le Symbolisme de la Croix, 3ème Édition, Véga, Paris, 1957, p. 50, note 10.

[3] Tân Ước Toàn Thư, Thánh Thư Công Hội Hương Cảng ấn hành.

[4] Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường Ngữ Lục, tr. 50.

[5] Hiện Đại Đạo gia tu luyện bảo điển, tr. 113.

[6] Nguyễn Văn Thọ, Thái Cực Luận, tr. 217---258.

[7] 與 道 為 體, 超 出 天 地

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a.

[8] 真 人 契 道, 故 曰 至 人。

Động Huyền Linh Bảo Tất Pháp, tr. 2b.

[9] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 9.

****************       

CHƯƠNG VII

VŨ TRỤ THÁM VI.

TÌM HIỂU HUYỀN CƠ VŨ TRỤ


Người xưa chỉ dùng Thần (tuệ giác = illumination, intuition). Trí (raisonnement), Giác quan để quan sát, suy tư và trực giác về vũ trụ, để tìm cho ra những điều vi ẩn của doanh hoàn.

Lão giáo cũng như các Đạo khác ở Đông Phương xác tín rằng có một Thượng Đế Tuyệt Đối, một Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên, vô hình, vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hoá vô cùng, đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Bản Thể vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung này, đạo Lão đã hài danh bằng nhiều danh hiệu, như nơi Chương IX, ta đã nói rõ điều đó, khi bàn đến danh từ Đạo.

* Đại khái là:

a. Khi chưa có Trời Đất, thì Đạo hay Bản Thể tuyệt đối còn ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nên được gọi bằng những danh từ như: Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn, Vô Cực, Vô Vi, hoặc được tượng trưng bằng con số 1, hay bằng vòng tròn không có tâm điểm. Tất cả đều nói lên sự viên dung, toàn mãn, hoàn hảo, đồng đẳng tuyệt đối, không tịch tuyệt đối, hư tĩnh tuyệt đối.

b. Khi bắt đầu hiển dương, thì gọi là Đạo, là Thái Cực, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần, là Huyền Quan Khiếu, hay Huyền Tẫn chi môn, là 5, là 15, và được tượng trưng bằng vòng tròn có chấm ở giữa, hay bằng đồ hình Thái Cực mà ta vẫn thường thấy.

c. Khi đã có Trời đất, thì Bản Thể ấy tiềm ẩn dưới các lớp lang hiện tượng, và được gọi là Trung, là Đạo, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần v.v... hay được tượng trưng bằng vòng Dịch với:

---Thái Cực ở giữa, tượng trưng cho Bản Thể duy nhất.

---Các hào quải bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, vạn tượng luân lưu biến hoá.

Ta vẽ lại, trình bày lại 3 quan điểm trên thành sơ đồ sau:



---Tiên Thiên (Chưa hiển dương)
Đạo, Nhất, Hỗn Độn, Hư Vô, Hồng Mông, Thường, Hằng, Căn Nguyên,
Vô vi, Tiên Thiên, Trường Sinh, Bất tử.

---Thuỷ-Chung Tổ Khiếu.
Đạo, Thái Cực, Huyền Tẫn, Huyền
Quan, Qui Căn
Khiếu, Phục Mệnh Quan

---Hậu Thiên (Đã hiển dương)
Vạn Hữu, Vạn Tượng, Dị Biệt, Tạp
Thù, Biến thiên, Ảo hoá, Lưu Mạt, Hũu Vi, Hậu Thiên, Sinh Diệt, Phù Sinh

---Nhờ những đồ hình và những quan niệm khái quát trên, ta hiểu được một điều rất trọng đại này là:

Vũ Trụ hữu hình này sở dĩ có là do sự phóng phát, tán phân của một thực thể duy nhất (Émanation).

Thuyết Phóng Phát của hiền, thánh muôn phương khác với Thuyết Tạo Dựng của các Đạo Giáo Công Truyền Tây Phương (Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo) như sau:

(a)Thuyết Phóng Phát (Emanation)

(b)Thuyết Sáng Tạo (Creationism).


(a)1. Vũ Trụ Hữu Hình này là những phân thể của một Toàn Thể.
(b)1. Vũ trụ Hữu Hình này là do quyền năng của Thượng Đế sáng tạo từ không

(a)2. Vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.
(b)2. Vạn hữu nhất nhất đều có bản thể riêng biệt.

(a)3. Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu (Immanent)
(b)3. Thượng Đế siêu việt, tách rời khỏi vạn hữu. (Transcendent).

(a)4. Chung cuộc là Hoà Hài, Hợp Nhất, Siêu Thăng, Hoà Giải.
(b)4. Chung cuộc là Tan vỡ, kinh hoàng, là Tận Thế.

(a)5. Lịch sử vũ trụ chuyển hoá 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, phản phục, thành một chu kỳ.
(b)5. Lịch sử vũ trụ và con người chuyển biến một chiều, theo đường thẳng.


Dựa vào Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Lão Giáo, ta suy ra:

1. Vạn Hữu đồng căn, dị mạt.

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Người xưa cũng nói:

Thiên, Nhân nhất Lý. 天 人 一 理

Ngã Vật đồng nguyên. [1] 我 物 同 原

****************       

2.Vạn vật hữu hình biến hoá có chu kỳ, theo 2 chiều tán tụ.

---Chiều Tán:

Chiều phân hoá, giáng bản, qui mạt (Đi từ gốc tới ngọn).

Chiều giáng (từ Căn Nguyên Thái Cực xuống vạn vật, quần sinh, hào quái), chiều đi ra (từ nội tâm ra ngoại cảnh), chiều thuận (thuận theo dòng đời, thuận theo dục vọng), chiều ly tâm (từ hợp nhất ra phát tán chi ly).

---Chiều Tụ:

Chiều hoà hợp, qui nguyên, phản bản, thăng, lai, nghịch, hướng tâm.

Hai chiều biến hoá thuận nghịch nói trên là 2 chiều biến hoá từ vô tướng ra hữu tướng, rồi lại từ hữu tướng trở về vô tướng.

Đạo đức Kinh và Kinh Dịch đều đề cao chiều Nghịch hay chiều Phục.

Dịch Kinh viết: Số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã.[2]

Dịch:

Tìm ra quá vãng là thường,

Tương lai tiên đoán rõ ràng mới cao.

Dịch kinh có số ngược chiều,

Ngược chiều thời thế khinh phiêu về nguồn.


*Đạo Đức Kinh nơi chương 16 viết:

“Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, phục mệnh viết trường.”

Dịch:

Muôn loài sinh hoá đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên,

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.


Chương 29 viết:

“Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.”

Chương 14 viết:

“Phục qui ư vô cực.”

Sách Linh Bảo Tất Pháp cũng bàn về lẽ vãng phản như sau:

Tự Đạo phân chia số mới thành,

Ngũ hành hình tượng, Đạo nha manh.

Năm phương vũ trụ, Thần phân liệt,

Chất, sắc năm màu, Đạo tán sinh.

Số từ Vô Số xuất sinh,

Trở về Vô Số mới thành vãng lai.

Tượng từ Vô Tượng an bài,

Trở về Vô Tượng, trong ngoài ấm êm.

Vị hoàn Vô Vị mới nên,

Chất hoàn vô chất, tinh tuyền trước sau.

Chớ chia Đạo Thể nhiệm màu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành?

Muốn trừ cho hết Tượng Hình,

Ngừng cơ biến hoá, mối manh tiêu liền.

Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt Bản Nguyên làm gì.

Đạo không phát tán, chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời.

Đạo là Vô Số, Vô Ngôi,

Vô hình, vô chất, chia phôi nhẽ nào?

Đạo Trời vi diệu xiết bao? [3]


3. Vạn hữu vì là sự hiển dương của Đạo, của Bản Thể tuyệt đối, nên rất có giá trị.

4. Vạn hữu vì là phân thể của một đại thể, nên không có vật nào, người nào toàn mãn, mà phải dựa vào nhau, cái nọ bổ sung lẫn cái kia.

5. Mọi sự thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng chẳng ít, thì nhiều, đến chung quanh.

Liệt tử đã viết trong Xung Hư Chân Kinh, chương 3, đoạn C:

“Nhất thể chi doanh hư, tiêu tức giai thông ư Thiên Địa, ứng ư vạn loại”:

一 體 之 盈 虛 消 息 皆 通 於 天 地, 應 於 萬 類。

Dịch:

Mỗi một sự thay đổi, đầy vơi, tăng giảm nơi sự vật, đều thông với trời đất, ứng với muôn vật.

Người xưa còn nói:

 Lạc hồng bất thị vô tình vật, 落 紅 不 是 無 情 物

 Hoá tác xuân nê, cánh bộ hoa 化 作 春 泥 更 哺 花

Dịch:

Hồng rơi chẳng phải vô tình,

Hoá thành bùn lại nuôi cành hoa xuân[4]

Nếu ta đồng ý dùng hình tròn để tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ thấy vũ trụ này gồm 2 phần:

a. Một Thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu, trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la và đồng đẳng, vô phân biệt. Đạo Lão gọi đó là Đạo, là Tiên Thiên, là Vô Vi, là Hư, là Diệu.

b. Một Thế giới của Hiện Tượng, của giác quan, của Biến Thiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Đạo Lão gọi đó là Hậu Thiên, là Hữu Vi, là Kiếu.

Người học Đạo, hiểu Đạo phải biết nhìn thấy cả hai mặt Biến, Hằng, Hữu Hạn và Vô Hạn, của một Bản Thể, một Thực Thể duy nhất. Có vậy, mới gọi được là Diệu, Kiếu Tề Quan.

Người học Đạo cũng còn phải biết nhìn thấy Đạo Thể vô biên tế xuyên qua các lớp lang hiện tượng, các bức màn hình, thanh, niệm, dục.

Ta cũng nên minh định thêm rằng: Bản Thể siêu việt sinh xuất ra vũ trụ hữu hình này, khi thì được Đạo Lão coi như là:

a. Vô Ngã, và hài danh bằng những danh từ như Đạo, Hư, Hư Vô, Vô Cực, Đơn, Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Hoà Nguyên Khí, Hạo Nhiên chi khí.

Lão Tử, Trang Tử theo chủ trương này. Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hi Lạp cổ thời như Pythagore, Héraclite, Parménide, Platon, Anaximandre v.v... [5]

Đó là quan niệm Nhất Nguyên Vô Ngã theo danh từ Triết Học ngày nay.

b. Cũng Nhất Thể ấy, khi thì được Đạo Lão coi như là Hữu Ngã, và được gọi là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đó là Quan Niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã, tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai, trong Phật Giáo, và Thượng Đế trong các đạo giáo.

c. Đạo Lão còn có khi dung thông hai quan niệm trên làm một, và gọi Bản Thể Vũ Trụ là Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Thượng Lão Quân. [6]

Dù đứng trên lập trường vô ngã hay hữu ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, khái niệm cơ bản vẫn là Nhất Thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng biến hoá, sinh xuất, biến hoá ra vạn sự, vạn hình.

Nhất Thể đó có thể hoá thành Tam Thể, Vạn Thể.

Nhất Khí đó có thể hoá thành Tam Khí, Vạn Khí.

Nhất Thần đó có thể hoá thành Tam Thần, Vạn Thần.

Nhất Lão đó có thể biến thành Tam Lão, Vạn Lão.

Nhất Thiên đó có thể biến thành Tam Thiên, Vạn Thiên.

*Thế tức là: Hiểu lẽ Một, sẽ hiểu được căn cơ, gốc gác muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức là Triết Học và Khoa Học sau đây: “Thiên Địa, vạn vật nhất tính, đồng thể.” (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Suy ngược lại, ta sẽ có:

---Nếu Nhất Thần sinh Chúng Thần, thì Chúng Thần sẽ qui về Nhất Thần.

---Nếu Nhất Khí hoá Vạn Khí, thì Vạn Khí sẽ qui về Nhất Khí.

---Nếu trong con người có chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.

---Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ắt cũng có Chân Nguyên Nhất Khí, hay Nguyên Khí.


Vì hiểu lẽ Một của Trời Đất cho nên người Đạo Sĩ sẽ:

---Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.

---Chọn cái Giản Dị, bỏ cái Tần Phiền.

---Chọn cái Chân Tâm, Đạo Tâm, mà bỏ cái Thất Tình, Lục Dục, Âm Dương đối đãi.


Vì hiểu lẽ Một của Trời Đất, nên người Đạo Sĩ biết rằng mình là Tiên Thiên Nhất Khí hoá thân, nghĩa là Đồng Bản Thể với Tối Thượng Thần trong trời đất.

Vì hiểu lẽ Một, nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trong Trời Đất là Một. Mình và Chân Thần trời đất cũng là một. Mình đây chính là Hoá Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng biết, chẳng hay.

Thế mới hay:

“Đắc Nhất vạn sự tất” 得一 萬 事 畢。

(Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch. Thiên Địa: Thông Nhất, nhi vạn sự tất.)

Chương này đưa ra 5 vấn đề rất quan trọng:

---Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. [7]

---Thuyết Vạn Vật tương ứng, tương thừa, tương giao, tương tiếp.

---Thuyết Vạn Vật biến dịch, tuần hoàn.

---Thuyết Phóng Phát, Tán Phân (Emanation and division) thành vũ Trụ.

---Thuyết Thượng Đế ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu (God Immanent.) Có như vậy, Thượng Đế mới ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự.

* (Hết chính văn C.7)

****************       

CHÚ THÍCH


[1] Huỳnh Nguyên Cát, Lạc Dục Đường ngữ lục, q. 4, tr. 6a.

[2] Dịch Kinh, Thuyết quái, chương 3.

數 往 者 順, 知 來 者 逆。 是 故 易 逆 數 也。

[3] Ngọc Thư viết:

Nhất, Tam, Ngũ, Thất, Cửu, Đạo chi phân nhi hữu Số,

Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, Đạo chi biến nhi hữu Tượng.

Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, Đạo chi liệt, nhi hữu Vị,

Thanh, Bạch, Xích, Hoàng, Hắc, Đạo chi tán nhi hữu Chất.

Số qui ư Vô Số, Tượng phản ư Vô Tượng, Vị chí ư Vô Vị, Chất hoàn ư Vô Chất.

Dục Đạo chi Vô Số, bất phân chi tắc Vô Số hĩ.

Dục Đạo chi Vô Tượng, bất biến chi tắc Vô Tượng hĩ.

Dục Đạo chi Vô Vị, bất liệt chi, tắc Vô Vị hĩ.

Dục Đạo chi Vô Chất, bất tán chi tắc vô chất hĩ.

Vô Số, Đạo chi nguyên dã, Vô Tượng Đạo chi bản dã, Vô Vị Đạo chi chân dã.

Linh Bảo Tất Pháp q. hạ, tr. 12a.

Hai chiều Biến Hoá vãng lai để thành một chu kỳ, chính là một định luật thiên nhiên, chi phối sự biến hoá, tuần hoàn của nhiều chất trong vũ trụ.

Ví dụ Khí biến thành Nước, nước biến trở lại thành Khí.

Ví dụ chu kỳ Azote.

Thiên Văn Học ngày nay bắt đầu công nhận rằng vũ trụ này đang nở ra, khuếch tán ra...và nghĩ rằng trong tương lai xa xăm, vũ trụ này sẽ thu liễm lại, hội tụ lại.

[4] Nguyễn Hữu Lương, Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông Phương, tr. 170.

Trương Kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, q. 2, tr. 135.

[5] Nghiêm Xuân Hồng, Nguyên Tử, Hiện Sinh, và Hư Vô, Đông Phương Xuất Bản, 1969, q. thượng.

[6] Phù Lão Quân giả, Đạo Khí chi tổ, vạn hoá chi tông. Tòng tiên Thiên, tiên địa, không động, Hư Vô trung sinh xuất nhất khí, danh viết Đạo Khí. Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Cửu, Cửu sinh Vạn. Vạn khí sinh Vạn Thần. Cố trì thánh hiệu viết:”Tiên Thiên nhất khí, Thái Thượng Lão Quân...”

Tử Hà, Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh tường chuù, tr. 2a.

[7] Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

Vũ Trụ này do Nhất Thể phóng phát ra, đã được chứng minh là một học thuyết dành cho các cao nhân, danh phái, còn quần chúng thì tin và Thuyết Tạo Dựng, mà các Đạo giáo Công Truyền Âu Châu như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo giảng dạy. (Xem trang 11 và 12 chương này.)

Trong tập Khảo Luận về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của tôi, tôi đã chứng minh rằng có nhiều hiền thánh Công Giáo (mystiques) như John of the Cross, Teresa of Avila, và nhiều hiền thánh Do Thái giáo thuộc Mật Tông Kaballah, hay nhiều Hiền Thánh Hồi Giáo thuộc môn phái Sufism (Bạch Y) cũng theo Thuyết Phóng Phát, Tán Phân, và chủ trương Thượng Đế ở trong lòng sâu vạn hữu.

Đây xin trưng thêm 1 tài liệu về một học thuyết của một vị thánh hiền Hồi Giáo mới chết năm 1934: Đó là Ông Cheikh Ben Aliona. Tài liệu này được đăng tải trong Lotus Bleu, Paris, số 39, tr. 89---106, và trong Gabriel Gobron, Histoire du Caodaisme, tr. 92.

* Nội dung như sau:

Học Thuyết của Ben Aliona như thế nào?

Aliona chủ trương: Thượng Đế duy nhất và Nhất Thể. Thế giới hữu hình, hữu hạn này chỉ là những màn che “barzakh” làm cho chúng ta không trông thấy thế giới chân thực (Thế giới vô cùng).

Thế giới này do Thượng Đế phóng phát ra, ngược lại với Thánh Thư Hồi giáo Coran. Coran chủ trương thế giới này đã được tạo dựng.

Chủ trương thế giới này được tạo dựng dành cho quần chúng (Focara), còn cái Vi Diệu (Le Sirr= caché), thì chỉ dành cho một số môn đệ hiểu được áo nghĩa (bathen). Thuyết Phóng Phát ăn khớp với Thuyết “Thượng Đế nội tại”. Ai hiểu được Chân Thể mình sẽ biết Thượng đế; ai thăm dò Chân Thể đó sẽ tới gần Thượng Đế). l“Thuyết Thượng Đế nội tại” cũng không loại trừ “Thuyết Thượng Đế siêu việt.”

* Nguyên văn chữ Pháp:

Les doctrines de Ben Aliona? Unité de Dieu (le monde temporel n’est qu’un exemple de voiles ”barzakh” nous cachant le monde réel: l’infini), Univers émané de Dieu, à l’inverse du Coran créationiste pour la masse des Focara, croyants ordinaires; le Sirr (caché) est réservé à certains disciples capables de saisir le “Bathen” (le sens occulte), émanationisme s’accordant avec l’immanentisme (qui pourrait connaitre son proprium, connaitrait Dieu; qui le scrute avec attention, s’approche de Dieu); doctrine de l’immanence n’excluant pas la transcendance...

* Quyển Histoire du Caodaisme, nơi tr. 91, khi mô tả lại đời sống của Ben Aliona, có những dòng bất hủ sau đây:

“Nhờ ở phái Soufisme (Bạch Y), ông biết được mật giáo của Hồi Giáo, và nhờ mật giáo đó, ông có được khuynh hướng vươn lên tới Đại Đạo (bao quát Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, v.v...) Tất cả những mặc khải trước sau đều bổ sung lẫn nhau, và tất cả đều cùng do một nguồn mặc khải siêu việt:” Các đấng tiên tri, dẫu là vạn người ---theo một ngạn ngữ của môn phái Soufisme ---cũng chỉ là Một, cũng chỉ là những tia lửa của một thứ lửa duy nhất.

****************       

CHƯƠNG VIII

NHÂN SINH PHÁT DIỆU.

(VI DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI)


Từ trước đến nay, người ta thường học con người dưới những khía cạnh phiến diện, đa đoan, nên càng học càng lìa xa Chân, Diện, Mục con người, càng sao lãng cái Tinh Hoa Chí Bảo nơi con người.

Cho nên, muốn học về con người cho thấu đáo, cho có cơ sở triết học, khoa học vững chắc, ta phải dựa vào:

---Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

---Thuyết Nhất Thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể.

---Thuyết Đạo nội tại, Thái Cực nội tại, Thượng đế nội tại. [1]

1. Nơi con người có 2 phần Chân, Giả (Biến Hằng).

Trước hết, nếu ta chấp nhận thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, mà Nhất Thể đó ta đã biết là Đạo, là Thái Cực, là Thượng Đế, thì dĩ nhiên trong ta phải có phần Thiên, có Thái Cực, có Thượng Đế.

Như vậy, nhận định sơ bộ về con người đã cho thấy rằng: Trong ta có 2 phần:

---Một phần vĩnh cửu, bất biến, bất sinh, bất diệt. Đó là phần Thiên.

---Một phần Biến Thiên, ảo hoá. Đó là phần Nhân.

a. Phần vĩnh cửu, bất biến:

Đạo Lão gọi phần Vĩnh Cửu, Bất Biến đó là: Đạo, Cốc Thần, Thái Cực, Thiên, Đạo Tâm, Thiên Tâm, Thiên Địa chi tâm, Chủ Nhân Ông, Đơn v.v...

*Châm Thạch Tử viết:

Thiên Tâm giả, Bản Thể dã, Chủ Nhân Ông dã. 天 心 者 本 體 也, 主 人翁 也。[2]

Vì biết mình có Đạo bất biến, vĩnh cửu ẩn tàng bên trong, nên Trang Tử mới nói:


“Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh,
 天 地 與 我 並 生

Nhi vạn vật dữ ngã vi nhất.”
 而 萬 物 與 我 為 一


Dịch:

Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai. [3]

Từ Viên Tiên Sư viết:

Đương thời vị hữu tinh hà đẩu,
 當 時 未 有 星 河 斗

Tiên hữu Ngô, đương hậu hữu thiên.
 先 有 吾 當 後 有 天 [4]


Dịch:

Trước khi Thiên Hán, quần tinh có,

Trước có Ta, sau mới có Trời.

Và:

Ngã thể bản đồng Thiên địa lão,
我 體 本 同 天 地 老

Tu Di sơn đảo, tính do tồn.
須 彌 山 倒 性 猶 存 [5]

Dịch:

Tính ta vốn thọ cùng trời đất,

Tu di sơn đảo, tính do tồn.



b. Phần Biến Thiên, ảo hoá nơi con người:

Gồm Nhục thân (xác) với lục căn (Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý), Nhân Tâm (Hồn), với Thất Tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục).

Chia con người thành 2 phần biến, hằng như vậy, chẳng những hiểu được tinh hoa Đạo Lão, mà còn hiểu được các Đạo Giáo Á Đông, các Mật giáo Âu Châu.

Âm Phù Kinh viết:

Thiên tính nhân dã,
 天 性 人 也

Nhân Tâm cơ dã.
 人 心 機 也

Lập Thiên chi đạo
 立 天 之 道

Dĩ định nhân dã
 以 定 人 也


Dịch:

Thiên Tính là người,

Nhân Tâm là máy.

Lập ra Thiên Đạo,

Để định con người.


*Sách Tiên Học Tập Cẩm của Cung Tùng Tiên, có đoạn như sau:

“Cái Thân ảo hoá là Nhục Thân (Xác). Cái Tâm ảo hoá là Nhân Tâm.

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý đều do ảo thân mà ra.

Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn đều do Nhân Tâm mà ra.

Lục căn (Ảo Thân) mỗi mỗi đều đủ để làm hại sinh mệnh.

Thất tình, vọng niệm (Nhân Tâm) mỗi mỗi đều có thể đưa đến cõi chết.

Còn như cái Thân chân chính đó là Pháp Thân.

Cái Tâm Chân Chính đó là Thiên Tâm.


Ngũ tính nhân duyên (tức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), nơi Pháp Thân đều là những mầm mống giúp ta thành Đạo.

Ngũ Ban chí Bảo (tức là Nguyên Tinh, Nguyên Khí, Nguyên Thần, Nguyên Tánh, Nguyên Tình nơi Thiên Tâm), đều là vật liệu giúp ta luyện đơn.

Đem dùng những chất liệu ấy mà tu luyện, sẽ khởi tử, hoàn sinh, cải lão, hoàn đồng.

Vì con người không biết mình có Pháp Thân và Thiên Tâm, nên Pháp Thân mai một, Ảo Thân dụng sự, Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, cảm nhi toại thông, đó là nơi nương tựa của Tính.” [6]

* Có người hỏi Doãn Chân Nhân về Lý Thái Cực. Chân Nhân đáp:

“Thái Cực là Thiên Tâm nơi ta. Thích Thị gọi là Viên Giác, Đạo gọi là Kim Đơn, Nho gọi là Thái Cực.

Gọi là Vô Cực rồi Thái Cực, có nghĩa là Siêu Việt tuyệt đối. Con người khi chưa bẩm sinh, thoạt kỳ thuỷ có điểm linh quang ấy, để làm chủ hình hài sau này, đó chính là Thái Cực.

Trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta, cũng một điểm Thái Cực đó, vì chưa thuộc về hình hài, nên gọi là Vô Cực.

Muốn biết Bản Lai Chân Diện Mục,

Một vầng sáng láng lúc chưa sinh...” [7]

Phàm nhân thì sống phù phiếm, lênh đênh, chìm nổi, trên cái thế giới hiện tượng ấy, chỉ biết những gì là sắc tướng, chỉ thích những gì là phù hoa, chỉ chuộng những gì là phù phiếm bên ngoài, lạc lõng trong muôn sai ngàn biệt, bị ngoại cảnh chi phối, thất tình lục dục đẩy đưa; bị từ ngữ, tư tưởng ám nhãn, manh tâm; thu hẹp con người vô hạn của mình vào trong gông cùm của không gian, thời gian, hình hài, sắc tướng hữu hạn.

Thánh nhân trái lại, xuyên qua được bức màn hiện tượng ấy, vào tới được thế giới Chân Tâm vô biên, vĩnh cửu, thế giới của vĩnh cửu, trường tồn; xuyên qua được tâm thức để vào tới Hư Vô, Chân Thể, đồng đẳng với Thái Hư.

Chính vì vậy mà sách Tham Đồng Khế có câu:

Thánh Nhân tiềm thâm uyên
 聖 人 潛 深 淵

Phù du thủ qui trung
 浮 游 守 規 中。[8]

Dịch:

Chân Nhân sống rất thâm trầm,

Nhởn nhơ, khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng.

* Tính Mệnh Khuê Chỉ có câu:

Ly chủng chủng biên,
 離 種 種 邊

Doãn chấp quyết Trung.
 允 執 厥 中 [9]

Dịch:

Lìa xa hết mọi vòng ngoài,

Trong Tâm giữ vững, chẳng rời tấc gang.

****************       

* Để hiểu rõ con người, ta phân tích như sau:

1.--- Thái Cực

*Các tên: ---
 Thần
*Tính chất: ---
 Tiên Thiên nhất khí Chân, Vô vi, Tính, Vô Dục, Tuyệt đối, Bất sinh, Bất tử.

2.--- Âm Dương
*Các tên: ---
 Hồn/ Phách
 Khí (Chân Khí)
 Phách (Tinh)
*Tính chất: ---
 Vọng, Hữu Vi, Sinh, Tử, Luân Hồi

3.---Tứ Tượng
*Các tên: ---
Ngũ Hành
Lục Phủ (Xác)
Ngũ tạng (Xác)
Ngũ Vị
Tinh Hoa ngũ cốc.
*Tính chất: ---
 Vọng, Hữu Vi, Sinh, Tử, Luân Hồi

Nhìn vào phân tích trên, ta thấy con người có 3 phần: Thần, Hồn, Xác.

Thần thời Bất biến. Đó là phần Thiên. Đó là Thái Cực trong ta.

Còn Hồn, Xác là phần biến thiên, luân hồi, sinh tử.

Chúng ta hay Lão Tử, hay Trang Tử, Liệt Tử hay chư Tiên trong Đạo Lão, cũng đều có một Thái Cực, một Thần, một Đạo như nhau nơi căn cốt. Mọi người khác nhau là từ ở các tầng lớp biến thiên nơi hồn phách, trí não, lục phủ, ngũ tạng bên ngoài.

Chúng ta khác với Lão Trang, chẳng những vì tâm hồn, thể phách khác nhau, mà còn khác hơn nữa là vì Lão, Trang thời biết trở về khế hợp với Đạo, với Thái Cực nơi tâm, biết:

Phục qui ư Vô Cực. (ĐĐK, tr. 28).

Phối Thiên (ĐĐK, tr. 68).

Hưu hồ Thiên Quân (yên nghỉ trong Trời) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Đắc kỳ hoàn trung (vào được trung điểm doanh hoàn) (Nam Hoa Kinh, ch. 2, C).

Còn chúng ta thì cứ luẩn quẩn nơi các vòng sinh, tử, hiện tượng, ái, ố bên ngoài, vì thế không thoát được sự hấp dẫn của vạn hữu (Attraction Universelle, Attraction électro-magnétique), và vì thế không thể băng mình tới cõi siêu việt được...

* Đã biết trong ta có Đạo, làm sao tìm cho ra, làm sao mà kiểm chứng?

1. Người xưa cho rằng: Muốn tìm cho ra Đạo, ra Thái Cực trong con người, phải trở về Nguyên Thuỷ, Gốc Gác, vì thế nên phải tìm Đạo khi con người thoạt sinh thân, thụ khí.

Tử Dương Ông viết:

Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ.
 勸 君 窮 守 生 身 處

 Lại viết:

Cùng thủ sinh thân thụ khí sơ,
 窮 守 生 身 受 氣 初

Hạo quái thiên cơ câu tiết tận
 皓 怪 天 機 俱 洩 盡.[10]

*Trương Cảnh Hoà có thơ:

Hỗn nguyên nhất khí thị Tiên Thiên:
 混 元 一 氣 是 先 天

Nội diện hư vô, lý tự nhiên.
 內 面 虛 無 理 自 然

Nhược hướng vị sinh tiền kiến đắc,
 若 向 未 生 前 見 得

Minh tri tất thị Đại La Tiên.
 明 知 必 是 太 羅 仙 [11]

Dịch:

Hỗn Nguyên nhất khí ấy Tiên Thiên,

Tịnh tĩnh, hư vô, khớp tự nhiên.

Từ trước sinh ra, tìm mới thấy,

Hiểu thông nhẽ ấy, chính Chân Tiên.


2. Người xưa chỉ thêm rằng khi ta đã sinh ra, thì Đạo ở nơi sinh xuất ra mọi niệm lự. Người xưa gọi thế là “Niệm Đầu Động Xứ”

Trần Nê Hoàn nói: “Niệm đầu động xứ vi Huyền Tẫn”. [12]


3. Dẫu sao, thì Trời, thì Đạo cũng ở trong ta. Trang Tử viết: “Thiên tại nội, Nhân tại ngoại.” [13]

Sách Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu cũng quyết rằng Đơn, hay Đạo, hay Huyền Quan Khiếu, hay Tổ Khiếu chắc chắn là ở trong ta:

Tại Nhân thân trung
 在 人 身 中

Mạc hướng ngoại cầu.
 莫 向 外 求


và viện dẫn Kim Đơn Tứ Bách Tự của Trương Tứ Dương

Thử khiếu phi phàm khiếu,
 此 竅 非 凡 竅

Càn Khôn cộng hiệp thành
 乾 坤 共 合 成 .[14]

4. Tống tiên sinh trong bài Giải Mê Ca cho biết:

“Đạo đã ở sẵn trong Nê Hoàn nơi óc não con người (Nê Hoàn, Niết Bàn, Tâm):

Đạo bất viễn, tại Nê Hoàn. 道不 遠, 在 泥 丸。[15]

5. Để giản dị hoá, và phổ thông hoá, cách thấy Đạo, thấy Trời, tôi cho rằng: Lương Tâm là Tiếng Trời. Lương Tâm là Đạo, là Trời.

Nghe được tiếng Lương Tâm là nghe được tiếng của Đạo, của Trời, là chứng minh được rằng trong Thân có Đạo, có Trời.

Lương Tâm thời hằng cửu, bất biến, Đông Tây, kim cổ ai cũng như ai, mà chỉ có Thái Cực, có Trời trong ta mới hằng cửu, bất biến, nên chắc chắn Lương Tâm là Thiên Tâm.

Còn Nhân Tâm thời biến thiên, nên chắc chắn đó là Vọng Tâm, là Tư Tâm.

* Đạo Học Từ Điển bình về Lương Tâm như sau:

“Đó là Thiên Tâm chi Tâm, bổn lai chi linh tính. Ai ai cũng đều có đủ, lương tâm nào cũng hoàn mỹ, viên thành. Nho nói: Không nghĩ sái quấy, tức là nhận được tiêu chuẩn hoàn thiện của Lương Tâm. Thích nói: Ly nhất thiết vọng tâm tức kiến Như Lai. Như Lai tức Lương Tâm vậy. Đạo nói: Trừ nhất thiết phiền não, sẽ được tâm thanh tịnh.”

Nói đến Lương Tâm, không thể nào không nhắc tới một danh nho thời Minh là Vương Dương Minh (1472---1528) với Học Thuyết về Lương Tri của Ông. Trong phần phụ lục, sẽ sao lại những bài thơ bất hủ của Ông về Lương Tri, Lương Tâm.

2. Hai chiều Thuận, Nghịch nơi con người.

Nếu ở trong vũ trụ có 2 chiều tiến thoái, thuận nghịch, vãng lai, thì ở nơi con người cũng có 2 chiều tiến thoái thuận, nghịch đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại:

Chiều Thuận là chiều từ Bản Thể sinh xuất ra hiện tượng.

Chiều Nghịch là chiều từ Hiện Tượng, vạn hữu quay trở về Bản Thể.

Theo Tính Mệnh Khuê Chỉ thì ở nơi con người, chiều Thuận được phác hoạ như sau:

TÍNH ------> TÂM ---> Ý ------> TÌNH ------> VỌNG (Mê Vọng).

Và chiều Nghịch:

VỌNG ------>TÌNH ------> Ý ------> TÂM ------> TÍNH. (Bản Thể). [16]

Nhiều sách khác cho rằng: Chiều Thuận là chiều Thần sinh Khí, Khí sinh Tinh.

Chiều Nghịch là chiều Tinh hoá khí, Khí hoá Thần, Thần hoàn Hư, phục qui Vô Cực.

Cũng nên ghi nhận rằng: trong chiều Thuận thời Thần Tán, Khí Sơ 神 散 氣 疏. Trong chiều Nghịch thì Thần Ngưng. Khí Tụ 神 凝 氣 聚 [17]

Chiều Thuận sinh nhân, sinh vật.

Chiều Nghịch sinh Tiên, sinh Thần, thánh, Phật.

Tiên học từ điển định nghĩa:

Thuận là từ Vô nhập Hữu, Nghịch là từ Hữu nhập Vô, và đưa ra những câu:

Thuận sinh nhân, Nghịch sinh đơn (Trương Tam Phong).

Thuận vi Phàm, Nghịch vi Tiên, chỉ tại trung gian điên đảo điên. (Vô Căn Thụ).

Thuận tắc sinh Phàm, Nghịch tắc sinh thánh.

Thị tắc sinh Nhân, sinh Đơn, lý vô nhị trí dã.

Nói cho rõ hơn, chiều Thuận là chiều hướng ngoại, đi ra ngoại cảnh. Chiều Nghịch là chiều hướng nội, đi vào nội tâm.

---Đi ra ngoại cảnh là đi vào Đời, bất kể ngoại cảnh ấy là đền đài, miếu mạo, Thần, Phật, chi chi đi nữa.

---Đi vào nội tâm, mới là vào Đạo, mới là đi Đạo.

Có vậy mới hiểu được lời đức Thái Thượng:

“Ta từ vô lượng kiếp quan tâm đắc Đạo, và tới được Hư Vô.” [18]

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

“Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu Bản Tâm. Muốn quán chiếu Bản Tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào Hư Không, đem ánh sáng Tuệ Quang chiếu diệu vào nơi mà Thất Tình chưa nhen nhúm, nơi mà Bản Thể chưa bị Bát Thức làm ô nhiễm, ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng. Hợp nhãn quang, ngưng nhĩ vận, điều tỵ tức, khoá thiệt khí. Tứ chi bất động để cho ngũ thức của tai, mắt, mũi, lưỡi, thân quay về gốc gác, như vậy tinh, thần, hồn, phách, ý sẽ yên vị, suốt cả 12 giờ trong ngày, mắt luôn nội quan, quán chiếu, nhìn vào Khiếu ấy; tai trở ngược lại lắng nghe Khiếu ấy; đầu lưỡi thường phong bế Khiếu ấy. Vận dụng, thi vi, niệm niệm không rời Khiếu ấy.” [19]

3. Tìm Đạo nơi Nhất niệm bất sinh.

Như vậy, đã biết Đạo ở nơi đâu, ta sẽ tìm được Đạo.

Người xưa biết rằng Đạo ở “niệm đầu động xứ”, nên đã nói:

Nhất niệm bất sinh, toàn thể hiện,
 一 念 不 生 全 體 現

Lục căn tài động, bị vân già.
 六 根 栽 動 被 雲 遮[20]


Dịch:

Một niệm chưa sinh toàn thể hiện,

Lục căn vừa động bị mây che.

Tùng Giang, Vương Cảnh Dương Duy Nhất nói:

Yếu tri Tính Mệnh an thân xứ,
 要 知 性 命 安 身 處

Ý vị manh thời hợp Thái Hoà.
 意 未 萌 時 合太 和 [21]

Dịch:

Biết nơi Tính Mệnh sinh thân xứ,

Lúc ý chưa sinh, hợp Thái Hoà.

Lại nói:

Dục niệm vị trừ, không học Đạo,

Tham tâm bất đoạn, mạc cầu Tiên. [22]

Dịch:

Dục niệm chưa trừ, không học Đạo,

Tham tâm chưa tuyệt, uổng cầu Tiên.

Tiêu Dao Đại Sư viết:

“Nếu mà một niệm không sinh tức thoát sinh tử. Tới được một nơi một niệm không sinh, là thấy được Bản Lai Diện Mục.” [23]

*Hoài Nam Tử viết:” Thanh tĩnh vô vi, nhập ư Thiên môn”. [24]

Chúng ta kết luận bài này bằng 2 bài thơ tứ tuyệt:

Học Đạo, tu cùng Thiên Địa Tâm,
 學 道 須 窮 天 地心

Hãn văn thế thượng, hữu tri âm.
 罕 聞 世 上 有 知 音

Đô duyên thử lý nan khinh tiết,
 都 緣 此 理 難 輕 洩

Tận hướng bàng hề, khúc kính tầm.
 盡 向 旁 兮 曲 徑 尋 [25]


Dịch:

Học Đạo phải rành Thiên Địa Tâm,

Ít nghe trần thế có tri âm,

Toàn vì nhẽ ấy, không khinh tiết,

Đường tà, nẻo vạy, mới đâm sầm.


Duy Giác Thiền Sư viết:

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu,
 勸 君 學 道 莫 貪 求

Vạn sự vô tâm, Đạo hợp đầu,
 萬 事 無 心 道 合 頭

Vô tâm thuỷ thể Vô Tâm Đạo,
 無 心 始 體 無 心 道

Thể đắc Vô Tâm Đạo dã hưu.
 體 得 無 心 道 也 休 [26]

Dịch:

Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Vạn sự vô tâm, hiệp Đạo mầu.

Vô Tâm khế hợp Vô Tâm Đạo,

Khế hợp Vô Tâm, Đạo mới cao.

*Hết chương nầy

************       

CHÚ THÍCH


[1] Thiên địa vị phân, Thái Cực tại thiên địa chi thuuỷ; Thiên địa ký phân, Thái Cực tại Thiên địa chi trung.

Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường ngữ lục, tr. 50.

[2] Tiên Học, tr. 30.

[3] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận.

[4] Từ Viên Tiên sư chân kinh, tr. 39a.

[5] Như trên, tr. 17a.

[6] Ảo hoá chi thân, nhục thân dã. Ảo hoá chi tâm, nhân tâm daõ. Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân, Ý, câu ảo thân chi sở xuất. Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, giai Nhân Tâm chi sở xuất. Lục căn môn đầu, dạng dạng túc dĩ táng mạng. Thất tình, vọng niệm, kiện kiện năng dĩ chí tử. Chí ư Chân Chính chi thân, Pháp Thân dã. Chân Chính chi tâm, Thiên Tâm dã. Ngũ tính nhân duyên, câu giai thành Đạo chi chủng. Ngũ ban chí bảo, tận hệ luyện đơn chi tài. Thái chi, tu chi, khởi tử, hồi sinh, phản lão, hoàn đồng.

Đãn thử thân “Thiên Tâm”, nhân đa bất thức, sở dĩ Pháp Thân mai một, ảo thân dụng sự; Thiên Tâm thoái vị, Nhân Tâm đương quyền.

Thử Thiên Tâm bất cấu, bất tịnh, chí hư, chí linh, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông. Thị tính chi sở ký dã.

Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 215.

[7] Thỉnh vấn Thái Cực chi lý.

Sư viết: Thái Cực giả ngô thân chi Thiên Tâm dã. Thích Thị viết: Viên giác, Đạo viết: Kim Đơn, Nho viết: Thái Cực.

Sở vị Vô Cực nhi Thái Cực giả, bất khả cực nhi cực chi chi vị dã. Phàm nhân thuỷ sinh chi sơ, chỉ thử nhất điểm Linh Quang. Sở dĩ chủ tể hình hài giả, tức thử Thái Cực dã. Phụ mẫu vị sinh chi tiền, nhất phiến Thái Cực, nhi kỳ sở dĩ bất thuộc hồ hình hài giả, nãi vi Vô Cực dã.

Dục thức Bản Lai Chân Diện Mục,

Vị sinh thân xứ, nhất luân minh.

Liêu Dương diện mục vấn đáp thiên. tr. 2b.

[8] Lý Lạc Cầu, Tiên Học diệu tuyển, tr. 86.

Nguỵ Bá Dương, Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy. tr. 18a.

Nguỵ Bá Dương giải Chân Nhân là Nguyên Thần, và Giải Thâm Uyên là Thái Uyên, là Nê Hoàn Cung, là Thiên Cốc, là Thiên Đường,v.v...

Sách viết: Chân Nhân tức Nguyên Thần dã. Thâm Uyên tức Thái Uyên dã. Dị danh chúng đa, kim thí cử nhi ngôn chi viết:

Nê Hoàn Cung, Lưu Châu Cung, Ngọc Thanh Cung, Thuý Vi Cung, Thái Vi Cung, Thái Ất Cung, Thái Huyền quan, Huyền Cung, Huyền Môn, Huyền Thất, Huyền Cốc, Huyền Điền, Sa Môn, Đệ Nhất Quan, Đô Quan, Thiên Quan, Thiên Môn, Thiên Cốc, Thiên Điền, Thiên Tâm, Thiên Luân, Thiên Trục, Thiên Nguyên, Thiên Trì, Thiên Căn, Thiên Đường, Thiên Cung, Kiền Cung, Kiền Gia, Giao Cảm Cung, Ly Cung, Thần Cung, Thần Thất, Thần Quan, Thần Phòng, Thần Đô, Huyền Đô, Cố Đô, Cố Hương, Cố Khưu, Cố Lâm, Cố Cung, Tử Phủ, Tử Kinh Thành, Tử Kim Đỉnh, Cống đỉnh, Ngọc Đỉnh, Ngọc Thất, Ngọc Kinh, Ngọc Vũ, Dao Phong, Đệ Nhất Phong, Tối Cao Phong, Chúc Dung Phong, Côn Lôn Đỉnh, Không Động Sơn, Bồng Lai, Thượng Đảo, Thượng Cung, Thượng Kinh, Thượng Huyền, Thượng Nguyên, Thượng Cốc, Thượng Thổ Phủ, Thượng Đan Điền. Kỳ danh tuy chúng, kỳ thật tắc nhất dã.
Thuý Hư Thiên vân: Thiên hữu thất tinh, địa thất bảo. Nhân hữu thất khiếu quyền qui não.

Thái Cổ tập vân: Kim đơn vận đáo Nê Hoàn Huyệt, Danh tính tiên tương ký Thiên Đô, thị dã.

Cố Đế Nhất hồi nguyên chi Đạo, tố lưu bách mạch, thượng bổ Nê Hoàn. Não thực tắc Thần toàn, Thần toàn tắc hình toàn dã.

Kim Nguỵ Công vị Chân Nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung giả, tuỳ chân tức chi vãng lai, nhiệm chân khí chi thăng giáng. Tự chiêu chí mộ, Nguyên Thần thưởng thê ư Nê Hoàn dã. Huỳng Đình Kinh vân: Tử dục bất tữ tu Côn Lôn. Tĩnh trung ngâm vân: Ngã tu Côn Lôn đắc Chân Quyết. Phục Mệnh Thiên vân: Hội hướng ngã gia viên lý, tài bồi nhất mẫu Thiên Điền. Hoàn nguyên Thiên vân: Ngộ Đạo hiển nhiên minh khuếch lạc, nhàn nhàn đoan toạ vận Thiên Quan.

Thử nãi chí giản chí dị chi đạo...

Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, tr. 18a.

[9] Tính Mệnh Khuê Chỉ, tr. 8b

[10] Kim Đơn yếu quyết, tr. 1b.

[11] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a.

[12] Tiên Học Từ Điển, tr. 76.

Thượng Phẩm Kim Đơn bí quyết, tr. 2b.

[13] Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, Saigon, 1962 ,VII , Thu Thuỷ, tr. 486 .

[14] Thượng phẩm Đơn Pháp Tiết Yếu, tr. 2b.

[15] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 139.

[16] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 13. Chương Thuận Nghịch Tam quan Đồ.

[17] Tiên học Diệu Tuyển, tr. 184.

[18] 太 上 曰﹕ 吾 從 無 量 劫 來 觀 心 得 道,乃 至 虛 無。

Thái Thượng viết: Ngô tòng vô lượng kiếp lai, quan tâm đắc Đạo nãi chí Hư Vô.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 3a.

[19] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 2.

[20] Trương Chuyết tú tài.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 5.

[21] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 121.

[22] Như trên. tr. 139.

[23] Nhược nhất niệm bất sinh tức thoát sinh tử. Hướng thử nhất niệm bất sinh xứ, tức kiến Bản Lai Diện Mục.

Tiên Học diệu tuyển, tr. 141.

[24] P. Léon Wieger, Textes Philosophiques, Confucianisme, Taoisme, Bouddhisme, Hien Hien 1930, tr. 333.

[25] Tùng giang, Dương cảnh Dương Duy Nhất, Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 140.

[26] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 4b.

* Phụ Lục mấy bài thơ về Lương Tâm, Lương Tri của Vương Dương Minh.

1. Nhĩ thân các các hữu Thiên Chân,

Bất dụng cầu nhân, cánh vấn nhân.

Đãn trí Lương Tri thành chức nghiệp,

Mạc tòng cố chỉ phí tinh thần.

Thân anh ai nấy có Thiên Chân,

Khỏi phải cầu nhân, phải vấn nhân.

Hãy dựa Lương Tri, tu đức nghiệp,

Giấy cũ đọc chi, phí tinh thần.


2. Lương tri tức thị độc tri thì,

Thử tri chi ngoại cánh vô tri.

Thuỳ nhân bất thức Lương Tri tại,

Tri đắc Lương Tri khước thị thuỳ?

Lương tri thấy được lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra há biết gì?

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri?

Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,

Tự tương văn kiến khổ già mê,

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,

Chỉ thị Lương Tri cánh mạc nghi.

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp, mới u mê,

Nay ta đem chỉ Chân Đầu Diện,

Chính thực Lương Tri chớ khá nghi.


4. Vấn quân hà sự nhật động đồng,

Phiền não trường trung thố dụng công.

Mạc dạo Thánh Môn vô khẩu quyết.

Lương Tri lưỡng tự thị Tham Đồng.

Sao anh suốt buổi chạy Tây, Đông,

Trong vòng phiền não, uổng dụng công.

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Hai chữ Lương Tri chính Tham Đồng .

(Hai chữ Lương Tri trong đạo Khổng cũng có giá trị như bộ sách Tham Đồng Khế của Đạo Lão.)

5. Nhân nhân tự hữu định bàn châm,

Vạn hoá căn nguyên, bản tại Tâm.

Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,

Chi chi diệp diệp ngoại đầu tầm.

Trong ta ai cũng sẵn Nam Châm,

Căn nguyên vạn hoá sẵn nơi Tâm.

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li vất vả tầm.


6. Vô thanh vô xú độc tri thì,

Thử thị Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Phao khước tự gia vô tận tạng,

Diên môn trì bát, hiệu bần nhi.

Vô thanh, vô xú lúc độc tri,

Ấy thực Kiền Khôn, vạn hữu ki.

Vứt bỏ cửa nhà kho vô tận,

Từng cửa ăn xin, thực thảm thê.


Léon Wieger, Textes Philosophiques, tr. 259---260.

************       


CHƯƠNG IX

DỊCH KINH YẾU CHỈ

(CỐT TUỶ KINH DỊCH.)


Học Dịch muốn cho có kết quả, phải tâm niệm rằng Dịch không phải là sách dạy bói toán, sấm vĩ, như người thường tưởng, mà chính là một cuốn sách Triết học, Đạo học, sâu sắc. Tác giả quyển: Thái Cực quyền bổng viết:

“Dịch là một phương pháp, một con đường đưa ta về với Trời.”

(Dịch chi vi thư, giáo nhân hồi Thiên chi đại kinh, đại pháp dã.

易 之 為 書 教 人 回 天 之 大 經 大 法 也。)

Thái Uyên, một nho gia đời Tống, cho rằng:

“Người quân tử học Dịch, để tiến tới Thần minh.”

(Quân tử học Dịch chi chí ư Thần dã. [1] 君 子 學 易 之 至 於 神 也)

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa hiện đại, tác giả bộ Trung Hoa ngũ thiên niên sử, đã viết:

“Dịch là một sách học cả về Trời lẫn Người, khảo về nguồn gốc sự sáng tạo vũ trụ, để rõ lẽ kiết hung, tiêu trưởng, tiến thoái, tồn vong. Nó là sách căn bản dạy Tu, Tề, Trị, Bình, nhớn như là kinh luân quốc gia, nhỏ như là Tu thân xử thế. Nếu thâm đạt tinh hoa Dịch, mà đem áp dụng thì tất cả đều ở trong kinh đó.” [2]

*Ông viết thêm:

“Sách Dịch là sách rộng rãi, bao quát, nhưng nói đại ý, nó chỉ cốt dạy: Trời, người hợp nhất.” [3]

Tiên Nho cho rằng: “Dịch là một sách đứng đầu mọi kinh”. [4]

“Dịch là nguồn gốc Ngũ Kinh” [5]

Dịch kinh nơi Thuyết quái truyện cũng viết:

“Dịch là một sách dạy cùng lý muôn vật, thấu suốt tính người, giúp con người đạt tới định mạng (sang cả) của mình.” [6]

A. Bốn tác giả kinh Dịch.

Dịch có 4 tác giả:

--- Phục Hi (c. 2852) vẽ Tiên Thiên Bát Quái.



(Tiên Thiên Bát Quái)



(Phục Hi và Tiên Thiên Bát Quái Đồ)

--- Văn Vương (1231---1135), vẽ Hậu Thiên Bát Quái, viết Thoán Từ.



(Hậu Thiên Bát Quái)

--- Chu Công (c. 1100) viết Hào từ.

--- Khổng Tử (551---479) viết Thập Dực. Thập Dực gồm: Thoán (Thượng, Hạ Truyện),

--- Tượng (Thượng, Hạ Truyện)

--- Hệ Từ (Thượng Hạ Truyện)

--- Văn Ngôn Truyện.

--- Tự Quái.

--- Thuyết quái

--- Tạp quái.



B. Chìa khoá mở cửa Dịch: ---

Ta có một chìa khoá giản dị để mở cửa Dịch. đó là:

Vòng tròn với Tâm Điểm và hai chiều Vãng, Lai, Xuất Nhập.

Nếu ta chấp nhận:

1. Tâm Điểm là Thái Cực, là Bản Thể.

2. Vòng tròn bên ngoài là Vạn Hữu, Hình Tướng đa tạp, biến thiên, ta sẽ hiểu được ý nghĩa Hà Đồ, Lạc Thư, và vòng Dịch tiên thiên, hậu thiên.

Ta sẽ thấy nơi Hà Đồ:





5, 10 ở Trung Điểm là Thái Cực.

1, 2, 3. 4 bên ngoài là Tứ Tượng.

6, 7, 8, 9 là Biến Hoá.

7---------> 9 = Dương tiến.

8---------> 6 = Âm thoái.

Vạn Hữu chẳng qua là phân thể của Thái Cực:

2+ 3 = 5

1+ 4 = 5

Vạn Hữu nhờ có Thái Cực (5) mới biến hoá được:

1 + 5 = 6

2 + 5 = 7

3 + 5 = 8

4 + 5 = 9

Vạn Vật biến Hoá để trở về Thái Cực (10):

1+ 2 + 3 + 4 = 10

Lưu Nhất Minh viết:

Thái Cực là một điểm ở chính giửa Hà Đồ. Nhân bởi cái Tâm Điểm này là cái gốc rễ của Trời Đất, cội nguồn của Tính Mạng. [7]

Văn Đạo Tử viết: “Số 5 tượng trưng Thái Cực hàm tứ tượng. Điểm giữa của 5 điểm lại tượng trưng cho Thái Cực hàm Nhất Khí.” [8]

Toàn Du Diễm, nhà bình giải Tham Đồng Khế, bình về Hà Đồ như sau:

“Ngũ tán ra tứ phương, thành 6, 7, 8. 9; thế là Thuỷ, Hoả, Mộc, Kim đều nhờ đó mà thành. Nếu lấy các số 1, 2, 3, 4 ở tứ phương đem về Trung Ương sẽ thành 10. Thế tức là Thuỷ, Hoả, Kim, Mộc đều phản bổn, hoàn nguyên, và hợp tại nơi Trung Thổ. Ôi! huyền diệu thay!”

Ngộ Chân Thiên viết:

Lưỡng vật tổng nhân nhi sản mẫu,
 兩 物 總 因 兒 產 母

Ngũ hành toàn yếu nhập Trung ương.”
 五 行 全 要 入 中 央 [9]


Hồn Nguyên Bảo Chương vấn:

Tứ vị phân minh điên đảo dụng,
 四 位 分 明 顛 倒 用

Ngũ hành đồng khởi, phục đồng qui.
 五 行 同 起 復 同 歸 [10]


*Như vậy thì ở Lạc Thư, số 5 ở Trung Điểm cũng là Thái Cực, căn nguyên và cùng đích vạn hữu (10/15)

 4 3 8
 9 5 1
 2 7 6


(Lạc Thư)

8 ô bên ngoài là Vạn Hữu biến thiên.

Ta nhận thấy: trong Lạc Thư, 2 số đối đỉnh cộng lại đều thành 10. Các số ngang, cọc, chéo cộng nhau để thành 15, mà ta biết:

5 là Thượng đế lúc khởi nguyên.

10 là Thượng đế lúc chung cuộc.

15 là Thượng Đế thuỷ chung như nhất.

Lưu Nhất Minh cho rằng:” Trời có đức hiếu sinh, mượn con Thần Qui mà tiết lộ Đạo Phản Hoàn cho con người biết Qui Gia Nhận Tổ, giữ gìn Căn Bản Tính Mệnh của mình. Căn Bản tại chỗ nào? Ấy là tại một vạch tại Trung Cung của con số 5, chỗ gọi là Cửa Huyền Tẫn là nơi đó:

Bởi vì tại nơi đó có một cái gốc của đất Trời...[11]

Văn Đạo Tử, trong quyển Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, cũng cho rằng: “Năm gạch ở giữa tượng trưng cho Thái Cực; một vạch ở giữa lại tươợng trưng Thái Cực hàm nhất khí.” [12]

Sách Dịch Vĩ, nơi quyển Hạ tr. 3b. (Càn Tạc Độ, q. hạ) chép đại khái như sau:

“Thái Nhất là Thần Danh của Bắc Thần. Lúc ở Trung Cung, thì gọi là Thái Nhất. Lúc tuần du nơi Tám Quẻ thì gọi là Thiên Nhất. Có người nói Thái Nhất ra vào, dong chơi, nghỉ ở Tử Cung (Cung Tía, Trung Cung). [13]

Tử Cung như vậy là Đế Đô. Tám cung bên ngoài như là Cung Quán của Thiên Tử nghỉ ngơi, khi đi tuần du. Cứ 4 cung lại trở về Trung Cung. Ta thấy:

Nhất Khảm, Nhì Khôn, Tam Chấn, Tứ Tốn,

Ngũ Trung,

Lục Kiền, Thất Đoài, Bát Cấn, Cửu Ly.
[14]

Ở nơi Tiên Thiên hay Hậu Thiên bát quái, ta thấy 2 quẻ đối xứng cộng với nhau bao giờ cũng thành 15. (Nơi Tiên Thiên bát quái, Tâm là Đối Xứng, nên 2 quẻ đối đỉnh cộng vào với nhau thành là 15. Ta chấp nhận vạch Dương là 3, vạch Âm là 2.)

Nơi Hậu Thiên Bát Quái, thì trục đối xứng là trục Đông Tây.

Bát quái, có khi thì có vẽ hình Thái Cực bên trong, có khi thì không. Mà Không lại cao siêu hơn có, vì Thượng Đế chính là Vô Hình.

Cho nên Bát Quái Tiên hay Hậu Thiên hoặc có hoặc không có hình Thái Cực ở giữa, đều tượng trưng cho Thượng Đế và Vạn Hữu, Vạn Tượng. Cho nên, mới giải thích được tục lệ xa xưa ở Việt Nam cũng như ở Việt Nam và Trung Hoa là việc treo hình Bát Quái trước cửa nhà, để trừ tà ma.

Học Dịch mà biết được huyền nghĩa của Trung Cung, Trung Điểm là biết được nửa pho Dịch rồi.

Mà như là từ trên xuống tới đây, ta đã thấy dù là ở Hà Đồ hay ở LạcThư, ở Tiên Thiên hay Hậu Thiên Bát Quái, hay Lục Thập Tứ Quái, bao giờ Trung Cung, Trung Điểm cũng là Thái Cực, là Trời. Trời bao giờ cũng ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu, để làm căn cơ, làm trụ cốt, làm cốt lõi, để chủ trì tất cả mọi biến hoá. Sau này, khi học đến con người, ta sẽ thấy áp dụng của Trung Cung, Trung Điểm, của Dịch Lý vào nơi con người, để tìm cho ra Căn Cơ Trời trong Ta.

Mới hay Trung Cung hết sức là quan trọng.

Thuý Hư Thiên viết: “Trung ương chính vị sản huyền châu.” [15]

Phục Mệnh Thiên viết: “Tứ tượng bao hàm qui Mậu Kỷ.” [16]

Kim Đơn Đại Thành viết: “Phân Minh biến hoá tại Trung ương.” [17]

Học Dịch mà biết được rằng VẠN VẬT TÒNG TRUNG NHI KHỞI, TÒNG TRUNG NHI CHUNG thời đã là quí lắm rồi. [18]

*Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ viết, nơi chương 13: ---

Ngô kim lược thuyết tầm chân lộ,
 吾 今 略 說 尋 真 路

Hoàng trung thông lý tải đại Dịch,
 黃 中 通 理 載 大 易

Chính vị cư thể thị Huyền Quan,
 正 位 居 體 是 玄 關

Tí Ngọ trung gian, kham định tức.
 子 午 中 間堪 定 息

Quang hồi tổ khiếu, vạn Thần an. [19]
 光 回 祖 竅 萬 神 安

* Dịch:

Ta nay truyền dạy đạo Trời,

Nương theo Dịch Lý dạy người điểm Trung.

Huyền quan ở chính giữa lòng,

Giữa chừng Tí Ngọ khơi dòng Thần Tiên.

Hồi quang soi tỏ căn nguyên,

Căn nguyên rạng rỡ, ước nguyền thoả thuê.

 *Sách Huyền Không bí chỉ của Ngô Cảnh Loan viết:


Bất tri lai lộ, yên tri nhập lộ,
 不 知 來 路 焉 知 入

Bàn trung bát quái giai không.
 盤 中 八 卦 皆 空

Vị thức nội đường,
 未 識 內 堂

Yên thức ngoại đường
 焉 識 外 堂

Cục lý ngũ hành tận thác. [20]
 局 裡 五 行 盡 錯。


*Dịch:

Đường về chẳng rõ tiêu hao,

Làm sao biết được lối vào Trung cung.

Thế là Bát Quái thành không,

Thế là vòng Dịch uổng công vẽ vời.

Bên trong mù mịt tăm hơi,

Làm sao biết được bên ngoài mà mong.

Thế là bố trí như không,

Ngũ hành thác loạn, rối tung, rối bời.


2. Hai chiều vãng lai của Dịch cho thấy vòng Dịch biến hoá có chu kỳ, thăng giáng, vãng lai, có thời tiết.

* Lục Tượng Sơn (1139---1192) bình:

“Đạo Dịch là nhất Âm, nhất Dương có vậy thôi. Trước, sau; đầu, cuối; động, tĩnh; sáng, tối; trên, dưới; tiến, lui; đi, về; đóng, mở; đầy, vơi; tiêu, tức; tôn, ti; quí, tiện; biểu, lý; ẩn, hiện; hướng, bối; thuận, nghịch; còn, mất; được, thua; ta, vào; làm, cất, đi đâu mà chẳng có một Âm, một Dương.” [21]

Như vậy, là nắm được Dịch Lý rồi vậy.

* Suy ra thì chiều biến hoá của Dịch đúng là có 2 chiều: ---

1/--- Một chiều Tán, chiều Vãng, chiều Hướng Ngoại, chiều Giáng.

Từ Lý ra Khí, ra Hình tượng, ra Chất.

Từ Thái Cực ra Âm Dương, ra Tứ Tượng, ra Bát Quái. Đó là chiều sinh Nhân, sinh Vật. Trong chiều này, nói theo danh từ Khoa Học bây giờ, thời:

---Khí lực ngày một suy.

---Ba động ngày một lớn.

---Tần số ngày một giảm.

Đó là chiều từ Vô Hình vào Hữu Hình.

2/--- Một chiều Tụ, chiều Lai, chiều Hướng Nội, chiều Thăng.

Trong chiều này:

---Khí lực ngày một tăng.

---Ba động ngày một ngắn.

---Tần số ngày một cao.

Đó là chiều từ Hữu Hình trở về Vô Hình.

Hai chiều này hoàn toàn ngược nhau.

* Bát quái tiên thiên và Lục Thập Tứ Quái Tiên Thiên cho thấy rất rõ ràng 2 chiều biến hoá xuôi ngược này.

Nếu ta chia vòng Dịch tiên thiên thành 2 nửa theo trục Bắc Nam, ta sẽ thấy:

Nửa phải là chiều Âm trưởng, Dương tiêu.

Nửa trái là chiều Âm tiêu, Dương Trưởng.

Và 2 quẻ 2 bên mà đối đỉnh nhau thì sẽ hoàn toàn Âm Dương ngược nhau, thành thử chỉ cần biết 1/2 vòng Dịch tiên Thiên, ta sẽ suy ra được 1/2 vòng bên kia.

Số như vậy, chia làm 2 thành phần:

Vãng, chiều đi ra, Dịch gọi là chiều Thuận (Sinh Nhân, sinh Vật); Lai chiều đi vào, Dịch gọi là chiều Nghịch (Sinh Thánh, sinh Thần). Dịch quí chiều Nghịch hơn chiều Thuận. Chính vì thế mà Thuyết quái Truyện nơi chương 3, viết:

Số vãng giả Thuận, tri lai giả Nghịch, thị cố Dịch nghịch số dã.

* Dịch:

Dịch Kinh có số Ngược chiều,

Ngược chiều thế sự, khinh phiêu về nguồn.

************       

C. Sơ lược về Dịch Kinh: ---

1. Dịch có nhiều nghĩa:

Bất Dịch, Biến Dịch, Giao Dịch, Dễ.

Bất Dịch khi đề cập đến Bản Thể Vũ Trụ là Vô Cực, Thái Cực.

Biến Dịch như khi bàn về hào quải biến thiên, vạn vật luân lưu, biến hoá. Ví dụ: Tốn biến hai hào Dương thành quẻ Khôn, Cấn biến 2 hào Âm thành quẻ Kiền.

Giao Dịch tức là trao đổi lẫn nhau, ví dụ hiện tượng mua bán. Ví dụ quẻ Kiền và quẻ Khôn trao đổi lẫn nhau hào giữa, thành Khảm Ly. Khảm, Ly trao đổi lẫn nhau Hào Dương trên cùng và hào Âm dưới cùng biến thàng Chấn Đoài.

Từ Âm Dương, đến Tứ Tượng, Bát Quái...lục thập tứ quái biến hoá đều theo 1 phương pháp: Đó là Gia Nhất Bội Nhị.

Ví dụ: Âm Dương muốn sinh ra Tứ Tượng, Ta viết: Âm hai lần, Dương 2 lần. Ta có:


rồi viết chồng lên trên 1 Âm, 1 Dương. Ta có:


Ví dụ:  muốn từ Tứ Tượng lập thành Bát Quái, ta viết mỗi tượng thành hai.


Trên mỗi Tượng, ta thêm 1 Âm, hay 1 Dương (Gia Nhất), ta có:


Từ 8 quẻ, đến 64 quẻ, muốn lập thành cho nhanh, ta theo phương pháp Nhất Trinh Bát Hối: một quẻ nằm, tám quẻ chạy. Nghĩa là ta vẽ một vòng tròn, chia thành 8 ô đều nhau. Mỗi ô, ta viết lại 8 Kiền, 8 Đoài, 8 Ly, 8 Chấn, 8 Tốn, 8 Khảm, 8 Cấn, 8 Khôn. Sau đó, trên mỗi 8 quẻ trong mỗi ô đó, ta viết lại đủ 8 quẻ Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Nếu ta thay:  Kiền=1; Đoài=2; Ly=3; Chấn= 4; Tốn= 5; Khảm= 6; Cấn=7; Khôn= 8, ta sẽ có đồ bản sau:


2. Dịch kinh có ba loại ngôn ngữ:  ---

Từ = Từ Ngữ.

Tượng = Hình ảnh.

Số = Các con số.

Ba loại từ ngữ ấy bổ túc lẫn nhau.

Ví dụ, muốn trình bày tư tưởng: Thái Cực, Bản Thể Duy Nhất của Vũ Trụ. Tuy là Duy Nhất, nhưng thực ra đã bao hàm cả Âm, lẫn Dương. Tuy là Nhất Nguyên nhưng lưỡng Cực.

Dịch Kinh đã trình bày tư tưởng này bằng:

a) Hình vẽ Thái Cực.

b) Bằng chữ Dịch 易 . Dịch gồm Nhật 日 + 勿 = 月 Nguyệt, tượng trưng cho Âm, Dương.

c) Bằng Số 5 (3+2) hay 15 (9+6).

* Ví dụ, khi muốn trình bày tư tưởng: Thái Cực tạo dựng nên vũ trụ bằng phương pháp phóng phát, sinh hoá, qua phân, Dịch Kinh trình bày như sau: ---

a) bằng từ ngữ: “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát quái”.

b) Bằng Số: 1 chia 2, 2 chia 4, 4 chia 8, 8 chia 16, 16 chia 32, 32 chia 64.

c) Bằng Hình ảnh:---

1) Vòng Dịch hình tròn.


Trong đó, Thái Cực ở Trung Điểm, như vầng Dương tung toả ra muôn ngàn hào quái, muôn ngàn hiện tượng, vạn linh, vạn hữu bên ngoài.

2) Dịch xếp theo hình dài.


Trong đó, Thái Cực như một gốc cây duy nhất ở dưới, Vạn Hữu như muôn cành lá xum xuê ở bên trên.

3. Đại ý Dịch Kinh.

Dịch bàn về 2 chiều, 2 mặt biến hằng của vũ trụ.

Dịch chủ trương:

--- Thái Cực là nguồn gốc sinh ra vạn tượng, vạn hữu, vũ trụ quần sinh.

--- Âm Dương là 2 động lực tương thừa, tương khắc, tương chế, tương thành, tạo nên mọi biến hoá.

Âm Dương cho ta thấy cấu trúc sơ khởi của vạn tượng. Dịch nói Âm Dương, thì khoa học ngày nay nói électron (Âm), proton (Dương). Phân tử (molécule) vừa là ba động (onde), vừa là phân tử (particule). Phân tử, xét về phương diện cơ cấu, thời gồm có 2 phần chính: Đó là:

1) Khinh tử (Leptons) gồm protons 0, neutron 0, électron 1, méson 2069.

2) Trọng tử (baryons) gồm:

protons: 1836, 12

a) Nucleons: (neutrons 1838, 65)

b) Hyperons: Lambda 2182.

Sigma + 2328.

Sigma ---2342.

Sigma 0 2330.

Ksi ---2383.

Ksi 0 5579 v.v...

Âm Dương cũng cho thấy hai chiều: động, tĩnh; vãng, phản; doanh, hư; tiêu, tức; phục, khởi (latence & dominance), thăng trầm của một nguyên khí khi biến hoá.


************       

* Tứ Tượng cho ta thấy 4 yếu tố chính tạo nên muôn vật. Đó là:


Hoặc là 4 thứ acides cơ bản (A = Adenine; G: Guanine: C = Cytosine; T = Thymine), sẽ tạo thành ra 64 thứ Nucleotides trong mọi cơ thể sinh vật sau này.

Có cái lạ là Dịch chủ trương: Tứ tượng chồng lên nhau từng Ba một sẽ tạo thành 64 quẻ, thì theo Génétique (Di Truyền học) cũng chủ trương nếu lấy 4 thứ acides nói trên, chồng lên nhau, từng Ba một, sẽ tạo nên 64 nucleotides.

Nếu ta nhận:


và chồng lên nhau Ba lần, ta sẽ có đồ bản sau, và chỉ cần thay A, G, C, T bằng các ký hiệu Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, ta sẽ có 64 quẻ Dịch theo đúng thứ tự của 64 quẻ Dịch Tiên Thiên Phục Hi:

1. AAA AAG AAC AAT AGA AGG AGC AGT

2. ACA ACG ACC ACT ATA ATG ATC ATT

3. GAA GAG GAC GAT GGA GGG GGC GGT

4. CCA CCG GCC GCT GTA GTG GTC GTT

5. CAA CAG CAC CAT GGA GGG GGC CGT

6. CCA CCG CCC CCT CTA CTG CTC CTT

7. TAA TAG TAC TAT TGA TGG TGC TGT

8. TCA TCG TCC TCT TTA TTG TTC TTT

(Xem Isaac Azimov, The Genetic Code, tr. 162---163. Phải chăng những hiện tượng sinh lý cũng đúng y như những định luật Dịch?)

Tứ Tượng cũng cho ta thấy định luật:

Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng.

Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.

Định Luật Âm, Dương, Tiêu, Trưởng, cùng như định luật Tứ Tượng: Sinh Trưởng, Liễm, Tàng, có thể vẽ thành đồ biểu sau:


Và như vậy chúng ta có định luật Ba Động (loi ondulatoire) chi phối mọi sự biến hoá trong Trời Đất.

Bát quái thời tượng trưng cho vạn tượng, vạn hữu (Êtres, Phénomènes).

64 quẻ, thời tượng trưng cho muôn vàn hoàn cảnh trong vũ trụ, do vạn vật hoà với nhau hay bất hoà với nhau mà gây nên.

Những hoàn cảnh này, một khi có, sẽ mang ngay tính chất CÁT, HUNG, HƯU, CỮU.

Người quân tử hiểu Dịch, muốn XU CÁT, TỊ HUNG, thời phải biết nghiên cứu thế đứng của mình, nghiên cứu vị trí của mình trong xã hội, tuỳ mỗi giai đoạn tiến triển của hoàn cảnh, mà tìm cách đối phó cho linh hoạt, khi cương, khi nhu, khi tiến, khi thoái, để tránh cái DỮ, được cái HAY.

Thế là không cần bói toán, mà tự nhiên CÁT HUNG hình hiện. Không cần CẦU PHÚC, NHƯƠNG TAI mà tự nhiên TAI TIÊU, PHÚC CHÍ.

D. Tiên Thiên và Hậu Thiên: ---

Học Dịch cũng nên hiểu 2 chữ Tiên Thiên và Hậu Thiên

a/--- TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN có thể hiểu được là TUYỆT ĐỐI (Thái Cực), khi chưa có đất trời hình hiện, và TƯƠNG ĐỐI (Âm Dương), khi đã có đất trời, vạn hữu hình hiện.

b/--- Nhưng TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN còn mang một nghĩa khác:

Ta thấy HÀ ĐỒ và TIÊN THIÊN BÁT QUÁI thuộc TIÊN THIÊN.

HÀ ĐỒ có hình Tròn, theo chiều Thuận, chiều Ngũ Hành tương sinh. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI khảo về Âm Dương nhị khí biến thiên.

LẠC THƯ và HẬU THIÊN BÁT QUÁI chủ HẬU THIÊN.

LẠC THƯ có 9 cung, vẽ theo hình Vuông, theo chiều Nghịch, chiều Ngũ Hành Tương Khắc. HẬU THIÊN BÁT QUÁI lụân về sự thăng trầm, vượng tướng của hình hài, phong thái bên ngoài.

HẬU THIÊN là PHÁ THỂ, TIÊN THIÊN là TOÀN THỂ (Ly thay cho Kiền, Khảm thay cho Khôn).

Vì thế, học Dịch cần phải biết từ PHÁ THỂ trở về TOÀN THỂ. Đó là thuyết: Dĩ Khảm Điền Ly, mà sau này ta sẽ có dịp đề cập tới lại.

Hậu Thiên vẽ lại cuộc sống thưc tế của con người, trong cảnh sống hình hài, cụ thể, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trong một thế giới đảo điên, tương đối, tương khắc

Hậu Thiên nương theo mặt trời, tức là nương theo 4 mùa. Ngày thời bắt đầu từ Dần, năm thời bắt đầu bằng mùa Xuân. Chiều buông được đánh dấu bằng vừng dương gác non Đoài, bằng giờ Dậu; cũng như cuộc sống trong nhà được đánh dấu bằng mùa Thu.

Hậu Thiên Bát Quái lấy bằng trục Chấn Đoài, hay trục Đông Tây làm trục đối xứng, lấy Chân Trời, Mặt Đất làm địa bàn hoạt động.

TIÊN THIÊN tượng trưng cho cuộc sống hồn nhiên bên trong, cuộc sống tâm linh. Cuộc sống tâm linh này được tượng trưng bằng HÀ ĐỒ vì HÀ ĐỒ theo Ngũ Hành Tương Sinh, và bằng Tiên Thiên Bát Quái hay Tiên Thiên Lục Thập Tứ Quái.

Vòng Dịch Tiên thiên lấy Tâm Điểm làm Tâm đối xứng, lấy trục TÍ, NGỌ, tức là Trục Trời, Đất làm giới hạn phân Âm Dương. 1/2 Âm phía phải vẽ lại 1/2 đời đầu con người. Khi ấy con người dấn thân vào ngoại cảnh. 1/2 Dương phía Trái vẽ lại 1/2 đời sau con người, vẽ lại hành trình con người càng ngày càng tiến sâu vào nội tâm, để trở về Tâm Điểm, về Thái Cực Nguyên Căn.

Đó cũng chính là La Kinh sống động mà Trời trao cho con người, vì La Kinh hay La Bàn cũng lấy Tâm Điểm Thiên Trì làm Tâm, lấy Kim Châm hay hướng Tí Ngọ làm Kim Chỉ Nam.

Ở nơi con người, thì trục Đông Tây của Hậu Thiên có thể coi như là Hoành Cách Mô, còn trục Tí Ngọ chính là Tuỷ Xương Sống. Tâm Điểm, hay Thiên Tâm, Thiên Trì, Thái Cực chính là ở Tâm Điểm Nê Hoàn Cung.

TIÊN THIÊN chủ KHÍ, HẬU THIÊN chủ HÌNH. Một đằng lo chuyện hình hài, xác thân; một đằng lo chuyện Tâm linh, hồn phách, với mục đích phản bản, hoàn nguyên, siêu phàm, nhập thánh.

TIÊN THIÊN, HẬU THIÊN không vì thế mà xa lìa nhau: Hậu Thiên như vỏ, như áo, hỗ trợ bên ngoài, Tiên Thiên như Tinh, như Hoa hoạt động bên trong. Hai bên hợp lại thành khúc hoà ca tuyệt diệu...

E. NHỮNG BÀI HỌC CHÍNH YẾU CỦA DỊCH KINH: ---

Dịch Kinh có những áp dụng hết sức là đa dạng:

--- Nhà toán học trông vào, thấy: ---

Âm + Dương:  A + B

Tứ Tượng:  (A+B)2 = A2 + 2AB+ B2.

Bát quái:  (A+B)3 = A3+ 3A2B+ 3AB2+ B3

64 Quái:  (A+B)6 = A6+ 6A5B+ 15A4B2+ 20A3B3+ 15 A2B4+ 6AB5+ B6

* LEIBNITZ nhìn thấy 64 quẻ từ KHÔN đến KIỀN là 64 số từ 0 đến 63, mã theo Toán Học nhị nguyên.

* Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo và nữ Bác Sĩ Ngô Kiện Hùng đã dùng định luật Dịch 3/2, để đo những phóng xạ của hạt nguyên tử khi nổ. Lúc ấy, những ly tử Âm và Dương hợp nhau lại thành ra 2 tia sáng, tia Dương dài bằng 3 đơn vị, tia Âm dài bằng 2 đơn vị, và các Ông đã đem định luật CƠ NGẪU BẤT ĐỒNG ĐẲNG của Dịch Kinh thay cho định luật ĐỒNG ĐẲNG (loi de parité) xưa của Khoa Học Âu Mỹ. Sự kiện này xảy ra năm 1957, và các nhà Bác Học đó đã được giải thưởng Nobel về Lý Học.

Ta cũng có thể dựa vào định luật Tụ Tán của Dịch Kinh để theo rõi những giả thuyết mới nhất của Thiên Văn Học, đó là sự khuếch tán hiện thời của vũ trụ, và sự thu xúc của vũ trụ, trong tương lai.

Ta cũng có thể đem thuyết “Âm Dương hỗ vi kỳ căn” để sánh với phương trình E= MCbình phương , trong đó, E là Energie, là Năng Lượng; M là Masse, là Vật Chất, C2 là vận tốc của ánh sáng lên bình phương.

Nhưng ta còn có thể dùng Dịch, để chứng minh tìm hiểu những vấn đề quan trọng hơn thế nữa, ví dụ: Đâu là Trung Cung, Trung Điểm nơi con người? Thế nào là Phản Bản, Hoàn Nguyên? Thế nào là Đơn Đạo? Thế nào là Tiên Thiên, Hậu Thiên nơi con người? Những vấn đề này, sau đây, ta sẽ cố đề cập tới.

Hiện nay, ta nhận định sơ khởi rằng Dịch dạy chúng ta nhiều bài học.

a. Dịch dạy chúng ta đối thoại với Trời, với Thiên Nhiên.

Mỗi một hiện tượng bên ngoài là một bài học mà Trời dạy chúng ta. Dịch nói: “Thiên thuỳ tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi” (Hệ Từ Thượng, XI). “Trời rủ hiện tượng xuống, cho cát hung hiện ra, thánh nhân lấy đó mà làm gương, mà bắt chước.”

Đại Tượng Truyện quẻ Kiền viết: “Thấy Trời hoạt động không ngừng nghỉ, người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng nghỉ.” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.)

Dịch kinh dạy: Cương kiện trung chính (Văn ngôn quẻ Kiền: Đại tai Kiền hề, cương kiện, trung chính, thuần tuý tinh dã.)

Phải có một sức mạnh tinh thần mãnh liệt; phải biết xử sự theo đúng lẽ phải, xử sự cho thích đáng.

b. Dịch Kinh chẳng những dạy con người biết XU CÁT, TỊ HUNG, mà còn dạy lấy CÁT, HUNG, ĐẮC, THẤT, HỐI, LẬN mà xét xem mình đi đúng, hay đi sai với đường lối Trời, Đất, Người.

Phương pháp XU CÁT, TỊ HUNG của Dịch có thể toát lược như sau: Nhận định rằng con người lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, nên nếu ta biết rõ hoàn cảnh, là biết được 1 phần lớn số phận cá nhân.

Hoàn cảnh hay dở khác nhau tuỳ năm, tuỳ tháng, tuỳ mùa, tuỳ ngày, tuỳ giờ, tuỳ tâm trạng quần chúng, tuỳ tình trạng chính trị, xã hội, tuỳ như ở chỗ quân tử thắng hay tiểu nhân thắng, tinh thần làm chủ hay vật chất làm chủ.

Tuy nhiên, trong cũng một hoàn cảnh, mỗi người lại có hay, có dở khác nhau, tuỳ tâm tư, chí hướng, tuỳ hoài bão, tuỳ tài đức, tuỳ địa vị xã hội, tuỳ tuổi tác, tuỳ như có người giúp hay không có người giúp, tuỳ như ở gần quân tử, quí nhân, hay tiểu nhân, tiện nhân.

Hành động ta có dở, có hay.

Hành động hay sẽ đem lại cho ta lợi ích (cát, đắc). Hành động hay là hành động hợp đạo lý, hợp tình, hợp cảnh (Nguyên, Trinh), đem lại hanh thông (hanh), ích lợi (lợi), không làm cho ta phải xấu hổ (lận). hay hối hận, phàn nàn (hối), không làm cho ai chê trách ta được (vô cữu).

Hành động dở sẽ đem lại cho ta hung hoạ (hung, thất), làm cho ta băn khoăn, hối hận (hối), hay xấu hổ (lận).

Những hung hoạ ta gặp phải một phần lớn phát sinh vì:

--- Chúng ta làm những công việc không thích hợp với tài cán, và ý thích chúng ta.

--- Chúng ta cộng tác hay sống gần gũi những người không đồng tình, đồng ý, đồng quan niệm với chúng ta.

--- Chúng ta cộng tác với kẻ tiểu nhân, với những người sống bừa phứa, không có lý tưởng.

--- Chúng ta sống trong những hoàn cảnh không thuận tiện.

Vậy muốn sống đời sống lý tưởng, phải thuận theo đạo lý, tức là phải theo những định luật tự nhiên, không được gàng quải với thời gian, tuổi tác, với trời đất, với tha nhân. Phải tìm những hoàn cảnh thuận tiện mà sống, giao thiệp với những người mình thích, làm những công việc mình ưa.

Rồi lại phải tránh hung họa ngay từ lúc chúng còn chưa chớm phát, nghĩa là phải biết tiên liệu, đề phòng, phải biết tổ chức, xắp xếp, thêm bạn, bớt thù. Luôn luôn xét mình, xét trạng thái tâm hồn, xét hậu quả công việc, định mức cát hung, để biết rõ mình đi đúng hay đi sai với định luật trời đất, định luật thiên nhiên...

Dịch Kinh gọi thế là CÁT HUNG SINH ĐẠI NGHIỆP (Hệ từ thượng, chương XI).

Nhưng bài học cao siêu nhất mà Dịch dạy chúng ta, như Trương Kỳ Quân đã nói là: THIÊN NHÂN HỢP NHẤT.

c. Dịch đã cho thấy là giữa lòng mọi biến thiên đều đã ẩn tàng sẵn Thái Cực. Nếu vậy, thì giữa lòng mọi biến thiên của hình hài, tâm tư, trí não chúng ta, phải có Thái Cực. Biết rằng trong ta có Thái Cực, có căn cốt Trời, chúng ta sẽ có cơ tinh tiến vô biên vô tận.
Học Dịch như vậy, mới gọi được là:

Tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã. (Hệ từ hạ, chương V).

Học cho tinh nghĩa, nhập thần,

Rồi ra áp dụng muôn phần hay ho...

*Hết chính văn

************       

PHỤ LỤC


* Bài thơ để nhớ 64 quẻ Tiên Thiên: ---

1. Ô Kiền:

Kiền I/1, Quải I/2, hồ thỉ Hữu (Đại hữu) I/3 Tráng (Đại Tráng) I/4 hoài,

Súc (Tiểu súc) I/5, Nhu I/6, Súc (Đại Súc) I/7, Thái I/8. thỉ đầu thôi.

2. Ô Đoài:

Lý II/1, Đoài II/2, Khuê II/3,, Muội II/4, Trung Phu II/ 5, Tiết II, 6.

Bất Tổn II, 7, Lâm II, 8 tiền trạch bạn lai.

3. Ô Ly.

Đồng Nhân III/1, Cách III/2, diện Hoả Đông Ly III/ 3,

Náo nhập Phong III/4, Gia (Gia Nhân) III/5, Tế (Ký Tế) III/ 6, Bí III/ 7, Di (Minh Di) III/ 8.

4. Ô. Chấn.

Vô Vọng IV/ 1, Tuỳ IV/2, nhân, Phệ Hạp III/ 3,

Chấn, IV/ 4

Ích, IV/5 Truân, IV/6 Di, IV/7 dạ, Phục IV/8, lôi phi.

5. Ô. Tốn,

Cấu V/1, quân, sơ Quaù (Đại quá) V/2, Đỉnh,V/3 lô Hằng,V/4

Tốn V/5, TỉnhV/6, phong thanh, CổV/7 nguyệt Thăng V/8.

6. Ô Khảm.

Tụng VI/1, Khốn VI/2, Vị (Vị Tế) VI/3 tri Giải VI/4, Hoán VI/5, Khảm VI/6,

Mông VI/7, Sư Vi/8 chỉ xuất ngọc hồ băng.

7. Ô Cấn.

Độn VII/1, Hàm VII/2, Lữ VII/3, Quá (Tiểu Quá) VII/4, tửu gia liêm,

Tiệm VII/5, Kiển VII/6 sơn đầu, ngộ Cấn VII/7, Khiêm VII/8.

8. Ô Khôn.

Bĩ VIII/1, Tuỵ VIII/2 khả kham Tần Tấn VIII/3 địa,

Dự VIII/4ï, Quan VIII/5, Tỉ VIII/6, Bác VIII/7, địa Khôn VIII/8 chiêm.

* Giải thích: Trên đây là 4 bài thơ tứ tuyệt cho ta thứ tự 64 quẻ Tiên Thiên.

--- 2 quẻ thành 1 bài thơ. Bài thơ 1, cho 2 quẻ Kiền, Đoài, Bài thơ sau cho 2 quẻ Ly, Chấn, v.v...

--- Số La Mã I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII chỉ tám quẻ nội quái (quẻ nằm dưới):  Kiền = I, Đoài = II, Ly = III, Chấn= IV, Tốn = V, Khảm = VI, Cấn =VII, Khôn = VIII.

--- 8 số Ả Rập 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 chỉ 8 quẻ ngoại quái (quẻ nằm trên): Kiền = 1, Đoài = 2, Ly = 3, Chấn = 4, Tốn = 5,

Khảm = 6, Cấn = 7, Khôn = 8.

Nên III/3 sẽ là quẻ Ly; V/7 sẽ là quẻ Cổ v.v...

2. Hai bài thơ để nhớ vị trí 64 quẻ Hậu Thiên trong Kinh Dịch:

a/--- Thượng Kinh: ---

Kiền, Khôn, Truân, Mông, Nhu, Tụng, Sư,

Tỉ, Tiểu Súc hề Lý, Thái, Bĩ.

Đồng nhân, Đại Hữu, Khiêm, Dự, Tuỳ,

Cổ Lâm, Quan hề, Phệ Hạp, Bí,

Bác, Phục, Vô Vọng, Đại Súc, Di,

Đại Quá, Khảm, Ly, tam thập bị.


b/--- Hạ Kinh: ---

Hàm, Hằng, Độn hề cập Đại Tráng,

Tấn dữ Minh Di, Gia Nhân, Khuê,

Kiển, Giải, Tổn, Ích, Quải, Cấu, Tuỵ,

Thăng, Khốn, Tỉnh, Cách, Đỉnh, Chấn, kế,

Cấn Tiệm, Qui Muội, Phong, Lữ, Tốn,

Đoài, Hoán, Tiết hề, Trung Phu chí,

Tiểu Quá, Ký Tế, kiêm Vị Tế.

Trong 2 bài thơ trên ta thấy 8 quẻ có gạch phía dưới. Đó là: Kiền, Khôn, Di, Đại Quá, Khảm, Li, Trung Phu, Tiểu Quá, là 8 quẻ Thác. Thác là những quẻ lộn xuôi, ngược vẫn như nhau không đổi. Còn 56 quẻ hay 28 cặp còn lại là quẻ Tống. Tống là những quẻ hễ lộn lên sẽ thành quẻ khác. Ví dụ: Truân lộn lên sẽ thành Mông, Nhu lộn lên sẽ thành Tụng, v.v... 8 quẻ Thác cộng với 28 quẻ Tống là 36, vì thế Thiệu Khang Tiết mới nói: Tam thập lục cung đô thị xuân.

---------------------------------------

* 64 quẻ, ý nghĩa, cách tìm ra 64 quẻ: ---

---Bĩ (Vận Bĩ, Bế Tắc) VIII/1; 12. (Thiên Địa Bĩ)

---Bác (bóc lột hết Dương) VII/7; 23. (Sơn Địa Bác)

---Bí (Vẻ Đẹp) III/ 7, 22 (Sôn Hoả Bí)

---Cấn (Núi; Ngừng Nghỉ) VII/7, 52 (Bát thuần Cấn)

---Chấn (Sấm) IV/4, 51 (Bát thuần Chấn).

---Cách (Thay đổi) III/2, 49 (Trạch Hoả Cách).

---Cấu (Gặp Gỡ) V/1, 44 (Thiên Phong Cấu).

---Cổ (Hỏng, hủ bại), V/7, 18 (Thiên Phong Cổ).

---Dự (Đề Phòng), VIII/4, 16 (Lôi Địa Dự).

---Di (Má, nuôi dưỡng), IV/7, 27 (Thiên, Lôi Di).

---Đại Quá (Cái hay, cái lớn nhiều quá) V/2 , 28 (Trạch Phong Đại Quá).

---Đại Súc (Hàm chứa nhiều) I/7. 26 (Sơn Thiên Đại Súc).

---Đại Hữu (Có nhiều, có lớn) I/3, 14 (Hoả Thiên Đại Hữu)

---Độn (Trốn Ẩn) VII/1, 33 (Thiên Sơn Độn)

---Đồng Nhân (Hoà Đồng với người) III/1 13 (Thiên Hoả Đồng Nhân).

---Đỉnh (Thay cái mới vào) V/3, 50 (Hoả Phong Đỉnh)

---Đại Tráng (Mạnh mẽ nhiều) I/4, 34 (Lôi Thiên Đại Tráng).

---Đoài (Trầm, Đầm) II/2, 58 (Bát Thuần Đoài).

---Giải (Giải thoát) VI/4, 40 (Lôi Thuỷ Giải).

---Gia Nhân (Gia Đạo) III/5, 37 (Phong Hoả Gia Nhân)

---Hàm (Cảm ứng) VII/2, 31 (Trạch Sơn Hàm)

---Hằng (Hằng Cửu) V/4, 32 (Lôi Phong Hằng)

---Hoán (Tiêu Tán, phá tán) VI/5, 59 (Phong Thuỷ Hoán).

---Ích (Thêm cho) IV/5, 42 (Phong Lôi Ich)

---Kiền (Trời) I/1 , 1 (Bát thuần Kiền).

---Ký Tế (Đã thành tựu) III/6, 63 (Thuỷ, Hoả Ký Tế).

---Khuê (Gàng Quải) II/3, 38 (Hoả Trạch Khuê)

---Kiển (Bế tắc) VII/6, 39 (Thuỷ Sơn Kiển).

---Khôn (Đất) VIII/8, 2 (Bát thuần Khôn).

---Khốn (Khốn nạn) VI/2, 47 (Trạch Thuỷ Khốn).

---Khảm (Nước, nguy hiểm) VI/6, 29 (Bát Thuần Khảm)

---Khiêm (Khiêm tốn) VII/8, 15 (Địa Sơn Khiêm)

---Lâm (Người trên đến với người dưới) II/8, 19 (Địa Trạch Lâm)

---Ly (Lửa, bám víu) III/3 , 30 (Bát Thuần Ly).

---Lý (bước lên trên, theo định luật tự nhiên) II/1, 10 (Thiên Trạch Lý)

---Lữ (Lữ Thứ) VII/3, 56 (Hoả Sơn Lữ)

---Minh Di (Ánh Sáng bị lu mờ) III/8, 36 (Địa Hoả Minh Di)

---Mông (trẻ thơ, mê muội, giáo hoá) VI/6, 4 (Sơn Thuỷ Mông)

---Nhu (Chờ đợi, ăn uống) I/6, 5 (Thuỷ Thiên Nhu).

---Phong (Thịnh Vượng) III/4, 55 (Lôi Hoả Phong).

---Phục (Trở lại) IV/8, 24 (Địa Lôi Phục)

---Phệ Hạp (Nghiền đứt để hoà hợp) IV/3, 21 (Hoả Lôi Phệ Hạp).

---Quan (Nhìn xem, quan sát) VIII/5 , 20 (Phong Địa Quan)

---Quải (Quyết Định) I/2 , 43 (Trạch Thiên Quải)

---Qui Muội (Gái về nhà chồng) II/4, 54 (Lôi Trạch Qui Muội).

---Sư (Quân Sự) VI/8, 7 (Địa Thuỷ Sư).

---Tỉ (Qui Dân Tụ Chúng để lập nước) VIII/6, 8 (Thuỷ Địa Tỉ)

---Thái (Thái Thịnh) I/8, 11 (Địa Thiên Thái)

---Tiệm (lớn từ từ, tiến triển từ từ) VII/5, 53 (Sơin Phong Tiệm)

---Trung Phu (Sự Thành Tín) II/5, 61 (Phong Trạch Trung Phu).

---Tổn (Bớt đi) II/7, 41 (Sơn Trạch Tổn)

---Tốn (Gió, thấm nhập) V/5, 57 (Bát thuần Tốn)

---Tuỳ (Theo) IV/2 , 17 (Trạch Lôi Tuỳ)

---Tấn (Tiến Lên) VIII/3, 35 (Hoả Địa Tấn)

---Tuỵ (Tụ Họp) VIII/2, 45 (Trạch Địa Tuỵ)

---Tụng (Kiện Tụng) VI/1, 6 (Thiên Thuỷ Tụng)

---Tiểu Quá (Quá Mức ít nhiều) VII/4, 62 (Lôi Sơn Tiểu Quá)

---Tiểu Súc (Chứa Đựng ít, nuôi dưỡng ít, trở lực nhỏ) I/5, 9 (Phong Thiên Tiểu Súc).

---Tỉnh (Giếng) V/6, 48 (Thuỷ Phong Tỉnh)

---Thăng (lớn lên, tiến lên) V/8, 46 (Địa phong Thăng)

---Truân (Truân chuyên, Vất vả) IV/6, 3 (Thuỷ Lôi Truân).

---Tiết (Tiết Độ) II/6, 60 (Thuỷ Trạch Tiết)

---Vô Vọng (Không Nhầm, hồn nhiên, vô tội) IV/1, 25 (Thiên Lôi Vô Vọng)

---Vị Tế (Chưa thành tựu) VI/3, 64 (Hoả Thuỷ Vị Tế).

-------------------------------------------

* Bị Chú: --- Cách dùng 64 quẻ trên.

64 quẻ trên đây cho thấy cách thức vạch ra thành quẻ, bất kỳ là quẻ nào. 64 quẻ xếp theo ABC, nên dễ kiếm.

Mới đầu cho tên các quẻ, tiếp đến cho nghĩa quẻ, tiếp đến cho biết quẻ ấy nằm trong ô nào: I Kiền, II Đoài , III Ly, IV Chấn, V Tốn, VI Khảm, VII Cấn , VIII Khôn, và là quẻ thứ mấy trong ô đó: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8.

Vậy cặp số La Mã và Ả Rập đi với nhau, vừa cho biết quẻ nằm trong ô nào, vừa là quẻ thứ mấy, và cho biết cách xếp thành quẻ.

Muốn vạch thành quẻ, trước hết:

Đổi số La Mã ra thành quẻ viết xuống dưới (nội quái), rồi đổi số Ả Rập ra thành quẻ, viết chồng lên trên. (ngoại quái).

Ví dụ: Ta thấy Vô Vọng IV/1, 25, ta biết ngay Vô Vọng là ở trong Ô Chấn và là quẻ thứ I,

Ta đổi IV thàng Chấn, viết xuống dưới. (nội quái, hạ quái).

Ta đổi 1 thành Kiền và viết chồng lên trên. (ngoại quái, thượng quái).

Con số 25 sau chỉ cho biết quẻ Vô Vọng là quẻ thứ mấy trong bộ Kinh Dịch. Nếu ta ghi nhớ Kinh Dịch có Thượng Kinh và Hạ Kinh. Thượng Kinh có 30 quẻ, Hạ Kinh có 34 quẻ, thì ta thấy ngay quẻ Vô Vọng là ở gần cuối Thượng Kinh, vì là quẻ thứ 25. Các quẻ khác cũng như vậy mà suy ra.

* Cuối cùng, cho biết cách đọc quẻ và vẽ quẻ theo lối người xưa. Nếu ta biết rằng:---

Kiền vi Thiên.

Đoài vi Trạch.

Ly vi Hoả.

Chấn vi Lôi.

Tốn vi Phong.

Khảm vi Thuỷ.

Cấn vi Sơn.

Khôn vi Địa.

Thì ta cũng vẽ được thành quẻ.

*Ví dụ, ta thấy Thiên Lôi Vô Vọng, thì ta liền biết quẻ Vô Vọng, phía trên là quẻ Kiền, phía dưới là quẻ Chấn. Như vậy ta sẽ vẽ ngay được.

 * Thiên lôi vô vọng
 Kiền
 Chấn

-----------------------------------------------

CHÚ THÍCH


[1] Trùng biên, Tống Nguyên Học Án, q. 3. tr. 878.

[2] Dịch chi vi thư cùng Thiên, Địa, Nhân chi tế; cứu tạo hoá chi nguyên, dĩ minh cát, hung, tiêu trưởng, tồn vong chi đạo, tu tề, trị, bình chi bản, đại nhi kinh luân quốc gia, tiểu nhi lập thân, xử thế, thể nhi dụng chi, vô bất tại thị.

Trương kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên niên sử, q. 2. chương 12: Chu Dịch tr. 123.

[3] Dịch chi vi thư, quảng đại tất bị, vô sở bất bao, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi minh Thiên Nhân hợp nhất chi Đạo.

Như trên, tr. 123.

[4] Dịch quán quần kinh chi thủ.

易 冠 群 經 之 首。

Như trên. tr. 123.

[5] Dịch vi ngũ kinh chi nguyên. 易 為 五 經 之 元。

[6] Dịch chi vi thư, cùng lý tận tính, dĩ chí ư mệnh.

易 之 為 書 窮 理 盡 性 以 至 於 命。

Dịch kinh, Thuyết quái, chương 1, tiết ba.

[7] Chu Dịch Xiển Chân, Tam Tông Miếu xuất bản, tr. 21.

[8] Trung ngũ điểm hựu tượng Thái Cực hàm Tứ Tượng, Trung nhất điểm hựu tượng Thái Cực hàm Nhất Khí.

中 五 點 又 象 太 極 含 四 象。 中 一 點 又 象 太 極 含 一 氣。

Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, tr. 9a.

[9] Tham Đồng Khế phát huy, tr, 24b.

[10] Như trên, tr. 24b, 25a.

[11] Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, Tam Tông Miếu xuất bản, tr. 29---30.

[12] Trung ngũ văn hựu tượng trưng Thái Cực, Trung nhất văn hựu tượng trưng Thái Cực hàm nhất khí.

中 五 文 又 象 徵 太 極。 中 一 文 又 象 徵 太 極含 一 氣。

Văn Đạo Tử gỉang Đạo Tinh Hoa Lục, tr. 11a.

[13] Thái Nhất giả Bắc Thần chi Thần Danh dã. Cư kỳ sở viết Thái Nhất, thường hành ư Bát Quái, nhật thần chi giao, viết Thiên Nhất.

Hoặc viết: Thái Nhất xuất nhập sở du, tức ư Tử Cung chi nội. ngoại kỳ tinh nhân dĩ vi danh yên. Cố Tinh Kinh viết: Thiên Nhất, Thái Nhất chủ khí chi thần, hành do đãi dã.

Tứ chính, tứ duy do bát Quái, Thần sở cư cố diệc danh chi viết Cung. Thiên Nhất hạ hành do Thiên Tử xuất, tuần thú tinh phương nhạc chi sự. Mỗi xuất tắc phục.

Dịch VI, q. hạ, tr. 3b.

[14] Thái Nhất hạ hành Bát Quái chi cung, mỗi Tứ nãi hoàn ư Trung Ương. Trung Ương giả, Bắc Thần chi sở cư, cố nhân vị chi Cửu Cung. Thiên Số đại phân, dĩ Dương xuất, Âm nhập. Dương khởi ư Tý, Âm khởi ư Ngọ. Thị dĩ Thái Nhất hạ cửu cung, tòng Khảm cung Thuỷ. Khảm Trung Nam Thuỷ diệc ngôn vô thích dã. Tự thử nhi tòng ư Khôn Cung, Khôn mẫu dã. Hựu tự thử nhi tòng Chấn Cung, Chấn trưởng nam dã. Hựu tự thử nhi tòng Tốn cung. Ký hựu tự thử nhi tòng Kiền cung. Kiền phụ dã. Tự thử nhi tòng Đoài Cung. Đoài thiếu nữ dã. Hựu tự thử nhi tòng ư Cấn cung. Cấn thiếu nam dã. Hựu tự thử nhi tòng ư Ly cung. Ly trung nữ dã. Hành tắc chu dã. Thượng du tức ư Thiên Nhất, Thái Nhất chi cung nhi phản ư Tử Cung. Tòng Khảm cung thuỷ, chung ư Ly cung.

Xem Dịch VI.

[15] Như trên. tr. 4a

[16] Như trên. tr. 3a.

[17] Như trên. tr. 11a.

[18] Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, tr. 9b.

[19] Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, tr. 15.

[20] Ngô Cảnh Loan, Huyền Không bí chỉ.

[21] Dịch chi vi thư, nhất Âm, nhất Dương nhi dĩ. Tiên hậu, thuỷ chung. động tĩnh, hối minh, thượng hạ, tiến thoái, vãng lai, hạp tịch, doanh hư, tiêu trưởng, xuất nhập, hành tàng, hà thích chi nhi nhất Âm, nhất Dương tai?

Trương Kỳ Quân, Trung Quốc Ngũ Thiên Niên Sử, q. 2, tr.

************       


CHƯƠNG X

THÂN HỌC MINH TUYÊN.

(TÌM HIỂU VỀ CON NGƯỜI)


Hai chữ Thân Học thực ra không phải là chữ mới mẻ. Nó được rút ra từ quyển Huỳnh Đình Ngoại Cảnh do Tung Ẩn Tử chú, xuất bản năm 1793, nơi quyển Thượng, tr. 15a.

Chương này có mục đích trình bày tách bạch về con người, về cơ thể con người, để hiểu rành về con người, như vậy mới hiểu được cung cách tu luyện của đạo Lão.

Thất Chân Nhân Quả nơi đầu chương II, có thơ:

Liễu ngộ do như dạ đắc đăng,
 了 悟 猶 如 夜 得 燈

Vô song, ám thất, hốt quang minh
 無 窗 暗 室 忽 光 明

Thử thân bất hướng kim sinh độ,
 此 身 不 向 今 生 渡

Tiện hướng hà thời độ thử thân?
 便 向 何 時 渡 此 身


Dịch:

Ngộ rồi, như tối có ngọn đèn,

Nhà tuy không cửa, sáng chưng lên,

Thân này, chẳng tính kiếp này độ,

Đợi đến kiếp nào, độ cho nên?

* Nhân Thân Tiểu Thiên Địa: ---

Đạo Lão cho rằng con ngưỡi là tiểu thiên địa. Tiên Học Từ Điển nơi chữ Nhân, Thiên có viết:

“Nhân thân là 1 tiểu thiên địa. Trên trời, những vì tinh tú có thể đếm được là 84.000. Nhân thân có 84.000 ngàn lỗ chân lông.

Trời đất cách nhau 84.000 dặm, Tâm Thận cách nhau 8 tấc 4 phân.

Trời đất lấy 12 tháng làm 1 năm, nhân thân lấy 12 kinh làm 1 vòng.

Trời đất có Lục Khí, nhân thân có Lục Phủ.

Trời đất có Ngũ Hành, nhân thân có Ngũ Tạng.

Trời đất có Nhật Nguyệt, nhân thân có 2 mắt.

Trời đất có Gió Mây. Khí Gió Mây 1 ngày, 1 đêm lên xuống 25.500 độ. Nhân thân có khí Hô Hấp, Thổ Nạp, một ngày, một đêm tiến xuất 25.500 lần. Mỗi phút có 16 tức (hô+hấp), 24 giờ có 1440 phút. Như vậy 1 ngày, 1 đêm có 23.040 tức.

Trời đất có Thiên Hà tiếp Hoàng Hà. Con người có Thiên Căn (Nê Hoàn) tiếp Địa hộ (Hội Âm= Vĩ Lư).

Trời đất có Mây, Mưa, Nhân Thân có Khí, Dịch.

Nguyên Hoà Tử cho rằng: Nhân Thân đại để đồng Thiên địa.

Chính vì thế mà Trời đất có Tam Thanh: Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh, thì trong con người cũng có Tam Đơn:

--- Nê Hoàn hay Thượng Đơn Điền là Ngọc Thanh Cung.

--- Giáng Cung hay Trung Đơn Điền là Thượng Thanh Cung.

--- Khí Hải là Hạ Đơn Điền hay Thái Thanh Cung. [1]

Trời có 9 cung, thì đầu con người cũng có 9 cung.

Trời có Thiên Môn, thì trong con người Nê Hoàn là Thiên Môn.

* Nhập Dược Kính có thơ:

Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên môn.
 泥 丸一 竅 達 天 門

Trực Thượng Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.
 直 上 虛 皇 玉 帝 尊

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,
 此 是 真 人 來 往 路

Thời thời khoá hạc khứ triều nguyên. [2]
 時 時 跨 鶴 去 朝 元

Dịch:

Nê Hoàn một khiếu đạt Thiên Môn,

Thẳng tới Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.

Ấy chính Chân Nhân lai vãng lộ,

Cưỡi hạc băng chừng hướng phản hoàn. .


* Trời có Bắc Đẩu Thất Tinh (Thiên Cương):

1. Dublé:  Khu Tinh, Khôi Tinh, Tham Lang,

2. Merak:  Tuyền Tinh, Cự Môn.

3. Phecda:  Ky Tinh, Lộc Tồn.

4. Megrez:  Quyền Tinh, Văn Khúc.

5. Alioth:  Hành Tinh, Liêm Trinh.

6. Mizar: Khai Dương, Vũ Khúc.

7. Alkaid: Giao Quang, Phá Quân.

Bốn sao trên hợp lại là Khôi; ba sao dưới hợp là là Cương (Tiêu), hay Đẩu Bính (Chuôi sao Bắc Đẩu) [3].

* Ứng với Bắc Đẩu Thất Tinh, thì nơi con người có Thất Khiếu: 2 mắt, 2 tai, hai lỗ mũi, 1 mồm. Thất Khiếu còn được gọi là Thất Nguyên, hay Thất Khổng.

* Trên trời có Tử Vi Viên là Hậu Cung hay Hậu Tẩm của Thiên Hoàng Thượng Đế. Trong con người có Nê Hoàn, Động Phòng ở trung điểm đầu não.

* Ở trên trời có Thái Vi Viên . Thái Vi Viên là Minh Đường, là Thiên Đình, là nơi Thượng Đế ra thiết triều, thì nơi con người Trán cũng được gọi là Thiên Đình. Từ Trán vào 1 tấc là cung Minh Đường.

* Trên Trời có Nhật, Nguyệt, Ngũ Tinh:

---Nhật = Thái Dương, Kim Ô.

---Nguyệt = Thiềm Thừ, Ngọc Thố, Thiềm Cung, Quảng Hàn, Hằng Nga.

---Hoả Tinh (Mars) = Huỳnh Hoặc, Phạt tinh, Vân Hán, Chấp Pháp, Thiên chi Sứ. Chu Kỳ: 2 năm.

---Kim Tinh (Venus) = Khải minh, Sao Mai, Trường Canh hay Sao Hôm, Huỳnh Tinh hay Thái Bạch. Chu Kỳ: 1 năm.

---Thuỷ Tinh (Mercure)= Thần Tinh, Tiểu Chính, Thuỷ Diệu. Chu Kỳ: 1 năm.

---Mộc Tinh (Jupiter)= Tuế Tinh, Trùng Hoa, Kỷ Tinh, Mộc Đức. Chu Kỳ: 12 năm.

---Thổ Tinh (Saturne) = Trấn Tinh, Thổ Tú. Chu Kỳ: 28 năm.

* Nơi con người: ---

Mắt trái là Thái Dương, Nhật .

Mắt phải là Thái Âm, Nguyệt.

Trán là Hoả Tinh.

Mũi là Thổ Tinh.

Tai trái là Mộc Tinh.

Tai phải là Kim Tinh.

Mồm là Thuỷ Tinh.

Trên Trời có vòng Hoàng Đạo. Trên vòng Hoàng Đao đó có 28 cung sao gọi là Nhị Thập Bát Tú (Cũng ví như 28 cột Kilomet, để chỉ xem Nhật, Nguyêt, Ngũ Tinh đang di chuyển ở chổ nào trên đường Hoàng Đạo.)

Nhị Thập Bát Tú có 28 vì sao chia thành 4 chòm Thanh Long (chòm 7 sao phía Đông, Chu Tước (chòm 7 sao phía Nam), Bạch Hổ (chòm 7 sao phía Tây), Huyền Võ (chòm 7 sao phía Bắc), và có tên như sau:

1.--- Ngũ Hành, Nhật+Nguyệt
Mộc
Kim
Thổ
Nhật
Nguyệt
Hoả
Thuỷ

2.--- Chòm sao Thanh Long
7 sao phía đông
Giác M. Giao
Cang---K---Long
Đê ---T---Lạc
Phòng---N---Thố
Tâm---N---Hồ
Vĩ ---H---Hổ
Cơ ---T---Báo

3.--- Chòm sao Huyền Vũ
7 sao phía Bắc
Đẩu---M---Giải
Ngưu ---K---Ngưu
Nữ ---T---Bức.
Hư---N---Thử
Nguy---N---Yến
Thất---H---Trư
Bích---T---Du

4.--- Chòm sao Bạch Hổ.
7 sao phía Tây.
Khuê---M---Lang
Lâu---K---Cẩu.
Vị---T------Trĩ
Mão---N---Kê
Tất---N---Ô
Chuỷ---H---Hầu
Sâm---T---Viên
5.--- Chòm sao Chu Tước
7 sao phía Nam
Tỉnh---M---Cang
Quỉ---K---Dương
Liễu---T---Chương
Tinh---N---Mã
Trương---N---Lộc
Dực---H---Xà
Chẩn---T---Dẫn.

6.---Ngày Thứ trong tuần:---
 5
 6
 7
Chủ Nhật
 2
 3
 4

* Bị Chú: 28 con thú trong 28 tú cũng dựa vào 12 con giáp và những con thú tương tự theo thứ tự sau đây:

Giao (le crocodile), Long (le dragon); Lạc (le hérisson, Con nhím), Thố (le lièvre) Hồ (le renard), Hổ (le tigre); Báo (le léopard), Giải (le licorne, Con Kỳ Lân, con giải trại); Ngưu (le boeuf), Bức (la chauve---souris); Thử (le rat)û, Yến (l’hirondelle); Trư (le porc), Du (le pangolin, Con Tê Tê); Lang (le loup, Chó Sói), Cẩu (le chien); Trĩ (le faisan), Kê (le coq; Ô (la corneille), Hầu (le grand singe); Viên (le petit singe), Cang (le chien sauvage, Chó rừng); Dương (le bélier), Chương (le grand cerf, loại Hươu lớn); Mã (le cheval), Lộc (le petit cerf); Xà (le Serpent), Dẫn (le ver---de---terre, Con Giun). Sách Tam Nguyên Đại Lược của Lê Văn Nhàn, nơi trang 56 cho nhiều tên khác với bảng này, nhưng tôi không theo. Bảng của tôi theo Gustave Schlegel. Theo tôi, ai thích gọi gì, thì gọi. Không nên cố chấp.

* Nhị thập bát tú là: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chuỷ, Sâm. Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Chương, Dực, Chẩn. Quyển Uranographie Chinoise cuả Gustave Schlegel, T. 1, từ tr. 583 đến tr. 595, có đề cập đến 28 con thú cuả Nhị Thập Bát Tú.

Nhìn vào đồ bản trên, sau chữ Giác chẳng hạn, có viết tắt chữ M= Mộc. Các chữ viết tắt khác là K= Kim, T= Thổ, N= Nhật, N= Nguyệt, H=Hoả, T=Thuỷ . Trông vào bảng trên, ta thấy bao giờ các Sao Phòng, Hư Mão, Tinh cũng vào Chủ Nhật. Các ngày có sao: Giác, Đẩu, Khuê, Tỉnh cũng là thứ 5 v.v..

Ở nơi con người, thì 2 mạch Nhâm, Đốc hợp lại thành vòng Hoàng Đạo, và Nhị Thập Bát Tú cũng ở trên 2 mạch đó. Ở nơi quyển Sao Kiểu Động Chương, quyển Hạ, trong 8a, có một đồ hình vẽ con người với Nhị Thập Bát Tú rải rắc trên 2 mạch Nhâm, Đốc. Ví dụ: Nơi Hội Âm là 2 sao Hư Nguy. nơi Vĩ Lư là sao Ngưu Đẩu. Nơi Giáp Tích là Đê, Phòng, Tâm, nơi đỉnh đầu là Liễu, Tinh, Trương; nơi trán là Tỉnh, Quỉ; nơi ngực là Chuỷ Sâm; nơi Tỳ là Vị, Mão, Tất; nơi Hạ Đơn Điền là Khuê, Lâu v.v...

Đằng khác, trong con ngưới cũng có Ngũ Nhạc:

---Nam Nhạc: Hành Sơn là Trán.

---Trung Nhạc: Tung Sơn là Mũi.

---Đông Nhạc: Thái Sơn là Má trái.

---Tây Nhạc: Hoa Sơn là Má phải.

---Bắc Nhạc: Hằng Sơn là Cằm. [4]

Con người có Tứ Độc (Bốn sông):

---Tai là Giang (sông Giang).

---Miệng là Hoài (sông Hoài).

---Mắt là Hà (sông Hà)

---Mũi là Tể. (sông Tể)

---Đốc Mạch được gọi là Hoàng Hà.

---Nhâm Mạch là Tào Khê.

Trong con người cũng không thiếu gì biền: Khí Hải, Tuỷ Hải, Huyết Hải; suối: Dũng Tuyền; hang động: Thiên Cốc, Cốc Thần, Tiến Cốc; ao: Ngọc trì, Thiên Trì; giếng: Kiên Tỉnh; ngòi lạch: Hậu Khê, Thiếu Trạch, Thuỷ Cấu; đống, gò: Thương Khưu, Lương Khưu v.v...

Quan niệm Tam Tài về con người.

Đạo Lão quan niệm con người có 3 phần chính: Đó là: TINH, KHÍ, THẦN.

Có khi TINH, KHÍ, THẦN còn được gọi bằnh danh từ khác là: THÂN, TÂM, Ý.

Đạo Lão gọi THÂN, TÂM, Ý là TAM THỂ hay TAM BẢO.

Tiên Học Từ Điển nơi câu THÂN, TÂM, Ý TAM THỂ viết: Tinh thì sinh ở Thân, Khí thì tàng ở Tim, Thần thì ẩn trong Ý.

Thân mà bất động thời TINH hoá.

Tâm mà bất động thời KHÍ hoá.

Ý mà bất động thời THẦN hoá.

Não BỘ và Nê Hoàn.

Khảo về Đạo Lão, ta thấy các Đạo Gia rất chú trọng đến óc não, đến Nê Hoàn.

Trong quyển Huỳnh Đình Kinh chú giải, tôi đã bàn rất nhiều về Nê Hoàn Cung và Não Bộ. Hôm nay, tôi chỉ tóm lại vắn tắt rằng:

Nê Hoàn chính là Thiên Tâm, nơi Thượng Đế ngự trị trong con người. Đó chính là nơi mà con người có thể siêu thăng, có thể hợp nhất với Thượng Đế.

Trong quyển Tham Đồng Khế phát huy, Toàn Dương Tử, Duy Diễm, khi bình về câu: Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung, đã viết:

“Chân nhân là Chân Thần, Thâm Uyên là Thái Uyên, là Nê Hoàn Cung".[5]

Có điều đáng chú ý là các Đạo Gia Ấn Độ cũng chủ trương y thức như vậy. Họ gọi Nê Hoàn Cung là Sahasrara Chakra (Bông Hoa Sen nghìn cánh). Và cho rằng, nơi Liên Hoa Tâm đó, người Đạo Sĩ có thể kết hợp với Thượng Đế. [6]

Óc não cũng chiếm một địa vị rất quan trọng trong Đạo Lão.

Các Đạo Gia thường nói: Hoàn tinh, bổ não.

Các Đạo Gia hiện đại, dựa vào khoa học ngày nay mà suy thêm rằng: Gian Não (Diencéphale) nếu suy, thì con người sẽ già đi. Cho nên tu luyện cốt là bồi bổ Gian Não, cho con người CẢI LÃO HOÀN ĐỒNG.

Tiên học diệu tuyển, nơi trang 197 viết:

“Phép dưỡng sinh là tiềm thần nội thị, cho khí ngũ tạng tụ về Đan Điền. Từ Đan Điền, khí được huấn tập, vào trong giữa Não. Não được gọi là Côn Lôn, ở trên tượng Trời. Bổ Thiên tức là Bổ Não, theo Huỳnh Đình Kinh. Cho nên Huỳnh Đình Ngoại Cảnh viết: Tử dục bất tử tu Côn Lôn, chính là vì vậy.[7]

Tĩnh Trung Ngâm có câu: “Ngã tu Côn Lôn đắc Chân quyết.”

Phục Mệnh Thiên có câu:

“Hồi hướng ngã gia viên lý,

Tài bồi nhất mẫu Thiên Điền.”

Dịch:

Nhà xưa, vườn cũ quay về,

Thiên Điền một mẫu, lo bề chăm nom...

Hoàn Nguyên Thiên có câu:

Ngộ Đạo hiển nhiên minh khuếch lạc,

Nhàn nhàn đoan toạ, vận Thiên Quan.

Dịch:

Ngộ Đạo dĩ nhiên tường đoan đích,

Thung dung ngồi thẳng vận Thiên Quan.[8]


* Ngày nay, thế giới có lập ra nhiều viện nghiên cứu về Não Bộ. Liên Hiệp Quốc cũng có Tổ Chức Nghiên Cứu Não Bộ Quốc Tế (International Brain Research Organisation, IBRO). Mong rằng các tổ chức này sẽ phối hợp với các Đạo Gia, để chứng minh tầm quan trọng của Gian Não (Diencéphale), của Nê Hoàn (troisième Ventricule), và của các Xoang não (Ventricules)



************       

* Tam Đan Điền
.

Đạo Lão chủ trương nơi con người có Tam Đan Điền: Thượng Đan Điền, Trung Đan Điền, Hạ Đan Điền.

---Thượng Đan Điền thì mọi người đều công nhận là Nê Hoàn. Còn Trung Đan Điền và Hạ Đan Điền thì từ danh xưng, đến vị trí đều thay đổi tuỳ theo các Đạo Sĩ.

Tầm quan trọng của Tam Đan Điền cũng vậy. Người thì cho Thượng Đan Điền là Nhất, người thì cho Hạ Đan Điền là Nhất.

Nơi đây ta sẽ bàn kỹ lại vị trí của Tam Đan Điền.

Thượng Đan Điền hay Nê Hoàn Cung:

Là nơi Luyện Thần Hoàn Hư.

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Hồn Bách Linh ư Thiên Cốc,

Lý ngũ khí ư Nê Hoàn.[9]


Còn có những câu thông thường như: Tam hoa qui đỉnh, Ngũ khí triều nguyên tưởng đã đủ để nói lên tầm quan trọng vô song của Nê Hoàn.

---Trung Đan Điền.

a---Nơi khoảng giữa 2 huyệt Chiên Trung. Tương ứng vơí Plexus cardiaque.

b---Ngay dưới tim.

c---Giáng cung. Sách Trúc Cơ Tham chủng, nơi tr. 89 coi Giáng Cung là Chấn Thủy.

---Nơi Chấn Thủy (ngang Huyệt Trung Uyển), cũng còn gọi là Huỳnh Đình.

---Khoảng Tì (Tì Thổ trung ương chi vị)

---Giữa Tâm và Thận. Tức là cách Tim 3 tấc 6, cách Thận 3 tấc 6, còn Trung Đan Điền vuông vắn 1 tấc 2. Tổng cộng là 8 tấc 4. Tương ứng với khoảng cách giữa Trời và Đất. Khoảng này tương ứng vớí Plexus Solaire.

---Hạ Đan Điền.

a---Nơi rốn.

b---Khoảng trống sau rốn và trước xương sống.

c---Dưới rốn 1 tấc 3 phân.

d---Dướí rốn 1 tấc rưỡi (Theo Châm Cứu).

e---Dưới rốn 2 tấc 4 phân (Bão Phác Tử)

g---Dưới rốn 3 tấc (Huỳnh Đình Nội Cảnh chương 3: Hoành Tân tam thốn Thần sở cư). Khoảng này tương ứng với Plexus Hypogastrique) [10]

Theo Khoa Học ngày nay, thì các Trung Đan Điền, Hạ Đan Điền vì tương ứng vơí các Tùng Thần Kinh Tự Trị trong con người, nên có thể được coi như là những bình tụ điện (Batteries). Nếu nhờ vận khí, điều tức, mà biết tụ điện vào đó, rồi lại biết cách dẫn điện, dùng điện từ đó mà ra, thì sẽ khoẻ mạnh, sẽ chữa được bệnh cho người khác. [11]

************       

* HAI MẠCH NHÂM ĐỐC

Đạo Lão chuyên chú vận khí.

Khi còn ở những giai đoạn thấp, người tu đạo chỉ biết hít thở thông thường, vận khí hô hấp thông thường, tụ khí vào Trung Đơn Điền, hay Hạ Đơn Điền. Lúc này, chỉ thở phàm khí mà thôi, qua phổi.

Nhưng tới mức Thượng Thừa, phải biết vận Chân Khí, hay Tiên Thiên Khí, qua hai mạch Nhâm Đốc. Khi đã biết vận Chân Khí qua 2 mạch Nhâm Đốc, thì phàm tức nơi phổi dần dần đình lại. Huỳnh Nguyên Kiết nói: Phàm tức đình, nhi Chân tức hiện. [12] Lúc ấy mới thật sự là Luyện Nội Đan.

Chính vì thế, mà hai mạch Nhâm Đốc được gọi là: Tu đan đạo lộ ---Chu Thiên ---Đan trình ---Trường thành---CHÂN TỨC ĐẠO ---Hà xa lộ ---Vô tự kinh.

Mạch Đốc khởi từ huyệt Vĩ Lư, cuối xương sống, ăn thông qua tủy xương sống và Nê Hoàn, Bá Hội, vòng qua đỉng đầu và tận cùng nơi huyệt Ngân Giao (tức là nơi tiếp giáp phía trong môi trên và lợi trên.)

Mạch Nhâm khởi từ huyệt Thừa Tương, nơi chỗ lõm, phía môi dưới, chạy thẳng theo lằn giữa cổ, ngực, bụng, và tận cùng ở huyệt Hội Âm (giũa cốc đạo và Âm hành).

Mạch Đốc vận Chân Khí lên Nê Hoàn.

Mạch Nhâm vận Chân Khí từ Nê Hoàn xuống Hạ Đan Điền.

Mạch Đốc còn có những tên: Ngân Hà, Hoàng Hà, Hoàng Đạo, Hắc Đạo, Dương Đạo, Khí Lộ, Khí quản, Thiên Kinh.

Mạch Nhâm còn có những tên: Thủy cấu, Xích đạo, Thần Lộ, Hồng Khê, Tào Khê. [13]

Hai mạch Nhâm Đốc như vậy không liền nhau: Trên thì hở nơi mồm, dưới thì hở nơi Giang Môn, cốc đạo. Nên lúc vận chân khí, phải đưa khoá lươĩ, nghĩa là đưa lưỡi lên cúa, gọi là Lập Thượng Thước Kiều, và khép chặt Giang Môn, gọi là Bắc Hạ Thước Kiều.

Tiền Tam Quan, Hậu Tam Quan. Đó là những quan ải đặt trên 2 mạch Nhâm, Đốc.

* Tiền Tam Quan.

a. Thượng Quan: (nơi trán) Ấn Đường ---Mi Tâm---Thiên mục ---Thiên môn ---Thiên Đình ---Sơn căn ---Hồn môn ---Khuyết đình ---Hoàng Khuyết ---Thiên Thê ---Kim Kiều---Thượng Thước Kiều.

b. Trung Quan: (nôi cồ họng, cuống họng): Trùng Lâu ---Trùng đường ---Trùng Hoàn ---Hầu Lùng ---Quan Âm.

c. Hạ Quan: (nơi tim) Giáng Cung ---Tâm Điền ---Tâm Cung---Giáng Thất ---Chính Thất ---Đan Điền---Xích Huyện ---Linh Đài ---Linh Thủ ---Linh Khuyết ---Linh Sơn Tháp ---Thủ quan ---Huyền Hương ---Thủ Linh ---Lư Gian ---Ôn Khang.

* Hậu Tam Quan.

a. Thượng Quan (nơi chỗ xương gồ sau ót): Ngọc Chẩm---Tú Đài ---Thiết Bích ---Ngọc Kinh Sơn ---Thiên Cốc Quan.

b. Trung Quan (Khoảng đốt xương sống lưng, onzième dorsale): Giáp Tích ---Song Quan ---Tích Trung ---Tích Du ---Thiên Địa Quan---Lộc Lô Quan ---Thượng Thiên Thê.

c. Hạ Quan (cuối xương cụt) Vĩ lư ---Hàm Trì ---Huyết Hải ---Nhân Môn ---Cấm Môn ---Huyền Cốc ---Trường Cốc ---Trường Cường ---Âm Đoan ---Hội Dương ---Quỉ Lộ ---Cốc Đạo ---Phách hộ ---Đào Khang ---Quyết Cốt ---Tích Vĩ ---Khí Khích ---Quảng Hàn ---Địa Dung ---Địa Trục ---Tam Xoá Khẩu ---Bình Dị Lộ ---Sinh Tử Quan ---Thái Huyền Quan ---Hà Xa Lộ ---Tào Khê Lộ ---Triều Thiên Đỉnh ---Khí Hải Môn---Hạ Thước Kiều ---Tàng Kim Đẩu ---Tam xoá cốt ---Cưủ trùng Thiết Cổ ---Tam túc Kim Thiền ---Âm Dương Biến Hoá chi hương. [14]

************       

LỤC PHỦ ------ NGŨ TẠNG: ---

Lục Phủ: Tam Tiêu (Thượng Tiêu, Trung Tiêu, Hạ Tiêu), (Vị, Đại Trường, Tiểu Trường, Đởm, Bàng Quang).

Ngũ Tạng: Tâm (tàng Thần), Phế (tàng Phách), Can (tàng Hồn), Tì (tàng Ý), Thận (tàng Trí).

Ngày nay, khi mà Khoa học đã thay Tim, cắt Gan, cắt Phôỉ, cắt Thận, thì thuyết trên ắt là đứng không vững. Trong quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh bình giải của tôi, tôi đã chứng minh Thần, Hồn, Phách, Ý, Chí đều ở trong đầu não con người.

* Thập nhị Kinh Lạc: ---

Trong con người có 12 Kinh 6 kinh Âm, 6 kinh Dương, 6 Kinh Thủ, 6 kinh Túc.

* Ba Kinh Dương:

---Thái Dương.

---Thiếu Dương.

---Dương Minh.

* Ba Kinh Âm:

---Thiếu Âm.

---Quyết Âm.

---Thái Âm.

(Ba kinh Dương xếp theo thứ tự từ Mạnh nhất đến Yếu nhất. Ba kinh Âm, xếp theo thứ tự từ Yếu nhất đến Mạnh nhất). Ta thấy hai kinh Âm Dương biểu lý với nhau bao giờ cũng theo định luật Dương Mạnh nhất đi vối Âm Yếu nhất, và ngược lại, còn Dương mạnh vừa thì đi cặp với Âm mạnh vừa, theo như đồ biểu trên. 12 Kinh có tên như sau:---

Âm Dương

Thái Âm xxx Dương Minh o
Quyết Âm xx Thiếu Dương oo
Thiếu Âm x Thái Dương ooo


12 kinh như sau: ---

Tên Kinh Số huyệtThịnh Suy Thủ Thái Âm Phế kinh 11 Dần MãoThủ Dương Minh Đại Tràng kinh 20 Mão Thìn Túc Dương Minh Vị kinh 45 Thìn Tỵ Túc Thái Âm Tì kinh 21 Tỵ Ngọ Thủ Thiếu Âm Tâm kinh 09 Ngọ Mùi Thủ Thái Dương Tiểu Tràng kinh 19 Mùi Thân Túc Thái Dương Bàng Quang kinh 67 Thân Dậu Túc Thiếu Âm Thận kinh 27 Dậu Tuất Thủ Quyết Âm Tâm Bào kinh 09 Tuất Hợi Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu kinh 23 Hợi Tí Túc Thiếu Dương Đởm kinh 44 Tí Sửu Túc Quyết Âm Can kinh 14 Sửu Dần
(Châm bổ Kinh, vào giờ Kinh thịnh, châm tả Kinh vào giờ Kinh suy. Muốn nhớ thứ tự 12 kinh, học thuộc lòng mấy câu sau: Phế, Đại, Vị, Tì, Tâm, Tiểu, Bàng, Thận, Bào, Tiêu, Đởm, Can.)

Muốn biết đường Kinh chạy ra sao, từ đâu đến đâu, ta có đồ bản sau:


KỲ KINH BÁT MẠCH

Kỳ Kinh bát mạch là Nhâm, Đốc, Dương Duy, Âm Duy, Dương Kiều, Âm Kiều, Xung mạch, Đới mạch.

Đạo Lão chỉ đề cập đến mạch Âm Kiều, và chỉ dùng Huyệt Hội Âm. Hai mạch Nhâm Đốc lại trở nên quan trọng vô cùng. Còn các mạch khác như Xung, Đới ít khi đề cập tới. Châm cứu mới chỉ vẽ tường tận Kỳ Kinh Bát Mạch.

* Ít nhiều thuật ngữ Cơ Thể Học nên biết:

--- Huyền ưng huyệt = Huyệt nước bọt nơi cổ họng.

--- Thập nhị trùng lâu (hầu lùng) = Cuống họng, vừa thực quản, vừa khí quản.

--- Ngọc Trì = Mồm.

--- Ngọc Dịch, Lễ Tuyền, Ngọc Tân, Ngọc Tuyền, Đề Hồ, Tiên Tửu, Cam lộ, Kim Lễ= Nước bọt.

--- Lưỡng mi gian = Khoảng giữa 2 làm mi.

--- Sơn căn = Khoảng giữa 2 khoé mắt.

* Bị Chú:--- Huỳnh Đình Kinh cho rằng đầu não, tạng phủ con người đều có thần ngự trị, cai quản. Đó cũng là một quan niệm đặc biệt cuả Đạo Lão. [15]

Chương này dĩ nhiên không thể bàn thật kỹ lưỡng về Thân Học. Vả như ta đã thấy: Thân đây chỉ là Cơ Thể, chỉ mơí là ảo thân, là Căn Nhà. Còn Chân Nhân ngôi nhà mới là Chủ Nhân Ông. Học về xác thân, về căn nhà bên ngoài cốt là giúp cho ta tìm cho ra Chủ Nhân Ông.

* Vậy có thơ rằng:

Tinh tinh nhất cá Chủ Nhân Ông,

Tịch nhiên bất động tại Linh Cung.

Đãn đắc thử trung vô quái ngại,

Thiên nhiên Bản Thể tự Hư Không.


Dịch:

Tỉnh tao một vị Chủ Nhân Ông,

Thanh Tĩnh Vô Vi tại Linh Cung.

Linh Cung thanh thản không vướng mắc,

Thiên Nhiên Bản Thể lộ chân dung.


*Lại có thơ rằng:

Ngũ uẩn sơn đầu, nhất đoạn không,

Đồng môn xuất nhập, bất tương phùng.

Vô lượng kiếp lai, nhẫm ốc trú,

Đáo đầu bất thức Chủ Nhân Ông.


Dịch:

Đầu non ngũ uẩn 1 vừng không,

Vào ra cùng cửa, chẳng tương phùng,

Từ vô lượng kiếp, thuê nhà ở,

Mà nào, có biết Chủ Nhân Ông... [16]


Chủ Nhân Ông là ai? Làm sao tìm ra được Chủ Nhân Ông? Những vấn đề đó, sẽ bàn nơi chương: Nhân sinh phát diệu, phía sau.

*Hết chính văn

************       

CHÚ THÍCH


[1] Huỳnh Đình nội cảnh, Tử Hà chú, tr. 2b.

[2] Nhập dược Kính, tr. 19b.

[3] Lưu Nhất Minh, Ngộ Đạo Lục, tr. 27.

Địa Lý Chính Tông, tr. 1, q. 6.

Đạo học từ Điển tr. 3.

[4] Ma Y Thần Tướng , đồ hình nơi trang 3.

[5] Tham Đồng Khế phát huy, Du diễm, q. trung, tr. 8b.

[6] Swami Vivekananda, The Complete Illustrated Book of Yoiga, Pocket Book, Simon and Shuster, dep. 5---54, 630 Fifth Avenue, New York 10020, Lulian Press edition, May 1960, pp. 249, 266, 325, 337---332, 408.

[7] 養 生 之 法 潛 神 內 視, 則 五 藏 之 氣, 聚 於 丹 田,

自 丹 田 薰 蒸, 達 於 腦 中。 腦 謂 崑 崙, 居 上 象 天,

補 天 即 黃 庭 經 之 補 腦。 所 謂 ﹕ 子 欲 不 死 修 崑 崙, 是 也。

Tiên học Diệu Tuyển, Lý Lạc Cầu biên, tr. 197.

[8] Du Diễm, Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, q. trung, tr. 18.

[9] Nê hoàn: Nê thuộc Mậu Kỷ Thổ; Hoàn thị cửu tự gia nhất điểm. Cửu số Tiên Thiên thuộc Ly, hựu vi Dương Kim chi số. Nhất giả Tiên Thiên thuộc Khảm, hựu vi Chân Nhất chi Khí. Phi Cữu, phi Nhất thật chỉ Khảm Ly chi quan khiếu hợp thành thử Nê Hoàn dã.

Tu Chân Bất Tử Phương tr. 155.

... Tiên Thiên địa sinh, vị Nê Hoàn nhất huyệt, nãi nhất thân vạn khiếu chi Tổ Khiếu. Thử khiếu khai, tắc vạn khiếu tề khai dã. Nguy nguy cao tôn, vị Nê Hoàn Cung , tại Côn Lôn Phong đỉnh, nãi Nguyên Thần sở cư chi vị, thượng ứng Huyền Đô. Thị vạn thần hội tập chi hương dã.

Tham Đồng Khế phát huy, q. thượng, tr. 14b, 15a.

[10] Huỳnh Đình Kinh, Nguyễn Văn Thọ chú, nơi Chương 3, Chương 4 phần Khảo Luận và Chương 7 phần Bình Dịch.

Swami Vivekananda, The Complete illustrated Book of Yoga, p. 324.

[11] Prana can be stored up in the body, especially, in the solar plexus, as in a storage battery.

Swami Vivekananda, The Complete Illustrated Book of Yoga, p. 241.

...When one inhales, he is taking the prana, and storing in various nerve centers, especially in the solar plexus.

Như trên. p. 246.

...During pranayama exercises (yogic breathing exercises), prana vayu is generated by the intaking of breath, and apana vayu is generated by the exhaling process. The prana vayu is the efferent impulse that moves away from the brain and nerve centers.

During retention time (retention of breath) in pranayama, the Yogi unites these prana vayu and apana vayu (afferent and efferent nerve impulses) at the Muladhara Chakra (pelvic plexus). When the two impulses are united at this basic center (pelvic plexus), then this center will act like a dynamo, sending tremendous amount of pranic energy to stimulate the coiled power Kundalini, lying dormant in this center.

Như trên. p. 252.

[12] 此 即 凡 息 停 而 真 息 現。

Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường ngữ lục, tr. 84.

Xem thêm:

---* 必 要 呼 吸 息 斷, 元息 始 行。 Như trên. tr. 34.

---* 息 凡 氣 而 見 胎 息。 Như trên. tr. 40.

---* 一 朝 凡 息 已 停, 真息 自 露。Như trên. tr. 43.

---* 人 心 不 死, 道 心 不生, 凡 息 不 停 , 胎 息 不 動 。 Như trên. tr. 140 v.v...

Xem thêm: Huỳnh Đình Nội Cảnh, Nguyễn Văn Thọ bình giảng, chương 20, chương Chân khí.

[13] Tiên Học từ điển tr. 2.

[14] Tiên Học Từ Điển , tr. 2, 3

[15] Nhân thân nhất tiểu Thiên Địa. Nguyên thủ tượng thiên, nãi Dương Thần sở thê. Nê Hoàn Cưủ Cung, Chư Thiên Đế Quân, sở đô chi cảnh. Đơn tượng dĩ Thủ vi Kiền, vi Đỉnh...Cưủ chuyển đơn thành, Dương Thần phá Đỉnh nhi xuất. Tức vi Thiên Tiên.

Địa Lý hợp bích trang 167.

Nhân bản Nguyên Dương, tàng Thần Nê Hoàn. Nê Hoàn Cửu Cung, Thiên Đế trạch yên. Vi Kiền vi Đỉnh, luyện tất thành tiên.

Địa Lý hợp bích trang 166.

[16] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 4b.


************       

CHƯƠNG XI

TÍNH MỆNH SONG TU

(TU THỂ XÁC LẪN THẦN HỒN.)


Về phương diện tu trì, tất cả các môn phái Đạo Lão đều chủ trương TÍNH MỆNH SONG TU. Vậy chúng ta cần nghiên cưú vấn đề.

Trong chương này, ta sẽ lần lượt khảo sát:

1. Tính Mệnh là gì?

2. Thế nào là Tu Tính?

3. Thế nào là Tu Mệnh?

4. Thế nào là Tính Mệnh Song Tu?

1. TÍNH MỆNH LÀ GÌ?

A. Theo đại đa số, thì Tính là Thái Cực, là Tuyệt đối, Mệnh là Âm, Dương là Tương đối.
Sách Tiên Học Tập Cẩm viết: “Thái Cực là Tính, Lưỡng Nghi là Mệnh. Tuy có 2, nhưng thực ra thời Tính làm chủ. Tính không sinh diệt, còn Mệnh thời không sinh diệt. Tính vô thuỷ chung, mà Mệnh thời có thủy chung.” [1]

Khưu Xử Cơ, trong quyển Đại Đơn Trực Chỉ viết:” Bí quyết Kim Đơn là tại hai chữ TÍNH, MỆNH mà thôi.

TÍNH là Trời, thường tiềm ẩn nơi đỉnh đầu, Mệnh là Đất, thường tiềm ẩn ở rốn. Đỉnh Đầu là TÍNH CĂN, rốn là MỆNH CĂN. 1 căn, 1 đế là căn nguyên, là tổ trời đất. TÍNH ở trong Đầu, là Diên, là Hổ, là Nước, là Kim. MỆNH ở nơi rốn, là Cống, là Long, là Hỏa, là Rễ...” [2]

Tào Văn Dật nữ chân nhân viết:

Thần thị Tính hề, Khí thị Mệnh,

Thần bất ngoại trì, Khí tự định.

Bản lai nhị vật, cánh thùy thân.

Thất khước tương hà vi bản tính?

Dịch:

Thần ấy TÍNH kia, Khí ấy MỆNH,

THẦN chẳng ngoại trì, Khí tự định.

Tính Mệnh chẳng thân, thân chi khác?

Mất Tính, Mệnh đi, âu sính vính.[3]

Chân Thạch Tử cho rằng: Thần là Tính, Tức (Khí, Hơi) là Mệnh. [4]

Ngộ Chân Trực Chỉ viết:

Tính là Pháp Thân thượng sự

Mệnh là Ảo Thân thượng sự.

Tính là Vô Vi chi đạo,

Mệnh là Hữu Vi chi đạo. [5]

Viên Giới Khuê cho rằng: “Tính là Trong, Mệnh là Ngoài. Lấy trong tiếp ngoài, thời Đại Đạo thành vậy.” [6]

Ngộ Chân Thiên và Xiển U (tức Ngộ Chân Thiên Xiển U) cho rằng: “Nội Dược liễu Tính, Ngoại Dược liễu Mệnh. Nội Dược là Tiên Thiên, Vô Tư, Vô Chứng. Ngoại dược là hữu vi, hữu tác, tự Hậu Thiên hoàn phản Tiên Thiên.” [7]

Tiên Học Tập Cẩm bàn về Tính Mệnh như sau:

Tính là gì?
--- Tính là không hay, không biết, thuận theo luật Trời (thế tức là sống hồn nhiên,tiêu sái).

--- Tính là cái gì:

--- Tròn vành vạnh.

--- Sáng chói chói.

--- Sạch lâng lâng.

--- Đỏ hây hây. (Thế nghiã là Tính là Bản Thể).

--- Tính là Vô Dục để xem thấy Diệu (thấy những gì Vi Diệu).

Mệnh là gì?

Mệnh là nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh.

Mệnh là Có Dục để nhìn thấy Kiếu (thâý những gì hữu tướng, hữu hạn). [8]

Tiên Học Diệu Tuyển cho Tính là Chân Tâm. [9]

Tiên Học Diệu Tuyển còn viện dẫn Thiền Sư Huyền Diệu Hòa Thượng, mà cho rằng Tính là Chân Như Bản Tính, là Tự Tính Thanh Tịnh Tâm, là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.[10]

Huyền Diệu Hoà Thượng cho rằng: Tính là Tuyệt Đối. [11]

Tính cũng có Khi được coi là Lý, và Mệnh là Khí. [12].

Tiên Học viết: “Âm Dương, Tính Mệnh chủng chủng dị danh, yếu ngôn chi, bất ngoại Thần Khí.” “Âm Dương, Tính Mệnh, nhiều tên khác nhau, chung qui vẫn không ngoài 2 chữ Thần, Khí.” [13]


B. Cũng có 1 số Đạo Gia cho rằng: Tính là Dương, Mệnh là Âm.
Viên Đốn Tử viết:

“Nhất là Đạo, Đắc Nhất là Đắc Đạo, Đạo là Vô Cực. Nhị là Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là Âm Dương. Âm Dương là Tính Mệnh. Tính Mệnh là Thần, Khí.” [14].

C. Cũng có vài người chủ trương Tính Mệnh đều là Tuyệt Đối.

Tính là Nguyên Thuỷ Chân Như, Mệnh là Tiên Thiên Nhất Khí. [15]

Lưu Ngộ Nguyên viết: “Tính Mệnh bất tại nhãn,nhĩ, tị,thiệt, thân, bất tại Tâm, Can, Tì, Phế, Thận, bất tại tam bách lục thập cốt tiết, bất tại tứ chi, bách mạch, huyết dịch biệt hữu cá, vô phương, vô sở, vô hình, vô tượng, đích bí mật vật sự, bất tại nội, bất tại ngoại, chính tại Hư Vô, Tịch Liêu chi cảnh...[16]

D. Tổng Luận.

Tham khảo các Đạo gia, các Thiền Sư danh tiếng, ta đi đến kết luận như sau:

Tính là Tuyệt Đối, Mệnh là Tương Đối.

Con người có 3 phần: Thần, Hồn, Xác hay Tinh, Khí, Thần, thì Thần là Bất biến, là Tuyệt Đối.

Còn Hồn hay Tiểu Ngã thì đầy thất tình, lục dục, biến thiên, tương đối, nên cần phải tu.

Xác con người cũng biến thiên như vậy, và cũng cần phải gìn giữ cho mạnh khoẻ, hẳn hoi, cũng cần tu luyện nữa.

Thần là Tính.

Mệnh là Xác, Hồn.

Các Tông Phái Đạo Lão đều chủ trương Tính Mệnh song tu. Nhưng Bắc Tông thời lo Tu Tính nhiều hơn, họ chủ trương: “Tam phân mệnh công, Thất phân Tính học”, “Luyện kỷ, hoàn Hư”. Họ có nhiều sách như Trùng Dương Toàn Chân Tập, Đơn Dương Chân Nhân ngữ lục, Đại Đơn trực chỉ, Bàn Khê Tập, Thanh Thiên ca chú v.v...

Còn Nam Tông thời:” Ngôn Mệnh giả đa, ngôn Tính xứ thiểu.” Họ thường: “Tường vu Mệnh, nhi lược vu Tính.” (Nói rõ về Mệnh, nói sơ về Tính), hay Tiên Mệnh hậu Tính.

Họ muốn “Tính Mệnh Song Tu, hình Thần câu diệu.”

Họ có 7 giai đoạn tu luyện như sau: Ngưng Thần Định Tức, Vận Khí khai Quan, Bảo Tinh luyện Kiếm, Thái Duợc trúc Cơ, Hoàn Đơn Kết Thai, Hỏa Phù Ôn Dưỡng, Bão Nguyên Thủ Nhất. Họ ưa đọc: Ngộ Chân Thiên, Hoàn Nguyên Thiên.

Vì thế tôi dịch: “Tính Mệnh song tu” là “Tu xác Thân lẫn Thần Hồn”.[17]

Theo Lưu Nhất Minh, thì “tu Tính Mệnh xong rồi, chỉ còn Thiên Lý, thì mới thấy được Bổn Lai Diện Mục. Theo Nho, thì gọi là “Minh thiện phục sơ”, Đạo thì gọi là “Hoàn Nguyên Phản Bản.” (Dưỡng Chân Tập trọn bộ và Châu Dịch Xiển Chân, Nguyễn Minh Thiện, Ấn hành tại Hoa Kỳ,1994, tr. 13 Chu Dịch Xiển Chân.)

**************     

2. THẾ NÀO LÀ TU TÍNH.

Nếu ta biết Tính là Tuyệt Đối, thì Tu Tính đòi hỏi 1 điều kiện tiên quyết là Giác Ngộ được Bản Tính ấy.

Chính vì vậy mà các Đạo Gia thường nói: “Mệnh yếu truyền, Tính yếu ngộ, Hay Tính khả tự ngộ, Mệnh yếu sư truyền.”

Khi bàn đến Tu Tính, người xưa thường nói: “Vô tu, vô chứng, Thiên nhiên cụ túc.” “Chẳng có gì mà Tu, chẳng có gì mà chứng. Thiên nhiên đã đầy đủ” [18]

Tu Tính tức là sống hồn nhiên vô tư, thảnh thơi trong lòng tạo hoá: Đó chính là: “Bất thức, bất tri, thuận Đế chi tắc.” [19]

Chính vì thế mà Châm Thạch Tử cho rằng: “Một khi đã mở Đạo Nhỡn, thời vạn năm là một niệm, một niệm là vạn năm, làm theo sở thích, cái gì cũng được.” [20]

Cũng được, là cái gì cũng đúng theo luật Trời, như Luận Ngữ đã nói: “Tòng Tâm sở dục, nhi bất du củ” (Luận Ngữ . 11,4)

Cốc Dương Tử viết: Bất thủ khiếu, bất điều tức, hư cực, tĩnh đốc, nhất niệm bất sinh, thử thượng thừa chi công phu dã. [21]

Đạo Sĩ Hồ Hỗn Nhiên bình luận về Tu Tính như sau: “Vô vi là luyện kỷ, là Tính Công, là khử Tam Tâm, diệt Tứ Tướng, tuyệt Lục Dục, đoạn thất tình, không còn bận tâm lo lường thế sự. “[22]

Viên Giới Khuê cho rằng: “Tu Tính là tức lự, vong cơ, hợp tự nhiên.” [23] “Dẹp bỏ lo lường, thoát cơ duyên, thung dung vui sống, hợp tự nhiên.”

Văn Đạo Tử cho rằng: “Tính là Thiên, là Đạo, cho nên Minh Tính là Minh Thiên, Minh Đạo...Giữ cho Tính được vẹn toàn là Hợp Đạo, là Đạt Thiên.” [24]

Ông chủ trương: “Tu Tính là thanh tâm, quả dục, thanh tĩnh, vô vi...lòng luôn hướng về Thượng Đế,” [25]

Tóm lại, Tu Tính là Hư Tâm, Nhập Định, Xuất Thần, Hoàn Hư, là Đại Giác, Đại Ngộ, là xuyên qua được bức màn hiện tượng, hình hài, tâm tư, đạt tới Chân Tính Hư Vô Diệu Giác, dữ Thiên Địa đồng thọ, [26] là Đạt Thiên, hợp Đạo .[27]

Nói theo danh từ của Đạo Lão, thì Liễu Tính tức là: Đắc Thai Tiên. [28]

Và vào được Trung Cung Mậu Kỷ của vũ trụ và của lòng con người, [29] là “Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ”, là khế hợp được với Thiên Tâm. [30]

Khảo về Tính, tôi thấy các Đạo Gia xưa đã tìm ra được cái gì chí quí chí bảo của Con Người vì Tính con người là Tuyệt Đối, là Pháp Thân, là “Vạn cổ trường tồn chi Thân”, là Hư Vô Diệu Giác, trường sinh cùng Trời Đất. (Xem chú 26).

Lại còn chỉ rõ Tính ở Nê Hoàn, Mệnh ở Khí Huyệt. [31] Thật là huyền diệu!

3. THẾ NÀO LÀ TU MỆNH.

Có người hỏi Văn Đạo Tử thế nào là Tu Mệnh. Ông đáp: “Đó là Tịch Cốc, Đạo Dẫn, là Bế Tức, Vận Khí, là Phục Thực Kim Thạch, Dược Vật, là Phòng Trung Thái Thủ Nguyên Âm”.[32]

Như vậy là Văn Đạo Tử trong có mấy chữ đã bao quát hết tất cả các phương pháp Tu Mệnh.

Tu Mệnh chính cũng là đại khái phép Luyện Đan thịnh hành từ thời nhà Hán với Ngụy Bá Dương và thời nhà Tấn với Bão Phác Tử.

Tu Mệnh đại khái được xây dựng trên niềm tin rằng: Nếu Tâm, Thân con người biết tu luyện cho đúng phương pháp, sẽ trở nên:

---Khang kiện.

---Trường sinh.

---Bất lão, bất tử.

Phương pháp tu Mệnh rất là đa tạp, nhưng nếu ta hiểu tu Mệnh là tu ảo thân, là tu những gì biến thiên nơi con người, thì ta thâý nó vẫn không ngoài những gì gọi là:

---Tu Tâm cho an định, sảng lạc.

---Tu Thân cho kiện khang, linh hoạt.

Tu Tâm như giới sân nộ (tức giận), giới sắc dục...

Tu Tâm tức là Thiểu Tư, Quả Dục theo chủ trương Lão Tử.

(Kiến tố, bão phác, thiểu tư, quả dục. Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch. 19)

Dịch:

Hiển dương Đạo, sống cho phác thiệt,

Ít đam mê, và ít riêng tây. (ĐĐK. chương 19.)

Nơi chương 37 ĐĐK, ta thấy Lão Tử cũng dạy y như vậy:

Kìa gương cao cả tầng cao,

Vô danh, thuần đức, nhẽ nào chẳng theo.

Sống phác giản,chẳng đeo danh lơị,

Lòng thênh thang, sạch mọi tham lam,

Không tham, lòng sẽ bình an,

Tự nhiên, thiên hạ thái khang an bình.[33]

*Tu Tâm là “Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ?” ĐĐK chương X.

Dịch:

Làm sao rũ sạch hà tì,

Gương lòng vằng vặc, quang huy vẹn tuyền.


*Tu Tâm là: Khử phàm tâm, độc tồn Chân Tính.

Dịch:

Tạp khoáng Phàm Tâm, trừ sạch hết,

Cho vàng Chân Tính hiển lộ ra...[34]



Tu Tâm là diệt trừ vọng niệm, bởi vì:

Vọng Niệm tài hưng, thần tự thiên,

Thần thiên, lục tặc loạn tâm điền,

Tâm điền ký loạn,tâm vô chủ,

Lục Đạo luân hồi, tại mục tiền.[35]


Dịch:

Vọng niệm vừa sinh, thần tự thiên,

Thần thiên, lục tặc loạn tâm điền,

Tâm điền đã loạn, thân vô chủ,

Lục Đạo luân hồi trước mắt liền.


Tu Tâm là thu nhiếp tâm thần, không cho ngoại trì, phóng đãng. Chính vì vậy mà người xưa nói:

“Đạo quí thu liễm, bất quí phát tiết.” [36]

Tiên Học Diệu Tuyển viết: Tâm vừa trì tán, lập tức thu hồi. [37] Tu Tâm quí tại Hư Tâm, quí tại vô niệm.

*Tam Mao Chân Quân có thơ:

Linh Đài trạm trạm tựa băng hồ,

Chỉ hứa Nguyên Thần, lý diện cư.

Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

Khởi năng chứng đạo, hợp Hư Vô. [38]

Dịch:

Tâm Linh vằng vặc tưạ băng hồ,

Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

Nếu để vật chi vương vấn đó,

Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô?

 * Ngoài phương pháp Tu Tâm ra, còn thấy rất nhiều phương pháp tu luyện cho thân thể trở nên khang kiện. Xin liệt kê như sau:

a. Điều Hoà Ngũ Tạng, bằng cách ăn uống thanh đạm, khởi cư hữu thường, dùng các thuốc điều hòa ngũ tạng, bồi bổ ngũ tạng.

b. Khai thông Huyết Mạch, thông thấu cốt tiết, bằng những phương pháp:

--- Án Ma, Ma Sát (Massage, kinésithérapie). [39]

--- Tập Bát Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm. (Xem phụ lục cuối chương)

--- Quán Khái tạng phủ, bằng phép nuốt nước bọt, gọi là Yết Tân, Thấu Yết. (Xem Huỳnh Đình Kinh giải, Nguyễn Văn Thọ, nơi chương Ba).

--- Thổ cố, nạp tân; thổ trọc, nạp thanh. (Thở hơi xấu, cũ ra, hít khí trời thanh khiết vào). (Xin đọc Lục Tự Quyết, nơi chương 6, Huỳnh Đình Kinh giải của tác giả).

c. Khai thông kinh mạch.

Người xưa gọi thế là:

--- Đạo Dẫn, hay Vận Khí, Điều Tức. (Xem Huỳnh Đình Kinh giải, chương 20)

--- Phục Khí. Hấp thụ Tiên Thiên Khí để nuôi dưỡng thân tâm. (Xem Huỳnh Đình Kinh Giải, chương XXX.)

Tất cả các phương pháp nói trên, dĩ nhiên là có mục đích làm cho cơ thể khang kiện.

Chúng cũng có năng lực chữa được nhiều bệnh kinh niên. Chúng cũng có thể làm cho con người sống thọ, sống khỏe, sống minh mẫn. Nhưng chắc chắn nó không thể làm cho con người Trường Sinh, Bất tử được.

Tu Mệnh là Ngoại Đạo. Tu Tính mới là Nội Đạo.

Tính Mệnh song tu.

Chính vì vậy, mà Đạo Lão, nhất là từ thời Tống, thời Nguyên đến nay, đều chủ trương tính mệnh song tu.

Người xưa có thơ:

Mệnh yêú truyền, Tính yếu ngộ,

Nhập thánh, siêu phàm do nhữ tố.

Chỉ tu Tính, bất tu Mệnh,

Thử thị tu hành đệ nhất bệnh.

Chỉ tu Tổ Tính, bất tu đơn, [40]

Vạn kiếp Âm Linh, nan nhập Thánh.

Đạt Mệnh Tông, mê Tổ Tính,

Kháp tự giám dung, vô bửu kính.

Thọ cùng Thiên Địa, nhất ngu phu,

Quyền ốc gia tài, vô chủ bính,

Tính, Mệnh Song Tu, huyền hựu huyền,

Hải để hồng ba, giá pháp thuyền.

Sinh cầm, hoạt tróc giao long thủ,

Thủy tri tượng thủ bất hư truyền. [41]

Dịch:

Mệnh phải truyền, Tính phải ngộ,

Siêu phàm, nhập thánh chính do ta.

Chỉ tu Tính, không tu Mệnh,

Đó là tu hành đệ nhất bệnh,

Chỉ tu Tổ Tính, chẳng tu Đơn,

Vạn kiếp Âm Linh, khó thành Thánh.

Đạt Mệnh Tông, mê Tổ Tính,

Khác nào soi gương, không bửu kính,

Thọ cùng Trời Đất, nhất ngu phu.

Tuy được gia cơ, dùng chẳng biết.

Tính Mệnh Song Tu, huyền thật huyền.

Sóng thần đáy biển, đẩy Pháp Thuyền.

Giao long vùng vẫy, tay không bắt,

Mới hay tay thợ chẳng hư truyền.



Muốn hiểu thêm về Tính Mệnh Song Tu, chúng ta hãy đọc thêm ít nhiều nhận định của người xưa:

*Tào Văn Dật, nữ Chân Nhân viết:

Thần thị Tính hề, Khí thị Mệnh,

Thần bất ngoại trì, Khí tự định. [42]

*Lữ Tổ toàn thư có những câu:

---Dưỡng Khí an Thần thị bí quyết. [43]

---Thần định khí hòa, khí hòa đơn kết. [44]

---Chân Đạo dưỡng Thần, ngụy Đạo dưỡng hình. [45]

---Hành, trú, tọa, ngọa, duy định, hư, linh. [46]

---Tọa tĩnh giả, thu kỳ Khí, thủ kỳ Thần dã.

---Thu kỳ phù động chi khí, nhi kỳ Khí nãi sinh.

---Thủ kỳ tán loạn chi thần, nhi Chân Thần tự hiện. [47]

Đọc mấy câu này, ta thấy ngay khi nói Tính Mệnh Song Tu, thì chữ Tính và Chữ Mệnh được hiểu là Thần, Khí, là Âm, Dương tương đối, như nơi đây Lữ Đồng Tân giải: Thủ kỳ Thần là Thủ kỳ tán loạn chi Thần.

*Tính Mệnh Song Tu có thể tóm tắt bằng mấy chữ:

Thủ Trung, Bão Nhất, Điều Tức, Ngưng Thần. [48]

Khí tụ, Thần ngưng tắc hoạt, Khí tán thần ly tắc tử. [49]

* Sách Trúc Trai Đạo Ngữ có ghi:

Tu tính là công trình luyện Tâm, Tu Mệnh là cải biến khí chất. [50]

Nhận định như vậy, là các vấn đề trở nên sáng tỏ.

Châm Thạch Tử viết: “Thần vi Tính, Tức vi Mệnh. Quang phong, tễ nguyệt, Tính Công dã. Chân tức miên miên, Mệnh Công dã". [51]

“Thần là Tính, Tức (Hơi Thở) là Mệnh. Tâm như gió mát, trăng trong, đó là Tu Tính. Hơi thở điều hòa, liên tục, đó là Tu Mệnh.”

Tính Mệnh Song Tu chung qui chỉ là điều tức, ngưng Thần (Trương Tam Phong). [52]

* Mã Hợp Dương nhận định về Tu Tính, Tu Mệnh như sau: "Nho gia nói: Dưỡng Tiểu Thể nơi mình là Tiểu Nhân; dưỡng Đại Thể nơi mình là Đại Nhân. Cái Bản Lai Tính Mệnh nơi mình là Đại Thể, không chốn,không nơi, thông thiên, triệt địa. Còn cái Nhục Thể hậu thiên và Vọng Niệm nơi ta là cái Tiểu Thể hèn hạ nhất. Đại Nhân thơì ức vạn niên không hủy hoại, tiểu nhân thời sinh tử, luân hồi". [53]

Nếu trên quá trình tu luyện, mà con người biết suy tư như vậy, thì còn gì hay hơn?

Nhận định tổng quát về Tính Mệnh Song Tu.
Trên đây, ta đã trình bày 1 cách trung thực về thế nào là Tính, thế nào là Mệnh, thế nào là Tính Mệnh Song Tu.

Thiết tưởng cần phải nhận định hẳn hoi về vấn đề này:

A. Trước hết, ta thấy các bậc Chân Nhân trong Đạo Lão, có nhiều vị đã không bận tâm đến những công trình tu luyện xác thân, như ta đã thấy mô tả nơi trên. Đó lại là những bậc sáng lập ra Đạo Lão, hay những tao nhân, mặc khách nổi danh 1 thời. Đó là Lão Tử, Trang Tử, Thiệu Khang Tiết, Tô Đông Pha, Đào Tiềm v.v...[54]

Trang tử nhận định như sau: “Suy bào, hô hấp, thổ cố nạp tân", (làm những động tác như) gấu trèo, chim lượn, chỉ cốt là để tăng tuổi thọ. Đó là những ngươì thuộc phái đạo dẫn (Vận khí điều tức), muốn sống lâu như Bành Tổ...

Thánh Nhân không cần khắc ý mà vẫn cao nhân đức, không câu nệ Nhân Nghĩa mà vẫn tu, không màng công danh mà vẫn trị, không chu du sông biển mà vẫn ở khắp nơi, không đạo dẫn mà vẫn thọ, quên mọi sự mà vẫn có mọi sự, điềm nhiên vô cực mà mọi vẻ đẹp vẫn theo. Đó là đạo Trời Đất, đó là đức của Thánh Nhân...

Cho nên nói: Điềm đạm, tịch mịch, hư vô, vô vi là sự thảnh thơi của Trời Đất, là chất liệu của đạo đức. Cho nên Thánh Nhân thảnh thơi và bình dị, bình dị nên điềm đạm. Bình dị, điềm đạm nên ưu hoạn không thể xâm nhập, tà khí không thể tập kích, cho nên đức toàn mà Thần vẹn. Thánh nhân sống thời Thiên Hành (Hành Động tự nhiên), mà chết là Vật hóa (chịu định luật biến hóa chi phối hình hài). [55]

Thiệu Khang Tiết có thơ:

“An lạc ngũ thập niên,

Nhất đán cảm trọng tật,

Nhưng tại thịnh hạ trung,

Phục trẩm cơ bách nhật.

Biêm cứu dữ dược thạch,

Bách liệu hiệu vô nhất,

Dĩ mệnh thính vu Thiên,

Ư tâm hà sở thất? [56]

 Dịch:

An lạc năm mươi năm,

Một hôm lâm bệnh nặng.

Gặp tiết Hạ nấu nung,

Liệt giừơng gần bách nhật.

Châm cứu đủ mọi cách,

Mà không công hiệu gì,

Sống thác phó mặc Trời,

Tâm ta đâu mất mát.

Như vậy có nghĩa là: Thánh Nhân, Chân Nhân một khi đã tìm ra được Bản Lai Diện Mục của mình, khi đã tìm ra được Thiên Tâm rồi, thì sống tự nhiên, bình dị. Chính vì vậy, mà Nhập Dược Kính có thơ:

Đại Đạo hư vô, pháp tự nhiên,

Tự nhiên chi ngoại, cánh vô huyền.

Trí nhu, chuyên khí anh nhi dạng,

Cơ tức cầu san, khốn tức miên. [57]

Dịch:

Hư vô, đạo phỏng tự nhiên,

Ngoài ra còn có phép huyền nào đâu.

Sống đời thanh thản, tiêu dao,

Đói ăn, khát uống, khác nào anh nhi.


B. Xác Thân con người có thể trường sinh, bất lão.

Sau này, có nhiều người lại đảo ngược vấn đề. Thay vì tin rằng: Chỉ có Nguyên Thần, Nguyên Thần trong con người là Bất tử, họ lại chủ trương xác thân này nếu biết tu luyện, có thể trở nên bất tử. Sách Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện Bảo Điển gọi chủ trương này là: Nhục Thể chi trường sinh bất lão. Dĩ nhiên là đã có nhiều người tin như vậy, và bên Trung Hoa đã có thời thịnh hành phong trào luyện thuớc trường sinh. Ta cũng nên nhớ: Tần Thủy Hoàng đã sai Từ Phúc, Hán Vũ Đế đã sai An Kỳ Sinh vượt thuyền ra Đông Hải để tìm thuốc trường sinh bất lão. Và chủ trương này, dĩ nhiên, được gắn liền vơí các phương pháp Tu Mệnh đa đoan, mà ta đã đề cập đến ở trên.

Chỉ nên nhận định rằng: Xác Thân không thể nào trường sinh bất tử được, cho nên Tu Mệnh chỉ có thể Diên Niên Tăng Thọ, làm ta sống thêm ít tuổi mà thôi. Mà Diên Niên, Tăng Thọ không được coi là Đạo. Chính vì vâỵ mà các Đạo Gia thường cho rằng: Cái mà chúng ta mệnh danh là Tu Xác Thân chỉ là Ngoại Đạo, chỉ là Bàng Môn Tả Đạo.

Lữ Đồng Tân cũng đã viết: Chân Đạo dưỡng Thần, Ngụy Đạo dưỡng hình.[58]

Trương Tử Dương trong sách Ngộ Chân Thiên viết:

Yết tân, nạp khí thị nhân hành,

Hữu dược phương năng Đạo Hoá sinh. [59]

Trương Bình Thúc có thơ:

Huyền Tẫn chi môn, thế hãn tri,

Hưu tương khẩu vị, vọng thi vi.

Nhiêu quân thổ nạo kinh thiên tải,

Tranh đắc Kim Ô, nạch thố nhi. [60]

Dịch:

Huyền Tẫn chi môn, chẳng hiểu gì,

Mới đem mũi miệng, vọng tác vi.

Dẫu anh thổ nạp, ngàn năm suốt,

Tiên đan đoạt được, dễ dầu chi.


Nếu ta hiểu tu là làm cho con người trở nên hoàn hảo, thì nói Tính Mệnh Song Tu tức là chấp nhận Tính và Mệnh, Thần và Khí đều ở tronh vòng Hậu Thiên, tương đối. Mà đã nói Tương Đối thời phải nói Biến Thiên, sinh tử. Cho nên ta phải hiểu công phu tu luyện Tính Mệnh nói trên là cốt để từ Hậu Thiên phản hoàn lại Tiên Thiên.

Và để chúng ta thấy rõ đường hướng Tính Mệng Song Tu, ta ghi nhớ:

1. Tu Mệnh (tu xác) cho thân thể khang cường.

2. Tu Mệnh (tu phàm tâm) để diệt trừ vọng tâm, vọng niệm.

3. Mục đích tối hậu là làm sao cho Thiên Tâm hiện ra, làm sao cho Tâm Tử, Thần Hoạt. (Tu Tính).

Chính vì thế mà Tung Ẩn Tử đã viết:

---Giữ cho tâm bình thản, thì sẽ tuyệt được niệm lự, du tư. (Tu Mệnh, tu phàm tâm).

---Ngồi ngay ngắn thân hình, giữ cho không còn thiên kiến. (Tu Mệnh, tu xác thân).

---Như vậy, Linh Đài sẽ thanh tĩnh và Nguyên Thần tự nhiên sẽ tới. (Tu Tính) [61]

Cao sĩ thời Tu Tính trước, Hạ sĩ thời Tu Mệnh trước.

Mục Đích của Tính Mệnh Song Tu chính là phát huy tất cả các tiềm năng, tiềm lực trong con người, và chính là công trình vĩ đại đi tìm và làm hiện ra Thượng Đế Nội Tại, mà Đạo gia gọi là Nguyên Thần, Thiết Hán, Bất tử Nhân hay Bản Lai Diện Mục.

*Hết chính văn

***********     

CHÚ THÍCH


[1] Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 57.

[2] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phù Sâm chủ biên, tr. 49.

[3] Tiên học diệu tuyển, tr. 243.

[4] 神 為 性, 息 為 命。 Tiên Học, tr. 15

 一 神 一 氣, 即 是 一 陰一 陽 。

Liễu Hoa Dương, Kim Đơn Chính Luận. Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 1128.

凡 學 道 之 , 能 認 神 氣 之 道, 即 是 陰 陽 性 命 之道 也。

Lý Hàm Hư, Đạo Cùng Đàm. Như trên. tr. 1128.

後 天 之 道, 神 气 也。先 天 之 道, 性 命 也。ib. 1128.

[5] 性 為 法 身 上 事, 命 為 幻 身 上 事, 性 乃 無 為 之 道, 命 乃 有 為 之 道。

Ngộ Chân trực Chỉ, q. 3, tr. 1.

[6] Tính giả nội dã, Mệnh giả, ngoại dã. Dĩ nội tiếp ngoại, tất Đại Đạo thành hĩ.

Viên Tử, Tiên Học diệu tuyển, tr. 340.

[7] Thông bộ Ngộ Chân Thiên vô phi chỉ điểm nội ngoại nhị dược. Nội dược thuộc Tiên Thiên. Ngoại dược khước tu tòng hậu thiên phản Tiên Thiên. Cái vô tu, vô chứng, thiên nhiên cụ túc giả, vị chi nội dược. Hữu tác, hưũ vi, phản hoàn bản nguyên giả, vị chi ngoại dược. Nội dược liễu tính, thể cụ trung hoàng. Tức Nguyên Thần , nhi nhiếp tinh khí giả dã. Ngoại dược liễu Mệnh, dụng ký Khảm, Ly, tức Thân Tâm nhi hợp Chân Ý dã,

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 135.

[8] Hà vị Tính? Bất thức, bất tri, thuận Đế chi tắc, tức thị Tính. Viên đà đà, quang trước trước, tịnh khỏa khỏa, xích xái xái, tức thị Tính. Vô dục dĩ quan kỳ diệu.

Hà vị Mệnh? Nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh, tức thị Mệnh.

Hữu dục dĩ quan kỳ Khiếu. Thị vị Mệnh.

Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 216.

[9] Tính giả Chân Tâm dã.

Tiên học diệu tuyển, tr. 142.

[10] Vô Thượng chính đẳng chính giác tức thị Chân Như Bản Tính, diệc danh Tự Tính Thanh Tịnh Tâm (Huyền Diệu Hòa Thượng, tác giả Thích Thủy Tập).

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 433.

[11] Chí Tuyệt Đối cảnh giới, tức thị chứng Tính. Chứng Tính tu yếu Vô Niệm. Niệm giả, phân biệt tâm dã. Hữu phân biệt tâm, tức lạc ư đối đãi.

Dục kiến Bản Tính, tất ly danh, tuyệt tướng, phá kỳ ngã kiến.

Như trên. tr. 433.

[12] Cái “Lý Thiên” giả, Tính dã, “Khí Thiên” giả, Mệnh dã. Tại Tiên Thiên, Tính Mệnh bất phân, cưỡng biệt chi vi Lý dữ Khí. Tại Hậu Thiên, tất tu Tính Mệnh Song Tu.

Phỏng Đạo Ngữ Lục, tr. 399.

[13] Tiên Học, tr. 90.

[14] Phỏng Đạo Ngữ Lục, tr. 291.

[15] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 232.

[16] Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện, tr. 27.

[17] Trung Hoa Đạo Giáo Đại từ Điển, Hồ Phù Sâm chủ biên tr. 48---50.

[18] Tiên Học Từ Điển, Tục tập. tr. 25.

[19] Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 216.

[20] Tiên Học, Hưá Tiến Trung, tr. 30.

[21] Phỏng Đạo ngữ lục, Lý Lạc Cầu biên tập, tr. 146.

[22] Vô Vi giả , luyện kỷ dã, Tính công dã. Khử Tam Tâm, diệt tứ tướng, tuyệt lục dục, đoạn thất tình, nhất thiết tục lự câu vong dã.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 173.

[23] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 191.

[24] Tri Thiên xuất ư Đạo, Tính thọ ư Thiên, cố Minh Tính tức thị Minh Thiên, Minh Thiên tức thị Minh Đạo... Bảo kỳ Tính, toàn kỳ sinh, nhi đạt Thiên, hợp Đạo dã.

Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, q. 1, tr. 1b.

Năng toàn kỳ Tính Thiên, vị chi tận Tính hợp Thiên.

Như trên. q. 1, tr. 2a

[25] Vấn kỳ sở vị tu Tính giả, tắc viết: Thành Tâm quả dục, thanh tĩnh vô vi dã. Mặc tư sở dĩ triều Thượng Đế dã.

Như trên, q. 3, tr. 51.

[26] Duy hữu trung gian, nhất điểm Chân Thường, trạm tịch, nãi Ngã bất sinh bất diệt, trường tồn vạn cổ chi thân. Quả ngoại bất nhiễm nhất trần, nội bất tạp nhất niệm, thường giác Ngã Thanh Tịnh Liễu Linh, tắc Hư Vô Diệu Giác chi Tính Chân, tự dữ Thiên Địa Đồng kỳ chung thủy.

Cung Tùng Tiên, Tiên Học Tập Cẩm, tr. 58, 59.

[27] Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, q. 1, tr. 1b.

[28] Đãn an Thần tức, tức thị Thai Tiên.

Tiên Học, tr. 192.

[29] Thần tức, tức thị thai tức, diệc tức Mậu Kỷ dã

Tiên Học, tr. 192.

[30] Cùng thủ sinh thân, thụ Khí sơ, tức Thiên Tâm dã, Chủ Nhân Ông dã.

Như trên. tr. 78.

[31] Tính khiếu ngoại vi Tín môn (cái thóp), nội vi Nê Hoàn. Mệnh Khiểu ngoại vi Tề luân (Rốn), nội vi Khí huyệt.

Tiên Học Từ Điển, Tục Tập tr. 25.

Xem thêm Triết tự của 2 chữ Tính Mệnh (Tính Mệnh tự nghĩa) củng nơi tr. 25 này.

[32] Vấn kỳ sở vị Tu Mệnh giả, tắc viết: Tịch cốc, đạo dẫn dã, phục thực kim thạch, dược vật dã, phòng trung thái thủ Nguyên Âm dã.

Văn Đạo Tử, Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, q. 3 tr. 52.

[33] Hóa nhi dục tác, dĩ vô danh chi phác, Vô danh chi phác, diệc tương vô dục, bất dục dĩ tịnh, thiên hạ tương tự định.

Đạo Đức Kinh, chương 37, Bản Dịch Nguyễn Văn Thọ.

[34] Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết yếu. tr. 2a.

[35] Doãn Chân Nhân,Tính Mệnh Khuê Chỉ. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 381.

[36] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 293.

[37] 心 若 馳 散, 即 便 攝 來T

Tâm nhược trì tán, tức tiện nhiếp lai.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 380.

[38] Tống Long Uyên, Đạo Đức Kinh Giảng Nghĩa, tr. 14.

[39] Xem Huỳnh Đình Kinh của tác giả, tr. 6.

[40] Như vậy ta thấy Tu Đơn có thể được hiểu là Tu Mệnh. Sách Tiên Học Tập Cẩm, nơi tr. 229, có nói: Tu Kim Đan dĩ liễu Mệnh. 修 金 丹 以 了 命。

[41] Tiên Học Từ Điển, tr. 110, nơi bài Sao hào ca .

[42] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 243.

[43] Như trên. tr. 230.

[44] Như trên. tr. 232.

[45] Như trên tr. 232

[46] Như trên. tr. 232.

[47] Như trên. tr. 236.

[48] Như trên, 332

[49] Khí tụ, Thần ngưng tắc hoạt, khí tán thần ly, tắc tử.

Tiên Học, tr. 5.

[50] Tu Tính thị tâm lý thượng đích công phu, Tu Mệnh thị cải biến khí chất.

Tiên học, tr. 66.

[51] Tiên Học, tr. 43.

[52] Tam Phong viết: ”Điều tức, ngưng Thần, ngưng Thần, điều tức”

Tiên Học Tập Cẩm, tr. 63.

[53] Tiên Học, cuối tr. 67.

[54] Tiên Học, tr, 93, 94.

[55] Nam Hoa Kinh, Khắc Ý, đoạn A và B.

[56] Tiên Học, tr. 94

[57] Nhập Dược Kính tr. 6b.

[58] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 232.

[59] Huỳnh Đình Nội Cảnh, Tử hà chú, tr. 6.

[60] Tính Mệnh Khuê Chỉ, Hanh, tr. 13b.

[61] Thản bình kỳ tâm, tắc tuyệt vô niệm lự, du tư. Đoan chính kỳ thân, bất dĩ nhất thiên chi kiến, tắc Linh Đài thanh tĩnh, Nguyên Thần tự hiện.

Huỳnh Đình ngoại cảnh, Tung Ẩn Tử chú, q. thượng, tr. 11.

--------------------------------------------

****************       

CHƯƠNG XII

ĐƠN ĐẠO MẠN ĐÀM.

(BÀN VỀ LUYỆN ĐƠN)


Đơn đạo là một vấn đề hết sức phức tạp, khó hiểu. Lý do là vì:

--- Chính vấn đề đã khó.

--- Người viết thì giữ bí mật, không chịu công truyền. [1]

--- Người không biết, thì luận xằng, nghĩ bậy, rồi cũng viết sách để đời, thành thử vàng thau lẫn lộn, mắt cá lộn sòng với chân trâu,

Trong chương này, chúng ta sẽ cố gắng:

--- Nhìn bao quát về Đơn Đạo.

--- Tìm hiểu đơn đạo cho có mạch lạc.

--- Kiểm điểm và nhận định về đơn đạo.


Ít dòng lịch sử.

Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên sơ phác ít dòng lịch sử về đơn đạo.

Đơn Đạo manh nha từ thời Chiến Quốc, [2] hình hiện vào thơì nhà Hán, [3] thời Tấn nhờ:

---Ngụy Bá Dương, thời Đông Hán, người Cối Kê, tác gỉa bộ Tham Đồng Khế.

---Cát Hồng, Bão Phác Tử, chết năm 61 tuổi đời vua Tấn Thành Đế, trong niên hiệu Hàm Hòa (284---344). Tác giả Bão Phác Tử nội ngoại thiên.

Đơn Đạo hoành dương vào thời Đường, thời Tống nhờ:

---Chung Ly Quyền thời Đường mạt Ngũ Đại, sư phụ của Lữ Đồng Tân, Trịnh Văn Thúc, Vương Lão Chí. Tác giả: Hoàn Đơn Ca, Phá Mê Chính Đạo Ca v.v...

---Lữ Đồng Tân [4] sinh đời Đường Đức Tông, Nguyên Trinh niên gian (798---?). Truyền thuyết cho rằng năm 862, khi ấy Ông đã 64 tuổi, mới gặp được Chung Ly Quyền.

---Trương Bá Đoan (987---1082) và đồ đệ (Nam Tông Phái chủ). (Tống)

---Vương Trùng Dương (1112---1170) và đồ đệ (Bắc Tông Phái Chủ. (Cuối thời Tống).

Thời Tần, Hán các đạo sĩ chuyên luyện ngoại dược, nghiã là dùng những chất liệu bên ngoài.

Từ Chung Ly Quyền và Lữ Đồng Tân, đơn đạo mới chuyển ngược hướng, và cho rằng trong con người đã sẵn có các chất liệu để luyện thuốc trường sinh. [5]

Đến thời Minh, thời Thanh, ta thấy có thêm ít nhiều môn phái mới xuất hiện. Tuy nhiên, môn phái nào cũng cho mình là đệ tử chân truyền của Chung, Lữ nhị tổ. Các môn phái mới đó là:

---Lục Trường Canh tự Tiềm Hư (Đông Tông phái chủ) (Minh).

---Lý Tây Nguyệt tự Hàm Hư (Tây Tông phái chủ) (Thanh).

---Lý Đạo Thuần (Trung Phái chủ)

I. Cái nhìn bao quát vỀ Đơn ĐẠo.
Lý Đạo Thuần (Trung phái chủ) đã cho ta một cái nhìn khái quát về Đơn Đạo, Nó toát lược cho ta khuynh hướng chính yếu của các môn phái, và đồng thời cũng giúp ta đánh giá các khuynh hướng đó.

Tài liệu này đã đăng tải trong phần Phụ Lục của quyển Đại Thành Tiệp Kính, nơi các tr. 135---142 của Dương Thanh Lê. Tôi toát lược như sau:

Đơn Đạo có thể chia làm 3 loại chính:

--- Bàng Môn Cửu Phẩm.

--- Tiệm Pháp Tam Thừa.

--- Tối thượng nhất thừa.

Chúng ta sẽ đi sâu thêm vào tính chất, phương pháp, quan niệm của mỗi loại tu trì, với các phân phái của nó.

1. Bàng Môn tả đạo cửu phẩm: ---

Gồm chín loại: Tà đạo (thượng, trung, hạ), Ngoại đạo (thượng, trung, hạ), Bàng Môn (thượng, trung, hạ).

a. Tà Đạo (Thượng, Trung, Hạ).

Chủ trương: Phòng trung thái chiến. Lấy vấn đề giao hoan, luyến ái làm bí thuật trường sinh..

b. Ngoại Đạo (Thượng, Trung, Hạ).

Chủ trương:

--- Hưu lương, tịch cốc.

Hoặc:

--- Sái bối (phơi nắng lưng)

--- Ngọa băng (nằm trên băng)


*Hoặc muốn nuôi thân bằng cách:

---Thôn hà (nuốt mây Trời)

---Phục Khí (nuốt khí Trời)

---Nuốt ánh sáng các vì sao, nuốt Khí ngũ phương, hấp thụ tinh hoa của hai vầng nhật, nguyệt v.v...

c. Bàng Môn (thượng, trung, hạ)

*Chú trọng:

1 Các phương pháp vận động để luyện tập thân thể như:

---Bát đoạn cẩm.

---Thổ nạp.

---Lục tự chú [6].

---Ma sát (massage)

---Chuyển vận con người.

---Chuyển vận xương sống.

*Hoặc Tồn Thần, Chú Ý vào:

---Đơn Điền (thủ đơn điền)

---Rốn (thủ tễ luân)

---Ấn đường (lưỡng mi gian) (Thủ ấn đường)

---Mặc triều Thượng đế (Yên lặng triều kính Thượng Đế).


* Bị Chú. Ta thấy các môn phái trên giống nhau ở chỗ:

---Lệ thuộc vào ngoại cảnh, ngoại vật rất nhiều.

---Dùng những phương tiện phi lý như nuốt mây trời, nuốt ánh sáng các vì sao v.v...

Vả lại, tôn chỉ của Đạo Lão là cố sống cho thật tự nhiên, theo đúng các định luật tự nhiên, cho nên những gì tần phiền, phức tạp, là Đạo Lão hết sức tránh.

Cho nên xếp những hạng người trên vào Tà Đạo hay Ngoại Đạo thật không oan.

2. Tiệm Pháp Tam Thừa. (ba hạng tiệm tu):

---An lạc pháp môn.

---Dưỡng mệnh pháp môn.

---Diên sinh pháp môn.


* Hạ Thừa Đơn Pháp hay An Lạc Pháp Môn.

Chú trọng:

---Luyện Tinh

---Điều hòa ngũ tạng.

---Tu luyện xác thân.


*Trung thừa Đơn Pháp hay Dưỡng Mệnh Pháp Môn.

Chú trọng:

---Luyện khí.

---Điều hòa Tinh, Thần, Hồn, Phách.


* Thượng thừa Đơn Pháp hay Diên Sinh Pháp Môn (tăng Thọ)

Chú trọng:

---Luyện Tâm.

---Trừng phẫn (nén giận), trật dục (trừ dục).

---Diệt trừ vọng niệm.


* Bị Chú.

Ta thấy khuynh hướng 3 môn phái này là đi dần dần vào Tâm.

3. Tối thượng thừa (hay Vô Thượng Chí Chân Đại Đạo).

Chủ trương:

---Tẩy Tâm, địch lự.

---Định, Tuệ.

---Thanh Tĩnh, Vô Vi.

---Khế hợp với Thái Hư, Thái Cực.

*Bị Chú: Đó chính là Thiên Tiên Chi Đạo.


****************       


II. Tìm hiểu Đơn Đạo cho có mạch lạc: ---

Muốn hiểu Đơn Đạo cho có mạch lạc, trước hết chúng ta phải nhìn nó dưới 2 khía cạnh:

---Triết Học.

---Đạo Giáo.

a. Nhìn Đơn Đạo dưới khía cạnh Triết Học.

Dưới khía cạnh triết học, Đơn Đạo chung qui vẫn là tất cả công trình suy tư về Bản Thể Chân Thực của con người, cũng như tất cả các phương pháp, các giai trình để thực hiện Bản Thể Chân Thực ấy.

Đơn Đạo chẳng qua là những áp dụng của Kinh Dịch vào phương pháp tu trì.

Theo Dịch, thì Bản Thể vũ trụ là Thái Cực, duy nhất, duy tinh.

Thái cực này đã sinh xuất ra vũ trụ và ra con người bằng cách phóng phát, tán phân, và luôn tiềm ẩn trong lòng con người.

---Suy tư, tìm kiếm cốt là để tìm ra căn bản ấy.

---Tu luyện cốt là để trở về với căn bản ấy.

---Trường sinh, bất tử chính là khế hợp với căn bản ấy.

Nếu Thái Cực đã phóng phát ra con người, và ra quần sinh, vũ trụ, thì con đường về với Thái Cực là con đường nội tâm, phương pháp tu luyện để trở về với Thái Cực là phương pháp Thu Nhiếp, Ngưng Tụ và Hoà Hài (Thu Thần, nhập định, ngưng Thần, tụ Khí, hoà hài Âm Dương. Con đường Nội Tâm chính là Chiều Nghịch của vòng Dịch. Nếu Thái Cực đã tiềm ẩn đáy lòng, thì Trường Sinh Dược, mục đích của khoa Luyện Đơn cũng đã sẵn có nơi Thân, Tâm con người.

b. Nhìn Đơn Đạo dưới khía cạnh Đạo Giáo.

Nói theo từ ngữ Đạo giáo, từ ngữ Huyền học (mysticism), thì Đơn Đạo chính là công trình tìm Thượng Đế nơi đáy lòng. Đông, Tây đều ước muốn tìm ra con đường này. Ngày nay, người ta gọi đó là Con Đường huyền nhiệm, hay đạo huyền đồng (mysticism).

Mục đích tối hậu của đơn đạo chính là đI đến chỗ Khế Hợp với Thiên Tâm, với Thượng Đế. Đạo Đức Kinh, chương 68, gọi thế là Phối Thiên. Lão Giáo gọi thế là Thiên Nhân hợp Nhất. Phối Thiên là Trường Cửu. Nó chính là Niết Bàn của Phật Giáo.

Tất cả các phương pháp tu luyện chung qui là sửa sang cho Tâm thần trở nên xứng đáng làm tòa ngôi của Thượng Đế Chí Tôn.

Những nhận định trên đây của tôi hết sức là trung thực, không thiên về một Đạo Giáo nào, vì đó là kho tàng chung của nhân loại.

c. Áp dụng những quan niệm trên để tìm hiểu Đơn Đạo.

Với những quan niệm trên làm kim chỉ nam, ta sẽ đi vào Đơn Đạo một cách hết sức thoải mái.

1. Trước hết, ta tìm hiểu về chữ Đơn.



Chữ Đơn, đầu tượng Nhật, chân tượng Nguyệt.

Chấm ở giữa là Thử Châu (Thái Cực)

Nét ngang là “Được”.

Trước thời Hán, thì gọi là Đạo, sau thời Hán thì gọi là Đơn. [7]

Thế nghĩa là: Đơn chính là Thái Cực, bao quát Âm Dương, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và thu gọn lại ở thế cực tiểu, như hạt vừng (Thử) theo từ ngữ Trương Tam Phong. Tu Đơn Đạo cốt là để Đắc Thái Cực, Đắc Đạo, vì Đơn chính là Đạo, là Thái Cực vậy.

---Đơn chính là Độc Nhất. Chỉ có Đạo là Độc Nhất Vô Nhị, cho nên gọi là Đơn. Trời được Một thời trong xanh, đất được Một thời đầy đặn, người được Một thời Trường Sinh. [8]

Định nghĩa này cho thấy: Muốn trường sinh phải Đắc Đơn, Đắc Đạo, Đắc Nhất.

---Kết Đơn chi Đạo chỉ là Nhất mà thôi. Mà Nhất chẳng qua chỉ là Hư mà thôi. [9]

Định nghĩa này đưa ta trở về với Hư với Vô Cực.

Định nghĩa này còn cho thấy Đơn là Thái Cực tiềm ẩn trong thân.

---Tâm là Đơn, Đơn là Tâm. [10]

---Đơn là Đạo, Đạo là Đơn. [11]

---Đơn là Bản Thể, là gốc gác của Trời đất, vạn vật.


Cái gì là Gốc của Trời đất, vạn vật? Đó là Đơn, là Đạo. Nó Hư Vô không thể đặt tên, nên tạm gọi là Đạo. Hư sinh Một, Một sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư. [12]

Định nghĩa này lại càng cho thấy: Đơn là Thái Cực và sách Đại Đỗng chân kinh cũng cho rằng:

Muốn tìm gốc gác phải tìm nơi Thái Cực.[13].

Xướng Đạo Chân Ngôn còn cho rằng: khi con người bừng tỉnh, nhận ra được Thái Cực nơi Tâm, tức là nhìn thấy Bản Lai Diện Mục của mình, thấu triệt được Căn Nguyên của mình. [14]

Những danh từ như:

---Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ. [15]

---Thử mễ bảo Châu. [16]

---Nhất lạp Kim Đơn. [17]

---Nhất lạp túc [18],

đều là những danh từ để chỉ Thái Cực tiềm ẩn nơi Tâm.

---Kim Đơn.

Kim là Pháp Thân bất hoại

Đơn là Thực Tướng Viên Mãn. [19]

Định nghĩa này cho thấy: Đơn của Lão Giáo tức là Pháp Thân của Phật Giáo.

---Đơn Đạo dạy con người con đường Hoàn Phản, Phản Bản, Hòan Nguyên. Chính vì thế mà người xưa định nghĩa:

Thất phản là Phản Bản.

Cửu Hoàn là Hoàn Nguyên.[20]

2. Muốn phản bản hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch. chiều hướng nội.

Muốn phản bản, hoàn nguyên phải đi theo chiều nghịch, chiều qui tâm, hướng nội.

“Thuận sinh nhân, nghịch sinh Đơn.” (Trương Tam Phong).

“Thuận vi phàm, nghịch vi tiên.” [21].

“Phải hồi tâm, mới có thể hướng Đạo.: [22]

Tôn Bất Nhị viết:

Thuận kỳ cơ, để hành nhân đạo. [23]

Nghịch kỳ cơ, để hành Tiên Đạo.[24]4

Sinh cơ ngoại phát, gọi là Thuận. [25]

Sinh cơ nội liễm, gọi là Nghịch. [26]


Tiên Học Diệu Tuyển viết:

“Kim đơn Đại Đạo từ Hữu Vi nhập Vô Vi, tức là Liễu Mệnh (lo cho thân thể khang cường NVT), kiêm Liễu Tính (tu tâm, luyện Thần NVT), có như vậy Thần Hình mới song toàn, viên mãn.” [27]

Xướng Đạo Chân Ngôn viết:

“Tâm nội quan tâm, mịch bản tâm,

Tâm tâm câu tuyệt, kiến Thiên Tâm.

Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

Ngoại đạo, thiên ma bất cảm sâm.” [28]

Dịch:

Rong ruổi trong tâm, kiếm bản tâm,

Phàm tâm diệt tích, kiến Chân Tâm.

Chân Tâm minh triệt, thông tam giới,

Ngoại đạo, thiên ma chẳng dám sâm.

“Xưa nay, thánh hiền cầu Đạo, đều không hướng ngoại tìm cầu. Chỉ tĩnh định mà cầu ở nơi nhất tâm...trong đó có đủ mọi sự.” [29]

Tôn Bất Nhị còn gọi công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên là Cửu Chuyển hoàn đơn, hay Phản Hoàn, Nghịch Chuyển. [30]

Kim Đơn Đại Đạo trọng tại Nghịch Chuyển Tạo Hoá, cho nên nếu Tạo Hoá phát tán đi từ Nhất ra Vạn, để sinh hóa ra vạn hữu, thì Tu Đơn phải đi từ Vạn trở về Nhất, phải thu nhiếp, hòa hài, tập hợp để trở về vơí Thái Cực Tiên Thiên. [31]

Trương Bá Đoan cũng lý luận tương tự như vậy. Ông viết:

“Nhận rằng Đạo từ Hư Vô sinh xuất vạn vật, theo chiều Thuận, còn Tu Nội Đơn thời đi ngược lại: Phải trở về Hư Vô, phải hợp nhất với Đạo.

Luyện Đơn diệu dụng, theo Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận chuyển, sinh Ngũ Hành.

Ngũ Hành thuận chuyển sinh sống chết,

Ngũ Hành nghịch chuyển hoá Kim Đơn.” [32]

3. Phải thu nhiếp tất cả về Một.

---Thu nhiếp ngũ khí, ngũ hành (Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý) trở về Thái Cực.

Người xưa gọi thế là Toàn Thốc Ngũ Hành hay Ngũ Khí Triều Nguyên.

---Thu nhiếp tứ tượng (tinh thần, hồn, phách) về vơí Thái Cực. Người xưa gọi thế là: Tứ Tổ qui gia.

---Thu Nhiếp Tam Tài về cùng Thái Cực (Tinh, khí Thần).

---Tam Hoa qui đỉnh.

---Thu Nhiếp Lưỡng Nghi về cùng Thái Cực (Lưỡng Nghi đây là Thần Khí). Và tới đây, thì các danh từ trở nên vô cùng hùng hậu, bởi vì thay vì dùng 2 chữ Thần Khí, thì người ta nói Long Hổ: Anh Nhi, Xá Nữ; Kim Ô, Ngọc Thố; Diên, Hống; Hắc Qui, Xích Xà; Khảm Ly; Thủy Hỏa; Âm Dương; Kim tinh, Mộc dịch; Mã Ngưu; Thần Thủy, Hoa Trì v.v...

4. Thu Nhiếp tất cả về Thái Cực, Trung Cung.

---Muốn thu nhiếp, phải thu nhiếp về một nơi nào. Nguyên tắc là thu nhiếp về Trung Cung, Thái Cực. Lúc ấy, Trung Cung Thái Cực được gọi là Huỳnh Bà Xá, Trung Cung, Trung Hoàng, Mậu Kỷ Môn, Phục Mệnh quan v.v...

Nhưng trên thực tế là thu nhiếp về 1 Đơn Điền nào đó trong con người (hoặc Thượng, Trung, Hạ). Nhưng chung qui, thường là thu nhiếp về Thượng Đơn Điền hay Nê Hoàn Cung.

Tính Mệnh Khuê Chỉ tóm tắt bằng câu sau:

“Tứ Tượng, Ngũ Hành toàn thốc ư nhất đỉnh. Hồn hữu linh ư Thiên Cốc, Lý Ngũ Khí ư Nê Hoàn.” [33]

Nếu ta dùng quan niệm Đạo Giáo mà tìm hiểu khoa Luyện Đơn, ta sẽ thấy 1 chiều hướng thứ 2, với những nét chính yếu sau đây:

Trong tâm ta có Đạo, có Trời, mà ta chẳng biết, chẳng hay. Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 11a có thơ:

Tá vấn Chân Nhân hà xứ lai?

Tòng tiền nguyên chỉ tại Linh Đài.

Tích niên, vân vụ, thâm già tế,

Kim nhật tương phùng, đạo nhỡn khai.

Dịch:

Chân Nhân ướm hỏi tới từ đâu?

Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu.

Thủa trước Linh Đài vân vụ phủ,

Ngày nay gặp gỡ hết xa nhau.

Như vậy, con người phải tu tâm, luyện kỷ, định tĩnh, thanh hư, để mong thấy Đạo, thấy Trời hiện ra trong tâm khảm mình.

Tam Mao Chân Quân có thơ:

Linh Đài trạm trạm tự băng hồ,

Chỉ hưá Nguyên Thần lý diện cư.

Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

Khởi năng chứng Đạo, hợp Hư Vô.

Dịch:

Tâm linh vằng vặc tự băng hồ,

Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

Nếu để vật chi vương vấn đó,

Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô.

****************       


5. Tu Luyện phải Kiến Thiên Tâm, mới là Giác Ngộ. Đó là vào được quẻ Phục trong con người.

Tu luyện mà tự nhiên kiến Thiên Tâm, thời là lúc giác ngộ. Người xưa gọi là Hoạt Tí Thời. Thời kỳ này sẽ cho ta chứng kiến được những thay đổi, những chuyển biến hết sức quan trọng, lớn lao trong tâm hồn. Gọi là Hoạt Tí, vì nó thay đổi tùy người không nhất định. Chúng ta khi đi tới 1/2 cuộc đời, vào khoảng 36 tuổi, là lúc có thể Kiến Thiên Địa chi Tâm, là lúc có thể giác ngộ. Đức Phật và Huệ Năng chẳng hạn giác ngộ năm 36. Có nhiều người chậm hơn. Đức Khổng giác ngộ năm 50, Lữ Đồng Tân cũng vậy.[34]

Dịch Kinh viết: Phục kỳ kiến Thiên Địa chi Tâm hồ? (Xem quẻ Phục).

Tiên Học từ điển nơi tr. 78 có ghi:Thiên Tâm kiến, Hoạt Tí hiện. (Châm Thạch Tử).

Người xưa ghi lại những biến chuyển quan trọng của Tâm Hồn mình, khi Kiến Thiên Tâm bằng những vần thơ sau:

Bách tự Bi của Lữ Đồng Tân có câu:

Âm dương sinh phản phúc,

Phổ hoá nhất thanh lôi.

(Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 16)

Thiệu khang Tiết có thơ:

Hốt nhiên, dạ bán, nhất thanh lôi.

Vạn hộ thiên môn thứ đệ khai. (Như trên. tr. 16)

Chung Ly Quyền có thơ:

Đạt nhân thái đắc Tiên Thiên Khí,

Nhất dạ lôi thanh bất tạm đình.


(Những chữ Nhất dạ lôi thanh, bán dạ nhất thanh lôi đều mượn ý nơi quẻ Phục, vì Phục là Địa Lôi Phục: Sấm rung lòng đất là Phục. Ở Trời Đất, tình trạng quẻ Phục xảy ra vào ngày Đông Chí, lúc nưả đêm. Ở nơi con người nó xảy ra khi lòng con người Hư Tĩnh, chính vì vậy mà quẻ Phục ứng với chòm sao Hư trong Thiên Văn.

6. Sống kết hợp với Đạo, với Trời, mới thành Thiên Tiên.

Nhân Tâm nhược dữ Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương chỉ phiến thời. (Cổ Thi)

Dịch:

Nhân Tâm cùng với Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương ấy chính thời.

(Điên đảo Âm Dương là thời khí từ Khôn, thuần Âm, sang quẻ Phục, là quẻ “nhất Dương”.)

Sách Tiên Học Từ Điển định nghĩa Thiên Tiên như sau:

Thiên Tiên về Bản Thể cũng đồng một thể Thái Hư như Trời.

Về Đức, cũng như Trời, che chở muôn vật.

Về Ý, cũng Vô Cực như Thiên Tâm.

Siêu việt lên trên 33 tầng Trời.

Chung Ly Quyền viết:

Kham ta vô hạn học tiên giả,

Tổng dữ Thiên Tiên đạo dị môn.

Dịch:

Buồn thay vô số kẻ học Tiên,

Cùng với Thiên Tiên khác nỗi niềm.[35]

Chính vì vậy, mà những ngươì vô đức không bao giờ học được đạo Thiên Tiên. Lý do là vì những người vô đức thời lòng họ xa cách Trời muôn trùng. Cho nên chỉ những kẻ hữu đức mới mong khế hợp với Trời, mới mong hiểu biết được Thiên Cơ, được bí quyết luyện đơn.

Chung Ly Quyền viết:

“Nhược phi phù khế Thiên duyên sự,

Thuỳ bả Thiên cơ quyết dữ công.”

Dịch:

“Lòng không phù khế Thiên duyên sự,

Thiên cơ hồ dễ được truyền tâm.” [36]

7. Các giai đoạn của Phương Pháp Luyện Đơn.

Như vậy, luyện đơn gồm nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, từ hữu vi đến vô vi, từ xác thân, đến tâm tư, đến Nguyên Thần.

Nếu ta chấp nhận con người có 3 phần:

a. Phần Thiên: Thần, Nguyên Thần, Thái Cực, Thái Hư, Thiên Tâm, Đạo.

b. Phần Nhân: Nhân Tâm, Phàm Tâm, gồm thất tình, lục dục, vọng niệm, thức thần.

c. Phần Địa: Xác thân.

Và nếu ta đảo ngược ba phần trên lại, để đi từ thấp đén cao, từ hữu vi đến vô vi, từ hữu hình đến vô tướng, từ ngoài thân xác, hình hài vào đến Trung Điểm Tâm Thần, ta sẽ thấy khoa luyện đơn gồm:

1. Các phương pháp luyện thân xác cho khang kiện:

Dưới đề mục này, ta có thể xếp các phương pháp:

---Dinh dưỡng, ẩm thực.

---Cư trú.

---Dược vật.

---Thể thao (động công: Bát Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm).

---Ma sát, Án Ma.

---Yết Tân.

---Thổ nạp.

---Vận Khí điều tức:

---Hô hấp thông thường (Ngoại hô hấp)

---Hô hấp qua 2 mạch Nhâm, Đốc. (Nội hô hấp)

Chung qui, vận khí điều tức là vấn đề then chốt của khoa luyện đơn.

Những người căn cơ thấp thường chỉ luẩn quẩn trong những loại công phu này.


2. Các phương pháp tu luyện tâm hồn.

---Trừng phẫn trật dục. (trừ giận bỏ ham muốn)

---Thu nhiếp phóng tâm.

---Tiêu trừ vọng niệm.

---Tĩnh định.

---Hư tâm.


3. Giai đoạn luyện Thần, đắc Nhất, đắc Đạo, đắc Thiên.

Giai đoạn này là giai đoạn chứng ngộ Bản Thể. Đây mới chính là giai đoạn Đơn Thành.

Mới hay:

“Khuyến quân cùng thủ Sinh Thân Xứ,

Phản Bản Hoàn Nguyên, thị dược vương.” [37]


Dịch:

“Khuyên anh trở lại Nguồn Gốc cũ,

Phản bản, hoàn Nguyên ấy Tiên Đơn.”

III. KIỂM ĐIỂM VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ ĐƠN ĐẠO: ---

Trước hết ta nhận định rằng:

1. Ngoại dược không thể đem lại Trường Sinh, vì nêú có như vậy, thì các vua chúa, các người giàu có trên thế gian này, không ai chết cả.

2. Trường sinh là Trường sinh về phương diện Thần, Nguyên Thần chứ không phải Trường Sinh bằng hình hài. Nếu mà Nguỵ Bá Dương đã Trường Sinh bằng xác thân, thì Ông đã siêu việt trên cả Phật Thích Ca, hơn cả Lão Tử, Trang Tử, hơn cả Chúa Giêsu.

3. Khoa Luyện Đơn thực ra phải diễn biến theo đúng qui luật tiến hóa tự nhiên của Trời Đất.

Trần Nê Hoàn viết:

Thần Tiên pháp độ chân tự nhiên. (Tiên học diệu tuyển)

4. Trong thân ta, vì có Thái Cực, nên đã có đủ dược liệu để luyện thuốc trường sinh.

Chỉ Huyền Thiên viết:

“Chân chính đại dược tại Thân trung cầu chi, bất tại ngoại thủ.” [38].

Sau đây là những nhận định về 3 giai đoạn luyện đơn:

a. Nhận định về Tu luyện xác thân.

Phương pháp tu luyện xác thân như ta đã kể trên, rất là đa đoan, phức tạp. Nhưng phương pháp trọng yếu nhất của Khoa Luyện Đơn là Hô Hấp.

---Không phải luyện Hô Hấp thường bằng phổi (respiration pulmonaire), mà người xưa gọi là Hậu Thiên Hô Hấp hay Ngoại Hô Hấp.

---Mà còn hô hấp qua tuỷ xương sống (respiration médullaire) tức là: vận chuyển Chân Khí có sẵn trong tủy xương sống, từ Vĩ Lư lên Nê Hoàn (qua mạch Đốc), rồi lại từ Nê Hoàn qua Mạch Nhâm, xuống cho tới Sinh Tử Quan (Hội Âm, Âm Kiều, Hải Để). [39]

---Chẳng những dạy chuyển vận Chân Khí mà còn dạy cách ngưng Thần ở Nê Hòan. Người xưa gọi thế là Thai Tức (tôi dịch là: respiration embryonnaire).

---Bế khí, ngưng Thần ở Nê Hoàn, nghĩa là hoàn toàn đình tức (arrêt respiratoire), đồng thời nhập Đại Định (ngưng Thần= Samadhi).

Tôi đã đề cập đến vấn đề quan trọng này trong quyển Huỳnh Đình Kinh bình giải cuả tôi, một cách cặn kẽ hơn, nơi chương 20 và 30.

Nó quan trọng đến nỗi người xưa gọi các Đơn Gia là Khí Sĩ. [40]

Nó quan trọng đến nỗi nếu hiểu được 2 chữ Thần, Khí là hiểu được Dược Vật, Hỏa Hầu, hiểu được đại bộ phận của Khoa Luyện Đơn.[41]

Bạch Ngọc Thiềm viết:

“Thần là Hoả, Khí là Dược.” [42]

“Dùng thần ngự khí thời sẽ thành Đạo”.[43]

Bạch Ngọc Thiềm viết thêm:

“Cái vi diệu của khoa Luyện Đơn là do biết Ngưng Thần. Thần Ngưng thì Khí tụ. Khí tụ tức Đơn thành". [44]

Huỳnh Nguyên Cát viết:

“Đơn Đạo chẳng ngoài Thần Khí. Mới đầu thời Thần Khí xa cách nhau. Ta đem Thần điều Khí, dùng Khí ngưng Thần, cuối cùng Thần Khí dung hoá trong Hư Không, hợp thành một đoàn, to như Thử Mễ Chi Châu, treo ở nơi Tứ Đại Ngũ Hành không vương vấn được.” [45]

Sách Trúc Cơ Tu Chứng viết: “Đình tức ư Nê Hoàn” (Ngưng thở ở Nê Hoàn). [46]

Tiên Học Diệu Tuyển nơi tr. 162 có ghi lời Cao Cái Sơn Nhân, Ngô Ngộ như sau:

“Nội đơn chính là Tồn Thần, bế tức. Nếu lại còn Hư Tâm, Tuyệt Lự thì hoàn toàn giống Thiền Định.” [47]

Mới hay Luyện Mệnh, Luyện Hình, Luyện Thần không gì bằng Hô Hấp Tiên Thiên. Không gì bằng: Vận Khí, điều Tức.

Muốn diên niên, không gì bằng đem được Thần Khí về Nê Hoàn.

Ngũ Tổ nói:

“Hiểu rành Hô Hấp sẽ thành Tiên.” [48]

b. Nhận định về giai đoạn Tu Tâm.

Giai đoạn này có thể tóm tắt bằng 2 chữ: Định, Tĩnh.

Tiên Học Diệu Tuyển tr. 162 có viết:

“12 bộ Tam Tạng (Phật giáo) chỉ nói về chữ Định; vạn quyển Đơn kinh (Lão Giáo) chỉ nói về chữ Tĩnh mà thôi.” [49]

Mã Đơn Dương nói:

“Tâm thanh, ý tĩnh tam đơn kết”

Thạch Hạnh Lâm viết:

“Tâm có định, đơn mới thành. Tâm không định Đơn không kết.” [50]

Bạch Ngọc Thiềm nhận định:

“Người học Đạo lấy Dưỡng Tâm làm chủ. Tâm mà động, thời Thần mệt. Tâm mà định, thời Thần nhàn. Thần mệt thì Đạo ẩn, thần nhàn thì Đạo sinh.” [51]

Kinh Vân: “Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên Địa tất giai qui". [52]

Kiến Tính Tụng viết:

“Tâm thanh, ý tĩnh, Khí hoà, Thần định, Chân tức miên miên, Linh quang oánh oánh.” [53]

Phương Đại Tâm viết: "Nếu con người có thể sống thanh hư, đạm bạc, tự nhiên sẽ thấy Bản Lai chi Tính Thiên". [54]

Tự Nhiên Cư Sĩ có thơ:

Tâm như minh kính liên thiên tịnh,

Tính tự hàn đàm, chỉ thủy đồng.

Thập nhị thời trung, thường giác chiếu,

Hưu giao muội liễu chủ nhân Ông.[55]

Dịch:

Tâm như gương sáng mây trời vắng,

Tính tưạ hồ thu nước lắng trong.

Suốt ngày tuệ giác thường chói lói,

Đừng làm mờ mất Chủ Nhân Ông.

Tóm lại:

Dược vật chỉ từ Hư Vô hái,

Đại đơn toàn tại Định trung thiêu.[56]


c. Nhận định về giai đoạn luyện Thần hoàn hư, phục qui Vô Cực.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn tìm ra được Chân Tướng của con người, tìm ra đựơc đoan đích, tìm ra được đầu giây, mối rợ của khoa Luyện Đơn.

Đó là giai đoạn tìm ra được Thái Cực, được Trời, được Đạo tiềm ẩn trong Tâm.

Đến đây, ta mới hiểu tại sao Đơn lại là Trường Sinh Dược. Đơn chính là Đạo, chính là Thái Cực. Mà Thái Cực hay Đạo thời trường sinh, vĩnh cửu, nên Đắc Đạo, Đắc Nhất, Đắc Đơn, Đắc Thiên sẽ được Trường Sinh.

Đứng từ trên đỉnh thẳm này, nhìn bao quát lại công trình của khoa luyện đơn, ta sẽ thấy rằng:

Thái Cực, Đạo, Trời là căn cơ, là then chốt, là mục tiêu tối hậu của khoa Luyện Đơn.

Không biết có Thái Cực trong thân, không thể Luyện Đơn.

* Trương Tam Phong có thơ:

Tầm chân phỏng Đạo, hữu hà nan,

Chỉ yếu nhân tâm thức đảo điên.

Hưu hướng ngoại thân tầm chí dược,

Tất tu thân nội, mịch chân diên. [57]

Dịch:

Tầm Chân, phỏng Đạo khó chi đâu,

Chỉ cốt nhân tâm hướng nội cầu.

Thôi đừng thân ngoại, tìm chí dược,

Hãy lo thân nội đoạt Thử Châu (Thái Cực)

Mới hay:

Nhất Linh Chân Tính là Đơn,

Mượn lò Tứ Đại, luyện đoàn thử coi.

Chân Như ấy chính Dược Tài,

Ảo thân lò ấy, giúp người luyện Đơn,

Công phu liên tục, lan man,

Từ trong Định Tĩnh, chu toàn Thánh Thai. [58]


KẾT LUẬN

Nói về khoa Luyện Đơn không biết bao giờ cho cùng. Cho nên, trong bài này, tôi đã cố tránh các thuật ngữ, cố bàn về đại cương mà không đi vào chi tiết, cố tìm cho ra con đường giản dị mà đi, chứ không đâm sầm vào các đường quanh phiền tạp.

Tới đây, tôi liên tưởng đến 2 câu thơ của 1 vị Tống Triết danh tiếng là Lục Tượng Sơn:

Giản dị công phu chung cửu đại,

Chi li sự nghiệp cánh phù trầm.[59]

Dịch:

Giản dĩ công phu mà cửu đại,

Chi ly sự nghiệp lại phù trầm.


* Tôi cũng không muốn nói nhiều hơn về đơn đạo vì:

Đã thông, một tiếng đủ rồi,

Đã mờ, nói mãi rối bời, ích chi? [60]


* Tôi kết luận chương này bằng mấy yếu quyết:

---Ngưng Thần, điều tức, điều tức, ngưng Thần. (Giai đoạn I) [61].

---Thần thanh, khí sảng, thân tâm hòa sướng. (Giai đọan I, & II) [62]

---Tức điều, Tâm tĩnh, khả dĩ nhập Đạo. (Giai đoạn I & II, chuẩn bị cho giai đoạn III.) [63]

---Thần hình câu diệu, dữ Đạo hợp chân (Đúc kết cả 3 giai đoạn) [64]

------------------------------------------
*Hết chính văn chương 12

****************       


CHÚ THÍCH


[1] Khẩu quyết yên năng chỉ thượng minh.

口 訣 焉 能 紙 上 明?

Tiên học từ Điển tr. 40.

[2] Nam Hoa kinh; chương Khắc Ý, đoạn A và B.

[3] Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu vị chi đơn.

Tiên Học từ Điển, tr. 62.

[4] Đường đại sư tổ Chung Ly Quyền, Lữ Đồng Tân xuất.

Đạo gia trường sinh bí quyết, tr. 63.

[5] Như trên. tr. 63.

[6] Huỳnh Đình Kinh giải, chương 6

[7] Đơn tự, đầu tượng Nhật, cước tượng Nguyệt. Trung nhất điểm vi Thử Châu. Nhất hoạch vi đắc. Hán dĩ tiền vị chi Đạo, Hán dĩ hậu, vị chi Đơn.

Tiên Học Từ Điển, tr. 62.

[8] Đơn giả, đơn dã. Duy Đạo vô đối, cố viết Đơn. Thiên đắc Nhất dĩ thanh, địa đắc Nhất dĩ doanh, nhân đắc Nhất dĩ trường sinh.

[9] Kết Đơn chi đạo, Nhất nhi dĩ hĩ...Nhất vô tha...Hư nhi dĩ hĩ.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 11.

[10] Tâm tức Đơn, Đơn tức Tâm.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 231.

[11] Đơn tức Đạo dã, Đạo tức Đơn dã.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 263.

[12] Đơn giả, Thiên Địa vạn vật chi bản dã, hà vị dĩ vi Thiên Địa vạn vật chi bản, viết: Đơn giả, Đạo dã. Đạo giả, Hư Vô chi thể dã. Hư Vô bất khả lập danh, cố thánh nhân cưỡng dĩ Đạo danh chi. Hư sinh Nhất, Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất, Nhất qui Hư.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 3, tr. 19a.

[13] Căn bản do tòng Thái Cực tầm.

Đại Đỗng chân kinh, tr. 4b.

[14] Đỗng kiến Bản Lai Diện Mục, chứng triệt Nguyên Căn.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 1, tr. 2b.

[15] Kim đơn yếu quyết, tr. 1b.

[16] Trương Tam Phong, Đạo thuật hối tông, q. 3, tr. 101

[17] Xướng Đạo Chân Ngôn, q.2 , tr. 8.

[18] Nhất lạp túc trung tàng thế giới.

Tiên học, tr. 30.

[19] Kim giả, bất hoại chi Pháp Thân, Đơn giả, viên thành chi thực tướng.

Tiên Học, tr. 9.

[20] Thất phản giả, phản bản. Cửu hoàn giả, hoàn nguyên.

Hoàn Nguyên Thiên, tr. 4a. Hậu tự.

[21] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 59.

[22] Trương Tam Phong Đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 56.

[23] Thuận kỳ cơ nhi hành nhân đạo.

Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 20

[24] Nghịch kỳ cơ, nhi hành Tiên Đạo.

Như trên. tr. 20.

[25] Sinh cơ ngoại phát vi Thuận.

Như trên. tr. 20.

[26] Sinh cơ nội liễm vi Nghịch.

Như trên. tr. 20.

[27] Kim đơn Đại Đạo tòng hữu vi nhi nhập vô vi, tức Liễu Mệnh nhi kiêm Liễu Tính, phương thị Thần Hình câu diệu.

Tiên học diệu tuyển, tr. 99.

[28] Tiên Học diệu tuyển, tr. 383.

[29] Cố tòng thượng thánh hiền cầu Đạo, đô bất hướng ngoại trì cầu, tĩnh nhi cầu chi ư nhất tâm, vô bất cụ túc.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 4, tr. 35.

[30] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 13---14.

[31] Tôn Bất Nhị nữ đơn thi chú, tr. 14.

[32] “Nhận vi Đạo tự Hư Vô sinh vạn vật, thị thuận sinh quá trình, nội đơn tu luyện tắc phản thử. Đương phục qui Hư Vô, dữ Đạo hợp nhất.

Đại Đơn diệu dụng pháp Kiền Khôn,

Kiền Khôn vận hề, ngũ hành phân.

Ngũ Hành thuận hề, thường Đạo hữu sinh hữu tử,

Ngũ hành nghịch hề, đơn thể thường linh, thường tồn.”

認 為 道 自 虛 無 生 萬 物, 是 順 生 過 程。 內 丹 修 鍊 則 反 此,

當復 歸 虛 無, 與 道 合 一。

大 丹 妙 用 法 乾 坤

乾 坤 運 兮, 五 行 分

五 行 順 兮, 常 道 有 生 有 死,

五 行 逆 兮, 丹 體 常 靈 常 存。

Trung Quốc Đạo Giáo, Khanh Hi Thái chủ biên, tr. 305.

[33] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 10a.

[34] Ngũ thập tri thiên mệnh (Luận Ngữ, II, 4)

 Ngô đắc Đaọ niên ngũ thập.

Trung Quốc Đạo Giáo, tr. 296, khi nói về Lữ Đồng Tân.

[35] Thể đồng Thiên thanh chi hư, Đức đồng Thiên chi phú trù, Ý đồng Tiên Tâm chi vô cực, siêu việt hồ tam thập tam thiên chi ngoại giả... Chung tổ viết: “Kham ta vô hạn học Tiên giả, Tổng dữ Thiên Tiên Đạo dị môn.”

Tiên Học Từ Điển, tr. 46.

[36] Cái vô đức giả, dử Thiên tương cách quá viễn. Hữu đức giả tất hợp ư Thiên. Tắc Thiên Nhân dĩ hợp nhất, kỳ cơ tự nhiên thấu. Chung tổ viết:” Nhược phi phù khế Thiên duyên sự, Thùy bả Thiên cơ quyết dữ công.

Tiên học từ điển, tr. 47. Nơi chữ Thiên Cơ.

[37] Trương Tử Dương, Ngộ Chân Thiên. Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 101.

[38] Tiên Học từ Điển, tr. 93.

[39] Huỳnh Đình Kinh Giải, Nguyễn Văn Thọ, chương 20)

[40] Tu luyện giả danh vi Khí Sĩ.

Tiên Học Tập Cẩm, tr. 311.

[41] Nếu ta thay 2 chữ Thần,Khí bằng các danh từ tương đương như Âm Dương, Long Hổ; Diên Hống; Anh Nhi, Xá Nữ; Ô Thố; Hắc Qui, Xích Xà; Kim Tinh, Mộc Dịch; Thần Thủy, Hoa Trì; Hỏa, Dược, ta sẽ đọc các sách luyện Đơn dễ dàng.

Nhân tiện giải 2 chữ Hoả Hầu. Hầu có nghĩa là Lúc. Hỏa Hầu là vận chuyển Chân Khí cho đúng lúc, đúng phép (hợp phù), đáng mạnh thì mạnh (Vũ Hỏa), đáng nhẹ thì nhẹ (Văn Hỏa), đáng ngừng, thì ngừng (Chỉ Hỏa). Thế tức là Vừa Vặn, hẳn hoi (Kháp Đáo Hảo Xứ).

[42] Thần tức hỏa dã, Khí tức Dược dã.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[43] Dĩ Thần ngự Khí nhi thành Đạo. Dĩ hoả luyện dược nhi thành Đơn.

以 神 御 氣 而 成 道, 以 火 鍊 藥 而 成 丹。

Tiên Học Từ Điển, tr. 53---54.

[44] Luyện hình diệu tại hồ ngưng Thần,Thần ngưng tức Khí tụ. Khí tụ tức Đơn thành.

鍊 形 妙 在 乎 凝 神。 神 凝 即 氣 聚。 氣聚 即 丹 成。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[45] Đơn đạo bất ngoại Thần Khí. Thủy nhi Thần dữ Khí ly, Ngã tức dĩ Thần điều Khí dĩ Khí ngưng Thần. Chubg tắc Thần Khí dung hoá ư Hư Không, kết thành nhất đoàn, đại như Thử Mễ chi Châu, huyền ư Tứ Đại Ngã Hành bất trước chi xứ.”

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[46] Trúc Cơ tu chứng, tr. 85.

[47] Nội đơn chi thuyết, bất quá tồn Thần, bế tức, như năng vong cơ, tuyệt lự, vãng vãng dữ Thiền Định tương đồng.

內 丹 之 說 不 過 存 神 閉 息。 如 能 忘 機 絕 慮, 往 往 與 禪 定 相 同。

Tiên học Diệu Tuyển, tr. 162.

[48] Hô Hấp phân minh liễu khước Tiên.

呼 吸 分 明 了 卻 仙。

Tiên học , tr. 26.

[49] Tam tạng thập nhị bộ, đãn ngôn nhất Định tự, Đơn kinh vạn quyển đãn ngôn nhất Tĩnh tự nhi dĩ.

三 藏 十 二 部 但 言 一定 字。 丹 經 萬 卷 但 言 一 靜 字而 已。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 162.

[50] Hạnh Lâm Tổ Sư viết: Định lý kiến đơn thành, bất Định đơn bất kết.

Tiên Học Từ Điển, tr. 63.

[51] Học Đạo chi nhân dĩ dưỡng tâm vi chủ. Tâm động, Thần bì, Tâm định Thần nhàn. Bì tắc Đạo ẩn, nhàn tắc Đạo sinh.

Tiên học diệu tuyển, tr. 257.

[52] Tiên học Diệu Tuyển, tr. 272.

[53] 見 性 頌 云﹕ 心 清 意 靜, 氣 和 神 定。 真 息 綿 綿, 靈 光 瑩瑩

Tiên Học, tr. 55.

[54] Nhân năng thanh hư đạm bạc, tự nhiên kiến kỳ Bản Lai chi Tính Thiên.

人 能 清 虛 淡 泊, 自 然 見 其 本 來 之 性 天。

Tiên Học, tr. 104.

[55] 心 如 明 鏡 連 天 淨

 性 似 寒 潭 止 水 同。

 十 二 時 中 常 覺 照

 休 教 昧 了 主 人 翁。

Tiên học diệu tuyển, tr. 380.

[56] 藥 物 只於 無 裡 採, 大 丹 全 在 定 中 燒。

Dược vật chỉ ư Vô lý thái, Đại đơn toàn tại Định trung thiêu.

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 279.

[57] 尋 真 訪 道 有 何 難

 只 要 人 心 識 倒 顛

 休 向 外 身 尋 至 藥

 必 修 身 內 覓 真 鉛

Tiên Học Từ Điển, phần Phụ Lục tr. 3

[58] Nhất linh chân tính vị chi Đơn, Tứ Đại giả hợp vị chi Táo. Ảo thân vi Đơn Táo, Chân Như thị Dược Tài. Công phu thường bất gián, Định lý kết Linh Thai.

一 靈 真 性 謂 之 丹, 四 大 假 合 謂 之 灶。 幻 身 為 丹 灶,

真 如 是 藥 材。 工 夫 常 不 間, 定 裡 結 靈 胎。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 283.

[59] 簡 易 工 夫 終 久 大, 支 離事 業 更 浮 沈

Kim Công Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, tr. 151.

[60] 知 其 要 者 一 言 而 終, 不 知 其 要 者 流 散 無 窮。

Nội Kinh.

[61] Tiên học diệu tuyển, tr. 240.

[62] Tiên học diệu tuyển, tr. 268

[63] Tiên học diệu tuyển, tr. 198.

[64] Tiên học diệu tuyền, tr. 268.

----------------------------------------


****************       


CHƯƠNG XIII

QUẦN KINH DIỆU TUYỂN

(KINH SÁCH ĐẠO LÃO)


Chương này với một tên rất kêu, lại có một mục đích hết sức khiêm tốn.

Nó sẽ không đi vào chi tiết vô số kinh tạng, mà chỉ muốn làm nổi bật ít nhiều tư tưởng then chốt của kinh tạng. Nó không muốn đem 1 mớ không ngôn, nhồi nhét vào đầu não con người, mà chỉ muốn đánh thức Nguyên Thần, kích động Thái Cực trong thâm tâm mỗi một người, chỉ vụ Tinh chứ không vụ Đa. Vả rườm lời để làm gì, trong khi người xưa đã nói:

“Nhất ngôn, bán cú tiện thông huyền, Hà dụng Đơn Kinh thiên vạn thiên.”

Dịch:

Một tiếng, nửa câu đủ thông huyền,

Chẳng cứ đơn kinh, nghìn vạn thiên.

Trong chương này ta sẽ:

1. Nhìn bao quát kinh tạng Đạo Giáo.

2. Trình bày cốt tuỷ tinh hoa kinh tạng Đạo Lão.

***

1. Nhìn bao quát kinh tạng Đạo Lão.

Kinh sách Đạo Lão xưa nay đã được sưu tầm và in thành bộ Đạo Tạng.

Đạo Tạng đã được in đi, in lại nhiều lần, mỗi lần lại mang 1 tên khác.

Ví dụ ta có:

---Khai Nguyên Đạo Tạng (713---741) in trong những năm Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông, gồm 5300 quyển).

---Kim Ngân Tự Đạo tạng. Thời Đường mạt Ngũ Đại.

---Đại Tống Thiên Cung Bảo Tạng. Tống Thái Tông, Đoan Cung nhị niên, Thuần Hoá ngũ niên 989---994 và Tống Chân Tông, Thiên Hi Tam Niên (1019)

---Chính Hòa Vạn Thọ Đạo tạng. (1113---1114) Đời Tống Huy Tông, trong những năm Chính Hoà .

---Đại Kim Huyền Đô Bảo tạng. Kim Tông Liệt Quang Cảnh,, trong những năm Minh Xương (1190---1193) .Gồm 6455 quyển.

---Nguyên Khan Huyền Đô Bảo Tạng. In xong năm 1244 đời Nguyên. (Năm 1281, toàn bộ Đạo Tạng bị Nguyên Thế Tổ ra lệnh đốt sau vụ đấu lý giữa Phật và Lão về quyển Hóa Hồ Kinh)

---Chính thống Đạo Tạng hoàn tất đời Minh Anh Tông, năm Chính Thống thứ 9. (1444)

---Bộ Đạo tạng này được Đài Loan in lại năm 1977.

---Bắc Kinh Văn Vật Xuất Bản Hội in lại năm 1988, có sự hợp tác của Thượng Hải Thư Điếm và Thiên Tân Cổ Tịch Xuất Bản Xã.

Đạo Tạng gồm khỏang 4115 bộ. (Nhật Bản cung nội sảnh bản tồn) [1]

Như vậy số sách cũng thay đổi tùy theo mỗi ấn bản. Tuy nhiên, sách Đạo Lão cũng khoảng trên 5000 bộ.

Ngoài ra còn có những Bộ như Đạo Tạng Khuyết Kinh Mục Lục, Đạo Tạng Mục Lục tường chú, Đạo Tạng Tập Yếu v.v...

Đời Vũ Tông (1506---1521), và Thế Tông (1522---1566) nhà Minh, đạo Lão cho in lại toàn bộ Đạo Tạng, gồm 1464 bộ lớn nhỏ. Mỗi bộ gồm từ 1 quyển đền 300, 400 quyển.

Lý Kiệt chia Đạo Tạng thành 12 tiểu mục:---


1. Bản văn (Les Textes fondamentaux).

2. Thần Phù (Les Textes efficaces).

3. Ngọc quyết (les commentaires et amplifications).

4. Linh Phù (Les graphies efficaces, diagrammes, dessins)

5. Phả Lục (Histoires et Traditions).

6. Giới luật (morales et ascétisme).

7. Uy nghi (ascétisme).

8. Phương Pháp (Pratiques, manipulations).

9. Chúng thuật (diététique, alchimie, astres, nombres, etc...)

10. Kỳ truyện (Mythologies, légendes).

11. Tán Tụng (liturgie, hymnes, adresses).

12. Biểu tấu (documents, pétitions aux empereurs, édits recus d’eux).[2]


* Trịnh Tiêu, thế kỷ XII, đã chia Đạo Tạng thành 25 tiểu mục sau đây:


1. Lão Tử.

2. Trang Tử.

3. Chư Tử.

4. Âm phù Kinh.

5. Huỳnh Đình Kinh.

6. Tham đồng Khế.

7. Mục lục (les catalogues)

8. Truyện (les légendes).

9. Ký (histoires).

10. Luận (les dissertations).

11. Thư (les graphies).

12. Kinh (les textes).

13. Khoa nghi (disciplines et rites).

14. Phù Lục (formules et Talismans).

15. Thổ nạp (aérothérapie, photothérapie).

16. Thai Tức (entretien du Principe vital).

17. Nội quan (soins particuliers).

18. Đạo Dẫn (Massage).

19. Tịch cốc (Abstinence)

20. Nội Đơn (cures morales).

21. Ngoại Đơn (cures chimiques).

22. Kim Thạch dược (médecine et Pharmacie).

23. Phục Nhị (diète des candidats à l’immortalité)

24. Phòng Trung (hygiène sexuelle).

25. Tu Dưỡng (Hygiène physique et morale) [3]


Ở Trung Hoa, sách vở về Đạo Lão thời vô vàn vô số như vậy, còn ở Việt Nam, ta chỉ thấy lèo tèo vài bộ kinh như Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Âm Phù Kinh, Huỳnh Đình Kinh. Như vậy, tỏ ra xưa nay, rất ít người Việt Nam để tâm nghiên cứu kinh sách Đạo Lão.

* Ước mong sau này, những sách sau đây sẽ được bình dịch:

---Âm Phù Kinh của Hoàng Đế.

---Tham Đồng Khế của Ngụy Bá Dương.

---Ngộ Chân Thiên, và Kim Đơn tứ bách tự của Trương Tử Dương.

---Bách tự Bi của Lữ Đồng Tân.

---Nhập dược kính của Thôi Hi Phạm.

---Chỉ Huyền Thiên của Lữ Đồng Tân.

---Xướng Đạo Chân Ngôn của Hạc Cù Tử.

---Đại Động Chân Kinh của Văn Xương Đế Quân.

---Huỳnh Đình Nội Cảnh, và Huỳnh Đình Ngoại cảnh.

---Tính Mệnh Khuê Chỉ của Doãn Chân Nhân + sư đệ.

---Linh Bảo Tất Pháp của Chung Ly Quyền.

---Kim đơn đại thành tập của Tử Hư Chân Nhân.

---Phục Mệnh Thiên của Tiết Đạo Quang.

---Thúy Hư Thiên của Trần Nê Hoàn.

---Hoàn Nguyên Thiên của Hạnh Lâm Thạch Thái.

---Đơn Đạo Bí Thư, của Tôn Bất Nhị .

---Ngộ Chân Thiên của Trương Bá Đoan.

---Tiên Thiên Chính Lý trực luận của Xung Hư Tử, Ngũ Thủ Dương v.v...

****************       

2. Trình bày cốt tủy kinh điển của Đạo Lão: ---

a. Quan niệm Thái Cực và công cuộc đi tìm trường sinh và chân lý

Quan niệm Thái Cực đã xây nền, đắp tảng cho công cuộc tu thân, đi tìm chân lý, và trường sinh của Đạo Lão.

Vì tin rằng Thái Cực là Bản Thể vũ trụ, vạn hữu, là Đạo, là Căn Nguyên, là cốt cách con người, [4] vì tin rằng Thái Cực vĩnh cửu trường tồn, [5] vô thanh vô xú, nhưng lại tiềm ẩn ngay trong đáy lòng con người,[6] nên các bậc chính nhân, quân tử, sau khi thấu hiểu Dịch Kinh, đã hồi tâm, phản tỉnh, đã trở vào Tâm Thần mình mà tìm Đạo, tìm Trời.

---Thái Cực là Huyền Quan Khiếu hay Huyền Tẫn chi môn. [7]

---Thái Cực là Cái Đó (Na Ta Tử ---Ta Tử---Giá Cá.) [8]

---Thái Cực là Căn Bản. [9]

---Thái Cực là Bản Lai Diện Mục. [10]

---Thái Cực là Chân Như Bản Tánh. [11]

---Thải Cực là Kim Cương Thân. [12]

---Thái Cực là Thiên Tâm, là Thiên Địa chi tâm. [13].

Thông Thiên Bí Thư, quyển 4, tr. 9b, viết đại khái rằng:

“Trong con người có 1 Khiếu gọi là Huyền Tẫn. Đó là nơi Tam Tài tương dung. Tinh, thần, hồn, phách tương hội ở huyệt đó. Đó là Căn cơ cho công trình luyện Kim Đơn, hoàn phản. Đó cũng là nơi mà Thần Tiên ngưng kết Thánh Thai.. Cổ nhân gọi đó là cái gốc Thái Cực, cái chuôi Tiên Thiên, cái mối Hư Vô, cái nguồn Tạo Hóa, cái gốc Hỗn Độn, cái Hang Thái Hư, cái Khiếu Qui Căn, cái cửa Phục Mệnh, cái cửa Mậu Kỷ, cái xứ Chân Nhất, cái cung Trung Hoàng, cái phủ Đơn Nguyên, cái Đàn Thủ Nhất, cái Lò Luyện Đơn, cái Đỉnh Chu Sa, cái huyệt Long Hổ, cái nhà Huỳnh Bà, cái Lò Cừ, cái Thổ Phủ (Chõ Đất), Thần Thủy, Hoa Trì, Đế Ất, Thần Thất, Linh Đài, Giáng Cung...Ta được Diệu Quyết vì chỗ Thành Tiên, chứng Thánh đó gọi là Qui Trung, là nơi Thủy Hỏa giao cấu, là Thiên Địa chi chính Trung trong con người...[14]

Tất cả chỉ là Thái Cực dưới những danh hiệu khác nhau: Nào Đao Khuê,[15] nào Hồng Mông, nào Hỗn Độn, nào Hư Vô. Tất cả đều là Thái Cực, [16] Mà Thái Cực là Kim Đơn.

Xướng Đạo Chân Ngôn viết: Đơn là gì? Là Thái Cực nơi con người. [17]

b. Thái Cực tiềm ẩn ngay trong lòng con người.

Mà lạ lùng thay, Thái Cực đã ở sẵn ngay trong con người, nên dù cầu Đạo hay luyện Đơn, cũng phải quay về trong Thân Tâm mà tìm kiếm.

Chính vì vậy mà Hoàn Nguyên Thiên viết:

Luân hồi, Ngọc Thố dữ Kim Ô

Đạo tại nhân thân, thế thượng mê. [18]

Liễu Mệnh Thiên viết:

Thân trung tận hữu diên niên dược,

Khả tiếu ngu nhân hướng ngoại tầm. [19]

Tử Dương Tổ viết:

Diệu Đạo bất ly tự gia thân,

Khởi tại thiên sơn, vạn thủy tính. [20]

Chỉ Huyền Thiên viết: “Chân chính đại dược chỉ tại thân trung cầu chi, bất tại ngoại thủ.” [21]

Tham Đồng Khế phát huy còn viết: “Nhìn mà chẳng thấy, gần nên dễ cầu.”

Toàn Dương Tử Du Diễm bình: “Kim đơn Đại Đạo chỉ ở trước mắt, thế nên Đại Đạo chẳng phải là gần sao? Tại sao, nhìn không thấy, bắt không được, tuy gần mà vẫn là xa vậy. Nếu biết đường lối, phép tắc mà cầu, thì chỉ mất công chốc lát, mà Hoàng Hoa đã hiển lộ sáng lòa. Thế thì đâu có xa".

Ngộ Chân Thiên viết:

Công phu dung dị, dược phi dao,

Thuyết phá, nhân tu thất tiếu.

Dịch:

Công phu dung dị, thuốc đâu xa,

Nói ra, người ắt phải cười xòa.

Phục Mệnh Thiên viết:

Phân minh chỉ tại mục tình tiền,

Chỉ tại thời nhân bất kiến Thiên,

Dịch:

Phân minh đã sẵn trước con ngươi,

Chỉ tại thế nhân chẳng thấy Trời.

"Vì không thấy, không hay, nên người ta đã bỏ trong tìm ngoài. Có người hái nhật tinh, nguyệt hoa (tinh hoa mặt trời, mặt trăng), có người luyện kim thạch thảo mộc, có người hành phòng trung chi thuật, thật đúng là Đạo thì ở gần mà cầu nơi xa, sự việc dễ mà cầu chuyện khó, buồn thay.” [22]

Thất Chân Nhân Quả có thơ:

Ý ngoại cầu Tiên, lộ tựu soa,

Thủy trung nguyệt ảnh, kính trung hoa.

Tiên Thiên diệu lý, quân tri phủ,

Chỉ tại nhất tâm tiện khả khoa.

Dịch:

Thân ngoại cầu tiên ắt lạc đường.

Mò trăng đáy nước, hái hoa gương.

Tiên Thiên diệu lý, hay chăng tá,

Chỉ tại tâm điền, há viễn phương.

Thái Cực ở trong ta tức là ở trong thế Cực Tiểu, Thái Cực ở ngoài vũ trụ là ở trong thế Cực Đại.

Xướng Đạo Chân Ngôn viết:

“Trung Dung nói: Nói lớn ra thì Thiên Địa không đủ để mang chứa. Đó là Thái Cực bao trùm vạn vật vậy. Nói nhỏ lại, thì thiên hạ không thể phá được. Đó là Thái Cực nhập vào trong vạn hữu vậy.” [23]

---Trương Tam Phong gọi Thái Cực ở trong thế Cực Tiểu là Thử Mễ Bảo Châu (Bảo Châu hạt vừng) [24], hay Thử Mễ. [25] hay Nhất lạp thử mễ. [26]

---Tử Dương Chân Nhân thì gọi đó là Huyền Châu.

“Hổ dược long đằng phong lãng thô,

Trung ương chính vị sản Huyền Châu.” [27]

---Lữ Đồng Tân gọi là: Nhất lạp túc (Một hạt thóc) [28]

---Trương tử Dương, trong quyển Kim Đơn tứ bách tự đã đề cập đến Thái Cực trong thân bằng thơ sau:

Thử khiếu phi phàm khiếu,
 此 竅 非 凡 竅

Kiền Khôn cộng hiệp thành,
 乾 坤 共 合 成,

Danh vi Thần Khí Huyệt,
 名 為 神 氣 穴,

Nội hữu Khảm, Ly tinh.
 內 有 坎 離 精。


---Thượng Dương Tử cũng xác quyết rằng Thái Cực đã tiềm ần trong thân ta, bằng thơ:

Thử Khiếu phân minh tại nhỡn tiền
 此 竅 分 明 在 眼 前

Hạ sĩ văn chi đại tiếu yên.
 下 士 聞 之 大 笑 焉 [29]



****************       


c. Nếu Thái Cực tiềm ẩn trong ta, thì tiềm ẩn nơi đâu?

Tiên Gia đã trả lời: Tại Nê Hoàn Cung, tức là tại trung tâm đầu não con ngườì. Về tầm quan trọng của Nê Hoàn Cung, tôi đã đề cập đến trong nhiều sách như Trung Dung Tân Khảo, Huỳnh Đình Kinh bình Dịch (nơi chương 3, 4 phần khảo luận). Nơi đây chỉ nhắc lại: Nê Hoàn ở trung cung đầu não, như Thái Cực ở giữa Cửu Cung, như Thiên Tâm ở giữa các cung Trời. Nê Hoàn là Thiên Cốc, Nê Hoàn là Cốc Thần. Mà ta đã biết: Cốc Thần là Thái Cực.

---Kim Đơn Đại thành viết:

Đầu hữu Cửu Cung, trung hữu Nê Hoàn. [30]

---Đại Động Chân Kinh viết:

Nhân đầu hữu cửu cung,do Thiên hữu Cửu Tiêu. [31]

---Kim Đơn Đại Thành còn viết: “Đầu có 9 cung ứng với Chín Cung Trời. Chính giữa có một cung gọi là Thiên Tâm, Tử Phủ, Thiên Uyên, Thiên Luân, Thiên Quan, Thiên Kinh, Thượng Đô quan, Côn Lôn Đỉnh. Tên rất là nhiều, nhưng chung qui chỉ là Huyền Quan Nhất Khiếu.” [32]

---Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Đầu hữu Cửu Cung, trung Nhất Cung danh viết Cốc Thần. [33]

---Huỳnh Nguyên Cát (1271---1355) viết:” Người ta đầu có 9 cung, ở giữa có một nơi gọi là Thiên Cốc, thanh tịnh không vương bụi trần. Nếu có được Nguyên Thần vào an ngự nơi đó, không phát tán ra ngoài, thời thành Tiên, thành Thánh. Huỳnh Đình Kinh nói: Nếu Bạn muốn bất tử, hãy tu Côn Lôn. Mới hay Thiên Cốc thật là vô cùng huyền diệu. [34]

Người xưa có thơ:

Hướng tiền Thần tụ đồng Vô Cực,
 向 前神 聚 同 無 極

Kim tán, vi trần mãn thế đồ.
 今 散 微 塵 滿 世 途

Dục qui nguyên vị Hoàng Trung lý,
 欲 歸 元 位 黃 中 裡

Nê Hoàn vạn vựng tốc hồi qui.
 泥 丸 萬 彙 速 回 歸 [35]


Dịch:

Trước kia, Thần tụ đồng Vô Cực,

Nay tán, trần ai ngập thế đồ.

Muốn về Nguyên Vị Hoàng Trung cũ,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Thay vì bàn thêm nhiêù về Nê Hoàn, tôi xin cống hiến một số danh hiệu thêm về Nê Hoàn. Đọc những danh hiệu ấy, tự nhiên ta sẽ thấy những nhận định, những suy tư cuả ngưới xưa về Nê Hoàn.

Nhân bàn câu: Chân Nhân tiềm thâm uyên của Nguỵ Bá Dương trong sách Tham Đồng Khế, Du Diễm bình như sau:

“Chân Nhân tức là Nguyên Thần. Thâm Uyên là Thái Uyên. Nó có rất nhiều tên gọi, xin thử kể ra: Nê Hoàn Cung, Lưu Châu Cung, Ngọc Thanh Cung, Thúy Vi Cung, Thái Vi Cung, Thái Ất Cung, Thái Huyền Quan, Huyền Môn, Huyền Cung, Huyền Thất, Huyền Cốc, Huyền Điền, Sa Điền, Đệ Nhất Quan, Đô Quan, Thiên Quan, Thiên Môn, Thiên Cốc, Thiên Điền, Thiên Tâm, Thiên Luân, Thiên Trục, Thiên Nguyên, Thiên Trì, Thiên Căn, Thiên Đường, Thiên Cung, Kiền Cung, Kiền Gia, Giao Cảm Cung, Ly Cung, Thần Cung, Thần Thất, Thần Quan, Thần Phòng, Thần Đô, Huyền Đô, Cố Đô, Cố Khâu, Cố Lâm, Cố Cung, Tử Đỉnh, Tử Kim Đỉnh, Chu Sa Đỉnh, Cống Đỉnh, Ngọc Đỉnh, Ngọc Thất, Ngọc Kinh, Ngọc Vũ, Dao Phong, Đệ Nhất Phong, Tối Cao Phong, Chúc Dung Phong, Côn Lôn Đỉnh, Không Động, Bồng Lai Thượng Đảo, Thượng Kinh, Thượng Cung, Thượng Huyền, Thượng Nguyên, Thượng Cốc, Thựơng Thổ Phủ, Thượng Đơn Điền. Tên thật nhiều, nhưng chung qui chỉ có một. [36]

Chính vì thế mà không vị Tiên Gia nào mà lại không biết giá trị của Nê Hoàn.

Thái Cổ Tập vân:

Kim Đơn vận đáo Nê Hoàn huyệt,

Danh Tính tiên tương ký Ngọc Đô. [37]

Dịch:

Kim Đơn vận tới Nê Hoàn Huyệt,

Danh tính đã ghi tại Ngọc Đô.

Huỳnh Đình Kinh viết: Tử dục bất tử tu Côn Lôn,

Luận Tĩnh Trung Ngâm có câu:

Ngã tu Côn Lôn đắc chân quyết.

Phục Mệnh Thiên viết:

Hồi hướng ngã gia viên lý,

Tài bồi nhất mẫu Thiên Điền. [38]

Dịch:

Nhà xưa vườn cũ quay trở lại,

Một mẫu Thiên Điền cố chăm nom.

Hoàn Nguyên Thiên viết:

Ngộ Đạo hiển nhiên minh khuếch lạc,

Nhàn nhàn đoan toạ vận Thiên Quan. [39]

Dịch:

Ngộ Đạo tự nhiên tỏ lối đàng,

Thảnh thơi ngồi thẳng vận Thiên Quan.

d. Đã biết Thái Cực ở nơi đâu, lập tức suy ra đựơc con đựng phản bản hồi hướng.

Nhập Dược kính có thơ:

Nê Hoàn nhất khiếu đạt Thiên Môn,

Trực thượng Hư Hoàng, Ngọc Đế tôn.

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ,

Thời thời khóa hạc khứ triều nguyên. [40]

Dịch:

Nê Hoàn một khiếu đạt Thiên Môn,

Thẳng tới Hư Hoàng Ngọc Đế Tôn.

Ấy chính Chân Nhân đường lui tới,

Thời thời cưỡi hạc để triều nguyên.

 *****

Còn phương pháp để trở về với Thái Cực, thì Tiên Gia nhất luật chủ trương: Định, Tĩnh.

---Tiên Kinh vân: Tiên Thiên (Thái Cực) thời Thu Nhiếp.

Hậu Thiên (Thân Tâm) thời biến hóa để trở nên xứng đáng Dữ Đạo Hợp Chân. [41]

---Dịch Kinh viết: Thánh Nhân dĩ thử tẩy tâm, thoái tàng ư mật.

Thánh Nhân tẩy rửa tâm thân cho sạch tục lụy trần ai, và rút lui vào chốn ẩn áo trong lòng mình.[42]

---Đạo đức Kinh viết: Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, [43]

---Lại viết: “Tĩnh vi tháo quân.” (tĩnh là vua của hoạt động). [44]

---Bạch Ngọc Thiềm viết: “Nhân năng hư tâm, Đạo tự qui chi.” [45]

---Lý Đạo Thuần viết: “Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên hạ tất giai qui,” [46]

Lại nói:

“Trí hư tri diệu bản,

Tĩnh cực kiến Thiên Tâm.” [47]

 ---Mã đơn Dương viết:

“Thanh Tĩnh tiện thị Trường Sinh quyết” [48]

---Tự Nhiên Cư Sĩ viết:

“Tâm như minh kính liên thiên bích,

Tính tự hàn đàm chỉ thủy đồng.”

Dịch:

Tâm như gương sáng chiếu thinh không,

Tâm tựa hồ thu nước lắng trong. [49]

---Tam Mao Chân Quân viết:

Linh Đài trạm trạm tựa băng hồ,

Chỉ hứa Nguyên Thần lý diện cư,

Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

Khởi năng chứng Đạo hợp Hư Vô?

Dịch:

Tâm Linh vằng vặc tựa băng hồ,

Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

Nếu để vật chi vương vấn đó,

Làm sao chứng Đạo hợp Hư Vô? [50]

Và dĩ nhiên, khi đã biết được Thái Cực là điểm đồng qui, hội tụ, thì chỉ việc thu nhiếp thân tâm về nơi Trung Hoàng Mậu Kỷ đó.

Người xưa có thơ:

Ly khảm, tinh thần, Nam hội Bắc,

Hổ Long, Hồn Phách hợp Tây Đông,

Tổng qui Mậu Kỷ thường tương hội,

Tận tại Huyền Quan nhất khiếu trung. [51]

Thạch Hạnh Lâm viết:

Ý mã qui thần thất,

Tâm viên thủ Động Phòng.

Tinh, Thần, Hồn, Phách, Ý,

Luyện tác Tử Kim Sương, [52]

*** Nếu ta kết hợp được với Thái Cực, với Trời, với Đạo trong tâm hồn ta, đó là:

---Đắc Đạo.

---Qui căn, phản bản.

---Tìm lại được Bản Lai Diện Mục của mình.

---Tìm lại được Kim Cương Thân,

---Luyện được Kim Đơn.

Tiên gia gọi thế là:

---Uống được Đao Khuê.

---Uống được rượu Hồng Mông.

---Khai phá được Hỗn Độn.

Mới hay:

Nhất lạp Đao Khuê luyện nhập Thần,

Đại như Thử Mễ, trị thiên câm,

Chỉ tiêu bán trản Hồng Mông tưủ,

Ẩm xứ hà tu cánh cổ cầm.

Dịch:

Một hạt Đao Khuê luyện nhập Thần,

Hạt vừng to tựa, giá thiên câm (thiên kim).

Chỉ cần nửa chén Hồng Mông tưủ,

Lúc uống cần chi phải cổ cầm (gảy đàn). [53]

Mới hay:

Hỗn Độn nếu chẳng tạc khai,

Hồng Mông nếu không bổ vỡ,

Bảo Châu trời đất sao thấy toû? [54]

Để kết thúc chương này, ta mượn 2 câu thơ của Mã Đơn Dương tặng Triệu Công:

“Thành tiên chỉ thị Thần Quang,

Thiên Cung vô dụng xú bì nang.”[55]

Dịch:

Thành Tiên âu chỉ cốt Thần Quang,

Thiên cung sá kể cái xác phàm...


****************       


CHÚ THÍCH


[1] Xem Đạo Tạng, trong Trung Quốc Đạo Giáo, Khanh Hi Thái chủ biên, q. 2, tr. 11---40.

Xem Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 227---231.

Xem Trung Quốc Đạo Giáo Đại Sự niên biểu, Trung Quốc Đạo Giáo, q. IV, tr. 293---322.

[2] Lý Kiệt, Trương Vĩnh Tường, Mạnh Chí Tài, Đạo tạng mục lục tường chú, in năm Đạo Quang thứ 35 (1885).

Xem Wieger, Taoisme, T. 1, p. 23

[3] Xem Wieger, Taoisme, T. I, Bibliographie générale, p. 24.

[4] Khổng tử tắc viết: Thiên Lý, Lão Tử tắc viết Cốc Thần, Dịch tắc viết:  Thái Cực. Danh tuy hữu dị, kỳ thực, đồng nhất Chân Như bàn thể dã.

Qui Nguyên Trực Chỉ q. trung, tr. 360.

...Đạo vi Thái Cực.

Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học sử, đệ Tam Thiên thượng, tr. 14.

Thái Cực tức Đạo, Đạo tức Đơn dã.

Tiên Học từ Điển, tr. 64.

[5] Hữu vật tiên Thiên Địa,

 Vô hình bản tịch liêu,

 Năng vi vạn tượng chủ,

 Bất trục tứ thời điêu.

Đỗ Thiéu Lăng, Qui Nguyên Trực Chỉ, q. trung, tr. 370.

[6] 丹 者 何 也, 人 中 之 太 極 也。

Đơn giả, hà dả. Nhân trung chi Thái Cực dã.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q. 2, tr. 8a.

[7] Phù Vô Cực O giả, Thái Cực O dã. Đãn hữu cá thử Huyền Quan Nhất Khiếu nhi Vô Cực, Thái Cực chi danh do thử phân. Kỳ thực vô khả phân dã.

夫 無 極 O 者, 太 極 O 也 。但 有 個 此 玄 關 一 竅 而 無 極, 太 極 之 名 由 此 分。其 實 無 可 分 也.

Vô Cực là Thái Cực, chỉ vì có Huyền Quan Nhất Khiếu mà Vô Cực, Thái Cực chia thành 2 tên. Kỳ thực không thể phân vậy.

Xướng Đạo Chân Ngôn, q.2, tr. 8a.

...Nguyên Quan tức Nguyên Tẫn chi biệt danh, nhân kỳ Âm Dương tại thử, cố vị Nguyên Tẫn môn. Nhân kỳ Nguyên Diệu bất trắc, cố vị Nguyên Quan Khiếu, kỳ thực giai thử Nhất Khiếu nhĩ.

...Huyền Quan tức là Huyền Tẫn chi môn. Vì gồm đủ Âm Dương nên gọi là Huyền Tẫn môn. Vì huyền diệu bất trắc, nên gọi là Huyền Quan Khiếu. Kỳ thật, chỉ là một khiếu.

Tượng Ngôn Phá Nghi q. hạ, tr. 2a.

** (Thời nhà Thanh, vì vua Khang Hi tên là Huyền, nên vì kiêng tên huý của vua, nên các chữ Huyền đổi thành Nguyên hết. Nay ta đổi ngược lại: Các chữ Nguyên đổi lại thành Huyền. Tượng Ngôn phá Nghi là của Lưu Nhất Minh (1734---1821) viết thời nhà Thanh. Ông mất năm Tuyên Tông Thành Hoàng Đế, Đạo Quang 1.)

...Huyền quan giả, chí huyền chí diệu chi cơ quan dã. tức nhân thân trung chi Thái Cực thị dã.

...Huyền Quan là một cơ quan chí huyền, chí diệu, đó là Thái Cực trong con người vậy.

Tính Mệnh Pháp Quyết minh chỉ, q. 7, tr. 2.

[8] Na ta tử sở vị Huyền Quan Khiếu dã.

那 些 子 所 謂 玄 關 也。

Na Ta Tử là Huyền Quan Khiếu.

Đàm Dưỡng Ngô, Địa Lý Hợp Bích, tr. 106.

Ta Tử, Ngũ Trung dã 些 子 五 中 也.

Như trên. tr. 106.

Đại Đạo vô đa, chỉ tranh Na Ta Tử. Cố viết: Bất ly hồ giá cá. Nhân Thân hữu thử Nhất Khiếu. Thiên Địa hữu thử nhất Khiếu. Địa lý gia tu nhận thử Âm Dương chi khiếu.

大 道 無 多, 只 爭 那 些 子。 故 曰﹕ 不 離 乎 這 個。人 身 有 此 一 竅。

天 地 有 此 一 竅。 地 理 家 須 認 此 陰 陽 之 竅。

Đại Đạo chẳng qua là Cái Đó. Cho nên nói: Không lìa Cái Đó. Con người có khiếu ấy. Trời Đất cũng có khiếu ấy. Các nhà Địa Lý cần nhận thức được Âm Dương khiếu ấy.

Như trên. tr. 105.

[9] Căn bản do lai Thái Cực tầm.

根 本 由 來 太 極 尋。

Đại Động Chân Kinh tr. 4b.

[10] Chân Như Bản Tánh giả, phụ mẫu vị sinh tiền, nhất chân vô vọng chi thể, vị chi Bổn Lai Diện Mục. Thiền Tông tắc viết: Bổn Tánh Di Đà. Khổng Tử tắc viết: Thiên Lý. Lão tử tắc viết: Cốc Thần. Dịch Đạo tắc viết: Thái Cực. Kỳ thật đồng nhất Chân Như Bản Tính dã.

真 如 本 性 者, 父 母 未 生 前, 一 真 無 妄 之 體, 謂 之 本 來面 目。

 禪 宗 則曰﹕ 本 性 彌 陀。 孔 子 則 曰﹕ 天 理。 老 子 則 曰﹕谷 神。

 易 道 則 曰﹕ 太 極. 其 實 同 一 真 如 本 體 也。

Đỗ Thiếu Lăng, Qui nguyên trực chỉ, quyển Trung, tr. 369.

[11] như 10, như 8

[12] Dục cầu Trường Sinh, tu thức sở sinh chi bổn, dục cầu bất tử, đương minh Bất tử chi nhân. Cố viết: Nhận đắc bất tử nhân, phương tài nhân bất tử. Na bất tử Nhân, đạo gia hô vi Thiết Hán,Thích Thị hoán tác Kim Cương. Tức thế nhân Bản Lai diệu Giác Chân Tâm thị dã.

欲 求 長 生, 須 識 所 生 之 本。 欲 求 不 死, 當 明 不 死 之 人。

 故 曰﹕ 認 得 不 死 人, 方 才 人 不 死。 那 不 死 人 ,道 家 呼 為 鐵 漢。

 釋 氏 喚 作 金 剛。 即 世 人 本 來 妙 覺 真 心 是 也。

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 2a.

[13] Thái cực giả, ngô tâm chi Thiên Tâm dã.

太 極 者 吾 心 之 天 心 也。

Liêu Dương Điện vấn đáp thiên, Thiên nhất tr. 2b.

[14] Phù thân trung nhất khiếu danh viết Huyền Tẫn, khí dĩ sinh, thức vi phủ thần, Tam Nguyên sở trú cánh vô phân biệt. Tinh Thần Hồn Phách hội tại thử huyệt. Nãi Kim đơn hoàn phản chi căn. Thần Tiên ngưng kết Thánh Thai chi địa. Cổ Nhân vị chi Thái Cực chi đế, Tiên Thiên chi Bính, Hư vô chi hệ, Tạo hoà chi nguyên, Hỗn Độn chi căn, Hư Vô chi cốc, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan, Mậu Kỷ Môn, Chân Nhất Xứ, Trung Hoàng Cung, Đơn Nguyên Phủ, Thủ Nhất Đàn, Yến Đơn Lô, Chu Sa Đỉnh, Long Hổ Huyệt, Huỳnh Bà Xá, Dung Lô, Thổ Phủ, Thần Thủy, Hoa Trì, Đế Ất, Thần Thất, Linh Đài, Giáng Cung. Ngã đắc diệu quyết, danh viết Qui Trung...Khảm, Ly thủy Hỏa Giao Cấu chi hương, Nhất Thân Thiên Địa chi chính Trung.

Thông Tiên Bí Thư, q. 4. tr. 9b.

[15] Nhập dược Kính viết:

Ẩm Đao Khuê, khuy Thiên xảo,

Biện sóc vọng, tri hôn hiểu.

飲 刀 圭, 窺 天 巧,

辨 朔 望 知 昏 曉。

Tiên Học Từ Điển, tr. 24.

[16] Đả phá hỗn Độn, khiêu nhập Hư Vô.

打 破 混 沌, 跳 入 虛 無。

Tứ bách tự giải, tr. 86.

Nhất kiếm tạc khai Hỗn Độn,

Lữơng thủ phách liệt Hồng Mông.

一 劍 鑿開 混 沌,

摳手 擘裂 鴻 濛。

Tham đồng Khế phát huy, q. trung, tr. 9a.

[17] 丹 者 何 也? 人 中 之 太 極 也。

Xướng Đạo Chân Ngôn.

[18] 輪 迴 玉 兔 與 金 烏

 道 在 人 心, 人 自 迷。

Tiên Học từ Điển, tr. 93

[19] 身 中 儘 有 延 年 藥

 可 笑 愚 人 向 外 尋。

Tiên Học từ Điển, tr. 93

[20] 妙 道 不 離 自 家 身

 豈 在 千 山 萬 水 并。

Tiên Học từ Điển, tr. 93

[21] Như trên. tr. 93.

[22] Thị chi bất kiến, cận nhi dị cầu.

視 之 不 見, 近 而 易 求。

Kim đơn Đại dược chỉ tại mục tiền, khởi bất cận da? Nại hà thị chi bất kiến, bác nhi bất đắc, tuy cận, do viễn dã. Nhược đắc pháp độ cầu chi, tắc phiến hướng công phu, tiện hữu mãn mục hoàng hoa hiển lộ. Phù hà viễn chi hữu. Ngộ Chân Thiên vân:

“Công phu dung dị, dược phi dao, thuyết phá, nhân tu thất tiếu”.

工 夫 容 易 藥 非 遙, 說 破 人 須 失 笑。

Tiếu giả dã, tiếu kỳ cận nhi dị cầu, nhi nhân tự sách chi ư cao viễn dã. Phục Mệnh Thiên vân:”

Phân minh chỉ tại mục tình tiền, tự thị thời nhân bất kiến Thiên”.

分 明 只 在 目 睛 前, 自 是 時 人 不 見 天。

Duy kỳ bất kiến dã, ư thị xả nội, vụ ngoại. Hoặc thái Dương tinh, Nguyệt hoa, hoặc luyện kim thạch, thảo mộc, hoặc hành phòng trung chi thuật, . Chính sở vị: Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn, sự tại dị nhi cầu chư nan. Bi hĩ.

Tham đồng Khế phát huy, quyển thượng, tr. 12b.

[23] Trung Dung viết: ngứ đại , thiên hạ mạc năng tải, Thái Cực bao hồ Thiên Địa chi ngoại dã. Ngứ tiểu, thiên hạ nạc năng phá, Thái Cực nhập hồ vạn vật chi trung dã.

中 庸 曰﹕ 語 大 天 下 莫 能 載, 太 極 包 乎 天 地 之 外。

 語 小, 天 下 莫 能 破, 太 極 入 乎 萬 物 之 中 也。

Xướng Đạo Chân Ngôn, tr. 8b

[24] Trương Tam Phong, Đạo Thuật hối tông, q.3, tr. 101.

[25] Tiên Học Từ Điển, tr. 143.

[26] Trương Tam Phong, Đạo Thuật hối tông, q.4, tr. 160.

[27] 虎 躍 龍 騰 風 浪 麤,

 中 央 正 位 產 玄 珠.

Tiên Học Từ Điển, tr. 143.

[28] 一 粒 粟 中 藏 世 界。

Tiên Học Từ Điển, tr. 331.

[29] Tiên Học Từ Điển, tr. 76.

[30] 頭 有 九 宮, 中 有 泥 丸。

Kim đơn đại thành, tr. 4.

[31] Đại động Chân Kinh, tr. 7a.

[32] Thủ hữu Cửu Cung, thượng ứng Cửu Ngung, kỳ trung Nhất Cung viết: Thiên Tâm, viết Tử Phủ, Thiên Uyên, Thiên Luân, Thiên Quan, Thiên Kinh, Thượng Đô quan, Côn lôn đỉnh. Kỳ danh phả chúng. Tổng nhi ngôn chi viết: Huyền Quan Nhất Khiếu.

首 有 九 宮 上 應 九 隅, 其 中一 宮 曰﹕天 心, 曰 紫 府, 天 淵, 天 輪,

天 關,天 京,上 都 關,崑 崙 頂。 其 名 頗 眾。 總 而 言 之 曰﹕ 玄 關 一 竅。

 Kim Đơn Đại Thành tr, 2a.

[33] 頭 有 九 宮, 中 一 宮 名 曰 谷 神。

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 21b.

[34] Đầu hữu cửu cung, trung hữu nhất sở, danh viết Thiên Cốc, thanh tĩnh vô trần. Năng tương Nguyên Thần an trí kỳ trung, hào bất ngoại trì tức thành Chân, chứng Thánh, túc tại thị hĩ. Huỳnh Đình Kinh vân: Tử dục bất tử tu Côn Lôn... Khả kiến thủ thử Thiên Cốc, hữu vô hạn chi diệu dã.

頭 有 九 宮, 中 有 一 所, 名 曰 天 谷,

 清 靜 無 塵。 能 將 元 神 安 置 其 中, 毫 不 外 馳,

 息 成 真 證 聖, 即 在 是 矣。 黃 庭 經 云﹕

子 欲 不 死 修 崑 崙。。。可 見 守 此 天 谷 有 無 限 之 妙 也。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 298.

[35] Đạo Học Cầu Chân, chương X.

[36] Tham Đồng Khế phát huy, q, trung, trang 18b.

[37] Tham Đồng Khế phát huy, q, trung, trang 18b.

[38] Tham Đồng Khế phát huy, q, trung, trang 18b.

[39] Tham Đồng Khế phát huy, q, trung, trang 18b.

[40] Nhập Dược Kính, tr. 10b.

[41] Tiên Kinh vân: Tiên Thiên bất đắc Hậu Thiên, vô dĩ chiêu nhiếp. Hậu Thiên bất đắc Tiên Thiên, vô dĩ biến hóa.

仙 經 云﹕ 先 天 不 得 後 天 無 以 招 攝 。 後 天 不 得 先 天 無 以 變 化。

Tiên Học Từ Điển, trang 20, phần Phụ Lục.

[42] Dịch, Hệ Từ Thượng, chương XI.

[43] Đạo Đức Kinh, chương XVI.

[44] Đạo Đức Kinh, ch. 28.

[45] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 261.

[46] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 272.

[47] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 273.

[48] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 350.

[49] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 380.

[50] Tính Mệnh Khuê Chỉ q. Hanh, tr. 4a.

[51] Nhập dược Kính, tr. 14b

[52] Nhập dược Kính, tr. 15a.

[53] 一 粒 刀 圭 鍊 入 神

 大 如 黍 米 值 千 金

 只 消 半 盞 鴻 濛 酒

 飲 處 何 須 更 鼓 琴

Nhập dược Kính, tr. 13b.

[54] Cẩu bất tạc khai Hỗn Độn, phách liệt Hồng Mông, tắc hà dĩ khuy Thiên Địa chi chí bảo. 苟 不 鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛,則 何 以 窺 天 地 之 至 寶。

Nhập dược kính, tr. 14a

Tạc khai Hỗn Độn, phách liệt Hồng Mông, phương kiến Kim Đơn.

鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛, 方 見 金 丹。

Nhập dược kính, tr. 14a

[55] 成 仙 只 是 神 光 ,天 宮 無 用 臭 皮 囊。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 360.

--------------------------------------
****************       


CHƯƠNG XIV

CAO NHÂN, DANH PHÁI CỦA ĐẠO GIA


Đạo Lão, thoạt nhìn, thật là đa đoan phức tạp, nhưng nếu ta tiềm tâm suy cứu, cũng có thể tìm ra được những đường nét chính yếu, những phương hướng chính yếu.

Đạo Lão, khởi điểm, là một khoa Huyền Học (Mysticism) có mục đích là sống phối kết với Đạo,với Trời. Nó biến dạng dần dần, hoặc để thành phương thuật cầu Trường Sinh Bất Tử, hoặc trở thành một đạo giáo thu hút quần chúng.

Như vậy, ta sẽ khảo cứu các Cao Nhân, Danh Phái, dưới ba khía cạnh:

1. Đạo học (Huyền Học): Tìm Trời để phối kết với Trời.

2. Tiên Học (Đơn Đạo) (Phương thuật Nội Đơn cầu Trường Sinh, Bất Lão).

3. Đạo giáo nhân gian.

Dĩ nhiên là chúng ta chỉ có thể đề cập đến các Cao Nhân, Danh Phái một cách đại lược. Tuy nhiên, chương này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về Đạo Lão, và sẽ không còn bỡ ngỡ, khi nghe thấy người khác đề cập đến môn này, phái nọ của Đạo Lão.

I. ĐẠO HỌC (Huyền học).

--- Tu Tính: Đặt nặng vấn đề giác ngộ, thấy Đạo, thấy Trời nơi tâm mình. Đặt nặng vấn đề học hỏi, suy tư, sư phụ chỉ điểm, thanh tĩnh, vô vi, dữ Đạo hợp chân.

Dĩ nhiên, chỉ có những bậc Thượng Căn, mới đi vào được con đường này. Nó tương đương với chủ trương Đốn Ngộ của Phật Giáo.

Ít nhiều Cao Nhân tiêu biểu cho Đạo Học.

--- Quảng Thành Tử: (khoảng 2600 thời Hoàng Đế). Chúng ta còn có được Quảng Thành Tử Luận Đạo Ngữ. [1]

--- Lão tử. Khoảng thế kỷ VI trước Công Nguyên.

(Lý Nhĩ, tự Bá Dương. Người xứ Trần.) Viết: Đạo Đức Kinh.


---Trang Tử . Khoảng 330 trước Công Nguyên.

(Trang Chu, Trang Tử, Trang Sinh, người đất Lương). Viết: Nam Hoa Kinh.

---Liệt tử: (Liệt Ngự Khấu). Khoảng thế kỷ thứ IV, trước Công Nguyên. Viết: Xung Hư Chân Kinh.

---Văn Thủy Phái. Tổ sư: Quan Doãn Tử (làm quan thái phu, đời Châu. Gặp đức Lão Tử tại Hàm Cốc. Chủ trương: Thanh tĩnh, Vô vi.). Sách: Văn Thủy Chân Kinh.

---Ma Y (Lý danh Hoa). Thần tướng.

---Trần Hi Di (Khoảng 900, cuối thời Ngũ Đại, và đầu thời Tống) (Đồ Nam, Trần Đoàn). Sáng lập môn Tử Vi.

---Hỏa Long Chân Nhân.

II. Tiên Đạo (Đơn Đạo) (Phương Thuật Luyện Nội Đơn cầu Trường Sinh, Bất Lão----Thiếu Dương Phái---Toàn Chân Phái).

---Gọi là Tiên Học, vì đặt cho mình mục tiêu phản lão, hoàn đồng, trưỡng sinh, bất lão, Dương Thần thoát xác, bạch nhật thăng Thiên. [2]

---Tiên Học khác với Đạo học, vì Đạo học muốn có Đức Hạnh phối Thiên Địa, tham tán hóa dục, góp công, góp sức vào công cuộc hóa sinh của Trời Đất, thể hợp với Hư Vô. Như vậy, Đạo Học có mục đích Phối Thiên.

---Gọi là đơn đạo, vì chủ trương Luyện Thuốc Trường Sinh . Gọi là Nội Đơn, vì không dùng tha vật, ngoại vật, ngọc thạch, kim loại để Luyện Thuốc Trường Sinh như phái Luyện Ngoại Đơn. [3]

---Gọi là Thiếu Dương Phái, vì đều suy tôn Đông Hoa Đế Quân, Vương Huyền Phủ làm Lão tổ của Tông Môn.

---Gọi là Toàn Chân vì các phân phái của Phái này đều chủ trương Tính Mệnh Song Tu, vừa tu xác thân, vừa luyện Tâm, Thần.

Tiên Học chính là phương pháp tiệm tu, đi từ thấp tới cao, từ thô tới tinh, từ ngoài vào trong, từ nông đến sâu, từ Hữu Vi đến Vô Vi. Cho nên tuyệt đỉnh của Tiên Học sẽ bắt gặp tuyệt đỉnh của Đạo học.

Tu Tiên Đạo mới đầu sẽ cho chúng ta một xác thân khang kiện, sẽ trừ khử được những chứng bệng xác thân, và tâm hồn. Dần dà sẽ đem lại cho chúng ta một thân tâm an lạc, và cuối cùng sẽ mở tuệ giác cho chúng ta và dẫn đến chỗ huyền hóa cùng trời đất, hay Thiên Nhân hợp nhất. Nhưng gặt hái được gì thì lại là một vấn đề khác. Nó biến đổi theo từng người. Tu Tiên cho có kết quả, ngoài căn cơ, trí tuệ ra còn phải có lòng chân thành. Người xưa nói: Tinh Thành sở chí kim thạch vi khai, chính là vì vậy.

Để hiểu rõ Tiên Học chúng ta lần lượt bàn về:

a. Ba thuỷ tổ của Tiên Học:

b. Các tông phái Tiên Học.

A. Ba thủy tổ Tiên Học.

Đã đành Tiên Học cũng như Đạo Học đều tôn thờ đức Lão Tử, nhưng 3 vị Thủy Tổ trực tiếp của Tiên Đạo là Đông Hoa Đế Quân, Hán Chung Ly (Chung Ly Quyền), và Lữ Đồng Tân.

1. Đông Hoa Đế Quân;

Họ Vương, tên Huyền Phủ, 王 玄 甫 học trò Bạch Vân Thượng Chân 白 雲 上 真,sống vào thời Hán (25---190) sau CN.

Dân gian gọi Ngài là Lý Thiết Quải 李 鐵拐 .[4]

Từ bé ông đã có cốt cách thanh kỳ. Bạch Vân Chân Nhân, gặp Ông, liền thương, và khen Ông là vị trích tiên. Bèn đưa Ông lên núi, truyền thụ cho sách Xích Phù Ngọc Triện, Kim khoa Linh Văn, Đại Đơn bí quyết, Chu Thiên Hỏa Hầu, Thanh Long Kiếm Pháp. Ông cố công học tập trong ba năm. Sau lui về Động Yên Hà, núi Côn Lôn tu luyện.

Phái Toàn Chân tôn Ông làm Đệ Nhất Tổ trong số Ngũ Tổ của Bắc Phái.

2. Chung Ly Quyền 鍾 離 權.

Cuối thời Đông Hán. Húy Quyền, tự Vân Phòng, hiệu Chính Dương Tử. Người Kinh Triệu, Hàm Dương. Mới đầu học văn, làm quan Tả Luyện Nghệ Đại Phu. Khi nhà Hán bị diệt, Ông sang làm quan bên nước Tấn. Lãnh binh đi chinh phạt. Sau thất bại, ông trốn vào núi hoang. Được Vương Huyền Phủ truyền cho các sách Xích Phù Ngọc Triện, Kim Khoa Linh Văn, Đại Đơn Bí Quyết, Chu Thiên Hỏa Hầu, Thanh Long Kiếm Pháp.

Theo truyền thuyết, vào năm Đường Văn Tông Khai Thành 636---640, ông đi chơi Lô Sơn, thì gặp Lữ Đồng Tân, và truyền cho Ông Thiên Độn Kiếm Pháp, và Chung Lữ truyền Đạo tập.

Năm Tống Khâm Tông Tịnh Khang (1126---1127), ông được phong là: Chính Dương Chân Nhân.[5]

Đời Nguyên, trong những năm Chí Nguyên, (1264---1294) ông được phong làm: Chính Dương Khai Ngộ Truyền Đạo Chân Quân. Phái Toàn Chân phong Ông làm: Chính Dương Tổ Sư. Ông đứng đầu Bát Tiên. [6]

*Sách: --- Chung Lữ Truyền Đạo Tập, Phá Mê Chính Đạo Ca.

3. Lữ Đồng Tân. (798---) 呂 洞 賓。

(Húy: Nham, Tự: Đồng Tân; hiệu: Thuần Dương Tử.) Người Bồ Bản, Hà Trung Phủ, Vĩnh Lạc, Nhâm cầm thôn. Được Hán Chung Ly truyền đạo.

*Sách: ---Dao Đầu Phôi Ca, Sao Hào Ca, Chỉ Huyền Thiên, Bách Cú Chương, Chân Kinh Ca, Thẩm Xuân Viên, Bách Tự Bi, Lữ Tổ Toàn Thư.

Tiên Học Diệu Tuyển đã in lại những tiết mục chính yếu của các sách trên nơi các tr. 201---231.

Ông là đồ đệ của Hán Chung Ly. Lúc nhỏ theo Nho, Mặc (đạo Nho và đạo của Mặc tử). Có lần định thi Tiến Sĩ. Sau này Ông lấy Từ Bi làm đạo dạy đời, goị phương thuật Đơn Diên và Hoàng Bạch làm Nội Đơn (tức là bỏ các phương pháp luyện Ngoại Dược để đi tìm Trường Sinh, mà dạy Nội Đơn thay thế vào). Thay vì dạy Kiếm Thuật, Ông dạy dùng Trí Huệ để đoạn trừ tham si, ái dục và phiền não. Ảnh hưởng Ông rất lớn vào thời Tống. Năm Tuyên Hoà đời Tống Huy Tông (1119), Ông được phong làm Diệu Thông Chân Nhân. Năm Chí Nguyên thứ sáu đời Nguyên Thế Tổ (1269) Ông được phong làm Thuần Dương Diễn Chính Cảnh Hoá Chân Quân. năm Vũ Tông Chí Đại (1310) đời Nguyên, được gia phong: Thuần Dương Diễn Chính Cảnh Hóa phu hựu đế quân. Ông là một trong số Ngũ Tổ của Phái Toàn Chân, và là một trong Bát tiên. [7]


****************       


B. Các Tông Phái Tiên Học.

Tiên Học có nhiều môn phái. Trước hết là 5 tông phái chính, theo địa dư gọi là Bắc, Nam, Tây, Đông, Trung Phái.

Ngoài ra lại còn các môn phái khác như Trương Tam Phong phái, Huỳnh Nguyên Cát Phái v.v... Ta sẽ lần lượt bàn đến như sau:

Nam Tông.

---1. Lưu Thao 劉 操。

(Hải Thiềm Tử, Thanh Thành Trượng Nhân), tướng quốc nước Yên. Được Chung Ly Quyền truyền Đạo năm 911. Ông là sư Phụ của Trương Bá Đoan.

Viết: Ngộ Kim Thiên, Hoàn Đơn Phá Mê Ca, Hoàng đế Âm Phù Kinh tập giải. [8]

---2.Trương Bá Đoan 張 伯 端 (984---1082) đời Tống.

(tự Bình Thúc, Hiệu Tử Dương. Người Triết giang, Thiên Thai Huyện, Anh Lạc Nhai). Được Thanh Thành Đạo Nhân người Ba Thục truyền Đạo năm 1069.

Sách Ngộ Chân Thiên, Kim Đơn Tứ Bách Tự, Ngọc Thanh kim tứ thanh hoa bí văn kim thất nội luyện đơn quyết.

Sáng lập ra Nam Tông. Ông là một người hết sức thông minh, lảu thông tam giáo, bác lãm quần thơ. Vì gặp họa Hỏa Thiêu Văn Sách Luật, nên bị đày đi Lĩnh Nam. Tương truyền năm Hi Ninh thứ 2, đời vua Tống Thần Tông (1069), Ông gặp Lưu Hải Thiềm ở Thành Đô, và được Ông này truyền cho khẩu quyết Kim Dịch Hoàn Đơn. Năm Hi Ninh thứ VIII (1075) ông viết Ngộ Chân Thiên, áp dụng Thuyết Thiên Nhân hợp Nhất vào khoa Luyện Đơn, coi thân thể con người là vũ trụ, coi Tinh, Khí trong thân là Dược Vật, coi Thần là Hỏa Hầu. Dạy giữ sao cho Tinh, Khí Thần ngưng tụ, không tan, kết thành Kim Đơn, và nói nếu muốn học kim đơn thì phải học cho tới rốt ráo. “Học Tiên chỉ thị học Thiên Tiên, Duy hữu kim đơn tối đích đoan,”. Lại cho rằng con người sở dĩ có Sinh Tử là vì đi theo chiều thuận của trời đất, còn nếu biết theo chiều nghịch mà luyện Đơn, thì có thể Trường sinh. “Ngũ hành thuận hề, thường Đạo hữu sinh, hữu tử, Ngũ hành nghịch hề, đơn thể thường linh, thường tồn.” Và khuyên mọi người phải tìm cho ra Bản Nguyên Chân Giác chi tính (cũng giống Chân Như). Nếu con người biết: Sát tâm, quan tính, thì bản thể viên minh đó tự hiện, và con người sẽ đốn siêu Niết Bàn. Ông coi Tam Giáo như một và nói: “Giáo tuy phân tam, Đạo nãi qui Nhất.”

Ảnh hưởng Ông rất lớn.

Nam Tông tôn xưng Ông là Nam Ngũ Tổ chi thủ. Người đứng đầu Ngũ Tổ. [9]

Các Môn đệ các đời kế tiếp:

3. Thạch Hạnh Lâm. 石 杏 林

Thạch Thái tự Đắc Chi. Người Giang Tô, Thường Châu. Viết: Hoàn Nguyên Thiên.

4 Tiết Đạo Quang 薛 道 光

Sách Phục Mệnh Thiên.

5. Trần Nê Hoàn 陳 泥 丸。

Trần Nam, hiệu Thúy Hư. Người Quảng Đông, Huệ Châu, Bắc La Huyện, Bạch Thủy Nham.

Sách: Thúy Hư Thiên gồm: Tử Đình Kinh, La Phù ngâm (viết năm 1200), Đơn cơ qui nhất quyết. Kim đơn thi quyết.

6. Bạch Ngọc Thiềm (1194---1229) 白 玉 蟾

Tên Trường Canh, sau đổi là Ngọc Thiềm. Hiệu: Hải Quỳnh Tử. Theo học Trần Nam 9 năm, hấp thụ được tinh hoa, bí quyết. Thu Bành Cử và Lưu Nguyên Trường làm đệ tử. Được sắc phong:Tử Thanh Minh Đạo Chân Nhân.

Sách: Hải Quỳnh Vấn Đạo Tập, Hải quỳnh Truyền Đạo Tập, Tu Đạo chân ngôn, Tử Thanh chỉ Huyền Tập, Vũ Di Tập, La phù Sơn chí, Kim Hoa Sung Bích Đơn Kinh Bí Chỉ, Hải Quỳnh Bạch Chân Nhân ngữ lục, Âm Phù Kinh giảng Nghĩa, Ngộ Chân Thiên Giảng Nghiã, Dịch ngoại biệt truyền, Du Diễm đích Tham Đồng Khế phát huy. 10

7. Bành Hạc Lâm.彭 鶴 林 (BànhTỷ 彭 耜)

Ta thường đọc là Bành Cử, hiệu Quí Ích, con nhà quyền quý, học trò Bạch Ngọc Thiềm. Được truyền cho các bộ Thái Ất Đao Khuê Hỏa Phù, Cửu Đỉnh Kim Sa Cống thư. Ẩn cư Hạc Lâm Sơn, tự xưng là Hạc Lâm Sơn Nhân, chuyên khảo Lão Trang, tuyệt giao với mọi người. Sau mất tại Phúc Châu. Theo Nam Tông.

Sách viết: Kim Hoa Sung Bích Đơn Kinh. Đạo Đức Chân Kinh Tập Chủ, Hạc Lâm Phú. [10]

Trương Bá Đoan, Thạch Thái, Tiết Đạo Quang, Trần Nam, Bạch Ngọc Thiềm là Nam Tông Ngũ Tổ.

Nam Tông cũng chủ trương Tính Mệnh Song Tu, nhưng ”Tiên Mệnh, Hậu Tính”, “Ngôn Mệnh xứ đa, ngôn Tính xứ thiểu”. [11]

Bắc Tông.

Giáo chủ là Vương Trùng Dương,người Hàm Dương. Sáng lập Bắc Tông năm 1167, và truyền Đạo cho 7 đệ tử là: Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Hách, Vương, Tôn.

1. Vương Trùng Dương. (1112---1170). 王 重 陽。

Họ Vương, tên Triết, tự Tri Minh. Đạo Hiệu: Trùng Dương Tử. Người Đại Ngụy, thôn đất Hàm Dương. Được Chung Lữ nhị Tiên truyền đạo năm 1158. Thu đồ đệ năm 1167---1168. Các đồ đệ Ông là: Mã Đơn Dương, Tôn Bất Nhị, Đàm Xứ Đoan, Khưu Xứ Cơ, Hách Đại Thông, Vương xứ Nhất, Lưu Xứ Huyền.

Sách: Trùng Dương toàn chân tập.

Vương Trùng Dương chủ trương Nho, Thích, Đạo bình đẳng, hợp nhất. Ông nói: “Tam Giáo tòng lai nhất tổ phong.” 三 教 從 來 一 祖 風。

Dùng Đạo Đửc Kinh, Hiếu Kinh, Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh làm sách tu luyện. Chủ trương Tu Đạo là Tu Tâm, và tu hành là giữ tâm thanh tĩnh.

Năm 1269, Nguyên Thế Tổ phong Ông làm “Trùng Dương Toàn Chân Khai Hóa Phụ Cực Đế Quân.”

Toàn Chân Giáo tôn Ông làm thủy tổ. [12]

2. Khưu Xử Cơ 丘 處 機. (1148---1227).

Tên Xử Cơ, tự Thông Mật, hiệu Trường Xuân Tử, người Phủ Đăng Châu, Huyện Thể Hà, tỉnh Sơn Đông. Được Vương Trùng Dương nhận làm Đệ tử. Sau khi Vương Trùng Dương qua đời, ông vào ẩn cư tại huyệt Bàn Khê trong vòng 6 năm.

Năn 1188, vua Thế Tông nước Kim triệu Ông vào Yến Kinh (Bắc Kinh) hỏi ông về Chí Đạo (Đạo cao nhất),và cho ông chủ trì lễ đàn Vạn Xuân tiết. Năm 1190, vua Chương Tông nhà Kim ra lệnh cấm bãi Toàn Chân đạo giáo, buộc vào tội “Cảm chúng, loạn dân.”. Năm 1207, vợ Vua Chân Tông tặng Ông bộ Đại Kim Huyền Đô Bửu Tạng, năm 1208 tặng cho đạo quán của Ông chữ Thái hư và Thái hòa.

Sau này Thành Cát Tư Hãn nhà Nguyên cũng mời Ông đến Tuyết Sơn gặp mặt, và gọi Ông là Thần Tiên, là Đại Tông Sư. Nhân dịp này học trò Ông là Lý Chí Thường đã viết bộ Trường Xuân Chân Nhân Tây Du Ký. [13]

Năm 1224, Nguyên Thái Tổ mời Ông về Yến Kinh (Bắc Kinh), cho Ông chưởng quản thiên hạ đạo giáo.

Ông mất tháng 7 năm 1227.

Năm 1269, Nguyên Thế Tổ phong Ông làm “Trường Xuân Diễn Đạo Giáo Chân Nhân”

Năn 1310, Nguyên Vũ Tông phong Ông làm “Trường Xuân Toàn Đức thần hóa minh đức Chân Quân.”

Khưu Xứ Cơ theo đúng tôn chỉ Toàn Chân giáo, chủ trương: Tam Giáo bình đẳng, tương thông, hỗ dung, người tu đạo phải xuất gia, đoạn tuyệt trần duyên, thanh tâm quả dục. Đó là căn bản để thành Tiên.

Ông viết: Đại đơn trực chỉ, Minh Đạo Tập, Nhiếp Sinh Tiêu Tức luận, Bàn Khê Tập. [14]

3. Lưu Xử Huyền.劉 處 玄。

Tên Xử Huyền, tự Thông Huyền, hiệu Trường Sinh Tử.

Người Sơn Đông, Lai Châu Phủ, Dịch Huyện, Vũ Cung trang. Được Vương Trùng Dương nhận làm đồ đệ năm 1169.

Sách: Tiên nhạc tập, Đạo đức kinh chú, Âm Phù Kinh chú, Chí Chân Ngữ Lục, Huỳnh Đình Kinh Chú.

Năm 1198, vua Chương Tông mời vào gặp mặt, tiếp đãi ân cần. Năm 1199, tặng cho 2 chữ Linh Hư. Ông mất năm Thái hòa thứ 3 (1203). Sáng lập Tuỳ Sơn Phái. Năm Chí Nguyên thứ 6, (1269) được Nguyên Thế Tổ phong: Trường Sinh Phụ Hóa Minh Đức Chân Nhân. [15]

4. Đàm Xử Đoan (1123---1185) 潭 處 端.

Tên: Xử Đoan, tự Thông Chính, hiệu Trường Chân Tử. Người Ninh Hải, Sơn Đông. Được Vương Trùng Dương thu nhận năm 1167, đời vua Kim Thế Tông Hoàng Nhan Ung, năm Đại Định 2. Chết năm 63 tuổi (1185).

Sách Vân Thủy Tập (khoảng 1000 bài thơ)

Được Nguyên Thế Tổ, năm Chí Nguyên (1269), phong làm Trường Chân Vân Thủy Uẩn Đức Chân Nhân. [16]

5. Mã Ngọc 馬 鈺。(1123---1183)

Tên Ngọc, tự Huyền Bảo, hiệu Đơn Dương. Người tỉnh Sơn Đông, phủ Đăng Châu, huyện Ninh Hải. Được Vương Trùng Dương thu nhận năm 1167.

Khai sáng môn phái: Ngộ Tiên Phái. Chủ trương: Thanh Tĩnh.

Năm Chí Nguyên thứ 6 (1269), Nguyên Thế Tổ phong tặng Ông làm: Đơn Dương Bão Nhất Vô Vi Chân Nhân.

Sách: Động Huyền Kim Ngọc Tập, Đơn Dương Thần Quang Sán, Tiệm Ngộ Tập. [17]

6 Hách Đại Thông 郝 大 通 (1140---1212)

Tên Đại Thông, tự Thái Cổ, hiệu Quảng Ninh Tử. Người tỉnh Sơn Đông, Phủ Đăng Châu, huyện Ninh Hải.

Tự xưng là Thái Cổ Đạo Nhân. Có truyền thuyết cho rằng đêm Ông nằm mộng thấy thần nhân truyền dạy Chu Dịch. Nên sau ông học bói Dịch. Năm 1168, ông theo Vương Trùng Dương. Năm 1182, mỗi lần Ông thuyết giảng, xa gần có cả trăm người tới nghe. Ông mất năm 73 tuởi,

Năm 1269, Ông được phong tặng làm: Quảng Ninh Thông Huyền Thái Cổ Chân Nhân.

Sách: Thái Cổ tập (4 quyền), Thái Dịch đồ. [18]

7. Vương Xử Nhất 王 處 一 (1142---1217)

Tên Xử Nhất, tự Ngọc Dương, hiệu Kim Dương Tử. Được Vương Trùng Dương nhận làm đồ đệ năm 1168. Năm 1187, Kim Thế Tổ cho vời, Ông ứng đối vừa lòng vua. Năm 1188, lại mời lên kinh, chủ tọa lễ Vạn Xuân Tiết. Năm 1207, được bà Nguyên Phi tặng bộ: Huyền Đô Bảo tạng. Năm Chí Nguyên thứ 6, nhà Nguyên, Ông được phong: Ngọc Dương Thể Huyền Quảng Độ Chân Nhân.

Sách: Vân Quang Tập (hơn 600 bài thơ), Tây Nhạc Hoa Sơn Chí, Thanh Chân Tập.[19]

8. Tôn Bất Nhị 孫 不 二 (1119---1182).

Vợ Mã Đơn Dương. Tên Bất Nhị, hiệu Thanh Tịnh Tán Nhân. Có 3 con là Đình Trân, Đình Thuỵ, Đình Khuê. Năm 1167, được Vương Trùng Dương nhận làm đồ đệ.

Năm 1169, sau khi Mã Đơn Dương xuất gia, bà quyết tâm bỏ 3 con, đi tu theo Vương Trùng Dương. Trùng Dương truyền cho bà Thiên Phù Vân Triện Bí Quyết. Năm Đại Định 15, bà vào động Phong Tiên Cô ở Lạc Dương tu đạo.

Năm Chí Nguyên thứ 6 (1269), bà được phong làm: Thanh Tịnh Uyên Chân Thuận Đức Chân Nhân. Năm Chí Đại (1308) được gia phong: Thanh Tịnh Uyên Trinh Huyền Hư Thuận Hóa Nguyên Quân.

*Sách: Tôn Bất Nhị Nữ Đơn Thi, Tôn Bất Nhị Nguyên Quân Truyền Thuật Đơn Đạo bí thư, Tôn Bất NhịNguyên Quân Pháp Ngữ. [20]


Bắc Tông còn được gọi là Toàn Chân Phái, hay Kim Liên Chính Tông Phái.

Chủ trương của Bắc Tông:

“Toàn Chân nhi tiên”

Thanh Tĩnh.

Thức tâm Kiến Tính

Luyện Tâm, luyện kỷ.

Tức là: “thức tâm kiến tính toàn chân giác, Tri Cống, thông Diên kết thiện nha.” 識 心 見 性 全 真 覺, 知 汞 通 鉛 結 善 芽。

Bắc Tông thời Tiên Tính Hậu Mệnh, Nam Tông thời Tiên Mệnh Hậu Tính.

Bắc Tông: Thanh Tĩnh luyện Tính.

Mã Đơn dương 馬 丹 陽 viết: “Thanh tĩnh giả, thanh vi thanh kỳ tâm nguyên; tịnh vi tịnh kỳ khí hải. Tâm nguyên thanh, tắc ngoại vật bất năng nhiễu, cố tình định nhi thần minh sinh yên. Khí hải tĩnh, tắc tà dục bất năng can, cố tinh toàn nhi phúc thật yên. Thị dĩ trừng tâm như trừng thủy, dưỡng khí như dưỡng nhi, khí tú tắc thần linh, nãi thanh tịnh sở chí dã.”

“Thanh tĩnh là làm trong Tâm Nguyên, tịnh là làm yên Khí hải. Tâm Nguyên trong thì ngoại vật không làm phiền, nên tình định và thần minh sinh ra. Khí hải yên thì tà dục không can phạm, nên tinh toàn và bụng no. Cho nên phải lắng lòng như lắng nước, phải nuôi Khí như nuôi con thơ. Khí đẹp thì Thần linh, thế là thanh tịnh tuyệt mức vậy.”

Vương Trùng Dương viết:

Chư công như yếu chân tu hành,
 諸 公 如 要 真 修 行

Cơ lai cật phạn, thụy lai hợp nhãn.
 飢 來 吃 飯 睡來合眼

Mạc đả tọa, mạc học Đạo,
 莫 打 坐 莫 學 道

Chỉ yêu trần nhũng sự bính trừ.
 只 要 塵 冗 事 屏 除 [21]

Bắc Tông thì: “Tam phân Mệnh Công, thất phân tính học". 三 分 命 功, 七 分 性 學。

Nam Tông thì: “Ngôn Mệnh giả đa, ngôn tính xứ thiểu”.  言 命 者 多, 言 性 處 少。

Các đồ đệ của Vương Trùng Dương ai cũng lập môn phái, nhưng chỉ có Ngộ Tiên Phái của Mã Đơn Dương và Long Môn phái của Khưu Trường Xuân là bền vững.

*Ngộ Tiên Phái của Mã Ngọc, đến đời Nguyên Thuận Đế (khoảng 1343) thời đứt mạch.

*Trái lại, Long Môn Phái còn tồn tại đến ngày nay. Long Môn Phái có những Đạo gia nổi tiếng như:

---Phù Dương Tổ Sư.

---Trương Tĩnh Hư Chân Nhân (Minh triều, Gia Tĩnh) (1522---1567)

---Lý Hư Am (được truyền Đạo năm 1587).

---Ngũ Xung Hư (Đệ tử đời thứ tám, đựơc truyền đạo năm 1624.)

---Liễu Hoa Dương (đệ tử đời thứ 9 sống vào đời vua Càn Long (1736---1798).

---Liễu Không Đại Sư (đệ tử đời thứ 10).

Ngũ Xung Hư và Liễu Hoa Dương viết bộ:

Ngũ Liễu Tiên Tông gồm: Tiên Thiên Chính lý trực luận, và Tiên Phật hợp tông

Thiên Phong Lão Nhân, Triệu Tị Trần. (đệ tử đời thứ 11, được truyền đạo năm 1921.)

Ông viết bộ: Tính Mệnh Pháp quyết Minh Chỉ, năm 1932.

Đông phái.

Do Lục Tiềm Hư sáng lập năm Long Khánh (1567) đời Minh Mục Tông.

Lục Tiềm Hư. 陸 潛 虛 (1520---1606)

Tên Lục Tây Tinh, tự Trường Canh, hiệu Tiềm Hư.

Người Dương Châu. Thủa nhỏ học Nho, nhiều lần thi Hương không đỗ. Bèn đi tu. Lập môn phái riêng. Vì hoạt động tại vùng Giang, Triết nên xưng là Đông phái. Nhưng kỳ thực là một chi nhánh của Nam Tông, lấy Ngộ Chân Thiên làm căn bản. Gọi Khảm, là Chân Khí là Diên, là con gái, là Nguyệt. Gọi Ly là Chân Tinh, là Cống, là Con trai, là Nhật. Như vậy đơn đạo chẳng qua chỉ là Âm Dương mà thôi. Đó là thuyết Thủ Khảm Điền Ly. Như vậy phái này Chủ Trương Âm Dương Nam Nữ song tu. Phái này chủ trương:” Đồng loại tương hợp nhi thành: Trúc phá, trúc bổ; nhân phá nhân bổ v.v... Có sách ghi khi Ông ẩn cư ở trong núi, Lữ Đồng Tân hiện ra và trú ở Bắc Hải Thảo Đường của Ông 20 ngày, truyền thụ cho Ông đơn quyết. Tu luyện thêm 20 năm, đến năm 1564, thời giác ngộ.

Viết: Kim Đơn tựu chính thiên, phương hồ ngoại sử tùng biên, Tử Dương Kim Đôn Tứ Bách Tự Trắc sớ. Kim Đơn Chân truyền, Chứng Đạo Bí Sách Thập Thất chủng. Chu Dịch Tham Đồng Khế trắc sớ. [22]

Tây phái.

Do Lý Hàm Hư đời Thanh Hàm Phong (1851) sáng lập.

Lý Hàm Hư 李 涵 虛。

Tên: Lý Tây Nguyệt, tự Hàm Hư, Hiệu Bế Dương.

Ngừơi Tứ Xuyên, Đông Sơn.

Tự xưng đã gặp Trương Tam Phong, sau lại gặp Lữ Đồng Tân ở Thiền viện và được chân truyền. Ta nên nhớ Trương Tam Phong và Lữ Đồng Tân đã chết từ lâu.

Chủ trương Thanh Tĩnh Tự Nhiên, Âm Dương hỗ dụng.

Môn phái này khó theo hơn Đông phái và không giản dị bằng Đông phái.

Sách viết: Đạo khiếu Đàm. Tam Xa bí chỉ, Cửu tằng luyện tâm pháp, Hậu Thiên quán thuật, Vô Căn thụ đạo tình chú giải. Văn trung kinh, Thái thượng thập tam kinh, Tính Mệnh yếu chỉ, Giáo ngoại tâm pháp.[23]

Trung Phái.

Do Lý Đạo Thuần sáng lập đời Nguyên.


Lý Đạo Thuần 李 道 純:

Tên: Đạo Thuần, hiệu Thanh Am hay Oánh thiềm Tử.

Ông là đệ tử Bạch Ngọc Thiềm, nhưng cũng theo Toàn Chân Phái. Tuy nhiên môn phái Ông vốn không tên và chỉ đề cao chữ Trung. Doãn Chân Nhân Sư Đệ và Huỳnh Nguyên Cát, Lưu Nhất Minh, cũng được xếp vào Trung Phái.

Trung của Ông là Trung của Trung Dung, Mục đích là: “Trí Trung Hòa vu nhất thân”, thế là thành Tiên vậy. Trung tức là:” Huyền Quan Nhất Khiếu”, Phật gia gọi đó là Bản Lai Diện Mục, Đạo Gia gọi đó là Niệm Đầu Bất Khởi Xứ, Nho Gia gọi thế là: Hỉ nộ ai lạc chi vị phát. Doãn Chân Nhân sư đệ gọi thế là Tính Mệnh chi căn, hay Vô Cực hay Chân Trung. Huỳnh Nguyên Cát gọi thế là: “Trung Hoàng trực thấu”, Dịch kinh gọi thế là Hoàng Trung Thông Lý v.v... Đó chính là “Giáo Ngoại biệt truyền.”

Sách: Trung Hòa Tập, Oánh Thiềm Tử ngữ lục, Tam Thiên Dịch thể.

Sách của Doãn Chân Nhân sư đệ: Tính Mệnh Khuê Chỉ.

Sách của Huỳnh Nguyên Cát: Lạc Dục Đường ngữ lục, Lão tử Đạo Đức Kinh tinh Nghĩa, Đạo Môn ngữ yếu.

Sách của Lưu Nhất Minh: Chu Dịch Xiển Chân, Đạo thư thập nhị chủng.

Chủ trương của môn phái này rất hay và rất cao. [24]


Trương Tam Phong phái.

Do Trương Tam Phong 張 三 丰 (1314---1320) sáng lập.

Trương Tam Phong hiệu Lạp Tháp Đạo Nhân, người Liêu Đông, sống vào khoảng thời Cuối Nguyên, đầu Minh.

Sách: Kim Đơn trực chỉ, Kim Đơn bí quyết, Đại Đạo yếu chỉ, Trương Tam Phong đạo thuật hối tông. [25]



(Trương Tam Phong)


Huỳnh Nguyên Cát 黃 元 吉 (1269---1324) phái.

Tự: Hi Văn, người Dự Chương, Phong Thành, ngày nay thuộc tỉnh Giang Tây, huyện Phong Thành.

Sách: Lạc dục Đường ngữ lục, Đạo đức Kinh tinh nghĩa.

************       


III. Đạo Giáo nhân gian

Đạo Lão thoạt kỳ thủy là một khoa triết học, huyền học, một nghệ thuật sống, một phương pháp tu luyện giải thoát của ít nhiều ẩn sĩ. Nhưng đến đời Hán (206 trước Công Nguyên và 220 sau Công Nguyên), với sự canh tân của Trương Đạo Lăng (34---156), 張 道 陵 tự Phụ Hán, người đất Phong, nước Bái, [26], Đạo Lão trở thành một đạo giáo quần chúng với các kinh kệ, bùa chú, phương thuật, tế lễ, sám hối công cộng v.v...

Trương Đạo Lăng mất khoảng năm 156. Ông là cháu 8 đời của Trương Lương 張 良 và thuộc dòng dõi Trương Giác, 張 角, Trương Bảo 張 寶, Trương Lương 張 梁 thời Tam Quốc.

Sau ông được hậu thế phong làm Trương Thiên Sư.

*Trương Đạo Lăng (Trương Thiên Sư)

* Các vua chúa nhà Đường (618---907) nhận Lý Lão Quân làm tổ phụ, vì thế nên rất trọng vọng các đạo sĩ. Các ngài lập đền thờ Thái Nhất, đền thờ Ngũ Đế và Lý Lão quân (Lão Tử), lại cố gắng lên núi, lên non tế lễ hầu mong được tiếp xúc với Thần Linh. Nhiều vua nhà Đường đã uống linh đan để được trường sinh, bất tử. Nhưng thay vì được trường sinh, bất tử, các vua Hiến Tông (806---821), Mục Tông (821---826), Vũ Tông (841---847), Tuyên Tông (847---860) đã điên loạn hay yểu tử, vì linh đơn của các đạo sĩ.

*Các vua chúa đời Tống (960---1278) cũng rất trọng các đạo sĩ, và Đạo Lão. Năm 1015, vua Tống Chân Tông phong cho Trương Chính Tùy, cháu chắt của Trương Đạo Lăng làn Thiên Sư, và ân tứ cho cả vùng Long Hổ Sơn ở Giang Tây.

Con cháu của Trương Đạo Lăng từ đó được kế thế làm Thiên Sư, và được thừa hưởng vùng Long Hổ Sơn. Vùng này mãi đến thời Trung Hoa Dân Quốc mới bị quốc hữu hóa.

Nguyên Thế Tổ năm 1275 cũng phong cho Trương Tông Diễn làm Thiên Sư. Nhưng đến năm 1281, nhân vụ tranh tụng giữa Phật Giáo và Lão Giáo về quyển Hóa Hồ Kinh của Vương Phù (thế kỷ 4), vua đã ra lệnh đốt hết các sách Đạo lão, ngoại trừ Đạo Đức Kinh.

Hoá Hồ Kinh đại khái chủ trương rằng sau khi qua cửa ải Hàm Cốc, Lão tử đã sang Thiên Trúc dạy đạo cho đức Phật.

Nhà Minh (1368---1628) cũng không ủng hộ Đạo Lão bao nhiêu. Thời vua Vũ Tông (1506---1521), và vua Thế Tông (1522---1566), đạo Lão đã cho in lại toàn bộ Đạo Tạng, gồm 1464 bộ lớn nhỏ.

Đến đời nhà Thanh đạo Lão cũng không được trọng dụng.

Ngày nay, ở Đài Loan Đạo Lão còn rất thịnh hành.

*Có tất cả 86 giáo phái hoặc tổ chức Lão Giáo được chính quyền hỗ trợ. Nhưng có 6 môn phái nổi bật . Đó là:

1. Phái Chính Nhất, hay phái Thiên Sư, thuộc Long Hổ Sơn. Phái này cho mình là chính thống.

2. Phái Mao Sơn với 2 loại pháp môn: Nội luyện theo kinh Huỳnh Đình, và võ công theo Kỳ Môn Độn Giáp.

3. Phái Thái Cực thuộc Võ Đương Sơn, với pháp môn tu luyện theo truyền thống Trương Tam Phong, và pháp môn võ thuật trừ tà ma.

4. Phái Toàn Chân, tu luyện theo tôn chỉ của Vương Trùng Dương.

5. Phái Thần Tiên với những trò bình dân như leo thang gươm 36 lưỡi trần, biểu diễn dặm vào giữa những lễ nghi, để thu hút quần chúng.

6. Phái Lư Sơn thiên về bí thuật, giống như phái Chân Ngôn của Phật Giáo.

Dĩ nhiên các môn phái này cũng còn có tại Trung Hoa Lục Địa. [27]

KẾT LUẬN.

Chương này có tính cách khảo cứu và lịch sử. Nó rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu sâu rộng về Đạo Lão. Ta có thể dùng nó làm cái sườn để xây dựng một đề tài khảo cứu các vấn đề trên cho sâu rộng hơn, chi tiết hơn.

Nó cũng đánh giá được đạo Lão từ thấp đến cao, và cuối cùng, nó cũng có thể dùng như là một tấm gương để chúng ta tự soi xem chúng ta đang ở giai trình nào, đương chạy theo quần chúng hay đang theo chân, nối gót các bậc tiên trưởng trong đạo Lão.

***************         

PHỤ LỤC.

1. Nam Ngũ Tổ.

Trương Bá Đoan, Thạch Thái, Tiết Đạo Quang, Trần Nam, Bạch Ngọc Thiềm.

Đều cho rằng: Nho, Thích, Đạo đồng nguyên, Tam giáo nhất lý.

Lấy Luyện Nội Đơn, hay tu tính mệnh làm chủ.

Nam Tông cũng còn gọi là Tử Dương phái.

2. Bắc Ngũ Tổ.

a. Đông Hoa Thiếu Dương, Vương Huyền Phủ,

b. Chung Ly Chính Dương,

c. Lữ Nham Thuần Dương,

d. Lưu Hải Thiềm Thuần Hựu,

e. Vương Trùng Dương Thuần Hữu.

3. Bắc Thất Chân. (Toàn Chân Thất Tử)

Bắc Thất Chân đều là đệ tử Vương Trùng Dương.

--- Mã Ngọc (sáng lập Ngộ Tiên phái),

--- Đàm Xử Đoan (sáng lập Nam Vô phái),

--- Lưu Xử Huyền (sáng lập Tùy Sơn phái),

--- Khưu Xử Cơ (sáng lập Long Môn phái),

--- Vương Huyền Nhất (sáng lập Luân Sơn Phái),

--- Hách Đại Thông (sáng lập Hoa Sơn Phái),

--- Tôn Bất Nhị (sáng lập Thanh Tĩnh Phái).

Tất cả đều đề xướng Tam Giáo hợp nhất, đều chủ trương Thanh Tĩnh Quả Dục, luyện Khí, dưỡng Khí, Nhẫn sỉ, hàm trần, Khổ kỉ, lợi nhân. (忍 恥, 含 塵,苦 己 利 人 Tức là khi bị xỉ nhục thì nhịn chịu, nuốt hận, chịu khổ người được lợi.)

4. Bát tiên:

Hán Chung Ly, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Lam Thái Hòa.

(Bát Tiên Quá Hải)

5. Quan 觀。(Quán)

Chỗ ở của Đạo Sĩ, như Hạo Thiên Quan hay Bạch Vân quan của Lưu Xử Cơ.

6. Thất Hiền hay Trúc Lâm Thất Hiền.

Kê Khang, Nguyễn Tịch, Tử Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh 稽 康, 阮 藉, 子 咸 , 山 濤, 向 秀, 王 戎, 劉 伶。

Có mấy ông bị Tư Mã Chiêu giết như Kê Khang, Lưu Linh vì tội tuyên truyền Hư Vô, khinh lễ giáo.


------------------------------------------

CHÚ THÍCH


[1] Xem Nam Hoa Kinh, thiên Tại Hựu, XI, C.

Xem Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 157.

[2] Ít nhiều tài liệu dùng để viết chương này: Liệt Tiên Truyện (Đạo tạng); Thần Tiên Truyện (Đạo Tạng), Phỏng Đạo Ngữ Lục (tr. 196---200), Đạo Gia Trường sinh bí điển (tr. 29---33 và 90---91), Thiên Cơ bí văn (tr. 108---111), Kim Liên Chính Tông Ký, Tiên Học Diệu Tuyển các tr. 1---9, Đạo giáo Văn Hóa từ điển, Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển.

[3] Ở chương này , cho vấn đề được sáng tỏ, tôi không trực tiếp nghiên cứu Phương Pháp tu ngoại đơn để cầu trường sinh của Ngụy Bá Dương thời Đông Hán, và của Cát Hồng, Bão Phác Tử (tự Trĩ Xuyên, quê ở Đơn Dương, Giang Tô) (283---363).

Ngụy Bá Dương viết bộ Tham Đồng Khế, hết sức là thời danh. Cát Hồng viết cuốn Bão Phác Tử.

Cũng vì lý do trên, mà sách này không đề cập đến phương thuật Chỉ Đá Hoá Vàng (Hoàng Bạch, Luyện Kim Thuật).

Sách Đồng Phù Thiết Khoán, Chân Thiện Mỹ xuất bản, đã đề cập đến thuật này.

Hình như Hán Chung Ly và Trương Tam Phong biết thuật này.

[4] Kim Liên Chính Tông Ký.

Xem Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, Trương Chí Triết, Giang Tô Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 1992, tr. 159.

[5] Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, Trương Chí Triết, tr. 168.

[6] Ib. 159.

[7] Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, Trương Chí Triết, tr. 199.

[8] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 112.

[9] Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, Trương Chí Triết, tr. 229.

[10] Đạo Giáo Văn Hóa Từ Điển, tr. 219

Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 127.

[11] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 131

[12] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 141.

[13] Quyển Tây Du Ký này kể lại hành trình của Ông đi gặp Thành Cát Tư Hãn. Có nhiều người lầm cho rằng Khưu Xứ Cơ đã viết bộ Tây Du Ký. Thật ra, bộ Tây Du Ký là của Ngô Thừa Ân.

[14] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 146.

[15] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 146.

[16] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 142.

[17] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 142.

[18] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 144.

[19] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 145.

[20] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 141.

[21] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, tr. 48.

[22] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, Trung Quốc Khoa Học Xã Hội Xuất bản xã, Bắc kinh, 1995. tr. 50.

Trung Quốc Đạo Giáo, q. 1, , Khanh Hi Thái , 1961, Đông Phương Xuất Bản Trung Tâm. Tr. 387.

[23] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, Trung Quốc Khoa Học Xã Hội Xuất bản xã, Bắc kinh, 1995. tr. 51.Trung Quốc Đạo Giáo, q. 1, , Khanh Hi Thái , 1961, Đông Phương Xuất Bản Trung Tâm. Tr. 401

[24] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, Trung Quốc Khoa Học Xã Hội Xuất bản xã, Bắc kinh, 1995. tr. 50.

Trung Quốc Đạo Giáo, q. 1, , Khanh Hi Thái , 1961, Đông Phương Xuất Bản Trung Tâm. Tr.354.

[25] Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ phu Sâm, Trung Quốc Khoa Học Xã Hội Xuất bản xã, Bắc kinh, 1995. tr. 186..

Trung Quốc Đạo Giáo, q. 1, , Khanh Hi Thái , 1961, Đông Phương Xuất Bản Trung Tâm. Tr. 374.

[26] Thần Tiên truyện, tr. 16.

[27] Léon Wieger, Taoisme, Tome 1, Bibliographie Générale, Hiên Hiên, 1911, tr. 25---26.

---Nguyệt San Phương Đông, số 25, bài: Thử tìm một phương pháp để khảo sát Đạo Lão của Michael Saso, Nguyễn Văn Thọ bình chú và dịch thuật.

***************         

CHƯƠNG XV

QUI NGUYÊN PHẢN BẢN.

(TRỞ VỀ GỐC NGUỒN)

Chương này với nhan đề Qui Nguyên phản bản (Dữ Đạo hợp Chân) có thâm ý chỉ vẽ rằng: Tất cả công trình học hỏi, suy tư, công trình tu luyện của chúng ta đều phải qui hướng về một mục đích. Đó là:

---Dữ Đạo Hợp Chân (Tiên Học diệu tuyển, tr. 268).

---Phối Thiên (Đạo Đức Kinh ch. 68.)

---Đạt Thiên, hợp Đạo (Văn Đạo Tử Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, q. 1, tr. 1b)

Mà người xưa gọi là:

Qui nguyên phản bản hay Qui Căn phản bản.

Chương này có rất nhiều kỳ vọng:

1. Trước hết nó muốn phản ảnh lại chủ trương Phối Thiên của Lão cũng như của Khổng, đúc kết lại tinh hoa đạo giáo của mấy nghìn năm lịch sử Trung Hoa và Việt Nam.

Đối với Trung Hoa và Việt Nam từ xưa đến nay, thời chủ trương: Thiên Nhân Hợp Nhất, Thiên Nhân Hợp Phát, Phối Thiên, Dữ Thiên Đồng Đức là cực điểm tinh hoa của Đạo Giáo.

Lão Tử nơi chương 68 Đạo Đức Kinh đã viết: Thị vị Phối Thiên cổ chi cực. (Phối Thiên, kết hợp với Trời là cực điểm của người xưa).

Trung Dung nơi chương 26, có câu: Cao Minh Phối Thiên, và chương 30 có câu: Cố viết: Phối Thiên.

Trương Kỳ Quân, 1 học giả Trung Hoa đương thời, viết trong quyển Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử (q. 3, chương Lão Tử, tr. 229):

Trung quốc từ thời Nghiêu Thuấn đến nay, vốn có tư tưởng: “Thiên Nhân hợp Nhất”. Kính Trời nên yêu người. Yêu người để kính Trời. Lịch đại Thánh Triết đều nối tiếp nhau hoằng dương Đạo Thiên Nhân Hợp Nhất. Lão tử là 1 người trong số đó. “[1]

“Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư nói rất nhiều về Trời, về Thần, về Thượng Đế. Khi nói tới Bản Thể thì dùng chữ Thiên, khi nói về Chủ tể vạn vật thì dùng chữ Thần, chữ Đế. Trong sách của Lão Tử cũng vậy. Cũng lấy Trời làm gốc gác vạn vật.” [2]

Nơi đây Trương Kỳ Quân cũng muốn tóm tắt kinh Dịch. Cũng trong bộ Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, Trương Kỳ Quân viết:

“Kinh Dịch là một cuốn sách bao quát mọi vấn đề, nhưng mà cốt yếu vẫn là để xiển minh đạo Thiên Nhân hợp Nhất.” [3]

Đạo Lão cũng thường bàn về nhẽ Thiên Nhân cảm ứng, Thiên Nhân hợp Nhất. Trong quyển Trung Hoa Đạo giáo đại Từ Điển do Hồ Phu Sâm chủ biên, Trung Phu Tử bàn về Thiên Nhân hợp Nhất như sau:

“...Xuân thu chiến Quốc thời kỳ, tư tưởng Thiên Nhân cảm ứng và quan niệm Thiên Nhân hợp Nhất đã được đạo Nho và đạo Lão phát huy".

Nho gia nhấn mạnh về mặt xã hội. Mạnh Kha, Đổng Trọng Thư cho rằng Trời ban quyền cho vua, và trời cảnh cáo vua bằng tai dị, lại nhận rằng: Thiên Đức ngụ trong lòng người, còn nhân tính thì căn bản nơi Thiên Đạo. Thiên mệnh quyết định nhân sự, phải Tận Tâm Tri Mệnh mới hợp Thiên.

Đạo Lão đề cao Tự Nhiên.

Trang Tử viết trong Tề Vật luận: Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ Ngã vi nhất.

Nơi chương Sơn Mộc, Nam Hoa Kinh, Ông còn nói: Thiên dữ Nhân nhất dã...

Trời và người hợp thành: Đạo tự nhiên vô vi; đạo thông vu Nhất, nên kêu là Thiên Nhân hợp nhất. (Trung phu Tử) [4]

Khoảng năm 1958, tôi nhân thấy “đức Khổng khuyên con là Bá Ngư nên đọc Kinh Thi, nên tôi đã cùng một cự nho ở Đà Nẵng dịch toàn bộ Kinh Thi, xem trong đó ẩn dấu điều gì bí mật. Sau khi dịch xong Quốc Phong sang tới Đại Nhã, tôi mới khám phá ra được một chuyện mà xưa nay không ai biết. Đó là Chân Đạo Nội Tâm, hay Đạo Thần Linh mà ta có thể tìm ra trong lòng ta. Ngày nay, người ta gọi là Đạo Huyền Đồng (mysticism), hay Phối Thiên, hay Thiên Nhân Tương Dữ, Thiên Nhân Nhất Quán, Thiên Nhân Hợp Nhất. Xưa Nghiêu Thuấn, thành Thang, Văn Vương, Võ Vương đã đi được vào Đạo cao siêu này...” [5]

Như vậy chứng tỏ là Trương Kỳ Quân đã nhận xét rất đúng.

2. Thứ đến, chương này cũng muốn đúc kết lại cực điểm tinh hoa đạo giáo, chỉ cho thấy chỗ Đồng qui nhi thù đồ.

Thánh Paul nói: “Tôi sống chẳng phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.” (Galates, 2, 20)

Đạo Sinh, một vị đại sư thời Nam Bắc Triều (372---432 tức Đông Tấn Giản Văn Đế, Hàm An nhị niên và Tống Văn Đế, Nguyên Gia cửu niên) đã cho rằng Đức Phật được thành chính đẳng, chính giác, chính là nhờ đã khế hợp được với Thiên Tâm. [6]

Chữ Niết BÀN (Nirvana) của Ấn Độ, chính có nghĩa là Phối Thiên. Giám Mục Thệ Phản, người Thụy Điển, Nathan Soderblom, trong quyển La vie future d’après le Madzéisme, đã dành 1 chương nói về Nirvana. Ông chủ trương:

a. Trước thời đức Phật đã có chữ Nirvana.

b. Chữ Nirvana, ngoài nghĩa Triết Học là Không Tịch, Thanh Hư, Vô Sinh, Vô Tướng, còn có nghĩa Đạo Giáo là Phối Thiên. [7]

3. Sau hết, chương này cũng muốn đúc kết lại tất cả tư tưởng của chín chương trên, cho thấy mối nhất quán của đề tài, và cũng là để liễu đạt mục tiêu của toàn tập này là Đạo Học Cầu Chân: theo ven sườn non của Đạo Lão để lên đến đỉnh Chân Lý.

Thực vậy, chủ trương Phản Bản, Hoàn Nguyên đã phát xuất từ một niềm tin rằng vũ trụ này đã từ một toàn thể phóng phát, tán phân ra. Toàn Thể ấy là Vô Cực, là Thái Cực. (Chương I)

Đạo hay Thái Cực, sau khi đã phóng phát, đã tán phân ra vũ trụ, quần sinh, lại tiềm ẩn ngay trong lòng sâu quần sinh, vạn hữu. Vì thế cho nên, ở nơi vũ trụ cũng như ở nơi con người, Trung Tâm thời Trường Sinh, Vĩnh Cửu, Bất Biến, còn Ngoại Vi thời di động, biến thiên, tử tử, sinh sinh.

Thánh hiền là những người đã biết đi từ ngoại vi biến thiên của ngoại cảnh, hình hài, tâm tư, thất tình, lục dục trở về Thiên Tâm hằng cửu. Còn thường nhân thì chìm nổi, vật vờ ngoài biên khu tâm, cảnh.Thường nhân, phàm phu, tục tử thời bị ngọn cuồng phong sự duyên thổi bạt từ Trung Tâm ra Biên Khu, Ngoại Cảnh, còn Thánh Hiền thì dùng phép Định Tĩnh để thoát sự chi phối của nhân duyên, và trở về được với Trung Tâm Hằng Cửu.

Thế tức là: Thuận sinh Phàm, Nghịch sinh Tiên. (các Chương 2, 3, 4).

Nơi con người, thì Trung Tâm Hằng Cửu, hay Thái Cực hay Huyền Quan Khiếu đã ở sẵn nơi Trung Tâm Đầu Não con người. Hiểu rõ về con người sẽ giúp ta dễ dàng hành Đạo hơn, vì công trình Qui Nguyên, Phản Bản chính là công trình đi sâu mãi vào Tâm Khảm, đi sâu mãi vào Nê Hoàn Cung, để tìm Đạo, tìm Trời, Dữ Đạo Hợp Chân. (Chương 5)

Chủ trương Qui Nguyên Phản Bản thực ra đã hàm ngụ trong chủ trương Tính Mệnh Song Tu: Tu Mệnh trước cho thân xác khỏe mạnh, cho tăng tuổi thọ, rồi tu Tính, để Hư Tâm, Định Tĩnh, Dữ Đạo Hợp Chân. (Chương 6).

Chủ trương Qui Nguyên Phản Bản, thực ra cũng là con đường đi từ Hữu Vi đến Vô Vi, từ Hữu Tướng về Vô Tướng, từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên của Đơn Gia, Tiên Gia (Chương 7).

Kinh sách Đạo Lão chung qui chỉ xây quanh mấy vấn đề: Luyện xác, Luyện Tâm, luyện Thần để Qui Nguyên Phản Bản mà thôi. (Chương 8).

Các Cao Nhân, Danh Phái trong Đạo Lão chính là những người tiêu biểu cho tất cả các giai trình:

---Từ Vô Vi ra Hữu Vi, rồi lại từ Hữu Vi về Vô Vi.

---Từ Đơn Thuần ra Bác Tạp, từ Nhất ra Vạn, rồi lại từ Bác Tạp về Đơn Thuần, từ Vạn về Nhất.

---Từ Thần ra Cảnh rồi lại từ Cảnh về Thần.

Hai chiều Thuận Nghịch đó đều có tiêu biểu: Một đằng là Đạo Giáo dân gian, một đằng là Tiên Gia, Đạo Gia. (Chương 9).

Tới Chương X này chính là lúc chúng ta phải:

“Dùng Tuệ Kiếm, Phanh Phui Hỗn Độn,

Ra tay Thần, Banh Bửa Hư Vô.” [8]

để tìm cho ra Trời, ra Đạo, tiềm ẩn sau những lớp lang hiện tượng, tìm được cái gì chí quí, chí bảo của trời đất.

Và chúng ta hãy cùng nhau dở những kinh tạng của Đạo Lão, xem Thánh Hiền Đạo Lão xưa nay đã nói gì về Qui Nguyên, Phản Bản. Để nắm vững được vấn đề, và cũng là để tiện bề theo dõi, chúng ta sẽ trình bày vấn đề này dưới ba đề mục:

---Hoàn phản là gì? Hoàn phản về đâu?

---Làm sao để hoàn phản?

---Hoàn phản đem lại lợi ích gì?

*************         

I.  Hoàn Phản là gì? Hoàn phản về đâu?

Trên đây, chúng ta đã thấy các Tiên Gia, Đạo Gia chủ trương:

---Lẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

---Lẽ Tuần Hoàn, phản phục.

Như vậy ta thấy ngay rằng, khi nói đến Qui Nguyên Phản Bản là nói đến vấn đề quay về với Vô Cực, Thái Cực, với Đạo, với Trời, với Hư, với Trung, với Nhất.

Danh từ tuy đa đoan, nhưng chung qui chỉ có một ý nghĩa: Con người, muốn liễu Đạo, muốn Trường Sinh, bất tử, phải quay về với Bản Tính mình, phải kết hợp nhất như với Đạo, với Trời. Xưa nay, ước mơ cuả Thánh Hiền Đạo Lão là:

“Phục ngã bản lai chi Thiên Chân,
 復 我 本 來 之 天 真

Hoàn ngã Vô Cực chi Tạo Hóa.”
 還 我 無 極 之 造 化


Dịch:

Phục Hoàn Thiên Chân ta vốn có,

Quay về Vô Cực vốn dĩ ta.


Hoàn Nguyên như vậy là trở về Quê Hương Vô Cực. [9]

Đại Động Chân Kinh viết: Căn bản do lai Thái Cực tầm. (Căn bản phải tìm nơi Thái Cực) [10]

Trương Tam Phong cho rằng: Hoàn Nguyên tức là trở lại với Bản Tính của mình, “Hoàn ngã Tì Lư Tính Hải.” [11]

Huỳnh Nguyên Cát nói: Phản hoàn Vô Cực chi chân. [12]

Đã đành Hoàn Nguyên, Phản Bản cũng là Qui Hư, Qui Nhất nhu6ng chữ Hư, chữ Nhất đây phải được hiểu cho đứng đắn là Vô Cực, là Đạo, là Trời.

Chính vì vậy mà Xướng Đạo Chân Ngôn viết: “Cái cốt yếu của Đại Đạo vốn là:

1. Từ Hư Vô sinh ra Hưũ. Nho gia gọi thế là: Bắt đầu nói tới một Lý, sau tán thành vạn sự (Xem Trung Dung, tựa).

2. Rồi lại từ Hữu qui Vô, đi trở về với cái Căn Bản Nguyên Sơ của chúng ta. Đó là: Hư Vô nhất thể. Tức như Phật Giáo nói: Vạn Pháp qui Nhất, Nhất qui ư Vô vậy.” [13]

Chính vì vậy, mà nhiều Tiên Gia sau khi nói: Luyện Thần Hoàn Hư, còn thêm Phục Qui Vô Cực, cốt là để tránh quần chúng khỏi rơi vào Ngoan Hư, Ngoan Không.

Thủy Khưu Tử có thơ:

“Đả phá Hư Không vạn ức kiếp,

Ký đăng bỉ ngạn xả chu tiếp.

Quan tận Đơn Kinh, vạn vạn thiên,

Mạt hậu nhất cú vô nhân thuyết.”

Dịch:

“Đả phá Hư Không vạn vạn đời,

Đã lên bờ giác, mái chèo lơi.

Đọc hết Đơn Kinh muôn vạn quyển,

Còn câu sau hết chẳng vẽ vời..” [14]


 Lý Chân Nhân chỉ vẽ câu sau chót bằng bài thơ sau:

“Dục thuyết vị thuyết, kim tương thuyết,

Tức ngoại, tức nội, hoàn Hư Tịch.

Khí huyệt vi lô, lý tự nhiên,

Hành mãn công phu, hoàn Vô Cực.”

Dịch:

“Này điều chưa nói, nói ra,

Trong ngoài đem cả về tòa Hư Vô.

Huyền Quan ấy chính lò cừ,

Công thành, Vô Cực bây chừ là thân.”


Trương Tam Phong còn ghi rõ thêm:

“Hoàn Hư là để hợp Đạo.”[15]

Tiên gia còn có những lời lẽ đanh thép hơn như sau:

“Nhất kiếm tạc khai hỗn độn,

Lưỡng thủ phách liệt Hồng Mông.”

Dịch:

“Một kiếm phanh phui Hỗn Độn,

Hai tay banh bửa Hồng Mông.” [16]


Nhập Dược Kính còn viết:

“Có phanh phá Hồng Mông, Hỗn Độn,

Mới rỡ ràng thấy đựơc Kim Đơn.”[17]

Hoặc:

“Chẳng phanh phá Hỗn Độn, Hồng Mông,

Sao thấy được bảo châu Trời đất ?” [18]


Khưu Xử Cơ có câu:

“Hư cực phấn toái, dĩ lộ Toàn Chân.”

Dịch:

“Nghiền tan Hư Cực, để lộ Toàn Chân.” [19]


Cũng nên ghi nhận rằng: Những câu như Ẩm Đao Khuê (Nhập dược Kính tr, 13b), Ẩm Hồng Mông Tửu (Nhập Dược Kính, tr. 13b), Cùng Thủ Sinh Thân Thụ Khí Sơ, hay Khuyến quân cùng thủ sinh thân xứ (Kim Đơn yếu quyết, tr. 1b) đều ngụ ý Qui Nguyên Phản Bản, Dữ Đạo Hợp Chân.

Vì Đạo Lão vốn chủ trương Thái Cực, hay Đạo, hay Trời đã có sẵn ở Trung Điểm Vòng Dịch, Trung Điểm vũ trụ, và Trung Điểm con người, cho nên Qui Nguyên cũng là Qui Trung.

Dịch Kinh viết:

“Hiền Nhân thông lý Trung Hoàng,

Tìm nơi chính vị mà an thân mình.

Đẹp từ Tâm Khảm xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh, mỹ miều.

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi.”[20]

Đại Động Chân Kinh viết: “Căn bản vốn tại Trung Tâm... Suy cho cùng Bản Thể là tại Trung Tâm. Các hiện tượng bên ngoài đều bắt nguồn từ bên trong. Các ứng dụng hiển lộ ra bên ngoài cũng đều từ bên trong sinh xuất...” [21]

Văn Đạo Tử viết: “Bắt đầu từ Trung Điểm, kết cục cũng tại Trung Điểm. Đầu đuôi vẫn chỉ là một khí lưu hành bất tức.” [22]

Văn Đạo Tử Tinh Hoa Lục còn cho rằng: Tiên Phật chẳng qua là những người đã vào được Trung Cung, Trung Điểm và có thơ sau:

“Số, Văn dụ Đạo, Đạo tài thông,

Hà, Lạc huyền vi tại Chính Trung.

Luân chuyển tuần hoàn, quan trục cốc,

Biến thiên, thăng giáng hệ tâm cung.

Căn chi, bản mạt minh đoan đích,

Tụ tán, hiển vi, thức thủy chung.

Tri chỉ, tức nhiên tri giải thoát,

Phật, Tiên bất quá đắc hoàn trung.”

Tôi dịch thoát như sau:

Đạo cả siêu vi khó luận bàn,

Lấy lời, lấy số tả lan man.

Huyền vi Hà, Lạc nơi Tâm điểm,

Trục chuyển vành xe mới vẹn toàn.

Trục chuyển vành xe, mới vẹn toàn,

Trần hoàn biến chuyển hệ Tâm Xoang.

Ngọn ngành, gốc rễ thông đầu cuối,

Tụ tán, hiển vi, chẳng ngỡ ngàng. [23]


Qui Căn, Phản Bản cũng chính là công trình đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên, là thu nhiếp Hậu Thiên qui tụ về Tiên Thiên.

Hai bài thơ tứ tuyệt sau đây cho thấy ý nghĩa đó:

Tiên Thiên nhất Khí tức Chân Diên,

Sản tại Hư Vô, Thái Cực tiền,

Hoảng hốt, yểu minh trung hữu tượng,

Phương tri Tạo Hóa huyền hựu huyền.

Hậu Thiên chi Khí vi Chân Cống,

Bản dữ Tiên Thiên nhất khiếu sinh.

Đãn đắc Cống Diên qui nhất xứ,

Tự nhiên khoảnh khắc sản Chân Tinh.

Dịch:

Tiên Thiên nhất Khí ấy Chân Diên,

Sinh tại Hư Vô Thái Cực tiền.

Phảng phất, mơ mòng, trong có tượng,

Mới hay Tạo Hóa thật diệu huyền.

Hậu Thiên chi Khí là Chân Cống,

Vốn với Tiên Thiên một khiếu sinh,

Đem được Cống, Diên về một chỗ,

Tự nhiên chốc lát, sản Chân Tinh. [24]


Tiên Kinh viết:

Tiên Thiên không có Hậu Thiên, lấy gì mà thu nhiếp? Hậu Thiên không có Tiên Thiên, nhờ đâu mà biến hoá? [25]

Nhưng mà thiết thực nhất, đối với chúng ta, Qui Căn, Phản Bản vẫn chính là tin rằng: có Trời, có Đạo ngự trị ngay trong Nê Hoàn Cung, trong Trung Tâm Đầu Não con người, và Phản Bản, Hoàn Nguyên chính là đem hết tâm thần quay trở về phối hợp với Trời, với Đạo tại đó.

Chính vì vậy, mà Tham Đồng Khế phát huy gọi Nê Hoàn Cung là:” Nơi xưa, chốn cũ, cố hương, cố đô, cố quận.”

Nhập Dược Kính có câu:

Qui căn khiếu, phục mệnh quan,

Quán Vĩ Lư, thông Nê Hòan. [26]

Như vậy, tức là muốn ám chỉ Nê Hoàn Cung là Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan.

Muốn chứng minh điều đó một cách đích xác hơn, ta lý luận như sau:

Kim Đơn Đại Thành viết:

“Đầu hữu cửu cung, trung viết Nê Hoàn.” [27]

Tính Mệnh Khuê chỉ viết:

“Đầu hữu cửu cung. Trung nhất cung, danh viết Cốc Thần.” [28]

Đạo đức Kinh (chương VI), và Nhập dược Kính đều cho rằng: “Cốc Thần bất tử, thị vị Huyền Tẫn, Huyền Tẫn chi môn, thị vị Thiên Địa căn”. Nhập dược Kính lại cho rằng: “Huyền Tẫn chi môn, vi Qui Căn Khiếu...Tri Qui Căn Khiếu tắc tri Phục Mệnh Quan hĩ.” [29].

Như vậy, ta kết luận 1 cách vững chắc rằng: Nê Hoàn là Qui Căn Khiếu, là Phục Mệnh Quan, vì nơi đó có Cốc Thần là Căn Nguyên sinh ra trời đất...

Nhập Dược Kính viết thêm: “...Đem Thần về an vị tại Nê Hoàn. Thần mà an vị tại Nê Hoàn thời vạn Thần sẽ triều hội.”

Huỳnh Đình Kinh vân: Tử dục bất tử tu Côn Lôn.[30]

Giá trị của Nê Hoàn Cung chính là vì ở đó có Thái Cực, có Đạo, có Trời ngự trị. Mà Thái Cực, hay Đạo, hay Trời thời gồm thâu Trời Đất.

Mới hay:

“Tu luyện phải hay Phục Mệnh Quan,

Không hay khiếu ấy, uổng lo toan.

To trùm trời đất không bờ bến,

Nhỏ cuộn đất trời, dấu “thử” gian.” [31]


Đạo Học Cầu Chân có thơ:

Hướng tiền Thần tụ, đồng Vô Cực,

Kim tán trần ai mãn thế đồ.

Dục qui Chính Vị Hoàng Trung lý,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hồi qui.

Dịch:

Trước kia, Thần tụ, đồng Vô Cực,

Nay tán, trần ai ngập thế đồ.

Muốn về nguyên vị Hoàng Trung cũ,

Nê Hoàn vạn vựng kíp hoàn qui. [32]

************         

II. Làm sao để hoàn phản?

Muốn Qui Nguyên Phản Bản, phải đi chiền Qui Tâm, chiều Hồi Hướng, chiều Nghịch.

Thế nào là chiều Thuận, thế nào là chiều Nghịch?

Chiều Thuận là:

a. Chiều từ Nhất sinh ra Vạn, sinh sinh vô cùng...

b. Là chiều Hướng Ngoại.

c. Là chiều tinh thần suy thoái.

d. Là chiều phá tán.


Chiều Nghịch là:

a. Chiều từ Vạn trở về Nhất, hóa hóa vô tận...

b. Là chiều Hướng Nội.

c. Là chiều tinh thần siêu thăng.

d. Là chiều Thu Liễm, thu nhiếp, qui tàng...


Tu Chân Tiệp Kính viết:

“Thuận là Nhân Tâm.

Nghịch là Đạo Tâm...Nhân Tâm mà chết, thì Đạo Tâm mới sinh... có biết chiều Nghịch mới biết Con Đường Sống...

Đi chiều Nghịch sẽ sống vô cùng.

Đi theo chiều Thuận sẽ sống hữu hạn.

Chỉ một Thuận, một Nghịch mà xa cách nhau...như trời, với đất...

Đi chiều Thuận, Pháp giới hóa hỏa hào.

Đi chiều Nghịch, mãn địa là châu báu.” [33]


Cao Thượng Ngọc Hoàng Tâm Ấn Kinh cho hay:

“Tụ thời phú hữu, tán thời linh lạc. Thánh nhân đi chiều Nghịch, đem Tam Nguyên (Tinh, Khí, Thần) qui tụ về Nhất, còn phàm nhân thì theo chiều phá tán.” [34]

---Đi theo chiều nghịch, thu liễm ngũ hành, tứ tượng, bát quái, là đem Tinh, Thần, Hồn, Phách qui tụ về Trung Cung, Tiên Thiên, Thái Cực, thế tức là Đắc Đạo, thế tức là Đơn thành.

Nhập Dược Kính gọi công phu đó là:

“Đạo Thiên Địa, đoạt Tạo Hóa, toàn Ngũ Hành, hội Bát quái. .. Tức viết: Tạo Hóa qui trung chi diệu.” [35]

“Thiết thủ tinh hoa Trời Đất, đoạt quyền Tạo Hóa, thu nhiếp Ngũ Hành, hội hợp Bát Quái.”

Tiên Học từ điển cho rằng:

“Hoàn hư là giai đoạn tối hậu của công phu luyện đơn, đem vũ trụ vạn hữu qui về Hư, và đồng thể với Thái Hư.”[36]

---Muốn Quy Nguyên, Phản Bản phải tha thiết, phải thành khẩn ao ước được kết hợp với Đạo, với Trời.

Tiên kinh viết: “Tử dục trường sinh, thủ Nhất đương minh. Tư Nhất chí cơ, Nhất dữ chi lương. Tư nhất chí khát, Nhất dữ chi tương.”

Dịch:

“Ấy ai mà muốn trường sinh,

Thủ Chân, Bão Nhất, phải rành mới hay.

Suy tư về Nhất suốt ngày,

Đói thời lấy Nhất, của này nuôi thân.

Suy tư về Nhất miên man,

Khát thời lấy Nhất đó làm quỳnh tương.” [37]


---Muốn phản hoàn, phải mở được tuệ giác, vì có mở được tuệ giác, mới Thông Thiên, Thông Thần, mới thấy được Bản Lai Diện Mục của mình.

Trương Tam Phong viết:

“Tuệ nhật chiếu hôn cù,

Năng kiến Bản Lai Diện Mục.” [38]

Dịch:

“Vừng Dương Tuệ chiếu soi đường tối,

Mới nhìn ra Diện Mục Bản Lai.”

Có Tuệ Giác rồi mới có thể:

“Minh vô tướng ư hữu hình chi hậu,

Tri Hư Cực ư vị triệu chi tiên.” [39]

Dịch:

“Thấy Vô Tướng xuyên qua màn hiện tượng,

Hoàn Hư Vô từ thủa trước đất trời.”

---Muốn Phản Hòan phải Hư Tâm, Định Tĩnh. Mã Đơn Dương cho rằng: “Đại Đạo gồm nguyên 6 chữ: Tự Nhiên, Thanh Tịnh, Vô Vi.” [40]

---Có nhập định mới về tới được Hư Vô. [41]

---Sống tự nhiên cũng rất là quan trọng để tìm ra Đạo, ra Trời.

“Đạo vốn Vô Vi, Hữu Vi không phải Đạo.” [42]


Nhập Dược Kính có 2 bài thơ sau:

“Vạn ban tác dụng mạn thi công,

Tổng dữ Kim Đơn sự bất đồng.

Đãn yếu chí thành vô gián đoạn,

Tự nhiên Đại Đạo tại kỳ trung”

Dịch:

“Sở xoay cho lắm thực luống công,

Đều với Kim Đơn sự chẳng đồng,

Một dạ chí thành không gián đoạn,

Tự nhiên Đại Đạo ở sẵn trong.”


“Đại Đạo vô vi pháp tự nhiên,

Tự nhiên chi ngoại cánh vô huyền.

Trí nhu, chuyên khí anh nhi dạng,

Cơ tức cầu tôn, khốn tức miên.”

Dịch:

“Đại đạo vô vi, hợp tự nhiên,

Ngoài sống tự nhiên, chẳng có huyền.

Hồn nhiên, chất phác như con trẻ,

Đói ăn, mệt ngủ, chính là tiên... [43]


---Công trình Phản Bản hoàn Nguyên mất bao lâu?

Không biết ra thời ngàn vạn năm chưa đủ. Biết ra thời vài phút cũng đã thừa.

Nhập dược Kính viết:

“Nhân Tâm nhược dữ Thiên Tâm hợp,

Điên đảo Âm Dương chỉ phiến thời.” [44]

Dịch:

“Nhân Tâm mà hợp Thiên Tâm,

Con đường hoàn phản chỉ cần phút giây.”

III. Phản bản hoàn nguyên được lợi ích gì?
Huỳnh Nguyên Cát cho rằng:

“Muốn cho sắc thân lâu bền, thế nào cũng phải tu luyện cho tinh kiên, khí hòa. Cơ sở có được xây đắp vững, mới mong sống lâu.

Muốn cho Pháp Thân trường cửu, phải luyện Thần hoàn hư, luyện Hư hợp Đạo. Sau đó mới chứng được quả Thần Tiên.” [45]

---Công trình Phản Bản, Hoàn Nguyên cốt là để rũ bỏ phàm tâm, mặc lấy Thiên Tâm.

Tiên Học nơi tr. 67, có ghi lời Trúc Trai như sau:

“Tâm có nguồn, thân có gốc. Chuyển hóa cho tiêu tan đi cái tâm hình tướng, chuyển hóa cho tiêu tan đi cái hình tướng giả tạo, thế là Hoàn Nguyên. Vận dụng cái Nguyên Khí không bờ bến, để điểm hóa cái thân tứ đại giả hợp của ta này, thế là Phản Bản...Phản Bản, Hoàn Nguyên là Tu Chân.” [46]

---Phần thưởng của công trình Qui Nguyên, Phản Bản là Dữ Đạo hợp Chân, thể hợp với Thiên địa chi tâm, trở thành Tiên, Phật, Thánh, Thần. [47]

Hán Chung Ly cho rằng:

“Phản Bản, Hoàn Nguyên là trở về được với Vô Cực, với Thái Hư, cho nên sẽ biến hóa vô cùng, tụ thời thành hình, mà tán sẽ thành Khí.” [48]

---Một khi đã vứt bỏ được Phàm Thân, mặc lấy được Pháp Thân Vô Cực, thời sẽ trường sinh vĩnh cửu cùng Trời Đất.

Xuất hữu nhập vô không trở ngại,

Bồng lai, Tam Đảo rộng đường mây.

Kinh qua kiếp kiếp trăm nghìn vạn,

Mấy độ bể dâu, ta vẫn đây. [49]

TỔNG KẾT LUẬN

Gọi là tổng kết luận, vì chẳng những muốn đúc kết lại chương này, mà còn muốn đúc kết toàn tập khảo luận này.

Thay vì đem ý riêng mà bàn, tôi sẽ mượn lời và ý Trang Tử nơi chương Tề Vật Luận mà phác họa lại bóng hình một vị Chân Nhân đạt Đạo như sau:

Ta và trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật sự tình chẳng hai. [50]

Ta nào biết vắn, dài, nhĩ, ngã,

Lòng muôn phương muôn ngả tỉnh say. [51]

Thênh thang chèo quế, buồm mây,

Lòng trời lạc nẻo, chốn này là đâu? [52]

Nhạc trời tấu vui sầu muôn điệu, [53]

Bóng quang huy, phiểu diểu mung lung,

Nơi đây ta dứt lòng trần,

Bạn cùng thần thánh, muôn phần hân hoan. [54]

Triều nổi sóng muôn ngàn ta mặc,

Lửa ngất Trời phần phật ta khinh. [55]

Ta nay đã thoát điêu linh,

Thoát vòng sinh tử, tử sinh của đời. [56]

Ta sống giữa vòng Trời vĩnh cửu,

Ta sống trong khu nữu muôn loài. [57]

Vời trông thế sự vần xoay,

Ta nào còn biết bên này bên kia?

Tranh chấp hết, thị phi cũng hết,

Thị với phi phân biệt uổng công. [58]

Đã vào tới điểm Đại Đồng,

Trông ra trời đất mênh mông một mầu.

Lớn với nhỏ in nhau một lứa,

Sống vắn, dài, một thủa phù sinh.

Sợi lông bát ngát, mênh mông,

Mà xem non Thái như tình cỏn con.

Kẻ chết yểu: sống hơn trăm kiếp,

Còn Lão Bành: yểu triết, tảo vong. [59]

Nay ta xếp mọi tơ lòng,

Hết niềm nhĩ, ngã sống trong lòng trời. [60]

Nguồn mạch ấy chẳng vơi, chẳng cạn,

Mà tràn lan, lai láng rạt rào,

Kho trời đã rõ tiêu hao,

Tiêu sao cho hết, dùng sao cho cùng. [61]

Mặc tôm cá sống cùng tôm cá,

Mặc hươu nai gá nghĩa hươu nai.

Mặc cho khỉ vượn sánh đôi,

Mặc cho trai gái sánh đôi tương phùng. [62]

Ta tìm Đạo trong lòng vũ trụ, [63]

Trong lòng ta, ta cố tìm Trời.

Thương cho nhân thế miệt mài,

Lao đao, lận đận, suốt đời uổng công. [64]

Những bôn tẩu mơ mòng ảo ảnh,

Khiến cho đời hiu quạnh gian chuân.

Nào hay ở giữa lòng trần,

Tấc thành đã sẵn, muôn phần quang hoa. [65]

Nơi chốn ấy, chói lòa ánh sáng [66]

Cũng là nơi tĩnh lãng siêu nhiên [67]

Là nơi sực nức hương Tiên,

Rườm rà ta bỏ, tần phiền ta quăng. [68]

Đừng biện luận nói năng chi nữa,

Biết nói sao, biết tả làm sao? [69]

Mênh mông, bát ngát, rạt rào,

Im hơi, lặng tiếng, mới cao, mới tài. [70]

Ta quên hết hình hài, ngôn ngữ,

Quên rằng ta còn có hay không. [71]

Lạ thay! phong thái huyền đồng,

Làm sao cho sạch tơ lòng mới nghe. [72]

Sống khinh khoát muôn bề khinh khoát,

Cùng trăng sao bát ngát xa chơi.

Lòng mang vũ trụ, đất trời,

Cùng chư thần thánh muôn đời sống chung. [73]

Sống mãi mãi, vô cùng, vô tận,

Mặc trời mây, chuyền vận quanh ta,

Mặc cho trần thế bôn ba,

Vì ta đã được tinh hoa đất trơì. [74]

Thử ướm hỏi nơi đâu dừng bước,

Đâu là nơi cùng tột phải đi?

Ta nay truyền nhẽ huyền vi,

Được Trời, lập tức hết kỳ bôn ba,

Được Trời, Đạo, ấy là đạt đích,

Hết lần mò, tầm mịch lăng nhăng. [75]

Được Trời, là được Thiên Chân,

Thiên Chân, phải có Thiên Quân đáy lòng. [76]

*************         

CHÚ THÍCH


[1] 中 國 自 唐 虞 以 來, 即 有 天 人 合 一 之 思 想。 敬 天 即 所 以 愛 人,

 愛 人 即 所 以 尊 天。 歷 代 聖 晢 莫 不 繼 續 弘 揚 此 天 人 合 一 之 道 也。

 老 子 即 其一 也。

Trung quốc tự Đường Ngu dĩ lai, tức hữu Thiên Nhân hợp nhất chi tư tưởng. Kính Thiên tức sở dĩ ái nhân. Ái nhân tức sở dĩ tôn Thiên. Lịch đại Thánh Triết mạc bất kế tục hoằng dương thử Thiên Nhân Hợp Nhất chi đạo dã. Lạo tử tức kỳ nhất dã.

Trung Hoa ngũ thiên niên sử, q. 3, Chương Lão Tử, tr. 229.

[2] 易, 詩, 書 多 言 天, 言 神, 言 上 帝 。

 大 體 言 之﹕ 其 言 本 體 之 時 曰 天, 其 言 主 宰 萬 物 之 時 曰 神,

 曰 帝。 老 子 書 中 亦 然。 以 天 為 萬 物 之 根。

Dịch, Thi, Thư đa ngôn Thiên, ngôn Thần, ngôn Thượng Đế. Đại thể ngôn chi: Kỳ ngôn Bản Thể chi thời viết Thiên, kỳ ngôn chủ tể vạn vật chi thời viết Thần, viết Đế. Lão tử thư trung diệc nhiên. dĩ Thiên vi vạn vật chi căn.

Như trên. tr. 229.

[3] 易 之 為 書 廣 大 悉 備, 無 所 不 包, 而 語 其 要 歸, 則 為 明 天 人 合 一 之 道。

Dịch chi vi thư, quảng đại tất bị, vô sở bất bao. Nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi Thiên Nhân hợp nhất chi đạo.

Như trên. q. 2, tr. 123.

[4] . 春 秋 戰 國 時 期, 天 人 感 應 思 想 和 天 人 合 一 觀 念

 在 儒 道 兩 家 都 有 發 悅 。。。

孟 軻, 董 仲 舒 發 展 為 天 賦 君 權 , 災 異 遣 告 學 說,

 認 為 天 德 寓 于 人 心, 人 性 本 于天 道。 天 命 決 定 人 事, 要 求 盡 心 知 命 而 合 天。

道 家 強 謂天 自 然 的 屬 性。 莊 子 齊 物 論 ﹕天 地 與 我 並 生,

萬 物 與 我 為 一。 天 與 人 一 也 (山 木) 。。。天 和 人 皆 合 于 自 然 無 為

之 道, 道 通 于 一, 故 稱 天 人 合 一。

Xuân Thu Chiến quốc thời kỳ, Thiên Nhân cảm ứng tư tưởng, hoà Thiên Nhân Hợp Nhất quan niệm tại Nhu, Đạo lưỡng gia đô hữu phát triển. ..Mạnh Kha, Đổng Trọng Thư phát triển vi Thiên phú quân quyền, tai dị khiển cáo; nhận vi Thiên Đức ngụ vu nhân tâm, nhân tính bản vu Thiên Đạo. Thiên mệnh quyết định nhân sự. Yêu cầu tận tâm, tri mệnh nhi hợp Thiên.

Đạo gia cưỡng vị Thiên tự nhiên đích thuộc tính. Trang tử, Tề vật luận: Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất. Thiên dữ nhân nhất dã (Sơn mộc)...Thiên hoà nhân giai hợp vu tự nhiên vô vi chi đạo, Đạo thông vu Nhất, cố xưng: Thiên Nhân hợp nhất. (Trung phu tử).

Trung quốc Đạo giáo đại từ điển, Hồ phu Sâm, tr.452---453.

[5] Dịch Kinh Đại toàn, Nguyễn Văn Thọ và Huyền Linh Yến Lê, q.1, tr. 16---17.

[6] 佛 祖 阿,爾 正 見, 正 覺, 實 在 契 合 天 心 的。

Phật tổ a, nhĩ chính kiến, chính giác, thực tại khế hợp Thiên Tâm đích.

Lịch Đại Cao Tăng cố sự, tập Đạo Sinh, tr. 1.

[7] Ni le mot, ni le contenu du Nirvana, n’ont été inventés par Gautama. Ils existaient bien avant lui (p. 356).

...Le Nirvana, a, dans l’idéalisme de Mahabharata, le Samkya Yoga, désigné l’ union avec le Brahman (p. 361)

...Lorsque le Bouddhisme appelle son idéal, son Nirvana, le non---créé, l’infini, l’éternel, sans forme, l’invisible, cela ne s’explique que par le fait que toute cette conception a été empruntée à un système où ces prédicats étaient attribués à un Être métaphysique, le Brahman, l’Atman. Ils sont en effet attribués au Brahman dans le Brihad---Aranyaka---Upanishad et le Chandogya Upanishad longtemps avant d’être employés comme des synonymes de Nirvana bouddhiste p. 362.

Le Nirvana avait signifié l’union avec le Brahman (Tat Tvam Asi) avant d’êre prêché par Gautama, comme la délivrance pure et simple, sans but positif, sans préoccupation métaphysique. (p. 362---363)

Nathan Soderblom, La vie future d’après le Madzéisme.

[8] 一 劍 鑿 開 混 沌, 兩 手 擘 裂 虛 無。

Nhất kiếm tạc khai Hỗn Độn, Lưỡng thủ phách liệt Hư Vô.

Tham Đồng Khế phát huy, tr. 9a.

鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛, 方 見 金 丹。

Tạc khai Hỗn Độn, Phách liệt Hồng Mông, phương kiến Kim Đan.

Nhập Dược Kính tr, 14a,

苟 不 鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛, 則 何 以 見 天 地 之 至 寶?

Nhập dược kính, tr. 14b.

[9] 返 於 無 極 之 鄉。

Phản ư Vô Cực chi hương.

Trương Tam Phong đạo thuật hối tông, tr. 90.

[10] Đại Động Chân Kinh, q. thượng, tr. 4b

[11] 澴 我 毘 盧 性 海。

Trương Tam Phong đạo thuật hối tông, q. 2, tr. 43.

[12] 返 澴 無 極 之 真。

Huỳnh Nguyên Cát, Lạc Dục Đường Ngữ Lục, tr. 169.

[13] 夫 大 道 之 要 原 自 虛 無 而 生 有 , 其 儒 者 之 所 謂 ﹕

 始 言 一 理 終 散 為 萬 豕鑠者 乎。 既 則 自 有 而 歸 無, 以 澴 我

太 虛 一 體 之本 初。即 釋 氏 所 謂﹕ 萬 法歸 一, 一 歸 於無 之說。

Phù đại Đạo chi yếu, Nguyên tự Hư Vô nhi sinh Hữu, kỳ Nhu giả chi sở vị: Thủy ngôn nhất Lý, chung tán vi vạn sự giả hồ. Ký tắc tự Hữu nhi qui Vô, dĩ hoàn ngã Thái Hư nhất thể chi bản sơ. Tức Thích Thị sở vị: Vạn Pháp Qui Nhất, Nhất qui ư Vô chi thuyết.

Xướng Đạo Chân Ngôn, Bạt, tr. 1b.

[14] 打 破 虛 空 萬 億 劫,

 既 登 彼 岸 舍 周 楫

 觀 盡 丹 經 萬 萬 篇

 潼 後 一 句 無 人 說。

Tiên học diệu tuyển, tr. 491.

[15] 澴 虛 合 道。

Trương Tam Phong đạo thuật hối tông, tr. 92.

[16] 一 劍 鑿 開 混 沌, 兩 手 擘 裂 虛 無。

Nhất kiếm tạc khai Hỗn Độn, Lưỡng thủ phách liệt Hư Vô.

Tham Đồng Khế phát huy, tr. 9a.

[17] 鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛, 方 見 金 丹。

Tạc khai Hỗn Độn, Phách liệt Hồng Mông, phương kiến Kim Đan.

[18] Nhập Dược Kính tr, 14a,

苟 不 鑿 開 混 沌, 擘 裂 鴻 濛, 則 何 以 見 天 地 之 至 寶?

Cẩu bất tạc khai Hỗn Độn, phách liệt Hồng Mông, tắc hà dĩ kiến Thiên Địa chi chí bảo?

Nhập dược kính, tr. 14b

[19] 虛 極 粉 碎, 以 露 全真。

Tiên học diệu tuyển, tr. 401.

[20] 君 子 黃 中 通 理, 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 支,

 發 於 事 業, 美 之 至 矣。

Quân tử Hoàng Trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí hỹ.

Dịch kinh. Văn Ngôn hào Lục Ngũ, quẻ Khôn.

Dịch Kinh Đại Tòan, Nguyễn Văn Thọ, Huyền Linh Yến Lê, q. 2 tr. 69.

[21] 根 本 元 由 中。。。究 其 根 本 實 由 於 中。

現 乎 外 者, 本 乎 內。 昭 乎 用 者, 由 乎 體 也。

Căn bản nguyên do Trung,,, Cứu kỳ căn bản thực do ư Trung. Hiện hồ ngoại giả, bản hồ nội. Chiêu hồ Dụng giả, do hồ Thể dã.

Đại Động Chân Kinh, q. hạ, tr. 11b

[22] .從 中 而 始, 從 中 而 終。 始 之 終 之, 無 非 一 氣, 流 行 不 息。

Tinh Hoa Lục, tr. 10

[23] 數 文 喻 道, 道 才 通,

 河 洛 玄 微 在 正 中。

 輪 轉 循 澴 觀 軸 轂,

 變 遷 升 降 係 心 宮。

 根 支 本 末 明 端 的,

 聚 散 顯 微 識 始 終,

 知 止 即 然 知 解 脫,

 佛 仙 不 過 得 環 中。

Bài thơ rất hay.

Tinh Hoa Lục, tr. 36.

[24] Nhập dược kính, tr. 1b

[25] 先 天 不 得 後 天 無 以 收 攝, 後 天 不 得 先 天 無 以 變 化。

Tiên Học từ điển, phần Phụ Lục, tr. 20.

[26] 歸 根 竅, 復 命 關, 貫 尾 閭, 通 泥 丸。

Nhập dược Kính

[27] 頭 有 九 宮, 中 曰 泥 丸。

Kim Đơn Đại Thành, tr. 4a.

[28] 頭 有 九 宮。 中 一 宮 名 曰 谷 神。

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 12b.

[29] 玄 牝 之 門 為 歸 根 竅。。。知 歸 根 竅 則 知 復 命 關 矣。

Nhập dược kính, tr. 10a, 10b.

[30] 神 居 泥 丸 為 本 宮, 則 有 萬 神 朝 會。

 故 曰﹕ 貫 尾 閭 通 泥 丸 也。 黃 庭 經 云﹕ 子 欲 不 死 修 崑 崙。。。

Nhập dược kính, tr. 10a.

[31] 修 鍊 須 知 復 命 關

 知 此 竅 亦 如 閒。

 大 包 天 地 無 邊 祭

 細 納 乾 坤 黍 米 間。

Nhập dược kính, tr. 10b

[32] 向 前 神 聚 同 無 極

 今 散 塵 埃 滿 世 途。

 欲 歸 正 位 黃 中 裡

 泥 丸 萬 彙 速 迴 歸。

Đạo học cầu chân, chương X.

[33] 順 為 人 心, 逆 為道 心, 人 心 死 則 道 心 生。 有 逆 方 有 生。。。逆 中 之 生 無 窮, 順 中 之 生 有 限。一 逆, 一 順, 天 地 玄 遠。古 經 云﹕

行 順 生 法 界 火 炕。 五 行 顛 倒, 地 地 室 寶。

Thuận vi Nhân Tâm, Nghịch vi Đạo Tâm. Nhân Tâm tử, tắc Đạo Tâm sinh. Hữu Nghịch phương hữu sinh. Nghịch trung chi sinh vô cùng, Thuận trung chi sinh hữu hạn. Nhất nghịch, nhất thuận, thiên địa huyền viễn. Cố kinh vân: Hành thuận sinh, Pháp Giới hỏa khanh.

Ngũ hành điên đảo, địa địa thất bảo.

Tu Chân tiệp Kính, tr. 22.

[34] 其 聚 則 有, 其 散 則 伶。 聖 人 逆 而 聚 之 , 常 人 順 而 散。

Kỳ tụ tắc hữu, kỳ tán tắc linh, Thánh Nhân nghịch nhi tụ chi, thường nhân nghịch nhi tán.

Cao Thượng Ngọc Hoàng Tâm Ấn Kinh, tr. 2a.

[35] 盜 天 地, 奪 造 化, 攢 五 行, 會 八 卦。 即 是 造 化 歸 中 之 妙。

Nhập dược kính, tr. 7a

[36] 還 虛 為 鍊 丹 最 後 一 段 功 夫﹕ 宇 宙 萬 化 ,一 歸 於 虛, 與 太 虛 同 體。

Hoàn Hư vi luyện đơn tối hậu nhất đoạn công phu. Vũ trụ vạn hóa, Nhất quy ư Hư, dữ Thái Hư đồng thể.

Tiên Học Tự Điển, tr. 163.

[37] 子 欲 長 生,守 一 當 明。思 一 至 飢,一 與 之 糧。思 一 至 渴,一 與 之 漿。

Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 17.

[38] 慧 日 照 昏 衢, 能 見 本 來 面 目。

Trương Tam Phong đạo thuật hối thông, tr. 69.

[39] 明 無 相 於 有 形 之 後, 知 虛 極 於 未 兆 之 先。

Động Huyền Linh Bảo Định Quan Kinh Chú, tr. 3.

[40] 大 道 都 來 六 字﹕ 自 然, 清 淨, 無 為。抉丹 陽。

[41] 入 定 歸 於 虛 無。

Tiên Học Tập Cẩm, tr. 88.

[42] 道 本 無 為, 有 為 則 非 道 也。

Nhập Dược Kính, tr. 6b.

[43] 萬 般 作 用 謾 施 功

 總 與 金 丹 事 不 同。

 但 要 至 誠 無 間 斷,

 自 然 大 道 在 其 中。

 大 道 無 為 法 自 然,

 自 然 之 外 更 無 玄。

 致 柔專 氣 嬰 兒 樣,

 飢 即 求 飧 困 即 眠。

Nhập dược kính, tr. 6b.

[44] 人 心 若 與 天 心 合,

 顛 倒 陰 陽 只 片 時。

Nhập dược kính, tr. 7a.

[45] 欲 求 色 身 久 固, 離 不 得 保 精 裕 氣,築 固 基 址。 然 後 可 得 人 世 天 年。欲 求 法 身 悠 遠,又 離 不 得 鍊 神 還 虛,鍊 虛

合 道, 然 後 可 證 神 仙 之 果。

Huỳnh Nguyên Cát, Lạc dục đường ngữ lục, tr. 30.

[46] 心 有 元, 身 有 本。 化 去 有 形 有 相 之 心, 有 形 有 相 之 心,

有 形 有 相 之 假, 即 還 原 矣。運 取 無 邊 無 捱 之 元 氣, 點 化 我 四 大 假

合 之 形 軀, 即 返 本 矣。返 本 即 是 修 真。

Tâm hữu Nguyên, thân hữu bản. Hóa khứ hữu hình hữu tướng chi tâm, hữu hình hữu tướng chi giả, tức Hoàn Nguyên hĩ.

Vận thủ vô biên, vô nhai chi nguyên khí, điểm hóa ngã tứ đại chi hình khu, tức Phản Bản hĩ. Phản bản tức thị Tu Chân.

Tiên học, tr. 67.

[47] 就 是 與 道 合 真。。。故 聖 賢 仙 佛 體 天 地 之 心。

Tu chân tiệp cảnh, tr. 9b.

[48] 換 骨 回 陽 身 不 朽, 九 還 七返 化 真 形。 辛 苦 都 來 十

筒 月,內 外 虛 明 表 裡 真。 聚 則 成 形 散 則 氣, 返

本 還 元 歸 太 清。變 化 往 來 人 莫 測, 祖 祖 相 傳 古 至 今。

Hoán cốt hồi Dương thân bất hủ,

Cửu Hoàn, Thất Phản hoá chân hình.

Tân khổ đô lai thập đồng nguyệt,

Nội ngoại hư minh biểu lý chân.

Tụ tắc thành hình, tán tắc Khí,

Phản bản, hoàn nguyên qui Thái Thanh.

Biến hóa vãng lai nhân mạc trắc,

Tổ tổ tương truyền cổ chí câm.

Phá mê chính Đạo ca.---Tiên học, tr. 124

[49] 出 有 入 無 無 阻 礙,

 蓬 萊 三 島 任 飛 行

 縱 經 百 千 萬 年 劫

 海 變 桑 田 貌 不 更。

Tiên Học, tr. 124

[50] Thiên địa dữ Ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ Ngã vi nhất.

Nam hoa Kinh, Tề vật luận, 2 E. Xem Léon Wieger, Les Pères du Système Taoiste, Tchoang tseu, chapitre 2, E... p. 220.

[51] Ký dĩ vi nhất, thả đắc hữu ngôn hồ. Chapitre 2, E. p. 220

Thị cố hoạt nghi chi diệu, thánh nhân chi sở đồ dã. D p. 220

Phương khả, phương bất khả, phương bất khả, phương khả. Nhân thị, nhân phi, nhân phi, nhân thị...

Tề Vật Luận, C. p. 218

[52] Thục tri bất ngôn chi biện, bất Đạo chi Đạo. 2 E. p. 222

[53] Nhĩ văn địa lại, nhi vị văn thiên lại phù. 2 A p. 214

[54] Thánh nhân bất tòng sự ư vụ...nhi du hồ trần cấu chi ngoại. 2 G. p. 222---223

Thánh Nhân ngu truân, tham vạn tuế, nhi nhất thành thuần 2 G p. 224

[55] Đại trạch phàn nhi bất năng nhiệt, hà hán hộ nhi bất năng hàn. 2 F, p. 224.

[56] Nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ. 2 F, p. 222.

[57] Bỉ thị mạc đắc kỳ ngẫu, vị chi Đạo Khu. Khu thủy, đắc kỳ Hoàn Trung dĩ ứng vô cùng. 2 C, p. 218

[58] Thĩ dĩ Thánh Nhân hoà chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên Quân, thị chi vị lưỡng hành. 2 C, tr. 218.

[59] Thiên hạ mạc đại ư thu hào chi mạt, nhi đại sơn vi tiểu. Mạc thọ hồ thương tử, nhi Bành Tổ vi yểu. 2 E, p. 220.

[60] Vong niên, vong nghĩa, chấn ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh, 2 H, p. 226.

[61] Nhược hữu năng tri, thử vị chi Thiên Phủ, chú yên nhi bất mãn, chước yên nhi bất kiệt, nhi bất tri kỳ sở do lai, thử chi vị Bảo Quang, 2 E, p. 222.

[62] Viên biên thư dĩ vi thư, mê dữ lộc giao, thu dữ ngư du, Mao Tường, Lệ Cơ, nhân chi sở mỹ dã, ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mê lộc kiến chi quyết sậu.

2 F, p. 222.

[63] Thị dĩ Thánh Nhân hoà chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên Quân.

2 C, p. 218.

---Thiên tại nội, nhân tại ngoại, ..vô dĩ nhân diệt Thiên. Ch. 17, Tại hựu, A, p. 342

[64] Chung thân dịch dịch nhi bất kiến kỳ thành công, niết nhiên bì dịch nhi bất tri kỳ sở quy, khả bất ai da? 2 B, p. 216.

[65] Phù tùy kỳ thành tâm nhi sư chi, thùy độc thả vô sư hồ? 2 B, tr. 216.

[66] Thử chi vị Bảo Quang . 2E, p. 222

[67] Hóa thanh chi tương đãi, nhược kỳ bất tương đãi, hóa chi dĩ Thiên Nghê. 2 H,p. 226.

[68] Vong niên, vong nghĩa, chấn ư Vô Cảnh. 2 I, 226.

[69] Phù Đại Đạo bất xưng, đại biện bất ngôn. 2 E, tr. 222

[70] Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi Đạo. 2 E, tr.222

[71] Kim giả, ngô táng ngã. 2 A, p. 214.

[72] Thánh nhân bất tùng sự ư vụ, bất tựu lợi, bất vi hại, bất hỉ cầu. 2 G, p. 222---224.

[73] Nhược nhiên giả, thừa vân khí, kỵ nhật nguyệt nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sanh vô biến ư kỷ. 2 E, tr. 222.

Hề bàng nhật nguyệt, hiệp vũ trụ vi kỳ vẫn hợp. 2 G, tr. 224.

[74] Chúng nhân dịch dịch, thánh nhân ngu truân, tham vạn tuế nhi nhất thành thuần. 2 G, tr. 224.

[75] Xem 2 D, từ Cổ chi nhân tri hữu sở chí hĩ....đến vị thủy hữu thị phi dã. p. 218.

[76] Thánh Nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên Quân. 2 C, p. 218.


*************         


CHƯƠNG XVI

ĐẠI CƯƠNG ĐẠO PHẬT


Đạo Phật, cũng như mọi Đạo có một có một quá trình lịch sử lâu dài, tuy do một Giáo chủ khởi xướng, nhưng kỳ thực là công trìnhcủa biết bao con tim, khối óc, trải qua bao thời đại.

Cho nên Đạo Phật, cũng như các Đạo, dần dà trở thành muôn mặt, cái hay chen cái dở, cái thấp lẫn cái cao, phản ảnh đúng mọi sắc thái, mọi trình độ của con người muôn mặt.

Bởi thế, trong công trình khảo cứu Phật giáo, nếu muốn tìm tòi, lượm lặt ít nhiều khía cạnh phiến diện thì dễ, nhưng nếu muốn đi tìm tinh hoa Phật Giáo mà không có bí quyết thì cũng ví như mò trăng đáy nước, hái sao trên Trời.

Không có những tiêu chuẩn chắc chắn để khảo cứu Phật Giáo, ta sẽ quanh quất, lạc lõng trong rừng thư tịch Phật Giáo, mà chẳng còn biết đâu là lối thoát, nẻo ra; sẽ chuốc mua, đeo đẳng vào thân muôn dây rợ tu trì, mà chẳng sao gỡ được ra; sẽ nghiện ngập, say sưa lời kinh, câu kệ, mà không sao chinh phục được tự do, khinh khoát.

Nhưng nếu ta có kim chỉ nam mà đi vào học thuyết Phật giáo, ta sẽ ung dung lui tới, tung hoành dọc ngang mà chẳng sợ lạc đường, lạc đích, ta sẽ dễ dàng gạt bỏ những phù hoa, bác tạp bên ngoài, mà thâu thái lấy tinh hoa, vi diệu bên trong.

Chúng ta sẽ khảo sát:

A.Những điều kiện tiên quyết để khảo cứu Phật giáo cho có hiệu quả.

B.Siêu hình học Phật Giáo.

C.Tối thượng thừa Phật giáo.


ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ KHẢO CỨU PHẬT GIÁO
CHO CÓ HIỆU QUẢ.


1. Muốn khảo cứu Phật Giáo cho tới căn để, cần phải thông minh, linh lợi, và cần có một nền tảng học vấn vững chãi.

Triết lý Phật giáo cao siêu, nếu không thông minh, linh lợi, không học nhiều, biết rộng, làm sao thấu triệt được?

2. Cần có một tinh thần vô tư, vô uý khi khảo sát Phật Giáo.

Phật nói trong kinh Kalamasutta: “Đừng nên vội tin những lời đồn thổi, những lời truyền tụng lưu lai tự cổ thời; những phong thanh, những lý lẽ, những suy luận hữu lý, những hình thức bên ngoài; những dư luận, trào lưu đang được sùng thượng, những giả thuyết, những ức đoán; và cũng đừng tin bởi cho ta là sư phụ. Nhưng nếu kinh nghiệm bản thân chư vị thấy điều chi là xấu, điều chi làm cho chư vị tần phiền, khổ cực, thì hãy vứt bỏ nó đi. Còn nếu chư vị thấy điều nào là hay, là hoàn toàn không chê trách được, và sẽ đem lại cho chư vị thảnh thơi, giải thoát, thì chư vị hãy đem thực thi, áp dụng.” [1]

3.Thế tức là Phật dạy phải lấy lương tâm, lương tri mình làm đuốc sáng soi cho mình, phải trọng lương tâm, lương tri mình, hơn mọi sách vở, mọi truyền thống.

Thế mới hay:

“Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Tâm ta, mới thực chính thầy ta” [2]

4.Phật bảo A Nan: “...Các Ông là nam tử, đã học rộng, biết nhiều, mà trở lại chấp chỗ thấy, nghe suông, chẳng biết tiến tu, sao tự khinh mình đến thế!” [3].

Như vậy, ta phải biết tự tôn, tự trọng, đừng quá khinh khi mình và đừng quá tán dương Phật. [4]

Phật nói: “Bạn là Phật đang thành, Ta là Phật đã thành” [5], chứ Phật không hề nói: “Hỡi loài người mê muội kia, từ nay hãy thờ lạy ta, vì ta đã được siêu thoát, giác ngộ...”

5.Phải có thành tâm thiện chí, cố gắng khảo sát, để tìm tinh hoa, để tìm những điều huyền vi, áo diệu, chứ không phải để thu lượm thêm ít nhiều sáo ngữ, thêm vài khái niệm phù phiếm, hay thêm ít câu chuyện làm quà.

6.Muốn giải thoát, cần phải hiểu đường lối, tôn chỉ, cần phải giác ngộ, cần phải chuyển hoá tâm hồn, hồi quang phản chiếu, tập trung tinh thần cho thoát ly hình tướng, chứ không phải hành hạ xác thân, tụng niệm đến rát cổ, bỏng họng.

Phật nói: “Bao lâu con người còn ở trong lưới mê vọng, sẽ chẳng sao mà được thanh tịnh, mặc dầu khảo cứu thánh thư, cúng dường thần thánh, ăn chay, nằm đất, thức đêm, thức hôm, hay trì tụng kink kệ.”

“Bố thí cho kẻ tu hành, hành hạ thân xác, lễ bái, cúng quải, cũng không làm cho thanh tịnh được những kẻ mà lòng còn đầy ham muốn vị kỷ. Chẳng phải do ăn thịt cá, mà con người trở nên ô trọc, nhưng chính ô trọc vì say sưa, ương bướng, cố chấp, gian lận, ghen tuông, kiêu căng, tự thị, khinh khi, hay có đầy ác ý.” [6]

7. Phải tìm hiểu từ ngữ Phật Giáo.

Nếu không hiểu từ ngữ, làm sao quán triệt được ý nghĩa.

Kinh Lankavatara-Sutra viết: “Những kẻ ngu muội sa lầy trong từ ngữ, như voi sa lầy trong đống bùn.” [7]

8.Khảo cứu Phật Giáo muốn cho thấu đáo, cần mở con tim, khối óc cho rộng rãi; cần phải am tường các học thuyết Đông Tây, kim cổ, để phối kiểm, để tìm cho ra chỗ đồng qui, nhất trí; cần hiểu cho thấu đáo về con người, vì không có học thuyết nào vượt quá được con người toàn diện. [8]

9.Nhiều người chỉ hiểu Phật giáo một cách tiêu cực.

Họ cho rằng: đời là bến mê, bể khổ nên cần thoát ly đời. Họ cho rằng: sinh ra đời là cái tội nợ, hứng lấy biết bao luân hồi, nghiệp chướng, coi thân tứ đại giả hợp là ô trọc, cho nên họ sợ đời, sợ mình; bè bạn cùng khói hương kinh kệ, cố làm cho lòng mình héo hon, cô quạnh, xác thân mình ốm o, gầy mòn, tưởng thế là đắc đạo, thành Phật. Họ muốn đi tìm tự do, hạnh phúc, mà thực tình đã tự rước cho mình biết bao giây rợ, trói buộc, khổ đau. Thực đáng thương thay!

Nhưng thực ra, chủ trương của Phật đâu có âu sầu, ảm đạm, trì trệ, tiêu cực như vậy.

Phật, cũng như các Thánh Triết mọi nơi, mọi đời, đã cố gắng vạch cho nhân loại con đường vinh quang và hạnh phúc, một nếp sống vô biên, vô tận, vĩnh cửu, trường tồn.

Tuy sống giữa phù hoa của cuộc đời vương giả, Phật đã cảm thấy sâu xa sự chất chưởng của vinh quang, phú quí bên ngoài; Phật muốn đi tìm một cái gì cao siêu và vĩnh cửu.

Sống trong biến thiên, tương đối, Phật đã phát nguyện tìm cho ra hằng cửu, tuyệt đối.

Nhìn thấy mọi nỗi đau thương chết chóc của nhân quần, Phật đã phát nguyện tìm cho ra hạnh phúc và trường sinh.

Thấy con người bị trói buộc, nô lệ, Phật đã phát nguyện tìm cho ra tự do, giải thoát.

Vậy ta sẽ theo lối đường của Phật mà đặt lại những vấn đề then chốt của cuộc đời.

10. Như trên đã nói, sống trong biến thiên,, chất chưởng, tương đối, dĩ nhiên sẽ phải lệ thuộc, sẽ không thể nào được hạnh phúc bền bỉ, như vậy, muốn được tự do, hạnh phúc, trường tồn, tất nhiên phải tìm cho ra tuyệt đối hằng cửu, bất biến.

Phật nói: “Hỡi các tì kheo, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được những cái sinh, thành, ỷ, tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho những cái sinh, thành, ỷ, tạp.” [9]

Vậy chúng ta phải tìm cho ra thực trạng ấy. Nó sẽ là Chân Lý tuyệt đối, chân lý rốt ráo, nó sẽ gỉai thoát ta. Đó là chính Niết Bàn ta tìm kiếm. [10]

*************         


CHÚ THÍCH


[1] Présence du Bouddhisme, p. 245.

[2] Thiên thánh giai quá ảnh,

Lương tri nải ngô sư. (Vương dương Minh)

 千 聖 皆 過 影

 良 知 乃 吾 師

[3] Thủ Lăng Nghiêm , Hướng Đạo xuất bản, tr. 121.

[4] Các bậc Như Lai chỉ có làm cái việc là chỉ đường thôi: mỗi người phải tự mình đi đến chứ không ai đi thế cho ai được cả.

Phật học tinh hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 59

Vous devez faire votre travail vous---mêmes, les Tathagata enseignent seulement le chemin.

Présence du Bouddhisme, p. 261; Dhammapada XX, 4.

[5] Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật. 汝 是 當 成 佛 ; 我 是 已 成佛

Phật học tinh hoa, Nguyễn Duy Cần, p. 54.

[6] “L’homme pris dans le filet de l’aveuglement ne sera jamais purifié par la simple étude des Écritures Saintes, ou par des sacrifices aux dieux, non plus que par les jeunes ou par le sommeil sur la terre nue, par des veillées difficiles et fatigantes ou par la répétition des prières...”

“Ni les donations aux moines, ni le châtiment de soi---même, ni l’accomplissement de rites et de cérémonies ne sauront purifier celui dont le coeur connait encore le désir égoiste. Ce n’est certainement pas par la consommation de la viande ou du poisson qu’un homme devient impur mais bien par ivresse, obstination, bigoterie, fraude, envie, exaltation de soi---même, mépris des autres et mauvaises intentions. C’est par ces choses---là que l’homme devient impur...”

Présence du Bouddhisme, p. 245.

[7] Les ignorants se laissent engluer dans les mots comme un éléphant dans la boue.

[8] Cáo Thần Tông viết: “Tiên Thánh, hậu thánh, nhược hợp phù tiết; phi truyền Thánh Nhân chi Đạo; truyền Thánh Nhân chi tâm dã; phi truyền Thánh Nhân chi tâm dã; truyền kỷ chi tâm dã. Kỷ chi tâm quảng đại vô hạn, vạn thiện giai bị. Dục Thánh Nhân chi Đạo, khuếch sung thử tâm yên nhĩ.”

告 神 宗 曰﹕ 先 聖 後 聖 若 合 符 節; 非 傳 聖 人

之 道 ,傳 聖 人 之 心 也; 非 傳 聖 人

之 心 也,傳 己 之 心 也。 己 之 心 廣 大 無 限, 萬 善 皆 備。

欲 聖 人 之 道 , 擴 充 此 心 焉 爾 。

Trùng biên, Tống Nguyên Học Án, q. 1, tr. 144.

Thiên Thánh nhất Tâm, vạn cổ nhất Đạo.

千 聖 一 心, 萬 古 一 道.

Tính Mệnh khuê chỉ, q. 2, tr. 1

Đạo (tức Chân Lý). Giá cá đông tây thị chỉ năng hữu nhất cá đích. Cao Hoàng đàm luận Nhu, Phật, Đạo tam giáo thời thuyết: Thiên hạ vô nhị Đạo, Thánh Nhân vô nhị tâm.

... 道(即 真 理) 。 這 箇 東 西 是 只 能 有 一 箇 的。

高 皇 談 論 儒 佛 道 三 教 時 說 ﹕ 天 下 無 二 道 ; 聖 人 無 二 心.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 1. tr. 15.

[9] “O moines, il y a un état non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non---né, non-devenu, non-conditionné, non---composé, il n’y aurait aucune évasion possible pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné, et ce qui est composé”

“Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion de ce qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné et de ce qui est composé.”

Udana, p. 129. Colombo, 1929. Présence du Bouddhisme, p. 268.

[10] “O moines, le Nibbana qui est la Réalité, est l’ultime Noble Vérité...”

... “il n’y a plus de places ici pour les quatre éléments , solidité, fluidité, énergie, mouvements; les notions de longueur et de largeur, de subtil et de grossier, de bon et de mauvais, de Nom et de Forme, sont absolument détruites; on n’y trouve les notions ni de ce monde, ni de l’autre, ni de venir, ni de partir, ni de rester, ni de mort, ni de naissance, ni des objets des sens.”

Digha-nikaya I, p. 172 (Colombo 1921);

Udana page 128 (Colombo 1929); Présence du Bouddhisme p. 267.


*************         


CHƯƠNG XVII

SIÊU HÌNH HỌC PHẬT GIÁO



A. Chân lý tuyệt đối:  Chân Như Bản Thể.[1]

Chánh Pháp Nhãn Tàng
 正 法 眼 藏

Niết Bàn diệu tâm
 涅 槃 妙 心

Thật tướng vô tướng
 實 相 無 相

Pháp môn vi diệu
 法門 微 妙

Bất lập văn tự
 不 立 文 字

Giáo ngoại biệt truyền
 教 外 別 傳

Trực chỉ nhân tâm
 直 指 人 心

Kiến tính thành Phật.
 見 性 成佛


 (Kinh Đại Phạm Thiên-Vương ; Vấn quyết)

Dưới mắt phàm nhân, đời là một cuộc phiêu lưu, biến ảo, vô định hướng

Trên dòng nước lũ thời gian và hoàn cảnh, con người cảm thấy mình như hoa trôi, bèo gịat, bềnh bồng mặt nước, chân mây mà chẳng biết tấm thân phù du sẽ trôi nổi về đâu.

Nhưng thực ra, đời đâu chỉ có thế. Thay vì ngồi than thân, trách phận, ta hãy cố nhìn cho sâu vào đáy lòng ta và đáy lòng vũ trụ, ta sẽ thấy dưới những lớp lang hiện tượng, và tâm tư biến ảo không cùng, còn có một Bản Thể duy nhất, vi diệu, bất biến.

Đó là một khám phá vĩ đại mà từ những thời đại xa xưa, cùng tịt, các thánh hiền, các bậc thượng trí, thượng nhân đạ truyền thụ lẫn cho nhau.

Phật là một trong những vị Đại Hiền đã tìm lại được Bản Thể của Vũ trụ và Bản Thể của con người.

Bản Thể hay Tuyệt Đối Thể ấy có trước muôn vật, vắng vẻ, nhiệm mầu qua muôn kiếp vẫn trường tồn, cho dầu muôn nghìn thế giới có ngả nghiêng, tan rã, cũng không hề suy suyển.[2]

Người xưa có thơ:

Hữu vật tiên thiên địa
 有 物 先 天 地

Vô hình bản tịch liêu
 無 形 本 寂 廖

Năng vi vạn tượng chủ
 能 為 萬 象 主

Bất trục tứ thời điêu
 不 逐 四 時 凋 [3]


Tạm dịch:

Ấy chi có trước đất trời,

Vô hình, vô tượng, tuyệt vời tịch liêu.

Chủ trương vạn tượng, vạn điều,

Quang hoa điên đảo, chẳng siêu, chẳng rời.


Tuyệt đối thể, Bản Thể toàn chân, không hư vọng đó, Phật Giáo gọi là Chân Như . Đó cũng là Chánh Pháp Nhãn Tàng (Thiền Tông), Bản Tính Di Đà (Liên Tông), tương ứng với những danh từ Thái Cực, Thiên Lý trong Khổng giáo và Kinh Dịch, Cốc Thần trong Đạo Lão.[4]

Chân Như duy nhất, không bóng hình, không danh hiệu, nhưng những hình bóng để mô tả Chân Như, những danh hiệu để mô tả Chân Như thì vô vàn, vô số.

Nhưng thực ra, nhân loại luôn cảm thấy mình bất lực, bất xứng để hình dung mô tả Chân Như.

Cũng vì vậy, mà đứng trước vấn đề trọng đại ấy, nhiều triết gia đành ngậm miệng, gác bút, vì cho rằng như vậy mới thành thực với mình, vì như vậy mới là thái độ chính đáng đối với Chân Như tuyệt đối, siêu việt trên mọi hình thức, sắc tướng, không lời lẽ nào mô tả cho xiết, không giấy bút nào diễn xuất cho cùng. [5]

Cũng có khi Chân Như được đề cập tới bằng những từ ngữ hết sức tiêu cực như Hư Vô, Tịch Diệt, như Hư, Không v.v...vì lẽ Chân Như hư linh, bất muội, vô ảnh, vô hình, không mê vọng, không chấp trước, tịch nhiên, bất động giữa mọi biến thiên, mà vẫn làm cho muôn vật thành tựu. Giáo lý của Đức Phật nói: Từ cái gốc của Vô Trụ dựng nên tất cả các pháp. [6]

Hư không, hay Chân Không đây không phải là “không có”, “không không” theo nghĩa thông tục, mà chính là “diệu hữu hàm tàng muôn vật” [7]

Suzuki viết: “Không” là một trong những vấn đề quan trọng nhất của triết học Đại Thừa, và là một chữ rắc rối nhất, khó hiểu nhất, cho những người không phải là Phật Tử: “Không” không có nghĩa là “tương đối, tương đãi” hay là sắùc tướng, hay là hư vô, hư không mà chính là Tuyệt đối, tuyệt đãi, siêu việt, bất khả tư nghị. Nó chính là Chân Như Bản Thể. [8]

Nhưng vì Chân Như Bản Thể rất quan thiết với nhân loại, nên cần dùng hình dung, từ ngữ để đem Chân Như xuống tới tầm suy tư của con người. Do đó, theo đà thời gian, Chân Như đã được mô tả bằng đủ loại danh từ: triết học, toán học, hình học, văn học, thậm chí còn được nhân cách hoá thành Đại Nhật Như Lai (Vairocana) [9], hay Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartin), [10] điều động bánh xe vạn hữu.

Tóm lại, Chân Như không bóng hình, mà vẫn cho con người thấy dáng dấp linh lung phiểu diểu, trong muôn ánh hào quang từ ngữ.

Để khỏi bỡ ngỡ khi tham khảo kinh sách Phật Giáo, ta có thể ghi lại ít nhiều danh hiệu của Chân Như bằng mấy vần thơ sau:

Niết Bàn, [11] Nguyên Thanh Tịnh Thể, [12] Như,[13]

Bản lai Diện Mục, [14] A Lại Da, [15]

Thực tướng, [16] Pháp Thân, [17] Bản, [18] Bát Nhã, [19]

Yểm ma la thức, [20] A đà Na, [21]

Trung Đạo, [22] Phật Tánh, [23] Tâm Bình Đẳng, [24]

Đại Viên Cảnh Trí,[25] Chân Tính, [26] A, [27]

Chân Thiện Diệu Sắc, [28] Hàm Tàng Thức, [29]

Không, Như Lai Tạng,[30] Tâm Chân Như. [31]

Thường trụ Chân Tâm, [32] Nguyên Thường, [33],Pháp,[34]

Viên Thành Thực Tính, [35] Bản Tâm, [36] Hư, [37]

Lý, [38] Tất cảnh không, [39] Như Lai Tạng, [40]

Thường trụ Chân Như Tâm, [41]Thực Tế, [42]

Chánh Pháp Nhãn Tàng, [43] Tính, [44] Chân Như, [45]

Bồ Đề, [46] Thắng Nghĩa, [47] Như Lai, [48] Tướng, [49]

Chân Thiện, [50] Chân Đế, [51] Thể, [52] Nhất Như [53]

Lục Đại, [54] Chân Tâm, [55] Vô, [56] Giác Tính, [57]

Nhất Tâm Pháp Giới, [58] Không, [59] Như Như, [60]...

Trên đây là mới tạm ghi ít nhiều danh hiệu Chân Như, nếu có công suy cứu thêm, chắc là còn vô số. [61]

Ở trong hoàn võ, Chân Tâm hay Tự Tính ấy sinh ra vạn pháp, sinh ra mọi hiện tượng; còn ở trong con người, cũng một Chân Tâm ấy sinh ra tất cả các tư tưởng, cảm giác, sinh ra giác quan, v.v...[62]

Chân tâm là tất cả. Ngược lại, không thể nói cái gì là Chân Tâm, hay Chân Tâm ở đâu, vì Chân Tâm là Tất Cả, vì Chân Tâm đã ở khắp nơi. [63]

Chân Tâm này chính là Brahma, là Tuyệt Đối Thể trong kinh Áo Nghĩa Thư, vì đọc các định nghĩa về Brahma trong Áo Nghĩa Thư, ta thấy y thức như các định nghĩa về Chân Tâm trong các kinh Phật. [64]

Thực ra, sau khi đã bàn giải về Chân Tâm, Chân Như, các kinh sách lại cho rằng Chân Tâm không thể nào bàn giải được, vì Chân Tâm bao gồm tất cả các từ ngữ, sắc tướng, thì biết nói sao, tả sao cho nổi Chân Tâm được; đã mô tả được, đã hình dung được, thời nhất định chẳng phải là Chân Tâm nữa. [65]


B. Vạn Pháp = Hình ảnh biến thiên của Chân Như.

Nhưng ngoài Chân Như hằng cửu, tế vi, mà chỉ tâm thần mới lĩnh hội được, mà chỉ những bậc thượng trí, thượng nhân mới trực giác được, còn có vạn vật hữu hình, sinh sinh, hoá hoá, còn có muôn ngàn trạng thái tâm tình, còn có muôn dòng tư tưởng đổi đổi, thay thay. Các triết gia Phật giáo gọi thế là Vạn Pháp.

Nói cách khác, Vạn Pháp là tất cả những gì biến thiên, sinh diệt. Nó bao quát tất cả những gì ta hình dung được, nhận thức được, cảm giác được, kể từ những tâm tư bí ẩn, những tư tưởng, những hoài bão, cho đến thất tình, lục dục, cho đến xác thân, cho đến mọi loài, mọi vật hữu hình, hữu tướng.

Vạn Pháp biến thiên không ngừng, nay còn, mai mất, phù du, chất chưởng như những bức tranh vân cẩu, lúc hoàng hôn. Vạn Pháp chẳng qua là những biến hoá, những trạng thái vô thường của Bản Thể Chân Như, y thức như những ngọn sóng bạc đầu, rung rinh, nhào lộn trên trùng dương Bản Thể vĩ đại.

Vạn Pháp có thể nói được là những trạng thái nhất thời, là hình tướng nhất thời của Bản Thể Chân Như.

Chúng sở dĩ có là nhờ Chân Như Bản Thể, chứ chúng không có Bản Thể riêng biệt. Chúng biến thiên, nên không thể nào vĩnh cửu.

Vì thế mới nói:

Chư pháp vô ngã.

Chư hạnh vô thường. [66]

Vạn Pháp biến thiên, nhưng thực ra theo những định luật cố định là:

--- Định luật Nhân quả (loi de causalité)

--- Định luật: Sinh (thành), trụ, hoại, không.

--- Định luật Tuần Hoàn (loi du cycle).

--- Định luật Tụ Tán, Vãng Lai, Phản Phục, Doanh Hư, Tiêu Tức.[67]

Vì thế, có thể nói được là Vạn Pháp ở trong vòng Luân Hồi, trong vòng Sinh Tử, Tử Sinh, còn mất, vô thường.

C. Tương quan giữa Bản Thể và Hiện Tượng.

Vì quan niệm vũ trụ hay vạn pháp chỉ là sự thể hiện của Chân Như, chỉ là những ứng dụng của Bản Thể, hay là những trạng thái biến thiên của một Thực Tại duy nhất, cho nên Phật Giáo thấy không cần đặt vấn đề tạo thành vũ trụ. Phật nói: “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn, cõi đời này là hữu cùng hay vô cùng. Dù nó là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng, thì điều mà các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là, cuộc đời đang đầy rẫy những đau khổ.” (Kinh A Hàm)

Thực ra, sau này, cũng có nhiều triết thuyết cắt nghĩa những cung cách Bản Thể biến hiện ra hiện tượng như sau:

---Thuyết nghiệp cảm duyên khởi.

---A Lại Da duyên khởi.

---Chân Như duyên khởi.

---Pháp giới duyên khởi.

---Lục đại duyên khởi v.v...


Nhưng thiết tưởng không nên bận tâm vì những giả thuyết ấy, trước là vì chúng cũng như các giả thuyết khác về sự sáng tạo vũ trụ khó có thể kiểm nhận bằng thực nghiệm, hoặc đã bị sụp đổ, vì những khám phá mới về địa chất học, hay về nhân chủng học; sau là vì những giả thuyết ấy chỉ làm bận tâm, rối trí ta và không soi sáng được gì cho ta cả.

Mục đích của chúng ta là chuyển hoá cuộc đời, chuyển hoá bản thân, giải thoát mình cho khỏi vòng vô minh, dục vọng để đạt đến an lạc, trí tuệ, chứ không phải là đi tìm tên tuổi của trăng sao, hay lạc lõng vào những lý thuyết vô vị.

Vả lại đã chấp nhận Bản Thể biến hiện ra hiện tượng, thì khỏi cần phải thắc mắc tại sao Bản Thể biến hiện ra Hiện Tượng, biến hiện cách nào, tự bao giờ và cho đến bao giờ.

Một sự khảo sát về tương quan đối đãi giữa Bản Thể và Hiện Tượng, có lẽ sẽ hữu ích hơn. Nếu chúng ta dùng con mắt phân biệt mà nhìn Bản Thể và Hiện Tượng, thì ta thấy đôi đàng khác nhau như trời với vực, như sáng với tối...

Chân Như trường tồn, bất sinh, bất diệt, tuyệt đối, vừa là nguyên nhân, vừa là cứu cánh; vừa là thực tại, vừa là lý tưởng, là Thanh Tịnh, là Niết Bàn. [68]

Còn Vạn Pháp đều vô thường, vô ngã, biến thiên, uế tạp, luân hồi. [69]

Cái nhìn phân tích giữa Bản Thể và Hiện Tượng.

Chân Như---Bản Thể Vạn Tượng---Vạn Pháp (Réalité---Être) (Manifestations---Phéno--- (Natura naturans) mènes) Natura naturata) 1.---Bản thể---Tiềm thể 1.---Hình thức---Sắc tướng 2.--- Viên Giác 2.--- Mê vọng 3.---Niết Bàn 3.---Khổ hải---Sinh tử 4.---Nhất nhất---Như như 4.---Vạn hạnh---Vạn pháp 5.---Chân Tâm 5.---Vọng Tâm 6.---Vô Vi 6.---Hữu Vi 7.---Vô Lậu 7.---Hữu Lậu 8.---Vô trụ---Vô trước 8.---Chấp trước 9.---Chân Như Môn 9.---Sanh Diệt Môn 10.---Cảnh giới tịch diệt 10.---Cảnh giới vô thường 11.---Lý 11.---Sự 12.---Ngã 12.---Vô ngã 13.---Thường 13.---Vô thường 14.---Tịnh độ 14.---Uế độ 15.---Giải thoát 15.---Phiền trược 16.---Không 16.---Sắc 17.---Bồ---Đề 17.---Phiền não 18.---Đại Dương 18.---Ba lãng (Sóng) 19.---Tuyệt đối 19.---Tương đối 20.---Bình đẳng giới 20.---Sai biệt giới 21.---Tuyệt đối giới 21.---Tương đối giới 22.---Chân 22.---Giả v.v… v.v…
Những phân tách đó chỉ là giả tạo; phân tách cốt là để nhìn cho thấy thấu đáo thực tế, để biết đường phản bản qui nguyên, khế hợp cùng tuyệt đối. Nhưng khi đã thấu đáo, đã giác ngộ, thì ngược lại, phải có cái nhìn bao quát, phối hợp, vì Chân Như Bản Thể hằng lồng trong Vạn Pháp, Vĩnh Cửu luôn ẩn áo dưới lớp BiếnThiên; vì không thể tách rời Chân Như Bản Thể với Hiện Tượng ứng dụng được.

Vì thế có thể nói được:

---Chân Như tức Vạn Pháp. [70]

---Bản thể tức Hiện Tượng.

---Hiện Tượng là Bản Thể.

---Sinh tử là Niết Bàn.

---Phiền Não tức Bồ Đề. [71]

---Chư Pháp tức thị Chân Tướng.[72]

---Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.

---Nhất Đa tương dung. [73]



Thượng sĩ đời Trần có thơ:

Tòng Vô, hiện Hữu, Hữu, Vô thông,

Hữu, Hữu, Vô, Vô, tất cảnh đồng.

Phiền não, Bồ Đề nguyên bất nhị,

Chân Như, Vọng Niệm tổng giai không.



Tạm dịch:

Từ không, ra Có, Có Không thông,

Có Có, Không, Không mọi cảnh đồng.

Phiền Não, Bồ Đề nguyên vẫn một,

Chân Như, Vọng niệm, thảy đều không. [74]



Triết học Zen cũng có câu: Tâm vật nhất như, thân tâm nhất thể, [75] chẳng qua cũng không ngoài ý đó...

Cái nhìn bao quát thực tại:

---Chân Như tức Vạn Pháp.

---Bản thể là Hiện Tượng.

---Hiện Tượng là Bản Thể.

---Sinh tử là Niết Bàn.

---Phiền Não là Bồ Đề.

---Chư Pháp tức thị Chân Tướng.

---Sắc tức thị Không; Không tức thị Sắc.

---Tâm vật nhất như, thân tâm nhất thể.

---Tâm tức Phật, Phật tức Tâm v.v...

---Nhất đa tương dung.

---Lý Sự vô ngại. [76]

---Chủ Bạn cụ túc. [77]


Khi có cái nhìn viên dung ấy, thì Bản Thể và Hiện Tượng sẽ không còn phân ly chống đối nhau nữa. Chân Như sinh xuất ra Vạn Hữu, Vạn Hữu qui hướng về Chân Như; một trong, một ngoài, một ẩn, một hiện; tương dung, tương ứng, hoà hợp vô cùng. Hiện tượng sẽ đóng vai trò hỗ trợ, phụ bật bên ngoài. Chân Như Bản Thể chủ trì sinh hoá bên trong: thật là Lý Sự Vô Ngại; [78] và dưới mắt người có cái nhìn bao quát, vũ trụ và nhân quần sẽ trở thành những vần thơ, điệu nhạc, biến ảo khôn cùng; càng biến ảo lại càng tăng vẻ thần kỳ, linh hoạt; vạn hữu sẽ trở thành những âm thanh huyền ảo, những kỷ vật hữu tình, nhắc nhớ tới Bản Thể tuyệt đối; nhắc nhớ tới sứ mạng cao cả của con người là tiến tới bậc đại trí, đại giác. Hơn nữa, chúng sẽ trở thành những ngọc châu nạm trên con đường muôn dặm của con người trở về cùng Bản Thể tuyệt dối.

Đạo Lão gọi thế là Phổ Chiếu, nghĩa là “Diệu Kiếu Tề Quan”, nhìn thấy rõ cả cái Vi diệu Tuyệt Đối, cả cái Biến Thiên, hữu hạn. [79] Nho gọi thế là “Thể Dụng nhất Nguyên, Hiển Vi vô gián”. [80]

Hiểu được Chân Tâm, Vọng Tâm, hay Chân Như, Vạn Pháp, hay Bản Thể và Hiện Tượng, sẽ hiểu được 2 chữ Có, Không, Không Có của Phật giáo.

Hiện Tượng, hay Vạn Pháp, hay ở nơi con người là Vọng Tâm, là muôn nghìn suy tư, ước muốn, tình tứ, cảm giác, tưởng như là có, vì hữu hình, hữu tướng, mà kỳ thực lại là không, nếu xét về phương diện siêu hình, vì thế Vạn Hữu lại là không.

Trái lại, Bản Thể hay Chân Tâm, vì nghe không ra, nhìn không thấy, không sắc, không hình, tưởng là “không”, mà thực chính là “có”. Cái “không”, không hình, không sắc này mới chính là cái “có thật”.

Còn muôn sự ở đời “có” mà lại là “không”, vì chất chưởng, biến thiên nay còn mai mất, như giấc mộng. Thế mới hay:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Kìa xem bóng nguyệt giòng sông,

Rồi ra mới biết có không là gì. [81]


*************         


D. Bờ Mê, Bến Giác.

Hiểu Chân Tâm, Vọng Tâm, Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ hiểu được đâu là Bờ Mê, đâu là Bến Giác.

Bờ Mê là cõi phù sinh, ảo ảnh, là hình thức, sắc tướng, là những sự giao động của tinh thần, vật chất.

Bến giác, tức là Bến Bờ tĩnh lãng của Bản Thể vô biên, nơi mà tục luỵ, hồng trần không sao lọt vào được.

Con người chỉ được giác ngộ, chỉ trở nên toàn giác, khi lĩnh hội được Bản Thể vô biên, Chân Ngã hằng cửu, khi khế hợp được với Chân Như tuyệt đối, không còn có những cái nhìn thiển cận, thiên lệch, hẹp hòi; không còn tư tình, tư dục; khi đã bỏ được hết tạp thù, thác loạn.

Con người sẽ lạc lõng Bến Mê, bao lâu chưa nhận ra được toàn thể vô biên, bao lâu còn chạy theo những cảnh phù du, biến ảo, bao lâu còn chạy theo những điều ti tiện, chi mạt, bao lâu còn sống những kiếp sống sốc nổi, giả tạo.

Con người còn mê lú, bao lâu chưa nhận ra được Chân Tướng mình, bao lâu chưa biết giòng giõi cao sang, và định mệnh cao cả mình. Con người còn mê lú khi còn là đứa con lãng tử, ở trong nhà Cha mà chẳng nhận ra được Cha, [82] cam thân làm nô lệ; khi còn là người khách tha phương, khổ sở, lao lung, mặc dầu ngay trong tà áo vẫn có viên ngọc quí. [83]

Con người giác ngộ là con người nhận ra được địa vị cao cả của mình, nhìn thấy Chân Tâm sau lớp Vọng Tâm, nhìn thấy hằng cửu, dưới các lớp lang biến ảo.

Từ Mê đến Ngộ, tuy cách nhau gang tấc, nhưng vẫn xa muôn trùng; lúc thấy, thì thấy ngay ở trước mắt; lúc chẳng nhìn ra, thì cách trở muôn phương.

Để con tim, khối óc phóng đãng, phiêu lưu ra các tầng lớp bên ngoài, tức là đi vào Bến Mê, tức là đi vào hồng trần, tục luỵ. Thu thập tinh thần, hồi quang phản chiếu, để khám phá ra các điều vi diệu nội tâm, để tìm ra Tuyệt Đối Chân Tâm, là căng buồm Bát Nhã thẳng tiến đến Bến Giác, tức là rời bỏ phù sinh mà đi vào biên cương vĩnh cửu.

Giác, Mê âu cũng tại lòng người; chuyển theo hướng này hay hướng kia âu cũng tại lòng người; nhưng khi hướng đời đã định, thì “sai một ly, đi một dặm”; khi đã vào guồng máy Trời, thì tất nhiên chịu vận chuyển, lao lung theo những định luật cố định, khỏi than van.

Cho nên, ở đời không phải làm công kia việc nọ là hay, nhưng cần phải biết công kia, việc nọ có mục đích gì; nói cách khác, cái quan hệ là ở chỗ biết hay không biết mà thôi.

E. Luân Hồi và Niết---Bàn.

Sau khi đã hiểu rõ Chân Như, Vạn Pháp; Chân Tâm, Vọng Tâm; sau khi đã hiểu rõ 2 phương diện Biến Hằng của một Chân Lý vô biên, thì tất nhiên cũng sẽ hiểu hai vấn đề then chốt khác là Luân Hồi, và Niết Bàn trong Phật giáo.

Vì thật ra, tuy danh hiệu đổi thay, nhưng vòng Luân Hồi chẳng qua cũng vẫn chỉ gồm thâu các hiện tượng biến thiên, và Niết Bàn cũng chỉ là Chân Như Bản Thể. Nói cách khác, Luân Hồi chẳng những bao hàm ý nghĩa biến thiên, mà còn gợi nên các cảnh phiền sầu, khổ não; còn Niết Bàn thì ngược lại, chẳng phải là Bản Thể không, mà còn bao hàm ý nghĩa hạnh phúc, tuyệt đối, vô biên.

Tuy nhiên, cũng nên bàn kỹ lại hai vấn đề Luân Hồi và Niết Bàn, vì xét ra chúng cũng là những mối tơ vò cho vô số hạng người.

1. Luân hồi.

Luân Hồi là vòng biến dịch, vòng biến thiên của vạn hữu. Con người sinh ra là phải sống trong cảnh biến thiên, ảo hoá ấy.

Con người có thể để biến thiên, ảo hoá lôi cuốn, đắm chìm. Nhưng con người cũng có thể dùng Vạn Hữu, biến thiên làm công cụ tu luyện, để đạt mục đích cao cả của mình: Đó là Đạt Tới Tuyệt Đối.

Thường người ta nghĩ Luân Hồi là thay hình, đổi xác, hết làm loài này lại quay sang làm loài khác, cứ như vậy vô cùng, chứ ít ai biết rằng Luân Hồi cũng là thay đổi tâm tư, nguyện vọng, thay đổi lối sống, lối nhìn.

Con người sinh ra là để đi tìm Tuyệt Đối, qua các biến thiên tương đối, nên lúc nào cũng đi tìm kiếm, ao ước vật này, vật nọ; mơ mộng thế này, thế kia; ao ước thì tìm cầu; ao ước thì để tâm, để trí; lúc nào cũng căng thẳng, hướng về mục tiêu; lúc nào cũng như rót, như trút cả tâm hồn vào trong mục đích. Đạt đích thì sung sướng; thất bại thì âu sầu. Cái cảnh thiên đàng, địa ngục lâu chóng kèm theo ngay với mọi thành bại.

Các bậc thượng nhân nhìn bao quát cuộc đời, nhìn bao quát các nếp sống, nên cảm thấy sâu xa rằng chạy theo biến thiên, chạy theo tương đối, hư ảo là vô lý, vô vị.

Chắc chắn rằng con người phải có định mạng cao sang hơn, chắc chắn rằng sau những biến thiên, phải có căn nguyên hằng cửu. Căn nguyên hằng cửu ấy sinh ra con người, sinh ra vạn hữu, thì lại sui khiến cho con người khao khát trở lại căn nguyên hằng cửu ấy. Thế là căn nguyên lại trở thành cứu cánh, trở thành lý tưởng. Con người một khi đã thấy mục đích cao cả, định mệnh cao cả của mình, thì tâm thần một vút sẽ hướng tới vô cùng, không còn dính líu trần duyên, như đứa trẻ đang chơi mấy đồ chơi vụn vặt, chợt trông thấy mẹ hiền, liền vứt bỏ đồ chơi chạy ra ôm mẹ. Còn nếu không biết mục đích sang cả của mình, thì cứ chạy theo hết ảo ảnh này đến ảo ảnh nọ, không bao giờ cùng. Con người ta ở đời ai cũng trải qua nhiều kiếp sống mà không biết.

Mỗi một lần ước mơ là một lần thay kiếp sống, là một lần thay cuộc đời; ngắn thì vài phút, vài giây, dài thì nhiều năm, nhiều tháng: chung qui, dài vắn cũng đều là ảo mộng, cũng đều là giấc mộng hoàng lương.

Vòng Luân Hồi, hay vòng Sinh Tử, tức là vòng biến Thiên. Cái gì đổi thay, tức là có sinh, có tử, tức là có bắt đầu (sinh) và có hết (tử), bởi thế nên nói được “mỗi tư tưởng đổi thay, là một đời Luân Hồi”. [84]

Cho nên, cái hay không phải là nhìn thấy quang cảnh tử, sinh bên ngoài, không phải là nhìn thấy những trạng thái sai biệt bên ngoài, mà chính là nhìn thấy những trạng thái sai biệt bên trong tâm hồn.

Những trạng thái sai biệt của tâm hồn luân phiên tiếp diễn trên trùng dương tâm hồn, như những trạng thái sai biệt luôn tiếp diễn trên biển cả, lẽ dĩ nhiên không phải là biển cả bên ngoài, mà là biển cả Chân Tâm.

Những biến thiên ấy còn mất không thường, nên không đem lại cho con người hạnh phúc hoàn toàn vĩnh cửu được, cho nên có thể nói “cái gì vô thường đều là khổ ải” [85]. Nói cách khác, cái gì biến thiên sẽ không hoàn toàn, cái gì biến thiên chỉ là hiện tượng, chỉ là trạng thái; mà đã là trạng thái, tất nhiên không có Bản Thể, vì thế có thể gọi được là Vô Ngã.

Lắng lòng lại, cố dùng con mắt nội tâm mà quan sát sẽ phân tách được Hiện Tượng và Bản Thể nơi tâm hồn, sẽ nhìn thấy Luân Hồi khi mới phát sinh, nghĩa là thấy tâm tưởng khi vừa chớm nở.

“Người ta được hạnh phúc hay không là do tư tưởng mình. Tư tưởng của mình thay đổi là đời mình thay đổi ngay trong lúc đó rồi.” [86]

Cho nên cần phải biết gột rửa tư tưởng, tẩy trừ cho hết những quan niệm quàng xiên, thấp kém, và phải có những quan niệm chính xác, cao thượng, phổ quát, hằng cửu.

Lại nữa, phải biết thay đổi tâm trạng. Cần phải diệt trừ những tâm trạng đen tối và luôn giữ tâm trạng bình tĩnh, an vui, thanh tịnh, trong sáng.

Thế là băng qua Luân Hồi mà vào Niết Bàn; thế là bước dần lên các nấc thang giá trị tinh thần, để càng ngày càng tiến tới tinh vi, tới cao đại, tới hoàn thiện. Thế là càng ngày càng tiến sâu vào tâm khảm, càng vươn lên tới tinh hoa của con người. Lên tới tinh hoa, đạt tới huyền vi, tức là thoát vô thường, vào chân thường, thoát vòng biến thiên, ảo hoá, tử sinh, mà vào Niết Bàn trường tồn, vĩnh cửu.

2. Niết Bàn.

Bỏ mọi tâm trạng biến thiên mà vào Chân Tâm hằng cửu, đó là vào Niết Bàn. [87]

Cho nên Niết Bàn không ở đây, ở đó, mà đã tàng ẩn ngay trong thâm tâm con người; nhưng con người cần phải khai thác tâm hồn, cần phải lọc lõi, trừ khử hết mọi bức màn dục vọng, tư tưởng biến thiên bên ngoài, mới thực hiện Niết Bàn được. [88]

Vì vậy, Niết Bàn cần được thực hiện ngay trong thâm tâm mỗi một người. [89]

Phá hết mọi vọng niệm, vọng tưởng, mới tìm ra được Chân Lý. Siêu xuất trên mọi hình, thức, sắc, tướng, mới thấy được Bản Thể, cho nên Niết Bàn cũng được định nghĩa là Chân Lý tối hậu, [90] hay Thực Thể trường tồn. [91]

Niết Bàn vì là Bản Thể, [92] nên Niết Bàn cũng bất khả tư nghị. [93]

Niết Bàn là hạnh phúc.[94]

Con người sinh ra ở đời, thường tự giam mình vào vòng hiện tượng, thường chạy theo ngoại cảnh.

Lý do là vì bức màn vô minh trong tâm khảm còn trùng trùng, điệp điệp làm cho con người không trông thấy Chân Như, Niết Bàn. Thế rồi, tâm hồn bắt đầu rung cảm, chiêu vời những ảnh hưởng đồng vọng, ứng đối bên ngoài, thay đổi nếp sống thiên nhiên thành thiên hình vạn trạng. Bị ảnh hưởng tha nhân và hoàn cảnh, ý tưởng con người tạo ra cho con người nhiều vai trò khác lạ, và khi con người gò bó mình vào những vai trò ấy, tức là gò bó mình vào giả tạo, mê lầm. Hơn nữa, con người bị các ảnh hưởng bên ngoài cuốn lôi, dụ dỗ, bức bách, hấp dẫn đến nỗi mất hết bản ngã, mất hết tự do.

Để Bản Lai Diện Mục bị che lấp bởi những bộ mặt giả tạo, là chuốc mua đau khổ, là lao lung cùng khốn, khi trong người vẫn mang ngọc quí.

Các giá trị thay đổi hết: Thay vì con người làm chủ hoàn cảnh, hoàn cảnh lại làm chủ con người; con người, miệng nói tự do, tự tại, mà kỳ thực sống trong thằng thúc, triền phược, hết sức là bi đát; con người nói tự do tư tưởng, mà thực sự vẫn lập luận theo những khuôn mẫu, những lối đường mà trào lưu đương thời, hay trào lưu đương thịnh đã vạch sẵn, không bao giờ dám dể cho các tư tưởng từ nguồn lòng rào rạt tuôn ra.

Niết Bàn không phải là tư tưởng, mà là nguồn gốc tư tưởng. Niết bàn không phải là hạnh phúc mà là nguồn gốc hạnh phúc. Con người phải định tâm, thoát bỏ mọi niệm lự, thoát bỏ mọi tư tưởng, thoát bỏ mọi mầu sắc không gian, thời gian mới nhập Niết Bàn.

Có người nói nếu thoát hết, thì còn gì mà hưởng, thế thì hơn gì gỗ đá vô tri. [95]

Không, thoát hết đây là thoát hết bác tạp để còn nguyên toàn giác, toàn tri; thoát ly đây là vượt lên trên mọi cái hư vọng, để sống trong toàn Chân; là thoát ly thời gian biến thiên để vào trong vĩnh cửu.



*************         


CHÚ THÍCH


[1] 真 = 真 實 (Chân = Chân thực) The real.

如 = 如 常 (như= như thường) thus always or eternally so. Reality as contrasted with 虛 妄 như vọng), unreality, or appearance and 不 變 不 改 (bất biến, bất cải), unchanging or immutable as contrasted with form and phenomena... the word is fundamental to Mahayana philosophy, implying the Absolute, the Ultimate Source and character of All phenomena, it is the all. It is also called 自 性 清 淨 心 (tự tính thanh tịnh tâm) self---existent pure mind; 佛 性 (Phật tính) Buddha nature; 法 身 (pháp thân) Dharmakaya; 法 性 (pháp tính) Dharma---nature; 如 來 藏 (như lai tạng) Tathagatha---garba or Buddha---treasury); 實 相 (thực tướng) reality; 法 界 (pháp giới) dharma---realm; 圓 誠 實 性 (viên thành thực tính) the complete and perfect Nature..¡
A Dictionary of Chinese bouddhist terms, p. 331.
Như vậy Chân Như là Tuyệt đối, là Thực Thể hằng cửu, là Căn nguyên sinh vạn pháp, là Viên Mãn, là Toàn Thể. Cũng còn gọi là Tự Tính thanh Tịnh Tâm, Phật Tính, Như Lai Tạng, Thực Tướng, Pháp Tánh, Viên Thành Thực tướng.


[2] 此 性 虛 而 靈, 寂 而 妙, 天 地 未 分, 先 有 此 理。 歷 塵 劫 而 不 朽, 世 界 壞 而 不 遷.

Thử tính hư nhi linh, tịch nhi diệu, thiên địa vị phân, tiên hữu thử lý. Lịch trần kiếp nhi bất hủ; thế giới hoại nhi bất thiên.

Qui nguyên trực chỉ, Đỗ Thiếu Lăng, quyển trung, tr. 370.

[3] Như trên. trang 369---370
[4] 真 如 本 性 者, 父 母 未 生 前 一 真 無 妄 之 體 , 謂 之 本 來 面 目。 禪 宗 則 曰﹕ 正 法 眼 藏。 蓮 宗 則 曰﹕本 性 彌 陀。 孔 子 則 曰﹕天 理。 老 子

則 曰 谷 神。 易 則 曰﹕ 太 極。 各 雖 有 異, 其 實 同 一 真 如 本 性 也。

Chân Như Bản Tính giả, phụ mẫu vị sinh tiền, nhất chân vô vọng chi thể, vị chi Bản Lai diện mục. Thiền Tông tắc viết: Chính Pháp Nhãn Tàng; Liên Tông tắc viết: Bản tính Di Đà; Khổng tử tắc viết: Thiên Lý; Lão tử tắc viết: Cốc Thần; Dịch tắc viết: Thái Cực. Danh tuy hữu dị, kỳ thật đồng Nhất Chân Như Bản Tính dã.
Qui Nguyên trực Chỉ, chương 26.

[5] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 48

“Phế thuyên đàm chỉ “(Pháp tướng tông)

“Ngôn vong, lự tuyệt” (Tam luận tông)

“Bách phi giai khiển, tứ cú giai ly” (Thiên thai tông)

“Lý tại tuyệt ngôn” Trung Anh Phật học từ điển, tr. 360.

“Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (Thiền Tông)

“Xuất quá ngôn ngữ đạo”(Chân ngôn tông)

“Quá phần bất khả thuyết” (Hoa Nghiêm tông)

“Bất khả xưng, bất khả thuyết, bất khả tư nghị” (Tịnh độ tông)

“Tịch diệt, ly ngôn” (Liên hoa kinh, tr. 558)

“Ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, ly văn tự tướng “(Thủ Lăng Nghiêm, Hướng Đạo xuất bản tr. 62)

[6] Dĩ thật ngôn chi, tắc hư vô, tịch diệt, thị vạn hữu chi mẫu, xuất sinh thiên địa, nhân vật, động thực, phi tiềm nhi chí vạn pháp giả dã. Phật giáo viết: tòng vô trụ bản, lập nhất thiết pháp.

Qui nguyên trực chỉ, q. hạ, tr. 563.

以實言 之,則 虛 無 寂 然 滅 ,是 萬 有 之 父 母,出 生 天 地 人 物, 動 植 飛 潛 , 而 至 萬 法 者 也。 佛 教 曰﹕ 從 無 住 本, 立 一 切 法。

Theo cái nghĩa thật mà nói Hư Vô, Tịch Diệt, thì nó là mẹ đẻ của vạn hữu, sinh trời, đất, người, vật, động vật, thực vật, chim, cá, cho đến cả muôn pháp nữa. Giáo lý của Phật nói: Từ cái gốc Vô Trụ dựng nên các pháp

...”Vô” ở đây, tức là không nhân, không pháp, không mình, không người, không mê vọng chấp trước, “không” cho đến cả cái “không” nữa. Đó tức là “bình đẳng tâm”, là “trung đạo”, là “đệ nhất nghĩa đế” và cũng là “Phật tính thường trụ” của mọi loài chúng sinh...Đại đức Thiên Ân, Đoàn văn Ân, Triết học Zen I, tr. 157.
懾 (không)= the permanent reality behind all phenomena, the entity void of ideas and phenomena, neither matter nor mind , but the root of both. A dictionary of Chinese Buddhist term, p. 276.

[7] Tự tính Chân Không (Pháp Bảo đàn kinh; Bát nhã phẩm)

Bản tính do như Hư Không (pháp Bảo đàn kinh; Cơ duyên phẩm)

[8] Empty (Sunya) or emptiness (sunyata) is one of the most important notions in Mahayana philosophy and at the same time the most puzzling for non Buddhist reader to comprehend---Emptiness does not mean “relativity” or “phenomenality” or “nothingness” but rather means the absolute or something of transcendental nature, although this rendering is also misleading as we shall see later ... When Buddhist declare all thing to be empty, they are not advocating a nihilistic view; on the contrary , an ultimate reality is hinted at, which cannot be subsumed under the categories of logic.

Dr Suzuki, Manual of Zen Buddhism, p. 29.

...L’Absolu est ineffable, l’Absolu transcende toute spéculation, l’Absolu est simple et offre partout une saveur unique, mais plus précisément il est “Non---Substantialité, Vacuité sans début, ni fin, Vacuité d’inexistence, Vacuité Absolue, Vacuité immuable...

Sandhinnirmocana---Sutra, trad. Lamotte pp. 173---198, 224---227

[9] Tiếng Phạn là Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) nghĩa là Biến Chiếu (soi khắp)...Cho nên xưa dịch là Đại Nhật Như Lai...Như Lai ấy là Bản Nguyên của vũ trụ, Thực Thể của vạn hữu. Giáo lý của giáo phái Chân Ngôn căn cứ vào ý nghĩa đó, mà thành lập...

Thích Đạo Quang, Đại Cương triết học Phật giáo, tr. 46.

[10] Présence du Bouddhisme, tr. 281

[11] Bạch Thế Tôn: Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tính, Yểm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng là quả Phật, là Kim Cương Vương, thường còn, không hoại...

(Thế Tôn, như quả vị trung: Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Yểm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, Đại Viên Cảnh Trí, thị thất chủng danh, xưng vị tuy biệt, thanh tịnh viên mãn, thể tính kiên ngưng, như Kim Cương Vương thường trụ, bất hoại...)

世 尊!如 果 位 中,菩 提 ,涅 槃,真 如, 佛 性, 奄 摩 羅 識, 空 如 來 藏,

 大 圓 鏡 智, 是 七 種 名 稱,謂 雖 別, 清 淨 圓 滿,本 性 堅 凝,

如 金 剛 王§` 住 不 壞。

Thủ Lăng Nghiêm, Hướng Đạo xuất bản, tr. 134.

Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật Tử, q. 4, tr. 4.

Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn, tr. 308---309.

[12] Pháp Hoa Kinh, Liên Hải, tr. 209.

[13] 如 (Như) is termed 真 如 (Chân Như) Bhutatathata, the Real so, or Suchness, or Reality, the Ultimate or The All (Trung Anh Phật Học Từ Điển, tr. 210)

[14] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 185.

[15] A Lại Da thức chính thị nhất thiết nhân duyên đích chủng tử.

Nhập Phật chỉ nam, tr. 75.

L’Alaya c’est chacun de nous, c’est chaque chose et c’est l’Incommensurable Tout.

Le Bouddhisme du Bouddha,Alexandra Néel, p. 271.

Xem Phật Học tinh hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 142.

Thực ra trong Phật Giáo ít người nhận A Lại Da là đồng nhất với Chân Như như Nam Đạo Phái của Tuệ Quang chủ xướng (Xem Các Tông Phái của Đạo Phật tr. 215)

Nhưng chủ trương rằng A Lại Da là Thức, nên A Lại Da phải biến thành Trí, thành Đại Viên Cảnh Trí mới là đạt đạo.

Hàm tàng thức cũng trong tình trạng đó.

[16] Phật Học Chỉ Nam , tr. 75

[17] Pháp Thân = Dharmakaya.

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50

[18] “Táng bản, thụ luân”

Thủ Lăng Nghiêm (Việt Nam Phật Tử Hội xuất bản) q. II, tr. 13.

[19] Người trong đời cả ngày miệng niệm Bát Nhã, mà chẳng biết Bát Nhã là Tính tự nhiên của mình.

Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Bát Nhã, tr. 29. Đoàn trong Còn dịch thuật,

[20] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo), tr. 134.

[21] 阿 陀 那 (A Đà Na) Nhập Phật Chỉ Nam, tr. 76:
Đà La vi tế thức là biệt danh của thức thứ tám A Lại Da.

Thủ Lăng Nghiêm (Linh Sơn) tr. 327, chú 1.

Adana= Alaya vijnana= the originating or receptacle intelligence; basic consciousness. It is the store or totality of consciousness both absolute and relative; impersonal in the whole, temporally personal or individual in its separated part.

A Dictionary of Chinese Buddhist terms, pp. 292, 384b, 293b, 345b.

[22] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[23] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 184.

[24] Như trên, tr. 194.

[25] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo) tr. 134.

[26] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 184.

[27] 阿 字 本 不 生 不 滅 的 真 理。 A Tự bản bất sinh bất diệt đích chân lý.

Nhập Phật chỉ nam, tr. 53. (Kim cương đỉnh kinh)

[28]Nhập Phật Chỉ Nam, tr. 53.

[29] Hàm Tàng Thức = A lại da

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 40.

Tự Tính năng hàm vạn pháp, danh Hàm Tàng Thức (Pháp Bảo Đàn kinh. Phó chúc phẩm).

筄性 能 咸 萬 法, 名 咸 藏 識

[30] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo), tr. 134.

[31] Tâm sinh Diệt thì hiển lộ luôn, mà Tâm Chân Như thì khuất lấp mà không thấy.

Thủ Lăng Nghiêm , Linh Sơn Phật Học Nghiên Cứu Hội xuất bản, tr. 161.

Xem thêm Chu Hối Am quan tâm thuyết. Trùng Biên, Tống Nguyên học Án, q. 2:

Phù vị nhân tâm chi nguy giả, nhân dục chi manh dã, đạo tâm chi vi giả, thiên lý chi áo dã.

夫 謂 人 心 之 危 者,人 欲 之 萌 也。 道 心 之 微 者, 天 理 之 奧 也。

[32] Thủ Lăng Nghiêm (Việt Nam Phật Tử Hội), q. 1, tr. 6

[33] Như trên, q. 1, tr. 25.

[34] Kiến Pháp---Tiên Pháp nhi hậu Phật, Tăng (Luận về đồng điểm Tam Giáo: Lập Thuyết Minh Lý Tam Tông Miếu, tr. 3---4)

[35] Nhập Phật chỉ nam, tr. 73---74.

[36] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo), tr. The 134.

[37] the immaterial Universe behind all phenomena. Trung Anh Phật Học Từ Điển, tr. 389.

[38] Lý tức Phật.

Giáo quán cang yếu---Ngẫu Ích Sa Môn Trí Húc, Bài Lục Tức. Luận về Đồng điểm tam gíao, (Lập thuyết Minh Lý Tam Tông Miếu) tr. 14

理 (Lý)= Universal basis, essential element. Trung Anh Phật Học từ điển, tr. 360.

[39] Phật Học Chỉ Nam, tr. 40.

[40] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 185.

[41] Thủ Lăng Nghiêm (Linh Sơn). Tựa.

[42] Phật Học Chỉ Nam, tr. 41

[43] Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng phiên dịch, q. trung, tr. 369.

[44] The Buddha---nature imminent in all beings. Trung Anh Phật Học Từ Điển, tr. 288.

[45] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo), tr. 134.

[46] Thủ Lăng Nghiêm (Hướng Đạo), tr. 134.

[47] Phan Văn Hùm, Phật Giáo Triết Học, tr. 78.

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[48] Phan Văn Hùm, Phật Giáo Triết Học, tr. 78.

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[49] Ly Tâm duyên tướng (Thủ Lăng Nghiêm---Hướng Đạo tr. 62)

[50] Phan Văn Hùm, Phật Giáo Triết Học, tr. 72.
Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[51] Phan Văn Hùm, Phật Giáo Triết Học, tr. 72.
Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[52] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 178.

[53] Phan Văn Hùm, Triết Học Phật Giáo, tr. 72

[54] Phan Văn Hùm, Triết Học Phật Giáo, tr. 72; Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[55] Chân Tâm (Như trên tr. 72 & 50.)

[56] A tự Thích vân Vô, hựu vân Chân Không, tức thị Bát Nhã Thật Tướng chi Bản Thể.

 阿 字 釋 云 無, 又 云 真 空, 即 是 般 若 實 相 之 本 體。

Nhập Phật Chỉ Nam, tr. 120

[57] Phan Văn Hùm, Phật Giáo Triết Học, tr. 72

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50

[58] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50

[59] 空 (không) = The Universal, the Absolute, complete abstraction without relativity. (Trung Anh Phật Học Từ Điển, tr. 276)

[60] Phan Văn Hùm, Triết Học Phật Giáo, tr. 72; Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 50.

[61] Dưới đây xin đan cử ít nhiều danh hiệu khác của Chân Như theo các Tông Phái Phật Giáo: Bản Lai Diện Mục (Thiền Tông); Tự Tâm Hiện Lượng, Viên Thành Thực Tính (Duy Thức Tông); Thường Tịch Quang Độ (Tịnh Độ Tông); Tự Tính, Thực Tướng (Thiên Thai Tông); Nhất Chân Pháp Giới (Hoa Nghiêm Tông); Thực Tướng Bát Nhã (Tam Luận Tông); Bản Nguyên Tự Tính, Kim Cương Bửu Giới (Luật Tông).

Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 185.

Thủ Lăng Nghiêm cũng dùng rất nhiều từ ngữ để chỉ Chân Như ví dụ:

Bản Như Lai Diệu Tạng Diệu Chân Như (Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật Tử, q. 4. tr. 1), Thường Trụ Chân Tâm, Tĩnh Tịnh Minh Thể (Như trên. q. 1, tr. 29), Tịch Thường Tâm Tính (Như trên. q. 1, tr. 29); Bồ Đề Diệu Tịnh Minh Thể (Như trên, q. 2, tr. 28), Viên Diệu Minh Tâm, Bảo Minh Diệu Tính (Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn, tr. 96); Thanh Tịnh Diệu Tịnh Minh Tâm (Như trên. tr. 60); Bồ Đề Niết Bàn Nguyên Thanh Tịnh Thể (Như trên. tr. 55); Diệu Chân Như Tính (Như trên. tr. 192); Bản Diệu Giác Tâm (Như trên. tr. 375); Phật Tâm (Như trên. tr. 393); Thường Trụ Chân Như Tâm (Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn, Tựa); Diệu Minh Nguyên Tâm (TLN,Việt Nam Phật Tử, II, tr. 11)

Trong Kinh Lăng Già, ta thấy có nhiều danh từ thêm về Chân Như, cũng như trong bài Chân Tâm, Vọng Tâm, của Hoà Thượng Thích Thanh Từ trong tạp chí Hoa Sen, ta thấy có thêm rất nhiều danh từ về Chân Như. Xin tìm xem.

Trung Anh Phật Học từ Điển, tr. 332, chú thích Chân Ngã là The Real or Nirvana Ego.

Trong Tính Mệnh Khuê Chỉ, ta cũng thấy nhiều danh từ mới chỉ Chân Như: Tì Lư Thanh Tịnh Thân (Hoa Nghiêm Kinh) Tính Mệnh Khuê Chỉ q. II, tr. 13; Bất Nhị Pháp Môn; Thậm Thâm Pháp Giởi; Hư Không Tạng; Tịch Diệt Hải; Chân Thật Địa; Tổng Trì Môn; Bỉ Ngạn; Tịnh Thổ; Chân Cảnh; An Lạc Quốc; Xá Lợi Tử; Bồ Tát Địa; Quang Minh Tạng; Viên Giác Hải; Bát Nhã Ngạn; Pháp Vương Thành; Tây Phương; Thiên Dương; Không Trung; Chân Tế; Giá Cá; Tam Ma Địa; Hoa Tàng Hải; Đà La Ni Môn; Bất Động Đạo Tràng; Ba La Mật Địa. (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 1, tr. 4---5).

[62] Chân Tâm này cũng tức là tất cả các Pháp, tức là Tâm, tức là đất, nước, gió lửa, và hư không: tức là Nhãn, Nhĩ, Thị, Thiệt, Thân, Ý; tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức là Tứ Đế; tức là Thập Nhị Nhân Duyên; tức là Lục Độ; tức là Phật và bốn đức Niết Bàn. Nói chung Chân Tâm là các Pháp ở thế gian và xuất thế gian.

Thủ Lăng Nghiêm, Hướng Đạo xuất bản, tr. 114.

[63] Thân này, Tâm này cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong Chân Tâm hiện ra. Cái Chân Tâm rộng lớn như vậy, các Ông lại bỏ đi không nhận, trở lại chấp cái Vọng Tâm này cho là thật của mình, cũng như toàn thể bể cả rộng khơi, trong trẻo kia không nhận, trở lại chấp một hòn bọt nhỏ nhen cho là toàn thể bể cả, thật là điên đảo.

Thủ Lăng Nghiêm, Hướng Đạo xuất bản, tr. 46.

[64] Brihah. 5.1. Brahma is ether---the ether primeval. Brahma is a void.

Chand. 4. 10. 5.

Brih. 2. 1. 20.

Kaush. 4. 19.

Brih. 4. 1. 2.

Chand. 7. 1.

Tait. 3. 1.

Tait. 2. 6.

Brih. 1. 4.

Katha. 5. 2.

Mund. 2.2. 11

Tait. 2. 8. 3. 10. 4.

Maitri. 6. 17. 7. 7.

[65] A Nan, ông phải biết: Cái Thấy này nó không phải là nhân, không phải là duyên, không phải tự nhiên, cũng không phải “không tự nhiên”; không cái phi, không cái bất phi; không cái “thị”; không cái phi thị. Nó rời tất cả tướng, túc là tất cả Pháp. Như thế thời Ông làm sao để tâm suy nghĩ cho tới; dùng lời nói luận bàn cho kịp, và gọi nó bằng thứ gì được. (Ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, ly danh tự tướng). Thủ Lăng Nghiêm, Hướng Đạo, tr. 62.

[66] Histoire des Croyances religieuses...en Chine, Léon Wieger, p. 546.

---The Dukkhata/Dukkhata (khổ) as phenomenal existence is imperfect ans to be trancendented. It has three interdependent characteristics:

a. Anicca/anitya = impermanent.

b. Dukkha/dukkha = imperfect.

c. Anatta/Anatman = essentially unsubstantial, non independent.

These features also apply to sentient beings which function psychologically as individuals and coexist collectively as groups or societies; they consist of five aggregations of being (Ngũ Uẩn):  Rupa (Sắc= Material qualities), vedana (thọ= feeling), sanna/ samjna (tưởng= perception), sankhara/ samskara (hành= coefficients of consciousness), and vinnana (thức = consciousness).

Richard A. Gard, Bouddhism, p. 110.

[67] Thành, trụ, hoại, không hay Sinh, trưởng, tử, vong, hay Sơ, thành, suy, tử, hay Sinh, trụ, dị, hoại.

成 住 壞 空, 生 長 死 亡, 初 成 衰 死, 生 住 異 壞。

Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophique en Chine, Léon Wieger, p. 546.

[68] Chân Như giả, chỉ Vũ Trụ chi bản thể, nãi bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm, vô thuỷ, vô chung giả dã. Vạn pháp giả, nãi Vũ Trụ chi hiện tượng, hữu sinh diệt, hữu tăng giảm, hữu thuỷ chung.

真 如 者, 指 宇 宙 之 本 體, 乃 不 生 不 滅, 不增 不 減, 無 始 無 終 者 也。虜U 法 者, 乃 宇 宙 之 現 相, 有 生 滅,有 增 減, 有 始 終。

Le Tchenn Jou, essence universelle, ne nait ni ne meurt, ne croit ni ne diminue, n’a pas eu de commencement et n’auta pas de fin. L’univers apparent et tout ce qu’il contient, nait et meurt, croit et diminue, a eu un commencement et aura une fin; laquelle fin ne sera pas l’ anéantissement, mais le recommencement d’une nouvelle série de phénomènes.

Léon Wieger, Histoire des Croyances religieuses...p. 548.

Tchenn jou, la réalité cosmique est 絕 對 (tuyệt đối) absolue, est 平 等 (bình đẳng) une; est 無 限 (vô hạn) infinie, est 自由 (tự do) autonome, est 獨(độc) unique, est l’eau de l’océan de l’êre.

Như trên, p. 549.

[69] Vạn pháp giả, nãi Vũ Trụ chi hiện tượng,hữu sinh diệt , hữu thuỷ chung. (Xem chú thích 68 trên).

Như trên, tr. 548.

Wan Fa , la fantasmagorie mondiale (ou plutôt: le monde phénoménal) donne l’impression d’ êtres 相 對 (tương đối) relatifs, 差 別 (sai biệt) distincts, 有限 (hữu hạn) finis, 不 自 由 (bất tự do) dépendantes, 雜 多 (tạp đa) multiples. Vaines apparences! 波 (ba), une houle à la surface des êtres.

Như trên, p. 349.

...Vũ trụ chi hiện tượng hữu sinh, hữu diệt, hữu thuỷ, hữu chung, nhiên kỳ Bản Thể tắc bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm. Thử Bản Thể vị chi Chân Như. Hiện Tượng vị chi Vạn Pháp. Chân Như giả dịc phi vô thường, diệc phi vô ngã. Như trên, tr. 548.

[70] Wieger, Histoire des Croyances...tr. 548.

[71] Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, tr. 119.

Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết học Phật Giáo, tr. 100.

[72] Nhập Phật Chỉ Nam, tr. 134.

[73] Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, tr. 213.

[74] Trần Triều, dật tôn phẩm điển lục, Thượng Sĩ ngữ lục, tr. 28. (Khảo Cổ Viện tồn bản)

...Lục Tổ Đàn Kinh vân: Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ Đề. Tiên niệm mê, tức phàm phu; hậu niệm ngộ, tức Phật. Tiên niệm trước cảnh, tức phiền não; hậu niệm ly cảnh tức Bồ Đề.

Tính Mệnh khuê chỉ, q. 4, tr. 5.

[75] Đại Đức Thích Thiên Ân, Triết học Zen I, tr. 136

[76] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 210.

[77] Như trên, tr. 211.

[78] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 210, 211, 212, 213, 214.

[79] Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. I, Chương Tà Chính Luận, từ tr. 15 đến 20. (妙 竅 齊 觀.)

[80] Chí vi giả Lý dã; chí trứ giả Tượng dã. Thể Dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián.

至 微 者, 理 也; 至 著 者, 象 也。 體 用 一 源,顯 微無 間。

Tôn Bổ Ngự Án Dịch Kinh Đại toàn. Chu Dịch, Trình Tủ, Truyện tự, tr. 6.


[81]

Tác Hữu, trần sa Hữu
 作有 塵 沙 有。

Vi Không, nhất thiết Không
 為 空 一 切 空。

Hữu Không như thuỷ nguyệt
 有 空 如 水 月。

Vật trước Hữu, Không, Không
 物 著 有 空 空。


 (Bài thơ Hữu, Không của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh).

[82] Xem dụ “Người cùng tử” trong kinh Pháp Hoa, Phẩm Tín Giải.

[83] Xem Dụ “Gã nghèo hèn có châu báu trong vạt áo”. Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử thọ ký.

[84] Quan Thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 63.

[85] Dukka...comporte évidemment le sens courant de “souffrances”, mais en plus, il implique les notions plus profondes d’imperfection, d’impermanence, de conflit, de vide, de non---substantialité.

Walpola Rahula, L'enseignement du Bouddha, p. 39.

[86] Quan thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr, 63.

[87] The ceasing of becoming is nibbana,,, In other respects of Niroda = Nibbana/Nirvana, it should be mentioned that there are various views between and with the principal Buddhist Schools: for example, Nibbana as Peace according to the Theravada; Nirvana as Sunyata 空 (không) (Relativity as the rational view; Absolute or the experiential view); Dharma---kaya 真 如 = Chân Như (Essence of the Buddha); Tathata (Ultimate Actuality); Dharma ---Dhatu 法 界 = Pháp giới (Ultimate Reality) etc...according to the Madhdyamika 三 論 = Tam Luận, and Yogacara. 瑜 迦 = Du Già.

Richard A. Gard, Bouddhism, p. 122.

[88] La cessation de la continuité et du devenir, c’est le Nibbana.

Walpola Rahula, L’enseignement du Bouddha, p. 61.

[89] Le Nibbana doit être réalisé par les Sages au---dedans d’eux---mêmes.

Présence du Bouddhisme, p. 268

[90] Nibbana est vérité.

L’enseignement du Bouddha, p. 64---65.

Le Nirvana est la vérité ultime. Vérité ou Réalité éternelle. Présence du Bouddhisme, p. 268.


[91] Réalité éternelle. (Như trên 268)

...En somme, le nirvana ne serait pas le néant, mais la substance cosmique amorphe, quelque chose comme “l’atome du monde, d’où tout procède et où tout revient”.

Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême Orient, p. 144.

[92] La vérité est, le nirvana est.

Walpola Rahula, L’enseignement du Bouddha, p. 65.

...Car, pour être annihilé par son “moi”, la personnalité humaine n’en existe pas moins quant à la racine dont elle est sortie par évolutions succesives.

En effet, “cette racine subsiste; c’est la chose simple et sans forme, l’élément du monde, la substane universelle, le non---fait, le non---ajusté, terme qui d’après le Dharmapada (Pháp cú kinh) même est l’équivalent du Nirvana.”

Schoebel, le Bouddhisme, p. 250 .---Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême Orient, p. 145.

[93] Le Nirvana est au---delà de la logique et du raisonnement. Như trên. p. 69

[94] Sariputta a dit une fois: “O oui, le Nirvana est le bonheur, le Nirvana est le bonheur. “Như trên, p. 68

[95] Du point de vue du plus élémentaire bons sens, le Nirvana ne peut s’entendre comme signifiant le néant, “Comment supposer en effet “remarque très justement G. de Lafont , dans sa remarquable étude sur le Bouddhisme (Cf. G. de Lafont, Le Bouddhisme, p. 179), “que le Bouddha ait dit dans ses prédication à la foule qu’il voulait convertir: “Nous sommes ici---bas exposés à une foule de maux, et l’existence n’est que douleur; imposez---vous par surcroit des privations de toutes sortes, supprimez le peu de jouissances que ce monde peut vous offrir, et je vous offre en retour le néant pour récompense. Je doute qu’il eut fait beaucoup de prosélyte.”

C’est aussi l’avis d’Émile Burnouf. “Une philosophie qui prêcherait le néant’, dit---il, et promettrait comme but de la science, et comme récompense des vertus les plus hautes et les plus pénibles à acquérir, l’anéantissement final et absolu, ne deviendrait jamais la religion de plusieurs centaines de millions d’hommes et n’eut pas duré déjà vingt quatre siècles.

E. Burnouf, Introduction à l’Histoire du Bouddhisme indien, p. 455.

Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême Orient, p. 144.

...Vous ne demanderez ce qui reste après toutes ces éliminations, une fois que vous vous êtes retirés de toutes ces choses, que vous avez détruit tout ce qui n’est pas essentiel? Je vais vous le dire. Il reste un esprit serein et un coeur qui ne peut être troublé, qui est plein d’énergie et d’enthousiasme. Ils sont équilibrés, forts, assurés, clairs et purs, pleins d’extase, pleins de résolution et de détermination, le coeur et l’esprit qui a rejeté toutes ces choses. Ainsi réussi dans cette tâche, vous pourrez vous revêtir de ce qui est éternel, mais pas avant. Vous ne pourrez devenir incorruptible tant qu’il reste dans votre coeur la moindre parcelle corruptible.

Kristnamurti, Bulletin international de l’Étoile No 1, Octobre 1929, p. 16.


-----------------------------


CHƯƠNG XVIII.

TỐI THƯỢNG THỪA PHẬT GIÁO.

A. NHỮNG NGUYÊN TẮC TU THÂN CĂN BẢN.

1. Băng qua Vạn Pháp biến thiên, trở về với Chân Như Bản Thể.

Khi nhận thấy rằng chỉ có một Bản Thể duy nhất bao trùm không gian và thời gian, bao trùm cả vạn hữu, khi đã chấp nhận rằng Bản Thể ví như Đại Dương, hiện tượng và quần sinh ví như muôn nghìn sóng cả, hay như những bọt nước bồng bềnh trên mặt, thì điều kết luận dĩ nhiên sẽ là:

a. Bản Thể thì trường tồn, vĩnh cửu.

b. Hiện Tượng, quần sinh thì phù du, hư ảo.

c. Cho nên, phải bỏ phù du, để trở về với vĩnh cửu; bỏ hiện tượng để tìm về Bản Thể Chân Như.[1]

Phật xưa đã ba lần chuyển Pháp Luân:

Lần thứ Nhất: Giảng kinh Hoa Nghiêm, để chỉ vẽ gốc rễ, căn bản con người.

Lần thứ hai: thuyết kinh A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng, để chỉ vẽ chi mạt, ngọn ngành con người.

Lần thứ ba: thuyết kinh Pháp Hoa, Niết Bàn để dạy đời thu nhiếp ngọn ngành để trở về cội gốc, bỏ Hiện Tượng để trở về với Bản Thể, Chân Như. Đó là thành Phật, thành Đạo, đó là vào Niết Bàn.[2]

2. Tìm ra Chân Tâm, Chân Như Bản Thể dưới lớp Vọng Tâm, Vọng Ngã.

Sau khi đã dùng 2 chữ Bản Thể và Hiện Tượng để bao quát hết mọi lớp lang đại vũ trụ từ vô hình đến hữu hình, ta trở lại tiểu vũ trụ là con người chúng ta.

Như trên đă nói, trong vũ trụ, một Bản Thể Duy Nhất phát sinh muôn ngàn hiện tượng, nay trở lại con người, ta cũng thấy vẫn một Bản Thể Duy Nhất, Tuyệt đối ấy phát sinh ra mưôn vàn hiện trạng, điều động mọi suy tư, hướng dẫn mọi hành động. Bản thể ấy, theo từ ngữ Phật Giáo, chính là Phật Tính, làm căn cốt cho mọi người, cũng như làm căn cốt cho vũ trụ và muôn vật, vì thế nói: Chúng sinh đều có Phật Tính (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tính).

Cũng như vũ trụ có 2 phương diện Biến Thiên và Hằng Cửu, mỗi một người chúng ta cũng có 2 bộ mặt, 2 con người. Bộ mặt bên ngoài, con người bên ngoài thì nhem nhuốc, biến thiên chịu định luật thành, trụ, dị, không của thời gian; một bộ mặt, một con người bên trong thì uy nghi, rực rỡ, siêu thoát trên mọi hình, thức, sắc, tướng, và không điêu tàn với quang âm, tuế nguyệt. [3]

Vì thế mà Phật giáo mới phân Chân Tâm, Vọng Tâm, Chân Ngã, Vọng Ngã.

Vọng Tâm, Vọng ngã gồm tất cả những trạng thái biến thiên của tâm hồn, gồm thất tình, lục dục, tri giác, cảm giác, hoài bão, lý luận, tư tưởng, sinh sinh, diệt diệt với các hiện tượng bên ngoài.

Còn Chân Tâm, Chân Ngã thời tế vi, huyền diệu, bất biến trường tồn.

Chân Tâm, Chân Ngã còn gọi là Đại Ngã. Vọng tâm, Vọng Ngã gọi là Tiểu Ngã. Đại Ngã là có. Tiểu Ngã là không. [4]

Con người tưởng chừng hữu hạn, tưởng chừng lao lung, tưởng chừng tảo vong, yểu tử, mà kỳ thực đã chứa đựng sẵn vô biên, vô tận, đã sẵn có hạnh phúc, đã sẵn có trường sinh, bất tử.

Có như vậy, mới cắt nghĩa được con người tại sao luôn mơ ước vô biên, luôn tìm cầu hạnh phúc, luôn mong mỏi trường sinh bất tử.

Tìm ra được Chân Tâm tiềm ẩn dưới lớp Vọng Tâm, các hiền triết Phật Giáo mới chủ trương con người thay vì có ngũ quan và ý thức, lại còn có đến tám thức: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, A lại Da thức.

Ý thức là Vọng Tâm, mà A Lại Da [5] chính là Chân Tâm. Còn Mạt Na ở giữa đóng vai môi giới.

Khi mê thì Mạt na đóng vai vô minh chỉ liên lạc được 1 chiều từ Chân Tâm ra Vọng Tâm, thành thử Vọng Tâm không bao giờ nhìn nhận ra được Chân Tâm. Khi Ngộ thì Mạt Na đóng vai Bát Nhã, thành con thuyền đưa người từ bến bờ Vọng Tâm cho tới bờ bến Chân Tâm, lúc ấy sự liên lạc sẽ hoàn tất cả hai chiều, không còn Sâm Thương đôi ngả.

Duy thức Tông có thơ:

Đệ huynh bát cá, nhất nhân si,

Độc hữu nhất cá, tối linh ly,

Ngũ cá môn tiền tố mãi mại,

Nhất cá gia trung tác chủ y.[6]

(Tu tâm, tr. 21)

Anh em tám kẻ, một người si (mạt na = Ngã si)

Duy có một chàng rất linh ly. (ý thức)

Năm người buôn bán ngoài cửa ngõ (Ngũ quan)

Một vị trong nhà đứng chỉ huy. (A Lại Da)


Các sách thường chủ trương khi giác ngộ, Thức sẽ biến thành Trí. Và A Lại Da sẽ biến thành Đại Viên Cảnh Trí. Chủ trương này xét ra cũng chính xác, vì nếu trong A Lại Da thức còn có chút tì ố nào, thì chưa phải là Chân Tâm.

Có sách lại chủ trương còn có Đệ Cửu Thức gọi là Bạch Tịnh Thức, mà Đệ Cửu Thức mới là Căn Nguyên Tuyệt Đối. [7]

Khám phá ra được rằng, sau những lớp lang tâm tư biến ảo, còn có Tuyệt Đối Chân Tâm, sau bộ “mặt nạ” tiểu ngã hoá trang, còn có “bộ mặt Bản lai diện mục”, “bộ mặt Đại Ngã”; khám phá ra được rằng: dưới làn sóng vô thường, vô ngã, tràn ngập vũ trụ, tràn ngập lòng mình, dưới lớp ba đào trùng điệp ấy, còn có Giác Hải Chân Như tĩnh lãng, ấy là giác ngộ.

Đại Ngã là Phật Tính, là Chân Như, là căn cốt của tạo vật và của con người; vĩnh cửu, trường tồn, chân thường, bất biến, bất hoại.

Còn tiểu ngã là vọng tâm của mỗi người, kết cấu bằng những tầng lớp hình ảnh, tư tưởng, dục tình, biến thiên, vô thường, vô định. [8]

“Lạc trong muôn tứ, nghìn tình,

Soi gương, nào biết tướng mình thế nao?”

Trở về Đại Ngã Đại Đồng, Chân Ngã vô tướng, tức là không còn cái mình nhỏ nhoi, hèn mọn nữa, và sẽ trở thành Pháp Thân uy nghi, trang trọng, phổ biến, phổ quát. Đạt tới Đại Ngã là đạt tới Niết Bàn . Vì thế Niết Bàn được định nghĩa là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Bà Blavatsky viết: “Bao giờ Thần con người hoàn toàn không còn tơ vương chút vật chất nào, không còn chút hình tượng nào, sẽ trở thành Linh Khí hoàn toàn. Khi ấy, nó mới vào được Niết Bàn vĩnh cửu, bất biến, trường tồn, đó là Niết Bàn vĩnh cửu thật sự. Linh Khí ấy là Thần, là Không, vì nó là mọi sự. Nó hoàn toàn vô hình tướng; nhưng về phương diện thuần Thần, thì nó là chính Bản Thể. Khi hồn con người đã thành thần thì được gọi là Nhập vào Bản Thể Đại Đồng, hay là phối hợp với Bản Thể chứ không bao giờ có nghĩa là huỷ diệt, vì huỷ diệt là vĩnh cửu chia ly.“[9]

Nhiều người theo Phật giáo chỉ chú trọng đến vô thường, vô ngã mà quên biến mất Chân Thường, Chân Ngã. Như vậy mới là biết Biến Thiên chưa biết Hằng Cửu, mới biết hiện tượng chưa biết Bản Thể, mới biết Luân Hồi chưa biết Niết Bàn. [10]

Biết Vô Thường, Vô Ngã mới là biết Biến Thiên, Khổ Ải, Luân Hồi, mà chưa biết Niết Bàn. [11]

Biết Vạn Pháp là Vô Thường, Vô Ngã mới là biết hiện tượng phù phiếm, biến thiên; chưa biết Bản Thể bất biến, chưa biết được Thực Tại trường tồn. [12]

Biết Hiện Tượng, chưa biết Bản Thể gọi là Mê; thấy Bản Thể mà không thấy hiện tượng cũng chưa gọi được là Ngộ. [13]

Giác Ngộ là phải thông suốt lẽ biến hằng, thông suốt hai phương diện thể dụng trong trời đất và lòng người. [14]

Người theo đạo Phật mà chỉ nói Vô Ngã, Vô Thường, mà không biết Chân Ngã, Chân Thường, thì cũng y như người học Dịch mà chỉ biết hào quải bên ngoài, chưa biết Vô Cực, Thái Cực bên trong...

Nhiều người khảo cứu về Đạo Phật rất bạo dạn khi nói về thuyết vô ngã Anatta [15], Anatman [16], nhưng không dám đả động đến Chân Ngã. Nhưng may thay, cũng còn có nhiều người dám bàn về Chân Ngã, [17] nhưng may thay trên nhiều cổng chùa, còn có viết 4 chữ đại tự lớn; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: “Thất nhữ Nguyên Thường, cố thụ luân chuyển.” [18] (không biết căn nguyên vĩnh cửu, nên bị luân chuyển)

Kinh Đại Niết Bàn viết: “Kiến nhất thiết Không, bất kiến bất Không, bất danh Trung Đạo, nãi chỉ kiến nhất thiết Vô Ngã, bất kiến Ngã giả, bất danh Trung Đạo. Trung Đạo giả, danh vi Phật tánh. 見 一 切 空, 不 見 不 空, 不 名 中 道。 乃 只 見 一 切 無 我,

 不 見 我 者, 不 名 中 道。 中 道 者,名 為 佛 性 。”

“Thấy tất cả đều là “Không”, mà chẳng thấy cái ”chẳng Không”, thì chẳng gọi là Trung Đạo; thấy tất cả là ”Vô Ngã” mà chẳng thấy có “Ngã’ thì cũng chẳng gọi là Trung Đạo. Trung Đạo ấy gọi là Phật Tánh.” [19]

Không hiểu trong con người có 2 thứ Ngã (Đại Ngã, Tiểu Ngã), có 2 thứ căn nguyên (Niết Bàn, Sinh Tử), có phân ngôi Chủ khách (Hằng, Biến), thì không sao hiểu được giáo lý đạo Phật, không sao thành Phật được, dù tu luyện mấy muôn kiếp.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết:

“Phật bảo A Nan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh bị lao lung, điên đảo, các nghiệp chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng thành được vô thượng Bồ Đề lại thành ra bực thanh văn, duyên giác, và các thứ ngoại đạo, các Trời và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết 2 thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát thành cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.

Thế nào là 2 thứ căn bản, hỡi A Nan! Một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp, y như nay ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) làm tự tính.

Hai là căn bản “vô thuỷ Bồ Đề Niết Bàn Nguyên Thanh Tịnh Thể” đó ở nơi ngươi, chính là “Thức Tinh Nguyên Minh”có thể sinh ra vạn duyên, vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã bỏ mất cái căn nguyên sáng láng ấy, cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn luôn dùng mà chẳng tự biết được nó, rồi ra lăn lộn, đắm đuối vào các thú vui, uổng phí cả cuộc đời. [20]

Bỏ cái “nguyên thường” trường cửu, mà theo cái vô thường biến dịch, coi vọng tưởng mà lầm là “chân tính” thì có khác gì nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi Luân Hồi, khổ ải?

Phật bảo A Nan: “Cái đó là vọng tưởng do lục trần bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng tưởng; nó làm hoặc loạn chân tính ngươi. Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi nhận giặc làm con, bỏ mất tính chân thường của ngươi, nên ngươi bị luân chuyển, luân hồi.” [21]

Làm sao phân biệt được Chân Tâm, Vọng Tâm nơi con người?

Phật cho rằng: cái gì từ bé đến già mà chẳng đổi thay là Chân Tâm. Theo đà thời gian, đầu ta tuy bạc, mặt ta tuy nhăn, nhưng cái Tính Thấy ấy chẳng hề nhăn, chẳng hề bạc, [22] mà đã không nhăn, không biến thì làm gì có sinh, có diệt? [23] Suy ra, trong con người, cái gì bất động, bất biến là Chân Tâm.

Đã bất biến, thường trụ thời là Chủ Nhân, đã trừng tịch bất động thời là “Không”. [24]

Trái lại, cái gì thay đổi, biến thiên trong con người, cái gì giao động thì là Vọng Tâm. Mà đã giao động, biến thiên, thì chẳng qua là trần ai, hay khách qua đường mà thôi.

Cho nên Vọng Tâm chính là hiện tượng sẽ bị sinh, diệt; còn Chân Tâm mới là Bản Thể bất sinh, bất diệt.[25]

Bỏ mất bản tâm, mà lại nhận lầm duyên trần, nhận vật làm mình, nhận giao động biến thiên làm Chân Tâm, Chân Cảnh, thì làm sao mà chẳng bị quay cuồng trong ngọn lốc Luân Hồi lưu chuyển. [26]

Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã mất Chân Tâm, bản tâm rồi, thì dẫu “có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo, chẳng khác nào đứa con bỏ cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế, làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm sao mà no được.” [27]

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo Lục Tổ Huệ Năng:”Kẻ nào chẳng biết Bổn Tâm, thì học đạo vô ích. Nếu ai biết Bổn Tâm, thấy Bản Tánh tự nhiên, tức thị là Trượng Phu, là thày của Trời, Người, là Phật.” [28]


3. Bỏ Vọng Tâm để sống theo Chân Tâm, hay diệt ngã để khế hợp với Chân Như Bản Thể.

Nếu không phân biệt Chân Tâm, Vọng Tâm, thì không sao hiểu được đạo Phật. Phật giáo chủ trương Vô Ngã, rồi lại dạy Diệt Ngã. Nếu chỉ có Vọng Tâm, mà không có Chân Tâm, thì chủ trương như vậy rất vô lý, vì đã Vô Ngã thì còn gì mà diệt; vả lại tu mà đi đến tận diệt, thì tu để làm gì? Nhưng trái lại, nếu biết sau Vọng Ngã, còn có Chân Ngã, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay.

Chủ trương Phật giáo chính là: con người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như vậy, phương châm và mục đích tu luyện sẽ được vạch rõ:

Từ Vọng Ngã nhỏ hẹp ta sẽ phát huy Đại Ngã rộng lớn, mênh mông; [29] trong sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy pháp thân siêu việt; trong phàm thân dễ bị huỷ hoại, sẽ cố phát huy kim cương thân bất khả tiêu diệt; trong u minh, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc Chân Tâm.

Chữ Diệt Ngã, hiểu cho đứng đắn sẽ là phá tan mọi hình tướng để tìm ra Chân Tính (khiển tướng, chứng tính), [30] làm lu mờ, tan biến mọi nhỏ nhen, ti tiện cho quang minh chính đại hiện ra (ẩn liệt, hiển thắng). [31] Mục đích tối hậu là khế hợp với Tuyệt Đối, [32] là hoà hợp với Bản Thể tuyệt đối.

Thế là đi từ Hữu Vi, Hữu Lậu trở về Vô Vi, Vô Lậu; rũ bỏ hết mọi phiền trược, buộc ràng, mà sống thung dung, tự tại; vất bỏ mọi giả tạo, để tìm ra Chân Thực trường tồn (khiển Hư, tồn Thực); [33] rũ bỏ mọi tạp thù, để giữ lấy nguyên thuần tuý (xả lạm, lưu thuần); [34] bỏ ngọn ngành, chi mạt, để trở về gốc gác, căn nguyên (nhiếp mạt, lưu bản). [35]

Đạo Nho gọi thế là Khử Nhân Dục, tồn Thiên Lý, vì theo qui luật “phục, khởi” (伏 起) của Kinh Dịch, thì “Nhân dục thắng, Thiên Lý vong” và ngược lại “Nhân dục tận, Thiên Lý hiện”, hay Âm tận thì Dương thuần. Nhân dục và Thiên Lý không thể lưỡng lập.

Đạo Lão gọi thế là “tâm tử, thần hoạt” 心 死 神 滑. (tâm có chết đi, thần mới sống được.)

Suy ra thì lẽ Phản Bản, Qui Nguyên trước sau chỉ là một, từ ngữ tuy thay đổi, cảch diễn tả tuy không đồng nhất, nhưng tinh thần muôn đời vẫn chẳng có hai.


B. Con đường giải Thoát: -- TÌM CHÂN TÂM Ở ĐÁY LÒNG

“Hướng ngoại mà tìm cầu,

Tất cả đều ngoan si.

Hướng nội mà tuỳ xứ tiện nghi,

Tất cả đều là chân thật.”

(Lâm tế lục thị chúng, ĐĐ Thiên Ân, Triết học Zen, tr.103)

Tất cả các kinh sách Phật Giáo, các môn phái Phật Giáo đều có mục đích chỉ vẽ Chân Tâm. Như trên đã nói: Chân Tâm là Phật Tánh, là Chân Như bất biến, hằng cửu lồng ngay trong vạn hữu và trong tâm hồn ta, chẳng ở đâu xa. Kỳ lạ thay là thân thế con người: thân thế con người, tuy lao lung, chất chưởng, nhưng chính đã được gắn liền vào trường sinh, tuyệt đối, như sóng gắn liền với nước. [36]

Như vậy, con đường giải thoát không phải là đường sông, đường biển, đường Tây Trúc xa xăm, mà chính là con đường nội tâm của mỗi người.

Phải đi sâu vào đáy lòng mới tìm ra Chân Tâm, mới tìm ra Niết Bàn, mới tìm ra hạnh phúc, tự do, giải thoát. Lục Tổ Huệ Năng nói: ”Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp Thân của mình, thấy Phật ở Tự Tâm mình, độ lấy mình mới được.” [37]

Như vậy châm ngôn để đi tìm chân lý sẽ là:

Con đường hướng nội tiến cho sâu,

Càng sâu, càng thấy lắm nhiệm mầu.

Tâm khảm bao la không bờ bến,

Vũ trụ mênh mông đã thấm đâu.

Tâm con người càng tìm hiểu, càng thấy kỳ diệu. Phiến diện, thì lao lung, chất chưởng, biến thiên, [38] đày tràn trần ai, nghiệp chướng, mà trái lại, căn cốt thì vô biên, tuyệt đối.

Như vậy, mỗi người đã sẵn có bảo châu vô gía dấu trong vạt áo, sao không cố tìm kiếm cho ra, mà cứ an phận sống một cuộc đời khổ ải. [39]

Như vậy, mỗi người có thể ví như một hoàng tử lưu vong, mà bụi phong trần đã phủ kín hết các nét hào hoa, phong nhã, mà cuộc đời luân lạc đã làm cho lầm than, chìm nổi, cho đến quên khuấy cả giòng giõi sang cả mình, quên hết căn nguyên huy hoàng, quên hết cả đến định mệnh siêu việt đang chờ đón mình trong những bước đường tương lai.

Phật đã nhắc nhở con người về giòng giõi sang cả cũng như về định mệnh cao quí của con người. [40]

Phật khi đắc đạo đã nhận định rằng: “Đạo quả chân thật giải thoát không phải do hành hạ xác thân, không thể nương vào kẻ khác và cũng không phải tìm kiếm đâu xa ngoài chính mình.” [41]

Vậy muốn tìm Chân Tâm, muốn tìm Phật Tính, phải tìm ngay trong người mình, trong lòng mình.

Phật bảo A Nan: Chân Tính đã ở nơi ngươi mà ngươi chẳng tin, lại theo nơi miệng ta mà tìm Chân Tính, vậy ngươi đã lầm chưa? [42]

Tây Du Ký cũng đã vạch rõ đâu là động phủ để tầm sư học Đạo: Muốn tìm Chân Đạo, muốn gặp Chân Sư, Tề Thiên Đại Thánh phải tìm về Phương Thốn Sơn, vào Tà Nguyệt Tam Tinh Động, mà Phương Thốn Sơn là Tấc Vuông, hay Tấc Lòng, còn Tà Nguyệt Tam Tinh Động, chính là chữ TÂM, viết bằng nửa vành trăng khuyết và ba sao rực rỡ. [43]

Trong Hồi 85 của Tây Du, tác giả còn nhắc lại: Tìm Phật phải tìm ở đáy lòng:

“Phật ở Linh Sơn, vốn chẳng xa,

Linh Sơn kỳ thực, tại lòng ta.

Người người đều có Linh Sơn tháp,

Tu tại Linh Sơn, mới khéo là.”[44]


Thiền Tông tha thiết chủ trương: “Trực Chỉ Nhân Tâm, kiến Tính thành Phật.” [45]

Các tổ sư thiền học giúp các đệ tử đả thông vấn đề này bằng câu thoại đầu:

“Bính Đinh đồng tử lai cầu hoả”, Thần lửa Bính Đinh đến xin lửa. [46]

Lục Tổ Huệ Năng thường đề cập tới bí quyết: “tìm Phật ở đáy lòng.” Ngài nói:

“Phật tự Tính trung tác,

Mạc hướng thân ngoại cầu.”

Phật do trong Tính khởi lên,

Chớ đừng vất vả, kiếm tìm ngoài thân. [47]

Trong Phẩm Sám Hối, Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ lại nói: “Qui y Phật, thì Phật ở nơi đâu? Nếu không thấy Phật, thì không biết nơi nao tìm về. Hoa Nghiêm Kinh viết:” Quy y với Phật của mình, chớ chẳng quy y với Phật khác”. [48]

Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, vị sáng lập Thiền Tông tại Trung Quốc, là người tha thiết nhất với vấn đề đi vào nội tâm để tìm Phật Tính, tìm Bồ Đề, Niết Bàn.[49]

Quyển Đạt Ma Huyết Mạch Luận [50] đã ký thác hoài bão Ngài. Ngài chủ trương:


Bất lập văn tự
 不 立 文 字

Trực chỉ nhân tâm
 直 指 人 心

Kiến Tính thành Phật
 見 性 成 佛。


Lĩnh hội vi ý sách Đạt Ma huyết mạch luận, [51] ta có thể thâu tóm tư tưởng của Ngài Bồ Đề Đạt bằng mấy vần thơ sau:

Chân tâm bao quát đất Trời,

Xưa nay, chư Phật chẳng ngoài Chân Tâm.

Chẳng cần lập tự, lập văn,

Xưa nay chư Phật, tâm tâm tương truyền.

Tâm ta gồm mọi nhân duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.[52]

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật Đà ở tại tâm ta chẳng rời.

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài tâm tìm kiểm, công toi, ích gì?

Ngoài tâm, tìm kiếm được chi?

Niết Bàn đâu có lối về ngoài tâm.

Tự Tâm chí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm, Niết Bàn.[53]

Ngoài tâm, tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Bỏ tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu,

Phật tâm, tâm Phật trước sau,

Ngoài tâm, tìm Phật, hỏi sao chẳng lầm.

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan, quán chiếu mà tầm siêu linh.

Bản Lai Diện Mục của mình,

Muốn tìm thì phải ly hình, nhập tâm. [54]

Khi đã biết rõ căn bản cao siêu của mình, khi đã nhận thức được Pháp Thân trường tồn trong mình; khi đã biết rõ bộ mặt thật của vọng tâm, biết rõ thân phận mây trôi, bèo nổi của vọng tâm, các bậc Chân Tu mới ra công “diệt ngã”. “Diệt Ngã” là “diệt Tiểu Ngã”, cho Chân Như Đại Ngã hiện ra. [55]

“Diệt Ngã” đây cốt là để:

---Hoà hợp với Bản Thể tuyệt đối. [56]

---Nhất trí với thực tại. [57]

---Đồng thể với Di Đà. [58]

---Khế hợp với Chân Như tuyệt đối. [59]

Diệt Ngã là cốt diệt trừ hết những vọng tưởng, vọng niệm, diệt trừ hết mọi dây rợ luyến ái bên ngoài, thoát ly hết mọi giây triền phược, trói buộc mình vào hoàn cảnh và vật chất. Đây là một thái độ tinh thần trừu tượng, chứ không phải là một sự trốn tránh, thoát ly vật chất cụ thể. Cho nên, ta có thể diệt ngã ngay giữa lòng đời, ngay trong chốn phồn hoa, đô hội. Đó tức là sự thanh tịnh, tự do, tự tại về tinh thần, đó tức là”đắc thiên hạ nhi bất dự yên” [60]

Diệt ngã là vén mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thủa hiện ra, bỏ Sắc Thân mà hiển “Pháp Thân” [61] bỏ phàm thể mà mặc Thánh Thể. [62]

Như trên đã nói: Chân Như là Bản Thể, là Như Lai siêu xuất trên hình thức, sắc tướng, siêu xuất trên mọi vọng tưởng, vọng niệm, cho nên muốn thấy Bản Thể phải lìa bỏ hình tướng, đi ngược lại dòng tư tưởng, niệm lự; đi sâu vào chỗ dục tình chưa phát xuất; chỗ tư tưởng chưa manh nha; hư không, trạm tịch mới chứng quả được. [63]

Mượn ý kinh Kim Cương và Đạt Ma Huyết Mạch Luận, ta phác hoạ phương pháp Tu thân Kiến Tính, Thành Phật như sau:

Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng,[64]

Hãy cố tìm vô thượng Bồ Đề,

Niết Bàn muốn rõ nẻo về,

Đừng nên chấp trước, đam mê luỵ trần.

Con đường giải thoát nội tâm,

Cố suy, cố nghĩ, cố tầm cho ra. [65]

Vọng Tâm cố vén mây mù, [66]

Băng qua hình tướng, vào toà Như Lai. [67]

Nơi Vô Trụ là nơi an lạc,[68]

Pháp Vô Vi là Pháp Thánh Hiền. [69]

Chớ đừng dính líu sự duyên,

Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai.[70]

Hãy nhớ kỹ hình hài, sắc tướng,

Đều là tuồng mộng tưởng, mau qua.

Đều là bào ảnh, quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp loà chân mây. [71]

Như Lai chẳng ở đây, ở đó,

Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu. [72]

Như Lai ở sẵn lòng sâu,

Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai.

Tóm lại, trước sau, chư vị Phật, chư vị Đạt Trí, Đại Giác đều công nhận rằng: Không thể nào tìm ra được Bản Thể Tuyệt Đối ngoài vũ trụ và ngoài tâm mình. Bản Thể ấy, Chân Tâm ấy đã lồng ngay trong lòng vũ trụ, và trong lòng con người. Sự giác ngộ cũng bắt đầu từ đó, và sự chứng quả cũng tận cùng ở đó.

Cho nên ta có thể mượn lời Đạt Ma tổ sư mà kết thúc như sau:

Tâm, tâm, tâm,

Tâm kia sao khó, khó sao tầm,

Khi rộng, rộng trùm muôn pháp giới,

Khi thu, thu nhỏ, khó lọt châm.

Ta chỉ tìm tâm, không tìm Phật,

Rũ không tam giới, mới hết lầm.

Phật kia, muốn chứng, muốn tầm,

Muốn tầm ra Phật, ngoài tâm chớ hòng.

Tâm ấy Phật, chớ không đâu nữa,

Phật tính nào, đời thủa ngoài tâm

Tâm sinh, sinh cả tốt lành,

Tâm sinh, tội cũng âm thầm sinh theo.[73]



*************         


PHỤ LỤC

MỘT SỐ THI, HỌA TRUYỀN TÂM ẤN.
I.---

Bồ Đề Bản Tính bản như như
 菩 提 本 性 本 如 如

Vạn Pháp thông hề thấu Thái Hư
 萬 法 通 兮 透 太 虛

Tự hữu linh minh khai Bát Nhã
 自 有 靈 明 開 般 若

Cơ giam lộ xứ hiện Chân Như
 機 緘 露 處 現 真 如


 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 1)


Bồ Đề Bản Tính vốn như như

Vạn pháp suốt qua thấu Thái Hư.

Sẵn có linh minh khai Bát Nhã,

Phanh phui then chốt, lộ Chân Như.


II.---

* Không Chiếu Thiền Sư vân:
空 照 禪 師 云﹕


Giá cá phân minh giá cá đồng
 這 箇 分 明 這 箇 同

Năng bao Thiên Địa vận hư không
 能 包 天 地 運 虛 空

Ngã kim trực chỉ chân tâm địa
 我 今 直 指 真 心 地

Không tịch linh tri thị bản tông.
 空 寂 靈 知 是 本 宗


(Tính Mệnh khuê chỉ, q. Hanh, tr. 9)


Chân Như tính ấy, thế nhân đồng,

Bao trùm trời đất, chuyển hư không.

Ta nay chỉ thẳng Chân Tâm địa,

Vắng lặng linh tri, ấy bản tông.


III.------

* Trí Giác Thiền Sư vân: 智 覺 禪 師 云﹕

Bồ tát tòng lai bất ly chân
 菩 薩 從 來 不 離 真

Tự gia muội liễu bất tương thân
 自 家昧 了 不 相 親

Nhược năng tĩnh tọa hồi quang chiếu
 若 能 靜 坐 回 光 照

Tiện kiến sinh tiền cựu chủ nhân
 便 見 生 前 舊 主 人


 Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 10.


Bồ tát từ xưa chẳng lìa chân,

Tại mình mê muội chẳng thân gần.

Nếu hay tĩnh tọa, hồi quang chiếu,

Liền thấy sinh tiền cựu chủ nhân.


IV.---

* Vô Cấu Tử kệ vân: 無 垢 子 偈 云﹕

Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không
 五 蘊 山 頭 一 段 空

Đồng môn xuất nhập bất tương phùng
 同 門 出 入 不 相 逢

Vô lượng kiếp lai. nhẫm ốc trú
 無 量 劫 來 賃 屋 住

Đáo đầu bất thức chủ nhân ông.
 到 頭 不 識 住 人 翁


(Tính Mệnh Khuê Chỉ q.2, tr. 11.)



Đầu non ngũ uẩn một vừng không,

Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng.

Từ bao nhiêu kiết thuê nhà ở,

Tới nay nào biết Chủ Nhân Ông.


V.------

*Chí Công hoà thượng vân: 志 公 和 尚 云﹕

Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng
 頓 悟 心 原 開 寶 藏

Ẩn hiển linh tung hiện chân tướng
 隱 顯 靈 蹤 現 真 相

Độc hành độc tọa thường nguy nguy
 獨 行 獨 坐 常 巍 巍

Bá ức hoá thân vô số lượng.
 百 億 化 身 無 數 量


(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 11)


Đốn ngộ nguồn tâm mở bảo tàng,

Bóng hình Chân Tướng hiện diểu mang,

Một mình đi đứng thường nghiêm chỉnh,

Vạn ức hoá thân chẳng thể lường.


VI.---

* Khải Đường thiền sư vân: 凱 堂 禪 師 云 ﹕


Ưng vô sở trụ sinh kỳ tâm
 應 無 所 住 生 其 心

Khuếch triệt viên minh, xứ xứ chân.
 廓 徹 圓 明 處 處 真

Trực hạ đỉnh môn, khai chính nhãn
 直 下 頂 門 開 正 眼

Đại Thiên sa giới, hiện toàn thân.
 大 天 沙 界 現 全 身。


(Tính Mệnh Khuê chỉ, q. II, tr. 11.)


Nên từ Vô Trụ khởi sinh tâm,

Sáng láng bao la xứ xứ chân.

Ngay dưới đỉnh đầu, khai chính nhãn,

Trăm nghìn thế giới hiện trong thân.


VII.---

*Duy Khoan Thiền Sư vân: 惟 寬 禪 師 云﹕

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu
 勸 君 學 道 莫 貪 求

Vạn sự vô tâm, đạo hợp đầu.
 萬 事 無 心 道 合 頭

Vô Tâm, thuỷ thể vô tâm Đạo
 無 心 始 體 無 心 道

Thể Đạo Vô Tâm, Đạo dã hưu
 體 道 無 心 道 也 休


(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 11)


Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Đem tâm vô sự hợp Đạo mầu.

Vô Tâm hợp với Vô Tâm Đạo,

Hợp Đạo Vô Tâm, Đạo mới sâu.


VIII.---

* Phật quốc Thiền Sư vân: 佛 國 禪 師 云﹕


Tâm, Tâm tức Phật, Phật tâm, tâm
 心 心 即 佛 佛 心 心

Phật, Phật, Tâm, Tâm tức Phật tâm
 佛 佛 心 心 即 佛 心

Tâm Phật, ngộ lai vô nhất vật
 心 佛 悟 來 無 一 物

Tướng quân chỉ khát vọng mai lâm.
 將 君 止 渴 望 梅 林


(Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 10)


Tâm Tâm là Phật, Phật là Tâm,

Phật, Phật, Tâm, Tâm, tức Phật Tâm.

Tâm Phật hiểu rồi, còn chi nữa,

Tướng quân đỡ khát, ngó mai lâm.


IX.---

*Viên Ngộ Thiền Sư vân: 圓 悟 禪 師 云﹕

Phật Phật Đạo đồng, đồng chí Đạo
 佛 佛 道 同 同 至 道

Chân Tâm chân khế, khế Chân Tâm.
 真 心 真 契 契 真 心

Khuếch nhiên thấu xuất uy âm ngoại
 廓 然 透 出 威 音 外

Địa cửu, thiên trường, hải cánh thâm
 地 久 天 長 海 更 深


 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 12)


Phật Đạo vô vi, chí Đạo đồng,

Tâm Tâm khế hợp với Chân Không.

Mang nhiên siêu xuất uy âm ngoại,

Trời đất lâu lai, biển thẳm lòng.


X.---

* Trung Phong Thiền Sư vân: 中 峰 禪 師 云﹕

Tùng lai, chí Đạo dữ tâm thân
 從 來 至 道 與 心 親

Học đáo vô tâm, đạo tức chân
 學 到 無心 道 即 真

Tâm Đạo hữu vô câu mẫn tuyệt
 心 道 有 無 俱 泯 絕

Đại thiên thế giới nhất nhàn thân
 大 天 世 界 一 閒 身


 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 14.)


Xưa nay Chí Đạo với tâm gần,

Học tới Vô Tâm, đạo mới Chân.

Tâm Đạo hữu vô đều rũ sạch,

Muôn ngàn thế giới, một nhàn thân.


XI.---

* Cao tăng Diệu Hư vân: 高 僧 姚 虛 云﹕


Hoàng hoàng nhất cá Chủ Nhân Ông
 惶 惶 一 箇 主 人 翁

Tịch nhiên bất động tại Linh Cung.
 寂 然 不 動 在 靈 宮

Đãn đắc thử trung vô quải ngại
 但 得 此 中 無 掛 礙

Thiên nhiên bản thể tự hư không
 天 然 本 體 自 虛 空


Phảng phất mơ màng ấy chủ nhân,

Im lìm, lặng lẽ tại linh cung,

Miễn sao thông tỏ trung tâm ấy,

Thiên nhiên Bản Thể hợp hư không.

------------------------------------------

HỌA BẢN I




Tứ Đại chuyển vần, vạn vật xoay,

Hình hài, tâm tưởng phút giây thay.

Cố tìm trường tịch trong hư ảo,

Cố tìm bất biến, giữa chuyển lay.



HỌA BẢN II.




(Hình Pháp Luân)

Giữa muôn hình tướng có Chân Như

Hình tướng hư hoài, Thể chẳng hư.

Tìm thấy Chân Như trong ảo ảnh,

Ấy là Giác Ngộ, thoát phù du.



HỌA BẢN III.




(Hoa Sen [74])

Cánh hoa tuy đẹp, tuy xinh,

Nhưng mà nhân quả, trường sinh ở đài.

Trường sinh chẳng ở hình hài,

Chẳng trong tâm vọng, chẳng ngoài tâm chân.



HỌA BẢN IV.



Liên Tâm ở sẵn trong đầu,

Niết Bàn chớ có tìm đâu ngoài lòng.[75]


HỌA BẢN V.




Sư đệ tứ mục
 師 弟 四 目

Tuệ nhãn tương giao
 慧 眼 相 交

Ấn chứng Như Lai
 印 証 如 來

Truyền y tự tổ
 傳 衣 飼 祖


Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói năng,

Truyền nhau tuệ nhãn, gửi nhau lòng.

Như Lai siêu xuất trên từ ngữ,

Tâm Ấn tương truyền, “không bất không”.[76]

****************

CÁC SÁCH THAM KHẢO

1.---Pháp Văn.

Présence du Bouddhisme.
 France---Asie.

Le Bouddhisme contemporain.
 A. Russel

Le Bouddhisme Zen.
 A. W. Watts

L’Enseignement du Bouddha.
 Walpola Rahula

Les Grandes Religions.
 E. Aegerter

Aspects du Bouddhisme
 Henri de Lubec

Origine et Histoire des Religions.
 J. Murphy.

Entretiens du Maitre Dhyana,

Chen Houei du Ho Tao.
 J. Gernet

La conception bouddhique.

du devenir
 N. V. Trung.

Des Opinions Philosophiques

en Chine.
 Léon Wieger.

La Connaissance Transcendentale.
 David Néel (A)

La Pensée Du Bouddha.
 Séménoff (M.)

Bouddhisme Chinois.
 Léon Wieger.

Les grands penseurs de L’Inde.
 Albert Schweitzer

Le mental Cosmique.
 Yun (Hsi)


 2.--- Anh Văn

Buddhism in translation.
 Henri Clarke Warren

The teaching of the Compassionate Bouddha.
 E. A. Burtt

Buddhism.
 Christmas Humphreys

Manuel of Zen Buddhism.
 D. T. Suzuki.

How the great religious began.
 Joseph Gaer

Buddhism today (Monthly Magazine).
 Buddhism today Association

Trung Anh Phật học từ điển (A dictionary of Chinese Buddhist terms).


Foundation of the Tibetan.


Mysticism.
 Anagarika Govinda


3.--- Hán Văn.

Tính Mệnh Khuê Chỉ.


Phật Học Chỉ Nam.
 Phi Mại Phẩm

Qui Nguyên Trực Chỉ.
 Hà Nam---Tế Xuyên, Bảo Kham Tự Tàng Bản.

Vô lượng nghĩa kinh.
 Tiêu Tề

Kinh Xuyên.
 Ẩn Sĩ Lưu Cầu.

Diệu pháp liên hoa kinh.
 Đường Chung Nam Sơn

Thích Đạo Tuyên thuật.


Ngự Chế Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh.


Hoa Nghiêm Kinh


Lăng già kinh


Cầu Na Bạt Đà La dịch


Duy Ma Cật sở thuyết kinh.


Kim Cương kinh giảng luận.
 Giáng Vị Nông Cư Sĩ di trước

Bồ đề Đạt Ma huyết mạch luận.
 Tài liệu viết tay của cụ Nguyễn Minh Thiện Tam Tông Miếu.


4.--- Việt Hán

Qui Nguyên trực chỉ.
 Đỗ Thiếu Lăng dịch.

Nhất cá khoa học giả.
 Uông trí Biểu nghiên cứu.

Phật kinh đích báo cáo.
 Đồ Nam dịch.

Kim Cương Kinh.
 Thiều Chửu biên dịch


5.--- Việt Văn

Đại cương Triết học Phật Giáo.
 Thích Đạo Quang dịch

Triết học Zen.
 ĐĐ Thích Thiên Ân.

Qui Nguyên trực chỉ.
 Đoàn trung Còn dịch

Diệu Pháp liên hoa kinh.
 Thích Trí Tịnh dịch.

Phật Học Tinh Hoa.
 Nguyễn Duy Cần

Lịch sử Triết học Đông Phương.
 Nguyễn Đăng Thục.

Thủ Lăng Nghiêm kinh.
 ĐĐ Thích Chân Giác.

Pháp Hoa huyền nghĩa.
 Chánh Trí Mai thọ Truyền

Kinh Dược Sư.
 Thiều Chửu dịch.

Kinh Viên Giác.
 Tuệ Quang

Phật Giáo.
 Trần Trọng Kim.

Phật Giáo triết học.
 Phan Văn Hùm.

Toạ thiền tam muội.
 Thích Thanh Từ.

Làn sóng tôn giáo trên đất Việt.
 Tâm Ngọc.

Phật giáo xưa và nay.
 Trần Trọng Kim.

Văn học đời Lý.
 Ngô tất Tố.

Văn học đời Trần.
 Ngô Tất Tố.

Quan thế Âm bồ tát tín luận.
 Hải Tín Cư Sĩ.

Triết Lý Đạo Phật.
 Thích Thiện Hoa.

(Đại Cương Thủ Lăng Nghiêm).


Đường vào ánh sáng Đạo Phật.
 Tịnh Mặc.

Tạp chí Vạn Hạnh.


Minh Lý Đạo.
 Nguyễn Minh Thiện (T. T. M.)


*************         


CHÚ THÍCH


[1] La formule “se tirer de l’impermanence, obtenir la permanence” avait été le point d’orgue final de tous les discours du Bouddha Sakyamuni.

Léon Wieger, Histoire des Croyances religieuses... p. 438.

[2] Tam chuyển Pháp Luân: 1 Căn Bản Pháp Luân: thuyết Hoa Nghiêm. 2 Chi mạt pháp luân: Thuyết A Hàm chí Phương Đẳng; 3 Nhiếp mạt qui bản: Thuyết Pháp Hoa.

Phật Học Chỉ Nam, tr. 11.

[3] Phân biệt Nhất Tâm Chân Như, Nhất Tâm Sinh Diệt là chủ đích của kinh Lăng Già.

[4] 大 我 (đại Ngã) the greater self, or the true personality 真 我 (chân ngã). Hinayana (tiểu thừa) is accused of only knowing and denying the common idea of a self, or soul, whereas there is a greater self, which is a nirvana self. It specially refers to the Great Ego, the Buddha, but also to any Buddha...

Trung Anh Phật Học từ điển, tr. 89.

[5] 阿 賴 耶 識 A Lại Da Thức Alaya Vijnana “The receptacle intellect or consciousness; “the originating of receptacle intelligence”; basic consciousness (keith)... It is called 第 一 識 Đệ Nhất Thức the prime or supreme mind or consciousness...無 垢 識 Vô Cấu Thức unsullied consciousness when considered in the absolute i. e. the Tathagata and đệ bát thức 第 八 識 as the last vijnana. There has been much discussion as to the meaning and implication of the Alaya---Vijnana. It may be also termed the unconscious, or unconscious absolute, out of whose ignorance or unconsciousness arises all consciousness.

Trung Anh Phật Học Từ Đỉển, tr. 292.

[6] 弟 兄 八 箇 一 人 痴

 只 有 一 箇 最 伶 俐

 五箇 門 前 做 買 賣

 一 箇 家 中 作 主 依。

Tính Mệnh Khuê Chỉ, I, tr. 41.

[7] Xem Bát thức qui nguyên đồ, tính Mệnh Khuê Chỉ, q. I, tr, 41.

[8] Phật tính thị thường, thiện ác chư pháp nãi chí Bồ Đề Tâm, giai thị vô thường. (Niết Bàn kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trung Còn phiên dịch), Đốn tiệm phẩm, tr. 118.

[9] Lorsque l’Entité Spirituelle s’affranchit pour toujours de toute particule de matière, de substance ou de forme et redevient un souffle spirituelle. C’est alors seulement qu’elle entre dans le Nirvana éternel qui ne change jamais et qui dure, aussi longtemps que le cycle de vie a duré: une éternité vraiment. Et ce souffle qui existe en Esprit, n’est rien, parce qu’il est tout; comme forme ou comme apparence quelconque, il est complètement anéanti; mais comme Esprit Absolu, il Est, car il est devenu l’Être même. Lorsqu’il s’agit de l’”âme”, prise dans le sens d’Esprit, l’expression:  “absorbée dans l’Essence Universelle”, signifie “union avec”...il ne peut jamais être question d’annihilation, car cela voudrait dire séparation éternelle.

H. P. Blavatsky. La Clé de la Théosophie, p. 162.

[10] Soit dit en passant que pour avoir ignoré l’importance de la connexion de ces deux ordres (le phénoménal et le transcendant, le samsara et le Nirvana) qu’on a si mal compris le Bouddhisme. Car il faut noter que si le Bouddha a jeté l’anathème sur l’existence terrestre dans son ensemble (tout est douleur, tout est impermanent, tout est sans---soi Sarvam Duhkha, sarvam anita, sarvam anatman), il s’est tout entier tendu vers ce qu’il appelait l’Autre Rive, le Nirvana.

Nguyễn Văn Trung, La Conception Bouddhique du devenir, p. 66.

[11] Toutes les choses conditionnées sont impermanentes...toutes les choses conditionnées sont dukka 苦 (khổ)... tous les dhammas sont sans soi...

Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha, p. 84.

[12] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 177---178.

[13] Chấp trước vũ trụ chi hiện tướng nhi bất kiến Bản Thể giả vị chi Mê. Kiến Bản Thể nhi bất kiến hiện tướng giả, diệc bất đắc vị chi Ngộ.

Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa.

[14] Hải tín cư sĩ, Quán thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 36.

[15] Walpola Rahula, l’Enseignement du Bouddha, Chapitre 6: La doctrine du Non---Soi.

[16] Nguyễn Văn Trung, La Conception bouddhique du devenir, article 3, L’Anatman, ou l’explication bouddhique du devenir.

... Thuyết Vô Ngã đã được bàn cãi sâu rộng trong “Na tiên tì kheo kinh” (khoảng thế kỷ V sau công nguyên). đó là đề tài đối thoại giữa vua Di Lan (Milanda) và tì khưu Na Tiên (Nagasena).

Cf. Léon Wieger, L’Histoire des Croyances et des opinions philosophiques en Chine, pp. 445,446.

[17] “Cái ta” có nhiều nghĩa là “giả ta”, “cái ta” không có tới 2 nghĩa là “Thật ta”...Nhờ đứng trên cái thuyết vô ngã này, mà người tu giải thoát được những tướng khổ của “Giả ta”. Bởi cớ sao? Nhận được cái “ta chân thật bất diệt” là không còn bám víu chạy theo những cái “Ta giả và sinh diệt” nữa.

Cư sĩ Hải Tín, Quán Thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 42.

[18] 失 汝 元 常, 故 受 輪 轉。

Thủ Lăng Nghiêm kinh. Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 65.

[19] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 119---120.

[20] Thủ Lăng Nghiêm kinh quyển I. (Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 22---23); Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn phật học nghiên cứu hội, tr. 55---56.

[21] Phật cáo A Nan: ”Thử thị tiền trần hư vọng tướng, tưởng hoặc nhữ Chân tính; do nhữ vô thuỷ chí ư kim sinh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển.”

Thủ Lăng Nghiêm kinh, q. I, V.N. P. T. H xuất bản, tr. 25.

Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Linh Sơn Phật Học tr. 55---56.

[22] Phật ngôn: “Đại Vương, nhữ diện tuy trứu, nhi thử kiến tính vị tằng trứu; trứu giả vi biến, bất trứu phi biến, biến giả thụ diệt, bỉ bất biến giả nguyên vô sinh diệt.

Thủ Lăng Nghiêm kinh q. II, tr. 5. hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[23] Trụ danh chủ nhân. 住 名 主 人Thủ Lăng Nghiêm kinh, V. N. P. T. H. tr. 33, hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[24] Trần chất giao động , hư không tịch nhiên. Như thị tư duy: trường tịch danh Không, giao động danh trần.

Thủ Lăng Nghiêm, V.N. P. H 34. và Linh Sơn tr. 75---76.

[25] Nguyện văn Như Lai hiển xuất thân tâm, chân vọng, hư thực, hiện tiền sinh diệt dữ bất sinh diệt nhị phát minh tính.

Thủ Lăng Nghiêm kinh q. 2, V.N. P. H. tr. 1. ---Linh Sôn, tr. 80

[26] Dĩ động vi thân, dĩ động vi cảnh...tính tâm thất chân, nhận vật vi kỷ, luân hồi thị trung, tự thủ luân chuyển.

Thủ Lăng Nghiêm, q. I, V.N. P. H 36; & Linh Sôn, 80.

[27] Thất ngã Bổn Tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo, thí như cùng tử, xả phụ đào thệ, kim nhật nãi từ. Tuy hữu đa văn, nhược bất tu hành, dữ bất văn đẳng, như nhân thuyết thực, chung bất năng bão.

Thủ Lăng Nghiêm , V.N.P. H. tr. 28---29; Linh Sôn, tr. 66---67.

[28] Tổ chi ngộ Bản tính vị Huệ Năng viết: “Bất thức Bản Tâm, học pháp vô ích, Nhược thức tự Bản Tâm, kiến tự Bản Tánh, tức danh Trượng Phu, Thiên , Nhân sư, Phật.”

[29] Thích Đạo Quang, Đại cương Triết học Phật Giáo, tr. 55.

[30] Như trên, tr. 93---94.

[31] Như trên, tr. 94.

[32] Như trên, tr. 56 ---tr. 94.

[33] Như trên, tr. 93.

[34] Như trên, tr. 93.

[35] Như trên, tr. 93.

[36] 現 相 之 我 與 本 體 之 佛, 猶 如 水 與 波。 此 本 體 謂 之 真 如, 亦 謂 之 佛¡

Hiện tượng chi Ngã dữ Bản Thể chi Phật do như thuỷ dữ ba. Thử Bản Thể vị chi Chân Như, diệc vị chi Phật.

Ngã hiện tượng với Phật Bản Thế là như sóng và nước. Phật Bản Thể ấy gọi là Chân Như, là Phật.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 546.

[37] Pháp Bảo Đàn Kinh (Đoàn trung Còn dịch), Sám Hối Phẩm, tr. 61.

[38]

Tam điểm như tinh tượng
 三 點 如 星 象

Hoành câu tự nguyệt tà
 橫 鉤 似 月 斜

Phi mao tòng thử đắc
 披 毛 從 此 得

Tác Phật cánh vô tha.
 作 佛 更 無 他。


Long lanh ba chấm tựa sao,

Mình cong vầng nguyệt, tiêu hao xế tà.

Muông chim nguồn ấy phát ra,

Duyên do Thần Phật cũng là đấy thôi.

[39] Diệu Pháp liên hoa quyển thứ 4. Phẩm ngũ bá đệ tử thụ ký, kệ của A Nhã Kiều Trần Như. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Liên Hải Phật Học Trường, tr. 243.

[40] Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Tín Giải. Kệ của Ma Ha Ca Diếp. Người cùng tử của Ông Trưởng giả). Diệu Pháp Liên Hoa, Liên Hải

Phật Học đường, từ tr. 145 đến 153

[41] ĐĐ Thiên Ân, Triết Học Zen I, tr. 162.

[42] 云 何 自 疑 汝 之 真 性, 性 汝 不 真, 取 我 求 實。

Vân hà tự nghi nhữ chi Chân Tính, Tính nhữ bất chân, thủ Ngã cầu thực.

Thủ Lăng Nghiêm kinh (V.N. P. T. hội xuất bản), q. II, tr. 16---17.---Thủ Lăng Nghiêm, ---Linh Sơn, Phật Học, tr. 113---114.

...O Ananda, soyez des lampes pour vous---même, soyez un refuge pour vous---même; ne cherchez pas d’autre refuge. Prenez la vérité comme lampe, prenez la vérité comme refuge. Ne cherchez pas d’autre refuge qu’en vous---même. (Mahaparinibhana sutta---Niết Bàn kinh ---Présence du Bouddhisme, p. 539.)

[43] 十 箇 大 字 乃 是 ﹕靈 檯 方 寸 山, 斜 月 三 星 洞。

Giá cá Thập Đại Tự nãi thị: Linh Đài Phương Thốn Sơn, Tà Nguyêt Tam Tinh Động. (Tây Du, hồi 1)

[44]

Phật tại Linh Sơn, mạc viễn cầu
 佛 在 靈 山 莫 遠 求

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
 靈 山 之 在 汝 心 頭

Nhân Nhân hữu cá Linh Sơn tháp
 人 人 有 箇 靈 山 塔

Hảo hướng Linh Sơn tháp lý tu.
 好 向 靈 山 塔 裏 修.


Tây Du ký, hồi 85.

[45] Không nên hướng ngoại mà tìm cầu, trái lại, cần phải hướng về nội Tâm để tìm Phật Tính. (Truyền Tâm Pháp của Hoàng Bích Thiền Sư. ĐĐ. Thích Thiên Ân, Triết học Zen II, tr. 25)

...Tự Tâm của ngươi là Phật, Phật là tự tâm của ngươi. Tâm và Phật không sai biệt, vì thế cổ nhân nói: Tự Tâm tức Phật. (Truyền Tâm Pháp Yếu. Cf. ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 54.)

...Trong Tâm Tính của mọi loài chúng sinh vốn đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Nhưng nếu không thật tu, thì không bao giờ hiển hiện, không thật chứng, không thể nào hoạch đắc.

Chánh Pháp Nhãn Tàng, Biện Đạo thoại. ĐĐ. Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 87.

...Giáo Lý đã nói: Chân ở trong Vọng. Vậy tìm Chân Tâm ở ngoài thân và tư tưởng của mình, là không thể được.

(Hải Tín Cư Sĩ, Quan thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.)

[46] 丙 丁童 子 來 求 火。

ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết Học Zen, II, tr. 55 và tiếp theo.

[47] 佛 自 性 中 作, 莫 向 身 外 求。

Quyết Nghi Phẩm, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trung Còn dịch.

本 性 是 佛, 離 性 無 別 佛。

Pháp Bảo Đàn Kinh, Bát Nhã Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 28.

[48] Nhược nhiên qui y Phật, Phật tại hà xứ? Nhược bất kiến Phật, bằng hà sở qui... Kinh văn phân minh ngôn tự qui y Phật, bất ngôn qui y tha Phật.

若 然 歸 依 佛, 佛 在 何 處。 若 不 見 佛, 憑 何 所 歸。 經 文 分 明 言﹕ 自 歸 依 佛, 不 言 歸 依 他 佛。

Pháp Bảo Đàn Kinh, Sám Hối Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 64---65.

[49] Le Nibbana “doit être réalisé par les Sages au---dedans d’eux---mêmes. (paccattam veditabbo vinnuhi).---Présence du Bouddhisme, p. 268.

[50] Xin xem Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine, p. 524 et ss.

[51] Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu (phần phiên Âm), và Léon Wieger , Histoire des Croyances Religieuses... p. 524 et ss.

[52] 三 界 本 起 同 歸 ㄧ 心。 先 佛 後 佛 以 心 傳 心 不 立 文 字。。。 從 無 始 曠 中j 劫 來, 乃 至 施 為 運 動 ㄧ 切 時 中, ㄧ 切 處 所 皆 是 汝 本 心, 皆 是 汝 本 佛。

Tam giới bổn khởi đồng qui nhất tâm. Tiên Phật, hậu Phật dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự...Tòng vô thuỷ khoáng đại kiếp lai, nãi chí thi vi, vận dộng, nhất thiết thời trung, nhất thiết xứ sở, giai thị nhữ bổn tâm, giai thị nhữ bổn Phật.

Đạt Ma huyết mạch luận. (Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu)

...Le monde tout entier est pensé dans le coeur. Tous les Bouddhas, passés et futurs ont été et seront formés dans le coeur. La connaissance se transmet de coeur à coeur, par la parole. A quoi bon, tous les écrits? Le coeur de chaque homme communie à ce qui fut tous les temps, à ce qui est tous les lieux..

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses ...p. 524.

[53] 即 心 是 佛,亦 復 如 是。 除 此 心 外, 覓 菩 提,涅 槃 無 有 是 處。 自 性 真 凳瞗A非 因 非 果 法, 即 是 心 義。

Tức tâm thị Phật, diệc phục như thị. Trừ thử tâm ngoại, mích Bồ Đề, Niết Bàn vô hữu thị xứ. Tự Tính chân thật, phi nhân, phi quả pháp, tức thị tâm nghĩa.

Đạt Ma huyết mạch luận.

...Le coeur est le bouddha. Il n’y a pas de Bouddha en dehors du coeur. Considérer l’illumination et le nirvana comme des choses extérieures au coeur, c’est une erreur. Il n’y a pas d’illumination en dehors du coeur vivant. Il n’y a pas de lieux où se trouvent des êtres nirvanés. Hors la réalité du coeur, tout est imaginaire...Il n’y a pas de causes, il n’y a pas d’effets. Il n’y a d’activité que la pensée du coeur, et son repos, c’est le Nirvana. Chercher quelque chose en dehors de son coeur, serait vouloir saisir le vide. Le Bouddha , chacun le crée dans son coeur par sa pensée. Le coeur est Bouddha, Bouddha c’est le coeur.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses ...p. 524.

[54] 若 言 心 外 有 佛, 求 菩 提 可 得 無 有 是 處。 佛 及 菩 提 皆 在 何 處?

譬 如 有 人 以 手 提 虛 空, 得 否? 除 此 , 心 外 見 佛, 終 不 得 也。。。

心 即 是 丞佛,佛 即 是 心。 心 外 既 無 佛, 何 起 佛 見? 際 相 誑 惑。。。

若 欲 見 佛 見 性 即 是 佛。

Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ. Phật cập Bồ Đề giai tại hà xứ? Thí như hữu nhân, dĩ thủ đề hư không, đắc phủ. .. Trừ thử , tâm ngoại kiến Phật, chung bất đắc dã...Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm, tâm ngoại ký vô Phật, hà khởi Phật kiến? Tế tương cuống hoặc... Nhược dục kiến Phật, kiến tính tức thị Phật.

Đạt Ma huyết mạch luận.

...Imaginer un Bouddha en dehors du coeur, se figurer qu’on le voit en un lieu extérieur, c’est du délire. Donc il faut tourner son regard , non vers le dehors, mais vers le dedans, il faut le concentrer en soi---même, et contempler en soi sa bouddhaité.

Léon Wieger, Histoire Des Croyances Religieuses, p. 524.

[55] Ở nơi mỗi người, nếu cái Vọng Tâm sinh, thì cái Chân Tâm phải ẩn, nhưng nó lại ẩn trong cái Vọng Tâm. Còn khi cái Chân Tâm hiện ra, thì cái Vọng Tâm phải mất, nhưng nó lại mất trong Chân Tâm.

Hải Tín Cư Sĩ, Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.

...Trong cái bản ngã nhỏ hẹp, chúng ta phát huy cái Đại Ngã rộng lớn.

Thích Đại Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 55.

[56] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 56.

[57] Như trên, tr. 54.

[58] Di Đà đồng thể. Như trên, tr. 54.

[59] Như trên, tr. 94.

[60] Luận Ngữ, Thái Bá đệ Bát, tiết 18.

[61] Pháp Thân = Corps mystique.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 525.

... Sư viết: Ký nhược bất biệt, tức thử thân thị nhữ bổn Pháp Thân; tức thử nhữ bổn Pháp Thân thị nhữ bổn tâm.

Thử tâm tòng vô thỉ khoáng đại kiếp lai, dữ như kim bất biệt; vị thường hữu sinh tử; bất sinh, bất diệt; bất cấu, bất tịnh; bất hảo, bất ác; bất lai, bất khứ; diệc vô thị phi; diệc vô nam, nữ tướng; diệc vô tăng tục, lão thiếu; vô thánh, vô phàm; diệc vô Phật; diệc vô chúng sinh; diệc vô tu chứng; diệc vô nhân quả; diệc vô cân lực, diệc vô tướng mạo; do như hư không; thủ bất đắc; xả bất đắc; sơn hà thạch bích, bất năng vi ngại; xuất một, vãng lai, tự tại, thần thông...

Đạt Ma huyết mạch luận.

[62] Thánh Thể = Le Saint Corps.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 526.

...Nhược trí huệ minh liễu, thử tâm hiệu danh Pháp Tính, diệc danh Giải Thoát Sinh Tử, Bất Câu Nhất Thiết Pháp, Câu Đà Bất Đắc; thị danh Đại Tự Tại Vương Như Lai, diệc danh Bất Tư Nghị; diệc danh Thánh Thể; diệc danh Trường Sinh Bất Tử; diệc danh Đại Tiên. Danh tuy bất đồng, Thể tức thị nhất.

Thánh nhân chủng chủng phân biệt, giai bất ly Tự Tâm.

Đạt Ma huyết mạch luận.

[63] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. .. (Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chảng phải tướng, tức là thấy Như Lai.)

Kim Cương Kinh, Đoạn V.

...Ly nhất thiết tướng, tức danh chư Phật. (Thoát ly mọi hình thức, sắc tướng tức gọi chư Phật.)

---Kim Cương Kinh, đoạn XIV.

...Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến.

Kim Cương kinh, XX.

[64] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.

[65] Tự tâm thị Niết Bàn. Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ.

Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[66] Minh tâm kiến Tánh, nhược bất kiến Tánh, đắc thành Phật Đạo, vô hữu thị xứ.

Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[67] Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật.

Kim Cương Kinh, đoạn V.

68 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

Kim Cương Kinh, X.

[69] Nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt.

Kim Cương Kinh, VII.

[70] Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai.

Kim Cương Kinh, XXVI.

[71] Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán. (Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt bóng, như sương và như chớp, nên quan sát như thế.)

Kim Cương Kinh, XXXII.

[72] Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. (Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. = Pháp Thân là Bản Lai Thường Trụ, không chỗ xuất hiện, không chỗ nhập diệt)

Kim Cương Kinh, XXIX.

[73] 心, 心, 心 難 可 尋,

寬 時 遍 法 界, 隙 也不 容 針

我 本求 心, 不 求 佛

了 知 三 界 空 無 物。

若 欲 求 佛, 但 求 心, 只 這 心

這 心 是 佛。

我 本 求 心, 心 自 知,

求 心 不 得, 待 心 知。

佛 性 不 從 心 外 得,

心 生 便 是 罪 生 時。

Tâm, tâm, tâm,

Tâm nan khả tầm,

Khoan thời biến pháp giới,

Khích dã bất dung châm.

Ngã bổn cầu tâm, bất cầu Phật,

Liễu tri tam giới, không vô vật.

Nhược dục cầu Phật, đãn cầu tâm,

Chỉ giá tâm; giá tâm thị Phật.

Ngã bổn cầu Tâm, tâm tự tri,

Cầu Tâm bất đắc, đãi Tâm tri,

Phật tính bất tòng tâm ngoại đắc,

Tâm sinh tiện thị tội sinh thì.

Đạt Ma huyết mạch luận. Đoạn kết.

[74] Hình hoa sen phóng tác nhân bài thơ

Linh Sơn niêm hoa
 靈 山 黏 花

Tung Sơn đắc tủy
 嵩 山 得 髓

Hoàng Mai truyền y,
 黃 梅 傳 衣

Đông Sơn diên thọ
 東 山 延 壽。


 Chánh Pháp Nhãn Tàng ---Diên Thọ.

Dịch: “Niêm hoa ở núi Linh Sơn, Ngộ Đạo ở núi Tung Sơn, truyền y bát ở đất Hoàng Mai, trực tiếp diên thọ ở núi Đông Sơn.”

Thiên Ân, Đoàn văn Ân, Triết Học Zen, I, tr. 67.

Trong kinh Đại Phạm Thiên, vấn Phật quyết nghi, có chép: “khi mà Phật ở trên Pháp Hội Linh Sơn (Grdhrakuta), có vị Đại Phạm Thiên (Mahabrahman: cõi trời thứ ba trong sơ thiền) có dâng hoa sen sắc vàng, cầu thỉnh Phật thuyết Pháp. Nhưng Phật chỉ nắm hoa không nói một câu nào. Đại chúng trong Pháp Hội đó không ai hiểu ý Phật, nên tất cả đều im lặng, và chỉ có Ông Ma Ha Ca Diếp mỉn cười. Phật dạy: Ta có Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm phó thác cho Ông Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa).” “Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm” là Diệu Tâm (Chân Trí), nhận rõ Diệu Lý (Chân Lý) của vũ trụ.

Thích Đạo Quang, Triết học Phật Giáo, tr. 129.

[75] Hình trích trong quyển Foundation of the Tibetan Mysticism của Anagarita Govinda ---Charles Andrieu đã dịch ra Pháp Vân, dưới nhan đề Les Fondements de la Mystique Tibétaine.

Hình vẽ ngụ ý: Ngọc châu viên giác hay Tuyệt Đối Thể ở sẵn ngay trong Liên Hoa, tức là trong Trung Tâm Não Bộ con người.

[76] Chữ Nho 2 bên:

Bên trái, dòng 1: Tam thế Phật tổ truyền Tâm Ấn, tứ mục tương cố thái phân minh.

Dòng 2: Viên Đồng Thái Hư.

Bên Phải, dòng 3: Bồ Đề Tâm Ấn.

Bên Phải, dòng 4: Thái Hư nhất bản, vạn trường linh, tâm ấn nhân nhân nguyên tự thành.

Tài liệu và hình vẽ rút trong quyển: Trần Triều Dật Tôn Phật Điển lục. Thượng sĩ Ngữ lục (Trúc Lâm Thượng sĩ ngữ lục) tr. 6. Việt Nam Phật Điển tùng khan. Thư Viện Khảo cổ, số VD 2/6b.

Đó cũng là Tâm Ấn của Thiền Tông trong Thập Ngưu Đồ, nhan đề là Song Dẫn, (Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần tr. 303). Đó tức là đã tiến tới “Tất cảnh Không”, hoà đồng, hợp nhất với Chân Nguyên (Chân Tâm) không còn chút chi phân biệt.

--------------------------------
********************************         


CHƯƠNG XIX

ĐẠO KHỔNG

CHÂN DUNG KHỔNG PHU TỬ.


Nói tới đạo Khổng ai cũng hay. Nói tới đức Khổng ai cũng biết. Nhưng biết đạo Khổng cho rành, hiểu đạo Khổng cho đúng, hồ dễ mấy ai? Vậy trước khi tìm hiểu về Đạo Khổng, chúng ta hãy tìm hiểu về Đức Khổng.

Tìm hiểu về chân dung, chân tướng Đức Khổng đem lại cho ta nhiều lợi ích.

1. Trước hết chúng ta hiểu rõ về Đức Khổng.

2. Thứ hai, chúng ta sẽ nắm được đại cương học thuyết của Ngài một cách tự nhiên, linh động.

3. Thứ ba, chúng ta sẽ biết được một mẫu người lý tưởng. Qua mẫu người này, chúng ta sẽ nhận ra bóng hình một con người lý tưởng muôn thủa. Chúng ta sẽ đi sâu vào căn cốt con người, và nhờ vậy, chúng ta cũng sẽ tìm ra được chân dung, chân tướng của chúng ta, chúng ta sẽ tìm ra được định mạng sang cả của chúng ta.

Hiểu được Đức Khổng không phải là chuyện dễ.

Chính Ngài cũng đã vói:” Ôi! đời chẳng biết ta.”

Tử Cống hỏi: “Tại sao, thầy than rằng: Chẳng ai biết Thầy.”

Đức Khổng đáp: “Ta không oán Trời, ta không trách Người. Còn về đạo lý, thì ta khởi học từ mức thấp, để đạt lên mức cao. Biết ta chăng, chỉ có Trời.” (Luận Ngữ, XIV, 37).

Sách Vựng Uyển có chép:” Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống: “Đức Khổng có phải hiền nhân chăng”

Tử Cống đáp:” Ngài là một vị Thánh Nhân.”

Tề Cảnh Công hỏi: “Sự thánh thiện Ngài ra sao?”

Tử Cống đáp: “Tôi không biết.”

Tề Cảnh Công biến sắc nói: “Mới đầu thời Ông nói: Khổng Tử là thánh nhân, nay lại nói: Không biết.”

Tử Cống đáp: “Tử này suốt đời đội trời, mà chẳng biết Trời cao bao nhiêu. Suốt đời đạp đất, mà chẳng biết đất dày bao nhiêu. Tử này, theo thày Phu Tử, cũng y như kẻ khát nước, đem gáo, đem bình ra sông, ra bể, để múc nước uống. Uống no bụng, xong rồi đi, mà chẳng biết sông, biển sâu là bao nhiêu.” [1]

Các cao đệ Ngài cho rằng:

“Phàm nhân sở dĩ không hiểu nổi Ngài vì chưa đủ khả năng, chưa đủ tầm kích mà hiểu Ngài, y như một người đi ở ngoài đường, bị bức tường cao ngăn chặn, không sao nhìn thấy được những đồ trần thiết quí báu bên trong nhà.” [2]

Chính vì vậy, mà đã có rất nhiều sự ngộ nhận về Đức Khổng cũng như về Đạo Khổng. Có nhiều người thường nghĩ rằng Đức Khổng bất quá chỉ dạy 2 chữ Hiếu Trung. Đạo Khổng chẳng qua chỉ là một thứ Đạo nhập thế, dạy con người Nhân Đạo, tức là ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người. Đạo Trung Dung chẳng qua là một thứ Đạo, dạy sống cho đúng mức, không thái quá không bất cập.

Nói như vậy, chẳng qua là biết sơ lược một vài khía cạnh thứ yếu của Khổng Giáo chẳng khác nào như sẩm sờ voi, không biết được toàn diện của Đạo Nho.

Nếu Đức Khổng xuống thế, cốt dạy Hiếu với Trung, thì Ngài hơn gì Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ, môn đệ Ngài, là những người chí hiếu; Ngài hơn gì Cơ Tử, Tỉ Can xưa là những người chí trung,

Nếu Ngài thật sự chủ trương Trung Quân, thì tại sao đã âm thầm bỏ vua nước Lỗ, bỏ chức Nhiếp Tướng Sự, chỉ vì vua Lỗ đã tỏ ra ham mê thanh sắc của bọn ca vũ, để ra đi dấn thân vào con đường lưu vong mười mấy năm trời, [3] và 2 lần bỏ Vệ Linh Công, vua nước Vệ ra đi, chỉ vì Vệ Linh Công có thái độ thờ ơ, bất kính đối với Ngài? [4]

Như vậy, chủ trương Ngài rõ ràng là Vua thời phải ra Vua, bề tôi phải cho ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. [5]

Từ nền tảng ấy, sau này, Mạnh Tử đã đắp xây cả một học thuyết chính trị Nho Giáo với khẩu hiệu bất hủ:

“Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”

“Dân là quí, nhì đến đất nước, vua là phụ.” [6]

Có nhiều người cho rằng Đạo Khổng chỉ dạy nhân đạo, mà không đề cập đến Thiên Đạo, chỉ biết dạy nhập thế, không biết dạy xuất thế, cho nên thường quan niệm rằng: Nhất Phật, nhì Đạo, ba Nho.

Qui Nguyên trực chỉ viết: “Chỗ không giống nhau giữa Nho, Thích là: nhà Nho chỉ nói cái phép ở đời, họ Thích (Phật) lại nói cái phép ra khỏi đời. Nhà Nho chỉ nói một đời, rồi gom về Trời. Họ Thích biết rõ gốc ngọn của nghiệp duyên nhiều đời chồng chất, đó là chỗ đôi đằng không giống nhau vậy.” [7]

Chương XXIV sách này viết: “Người học Nho chết rồi thì hết, chẳng qua trong khoảng 100 năm mà thôi. Người học Đạo (Lão) vụ cầu sống mãi, chẳng qua muôn ngàn năm mà thôi. Người học Phật dứt mãi với sống chết, trong trẻo hoài hoài, chẳng qua trải khắp cái số kiếp nhiều như cát bụi, mà không có cùng tận vậy.” [8]

Rồi lại có nhiều người tưởng rằng: Đạo Khổng dạy Trung Dung là sống nước đôi, không thái quá, không bất cập. Đọc những lời bình luận thiển cận như vậy thật rất buồn lòng và liên tưởng đến lời Tào Tháo chê Trần Cung:” Yến tước an tri hồng hạc chí tai.” (Phận gi sẻ làm sao biết được chí chim hạc, chim hồng).

Tuy nhiên, vẫn còn có những lời nhận định rất đứng đắn về Nho Giáo. Cụ Minh Thiện, trong quyển Minh Lý Yếu Giải, nơi tr. 52, có viết: “Đến khi chứng quả, thành chân, người theo phái Thích thì gọi là Phật, người theo phái Đạo thì gọi là Tiên, người theo phái Nho thì gọi là Thánh. Phật, Tiên, Thánh là những danh từ khác nhau nhưng đồng chỉ 1 bực người chứng đặng tính hoàn toàn sáng suốt mà thôi, gọi chung là Chân Nhân...” [9]

Như vậy, mới đúng với tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên, Vạn Giáo Nhất Lý...

Vì Đức Khổng là con người đa năng, đa dạng, nên muốn hiểu Ngài, ta phải nghiên cứu Ngài dưới nhiều khía cạnh.


1. Đức Khổng là con người nhiệt thành đi tìm chân lý.

Thế nhân thường cho rằng: đã là Thánh Nhân, đã là Giáo Chủ thì phải là Thánh Nhân ngay từ trong bụng mẹ; phải có những cách thai sinh kỳ bí, thoát khỏi các định luật và trật tự chi phối vũ trụ, nhân quần, lại thông minh tuyệt mức, sinh nhi tri chi, không cần học hỏi suy tư gì mà đã biết hết mọi sự trên trời, dưới đất, quá khứ, vị lai ngay từ tấm bé. Nói thế, chẳng khác nào nói rằng có những cây vừa mọc đã cao vút từng mây, đã sinh hoa, kết quả sum suê, hay có những người vừa sinh ra, đã trưởng thành ngay, không cần cúc dục, cù lao, không cần thời gian, tuổi tác.

Thiết tưởng, muốn tìm hiểu Thánh Hiền, ta không nên bắt chước lối phàm tục đó, mà phải tìm ra những tiêu chuẩn chính xác để giúp cho sự suy khảo của chúng ta. Tuân Tử nói: “Quân tử thời nói điều chân thường, hợp lý, còn tiểu nhân nói điều kỳ quái,” [10]

Mạnh Tử nói: “Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao, riêng nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị Thánh Nhân và chúng ta đều cùng một loại.” [11]

Khảo về đời sống và những lời giảng giáo của các bậc giáo chủ, ta thấy:

A. Sự khôn ngoan, thông thái các Ngài cũng cần phải có thời gian, tuổi tác, mới phát triển được.

B. Nhiều khi các Ngài cũng phải học hỏi với các bậc tiền bối đương thời mới trở nên minh giác.

C. Học thuyết các Ngài, tư tưởng các Ngài cũng có nhiều vay mượn ở nơi các học thuyết hoặc các luồng tư tưởng khác.

D. Các Ngài có công ở chỗ là làm cho tư tưởng cũ kỹ trở nên linh động, có thần lực tác động, lôi cuốn, hoán cải được tâm hồn quần chúng.

Nhờ những quan niệm lành mạnh, chính xác trên hướng dẫn, ta có thể vạch lại được bước đường tìm cầu đạo lý của Đức Khổng.

Ngài tâm sự:

---Hồi 15 tuổi, ta để hết tâm trí vào sự học.

---Đến 30 tuổi, ta vững chí mà tiến lên con đường đạo đức.

---Đến 40 tuổi, tâm tư ta sáng suốt, hiểu rõ việc trái phải, đạt được sự lý chẳng còn chi nghi hoặc.

---Đến 50 tuổi, ta biết mạng Trời. (Tức là biết căn cốt, biết Đạo Trời, biết định mệnh con người).

---Đến 60 tuổi, lời tiếng chi lọt vào tai ta, thì ta hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lâu dài.

---Đến 70 tuổi, dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép. [12]

Đức Khổng không bao giờ nhận Ngài sinh nhi tri tri. Ngài nói:” Ta chẳng phải là người sinh ra đã biết. Thực ta là người hâm mộ tinh hoa đạo lý cổ nhân và mê mải tìm cầu tinh hoa đạo lý ấy mà thôi.” [13]

Đức Khổng luôn tỏ ra mình là một con người hiếu học, chịc trông, chịu nhìn, chịu quan sát, chịu hỏi, chịu học, chịu suy tư.

Từ nhỏ đến 34 tuổi, Ngài học hỏi ở quê nhà, sưu khảo các sách vở như Dịch Tượng, Xuân Thu, Thi, Nhạc, trong tàng thư nước Lỗ. [14]

Năm 34 tuổi, Ngài sang kinh đô nhà Châu (Lạc Dương) để cầu học. Ngài phỏng vấn đức Lão Tử về Lễ, Trành Hoàng về Nhạc, đi xem các địa điểm tế Giao, tế Xã, khảo sát về phép tắc của tòa Minh Đường. xem cách tổ chức nơi Tông Miếu, và học hỏi được nhiều bài học về chính trị, và cách tu thân, tiếp nhân, xử thế, và hiểu được lý do tại sao nhà Châu xưa đã cường thịnh. Sự cường thịnh ấy chính là do tinh thần trách nhiệm, tài lãnh đạo tổ chức của các bậc quân vương, lòng trung liệt của các vị trọng thần, của các bậc thần tử, sự đoàn kết nhất trí giữa các tầng lớp nhân dân.

Nhưng mãi đến năm 50 tuổi, Ngài mới trực giác được Thiên Mệnh, biết được Thiên Đạo. Từ đấy cho đến chết, Ngài hoàn toàn là một con người khác, luôn luôn hoạt động, luôn luôn cải hóa thiên hạ, khi thì chu du liệt quốc, khi thì ở nhà dạy học, viết sách. Các sách Ngài soạn thảo có thể nói được là từ 58 tuổi trở đi. Dẫu sao, thì từ trước tới sau, ta thấy Ngài luôn luôn tỏ ra thiết tha đi tìm chân lý, thiết tha suy tư, cầu học.

Tấm lòng thiết tha cầu học Đạo ấy đã được Ngài xác quyết khi Ngài 63 tuổi. Diệp Công hỏi Tử Lộ về Đức Khổng. Tử Lộ không đáp. Đức Khổng nói: “Tại sao ngươi không nói thế này: Đó là người hăng say suy tư, đến quên ăn; khi được Chân Lý thì vui sướng đến quên hết mọi nỗi buồn lo; chuyên tâm về Đạo, đến nỗi tuổi già sắp đến mà chẳng biết.” [15]

Và cũng vì lòng tha thiết, luôn luôn cầu học, cầu tiến, mà ngay khi gần chết, Ngài vẫn còn học Dịch, đến bật cả lề sách đến ba lần. [16]

Nhờ có sự cố gắng học hỏi, suy tư như vậy, mà Đức Khổng đã có một kiến thức hết sức sâu rộng khiến mọi người bỡ ngỡ. [17]

Nhưng quí báu nhất là nhờ sự thành khẩn tìm cầu Chân, Thiện, Mỹ, mà Chân, Thiện, Mỹ đã đến với Ngài, đã nhập thể vào Ngài. Thế tức là:” Ngã cầu Nhân, nhi Nhân chí hĩ.” [18]

2. Đức Khổng, con người rất cũ và rất mới.

Đức Khổng là con người siêu không gian, thời gian, nên vừa rất cũ vừa rất mới.

---Rất cũ, vì rất hiếu cổ, viết Ngũ Kinh thâu tóm tinh hoa nhân loại từ thời Nghiêu, Thuấn cho đến đời Ngài, tức là ròng rã khỏang 2000 năm lịch sử.

Ngài nói:

“Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân. “[19]

 Trung Dung viết thêm:

“Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.” [20]

Nhờ sự hiếu cổ, tồn cổ này, mà chúng ta thấy được Đạo, được Thiên Đạo, được Chân Đạo mà các bậc Hiền Thánh muôn nghìn đời trước đã theo.

Thế nào là Thiên Đạo?

Đọc Kinh Thi, thiên Đại Nhã, đã thấy rằng thời xa xưa, nhân loại đã tin rằng Trời chiếu ánh sáng muôn trùng vào tâm hồn chúng dân, Trời đã ẩn tàng trong lòng chúng dân, để làm khuôn phép mẫu mực, để ra mệnh lệnh, để hướng dẫn chúng dân trên mọi bước đường đời. Các bậc vương giả, các bậc hiền nhân thời ấy, cố gắng sống sao cho đức hạnh tuyệt vời, để kết hợp với Trời, để có thể được coi như là vẻ sáng của Trời như Văn Vương...

Đó chính là cái đại đạo Thiên Nhân Hợp Nhất của người xưa.

Nhờ sự hiếu cổ của Đức Khổng, mà ta còn biết được về nền Thiên Trị của người xưa.

Thế nào là một nền Thiên Trị?

Nền Thiên Trị là một nền chính trị lấy Trời làm khởi điểm, và làm cùng điểm nhân loại. Các bậc Thánh Vương là những vì Thiên Tử thay Trời trị dân. Luật pháp của các ngài là những định luật tự nhiên. là nhân luân, là tam cương, ngũ thường, là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Các vị Thánh Vương lên trị nước không phải là để hưởng thụ, để buông thả cho dục tình tha hồ phóng túng, nhưng chính là để tuân theo ý Trời, tuân theo những định luật thiên nhiên chi phối vũ trụ và sự tiến hóa nhân quần.

Các Ngài hứa đem an bình lại cho nhân loại, nhưng không có hứa xuông, mà lại dạy mọi ngươì phải thực hiện an bình bằng cách tu thân, bằng cách tôn trọng Tam Cương, Ngũ Thường, giữ vẹn tín nghĩa, trọng đức, khinh tài, cố gắng không ngừng để cải thiện hoàn cảnh, cải thiện nội tâm, tiến mãi trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Đó chính là chủ trương của sách Đại Học:

Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy.

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng...

Nhờ có sự hiếu cổ của Đức Khổng mà ta có được bộ kinh Dịch, biết được tinh thần của kinh Dịch là Tùy Thời Biến Dịch Nhi Tòng Đạo; Biết Tiến Thoái Phải Thì để Xu Cát, Tị Hung...

Nhờ có sự hiếu cổ của Đức Khổng mà nay ta có Kinh Lễ, với tinh thần Kinh Lễ: Học hỏi, suy tư, quan sát vũ trụ, nhân quần, khai thác lịch sử, phong tục để tìm cho ra những định luật tự nhiên, chi phối vũ trụ và nhân quần, để sống thế nào cho hay, cho phải, để đối xử với nhau thế nào cho hay, cho phải, cho hợp tình, hợp lý, để đi đến chỗ đại hòa, đại thuận.

---Rất mới, đồng thời Đức Khổng cũng là con người rất mới. Những luận thuyết của Nho Giáo về Tính Mệnh tương ứng với những thuyết Siêu Thức, Tâm Thức Vũ Trụ cuả Triết Học ngày nay, với những thuyết Viễn Đích của Lecomte Du Nouy, với thuyết tiến về Omega của Teilhard de Chardin (chỉ ư chí thiện).

1. Khảo cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh cho kỹ lưỡng, ta sẽ thấy rằng Đức Khổng chủ trương Chân Đạo, Đại Đạo phát xuất tự thâm tâm, và Trời chẳng ở đâu xa, mà tiềm ẩn ngay trong đáy lòng con người. Thì gần đây, trong số báo Time ra ngày 16---12---69, với chủ đề là: “Thượng đế có đang sống lại không” (Thượng Đế có đang trở lại với cuộcc đờI chúng ta không?), có một đề mục rất là kỳ thú với nhan đề là “Sự du hành nội tâm”. Trong đề mục này, bà Jean Houston, một triết gia kiêm tâm lý học gia, giám đốc viện Khảo Cứu về Tâm Linh ở Mỹ, tin rằng những cuộc thí nghiệm gần đây về nội giác, bằng những phương pháp tâm lý, hay bằng những dược liệu, đã đưa đến một sự phát sinh ra một nền Thần Học Chứng Nghiệm. Theo bà Houston, thì tâm hồn con người có một điểm tiếp xúc được với Đại Thể, một Đại Thể đã được chứng nghiệm là Tâm Linh.

Trong các phòng thí nghiệm, ngày nay người ta đã cải thiện được các phương pháp các dòng tu xưa đã dùng, nên con người ngày nay, càng ngày càng tiếp xúc được với sự linh thiêng nội tại ấy...[21]

Như vậy, tức là ngày nay, con người đang chập chững đi vào nội tâm để tìm Trời, tìm Thần Linh, một công chuyện mà Đức Khổng và các Hiền Thánh xa xưa đã làm từ mấy ngàn năm nay...

2. Từ ngàn xưa, Đức Khổng nói: “Thiên hạ lo gì nghĩ gì? Đường đi khác nhau nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý không hai.” [22]

Ngày nay, sau ngót 2000 năm thù ghét nhau, hãm hại lẫn nhau, giết lát, chém giết nhau, vì bất đồng tín ngưỡng, con người gần đây đã tỏ ra thông cảm, hiểu biết nhau hơn, và ta đã thấy mọc lên khắp nơi phong trào Hòa Đồng Tôn Giáo.

3. Ấy là chưa kể đến thuyết Đại Đồng của Đức Khổng: “Thiên hạ là một nhà, bốn biển đều là anh em.”, mà còn lâu con người mới thực hiện được.

Như vậy, Đức Khổng chẳng phải là con người rất cũ, và rất mới là gì?

*************         


3. Đức Khổng, con người có niềm tin vững mạnh về thân thế và sứ mạng mình.

Đức Khổng bình nhật rất khiêm cung, Ngài chỉ nhận Ngài là một học giả, chứ không nhận mình là Thánh Nhân hay Thánh Hiền. Ngài nói: “Như là bậc Thánh, bậc Nhân thì ta há dám? Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi. ” [23]

Nhưng đến khi bị vây ở đất Khuông, bị nạn ở nước Tống, Ngài mới khẳng khái để lộ chân tướng mình ra. Lúc ấy Ngài mới xưng mình là:”vẻ sáng Thượng Đế, chẳng khác gì Văn Vương” [24], mới xưng mình là Đức của Trời (là sự hiển dương của Trời.) [25]

Ngài biết mình sinh ra để đem lại cái Đạo toàn mãn cho con người.

---Đó là làm ăn, tức là Vật Đạo, hay cải thiện hoàn cảnh vật chất.

---Làm người, tức là Nhân Đạo, cải thiện nhân tâm, tu thân, để đem an lạc lại cho nhân thế.

---Làm Thần, tức là Thiên Đạo, sống cuộc đời hoàn thiện, Cao Minh Phối Thiên (Trung Dung, chương XXVI).

Vì vậy, mà có lần Ngài ví mình như một người đánh xe (L.N. IX, 12), đánh xe đạo lý để đưa muôn triệu người tới tinh hoa, hoàn thiện. Quan Tể đất Nghi còn ví Ngài như mõ gỗ (L. N. III, 24), mõ gỗ để rao truyền chân lý cho vang rậy khắp muôn phương.

4. Đức Khổng là con người đã được đạo thống Trung Dung.

Trung Dung là một Tâm Pháp của Thánh Hiền, kế thế tương truyền từ Nghiêu, Thuấn về sau, chẳng khác nào Tâm Ấn, Phật Ấn rõi truyền qua các thế hệ.

Đức Khổng là một trong những bậc Thánh Hiền đã được Tâm Pháp Trung Dung.

Tâm Pháp Trung Dung cao diệu trên có thể toát lược như sau:

1. Trực giác được rằng dưới lớp nhân tâm nghiêng ngửa, còn có Đạo Tâm, còn có Thiên Tâm siêu vi, ẩn áo, chi phối bên trong.

Kinh Thư viết:

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất, ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời. [26]

---Trung Dung phát khởi từ một niềm tin, một linh giác rằng con người thông phần bản tính của Trời, cho nên con người sinh ra đời có mục đích tối hậu là thực hiện Bản Tính Chí Thiện ấy. Nói cách khác, con người phải học hỏi, suy tư, cố gắng không ngừng để tiến tới hoàn thiện, hoàn mỹ. Vì vậy, mà ngay đầu sách Trung Dung viết:

Thiên mệnh cũng chính là Bản Tính,

Đạo là noi theo Tính Tự Nhiên...

---Nói theo từ ngữ Đạo giáo, thì Trung Dung dạy con người biết rằng Trời hay Đạo đã tiềm ẩn nơi thân tâm con người, luật Trời đã ghi tạc ngay trong lương tâm con người. Cho nên người quân tử phải biết kính sợ Trời tiềm ẩn nơi tâm hồn mình.

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.

(Trung Dung chương I).

---Tóm lại, Trung Dung đưa con người tới bậc chí thánh. Chính vì vậy mà mà các đoạn cuối Trung Dung toàn nói về bậc Chí Thánh, tham tán cùng đất trời trong công cuộc hóa sinh...

5. Đức Khổng con người vụ bản.

Đức Khổng khác chúng nhân ở chỗ là chúng nhân thì phù phiếm, sốc nổi, sống vụ vào những chi tiết vụn vặt, những hiện tượng hào nháng bên ngoài, những biến cố lịch sử phù du, vân cẩu, còn Ngài cũng như các bậc Minh Triết khác đều sống một cuộc sống nội tâm rồi rào, sâu sắc, dựa vào tinh hoa, bản thể con người, dựa vào những gì vĩnh cửu, trường tồn.

Ngài tìm cầu học hỏi, nhưng tìm cầu học hỏi những điều chính yếu, những điều tinh hoa căn bản, quan thiết đến định mệnh và hạnh phúc con người. Ngài súc tích, nhưng súc tích những gì không hao mòn, hủy hoại được. Ngài xây dựng, nhưng xây dựng trên những nền tảng vĩnh cửu...

Vụ bản là gì? Thưa là trọng gốc.

Luận Ngữ viết: Quân tử vụ bản. Bản lập nhi Đạo sinh. (L.N. I, 2) Người quân tử chuyên chú vào việc gốc. Cái gốc được vững tốt, tự nhiên Đạo Lý bắt đầu từ đó mà sinh ra.

Đại Học viết:” Mỗi vật đều có gốc ngọn, mỗi việc đều có đầu đuôi. Biết cái gì trước, cái gì sau là gần Đạo, gần Trời vậy.” (Đại Học, I)

“Không bao giờ các gốc loạn mà cái ngọn trị được.” (Đại Học, I).

Đại Học cho rằng:” Nếu biết được gốc, đó là cái biết cao siêu nhất.” (Đại Học, 4)

Theo Đại Học, cái biết cao siêu nhất, chính là biết trong Tâm có căn cốt Trời, như vậy, mới có thể dừng chân nơi hoàn thiện được. (Đại Học chương I và IV).

Đại Học viết:

Dày công học vấn, sẽ hay khuôn Trời,

Hay khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt, lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình yên... (Đại Học, I)

Có biết được rằng vũ trụ, quần sinh là do một gốc Trời sinh sôi, nảy nở, thì mới nói được như Đức Khổng: “Đạo ta là do một nguyên lý mà suy rộng ra để quán triệt mọi sự.” (L.N. IV, 15. L.N. XV, 2).

6. Đức Khổng là con người biết tìm cho ra những định luật thiên nhiên để mà theo, mà giữ, cho cuộc sống cá nhân và xã hội trở nên hoàn hảo.

Ngài tìm ra những định luật thiên nhiên bằng:

---Trực giác.

---Bằng suy luận.

---Bằng cách nghiên cứu lịch sử.

---Bằng cách nghiên cứu lịch sử cổ kim.

---Bằng cách khảo sát lại cuộc thành bại xưa và nay.

---Bằng cách suy diễn từ những quan niệm của Dịch Kinh.[27]

Do đó, Ngài tìm ra được những định luật rất quan trọng. Xin đan cử một vài:

1. Định luật tôn ti, trật tự chi phối vũ trụ, quần sinh.

Về định luật này, Hạ Đương đã viết: “Vạn vật đều có quí tiện, cao hạ, đại tiểu, tôn ti, văn chất khác nhau. Thánh Nhân chế phép tắc để mọi loài quí tiện, cao hạ sống xứng với tính cách mình.” (Lễ Ký, tựa)

2. Định luật hiệt củ, tức là Suy bụng ta ra bụng người. Do đó mới có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” [28]

3. Định luật: “Tâm vật hỗ tương ảnh hưởng” (Tâm Thần và ngoại cảnh ảnh hưởng lẫn nhau.)

Đại Học cho ví dụ: Tâm ảnh hưởng đến thể xác, đến vật:

“Giàu thời nhà cửa khang trang,

Đức thời thân thể khang an, rạng ngời.

Lòng mà khinh khoát, thảnh thơi,

Rồi ra sẽ thấy tốt tươi hình hài.” (Đại học, VI)

Ngược lại, Khổng Tử Gia Ngữ cho rằng:

Mặc áo tang, lòng sẽ không nghĩ đến sự vui,

Cầm phủ phất, mặc y cổn, mãng bào, tự nhiên sẽ nghiêm trang.

Mang giáp trụ, sẽ thấy thêm mạnh bạo.” [29]

Đức Khổng chủ trương con người sinh ra đời cần tiến tới hoàn thiện.

Trung Dung viết:

“Hoàn Toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.” [30]

Đó cũng chính là chủ trương: “Minh minh đức, Tân Dân, chỉ ư chí thiện” của sách Đại Học. (Đại Học, I)

7. Đức Khổng biết sống linh động, uyển chuyển tùy thời, xử thế.

Đức Khổng rất am tường Dịch Lý, nên hết sức là uyển chuyển. Chủ trương của Ngài là: “Người quân tử ở trên đời không nhất thiết phò các gì, không nhất thiết chống cái gì, cái gì phải thời theo.” (L.N. IV, 10).

Mạnh tử cũng khen Ngài là một vị Thánh biết thức thời, biết tùy thời. (Mạnh Tử, Vạn Chương Hạ,X,1).

Đức Khổng chủ trương con người sinh ra ở đời, hết sức là tùy thuộc vào hoàn cảnh, cho nên ở vào địa vị nào thì cư xử theo địa vị ấy. Trung Dung gọi thế là: “Tố kỳ vị nhi hành”:

Người quân tử sống theo địa vị,

Không ước mơ, suy nghĩ viển vông.

Sang giàu, sống lối giàu sang,

Nghèo hèn, sống lối nghèo hèn ngại chi.

Tới man di, sống y man mọi,

Gặp gian lao, vui nỗi gian lao,

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê...

(Trung Dung XIV).

8. Đức Khổng có tâm hồn hết sức thanh sảng, rất yêu thơ và yêu nhạc.

Vì yêu thơ, nên Ngài đã san định Kinh Thi.

Vì yêu Nhạc, nên Ngài đã đem 305 thiên Kinh Thi ra mà đàn ca với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng. (Xem Tư Mã Thiên, Khổng Tử Thế Gia.)

Có điều lạ lùng này là Đức Khổng yêu thơ nhất là lúc trở về già. Ngài càng trở nên yêu đời, yêu vẻ đẹp thiên nhiên. Ngài khen Tăng Tích vì Tăng Tích đã sống tiêu sái, muốn cùng ít nhiều bạn trẻ, vào những ngày cuối xuân ấm áp, tắm mát ở sông Nghi, hóng gió ở đền Vũ Vu, rồi trên đường về, cùng nhau ca vịnh cho vui. (L.N. XI, 25).

Ngài yêu Nhạc từ hồi còn trẻ:

Ai hát bài nào hay, Ngài thường yêu cầu hát lại, và tập hoà theo. [31] Ngài đã học hỏi với các nhạc sư danh tiếng như Trành Hoằng ở Châu, các nhạc sư ở Tề, [32] và ở Lỗ. [33]

Năm 35 tuổi, sang Tề, Ngài có dịp học Nhạc Thiều. Ngài học say mê, đến nỗi trong vòng ba tháng, ăn mà không để ý đến mùi vị thịt. [34] Thường nhật, Ngài hay đàn ca, hoặc gảy đàn sắt, [35] hoặc đánh khánh. [36]

Ngài thích các loại nhạc uy nghi, trang trọng, như nhạc Thiều, [37] và ghét những loại nhạc dâm đãng, phóng túng như nhạc Trịnh. [38]

Ngài chủ trương:

Học Kinh Thi, cho lòng thêm hứng khởi, vui sống.

Học Kinh Lễ, để biết tuân theo những định luật tự nhiên.

Học Nhạc, để con người trở nên vẹn hảo, hòa hợp được với nhân quần, vũ trụ. Đó là chủ trương: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc của Luận Ngữ.” [39]

9. Đức Khổng, một vị giáo sư gương mẫu.

Đức Khổng rất tha thiết giáo hóa chúng nhân.

Ngài nói: “Ta chẳng dám coi mình là Thánh, là Nhân, nhưng thực ta làm không chán, dạy người không mỏi, ta chỉ có thể được gọi như vậy thôi.” [40]

Các vua chúa sau này cũng xưng tụng Ngài là “Vạn Thế Sư Biểu “.

Ngài dạy học, cốt là dạy con người biết hiếu đễ, cẩn tín, yêu người, trọng đức, chứ không cốt học văn chương suông. [41]

Phương pháp giáo dục của Ngài y như phương pháp giáo dục của Socrates, mà người ta thường gọi là “phương pháp giáo dục hộ sản”. Theo phương pháp này, thày dạy học bắt chước thày thuốc. Thày thuốc chỉ đỡ đẻ, chứ không đẻ hộ; thày dạy học cũng vậy, chỉ giúp cho học trò biết nghĩ, biết suy, chứ không suy hộ, nghĩ hộ, sống hộ học trò. Mục đích là càng ngày càng làm cho học trò phát huy được trí tuệ mình, trở nên sáng suốt, trở nên linh động, hoạt bát...

Nhan Hồi nhận định: “Thày ta tuần tự mà dẫn dụ người một cách khéo léo. Ngài dùng văn học mà mở mang trí thức ta. Dẫu ta muốn thôi, cũng không thôi được.” [42]

Tóm lại, Ngài mở trường:

---Dạy cách làm người.

---Dạy cách sửa trị người cho nên tốt, nên hay. (Đại Học)

---Dạy cách làm Thánh Hiền. (Trung Dung)

Nhờ vậy, mà các cao đệ Ngài sau này đều trở nên những bậc Hiền Thánh, treo gương cho đời, và đạo Nho, từ xưa đến nay, cũng đã tạo nên được không biết bao nhiêu là anh hùng, hào kiệt, là chính nhân, quân tử.

*************         


10. Đức Khổng là một sử gia.

Ngài đã san định 2 bộ sử vĩ đại: Kinh Thư và Kinh Xuân Thu.

1. Kinh Thư, từ thời Nghiêu (2356---2255) đến Tần Mục Công (659---620), gồm khoảng 1723 năm.

2. Kinh Xuân Thu từ năm Ẩn Công 1 (---721) đến năm Ai Công 14 (---481), gồm 242 năm.

Qua trung gian 2 bộ sử ấy, Ngài đã cho ta thấy những hoạt động, những lời lẽ, những nguyện ước, những đường lối, những cách tiếp nhân, xử thế của người xưa, nhất là của những người cầm đầu dân nước, nhân đó suy ra được các nguyên nhân hưng vong, loạn trị.

Ngài viết sử nhưng thực ra cũng muốn dùng sử của Ngài để đổi loạn thành trị, bằng phương pháp “chính danh, định phận”, đề cao tài năng, nhân nghĩa, đạo đức, chê bai mạt sát những chuyện thoán loạn, bạo tàn, gian ác (Xuân Thu); cổ súy và phục hưng lại nền Thiên Trị lý tưởng của các bậc Thánh Đế, Thánh Vương thời trước (Kinh Thư).

11. Đức Khổng là một chính trị gia.

Ngài cho rằng: Trong nhân đạo, không gì lớn hơn chính trị. [43]

Nhưng chính trị đây là cả một khoa học siêu vi, đem an bình thái thịnh đến cho dân nước, làm cho mọi người ăn ở xứng đáng với danh hiệu con người. Làm chính trị là làm cho con người trở nên ngay chính. Muốn được vậy, nhà cầm quyền phải ngay chính trước đã.

Ngài tha thiết cổ suý một chính quyền lý tưởng, một quốc gia lý tưởng, trong đó Vua ra Vua, Tôi ra Tôi, Cha ra Cha, Con ra Con, [44] biết tương kính, tương thân, thượng hòa, hạ mục. [45]

Chính quyền lý tưởng ấy phải được xây dựng trên căn bản hoàn thiện, hoàn mỹ, tức là phải tự coi mình có Thiên Chức, Thiên Mạng để đem an lạc lại cho chúng dân và có nhiệm vụ hướng dẫn chúng dân tới hoàn thiện, hoàn mỹ. [46] Chính quyền phải dựa vào hai tôn chỉ: Yêu dân và Kính dân. [47]

12. Đức Khổng là vị Thánh Nhân chân thực.

Tử Cống hỏi Đức Khổng: “Thày là Thánh rồi chứ gì?” Đức Khổng đáp: “Ta chẳng dám nhận là Thánh. Nhưng làm lành, học Đạo mà không chán, dạy đời mà không biết mệt, ta chỉ được như vậy thôi.” Ông Tử Cống thưa rằng: “Làm lành, học Đạo mà không chán, tức là Trí; Dạy đời mà không mệt tức là Nhân. Có đủ Nhân và Trí, Thày quả là Thánh rồi.” [48]

Đức Khổng là vị Thánh Nhân chân thực, vì:

---Đã đạt tới Thiên Đạo, Trung Đạo. [49]

---Ngài đã “Tận Tính”, tức là đã đạt tới Siêu Thức Đại Đồng, [50]

---Ngài đã sống cuộc đời phối kết với Thượng đế nhất là trong tuổi già. [51]

---Ngài đã có công đem Thiên Lý, nhân luân dạy cho muôn triệu con người, thế tức là “tham tán tài thành” cùng trời đất. [52]

Ngài đáng được khen tặng bằng những lời Kinh Dịch:

Thánh nhân đức hạnh bao la,

Như Trời, như đất cao xa muôn trùng.

Sáng như nhật nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu, hợp khung bốn mùa,

Những điều lành dữ, ghét ưa,

Quỉ thần đường lối, đem xo khác nào.

Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sao Trời cho hợp cơ màu thời gian.

Trời không trách cứ, phàn nàn,

Thời người còn dám than van nỗi gì?

Trời, người chẳng trách, chẳng chê,

Quỉ thần âu cũng chẳng hề oán than. [53]

 *****

KẾT LUẬN

Phác họa lại chân dung Khổng Tử không phải là để khen lao Đức Khổng, mà chính là để ta dễ bề bắt chước Ngài.

Nhan Hồi xưa cũng đã nói: “Thuấn là ai? ta là ai? Nếu ta cố gắng. ta cũng sánh được với Thuấn vậy.” [54]

Cụ Phan Sào Nam quả là người đã thấu hiểu được ý Đức Khổng khi lập giáo, là muốn cho mọi người tiến tới tinh hoa, hoàn thiện, vì thế cụ đã viết trong “Phàm Lệ” ở đầu bộ Khổng Học Đăng như sau:

“Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cách tự nhiên rằng: Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có Đông, Tây, mà tâm lý in như nhau. Thánh hiền tức là ta, ta tức là Thánh hiền, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi.” (Khổng Học Đăng, Phàm Lệ, trang 10)

Vậy chúng ta hãy cố gắng theo chân Đức Khổng, trở thành những con người viên dung, toàn mãn, gồm đủ trong mình ba thứ Đạo:

---Vật Đạo: Cố gắng cải thiện hoàn cảnh vật chất, chu toàn đời sống vật chất con người.

---Nhân Đạo: Ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người, đối đãi với nhau cho hợp tình, hợp lý, có thủy, có chung.

---Thiên Đạo: Cố gắng cải thiện tâm hồn, hoán cải khí chất, tiến tới hoàn thiện, sống hồn nhiên, phối kết với Thượng Đế.

Chung qui vẫn chỉ là: “Hãy nhìn cho xa, hãy trông cho rộng, hãy nghĩ cho sâu, hãy vượt cho cao, đừng bao giờ dừng chân trước khi chưa tới hoàn thiện. “[55]

Trung Dung viết:

Nên quân tử dốc một lòng, một dạ,

Trọng kính Trời, quyết gắn bó học hành.

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh,

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na,

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới, không làm điều trái nghịch.

Nước có Đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên, lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan, nên mới bảo toàn tấm thân... [56]

*Hết phần chánh văn Chương 19

*************         


CHÚ THÍCH


[1] Uyên Giám loại hàm, q. 4, tr. 4612 mục chữ Thánh

[2] Luận Ngữ. XIX, 23.

[3] Luận NgữXII, 9.---XVIII, 4.---Mạnh tử X,1.---XII, 6.---XIV, 17.

[4] Luận Ngữ IX, 17.---XII, 10.---XV, 1.

[5] Tề Cảnh Công vấn chánh ư Khổng Tử. Khổng tử đối viết: Quân, quân, thần, thần, phụ, phụ, tử, tử.

Luận Ngữ. XII, 2.

[6] Mạnh tử,Tận Tâm hạ, 14.

[7] Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, q. I, chương XXI, tr. 279.

[8] Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, q. I, chương XXIV, tr. 335.

[9] Minh Thiện, Minh Lý Yêú Chỉ, tr. 52.

[10] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, tr. 308. Thiên Vinh Nhục VI của Tuân Tử.

[11] Mạnh tử, Cáo Tử Thượng, tiết 7.

[12] Tử viết: Ngô thập hựu ngũ, nhi chí vu học. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập, tùng tâm sở dục nhi bất du củ.

Luận Ngữ. II, 4.

[13] Luận Ngữ. XV, 30.

[14] Tả Truyện, Chiêu Công 2, và Chư Tử Thông Khảo tr. 47

[15] Luận Ngữ. Thuật nhi VII, 18.

[16] 孔 子 晚 而 學 易, 讀 之 韋 編 三 絕, 而 為 之 傳。 Khổng tử vãn nhi học Dịch, độc chi vi biên tam tuyệt, nhi vi chi truyện.

Nho giáo, 1, tr. 191. ---Tư mã Thiên, Sử Ký, Khổng Tử Thế Gia, trong Từ Đỉển Chu Dịch, tr. 827.

Luận Ngữ. Thuật Nhi VII, 16

[17] Luận Ngữ. Tử Trương, XIX, 22.

[18] Luận Ngữ. Thuật nhi, VII, 29.

[19] Luận Ngữ. Thuật nhi, VII, 1.

[20] Trung Dung, ch.30.

[21] (Cf. Time, 28, 1969: Is God coming back to life? Changing Theology for a Changing World. Inner Voyages.

“What might the next in Theology? Philosopher---Psychologist Jean---Houston, co---director with her husband R. E. L. Masters of the Foundation for Mind Research, believes that current experiments in deepening awareness by psychological techniques or with drugs (which she does not advocate) are already leading to the rise of what she calls “experimental Theology”. According to Houston, the human psyche possesses a “built---in point of contact” with larger reality that is experienced as Divine. As the laboratory “improves upon techniques developed in the monastery,” people will increasingly encounter this interior sacrality. Indeed, she claims “Theology may soon become dominated by men whose minds and imaginations have been stimulated by inner voyages of one kind or another.”

Time, Dec. 26, 1969, p. 35.

[22] 天 下 何 思 何 慮。 天 下 同 歸 而 殊 途,

 一 致 而百 慮。 天 下 何 思 何 慮.

Thiên hạ hà tư, hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự?

Dịch, Hệ Từ hạ, chương 5, tiết 1.

[23] Luận Ngữ, VII, 33.

[24] Luận Ngữ, IX, 5.

[25] Luận Ngữ, VII, 22.

[26] 人 心 惟 危, 道 心 惟 微, 惟 精 惟一, 允 執 厥 中。

Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết Trung. Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15.

[27] Xem Lễ Ký chính nghĩa, Tựa, tr. 1. Xem Tống bản thập tam kinh, Lễ Ký.

[28] Đại Học, X.---Luận Ngữ. XV, 23.

[29] Khổng Tử Gia Ngữ, Hiếu sinh, X. Trần Trọng Kim, Nho Giáo I, tr. 149.

[30] 誠 者 天之 道 也, 誠 之 者 人 之 道 也。

Trung Dung, XX.

[31] Luận Ngữ. VII, 1.

[32] Luận Ngữ. VI, 13.

[33] Luận Ngữ. III, 23.

[34] Luận Ngữ. VII, 13.

[35] Luận Ngữ. XVI, 19.

[36] Luận Ngữ. XIV, 42.

[37] Luận Ngữ. III, 25.

[38] Luận Ngữ. XVII, 17.

[39] Luận Ngữ. VIII, 9.

[40] Luận Ngữ. VII, 33.

[41] Luận Ngữ. I, 6.---Luận Ngữ. I, 7.

[42] Luận Ngữ. IX, 10.

[43] Nhân đạo chính vi đại: 人 道 政 為 大。 Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6.

[44] Luận Ngữ. XII, 2.

[45] Luận Ngữ. III, 19.---Lễ Ký, Ai Công vấn chính, 9.

[46] Trung Dung chương XX.---Kinh Thư, thiên Hồng Phạm, tiết 9.

[47] 愛 與 敬 其 政 之本 也。 Ái dữ kính kỳ chính chi bản dã.

Lễ Ký, Ai Công vấn viết, tiết 9.

[48] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng, 2.

[49] Mạnh tử, Tận Tâm hạ, 37, 38.---Luận Ngữ. XIII, 21.

[50] Trung Dung, XXII.

[51] Luận Ngữ. II, 4.

[52] Trung Dung, XXII.

[53] Dịch kinh, Kiền, Văn Ngôn, hào Cửu Ngũ.

[54] Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng, 1.

[55] Đại Học, I.---Luận Ngữ. IX, 18.

[56] Trung Dung XXVII.

---------------------------------------------
*********************************************         


CHƯƠNG XX.

TINH HOA KHỔNG GIÁO THEO
TỨ THƯ, NGŨ KINH.


Muốn hiểu ý nghĩa một cuốn sách, cần biết chủ trương cả cuốn sách. Muốn hiểu ý nghĩa một cuốn sách, cần biết chủ trương toàn bộ sách.

Vậy muốn hiểu Trung Dung, tất nhiên ta phải duyệt qua những quan niệm then chốt, cốt cán trong Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Nếu tạm gác những vấn đề luân lý, chính trị thông thường sang một bên, ta có thể toát lược những tư tưởng nòng cốt trong Tứ Thư, Ngũ Kinh như sau:

1. Trời là chủ tể vạn vật.

Tứ Thư, Ngũ Kinh nhất là Thi, Thư luôn đề cập đến Thượng Đế.

2. Trời là thực thể cho muôn loài, muôn vật dựa nương, làm chủ chốt mọi biến hóa, và là căn nguyên mọi hiện tượng.

Niềm tin tưởng này được cụ thể hoá bằng vòng Dịch, trong đó Tâm Điểm là Thái Cực, tượng trưng cho Trời bất biến, trường tồn; các hào quải bên ngoài tượng trưng cho muôn hiện tượng luân lưu, biến hóa. Đó là quan niệm: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể của Nho giáo. [1]

3. Trời, người quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Các Thánh Hiền Nho giáo đều chủ trương: “Thiên Nhân tương dữ; Thiên Nhân hợp nhất.” [2]

Trung Dung viết:

Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao? [3]

Kinh Thi viết:

Trời xanh dẫn dắt chúng nhân,

Như là tấu khúc nhạc Huân, nhạc Trì,

Trời người đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm, tay giắt khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi. [4]

4. Trời luôn ẩn áo, ngự trị trong lòng con người. [5]

Thiên Mệnh, Thiên Lý, Thiên Đạo “một giây, một phút không rời khỏi ta”. [6]

Thiên Mệnh, Thiên Lý chính là Bản tính con người, là cốt cách con người. [7]

Như vậy, tâm hồn con người tuy một mà hai: Trong nhân tâm nghiêng ngửa, còn có đạo tâm siêu vi, ẩa áo. [8]

Dưới lớp nhân tình, còn có Thiên Lý làm khuôn phép. [9]

Phần Thiên Lý, Thiên Tính phổ quát chí thành, chí thiện ấy, Tứ Thư, Ngũ Kinh gọi là: Dịch ,[10] Thần ,[11] Thái Cực, [12] Thiên Địa chi tâm, [13] Đạo Tâm, [14] Hoàng Cực, [15] Trung , [16] Di, [17] Tắc, [18] Tính, [19] Cách, [20] Minh Đức. [21]

5. Mọi người phải học hỏi để tìm cho ra bản tính chí thiện, cốt cách căn nguyên ấy.
Tìm ra được là Trí Tri, là đi tới cùng cực của sự hiểu biết. [22]

6. Muốn tìm Đạo Trời phải tìm nơi đáy lòng.

Vì Bản Tính con người, vì Thiên Lý, Thiên Đạo tiềm ẩn đáy lòng, nên muốn tìm ra Bản Tính, muốn tìm ra Thiên Lý, Thiên Đạo, cần phải quay về ta, mà tìm, mà kiếm, cần phải hôì Tâm, tĩnh Trí, tránh phóng đãng, phải biết tập trung tư tưởng, miệt mài suy tư, mới thành công được.

Trung Dung viết:

Tử Tư nương ý chân truyền,

Trung Dung hạ bút, nói liền duyên do:

Nguồn đạo ấy phát từ Thượng Đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn tòan đày đủ nơi người,

Một giây, một phút chẳng rời khỏi ta.

Rồi bàn tiếp chi là cần thiết,

“Nhẽ Dưỡng, Tồn, Tỉnh, Sát” vân vân...

Cuối cùng tác giả luận bàn,

Sức thiêng “biến hoá, thánh thần” uy linh.

Những học giả muốn tìm Đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung... [23]



Mạnh Tử viết:

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui. [24]



7. Phải biết “kính cẩn” “khử nhân dục”, “tồn Thiên Lý”, hoàn thiện mình để kết hợp với Trời.

Khi đã tìm thấy Đạo, thấy Trời ẩn áo ngự trị trong lòng mình, con người phải “kính cẩn” [25] “cố gắng hoàn thiện mình”, [26] noi theo gương Trờì, [27] rũ bỏ mọi tình ý riêng tây (vô ý) [28], thoát khỏi cái mình nhỏ nhoi, ti tiện (vô ngã), [29] để sống kết hợp với Trời. Đó là Phối Thiên [30]; đó là Cực điểm tiến hóa của con người. Đó là Đạt Thế Trung Hòa [31], đạt tới Trung Tâm huyền diệu của Vũ Trụ và của con người.

8. Trong công cuộc tu thân, cần phải luôn luôn gắng gỏi công trình, luôn luôn học hỏi suy tư.

Học cho biết mình, biết người, biết định luật vũ trụ, biết thời thế để xuất xử, hành tàng, cho hợp thời, hợp cảnh. Đó là Thời Trung. [32]

Có học hỏi, có cố gắng mới phát huy được sự cao đại, huy hoàng, thiện mỹ tiềm ẩn nơi mình, mới có thể đạt thiên đức, thiên Đạo, mới có thể tung mình qua không gian, thời gian phù phiếm, biến thiên, trở về Trung Cung hằng cửu, bất dịch.

Tất cả học thuyết của Khổng Tử là cốt dạy cho ta tìm ra Chân, Thiện, Mỹ cao minh, tinh vi, hằng cửu, bất biến, đạt tới Trung Đạo, Thiên Đạo, Thiên Đức. Chưa đạt tới mức chí thành, chí thiện, người quân tử chẳng thể nào dừng chân, đứng lại. [33]

9. Tuy nhiên, như Đạo Trời có Âm, có Dương, đạo người cũng có 2 chiều: tinh thần, vật chất.

Người quân tử phải thu xếp thì giờ, lo sao cho trong ngoài vẹn cả 2 bề. [34]

Nưả đời đầu cố học hỏi để phát triển khả năng, tiến vào vật chất, vào đời, để mưu sinh, cải tạo hoàn cảnh, tô điểm giang sơn.

Nửa đời sau, khi mọi chuyện đời đã giải quyết êm đẹp, sẽ quay về Đạo để tu luyện bản thân, treo gương cho đời, cầu mong sao cho nên chí thành, chí thánh, chí thiện, để kết hợp với Trời. [35]

Đó là ý nghĩa cuộc đời theo Tứ Thư, Ngũ Kinh.

10. Cải thiện mình rồi, lại phải lo cải thiện người khác. Thế là Trung Thứ. [36]

11. Đạt tới mức chí thành chí thiện lại có công cải thiện muôn dân, sẽ được mệnh danh là Thiên Tử, là Hoàng, là Đế. [37]

Đó là huy hiệu mà cổ nhân tặng dữ cho các Thánh Vương như Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Văn Võ.

Những tư tưởng cao đại nói trên, theo đà thời gian, đã bị trần ai thế hệ che lấp mất.

Tước vị Thiên Tử đem áp dụng quàng xiên, Chữ Hoàng, chữ Đế không còn dùng để chỉ những người có đức độ sánh trời đất, theo nguyên nghĩa nữa, mà dùng để tâng bốc, suy tôn bất kỳ vua chúa nào.

Những chữ Thiên Nhân Tương dữ, Thiên Nhân Hợp Nhất, Phối Thiên, Phối Mệnh, nằm ngơ ngác trên những trang sách như tàn tích một lâu đài cổ, dầu dãi gió sương chẳng còn ai ngó ngàng tới nữa.

Cho nên khảo cứu một học thuyết, cũng như khảo cổ tìm di tích, cần tốn công phu. Một đằng đào bới đất cát để tìm di tích cũ, một đằng đào bới tư tưởng, để tìm cho ra vi ý tiền nhân. Cả đôi bên đều cần biết lọc lõi, biết tẩy trừ những hoen ố thời gian, nhân sinh, nhân thế mới có thể tìm ra được những gì quí báu của tiền nhân được.


*************         


CHÚ THÍCH

[1] 西 銘 之 意 認 天 地 為 一 家 已。 易 一 書 悟 天 地 為 一 已。

Tây Minh chi ý nhận thiên địa vi nhất gia dĩ. Dịch nhất thư ngộ thiên địa vi nhất dĩ. Bài Tây Minh là của Trương Tái (1020---1076), hiệu Hoành Cừ.

Tăng Dật, Tống Nguyên Học Án, quyển 7, tr. 15.

[2] 中 國 自 唐 虞 以 來 即 有 天 人 合 一 之思想 。

 歷 代 聖 晢 莫 不 繼 續 宏 揚 此 天 人 合 一 之 道。

Trung quốc tự Đường Ngu dĩ lai tức hữu Thiên Nhân Hợp Nhất chi tư tưởng. Lịch đại Thánh Triết mạc bất kế tục hoành dương thử “Thiên Nhân hợp nhất “chi đạo.

Trương kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, đoạn Lão Tử.

[3] 思 知 人, 不 可 以 不 知 天。Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên.

Trung Dung, XX.

[4] 天 之 牖 民 Thiên chi dũ dân

 如 壎 如 篪 Như huân như trì.

 如 璋 如 圭 Như chương, như khuê,

 如 取 如 攜 Như thủ như huề.

 摳無 曰 益 Huề chi viết ích,

 欑民 孔 易。 Dũ dân khổng dịch.

Kinh Thi, Thi Bản.

[5] 體 物 而 不 可 遺。

Trung Dung, chương XVI.

[6] Trung Dung, chương I.

[7] 致 知 在 格 物, 物 格 而 後 知 至。

[8] 人 心 惟 危, 道 心 惟 微, 惟 精 惟 一, 允 執 厥 中。

Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, duẫn chất quyết Trung.

Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15.

[9] 天 生 蒸 民, 有 物 有 則, 民 之 秉 彝, 好 是 懿 德。

Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, Dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức.

 Kinh Thi, Đại Nhã, Đãng, Chưng dân VI.

Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào, phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành, tốt tươi.

[10] 乾 坤 成 列 而 易 立 乎 其 中 矣。

 Kiền Khôn thành liệt nhi Dịch hành hồ kỳ trung hĩ.

Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, Chương XII, tiết ba.

 天 地 設 位 而 易 行乎 其 中 矣。

 Thiên địa thiết vị nhi Dịch hành hồ kỳ trung .

Hệ Từ Thượng, chương VII, tiết 2.

[11] 神 也 者 妙 萬 物 而為 言 者 也。

 Thần dã giả, diệu vạn vật nhi vi ngôn giả dã.

Thuyết quái, Chương VI.

[12] Thị cố Dịch hữu Thái Cực. Hệ Từ Thượng, XI, 5.

[13] 復 其 見 天 地 之心 乎? Phục kỳ kiến Thiên Địa chi tâm hồ. Dịch. Quẻ Phục, Thoán.

[14] 道 心 . Đạo Tâm.

Kinh Thư, Ngu Thư, IV, Đại Vũ Mô, 15.

[15] 黃 極。 Hoàng Cực.

Kinh Thư, Chu Thư IV, Hồng Phạm, 4.

[16] 衷 ,中 。 Trung. Thương Thư 3, Thang Cáo 2.

[17] 彝 。 Di. Kinh Thi, Đại Nhã, Đãng, Chưng Dân VI, 2.

[18] 則 。 Tắc. (Xem 17 trên).

[19] 性 。 Tính. Trung Dung, chương I.

[20] 格 。 Cách. Đại Học, I.

[21] 明 德. Minh Đức. Đại Học, I.

[22] 致 知 在 格 物, 物 格 而 後 知 至。

 trí tri tại cách vật , vật cách nhi hậu tri chí.

Đại học, chương 1.

中 即 至 理, 何 嘗 不 兼 至 義。 大 學, 文 言 皆 言 知 至。

 所 謂 至 者 即 此 理 也。 語 讀 易 者 曰 能 知 太 極 即 是 知 至。

 語 讀 洪 範 者 曰 能 知 黃 極 即 知 至。 夫 豈 不 可,

蓋 同 指 此 理, 則 曰 太 極, 曰 中, 曰 至, 其 實 一 也。

*Trung tức chí lý. Hà thường bất kiêm chí nghĩa. Đại Học, Văn Ngôn giai ngôn tri chí. Sở vị chí giả tức thử Lý dã. Ngứ độc Dịch giả viết tri Thái Cực tức thị tri chí. Ngứ độc Hồng Phạm giả viết năng tri Hoàng Cực tức thị tri chí. Phù khởi bất khả, cái đồng chỉ thử Lý, tắc viết Thái Cực, viết Trung, viết chí, kỳ thật Nhất dã.

*Trung là Chí lý, và cũng là Chí Nghĩa. Đại Học, Văn Ngôn đều nói Tri Chí. Người đọc Dịch thì cho rằng biết Thái Cực là Tri chí. Người đọc Hồng Phạm thì cho rằng biết Hoàng Cực là Tri Trí. Tất cả đều là một Lý. Gọi Thái Cực, gọi Trung gọi Chí lý, đều là một vậy.

Phụ Chú, Lục, Thái Cực đồ thuyết biện, Tống Nguyên Học Án, quyển 12, trang 6.

[23] Trung Dung, chương I, Bình Luận của Chu Hi.

[24] 萬 物 皆 備 於 我 矣, 反 身 而 成, 樂 莫 大 焉。

 Vạn vật giai bị ư Ngã hĩ, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.

Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng, 4.

[25] Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, Khủng cụ hồ kỳ sổ bất văn. Mạc hiện hồ ần, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã.

Trung Dung, chương I.

[26] Trung Dung, XXX

[27] 惟 天 為 大, 惟 堯 則 之

 Duy Thiên vi Đại, duy Nghiêu tắc chi.

Luận Ngữ. Thái Bá đệ bát, 19. .---Lễ Ký q. 1, Trọng Ni yên cư, tr. 10.

 天 行健, 君 子 以 自 強 不 息

Dịch, Quẻ Kiền, Đại Tượng Truyện.

[28] Luận Ngữ. Tử Hãn đệ cửu, 4.

[29] Luận Ngữ. Tử Hãn đệ cửu, 4.

[30] 故 曰 配 天。 Cố viết Phối Thiên.

Trung Dung, 31.

高 明 配 天。 Cao minh phối Thiên.

Trung Dung 26.

[31] 致 中 和。 Trí Trung Hòa.

Trung Dung, chương I.

[32] 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中。

Trung Dung, II.

[33] 止 於 至 善。 Chỉ ư chí thiện.

Đại Học, I.

從 容 中 道, 聖 人 也。Thung dung Trung Đạo, thánh nhân dã.

Trung Dung, XX.

致 廣 大 而 盡 精 微, 極 高 明 而 道 中 庸。

Trung Dung, XXVII.

苟 不 固 通 明 聖 知, 達 天 德 者, 孰 能 知 之。

Cẩu bất cố thông minh, thánh trí, đạt thiên đúc giả, thục năng tri chi.

Trung Dung, XXXII.

[34] 成 己 仁 也, 成 物 知 也。 性 之 德 也。 合 內 外 之道 也。 故 時 措 之 宜 也。

Thành kỷ nhân dã, thành vật trí dã. Tính chi đức dã. hợp nội ngoại chi đạo dã. Cố thì thố chi nghi dã.

Trung Dung XXXI.

[35] 故 曰﹕ 配 天。

Trung Dung, XXXI.

[36] 曾 子 曰 ﹕ 夫子 之 道, 忠 恕 而 已 矣。

Tăng tử viết: Phu tử chi đạo, Trung Thứ nhi dĩ hĩ.

Luận Ngữ. IV, 15.

盡 己 曰 忠, 如 己 曰 恕。

Tận kỷ viết Trung, như kỷ viết Thứ.

Tiên Nho.

[37] 帝 = 德 者 合 天 稱 帝。 Đế= đức giả hợp Thiên giả, xưng Đế.

Bạch hổ Thông. Khang Hi tự điển.

---黃 = 大 也, 天 也。

Hoàng = Đại dã, Thiên dã.

Xin đọc thêm Nho Giáo, Trần trọng Kim, q. I, tr. 39, 40; 213---218; và q. II, tr. 103.

*************         

CHƯƠNG XXI.

VŨ TRỤ QUAN

(THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ)


Nho giáo chủ trương: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. [1] Bản thể đất trời thời duy nhất, nhưng hình tướng bên ngoài thì biến ảo muôn ngàn. (Thể duy nhất, dụng vạn thù).

Đà diễn tiến của vũ trụ như sau:

Vô cực [2] sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, và cứ đà ấy tạo dựng quần sinh vũ trụ.[3]

Nói cách khác:

Trời sinh ánh sáng, ánh sáng sinh từ lực. Từ lực, tức nhị khí âm dương, sẽ tác dụng phối hợp nhau, theo những phương thức khác nhau, để sinh mây gió, nước lưả, núi non, trời đất.

Theo quan niệm trên, thì Vô hình dần dà cô đọng thành Hữu hình, ánh sáng dần dần biến thành thiên hình, vạn trạng.

Ngược lại với giáo lý các đạo độc thần (Thiên Chúa Giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo) chủ trương thế giới này đã được dựng nên bởi không (création ex nihilo), Nho giáo chủ trương thuyết sinh hoá (émanation et transformation), nghĩa là vạn hữu đã từ Nhất thể phân thân mà thành, một thuyết sinh hoá đặc biệt, vì hết chu kỳ biến dịch, lại trở về nguyên bản. (Thiên Địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. ---Nguyên Thủy phản chung). [4] Ta còn gọi đó là Thuyết: Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể.

Thái Cực hay Ánh Sáng Chí Tôn ấy như vừng dương ngự trị giữa hoàn võ, tung tỏa hào quang khắp nơi để duy trì sinh hoá. Đâu có sinh hoá, đấy có Thái Cực. Trong mỗi vi trần, đều có Thái Cực, trong mỗi nhân thân đều có Thái Cực. [5]

Thái cực còn gọi là Trung, vì bất biến, làm khu nữu cho vũ trụ; gọi là Dịch, vì làm cho vạn hữu biến hóa; gọi là Đạo vì là Nguyên Động lực muôn loài...

Từ trước tới nay, ít người hiểu hai chữ Vô Cực, Thái Cực của cổ nhân, nên từ ngữ đã làm chết nghẹt tư tưởng, và vì vậy không tìm ra được điểm tương đồng giữa các học thuyết Âu Á.

Nhưng nếu hiểu Vô Cực là “Trời Ẩn”, Thái Cực là “Trời Hiện”, thì ta sẽ biết ngay Thái Cực chính là Đạo, là Hóa Công, là Tạo Hóa. Như vậy, Vô Cực, Thái cực chỉ là hai phương diện Ẩn Hiện của Hóa Công (Non---Manifestation et Manifestation).

Hai phương diện này làm ta liên tưởng đến Brahman (Vô) và Isvara (Hữu); Nirguna (Vô Tướng = sans qualité), và Saguna (Hữu Tướng = avec qualité) trong kinh Veda của Ấn Độ. [6]

Đó cũng là quan điểm của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh.

“Hoá Công hồ dễ đặt tên,

Khuôn Thiên hồ dễ mà đem luận bàn.

Không Tên sáng tạo thế gian,

Có Tên là mẹ muôn ngàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy oai linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện, một Hoá Nhi,

Huyền Linh khôn xiết, huyền vi khôn lường.

Ấy là “Chúng diệu chi môn”,

Cửa Thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi. [7]
“Thiên Địa vạn vật nhất thể “là một học thuyết chung cho nhiều Đạo Giáo. [8]

Theo thuyết này, thì chỉ Tâm Điểm là trường cửu, là duy nhất, còn vạn vật vạn hưũ bên ngoài thì dị biệt biến thiên. Cho nên, nếu nhìn hẹp từng tầng, từng vật, thì thấy mọi sự đều chia phôi, xa lạ, còn nếu nhìn bao quát cả toàn thể, thì thấy mọi sự, mọi vật đều như lá, như cành, như hoa, như quả cùng chung một gốc, và trong những lớp màng, lớp áo, lớp vỏ biến thiên bên ngoài, còn có một tinh hoa trường tồn, vĩnh cửu.

Vì có tầm mắt nhìn bao quát ấy, Trang Tử đã viết:

“Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta và muôn vật, sự tình chẳng hai.” [9]


Trang Tử còn chủ trương:

“Nếu nhìn chỗ “dị biệt”, thì thấy gan, mật, như Sở, Việt chia phôi, nếu biết nhìn điểm tương đồng, thì vạn vật đều là một.” [10]

Càng đi ra bên ngoài, càng thấy tôn ti, quí tiện đôi đường cách trở, càng tiến vào bên trong, càng tiến tới chỗ tương đồng. Vào đến Tâm Điểm, đến Đạo, đến Thái Cực, thì hết phân quí tiện, vì vạn vật đều mang Thái Cực. Đó chính là chỗ Tề Vật của Trang Tử.[11]

Theo Alfarabi, một triết gia Ả Rập thời Trung Cổ, thì trong tác phẩm Thần Học (Théologie), Aristote cũng chứng minh sự hiện diện của Duy Nhất trong lòng mọi tạp thù dị biệt. [12]

Áo Nghĩa Thư (Upanishad) chủ trương: dưới những lớp biến thiên, ảo hóa bên ngoài của vũ trụ, có một Bản Thể duy nhất: đó là Tuyệt Đối thể, là Brahman, hay Atman căn nguyên của vũ trụ, và chân tâm của con người.[13]

...”Như nhện chăng tơ, như lửa sinh tàn, tự Chân Tâm cũng phát xuất ra mọi nguồn sinh lực, mọi vũ trụ, mọi thần minh, mọi vạn hữu...”[14]

Sách Zohar, một sách Huyền Học Do Thái cũng đồng quan điểm như vậy, khi chủ trương:

“Thượng đế là Trung Điểm, vạn hữu bao bọc chung quanh, thành nhiều vòng, hay nhiều thế giới đồng tâm.

Thượng đế phát huy ra vũ trụ, nên sự phát triển của vũ trụ tiến từ tầng trong ra tới tầng ngoài, và vô hạn giáng phàm dần tới hữu hạn...Trong là Thượng giới, ngoài là Hạ giới; trong cùng là tinh thần, ngoài cùng là vật chất, vòng ngoài bao bọc, hỗ trợ vòng trong như vỏ, như cùi bảo vệ cho nhân, cho hạt...[15]

Kinh Hoa Nghiêm, theo Đào Hư Tử, cũng chủ trương:

Vạn lý đều do một Tính mà phát xuất ra.[16]
Kinh Lăng Nghiêm viết: Các Pháp đều do tâm biến hiện.[17]

Vũ Trụ quan này đưa đến những kết quả sau:

1.Trời, người tương quan mật thiết với nhau: Trời là Nhân, người là quả, là vỏ bọc. [18]

2.Trời bất biến, người biến thiên. Đã biến thiên thì không vĩnh cưủ. Vậy con người muốn vĩnh cửu, muốn trường sinh bất tử, phải kết hợp với Trời, Nhân Tâm phải kết hợp với Đạo Tâm. Trường sinh bất tử không phải là một dữ kiện (Fait), mà là một công trình phải thực hiện (oeuvre à réaliser).

Thực ra, Cựu Ước cũng chủ trương:

“Sự kết hợp với đức Minh Triết đưa ta đến chỗ bất diệt.”[19].

Thế là:

Dục cầu nhân bất tử,

Tu tầm Bất Tử Nhân.[20]

Dịch:

“Muốn cho người được trường sinh,

Phải tìm ra đấng huyền linh trường tồn.”


3.Trời ví như căn bản, nguồn gốc; nhân loại, quần sinh, ví như những cành lá (mạt), những dòng sông (lưu). Trời là Thể (Essence), nhân loại quần sinh là những hiện tượng (phénomènes), những ứng dụng bên ngoài (dụng = Services). Trời thì vi ẩn; nhân loại, quần sinh thì hiển hiện, nhưng đôi bên đều mật thiết tương quan với nhau.

Chu Hi viết:

Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián
 體 用 一 源, 顯 微 無 間


Thể với Dụng đều chung gốc rễ,

Hiển cùng Vi khôn lẽ chia phôi. [21]

4.---Đi từ Trời xuống quần sinh, vũ tru, từ tinh thần ra vật chất là trụy lạc, là thoái hóa, nhưng cũng là tạo tác. Đi từ quần sinh vũ trụ lên tới Trời, từ vật chất về tinh thần là siêu thoát, là tiến hóa, là thần thánh hoá bản thân. Đó là Bí quyết “Qui Nguyên, phản Bản” “Trở về gốc, quay về nguồn”, [22] hay “Âm Dương điên đảo” [23] của người xưa.

5.---Như vậy, sự tạo dựng trong vũ trụ chưa chấm dứt, bao lâu còn biến thiên, bấy lâu còn tạo dựng. Bao lâu con người còn cần tu luyện, thì bấy lâu lò cừ Tạo hoá còn chưa ngừng công việc được.

6.---Vũ trụ quan trên xây nền tảng cho cả một hệ thống đạo lý và siêu hình học.Chỉ có Đạo, có Thái Cực, có Tuyệt Đối mới là nguồn mạch sự sống, là chân lý bất biến, là điểm hội tụ tối hậu cho nhân loại, còn các hiện tượng, hình danh, sắc tướng bên ngoài đều là tuồng biến thiên, ảo hóa.Muốn trở nên Thánh, Hiền, Tiên, Phật, muốn trường sinh, bất tử, điều kiện tiên quyết là phải biết “võng tượng”, lìa bỏ các hiện tượng, các hình ảnh; theo Trung Đạo, “dữ Đạo hợp Chân”, cho tâm thần đạt tới và sống trong Tuyệt Đối Thể.[24] Các Hiền Thánh xưa đều muốn qui vạn thù về một mối, cho các trào lưu tư tưởng, ước mơ chảy ngược dòng để đổ về lại căn nguyên, đều muốn sống hòa đồng với Tuyệt Đối Thể, đều muốn không còn cái “mình”, cái “ta” nhỏ nhoi, ti tiện nữa, lấy phương châm “Vô Ngã” làm mục đích tối hậu cho công phu tu luyện.[25]

7.---Vũ trụ quan trên cho thấy tại sao con người phải tiến tới Vô Ngã, phải hòa đồng với Đạo, với Trời, mới được trường sinh, bất tử, mới mong tiến tới Đại Đồng (universalité) [26].

Lý do rất là giản dị: Vì chỉ có Bản Thể mới vĩnh cửu, còn hiện tượng ứng dụng thì biến thiên theo thời, khi còn, khi mất, thăng trầm, chất chưởng. Đằng khác, Thái Cực là toàn thể, quần sinh là phân số, là bộ phận, cho nên muốn tiến tới Đại Đồng (Universalité), phải tiến tới toàn thể. Theo Nho giáo, thánh nhân cần phải có độ lượng tâm hồn mênh mông bằng tầm thước vũ truï, nghĩa là phải biết trút bỏ hết mọi giới hạn, màu da, sắc áo, lối đường tư tưởng riêng biệt, gạt bỏ hết mọi nhỏ nhen, ti tiện, để tiến tới công chính, cao đại, tôn quí.[27]

8.---Tìm Trời tìm Đạo phải tìm trong đáy lòng.

Cổ nhân gọi đó là “Hồi Tâm Phản Tỉnh” hay “Phản Thân nhi thành” [28]. Và các phương pháp tham thiền, nhập định, (contemplation, concentration et extase) cũng cốt là để kết hợp với đấng Tối Cao. [29]

9. ---Biết được Trời lồng trong tâm khảm, để làm khuôn phép mẫu mực, làm căn cốt cho tâm hồn, tức là thấu triệt nghĩa lý, là hiểu biết tới căn để. Đó là Cách vật, trí tri theo Đại học.

“Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời,

Hay Khuôn Trời ắt thôi thấu triệt.

Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay...” [30]

Đó là cái hiểu biết cao siêu nhất của nhân loại. [31]

10.---Trở về với Trời, với Đạo, với Thái Cực tức là thông suốt nhẽ huyền vi: “Tạo hoá qui Trung chi diệu.” [32]

Công trình này người xưa gọi là:


Kiến tố bão phác
 見 素 抱 樸。[33]

Qui Nguyên phục Mệnh.
 歸 元 復 命。

Phục qui Đạo
 復 歸 道 [34]

Phục qui Anh Nhi
 復 歸 嬰 兒。[35]

Phục quy Vô Cực
 復 歸 無 極。[36]

Phản kỳ Chân
 反 其 真。[37]

Phục kỳ bản
 復 其 本。

Qui nguyên phản bản
 歸 元 返 本。[38]

Dữ Đạo hợp Chân
 與 道 合 真。

Toản thốc ngũ hành
 攢 簇 五 行

Hội hợp Bát quái
 會 合 八 卦。

Tam hoa qui đỉnh
 三 華 歸 頂。

Ngũ khí triều nguyên
 五 氣 朝 元。[39]

Minh bạch nhập tố
 明 白 入 素。[40]

Vô vi phục phác
 無 為 復 扑。 [41]

Thể Tính bão Thần
 體 性 抱 神



Trở về với Trời, kết hợp với Trời là đạt Đạo, đạt đích (chí Nhân), là trở thành Con Người Thật (Chân Nhân). Đó là Thung Dung Trung Đạo.[42]

Theo Vũ Trụ Quan trên thì Vạn Vật do Trời sinh, dù phiêu lãng mấy trên trùng dương thời khắc, chung qui cũng vẫn phải trở về với Trời, với Đạo.[43]

Con người theo một qui luật như vũ trụ, nên trước sau cũng phải về với Đấng Tối Cao. [44]

Trung Dung là cứu cánh con đường đó. Đạt đạo Trung Dung sẽ trường sinh vĩnh cửu. Thanh Tĩnh Kinh giải thích vĩnh cửu, trường tồn là Trung Dung. (Thường giả, Trung Dung dã)[45]. Người Âu Châu thường công kích quan niệm trên và cho là “phiếm thần chủ nghĩa.”

Nhưng thay vì bàn cãi suông, nếu ta dở Thánh Kinh, nếu ta khảo sát giáo lý, hay nghiên cứu tư tưởng các thánh hiền Thiên Chúa Giáo, ta sẽ thấy những chủ trương tương tự.

*Các Hiền thánh Thiên Chúa Giáo cũng tin:

1. Thượng đế ở khắp nơi. (Omniprésence de Dieu)

2. Vạn vật đều do Ngôi Hai sáng tạo.[46]

3. Con người là dòng dõi Thượng Đế, [47] có thể thông phần Bản thể với Thượng Đế.[48]

4. Nước Trời ở đáy lòng .[49]

5. Vinh quang Trời ở trong lòng nhân loại. [50] Hơn thế nữa, vài vị Đại Thánh còn nhận:

6. Trời là Bản Thể muôn loài. [51]

Vả lại, đã chấp nhận Thượng đế ở khắp nơi, sao lại không dám nghĩ Thượng Đề có ở đáy lòng nhân loại? Nếu đã chấp nhận nước Trời ở đáy lòng, thì Trời ở đâu nếu không phải ở đáy lòng nhân loại?

Nếu Trời đã ở ngay trong thâm tâm nhân loại, thì tìm Đạo, tìm Trời phải tìm ở đáy lòng, tìm trong suy tư, thầm lặng, hay phải tìm Trời, tìm Đạo trong những tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát bên ngoài?
Và thế nào là người đạo hạnh, nếu không phải là người có Thiên Chúa hiện diện đáy lòng, và không còn ước mơ ngoại cảnh. [52]

Một khi đã xác định Trời ở đáy lòng, nước Trời ở đáy lòng, thì sự siêu thoát chắc chắn phải được thực hiện bằng sự thông suốt điều huyền nhiệm đó, và bằng những công cuộc tu luyện tâm thần, tham thiền, nhập định, diệt dục,vong ngã, để kết hợp với đấng Tối Cao.

Suy ra, thì Thượng giới ở ngay trong tâm hồn ta, mà hạ giới chính là thế gian ở ngoài ta. Càng tiến ra bên ngoài, là càng đi vào tục lụy, càng bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, không gian và thời gian. Càng tiến vào bên trong, là càng thoát vòng kiềm tỏa của vật chất, của ngoại cảnh...cho nên, muốn khinh khoát, tự do, cần phải có một đời sống nội tâm rồi rào, phong phú. [53]

Từ Vô Cực, Thái Cực biến hóa xuống dần tới vạn hữu, là từ cao siêu, đi dần xuống tới ti tiện, là bước dần xuống các nấc thang giá trị, cho tới kỳ cùng. Đi từ vạn hữu trở về Thái Cực, Vô Cực là tiến từ ti tiểu tới cao đại, là bước dần lên các nấc thang giá trị, cho tới hoàn hảo siêu việt.[54] Đó là nhẽ tồn vong, thăng trầm của vũ trụ.

Nhưng vì Vô Cực, Thái Cực ở ngay trong đáy lòng con người, nên nếu cứ để cho tâm hồn tản lạc, phá tán, theo các hiện tượng bên ngoài, thì sẽ đi đến chỗ trụy lạc, tan rã; còn nếu biết đi trở ngược, từ hiện tượng nhận ra tâm hồn, thần trí, Thái Cực, Vô Cực tiềm ẩn trong đáy lòng, thì sẽ tìm ra được con đường siêu thoát. [55]

Vũ trụ quan trên, cũng như toàn bộ Trung Dung, và Kinh Dịch, chẳng qua cốt dạy con người đâu là nguồn mạch của mình, cũng như đâu là quê hương cùng đích của mình...

Theo Vũ Trụ quan trên thì không gian và thời gian cũng biến động, cũng co giãn khôn lường. Càng đi sâu vào nội tâm, càng đi sâu vào tầng trong, thì không gian, và thời gian càng co lại, tưởng chừng đi đến không điểm (le Cinq ou le Zéro métaphysico---mathématique)[56], mà kỳ thực lại tiến tới vĩnh cửu, trường tồn. Càng tiến ra bên ngoài thì không gian và thời gian càng giãn ra, dài ra, tưởng chừng tiến tới vô cùng, mà kỳ thực là tiến tới phù du, hư ảo; cho nên một giây phút trong tâm thần có thể tương đương với mấy nghìn vạn năm bên ngoài. Tinh Thần cũng vì thế có thể nói được không tương lai, và dĩ vãng, hằng cửu, bất biến. Cho nên một cuộc đời vật chất bên ngoài, nghĩ đi, nghĩ lại cũng chỉ nhanh như một giấc mộng.

“Bôn ba đời nghĩ buồn rầu,

Hư không giấc mộng đêm thâu, thấy gì.

Vô thường muôn việc bỏ đi,

Kíp hồi đầu lại kẻo khi ngỡ ngàng”.[57]

Vũ trụ quan trên có thể nói được là một quan niệm chính xác về vũ trụ, vì nó bộc lộ huyền cơ tạo hoá, quán thâu nhẽ biến hằng của đất Trời, toát lược lịch sử nhân quần vũ trụ, cũng như phác hoạ cơ cấu nhân quần vũ trụ bằng một tâm điểm và một vòng tròn, bằng một chữ Trung và một chữ Dịch.

Mới hay Trung Dung và Kinh Dịch chủ trương dạy người một môn học cao siêu, có mục phiêu là “Thấu suốt Bản Tính và Định Mệnh “mình, để chung cuộc sẽ được kết hợp với Trời với Đạo. [58]

Thâm ý của Thánh hiền là làm sao cho mọi người, kẻ trước, người sau, ai ai cũng có thể đạt được Trung Điểm, đạt được “Thái Cực”, “Chí cực”, “Vô Danh khả danh”. [59]

Theo Dịch Kinh, khi người quân tử đã am tường Trung Cung, Trung Điểm, khi Bản Thể đã ở đúng ngôi vị của nó, ---nói cách khác, khi con người đã đạt tới Thiên Vị, đã kết hợp được với Trời,---[60] thì bao nhiêu sự tốt tươi, đẹp đẽ từ đáy thẳm, lòng sâu tâm hồn sẽ tung tỏa ra khắp cơ thể, sẽ thấm nhuần khắp tứ chi, sẽ chói lọi trong sự nghiệp. Thật là đẹp đẽ đến tuyệt vời vậy.[61]

Nhưng con người muốn trở về Trung Cung, Trung Điểm, muốn được thông tuệ, diệu minh, cần biết suy tư vì có suy tư mới biết huyền cơ Tạo Hoá, mới có thể thần thánh hóa mình, và trở nên hoàn thiện được.[62]

Cao đại thay là căn nguyên con người, trọng vọng thay là định mệnh con người, Đẹp đẽ thay là công phu tu luyện của con người.

Còn gì làm cho ta sung sướng hơn là cảm thấy Trời ngay trong lòng, là nguồn sống và là cùng đích mình; có thần trí thông minh để nhận ra chân lý đó; có thời gian, không gian và vạn hữu làm phương tiện cho công phu, tu luyện ; tu luyện để nên hoàn thiện như Trời, để rồi ra được kết hợp với Trời, thông phần bản tính và vinh quang Trời, trường sinh vĩnh cửu cùng Trời đất.[63]

Tóm lại vũ trụ quan trên đây là kết tinh của một nền học vấn cao siêu, tương truyền từ Đông sang Tây.

Nhờ vũ trụ quan này mà các hiền thánh muôn đời đã dược “khai quang, điểm nhãn” [64] dùng mắt tinh thần nhìn nhận ra Thượng Đế ở khắp nơi, và thấy mình sống trong vinh quang Thượng Đế. [65]

Gẫm cho cùng thì:

Muôn loài sinh hoá đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn Bản Nguyên.

Hoàn Bản Nguyên an nhiên phục mệnh,

Phục Mệnh rồi trường vĩnh vô cùng. [66]


Cổ nhân vì vậy dùng Tâm Điểm của vòng Dịch để tượng trưng cho Trời vừa là căn bản của vũ trụ, vừa là mục đích tối hậu của công cuộc tu luyện, tiến hoá của quần sinh, vũ trụ.

Cho nên Trung Dung chí cao chí đại vì đưa con người đến vinh quang tuyệt đối. Phải mở tầm mắt, phải mở tầm tâm hồn cho rộng rãi vô biên thì mới tìm ra được Điểm Trung. [67]

*Hết phần chính văn

*************         


CHÚ THÍCH


[1] ...Considérer l’univers comme faisant un tout et où le désordre d’une partie se répercute dans le Tout ---considérer encore l’homme au centre de cet univers et faire du coeur de l’homme le coeur de l’univers: telle est l’idée contenue dans les livres classiques et exprimée surtout par les philosophes des Song...Avec tous les penseurs chinois, il (Wang Yang Ming) répète que “l’homme c’est le coeur de l’univers; l’univers avec moi constitue un seul corps (un tout)”

Wang Tch’ang Che, S.J., La Philosophie Morale de Wang Yang Ming, p. 74---75.

人 者 天 地 萬 物 之 心 也。 心 者 天 地 萬 物 之 主 也。 心 即 天。

Nhân giả, Thiên địa, vạn vật chi tâm dã. Tâm giả, Thiên Địa vạn vật chi chủ dã. Tâm tức Thiên.

Như trên, appendice, 10.

[2] 理 本 無 形, 故 謂 之 無 極。Lý bản vô hình, cố vị chi Vô Cực.

[3]Thái cực đồ thuyết của Chu Đôn Di, Chu Nguyên Bồi, Tính Học Đại Cương, q.1, tr. 1.

[4] L’Extrême---Orient ancien a fait partie d’un monde où la coexistence de grands courants spirituels (Zoroastre, Bouddha, Confucius, Lao---tseu, Platon), ne s’explique que par certaines idées communes unanimément admises de la Méditerranée au Pacifique. Toutes ces vieilles cultures eurasiatiques se présentent comme des cosmologies pour lesquelles une même substance compose toutes les choses créées.

Pierre Huard, Connaissance du Vietnam 63.

...Đạo sinh Nhất: Nhất vi Thái Cực, Nhất sinh nhị vi Lưỡng Nghi; Nhị sinh Tứ, vi Tứ Tượng; Tứ sinh bát vi Bát Quái; Bát sinh Lục Thập tứ; Lục Thập Tứ cụ nhi hậu Thiên Địa vạn vật chi đạo bị hĩ. Thiên Địa vạn vật mạc bất dĩ Nhất vi Bản Nguyên, vu nhất nhi diễn chi vi vạn, cùng Thiên Địa chi số phục qui vu nhất. Nhất giả hà dã, Thiên Địa chi tâm dã. Tạo hóa chi nguyên dã.

Tống Nguyên Học Án, quyển 10, tr. 62, Ngữ lục Tống Nguyên học Án.

道 生一, 一 為 太 極;一 生 二, 二 為 兩 儀;

 二 生 四 為 四 象, 四 生 八 為中K卦, 八 生 六 十 四;

 六 十 四 具 而 後 天 地 之 道 備 矣。 天 地 萬 物 莫 不 以 一 為 本 原,

 于 一 而 演 之 為 萬, 窮 天 地 之 數 復 歸 于 一。

 一 者 何 也﹕ 天 地 之心 也。 造 化 之 原 也。

..."Tất cả là Một, tất cả chúng sinh đều từ Phổ Quang Minh Trí (Lumière omniprésente, Intelligence éclairante) mà ra, thì tất cả sẽ trở về với Ánh Sáng Trí Trí Huệ ấy, tức là thành Phật. “

Mai Thọ Truyền, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, tr. 30.

[5] 太 極 者, 所 謂 象 帝 之 先。 先 天 地 生, 能 生 天 地 萬 化 之 祖 根 也。

本 無 有物, 無 象, 無 數, 無 方 隅, 無 往 不 在。 言 太 極 則 無 極 可 知。

大 而 天 地, 細 而 萬 物 莫 不 各 有 太 極, 物 物 一 太 極,

一 物 全 具 一 天 地 之理。地 理 正 宗, 卷 一, 頁 四。

Thái Cực giả, sở vị tượng đế chi tiên, tiên thiên địa sinh, năng sinh thiên địa vạn hóa chi tổ căn dã. Bản vô hữu vật, vô tượng, vô số, vô phương sở, vô vãng bất tại, ngôn Thái Cực tắc Thái Cực khả tri...

Đại nhi Thiên Địa, tế nhi vạn vật, mạc bất các hưũ Thái Cực, vật vật nhất Thái Cực , nhất vật toàn cụ nhất Thiên Địa chi lý.

Địa Lý Chính Tông, quyển I, tr. 4.

[6] A Source Book in Indian Philosophy, p. 38.

[7] Đạo đức kinh chương I.

冓子 首 章 言 無 名 天 地 之始, 有 名 萬 物 之 母, 而 卒 同 之。

 此 老 氏 宗 指 也。 無 極 而太 極, 即 是 此 旨。

Lão tử thủ chương ngôn vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh thiên địa chi mẫu, nhi tốt đồng chi. Thử Lão Thị tông chỉ dã. Vô Cực nhi Thái Cực thị thử chỉ.

Tống Nguyên học án, q. 12, tr. 3. Liêm Khê học án.

[8] Aussi, dans diverses traditions, voyons---nous la création à partir d’un centre, parce que là se trouve la source de toute réalité, et partant, de l’énergie de vie.Il arrive même que les traditions cosmologiques expriment le symbole du Centre dans les termes qu’on dirait empruntés à l’embryologie: “Le très Saint a créé le monde comme un embryon. Tout comme l’embryon croit à partir du nombril, de même Dieu a créé le monde par le nombril, et delà il s’est répandu dans toutes les directions.”

(Textes cités par Wensick, p. 19). Yoma affirme: “Le monde” a été créé en commencant par Sion.” (Như trên, p. 16). Aussi dans le Rig Véda (p. ex.: X, 149) l’univers est concu comme prenant son extension à partir d’un point central (Cf. le Commentaire de Kirfel, Cosmographie, p. 18).

Mircéa Eliade, Traité d’histoire des religions, p. 323.

[9] 天 地 與 我 並 生, 而萬 物 與 我 為 一。
Thiên Địa dữ Ngã tịnh sinh, Nhi vạn vật dữ Ngã vi Nhất.

Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận.

[10] 自 其 異 者 視 之, 肝 膽 楚 越 也 。 自 其 同 者 視 之, 萬 物 皆一 也

Tự kỳ dị giả thị chi, can đởm Sở Việt dã. Tự kỳ đồng giả thị chi, vạn vật giai nhất dã.

Từ khác biệt mà trông vạn vật,

Thì chia phôi gan mật, Việt Ngô.

Nhưng từ đồng điểm nhìn ra,

Muôn loài là một, phôi pha chưa từng.

(Nam Hoa Kinh, Đức Sung Phù.)

[11] 以 道 觀 之, 萬 物 無 貴 賤; 以 物 觀 之, 自 貴 而 相 賤。
Dĩ Đạo quan chi vạn vật vô quí tiện, dĩ vật quan chi, tự quí nhi tương tiện.
Nam Hoa Kinh, Thu Thủy.

[12] En son écrit, Théologie, Aristote démontre la présence de l’Un au sein de toute multiplicité...

Alfarabi, hay Ibn Tar Kan là một Triết Gia Ả Rập sinh tại Farab, chết nâm 950.

Cf. La Religion Essentielle, p. 107.

... Étienne Geoffroy St Hilaire, Vicq D’Azyr (1748---1794), Goethe (1749---1803) cũng chủ trương thuyết “Nhất Thể Vạn thù”, mà các Ông gọi là “modèle primitif et général” hay “Urpflanze” (Herder, Idée pour la Philosophie de L’Histoire de L’Humanité. p. 18 et ss, 97 et ss.)

[13] The Ultimate Reality should be designated generally as Brahman... and as It or That....The paradoxical, transcendent, yet immanent unity underlying the diversity of the world.
A source book in Indian Philosophy, p. 39.
... The One God hidden in all living beings,

The Living Witness abiding in all hearts---

The wise who seek and find them---Self,

To them and none else is eternal joy.

The all pervading inner Self of all,

Who from his formlessness creates all forms,

The wise who see that One within them ---self,

To them alone belongs eternal joy.

A prayer to the Supreme Being, translated from the Upanishad by Dr Bhagavan Das, Wisdom Light, Volume Seven, March, 1955, number Three, p. 34.

Cf. Chandogya Upa. 6,3.---Taittiriya Upa. 2---6.

[14] As a spider might come out with his thread, as small sparks come forth from the Fire, even so from this soul come forth all vital energies (Prana), all worlds, all gods, all beings.

Brihad---Aranyaka---Upanishad, 2---1---20.

[15] ...De la sorte, le développement de l’Infini vers le Fini porte en soi des dégradations du parfait vers l’imparfait....En ce sens, le développement des choses se fait du Centre vers la Périphérie, et par suite aux ordres successifs; ces ordres s’échelonnent comme des cercles concentriques...

L’univers créé tout entier, n’est donc que l’écorce de l’Ensof comme les pelures de l’oignon sont les vêtements du bulbe ou comme la coquille de la noix et le reste sont le vêtement de la graine.

H. Sérouya, La Kabbale, Chapitre Esprit et Matière, pp. 270---271.

[16] 讀 華 嚴 經; 萬 理 由 一 性 而 出。 讀 楞 嚴 經, 群 疑 究 一 性 而 空。

Độc Hoa Nghiêm Kinh: Vạn lý do nhất Tính nhi xuất. Độc Lăng Già kinh, quần nghi cứu nhất Tính nhi không.

Đào Hư Tử, Đông Châu kỷ thượng ngữ---tràng 3

[17] 我 常 說 言﹕ 色 心 諸 緣, 及 心 所 使, 諸 所 緣 法,

 惟 心 所 現。 汝 身, 汝 中腄A 皆 是 妙 明 真 精, 妙 心 中 所 現 物。

Ta thường nói các Pháp đều do tâm biến hiện cho đến thân và tâm ông ngày nay cũng đều là vật trong Chân Tâm hiện ra.

Thủ Lăng Nghiêm Kinh, q. II, cf. Thủ Lăng Nghiêm Kinh, hướng đạo xuất bản, tr. 44.

[18] 天 與 人 相 為表 裡。

Thiên dữ Nhân tương vi biểu lý.

Tính Lý q. 2, tr. 54.

...天 在 內, 人 在 外。

Thiên tại nội, Nhân tại ngoại.

Nam Hoa Kinh, Thu Thuỷ.

...心 即 天。。。良 知 即 天。

Vương dương Ming, Vương xương Chỉ, La Philosophie morale de Wang Yang Ming, appendice 10.

... 天 也, 人 也。 一 而 二, 二 而 一 也。

Thiên dã, nhân dã, nhất nhi nhị, nhị nhi nhất dã.

Thái Thượng bảo Phiệt đồ Thuyết, tr. 4.
天 性 人 也, 人 心 機 也。 立 天 之 道, 以 定 人也。

Thiên tính nhân dã, nhân tâm cơ dã. Lập thiên chi đạo, dĩ định nhân dã.

Âm Phù Kinh, tr. 1.

[19] L’immortalité est le fruit de l’union avec la Sagesse.

Livre de la Sagesse, 8, 17.

[20] 欲 求 人 不 死, 修 尋 不 死 人。

Dục cầu nhân bất tử, tu tầm bất tử nhân.

Tiên Học tr. 102.

... 天 人 合 德 萬 變 定 基。

Thiên Nhân hợp đức, vạn biến định cơ.

Âm Phù Kinh, tr. 1.

[21] Dịch Kinh Đại Toàn, Truyện Tự , tr. 5.

[22] 明 造 化 之 妙, 知 返 還 之 機。

Minh Tạo Hóa chi diệu, tri phản hoàn chi cơ.

Tiên học, tr. 21.

[23] 人 心 若 與 天心 合, 顛 倒 陰 陽 只 片 時。

Nhân tâm nhược dữ Thiên Tâm hợp, điên đảo Âm Dương chỉ phiến thời.

Tiên Học, tr. 7.

[24] 徇 象, 執 有, 逐 物 而遷, 而無 極 之真 境 不 可 見 矣。

聖 人 以 靜 一 字, 返 本 還 元。 蓋 造 化 人 事 皆 以 收 斂 為 主,

發 散 是 不 得 已 事。

Tuần tượng, chấp hữu, trục vật nhi thiên, nhi Vô Cực chi chân cảnh bất khả kiến hĩ. Thánh nhân dĩ Tĩnh nhất tự, phản Bản hoàn Nguyên. Cái Tạo hóa, Nhân sự giai dĩ thu liễm vi chủ, phát tán thị bất đắc dĩ sự.

[25] Các Đại Thánh Thiên Chúa Giáo cũng không đi ra ngoài tôn chỉ ấy. Phúc Âm dạy “Bỏ Mình” (Mat. 16, 24, 25; Lc 9, 23---27; Mc 8, 34).

Các Thánh Hiền Thiên Chúa Giáo đều mong muốn tâm hồn tan biến đi, để kết hợp với Thượng đế. Như lời nguyện của thánh Bonaventure sau đây:

En sorte que mon âme languisse et se fonde sans cesse d’amour et de désir pour vous seul. Qu’elle soupire après vous, et se sente défaillir à la pensée de vos tabernacles, qu’elle n’aspire qu’à sa délivrance, et à son union avec vous.

Prière de Saint Bonaventure, Paroissien Romain, p. 58.

[26] 無 我 然 後 得 正 己 之 盡, 存 神 然 後 妙 應 萬 物 之 感。

Vô Ngã nhiên hậu đắc chính kỷ chi tận, tồn thần nhiên hậu diệu ứng vạn vật chi cảm.

Thái Nguyên Bồi, Lý học, q. I, tr. 4.

---合 乎 大 同。 大 同 而無 己。

Hợp hồ Đại Đồng, Đại Đồng nhi vô kỷ.

Trang Tử, Nam Hoa Kinh, chương XI, Tại Hựu.

[27] 宋 程 明 道 遺 書 言; 人 有 斗 筲 之 量, 有 釜 斛 之 量, 有 鍾 鼎 之 量,

有 江 湖 之 量。 江 湖 之量 故 大 矣。 然 有 涯 涘, 亦 有 時 而滿。

惟 天 地 之順q 則 無 滿。 聖 人 有 天 地 之 量 也。淵 鑑 纇 涵,¡聖, 一。

Tống Trình Minh Đạo di thư ngôn: Nhân hữu đẩu sao chi lượng, hữu phủ hộc chi lượng, hữu chung đỉnh chi lượng, hữu giang hồ chi lượng. Giang hồ chi lượng cố đại hĩ, nhiên hữu nhai sĩ, diệc hưũ thời nhi mãn. Duy Thiên Địa chi lượng tắc vô mãn. Tháng nhân hữu thiên địc chi lượng dã.

Uyên Giám loại hàm, Thánh, Nhất. quyển 268, tr. 4670.

[28] Mạnh tử, Tận Tâm Thượng, 4

[29] 高 中 憲 曰﹕ 心 與 天 一 而 已 矣。 心 大 無 外。 天 大 無 外。。。

世 人 之 心 梏 于 見 文 之 狹。 聖 人 窮 理 以 盡 其 心 之 全 體,

則 知 天 而 無 有 外 之 心 矣。 不 萌 于 見 聞, 不 因 見 聞 而 萌 也。

Cao trung Hiến viết: Tâm dữ Thiên Nhất nhi dĩ hĩ. Tâm đại vô ngoại, Thiên đại vô ngoại... Thế nhân chi tâm cốc vu kiến văn chi hiệp.

Thánh Nhân cùng lý dĩ tận kỳ tâm chi toàn thể, tắc tri thiên nhi vô hưũ ngoại chi tâm hĩ. Bất manh vu kiến văn, bất nhân kiến văn nhi manh dã.

Tống Nguyên Học Án, q. 17, tr. 25.

天 人 本 無 二。

Thiên Nhân bản vô nhị.

Tống Nguyên học Án, q. 13, tr. 17---Liêm Khê học án.

Écoute, homme insconstant et vide, ce que tu cherches n’est pas en dehors de toi, mais au dedans de toi:

Cesse donc de chercher et rentre en toi même, si tu veux trouver le Christ.

Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 162. Cf. Imitation du Christ.

[30] Đại Học, Chương I.

[31] Om! He knows Brahman, attains the highest! as to that this (verse) has been declared: He who knows Brahman as the Real, as knowledge (jnana), as the Infinite, set down in the secret place (of the heart) and in the highest heaven, He obtains all desires. Together with the intelligent Brahman...

Taittiriya Up. 2.1.---Cf. A source book of Indian Philosophy, p. 59.

---千 聖 皆 過 影, 良 知 乃 吾 師。

Thiên thánh giai quá ảnh, lương tri nãi ngô sư. (Vương Dương Minh)

Wang Tch’ang Tche, S.J. , La philosophie morale de Wang Yang Ming, Appendice I.

---致 知 即 致 中 也 (聶 豹)

Vương Dương Minh (Nhiếp Báo)

[32] 天 理 人 之 理 也, 徇 理 則 與 天 為 一。

我 非 我 也, 理 也。 理 非 理 也, 天 也。

Thiên Lý nhân chi lý dã. Tuần lý tắc dữ Thiên vi Nhất. Ngã phi Ngã dã, Lý dã. Lý phi lý dã, Thiên dã.

Tống Nguyên Học Án, q. 24, tr. 5. (Cảnh Vu học Án)

[33] Trung Hoa Triết Học sử, Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, tr. 13.

[34] Trung Hoa Triết Học sử, Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, tr. 10.

[35] Trung Hoa Triết Học sử, Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, tr. 10.

[36] Trung Hoa Triết Học sử, Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, tr. 12

[37] Nam hoa kinh, Thu Thủy.

[38] Thanh Tĩnh Kinh, tr. 64.

[39] Thượng Phẩm Đơn Pháp Tiết Thứ, tr. 10.

[40] Nam Hoa Kinh, Chương XII, Thiên Địa, đoạn K.

[41] ...Tâm truyền Nội Giáo Vô Vi,

 Là cơ xuất thế, hồi qui Động Đào.

Chiếu Minh, Đại Thừa Chân Giáo, tr. 92.

[42] ...Un arbre recoit l’essence, la hauteur et la largeur de ses racines. Si tu veux savoir d’où tu viens, demande---le à ton fonds, à la racine, à ton intention. Regarde combien ta profondeur a été pénétrée, combien tu t’es fixé à Dieu; et si tu vois que tu ne recherches que Dieu, que tu ne tends réellement que vers Dieu, comme la pierre tend uniquement vers la terre; si tu ne cherches ni toi---même, ni rien qui t’appartienne, alors en vérité je te le dis: Tu est déiforme et Divin.

Eckart Le Jeune, Illan de Casa la Fuerte, La Religion Essentielle, p. 155.

[43] 老 子 以 宇 宙 萬 物 皆 道 之 所 生, 其 究 極 則 歸 於 道 之 本體。

Lão Tử dĩ vũ trụ vạn vật giai Đạo chi sở sinh, kỳ cứu cực tắc qui ư Đạo chi bản thể.

Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, Trung Hoa Triết Học Sử tr. 16.

[44] 必 其 心 返 於沖 漠 無 朕 之 本 體。

Tất kỳ tâm phản ư xung mạc vô trẫm chi bản thể. (Liệt Tử).

Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, Trung Hoa Triết Học Sử, tr. 29.

[45] Cf. Thanh Tĩnh Kinh, Siêu Thoát Phẩm, xem lời giải thích câu: Chân thường chi đạo, ngộ giả tự đắc...

[46] Phúc Âm thánh Joan, phi lộ.

[47] N’est---il pas écrit dans votre loi: “J’ai dit: Vous êtes des dieux.”

Jean 10---34; Psaume 82,6.

C’est en Lui (Dieu) que nous avons la vie, le mouvement et l’être.car nous sommes de sa race.

Actes des Apôtres, 4, 17, 28

[48] Ut per hoec, efficiamini divinoe consortes naturae. II, Pierre, 1, 4.

[49] Car déjà le Royaume de Dieu est en vous.

Dieu est en dedans de vous, dit le Seigneur. (Regnum Dei intra vos est, dicit Dominus). Imitation de Jésus Christ, Livre II, Chapitre I, 1.

[50] Toute sa gloire et toute sa beauté est intérieure, c’est dans le secret du coeur qu’il se plait. (Như trên, livre II, Chap. I, 1.)

[51] Il est manifeste que Dieu est la substance de tous les corps et de toutes les âmes. Notre intention est de rendre intelligibles aux Latins, toutes les parties de cette philosophie réelle.

St Albert le Grand. Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 131.

...Il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut---ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est toujours entre Dieu, et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elle s’anéantiraient aussitôt et ne seraient plus.

St Jean de la Croix, La Montée du Carmel, Desclée et Brower p. 133---134.

...Omnia per ipsum facta sunt et sine ipso factum est nihil quod factum est.

Evangelium secundum Joannem, prologue, caput I, 3.

[52] Avoir toujours Dieu présent au dedans de soi et ne tenir à rien en dehors, c’est l’état de l’homme intérieur. (Ambulare cum Deo intus, nec aliqua affectone teneri foris, status est interni hominis.)

L’Imitation de Jésus Christ, chapitre VI, 4.
...C’est une grande grâce que Dieu nous fait quand il nous aide à le chercher dans notre intérieur.

Ste Thérèse d’Avila, citée par Ilan De Casa Fuerte: La Religion Essentielle, p. 167.

[53] Monter vers Dieu, c’est entrer en soi---même. Celui qui entre en lui---même et pénètre au fond de son âme, se dépasse et atteint vraiment Dieu. (Albert le Grand)

Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 130.

...L’homme qui s’est ainsi élevé au---dedans de lui---même, entre plus profondément dans son Centre. (Albert le Grand.)

...Le Ciel est au---dedans non au dehors de chacun... Le Ciel est dans l’homme. (Emmanuel Svedenborg)

Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 183.

[54] ...De l’Esprit partirait une courbe de matérialisation pour revenir en s’allégeant jusqu’au point d’extrême spiritualité doué de densité la plus faible. Ce mouvement constituerait l’immense cercle du créé, la manifestation du circulus vital issu du Principe Générateur Éternel.

Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 13.

[55] 自 無 極 說 到 萬 物 上, 天 地 之 始 終 也。 自 萬 事 反 到 無

戈上, 聖 人 之 始 而 終 也。 始 終 之 說 即 生 死 之 說 而 開 闢 混 沌,

七 尺 之 去 流 不 與 焉。知 乎 此 者 可 與 語 道 矣。

Tự Vô Cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi thủy chung dã. Tự vạn sự phản đáo Vô Cực thượng, Thánh Nhân chi thủy nhi chung dã. Thủy chung chi thuyết tức sinh tử chi thuyết, nhi khai hạp hỗn độn, thất xích chi khứ lưu bất dự yên. Tri hồ thử giả khả dữ ngữ Đạo hĩ.

Tống Nguyên Học Án, q. 12, tr. 1. (Chu Liêm Khê học Án)

由 象 識 心, 洵 象 喪 心。

Tống Ngyuên học Án, q. 17, tr. 26, Hoành Cừ học Án.

[56] La Mathèse, p. 31.

[57] 奔 波 一 世, 總 是 虛 浮, 無 常 一 旦 萬 事 休。 急 早 回 頭

Bí bản Gia Cát Thần Số, bài 46.

[58] 窮 性 命 之 源, 必 以 體 天 為 學 問 之本。

Cùng Tính Mệnh chi nguyên, tất dĩ Thể Thiên vi học vấn chi bản.

Tống Nguyên Học Án, q. 11, tr. 10.

... La recherche par l’homme et dans l’homme sa propre divinisation, la recherche par l’homme et dans l’homme du Dieu Un...

Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 23.

[59] 聖 人 之意 以 其 究 竟 至 極 無 名 可 名, 故 特 謂 之 太 極

Thánh nhân chi ý dĩ kỳ cưú cánh “chí cực vô danh khả danh”, cố đặc vị chi Thái Cực.

Tống Nguyên Học Án q. 12, tr. 4.

[60] 立 乎 天 位 以 正 中 也。Lập hồ Thiên vị, dĩ chính trung dã,

Dịch Kinh, Nhu Quái. Thoán.

[61] 君 子 黃 中 通 理 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 支,

 發 於 事 業,之 至 也。

Quân tử Hoàng Trung Thông Lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã.

Văn Ngôn, Khôn quái, Hào LụcNgũ.

...Dans l’union intime, il parvient à la saveur spirituelle, à la possession trois fois sublime, et se plonge en Dieu, il s’enivre de délices dans l’existence essentielle ---or les torrents de délices font couler dans le point central des puissances de l’homme une plénitude d’amour sensible, et de cette plénitude, la saveur pénétrante attent la vie physique elle---même et coule dans membres de l’homme.

(Jean Ruysbroech), Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 146.).

[62] 無 思 則 不 能 通 微, 不 睿 則 不 能 無 不 通,

是 則 無 不 通 生于通 微,通 生 于思, 故 思 者 聖 人 之 本 也。

Vô tư tắc bất năng thông vi, bất duệ tắc bất năng vô bất thông. Thị tắc vô bất thông sinh vu thông vi, thông vi sinh vu tư. Cố tư giả, Thánh Nhân chi bản dã.

Tống Nguyên học Án, q. 11. tr. 5.d’amour sensible, et de cette plénitude, la saveur pénétrante attent la vie physique elle---même et coule dans membres de l’homme.

(Jean Ruysbroech), Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p. 146.).

[63] 博 厚 配 地, 高 明 配 天, 悠 九 無 彊。

Bác hậu phối Địa, cao minh phối Thiên, du cửu vô cương.

Trung Dung, chương 26.

[64] 大 人 者 , 以 天 地 萬 物 為一 體 也, 其 視 天 下 猶 一 家, 中國 猶 一 人 焉。

若 夫 間 形 骸 而 分 爾 我 者, 小 人 矣。

Đại nhân giả dĩ thiên địa vạn vật vi nhất gia dã. Kỳ thị thiên địa do nhất gia, Trung quốc do nhất nhân yên. Nhược phù gián hình hài nhi phân nhĩ ngã giả, tiểu nhân hĩ.

Vương Dương Minh, Đại Học Vấn

[65] Si tu cherches à l’intérieur de chaque atome,

 Au milieu, tu trouves un Soleil.

Les Sept Vallées, Bala’u’llah p. 15,

Gustave le Bon, L’évolution de la matière, p. 219

...Nous leur ferons voir nos signes dans le monde, et en eux---mêmes, et ils voyagent sur la mer de” Ils Comprendront qu’il est Dieu.” (Qu’ran) Như trên. p. 16.

Vũ trụ quan nói trên cũng phảng phất tương tự như nhửng vũ trụ quan của Buffon, Kant, Laplace, Carl Von Weizsacker, Gérard P. Kuiper, hay Édouard le Maitre. Về địng luật tụ tán áp dụng vào vũ trụ, nhà toán học Friedman khi giải lại những phương trình của Einstein cũng kết luận vũ trụ có thể giãn và có thể co được.

(Cf. Gamow, La Création de L’Univers, tr. 14, 15 , 25 và ss.)

...Cf. Âme de la Chine, p. 263: Toát lược Triết học Hégel.

[66] Chương XVI, Đạo Đức Kinh.

...Tout être qui connait sa propre essence, revient à son essnce par un retout complet.

(Liber de Causis, livre atrribué à Aristote)

Ilan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle,p. 56.

[67] 極 其 大 而 厚 中 可 求, 止 其 中 而 後 大 可 有。

Cực kỳ Đại nhi hậu Trung khả cầu. Chỉ kỳ Trung, nhi hậu Đại khả hữu.

Tống Nguyên Học Án, q. 17, tr. 29. (Hoành Cừ Học Án.)

------------------------------------
************************************         


No comments:

Post a Comment

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: