Monday, March 23, 2020

TRUNG DUNG TÂN KHẢO 中 庸 新 考


TRUNG DUNG TÂN KHẢO



TRUNG DUNG TÂN KHẢO
TRUNG DUNG TAN KHAO
中 庸 新 考

TRUNG DUNG TÂN KHẢO --

中 庸 新 考

-----------------
ĐẠI CƯƠNG

Trung Dung (中庸 ) là một trong bốn cuốn của bộ Tứ Thư. Ba quyển còn lại là Đại Học (大學 ), Luận Ngữ (論語 ), Mạnh Tử(孟子 ).

Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra  trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử.

Mục đích của sách Trung Dung là biểu thị rằng theo Trung Đạo có thể giúp chúng ta đạt được một trình độ cao của đạo đức.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân.

Sách Trung Dung chia làm hai phần:

Phần 1: từ chương 1 đến chương 20, là phần chính, gồm những lời của Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý trung dung, phải làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi.

Phần 2: từ chương 21 đến chương 33, là phần phụ, gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng ý nghĩa và giá trị của hai chữ trung dung.

Cả hai quyển sách Đại Học và Trung Dung trước đây là những thiên trong Kinh Lễ, sau các Nho gia đời Tống tách riêng ra làm hai quyển để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư.

*Tư tưởng chủ đạo:-

Sách Trung Dung (中庸) viết: "Sinh tri yên hành giả tri dã, học tri lợi hành giả nhân dã, khốn tri miễn hành giả dũng dã .(則生知安行者知也。學知利行者仁也。困知勉行者勇也) = Người nào biết ngay từ bẩm sinh, dễ làm đời, người ấy có sự biết; người nào cần học mới biết được, làm đời có lợi, người ấy có nhân ái; người nào khốn khổ mới biết được, cố gắng trong đời, người ấy có dũng ".


**************************         

TRUNG DUNG TÂN KHẢO

中 庸 新 考

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪

₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪₪

Mục lục

Tựa của ông Phạm Đình Tân (Đoàn trưởng Tinh Việt Văn đoàn).

Lời nói đầu của tác giả

QUYỂN I: TRUNG DUNG KHẢO LUẬN

Chương 1: Tàn tích và xây dựng
Chương 2: Bầu không khí đạo giáo thời thái cổ
Chương 3: Đạo thống Trung Dung
Chương 4: Chữ Tính, chữ Mệnh trong đạo Trung Dung
Chương 5: Tinh hoa Khổng giáo trong Tứ thư Ngũ kinh
Chương 6: Hai chữ Trung Dung
Chương 7: Xuất xứ và đại ý Trung Dung
Chương 8: Khai thác Trung Dung
Chương 9: Trung Dung và Dịch lý
Chương 10: Bản thể & hiện tượng luận theo Trung Dung & Dịch lý
Chương 11: Vũ trụ quan theo Trung Dung và Dịch lý
Chương 12: Nhân sinh quan theo Trung Dung và Dịch lý
Chương 13: Sử quan theo Trung Dung và Dịch lý
Chương 14: Những định luật chính chi phối con người và hoàn vũ  theo Trung Dung và Dịch lý
Chương 15: Di tích Trung Điểm và vòng Dịch trong hoàn vũ
Chương 16: Tổng luận

QUYỂN II: TRUNG DUNG BÌNH DỊCH

Tựa của Chu Hi

Chương 1: Thiên Đạo tại nhân tâm
Chương 2: Trung Dung là Đạo của quân tử
Chương 3: Đạo Trung Dung cao siêu
Chương 4: Trung Dung là Đạo của Thánh Hiền, không phải Đạo của phàm phu tục tử
Chương 5: Ít người theo được Đạo Trung Dung
Chương 6: Hai đường lối Đạo đời: Khôn ngoan và Xảo trá
Chương 7: Hai đường lối Đạo đời: Khôn ngoan và Xảo trá (tt)
Chương 8: Hai đường lối Đạo đời: Nhân đức và Tài cán
Chương 9: Hai đường lối Đạo đời: Nhân đức và Tài cán (tt.)
Chương 10: Hai đường lối Đạo đời: Sức mạnh tinh thần và Sức mạnh thể chất
Chương 11: Cư kính hành giản
Chương 12: Đạo Trời ẩn áo lại mênh mông
Chương 13: Đạo chẳng xa người
Chương 14: Quân tử lạc thiên tri mệnh
Chương 15: Tiên tu kỳ thân, hậu trị kỳ quốc
Chương 16: Trời chẳng xa người
Chương 17: Hạnh phúc của Thánh Nhân
Chương 18: Hạnh phúc của Thánh Nhân (tt.)
Chương 19: Hiếu là nối chí tổ tông
Chương 20: Sự hoàn thiện là lý tưởng của quốc gia, nhân quần, xã hội
Chương 21: Thiện Đạo và Nhân Đạo
Chương 22: Thánh Nhân cùng lý tận tánh
Chương 23: Phương pháp tu thân để tiến tới Thánh Hiền
Chương 24: Thánh Nhân tiên tri
Chương 25: Thánh Nhân trong ngoài trọn hảo
Chương 26: Thánh Nhân phối Thiên
Chương 27: Mênh mang là Đạo Thánh Hiền
Chương 28: Đạo Thánh Hiền phải hợp với Đạo cổ nhân
Chương 29: Đạo Thánh Nhân hợp tâm lý, lịch sử, thiên cơ
Chương 30: Thánh Nhân dữ Thiên đồng đức
Chương 31: Thánh Nhân là hiện thân của Thượng Đế
Chương 32: Thánh Nhân là bậc đại trí và hoàn hảo
Chương 33: Chân Đạo tại nhân tâm


QUYỂN III.- TRUNG DUNG YẾU CHỈ & PHỤ LỤC

TRUNG DUNG YẾU CHỈ

PHỤ LỤC

* Phụ lục 1:

A. Đạo thống Trung Dung của Mạnh Tử
B. Thánh Hiền Đạo thống truyền thụ tổng tự thuyết của Miễn Trai

* Phụ lục 2:

A. Bàn về chữ Tính theo Mạnh Tử
B. Luận về Tính theo Chu Hi 
       
* Phụ lục 3:

A. Ý niệm về Trời về Thượng Đế trong Tứ Thư Ngũ Kinh
B. Quan niệm Thiên nhân hợp nhất, Thiên nhân tương dữ trong Tứ Thư Ngũ Kinh
* Phụ lục 4: Trung đồ
* Phụ lục 5: Nguyên Đạo huấn của Hoài Nam Tử
* Phụ lục 6: Giải thích hình vẽ trong quyển I
* Phụ lục 7: Aperçu du Nouvel Essai sur le Centre Eternel
* Phụ lục 8: Glance on the New Essay of the Eternal Center
* Phụ lục 9: Tầm quan trọng của Trung Điểm trong Thiên văn và Địa lý
* Phụ lục 10: Trung Đạo chi truyền phú của Lương Gia Hòa ― Trung Dung Ca (phóng tác)

SÁCH THAM KHẢO


I * HÁN VĂN

- Âm Phù Kinh
- Cận tư lục tập chú (Chu Hi, Lã Tổ Khiêm, Giang Vinh tập chú)
- Chư Tử đích ngã kiến (Vương Xương Chỉ soạn)
- Chương phúc Ký giám bản Kinh Thi
- Chu Dịch xiển chân (Lưu Nhất Minh soạn)
- Cổ bản Ngũ Liễu tiên tông toàn tập.
- Dịch Kinh Lai chú đồ giải (Lai tri Đức, Lư Lăng Cao Tuyết Quân và Vĩnh Xuyên Lăng Hậu Tử soạn)
- Dịch Kinh đại toàn
- Hàm phân lâu bí cấp
- Hoàng Đế Nội Kinh
- Huỳnh Đình Kinh
- Kim Bích cổ văn
- Nhập Dược Kính (Thôi Hy Phạm soạn)
- Đạo gia trường sinh bí quyết (Vĩnh Gia Nhi soạn)
- Đạo Tạng tục biên [Kim Cái Sơn tàng bản]
- Pháp Bảo Đàn Kinh (Huệ Năng)
- Qui Nguyên trực chỉ (Đỗ Thiếu Lăng dịch)
- Tam Quốc Chí diễn nghĩa.
- Tham Đồng thiển chú
- Tham Đồng trực chỉ (Lưu Nhất Minh soạn)
- Thanh Tĩnh Kinh
- Thái cực quyền đồ thuyết (Trần thị)
- Thái Nhất Kim Hoa tông chỉ (Lữ Động Tân giáng bút)
- Thái Thượng bảo phiệt
- Thi Kinh
- Thư Kinh đại toàn
- Thông thiên bí thư
- Tiên học (Hứa Tiến Trung soạn)
- Tiên học tập cẩm (Cung Tùng Tiên soạn)
- Tính Lý tiết yếu (Bùi thị Nguyên Bản)
- Tính mệnh khuê chỉ (đệ tử của Doãn Chân Nhân soạn)
- Tính mệnh pháp quyết minh chỉ (Triệu Tị Trần soạn)
- Tống bản thập tam kinh (Dương Tứ Tôn chú sớ phụ hiệu khám ký)
- Tống Nguyên học án (Từ khê, Bằng Vân Hào soạn)
- Tứ Thư tạp chú [Ngữ quế đường thư cục]
- Tứ Thư tiết yếu (Hồ Quảng Dương Vinh)
- Trung Dung kim thích (Trần Bàn chú thích)
- Trung Dung văn ngôn đối chiếu [Hương Cảng Quảng Trí thư cục]
- Trung Quốc triết học sử (Tử Đồng Tạ Vô Lượng soạn)
- Trúc Song tùy bút
- Tu chân bất tử phương (Đạo Nhất Tử soạn)
- Uyên Giám loại hàm
- Vương Dương Minh toàn tập

2 * HÁN - ANH

- The Four Books (James Legge dịch)

3 * HÁN - PHÁP

- Les Annales de la Chine (Séraphin Couvreur dịch)
- Les Pères du Système Taoiste (Léon Wieger S.J.)
- Les quatre Livres (Séraphin Couvreur dịch)

4 * HÁN - LATIN

- Cursus Litteraturoe Sinicoe (P. Angelo Zottoli)
- Natitioe Linguoe Sinicoe (Josepho-Henrico Prémare. S.J.)

5 * HÁN - VIỆT

- Dịch Kinh tân khảo (Nguyễn Mạnh Bảo)
- Đạo Đức Kinh (Nghiêm Toản dịch)
- Đạo Đức Kinh (Nguyễn Duy Cần dịch)
- Trung Dung (Phan Khoang dịch)
- Tứ Thư (Đoàn Trung Còn dịch)

6 * ANH VĂN

- A source book in Indian philosophy (Sarvepalli Radha  Khrisnan and Charles A. Moore)
- Encyclopedia of Religion (Vergilius Ferm)
- Human destiny (Lecomte du Noüy)
- Mackey’s revised Encyclopedia
- Psychology and Alchemy (Carl Gustav Jung)
- Science and Civilisation in China (Joseph Needham and                                                                Wang Ling)
- The 13 principal Upanishads (Robert Ernest Hume trans.)
- The genetic code (Isaac Asimov)
- The I Ching or Book of Changes (R. Wilhelm & C.F.Baynes)
- The Sayings of Confucius (James R. Ware)
- The Secret of the Golden Flower (C.G. Jung & R. Wilhelm)
- The She King or the Book of Poetry (J.Legge trans.)
- The Symbols of Yi King, the Texts of Yi King (Z.D. Sung)

7 * PHÁP VĂN

- ABC illustré d’occultisme (Papus)
- Albert Schweitzer (Jacques Feschotte)
- Connaissance du Vietnam (P. Huard et M. Durand)
- De Confucius à Lénine (Robert Magnenoz)
- Dictionaire pratique des sciences occultes (Marianne Verneuil)
- Encyclopédie des citations (P. Dupré)
- Essais sur le Bouddhisme Zen (D.T. Suzuki)
- Grande encyclopédie illustrée des sciences occultes (D. Néroman) [éditorial Argentor, 278 Boulevard St Germain, Paris VII]
- Hatha-Yogin occidental (L. Ferrer)
- Histoire de la Philosophie (Esnerst d’Astier)
- Histoire de la Philosophie (Frédéric Copleston S.J.)
- Histoire de la philosophie chinoise (E.V. Zenker)
- Histoire des Croyances religieuses en Chine (Léon Wieger)
- Histoire et Philosophie du Caodaisme (Gabriel Gobron)
- Histoire générale des sciences [Presses Universitaire de France]
- Idées pour la philosophie de l’histoire de l’humanité (Herder)
- L’Âme de l’Iran (René Grousset, Louis Massignon, Henri Massé)
- L’Âme de la Chine (Amaury de Riencourt)
- L’enseignement de Ramakrishna (J. Herbert)
- L’évolution religieuse de l’humanité (Richard Kreglinger)
- L’Homme et le Zodiaque (Cyrille Wilckowski)
- L’homme et son devenir selon le Védanta (René Guenon)
- L’imitation de Jésus Christ (traduction de Lamennais)
- L’individuel chez Aristote (D. Badareu)
- La Bible de Jérusalem [Edition du Cerf]
- La Cabbale (Papus)
- La Civilisation chinoise (Marcel Granet)
- La conception Confucéenne de l’homme (Trần Văn Hiến Minh)
- La dignité humaine (Lecomte du Noüy)
- La doctrine secrète (H.P. Blavastsky)
- La Kabbale (H. Seroya)
- La magie des nombres (E.T. Bell)
- La Mathèse (Jean Malfatti de Montereggio)
- La pensée chinoise (Marcel Granet)
- La philosophie morale de Wang Yang Ming (Wang Tch’ang Tche)
- La religion essentielle (Illan de Casca Fuerte)
- La sagesse de Confucius (Lin Yu Tang)
- La Sainte Bible (Chanoime Crampon)
- La Symbolique (Olivier Beigbeder) [Que sais-je]
- La vie de Vivekanada (R. Rolland)
- Le chemin du Salut (Charles Gerber)
- Le Livre des cycles (Raoul Auclair)
- Le Lotus et le robot (Arthur Koestler)
- Le Symbolisme de la Croix (René Guenon)
- Le système solaire (A.E. Powell)
- Le Yoga pour soi (Edouard Longue)
- Le Zodiaque (M. Senard)
- Les fondements de la mystique tibétaine (Lama Govinda; traduction française de Charles Andrieu et Jean Hertbert)
- Les Grands Initiés (E. Schure)
- Les grands philosophes de l’Occident (F.Tomlin)
- Les Sept Vallées (Bahá ‘U’ lláh)
- Les vers dorés de Pythagore (Fabre d’Olivet)
- Nietzsche (André Cresson)
- Occultisme et Magie en Extrême-Orient (Louis Chochod)
- Oeuvres complètes (Sainte Thérèse de Jésus)
- Oeuvres spirituelles (Saint Jean de la Croix)
- Origines et histoire des religions (J. Murphy)
- Panorama des idées contemporaines (G. Picon)
- Présence du Bouddhisme (France Asie)
- Présence du Cambodge (France-Asie, no 114-115)
- Quelques aspects de la philosophie védantique (Swami Siddheswarânanda)
- Recherches sur les superstitions en Chine (Henri Doré)
- Sagesse chinoise et Philosophie chrétienne (Henri Bernard Maitre)
- St. Jean de la Croix et la nuit mystique (Yvonne Pellé-Douel)
- Tchou Hi, sa doctrine son influence (Stanislas Le Gall)
- Théosophie et Science (A. Tanon)
- Traité d’histoire des religions (Mircea Eliade)
- Transvaluation de la psychanalyse (Wilfried Daim)
- Vie et rénovation (Robert Godel)

8 * VIỆT VĂN

- Đại Thừa Chân Giáo (Chiếu Minh Đàn, Cao Đài giáo)
- Khổng học đăng (Phan Bội Châu)
- Lão Tử (Ngô Tất Tố)
- Nho giáo (Trần Trọng Kim)
- Pháp Hoa huyền nghĩa (Mai Thọ Truyền)
- Quan Thế Âm bồ tát tín luận (Hải Tín)
- Tống Nho (Bửu Cầm)
- Văn học đời Lý (Ngô Tất Tố)

9 * TẠP CHÍ

# Tạp chí tiếng Việt

- Bách Khoa tạp chí
- Đại Học tạp chí
- Hương Xa tạp chí
- Nam Phong tạp chí

# Tạp chí tiếng Anh

- The Divine Life [The Divine Life Society, P.O. Sivanandanagar Rishikesh U.P.]
- Mira [a monthly journal. Indian culture 10 Connaught Road Poona I, India]
GHI CHÚ: Các sách trên được xếp theo nhan đề. Tên soạn giả hay dịch giả ghi trong ngoặc tròn (…), tên thư cục hay nơi xuất bản ghi trong ngoặc vuông […].

**************************         


LỜI TỰA

Tác giả bộ Trung Dung tân khảo có nhã ý nhờ tôi đề tựa cuốn sách của ông. Tôi chẳng dám từ chối, trước để khỏi phụ lòng tin cậy của tác giả, sau vì tôi là một trong những người đầu tiên đã nhận thấy giá trị cuốn sách và đã trao tặng cho tác giả giải thưởng Lecomte du Noüy của Tinh Việt văn đoàn năm 1960-1961.

Tôi đã đọc bộ sách, và đã cùng với tác giả thảo luận về đề tài cũng như về những quan niệm của ông trình bày trong đó, vậy thiết nghĩ tôi có thể tóm lược vài nét đại cương về cuốn sách để giới thiệu nó với độc giả. Trước tiên, đọc sơ qua bộ Trung Dung tân khảo, ta thấy ngay tác giả chẳng những khảo cứu Trung Dung, mà còn xây dựng một học thuyết mới mẻ về Trung Dung nữa.

Tác giả đã khảo cứu Trung Dung về nhiều khía cạnh:

- Từ nguyên (étymologie)
- Ngữ nghĩa (sémantique)
- Tượng hình (symbolique)
- Triết học (philosophie)
- Sử học (Histoire)
- Đạo học (Religion)

Tác giả đã biến một đề tài rất khô khan, rất phức tạp, khó hiểu thành một đề tài linh động, hấp dẫn, sáng suốt. Được vậy, có lẽ vì tác giả đã tìm ra chìa khóa để mở kho tàng tư tưởng cổ nhân. Theo tác giả chìa khóa ấy đã dấu sẵn trong nhan đề sách, trong hai chữ Trung Dung và trong tượng hình của chữ Trung 中. Tác giả dịch Trung Dung là Trung điểm bất biến, và dùng hai chữ Trung Dung để tìm ra nguyên lý và cùng đích của cuộc đời. Cũng như trong hình học, trung điểm hay tâm điểm có thể sinh ra nhiều vòng tròn, thì trong Trời đất, một nguyên lý, một tâm điểm bất biến cũng có thể phát huy ra muôn vàn hình tượng tạo dựng nên muôn loài, muôn vật. Tác giả lại dựa vào định luật tuần hoàn, phản phúc của Trời đất, mà suy luận ngược lại rằng cùng đích cuộc đời của mỗi người chính là tìm ra tâm điểm bất biến của vũ trụ, của tâm hồn con người.

Tác giả dựa vào tượng hình, cho rằng chữ Trung 中 chẳng qua là một vòng tròn với tâm điểm ⊙, hay một tấm bia tròn với một mũi tên xuyên qua giữa hồng tâm ϕ. Như vậy chữ Trung cũng đã đủ để ám chỉ nguyên lý và cùng đích của cuộc đời. Trong tất cả bộ sách tác giả chứng minh bằng mọi phương cách, cố dẫn chứng bằng lời lẽ của các nhà hiền triết Nho giáo để chứng minh rằng Trung tâm, Trung điểm là ngôi vị của Thái cực, của Trời.

Cho nên, muốn tìm đạo, tìm Trời, tìm tinh hoa nhân loại phải tìm trong tâm khảm con người, trong trung tâm điểm của con người. Tất cả vấn đề là làm sao tìm ra được tâm con người. Muốn đạt mục đích ấy, tác giả đã dùng phương pháp đạo giáo đối chiếu (religions comparées), triết học đối chiếu (philosophies comparées), tượng hình đối chiếu (symboliques comparées) để xác định đâu là tâm khảm con người.

Dựa vào những chứng cớ trên, tác giả chủ trương tâm khảm con người không nằm trong lồng ngực như nhân gian thường chủ trương, mà chính là ở giữa não thất III, ở giữa não con người. Nhờ những quan niệm vừa giản dị, vừa độc đáo nói trên, tác giả đã tìm ra được những gì bí ẩn của Trung Dung.

Trong ba tập Trung Dung tân khảo, tác giả đã dùng nhiều phương pháp khác nhau cốt chứng minh Trung Dung là Trung đạo hay là một huyền học.

Trung đạo (ésotérisme) tức là giai đoạn «nhập thất» được truyền tâm pháp, và những lẽ huyền vi, khác với ngoại đạo (exotérisme) hay giai đoạn sơ bộ của các đạo giáo tức là giai đoạn mới được truyền thụ những điều thô thiển phù phiếm.
Chu Hi cũng đã nhận chân Trung Dung có mục đích tối hậu là đưa con người đến chỗ cùng huyền, cực thánh. Như đã nói trên, Trung đạo là một giai đoạn đạo giáo tối thượng, nên chỉ chú trọng đến những lẽ huyền vi cao diệu, vì thế còn gọi là huyền học (mysticisme). Nó đòi hỏi con người một tư chất thông minh đặc biệt, một cố gắng không ngừng, và một ân sủng đặc biệt của Thượng đế. Vì thế những người phàm trần khó bề thấu hiểu, tiến tới. Xưa ở cổng trường của Pythagore có dựng tượng thần Hermès, và bệ tượng có đề hai chữ: Eskato béléloï nghĩa là: «Phàm phu xin lùi gót.»

Dẫu sao, cũng nên bàn qua về Trung đạo, về huyền học để đọc giả dễ thông cảm với tác giả bộ Trung Dung tân khảo này. Trung đạo hay huyền học có nét đại cương sau đây:

1) Tin tưởng, và hơn thế nữa, cảm giác thấy một nguyên lý bất biến, hay nói nôm na là có Trời, có Thượng đế tiềm ẩn trong tâm hồn mình.

2) Tu sửa tâm hồn mình cho hết khuyết điểm dở dang, để nên giống khuôn thiêng bất biến, nên giống khuôn thiêng hoàn thiện của Trời nơi đáy lòng mình.

3) Mục đích tối hậu của công cuộc tu thân, của cuộc đời là để trở nên hoàn thiện như Trời, để kết hợp với Trời, đó là «phối Thiên» theo Trung Dung.

4) Phương tiện mục đích để đạt mục tiêu đó là học hỏi không ngừng để tìm ra nguồn gốc định mệnh hết sức cao quí của con người, triền miên suy tư để tìm ra những định luật Trời đất, những định luật tâm lý hầu giúp mình cải tiến, biến hóa tâm hồn, tiến tới tinh hoa, tiến tới hoàn thiện, tóm lại là cố gắng mãi mãi, cố gắng không ngừng, để lướt thắng mọi trở lực, băng qua mọi giai đoạn, và chỉ ngừng lại ở mức hoàn thiện. Đó là «Chỉ ư chí thiện» của Đại học.

5) Kết quả tối hậu mà con người sẽ gặt hái được tức là «Phối Thiên» tức là kết hợp với Trời, cùng đất Trời trường sinh bất tử.

Những quan niệm, những chủ trương nói trên đã được đề cập tới trong Trung Dung, và đã được đề cập tới một cách tinh vi tế nhị, kiến người ta phải suy tư nhiều mới nhận thức được. Những quan niệm này cũng không phải là di sản riêng tư của Trung Dung hay của Khổng thuyết, mà trái lại chúng là di sản của danh nhân, hiền triết mọi nơi, mọi đời: Lão Tử, Trang tử, Bồ đề đạt ma, Krishna, Orphée, Hermès, Pythagore, Platon, Jean de la Croix hay Eckhart cũng chẳng chủ trương chi khác lạ hơn... Dịch kinh cũng đã viết: «Thiên hạ lo gì nghĩ gì? đường đi khác nhau, nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý không hai.»

Bộ Trung Dung tân khảo gồm ba tập:

- Tập một: Trung Dung khảo luận
- Tập hai: Trung Dung bình dịch
- Tập ba: Trung Dung yếu chỉ và phụ lục.

Trong tập Trung Dung khảo luận, ta có dịp cùng tác giả đi chu du trong “rừng nho, biển thánh”, thưởng thức kinh Thi, tìm lại bí quyết tương truyền từ Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Vũ, Chu Công cho tới Khổng Tử, Mạnh Tử, khảo sát đường lối tư tưởng của danh nho danh sĩ Trung Hoa, cũng như của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mở rộng tầm khảo sát ra cho tới các đạo giáo, các môn phái triết học, các phát minh tối tân của y học, khoa học. Tất cả những khảo sát đó cốt để tìm ra nguyên lý cuộc đời, tìm ra đường đi, nước bước của con người, của nhân loại tùy theo mỗi tuổi mỗi thời, và cũng là để tìm ra cùng đích cao sang tối hậu của con người.

Trong tập Trung Dung bình dịch, tác giả đã dùng các thể thơ lục bát, song thất lục bát và thơ mới để dịch toàn bộ Trung Dung. Vì dịch giả thấu triệt được mạch lạc ý tứ Trung Dung, nên thường dịch rất lưu loát. Tác giả lại còn toát lược đại ý mỗi chương mỗi đoạn để độc giả thấy rõ ý nghĩa mạch lạc Trung Dung. Ngoài ra, trong mỗi bài mỗi đoạn, tác giả còn trưng thêm nhiều danh ngôn, danh ý để đối chiếu, như muốn đem Trung Dung hòa tấu chung với bản nhạc tư tưởng mọi nơi mọi đời, vừa làm tăng thêm ý vị Trung Dung, vừa giúp độc giả hiểu thấu sâu rộng.

Trong tập Trung Dung yếu chỉ và phụ lục, tác giả thâu tóm vi ý Trung Dung bằng 200 câu thơ song thất lục bát, lời văn giản dị, nhẹ nhàng. Ngoài ra còn thêm một phần phụ lục rất dồi dào, tập trung lại nhiều thiên khảo luận có dính dấp tới Trung Dung, để mọi người rộng đường tham khảo.

Đọc bộ Trung Dung tân khảo, ta nhận thấy tác giả đã dày công nghiên cứu và làm sáng tỏ một vấn đề then chốt của đạo Nho. Tuy là một thiên khảo luận, một đề tài triết học và siêu hình học nhưng tác giả đã có một lối hành văn dễ hiểu, không nhàm chán.
Đằng khác, tác giả còn đưa ra nhiều quan điểm triết học, và nhân sinh quan rất mới mẻ, mặc dầu vốn đã tiềm tàng trong Tứ thư, Ngũ kinh. Thiết tưởng cũng nên nêu ra ít nhiều chủ trương của tác giả:

I. Về con người, tác giả phân tách ra nhiều tầng lớp, và chủ trương trong lớp nhân tâm phù phiếm, biến thiên còn có lớp đạo tâm, thiên tâm là khu nữu, làm tiêu chuẩn, chủ chốt. Mọi nơi mọi đời đều hướng về chân tâm ấy như là quê thật của mình. Đó là thiên địa chi tâm, đó là núi Côn Lôn với dân Trung Hoa, đó là núi Tu Di với dân Ấn Độ; đó là Jerusalem, là núi Sion đối với dân Do Thái, đó là Athènes, là Delphes là nơi chôn nhau cắt rốn (emphalos = ombilic) đối với dân Hy Lạp, v.v.

2. Tác giả dựa vào Trung Dung và Dịch kinh đưa ra một nhân sinh quan vô cùng biến hóa, luôn thích thời mà cũng luôn siêu thời trước thấp sau cao, trước trọng vật chất, sau trọng tinh thần, tuần tự nhi tiên đúng theo quẻ âm dương tiêu trưởng của Trời đất, để chung cuộc tiến tới hoàn thiện.

3. Tác giả cũng còn dựa vào vòng Dịch, để suy ra định luật tuần hoàn, và đưa ra một giả thiết mới mẻ về chu kỳ lịch sử nhân loại, gồm hai chiều xuôi ngược, từ tinh thần tiến ra vật chất, rồi từ vật chất trở lại tinh thần, và chủ trương rằng: lúc chung cuộc lịch sử, nhân loại sẽ sống hoàn thiện theo đúng thiên ý, phối hợp với Trời.

4. Tác giả còn đưa ra một giả thiết mới mẻ về y học, về cơ thể học (anatomie) khi chủ trương rằng trung tâm não bộ là chân tâm của con người, để đi đến một kết luận triết học, đạo học rằng Trời chẳng xa người mà tiềm ẩn trong ngay tâm khảm, trong đầu não con người.

5. Nhưng có lẽ một phát minh độc đáo nhất là tác giả chỉ dùng một tâm điểm và một hay nhiều vòng tròn đồng tâm để mà khám phá ra huyền cơ vũ trụ, khám phá ra các tầng lớp trong con người, khám phá ra các định luật chi phối con người, và vũ trụ. Lúc thì tác giả để vòng tròn đứng nguyên cho ta thấy một chân tâm và nhiều tầng lớp khác nhau bao bọc; lúc để vòng tròn di động cho ta trông thấy sự biến thiên chất chưởng của các tầng lớp bên ngoài, và sự bất biến hằng cứu của trung tâm, cũng như để suy ra các định luật «hiển-vi», «tụ-tán», những lẽ «vãng-phản», «tồn-vong», «doanh-hư» của vũ trụ, của con người. Tác giả cũng chỉ dùng có một hình tròn để làm như một chìa khóa tìm ra tinh hoa các đạo giáo; tìm ra trung điểm, trung đạo của các đạo giáo; dùng một tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm để phơi bày những tương đồng tương dị của các đạo giáo, dùng hình tròn để tìm ra nguyên ủy thủy chung của cuộc đời, dùng một tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm để thuyết minh hai chiều vãng phản của cuộc đời, để chủ trương rằng con người phải luôn tiến bước không được dừng chân đứng lại ở chặng đường nào, ở giai cấp nào, mà phải tiến tới trung tâm điểm, tiến tới hoàn thiện.

Đọc bộ Trung Dung tân khảo, chẳng những ta thâu thái được tinh hoa đạo Nho, mà còn lĩnh hội được quan điểm, tư tưởng của các bậc hiền triết mọi nơi mọi thời.

Đọc Trung Dung, ta liên tưởng tới những học thuyết Âu Á cổ kim đã lấy Trung điểm, lấy Trời làm khởi điểm và cùng điểm của vũ trụ, của con người.

Sách Zohar chẳng hạn cũng đã gọi khởi điểm đó là Yod. Tâm điểm tối thượng ấy dần dà biến thành nhiều tầng lớp, để phát sinh ra muôn vật, phát sinh ra vũ trụ; tầng trong tế vi, cao diệu tầng ngoài cục mịch thô sơ, như áo như vỏ hỗ trợ tầng trong.
Tâm điểm là Thượng đế, các tầng lớp bên ngoài là những lớp vỏ, lớp áo, là quần sinh vũ trụ. Lúc chung cuộc, đấng Tối Cao sẽ vứt bỏ mọi lớp áo xống bên ngoài, mà hiện ra trong vinh quang tuyệt đối; vả lại mọi sự cũng trở về cội gốc như đã phát sinh ra do cội gốc, như Henri Sérouya đã trình bày trong cuốn Kabbale.

René Guénon một nhà huyền học cận đại cũng đề cập nhiều đến Trung điểm, Trung Dung trong các sách của ông.
Nhà triết học trứ danh hiện đại là Carl G. Jung cũng đã dày công khảo cứu về Trung Dung, Trung điểm theo ý nghĩa huyền học.
Trong cuốn Jnana Yoga, ông Vivekananka nhà hiền triết Ấn Độ cũng chủ trương cần phải tìm cho ra tâm điểm bất biến của vũ trụ và của tâm hồn con người, rồi ra mới xác định được các tầng cấp giá trị. Ông quan niệm tâm điểm vũ trụ hay Thượng đế ở ngay trong tâm hồn con người, và quyết đoán rằng các hiền triết xưa nay đều quay về thâm tâm mình để tìm cho ra tâm điểm bất biến đó.

… Hai chiều tiến hóa, vãng phản của tâm thần mà tác giả luôn luôn đề cập tới trong bộ Trung Dung tân khảo làm chúng ta nhớ lại quan niệm của Pythagore về định luật «Âm dương tiêu tức» của Trời đất.

 Tóm lại, với công phu tìm tòi khảo sát, tác giả cuốn Trung Dung tân khảo đã khai thác được cả một kho tàng tư tưởng của cổ nhân, đã tìm ra được nhiều điều bí ẩn về thân thế và định mệnh con người, đã phơi bày ra được các tầng lớp trong con người, đã phác họa được vòng tuần hoàn của cuộc đời, vẻ ra được một con đường để con người có thể đi theo, xuyên qua vật chất trần thế để hoàn thiện mình, tiến tới Thượng đế, nguồn gốc của mọi vật.

Viết về một vấn đề cũ đã khó, viết về một đề tài cũ mà còn tìm ra được những cái hay, cái mới lại càng khó hơn. Tác giả cuốn Trung Dung tân khảo đã thành công về điểm sau này.

Người Nhật đã nói: «Ông Khổng tại Nhật Bổn là ông Khổng sống, ông Khổng tại Trung Hoa là ông Khổng chết.» Đó là vì người Nhật đã biết tìm cái mới, cái tinh hoa của Khổng học, trong khi người Trung Hoa chỉ biết truyền dạy cho nhau một chiều về tư tưởng người xưa từ mấy ngàn đời.

Ước gì cuốn Trung Dung tân khảo này sẽ gây cảm hứng cho nhiều tâm hồn thiện chí khác chịu khó tìm tòi khảo cứu Khổng thuyết, một học thuyết đã làm nền tảng cho văn hóa Á Đông, để vị Vạn thế thánh sư của Trung Hoa trở thành Đức Khổng sống trên đất Việt Nam, hầu mưu ích cho cá nhân và cho cả dân tộc.

Sài gòn, ngày kỷ niệm Khổng Tử 28-9-1963

PHẠM ĐÌNH TÂN

Đoàn trưởng Tinh Việt Văn đoàn

**************************         


LỜI NÓI ĐẦU

Ba tập Trung Dung tân khảo đều có mục đích:

Khảo sát một quan niệm then chốt mà đạo Khổng gọi là tâm pháp 心 法.

Quan niệm đó là:

1. Chẳng những tin có Trời, mà lại tin có Trời ngự trị ẩn áo nơi đáy lòng mình. Trong «Nhân tâm nghiêng ngửa» đa đoan còn có «Đạo tâm ẩn áo»: «Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi.» 人 心 惟 巍 道 心 惟 微.

2. Đạo tâm, ảnh tượng Trời ẩn áo đó chính là Tính (nature esprit, essence) hiểu theo nghĩa siêu hình.

3. Như vậy Tính sẽ là Nguồn sống thiêng liêng, là Tinh (Essence), là Nhất (Unité), là Thành, là Toàn thiện (Perfection).

4. Và là mệnh Trời (volonté divine: Thiên mệnh chi vị tính 天 命 之 謂 性).

5. Theo mệnh Trời đó chính là Đạo (Suất tính chi vị đạo 率 性 之 謂 道).

6. Niềm tin tưởng đó sẽ làm cho mình kính sợ, lo sửa tâm hồn để trở nên hoàn thiện.

7. Hoàn thiện là lên tới «Thái cực» tuyệt đỉnh công phu, kết hợp với Trời (Phối thiên).

8. Như vậy là đi từ «Thiên nhân tương dữ» (alliance) khởi thủy đến chỗ «Thiên nhân nhất quán» (Union mystique) tận cùng.

 TÓM LẠI:

Trời là trung tâm điểm nhân loại (Trung 中) bất biến trường tồn (Dung 庸). Mục đích Trung Dung là cố gắng tu luyện để đi từ biên khu trần thế, xác thân, lý trí, tâm hồn vào tới được trung tâm điểm đó, và từ chỗ biến thiên của cuộc đời vào tới chỗ bất biến trường tồn đó.

Nhưng dĩ nhiên đó là một công trình tuyệt khó. Chỉ có bậc chí thành, chí thiện mới gọi được là «đắc trung» 得 中. «Đắc trung» là «đắc Đạo» 得 道; «đắc Đạo» là «phối thiên» 配 天.

Trung Dung tức là giai đoạn «Huyền đồng» (tâm dữ Huyền đồng 心 與 玄 同 - Union de l'âme au Principe, Union mystique, mysticisme), điểm hội tụ của triết và đạo, là «cùng lý» của đời sống con người.

Nhân tử NGUYỄN VĂN THỌ cẩn chí

Saigon, ngày 1-4-1964

**************************         


Chương 1


TÀN TÍCH VÀ XÂY DỰNG



A. NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẠC VỀ TRUNG DUNG


Từ xưa đến nay, hai chữ Trung Dung đã thành sáo ngữ thông thường ở cửa miệng dân gian, Ai cũng cho rằng mình quán triệt đạo Trung Dung, tuy chẳng hiểu Trung Dung nói gì. Ai cũng cho rằng Trung Dung là không thái quá, không bất cập, một chủ nghĩa trung lập, nước đôi, lấp lửng giữa dòng, chẳng ra môn, mà cũng chẳng ra khoai, để rồi nhún vai ngâm lên hai câu thơ Xuân Diệu.

«Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.»

Nhưng nếu Trung Dung dễ dàng, thô thiển như vậy, thì tại sao danh nho ngàn đời dám cho nó là «tâm pháp» của Đạo Khổng, thì làm sao Chu Hi dám khen đó là một đạo tuyệt diệu Trời ban và không bao giờ thay đổi được.

Nhưng trước khi phục hồi Trung Dung, khảo sát Trung Dung, ta hãy nhỏ vài giọt lệ tâm tình khóc cho Trung Dung, vì Trung Dung cũng như học thuyết Khổng Tử đã bị nhiều học giả, vô tình hay hữu ý, buông lời phỉ báng tận tình.


Học giả Léon Wieger viết trong quyển Lịch sử đạo giáo và triết học Trung Hoa như sau:

«Đức Khổng đòi hỏi nơi vương giả, nơi hiền nhân, quân tử cái gì? Bác ái hay hy sinh. Ồ! Đâu phải thế… Ngài đòi hỏi một khối óc trung lập, một con tim lạnh lùng na ná như chủ trương của Hồng phạm, Cửu trù: Chẳng thương chẳng ghét, không thiên kiến, không tin tưởng chắn chắn, không chí bền bỉ, không bản ngã… Thoạt tiên, đừng vội khen hay chê, theo hay bỏ… Rồi sau khi đã suy xét, đừng có nghiên theo cực đoan nào vì thái quá hay bất cập đều hại. Phải theo đường Trung Dung, có thái độ chiết trung. Đừng hăng hái nhiệt thành, chớ thất vọng lạnh lùng, bao giờ cũng điềm đạm theo thời. Phải bắt chước Trời lạnh lùng, không tây vị, và lúc hành sự phải biết chần chờ khoan dãn, len lỏi nước đôi.» [1]

Bình luận học thuyết Khổng Tử, ông René Grousset viết:

«Tất cả những vấn đề cao cả, quan thiết đến định mệnh nhân loại đều bị hạ xuống thành chủ trương công ích hay tùy thời xử thế. Thiếu nền tảng siêu hình, luân lý Khổng Tử chỉ dựa vào những sự kiện xã hội.» [2]

Ông P.H. Bernard còn phán quyết hách dịch và dõng dạc gấp bội:

«Cái mà xưa ta gọi là triết học Khổng Tử chỉ là sự phủ quyết của triết lý. Đó là bất cứ cái gì: Xã hội học, kinh tế học, một cuốn sách dạy lịch sự thơ ngây và thành thực, chứ nhất định không phải là triết lý thực sự.» [3]

Đọc những lời phê bình đó chúng ta cảm thấy chua xót vì thấy lỗi lầm chung của chúng ta là không hiểu, đã vội phê phán người xưa, thấy trân châu tưởng lầm là mắt cá.

Ông Robert Magnenoz suy nghĩ về duyên do thắng lợi của chủ nghĩa Cộng Sản ở lục địa Trung Hoa đã viết đại khái như sau:

«Âu Châu và Mỹ Châu đã ra công phá vỡ những con đê ngàn đời từng ngăn ngọn thủy triều Đông Á, đã cố phá những cơ cấu, những truyền thống và những nguồn gốc triết học Đông Phương. Những thân cây dân tộc Á Đông vì thế mà héo hon. Nhân đó, chủ nghĩa Cộng Sản mới có thể tháp vào mà mọc lên như qua cát, sắn bìm, làm nghẹt hết chồi văn minh Đông Á.» [4]

**************************         


B. LÝ DO PHÁT SINH

Lời Ông Magnenoz thật hữu lý.

Sở dĩ có sự mạt sát đả kích như vậy là vì phê phán sai lầm. Những lời phê phán sai lầm ấy không nên làm ta bỡ ngỡ vì ngay ở Á Đông ta, xưa nay nhiều người cũng có luận điệu ấy.

Lý do tổng quát là vì:

1.  Họ sẵn là thành kiến.

2.  Có thành kiến rồi họ vặn vẹo lời thánh hiền cho ăn khớp với những thành kiến mình. Văn còn nguyên, ý đổi hết vì bị tách khỏi chương cú.

3.  Họ dịch sai hay căn cứ vào những bản dịch sai mà lập luận.

4.  Khi đã trót phê phán, phiên dịch sai lầm, họ không có gan cải chính.

5.  Không hiểu hết ý tứ thâm viễn cổ nhân.

6.  Thành thử, có những học thuyết Khổng Tử giả, những đạo Trung Dung giả lưu hành.

Các học giả dựa vào những tài liệu sẵn có mà lập luận phê phán. Nên khi phê bình, có thể họ đã phê bình những ý tưởng của ai ai; khi mạt sát, họ mạt sát những chủ trương chi chi, chứ thực không phải ý tưởng chủ trương của Đức Khổng. Nhiều khi họ mạt sát chính ý kiến sai lầm của họ.

Họ y như hiệp sĩ Don Quichotte đại chiến với những máy xay gạo có quạt gió, vì tưởng đó chính là một đoàn khổng lồ, nghịch tặc. Họ như Don Quichotte rất có tâm huyết, nhưng đã hoài công khai chiến với chính những ảo tưởng, ảo vọng của họ.

Dân chúng thiếu thời giờ đọc sách, xét suy. Không đọc được nguyên văn chính bản, họ chỉ có thể dùng những bản dịch, xem những bài bình luận. Đọc những bản dịch ngây ngô,xem những bài bình luận nông cạn, dân chúng kết luận tư tưởng thánh nhân xưa nông cạn, lập luận thánh nhân xưa ngây ngô, nên họ chán, chẳng muốn theo.


Dân đã chán, thì đạo nào cũng lụn bại. Dân đã có thành kiến thì khó mà bỏ được.

Các học giả bị tiêm nhiễm thiên kiến đang lưu hành trong dân gian thời đại mình, nên lúc khảo cứu rất dễ lầm lạc.

Lầm lạc lại được truyền bá.

Thế là vòng luẩn quẩn đi đi, lại lại, càng ngày càng to tát, nguy hại thêm.

Cho nên bao dang dở, bao chếch mác, bôi tro, trát trấu vào đạo Khổng nói riêng và các đạo nói chung là vì lầm lạc cả:

Hoặc giải thích nông cạn chẳng tinh tường,

Hoặc trình diễn nói năng không khúc chiết,

Hoặc sa vào vòng huấn hỗ, từ chương,

Hoặc không quán triệt hết điều hơn, lẽ thiệt.[5]

Mạnh Tử nói:

«Đừng vì văn hại chữ, đừng vì chữ hại nghĩa. Lấy ý mình đón ý tác giả, thế mới được.» [6]


C.TÔN CHỈ VÀ CHƯƠNG TRÌNH KHẢO CỨU

Vậy khảo sát đạo Trung Dung, ta cần rất thận trọng. Ta nên khảo sát đạo Trung Dung với tinh thần vô tư, gạt bỏ thành kiến, hòa mình vào quan điểm của tiền nhân, cố tìm cho ra ý tứ cao siêu mạch lạc, ẩn áo.

Chu Hi nói: Đạo Trung Dung là một đạo Trời ban. Đức Khổng cho ra rằng Trời ban đạo đó cho nhân loại từ thời vua Nghiêu, khoảng 1500 năm trước ngài. Mạnh Tử thời Chiến Quốc, Miễn Trai đời Tống[7] đã ghi lại rõ ràng chuỗi liên châu đạo thống, xác định những bậc thánh hiền đã được vinh hạnh cầm bó đuốc chân lý soi cho đời qua các thế hệ. Bao ẩn áo của đạo Trung Dung cũng đã được nghiên cứu qua các thời đại.

Vậy trong công trình khảo sát Trung Dung,chúng ta phải lần lượt đi từng bước một:

1.  Đọc Kinh Thi để tắm mình trong bầu không khí tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ.

2.  Nương vào Mạnh Tử, Miễn Trai tiên sinh để dò ra đạo thống Trung Dung.

3.  Cố gỡ mối tơ vò siêu hình học của Trung Dung nói riêng và Khổng giáo nói chung. Mối tơ vò ấy là hai chữ Tính, Mệnh.

4.  Tìm tinh hoa Khổng giáo trong Tứ thư, Ngũ kinh.

5.  Tìm hiểu hai chữ Trung Dung.

6.  Trở về Trung Dung để tìm hiểu ý tứ, mạch lạc.

7.  So sánh Trung Dung và Dịch lý để suy ra bản thể và hiện tượng và những vũ trụ quan, nhân sinh quan, sử quan tương ứng, cũng như những định luật chính chi phối hoàn võ và con người. Tìm dấu vết Trung Dung và Dịch lý trong các thư tịch, đền đài khắp hoàn cầu để tìm ra mối tương đồng giữa các quốc gia các thế hệ…

8.  Cuối cùng chúng ta mới kết luận tổng quát.


Chúng ta phải vất vả như vậy, phải đi quanh quất trong rừng lịch sử,triết học, văn chương, như vậy mới có thể lên tới đạo Trung Dung được, vì nó quá cao, quá khó.

Chúng ta đừng sốt ruột; sốt ruột sẽ hỏng việc: mạ có thời gian mọc, mới thành cây lúa; nếu nương nó lên cho chóng dài, chóng lớn, nó sẽ chết.

Vậy muốn tìm cho ra manh mối đạo Trung Dung, ta phải ngang nhiên rong ruổi trên triền không gian và thời gian, lật gai góc cá học thuyết, mà tìm cho ra đường lớn của người xưa. Nhưng trước khi lên đường, chúng ta những muốn nói như Lý Thái Bạch:

Đường đi khó, tìm đường đi khó quá…

Rút kiếm bén, ngỡ ngàng trông đây đó,

Lòng hoang mang ta biết sẽ đi đâu?

Muốn qua Hoàng Hà, băng giá lấp sông sâu !

Muốn trèo non Thái, tuyết một mầu ảm đạm !

Muốn khuây khỏa, vừa ra khe buông câu tạm,

Đã mơ màng thuyền mộng lướt Trời mây !

Đường muôn ngả, đường muôn ngả đâu còn đây ?

Khó đi quá, tìm đường đi khó quá …

Nhưng gió lộng sẽ phá muôn tầm sóng cả,

Thổi buồm mây một lá tếch ngàn khơi,

Đại đạo lớn, lớn trùm cả khung Trời,

Mà bịn rịn, ta chưa ra đi nổi…[8]

Nhưng mà thôi, ta hãy ra đi …

Vì: «Đã sinh ra ở trần hoàn,

Phải tìm cho biết ngọn nguồn, lạch sông...»

**************************         


CHÚ THÍCH


[1] Ceci posé, du prince et de ses auxiliaires, de l’homme supérieur, de l’altruiste conçu à sa manière, Confucius exige quoi… la charité, le dévouement… Oh! pas du tout. Il exige la neutralité de l’esprit et cette froideur du cœur que nous avons vu préconisées par la Grande Règle. Pas de sympathie, pas d’antipathie, pas d’idée préconçue, pas de conviction ferme, pas de volonté tenace, pas de moi personnel… D’abord, à première vue, ne pas approuver, ne pas désapprouver, ne pas embrasser, ne pas repousser… En suite, après réflexion, ne jamais se déterminer pour un extrême, car excès et déficit sont également mauvais.

 Suivre toujours la voie moyenne, prendre une position moyenne. Jamais de chaud enthousiasme, jamais de désespoir glacé; toujours un calme opportunisme. Imiter la froide impartialité du Ciel, et, dans l’action, temporiser comme lui et louvoyer… (L. Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine, p. 135.)

[2] Les plus hauts problèmes de la destinée humaine étaient ramenés à une question d’utilité ou mieux d’opportunité sociale. Dépourvue de base métaphysique, la morale de Confucius sera simplement fondée sur les faits sociaux. (Trần Văn Hiến Minh, La conception confucéenne de l’homme, p. 15)

[3] Ce qu’on appelait la philosophie confucianiste, dit-il, était la négation de la philosophie; c’était tout ce qu’on voudra: de la sociologie, de l’économie politique, un manuel de civilité naïve et honnête - tout, sauf une philosophie véritable. (Ibidem, p. 13)

[4] L’Europe, puis l’Amérique, se sont acharnées à rompre les digues séculaires des institutions, des traditions et des philosophies qui contenaient la marée asiatique. Le traumatisme que le XXè siècle a produit sur des civilisations qui étaient contemporaines des Pharaons, s’est développé en une prolifération artificielle d’idées qu’il aurait fallu au préalable adapter et non pas servir, à ces peuples politiquement jeunes, comme des panacées universelles.

 Le nationalisme d’abord, et son cousin germain, le communisme, entés sur des troncs étiolés, ont proliféré comme une liane parasite et menacent d’étouffer les vielles souches des civilisations asiatiques. C’est ce que récoltent les Blancs pour avoir soulevé le couvercle de la boîte à Pandore et laisser s’échapper des idées qu’eux seuls avaient réussi à domestiquer. C’est ce qu’ils récoltent aussi pour avoir oublié que celui qui sème le vent récolte la tempête. (De Confucius à Lénine – Préface)

[5] Hoặc thích yên nhi bất tinh. Hoặc ngữ yên nhi bất tường… Hoặc nịch ư huấn hỗ từ chương. Hoặc cấm độc thư cùng lý. 或 釋 焉 而 不 精, 或 語 焉 而 不 詳 [...] 或 溺 於 訓 詁 辭 章, 或 禁 讀 窮 理. (Trung Dung phú)

[6] Mạnh Tử viết: Bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại ý, dĩ ý nghịch chí, thị vị đắc chi. 孟 子 曰: 不 以 文 害 辭, 不 以 辭 害 意, 以 意 逆 志, 是 謂 得 之 (Mạnh Tử – Vạn Chương chương cú thượng, số 4). Phan Bội Châu, Khổng học đăng II, tr. 620.

[7] Xem Phụ lục 1.

[8] … Bạt kiếm tứ cố, tâm mang nhiên !             
拔 劍 四 顧 心 茫 然

Dục độ Hoàng Hà, băng tắc xuyên,           
欲 渡 黃 河 冰 塞 川

Tương đăng Thái Hàng, tuyết ám thiên,     
將 登 太 行 雪 暗 天

Nhàn lai thùy điếu tọa khê thượng,             
閒 來 垂 釣 坐 溪 上

Hốt phục thừa chu mộng nhật biên.           
忽 復 乘 舟 夢 日 邊

Hành lộ nan ! Hành lộ nan !                         
行 路 難 行 路 難

Đa kỳ lộ, kim an tại?                                       
多 歧 路 今 安 在

Trường phong phá lãng, hội hữu thì,           
長 風 破 浪 會 有 時

Trực quải vân phàm tế thương hải.             
直 掛 雲 帆 濟 滄 海

Đại đạo nhược thanh thiên,                         
大 道 若 青 天

Ngã do bất đắc xuất…                                 
我 猶 不 得 出…

(Bài thơ «Hành lộ nan» 行 路 難 của Lý Thái Bạch 李 太 白)


**************************         


Chương 2


BẦU KHÔNG KHÍ ĐẠO GIÁO THỜI THÁI CỔ



Ðức Khổng nói trong Luận Ngữ:

«Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.» [1]

Trung Dung viết thêm: «Trọng Ni tổ thuật Nghiêu, Thuấn, hiến chương Văn, Võ.» (Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu, làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.)

Thế là ta phải đi ngược dòng sông lịch sử cho lên tới thời Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ mới hiểu được đạo Trung Dung được tường tận hẳn hoi, cũng y như:

«Muốn tắm mát thời lên ngọn cái con sông đào,

Muốn ăn sim chín thời vào rừng xanh.» (Ca dao)

Ta hãy cùng nhau dở kinh Thi, thiên Đại nhã cho lòng xô lùi về cảnh đời dĩ vãng, phiêu diêu lên tới dĩ vãng xa xăm, để sống với dân gian thời Trung Hoa thượng cổ:

Thuở xa xăm ấy, nhân loại như dây dưa, mọc lan man,[2] chưa có nhà cửa, sống trong hang hốc…

Nhưng họ tin sùng Thượng Đế và tin Thượng Đế sống rất gần vua, gần dân, gần quân sĩ:

Trong cuộc giao tranh quyết liệt với binh vua Trụ ở Mục Dã, Võ Vương muốn gây tinh thần nhuệ khí cho quân sĩ đã kêu lên: «Thượng đế ở với ba quân. Ba quân đừng nghi ngại.»

Kinh Thi viết:

Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng,

Cho ba quân thêm dạ sắt, gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng Đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng, vững dạ.[3]

Lời kêu gọi đó đã làm binh sĩ nhà Chu hứng khởi, ào lên đánh tan quân Thương Ân trong có một buổi sáng.

Kinh Thi viết thêm:

Nơi Mục Dã mênh mang rộng rãi,

Xe bạch đàn chói chói, chang chang,

Ngựa tứ nguyên, phau phau đẹp rỡ ràng,

Khương Thượng phụ, trông oai phong lẫm lẫm,

Ngài như chim ưng, xòe tung đôi cánh,

Giúp Võ Vương, thế mạnh xiết bao.

Cả phá Thương, ba quân tiến ào ào,

Sau một sáng, Trời thanh quang trở lại.[4]

Thời buổi thô sơ ấy, nhân loại tin rằng Trời chiếu ánh sáng muôn trùng vào tâm hồn họ để làm khuôn phép, mẫu mực, để ra mệnh lệnh cho họ theo. Các vương giả, hiền nhân thời ấy cố sống sao đức hạnh tuyệt vời để kết hợp với Trời, để có thể được là vẻ sáng của Trời như Văn Vương. Họ mong muốn được đức hạnh như Trời (dữ thiên đồng đức).

Hễ thấy ai có:

«Đức sáng quắc, sáng choang ở dưới,

Họ liền biết:

«Mệnh hiển dương chói lọi ở trên.» [5]

Thời buổi ấy, các bậc trí thức vương giả, tin có ảnh tượng Trời trong đáy lòng mình. Văn Vương nói: Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm, chẳng phải long đong, mà vẫn giữ được.[6]

**************************         


Văn Vương lên tới một trình độ đức hạnh siêu việt, nếu như vẻ sáng Thượng Đế. Vì thế gọi là Văn Vương, ý nói Thượng Đế là chất, mà ngài là văn, là vẻ sáng Trời được phát huy ra.

Kinh Thi viết:

Việc Trời chẳng tiếng, chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin.[7]

Kinh Thi viết thêm:

Văn vương trọn một lòng kính nể,

Làm chói chang thượng đế ra ngoài,

Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,

Một niềm nhân đức chẳng sai lòng vàng.[8]

Khi Văn Vương băng hà, Chu Công thuật lại công nghiệp Văn vương rằng:

Văn Vương ở trên Trời cao thẳm,

Trên Trời cao, rạng ánh sáng quang minh.

Nước Chu tuế nguyệt dư nghìn,

Nhưng mà thiên mệnh mới truyền từ đây.

Phải chăng vì Chu đầy vinh hiển,

Phải chăng vì Đế mệnh gặp thời,

Văn Vương lên xuống thảnh thơi,

Hai bên Thượng Đế tới lui thanh nhàn.[9]

Thời buổi thô sơ ấy, họ quan niệm rằng nối chí tổ tiên, giữ vẹn đạo Trời, ấy là hiếu kính.

Kinh Thi viết:

Muốn nhớ tới tổ tiên khi trước,

Hãy gắng công tích đức tu thân,

Mệnh Trời phối hiệp vào thân,

Muôn ngàn phúc lộc xa gần chiêu lai.

Thuở nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng Đế tất giao .

Gương triều Ân hãy soi vào,

Mệnh Trời cao cả, lẽ nào dễ đâu.[10]

Thời buổi thô sơ ấy họ sống thuận mệnh Trời.

Kinh Thi viết:

Mệnh Trời ấy há đâu có dễ,

Muốn cho ta đừng kể tư nhân,

Biểu dương phóng phát thiện chân…  [11]

Tóm lại thời buổi ấy, những hiền nhân quân tử đã thông hiểu lẽ «Thiên nhân tương dữ», Trời người giao hảo, tình Trời người cá nước duyên ưa, thiên ý nhân tâm hòa hợp.

Thời buổi ấy những bậc thánh vương đã biết sống những ngày thanh bình, thảnh đãng, vô tư, như những bông hoa tắm mình trong ánh bình minh dịu dàng của muôn thế hệ.

Các bậc thánh hiền Trung Hoa về sau, nhân khảo sát lại nguồn tín ngưỡng cổ thời mà lập đạo, sáng tạo các lý thuyết triết học.

Lão Tử lập đạo Lão, một đạo huyền đồng (mysticisme), mong hòa mình với Trời, với Đạo để được trường sinh. Lão Tử bắt nguồn đạo mình lên tận Hoàng Đế.

Đức Khổng bắt nguồn đạo Trung Dung từ thời vua Nghiêu .

Khảo lại kinh Thi ta đã đoán được phần nào những thuyết «Thiên nhân tương dữ», «Thiên nhân nhất quán» của ngài, và ta sẽ thấy đạo Trung Dung cũng là một đạo huyền đồng (mysticisme).

Sau này, Mặc Tử cho bắt nguồn đạo mình từ thời nhà Hạ. Nhưng lòng tin Trời, kính Trời của các vị đó, chẳng ai nhường ai.

Nguồn tín ngưỡng sâu xa đó có lẽ cũng đã phát sinh ra những lý thuyết triết học:

- «Thể, Dụng»

- «Khinh danh, vụ thực» các đời sau.

**************************         


CHÚ THÍCH


[1] Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ. 子 曰: 述 而 不 作 信 而 好 古. Luận ngữ - Thuật nhi VII. 98.

[2] Miên miên qua điệt, dân chi sơ sinh… 綿 綿 瓜 瓞 民 之 初 生

Đào phục đào huyệt, vị hữu gia thất. 陶 復 陶 穴 未 有 家 室. (Kinh Thi, chương Đại minh)

[3] Ân Thương chi lữ                   
殷 商 之 旅

Kỳ hội như lâm                   
其 會 如 林

Thỉ vu Mục Dã                     
矢 于 牧 野

Duy dư hầu hâm                 
維 予 侯 興

Thượng đế lâm nhữ,         
上 帝 臨 汝

Vô nhị nhĩ tâm.                   
無 貳 爾 心

 (Kinh Thi, Văn Vương, thất chương, chương bát cú )

[4] Mục Dã dương dương           
牧 野 洋 洋

Đàn xa hoàng hoàng         
檀 車 煌 煌

Tứ Nguyên bành bành       
駟 騵 彭 彭

Duy Sư Thượng Phụ           
維 師 尚 父

Thời duy ưng dương           
時 維 鷹 揚

Lượng bỉ Võ Vương             
涼 彼 武 王

Tứ phạt Đại Thương           
肆 伐 大 商

Hội triêu thanh minh.           
會 朝 清 明

(Kinh Thi, Văn Vương thất chương, chương bát cú)

[5] Minh minh tại hạ                     
明 明 在 下

Hách hách tại thượng         
赫 赫 在 上

(Văn Vương thất chương, chương bát cú)

Xem thêm: Phúc âm thánh Matthieu V, 14-16: Các người là sự sáng thế gian, một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được, cũng không ai thắp đèn để dưới thùng, mà là để trên chân đèn soi cho mọi người trong nhà. Sự sáng các người hãy rạng sáng trước mắt nhân loại, để họ thấy những việc lành các người và ngợi khen cha các người trên Trời.

[6] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo. 不 顯 亦 臨, 無 射 亦 保 (Kinh Thi, Đại Nhã, Tư trai tứ chương, chương lục cú)

[7] Thượng thiên chi tải               
上 天 之 載

Vô thanh vô xú                     
無 聲 無 臭

Nghi hình Văn Vương         
儀 刑 文 王

Vạn bang tác phu.               
萬 邦 作 孚

(Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất)

[8] Duy thử Văn vương           
惟 此 文 王

Tiểu tâm dực dực             
小 心 翼 翼

Chiêu sự Thượng Đế     
昭 事 上 帝

Duật hoài đa phúc           
聿 懷 多 福

Quyết đức bất hồi           
厥 德 不 回

(Kinh Thi, Văn Vương thất chương bát cú)

[9] Văn Vương tại thượng, ô chiêu vu thiên. Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân. Hữu Chu bất hiển. Đế mệnh bất thời. Văn Vương trắc giáng. Tại Đế tả hữu. 文 王 在 上, 於 昭 于 天. 周 雖 舊 邦, 其 命 維 新. 有 周 不 顯. 帝 命 不 時. 文 王 陟 降. 在 帝 左 右. (Kinh Thi, Văn Vương)

[10] Vô niệm nhĩ tổ,                             
無 念 爾 祖

Duật tu quyết đức                       
聿 修 厥 德

Vĩnh ngôn phối mệnh                 
永 言 配 命

Tu cầu đa phúc                           
須 求 多 福

Ân chi vị táng sư                         
殷 之 未 喪 師

Khắc phối Thượng Đế               
克 配 上 帝

Nghi giám vu Ân                         
宜 鑒 于 殷

Tuấn mệnh bất dị                       
駿 命 不 易

[11] Mệnh chi bất dị                           
命 之 不 易

Vô át nhĩ cung                             
無 遏 爾 躬

Tuyên chiêu nghĩa văn…         
宣 昭 義 聞

Kinh Thi, Đại nhã tam - Văn vương chi thập tam chi nhất.

**************************         


Chương 3

ĐẠO THỐNG TRUNG DUNG   [1]


Sau khi quen thung thổ, quen đường đi, nước bước của dân Trung Hoa thời cổ, ta hãy thung dung cùng Miễn Trai tiên sinh, thả thuyền mộng cho xuôi dòng thời gian. Buồn quế, chèo mây của chúng ta sẽ từ từ lướt sóng qua thế hệ, lững thững từ thời Nghiêu xuôi xuống, để tìm ra chuổi liên châu đạo thống đạo Trung Dung.

Vua Nghiêu là đấng thánh nhân.[2] Ngài được Trời truyền đạo. Khi vua Nghiêu truyền đạo ấy cho vua Thuấn,[3] ngài khuyên:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»


Vua Thuấn truyền tâm pháp ấy cho vua Vũ.

Ngài dạy:

«Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.» [4]

Vua Thang nhận đạo thống, suy nghĩ và phát minh ra phương pháp tiết dục. Ngài nói: «Lấy nghĩa chế sự, lấy lễ chế tâm.» [5]

Văn Vương lĩnh hội được tinh hoa thấm thúy của đạo Trung Dung đã bước lên tới một độ nhân đức cao siêu. Ngài luôn mường tượng như có Thượng đế ở trước mặt. Ngài nói: «Chẳng thấy nhãn tiền, nhưng vẫn giáng lâm, chẳng phải vất vả, nhưng vẫn giữ được.» [6]

Châm ngôn của Võ Vương là:

«Kính cẩn chăng dễ khinh,

Trọng nghĩa rẻ dục tình,

Thế là đường lối phải,

Thế là ý khuôn xanh.» [7]

Châm ngôn của Chu Công là:


«Kính xin ngay ngắn tâm hồn,

Theo đường nghĩa lý vuông tròn công tư.» [8]


Hơn 1500 năm sau thời vua Nghiêu, hơn 500 năm thời Văn Vương, đạo Trời lại ngưng đọng nơi Đức Khổng. Đức Khổng lại cảm thấy mình là vẻ sáng của Thượng Đế, Ngài lại bôn ba đi truyền dạy đạo Trời. Khi bị vây ở đất Khuông, Ngài nói: «Văn Vương đã thác, vẻ sáng nay chẳng ở đây sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì sau khi Văn Vương thăng hà đâu có ban cho ta. Nếu Trời không muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta?» [9]

Thế là ta bắt được liên châu đạo thống đạo Trung Dung. Đạo ấy do Trời ban cho các thánh hiền. Quang huy ngài chiếu soi vào các thánh hiền thế hệ. Quang huy ấy đạo nho gọi là Tính. Tính là nguồn mạch hoàn thiện, linh diệu, huyền vi, phát sinh ra muôn điều cao siêu, đẹp đẽ.

Hội ý tiên nho, ta có thể phác họa lại cương lĩnh đạo thống Trung Dung bằng mấy vần thơ sau:


Trộm nghĩ rằng duyên do sinh bát quái, Lạc thư,

Làm tâm điểm cho cuộc Trời đất doanh hư,

Gồm Thái cực, cả hai bề động tĩnh,

Làm chủ chốt cho muôn điều chân chính,

Thao túng hết vi diệu của Hoàng Thiên,

Duyên do đó ngự trong tâm ta, ẩn áo, an nhiên,

Làm vua Nghiêu treo cao gương đức cả,

Làm Vua Thuấn kính tin vô tư lự,

Cho Đại Võ nương vào khi giáo hóa,

Cho Cao Dao lấy đó để dạy đời,

Thành Thang nhờ đó nên hiền thánh hơn người,

Y Doãn, Lai Châu nương vào nên nhân đức,

Văn Vương những ước mơ mà chưa thấy được,

Vũ Vương, Chu Công rong ruổi trên đường Ngài,

Ngài cho Đức Khổng biết chóng chậm, tiến lui,

Cái thuật ấy xưa nay ai vượt nổi?

Cảm thấy ngài cao, chắc, trước, sau, vươn khó tới,

Như Nhan Hồi thiên hạ dễ mấy mươi;

Đạo nhất quán thầy Tăng thấy nơi Người,

Mạnh Tử nhờ đức, tài bồi hạo nhiên chi khí. [10]



HÌNH 1




**************************         


CHÚ THÍCH


[1] Xem Thánh hiền đạo thống truyền thụ tổng tự thuyết của Miễn Trai và Mạnh Tử ở phần phụ lục I.

[2] Mạnh Tử viết: Nghiêu Thuấn tính chi dã. (Mạnh Tử, Tận tâm, chương cú hạ số 33, tr. 276)

[3] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 188 và tiếp theo.

Mạnh Tử, Tận tâm, chương cú hạ số 38, tr. 284…

[4]   Nhân tâm duy nguy               
人 心 惟 危

Đạo tâm duy vi                       
道 心 惟 微

Duy tinh duy nhất                   
惟 精 惟 一

Doãn chấp quyết trung         
允 執 厥 中

Kinh Thư, III, Đại Vũ mô,15.

[5] Dĩ nghĩa chế sự, dĩ lễ chế tâm.
以 義 制 事, 以 禮 制 心.

[6] Bất hiển diệc lâm, vô dịch diệc bảo.
不 顯 亦 臨, 無 射 亦 保.

- Đại Nhã - Tư trai tứ chương, chương lục cú.

- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 191.

[7]   Kính thắng đãi giả cát,           
敬 勝 殆 者 吉

Nghĩa thắng dục giả tùng.   
義 勝 欲 者 從

- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 192.

[8] Kính dĩ trực nội. Nghĩa dĩ phương ngoại.
敬 以 直 內. 義 以 方 外. - Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 191.

[9] Tử úy ư Khuông viết: Văn vương ký một, văn bất tại tư hồ? Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn dã. Thiên chi vị táng tư văn dã. Khuông nhân kỳ như dư hà? 子 畏 於 匡 曰: 文 王 既 沒, 文 不 在 斯 乎? 天 之 將 喪 斯 文 也. 後 死 者 不 得 輿 於 斯 文 也. 天 之 未 喪 斯 文 也. 匡 人 其 如 予 何? - Luận ngữ, Tử Hãn đệ cửu, tr. 134 (Bản dịch Đoàn Trung Còn)

[10] Phỏng dịch theo Trung Dung phú của Lương Gia Hòa:

Tưởng phù Hà xuất thiên bào                         
想 夫 河 出 天 苞

Lạc thổ địa phù                                                 
洛 吐 地 符

Ngũ thập cư trung                                           
五 十 居 中

Bị Thái cực chi động tĩnh                                 
備 太 極 之 動 靜

Trung chính vi chủ,                                           
中 正 為 主

Diệu Hoàng cực chi liễm phu,                         
妙 皇 極 之 斂 敷

Kỳ tại ư tâm.                                                       
其 在 於 心

Tắc Nghiêu chi khắc minh tuấn đức             
則 堯 之 克 明 峻 德

Thuấn chi kính giới vô ngu                               
舜 之 敬 戒 無 虞

Vũ chi thai nhi giáo cật                                     
禹 之 台 而 教 訖

Cao Doãn địch nhi trần mô,                           
皋 允 迪 而 陳 謨

Thang chấp chi dĩ lập hiền                             
湯 執 之 以 立 賢

Nhi Y Doãn, Lai Châu hàm kỳ đức               
而 伊 尹 萊 茱 咸 其 德

Văn vọng chi nhi vị kiến,                                 
文 望 之 而 未 見

Vũ Vương, Chu Công trì kỳ đồ.                       
武 王 周 公 馳 其 途

Sĩ, chỉ, cửu, tốc, Thánh chi thời,                     
仕 止 久 速 聖 之 時

Trọng Ni bất khả du dã.                                   
仲 尼 不 可 踰 也

Cao, kiên, tiền, hậu hữu sở lập                       
高 堅 前 後 有 所 立

Nhan thị kỳ thứ cơ hồ                                       
顏 氏 其 庶 幾 乎

Nhất quán chi đạo, Tăng cầu chư kỷ           
一 貫 之 道 曾 求 諸 己

Hạo nhiên chi khí, Mạnh thiện dưỡng ngô.   
浩 然 之 氣 孟 善 養 吾

Trung Dung phú của Lương Gia Hòa. Xem Cổ học tinh hoa, Quảng Nam, Thu Canh Tý 1960, tr. 21 (Xem Phụ lục 10).


**************************         


Chương 4


CHỮ TÍNH, CHỮ MỆNH TRONG ĐẠO TRUNG DUNG



Ðã biết đạo Thống Trung Dung, ta phải nghiên cứu lại hai chữ Tính, Mệnh. Đó là điều kiện thiết yếu để hiểu Trung Dung và Nho giáo.

Đầu Trung Dung, Tử Tư viết:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh

Đạo là noi theo tính bản thiên.»

Như vậy hai chữ Tính, Mệnh là đề tài then chốt của Trung Dung.

Đọc tựa Kinh Thư Đại Toàn ta thấy viết: «Xưa nay tâm pháp đều bắt nguồn ở hai chữ Tính Mệnh. Thánh hiền muôn đời không thay đổi được.» [1]

Mấy lời ấy tưởng đã đủ thôi thúc ta suy cứu cho ra mối manh hai chữ Tính Mệnh.


I. CHỮ TÍNH MỆNH TRONG DÂN GIAN


Trước tiên, chúng ta đừng lẫn lộn chữ Tính, chữ Mệnh trong Nho giáo với chữ Tính, chữ Mệnh trong dân gian, vì thực ra cũng một hình hài văn tự, mà ý nghĩa thì khác biệt nhau Trời vực.

Tính theo nghĩa dân gian là phản ứng thường gặp của cá nhân.

Mỗi người phản ứng một cách, nên tính cũng biến đổi theo người, vì thế, có câu «Bá nhân, bá tính».

Tính đó là tính nết, là thói quen. Tính đó là thường tình, là tâm tính.

Mệnh theo nghĩa dân gian là số mệnh, số phận. Số mệnh mỗi người mỗi khác, vì lệ thuộc vào thân thế và hoàn cảnh. Số mệnh có dở, có hay, có truân chuyên, có hạnh phúc. Nhiều người cho rằng số mệnh dở, hay đều do Trời tiền định:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao. (Kiều)

 Quan niệm có thể làm cho con người đi đến chỗ ù lì, hết phấn đấu:

«Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu.» (Kiều)



II. CHỮ TÍNH MỆNH THEO MỘT SỐ NHO GIA


Ta cũng sẽ không hiểu chữ Tính, chữ Mệnh, theo chủ trương của ít nhiều Nho gia.

Theo chủ trương này, thì mệnh là công trình nhập thế (Quan nguyệt quật 觀 月 窟), cải tạo hoàn cảnh, tượng trưng bằng nửa vòng Dịch đầu, từ quẻ Cấu đến quẻ Khôn, còn  Tính là công trình xuất thế (Kiến thiên căn 見 天 根), cải tạo tâm hồn, tượng trưng bằng nửa vòng Dịch sau, từ Phục đến Càn. [2]

                性 TÍNH      MỆNH 命

         
   
Ý muốn nói, con người cần phải dùng đời mình để cải tạo hoàn cảnh và để tu thân, có thế mới hoàn tất được Tính Mệnh mình.

Lời bàn giải trên thực cũng đã tinh vi tế nhị.

 III. CHỮ TÍNH MỆNH THEO KHỔNG GIÁO

Nhưng chữ tính, chữ mệnh trong Khổng giáo còn cao siêu huyền diệu gấp bội.

Ngay các cao đệ đức Khổng cũng không dễ được nghe ngài bàn tới.

Tử Cống nói:

«Văn chương bình luận phán phê,

Văn chương Phu Tử ta nghe thường rồi.

Còn như Tính với đạo Trời,

Mấy đời thầy giảng, mấy đời ta nghe.» [3]

Câu này tả nỗi sốt ruột của Tử Cống muốn được nghe thầy truyền tâm pháp mà chưa được. Chưa được nghe, vì chưa xứng đáng nghe: đường lối cổ nhân là vậy.

Về chữ mệnh, Đức Khổng khiêm tốn nói: «Ta bàn chữ Mệnh không nổi.» Tuy ngài có tài thuyết minh, biện bác trổi xa hơn Tể Ngã, Tử Cống.[4]

Lời nói đó làm ta liên tưởng tới một câu của Lão Tử:

«Đạo Trời ôm ấp một mình,

Còn hơn vất vả thuyết minh suốt đời.»[5]

Mấy lời Đức Khổng nói trên cốt để ta lưu tâm suy cứu về chữ Mệnh, đừng nông nổi hiểu lầm, vì hiểu được chữ Mệnh, ta sẽ đổi được lề lối sống.

Đức Khổng năm mươi tuổi mới biết mệnh Trời.[6]

Tăng Tử kết thúc quyển Luận Ngữ bằng một lời giáo hóa của Đức Khổng:

«Chẳng hiểu mệnh Trời, không đáng gọi là người quân tử.» [7]

Hai chữ Tính Mệnh của đạo Khổng nó khúc mắc vô biên, tuy khác nghĩa nhau mà vẫn dính liền nhau như Càn Khôn quyện. Nó rất quý báu, nó chính là Tính Mệnh ta, vì vậy ta cần phải tìm hiểu cho tường tận.

**************************         



A. Chữ Tính


Thời Khổng Tử, chữ Tính đã thông dụng, nhưng ít được bàn giải minh bạch. Mạnh Tử là người đầu tiên đề xướng thuyết tính thiện. Đến đời Tống, các danh nho mới bàn giải kỹ lưỡng về chữ Tính.

Cho nên muốn hiểu chữ Tính, phải tham khảo Tống nho.

Minh Đạo tiên sinh thường nói: «Tính cùng đạo Trời nếu không tự đắc thì không biết được.» [8]

Theo Hoành Cừ, Tính là lẽ chí thiện, chí mỹ của Trời đất.[9]

Trình Y Xuyên cho tính là chân nguyên, là Lý, là «Vật năng sinh».[10]

Ngũ Phong nói: «Tính là lẽ mà Trời đất sở dĩ thành lập, nên Tính là điều kín nhiệm của quỉ thần.» [11]

Lại nói: «Tính bản nhiên ấy chí thiện; đã bảo rằng chí thiện, tức là tuyệt đối.» [12]

Tính hay thiên tính, thiên lý là nguồn mạch sự sống, là chân, thiện, mỹ. Vì thế, Trung Dung định nghĩa «Tính» là hoàn thiện, quang minh.[13]

Theo Mạnh Tử và Chu Hi, tính hàm súc vạn lý, nhưng phân cương lĩnh lớn lao gồm bốn điều, mệnh danh là nhân, nghĩa, lễ, trí.[14]

Sự khảo sát này đưa đến một sự kiện rất quan trọng. Đó là sự phân biệt giữa tính và tâm. Theo quan điểm các đại hiền triết Nho giáo, thì tính và tâm khác nhau muôn trùng. Vì tính là thiên tính, thiên lý, không phải là tâm tính, tâm tình như ta thường hiểu.

Tuy nhiên, đôi đàng vẫn có liên hệ mật thiết với nhau. Chu Hi nói: «Tính như Thái cực, tâm như âm dương, tuy khác nhau Trời vực, như vẫn lồng vào nhau như bóng với hình, tuy một mà hai, tuy hai mà một.» [15]

Ta hãy dùng một thí dụ, để phân biệt tính với tâm, đồng thời xác định liên hệ giữa tính với tâm:

Thiên tính hay đạo tâm như mặt Trời muôn thuở, huy hoàng, viên mãn, tâm tình hay nhân tâm như vầng trăng, tròn khuyết, sáng tối với thời gian.

Đạo tâm muôn thuở, chiếu diệu ánh sáng nhân, nghĩa, lễ, trí xuống nhân tâm như mặt Trời soi sáng cho vầng trăng.

Nhưng những tia sáng muôn trùng đó lúc tỏa xuống tối nhân tâm đã dấu bớt rực rỡ, thu bớt quang huy để hòa mình cùng trần cấu nhân loại.

Lòng nhân từ (nhân 仁), bát ngát, mênh mông, ứng xuống lòng người, làm cho con người cảm thấy nỗi niềm, trắc ẩn, bất nhẫn trước mọi nỗi đau thương. Có lúc ta thương vay, xót mướn, thương vẩn, thương vơ:

«Thương con quốc rũ kêu mùa hạ,

Thương cánh bèo trôi dạt bể đông,

Thương vợ chồng Ngâu duyên chểnh mảng,

Thương cha mẹ nhện số long đong.»

Ta thương tự nhiên ta thương:

Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng thương thay.

Chính nghĩa muôn thuở (Nghĩa 義), vẻ đẹp ngàn đời chiếu xuống lòng ta cô đọng lại thành lòng tu ố, lòng biết liêm sỉ: tự nhiên ta xấu hổ, ta ngượng nghịu vì những điều xằng bậy mình làm ghét những điều chếch mác, dở dang, chê những chuyện bạo tàn, bóc lột, thích những nghĩa cử:

«Anh hùng đã gọi tiếng rằng,

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.» (Kiều)

Trật tự uy nghi muôn thuở (Lễ 禮) soi xuống tâm hồn ta, biến thành lòng từ nhượng, làm cho ta biết khiêm tốn,biết phục thiện, biết gò bó mình vào vòng lễ giáo, trong khi dục tình, như ngựa ô truy, luôn luôn muốn rong ruổi trên đường đời để gây can qua, máu lửa.

Trí quang minh, rực rỡ (Trí 智) chiếu xuống lòng ta sinh ra sự biết thị phi biết hay, biết dở, hay để làm, dở để tránh.

Tóm lại, tính là hoàn thiện tuyệt đối. Tính đó, tính quang Trời đó, vẫn lẩn trong tâm ta nhưng ta đâu có hay, có biết, cho nên tâm hồn ta vẫn điên đảo, ngả nghiêng.

«Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng người điên đảo, ngả nghiêng.»

Tính đó, nguồn chân, thiện, mỹ đó, là khuôn vàng, thước ngọc cho ta theo. Tính đó là đường đưa ta về với Trời, vì thế gọi là đạo, Tính đó là mệnh lệnh của Trời truyền. Ta phải theo chân «tính» đó, soi gương «tính» đó để hoàn thiện mình, y như đất noi theo gương Trời.  [16]



HÌNH  2



HÌNH 3


Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời,

Tồn tâm, dưỡng tính chẳng rời,

Đó là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.

Yểu hay thọ không thay lòng dạ,

Cứ tu thân một thuở đợi Ngài.

Đó là theo đúng mệnh Trời.

Mệnh Trời đó chớ rời gang tấc,

Theo ý Trời ta chắc không sai.

Cho nên kẻ biết mệnh Trời,

Tường long vách lở là nơi chẳng gần.

Sống trọn đạo đến cùng rồi chết,

Thế là theo đúng hết mệnh Trời,

Gông cùm chết uổng một đời,

Ấy đâu phải chính ý Trời muốn đâu.

Muốn có Ngài, tìm cầu sẽ có,

Muốn mất Ngài, cứ bỏ Ngài đi,

Những điều ích lợi tinh vi,

Lòng ta ta kiếm ta đi ta tìm,

Tìm cầu Ngài, ta liền có đạo.

Có được Ngài, trọn hảo mệnh Trời.

Tìm điều vật chất bên ngoài.

Ngoài mình tìm kiếm sẽ hoài mất công.[17]

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn, hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được khi mình đang vui...

Cố đối với mọi người tử tế,

Muốn tìm Nhân ấy thế là Nhân.

Vẫn mang Ngài, mà thân chẳng hiển,

Vì quá quen nên khiến chẳng suy.

Suốt đời Ngài độ ta đi,

Nhưng mà dung tục biết chi đạo Ngài.
[18]


**************************         



Quan niệm về tính, sự phân biệt giữa tính và tâm của Khổng giáo đem đối chiếu với các chủ trương của các đại hiền triết Đông Tây sẽ không thấy sai biệt.

Các đại hiền triết Đông Tây cũng như danh nho lịch đại, đều cố tiến sâu vào đáy thẳm tâm hồn để tìm cho ra căn để tâm hồn mà các ngài cho là tuyệt đối thể, bất biến, trường tồn, vừa tế vi huyền diệu, vừa mênh mông bao quát vũ trụ.

Ý thức (conscience psychologique), hay nói cách khác, những hiện tượng tâm lý (phénomènes psychiques), góp lại dưới danh từ tâm hồn mới chỉ là những hiện tượng phù phiếm, chưa phải là toàn thể tâm hồn.

Dưới lớp ý thức phù phiếm còn có lớp tiềm thức mênh mông, làm căn bản cho tâm hồn.

Mỗi học thuyết triết học lại dùng những danh từ riêng để diễn tả căn bản tâm hồn ấy. Đó là:

- Atman (Đại ngã) trong triết học Bà la môn.

- A-lai-da thức, Đệ bát thức, Hàm tàng thức, chân như, Phật tính, bản lai diện mục, v.v... trong Phật giáo.

- Đạo, cốc thần, huyền tẫn, v.v. trong đạo Lão.

- Thần (Le «Nus») của Anaxagore

- Đạo (Le «Logos») của Philon và Plotin, của thánh Jean.

- Toàn nhất (L’Un-Tout) của Hartmann.

- Tuyệt đối thể (L’Absolu) của Shelling.

- Tự thể (Noumène) của Kant.

- Vô thức đại đồng (inconscient collectif) của Jung

- Thực thể (L’Être)

- Tâm đại đồng (conscience universelle)

- Thiên địa chi tâm (conscience cosmique) v.v...

trong siêu hình học Âu Châu.

**************************         



Các thánh hiền trong Khổng giáo chủ trương trong tâm có Tính, dưới lớp «nhân tâm nghiêng ngửa», còn có nền tảng «đạo tâm siêu vi» ẩn áo, thì các hiền thánh Đông Tây cũng chủ trương tương tự, nghĩa là tâm hồn ta có hai phần: một phần thẳm sâu, ẩn áo huyền vi, cao minh linh diệu, hoàn thiện tuyệt đói, hằng cửu bất biến, đó là bản thể, bản tính nhân loại; một phần là ta, là tâm hồn ta theo nghĩa thông tục, biến thiên, nhỏ nhoi, hèn mọn cần được uốn nắn, giũa mài.

Hai phần đó là:

Đại ngã, Tiểu ngã trong Bà la môn; Chân tâm, vọng tâm trong đạo Phật; Đạo và tâm trong đạo Lão, thần và hồn (Le Nus – La divine raison – et la Psukhê – l’âme) trong các học thuyết Âu Châu.

Sự phân biệt này giúp ta hiểu được những điều khúc mắc, ẩn áo, dung hòa được những mâu thuẫn giữa các môn phái triết học Đông Tây.[19]

Muốn hiểu chữ tính cho tường tận, tưởng nên trưng thêm một đoạn văn của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh:

Người chí thánh hòa mình với Đạo,

Dáng dấp người ẩn áo với Trời.

Trời sinh ra khắp muôn loài,

Phất phơ, phất phưởng ảnh Trời ở trong.

Ngỡ muôn loài tối tăm, u uẩn,

Tinh quang Trời vẫn lẩn trong tâm,

Tinh quang ấy thực thiên chân,

Khơi nguồn tín ngưỡng xa gần xưa nay.

Xưa và nay tên Ngài vẫn đó,

Tên Ngài còn mới có chúng sinh.

Ta hay dáng dấp «nguồn sinh»,

Là nhờ phương pháp thuyết trình trên đây.[20]


**************************         



B. Chữ Mệnh

Chữ mệnh vừa là mệnh Trời, vừa là định mệnh con người. Vậy Trời muốn gì, và định mệnh con người sẽ ra sao?

Đạo Nho cho rằng: Trời muốn con người tận thiện mình, hiển dương tính Trời để kết hợp với Trời, thông phần vinh hiển của Trời.

Kinh Thi viết:

«Mệnh Trời ấy há đâu có dễ:

Muốn cho ta đừng kể tư thân,

Biểu dương phóng phát thiện chân...» [21]

Tất cả kho Kinh Dịch cốt dạy ta thấu hiểu căn bản con người, để hoàn tất sứ mạng con người.[22]

Thiệu Khang Tiết chủ trương sự tiến hóa của vạn vật rồi ra cũng sẽ kết thúc bằng sự hoàn thiện. Ông viết: «Nhất biến thành vạn, rồi ra vạn lại trở về nhất; mà nhất chính là thiên địa chi tâm là tạo hóa chi nguyên.» [23]

Nhưng muốn hiểu mệnh Trời không phải dễ. Dịch nói: «Phải thông suốt lý lẽ, am tường bản tính, mới có thể thấu đáo được thiên mệnh.» [24]

Vì hiểu mệnh Trời, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn đã nên như những vị sao sáng, chiếu diệu tinh quang cho tới những thế hệ này. Vì hiểu mệnh Trời, nên Nghiêu, Thuấn đã:

«Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời.» [25]

Hiểu mệnh Trời, Thành Thang đã cố đạt tới tinh hoa nhân loại, tới Trung Dung, Hạ Vũ đã cố đạt tới hoàn thiện; sự hoàn thiện đó hoặc gọi là đức, là nhân, là kính, là thành, lời tuy khác nhưng ý là một, nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏa nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn.[26]

Vậy mệnh Trời là muốn cho ta tìm cho ra bản thể mình, theo tiếng lương tâm, phục tòng thiên lý, tận thiện mình để kết hợp với Trời.

Đó cũng chính là chủ trương «qui nguyên phục mệnh» của đạo Lão.

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cùng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.[27]

Nhà bác học Lecomte du Noüy gần đây cũng viết trong quyển Định mệnh con người: «Mọi người hãy ghi nhớ rằng định mệnh con người rất cao quý. Con người xin đừng bao giờ quên tàn lửa Trời trong thâm tâm mình. Con người có toàn quyền khinh miệt hay làm tiêu ma ngọn lửa thiêng đó, nhưng cũng có toàn quyền tiến tới gần Thượng đế bằng cách ra công ra sức hoạt động với Ngài và vì Ngài.» [28]


HÌNH 4: Tính mệnh song tu, âm dương hợp nhất: Phổ chiếu đồ. [29]

Như vậy theo tiên hiền, Tính thật là hoàn hảo, Mệnh thật là cao sang.

Tính mệnh là điểm Trời người gặp gỡ.

Trương Tử viết: «Tinh hoa Trời ban cho người, gọi là Mệnh; tinh hoa người thụ hưởng do Trời, gọi là Tính.» [30]

Ngô Thảo Lư viết: «Tính hay Mệnh đều là Thái cực.» [31]

Nhưng hai chữ Tính - Mệnh theo thời gian, đã trải mấy tang thương.

Đối với dân gian, như ta đã thấy, chữ Tính chữ Mệnh có ý nghĩa rất nghèo nàn, chật hẹp.

Thay vì có ý nghĩa phổ biến, phổ quát như xưa, hai chữ tính mệnh được đem áp dụng trong những trường hợp cụ thể, đặc thù, cho nên Tính trở nên chất chưởng, biến thiên, Mệnh trở nên đa đoan, bất định.

Nói đến theo «tính tự nhiên» ai cũng rùng mình, cho là vô lý, là trụy lạc. Nói tới Mệnh, mọi người liên tưởng đến gian lao, khổ sở hơn là sung sướng, thảnh thơi. Theo thời gian, chữ Tính toàn thiện, bao hàm thiên lý, thiên đạo đã bị pha phôi.

Ánh hào quang nguyên nghĩa đã mất; chữ Tính chỉ còn gợi ra những hình ảnh phù du, biến ảo của tâm trạng con người. Chữ Mệnh cao sang, toàn bích cũng đã bị tả tơi, bị chia sẻ vô hạn định như một tấm bản đồ gia phả quí báu đã rách nát. Chữ Mệnh nay đã phong trần chịu sánh vai cùng chữ số mệnh, số mệnh. Số phận, số mệnh chỉ còn là phân số nhỏ nhoi của định mệnh toàn bích, một trận đường trần gian trên con đường thiên lý.

Dở lại những trang sách cũ, ta mới thấy đối với các thánh hiền ngàn xưa, Tính Mệnh là ngọc châu vô giá. Tính là thiên tính, thiên lý, thiên lý, cho nên theo «tính tự nhiên» (suất tính) là lý tưởng của các ngài, là đạt tới định mệnh cao cả của con người, là thuận mệnh Trời.

Tóm lại hai chữ định mệnh chẳng qua là khởi điểm và cùng điểm của lịch sử nhân loại. Vì thông phần tính Trời, nhân loại sẽ thực hiện được mệnh Trời, nghĩa là đạt được sự hoàn thiện, lúc lịch sử nhân loại cáo chung.

Suy ra, thì lịch sử của nhân loại chính là sự diễn tiến của Tính Mệnh qua hoàn cảnh, và tâm tính. Muốn thực hiện được Tính Trời, qui phục Mệnh Trời, con người sẽ phải qua những giai đoạn phàm phu, sĩ, quân tử, hiền, và thánh.

Nói cách khác, những trạng thái nhân loại phô diễn trong không gian phàm phu, sĩ, quân tử, hiền, thánh cũng sẽ là những trạng thái nhân loại tuần tự diễn tiến trong thời gian, và động cơ lịch sử sẽ là hoàn cảnh, tâm, tính, và mệnh.[32]

Phàm phu là những người chỉ biết có tâm biến thiên, nên không tự chủ, tự cường được là luôn bị lôi cuốn theo hoàn cảnh, đồng hóa với hoàn cảnh.

Sĩ là những người chịu suy tư học hỏi để tìm cách chế ngự hoàn cảnh.

Quân tử là những người gắng gỏi học hành, cố công truy cứu để tìm cho ra Tính ẩn khuất sau tâm, mong sống thoát vòng cương tỏa của hoàn cảnh, tâm tình.

Hiền là những người đã tiến xa hơn, phân biệt rõ tính và tâm, phân định rõ ngôi chủ tớ, tâm hồn tự nhiên theo thiên tính, thiên lý, Đó là «suất Tính» để thuận mệnh Trời.

Thánh là những người mà đời sống hoàn toàn phù hợp thiên tính, thiên lý, đến nỗi lòng riêng chẳng còn, niềm tây đã sạch, trở nên một tấm gương phổ quát cho nhân thế soi chung. Đó là «phục mệnh» để «phối thiên» và hưởng trường sinh bất tử.

Nếu như vậy, lịch sử nhân loại cũng phải có những giai đoạn tương tự, nghĩa là có thời kỳ con người bị hoàn cảnh chi phối, có thời kỳ sẽ chế ngự được hoàn cảnh, có thời kỳ sẽ thám hiểm tầng sâu tâm hồn để tìm cho ra Tính ẩn khuất sau tâm, có thời kỳ sẽ tự động sống thuận Mệnh Trời, phục tòng thiên lý, và tới chung cuộc lịch sử, con người sẽ tiến tới hoàn thiện cả về tinh thần lẫn vật chất.[33]

Trên con đường thực hiện Thiên Tính để phục tòng Thiên Mệnh, con người có hai bảo vật, đó là chí thông minh và lòng dũng cảm. Tính Mệnh con người được bảo tòan chính là nhờ ở sự triền miên suy tư, và công trình gắng gỏi liên tục của con người.

**************************         



CHÚ THÍCH


[1] Tâm pháp chi nguyên ư tính mệnh giả tiên hậu đồng quỹ; bách thế chi thánh quân hiền phụ vị năng dịch dã. 心 法 之 源 於 性 命 者 先 後 同 揆;百 世 之 聖 君 賢 父 未 能 易 也. - Kinh Thư Đại Toàn, Quyển I - Tựa.

[2] Án chư thuyết tuy dị, kỳ dĩ dương sinh vi Thiên căn, âm sinh vi nguyệt quật, vô bất đồng dã. Cái Khang Tiết chi ý sở vị Thiên căn giả tính dã, sở vị nguyệt quật giả, mệnh dã. Tính mệnh song tu, Lão thị chi học dã. 案 諸 說 雖 異, 其 以 陽 生 為 天 根, 陰 生 為 月 窟, 無 不 同 也. 蓋 康 節 之 意 所 謂 天 根 者 性 也, 所 謂 月 窟 者 命 也. 性 命 雙 修 老 氏 之 學 也. - Tống Nguyên Học Án, q. X, tr. 11.

* (1 bis ) Vô vi dĩ tu nội, Hữu vi dĩ tu ngoại. Tu nội giả, tính dã; tu ngoại giả mệnh dã. Thượng đức giả tu tính, nhi mệnh tức lập, tự thành nhi minh dã. Hạ đức giả, tu tiên tu mệnh nhi hậu tu tính. Tự Minh nhi thành dã… 無 為 以 修 內, 有 為 以 修 外. 修 內 者, 性 也. 修 外 者, 命 也. 上 德 者 修 性, 而 命 即 立, 自 誠 而 明 也. 下 德 者 須 先 修 命 而 後 修 性. 自 明 而 誠 也. - Coi đoạn Đồ Thư hợp nhất (Chu Dịch Xiển Chân)

* Hà vị tính? Nhất linh khuếch triệt, viên đồng Thái Hư. Tức Thủy tuy nguyên Càn Nguyên dã. Hà vị mệnh? Nhất khí nhân uẩn. Chủ trì vạn hóa. Tức tư sinh chi Khôn Nguyên dã. 何 謂 性?一 靈 廓 徹, 圓 同 太 虛. 即 始 資 元, 乾 元 也. 何 謂 命? 一 氣 氤 蘊. 主 持 萬 化, 即 資 生 之 坤 元 也. - Tiên Học Tập Cẩm, tr.101.

[3] Tử Cống viết: Phu tử chi văn chương, khả đắc nhi văn dã. Phu tử chi ngôn Tính dữ Thiên đạo bất khả đắc nhi văn dã. 子 貢 曰: 夫 子 之 文 章 可 得 而 聞 也. 夫 子 之 言 性 與 天 道 不 可 得 而 聞 也.- Luận Ngữ, Công Dã Tràng, V-12, tr. 70.

[4] Ngã ư từ mệnh, tắc bất năng dã 我 於 辭 命 則 不 能 也 - Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, chương cú thượng số 2, tr. 92.

[5] Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung. 多 言 數 窮 不 如 守 中.

[6] Ngũ thập tri thiên mệnh. 五 十 知 天 命 - Luận Ngữ. Vi chính II.

[7] Bất tri Thiên mệnh vô dĩ vi quân tử dã. 不 知 天 命 無 以為 君 子 也 - Luận Ngữ. quyển 10 - Nghiêu viết, 20-3, tr. 314.

[8] Tính dữ thiên đạo, phi tự đắc chi tắc bất tri. 性 與 天 道 非 自 得 之則 不 知.- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 78.

[9] Theo Hoành Cừ, người ta ai cũng có hai tính: Một tính bản nhiên của Trời đất phú cho, thì ai cũng lành vì đó là lẽ chí thiện, chí mỹ của trời đất. Một tính bẩm thụ của khí chất, mà khí chất có dày mỏng, trong đục khác nhau, thành thử tính ấy tùy sự bất đồng của khí chất mà trở nên lành hay dữ. Kẻ bẩm thụ được khí chất tốt đẹp, trong trẻo thì thính thiện; kẻ bẩm thụ phải khí chất mỏng manh vẩn đục, thì tính ác. Tuy nhiên, dù một người hung ác đến bực nào, nếu biết mà biến đổi tính ác kia đi, sẽ giữ được nguyên cái tính lành là tính vốn có của mình. - Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 62.

[10] Chân nguyên tức là lý; lý là vật năng sinh, khí là vật sở sinh. Vật năng sinh có thể sinh sinh không ngừng, còn vật sở sinh cũng được cái lý chân nguyên sinh ra vô cùng tận. (Trình Y Xuyên) - Bửu Cầm, Tống Nho. tr. 89.

[11] Tính dã giả thiên địa chi sở lập dã. 性 也 者 天 地 之 所 立 也.- Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 114-115.

[12] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 114-115, 119.

[13] Trung Dung, ch. XXI: Tự thành minh, vị chi tính. 自 誠 明 之 謂 性.

[14] - Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 140-141 - Mạnh Tư, Công Tôn Sửu chương cú thượng số 6, tr.104 và tiếp theo. - Xin đọc: Phụ lục 2.

[15] Tính do thái cực dã, tâm do âm dương dã. Thái cực chỉ tại âm dương chi trung, phi năng ly âm dương dã. Nhiên chi luận Thái cực, tắc Thái cực tự thị Thái cực, âm dương tự thị âm dương. Duy tính dữ tâm diệc nhiên, sở vị nhất nhi nhị, nhị nhi nhất dã. 性 猶 太極 也. 心 猶 陰 陽 也. 太 極 只 在 陰 陽 之 中, 非 能 離 陰 陽 也. 然之 論 太 極, 則 太 極 自 是 太 極, 陰 陽 自 是 陰 陽. 惟 性 與 心 亦 然, 所 謂 一 而 二, 二 而 一 也. - Le Philosophe Tchou-Hi, Sa doctrine, son influence, par le P. Stanislas le Gall S.J. p. 112.

[16] Thành tượng chi vị Kiền, hiệu pháp chi vị Khôn. 成 象 之 謂 乾, 效 法 之 謂 坤 - Dịch Kinh, Hệ từ thượng. Dịch Kinh Tân Khảo, tr. 3588.

[17] Mạnh Tử viết: «Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giả. Tri kỳ tính, tắc tri Thiên hĩ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã, yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã. Mạc phi mệnh dã. Thuận thụ kỳ chính. Thị cố, tri Mệnh giả, bất lập hồ nham tường chi hạ. Tận kỳ đạo nhi tử giả chính mệnh dã. Trất cốc tự giả, phi chính mệnh dã. Cầu, tắc đắc chi. Xả, tắc thất chi. Thị cầu hữu ích ư đắc dã. Cầu tại ngã giả dã. Cầu chi hữu đạo, đắc chi hữu mệnh. Thị cầu vô ích ư đắc dã, cầu tại ngoại giả dã.»

孟 子 曰: 盡 其 心者 知 其 性 也. 知 其 性 則 知 天 矣. 存 其 心養 其 性 所 以 事 天 也. 殀 壽 不 貳, 修 身 以俟 之, 所 以 立 命 也. 莫 非 命 也. 順 受 其 正. 是 故 知 命 者 不 立 巖 牆 之 下. 盡 其 道 而 死 者 正 命 也. 桎 梏 死 者, 非 正 命 也. 求 則 得 之, 舍 則失 之. 是 求 有 益 於 得 也. 求 在 我 也. 求 之 有 道, 得 之 有 命. 是 求 無 益 於 得 也. 求 在 外 者 也.

[18] «Vạn vật giai bị ư ngã hĩ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. Cưỡng thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên.» 萬 物 皆 備 於 我 矣. 反 身 而 誠 樂 莫 大 焉.

«Hành chi nhi bất trứ yên, tập chi nhi bất sát yên; chung thân do chi, nhi bất tri kỳ đạo giả, chúng dã.» 強 恕 而 行, 求 仁 莫 近 焉 行 之 而 不 著 焉. 習 之 而 不 察 焉. 終 身 由 之 而 不 知 其 道 者 眾 也. - Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng số 1 và 2 tr. 216.

[19] Ví dụ: ta có thể dung hòa được thuyết «nhất thể bất biến» (Monisme immobiliste) của phái Eléates, với thuyết «đa thể biến thiên» (pluralisme mobiliste) của Héraclite. - Xem: D. Badareu, L’individuel chez Aristote, tr. 9.

[20] Khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng. Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng, hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật. Ảo hề minh hề, kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín. Tự cổ cập kim, kỳ danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ; ngô hà dĩ tri chúng phủ chi trạng tai. dĩ thử. 孔 德 之 容, 惟 道 是 從. 道 之 為 物, 惟 恍 惟 惚. 惚 兮 恍 兮, 其 中 有 象; 恍 兮 惚 兮, 其 中 有 物; 窈 兮 冥 兮, 其 中 有 精; 其 精 甚 真, 其 中 有 信. 自 古 及 今, 其 名 不 去, 以 閱 眾 甫. 吾 何 以 知 眾 甫 之 狀 哉? 以 此. - Đạo Đức Kinh, ch. 21.

[21] Mệnh chi bất dị, vô át nhĩ cung. Tuyên chiêu nghĩa văn. 命 之 不 易 無 遏 爾 躬. 宣 昭 義 聞. -Kinh Thi, đại nhã tam Văn Vương chi thập tam chi nhất.

[22] Kỳ vi thư dã, quản đại tất bị, dĩ thuận tính mệnh chi lý, thông u minh chi cố, tận sự vật chi tình, nhi khai vật thành vụ chi đạo. 其 為 書 也, 廣 大 悉 備. 以 順 性 命 之 理, 通 幽 冥 之 故, 盡 事 物 之 情 而 開 物 成 務 之 道. -Dịch Kinh Đại Toàn, Chu Dịch Trình Tử.

[23] Thiên địa vạn vật mạc bất dĩ nhất vi bản nguyên; ư nhất nhi diễn chi dĩ vi vạn, cùng thiên hạ chi số nhi phục qui ư nhất: nhất dã hà dã. Thiên địa chi tâm dã. Tạo hóa chi nguyên dã. 天 地 萬 物 不莫 不 以 一 為 本 原, 於 一 而 衍 之 以 萬, 窮 天 下 之 數 而 復 歸 於 一. 一 者 何 也. 天 地 之 心 也. 造 化 之 原 也.- Tống Nguyên học án, q.10, tr. 50.

[24] Duy tinh duy nhất. Doãn chấp quyết trung. 惟 精 惟 一 允 執 厥 中 - Kinh Thư.

[25] Cùng lý tận tính dĩ chí ư mệnh. - Dịch, Thuyết quái.

[26] «Tinh nhất chấp trung» Nghiêu Thuấn tương thụ chi tâm pháp dã, kiến «trung’ (Thang), «kiến cực» (Vũ). Thương, Thang, Chu, Vũ, tương truyền chi tâm pháp dã. Viết đức, viết nhân, viết kính, viết thành, ngôn tuy thù nhi lý tắc vô phi sở dĩ minh thử tâm chi diệu dã... 窮 理 盡 性 以 至 於 命 精 一 執 中 堯 舜 相 受 之 心 法 也. 建 中 (湯 )見 極 (武 ). 商 湯 周 武 相 傳 之 心 法 也. 曰 德, 曰 仁, 曰 敬, 曰 誠, 言 雖 殊 而 理 則 無 非 所 以 明 此 心 之 妙 也. - Kinh Thư Đại Toàn, q.1, chú.

[27] Đạo Đức Kinh, ch. XVI:

Phù vật vân vân,                       
夫 物 芸 芸

Các qui kỳ căn,                         
各 歸 其 根

Qui căn viết tĩnh                         
歸 根 曰 靜

Tĩnh viết phụng mệnh               
靜 曰 復 命

Phục mệnh viết thường.           
復 命 曰 常

[28] «Let every man remember that the destiny of mankind is incomparable... And let him above all never foget that the divine spark is in him, in him alone, and that he is free to disregard it, to kill it, or to come closer to God by showing his eagerness to work with Him, and for Him.» (Human Destiny- Preface)

[29] Đồ bản này linh mục Henri Doré phóng tác theo nguyên bản trong bộ Tính Mệnh Khuê Chỉ quyển 1 trang 20, và đã bỏ đi nhiều chi tiết, những chữ Hán viết nơi hình là: Xá nữ, Thủ linh, Xích thủy, Linh sơn; Linh quan; Linh đài; Tính hải; Tâm nguyên; Trung hoàng; Hoàng bà; Giá cá; Tây phương; Qui trung; Huỳnh đình; Bá bính; Huỳnh trung; Chân thổ; Hoa trì; Sinh môn; Huyền khiếu; Thổ phủ; Khí hải; Nguyên quan; Huyền minh. Gọi là Phổ chiếu vì nhìn được cả hai bề tương đối (Kiếu) và tuyệt đối của con người. (Diệu, kiếu tề quan, thị vị phổ chiếu).

[30] Trương Tử viết: Thiên thụ ư nhân tắc vi mệnh, nhân thụ ư thiên tắc vi tính...

.. Trình tử viết: Thiên sở phú vi mệnh, vật sở thụ vi tính. Tại thiên viết mệnh, tại nhân viết tính. Thiên chi phú dư chi vi mệnh, bẩm chi tại ngã chi vị tính. Kiến ư sự vật chi vị lý. Lý dã, tính dã, mệnh dã, tam giả vị thường hữu dị. Thiên mệnh do thiên tạo dã, dĩ kỳ dụng nhi ngôn chi, tắc vị chi mệnh, mệnh giả tạo hóa chi vị dã... (Wieger, Textes Philosophiques, tome II, p. 191-192)

[31] Đạo dã, lý dã, thành dã, thiên dã, đế dã, thần dã, mệnh dã, tính dã, đức dã, nhân dã, thái cực dã, danh tuy bất đồng kỳ thực nhất dã. 道 也 理 也 誠 也 天 也 帝 也 神 也 命 也 性 也 德 也 仁 也 太 極 也. 名 雖 不 同 其 實 一 也. (Tống Nguyên học án, q. 12, tr. 8)

[32] L’histoire est totalisation diachronique - c’est-à-dire, à travers le temps – et synchronique – c’est-à-dire dans le même moment. (Marxisme et Existentialisme, Tribune libre Plon, p.6)

[33] cf. Théorie diachronique et synchronique de l’histoire. L’histoire est totalisation diachronique - c’est-à-dire, à travers le temps – et synchronique – c’est-à-dire dans le même moment. (Marxisme et Existentialisme, Tribune libre Plon, p.8)

--------------------
**************************         


Chương 5


TINH HOA KHỔNG GIÁO TRONG TỨ THƯ, NGŨ KINH


Muốn hiểu ý nghĩa một đoạn sách, cần biết chủ trương cả cuốn sách. Muốn hiểu ý nghĩa một cuốn sách, cần biết chủ trương toàn bộ sách.

Vậy muốn hiểu Trung Dung, tất nhiên ta phải duyệt qua những quan niệm then chốt, cốt cán trong Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Nếu tạm gác những vấn đề thiên lý - chính trị thông thường sang một bên, ta có thể toát lược những tư tưởng nòng cốt trong Tứ Thư, Ngũ Kinh như sau:

1. Trời là chủ tể vũ trụ vạn vật.

Tứ Thư, Ngũ Kinh nhất là Thi, Thư luôn đề cập tới Trời, tới Thượng Đế.[1]

2. Trời là thực thể cho muôn loài, muôn vật dựa nương làm chủ chốt mọi biến hóa và là căn nguyên mọi hiện tượng.

Niềm tin tưởng này được cụ thể hóa bằng vòng Dịch tiên thiên, trong đó tâm điểm là thái cực, tượng trưng cho Trời bất biến, trường tồn, các hào quái bên ngoài tượng trưng cho muôn hiện tượng luân lưu biến hóa. Đó là quan niệm «thiên địa vạn vật nhất thể» của Nho giáo.[2]

3. Trời người quan hệ hết sức mật thiết với nhau:

Các thánh hiền nho giáo đều chủ trương thuyết «thiên nhân hợp nhất», «thiên nhân tương dữ».[3]

Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời

Hiểu Trời chẳng nổi hiểu người làm sao.» [4]

Kinh Khi cũng viết:

«Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân nhạc trì.

Trời người đôi ngọc chương khuê,

Bên cho bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm, tay dắt, khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi.» [5]

Thực ra quan niệm này là một di sản tinh thần lưu truyền từ thượng cổ mà cả Nho lẫn Lão đều thừa hưởng được.[6]

4. Trời luôn ẩn áo, ngự trị trong lòng người.[7]

Thiên mệnh, thiên lý, thiên đạo «một giây một phút chẳng rời khỏi ta”.[8]

Thiên mệnh, thiên lý chính là tính (bản tính), cách (cốt cách) con người.[9]

Như vậy tâm hồn con người tuy một mà hai:

Trong nhân tâm ngửa nghiêng, còn có đạo tâm siêu vi, ẩn áo.[10]

Dưới lớp nhân tính còn có thiên lý làm khuôn phép.[11]

Phần thiên lý, thiên tính, phổ quát chí thành, chí thiện ấy, Tứ Thư, Ngũ Kinh gọi là:

-   Dịch 易 [12]

-   Thần 神 [13]

-   Thái cực 太 極 [14]

-   Thiên địa chi tâm 天 地 之 心 [15]

-   Đạo tâm 道 心 [16]

-   Hoàng cực 黃 極 [17]

-   Trung 中 ( 衷 ) [18]

-   Di 彝 [19]

-   Tắc 則 [20]

-   Tính 性 [21]

-   Cách 格 [22]


5. Mọi người phải học hỏi để tìm cho ra bản tính chí thiện, cho ra cốt cách, căn nguyên ấy

Tìm ra được là trí tri, là đi tới cùng tột của hiểu biết.[23]

6. Muốn tìm đạo Trời, phải tìm trong đáy lòng.

Vì bản tính con người, vì thiên lý, thiên đạo tiềm ẩn đáy lòng, nên muốn tìm ra bản tính, muốn tìm ra thiên lý, thiên đạo cần phải «quay về ta mà tìm mà kiếm», Cần phải hồi tâm, tĩnh trí, tránh phóng đãng,[24] tập trung tư tưởng, mài miệt suy tư mới thành công được.[25]

Chu Hi viết:

«Những học giả muốn tìm đạo ấy

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [26]

Mạnh Tử cũng viết:

«Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành

Kiện toàn hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui.» [27]

7. Phải biết «kính cẩn», «khử nhân dục», «tồn thiên lý», hoàn thiện mình để kết hợp với Trời.

Khi đã tìm thấy Trời ẩn áo ngự trị trong lòng mình, con người phải kình cẩn[28] cố gắng hoàn thiện mình,[29] noi gương Trời,[30] rũ bỏ mọi tình ý riêng tây (vô ý),[31] thoát khỏi cái mình nhỏ nhoi, ti tiện (vô ngã)[32] để sống kết hợp với Trời,[33] Đó là phối thiên;[34] đó là cực điểm tiến hóa của con người,[35] đó là đạt thế trung hòa,[36] đạt tới trung tâm huyền diệu của vũ trụ và của lòng người.

8. Trong công cuộc tu thân cần phải luôn gắng gỏi công trình, luôn luôn học hỏi suy tư.

Học cho biết mình biết người, biết định luật vũ trụ biết Trời thế để xuất xử, hành tàng cho hợp thời, hợp cảnh. Đó là thời trung.[37]

Có học hỏi, có cố gắng mới phát huy được sự cao đại, huy hoàng, thiên mỹ tiềm ẩn nơi mình, mới có thể đạt thiên đức, thiên đạo, mới có thể tung mình qua không gian, thời gian phù phiếm, biến thiên, trở về trung cung, hằng cửu bất dịch.

Tất cả học thuyết Khổng Tử là cốt dạy cho ta tìm ra chân, thiện, mỹ, cao minh tinh vi, hằng cữu bất biến, đạt tới trung đạo, thiên đạo, thiên đức, chưa đạt mức chí thành, chí thiện, người quân tử chẳng thể nào dựng chân đứng lại...[38]

9. Tuy nhiên như đạo Trời có âm, có dương, đạo người cũng có hai chiều tinh thần, vật chất.

Người quân tử phải thu xếp thì giờ lo sao cho trong ngoài trọn vẹn hai bề.[39]

Nửa đời đầu, cố học hỏi để phát triển khả năng, tiến vào đới để mưu sinh, cải tạo hoàn cảnh, tô điểm gian sơn.

Nửa đời sau, khi mọi chuyện đời đã giải quyết êm thấm, sẽ quay về «đạo» , tu luyện bản thân, treo gương cho đời, cầu mong sau cho nên chí thành cí thiện, để kết hợp với Trời.[40]

Đó là ý nghĩa đầu đuôi của cuộc đời theo Ngũ Kinh.

10. Đạt tới mức chí thành, chí thiện, sẽ được mệnh danh là thiên tử, là hoàng, là đế.[41]

Đó là huy hiệu cố nhân tặng dữ cho các thánh vương như Phục Hi, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Văn, Võ.[42]

Những tư tưởng cao đẹp nói trên theo đà thời gian, đã bị trần ai thể hệ che lấp mất.

Tước vị thiên tử đem áp dụng quàng xiên. Chữ Hoàng, chữ Đế không còn dùng để chỉ những người có đức độ sánh đất Trời theo nguyên nghĩa nữa, mà dùng để tăng bốc, suy tôn bất kỳ vua chúa nào.

Mọi sự, từ tượng hình đến học thuyết, đến danh tự đều bị moi móc mất tinh hoa, mất nhân, mất tâm, chỉ còn lại cái võ vô vị bên ngoài, quay cuồn héo hon trong gió lốc thời gian.

Chữ tính, chữ mệnh như những hoàng tữ bị lưu đày đọa lạc, có vẻ mặt man mọi, bi thương.

Những chữ «thiên nhân tương dữ», «phối thiên», «phối mệnh» nằm ngơ ngác trên những trang sách như tàn tích một lâu đài cổ, dầu dãi gió sương chẳng còn ai ngó ngàng tới nữa.

Cho nên, khảo cứu một học thuyết, cũng như khảo cổ tìm di tích, cần tốn công phu, một đàng đào bới đất cát để tìm di tích cũ, một đàng đào bới tư tưởng để tìm cho ra vi ý tiến thân.

Cả đôi bên cần phải biết lọc lõi, biết tẩy trừ những hoen ố thời gian, nhân sinh, nhân thế mới có thể tìm ra được những gì quý báu của tiền nhân được.

**************************         



CHÚ THÍCH


[1] Xem Phụ lục 3 «Ý niệm về Trời, về Thượng đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh», trong đó đã ghi các chương tiết trong Tứ Thư, Ngũ Kinh đề cập Trời, Thượng Đế.

[2] Tây minh chi ý nhận thiên địa vi nhất gia dĩ, Dịch nhất thư ngộ thiên địa vi nhất dĩ... 西 銘 之 意 認 天 地 之 一 家 已. 易 一 書 悟 天 地 為 一 已 (Tăng Dập, Tống Nguyên học án, quyển 74 tr.15)

[3] Trung Quốc tự Đường, Ngu dĩ lai, tức hữu «thiên nhân hợp nhất»chi tư tưởng. Kính thiên tức sở dĩ ái nhân, ái dân tức sơ dĩ tôn thiên... Lịch đại thánh triết mạc bất kế tục hoành dương tử «thiên nhân hợp nhất»chi đạo. Lão tử tức kỳ nhất dã. 中 國 自 唐 虞 以 來, 即 有 天 人 合 一 之 思 想. 敬 天 即 所 以 愛 人, 愛 民 即 即 所 以 尊 天 歷 代 聖 哲 莫 不 繼 續 宏 揚 此 天 人 合 一 之 道 老 子 即 其 一 也. (Trương Kỳ Quân, Trung Hoa ngũ thiên niên sử).

[4] Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên. 思 知 人 不 可 以 不 知 天 (Trung Dung, ch. 20)

[5] Thiên chi dũ dân                     
天 之 牖 民

Như huân như trì                   
如 壎 如 箎

Như chương như khuê         
如 璋 如 圭

Như thủ như huề                   
如 取 如 攜

Huề vô viết ích,                     
攜 無 曰 益

Dũ dân khổng dịch               
牖 民 孔 易 (Thi bản)

[6] Xem phụ lục 3 «Quan niệm thiên nhân tương dữ trong Tứ Thư Ngũ Kinh».

[7] Thể vật nhi bất khả di. 體 物 而 不 可 移 (Trung Dung, ch. 26)

[8] Trung Dung, ch. 1.

[9] Trung Dung, ch. 1. Đại Học, ch. 1. Trí tri tại cách vật. Vật cách nhi hậu tri trí. 致 知 在 格 物. 物 格 而 後 知 致.

[10] Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung. 人 心 惟 危 道 心 惟 微, 惟 精 惟 一 允 執 厥 中 (Thư, Đại Vũ Mô, 15)

[11] Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di. hiểu thị ý đức. 天 生 蒸 民 有 物 有 則, 民 之 秉 彝. 好 是 懿 德. Kinh Thi, Đại Nhã, Chưng dân VI.

[12] Dịch Hệ từ thượng: Thiên địa thiết vị nhi dịch hành hồ kỳ trung hĩ. 天 地 設 位 而 行 乎 其 中 矣.

Dịch hệ từ hạ: Càn khôn thành liệt nhi dịch lập hồ kỳ trung hĩ. 乾 坤 成 列 而 易 立 乎 其 中 矣.

[13] Thần dã giả diệu vạn vật nhi vi ngôn giả dã. 神 也 者 妙 萬 物 而 為 言 者 也. (Thuyết quái)

[14] Thị cố dịch hữu Thái cực. 是 故 易 有 太 極 (Hệ từ thượng)

[15] Phục quái.

[16] Ngu thư.

[17] Chu thư, IV. Hồng Phạm 4.

[18] Thượng Thư, III thang cáo 2.

[19] Kinh Thi Đại Nhã, Đãng, Chưng dân VI, 11.

[20] Kinh Thi Đại Nhã, Đãng, Chưng dân VI, 11.

[21] Trung Dung, ch. I.

[22] Đại Học, ch. I.

[23] Trí tri tại cách vật, vật cách nhi hậu tri trí. 致 知 在 格 物. 物 格 而 後 知 致. (Đại Học, ch.I)

Trung tức chí lý, hà thường bất kiêm chí nghĩa. Đại học văn ngôn giai ngôn tri chí. Sở vị chí giả tức thứ lý dã. Ngữ độc Dịch giả viết năng tri thái cực tức thị tri chí. Ngữ độc Hồng Phạm giả viết năng tri hoàng cực tức tri chí; phù khởi bất khả, cái đồng chỉ thử lý tắc viết cực, viết trung, viết chí, kỳ thật nhất giả. 中 即 至 理, 何 常 不 兼 至 義. 大 學 文 言 皆 言 知 至. 所 謂 至 者 即 此 理 也. 語 讀 易 者 曰 能 知 太 極 即 是 知 至. 語 讀 洪 範 者 曰 能 知 黃 極 即 知 至; 夫 豈 不 可, 蓋 同 指 此 理 則 曰 極 曰 中 曰 至, 其 實 一 也. Phụ Chu Lục, Thái cực đồ thuyết biện. (Tống Nguyên học án, quyển 12, tr.6)

[24] Trung Dung, ch.1; ch.33. Bình luận của Chu Hi.

[25] Quân tử hoàng trung thông lý. (Dịch khôn quái)

[26] Trung Dung, ch.1. Chú thích của Chu Hi.

[27] Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng, 1-2, tr. 216.

[28] Trung Dung, ch.1.

[29] Trung Dung, ch. 30.

[30] Duy thiên vi đại, duy nghiêu tắc chi. 惟 天 為 大, 惟 堯 則 之. (Luận Ngữ, Thái Bá đệ bát 19)

- Lễ Ký, quyển I, Trọng Ni yến cư 仲 尼 宴 居, tr.10.

- Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. 天 行 健 君 子 以 自 強 不 息 (Dịch, Càn quái)

[31] Luận Ngữ, Tử Hãn, đệ cửu, 4.

[32] Luận Ngữ, Tử Hãn đệ cửu, 4.

[33] Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời, âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, Dị giản chi thiện phối chí đức. 廣 大 配 天 地, 變 通 配 四 時, 陰 陽 之 義 配 日 月. 易 簡 而 善 配 至 德.(Dịch Hệ từ thượng)

[34] Cố viết phối thiên. 故 曰 配 天 (Trung Dung)

[35] Hội kỳ hữu cực, qui kỳ hữu cực. 會 其 有 極 歸 其 有 極 (Hồng Phạm 13) - Duy hoàng tác cực. 惟 皇 作 極 (Hồng phạm 10)

- Trí quảng đại nhi tận tinh vi; cực cao minh nhi đạo trung dung. 致 廣 大 而 盡 精 微 極 高 明 而 道 中 庸 (Trung Dung, ch. 27)

[36] Trí Trung hòa 智 中 和 (Trung Dung, ch.1)

[37] Quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung. 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中.

[38] - Chỉ ư chí thiện 止 於 至 善 (Đại Học)

- Thung dung trung đạo: Thánh nhân dã. 從 容 中 道 聖 人 也 (Trung Dung, ch. 20)

- Trí quảng đại nhi tận tinh vi, cực cao minh nhi đạo trung dung. 致 廣 大 而 盡 精 微 極 高 明 而 道 中 庸 (Trung Dung, ch. 27)

- Cẩu bất cố thông minh, thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi. 苟 不 固 通 明 聖 智 達 天 德 者 其 孰 能 知 之 (Trung Dung, ch. 32)

[39] Thành kỷ nhân dã, thành vật trí dã, tính chi đức dã, hiệp hội ngoại chi đạo dã. Cố thì thố chi nghi dã. 成 己 人 也, 成 物 智 也, 性 之 德 也, 合 內 外 之 道 也 故 時 措 之 宜 也 (Trung Dung, ch. 25)

[40] Hội kỳ hữu cực, qui kỳ hữu cực 會 其 有 極 歸 其 有 極 (Hồng Phạm 13) - Duy hoàng tác cực 惟 皇 作 極 (Hồng Phạm 10)

- Cố viết: Phối thiên 故 曰 配 天 (Trung Dung, ch. 31)

[41] Đế 帝 : Đức hợp thiên giả xưng đế. 德 合 天 者 稱 帝 (Bạch Hổ Thông) (Khang Hi tự điển) Hoàng 皇 : Đại dã, thiên dã. 大 也 天 也 (Khang Hi tự điển)

[42] Xin đọc thêm: Trần Trọng Kim, Nho giáo, q., tr. 39–40, tr. 213–218; q. II, tr. 105.

**************************         


Chương 6


HAI CHỮ TRUNG DUNG


Viết sách khó, nhưng tìm nhan đề sách cũng chẳng phải dễ. Sách là nhan đề phân tán ra, nhan đề là sách cô đọng lại.

Tiền nhân xưa chắc đã lao tâm, khổ tứ nhiều mới tìm ra được hai chữ Trung Dung. Hơn nữa, với sự sâu sắc thâm trầm cố hữu, chắc các ngài cũng đã cố làm sao cho hai chữ Trung Dung được thật sâu sắc thâm trầm.

Ngược lại, ngày nay muốn tìm hiểu hai chữ Trung Dung cũng không phải là chuyện dễ. Phải khảo cứu từ nguyên, nghiên cứu tượng hình (symbole), căn cứ vào lời giải thích của các danh nhân danh sĩ lịch đại, mới mong tìm ra manh mối được.

Trung 中, theo từ nguyên[1] là một mũi tên bắn trúng hồng tâm.

Trung 中là giữa, là tâm điểm (centre); Dung 庸 là thường (permanent, éternel), là bất biến (immuable, invariable).[2]

 Hội những ý trên ta đã thấy mục đích Trung Dung là muốn tìm cho ra tâm điểm vũ trụ, tâm điểm cuộc đời, băng qua mọi biến thiên, để trở về tâm điểm bất biến hằng cửu ấy.

Xét về tượng hình (symbole), ta thấy trung điểm, trung cung từ Á sang Âu, tự cổ chí kim, luôn luôn tượng trưng cho ngôi vị tối thượng.



HÌNH 5: Trung Quốc tinh tòa khái lược đồ.


Để chứng minh điều ấy, chúng ta hãy nên phóng khoáng, đừng gò bó mình vào trong đời Xuân Thu, Chiến Quốc, trong biên giới Trung Hoa, hay phạm vi Nho giáo, mà hãy tạm cho lòng chu du khắp bốn phương, tung hoành trong lịch sử nhân loại để tìm hiểu chữ Trung.

Khảo sát thư tịch Nho giáo, ta thấy trung điểm, trung dung bao giờ cũng tượng trưng cho ngôi chí tôn vô đối. Đó là:

- Hoàng Cực trong thiên văn.[3]

- Thiên Trì trong la bàn địa lý.[4]

- Thái Cực trong thiên Tiên thiên bát quái.

- Ngũ thập trong Hà Đồ.[5]

- Ngũ trong Lạc Thư.

- Hoàng Cực trong Hồng Phạm Cửu Trù.

- Trung Cung trong Minh Đường.[6]

Dịch luôn đề cập đến Trung,[7] Trung Hành,[8] Trung Đạo.[9] 
   



HÌNH 6: Trung Điểm trong Đồ Thư.


Dịch chủ trương: Chính trung là ngôi vị của trời[10] và người quân tử phải thông hiểu nghĩa lý của chữ Trung.[11]



HÌNH 7: Đế xuất Chấn đồ


(Hình trích trong Dịch kinh lai chú đồ giải của Lô lăng Cao tuyết Quân và Vĩnh xuyên Lăng hậu tử.)

Trung điểm của bát quái đồ có viết chữ Đế 帝 và 5 chấm (Nơi dưới chú: «Vương Tạo hóa chi tôn xưng tức Thiên, Ngũ dã.» 王 造 化 之 尊 稱 即 天 五 也. Nghĩa là: Đế hay Vương là tiếng để tôn xưng đấng Tạo hóa tức Trung, tức ngũ.

Trong quyển Dịch kinh lai chú đồ giải có một đồ hình Hậu thiên bát quái, ở tâm điểm có chữ Đế.[12]

Lễ Ký cho rằng: Trung Dung là đạo của bậc vương giả.[13]

Đọc Mạnh Tử ta cũng thấy chữ Trung bao hàm nghĩa hoàn thiện.[14]

Đời Hán, Vương Thông cũng đề cập tới «trung thuyết» theo vi ý của Dịch và chủ trương:

«Mặc cho biến hóa muôn nghìn,

Trung tâm ta vẫn giữ nguyên chẳng rời.» [15]

Đến đời Tống, chữ Trung trở nên minh xác hơn.

Ngũ Phong (Hồ Hoằng, ?-+1163) định nghĩa Tính là tuyệt đối siêu việt trên các quan niệm thiện ác, và chủ trương Trung tượng cho Tính.[16]

Lam Điền Lữ Thị cũng cho rằng: «Trung chính là Tính, là Thiên đạo.» [17]

Nhưng đọc những lời tranh luận của Chu Hi và Lục Tượng Sơn chữ Trung và chữ Thái Cực[18] ta mới hiểu rõ ràng quan niệm của tiên nho về chữ Trung.

Chu Hi cho rằng Thái Cực ở trung tâm vạn vật nhưng Thái cực không phải là trung điểm. Trung như vậy chỉ là ngôi vị của Thái Cực.[19]

Ông viết: Gọi là cực để diễn tả sự chí cực của Lý ây, gọi là Trung để diễn tả sự không lệch lạc của Lý ấy. Tuy cùng một lý, nhưng danh nghĩa phải dùng cho tùy nghi, thích dáng.[20]

Lục Tượng Sơn phóng khoáng hơn, chủ trương dứt khoát rằng: Trung là cực. Ông viết: Cực cũng là Lý ấy, Trung cũng là Lý ấy.[21]

Lại nói: Gọi là Nhất hay Trung cũng vẫn là Thái Cực.[22]

Khảo sát nền văn học nước nhà, ta thấy Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cũng đã thấu nghĩa chữ Trung, thấu hiểu định mệnh cao sang con người.

Năm Nhâm Thìn (1532)- lúc ấy Cụ 41 tuổi - nhân cùng các hương lão dạo chơi bến Trung Tân 中 津 bên sông Tuyết Giang, Cụ thấy hai chữ Trung Tân có thể bao quát đạo làm người nên cho xây một quán gọi là quán «Trung Tân», dựng một bia gọi là bia «Trung Tân» trên bến sông, để truyền sở học uyên nguyên lại cho hậu thế.

Cụ cắt nghĩa Trung là hoàn thiện, Tân là bến bờ, ý muốn nói con người chỉ được dừng chân nơi bến bờ hoàn thiện.[23]

Nhân sinh quan của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là nhân sinh quan của Trung Dung, Đại Học; nhân sinh quan của các bậc thánh hiền.

Tổng hợp các quan điểm thánh hiền Nho giáo, ta thấy Trung là ngôi vị của Thái Cực, của Hoàng Cực, bất thiên, bất ỷ, là nguồn gốc vạn vật, và là tuyệt đỉnh hoàn thiện làm tiêu chuẩn cho muôn loài, muôn vật vươn lên.

Mở rộng tầm khảo sát, ta sẽ thấy trung tâm, trung điểm bao giờ cũng tượng trưng cho căn nguyên, cho Tuyệt đối thể và Trung đạo là đạo «vô thượng», là đạo Huyền đồng (mysticisme), hay là Thiên đạo. Vì thế các nhà huyền học (mystiques), tự cổ chí kim, không phân đạo giáo, đều truyền thụ cho nhau một chữ Trung.

Huyền học Hồi giáo gọi trung điểm là thiên cung (station divine).[24] Huyền học Do Thái (Qabbalah hébraðque) gọi Trung điểm là «Thánh điện» (Saint Palais),[25] hay Trung cung (the Middle Chamber).[26]

Phật giáo cũng đề cập nhiều tới Trung Đạo (Majjhimā patipadā). Đức Phật Thích Ca đã tìm ra Trung Đạo và Trung Đạo đem lại cho con người viên giác thanh tịnh, niết bàn.[27]

Thiên Thai Tông gọi Thật Tướng là Trung Đạo.

Hoa Nghiêm Tông lấy Pháp Giới làm Trung Đạo.

Pháp Tướng Tông lấy Duy Thức làm Trung Đạo.

Trung là duy nhất, tuyệt đối, tuyệt đãi, là căn nguyên sinh vạn pháp.[28]

Trung Đạo, trung điểm ấy tức là điểm bất biến, là chân tâm nằm giữa mọi biến thiên. Quan niệm này được tượng hình bằng chữ Vạn 卍 và trục các bánh xe «Bát Chính Đạo», «Thập nhị nhân duyên», ý nói trong thân «Tứ đại giả hợp» vẫn có một điểm chân nguyên vĩnh cửu, trường tôn hay niết bàn bao giờ cũng nằm trong trung tâm luân hồi.


HÌNH 8: Oum mani padme hum = Ngọc châu viên giác chiếu diệu trong liên hoa tâm

= Tuyệt Đối Thể chiếu diệu ở trung tâm não bộ.


HÌNH 9: Oum (Trung điểm, Tuyệt Đối Thể) là con đường đại đồng. (Oum the the path of universality)


Nói cách khác, đó chính là ngọc châu viên giác chiếu diệu trong liên hoa tâm.[29]

Chu Hoành, tác giả quyển «Trúc song tùy bút», trong bài «Phát chân qui nguyên» cũng chủ trương chữ Trung của Trung Dung tức là Chân Nguyên của Phật giáo.[30]

Trong thư tịch đạo Lão, ta thường thấy đề cập đến Trung Đạo, Trung Cung. Trung Cung ấy được gọi là Huyền 玄, là Cốc Thần 谷  神, là Đạo 道, v.v...




HÌNH 10: Hình khắc vào đá để lưu truyền lời chú: «Oum mani padme Hum.»


 

HÌNH 11: Cốc Thần là Trung Điểm trong đạo Lão



 

HÌNH 12: Nê Hoàn Cung 泥 丸 宮 (Thời chiếu đồ 時 照 圖)


Lão Tử chỉ có một nguyện vọng, một lý tưởng là Thủ Trung bão Nhất 守 中 抱 一. Như trên trời, Thiên Tâm ở Bắc Cực, thì trong đầu não con người Thiên Tâm ở cung Nê Hoàn, mà Nê Hoàn ở trung tâm não bộ.[31]


HÌNH 13: Nê Hoàn Cung 泥 丸 宮 (Tẩy tâm thoái tàng đồ 洗 心 退 藏 圖)


Thiên tâm ấy không phải là Nhân tâm mà chính là Đạo.[32]


Sách Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ 太 乙 金 華 宗 旨 thường đề cập tới Trung điểm ấy dưới danh hiệu Trung Hoàng[33] và tất cả công phu tĩnh tọa, theo đạo Lão, là cốt tập trung tâm thần cho qui tụ về trung điểm ấy.[34]

Những nhận xét cổ kính của các đạo gia thực ra không đến quá viển vông như ta tưởng.

Các nhà sinh lý học Âu Mỹ tiên tiến hiện nay đang cố dùng các phương pháp khoa học để tìm cho ra «điểm hội tụ» trong đầu não mà họ gọi là «giác giới» (lieu de la compréhension) hay là «não tâm» (le foyer centrencéphalique, le foyer centrencéphalique d’integration) và cho rằng bản ngã ẩn áo sau điểm hội tụ ấy. Tuy nhiên, họ chưa xác định được trung điểm, trung cung là điểm hội tụ. Họ giả thiết: Hạ thị tằng (hypothalamus) là nơi các thần kinh giao hội.

Nhưng nếu ta áp dụng định luật tương tự (loi d’analogie: phép loại suy) ta sẽ phải nhận rằng Trung cung, trung điểm mới là điểm hội tụ, và Nê Hoàn cung của các đạo gia chính là não thất 3 (3e ventricule) trong đầu não con người; vì nơi ấy, phía dưới là giao tuyến của thần kinh mắt (chiasma optique), là nơi giao tiếp các mạch máu trong đầu, nơi ấy cũng là điểm hội tụ của các thần kinh, đồng thời cũng là «trung diểm hình học» của đầu não như các đồ hình giải phẫu, sinh lý và quang tuyến y học hiện đại chứng minh. triết học và đạo giáo, và đồng thời cũng là điểm hội tụ của muôn vạn nẻo đường suy tưởng.

Khảo sát phong tục, ta thấy dân gian bao giờ cũng trọng trung điểm: Chiếu giữa, gian giữa, trung ương đều là chỗ tôn trọng nhất.


HÌNH 14 A


Medical sagittal section of brain; Relationship of the central

sulcus and lateral frissure to the ventricules and skull.



HÌNH 14 B

 


HÌNH 14 C



HÌNH 14 D





HÌNH 14 E: Le Foyer centrencéphalique

 



HÌNH 15: Não thất 3 chụp thẳng



Nếu giả thuyết này được chấp nhận thì ta sẽ thấy  : tâm điểm não bộ sẽ là trung điểm tâm hồn, tuy nằm trong não mà chẳng phải là não; tâm điểm não bộ cũng sẽ là điểm gặp gỡ giữa khoa học thực nghiệm.

Nhưng mở rộng tầm quan sát ta thấy trung điểm còn nhiều kỳ bí, huyền diệu hơn: Đài hoa, nhụy hoa điều là tâm điểm của hoa; lúc hoa rơi cánh rã thì đài hoa vẫn còn và chứa đầy nguồn sống cho các thế hệ cây sau.

Nhân, hạt thường nằm trong giữa quả. Những cái vỏ bên ngoài dù có thối nát, thì nhân và hạt vẫn trường tồn với thời gian, để rồi ra đóng lại tấn kịch đời với quang âm, với gió mưa, đất nước.

Đặc biệt nhất là nếu ta dùng được những kính hiển vi tối tân mà nhìn vào đáy lòng vật chất, đáy lòng các tinh thể vi ti của vật chất, ta vẫn thấy Trung điểm uy nghi quen thuộc đó hiện ra bất biến hằng cửu giữa sự tuần hoàn, giao động của muôn nghìn nguyên tử. Ta vẫn thấy sau những biến thiên chất chưởng bên ngoài, còn có chủ chốt hằng cửu bền vững bên trong.

Xưa kia tuy chưa có những phương tiện khoa học tiến bộ như hiện nay nhưng có lẽ vì cứ tiến lên lần hồi trên các nấc thang suy luận mà hiền thánh xưa đã tìm ra Thượng Đế trong trung tâm vũ trụ và trung tâm con người.

Trung tâm vũ trụ, trung điểm tâm hồn chính là lò cừ tạo hóa, sẽ phối hợp mọi mâu thuẫn, khắc phạt.



Tinh thể nước đá dưới X-quang
 

Tinh thể Tungstène phóng đại 5 triệu lần.


HÌNH 16

Thay vì đứng theo một chiều nào trong tứ duy lục hợp, để bị quáng lòa vì bóng tối, bóng sáng tương tranh, ta vào trung điểm để nhìn bao quát trái phải, thấp cao, ta sẽ thấy mọi tương phản tan biến như mây khói.[35]

Thay vì chuyển vận bằng chân tay, bằng ngũ quan tri giác trong những nẻo đường vô tận của thời gian lịch sử, ta hãy dùng tâm thần một vút bay lên tới Thái Cực, trung tâm, chỗ phát xuất và hội tụ của không gian và thời gian. Ở đấy ta sẽ thấy mọi sự đều có lớp lang, tiết tấu, việc trước hỗ trợ việc sau, lớp ngoài bảo vệ lớp trong, tầng dưới nâng đỡ tầng trên. Tầng tầng lớp lớp bao quanh một tinh hoa duy nhất như muôn cánh hoa ấp ủ đài hoa với nhụy hoa.

Nếu đúng vậy thì đạo Trời cũng rất giản dị chỉ cần phá tan tấm màn vật chất ngu muội, dục tình bên ngoài là vầng dương muôn thủa sẽ hiện ra sáng quắc.[36]

Sau khi khảo sát ý nghĩa chữ Trung, sau khi đã tìm hiểu ý nghĩa của Trung điểm trong thiên văn, địa lý, trong các đồ bản, trong đầu não con người; ta có thể trở lại Nho giáo, trở lại với đề tài của ta.

Bây giờ chắc ta phải nhận chân rằng hai chữ Trung Dung thực là cao diệu. Trung là ngôi vị của Thái Cực, Hoàng Cực. Trung Dung, Trung Đạo chính là đạo «Phối thiên».

Có hiểu như vậy thì nhan đề sách mới hợp với ý nghĩa sách, và hai chữ Trung Dung sẽ nên ngọn đuốc sáng, soi rọi cho công trình khảo cứu của ta sau này.[37]

**************************         



CHÚ THÍCH

[1] Léon Wieger, Leçons étymologiques No 190, p. 290.

[2] Bất dịch chi vị dung. 不 易 之 謂 庸 (Trung Dung).

Dung giả thường nhi bất dịch chi lý. 庸 者 常 而 不 易 之 理 (Tống Nguyên Học Án, quyển 92, tr. 4)

[3] Trung Quốc tinh tòa khái lược đồ. 中 國 星 座 概 略 圖 (Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển, tr. 49)

[4] a) Thiên Trì hư hàm Thái Cực bản Vô Cực dã. 天 池 虛 咸 太 極 本 無 極 也 (La kinh giải định, quyển I, tr. 2)

b) Coi hình la bàn (La kinh giải định, quyển II, tr. 12)

[5] - Ngũ theo từ nguyên viết là ㄨ, nghĩa là Ngũ hành (trung ương và bốn hướng) sau thêm hai nét trên dưới ( 二 ) mà thành , tượng trưng âm dương ngũ hành chuyển Vận giao phối trong trời đất.

- Thập cũng gồm đủ Ngũ hành (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung)

- Ngũ- Thập vì vậy ở trung ương nơi âm dương giao thái, ngũ khí triều nguyên, (cf. Wieger, Leçons étymologiques No 24A, No 39, p. 68, 109)

[6] Ainsi quand est fini le troisième mois de l’été, interrompt-il le travail qui lui permet de singulariser les diverses durées, il se vêt alors de jaune et cessant d’imiter la marche du soleil, va se poster au centre du Ming-t’ang 明 堂. S’il veut animer l’Espace, il faut bien qu’il ocupe cette place royale et dès qu’il s’y arrête, c’est d’elle qu’il semble animer le temps: il a donné un centre à l’année. (Marcel Granet, La pensée Chinoise, p. 103, 179, 180)

[7] Đọc các quẻ: Khôn, Nhu, Tụng, Tỉ, Đồng nhân, Đại hữu, Khiêm, Dự, Khuê, Kiển, Giải, Ích, Quải, Tỉnh, Chấn, Phong, Tiết, Trung phu, Tiểu quá, Vị tế. (Dịch kinh)

- Hệ từ hạ: Càn khôn thành liệt, nhi dịch lập hồ kỳ trung hĩ. 乾 坤 成 列, 而 易 立 乎 其 中 矣.

[8] Trung hành 中 行: đọc các quẻ: Thái (cửu nhị), Phục (lục tứ), Ích (lục tam; lục tứ), Quải (cửu ngũ) (Dịch kinh).

[9] Trung đạo 中 道 : đọc các quẻ: Cổ, Ly, Giải, Ký tế (Dịch kinh).

[10] Thiên vị dĩ chính trung dã. 天 位 以 正 中 也. (quẻ Nhu, lời soán)

[11] Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã. 君 子 黃 中 通 理, 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 支, 發 於 事 業, 美 之 至 也.

[12] Xem hình: Đế xuất Chấn.

[13] Trung Dung dã, vương giả chi sở thường hành dã. 中 庸 也, 王 者 之 所 常 行 也 (Lễ Ký 禮 記 - Tang phục tứ chế, quyển 63, tr. 213)

[14] Mạnh Tử, Tận tâm [hạ], 37.

[15] Thiên biến vạn hóa, ngô thường thủ trung yên. 千 變 萬 化, 吾 常 守 中 焉 (Trung thuyết Chu công)

[16] Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 114, 115, 116.

[17] Hựu viết: Sở vị Trung giả, tính dữ thiên đạo dã. 又 曰: 所 謂 中 者 性 與 天 道 也. (Trung Dung hoặc vấn, tr. 22)

[18] Tống Nguyên học án, quyển 12. Phụ chú lục Thái cực đồ thuyết giải, tr. 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8.

[19] Thù vấn cực chi vi ngôn. Cứu cánh chí cực bất khả hữu gia chi vị; dĩ trạng thử lý chí danh nghĩa tắc cử thiên hạ vô dĩ gia thử chi xưng dã. Cố thường tại vật chi trung, vi vật chi đích. Vật vô chi, tắc vô dĩ vi căn chủ nhi bất năng dĩ hữu lập. Cố dĩ vi tại trung chi nghĩa tắc khả nhi tiện vị cực vi trung tắc bất khả. 銖 問 極 之 為 言. 究 竟 至 極 不 可 有 加 之 謂; 以 狀 此 理 之 名 義 則 舉 天 下 無 以 加 此 之 稱 也. 故 常 在 物 之 中, 為 物 之 的. 物 無 之, 則 無 以 為 根 主, 而 不 能 以 有 立. 故 以 為 在 中 之 義 則 可 而 便 謂 極 為 中 不 可 (Stanislas Le Gall S.J., Tchou Hi: Sa doctrine, son influence, p. 116)

- Vấn Lưu Tử sở vị thiên địa chi trung, tức Chu Tử sở vị Thái Cực phủ. Viết chỉ nhất ban, đãn danh bất đồng. Trung chỉ thị kháp hảo xứ. Thư duy hoàng Thượng Đế, giáng trung ư hạ dân diệc chỉ thị kháp hảo xứ. Cực bất thị trung. Cực chi vi vật chỉ thị tại trung như giá cá chúc đài, trung ương trâm xứ tiện thị cực. 問 劉 子 所 謂 天 地 之 中, 即 周 子 所 謂 太 極 否. 曰 只 一 般, 但 名 不 同. 中 只 是 恰 好 處. 書 惟 皇 上 帝, 降 衷 於 下 民 亦 只 是 恰 好 處. 極 不 是 中. 極 之 為 物 只 是 在 中 如 這 個 燭 臺, 中 央 簪 處 便 是 極 (Ibidem, tr. 104)

[20] Chu viết: cực thị danh thử lý chi chí cực, trung thị trạng thử lý chi bất thiên, tuy nhiên đồng thị thử lý, nhiên kỳ danh nghĩa các hữu du đáng, tuy thánh hiền ngôn chi, diệc vị cảm hữu sở sai hỗ dã. 朱 曰: 極 是 名 此 理 之 至 極, 中 是 狀 此 理 之 不 偏 雖 然 同 是 此 理, 然 其 名 義 各 有 攸 當, 雖 聖 賢 言 之, 亦 未 敢 所 差 互 也 (Tống Nguyên học án, quyển 12, tr. 5)

[21] Lục viết: Cực diệc thử Lý dã, Trung diệc thử Lý dã. Ngũ cư Cửu Trù chi trung nhi viết Hoàng Cực, khởi phi dĩ kỳ trung nhi mệnh chi hồ. Dân thụ thiên địa chi trung dĩ sinh, nhi Thi ngôn lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, khởi phi dĩ kỳ trung mệnh chi hồ. 陸 曰: 極 亦 此 理 也. 中 亦 此 理 也. 五 居 九 疇 之 中 而 曰 黃 極 豈 非 以 其 中 而 命 之 乎. 民 受 天 地 之 中 以 生 而 詩 言 立 我 烝 民 莫 非 爾 極, 豈 非 以 其 中 命 之 乎 (Tống Nguyên học án, q.12, tr. 5)

[22] Cái Cực giả Trung dã. 蓋 極 者 中 也 (Tống Nguyên Học Án, quyển 12, tr. 3) - Viết nhất trung tức Thái Cực dã. 曰 一 曰 中 即 太 極 也 (Ibidem, tr.2)

[23] Quán dĩ Trung Tân danh, hà sở thủ nghĩa. Dư ngữ chi viết: Trung giả trung dã, toàn kỳ thiện vi trung, bất toàn kỳ thiên tắc phi trung dã. Tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân hĩ. 館 以 中 津 名, 何 所 取 義. 余 語 之 曰: 中 者 中 也, 全 其 善 為 中, 不 全 其 善 則 非 中 也. 知 所 止 為 要 津, 不 知 所 止 則 迷 津 矣 (Trung Tân quán bi minh, Trạng Trình. Tài liệu viết tay của giáo sư Lê Hữu Mục)

[24] René Guenon, Le Symbolisme de la croix, p. 66.

[25] Ibidem, p. 72.

[26] Mackey’s revised Encyclopedia, volume 2, p. 665.

[27] Le Bouddha a découvert «la voie moyenne» qui procura la vue, qui donna la connaissance, qui conduit au calme, à la vue intérieure, à 1’éveil, au nibbanā. (Présence du Bouddhisme, p. 268-269)

[28] Pháp tướng dĩ duy thức vi Trung Đạo, Thiên Thai dĩ thật tướng vi Trung Đạo, Hoa Nghiêm dĩ pháp giới vi Trung Đạo. Trung giả bất nhị chi nghĩa, tuyệt đãi chi xưng, song phi song chiếu chi mục dã. 法 相 以 唯 識 為 中 道, 天 台 以 實 相 為 中 道, 華 嚴 以 法 界 為 中 道. 中 者 不 二 之 義, 絕 待 之 稱, 雙 非 雙 照 之 目 也. Trung Luận kệ viết: Nhân duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc danh vi giả danh, diệc thị Trung Đạo nghĩa. 中 論 偈 曰: 因 緣 所 生 法, 我 說 即 是 空. 亦 名 為 假 名, 亦 是 中 道 義 (Phật học đại từ điển)

[29] «Oum mani padme hum» (Au cœur du Lotus brille le Joyau de la Sagesse) Cf. Sciences et Voyages, Aout 1962, No 200; Le Boutan, petit royaume himalayen của Francis Brunel.

Hình khắc vào đá để lưu truyền lời chú: «Oum mani padme Hum.»

[30] Hội thông nhu, thích giả vị trung tức chân nguyên dã. 會 通 儒, 釋 者 謂 中 即 真 元 也 (Phát chân qui nguyên - Trúc song tùy bút, tr. 35)

[31] (1a) Đầu hữu cửu cung, trung viết Nê Hoàn. 頭 有 九 宮 中 曰 泥 丸 (Kim đơn đại thành tập, tr. 4)

(1b) Thiên tâm chi cư ư Bắc Cực, vi tạo hóa chi khu cơ giả. Thử tâm dã, cố đẩu tiêu nhất vận, tứ thời ứng tiết, ngũ hành thuận tự, hàn thử trúng độ, âm dương đắc kỳ nghi hĩ. Tại nhân diệc nhiên. Thủ hữu cửu cung, thượng ứng cửu ngung, kỳ trung nhất cung viết thiên tâm, nhất viết tử phủ thiên uyên, thiên luân, thiên quan, thiên kinh, thượng đô quan, côn lôn đỉnh. Kỳ danh phả chúng. Tổng nhi ngôn chi, viết Huyền quang nhất khiếu... 天 心 之 居 於 北 極, 為 造 化 之 樞 機 者 此 心 也, 故 斗 杓 一 運, 四 時 應 節, 五 行 順 序 寒 暑 中 度 陰 陽 得 其 宜 矣. 在 人 亦 然, 首 有 九 宮, 上 應 九 隅 其 中 一 宮 曰 天 心 一 曰 紫 府, 天 淵, 天 輪, 天 關 天 京, 上 都 關, 崑 崙 頂 其 名 頗 眾, 總 而 言 之, 曰 玄 關 一 竅. (Kim đơn đại thành tập, tr. 2) (1c) Nê Hoàn cung đối chiếu với cơ thể học hiện đại là não thất 3 (3e ventricule). Cho tới nay chưa có giả thuyết y học nào nói Nê Hoàn cung hay não thất 3 là điểm hội tụ và phát xuất các ý tưởng và cảm giác. Trong quyển Vie et Rénovation các nhà sinh lý học Pháp giả thuyết là điểm hội tụ ở khoảng hypothalamus (minh đường hay hạ thi tằng).

[32] Năng tri vận dụng giả, dĩ đạo quán tâm, tâm tức đạo dã, dĩ tâm quán đạo, đạo tức tâm dã. Thị tâm dã phi nhân tâm chi tâm, nãi thiên tâm chi tâm dã. 能 知 運 用 者, 以 道 觀 心, 心 即 道 也, 以 心 觀 道, 道 即 心 也. 是 心 也 非 人 心 之 心, 乃 天 心 之 心 也 (Kim đơn đại thành tập, tr. 2)

[33] Cái dĩ «trung hoàng», tại nhân thân địa thiên chi chính trung. tức dịch chi Hoàng trung. Thích thị sở vị duyên trung. Ngô tông danh viết Huyền tẫn chi môn; nãi thị sinh thiên sinh địa sinh nhân chi huyền khiếu… 蓋 以 中 黃, 在 人 身 地 天 之 正 中, 即 易 之 黃 中. 釋 氏 所 謂 緣 中. 吾 宗 名 曰 玄 牝 之 門; 乃 是 生 天 生 地 生 人 之 玄 竅.

  http://nhantu.net/TonGiao/TrungDungTanKhao/hinh164.jpg

[34] Richard Wilhelm, The secret of the golden flower (Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ), tr. 3: «One looks with both eyes at the end of the nose, sits upright and in a comfortable position and holds the heart to the center in the midst of conditions (on the fixed pole in the flight of phenomena). In Taoism, it is called the Yellow Middle, in Buddhism, the center in the midst of conditions... The two are the same. It does not necessarily mean the middle of the head. It is only a matter of fixing one’s thinking on the point which lies exactly between the two eyes. Then all is well.»

[35] Marcel Granet, La Pensée Chinoise, p. 316, 527, 528.

[36] … J’ai considéré notre âme comme un château, fait d’un seul diamant ou d’un cristal très pur. Tout comme au ciel il y a diverses demeures, ce château renferme plusieurs appartments: les uns en haut. les autres sont en bas, d’autres dans les ailes, enfin au centre, au milieu de tous, se trouve le principal, ou se passent les choses les plus secrètes entre Dieu et l’âme…

Vous savez comment la tige du palmier est fermée de plusieurs enveloppes, qui entourent et protègent la partie savoureuse, le cœur proprement dit de l’arbre; de même au centre du château se trouve la demeure du Roi et tout autour sont d’autres demeures.

Sainte Thérèse d’Avila, La religion essentielle, p. 166. cf. Sainte Thérèse de Jesus, ¬uvres complètes, Édition du Seuil. Le Château de l’Âme, p. 815, 825.

Phụ Lục 4 note 1/tr. 516: 1. Ngày 6/1/63, ông Kỹ Sư Trung Hoa Chương Dật Nguyên đã có nhã ý gửi cho tác giả quyển Chu Dịch Xiển Chân do Lưu Nhất Minh trước tác. Nhân thấy trong đó có bài Trung Đồ này, tư tưởng thâm trầm, văn chương khoáng đạt, nên trích dịch, để cống hiến độc giả làm tài liệu. Tr. 543: Phụ Lục 7, note 1.

[37] Toát lược Trung Dung bằng tiếng Pháp dành cho các thính giả người Pháp, ngày tác giả lĩnh giải thưởng văn chương Lecomte du Noüy 1960-1961. Tr. 550.

Phụ Lục 8, note 1. – Toát lược Trung Dung bằng tiếng Anh dành cho các thính giả người Anh, ngày tác giả lĩnh giải thưởng văn chương Lecomte du Noüy 1960-1961.

**************************         


Chương 7

XUẤT XỨ & ĐẠI Ý TRUNG DUNG


XUẤT XỨ

Trung Dung cũng như Đại Học là hai thiên trong Lễ Ký. Đến đời Tống, Chu Hối Am (Chu Hi 1130 1200) mới tách rời ra, cho hợp với Luận Ngữ, Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư.

Có nhiều người võ đoán: Trung Dung không phải của Tử Tư chép. Hồ Hoài Thâm, tác giả quyển Trung Quốc tiên hiền học thuyết, cho rằng:

Trung Dung có lẽ là của Đổng Trọng Thư thời Hán viết, vì Trung Dung chủ trương thuyết «Thiên nhân hợp nhất» mà thuyết này mãi tới thời Hán mới được Đổng Trọng Thư xiển minh.[1]

Nhưng như trên ta đã khảo sát, nhưng tư tưởng trong Trung Dung đã có sẵn trong Ngũ Kinh, và thuyết «thiên nhân hợp nhất» là một thuyết tối cổ, những chữ «phối mệnh», «khắc phối Thượng đế», «Thượng đế lâm nhữ» đã là những câu cửa miệng nhân gian thời Thương, Chu, như Kinh Thi đã cho biết. Vả ngay trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã cho biết «thị vị phối thiên, cổ chi cực» (Lý tưởng cao siêu của người xưa là được kết hợp với Trời).[2]

Cho nên ức đoán này không thể đứng vững.

H.J. Allen mới đây lại cho rằng Khổng Tử không phải là một nhân vật có thực, và quyển Trung Dung chỉ là một nguy thư do Phật tử Trung Hoa thời Hán đã chép.[3]

Giả thuyết này, chẳng ai cho là đứng đắn.

Cách đây mấy chục năm, Von Erkes cũng cho rằng Trung Dung không phải là một tác phẩm hoàn toàn thuộc Khổng giáo, mà chính có pha phách tư tưởng Lão giáo. Sách này, theo ông đã được viết đời Tần Thủy Hoàng, ngụ ý tán tụng Tần Thủy Hoàng và công nghiệp thống nhất đất nước của vua Tần.

Thực không gì mỉa mai hơn, nếu Trung Dung đã được viết để tán dương Tần Thủy Hoàng, vì trong sách toàn trích dẫn Khổng Phu Tử và cuối sách lại hết lời ca tụng Khổng Phu Tử một người mà bao sách vở trước tác đã bị Tần Thủy Hoàng cho vào lửa hết.[4]

Sở dĩ có những ức đoán quàng xiên, gượng gạo như vậy, vi người ta thường có thiên kiến rằng Khổng Tử chỉ là một nhà luân lý học tầm thường, vụ thực, trái ngược hẳn với Lão Tử đến khi đọc Trung Dung thấy những tư tưởng cao siêu, họ không biết ăn nói ra sao.[5]

Tuy nhiên những giả thuyết trên cũng cho cho ta thấy rằng Trung Dung là một triết thuyết cao siêu, chủ trương «thiên nhân hợp nhất»và tư tưởng Trung Dung không biên giới...

Trung Dung, theo truyền thống Nho giáo nói rằng đã được Tử Tư trước tác.


Tử Tư tên chữ là Khổng Cấp, cháu đích tôn của đưc Khổng. Ông sinh vào khoảng năm 500 tcn. Ông đã từng được thấy, được nghe đức Khổng cho tới khi ông hai ba mươi tuổi, vì đức Khổng mất vào năm 479. Có người cho rằng Tử Tư mất năm 440, có người cho rằng ông sống lâu hơn.[6] Điều đó không có gì là quan trọng...


ĐẠI Ý TRUNG DUNG


Trung Dung gồm 33 chương, nhưng tựu trung chỉ dùng một chữ là thâu tóm hết: đó là chữ «thành» 誠.

Rémusat, Wieger, P. Intorcetta và đa số học giả định «thành» là hoàn thiện.

Dựa theo lời chú giải của Chu Hi, một số học giả khác trong đó có James Legge, định «thành» là tinh hoàn, chân thực, hoàn toàn hợp nhất với chân lý, không còn pha phách tà ngụy.[7]

Chung quy «thành» vẫn là hoàn thiện, mà hoàn thiện là hợp nhất với bản tính, với thiên lý, thiên mệnh.

Theo Trung Dung, con đường đưa tới hoàn thiện, khởi đầu bằng chữ Kính, chữ Sợ. Kính sợ Trời tiềm ẩn trong lòng mình và sẽ trải qua các giai đoạn học hỏi, suy tư tu luyện, để kết thúc bằng sự «phối Thiên», sự hợp nhất với Trời.

Sự hoàn thiện ấy đã sẵn có nơi con người, đã tiềm ẩn trong «tính bản nhiên», nên công trình tu luyện con người là ở tại sự cố gắng phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực, tiềm thức, tiềm chân, tiềm thiện cho tới chỗ hiện thực chí cùng chí cực, chí thành, chí thiện.

Chu Hi đã cho rằng sách bắt đầu bằng một lý rồi phân tán ra muôn ngàn, nhưng thâu tóm lại vẫn chỉ là một lý ấy, khác nhau chăng là ở hai thể ẩn hiện mà thôi.[8] Khi mục đích sách đã tỏ, thì sự kết cấu sách và sự liên lạc giữa các chương, cú cũng chẳng khó tìm.

Ta có thể phác họa đại ý Trung Dung như sau: Bản tính con người là thiên lý, thiên tính, thiên mệnh, thiên đạo.

Khuôn mẫu hoàn thiện ấy, đạo Trời ấy chẳng hề rời bỏ con người một phút giây.

Đạo người là noi theo tính bản nhiên ấy.

Bản tính con người khi chưa phát hiện là Trung, là thái cực tinh hoàn, bất nhiên, bất ỷ. Khi phát xuất ra nếu theo đúng lớp lang, tiết tấu sẽ đạt tới mức thái hòa, mức hoàn thiện. Cho nên, Trung hòa là gốc ngọn, đầu đuôi của lịch sử nhân loại (ch.1).[9]

Con đường hoàn thiện hay đạo Trung Dung là đạo của người quân tử, chẳng phải là đạo của kẻ tiểu nhân (ch.2).

Nó rất cao siêu, rất hoàn mỹ, nhưng cũng rất khó khăn nên ít người hiểu được, theo được (ch.3,4).

Muốn theo Trung Dung, muốn trở nên hoàn thiện phải phát huy ba đại đức: trí, nhân, dũng chứ không phải bon chen khoe tài, khoe trí với đời, chứ không phải bạo hỏ bằng hà, khinh thân, liều mạng (ch.6,7,8,9,10).

Muốn theo đạo Trung Dung, chẳng cần phải tìm hiểu quái dị, chỉ cần chuyên tâm, dốc trí theo trọn đạo Trời (ch.9).

Đạo Trời ấy tiềm ẩn ở đáy lòng, nhưng nếu biết phát huy ra, sẽ trở nên mênh mông, bao trùm vũ trụ (ch.12).

Cho nên chẳng phải đi đâu xa để tìm khuôn mẫu lý tưởng cho con người: khuôn mẫu ấy đã tìm ẩn sẵn trong lòng người (ch.13).

Vậy muốn trọn đạo Trời, chỉ cần lo tận thiện mình, yêu thương người khác như mình, lấy sự hoàn thiện làm khuôn phép cho mọi hành vi, cử chỉ mình, hướng dẫn đường lối giao tế của mình cho trọn niềm hiếu đễ, trọn nghĩa quân thần, vẹn tình bằng hữu. (ch.13).

Người quân tử sẽ vui sống trong mọi hoàn cảnh (ch.14), tuần tự tiến bước trên đường nhân, nẻo đức (ch.15), hiểu lẽ thiên nhân tương dữ (ch.16), sống sao cho đức hạnh chói chang sáng tỏ, thuận lòng Trời, được lòng người, như vua Thuấn, vua Văn, vua Vũ (ch.17, 18). Những lễ nghi tế tự tông miếu, Giao Xã, cổ nhân bày ra chẳng qua là để nhắc nhở rằng tổ tiên xưa đã thờ Trời, kính Trời, tu thân tích đức để trở nên hoàn thiện; cho nên người ngày nay phải hiểu thâm ý, phải nối được chí lớn của tổ tiên mới là vẹn hiếu (ch.19).

Nếu đạo làm người phải lấy Trời làm gốc, lấy chữ thành, chữ hoàn thiện làm chủ chốt, thì một nền chính trị lý tưởng cũng phải xây trên căn bản ấy.

Trong nước trên dưới phải một lòng lo bề tu đức lập thân.

Vua phải theo gương đức hạnh, dùng hiền tài trị dân, lo khuyến khích, vỗ về bách tính để cho nước thịnh, dân giàu, công nghệ mở mang. Dân phải giữ vững đạo con em, lo tròn phận sự. Tóm lại cá nhân cũng như xã hội đều có bổn phận phát huy mọi tìm năng mình để đi đến hoàn thiện (ch.20).

Vì Trời hoàn thiện, nên tiến tới hoàn thiện là lý tưởng của người quân tử. Muốn đạt tới mức hoàn thiện, cần học hỏi, suy tư, cố gắng mãi mãi, cố gắng không ngừng, sửa sang chếch mác, hoàn hảo bản thân rồi lại lo cái thiện mọi người, để quần sinh vũ trụ đều đạt được mức hoàn thiện (ch.21, 22, 23, 24, 25).

Cố gắng không ngừng, phát huy mọi tiềm năng, tiềm lực mình để tiến tới hoàn thiện, đó là theo đúng định luật tiến hóa của đất Trời (ch.25). Và khi đã hoàn thiện mình, người quân tử sẽ đạt tới mức chí thành chí thiện, thông phần vinh hiển Trời, trường sinh vĩnh cửu cùng Trời đất (ch.26, 27).

Đạo Trung Dung, như đã mô tả trên, thực cao siêu hoàn mỹ. Trời chỉ trao đạo đó cho các đấng thánh nhân (ch.27). Nó được xây dựng trên những nền tảng vĩnh cửu, có những tiêu chuẩn bất biến, hợp nhân tâm thế đạo, hợp định luật đất Trời. Dầu trong dĩ vãng xa xăm, dầu trong tương lai mờ mịt, nếu có vị thánh nhân nào ra đời cũng đều chủ trương như vậy cả (ch.29).

Theo Trung Dung, bậc chí thành là những người đạt đạo hoàn thiện. Những bậc ấy, trong số đó có đức Khổng sẽ như vầng nhật nguyệt soi sáng khắp nhân gian, vì các ngài thông phần vinh quang Trời, và mãi mãi sẽ được nhân loại suy tôn tán tụng (ch.30,31,32).

Trong đoạn kết, Trung Dung lại toát lược tâm pháp thánh hiền: «Kính sợ Trời, dầu ở nơi vắng vẻ, học cho thông suốt để biết tới cùng cực, rèn luyện mình cho tuyệt hết niềm tây, toàn thiện để thành tựu mình đến trọn vẹn (ch.33).

Đại ý Trung Dung là vậy, thế mà không biết vì sao đã mang tiếng lấp lửng, nước đôi?

------------
**************************         


CHÚ THÍCH


[1] Trung Quốc tiên hiền học thuyết, tr.147;148;149.

[2] Lão Tử Đạo Đức Kinh, ch.2, 68.

[3] H.J. Allen, Is Confucius a myth?

E.V. Zenker, Histoire de philosophie chinoise, tr.125.

[4] Edouard Erkes, Chinesische Literatur, Breslau 1922, p.39.

E.V. Zenker, Histoire de la philosophie chinoise, p.125.

[5] E.V. Zenker, Histoire de la philosophie chinoise, p.125.

[6] P. Léon Wieger S.J, Histoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 221.

[7] L'ideal de l'humanité reallisé dans la personne du Saint la perfection absolue qui est son partage est bien ce qui signifie le terme 誠. Rémusat l'a rendu par «la perfection et la perfection morale»; le P. Intorcetta par «Vera solidaque perfectio» – Legge le traduit par «Sincerity, simplicity or singleness of Soul» the disposition to the capacity of what is good without any deteriorating element, with no defect of intelligence, or intromission of selfish thoughts. Ces derniers mots décrivent très bien les effets de 誠 signalés par Tchou Hi. 德 無 不 實 而 明 無 不 照 者 聖 人 之 德 所 性 而 有 者 天 道 也. Mais ils expriment pas assez clairement ce qu'il est en soi. Tchou Hi en donne cette définition: 誠 者 真 實 無 妄 謂. Cet état de conformité est le propre du saint. (Stanislas le Gall, Le Philosophe Tchou Hi, p.64 et ss)

[8] Tựa Trung Dung.

[9] Vị phát giả, Thái cực, chi tĩnh, dĩ phát giả Thái cực chi động 未 發 者 太 極 之 靜 已 發 者 太 極 之 動 (Chu Hi đáp Lã Tử Ước. Stanislas le Gall, Le Philosophe Tchou Hi, p.116.)

**************************         

Chương 8


KHAI THÁC TRUNG DUNG



Bây giờ đọc Trung Dung ta sẽ thấy nó rất hay rất rõ. Nó hay nó rõ, vì ta đã san bằng được mọi khó khăn về từ ngữ, ta đã gỡ được mối tơ vò tính mệnh, và nhất là ta đã nắm được chìa khóa Trung Dung của hai vua Nghiêu, Thuấn:

«Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

Chu Hi đề tựa Trung Dung như sau:

«Trung ấy là không nghiêng, không ngửa,

Dung ấy là muôn thuở y nguyên.

Trung là đạo chính mọi niềm,

Dung kia là lý hiển nhiên mọi đời.

Tâm pháp này truyền nơi cửa Khổng,

Ông Tử Tư sợ chóng sai ngoa,

Bút thần tay thảo thiên hoa,

Muôn vàn truyền lại Mạnh Kha sách này.

Sách mới thoạt trình bày một lẽ,

Sau dần dần mới tỏe thành muôn,

Cuối cùng thu lại một nguồn.

Tung ra tản mạn khắp muôn phương Trời,

Thu cuốn lại dấu nơi ẩn áo,

Hay sao, hay kỳ ảo khôn cùng.

Đó là thực học chính tông,

Ai say tìm hiểu sẽ thông ý màu.

Thông ý màu rồi sau ứng dụng,

Dùng cả đời cũng chẳng hề vơi.»

Chu Hi đã cho ta thấy đại ý Trung Dung: «Thể duy nhất, dụng vạn thù». Căn nguyên chỉ một mà tác dụng hiệu quả muôn vàn.

Đồng thời Chu Hi cũng đã gợi cho biết Trung Dung là một triết học cao siêu, một phương pháp lý luận rất có mạch lạc. Ta có thể nói:

Thoạt tiên, Trung Dung dùng phương pháp diễn dịch như Descartes: Từ một duyên do căn bản suy ra ngàn vạn sự, ngàn muôn kết quả.[1]

Trong phần thứ hai của sách, có thể nói được là Tử Tư dùng phương pháp qui nạp như Bacon, đi từ những kết quả tạp thù vô số kể mà trở lại nguyên nhân cũ.

Nguyên nhân và kết quả đều gồm trong hai chữ Trời và Thành.[2]

Trời phát quang huy, chiếu ảnh tượng người vào đáy lòng nhân loại.[3] ảnh tượng ấy vừa là thực thể cho tâm hồn dựa nương, vừa là tính mệnh (vie) vừa là mệnh lệnh (ordre, loi), cũng vừa là đạo (voie). Ảnh tượng Trời đó hoàn thiện và quang minh tuyệt đối. Trung Dung đã khéo mô tả bằng hai chữ «thành, minh».[4]

Trong chương đầu Trung Dung, Tử Tư đã xác định căn bản tâm hồn con người; đồng thời dạy luôn cả đạo làm người:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh

Đạo là noi theo tính bản nhiên.

Giáo là cách giữ đạo nên.

Đạo Trời giây phút vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa.

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng...» [5]

Trời xa, nhưng quyền phép ngài siêu việt, vẫn soi sáng tâm khảm của trần gian. Trời tuy xa nhưng vẫn giáng lâm, vẫn tại diện tiền không giây phút nào ngơi. Đó là niềm tin tưởng then chốt cốt cán của Đạo Nho, và của các thánh hiền Trung Hoa qua các thời đại. Tác giả Trung Dung nhắc tới lòng tin tưởng đó ở đầu, giữa, và cuối sách Trung Dung. Cả chương 16 của Trung Dung viện dẫn sự tin tưởng của muôn dân về thần quyền để minh chứng sự giáng lâm của Thượng đế.

Trung Dung viết:

«Quyền phép thần linh oai hùng khôn xiết,

Nhìn chẳng ra, nghe cũng chẳng thấy gì,

Nhưng vẫn lồng vào vạn vật chẳng phân ly,

Khiến chay tịnh tâm hồn, những chành áo xống,

Mời cho làm những việc tâm thành thờ phụng,

Man mác lẽ, như phảng phất ở trên,

Linh lung, như mường tường ở hai bên.

Thần giáng lâm lúc nào ta đâu có biết,

Cớ sao ta dám bơ thờ khinh miệt?

Thật siêu vi nhưng vẫn hiển hình,

Thật hoàn hảo, không giấu nổi oai linh.» [6]


Tác giả Trung Dung khuyên ta nên theo phương pháp loại suy (raisonnement par analogie) mà tìm ra căn bản tâm hồn ta, tìm cho ra đạo làm người, để cho nhân tâm hết ngả nghiêng, cho đạo tâm siêu vi được tận hiển dương, tiến tới thế trung hòa muôn thuở.

«Khi chưa phát vui, thương, mừng, giận,

Gọi là trung vì chẳng ngả nghiêng.

Phát ra đúng tiết, hợp duyên,

Ấy là hòa tấu ấm êm nhạc Trời.

Trung ấy chính muôn đời căn bản,

Hòa kia là đạo quán thiên thu,

Ước gì đạt thế trung hòa,

Ấm êm Trời đất, nhởn nhơ muôn loài.» [7]

Chu Hi bình giảng thêm:

«Nguồn đạo ấy phát từ Thượng đế.

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn toàn sẵn có nơi người,

Một giây một phút chẳng rời khỏi ta.» [8]

Và khuyên:

«Quay vào ta mà tìm đạo ấy

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [9]

Một khi con người được giác ngộ, tin có Trời ngự trị trong tâm khảm mình, chứng giám những điều ẩn áo nơi đáy lòng mình, và lo hoàn thiện mình để tiến tới sự phối hợp giữa tâm và tính, nhân tâm và đạo tâm, khi ấy con người sẽ trở thành quân tử.

Đức Khổng nói:

«Người quân tử Trung Dung một đạo,

Kẻ tiểu nhân trở tráo Trung Dung.

Trung Dung quân tử thời thường

Phản Trung Dung ấy là phường tiểu nhân,

Tiểu nhân chẳng thẹn, chẳng cần,

Chẳng còn sợ hãi, lần khân tháng ngày.» [10]

 Mục đích của đạo Trung Dung là phối hợp thiên ý với nhân tâm, tính với tình, nhân tâm và đạo tâm, cho nên là một đạo rất cao diệu. Đức Khổng nói:

«Đạo Trung Dung cao siêu, toàn mỹ,

Theo Trung Dung hồ dễ mấy ai.» [11]

 Theo đạo Trung Dung rất khó, khó vì nhiều lý do. Đức Khổng nói:

«Ta biết đạo Trung Dung thi hành khó,

Người sắc sảo, quá trớn đi đã lỡ,

Kẻ ngu đần, chậm chạp khó khuôn theo.

Ta biết đời chẳng hiểu đạo cao siêu:

Người hiền đức ỷ mình không suy xét,

Kẻ bất lương trông vào thì mù mịt.

Uống ăn kia ai cũng lấy làm thường,

Nhưng mấy ai sành mùi vị tinh tươm?» [12]


Mục đích Trung Dung là phát triển cho đến cực độ mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi đáy lòng mình, theo thiên tính thiên lý sẵn có nơi mình mà phát huy ra ba đại đức, ba nguồn sáng tinh thần:

Trí - nhân - dũng

Trí là khôn ngoan. Khôn ngoan như vua Thuấn, biết Trời, biết Người, biết thăm dò xét hỏi, biết «ẩn ác dương thiện». Trí để phục vụ đạo lý, chứ không phải trí xảo của người đời.[13]

Đức Khổng nói:

«Ai cũng nói ta đây tài giỏi,

 Trên đường đời rong ruổi ngược xuôi;

 Sa vào cạm bẫy người đời,

 Sa hầm, sụp hố, thoát thôi dễ nào.

 Ai cũng ỷ tài cao, biết rộng,

 Theo Trung Dung chẳng đặng tháng Trời.» [14]

 Nhân là nhân đức nội tâm. Nhân như Nhan Hồi luôn lo lắng làm điều thiện, cho gương lòng vằng vặc sáng lên như đèn Trời, chứ không phải nhân đức lộ liễu bên ngoài của thế nhân. Những người có tài cán gan góc, vị tất đã là những người nhân đức, vị tất đã theo nổi đạo Trung Dung.

«Người có thể trị yên thiên hạ,

 Người có gan từ bả vinh hoa,

 Gươm trần người dám bước qua,

 Trung Dung đạo ấy khó mà người theo.» [15]

 Dũng không phải là cái dũng vũ phu, mà chính là cái dũng tinh thần của người quân tử, là cái dũng của bậc đạo hạnh: nếu «Xét thấy lương tâm mình ngay thẳng, thì dầu đối với hàng ngàn muôn người vẫn đi qua một cách an nhiên.» [16]

 Luôn êm đềm, khoan dung mà chỉ giáo,

 Người vô đạo ta không màng ác báo.

 Đó là hùng dũng kiểu Nam phương,

 Đó là lối đường người quân tử.

 Thích đao binh, mình kè kè giáp trụ,

 Chốn sa trường chết bỏ cũng không sao,

 Ấy hùng dũng Bắc, của chiến sĩ hùng hào.

 Người quân tử ôn hòa, không phụ họa,

 Hùng dũng thay, ôi hùng cường cao cả.

 Theo Trung Dung một dạ, chẳng ngả nghiêng,

 Ôi, hùng dũng kẻ sao xiết ngang nhiên.

 Nước có đạo lòng trung kiên chẳng đổi,

 Hàn vi hay hiển đạt vẫn không thay đường lối.

 Hùng dũng thay, kẻ sao xiết oai hùng.

 Lúc nước nhà vô đạo lao lung,

 Dẫu muôn thác cũng không rời đạo cả,

 Hùng dũng thay, ôi hùng cường khôn tả.» [17]


Ba đức «nhân, trí, dũng» đó đều mầm mống trong đáy lòng mọi người; chân lý muôn trùng hằng ẩn áo trong tâm khảm mọi người. Thánh hiền là những người có công khuếch sung trí nhân dũng cho tới mức cao siêu, tuyệt diệu. Vì thế đạo Trung Dung như hạt sồi của Lamartine,[18] lúc nhỏ chưa sinh sôi nảy nở thì rất tầm thường, nhưng khi đã triển dương tới mức độ lớn lao, thì trở nên thiệt uy nghi, cao đại.

Theo Trung Dung đạo Trời có hai đầu: Một đầu thì ẩn ảo huyền vi, tiềm ẩn ở tít tận đáy lòng, còn một đầu thì mênh mông bát ngát. lúc sơ phát thì ẩn áo siêu vi, nhưng lúc đạt đạo tới chỗ chí cùng, chí cực, thì vĩ đại.

«Đạo người quân tử mênh mông,

 Đồng thời ẩn áo, mông lung khó dò.» [19]


HÌNH 17: Thiên đạo, Nhân đạo, Vật đạo


Tác giả Trung Dung viện dẫn Kinh Thi để làm nổi bật những nét mênh mang và ẩn áo đó:

«Diều tung cánh sát từng mây biếc,

 Cá dương vây lặn miết đáy sâu.» [20]

 Rồi tác giả khuyên ta nên tung tầm mắt mà quan sát vạn vật đất Trời để tìm cho ra đại đạo. Quan sát đất Trời ta thấy gì? Ta sẽ thấy:

«Ngoài nội chim kia còn chấp cánh,

 Trên lương yến nọ chẳng lìa đôi

 Từng mây kết ngãi lưng Trời...» [21]

 Đôi chim ríu rít, đôi người chắt chiu.

Đầu Kinh Thi, ta đọc thấy:

 «Quan quan thư cưu, tại Hà chi châu,

 Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.» [22]

Trung Dung viết:

«Đạo quân tử từ nguồn phu phụ,

 Tung mãi ra trùm cả đất Trời.» [23]

Đạo phu thê là đạo phu xướng phụ tùy, để đi đến chỗ sắc cầm hòa hợp. Còn Trời đất thì lúc nào cũng quấn quít lấy nhau, hưởng ứng nhau. Trời che, đất chở, Trời sinh, đất dưỡng. Đầu đất là chân Trời. Vòng càn khôn lúc nào cũng hiện ra nơi nhãn giới. Suy ra, thì trong đạo làm người, tâm phải thuận theo tính, tâm phải biết phục mệnh. Nếu tâm theo tính, nếu nhân tâm phục tòng thiên mệnh, thì tức là theo đúng đạo xướng tùy, hòa hợp của đất Trời. Thế là Âm theo Dương, bóng tối nhường gót cho ánh sáng, sự chết nhường chỗ cho sự sống. Thế là Dương sinh, Âm dưỡng, Dương sinh, Âm trưởng. Tâm hồn sẽ tài bồi cho mầm tính nở tung muôn hoa đức hạnh, tâm hồn sẽ phả quang huy của vừng dương thiên tính, sẽ biến hóa theo đúng Đạo Trời.[24]

Khi đạt đạo, mảnh trăng lòng sẽ thoát ly hết mọi mây mù dục vọng, sẽ viên mãn, như vầng nguyệt hôm rằm, tung hết mọi làn ánh sáng đã thụ hưởng được của vừng dương thiên lý. Thế là Âm Dương phối hợp trong thế trung hòa của Thái cực. Thế là «nhật nguyệt đồng minh» thành chữ Dịch muôn đời.[25]

Vậy muốn hiểu đạo Trung Dung, phải hiểu chỗ thấp, chỗ cao, chỗ gần, chỗ xa. Chỗ đắc đạo, đạt đạo là Trung Dung, Trung đạo «dữ Thiên đồng đức», chí thành, chí thiện. Chỗ đạt đạo thì bao trùm hết không gian, thời gian, rực rỡ ngàn trùng.

Chỗ khởi điểm chỉ là một tàn lửa thiên lý, thiên chân, thiên mệnh, ẩn áo nơi đáy lòng. Chỗ đạt đạo thì chỉ bậc chí thánh mới vươn lên tới, nhưng con người đạo lý mở rộng chờ đón mọi người, và thực ra khởi điểm của nó cũng dung dị tầm thường, dầu ngu phu, ngu phụ cũng vẫn hay biết và có thể thi hành được như thường.[26]

Quan điểm Trung Dung phù hợp với Đạo Đức Kinh của Lão Tử:

«Muốn làm những việc khó khăn.

Phải từ chuyện dễ đi lần mới xong.

Muốn làm những việc kỳ công,

Phải từ việc nhỏ mới mong hoàn thành.» [27]

Vậy thì đạo Trời tuy rất khó, nhưng chính ra rất giản dị. Chúng ta chỉ việc làm những công việc thông thường hằng ngày, không cần lập dị, «sách ẩn hành quái».[28] Đối với mọi người thì nên khoan dung, độ lượng, mà uốn nắn cho qui hướng về đường thiện mỹ:

«Người quân tử khi lo giáo hóa,

Sửa trị người sẵn có khuôn người.

Thấy người giác ngộ thì thôi,

Đã chiều cải hóa, liệu bài ta ngưng.» [29]

Còn đối với mình, thì lúc nào cũng cúc cung tận tụy thi hành phận sự, coi người như mình; đối với ai cũng cố vẹn tình, vẹn nghĩa, hết lòng, hết dạ:

«Đối với người hết lòng, hết dạ,

Coi mọi người cũng cả như mình.

Thế là sắp tới tinh thành.

Việc mình thoái thác chớ dành cho ai...» [30]

Tìm bí ẩn làm điều quái dị.

Cốt mong cho hậu thế người khen

Xá chi chuyện ấy nhỏ nhen,

Đã là quân tử chẳng thèm quan tâm.»

Muốn thành người quân tử, chúng ta phải:

«Tu đức hạnh, hành vi thường nhật,

Nói năng luôn đúng mực căn cơ.

Hành vi khiếm khuyết nên lo,

Nói năng thái hóa, liệu mà bớt đi.

Lời nói với hành vi phù hợp;

Nói làm sao, làm khớp như in;

Lòng người quân tử triền miên,

Thấp tha, thấp thỏm, mới nên công trình...» [31]

Nếu thời thường, lo hàm dưỡng tính tình, trau dồi óc chất như vậy, thì trí, nhân, dũng sẽ như ngọn lửa, ngày một lan cháy rực Trời, như nguồn lai láng, tràn ngập năm hồ bốn biển.[32]


Ngu phu, ngu phụ nếu ra công tu tâm, dưỡng tính cũng có thể nên người quân tử, nên gương cho nhân loại soi chung; nếu người quân tử biết tu thân, hàm dưỡng khuếch sung tính tình thì có thể nên những trang hiền thánh, chẳng kém gì Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ, Chu công.

«Đạo quân tử như in lữ thứ

Muốn đi xa phải tự chỗ gần.

Đạo người như cuộc đăng san,

Muốn lên tới đỉnh, đầu đàng là chân.» [33]

Chân là ngu phu, ngu phụ, mà đỉnh thì là đại thánh, đại hiền. ở gần là chuyện làm cho gia đình ấm êm, hòa hợp. Ở xa tít tắp là chuyện quốc chính, cai trị muôn phương, lo sao cho mọi người được sống những ngày thanh bình, tươi đẹp. Thấp là những chuyện tình ái thông thường giữa những vợ chồng, mà cao là nền luân lý phổ quát, bao gồm hết cương thường. Cao hơn nữa là đạo thánh hiền, «dữ Thiên đồng đức», vượt tầm không gian, thời gian, trường tồn cùng với càn khôn, vũ trụ.

Khởi điểm ở ngay thâm tâm, khởi điểm là chữ kính, chữ sợ:

«E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.» [34]

Cùng đích, mục phiêu sẽ là chỗ chí thành, chí thiện, treo gương cho khắp thế soi chung...

Nhờ sự tu thân tích đức, tâm hồn người hiền thánh rạng tỏ dần, và khi long vân gặp hội, khi đức cả đã cảm ứng được đất Trời, sẽ đạt tới địa vị cao sang tuyệt phẩm. Vì thế giữa sách, Trung Dung đề cập tới sự cao cả, vinh quang của các đấng đại thánh, đại hiền:

Trung Dung viết:

«Vua Thuấn là người trọn niềm hiếu thảo,

Đức sánh thánh hiền, vị cao sang ngôi báu;

Giàu vô biên, giàu bốn bể gồm thâu,

Tổ tiên nơi tôn miếu được cao dao,

Con con, cháu cháu đều nương vào tiếng cả.

Đức đã lớn, địa vị đâu có khó,

Bổng lộc theo, danh giá cũng chạy theo.

Sống lâu dài, tuổi thọ lại thêm nhiều.

Vì xưa nay Trời sinh ra muôn vật,

Đều chăm nom, vun sới tùy tài, tùy chất;

Đã tốt tươi chăm bẫm tốt tươi thêm,

Đã nghiêng ngả, phạt quang cho hết ngả nghiêng.» [35]

Luật Trời đất là như vậy: Đã tốt tươi, tài bồi cho thêm tươi tốt, đã tàn tạ thì sẽ bị vứt bỏ đi... Xưa nay bất kỳ ai đã vượt được thang tiến hóa lên tới mức đại trí, đại đức đều được kính tôn trọng vọng. Trung Dung cũng hết lời tán tụng Văn vương, Võ vương... Trời đã cho các bậc đại trí, đại hiền, đại đức đó ra đời, để làm vinh danh Thượng đế, để làm ích lợi cho chúng dân, và cũng là để treo gương sáng cho đời soi... Bổn phận hậu sinh là phải noi gương tiền bối như vậy mới thật là hiếu thảo...

**************************         

Trung Dung cho rằng hiếu thảo sáng suốt là biết noi theo đường lối sự nghiệp của cha ông. Người xưa lập ra những cuộc tế tự nơi tông miếu cốt là để thắt lại mối giây liên lạc họ hàng giữa các người còn sống, xác định lại tôn ti, trật tự, kẻ hèn, người sang trong gia tộc, tỏ tình thân ái với họ hàng, và cũng là để hun đúc lại khí thiêng truyền thống, tâm niệm bước theo lối đường của tổ tông xưa:

«Nghiệp xưa tôn tỏ mọi điều,

con người hiếu thảo y chiếu khuếch trương,

Xuân thu tới, sửa sang miếu mạo,

Bao đồ thờ xiêm áo bày ra,

Mùa nào thức ấy hương hoa,

Nhờ kỳ lễ tổ, nhận ra họ hàng.

Theo chức tước, biết sang, biết khó,

Theo phân công, tổ rõ hiền, ngu.

Rồi ra chén tạc, chén thù,

Dưới trên chuốc chén, nhỏ to đãi đằng,

Khi yến ẩm, mới phân già, trẻ,

Theo tóc răng, định lẽ dưới, trên.

Ngôi xưa, nối gót bước lên,

Lễ xưa tôn tổ, giữ nguyên chẳng rời.

Nhạc cha ông, không thôi hòa tấu,

Ngài yêu gì, ta cũng dấu, tôn.

Trước sau, mất cũng như còn,

Dẫu là sống thác, chẳng mòn tình thâm.

Lòng hiếu thuận, không phân sống chết,

Thế mới là trọn hết đạo con...» [36]


**************************         



Chí tổ tiên xưa là thờ Trời, kính sợ mệnh Trời, cho nên muốn trọn niềm hiếu thảo, tất nhiên cũng phải tin kính Trời. Trung Dung phân biệt rõ ràng: Thờ Trời và kính nhớ tổ tiên.[37] Muốn hiếu kính tổ tông phải biết thờ Trời:

Kinh Thi viết:

«Muốn nhớ tới tổ tông khi trước,

Hãy gắng công tích đức tu nhân,

Mệnh Trời phối hiệp vào thân,

Muôn ngàn phước lộc xa gần chiêu lai.

Thuở triều Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng đế tất giao,

Gương triều Ân hãy soi vào,

Mệnh Trời cao cả lẽ nào dễ đâu.» [38]

Hiếu kinh cũng cho rằng hiếu thảo chân chính là lập thân giữ đạo, lưu danh hậu thế...[39] Thế mới đúng là «sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn». kính nhớ tổ tiên thực ra khôn phải là xì xụp van vái. Như vậy Tử Tư muốn dùng lòng hiếu kính tổ tiên để lưu truyền đạo Trời mãi mãi...

Từ thiên «Ai công vấn chính» về sau, Trung Dung bắt đầu dùng phương pháp quy nạp. Trung Dung chủ trương rằng muốn cầm đầu giang sơn, sửa đổi giường mối chính trị vẫn không qua được lòng người, không qua được điều nhân nghĩa, không qua được vấn đề tu thân, không qua được Trời.

«Biết người, trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao.» [40]

Trời là căn để cho một nền chính trị hoàn hảo. Sự hoàn thiện vẫn là căn bản cho mọi động tác nhân loại. Tung tầm mắt ra khắp muôn phương, ta thấy ngũ luân là năm bổn phận cao cả nhất. Nhưng ngũ luân vẫn phải dựa vào ba đức là: Trí, Nhân, Dũng. Trí, Nhân, Dũng truy tới căn nguyên lại chính là biểu dương của chữ Thành, của sự toàn thiện muôn thuở.[41]

 Ai Công hỏi về chính trị, Khổng Tử trả lời:

«Phép chính trị vua Văn, vua Võ,

Nay hãy còn ghi ở sử xanh.

Người ngoan, chính trị thịnh hành,

Con người gian ác, tan tành quốc gia.

Người tài đức phun hoa chính trị,

Như đất mầu, trổ rễ cỏ cây.

Chính quyền lau lách, dắt dây,

Cầm quyền hành chính dở hay tại người.

Nếu muốn được nhân tài giúp sức

Mình cố sao tài đức hơn người.

Tu thân lấy đạo tài bồi,

Đạo tu trước phải rạng ngời đức nhân.

Người chân chính là nhân là ái,

Yêu từ nhà yêu mãi ra xa,

Nghĩa là mọi vẻ tinh hoa,

Muốn dân trọng nghĩa, trước ta tôn hiền.

Phân thân sơ, biết hay hèn,

Trọng nhân, trọng nghĩa, xây nền lễ nghi.» [42]


Như vậy, rút lại, ta phải để tâm khuếch sung Nhân, Trí, Dũng, cố gắng tiến tới chỗ chí thành, chí thiện. Ánh sáng Trời cao cả, sự hoàn thiện thiên nhiên nơi đáy lòng ta đó, có khi sinh ra đã biết, có khi nhờ học hỏi mới biết, có khi vì lao lung, cùng khốn mới biết, nhưng đã biết thì cũng chỉ là một như nhau. Có khi tự nhiên ta muốn trở nên hoàn thiện, có khi vì lợi lộc mà ta cố trở nên hoàn thiện, có khi vì bắt buộc mà ta trở nên hoàn thiện, nhưng kết quả trước sau vẫn là một.[43]

Muốn tiến tới hoàn thiện, điều kiện thiết yếu là phải biết gắng gỗi công trình.

«Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu thân phải gắng công lao,

Muốn nên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.» [44]

Then chốt vạn sự, chung quy vẫn chỉ là một chữ Thành. Dẫu đứng đầu trăm họ, thống lãnh giang sơn, cũng vẫn phải lấy sự tu thân, sự cải thiện mình làm gốc. Bất kỳ quốc sách chân chính nào cũng phải xây trên căn bản toàn thiện.[45]

Tóm lại, con người sinh ra ở đời cốt để trở nên hoàn thiện:

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.» [46]

Những bậc đại thánh trong thiên hạ tự nhiên có một đời sống thánh thiện, hành vi tự nhiên hoàn hảo, ý nghĩ tự nhiên sáng suốt. Còn những người phàm tục như chúng ta phải cố công cố sức đêm ngày mới mong trở nên hoàn thiện được.

Trung Dung viết:

«Còn những kẻ cố công nên thánh

Gặp điều lành phải mạnh tay co,

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, học cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, mới mang thi hành.

Đã định học, chưa thành chưa bỏ;

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nôi,

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy,

Biện luận mãi tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm, làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh.

Người làm mười bận đã thành,

Ta làm nghìn thứ ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.» [47]


Nếu cố gắng, con người sẽ cải thiện hoàn toàn được mình, đó là luật tiến hóa của Trời đất: muôn vật đều tiến từ thô sơ tới tinh vi, từ mầm mống tới trưởng thành, từ hỗn độn tới quy mô tổ chức, từ tối tăm đến sáng láng. Như vậy con người cũng phải khuếch sung, tài bồi mầm mống đức hạnh nơi đáy lòng mình để tiến tới chỗ tinh vi cao diệu.

«Đạo trời đất một câu tóm hết,

Làm muôn loài nhất thiết một khuôn,

Nhưng mà sinh hóa khôn lường

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày.

Cao minh trong sáng xưa nay,

Xa gần vĩnh cửu, đó đây khôn lường.

Kìa như trời vài nguồn sáng sáng,

Nhưng tới khi tản mạn vô cùng,

Lửng lơ nhật nguyệt hai vừng,

Muôn vàn tinh tú tưng bừng treo trên.

Trời còn che chở mọi miền.

Kìa như đất vài thưng bụi cát,

Nhưng một khi bát ngát rộng dày,

Hoa sơn nó chở như bay,

Muôn vàn sông biển hút ngay vào lòng.

Đất còn chở hết non sông.

Kìa núi non đá chồng mấy tảng,

Nhưng một khi khoáng đãng vươn cao,

Cỏ cây muôn khóm chen nhau,

Muông chim cầm thú nương vào ở ăn.

Núi còn biết mấy kho tàng.

kìa sông nước mấy ang, mấy gáo,

Nhưng một khi biến ảo mênh mông.

Sấu, rùa, cá, giải, giao long,

Sinh sinh, hóa hóa, vẫy vùng triền miên

Nước còn biết mấy nguồn tiền,

Biết bao hóa phẩm còn chìm bể sâu.

Việc Trời gẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo không cùng,

Thực là đáng mặt Hóa công.» [48]

Như vậy luật tạo hóa là muốn cho mọi người cải thiện, tiến hóa không ngừng. Như vậy con người phải cố gắng, tiến bước mãi trên con đường hoàn thiện, không lúc nào được dừng chân hay lui gót.


Khi đạt tới mức độ hoàn thiện, sẽ đạt đạo Trung Dung «dữ Thiên đồng đức», sẽ cùng Trời đất vững bền muôn thuở.

«Bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ,

Không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền.

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên vang dội khắp miền gần xa.

Khắp gần xa ắt là dày rộng,

Đã rộng dày thời cũng cao minh.

Rộng dày để chở chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần.

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên.

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên khôn cùng.

Được như vậy không trưng vẫn tỏ,

Tuy ở yên, biến hóa khôn lường,

Không làm mà vẫn thành công...» [49]

Khi đạt tới giai đoạn «Thiên nhân nhất quán», giai đoạn huyền đồng, thánh nhân sẽ được phối hợp với Trời, thông phần vinh hiển cao diệu của Trời.

Trung Dung viết:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ,

Y như thể có Trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần,

Y như có dung nhan Trời phất phưởng;

Phấn phát tự cường, kiên cương, hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng.

Trang trọng khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn,

Nói năng văn vẻ, rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung Trời bao la, vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm...» [50]

Bậc chí thánh đó sẽ vì đời sang sửa đại kinh:

«Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ,

Mới có thể vì đời sang sửa đại kinh.

Mới có thể xây căn bản cho xã hội quần sinh,

Mới thấu rõ luật đất Trời sinh hóa...» [51]

Các ngài sẽ tiên tri, tiên đoán, biết trước những công cuộc hưng vong, suy thịnh của quốc gia...[52]

 Đạo Trung Dung lúc đạt tới cùng cực, thực là mênh mông, bát ngát:

«Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang, biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới Trời thẳm muôn tầm;

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi, chi tiết.

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho,

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả.» [53]

 Đạo đó, con đường hoàn thiện đó là con đường cho quân tử noi theo:

«Nên quân tử dốc một lòng, một dạ,

Trọng kính Trời, quyết gắn bó học hành.

Tiến sao cho tới mức rộng rãi, tinh anh,

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả,

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới, không làm điều trái nghịch,

Nước có đạo, chỉ một nhời làm tiến ích,

Nước đảo điên, lặng lẽ đủ dung thân...» [54]

Đạo thiên nhiên đó, đã được đức Khổng, nương theo các vua Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ, đem truyền dạy và phổ biến cho đời:

«Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn, Võ.» [55]


Tóm lại đạo quân tử mới đầu ngỡ tầm thường, giản dị, nhưng dần dần mới thấy nó thật chứa chan ý vị, đầy vẻ đẹp tươi, và mênh mông, bát ngát. Nó khởi điểm từ chỗ biết kính sợ e dè, dẫu ở một mình nơi thanh vắng cũng chẳng dám làm điều gì đáng để hổ ngươi, để tiến tới chỗ «dữ Thiên đồng đức» chỗ hoàn hảo tuyệt vời. Đó là đại ý đoạn kết sách Trung Dung:

«Thơ rằng:

Gấm mặc trong, ngoài phủ áo sa,

Là vì ngại gấm đầy hoa lòe loẹt,

Nên đạo quân tử ám nhiên ẩn ước,

Sau dần dà mới sáng rực mãi lên;

Đạo tiểu nhân mới ngó ngỡ là đèn,

Nhưng càng ngày càng tối đen, tối xẫm.

Đạo quân tử đạm thanh, không ngán ngẩm,

Đơn sơ nhưng chan chứa vẻ đẹp tươi;

Thuần phác nhưng lý sự chẳng kém ai.

Biết xa gần, biết nguyên lai bản mạt

Biết lẽ vi hiển, vừa rỡ ràng, vừa e ấp,

Là có thể bước vào nẻo đức đường nhân.

Thơ rằng:

Cá tuy lặn sâu thẳm mấy tầm,

Nhưng bóng dáng vẫn rõ ràng, hiển hiện.

Nên quân tử lo xét mình cho chín,

Đừng cho tội khiên làm u ám thâm tâm.

Người quân tử vượt trổi quá chúng nhân,

Chính ở chỗ mọi người trông chẳng đặng.

Thơ rằng:

Chái tây bắc một mình thanh vắng,

Cũng đừng làm chi đáng để hổ ngươi.

Nên quân tử không làm vẫn thu phục lòng người,

Chẳng nói năng, nhưng ai nấy đều tin tưởng.

Thần thánh giáng lâm, không một lời động dạng,

Nhưng mọi người tuyệt nhiên hết tranh giành.

Nên quân tử không thưởng, mà dân vẫn đua tranh,

Không giận dữ, mà người sợ hơn oai rìu búa.

Thơ rằng:

Văn Vương chẳng phô trương đức độ,

Nhưng chư hầu đâu đấy vẫn khuôn theo.

Người quân tử nếu dốc một dạ kính yêu,

Đạt đức cả, thiên hạ lẽ tất nhiên thịnh trị,

Thơ rằng:

Ta muốn đức rạng ngời, sáng tỏ,

Không cần chi lớn tiếng hay làm bộ ra oai.

Đức Khổng nói dùng miệng lưỡi, hay kiểu cách bên ngoài,

Cảm hóa dân, lối ấy rất nên thô thiển.

Thơ rằng:

Đức nhẹ như lông;

Lông còn có bề hơn kém,

Đức Trời cao, siêu việt chẳng tăm hơi,

Thực là hoàn hảo tuyệt vời.» [56]

Chu Hi bàn thêm:

«Tử Tư trên kia vừa nói tới điều chí cực,

Nay quay về nói lại chủ chốt căn nguyên.

Nhắc ta tu thân căn cốt ở kính tin.

Dẫu chiếc bóng cũng không làm điều tà khuất.

Suy rộng ra nếu ai cũng dốc một lòng chính trực,

Thì thiên hạ lo chi chẳng an bình.

Khen nhân đức khi đạt mức huyền linh,

Sẽ bát ngát, vô thanh và vô xú.

Một lời lẽ gồm biết bao tự sự,

Lòng thiết tha khẩn khoản muốn dạy người.

Bao ý tình thắm thiết biết mấy mươi,

Học giả ta lẽ nào không hết lòng hết sức.» [57]

**************************         

CHÚ THÍCH

[1] Descartes tự phụ có thể dùng phương pháp lý luận tiên thiên (a priori) mà chứng giải được trong Trời đất có một Đấng tuyệt đích có tính cách đặc biệt. Ông lại tự phụ nhân đó suy diễn được các phép tắc cốt yếu của các sức vận động trong vũ trụ, lại nhân các phép tắc ấy cũng giả thuyết ra mấy cái ức thuyết nữa mà có thể lý hội được cả vũ trụ... (Nam Phong số 119, tr.24: Triết học Âu châu ngày nay, Thượng Chi biên tập).

[2] Bacon cho là muốn biết mọi sự xảy ra phải bắt đầu quan sát đã. Tuy nhiên, hợp một mớ những sự vật đã quan sát lại chưa gọi là một khoa học được, nhà khảo cứu nghĩ ra một cái luật chung hay là một lý thuyết gì; nhưng cái luật hay cái thuyết nghĩ ra đó lại phải chứng nghiệm hẳn hoi xem có đích thực không, khi ấy mới gọi được là khoa học chân chính. (Nam Phong, số 119, tr.24: Triết học Âu châu ngày nay).

[3] Tại Thiên thành tượng. Tại địa thành hình. 在 天 成 象 在 地 成 形 (Dịch kinh Hệ Từ Thượng) – Bất hiển diệc lâm. 不 顯 亦 臨 (Bửu Cầm, Tống Nho, tr. 191)

[4] Tự thành minh vị chi tính. 自 誠 明 之 謂 性 (Trung Dung, ch.21, tr.74)

[5] Thiên mệnh chi vị tính... Suất tính chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã. Khả ly phi đạo dã. Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ. Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. Mạc hiện hồ ẩn, Mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã. 天 命 之 謂 性; 率 性 之 謂 道; 修 道 之 謂 教 道 也 者, 不 可 須 臾 離 也;可 離, 非 道 也 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹, 恐 懼 乎 其 所 不 聞 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微 故 君 子 慎 其 獨 也 (Trung Dung, ch.1)

[6] Quỉ thần chi vi đức, kỳ thịnh hĩ hồ ! Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn; Thể vật nhi bất khả di. Sử thiên hạ chi nhân, trai minh thịnh phục, dĩ thừa tế tự. Dương dương hồ, như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu ! Thi viết:"Thần chi cách tư, bất khả đạc tự; thản khả dịch tư". Phù vi chi hiển, thành chi bất khả yểm như thử phù! 子 曰 鬼 神 之 為 德 其 盛 矣 乎 視 之 而 弗 見;聽 之 而 弗 聞;體 物 而 不 可 遺 使 天 下 之 人, 齊 明 盛 服, 以 承 祭 祀 洋 洋 乎, 如 在 其 上, 如 在 其 左 右 詩 曰 神 之 格 思, 不 可 度 思, 矧 可 射 思?夫 微 之 顯 誠 之 不 可 掩, 如 此 夫. (Trung Dung, ch.16, tr.58)

[7] Hỷ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung. Phát nhi giai trúng tiết, vị chi Hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên. 喜 怒 哀 樂 之 未 發 謂 之 中 發 而 皆 中 節, 謂 之 和 中 也 者, 天 下 之 大 本 也 和 也 者, 天 下 之 達 道 也 致 中 和, 天 地 位 焉, 萬 物 育 焉 (Trung Dung, ch.1)

[8] Đạo chi bản nguyên xuất ư Thiên, nhi bất khả dịch; Kỳ thực thể bị ư kỷ, nhi bất khả ly. 道 之 本 原 出 于 天, 而 不 可 易; 其 實 體 備 于 己, 而 不 可 離 (Trung Dung, ch.1, tr.40, 42)

[9] Cái dục học giả ư thử, phản cầu chư thân, nhi tự đắc chi, dĩ khử phù ngoại dụ chi tư, nhi sung kỳ bản nhiên chi thiện. 蓋 欲 學 者 于 此, 反 求 諸 身 而 自 得 之, 以 去 未 外 誘 之 私, 而 充 其 本 然 之 善 (Trung Dung, ch.1, tr.42)

[10] Quân tử Trung Dung; tiểu nhân phản Trung Dung. Quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi phản Trung dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã. 君 子 之 中 庸 也, 君 子 而 時 中 小 人 之 中 庸 也, 小 人 而 無 忌 憚 也 (Trung Dung, ch.2, tr.42)

[11] Trung Dung kỳ chí hĩ hồ ! Dân tiễn năng cửu hĩ. 子 曰 中 庸 其 至 矣 乎 民 鮮 能 久 矣 (Trung Dung, ch.3, tr.44)

[12] Tử viết: Đạo chi bất hành dã, ngã tri chi hĩ. Trí giả quá chi; ngu giả bất cập dã. Đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hĩ. Hiền giả quá chi; bất tiếu giả bất cập dã. Nhân mạc bất ẩm thực dã, tiễn năng tri vị dã. 子 曰 道 之 不 行 也, 我 知 之 矣; 知 者 過 之; 愚 者 不 及 也 道 之 不 明 也, 我 知 之 矣; 賢 者 過 之; 不 肖 者 不 及 也 人 莫 不 飲 食 也 鮮 能 知 味 也 (Trung Dung, ch.4, tr.44)

[13] Tử viết: Thuấn kỳ đại trí dã dư ! Thuấn hiếu vấn nhi hiếu sát nhĩ ngôn, ẩn ác nhi dương thiện. Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân. Kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ. 子 曰 舜 其 大 知 也 與 舜 好 問 以 好 察 邇 言 隱 惡 而 揚 善 執 其 兩 端, 用 其 中 于 民 其 斯 以 為 舜 乎 (Trung Dung, ch.6, tr.46)

[14] Tử viết: Nhân giai viết: Dư trí. Khu, nhi nạp chư cổ hoạch, hãm tinh chi trung; nhi mạc tri ty dã. Nhân giai viết: Dư trí. Trạch hồ Trung Dung, nhi bất năng cơ nguyệt thủ dã. 子 曰 人 皆 曰 予 知, 驅 而 納 諸 罟 獲 陷 阱 之 中, 而 莫 之 知 辟 也 人 皆 曰 予 知, 擇 乎 中 庸, 而 不 能 期 月 守 也 (Trung Dung, ch.7, tr.46)

[15] Thiên hạ, quốc gia khả quân dã; tước lộc khả từ dã; bạch nhẫn khả đạo dã; Trung Dung bất khả năng dã. 子 曰 天 下 國 家 可 均 也; 爵 祿, 可 辭 也; 白 刃, 可 蹈 也; 中 庸 不 可 能 也 (Trung Dung, ch.9, tr.48)

[16] Tích giả, Tăng tử vị Tử Tương viết: «Tử hiếu dũng hồ. Ngô thường văn đại dũng ư Phu tử hĩ." Tự phản nhi bất súc, tuy hạt khoan bác, ngô bất chuy yên. Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ.» 昔 者, 曾 子 謂 子 襄 曰 子 好 勇 乎?吾 常 聞 大 勇 於 夫 子 矣 自 反 而不 縮 雖 褐 寬 博 吾 不 惴 焉 自 反 而 縮 雖 千 萬 人 吾 往 矣 (Mạnh Tử, Công TônSửu, thượng–2, tr.86) (Ngày xưa Ông Tăng Tử nói, với Tử tương rằng: Ta thường nghe thầy ta nói về lối dũng cảm chính đại. Ngài dạy rằng "Nếu tự xét lấy mình có điều chẳng ngay thẳng, dẫu đối với kẻ thường dân mặc áo rộng bằng lông, mình há chẳng khiếp sợ. Nếu tự xét thấy mình có điều ngay thẳng, dẫu đối với hàng ngàn muôn người, mình cũng vẫn đi qua một cách an nhiên đó.)

[17] Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? ức nhi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo: Nam phương chi cường dã; Quân tử cư chi. Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm: Bắc phương chi cường dã; nhi cường dã cư chi. Cố quân tử hòa nhi bất lưu. Cường tai kiểu ! Trung lập nhi bất ỷ. Cường tai kiểu ! Quốc hữu đạo, bất biến tắc yên. Cường tai kiểu ! Quốc vô đạo, chí tử bất biến. Cường tai kiểu! 子 曰 南 方 之 強 與, 北 方 之 強 與, 抑 而 強 與? 寞 柔 以 教, 不 報 無 道, 南 方 之 強 也 君 子 居 之 衽 金 革, 死 而 不 厭, 北 方 之 強 也 而 強 者 居 之 故 君 子 和 而 不 流; 強 哉 矯 中 立 而 不 倚; 強 哉 矯 國 有 道, 不 變 塞 焉; 強 哉 矯 國 無 道, 至 死 不 變; 強 哉 矯 (Trung Dung, ch.10, tr.48)

[18] Le Chêne (Harmonies poetiques et religieuses)

[19] Quân tử chi đạo phí nhi ẩn. 君 子 之 道, 費 而 隱 (Trung Dung, ch. 12, tr.50)

[20] Diên phi lệ thiến; Ngư dược vu uyên. 鳶 飛 戾 天; 魚 躍 于 淵 (Trung Dung, ch.12, tr.52)

[21] Tương Phố, Giọt lệ thu.

[22] Kinh Thi, Quốc phong, Chu Nam, Quan Cưu.

«Đôi thư cưu nó kêu quang quác,

Bãi sông Hà man mác chắt chiu.

Bên người thục nữ yêu kiều,

Bên người quân tử rập rìu duyên tơ.»

[23] Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa. 君 子 之 道, 造 端 乎 夫 婦; 及 其 至 也, 察 乎 天 地 (Trung Dung, ch.12, tr.52)

[24] Âm = Đất, bóng tối, đêm, chết, kém. Dương = Trời, ánh sáng, ngày, sống, hơn. (In, Iang: duo elementa quibus constant res universae. Elementum Iang referre solet perfectiorem et In imperfectiorem ex duabus rebus quoe inter se aut conveniunt aut opponuntur, quales sunt sol et luna, coelum et terra rex et subditus, mas et femina, actio et quies, dies et nox, lux et tenebroe... (Couvreur, Dictionnarium sinicum et Latinum, p.1100)

[25] Chữ Dịch thành bởi chữ Nhật 日 và chữ Nguyệt 月 (nguyệt biến thể). Trong cái luôn luôn biến dịch của mặt trăng (Trăng thay đổi hình mỗi ngày) lại có cái «Hằng» tượng trưng bằng mặt Trời luôn luôn tròn. Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt (Hệ từ Kinh Dịch) (Tạp chí Đại Học, số 15 tháng 5/1960: Một ý niệm về Trung Dung, tr.63; chú thích)

[26] Phu phụ chi ngu, khả dĩ dự tri yên. 夫 婦 之 愚, 可 以 與 知 焉 (Trung Dung, ch.12, tr.50). Phu phụ chi bất tiếu khả dĩ năng hành yên. 夫 婦 之 不 肖, 可 以 能 行 焉 (Trung Dung, ch.12, tr.52)

[27] Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế. Thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế. 圖 難 于 其 易 為 大 于 其 細 天 下 難 事, 必 作 于 易; 天 下 大 事, 必 作 于 細 (Lão Tử Đạo Đức Kinh, ch.63)

[28] Sách ẩn, hành quái, hậu thế hữu thuật yên; ngô phất vi chi hĩ. 素 隱, 行 怪, 後 世 有 述 焉;吾 弗 為 之 矣 (Trung Dung, ch.11, tr.50)

[29] Cổ quân tử dĩ nhân trị nhân, cải nhi chỉ. 故 君 子 以 人 治 人 改 而 止 (Trung Dung, tr.54)

[30] Trung thứ vi đạo bất viễn. Thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. 忠 怒 違 道 不 遠. 施 諸 己 而 不 愿, 亦 勿 施 於 人 (Trung Dung, ch.13, tr. 54)

[31] Dung đức chi hạnh, Dung ngôn chi cẩn, hữu sở bất túc, Bất cảm bất miễn, hữu dư, bất cảm tận. Ngôn cố hạnh, hạnh cố ngôn, quân tử hồ bất tháo tháo nhĩ? 庸 德 之 行, 庸 言 之 謹; 有 所 不 足, 不 敢 不 勉; 有 余, 不 感 盡 言 顧 行, 行 顧 言 君 子 胡 不 慥 慥 爾 (Trung Dung, ch.13)

[32] Phàm hữu tứ đoan ư ngã giả, tri giai khuếch nhi sung chi hĩ, nhược hỏa chi thủy nhiên, tuyền chi thủy đạt, Cẩu năng sung chi, túc dĩ bảo tứ hải... 凡 有 四 端 於 我 者, 知 皆 擴 而 充 之 矣 若 火 之 始 然, 泉 之始 達 苟 能 充 之, 足 以 保 四 海 (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu [thượng-6], tr.106)

[33] Quân tử chi đạo, thí như hành viễn, tất tự nhĩ; thí như đăng cao, tất tự ti. 君 子 之 道, 辟 如 行 遠 必 自 邇, 辟 如 登 高 必 自 卑 (Trung Dung, ch.15, tr.56)

[34] Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. 是 故 君 子 戒 慎 乎 其 所 不 睹 恐 懼 乎 其 所 不 聞 (Trung Dung, ch.1)

[35] Thuấn kỳ đại hiếu dã dư ! Đức vi thánh nhân, tôn vi Thiên tử. Phú hữu tứ hải chi nội Tông miếu hưởng chi; tử tôn bảo chi. Cố đại đức tất đắc kỳ vị, tất đắc kỳ lộc, tất đắc kỳ danh, tất đắc kỳ thọ. Cố thiên chi sinh vật, Tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, Cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi. 舜 其 大 孝 也 與 德 為 聖 人, 尊 為 天 子, 富 有 四 海 之 內 宗 廟 饗 之, 子 孫 保 之 故 大 德, 必 得 其 位, 必 得 其 祿, 必 得 其 名, 必 得 其 壽 故 天 之 生 物 必 因 其 材 而 篤 焉 故 栽 者 培 之, 傾 者 覆 之 (Trung Dung, ch.17, tr.60)

[36] Phù hiếu giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã. Xuân thu tu kỳ tổ miếu, trần kỳ tông khí, thiết kỳ thường y, tiến kỳ thời thực. Tông miếu chi lễ, sở dĩ tự chiêu mục dã. Tự tước, sở dĩ biện quí tiện dã. Tự sự, sở dĩ biện hiền dã. Lữ thù hạ vị thượng, sở dĩ đạt tiện dã. Yến mao, sở dĩ tự xỉ dã. Tiễn kỳ vị, hành kỳ lễ, tấu kỳ nhạc, kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã. 夫 孝 者, 善 繼 人 之 志, 善 述 人 之 事 者 也 春 秋, 修 其 祖 廟, 陳 其 宗 器, 設 其 裳 衣, 荐 其 時 食 宗 廟 之 禮, 所 以 序 昭 穆 也 序 爵, 所 以 辨 貴 賤 也 序 事, 所 以 辨 賢 也 旅 酬 下 為 上, 所 以 達 賤 也 燕 毛 所 以 序 齒 也 踐 其 位, 行 其 禮, 奏 其 樂, 敬 其 所 尊, 愛 其 所 親, 事 死 如 事 生, 事 亡 如 事 存, 孝 之 至 也 (Trung Dung, ch.19, tr.62)

[37] Giao, xã chi lễ, sở dĩ sự Thượng đế dã. Tông miếu chi lễ, sở dĩ tự hồ kỳ tiên dã. Minh hồ Giao Xã chi lễ, Đế Thường chi nghĩa, trị quốc kỳ như thị chư chưởng hồ. 郊 社 之 禮, 所 以 事 上 帝 也 宗 廟 之 禮, 所 以 祀 乎 其 先 也 明 乎 郊 社 之 禮, 禘 嘗 之 義, 治 國 其 如 示 諸 掌 乎 (Trung Dung, ch.19, tr.64)

[38] Vô niệm nhĩ tổ, duật tu quyết đức, vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc. Ân chi vị táng sư, khắc phối Thượng đế. Nghi giám vu Ân, tuấn mệnh bất dị... 無 廿 爾 祖, 聿 修 厥 德, 永 言 配 命 自 求 多 福 殷 之 未 喪師 克 配 上 帝 宜 鑒 于 殷, 駿 命 不 易 (Kinh Thi, đại nhã tam, Văn vương chi thập tam chi nhất)

[39] Lập thân, hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu hiếu chi chung dã. 立 身 行 道 揚 名 於 後 世 以 顯 父 母, 孝 之 終 也 (Hiếu Kinh, Khai tông minh nghĩa).

[40] Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên. 思 知 人, 不 可 以 不 知 天 (Trung Dung ch.20, tr.66)

[41] Thiên hạ chi đạt đạo ngũ; sở dĩ hành chi giả tam. Viết: quân thần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn đệ dã, bằng hữu chi giao dã; ngũ giả thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí nhân dõng tạm giả, thiên hạ chi đạt đức dã. Sở dĩ hành chi giả nhất dã. 天 下 之 達 道 五, 所 以 行 之 者 三, 曰: 君 臣 也, 父 子 也, 夫 婦 也, 昆 弟 也, 朋 友 之 交 也 五 者, 天 下 之 達 道 也 知, 仁, 勇 三 者, 天 下 之 達 德 也. 所 以 行 之 者 一 也 (Trung Dung, ch.20, tr.68)

[42] Ai công vấn chính. Tử viết: Văn, Võ chi chính, bố tại phương sách, kỳ nhân tồn, tắc kỳ chính cử. Kỳ nhân vong, tắc kỳ chính tức. Nhân đạo mẫn chính; địa đạo mẫn thụ. Phù, chính dã giả, bồ lư dã. Cố vi chính tại nhân; thủ nhân dĩ thân; tu thân; dĩ đạo; tu đạo dĩ nhân. Nhân giả nhân dã, thân thân vi đại. Nghĩa giả nghi dã; tôn hiền vi đại. Thân thân chi sát, tôn hiền chi đẳng, lễ sở sinh dã. 哀 公 問 政 子 曰 文 武 之 政, 布 在 方 策 其 人 存, 則 其 政 舉; 其 人 亡, 則 其 政 息 人 道 敏 政, 地 道 敏 樹 夫 政 也 者, 蒲 盧 也 故 為 政 在 人 取 人 以 身 修 身 以 道 修 道 以 仁 仁 者, 人 也, 親 親 為 大 義 者, 宜 也, 尊 賢 為 大 親 親 之 殺, 尊 賢 之 等, 禮 所 生 也 (Trung Dung, ch.20, tr.66)

[43] Hoặc sinh nhi tri chi; hoặc học nhi tri chi; hoặc khốn nhi tri chi. Cập kỳ tri chi nhất dã. Hoặc an nhi hành chi; hoặc lợi nhi hành chi; hoặc miễn cưỡng nhi hành chi. Cập kỳ thành công nhất dã. 或 生 而 知 之; 或 學 而 知 之; 或 困 而 知 之;及 其 知 之, 一 也 或 安 而 行 之; 或 利 而 行 之; 或 勉 強 而 行 之; 及 其 成 功, 一 也 (Trung Dung, ch.20)

[44] Hiếu học cận hồ trí. Lực hành cận hồ nhân. Tri sỉ cận hồ dũng. 好 學 近 乎 知. 力 行 近 乎 仁. 知 恥 近 乎 勇 (Trung Dung, ch.20, tr.68)

[45] Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh; sở dĩ hành chi giả nhất dã. 凡 為 天 下 國 家 有 九 經, 所 以 行 之 者 一 也.  (Trung Dung, ch.20, tr.72)

[46] Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi giả, nhân chi đạo dã. 誠 者, 天 之 道 也 誠 之 者, 人 之 道 也 (Trung Dung, ch.20, tr.74)

[47] Thành chi giả, trạch thiện nhi cố chấp chi giả dã. Bác học chi, tham vấn chi, minh biện chi, đốc hành chi. Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố dã. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thố dã. Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố dã. Hữu phất biện, biện chi bất minh, phất thố dã. Hữu phật hành, hành chi phất đốc, phất thố dã. Nhân nhất năng chi, kỷ bá chi; nhân thập năng chi kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo hĩ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường. 誠 之 者, 擇 善 而 固 執 之 者 也 博 學 之, 審 問 之, 慎 思 之 明 辨 之, 篤 行 之 有 弗 學, 學 之 弗 能, 弗 措 也 有 弗 問, 問 之 弗 知, 弗 措 也 有 弗 思, 思 之 弗 得, 弗 措 也 有 弗 辨, 辨 之 弗 明, 弗 措 也 有 弗 行, 行 之 弗 篤, 弗 措 也 人 一 能 之, 己 百 之 人 十 能 之, 己 千 之 果 能 此 道 矣, 雖 愚 必 明, 雖 柔 必 強 (Trung Dung, ch.20, tr.74)

[48] Thiên địa chi đạo, khả nhất ngôn nhi tận dã; Kỳ nhi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc. Thiên địa chi đạo bác dã, hậu dã, cao dã, minh dã, du dã, cửu dã. Kim phù thiên, tư chiêu chiêu chi dã, cấp kỳ vô cùng dã; nhật nguyệt tinh thần hệ yên; vạn vật phúc yên. kim phù địa nhất toát thổ chi dã, cập kỳ, quảng hậu, tải hoa nhạc nhi bất trọng; chấn hà hải nhi bất tiết; vạn vật tải yên. Kim phù sơn, nhứt nguyện thạch chi đa, cập kỳ quảng đại, thảo mộc sinh chi, cầm thú cư chi; bảo tàng hưng yên. Kim phù thủy, nhứt thược chi đa, cập kỳ bất trắc, nguyên, đà, giao, long, ngư, biếc xanh yên; hóa tài thực yên. Thi vân: «Duy Thiên chi mệnh, ô mục bất dĩ!» Cái viết: Thiên chi sở dĩ vi Thiên dã. 天 地 之 道 可 一 言 而 盡 也. 其 為 物 不 貳, 則 其 生 物 不 測 天 地 之 道, 博 也, 厚 也, 高 也, 明 也 悠 也, 久 也 今 夫 天 斯 昭 昭 之 多, 及 其 無 窮 也, 日 月 星 辰 系 焉, 萬 物 覆 焉 今 夫 地 一 撮 土 之 多, 及 其 廣 厚 載 華 岳 而 不 重, 振 河 海 而 不 洩, 萬 物 載 焉 今 夫 山 一 卷 石 之 多, 及 其 廣 大, 草 木 生 之, 禽 獸 居 之, 寶 藏 興 焉 今 夫 水, 一 勺 之 多, 及 其 不 測, 黿, 鼉 蛟, 龍, 魚, 鱉, 生 焉, 貨 財 殖 焉 詩 云 維 天 之 命, 于 穆 不 已 蓋 曰 天 之 所 以 為 天 也 (Trung Dung, ch.26, tr.82)

[49] Cố chí Thành vô tức. Bất tức tắc cửu; cửu tắc trưng, trưng tắc du viễn; du viễn tắc bác hậu; bác hậu tắc cao minh. Bác hậu, sở dĩ tải vật dã; cao minh, sở dĩ phủ vật dã; du cửu, sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa; cao minh phối thiên; du cửu vô cương. Như thư dã, bất hiện nhi chương; bất động nhi biến; vô vi nhi thành. 故 至 誠 無 息 不 息 則 久, 久 則 征 征 則 悠 遠 悠 遠, 則 博 厚 博 厚, 則 高 明 博 厚, 所 以 載 物 也 高 明, 所 以 覆 物 也 悠 久, 所 以 成 物 也 博 厚, 配 地 高 明, 配 天 悠 久, 無 疆 如 此 者, 不 見 而 章, 不 動 而 變, 無 為 而 成 (Trung Dung, ch.26, tr.78,80)

[50] Duy thiên hạ chí thánh, vi năng thông, minh, duệ, trí túc dĩ hữu lâm dã; khoan, dữ, ôn, nhu, túc dĩ hữu dung dã; phát, cường, cương, nghị, túc dĩ hữu chấp dã, trại trang trung chinh, túc dĩ hữu kính dã; văn, lý, mật, sát túc dĩ hữu biệt dã. Phổ bác, uyên tuyền, nhi thời xuất chi. Phổ bác như thiên, uyên tuyền như uyên. 唯 天 下 至 聖, 為 能 聰, 明, 睿 知, 足 以 有臨 也 寬, 裕, 溫, 柔, 足以 有 容 也 發, 強, 剛, 毅, 足 以 有 執 也 齊, 庄, 中, 正, 足 以 有 敬也; 文理, 密, 察, 足 以 有 別 也 溥 博, 淵 泉 而 時 出 之 溥 博 如 天; 淵 泉 如 淵 (Trung Dung, ch.31)

[51] Duy thiên hạ chí thành, vi năng kinh luân thiên hạ chi đại kinh, lập thiên hạ chi đại bản, tri thiên địa chi hóa dục. 唯 天 下 至 誠, 為 能 經 綸 天 下 之 大 經, 立 天 下 之 大 本, 知 天 地 之 化 育 (Trung Dung, ch.32, tr.92)

[52] Chí thành chi đạo khả dĩ tiên tri. Quốc gia tương hưng, tất hữu trinh tường; quốc gia tương vong, tất hữu yêu nghiệt... 至 誠 之 道 可 以 前 知 國 家 將 興, 必 有 禎 祥; 國 家 將 亡, 必 有 妖 孽 (Trung Dung, ch.24, tr.78)

[53] Đại tai thánh nhân chi đạo. Dương dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn, cực vu thiên. Ưu ưu đại tai! Lễ nghi tam ba, oai nghi tam thiên. Đãi kỳ nhân nhi hậu hành, Cố viết: Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên. 大 哉 聖 人 之 道 洋 洋 乎, 發 育 萬 物, 峻 極 于 天 優 優 大 哉, 禮 儀 三 百 威 儀 三 千 待 其 人 而 后 行 故 曰 苟 不 至 德, 至 道 不 凝 焉 (Trung Dung, ch.27, tr.82)

[54] Cố quân tử tôn đức tính, nhi đạo vấn học. Trí quảng đại, nhi tận tinh vi; cực cao minh, nhi đạo Trung Dung; ôn cố, nhi tri tân; đôn hậu dĩ sùng lễ. Thị cố cư thượng, bất kiêu; vi hạ, bất bội. Quốc hữu đạo, kỳ ngôn túc dĩ hưng, quốc vô đạo, kỳ mặc túc dĩ dung. 故 君 子 尊 德 性, 而 道 問 學, 致 廣 大, 而 盡 精 微, 極 高 明, 而 道 中 庸 溫 故, 而 知 新, 敦 厚 以 崇 禮 是 故 居 上 不 驕, 為 下 不 倍 國 有 道, 其 言 足 以 興; 國 無 道, 其 默 足 以 容 (Trung Dung, ch.27, tr.83,84)

[55] Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn, Vũ. 仲 尼 祖 述 堯 舜, 憲 章 文 武 (Trung Dung, ch.30, tr.88)

[56] Thi viết: «Ý cẩm thượng quýnh», ố kỳ văn chi trứ dã; cố quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương, tiểu nhân chi đạo, chước nhiên nhi nhật vọng; quân tử chi đạo đạm nhi bất yếm, giản nhi văn, ôn nhi lý. Tri viễn chi cận, tri phong chi tự, tri vi chi hiển, khả dữ nhập đức hĩ. Thi vân: «Tiềm tuy phục hĩ, diệc khổng chi chiêu», cố quân tử nội tỉnh bất cứu, vô ố ư chí. Quân tử chi sở bất khả cập giả, kỳ duy nhân chi sở bất kiến hồ. Thi vân: «Tướng tại nhĩ thất thượng bất quý vu ốc lậu», cố quân tử bất động nhi kính, bất ngôn nhi tín. Thi viết: «Tấu cách vô ngôn thời mị hữu tranh thị cố quân tử bất thưởng nhi dân khuyến, bất nộ nhi dân uy ư phủ việt. Thi viết: «Bất hiển duy đức, bách tích kỳ hinh chi», thị cố quân tử đốc cung nhi thiên hạ bình. Thi vân: «Dư hoài minh đức, bất đại thanh dĩ sắc.» Tử viết: «Thanh sắc chi ư dĩ hóa dân mạt dã.» Thi viết: «Đức thù như mao», mao do hữu luân, thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, chí hĩ. 詩 曰 衣 錦 尚 絅, 惡 其 文 之 著 也 故 君 子 之 道, 闇 然 而 日 章; 小 人 之 道, 的 然 而 日 亡 君 子 之 道, 淡 而 不 厭, 簡 而 文, 溫 而 理 知 遠 之 近, 知 風 之 自, 知 微 之 顯 可 與 入 德 矣 詩 云 潛 雖 伏 矣, 亦 孔 之 昭 故 君 子 內 省 不 疚, 無 惡 于 志 君 子 之 所 不 可 及 者, 其 唯 人 之 所 不 見 乎 詩 云 相 在 爾 室, 尚 不 愧 于 屋 漏 故 君 子 不 動 而 敬, 不 言 而 信 詩 曰 奏 假 無 言, 時 靡 有 爭 是 故 君 子 不 賞 而 民 勸, 不 怒 而 民 威 于 鈇 鉞 詩 曰 不 顯 惟 德, 百 辟 其 刑 之 是 故 君 子 篤 恭 而 天 下 平 詩 云 予 懷 明 德, 不 大 聲 以 色 子曰 聲 色 之 于 以 化 民, 末 也 詩 云 德 輶 如毛 毛 猶 有 倫 上 天 之載, 無 聲 無 臭, 至 矣 (Trung Dung, ch.33, tr.92-94)

[57] Tử Tư nhân tiền chương cực trí chi ngôn, phản cầu kỳ bản; Phục tự hạ học vị kỷ cẩn độc chi sự suy nhi ngôn chi, dĩ tuần trí hồ đốc cung nhi thiên hạ bình chi thịnh. Hựu tán kỳ diệu, chí ư vô thanh vô xú, nhi hậu dĩ yên. Cái cử nhứt thiên chi yếu, nhi ước ngôn chi. Kỳ phản phúc đinh ninh thị nhân chi ý, chi thâm thiết hĩ. Học giả kỳ bất tận tâm hồ. 子 思 因 前 章 極 致 之 言, 反 求 其 本; 復 自 下 學 為 己 謹 獨 之 事 推 而 言 之, 以 馴 致 乎 篤 恭 而 天 下 平 之 盛 又 贊 其 妙, 至 于 無 聲無臭, 而 後 已 焉 蓋 舉 一 篇 之 要, 而 約 言 之 其 反 復 丁 寧 示 人 之 意, 至 深 切 矣 學 者, 其 可 不 盡 心 乎 (Trung Dung, ch.33, tr.96)

**************************         



Chương 9

TRUNG DUNG và DỊCH LÝ
[1]



Đem đối chiếu Trung Dung và kinh Dịch ta mới thấy rõ dụng tâm dụng ý cổ nhân.

Dịch kinh đưa ra định luật biến thiên, định luật tuần hoàn: Thái cực phân thành âm dương, biến hóa muôn vàn, tiến thoái qua hai chiều âm dương rồi dần dà trở lại trung cung Thái cực.

Trung Dung đề cao tâm điểm bất biến của vòng Dịch, tượng trưng cho Trời, là căn bản huyền diệu của hoàn võ [2] và là cùng đích chí thành, chí thiện cho muôn loài muôn vật vươn lên.[3]

Dịch kinh chỉ vẽ phương pháp biến thiên, tiến thoái theo đúng định luật âm dương tiêu trưởng, theo đúng tiết tấu trăng sao, nhịp điệu bốn mùa; Trung Dung nêu lên căn bản hoàn thiện và mục đích tối hậu, định mệnh cao sang con người.

Trung Dung là một cuốn sách cao siêu trong Khổng giáo, tương tự như Bhagavad Gita trong Bà La Môn giáo.

Ông Tử Tư, tác giả cuốn sách, với mục đích chọn người xứng đáng để trao truyền tâm pháp, chỉ muốn đàm thoại với những tâm hồn cao thượng đã quen thuộc với văn chương triết lý, với những tâm hồn đã được trau chuốt bằng nghệ thuật, văn chương, với những tâm hồn đã biết hướng thượng, biết khao khát những điều cao siêu, đẹp đẽ.

Cho nên lời văn rất hàm súc, ẩn ước. Mới đầu chính xác, tinh mật, sau dần dần trở nên uy nghi, trang trọng, cuối cùng tan biến vào sự tĩnh lãng toàn thiện của Trời.

Ý tưởng thì cao siêu, ẩn áo. Vì thế sách thay đổi vẻ mặt tùy theo người đọc.

Có người thấy nó sáng suốt, có người thấy nó tối tăm; có người cho Trung Dung là cao siêu, có người cho Trung Dung là vớ vẩn.

Người tầm thường cho đó là một chủ trương trung lập lừng chừng, các bậc chính nhân quân tử thì lại coi đó là một quyển sách dạy vẽ con đường hoàn thiện.

Sách bắt đầu bằng chữ Mệnh Trời, kết thúc bằng chữ đức độ Trời không tiếng, không hơi, tuyệt vời hoàn hảo.


Như vậy sách cho ta khởi điểm và cùng điểm của con đường Trời, của vòng càn khôn gặp nhau trong sự hoàn thiện, sau khi biến chuyển qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu cung điệu, bao nhiêu sắc thái của bốn mùa đời, của lịch sử nhân loại, lúc thì vùng vẫy, đấu tranh, hoạt động, lúc thì khinh khoát, lập chí, tu thân, đúng theo lẽ «Âm Dương tiêu trưởng» của Trời đất.

Ta hãy đọc lại mấy câu đầu sách Trung Dung:

«Bản tính cũng chính là thiên mệnh,

Đạo là noi theo tính bản nhiên,

Giáo là cách giữ đạo nên,

Đạo là sau trước vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa,

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi, cho nên hãi hùng

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ.

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.» [4]

 Những lời lẽ đó thật cao siêu và ngạt ngào hương đạo đức.

Trung Dung bắc nhịp cầu nối kết Trời người bằng mấy chữ: «Tính người là mệnh Trời.»

Bản tính con người vì là thiên lý, thiên mệnh nên thuần túy chí thiện, như một giòng suối trong veo, vừa tung lên khỏi nguồn Trời, để rồi sẽ tung hỏa ra muôn muôn, ngàn ngàn mạch nước trường sinh, muôn muôn, ngàn ngàn khuôn thiêng thánh thiện, để rồi sẽ rót vào đáy thẳm, lòng sâu con người những âm thanh thầm kín, dạy vẽ cho con người biết thế nào là văn chương, nghệ thuật, thế nào là diệu pháp trường sinh, bất tử.

**************************         

Tác giả Trung Dung muốn ta đi ngược dòng đời để trở về nguồn mạch chí thiện ấy, khuyên ta cố gắng học hành để tìm cho ra nguồn mạch chí thiện ấy.

Tử Tư còn chỉ vẽ cho chúng ta biết: «Đạo Trời giây phút chẳng rời khỏi ta.»

Thoạt mới nghe, ta tưởng là câu nói viển vông, vô lý. Nhưng suy cho cùng, thì đạo Trời làm sao rời khỏi ta được?

Hiểu theo nghĩa tuyệt đối, siêu thời gian, thì đạo là Thái cực bất biến, ẩn áo nơi trung điểm tâm hồn con người. Nếu đem diễn tiến theo đà thời gian, thì đạo là đường đời gồm hai thời kỳ âm dương, tối sáng, và tận cùng trong trung điểm vô tận, vô biên.

Hệ Từ viết: «Nhất âm nhất dương chi vị đạo, Kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道,繼 之 者 善 也.誠 之 者 性 也.

Đường Trời có chiều âm, chiều dương, bước vào đã hay; đi tới cùng, sẽ thực hiện được «tính bản nhiên» mình.

Nếu ta coi trung tâm điểm lòng ta là Thái cực, là ảnh tượng Trời, là tinh thần, là ánh sáng Trời, thì chiều âm đoạn đường đi vào trong bóng tối vật chất sẽ là một sự tiến dần ra ngoài biên khu xác thân, gia đình, xã hội.

Trong giai đoạn này ta cố tiến ra hoàn cảnh, phóng ngoại để mưu sinh, đem tâm thần phục vụ gia đình, giang sơn, xã hội. Giai đoạn này sẽ giúp ta làm nảy nở thân xác, trí não, tính tình. Đó là thời kỳ ta rong ruổi trên đường trần hoàn để tìm sinh thú vật chất.

Thời kỳ này tương ứng với tuổi ấu thời và tuổi thanh niên. Lúc ấy, bao tinh hoa đều phát tiết ra ngoài, y như cây cỏ hai mùa xuân, hạ đâm chồi, nẩy lộc, sinh lá, sinh hoa, muôn hồng, nghìn tía đua tươi, y như những bầy chim vô tư lự một sớm rời tổ ấm, tung đôi cánh vô định về những phương Trời xa lạ.

Nhưng rồi ra bóng tối nhường bước dần cho ánh sáng. Mùa thu của cuộc đời trở về với mái tóc hoa râm, và chúng ta cũng dần dà bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc đời, vào chiều dương, vào đoạn đường tở về ánh sáng tinh thần bằng cách thay đổi dần quan điểm, sở thích, chí hướng.

Thời kỳ này, bắt đầu khi con người bốn, năm mươi, «khi bóng dâu đã xế ngang đầu».

Lúc ấy, là lúc cần phải thu thập tinh hoa, phục hồi nhân cách, y như cỏ cây, sau mùa khai hoa kết quả, khi thu, đông tới, sẽ thu hồi dần sinh khí vào trong để sửa soạn một cuộc phục sinh, y như những cánh chim xạc xào tìm về tổ ấm khi hoàng hôn xế bóng.

Thời kỳ này là thời kỳ hồi tâm phản tỉnh, trở về với chính mình để tìm cho ra mình, thời kỳ suy tư, tu tâm, luyện chí, phục hồi lại tâm hồn nhân cách mà tuổi trẻ đã làm cho phá tán, lạc lõng.

Nhờ có những kinh nghiệm quý báu về cuộc đời, nhờ luân lý, nghệ thuật, học vấn, nhờ sự suy tư, tu luyện, tâm hồn dần dần trở nên hoàn thiện, phục hồi lại được quang huy Trời.


Trong thời kỳ này, con người dần dần sẽ tháo gỡ được những dây nhợ đã trói buộc mình vào hoàn cảnh, vào những công chuyện phù du, tạm bợ, để cố gắng thần thánh hóa bản thân.

Một cuộc đời như vậy sẽ là một sự biến chuyển không ngừng để tìm về chân, thiện, mỹ, một cuộc đời tìm tường sinh vĩnh cửu, qua những cảnh phù du hư ảo.

Thời kỳ đầu là thời kỳ nhân tâm phát triển, thời kỳ sau là thời kỳ đạo tâm hiển dương, như đêm có vừng nguyệt, ngày có vừng dương, kế tiếp nhau theo đúng thiên ý, thiên mệnh.

Đó là phác họa lại hai thời kỳ của vòng Dịch tiên thiên. Thời kỳ đầu băng qua 32 quẻ âm từ Cấu đến Khôn, thời kỳ sau băng qua 32 quẻ dương từ Phục đến Càn. Mà Càn là thuần dương, biểu hiện sự hoàn thiện.



HÌNH 18: Đồ biểu tâm tính tương giao và Âm Dương thuận nghịch.


Hoàn thiện được mình, thực hiện được tính bản nhiên thuần túy, chí thiện, là trở lại được trung tâm điểm của vũ trụ, tiến lên tới Thái cực, là kết hợp với Trời (phối Thiên) là hòa tấu khúc nhạc Trời muôn thuở (Hòa). Lúc ấy sẽ «thung dung trung đạo» cùng đất Trời trường sinh bất tử.

Đề tài này cũng đã được đề cập một cách khác trong sách Đại Học. Đại Học chủ trương muốn tìm ra căn bản, tìm ra tính cách con người, thì phải biết tĩnh trí, biết cố gắng suy tư, biết triền miên nghiên cứu mới mong thành công được. Khi đã tìm ra được tính cách con người, sẽ có thể «chính tâm, thành ý» để đi đến chỗ toàn thiện, toàn mỹ.


«Đại Học có mục phiêu rõ rệt,

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy,

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.

Có mục phiêu rồi lòng mới định,

Lòng định rồi nhẹ gánh lo toan.

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an, tâm trí rộng đàng xét suy

Xét suy rộng, tinh vi thấu trọn,

Thấu sự đời ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Tức là gần đạo, gần Trời còn chi

Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình,

Trị dân, trước trị gia đình

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên

Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn trước cốt ý ngay.

Ý ngay phải học cho dày,

Học cho thấu triệt, mới hay «khuôn Trời» [5]

Hay «khuôn Trời», thoắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên;

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình an.

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân một mực, lấy làm căn cơ...» [6]


Các hiền nhân, quân tử trong đạo Nho đã cố gắng bước theo «thiên đạo» trang nghiêm này. Mới đầu các ngài cố gắng học hỏi, suy tư cho tận tường, thấu đáo để tìm ra nguyên uỷ con người, tiếp đến các ngài ra công trau dồi đức độ, lúc nào cũng kính cẩn như thể có Trời ẩn áo giáng lâm, lấy sự hoàn thiện, lấy sự phối Thiên làm cùng đích đời mình: Tiền tài không mua chuộc được khí phách, gian lao không làm nao núng được tâm hồn. Cao siêu thay! quý trọng thay!

Trung Dung đã dài dòng mô tả những ân sủng Trời dành để cho các bậc thánh hiền. Lời lẽ Trung Dung phảng phất như lời lẽ Cựu Ước.[7]

Sự tương đồng, tương tự ấy thực là lạ, vì thời xưa các tư tưởng rất khó truyền bá: phương nào, phương ấy sống riêng tư, bí ẩn, cách biệt nhau bằng bao nhiêu tầng hào lũy, núi non, sông biển và từ ngữ.

Đọc Trung Dung, khảo sát lại tư tưởng thánh hiền qua Tứ Thư, Ngũ Kinh, ta phải sửng sốt lạ lùng vì lòng tin tưởng, vì sự thánh thiện các ngài, y như có quang huy Trời chiếu diệu qua đời sống, qua sách vở các ngài. Luận điệu Trung Dung cũng y thức như luận điệu thánh hiền mọi nơi, mọi đời.

Còn gì đẹp đẽ hơn là một chủ trương lấy Trời làm căn nguyên và cùng đích cho đời người, coi đời người như một khúc nhạc tuyệt vời khởi thủy và tận cùng đều bằng một âm điệu chân thiện mỹ, sau khi đã hòa tấu với muôn âm thanh của nhân quần, vũ trụ. Còn gì đẹp đẽ hơn là thôi thúc con người hăng hái tiến bước trên con đường hoàn thiện để cuối cùng đi đến chỗ tuyệt đỉnh công phu, Trời người gặp gỡ.

Phối hợp Trung Dung và Dịch kinh ta xác định lại bước đường tiến hóa nhân loại như sau:

1. Trước tiên là giai đoạn «phóng thể» («phóng tâm» theo Mạnh Tử) tức là âm đạo, lấy ngoại cảnh vật chất làm mục phiêu chính.[8]

2. Tiếp theo là giai đoạn «hồi thể» (hồi tâm), lấy nội cảnh tinh thần làm mục phiêu chính.[9] Đó là dương đạo.

3. Cuối cùng là giai đoạn «bản thể», «toàn thể»[10] tức là trung đạo, thung dung, thanh thả, vô tận, vô biên.

Dịch và Trung Dung đều mong muốn chỉ vẽ cho con người lối dường hoàn thiện, và đều có cùng đích là sự «chí thành, chí thiện» của con người.





HÌNH 19: TRUNG HÒA ĐỒ


Đồ bản này biểu thị ba giai đoạn tiến hóa:

1 Âm đạo để cải thiện vật chất,

2 Dương đạo để cải thiện tinh thần,

3 Trung đạo = Sự hoàn thiện.


(Trong hình Thái Cực, nửa trắng là Trung Đạo, nửa đen là Hoàn Thiện.)


**************************         


CHÚ THÍCH


[1] Từ chương 9 đến hết chương 16 tác giả sẽ quảng diễn hai chữ Trung và chữ Dịch, quảng diễn hai lẽ biến hằng của Trời đất. Có độc giả sẽ hỏi tại sao khảo cứu Trung Dung tự nhiên lại bàn ngang sang Dịch. Xin thưa: nếu không nghiên cứu các biến thiên thì làm sao hiểu được lẽ hằng cửu, không biết hai chiều âm dương biến hóa của Dịch thì làm sao biết được Trung điểm, Trung cung. Có độc giả sẽ lại vấn nạn rằng những ý tứ sau của tác giả đâu có thấy phô diễn rõ ràng mạch lạc trong Trung Dung và Dịch? Thưa: Tuy cổ nhân không nói lên lời, nhưng các hình vẽ đã mô tả ra đủ. Vả nếu mọi sự đã nói rõ, nói sẵn cả, thì chắc chắn tác giả đã không viết bộ sách này. Có độc giả sẽ vấn nạn rằng sao tác giả không ở trong khuôn khổ Nho giáo mà bàn luận, lại phải viện dẫn hết sách này sách nọ, như vậy những ý tưởng ấy đâu phải của Nho giáo của Trung Dung, và Dịch kinh. Xin thưa, nếu nhìn cái bác tạp bên ngoài, thì Đông Tây có khác, nhưng càng đi sâu vào tầng trong của tâm hồn càng tiến tới tinh hoa nhân loại thì càng thấy không còn Đông Tây, kim cổ. Cho nên, độc giả chắc cũng công nhận rằng chung quy chỉ có một đề tài là con người, nên càng viện dẫn nhiều sách vở, lại càng giúp độc giả hiểu vi ý Trung Dung, hiểu rõ vi ý cuộc đời. Đó chính là hoài bão của tác giả, mong chư vị tao nhân mặc khách thông cảm cho.


[2] Trung dã giả thiên hạ chi đại bản dã. 中 也 者 天 下 之 大 本 也.

[3] Hòa dã giả thiên hạ chi đạt đạo dã. 和 也 者 天 下 之 達 道 也 (Trung Dung, ch.1)

[4] Trung Dung, ch.1.

[5] Trung tức chí lý hà thường bất kiêm chí nghĩa. Đại học văn ngôn giai ngôn tri chí. Sở vị chí giả tức thử lý dã. Ngữ độc Dịch giả viết năng tri Thái cực tức thị tri chí; ngữ độc hồng phạm giả viết năng tri Hoàng cực tức thị tri chí. Phù khởi bất khả. Cái đồng chỉ thử lý tắc viết cực, viết trung, viết chí kỳ thực nhất dã... 中 即 至 理 何 嘗 不 兼 至 義. 大 學 文 言 皆 言 知 至. 所 謂 至 者 即 此 理 也. 語 讀 易 者 曰 能 知 太 極 即 是 知 至; 語 讀 洪 範 者 曰 能 知 皇 極 即 是 知 至. 夫 豈 不 可. 蓋 同 此 理 則 曰 極, 曰 中, 曰 至 其 實 一 也 (Tống Nguyên học án, q.12, tr.6: Liêm Khê học án)

[6] Đại Học, ch.1.

[7] Xin đọc các mục danh ngôn đối chiếu trong quyển II.

[8] Alinéation.

[9] Récupération.

[10] l'Etre, réalisation de l'Etre, de Dieu.


**************************         


Chương 10


BẢN THỂ VÀ HIỆN TƯỢNG LUẬN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ



Theo Trung Dung và Dịch lý, chúng ta có thể minh xác tương quan giữa Trời và vạn vật, giữa Bản thể (noumène, substance) và hiện tượng (phenomènes, accidents).

BẢN THỂ LUẬN

Bất thiên chi vị Trung,

Bất dịch chi vị Dung

(Trung Dung)

Khảo sát các đồ bản Dịch, ta thấy Trung cung, Trung điểm tượng trưng cho bản thể (être), còn hào quái bên ngoài tượng trưng cho hiện tượng (phenomène).

Đạo, hay Bản thể, hay Trung điểm, hay thái cực, thần bí ẩn vi, nan trắc, khó hình dung, khó mô tả, nên phải mượn các hào quái để gợi vẽ ra.

Ẩn Quân Quách đời Tống đã cho rằng hào quái chỉ là tượng trưng bên ngoài cho Đạo, cho bản thể, nên cần phải biết đi từ hào quái trở về Trung cung, để nhận ra Bản thể, Đạo thể vô hình tích.[1]

Bản thể vô hình tích, nên dùng lời lẽ nào mô tả, cũng thấy bất xứng, vì thế mỗi triết gia, mỗi hiền thánh lại bày thêm ra một từ ngữ: nào Vô, nào Hữu, nào Vô cực, Thái cực, Hoàng cực, nào Thiên, nào Đế, nào Thần, nào Đạo, nào Lý, nào Trung... Thậm chí còn gọi là hư vô, Tịch diệt, vì bản thể vượt trên hình thức sắc tướng... Chung quy vẫn một phương pháp, một lối đường là dùng từ ngữ để cố hình dung Bản thể...

Bản thể tuy lồng trong vạn vật để làm căn cốt, làm nguồn sinh, làm động cơ vận dụng vạn hữu, nhưng vạn hữu đâu phải là Trời, là Bản thể... Vạn hữu chẳng qua như hào quái bên ngoài ôm ấp Bản thể hay trung điểm ở bên trong.

Vì Bản thể phát huy ra toàn thể hiện tượng, toàn thể từ ngữ, nên không thể dùng hình ảnh này, hình ảnh kia để phác họa được Bản thể, không thể dùng chữ này, chữ kia, tên này tên nọ mà gán ghép cho Bản thể.

Bản thể không thể giới hạn vào từ ngữ, vào hình ảnh; Bản thể là vô hạn định, vì thế Bản thể vừa là toàn bộ vừa là chân không (Tout et Rien).[2]

Cho nên, nhiều triết gia đã dùng những danh từ tương phản nhau để mô tả bản thể, hay Đạo[3] hay Hóa công.


Mượn ý tứ của Hoài Nam Tử, ta có thể mô tả Hóa công hay Bản thể đại khái bằng những luận điệu tương phản như sau:


«Hóa công chở đất che Trời,

Mênh mông bốn hướng, chơi vơi tám tầng

Cao, cao vô tận vô ngần,

Thẳm sâu , sâu mấy muôn tầm, đo sao !

Trùm Trời, mà đất cũng bao,

Vô hình, vô tượng, dễ nào hình dung.

Nguồn tung, suối tỏa tưng bừng,

Ngỡ là sắp cạn, bỗng dưng đầy tràn.

Ào ào, cuồn cuộn, vang vang,

Ngỡ là vẫn đục, vẫn hoàn trong veo.

Trồng lên đất ngợp Trời teo,

Tung ra , bốn biển có chiều mung lung.

Ra tay linh diệu khôn cùng,

Quang âm khôn cản dặm chừng vân du,

Khi tung, Trời đất chưa vừa,

Khi thu, nhỏ xíu lọt thừa nắm tay,

Tuy co, mà dãn như mây,

Tuy mờ, mà sáng như ngày nắng chang.

Tơ non mà rất cương cường,

Mềm nhung mà dắn in tuồng thép gang.

Tràn bốn hướng, cưu mang nhật nguyệt,

Ngất Trời mây, soi hết trăng sao.

Mịn màng, thắm thiết biết bao,

Tế vi tiêm tất tả sao cho cùng,

Núi nhờ thế mà tung cao vút

Vực dựa uy, sâu ngút mịt mùng.

Ngài cho thú chạy trong rừng,

Cho chim tung cánh chín tầng mây xanh

Ngài tô ánh quang minh nhật nguyệt,

Ngài rong cương ruổi hết tinh huy.

Kỳ lân đùa rỡn cũng vì,

Phượng loan, bay bổng, quyền uy không ngoài

Đời thái cổ, có hai Hoàng đế,

Nhờ ơn Ngài chỉ vẽ trước sau,

Mới nên nhân đức nhiệm màu,

Thần thông hóa dục, dẫn đầu muôn phương.

Quyền uy Ngài khôn lường khôn tả,

Rung chuyển Trời, lắng cả đất đai,

Quay cho Trời đất vần xoay,

Xô cho nước chảy đêm ngày chẳng thôi.

Thủy chung để sánh đôi muôn vật,

Thổi gió giông, ủ ấp ngàn mây.

Việc gì cũng có dúng tay,

Ầm ầm sấm động, mưa bay tỏa quyền...»  [4]


Cổ nhân còn hình dung Bản thể bằng vòng Thái cực gồm 2 mặt âm dương, điên đảo tung hoành trong tĩnh lãng, ôm ấp nhau thành một khối hồn nhiên duy nhất.

Ngoài ra Bản thể còn được tượng trưng bằng con số 5  [5] vì 5 là con số phối hợp âm dương,

1 + 4 = 5

2 + 3 = 5

12 + 22 = 5 (1x1) + (2x2) = 5

32 + 42 = 52 (3x3) + (4x4) = (5x5)

Vì số 5 ở ngôi vị chính trung giữa 1 và 9. [6]

Không phải nguyên Trung Hoa mới tượng trưng Bản thể bằng số năm, mà các triết gia Hi La, Ấn Độ cũng đã từng làm như vậy. [7]

Về từ ngữ, thì cổ nhân dùng chữ Trung, chữ Nhất, chữ Dịch, chữ Đơn để chỉ Bản thể:

Trung vì ở chính trung tâm điểm phát sinh vạn vật, và là cùng đích vạn vật hướng về.

Chữ Nhất vì chỉ có một Bản thể duy nhất mà ứng dụng thì muôn vàn. (Thể duy nhất dụng vạn thù). Chữ Dịch vì bao quát cả âm dương, cả 2 lẽ biến hằng. [8] Chữ Đơn vì Đơn cũng chính là âm dương hợp nhất. [9]

Ta có thể dùng trung điểm và các vòng tròn đồng tâm để vẽ ra mối liên hệ giữa Bản thể và hiện tượng cũng như để gợi ra Bản thể vừa là cực điểm vừa là trung điểm của vạn vật, vừa thật cao và vừa thật sâu.



THÁI CỰC, (TRUNG)

1. TÍNH

2. KHÍ

3. TÂM

4. TRÍ

5. XÁC

6. Xã hội - Gia đình

7. Hoàn cảnh vật chất
 



1. ĐẠO

2. ĐỨC

3. NHÂN

4. NGHĨA

5. LỄ

6. CHÍNH TRỊ

7. BÁCH NGHỆ




7. BÁCH NGHỆ

6. CHÍNH TRỊ

5. LỄ NGHI

4. GIÁO LÝ

3. LUÂN LÝ

2. NGHỆ THUẬT

1. TÍNH
 
 

7. Hoàn cảnh vật chất

6. GIA ĐÌNH

5. XÁC

4. TRÍ

3. VỌNG TÂM

2. VÔ MINH

1. CHÂN TÂM

(căn bản, căn nguyên, hoàn thiện)
 


(Đạo,Thần, Hư vô, Niết bàn, Vô hà hữu chi hương)


Các đồ bản chứng minh:

1. Trung = Cực = Căn bản = Tính = Đạo

2. Các tầng lớp con người với những hiện tượng tương ứng.

Tóm lại, các hình bóng, các từ ngữ bên ngoài, chẳng qua là những phương tiện giúp cho thần trí trực giác, lĩnh hội Bản thể tối cao; một khi tâm thần đã trực giác được Bản thể, được tuyệt đối, thì hình ảnh và từ ngữ trở thành vô dụng. Thần khí một khi đã thấu triệt Bản thể, đã trở về được với Bản thể, là đã vượt qua lãnh vực từ ngữ và hình sắc chẳng còn cố chấp nữa. [10]

Chữ nghĩa, hình dung là cốt dùng cho đại chúng. Còn những người đã được diễm phúc vượt khỏi lĩnh vực tương quan, đối đãi, những người đã hòa mình được với Tuyệt đối, sẽ lãng quên những bóng hình những từ ngữ, để cho thần trí thảnh thơi sảng khoái mặc tình phiếm du trong ánh vinh quang chân thiện mỹ ...  [11]

**************************         



HIỆN TƯỢNG LUẬN


Dịch giả biến dịch dã. (Thập tam kinh, Chu Dịch, tr.1)

Dịch dã tượng dã. (Hệ Từ hạ)

Dịch dã dụng da. (Tống Nguyên học án, q.82, tr. 3)

Trung Dung và Kinh Dịch muốn vẽ lại trong muôn một hình bóng hình của tuyệt đối. Cũng như Thái cực ở trung cung, tung tỏa, phát sinh các hào quái biến thiên thành vòng Dịch bên ngoài. Bản thể Thái cực trong vũ trụ cũng phát sinh muôn vàn hiện tượng thiên văn địa lý, nhân sự.[12]

«Anh hoa chính khí đất Trời,

Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.

Tràn mặt đất tưôn sông kết núi,

Vút Trời mây chói lói trăng sao.

Trần ai lẫn bóng anh hào,

Muôn ngàn khí phách rạt rào tầng xanh.»  [13]

Hiện tượng, tuy do một bản thể phát sinh, nhưng thực ra có muôn hình sắc, di động biến thiên, ảo hóa khôn luờng có một cuộc đời dài vắn tùy nghi, theo công dụng. [14]

Hiện tượng như những làn sóng rào rạt, tràn lan khắp vũ trụ. Bất cứ cái gì biến thiên cũng đều là hiện tượng. Cho nên từ ý tưởng, tình tứ, từ ngữ, vận động, hình sắc cho tới những biến thiên trong xã hội nhân quần, những vinh, khô, đại, tạ trong thảo mộc, những đấu tranh, sinh tồn giữa cầm thú, những tổ chức xã hội hay đạo giáo đều là hiện tượng cả.

Hiện tượng như làn sóng quang âm, hay như ngọn ba đào, có sinh có trưởng, có thăng, có trầm, không vĩnh cửu.

Hiểu số phận phù du của hiện tượng là hiểu được số phận vũ trụ, và các trạng thái xã hội khác.

Dầu một chủ nghĩa lan tràn và được suy tôn đến đâu, dầu một quốc gia hùng cường đến mức nào, rồi ra cũng theo số phận chung của hiện tượng là suy vong tàn tạ. Nhưng vị mọi sự biến thiên có nhanh có chậm, có chóng có lâu, nên bèo này mới chê bọt nọ là phù du chất chưởng, nào hay nghìn vạn năm cũng ví như một chớp mắt trên tấm phông vĩnh cửu.

Nhưng dưới những cảnh phù du biến ảo còn có Bản thể bất biến, còn có tinh thần bất biến.

«Từ biến chuyển nhìn ra Trời đất,

Thì đất Trời chớp mắt đã qua.

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.»  [15]

Thấu lẽ huyền vi của đất Trời, các hiền thánh cố công dạy đời tìm ra Bản thể bất diệt, [16] tinh thần bất diệt lồng trong mọi biến thiên, dạy người lấy tâm địa vun trồng cây «Tính mệnh», đem phù du biến ảo tài bồi «Thiên địa chi tâm».

Nhưng người đời thường thiển cận, thay vì ôm ấp tinh thần bất diệt ấy, lại chạy theo xu phụng các hiện tượng bên ngoài, thù hằn chém giết nhau vì tư tưởng này, tư tưởng nọ, hình thức này hay hình thức kia, như thế khác nào thả mồi bắt bóng; khi bừng tỉnh lại, mới thấy mình tay trắng, trắng tay. [17]

Than ôi! Biết bao người đem tâm thần xu phụng hình hài và ngoại cảnh, để cho các hiện tượng bên ngoài mặc tình đẩy đưa, sai khiến.

Đời sống của họ dồn cả ra bên ngoài, đổi tâm thần lấy công danh, ngựa xe, áo sống. Thực đáng thương thay. [18]


Hiền thánh xưa, trái lại, phân biệt rõ phương diện phù du, và vĩnh cửu của cuộc đời, nên khi «công thành thì thân thoái»:

«Muốn được ấn phong hầu quí báu,

Cho bõ công bôn tẩu nhân gian.

Như khi công đã thành toàn,

Ta nên tìm chốn an nhàn tránh xa.

Nghêu ngao vui thú yên hà,

Áo bào cổi lại đó là trí trai.»  [19]

Nhưng rũ bỏ phù hoa, không phải là để nghêu ngao vui thú yên hà, mà chính là để tìm cầu chân lý, đạo lý, trở thành chân nhân, biết đường «quy nguyên phản bản».


«Chân chân sự đã rành rành,

Người trần chẳng biết thần linh xét cùng.

Dốc niềm phản bản, qui tông.

Nguyên tinh giữ chắc tấm lòng hẳn hoi.»  [20]

 Khi đắc đạo, con người sẽ sống một cuộc đời thảnh thơi, thảng đảng, linh diệu, huyền thông.

«Chàng kia có đạo thần linh,

Đi đâu cũng giắt trong mình đem đi.

Gặp người, thuyết pháp ra uy,

Để yên xem cũng nhiều bề hiển linh.»  [21]

Các hiện tượng như vậy có lớp lang tiết tấu và có ảnh hưởng lẫn nhau. Những hiện tượng tâm linh có thể biến dần thành những hiện tượng sinh lý, xã hội, vậy chất, hay ngược lại, những hiện tượng vậy chất có thể sinh ra những hiện tượng xã hội sinh lý, tâm lý hay siêu nhiên. Nhìn rộng ra, thì những hiện tượng ấy, thường xuyên diễn tiến trong hoàn võ và trong con người, kế tiếp nhau thành một vòng tuần hoàn vô tận của Trời đất.

Phân tách vũ trụ, phân tách con người thành nhiều tầng lớp, thành nhiều loại hiện tượng với những công dụng và những giá trị khác nhau, ta có thể mở rộng quan niệm ta về con người.

Thiết tưởng không thể quan niệm một cách hẹp hòi rằng con người chỉ nguyện có hồn, có xác, mà phải quan niệm con người có đủ Trời đất người trong mình. Phía trong thì liên kết với Thượng đế với thần linh, phía ngoài thì ràng buộc, chi phối bởi xác thân, gia đình, quốc gia, xã hội, hoàn cảnh, không gian và thời gian. Mọi biến cố bên trong hay bên ngoài con người đều có ảnh hưởng đến con người. Như vậy con người là Tất cả.

Dựa vào Nho giáo và các học thuyết Đông Tây ta có thể vẽ lại con người với các tầng lớp như sau:
 

Tính (Logos)

Khí (Esprit)

Tâm (Psyché)

Trí (Mental)

Xác (Corps)

Gia đình, xã hội (Famille, Société)

Hoàn cảnh vật chất (Milieu physique)

(NGƯỜI = tổng hợp những yếu tố trên)


Mỗi tầng lớp con người, mỗi một loại hiện tượng đều có thể thu hút cả đời sống con người; và tùy theo hoạt động ở bình diện nào, con người sẽ có một bộ mặt khác, một vai trò khác, một lề lối sống khác, một tầm mắt khác.

Cho nên ta đừng tưởng con người đều sống chung trong một thế giới, mà thực ra phải quan niệm họ sống trong nhiều thế giới khác nhau, có những tâm tư khác khác nhau, sở thích khác nhau, hoạt động khác nhau, tùy như họ đang sống trên bình diện nào, đang trút cả tâm thần ý chí vào loại hiện tượng nào.

Cũng vì thế, mà mỗi đạo giáo đều có nhiều phương diện để thích ứng với mọi hạng người.


Đối với phàm phu tục tử, thì bày ra lễ nghi, chuông trống đàn sáo, hương hoa bên ngoài; cho hạng sĩ tử, thì trưng ra một số lý thuyết, một số giáo lý, xếp đặt sao cho thành một hệ thống mạch lạc; cho hạng người muốn tu tâm, thì đưa ra một nền luân lý hay những nếp sống khổ hạnh tu trì. Nhiệm vụ của các giáo hội đến đây là chấm dứt...

Tiến sâu hơn nữa, tiến cao hơn nữa là thuộc phạm vi mỗi cá nhân. Con người còn có thể biến đời sống mình thành bài thơ, thành khúc nhạc, thành một nghệ phẩm (Esthétique, grâce). Đi tới bình diện này, con người đã tách dần khỏi đại chúng.

Nhưng con người còn có thể tiến hơn được nữa, tiến được đến tuyệt đỉnh, tuyệt đích, tiến tới hoàn thiện, tiến tới chỗ kết hợp với Trời, [22] tìm ra thanh bình trong hỗn loạn, tìm được vĩnh cửu giữa mọi biến thiên, tìm được sự hiệp hòa trong chia rẽ. Người xưa gọi thế là chân nhân, chí nhân, vì đã đạt được mục đích của đời sống, đạt được lý tưởng của con người.


Ta có thể mượn tạm lời Trang Tử trong chương Ưng Đế Vương của Nam Hoa Kinh mà mô tả những bậc chân nhân, chí nhân ấy như sau:

«Chân nhân rũ bỏ phù hoa, [23]

Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời. [24]

Sống trong vị thủy chơi vơi, [25]

Cưỡi chim khinh khoát, bay ngoài lục hư. [26]

Làng Vô hà hữu ngao du,

Sống trong «vô hữu» lặng tờ tịch liêu, [27]

Vô vi như thể Trời cao,

Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.

Bao trùm vô tận thinh không,

Mịt mù tông tích ai lùng cho ra. [28]

Tâm hồn gương sáng, sáng lòa,

Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây. [29]

Các ngài như Quảng Thành Tử tuy còn ở trần gian, mà vẫn sống trên thượng giới:


«Kìa xem vạn vật vân vi,

Rồi ra tro bụi trở về bụi tro.

Thôi ở lại, ta vô cùng cực,

Cửa vô cùng ta sắp vô chơi.

Cánh đồng vô tận chơi vơi,

Ta cùng nhật nguyệt sáng ngời hào quang.

Cùng Trời đất miên man sống mãi,

Mặc cho đời phải trái cạnh tranh.

Mặc người tử tử, sinh sinh,

Ta nay muôn kiếp siêu linh, trường tồn.»  [30]

Nhưng những hạng người sau đây, thường bị xã hội đương thời, những giáo hội đương thời phản đối hay hãm hại[31] một là vì tư tưởng các ngài quá siêu việt phóng khoáng, thoát ra mọi khuôn khổ chật hẹp thường dùng để giam giữ phàm nhân, hai là vì các ngài dùng những từ ngữ siêu phàm, xưng mình là Thiên tử, Thiên sứ. Ba là vì các ngài đưa ra đường lối ngược với thế nhân, dạy người tìm nước Trời, tìm Trời trong thâm tâm, như vậy là mặc nhiên phủ nhận giá trị những tổ chức hiện hữu bên ngoài, bốn là vì các ngài chủ trương con người có thể phối hợp hòa đồng với Thượng đế, đó là một điều chúng nhân cho là ngạo mạn, phạm thượng... hay ít ra cũng là điên cuồng , vu khoát...

**************************         

Nhưng thực ra, các ngài không phủ nhận giá trị các tổ chức hiện hữu, mà chỉ muốn đem hoàn thiện tới cho nhân loại. Các ngài xây dựng cho thêm hoàn tất chứ không phá bỏ.

Mục đích các ngài là mở đường dẫn lối cho hiền nhân quân tử muôn thế hệ biết rõ các nấc thang giá trị, biết rõ đầu đuôi gốc ngọn của cuộc đời, để đỡ phải lần mò vất vả.

Nói cách khác, các vị sáng lập đạo, đều đã sống trong sự hòa đồng cùng CHỖ  RỐT  RÁO, cố chỉ vẽ cho nhân loại diễm phúc tuyệt đối đó; nhưng, vì điều đó huyền vi ẩn áo, nên ít người thấu hiểu được. Vì thế, ta thấy liên tiếp nhau trong thời gian những nếp sống mới xuất hiện.

Hoặc là nghệ thuật (Esthétique, grâce).

Hoặc là tu trì nhặt nhiệm, luân lý, kỷ luật (Ascétisme, morale et réglements).

Hoặc là tôn sùng lý thuyết giáo lý (dogmatisme).

Hoặc là tôn sùng hình thức lễ nghi bên ngoài (formalisme).

Càng tiến ra là càng xuống thấp, mà càng xuống thấp thì càng dễ phổ cập vào đại chúng. Nhưng khi đã phổ cập tới đại chúng thì tinh hoa đạo lý đã mất, mà chỉ còn phảng phất lại chút dư hương, chỉ còn le lói một chút sáng thừa của vừng dương đã bị mây mờ che lấp hết. Càng lạc lõng vào hiện tượng càng lạc mất Bản thể, càng say mê cái phù hoa giả dối, càng xa lìa thuần phác chân chính mà khi con người đã bị hoàn cảnh thôi miên, đã bị trào lưu lôi cuốn , thì sao còn sáng suốt mà nhận định, sao còn tự chủ mà tìm được đúng hướng đi?

Lão Tử viết:

«Hễ đạo [32] mất, nặng tình với đức, [33]

Đức không còn lục tục theo nhân. [34]

Hết nhân có nghĩa [35] theo chân,

Nghĩa không còn nữa thấy thuần lễ nghi. [36]

Nên Nghi lễ là chi khinh bạc,

Cũng là mầm loạn lạc chia ly.

Bề ngoài rực rỡ uy nghi,

Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.

Nên quân tử chỉ ham đầy đặn,

Chứ không ưa hào nháng phong phanh.

Chỉ cần thực chất cho tinh,

Không cần bóng bẩy lung linh bên ngoài.

Bắc cân khinh trọng cho tài,

Biết đường ôm ấp, biết bài dễ duôi.»  [37]

Đứng trên bình diện các hiện tượng và bình tâm mà xét, thì đạo giáo nào cũng có bấy nhiên tầng cấp, bấy nhiên phương diện, bấy nhiêu giai đoạn lịch sử. Từ hình thức lễ nghi, giáo lý [38] mà xét thì đạo nào cũng Hán Sở chia phôi, Đông Tây cách trở; từ tinh hoa thuần túy mà trông, thì thấy bốn bể đều vang lên một Nhã ca đồng nhất.

Cho nên, cái hay của con người không phải là ở chỗ theo đạo này hay đạo kia, [39] mà chính là ở chỗ biết biện phân cái chính cái tùy của mỗi đạo, để biết đường tiến lên, tiến mãi tới CỨU  CÁNH , cố gắng cho tâm thần mình ngày thêm rực rỡ đượm muôn ánh hào quang, sống phiêu diêu, khinh khoát giữa trần cấu cuộc đời, mở rộng tâm hồn để chứa đựng muôn phương, thâu tóm hết tinh hoa Trời đất, không gian và thời gian vào tấc dạ.


Dịch chủ trương: «Địa đạo» là đạo là vợ, là đạo bầy tôi.[40]

Nói cách khác, hoàn cảnh vật chất bên ngoài chỉ cốt là để hỗ trợ phụ bật, duy trì tinh thần bên trong, chứ không thể làm chủ chốt được.

Cho nên, người xưa cho rằng đem tâm thần vĩnh viễn làm tôi tớ vật chất hình hài[41] là một lầm lỗi lớn. Đã đành, lúc còn trẻ, con người vì miếng cơm manh áo, giang sơn, xã hội, vì còn mê muội,[42] nên đem tâm thần phục vụ hoàn cảnh là điều bắt buộc; nhưng khi đã luống tuổi, mà vẫn còn lận đận bon chen mãi, thì thực là uổng phí cuộc đời.[43]


Trang Tử nói «đừng lấy người giết Trời» cũng không ngoài ý ấy. [44]

Suy ra, con người lý tưởng phải biết sử dụng, biết làm chủ các hiện tượng bên ngoài, chứ không chịu làm nô lệ ngoại cảnh, chịu các hiện tượng bên ngoài sai khiến.

«Quân tử bất khí.» 君 子 不 器 [45]

Người quân tử lẽ nào là một khí cụ suông như cái xe, cái súng hay sao?

Nói tóm lại Dịch bàn đến hiện tượng, đến biến thiên, đến ứng dụng, Trung Dung bàn đến Tính mệnh, đến Bản thể. Con người mà không biến dịch, tiến hóa, thì là gỗ đá chứ chẳng phải người; con người tiến hóa mà chẳng có mục phiêu, sinh ra đời mà chẳng biết đầu đuôi gốc ngọn thì là mê, đâu phải tỉnh.

Dịch dọn đường cho Trung, thiên biến là đường đưa đến vĩnh cửu, hiện tượng là công cụ để tìm ra Bản thể. Có như vậy mới là biết lẽ u hiển, biết lẽ quân thần.[46]

Thế mới hay:

«Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,

Áo thô sơ che dịu gấm hoa.

Rồi ra vàng ngọc chói lòa,

Trời người định vị, trung hòa vô biên.»

-----------------

CHÚ THÍCH

[1] Quái dã, hoạch dã, tượng dã. Cái tự Đạo nhi nhất biến vi hoạch, nhân nhi thành tượng, hoạch tượng cụ nhi thành quái, sử vạn thế chi hạ, phục do quái dĩ tri tượng, do tượng dĩ tri hoạch, do hoạch dĩ minh đạo. Thử thánh nhân chi ý dã. 卦 也 畫 也 象 也. 蓋 自 道 而 一 變 為 畫, 因 而 成 象, 畫 象 具 而 成 卦 使 萬 世 之 下 復 由 卦 以 知 象 由 象 以 知 畫 由 畫 以 明 道. 此 聖 人 之 意 也 (Tống Nguyên học án, q.28, tr.5: Ẩn Quân Quách, Bạch Vân tiên sinh Ung)

[2] cf: Upanishads; Brih. 2.5.I9. Maitri 6.I7; Brih. 3.8,8; Katha 3.I5; Mund. I.I.6; katha 2.I3 I4; 6.8; Svet. 6.9; Svet. 6,II; Birh. 3.9.26; 4.2.4 Svet. 4.I9 20. Birh. 2.3.6.

[3] Đạo chi nhất tự, tức vũ trụ chi bản thể dã. 道 之 一 字 即 宇 宙 之 本 體 也 (Tử Đồng Tạ, Trung Hoa Triết học sử, q.II, tr.6)

[4] Phỏng dịch bài: «Nguyên đạo huấn» của Hoài Nam Tử (Vũ Tiên Lý, Chư tử văn túy, q.52, tr.1) (Đọc nguyên văn ở Phụ lục V cuối sách)

[5] Ngũ dã giả, Thái cực dã. 五 也 者 太 極 也 (Địa lý chính tông, tr.2)

[6] Án tam nhị chi hợp ngũ dã, nhất tứ chi hợp diệc ngũ dã, nhất nhất nhị nhị chi tích hựu ngũ dã, tam tam tứ tứ chi tích hựu ngũ chi tích dã, thử ngũ sở dĩ vi số chi hội nhị vị chi trung dư. 案 三 二 之 合 五 也, 一 四 之 合 亦 五 也, 一 一 二 二 之 積 又 五 也, 三 三 四 之 積 又 五 之 積 也, 此 五 所 為 數 之 會 而 位 之 中 與 (Dịch Kinh đại toàn, Chu tử đồ thuyết, tr.21)

...Oum = 5: Or Oum est une préclamation de toutce qui devient, un prototype du premier développement cosmogénésique un souffle de la vie originelle Le contenant de la vie à venir L’enveloppe de la scienci Le corps mystique de Brahm L’âme de tout avec et dans Bahm. (Jean Malfatti de Montereggio, La Mathèse, p.30 et ss)

[7] Plutaque: «Le nombre cinq embrasse d’abord tout, l’espèce de tout nombre, le nombre deux, premier nombre pair et le nombre trois, premier nombre impair, d’où on lui donne le nom de mariage, comme s’il résultait de l’union d’un homme et d’une femnme.

Anonymus: «On le dit cordial selon la ressemblance du cœur qui est placé au milieu chez tous les amimaux. Il est appelé aussi providence, justice parce qu’il rent égal ce qui était inégal. Le premier ton dans la musique est la quinte.

Macrobe: «Ce nombre désigne donc en même temps tout ce qui est supérieur et inférieur; en effet, il signifie ou bien le Dieu suprême ou l’esprit, né de Dieu dans lequel toutes les espèces sont contenues, ou l’âme du monde qui est la source de toutes les âmes, les choses célestes qui viennent jusqu’à nous, ou la nature terrestre; ainsi le nombre cinq est celui qui convient à tout. (La Mathèse, p.34)

[8] Bồ điền Trịnh thị viết: Dịch tòng nhật, tòng nguyệt, thiên hạ chi lý nhất cơ nhất ngẫu tận hĩ; thiên văn, địa lý, nhân sự, vật loại dĩ chí tính mệnh chi trưng biến hóa chi diệu, bĩ thái, tổn ích, cương nhu, đắc thất, xuất xử, ngữ mặc giai hữu đối địch, cố thiết nhất trường hoạch. Nhị đoản hoạch dĩ tổng quát chi, sở vị nhất âm nhất dương chi vị đạo giả thử dã. 莆 田 鄭 氏 曰 易 從 日 從 月, 天 下 之 理 一 奇 一 偶 盡 矣 天 文 地 理 人 事 物 類 以 至 性 命 之 徵 變 化 之 妙, 否 泰, 損 益, 剛 柔, 得 失, 出 處, 語 默 皆 有 對 敵, 故 易 設 一 長 畫. 二 短 畫 以 總 括 之, 所 謂 一 陰 一 陽 之 謂 道 者 此 也 (Dịch Kinh đại toàn; Chu dịch thượng kinh)

[9] Đơn tự nhật đầu nguyệt cước, trung gian nhất hoạch, hệ nhật nguyệt hợp nhất chi vị dã, kỳ nội nhất điểm, vi tinh khí hồn hợp, dĩ tượng nhất lạp kim đơn dã. 丹 字 日 頭 月 腳, 中 間 一 劃 係 日 月 合 一 之 謂 也, 其 內 一 點, 為 精 氣 渾 合, 以 像 一 粒 金 丹 也 (Tu chân bất tử phương 修 真 不 死 方, tr.26)

[10] Duy tâm duyên tướng, ly văn tự tướng, ly ngôn thuyết tướng. 惟 心 緣 相 離 文 字 相 離 言 說 相 (kinh Phật). Ngọc thư viết: nhất, tam, ngũ, thất, cửu. Đạo chi phân nhi hữu số. Kim mộc thủy hỏa thổ. Đạo chi biến nhi hữu tượng. Đông Tây nam bắc trung, Đạo chi liệt nhi hữu vị. Thanh bạch xích hoàng hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. Số quy ư vô số; tượng phản ư vô tượng; vị chí ư vô vị; chất hoàn ư vô chất... Vô số đạo chi nguyên dã, vô tượng Đạo chi thể dã; vô vị Đạo chi chân dã; vô chất Đạo chi diệu dã. 玉 書 曰: 一 三 五 七 九. 道 之 分 而 有 數. 金 木 水 火 土. 道 之 變 而 有 象. 東 西 南 北 中 道 之 列 而 有 位. 青 白 赤 黃 黑, 道 之 散 而 有 質. 數 歸 於 無 數;象 反 於 無 象; 位 至 於 無 位; 質 還 於 無 質... 無 數 道 之 源 也, 無 象 道 之 體 也; 無 位 道 之 真 也; 無 質 道 之 妙 也 (Linh bảo tất pháp, hạ quyển, tr.12). cf. Car aussi rapides que l’éclair, ils ont dépassé le royaume des noms et des qualifications, et ils habitent à l’ombre de l’Essence divine! comme dit le Hadith: «La véritable formule du monothéisme est de n’attribuer à Dieu aucune qualification.» -- Les sept vallées Balla u’ lláh (tr.19)

[11]... Cf.: Baha’ u’lláh. Les Sept Vallées, p.32: La condition de ceux qui savent ne se dit que par le cœur. On ne peut la confier à nul homme ni la décrire dans aucune lettre. Je préfère me taire à cause de ma faiblesse.

Car mon discours insuffisant ne ferait qu’amoindrir la vérité...

... La Science était un point: les ignorants l’ont multiplié...

(Ibid. p.27)

... Si tu es un homme pieux et humble, envole-toi sur les ailes vigoureuses des saints, pour voir les mystères de l’ami et parvenir à la Lumière du Bien-Aimé. «Nous venons de Dieu et nous retournons à Lui.» (Ibidem, p.20)

... Et appelez-Le comme vous voudrez, car pour ceux qui savent, Il est le possesseur de tous les Noms.» (Ibidem, p.6)

cf. Maître Eckart. Cité par Illan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.143.

Saint Augustina dit que l’âme se transmute dans celle qu’elle aime; si elle aime les choses de de la terre, elle devient terrestre, si elle aime Dieu... eh bien, me demanderez-vous, devient-elle Dieu. Si je le disais, cela semblerait impossible à ceux dont le sens de ces choses est trop faible, et ils ne pourraient me comprendre. Je me tais, et préfère vous renvoyer aux Écritures; vous y lirez: «Vous êtes des Dieux.» (cf., Jean 10, 34 et Psaume 82, 6)

[12] Tư lý dã, ngưỡng tắc trứ vu thiên văn, phủ tắc hình ư địa lý, trung tắc ẩn ư nhân tâm, nhi nhân chi mê nhật cửu bất năng dĩ tự đắc dã, minh hành vu lợi hại chi vức, nhi mạc tri sở thượng. 斯 理 也, 仰 則 著 于 天 文, 俯 則 形 於 地 理 中 則 隱 於 人 心, 而 人 之 迷 日久 不 能 以 自 得 也, 冥 行 于 利 害 之 域 而 莫 知 所 尚 (Tống Nguyên học án, q.26, tr.1)

[13] Thiên địa hữu chính khí                   
天 地 有 正 氣

Tạp nhiên phú lưu hình                   
雜 然 賦 流 形

Hạ tắc vi hà nhạc                             
下 則 為 河 嶽

Thượng tắc vi nhật tinh                   
上 則 為 日 星

Ư nhân viết Hạo nhiên                   
於 人 曰 浩 然

Phái hồ tắc thương minh                 
沛 乎 塞 蒼 冥

(Chính khí ca 正 氣 歌 )

[14] cf. lllan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p.64: Dans l’Unité, tout nombre préexiste uniformément, en sorte que l’Unité contient en elle chacun des nombres particuliers et en même temps, tout te nombre se trouve rassemblé dans l’un; il est dans l’unité. Plus le nombre s’éloigne de l’Unité dont il provient plus il se divise, plus il devient multiple.

De même, tous les rayons du cercle, rassemblés par une même union, existent simultanément dans le Centre - Le point contient tous ces rayons uniformément réunis les uns avec les autres; tous ces rayons se trouvent conjoints dans le Centre, et joints au principe unique dont ils sont issus - Tant qu’ils s’éloignent peu du Centre, ils sont faiblement séparés les uns des autres; ils divergent davantage au fur et à mesure qu’augmente la dissance au Centre. (Denys, le pseudo - Aréopagite)

[15] Tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn, Tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã. 自 變 者 而 觀 之, 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 自 其 不 變 者 而 觀 之, 則 物 與 我 皆 無 盡 也 (Tô Đông Pha, Tiền xích Bích phú).

[16] cf. Thủ lăng nghiêm kinh, q.2: Phật cáo «... nhữ tri thân trung hữu bất diệt da...» ¦汝 知 身 中 有 不 滅 耶 (Phật nói với vua Ba Tư Nặc: «Đại vương có biết trong thân có cái bất diệt không...»

[17] Marche ô âme bénie, sans s’attarder, dans la béatitude de la solitude intérieure. Vois, Dieu t’invite à rentrer dans ton centre intérieur, où il veut te renouveler, te changer, te remplir, te revêtir et te montrer le nouvel et céleste royaume, plein d’allégresse, de jouissance et de sérénité... (Michel Molinos, lllan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.178)

[18] cf. Spinoza cité par lllan de Casa Fuerte, Religion essentielle, p.182: «... L’ignorant outre qu’il est balloté de mille façons par les causes extérieures et qu’il ne possède jamais le vrai contentement de l’âme, vit dans une sorte d’inconscience de lui-même, de Dieu et des choses; et sitôt qu’il cesse de pâtir, il cesse aussi d’être.

Le sage, au contraire, considéré comme tel, sent à peine son âme troublée; mais ayant, par une certaine nécessité éternelle, conscience de lui-même, de Dieu et des chosses, il ne cesse jamais d’être, et il est toujours en possessior du vrai contentement de l’âme...

[19] Nam nhi nhược đắc phong hầu ấn   
男 兒 若 得 封 侯 印

Bất phụ nhân gian tẩu nhất tao         
不 負 人 閒 走 一 遭

Công thành thân thoái                         
功 成 身 退

Yên hà tiêu ngạo                                 
煙 霞 嘯 傲

Thoát khước tử la bào                         
脫 卻 紫 羅 袍

Phương thị nam nhi đạo.                   
方 是 男 兒 道

Bí ẩn Gia Cát thần số, bài 245.

[20] Chân chân chân                               
真 真 真

Nhân bất thức                                   
人 不 識

Chân chân chân                               
真 真 真

Thần hữu linh                                   
神 有 靈

Qui tông phân bản                           
歸 宗 反 本

Phương thị nguyên tinh                   
方 是 原 精

Bí bản Gia Cát thần số, bài 47.

[21] Nhất cá thần đạo, tùy nhĩ khứ hành, 一 箇 神 道 隨 爾 去 行. Phùng nhân thuyết pháp, đáo xứ hiển linh. 逢 人 說 法 到 處 顯 靈 Bí bản Gia Cát thần số 秘 本 諸 葛 神 數, bài 354.

[22] Qui autem adhoeret Domino unus spiritus est - (Celui qui s’unit au Seigneur n’est avec lui qu’un seul esprit- I Cor,VI,17 Bible de Jérusalem).

Celui qui s’approche de Dieu et s’attache à lui devient un même esprit avec lui. (Ste Thérèse, Le Château de l’âme, Edition du Seuil.

... Glorifiez et portez Dieu dans votre corps. I Cor 6, 19 (Bible de Jérusalem) Cf. aussi Ste Thérèse, Le Château de l’âme chapitre 3e.

[23] Điêu trác phục phác. 雕 琢 復 朴.

[24] Thể tận vô cùng, nhi du vô trẫm. 體 盡 無 窮, 而 遊 無 朕 .

[25] Tự dĩ vi vị thủy học nhi qui 自 以 為 未 始 學 而 歸.

[26] Thừa phù mãng diêu chi điểu, dĩ xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi hương. 乘 夫 莽 眇 之 鳥, 以 出 六 極 之 外, 而 遊 無 何 有 之 鄉.

[27] Lập hồ bất trắc nhi du ư vô hữu giả dã. 立 乎 不 測 而 遊 於 無 有 者 也.

[28] Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhiệm, vô vi tri chủ, thể tận vô cùng nhi du vô trẫm. 無 為 名 尸, 無 為 謀 府, 無 為 事 任, 無 為 知 主 體 盡 無 窮 而 遊 無 朕.

[29] Chí nhân chí dụng tâm nhược kính bất tương, bất nghịch, ứng nhi bất tàng. 至 人 之 用 心 若 鏡 不 將, 不 逆, 應 而 不 藏.

[30] cf Nam Hoa Kinh, chương Tại hựu, đoạn c: Kim phù bách xương, giai sinh ư thổ nhi phản ư thổ; cố dư tương khứ nhữ, nhập vô cùng chi môn, dĩ du vô cực chi dã. Ngô dữ nhật nguyệt tham quang. Ngô dữ thiên địa vi thường. Đương ngã mân hồ, viễn ngã hôn hồ. Nhân kỳ tận tử nhi ngã độc tồn hồ. 今 夫 百 昌 皆 生 於 土 而 反 於 土 故 余 將 去 女 入 無 窮 之 門, 以 遊 無 極 之 野 吾 與 曰 月 參 光 吾 與 天 地 為 常 當 我 緡 乎, 遠 我 昏 乎 人 其 盡 死 而 我 獨 存 乎.

[31] Điển hình nhất là chúa Jésus Christ và vụ án Al Hallâj bên phía Hồi giáo. Ông bị cầm tù từ năm 915 đến ngày 23. 03. 922 thì bị xử tử vì tội dám phối hợp lẫn lộn Trời người (confondre le divin et l’humain) gây hoang mang cho mọi người. (Cf. Henri Corbin Histoire de la philosophie islamique, p.277)

[32] Mysticisme.

[33] Esthétique, Grâce.

[34] Morale.

[35] Dogmatisme.

[36] Formalisme.

[37]...Cố thất đạo nhi hậu đức, thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ; phù lễ giá trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả, Đạo chi hoa nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu, xử kỳ hậu bất cư kỳ bạc, cư kỳ thực bất cư kỳ hoa. Cố khứ bỉ thủ thử. 故 失 道 而 後 德, 失 德 而 後仁, 失 仁 而 後 義, 失 義 而 後 禮 夫 禮 者, 忠 信 之 薄, 而 亂 之 首 前 識 者, 道 之 華, 而 愚 之 始. 是 以 大 丈 夫 居 其 厚, 不 居 其 薄, 居 其 實, 不 居 其 華. 故 去 彼 取 此 (Đạo Đức Kinh, ch.38)

[38] Un dogme, c’est une cristallisation d’une pensée... Le dogme est une matérialisation et la matérialisation est un emprisonnement. Ce qu’il faut chercher, c’est l’essence, car seule l’essence est esprit. (lllan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.17)

[39] cf. Camille Debret, La vie de Gandhi, p.100:

... «Après une longue étude et une longue expérience, j’en suis venu à cette conclusion: toutes les religions sont vraies, toutes ont en elles quelque erreur. Toutes me sont aussi chères que mon propre Hindouisme. Ma vénération pour d’autres fois est la même que pour ma propre foi. Comment peut-on avoir une vraie fraternité, si on croit détenir une vérité supérieure.

ll ne faut pas dans ses prières dire à dieu: «Donne-lui la lumière que tu m’as donnée,» mais donne-lui toute la lumière et toute la vérite dont il a besoin pour son plus haut développement...

[40] Địa đạo dã, thế đạo dã, thần đạo dã. (Dịch khôn quái)

[41] Tâm vi hình dịch. 心 為 形 役.

[42] Tiên mê nhi hậu đắc chủ. 先 迷 後 得 主 (Dịch khôn quái)

[43] Lam làm rồi mới nghỉ ngơi

Lao lung rời mới thảnh thơi an nhàn

Do động nhi tĩnh, do lao nhi dật,

Ngộ đại Dịch doanh hư chi lý

(Văn ngôn truyện) – Tiểu học luận thuyết tinh hoa, Quảng Ích thư cục, q.2, tr.2)

[44] Vô dĩ nhân diệt Thiên. 無 以 人 滅 天 (Nam Hoa Kinh, Thu Thủy)

[45] Luận Ngữ, Vi Chính đệ nhị, 12.

[46] Cf Marc Semenoff, Pour connaitre la pensée du Bouddha, p.126:... Le corps est la somme de toutes les formes qui le constituent et qui ne connaît les composantes de son corps ne se connaît pas lui- même. Résultat exotérique: sa vie entière, il cherche Dieu et l’univers en dehors de lui, partout dans la nature, dans les temples, les églises, les soi - disant paradis, alors que le Divin l’habite, lui. Le Royaume des Cieux en vous, est une parole ésotérique...

Le salut est la réalisation en nous de Dieu, notre véritable moi.

-------------------
**************************         

Chương 11



VŨ TRỤ QUAN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ



Đặt Trung Dung, Trung điểm vào giữa vòng Dịch, đem hằng cửu lồng vào tâm khảm mọi di động biến thiên, ta có thể suy ra:

1. Một vũ trụ quan

2. Một nhân sinh quan

3. Một sử quan

4. Những định luật chính chi phối hoàn võ và con người.


Trong những trang sau, chúng ta sẽ dùng chữ Trung, chữ Dịch, dùng tâm điểm và vòng tròn, tung lên khung Trời vô hạn, cho thành Thái cực và vòng càn khôn, cho bao quát không gian vô tận và thời gian vô cùng, để nhìn cho thấu các lớp lang tiết tấu sinh sinh hóa hóa của đất Trời.

Chúng ta sẽ quay cho vòng Càn Khôn di động để phơi bày ra toàn thể lịch sử nhân loại, từ lúc con người khoác xác phàm phu luân lạc trong cỗi hồng trần, cho tới khi giải thoát hiển vinh, trở thành thần thánh cùng đất Trời trường sinh bất tử, nhân đó chúng ta có thể tìm ra huyền cơ Tạo hóa và những định luật bất biến chi phối trào lưu thăng trầm, tiến thoái của nhân quần ...

Nho giáo chủ trương: «Thiên địa vạn vật nhất thể.» [1]

Bản thể đất Trời «duy nhất», nhưng hình tướng công dụng bên ngoài thì biến ảo muôn ngàn (Thể duy nhất, dụng vạn thù).

Đà diễn tiến của vũ trụ như sau: Vô cực [2] sinh Thái cực, Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, và cứ đà tiến ấy tạo dựng quần sinh vũ trụ. [3]

Nói cách khác: Trời sinh ánh sáng, ánh sáng sinh từ lực; từ lực tức nhị khí âm dương, sẽ tác dụng phối hợp nhau theo những phương thức khác nhau để sinh mây gió, nước lửa, núi non, Trời đất...

Theo quan niệm trên, thì vô hình dần dần dà cô đọng thành hữu hình, ánh sáng dần dần biến hóa thành thiên hình vạn trạng.

Ngược lại với giáo lý các đạo độc thần (Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do thái giáo), Nho giáo chủ trương thuyết sinh hóa (émanation et transformation), một thuyết sinh hóa đặc biệt vì hết chu kỳ (cycle) biến dịch, lại trở về nguyên bản (Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. Nguyên thủy phản chung). [4]

Thái cực hay Ánh sáng chí tôn ấy như vừng dương ngự giữa hoàn võ tung tỏa hào quang khắp nơi để duy trì sinh hóa. Đâu có sinh hóa đấy có Thái cực, trong mỗi vi trần đều có Thái cực, trong mỗi nhân thần đều có thái cực.[5]

Thái cực còn gọi là Trung, vì bất biến, làm khu nữu cho vũ trụ; gọi là Dịch vì làm cho vạn hữu biến hóa, gọi là Đạo, vì là nguyên động lực muôn loài...

Từ trước đến nay, ít người hiểu hai chữ Vô cực, Thái cực của cổ nhân, nên từ ngữ đã làm chết nghẹt tư tưởng, và vì vậy không sao tìm được điểm tương đồng giữa các học thuyết Âu Á.

Nhưng nếu hiểu vô cực là «Trời ẩn», Thái cực là «Trời hiện», thì ta sẽ biết ngay Thái cực là Đạo, là Hóa công, là Tạo hóa, như vậy Vô cực, Thái cực chỉ là hai phương diện ẩn, hiện (non-manifestation et manifestation) của Hóa Công.

Hai phương diện này là ta liên tưởng đến Brahman (Vô) và, Isvara (Hữu), Nirguna (vô tướng= sans qualité) và Saguna (Hữu tướng= avec qualité) trong kinh Vệ Đà. [6]

Đó cũng là quan điểm của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh.

«Hóa công hồ dễ đặt tên,

Khuôn thiêng hồ mà đem luận bàn,

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn vàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một Hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết huyền vi khôn lường...

Người là «chúng diệu chi môn»,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.»  [7]

«Thiên địa vạn vật nhất thể» là một học thuyết chung cho nhiều đạo giáo Âu Á. [8]

Theo Thuyết này, thì chỉ tâm điểm là trường cửu, là duy nhất, còn vạn vật vạn hữu bên ngoài thì dị biệt, biến thiên. Cho nên nếu nhìn hẹp từng tầng, từng vật, thì thấy mọi sự đều chia phôi xa lạ, còn nếu nhìn bao quát cả toàn thể, thì thấy mọi sự đều như lá, như cành, như hoa, như quả cùng chung một gốc, và trong những lớp màng, lớp áo, lớp vỏ biến thiên bên ngoài, còn có một tinh hoa trường tồn vĩnh cửu.

Với tầm nhìn bao quát ấy Trang Tử đã nói:

«Ta và Trời đất cùng sinh,

Ta cùng muôn vật sự tình chẳng hai.»  [9]

Trang Tử còn chủ trương: Nếu nhìn chỗ «dị biệt» thì thấy gan, mật như Sở, Việt chia phôi, nếu biết nhìn điểm tương đồng thì vạn vật đều là một. [10]

Càng đi ra bên ngoài, càng thấy tôn ti, quí tiện đôi đường cách trở; càng tiến vào bên trong, càng tiến tới chỗ tương đồng, vào đến tâm điểm, đến Đạo, đến Thái cực thì hết phân quí tiện, vì vạn vật đều mang Thái cực. [11] Đó chính là chỗ «Tề vật» của Trang Tử.

Theo Alfarabi, một triết gia Ả Rạp thời Trung cổ, thì trong tác phẩm thần học (Théologie), Aristote cũng chứng minh sự hiện diện của Duy nhất trong lòng mọi tạp thù, dị biệt. [12]

Áo Nghĩa Thư (Upanishad) chủ trương: dưới lớp ảo hóa, biến thiên, dị biệt bên ngoài của vũ trụ, có một bản thể duy nhất, đó là tuyệt đối thể, là Brahman hay Atman, căn nguyên của vũ trụ, và chân tâm con người... [13]

... ‘như nhện giăng tơ, như lửa sinh tàn, từ chân tâm cũng phát xuất ra mọi nguồn sinh lực, mọi vũ trụ, mọi thần minh và vạn hữu...»  [14]

Sách Zohar (huyền học Do Thái) cũng đồng quan điểm khi chủ trương: Thượng đế là Trung điểm, vạn hữu bao bọc chung quanh thành nhiều vòng hay nhiều thế giới đồng tâm.

Thượng đế phát huy ra vũ trụ nên sự phát triển của vũ trụ tiến từ tầng trong ra tới tầng ngoài, và vô hạn giáng phàm dần xuống tới hữu hạn... Trong là thượng giới, ngoài là hạ giới, trong cùng là tinh thần, ngoài cùng là vật chất, vòng ngoài bao bọc hỗ trợ vòng trong như vỏ, như cùi bảo vệ cho nhân cho hạt. [15]

Kinh Hoa Nghiêm, theo Đào Hư Tử, cũng chủ trương: Vạn lý đều do một tính mà phát xuất ra. [16]

Kinh Lăng Nghiêm viết: các pháp đều do tâm biến hiện. [17]


Vũ trụ quan này đưa đến những kết luận sau:

1. Trời người tương quan mật thiết với nhau: Trời là nhân, người là quả, là vỏ bọc. [18]

2. Trời bất biến, người biến thiên. Đã biến thiên thì không vĩnh cửu. Vậy con người muốn vĩnh cửu, muốn trường sinh bất tử, phải kết hợp với Trời, nhân tâm phải kết hợp với Đạo tâm. Trường sinh bất tử không phải là một dữ kiện (fait donné) mà là một công trình (Oeuvre à réaliser).

Thực ra Cựu Ước cũng chủ trương: «Sự kết hợp với đức Minh Triết đưa ta đến chỗ bất diệt.»  [19]

Thế là:

Dục cầu nhân bất tử,

Tu tầm bất tử nhân. [20]

(Muốn cho người được trường sinh,

Phải tìm ra đấng huyền linh, trường tồn.)

3. Trời ví như căn bản, nguồn gốc; nhân loại quần sinh ví như những cành lá (mạt 末 ), Những dòng sông (lưu 流), Trời là thể 體 (essence), nhân loại quần sinh là những ứng dụng bên ngoài (dụng 用 : service); Trời thì vi ẩn, nhân loại quần sinh thì hiển hiện, nhưng đôi bên đều mật thiết tương quan với nhau.

Chu Hi viết: «Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián.»   體 用 一 源 顯 微 無 間.

«Thể với dụng đều chung gốc rễ,

Hiển cùng vi khôn lẽ chia phôi.»

4. Đi từ Trời xuống quần sinh, vũ trụ, từ tinh thần ra vật chất là trụy lạc là thoái hóa nhưng cũng là tạo tác; đi từ quần sinh vũ trụ lên tới Trời, từ vật chất về tinh thần là siêu thoát là tiến hóa, là thần thánh hóa bản thân. Đó là bí quyết: «Qui nguyên phản bản», [21] «Trở về gốc quay về nguồn», [22] «Âm dương điên đảo» của người xưa. [23]

5. Như vậy, sự tạo dựng trong vũ trụ chưa chấm dứt. Bao lâu còn biến thiên, bấy lâu còn tạo dựng. Bao lâu con người còn cần tu luyện, thì lò cừ tạo hóa chưa ngừng công việc được.

6. Vũ trụ quan trên xây nền tảng cho cả hệ thống đạo lý và siêu hình học:

Chỉ có Thái cực, có Đạo, có tuyệt đối mới là nguồn mạch sự sống, là chân lý bất biến, là điểm hội tụ tối hậu cho nhân loại; còn các hiện tượng hình sắc bên ngoài đều như tuồng ảo hóa.

Muốn trở nên thánh, hiền, tiên, phật, muốn trường sinh bất tử, điều kiện tiên quyết là phải biết «võng tượng», Lìa bỏ các hiện tượng, các hình ảnh, theo Trung đạo, «dữ Đạo hợp chân», cho tâm thần đạt tới, và sống trong Tuyệt đối thể.[24]

Các hiền thánh xưa đều muốn qui vạn thù về một mối, cho các trào lưu tư tưởng, ước mơ chảy ngược dòng để đổ về lại căn nguyên, đều muốn sống hòa đồng với Tuyệt đối thể, đến mực không còn cái «mình», cái «ta» nhỏ nhoi ti tiện nữa, lấy phương châm «vô ngã» làm mục đích tối hậu cho công phu tu luyện. [25]

7. Vũ trụ quan trên cho thấy tại sao con người phải tiến tới vô ngã phải hòa đồng với Đạo với Trời mới được trường sinh bất tử, mới mong tiến tới đại đồng (universalité). [26]

Lý do rất là giản dị: thì chỉ có Bản thể mới vĩnh cửu, còn ứng dụng thì biến thiên, theo thời, khi còn, khi mất, thăng trầm, chất chưởng. Đàng khác, Thái cực là toàn thể, quần sinh là phân số, là bộ phận; cho nên muốn tiến tới Đại đồng (universalité) phải tiến tới toàn thể. Theo Nho giáo, Thánh nhân cần phải có độ lượng tâm hồn mênh mông bằng tầm thước vũ trụ, nghĩa là cần phải trút bỏ hết mọi giới hạn, màu da, sắc áo, lối đường tư tưởng riêng biệt, gạt bỏ hết mọi nhỏ nhen ti tiện để tiến tới công chính cao đại, tôn quí... [27]

8. Tìm Trời tìm Đạo phải tìm trong đáy lòng.

Cổ nhân gọi đó là:

«Hồi tâm phản tỉnh»

«Phản thân nhi thành.» (Mạnh Tử)

 Và các phương pháp tham thiền, nhập định (contemplation, concentration et extase) cũng cốt là để kết hợp với đấng Tối Cao. [28]

9. Biết được Trời lòng ngay trong tâm khảm để làm khuôn phép mẫu mực, là căn cốt cho tâm hồn, tức là thấu triệt nghĩa lý, là hiểu biết tới căn để. Đó là «Cách vật trí tri» trong Đại học.

«... Dày công học vấn mới hay khuôn Trời;

 Hay khuôn Trời thoắt thôi thấu triệt

 Thấu triệt rồi ý thiệt lòng ngay

 Lòng ngay ta sẽ hóa hay...»  [29]

Đó là cái hiểu biết cao siêu nhất của nhân loại. [30]

10. Trở về với Trời, với Đạo,[31] với Thái cực tức là thông suốt lẽ huyền vi: «Tạo hóa qui trung chi diệu.»

 Công trình này người xưa gọi là:

- Kiến tố, bão phác. [32]                 
見 素 抱 朴

- Qui nguyên, phục mệnh               
歸 元 復 命       

- Phục qui Đạo [33]                         
復 歸 道

- Phục qui Anh nhi  [34]                 
復 歸 嬰 兒

- Phục qui Vô cực [35]                   
復 歸 無 極

- Phản kỳ chân  [36]                       
復 其 真

- Phục kỳ bản                                   
復 其 本

- Hoàn nguyên phản bản [37]       
還 原 返 本

- Dữ đạo hợp chân                         
與 道 合 真

- Toàn thốc ngũ hành                     
攢 簇 五 行

- Hội hợp bát quái                           
會 合 八 卦

- Tam hoa qui đỉnh,                       
三 華 歸 頂

- Ngũ khí triều nguyên [38]           
五 氣 朝 元

- Minh bạch nhập tố                       
明 白 入 素

- Vô vi phục phác                           
無 為 復 朴

- Thể tính, bão thần, v.v. [39]       
體 性 抱 神

Trở về với Trời, kết hợp với Trời, là đạt đạo, đạt đích (chí nhân 至 人 ) là trở thành «con người thật» (chân nhân 真 人). Đó là «Trung Dung trung đạo». [40]

Theo vũ trụ quan trên, thì vạn vật do Trời sinh, dù phiêu lãng mấy trên trùng dương thời khắc, chung qui cũng phải trở về với Trời, với đạo. [41]

Con người theo một qui luật như vũ trụ, nên trước sau cũng phải trở về với đấng tối cao. [42]

Trung Dung là cứu cánh của con đường đó. Đạt đạo Trung Dung sẽ trường sinh vĩnh cửu. Thanh Tĩnh Kinh giải thích vĩnh cửu trường tồn là Trung Dung (thường giả Trung Dung dã 常 者 中 庸 也). [43]


Người Âu thường công kích quan niệm trên và cho là «phiếm thần chủ nghĩa». Nhưng thay vì bàn cãi suông, nếu ta giở Thánh kinh, nếu ta khảo sát giáo lý hay nghiên cứu tư tưởng các thánh hiền Thiên chúa giáo, ta sẽ thấy những chủ trương tương tự. Các hiền thánh Thiên Chúa giáo cũng tin:

1. Thượng đế ở khắp nơi (omniprésence de Dieu)

2. Vạn vật đều do Ngôi hai sáng tạo. [44]

3. Con người là dòng dõi Thượng đế [45] có thể thông phần bản thể Thượng đế.[46]

4. Nước Trời ở đáy lòng. [47]

5. Vinh quang Trời ở trong lòng nhân loại. [48]

Hơn thế nữa, vài vị đại thánh còn nhận:

6. Trời là bản thể của muôn loài... [49]

Vả lại, nếu đã chấp nhận Thượng đế ở khắp nơi, sao lại không dám nghĩ rằng Thượng đế có ở đáy lòng nhân loại?

... Nếu đã chấp nhận nước Trời ở đáy lòng, thì Trời ở đâu, nếu không phải ở trong lòng nhân loại ?

Nếu Trời ở ngay trong thâm tâm nhân loại thì tìm Đạo, tìm Trời phải tìm ở đáy lòng, tìm trong suy tư thầm lặng, hay phải tìm Trời, tìm Đạo trong những tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát bên ngoài?

Và thế nào là người đạo hạnh, nếu không phải là người có Thiên Chúa hiện diện đáy lòng, và không còn ước mơ ngoại cảnh. [50]

Khi đã xác định Trời ở đáy lòng, nước Trời ở trong lòng, thì sự siêu thoát chắc chắn phải được thực hiện bằng sự thông suốt điều huyền nhiệm đó, và bằng những công cuộc tu luyện tâm thần, tham thiền nhập định, diệt dục, vong ngã để kết hợp với đấng Tối cao. Suy ra thì thượng giới ở ngay trong tâm hồn ta, mà hạ giới chính là thế gian ở ngoài ta.

Càng tiến ra bên ngoài, là càng đi vào tục lụy, càng bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, không gian và thời gian. Càng tiến vào bên trong, càng thoát vòng cương tỏa của vật chất, của ngoại cảnh... cho nên muốn khinh thoát tự do, cần phải có một đời sống nội tâm dồi dào phong phú ... [51]

Từ Vô cực, Thái cực tiến hóa xuống dần tới vạn hữu, là từ cao siêu đi dần xuống ti tiện, là bước dần xuống các nấc thang giá trị, cho tới kỳ cùng. Đi từ Vạn hữu trở về Thái cực, Vô cực, là tiến từ ti tiểu tới cao đại là bước lần lên các bậc thang giá trị, cho tới hoàn hảo siêu việt. [52] Đó là lẽ tồn vong, thăng trầm của vũ trụ ...

Nhưng vì Vô cực, Thái cực ở ngay trong đáy lòng con người, nên nếu cứ để cho tâm hồn tản lạc phá tán theo các hiện tượng bên ngoài, thì sẽ đi đến chỗ trụy lạc tan rã; còn nếu biết đi trở ngược, từ hiện tượng, nhận ra tâm hồn, thần trí, Thái cực, Vô cực tìm ẩn trong đáy lòng thì sẽ tìm ra được con đường siêu thoát.[53]


Vũ trụ quan trên, cũng như toàn bộ Trung Dung, và Kinh Dịch chẳng qua cốt dạy con người đâu là nguồn mạch của mình, cũng như đâu là quê hương, cùng đích của mình ...


Theo vũ trụ quan trên, thì không gian và thời gian cũng biến động, cũng có giãn khôn lường. Càng đi vô nội tâm, càng đi sâu vào tầng trong, thì không gian và thời gian càng co lại, tưởng chừng đi đến không điểm, [54] mà kỳ thực lại tiến tới vĩnh cửu trường tồn, càng tiến ra bên ngoài thì không gian và thời gian càng giãn ra, dài ra, tưởng chừng tiến tới vô cùng mà kỳ thực lại tiến tới phù du hư ảo; cho nên một giây phút trong tâm thần tương đương mấy nghìn vạn năm bên ngoài. Tinh thần cũng vì thế có thể nói được không tương lai và dĩ vãng, hằng cửu bất biến. Cho nên một cuộc đời vật chất bên ngoài nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ nhanh như một giấc mộng ...

«Bôn ba đời nghĩ buồn rầu,

Hư không giấc mộng đêm thâu thấy gì.

Vô thường muôn việc bỏ đi,

Kíp hồi đầu lại kẻo khi lỡ làng.» [55]

Vũ trụ quan trên có thể nói là một quan niệm chính xác về vũ trụ, vì nó bộc lộ huyền cơ tạo hóa, quán thâu lẽ biến hằng của đất Trời; toát lược lịch sử nhân quần vũ trụ, cũng như phác họa cơ cấu nhân quần vũ trụ bằng một tâm điểm và một vòng tròn, bằng một chữ Trung và một chữ Dịch ...

Mới hay Trung Dung và Kinh Dịch chủ trương dạy người một môn học cao siêu, có mục phiêu là «thấu suốt bản tính» và định mệnh mình để chung cuộc sẽ được kết hợp với Trời với Đạo. [56]

Thâm ý của thánh nhân là làm sao cho mọi người, kẻ trước người sau, ai ai cũng có thể đạt được trung điểm, đạt được «Thái cực», «Chí cực», «vô danh khả danh». [57]

Theo Dịch Kinh, khi người quân tử đã am tường Trung cung, Trung điểm khi Bản Thể đã ở đúng ngôi vị của nó - nói cách khác: khi con người đã đạt được Thiên vị, kết hợp được với Trời [58] thì bao nhiêu sự tốt tươi đẹp đẽ từ đáy thẳm lòng sâu tâm hồn sẽ tung tỏa ra khắp cơ thể, sẽ thấm nhuần khắp tứ chi, sẽ chói lọi trong sự nghiệp, thật là đẹp đẽ đến tuyệt vời vậy. [59]

Nhưng con người muốn trở về Trung cung Trung điểm, muốn được thông tuệ, diệu minh, cần biết suy tư, vì có suy tư mới biết huyền cơ Tạo hóa, mới có thể thần thánh hóa mình, và trở nên hoàn thiện được. [60]

Cao đại thay là căn nguyên con người, trọng vọng thay là định mệnh con người! Đẹp đẽ thay là mục phiêu công phu tu luyện của con người!

Còn gì là cho ta sung sướng hơn là cảm thấy Trời ở ngay trong lòng, là nguồn sống, và là cùng đích mình; có thần trí thông minh để nhận ra chân lý đó, có thời gian không gian vạn hữu làm phương tiện cho công phu tu luyện; để nên hoàn thiện như Trời, để rồi ra được kết hợp với Trời, thông phần bản tính và vinh quang Trời, trường sinh vĩnh cửu cùng Trời đất ... [61]

Tóm lại, vũ trụ quan trên đây là kết tinh của một nền học vấn cao siêu tương truyền từ Đông sang Tây.

Nhờ vũ trụ quan này mà các hiền thánh muôn đời đã được «khai quang, điểm nhãn» [62] dùng mắt tinh thần nhìn nhận ra được Thượng đế ở khắp nơi, và thấy mình sống trong vinh quang Thượng đế. [63]

Gẫm cho cùng thì:

«Muôn loài sinh hóa đa đoan

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.»  [64]

Cổ nhân vì vậy dùng tâm điểm của vòng Dịch để tượng trưng cho Trời vừa là căn bản cho vũ trụ, vừa là mục đích tối hậu cho công cuộc tu luyện, tiến hóa của quần sinh vũ trụ.

Cho nên Trung Dung, chí cao chí đại vì đưa com người đến vinh quang tuyệt đối. Phải mở tầm mắt, phải mở tầm tâm hồn cho rộng rãi vô biên thì mới tìm ra được điểm Trung ... [65]

-------------
**************************         

CHÚ THÍCH


[1] cf. Wang Tch’ang Tche SJ., La philosophie morale de Wang Yang Ming, p.74,75.

... Considérer l’univers comme faisant un tout et où le désordre d’une partie se répercute dans le tout considérer encore l’homme au centre de cet univers et faire du cœur de l’homme le cœur de l’univers: telle est l’idée contenue dans les livres classiques et exprimée surtout par les philosophes des Song... Avec tous les penseurs chinois, il (Wang Yang Ming) répète que «l’homme c’est le cœur de l’univers; l’univers avec moi constitue un seul corps (untout)».

... Nhân giả, thiên địa vạn vật chi tâm dã. Tâm giả, thiên địa vạn vật chi chủ dã. Tâm tức Thiên. 人 者, 天 地 萬 物 之 心 也. 心 者, 天 地 萬 物 之 主 也. 心 即 天 (Ibidem, appendice 10)

[2] Lý bản vô hình, cố vị chi Vô cực. 理 本 無 形, 故 謂 之 無 極.

[3] cf. Thái cực đồ thuyết của Chu Đôn Di. (Thái Nguyên Bồi, Tính học đại cương, q.1, tr.1)

[4] L’Extrême Orient ancien a fait partie d’un monde où la coexistence de grands courants spirituels (Zoroastre, Bouddha, Confucius, Laotseu, Platon) ne s’explique que par certaines idées communes unanimément admises de la Méditerranée au Pacifique. Toutes ces vieilles cultures eurasiaques se présentent comme des cosmologies pour lesquelles une même substance compose les choses créées. (Pierre Huard, Connaissance du Viet Nam, p.63)

Đạo sinh Nhất, Nhất vi Thái cực. Nhất sinh nhị vị lưỡng nghi; nhị sinh tứ vi tứ tượng; tứ sinh bát vi bát quái, bát sinh thập tứ. Lục thập tứ cụ nhi hậu thiên địa vạn vật chi đạo bị hĩ. Thiên địa vạn vật mạc bất dĩ nhất vi bản nguyên, vu nhất nhi diễn chi dĩ vi vạn; cùng thiên hạ chi số nhi phục qui vu nhất. Nhất giả hà dã. Thiên địa chi tâm dã, Tạo hóa chi nguyên dã. 道 生 一 一 為 太 極. 一 生 二 為 兩 儀. 二 生 四 為 四 象. 四 生 八 為 八 卦. 八 生 六 十 四. 六 十 四 具 而 後 天 地 萬 物 之 道 備 矣. 天 地 萬 物 莫 不 以 一 為 本 原, 于 一 而 衍 之 以 為 萬. 窮 天 下 之 數 而 復 歸 于 一. 一 者 何 也. 天 地 之 心 也. 造 化 之 原 也 (Bách Nguyên học án, Ngữ lục; Tống Nguyên học án, q.10, tr.62)

Cf. Mai Thọ Truyền, Pháp hoa huyền nghĩa, tr.30: «Tất cả là một, tất cả chúng sinh đều từ phổ quang minh trí (lumière omniprésente - intelligence éclairante) mà ra, thì tất cả sẽ trở về với ánh sáng trí tuệ ấy, tức là thành Phật.»

[5] Thái cực giả sở vị tượng đế chi tiên, tiên thiên địa sinh, năng sinh thiên địa vạn hóa chi tổ căn dã, bản vô hữu vật, vô tượng vô số, vô phương ngung, vô vãng bất tại. Ngôn Thái cực tắc Vô cực khả tri... Đại nhi thiên địa, tế nhi vạn vật mạc bất các hữu Thái cực. Vật vật nhất Thái cực. Nhất vật toàn cụ nhất thiên địa chi lý. 太 極 者 所 謂 象 帝 之 先, 先 天 地 生, 能 生 天 地 萬 化 之 祖 根 也, 本 無 有 物, 無 象 無 數, 無 方 隅, 無 往 不 在 言 太 極 則 無 極 可 知... 大 而 天 地, 細 而 萬 物 莫 不 各 有 太 極. 物 物 一 太 極. 一 物 全 具 一 天 地 之 理 (Địa lý chính tông, q.1, tr.4)

[6] cf. A source book in Indian philosophy, p.38.

[7] Đạo Đức Kinh, ch.1. -- Lão Tử thủ chương ngôn vô danh Thiên địa chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu, nhi tốt đồng chi, thử Lão thị tông chỉ dã. Vô cực nhi Thái cực tức thị thử chỉ... 老 子 首 章 言 無 名 天 地 之 始. 有 名 萬 物 之 母, 而 卒 同 之, 此 老 氏 宗 旨 也. 無 極 而 太 極 即 是 此 旨 (Tống Nguyên học án, q.12, tr.3: Liêm Khê học án)

[8]... Aussi dans diverses traditions, voyons-nous la création partir d’un centre, parce que là se trouve la source de toute réalité, et partant, de l’énergie de la vie. II arrive même que les traditions cosmologiques expriment le symbole du centre dans des termes qu’on dirait empruntés à l’embryologie: «Le Très Saint a créé le monde comme un embryon. Tout comme l’embryon croýt à partir du nombril, de même Dieu a créé le monde par le nombril et de là, il s’est répandu dans toutes directions» (textes cités par Wensick, p.19). Yoma affirme: «Le monde a été créé en commencant par Sion.» (ibid., p.16). Aussi dans le Rig. Véda (p.ex: X,149) l’univers est conçu comme prenant son extension à partir d’un point central. (cf. le commetaire de Kirfel Cosmographie, p.18)- Mircéa Eliade, Traité d’histoire des religions, p.323.

[9] Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. 天 地 與 我 並 生, 而 萬 物 與 我 為 一 (Nam Hoa Kinh, Tề vật luận)

[10] Tự kỳ dị giả thị chi, can đởm Sở, Việt dã, tự kỳ đồng giả thị chi, vạn vật giai nhất dã. 自 其 異 者 視 之, 肝 膽 楚 越 也, 自 其 同 者 視 之,萬 物 皆 一 也 (Nam Hoa Kinh, Đức sung phù)

[11] Dĩ đạo quan chi, vật vô quí tiện, dĩ vật quan chi, tự quí nhi tương tiện. 以 道 觀 之 物 無 貴 賤, 以 物 觀 之 自 貴 而 相 賤(Nam Hoa Kinh, Thu Thủy)

[12] Alfarabi (hay Ibn Tar Kan là một triết gia Ả Rập, sinh tại Farab chết năm 950). cf. La religion essentielle, p.107:... En son écrit, Théologie, Aristote démontre la présence de l’Un au sein de toute multiplicité....

... Etienne Geoffroy Saint-Hilaire, Vicq D’Azyr (1748-1794), Goethe (1749-1832), Herder (1744-1803) cũng chủ trương thuyết «nhất thể vạn thù» mà các ông gọi là «modèle primitif et général» hay «Urpflanze» (Herder, Idées pour la philosophie de l’histoire de l’humanité. p.18 et ss, 97 et ss...)

[13]... The Ultimate reality should be designated generally as Brahman... and as It or That.

... The paradoxical, transcendent, yet immanent unity underlying the diversity of the world.

(A source book in Indian philosophy, p.39)

... The one God hidden in all living beings,

The Living Witness biding in all hearts

The wise who seek and find Him in them-Self,

To them and none else is eternal joy.

The all pervading inner Self of all,

Who from His formlessness creates all forms,

The wise who see that one within them-Self,

To them alone belongs eteral joy.

(A prayer to the Supreme Being, translated from the Upanishads by Dr Bhagavan Das).

Wisdom Leight vol.7; March 1955 number 3, p.34

Cf. Chandogya Upanishad 6,3.--Taittiriya Up. 2,6.

[14]... as a spider might come out with his thread, as small sparka come forth from the fire, even so from soul come forth all vital energies (pràna), all worlds, all gods, all beings... (Brihad - aranyaka upanishad, 2-1-20)

[15] cf. H. Serouya, La Kabbale (chapitre: Esprit et Matière, p.270,271):... De la sorte, le développement de l’infini vers le fini porte en soi des dégradations du parfait vers l’imparfait.

... En ce sens, le développement des choses se fait du centre vers la périphérie, et par suite aux ordres successifs; ces ordres s’échelonnent comme des cercles concentriques...

L’univers créé tout entier n’est donc l’écorce du Ensof comme les pelures de l’oignon sont les vêtements du bulbe ou comme la coquille de la noix et le reste le vêtement de la graine...

[16] Độc Hoa Nghiêm Kinh, vạn lý do nhất tính nhi xuất. Độc Lăng Nghiêm Kinh, Quần nghi cứu nhất tính nhi không.讀 華 嚴 經 萬 理 由 一 性 而 出 讀 楞 嚴 經 群 疑 究 一 性 而 空 (Đào Hư Tử, Đông châu kỷ thượng ngữ, tr.3)

[17] «Ngã thường thuyết ngôn! sắc tâm chư duyên, cập tâm sở sử, chư sở duyên pháp, duy tâm sở hiện, nhữ thân, nhữ tâm giai thị diệu minh chân tinh diệu tâm trung sở hiện vật...» 我 常 說 言 色 心 諸 緣 及 心 楚 使 諸 所 緣 法, 惟 心 所 現 汝 身 心 皆 是妙 明 真 精 妙 心 中 所 現 物. Ta thường nói tâm pháp đều do tâm biến hiện cho đến thân và tâm ông ngày nay cũng đều là vật trong chân tâm hiện ra... (Thủ lăng nghiêm kinh, q.2) cf. Thủ lăng nghiêm, Hương đạo xb, tr.44)

[18] Thiên dữ nhân tương vi biểu lý. 天 與 人 相 為 表 里 (Tính lý, q.2, tr.54)

... Thiên tại nội, nhân tại ngoại. 天 在 內 人 在 外 (Nam Hoa Kinh, Thu Thủy)

... Tâm tức Thiên.... Lương tri tức Thiên (Vương dương Minh)- Wang Tch’ang Tche, La philosophie morale de Wang Yang Ming appendice 10.

... Thiên dã, nhân dã nhất nhi nhị, nhị nhi nhất dã. 天 也 人 也, 一 而 二, 二 而 一 也 (Thái thượng bảo phiệt đồ thuyết, tr.4).

... Thiên tính nhân dã, nhân tính cơ dã. Lập thiên chi đạo dĩ định nhân dã 天 性 人 也, 人 性 機 也. 立 天 之 道 以 定 人 也 (Âm phù kinh, tr.1)

[19] L’immortalité est le fruit de l’union avec la Sagesse. (Livre de la Sagesse, 8, 17)

[20] Dục cầu nhân bất tử, tu tầm bất tử nhân. (Tiên học, tr.102)

...Thiên nhân hợp đức vạn biến định cơ. 天 人 合 德 萬 變 定 基 (Âm phù kinh, tr.1)

[21] Dịch Kinh Đại toàn, Truyện tự.

[22] Minh tạo hóa chi diệu, tri phản hoàn chi cơ. 明 造 化 之 妙 知 返 還 之 機 (Tiên học, tr.21)

[23] Nhân tâm nhược dữ thiên tâm hợp. Điên đảo âm dương chỉ phiến thời. 人 心 若 與 天心 合. 顛 倒 陰 陽 只 片 時 (Tiên học, tr.7)

[24] Tuẫn tượng, chấp hữu, trục vật nhi thiên nhi Vô cực chi chân cảnh bất khả kiến hĩ. Thánh nhân dĩ tĩnh chi nhất tự phản bản qui nguyên, cái Tạo hóa nhân sự giai dĩ thu liễm vi chủ, phát tán thị bất đắc dĩ sự... 徇 象 執 有, 逐 物 而 遷 而 無 極 之 真 竟 不 可 見 矣. 聖 人 以 靜字 反 本 歸 元, 蓋 造 化 人 事 皆 以 收 斂 為 主, 發 散 是 不 得 已 事... (Tống Nguyên học án, q.12, tr.2)

[25] Các đại thánh thiên chúa giáo cũng không đi ra ngoài tôn chỉ ấy. Phúc âm dạy phải «bỏ mình» (Mathieu 16, 24, 25)

Các thánh hiền Thiên Chúa giáo đều mong muốn tâm hồn mình tan biến đi để kết hợp cùng Thượng đế. (cf. Prière de Saint Bonaventure:...en sorte que mon âme languisse et se fonde sans cesse d’amour et de désir pour vous seul. Qu’elle soupire après vous, et se sente défaillir à pensée de vos tabernacles, qu’elle n’aspire qu’à sa déliverance et à son union avec vous...) (Prière de Saint Bonaventure, Paroissien romain, p.58).

[26] Vô ngã nhiên hậu đắc chính kỷ chi tận: tồn thần nhiên hậu diệu ứng vật chi cảm. 無 我 然 後 得 正 己 之 盡 存 神 然 後 妙 應 之 感 (Thái Nguyên Bồi, Lý học, q.1, tr.4)

Đại đồng hồ hãnh minh. 大 同 乎 涬 溟 (Nam Hoa Kinh, Tại Hựu)

Hợp hồ đại đồng. Đại đồng nhi vô kỷ... 合 乎 大 同 大 同 而 無 己.

[27] Tống Trình Minh Đạo di thư viết: Nhân hữu đẩu sao chi lượng, hữu phủ hộc chi lượng, hữu chung đỉnh chi lượng, hữu giang hồ chi lượng. Giang hồ chi lượng cố đại hĩ nhiên hữu nhai sĩ diệc hữu thời chi mãn, duy thiên địa chi lượng tắc vô mãn; thánh nhân hữu thiên địa chi lượng dã. 宋 程 明 道 遺 書 曰: 人 有 斗 筲 之 量, 有 釜 斛 之 量, 有 鍾 鼎 之 量, 有 江 湖 之 量. 江 湖 之 量 故 大 矣 然 有 涯 涘 亦 有 時 而 滿, 惟 天 地 之 量 則 無 滿;聖 人 有 天 地 之 量 也. Uyên Giám loại hàm (Thánh (nhất), q.268, tr.4670)

[28] Cao Trung Hiến viết: Tâm dữ thiên nhất nhi dĩ hĩ. Tâm đại vô ngoại, thiên đại vô ngoại... Thế nhân chi tầm cốc vu kiến văn chi hiệp. Thánh nhân cùng lý dĩ tân kỳ tâm chi toàn thể, tắc tri tính, tri Thiên nhi vô hữu ngoại chi tâm hĩ. Bất manh vu kiến văn, bất nhân kiến văn chi manh dã. 高 中 憲 曰 心 與 天 一 而 已 矣. 心 大 無 外 天 大 無 外... 世 人 之 心 梏 于 見 聞 之 狹. 聖 人 窮 理 以 盡 其 心 之 全 體 則 知 性 知 天 而 無 有 外 之 心 矣. 不 萌 于 見 聞 不 因 見 聞 而 萌 也 (Tống Nguyên học án, q.17, tr.25)

... Thiên nhân bản vô nhị... 天 人 本 無 二. Tống Nguyên học án, q.13, tr.17: Liêm Khê học án)

cf. Thomas de Kempis: Ecoute, homme inconstant et vide, ce que tu cherches n’est pas au dehors mais au dedans de toi: Cesse donc de chercher et rentre en toi-même si tu veux trouver le Christ. (lllan de Casa Fuerte, La religion essentielle, p.162)

[29] Đại học, ch.1.

[30] cf. A source Book in Indian philosophy, p.59.

Om ! He who knows Brahman, attains the highest !

as to that this (verse) has been declared: He who knows Brahman as the real, as knowledge (jnàna), as the infinite, set down in the secret place (of the heart and in the highest heaven,

He obtains all desires,

Together with the intelligent Brahman...

(Taittiriya Upanishad 2.1)

Thiên thánh giai quá ảnh, lương tri nãi ngô sư. 千 聖 皆 過 影 吾 心 乃 吾 師. Vương Dương Minh -- Wang Tch’ang Tche SJ, La Philosophie morale Yang Ming, Appendice 1.

Trí tri tức trí trung dã. 致 知 即 致 中 也.Vương Dương Minh.

[31] Thiên lý dã nhân chi lý dã, tuần lý tắc dữ Thiên vi nhất. Dữ Thiên vi nhất, ngã phi ngã dã, lý dã; lý phi lý dã, Thiên dã... 天 理 也 人 之 理 也, 循 理 則 與 天 為 一. 與 天 為 一, 我 非 我 也; 理 非 理 也, 天 也 (Tống Nguyên học án, q.24, tr.5: Cảnh vu học án)

[32] Tử Đồng Tạ, Trung Hoa Triết học sử, tr.13.

[33] Ibidem, tr.10.

[34] Ibidem, tr.11.

[35] Ibidem, tr.12.

[36] Nam Hoa Kinh, Thu Thủy.

[37] Thanh Tĩnh Kinh, tr.64.

[38] Thượng phẩm đơn pháp, tiết thứ, tr.10.

[39] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch.12, Thiên địa đoạn K.

... Tâm truyền Nội Giáo vô vi,

Là cơ xuất thế, hồi qui Đông Đào.

Chiếu Minh: Đại thừa Chơn Giáo, tr.92.

[40] Cf. Eckart le Jeune. (lllan de Casa Fuerte: La Religion essentielle p. 155):... Un arbre reçoit l’essence, la hauteur et la largeur de ses racines. Si tu veux savoir d’où tu viens, demande-le à ton fonds, à la racine, à ton intention. Regarde combien ta profondeur a été pénetrée, combien tu t’es fixé à Dieu, que tu ne tends réellement que vers la terre; si tu ne cherches ni toi-même, ni rien qui t’appartiene alors en vérité je te le dis: tu es déiforme et divin...

[41] cf Tử Đồng Tạ, Trung Hoa triết học sử, tr.16: Lão Tử dĩ vũ trụ vạn vật giai Đạo chi sở sinh, Kỳ cứu cực tắc qui ư Đạo chi bản thể... 老 子 以 宇 宙 萬 物 皆 道 之 所 生, 其 究 極 則 歸 於 道 之 本 體.

[42] cf. Tử Đồng Tạ, Trung Hoa triết học sử, tr. 29: Liệt Tử: Tất kỳ tâm phản ư xung mạc vô trẫm chi bản thể... 必 其 心 返 於 沖 漠 無 朕 之 本 體.

[43] cf. Thanh Tĩnh Kinh, Siêu thoát phẩm. Xem lời giải thích câu: chân thường chi đạo, ngộ giả tự đắc... 真 常 之 道, 悟 者 自 得.

[44] cf. Phúc âm thánh Joan - Phi Lộ.

[45] N’est-il pas écrit dans votre Loi: «J’ai dit: vous êtes des Dieux?» (Jean 10-34. Psaume - 82.6)

- C’est en lui (Dieu) que nous avons la vie, le mouvement et l’être… car nous sommes de sa race. (Acte des Apôtres 4.17,28)

[46] Ut per hoec efficiamini divinoe consortes naturoe. (II Pierre I.4)

[47] Car déjà le Royaume de Dieu est en vous. (Luc 17-21. Bible Crampon) -- Le Royaume de Dieu est au dedans de vous dit le Seigneur (Regnum Dei intra vos est, dicit Dominus) Imitation de Jésus Christ Livre III, chap. 1.

[48] Toute sa gloire et toute sa beauté est intérieure, c’est dans le secret du cœur qu’il se plaît. (Ibid., Livre II, ch.1.1)

[49] Il est manifeste que Dieu est la substance de tous les corps et de toutes les âmes.

Notre intention est de rendre intelligibles aux Latins toutes les parties de cette Philosophie réelle. (Saint Albert le Grand)

Illan de Casca Fuerte, La Religion essentielle, p. 131.

... Il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut-ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elles s’anéantiraient aussitôt et ne seraient plus... (St Jean de la Croix, La montée du Carmel. Desclée et Brower, p.133-134)

... Omnia per ipsum facta sunt et sine ipso factum est nihil quod factum est (Evangelium Secundum Joannem. Prologus Caput. I.3)

[50] f. Avoir toujours Dieu présent au dedans de soi et ne tenir à rien au dehors, c’est l’état de l’homme intérieur. (Ambulare cum Deo intus, nec aliqua affectione teneri foris, status est interni hominis.) (L’imitation de Jésus Christ, ch. VI, 4)

... C’est une grande grâce que Dieu nous fait quand il nous aide à le chercher dans notre intérieur. (Sainte Thérèse d’Avila, cité par Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.167)

[51] Cf. Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.130:

Monter vers Dieu, c’est entrer en soi-même. Celui qui entre en lui-même et pénètre au fond de son âme, se dépasse et atteint vraiment Dieu... (Paroles d’Albert le Grand)

... L’homme qui s’est ainsi élevé au dedans de lui-même entre plus profondément dans son centre. (Paroles d’Albert le Grand)

... Le ciel est au dedans et non au dehors de chacun.

... Le ciel est dans l’homme.

(Emmanuel Svedenborg, cité par Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.183)

[52] cf. Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.13:

... De l’esprit partirait une courbe de matérialisation pour revenir en s’allégeant jusqu’au point d’extrême spiritualité doué de la densité la plus faible. Ce mouvement constituerait l’immense cercle du crée, la manifestation du circulus vital issu du Principe générateur éternel...

[53] Tự vô cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi thủy chung dã, tự vạn sự phản đáo Vô cực, thánh nhân chi chung nhi thủy dã. Thủy chung chi thuyết tức sinh tử chi thuyết nhi khai tịch hỗn độn thất xích chi khứ lưu bất dự yên, tri hồ thử giả khả dữ thuyết đạo hĩ. 自 無 極 說 到 萬 物 上, 天 地 之 始 終 也, 自 萬 事 反 到 無 極, 聖 人 之 終 而 始 也. 始 終 之 說 即 生 死 之 說 而 開 闢 混 沌 七 尺 之 去 留 不 與 焉, 知 乎 此 者 可 與 說 道 矣 (Tống Nguyên học án, q.12, tr.1: Chu Liêm Khê học án)

Do tượng thức tâm, tuẫn tượng táng tâm. 由 象 識 心 徇 象 喪 心 (Tống Nguyên học án, q.17, tr.26: Hoành Cừ)

[54] le Cinq ou le zéro métaphysico-mathématique. (La Mathèse, p.31)

[55] Bôn ba nhất thế, tổng thị hư phù,               
奔 波 一 世 總 是 虛 浮

Vô thường nhất đán, vạn sự hưu;             
無 常 一 旦 萬 事 休

Cấp tảo hồi đầu.                                           
急 早 回 頭

Bí bản Gia Cát thần số, bài 46.

[56] Cùng tính mệnh chi nguyên, tất dĩ thể thiên vi học vấn chi bản. 窮 性 命 之 源, 必 以 體 天 為 學 問 之 本 (Tống Nguyên học án, q.11, tr.10)

Cf. aussi Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.23: «...La recherche par l’homme et dans l’homme de sa propre divinisation, la recherche par l’homme et dans l’homme du Dieu un...»

[57] Thánh nhân chi ý chính dĩ kỳ cứu cánh «chí cực vô danh, khả danh» cố đặc vị chi Thái cực... 聖 人 之 意 正 以 其 究 竟 至 極 無 名, 可 名 故 特 謂 之 太 極 (Tống Nguyên học án, q.12, tr.4)

[58]... Thiên vị dĩ chính trung dã. 天 位 以 正 中 也 (Dịch, Nhu quái).

[59] Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã. 君 子 黃 中 通 理, 正 位 居 體, 美 在 其 中 而 暢 於 四 支, 發 於 事 業, 美 之 至 也 (Dịch, Khôn quái)

[60] Bất tư tắc bất năng thông vi, bất duệ tắc bất năng vô bất thông; thị tắc vô bất thông sinh vô thông vi, thông vi sinh vu tư, cố tư giả thánh công chi bản dã. 不 思 則 不能 通 微, 不 睿 則 不 能 無 不 通, 是 則 無 不 通 生 無 通 微, 通 微 生 于 思, 故 思 者 聖 功 之 本 也 (Tống Nguyên học án, q.11, tr.5)

[61] Bác hậu phối địa, cao minh phối Thiên, du cửu vô cương. 博 厚 配 地, 高 明 配 天, 悠 久 無 彊 (Trung Dung, ch.26)

[62] Đại nhân giả dĩ thiên địa vạn vật vi nhất thể dã. Kỳ thị thiên hạ do nhất gia. Trung Quốc do nhất nhân yên. Nhược phù gián hình hài nhi phân nhĩ ngã giả, tiểu nhân hĩ. 大 人 者 以 天 地 萬 物為 一體 也. 其 視 天 下 猶 一 家. 中 國 猶 一 人 焉. 若 夫 間 形 骸 而 分 爾 我 者, 小 人 矣 (Vương Dương Minh, Đại học vấn)

[63] cf. Les sept vallées. Baha’u’lláh, tr.15; Gustave le Bon, L’Evolution de la matière, p.219: «Si tu cherches à l’intérieur de chaque atome; Au milieu, tu trouves un soleil...»

- «...Nous leur ferons voir nos signes dans le monde et en eux-mêmes, et ils voyagent sur la mer de «ils comprendront qu’il est Dieu» (Qur’an) Ibid. p.16.

... Vũ trụ quan nói trên cũng phảng phất tương tự như những vũ trụ quan của Buffon, Kant, Laplace, Carl von Weizsašcker, Gérard P. Kuiper hay Edouard Lemaître về định luật tụ tán áp dụng vào vũ trụ. Nhà toán học A. Friedmann khi giải lại những phương trình của Einstein, cũng kết luận vũ trụ có thể giãn và co được. (cf. G.Gamow, La création de l’univers, tr.xiv, xv, 25 et ss.).

... Cf: Âme de la Chine, p.263. Toát lược triết học Hegel...

[64] Đạo Đức Kinh, ch.16.

... Tout être qui connaît sa propre essence revient à son essence par un retour complet (liber de causis livre attribué à Aristote. Illan de Casca Fuerte, Le Religion essentielle, p.56)

[65] Cực kỳ đại nhi hậu Trung khả cầu. Chỉ kỳ Trung nhi hậu đại khả hữu. 極 其 大 而 後 中 可 求. 止 其 中 而 後 大 可 有 (Tống Nguyên học án, q.17, tr.29: Hoành Cừ học án)

**************************         

Chương 12


NHÂN SINH QUAN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

Vì không hiểu được tầm quan trọng và cao siêu của Trung Dung, nên người đời thường cho rằng Trung Dung đưa ra một tập sống trung bình, không thái quá, không bất cập, một nếp sống cầu an, không gây mâu thuẫn, để sống một cuộc đời thoải mái, an nhàn.

Chủ trương này gần đây đã được chính học giả Lâm ngữ Đường mượn lời thơ Lý Mật Am giới thiệu cùng đọc giả Âu Mỹ, đây là lập trường «Trung Dung» hiểu theo nghĩa lưng chừng, nước đôi đó:[1]

«Ta sống quá nửa đời phù phiếm,

Mới nhận ra huyền nhiệm Trung Dung.

Trung Dung hương vị khôn cùng,

Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.

Lúc mà cái con người sướng nhất,

Chính là khi tới cấp trung niên.

Quang hoa dùng dắng triền miên,

Như chờ như đợi, gót tiên tạm dừng.

Cõi trần lọt giữa chừng Trời đất,

Giữa tỉnh quê, ta cất nhà ta.

Thảnh thơi ta mở trại hoa,

Giữa chừng sông núi, la đà nước non.

Biết vừa đủ, tiền nong vừa đủ,

Vòng lợi danh, vương nửa tấm son

Không sang nhưng cũng dễ nom,

Không giàu nhưng cũng còn dòn hơn ai.

Nhà ta xây nửa đài nửa các,

Đồ đạc ta lác đác đủ chơi,

Áo ta cũ mới chơi vơi,

Uống ăn na ná như người bậc trung,

Vài tôi tớ không thông không dở,

Vợ con ta đơ đỡ ta ưng,

Nửa tiên nửa tục lừng chừng

Nửa cùng thần thánh, nửa cùng thê nhi,

Nửa bụng dạ lo vì con cái.

Nửa tâm hồn gởi lại Hoàng thiên,

Để khi thoát xác, ta yên,

Biết đường thưa gửi, biết niềm tới lui.

Ngà say là lúc ly bôi,

Đóa hoa hàm tiếu là thời mê ly.

Buồm nửa cánh, thuyền đi thanh thả.

Cương vừa giong, vó ngựa mới hay.

Quá giầu phiền lụy sẽ dầy,

Quá nghèo cuộc sống sẽ đầy truân chuyên.

Trần ai sướng với phiền khó tách,

Trong ngọt ngào pha phách đắng cay.

Hưởng đời đừng quá mê say,

Lừng chừng đại khái, tháng ngày tiêu dao.[2]

Nhưng nếu Đức Khổng và các danh nho chỉ đưa ra cho nhân loại một mục phiêu, một lý tưởng tầm thường, thì có gì đáng cho hậu thế kính tôn.

Nếu Trung Dung và Kinh Dịch đã được các danh nho, các tiên hiền Đông Á cho là tuyệt phẩm thì nó phải có gì cao siêu gấp bội. Hơn nữa đã là tinh hoa nhân loại, chắc chắn phải tế vi ẩn náo, đã là Duy Tinh, Duy Nhất thì phải tuyệt đỉnh công phu. Bác tạp dễ tìm, tinh hoa khó kiếm: kỳ hoa dị thảo đâu phải của mỗi sớm bán mua ngoài cửa chợ!

Cho nên, có tốn công nghiên cứu, truy tầm, mới mong tìm ra được vi ý của cổ nhân, tìm ra được đường lối của thánh hiền…


TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐI TÌM ĐƯỜNG LỐI CỔ NHÂN


Nhưng lấy đâu ra tiêu chuẩn để đi tìm đường xưa, lối cũ. Hãy giở Trung Dung, đường lối thánh hiền phải hợp với nhân tâm thế đạo, hợp định luật đất Trời. Trung Dung viết:

«…Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân.

Khảo chứng tam vương, không có chi lầm lỗi,

Sánh với luật đất Trời không phản bội.

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng hề có chê bai…

So quỷ thần, đường lối đúng không sai

Thế là đã biết lòng Trời đó,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng chê bai,

Thế là đã biết lòng người to rõ.» [3]

 Dịch Kinh viết: «…. Thực là mênh mông rộng rãi sánh đất Trời, biến hóa tựa bốn mùa, theo đúng chiều âm dương, sánh với hai vầng nhật nguyệt, tốt lành giản dị, phối hợp với đức tối cao.» [4]

Hơn nữa con đường lý tưởng ấy đã đã được vẽ thành những đồ bản trong Dịch Kinh.

Vậy ta chỉ cần nghiên cứu tìm hiểu các đồ bản, để tìm ra con đường đạo lý. Sau đó, ta sẽ khảo sát xem con đường đạo lý ấy có hợp với nhân tình thể thái, với định luật đất Trời, với chu kỳ nhật nguyệt, tinh thần hay không.

Có những tiêu chuẩn như trên, ta sẽ tha hồ lưng túi gió trăng, buồm mây chèo quế, lãng du trong rừng Nho biển Thánh mà không lo lạc bước.


ĐƯỜNG ĐỜI THEO DỊCH VÀ TRUNG DUNG


Nghiên cứu các đồ bản Dịch, các họa bản Bát Quái, ta đều thấy ngôi Thái cực được đặt vào trung tâm điểm. Ý Cổ nhân muốn nói Dịch, hay Vô Cực, hay Thái Cực, hay nói nôm na là Trời, là Tạo Hóa ở ngay trung tâm huyền diệu của vũ trụ. Người là tiểu vũ trụ, tức thị, Trời cũng ở ngay trong tâm hồn để làm trung tâm (Trung) bất biến (Dung), làm chân tâm nuôi sống con người, làm giường cột (axe) cho con người dựa nương.


Ta thường thấy dân Á Đông treo bát quái trước nhà mong trừ tà ma, phải chăng đó là tục lệ xa xưa để tỏ lòng tôn kính Thái Cực ở trung tâm Bát Quái, tượng trưng cho Trời.

Cắt nghĩa như vậy thì Trung Dung lại là Thái Cực, Trung Dung lại là Hồng Tâm cho mọi người ngắm vào, lại là mục đích thâm viễn của cuộc đời. Còn Dịch sẽ bao quát mọi sự biến hóa của vũ trụ và của con người mà mục đích tối hậu là thực hiện được Trung điểm hoàn thiện đó.[5]




Hình 20: Phục hi bát quái phương vị đồ


Nếu hiểu rằng Trời ở ngay Trung Tâm huyền diệu của vũ trụ; ở ngay trong tâm khoản con người, thì ta sẽ hiểu bài toán cao siêu mà Trời ra cho Nhân loại: Đứng trong khoảng càn khôn biến hóa vô lường làm sao tìm ra được lối về Trung Tâm bất biến? [6]

Biên khu luân lạc từ bao,

Tìm sao cho thấy đường vào Trung Dung ?

Đường Trung Dung linh lung ẩn khuất

Nẻo Bồng Lai gai lấp lau che !

Phục Hi đã giải bài toán đó trước tiên bằng mấy họa bản không lời. Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Chu Tử đều lãnh hội được vi ý của Phục Hi đã cố giảng giải cho ta, nhưng bức màn bí mật vẫn còn như khép kín, vì lời lẽ quá cao làm ta lạc lõng.



Hình 21: Vũ trụ tòng trung khởi nguyên đồ


Thiệu Khang Tiết là người đầu tiên giải thích rõ ràng hơn, chỉ vẽ cho ta biết đâu là đường lối Trời, đâu là đường lối người bằng cách đánh số tám quẻ, và bằng bài thơ sau đây:
 

«Nhĩ mục thông minh nam tử thân

耳 目 聰 明 男 子 身

Hồng Quân phú dữ bất vi bần

洪 鈞 賦 予 不 為 貧

Tu tham nguyệt quật phương tri vật

須 探 月 窟 方 知 物

Vị nhiếp thiên căn khởi thức nhân.

未 躡 天 根 豈 識 人

Càn ngộ Tốn thời quan nguyệt quật,

乾 遇 巽 時 觀 月 窟

Địa phùng lôi xứ kiến thiên căn.

地 逢 雷 處 見 天 根

Thiên căn, nguyệt quật thường lai vãng,

天 根 月 窟 常 來 往

Tam thập lục cung đô thị xuân.»

三 十 六 宮 都 是 春

Tạm dịch như sau:


Tai mắt: nam nhi đứng cõi đời,

Lòng mang Tạo hóa há đâu chơi !

Quyết thăm nguyệt động cho hay vật,

Cố hiểu thiên căn để biết người.

Trời nổi gió giông thông động nguyệt,

Đất vang sấm chớp lộ căn Trời.

Căn Trời động nguyệt thường lai vãng,

Ba sáu cung xuân trọn vẹn đời.

Hội ý Thiệu Khang Tiết, ta thấy rằng công cuộc tạo hành vũ trụ luôn đi từ chỗ phác giản đến tần phiền theo hình vẽ sau:

 
1 ➔ 2 ➔ 3 ➔ 4 ➔ 5 ➔ 6 ➔ 7 ➔ 8

Còn công cuộc tu luyện con người phải chia làm hai giai đoạn:

1. Nửa đời đầu (5 ➔ 6 ➔ 7 ➔ 8), đi từ phác giản đến tần phiền, Tinh thần phải mạo hiểm vào trần hoàn và vật chất để tìm hiểu vũ trụ, để mưu sinh. Đó là giai đoạn hướng ngoại, giai đoạn nghịch mà tinh thần sẽ bị nô lệ hoàn cảnh rất nhiều (khuất 屈), đó là giai đoạn ra đi (khứ 去 ).

2. Nửa đời sau (4 ➔ 3 ➔ 2 ➔ 1), đi từ tần phiền đến phác giản, từ thô đến tinh, dùng vật chất để tài bồi cho tinh thần ngày thêm cao đẹp cho đến chỗ thuần túy chí thiện, nên như ảnh tượng Trời (Càn 乾), khả dĩ có thể kếr hợp với Trời, vào yên nghỉ được ở Trung tâm huyền diệu của Vũ trụ (Thái cực, Trung Dung). Đó là giai đoạn thuận, giai đoạn trở về (lai). Trong giai đoạn này tinh thần dần dần sẽ chế ngự được hoàn cảnh, sẽ được thảnh thơi thoải mái (thân 伸).

Hai giai đoạn trên được xác định bằng đồ bản sau đây:

Nên nhìn kỹ 32 quẻ thiên tiên bát quái phía hữu, ta thấy hào sơ (hào nằm trong cùng) toàn là hào Âm; còn nhìn sang 32 quẻ phía trái, ta thấy hào sơ (hào nằm phía trong cùng) đều là hào Dương. Vì thế Hệ Từ đã nói: Nhất âm nhất dương chi vị đạo… Đó là lẽ «Âm Dương đối trĩ» của Dịch Kinh.

Thánh hiền thiên cổ đã đem quẻ Cấu «phong trần» để tượng trưng bước đầu đường luân lạc của con người, và đem quẻ Phục «hồi phục» để đánh dấu giai đoạn trong sáng của những người đã thấy «Thiên địa chi tâm».[7]

Đường lối này là theo đúng lẽ Âm Dương tiêu trưởng của đất Trời.

Giai đoạn đầu là «Dương tiêu Âm trưởng» con người sa đọa, lạc lõng dần vào cảnh phù du hư ảo bên ngoài, đem tâm thần bán rẻ lấy bát cơm manh áo, đem thân làm tôi tớ cho hoàn cảnh xã hội, mà vẫn lấy thế làm vinh dự. Trong giai đoạn này, vật chất dần dần đóng vai trò tối thượng. Nhưng có giai đoạn này thì giang san mới được tô điểm, hoàn cảnh vật chất của quần chúng mới được cải thiện. Tinh thần trong giai đoạn này dần thu gọn lại như một ánh sao trên bầu trời vân vũ.

Hệ Từ viết: «Con sâu đo nó co để rồi nó duỗi. Con rồng, con rắn nó ẩn để bảo tồn tấm thân. Có hiểu kỹ càng mới thấy lợi ích lớn lao. Cầu an thân trước rồi mới có ngày sùng Đức cả.»[8]

Đó tức là:

«Anh hùng khi gặc khúc lươn

Khi cuộn thời ngắn khi vươn thì dài.» (ca dao)


Giai đoạn sau là «Âm tiêu, dương trưởng». Tinh thần đã biết hướng thượng, tìm ra nguồn mạch cao cả của mình, và sẽ dùng vật chất làm thang mây mà tiến lần về Trời.
 
Trong giai đoạn này, tinh thần dần dần đóng vai trò tối thượng. Nó thích hợp với những người đã tuổi, đã già, những con người đã biết quẳng gánh lo, thoát vòng danh lợi để quay về tu luyện bản thân nêu gương sáng soi cho đời, mong kết hợp với Trời để được trường sinh bất tử. Ngược lại, vật chất xuống giá dần để cuối cùng biến thành chiếc xe mây cho khách du rong ruổi trên đường «thiên lý» sáng trong như ngọc thạch.

Con đường lý tưởng này gồm cả hai bề vật chất, tinh thần uyển chuyển diễn tiến theo đà tuổi tác, như một bài thơ, một bản nhạc mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao.

ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI LÝ TƯỞNG VỚI CHU KỲ NHẬT NGUYỆT TINH THÌN

Con người lý tưởng mong mỏi khi giã từ thế tục, tâm hồn sáng quắc như mặt trăng ngày rằm, như mặt trời chính ngọ, hay mặt Trời ngày Hạ chí. Mà kỳ diệu thay, nếu ta theo vòng Dịch trên mà đi tuần tự như vậy, thì ta sẽ thấy ta lúc thoát tục, cũng là trong lúc trăng tròn, hay lúc mặt trời chính ngọ.

Con người lý tưởng lúc sơ sinh cũng như vầng trăng vừa quá rằm đẹp đẽ. Nhưng dần dà lớn lên, lạc lõng vào cuộc đời tìm sinh kế, cũng như vầng trăng khuyết dần, mờ dần, đến lúc công danh ở đời rực rỡ, lợi lộc ở đời dồi dào, thì lại là lúc mà tinh thần nghèo nàn nhất.

Nhưng, con người lý tưởng không thể bị vật dục che mờ mãi; nhờ suy tư về sự chất chưởng bên ngoài, con người đó có ngày sẽ tìm lại được nguồn sống bên trong, sẽ dần dần tài bồi cho tâm hồn mình thêm hoàn bị, và lúc thoát ly cuộc đời, sẽ rực rỡ như trăng hôm rằm.

Con đường lý tưởng nói trên cũng vạch lại sự thăng trầm của vừng dương.

Sau ngày Hạ chí, mặt trời vào cung Cự Giải; ánh sáng và sức nóng một ngày một giảm cho tới cực độ ở ngày Đông chí.

Nhưng, từ ngày Đông chí trở đi, thì mặt trời lại nóng lên sáng lên dần mãi, đem ánh dương quang đượm nhuần cho hoa lá trổ sinh, tưng bừng rộn rã với ngày xuân, và dần dần trở lại ngôi vị tối thượng vào ngày Hạ chí.


Hình 22: Chu kỳ mặt trăng

Nếu xét vòng chu thiên trong một ngày đêm, thì cuộc đời lý tưởng của người quân tử lúc sơ sinh cũng đẹp y như mặt trời lúc quá ngọ. Lúc lớn lên, bị vật dục che mờ, người quân tử cũng như mặt trời trải qua những cảnh hoàng hôn và cảnh đêm dài tịch liêu u tối; nhưng rồi ra, con người lý tưởng ấy dần dà sẽ gỡ được mọi tần phiền, để cùng mặt trời, trang trọng hiện lên trên nhãn giới lúc bình minh muôn thủa cùng bình minh hứa hẹn một trời trong sáng mới và khi lìa thế sự, sẽ là «Nhật lệ trung thiên» sáng quắc cả bầu Trời…[9] Hơn nữa, con đường Hoàng Đạo mà người lý tưởng đi cũng là con đường mà Nhị Thập Bát Tú ruổi rong.

**************************         

ĐƯỜNG ĐỜI LÝ TƯỞNG VÀ LẼ BIẾN THÔNG CỦA 4 MÙA


- Đem sánh với bốn mùa, ta thấy con đường lý tưởng này hợp lẽ biến thông của thời tiết.

Lúc sơ sinh là lúc nhựa sống tràn đầy như muôn hoa khoe sắc trên cành sau ngày Hạ Chí. Lúc lớn lên bước dần vào cuộc đời, thấy làn tâm sự cũng dần ngã sang thu, và đến lúc hoa niên, khi đã tiêu pha hết vốn liếng tinh thần, khi đã:

«Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,

Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu.»

Tâm hồn lắm lúc cảm thấy lạnh lùng, như băng giá. Nhưng có sương tuyết lạnh lùng mới có lại ngày xuân ấm áp: Trong những giờ phút con người chán ngán nhân tình thế thái lại là lúc con người thấy mở tung trong tâm khảm mình một nhãn giới vô biên.

Thế là khi mái tóc hoa râm, thì tinh thần lại đượm màu xuân sắc. Một nguồn thơ mộng mới dâng lên giữa những cảnh ngộ éo le của cuộc đời. Mùa xuân đầy hy vọng trở về với một nguồn sống tinh thần mới …


Và cũng như cây đâm chồi nảy lộc, vươn mãi lên khung Trời trong ngày xuân ấm áp, tâm hồn cũng vươn mãi lên cho tới vinh hoa cao đẹp. Cuối cùng lúc từ giã cuộc đời, tâm hồn vẫn còn chứa chan nhựa sống như Trời mùa hạ. Bao công lao sự nghiệp của cuộc đời bây giờ nở tung như muôn hoa tươi thắm để không bao giờ tàn phai…


CON ĐƯỜNG LÝ TƯỞNG VỚI NHÂN TÂM THẾ ĐẠO


Con đường lý tưởng đó cũng rất phù hợp với nhân tâm thế đạo.

Con người ta bao ngàn năm nay, vì không hiểu định luật thiên nhiên nên đã không đi theo đúng nhịp thời gian tuổi tác, gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp, máy móc hóa một cuộc đời đáng lý là thơ mộng, hay lại quá phóng túng mình đến tan tác cả cuộc đời. Mặc dầu vậy, họ vẫn phác họa lại trong cuộc đời mình bóng dáng cuộc đời lý tưởng đó.

Bé thì thơ ngây, hồn nhiên vô tội; rồi dần dà trở nên phóng ngoại, trở nên tò mò, rồi cũng tranh đấu, xông xáo, cũng dấn thân vào phong trần vật chất như ai. Lúc mái tóc hoa râm, lắm lúc cũng thấy giật mình muốn đoạn tuyệt với cuộc đời phóng đãng của mình muốn «hồi tâm tu tỉnh». Khi trở về già thì không ai bảo ai, bất kỳ thuộc tôn giáo nào, con người cũng muốn quay về cùng Trời, Phật, Thần, Thánh, cũng kinh kệ tụng niệm như ai …

Càng dấn thân (engagement) vào đời phong vũ bao nhiêu lại càng mong muốn thoát thân (dégagement) ra ngoài vòng cương tỏa bấy nhiêu. Nếu như thấy được «Thiên địa chi tâm», tìm ra được ảnh tượng Trời trong đáy lòng mình là sẽ bước được vào con đường giải thoát.

Nói rộng ra, thì nhân loại cũng đang đi trên vòng càn khôn đó, nhưng chập chạp ….

Giai đoạn đầu là giai đoạn đạo hạnh phù phiếm xốc nổi bên ngoài, để rồi dần dần lạc lõng vào giai đoạn dị đoan mê tín. Càng phóng ngoại bao nhiêu, càng chạy theo cái học «Trục vật» bao nhiêu thì lại càng đi đến chỗ sa đọa tinh thần bấy nhiêu, càng «Nghịch thiên», «bối Thiên» bấy nhiêu. Nhưng chính nhờ giai đoạn sùng thượng vật chất này mà nhân loại đã giải quyết được những vấn đề mưu sinh, thích ứng với hoàn cảnh, nhân loại đã xây dựng được hạ tầng cơ sở cho vững chắc.

Nhưng, khi đã trưởng thành, khi đã quá đâm chém nhau, quá dè bỉu, ghen ghét nhau, quá bóc lột áp bức nhau, nhân loại sẽ dần dần trở lại sùng thượng các giá trị tinh thần vĩnh cửu. Hiểu cuộc đời theo lẽ Dịch nói trên sẽ mở một con đường tiến hóa bao la cho cá nhân cũng như cho nhân quần xã hội.

Cá nhân sẽ tùy theo tuổi tác mình, tùy theo «thời», tùy theo khuynh hướng của từng tuổi mà làm những công tác mình phải làm để cây đàn bản thân lúc nào cũng hòa âm đúng cung điệu tiết tấu gia đình, xã hội quốc gia, quốc tế, nhân loại và đất trời. Đó tức là biết «ứng biến theo trời».[10]

Nhân loại và cá nhân sẽ không ăn rễ sâu xa vào vật chất mà chỉ coi vật chất là phụ thuộc, văn minh vật chất là một chặn đường tiến hóa của mình, một lớp lang nhỏ bé trong tấn tuồng vĩ đại của Trời đất.


ÂU Á GẶP NHAU TRÊN ĐƯỜNG HOÀNG ĐẠO


Các nước cổ Ba Tư, Ai Cập, Chaldée không biết vòng Dịch chu thiên của Phục Hi, nhưng lại nghĩ ra vòng Hoàng Đạo với những ẩn ý tương tự vòng Dịch.

Vòng Hoàng Đạo cũng có 12 cung, ứng với 12 cung Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, v.v. của vòng Dịch. Cung Mùi là cung Cự Giải (cancer), cung Tý là cung Nhân Mã (Sagitaire), cung Sửu là cung Ma Yết (Capricorne), cung Ngọ là cung Song Tử (Gémeaux), v.v.


Hình 23: Vòng Hoàng Đạo đối chiếu với vòng Dịch


Thiệu Khang Tiết phân biệt hai chặn đường Cấu và Phục, thì Macrobe cũng cho rằng Cung Cự Giải là cửa người và Cung Ma Yết là cửa thần minh, đôi bên cách nhau một giải Ngân Hà. Giải Ngân Hà ấy phải chăng đã được tượng trưng bằng con đường lượn qua giữa vòng bát quái của Chu Dịch.[11]


Các sách cổ Á Đông dùng con rồng để tượng trưng các đấng thánh nhân, nên cũng cho con rồng biến hóa theo vòng Dịch trên: «Rồng có thể tối hay sáng, ngắn hay dài. Xuân phân bay bổng lên Trời, thu phân lặn sâu đáy vực.»[12]

Các sách cổ Ai Cập thì lại có câu chuyện thần thoại về thần Osiris (Thái Dương Thần) thay vào đó. Thần Osiris mới đầu cũng bị gian truân đọa đầy, sau Xuân Phân lại trở về ngôi cửu ngũ.[13]

Tóm lại, các Đồ Dịch cũng như vòng Hoàng Đạo, tuy không lời, nhưng chứa chan ý nghĩa.

Thiệu Khang Tiết nói: Đồ Dịch tuy không văn tự, nhưng ta nói suốt ngày cũng không ra ngoài được vấn đề, vì tất cả nghĩa lý của Trời đất muôn, muôn vật đều nằm trong đó.[14]

**************************         


Ý CỔ NHÂN


Thánh hiền Đông Á mượn chủ đề Dịch để biện minh thuyết «Nhất sinh vạn» và chỉ lối đường để ta có thể từ «Vạn qui nhất».[15]

Dịch gọi đó là phương pháp «Khai vật thành vụ»,[16] cho xem trước đầu đuôi chuyện đời rồi mới dạy cho biết cách hoàn thành lý tưởng.

Đường đời, theo Dịch Kinh, đều do một tâm điểm tung ra muôn vạn ngả. Ta có lao đao suốt đời cũng chẳng sao đi hết muôn vạn ngả đường. Càng phiêu lưu, càng lạc lõng. Càng đi sâu vào một con đường, càng thông tỏ chi tiết về một vấn đề, thì lại càng thấy mình bất lực kém cỏi, lại càng mù mờ về toàn thể vô biên. Đi ra vạn, phiêu lãng trên muôn vạn ngã đường, dù có thành công đến đâu, trong thâm tâm vẫn thấy mình như thân phận cánh bèo, bình bồng mặt nước chân mây, mà chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu, bởi vì vạn chỉ là như một bóng hình hư ảo của nhất:

«Đồ tri tụ xứ ninh tri tán,

Đãn thức phù thời ná thức trầm?» (thơ chiếc bèo).

Trở lại được với NHẤT sẽ là con người lý tưởng. Người xưa gọi thế là chí nhân,[17] chân nhân. Đào Hư Tử cho thế là tâm hồn trở về đấng có trước đất trời.[18]

Lối đường do «vạn qui nhất» đã được xác định bằng các đồ Dịch của cổ nhân, theo đúng chiều ngũ hành tương sinh.


Chu Hi cũng vẽ con đường đó bằng cách tán phân bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lên vòng càn khôn.


HAI NGẢ ĐƯỜNG ĐỜI


Con đường từ «Vạn qui nhất» trên vòng Dịch, mới trông tưởng là tròn trĩnh không kẽ hở. Nhưng thực ra con đường đó vẫn phân làm đôi ngả Âm Dương.

Nửa đời đầu, vì con người một ngày một chìm đắm vào bóng tối vật chất, nên Kinh Dịch gọi là Dương đạo, Thiên đạo, hay Càn đạo.[19]

Hệ từ viết: «Nhất âm nhất dương chi vị đạo. Kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã.» 一 陰 一 陽 之 謂 道. 繼 之 者 善 也,成 之 者 性 也.

Đường đời có 2 chiều: 1 chiều âm 1 chiều dương, bước vào đường đời đã là hay, đi cho đến cuối đường sẽ phục hồi được tính Trời.

Đi chiều âm, đi vào con đường vật chất sẽ tiến tới chỗ Bất nhân, chỗ không toàn thiện.


Đi chiều dương, đi vào con đường tinh thần: sẽ tiến tới chỗ Nhân chỗ toàn thiện.


Đức Khổng Tử nói: Đường có 2 ngả: «Nhân và bất nhân.» [20]

Đào Hư Tử, theo gợi ý đó, cũng đã viết: «Năm mươi năm đầu cuộc đời, là tiến số, là học để giúp đời; càng ngày càng phải tu nhân tích đức.» [21]



Luận ngữ viết: «Đến chừng bốn năm mươi, mà ta chưa nghe danh tiếng họ, chừng ấy ta chẳng còn sợ họ nữa.» [22]

Nhưng con người không phải quay cuồng mãi trong vũ trụ, mà ta cũng có lúc được vào Trung cung huyền diệu để làm chủ chốt vũ trụ. Bí quyết này được diễn tả bằng những hành động tượng trưng của Thiên tử xưa trong tòa Minh đường.

Mỗi năm, sau ngày Hạ chí vua sẽ vào Trung cung Minh đường, mặc hoàng bào và ở đó ít ngày, cốt tượng trưng quyền Thiên tử là khu hữu cho không gian và thời gian …[23]

KẾT LUẬN


Nghiên cứu các đồ Dịch chúng ta đã thấy các cổ nhân đã phơi bày lẽ «Càn khôn hạp tịch», đã tháo gỡ guồng máy Âm Dương, đem cài lên những bức họa không lời, để vẽ đường chỉ lối cho ta. Càng suy cứu vi ý cổ nhân, ta càng thấy lý thú. Đồ Dịch thiên nhiên còn phân ngôi chủ khách đem lẽ cát hung, thiện ác làm thành hai bức câu đối vĩ đại treo giữa đất Trời cho tao nhân mặc khách muôn đời thưởng thức.

Đôi câu đối này không đối chữ treo luật trắc bằng, nhưng đối quẻ, đối hào, đối ý, đối lý:


Cát吉      凶 Hung

Thiện善      惡 Ác

Chủ主      客 Khách

Tức là:


Đọc đôi câu đối trên, ta sẽ nghiệm ra phương pháp «xu cát tị hung», «ức âm tiến dương», «trưởng thiện tiêu ác» của người xưa, biết tới biết lui, biết tìm sự sống qua sự chết, biết tìm cái hay qua cái dở, tóm lại biết «Định luật tương đối» chi phối con người ra sao…

«Mới hay Không-Có chuyển vần,

«Dễ sinh ra Khó, Vắn nhân thành Dài.

«Thấp-Cao tùy ngó ngược xuôi

«Tiếng ca Trầm-Bổng giòng đời Trước-Sau.»[24]

Thế mới hay:

«Gẫm đạo lý có sau có trước ,

Lẽ âm dương có ngược có xuôi.

Ngược là gió cuốn bụi đời,[25]

Đẩy đưa vào chốn trần ai, cát lầm.

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Khi xuôi sấm chớp tơi bời,[26]

Tầng sâu bày giải căn Trời nội tâm.[27]

Trông tỏ đích chí nhân, chí chính,

Biết mục phiêu sẽ định sẽ an.

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường phối mệnh chu toàn tóc tơ …»

Hiểu thế ta sẽ tìm ra được vi ý cổ nhân, tìm ra được then chốt kho tàng sử sách Á Đông, ta ra được phương pháp khai thác kho tàng ấy.

Thật vậy, các thánh hiền Đông Á, từ Phục Hi, Hoàng đế, đến Nghiêu, Thuấn, Khổng Tử, Lão Tử khi soạn thảo sách vở, chỉ cốt xiển minh lẽ «Thiên nhân tương dữ» 天 人 相 與 (Trời người giao hảo), chỉ cốt tìm ra phương pháp thể hiện lý tưởng «Thiên nhân hợp nhất» 天 人 合 一 (Trời người hợp nhất) mà thôi.[28]

Cho nên cũng như Trung Dung chỉ cốt dạy con người biết kính sợ Trời tàng ẩn trong thâm tâm mình,[29] dạy con người đừng để cho tâm hồn tan tác, tả tơi trước gió giông hoàn cảnh, trước sự thử thách, cám dỗ bên ngoài, cải thiện bản thân đến chỗ hoàn thiện khả dĩ có thể sống kết hợp với Trời (Phối thiên) cùng đất trời trường sinh bất tử.


Nhưng Dịch và Trung Dung lại dạy ta đừng vội vàng; phải học đi trên đất rồi mới học bay lên trời, phải biết tìm miếng cơm trước khi tìm nghĩa lý, phải thực tiễn trước, lý tưởng sau. Thế mới biết là thời cơ, biết lẽ tiến thoái, biết uyển chuyển ứng phó với hoàn cảnh, biết biến thiên theo nhịp thời gian tuổi tác, để lúc nào đời cũng đẹp như thơ, lúc nào đời cũng nhịp nhàng tiết tấu như một khúc nhạc.[30]

Khúc nhạc đó thực tuyệt vời, có vui, có buồn, có nhanh, có chậm, lúc lâm li, lúc hùng tráng, lúc rạt rào như thác đổ đầu ghềnh, lúc khinh khoát, êm đềm như gió thu lướt qua hàng tơ liễu, lúc lặng lẽ như ánh tường vân lãng đãng xuôi Nam trên đường đời muôn dặm…

Thực là:

«Trời xanh dẫn dắt chúng dân

Như là tấu khúc nhạc huân nhạc trì

Trời, người, đôi ngọc chương khuê

Bên cho, bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm tay dắt khéo sao!

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi!» [31]

--------------------------
**************************         

CHÚ THÍCH


[1] Bản dịch Việt văn này theo bản Pháp văn trong quyển «L’importance de vivre» của Lin Yuntang, tr.123-124.

[2] J’ai déjà vu la plus grande moitié de cette vie flottante.

Ah qu’il y a un mot magique.

Ce mot moitié d’une portée si riche,

Il nous fait gouter plus de joie,

Que nous n’en pouvons posséder.

Le meilleur état de l’homme

Est à mi-chemin entre la vie,

Quand un pas ralenti lui permet le repos;

Le monde se trouve à mi chemin «entre la terre et le ciel»

Vivre à mi-chemin entre la ville et la campagne;

Avoir des fermes à mi-chemin entre les rivières et les montagnes;

Etre à demi savant, à demi châtelatin, à demi home d’affaires;

Vivre à moitié comme un noble,

Et à moitié comme le commun des gens;

Avoir une maison moitié belle, moitié laide

Moitié élégamment meublée et moitié nue;

Des vêtements moitié vieux, moitié neufs

Et une nourriture mi-rechercheé, et mi-simple;

Avoir des serviteurs ni trop intelligents, ni trop bêtes;

Une femme qui soit ni trop simple ni trop habile

Au fond, je me sens la moitié d’un Bouddha

Et presque la moitié d’un bienheureux taoiste.

La moitié de moi-même est tournée vers le Ciel,

L’autre moitié vers mes enfants,

Pensant à moitié comment assurer l’avenir de ma postérité,

Et à moitié comment me présenter devant Dieu,

Quand le corps sera laissé en repos.

Il est le plus sagement ivre, celui qui est à moitié ivre;

Et les fleurs à moitié en boutons sont les plus belles;

Les bateaux à demi voilés naviguent le mieux;

Et les chevaux avec les rênes à moitié tendues trottent le mieux.

Qui possède moitié trop est inquiet

Qui possède moitié trop peu désire posséder plus.

Puisque la vie est à la fois amère et douce

Celui qui n’en goute que la moitié est plus sage et plus intelligent.

Lin Yutang, L’Importance de vivre, p.123-124.

[3] Cố, quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dân. Khảo chư tam vương nhi bất mậu; Kiến chư thiên địa nhi bất bội. Chất chư quỉ thần nhi vô nghi. Bách thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc. Chất chư quỉ thần nhi vô nghi, tri thiên dã. Bá thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc, tri nhân dã. 故 君 子 之 道, 本 諸 身, 征 諸 庶 民. 考 諸 三 王 而 不繆, 建 諸 天 地 而 不 悖. 質 諸 鬼 神 而 無 疑. 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感. 質 鬼 神 而 無 疑 知 天 也. 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感, 知 人 也 (Trung Dung, ch.29)

[4] Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời. Âm dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, Dị giản chi thiện phối chí đức. 廣 大 配 天 地, 變 通 配 四 時. 陰 陽 之 義 配 日 月, 易 簡 之 善 配 至 德 (Hệ Từ Thượng)

[5] Trong khảo luận này, tác giả dùng chữ Trung để chỉ bất biến, chữ Dịch để chỉ biến thiên mà không dùng các nghĩa khác của chữ Dịch.

[6] Cf. Claude de Saint Martin, cité par Illan de Casa Fuerte, La Relligion essentielle, p.200: «… Le Principe suprême, source de toutes les puissances, soit de celles qui vivifient les pensées dans l’homme, soit de celles qui engendrent les oeuvres visibles de la nature matérielle; cet être nécessaire à tous les êtres germe de toutes les actions, de qui émanent (mot fatal, plume qui trahit) continuellement toutes les existences; ce terme fatal, vers lequel elles tendent, comme par un effort irrésistible, parce que toutes recherchent la vie; cet être dis-je, est celui que les hommes appellent généralement Dieu.

[7] Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ?                   
復 其 見 天 地 之 心 乎

Dương khí sinh lai trần mộng tỉnh                   
陽 氣 生 來 塵 夢 醒

Nhiếp tình hợp tính qui kim đỉnh                       
攝 情 合 性 歸 金 頂

Vận phù tam bách túc chu thiên                     
運 符 三 百 足 周 天

Phục khí tứ thời qui tĩnh định                           
伏 氣 四 時 歸 靜 定

Thất nhật thiên tâm dương vị phục                 
七 日 天 心 陽 未 復

Ngũ long bổng thánh côn lôn đỉnh                 
五 龍 捧 聖 崑 崙 頂

Huỳnh đình thập nguyệt sản linh đồng         
黃 庭 十 月 產 靈 童

Giá hạc lăng tiêu nhiệm du sính                     
駕 鶴 凌 霄 任 遊 騁

(Tiên thiên luận ngữ, tr.5)

[8] Xích quặc chi khuất, dĩ cầu thân dã. Long xà chi trập dĩ tồn thân dã. Tinh nghĩa nhập thần, dĩ chí dụng dã. Lợi dụng an thân dĩ sùng đức dã. 尺 蠖 之 屈, 以 求 伸 也. 龍 蛇 之 蟄 以 存 身 也. 精 義 入 神, 以 至 用 也. 利 用 安 身 以 崇 德 也 (Hệ Từ Hạ, V)

[9] Cours apparent du Soleil.

[10] Tri xu thời ứng biến. (Tính Lý, I,42)

[11] The Galaxy, Macrobius says, crosses the zodiac in two opposite points, Cancer and Capricorn, the tropical points in the sun’s course, ordinarily called the gates of the sun. These two tropics, before his time, corresponded with those constellations but in his day with Gemini and Sagittarius, in consequence of the procession of the equinoxes; but the signs of the Zodiac remained unchanged; and the Milky Way crossed at the signs Cancer and Capricorn though not at those constellations. Through these gates, souls were supposed to descend to earth and reascend to Heaven. One, Macrobius says, in his dream of Scipio, was styled the Gate of Men; and the other, the Gate of the Gods. Cancer was the former because souls decended by it to the earth; and Capricorn the latter, because by it they reascended to their seats of immortality, and because Gods… (Les Orphiques croyaient dans le Cancer le portail par où âmes entraient en incarnation sortant en multitude de la Voie Lactée…) (L’occultisme du Zodiaque, p.89)

….. Il est intéressant de voir que la naissance de l’univers se place tout au commencement du signe (Capricorne) était symbolisée par la naissance du Dieu solaire ou de l’enfant divin au solstice d’hiver, tandis que la dissolution de l’univers matériel, suivant les Écritures de l’Inde, se produit à la fin du signe… (ibid. 121)

[12] Năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường. Xuân phân nhi thăng thiên, Thu phân nhi tiềm uyên. 能 幽 能 明, 能 細 能 巨, 能 短 能 長 春 分 而 升 天 秋 分 而 潛 淵 (Léon Wieger, Textes philosophiques. Le Dragon I,15)

[13] Soon they personnified the sun and worshipped him under the name of Osiris and transmuted the legend of his descent among the winter signs, into a fable of his descent into the infernal region, and his ressurrection.

[14] Đồ (Tiên thiên đồ dã) tuy vô văn, ngô chung nhật ngôn nhi vị thường ly hồ thị, cái thiên địa vạn vật chi lý tận tại kỳ trung hĩ. (Tính Lý 1: Kinh Thế, tr.58, 59)

[15] Trình Phu Tử viết: Tri vạn lý qui ư nhất lý nhi bất tri nhất lý tán ư vạn sự, trùng trùng vô tận, vô tận trùng trùng, tự tha bất gián ư vi trần, thủy chung bất ly ư đương niệm, cùng huyền cực diệu, phi nhị thừa phàm phu chi sở năng tri dã. (Đạo dư lục 19).

[16] Thánh nhân chi ưu thiên hạ lai thế kỳ chí hĩ. Tiên thiên hạ nhi khai kỳ vật, hậu thiên hạ nhi thành kỳ vụ. (Dịch Kinh đại toàn, Dịch tự)

[17] Chí nhân chi tâm định vu nhất. 至 人 之 心 定 于 一 (Chẩm thượng ngữ, tr.1)

[18] Tâm phản vu tiên thiên chi tiên tắc siêu vụ hình số chi ngoại, xuất nhập sinh tử, bất vi hình số sở câu. 心 反 于 先 天 之 先 則 超 于 形 數 之 外, 出 入 生 死, 不 為 形 數 所 拘 (Chẩm thượng ngữ, tr.1)

[19] Cf. Dr. A. Besant, La Sagesse des Upanishads. p.92: Mais par la mort, s’ouvrent deux sentiers, le Pitriyâna ou sentier des Pitris, et le Devayâna ou sentier des Dieux. Ils nous sont très soigneusement, décrits dans quelques passages que je vais vous résumer, et que l’on trouve dans les Brihadaranyaka, Chândogya et Prasna Upanishads (Brah. Up. VI, II, 2-16; Chand. Up. V, II, Prasna I,9-10; Chand. 4. 15. 5; Chand. 5. 10. Bha. Gita 8,24-16)

Les mots indiquant obscurité tels que fumée, nuage, quinzaine sombre etc…) impliquent emprisonnement dans la matière et correspondent au retour sur la terre, par une nouvelle naissance; les mots signifiant lumière s’appliquent au triomphe du soi et correspondent au sentier des Dieux par lequel on ne retourne pas.

[20] Khổng Tử viết: Đạo nhị: nhân dữ bất nhân nhi dĩ hĩ. 孔 子 曰 道 二 仁 與 不 仁 而 已 矣 (Mạnh Tử, Ly lâu [thượng-2])

[21] Nhân sinh ngũ thập chi tiền vi tiến số, dụng thế chi học, đương nhất nhật chương nhất nhật. Ngũ thập dĩ hậu, vi thoái số, thùy thế chi học đương nhất nhật tích nhất nhật. 人 生 五 十 之 前 為 進 數, 用 世 之 學, 當 一 日 章 一 日. 五 十 以 後, 為 退 數, 垂 世 之 學 當 一 日 積 一 日.

[22] Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên tư diệc bất túc úy dã dĩ. 四 十, 五 十 而 無 聞 焉 斯 亦 不 足 畏 也 已 (Luận Ngữ, Tử Hãn, câu 22)

[23] Cf: Marcel Granet, La Pensée Chinoise, p.103: Mais le Chef ne peut poursuivre indéfiniment sa circulation périphérique sous peine de ne jamais porter les insignes qui correspondent au centre qui sont l’apanage du suzerain – Aussi quand est fini le troisième mois de l’été interrompt-il le travail qui lui permet de singulariser les diverses durées. Il se vêt alors de jaune et cessant d’imiter la marche du soleil, va se poster au centre du Minh t’ang. S’il veut animer l’espace, il faut bien qu’il occupe cette place royale et dès qu’il s’y arrête, c’est d’elle qu’il semble animer le temps: il a donné un centre à l’année …

[24] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch.2-2: Hữu vô tương sanh. Cao hạ chi tương khuynh. Nan dị chi tương thành. Âm thanh chi tương hòa. Trường đoản chi tương hình. Tiền hậu chi tương tùy. 有 無 相 生. 高 下 之 相 傾. 難 易 之 相 成. 音 聲 之 相 和. 長 短 之 相 形. 前 後 之 相 隨.

[25] Thiên phong 天 風 媾.

[26] Địa lôi phục 地 雷 復.

[27] Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ. 復 其 見 天 地 之 心 乎 (Dịch Kinh, Phục quái)

[28] Dịch chi vi thư, quảng đại tất bị, vô sở bất bao, nhi ngữ kỳ yếu quy, tắc vi minh: «Thiên nhân hợp nhất» chi đạo. 易 之 為 書, 廣 大 悉 備, 無 所 不 包, 而 語 其 要 歸, 則 為 明 天 人 合 一 之道 (Sách dịch thật mênh mông bao quát, nhưng đại khái là cốt xiển minh lẽ «Thiên nhân hợp nhất») cf. Chu Dịch – Trương Kỳ Quân, Trung Quốc ngũ thiên niên sử, đệ nhị sách – đệ thập nhị chương, Trung Quốc nhất chu, số 588.

Thánh nhân dĩ Dịch tẩy tâm, tự dữ thiên lý đồng lưu, Quân tử dĩ tâm thể Dịch, đương tri thiên lý đồng bản. (Đào Hư Tử, Chẩm thượng ngữ, tr.8)

... Trung Quốc tự Đường Ngu dĩ lai, tức hữu thiên nhân hợp nhất chi tư tưởng. Kính thiên tức sở dĩ ái nhân, ái dân tức sở dĩ tôn thiên. Lịch đại thánh triết, mạc bất kế tục hoành dương thử «thiên nhân hợp nhất» chi đạo. Lão Tử tức kỳ nhất dã. 中國 自 唐 虞 以 來, 即 有 天 人 合 一 之 思 想. 敬 天 即 所 以 愛 人, 愛 民 即 所 以 尊 天. 歷 代 聖 哲 莫 不 繼 續 宏 揚 此 天 人 合 一 之 道.老 子 即 其 一 也 (Lão Tử, Trương Kỳ Quân, Trung Quốc nhất chu, số 623, tr.21)

... Từ thượng cổ người Tàu đã có tư tưởng cho người ta sinh ra ai cũng bẩm thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy là một phần thiên lý. Vậy Trời với người quan hệ với nhau rất mật thiết lắm. Bởi thế, mới lấy pháp tắc tự nhiên của Trời làm cái mô phạm của người và cho thiên luân, thiên đạo là nhân đạo… (Trần Trọng Kim, Nho giáo, tr.39)

[29] Dịch đại khái dục nhân khủng cụ tu tỉnh. (Dịch Kinh đại toàn cương lĩnh, tr.11) – Trung Dung, ch.1.

[30] Cf.: L’Ecclésiaste 3,1 15, Bible Crampon p.745:

Pour tout, Il y a un moment, un temps pour chaque chose sous le ciel: temps d’enfanter, et temps de mourir; temps de planter, et temps d’arracher les plants;

Temps de tuer, et temps de guérir; temps de démolir et temps de bâtir; temps de pleurer, et temps de rire; temps de se lamenter, et temps de danser;

Temps de jeter des pierres, et temps de ramasser des pierres;

Temps d’embrasser, et temps d’écarter les embrassements;

Temps de chercher, et temps de perdre;

Temps de garder, et temps de rejeter;

Temps de déchirer, et temps de coudre,

Temps de se taire et temps de parler; temps de d’aimer,

et temps de haïr, temps de guerre, et temps de paix.

Quel profit, pour le travailleur, de la peine qu’il se donne?

J’ai considéré les occupations auxquelles Dieu

a donné aux enfants des hommes de s’occuper.

Toute chose, il l’a faite bonne pour tout temps;

C’est aussi l’infinité du temps qu’il a mis dans leur cœur,

Sans que l’homme puisse découvrir l’oeuvre

Que Dieu fait, de bout en bout.

…Tri xu thời ứng biến (Chính mông, Tính lý 1, 42)

[31] Thiên chi dũ dân                 
天 之 牖 民

Như huân như trì                 
如 壎 如 箎

Như chương như khuê       
如 璋 如 圭

Như thủ như huề                 
如 取 如 攜

Huề vô viết ích                     
攜 無 曰 益

Dũ dân Khổng dị                 
牖 民 孔 易

- Le ciel persuade le peuple doucement et sans violence L’obéissance du peuple suit l’influence du ciel spontanément comme la flute répond à l’ocarine, comme les 2 moitiés d’une tablette d’investiture s’adaptent, comme l’action de recevoir et celle de donner. Le peuple ne résiste pas à sa douce influence Gagner le peuple est chose facile. (Léon Wieger, Textes philosophiques 1,45)

- Heaven enlightens the people, as the bamboo flute respond to the porcelain whistle; as two half maces form a whole one; as you take a thing, and bring it away in your hand, bringing it away without any more ado. The enlightenment of the people is very easy. (James Legge, The She King, p.502).

-------------------
**************************         

Chương 13

SỬ QUAN THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

Con người cần được đặt lại vào trung tâm vũ trụ, điểm xuất phát của con người. Xưa khi trình độ hiểu biết còn thấp kém, con người đã xa lìa, thì nay, trong tay sẵn có những kiến thức mới về không gian con người cần phải quay về trung tâm điểm ấy.[1]

Nghiên cứu Trung Dung và Dịch lý, chúng ta có thể tìm ra một sử quan mới mẻ.

Xưa nay, nhiều người vì có quan niệm «tĩnh» về vũ trụ, nên cho rằng con người, đời nào cũng giống đời nào sinh ra là để chịu khổ sở gian truân, ngõ hầu đền bù những tội ác xa xăm và hiện tại; cho đời là bể khổ, đầy châu lệ, chỉ muốn thoát ly đời; cho xác thân là thù địch; cố dày vò thân xác để được coi là nhân là đức; cúi đầu chịu mọi sự gian nan thống khổ, coi đó là những hình phạt của thần thánh; suốt đời nơm nớp lo âu, khẩn cầu thần nọ thánh kia hộ trì cho mình siêu thoát, một khi nước mắt tắt hơi.

Một quan niệm như vậy dĩ nhiên làm mất hết vẻ hiên ngang và hùng khí của con người, coi con người như một thứ đồ chơi để thần minh tha hồ dập vùi theo ý thích, thương thì để nguyên, giận lên thì phá phách cho tan tác thành tro bụi, coi lịch sử như đã đi đến tuyệt đích không còn gì để diễn tiến nữa; tô vàng son cho một dĩ vãng mình không tham dự; oán than chê bai cuộc sống hiện tại, cho rằng chẳng mấy huy hoàng…

Nhưng, nếu ta có một cái nhìn bao quát cởi mở hơn, nếu ta có một quan niệm «động» về lịch sử, ta sẽ thấy con người thực ra, đã, đang, và còn, sẽ tạo cho mình một lịch sử rất ly kỳ, lắm truân chuyên, nhưng cũng lắm vinh quang. Trên thực tế, con người luôn luôn tiến hóa ấy.

Nói đến tiến hóa, tức là phải nói đến chiều hướng và mục phiêu của cuộc tiến hóa đó. Cho nên đề cập sử quan nhân loại, là đề cập chiều hướng tiến hóa của nhân loại, những giai đoạn dĩ vãng và tương lai trên con đường tiến hóa ấy, cũng như mục đích và kết quả của công cuộc tiến hóa ấy.

Trung Dung đã cho ta biết căn bản của nhân quần, thì cũng chỉ luôn cho ta biết mục phiêu của nhân loại. Đâu là căn bản vũ trụ, nhân quần? Trung điểm, Trời ... Đâu là mục phiêu của nhân loại của quần sinh? Cũng vẫn là Trời là trung điểm !

Vòng Dịch Phục Hi sẽ cho ta biết các chặng đường tiến hóa của nhân loại, từ ban sơ cho tới chung cuộc. Dịch Văn Vương phơi bày cho ta thấy cùng một lúc mọi giá trị của đất Trời.[2]

Ta thường thấy, trong Kinh Dịch, 64 quẻ xếp theo hình vuông, lồng trong 64 quẻ xếp theo hình tròn. Hình vuông tượng trưng cho không gian, cho các giá trị phô diễn đồng thời trong không gian. Hình tròn tượng trưng cho thời gian, cho các giá trị phô diễn liên tiếp trong thời gian.[3] Dịch là phản ảnh cuộc đời. Cho nên ta cứ việc nhìn bao quát các nếp sống của cá nhân và đoàn thể diễn ra cùng một lúc trong không gian hoàn vũ, là ta có thể suy ra được các lớp lang lịch sử của nhân loại liên tục diễn tiến trong thời gian….


Thực ra, vấn đề chiều hướng và giai đoạn của lịch sử không phải là một vấn đề mới mẻ.

Auguste Comte (1798-1857) trước đây, đã tìm ra ba giai đoạn của lịch sử:

1. Trạng thái thần quyền (état théologique).

2. Trạng thái siêu hình (état métaphysique).

3. Trạng thái thực tiễn (état positif).

Nhưng, ta thấy quan niệm trên chỉ cho ta biết dĩ vãng và một phần nào hiện tại, còn tương lai vẫn chìm đắm trong mơ hồ, bí ẩn.

Dựa vào Dịch và Trung Dung ta có thể tìm ra một chu kỳ lịch sử mênh mông bát ngát hơn nhiều.

Chúng ta, đại khái, có thể phác họa chu kỳ lịch sử nhân loại bằng chín giai đoạn sau:[4]

1. Giai đoạn thần quyền (Tốn)

2. Giai đoạn siêu hình (Khảm)

3. Giai đoạn thực tiễn (Cấn)

4. Giai đoạn vật chất (Khôn)

5. Giai đoạn giác ngộ (Chấn)

6. Giai đoạn nhân đạo (Ly)

7. Giai đoạn nghệ thuật đạo đức (Đoài)

8. Giai đoạn thiên đạo (Càn)

9. Giai đoạn toàn thiện toàn mỹ. (Giai đoạn huyền đồng, Thái cực)[5]


Chu kỳ lịch sử nhân loại khó ước lượng được là bao nhiêu năm. Thiệu Khang Tiết cho là 129.600 năm (360 x 360).[6]

Đã là diễn tiến của lịch sử cũng như của con người đều theo định luật doanh hư, tiêu tức, vãng lai, tiến thoái của đất Trời.

Trong nửa chu kỳ đầu, tinh thần dần dần suy, vật chất dần dà thịnh. Trong nửa chu kỳ sau, vật chất dần dà suy, tinh thần dần dà thịnh.[7]

Lẽ âm dương tiêu trưởng trong các học thuyết Âu Á

Nhịp điệu thăng trầm suy thịnh của lịch sử nhân loại cũng được áp dụng trong khúc hòa ca của vũ trụ và vạn vật.[8]

Lẽ âm dương tiêu tức vãng lai trong hoàn võ và trong con người

Đó là diễn tiến theo hai chiều âm dương của vòng Dịch.[9]

Dựa trên những hiện tượng lịch sử, thì nhân loại mới đang đi giữa giai đoạn thực tiễn và giai đoạn vật chất. Nghĩa là con đường tiến hóa của nhân loại còn xa lắc, xa lơ, tương lai nhân loại còn muôn vàn rực rỡ.

Con người còn phải lao lung vất vả, còn phải suy tư, lao tác, còn phải khám phá, còn phải khám phá, còn phải đào thải, còn phải lọc lõi nhiều mới tiến tới vinh quang được.

Đi đến hết giai đoạn vật chất, con người sẽ đi đến chỗ bế tắc, đến đầu đường; muốn khỏi tiêu diệt, tất nhiên phải quay lưng lại vật chất mà hướng về phía tinh thần, thế là Phục sinh, (Régénération Palingénésie), là Hồi phục (conversion). Dịch gọi thế là «Cùng tắc thông,» hay «cùng tắc biến».

Đi vào con đường vật chất tức là đi vào con đường trụy lạc, sa đọa tinh thần (dégénération, chute). Đi vào con đường tinh thần, là đi vào con đường giải thoát, phục sinh (rédemption, salut, régération).


Cổ nhân đã xác định thời kỳ hồi phục của con người. Thời kỳ ấy chính là thời kỳ đen tối nhất của nhân loại, tượng trưng bằng giờ Tý (nửa đêm); và bằng quẻ Khôn (hoàn toàn vật chất).[10]

Nhưng giữa tăm tối, ánh sáng sẽ hiện ra, giữa chết chóc sự tái sinh sẽ mầm mống; sau thời kỳ vật chất vô thần, con người sẽ hồi hướng và quay trở về với giá trị tinh thần.

Sự sinh lại ấy, người xưa ví như là con người được thai nghén lại một lần nữa, vì thế dùng chữ Tý 子  (Tý= Tử =Con), chữ Nhâm 壬 (đồng âm với chữ Nhâm  妊 có mang), chữ Thai 胎 để chỉ thời kỳ đó.[11]

Chu kỳ lịch sử tiên đoán bằng các Vòng Dịch, Can chi, và Trường sinh

Thời kỳ ấy là thời kỳ «Hồi Phục», vì nhân loại đã thấy được «thiên địa chi tâm».[12]

Theo sử quan này, thì con người mới đầu dĩ nhiên là phải gian truân, phải phong trần (Cấu = Phong trần), nhưng đến chung cuộc, sẽ được hiển vinh hạnh phúc (Càn = Trời, Đế Vương ; Bính đinh = Sáng sủa, rực rỡ, v.v.)[13] để rồi vào yên nghỉ trong Trung cung, trong Thái cực, Hoàng cực..

Mỗi cá nhân cũng phải đi theo đúng con đường đã vạch cho nhân loại và hoàn võ, nhưng tùy sự hiểu biết, tùy theo tốc độ của trí tuệ, tùy theo công phu tu luyện, thời gian trên trở nên co giãn vô hạn định:[14]

Vì:

- 129.600 cũng là một chu kỳ.

- 25.920 cũng là một chu kỳ.[15]

- Một năm cũng là một chu kỳ.

- Một tháng cũng là một chu kỳ.

- Một ngày cũng là một chu kỳ.

- Một hô một hấp cũng là một chu kỳ.

- Một chớp mắt cũng là một chu kỳ (vì cũng gồm hai chiều âm dương, động tĩnh, hạp tịch của Trời đất.)[16]

Con đường thăng trầm, gian lao ấy tức là con đường định mệnh của nhân loại. Theo từ ngữ Ấn Độ thì đấy là duyên nghiệp, duyên kiếp của con người (Karma). Tìm ra được vòng duyên nghiệp ấy mới biết đâu là con đường giải thoát…[17]

Mỗi giai đoạn lại cho con người trông thấy một khía cạnh của toàn thể bao la, mỗi giai đoạn lại làm cho con người giàu có thêm về một loại tư tưởng, lại khoác cho con người một bộ mặt mới.

Suy rộng ra, như trái đất có lúc xa lúc gần mặt trời, thì nhân loại cũng có lúc xa lúc gần Thượng đế, nhưng vòng tiến hóa con người đã vạch sẵn từ muôn thuở, cũng như vòng chu luân của trái đất và các vì sao đã được vạch sẵn khi chúng vừa được tạo dựng nên.

Thế tức là:

«Người tận thế, đất sét xưa nặn lại,

Hạt trường sinh gieo từ buổi hỗn mang,

Ngày khai thiên, Trời đã chép kỹ càng,

Toàn lịch sử của muôn nghìn thời đại.» [18]

Con người sinh ra đời, cần phải phát huy mọi khả năng của mình, thực hiện mọi giá trị tiềm ẩn trong mình, và chỉ được dừng chân đứng lại khi đã đạt mức chí thành, chí thiện[19] khi đã thoát mọi tình tướng, danh sắc hiện tượng bên ngoài, trở về được với hư vô, Diệu hữu,[20] vì mục đích của nhân loại cũng như của cá nhân là đạt tới toàn thể.

Nói tóm lại, Trung Dung, trung điểm vừa là khởi điểm vừa là cùng đích con người (alpha et omega), còn vòng Dịch với các hào quái tượng trưng cho sự thăng trầm, suy thịnh và các giai đoạn lịch sử con người.

--------------------------
**************************         

CHÚ THÍCH


[1] Man must be put back at the center of the universe, when he once began, and from which he fell away at the beginnings of knowledges of space at hand. (Ray Bradbury – Remembrances of things future.)

[2] Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ. 天 尊 地 卑, 乾 坤 定 矣. 卑 高 已 陳, 貴 賤 位 矣 (Dịch – Hệ từ thượng)

[3] L’ordre des successions concrétise le temps;

L’ordre des coexistences concrétise l’espace..

Occultisme et Magie en Extrême-Orient, p.91

... Donc, ce qui est simultané dans l’espace sera successif dans le temps. Ainsi l’espace et le temps sont convertible. (Postulat de l’auteur)

[4] Sử quan này dựa trên sự khảo sát các Đồ Dịch và hai định lý sau của tác giả:

a/. Cuộc đời của cá nhân lý tưởng tương ứng với lịch sử nhân loại.

b/. Các mẫu người cùng có trong không gian, sẽ diễn ra liên tiếp trong thời gian. (Ce qui est simultané dans l’espace, sera successif dans le temps)

... Cũng có thể chia chu kỳ lịch sử làm 13 thời kỳ như sau Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn, Phục, Lâm, Thái, Đại tráng, Quải, Càn và Thái cực.

[5] Cf. André Towianski, cité par Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p.222:... Les époques chrétiennes futures, quand les lois du Christ seront de plus en plus connues et appliquées, verront l’homme s’allumer en lui, toujours plus fréquemment, le feu de Jésus Christ; grâce à la force de ce feu, il s’élèvera, il se sanctifiera, et les bienfaits de Dieu descendront toujours plus abondamment sur la terre, jusqu’à ce que, durant la dernière période, et conformément à l’exemple suprême donné par Jésus Christ, le but terminal de l’homme sera atteint: l’accomplissement du Verbe de Dieu, la victoire complète sur le mal, la vie totale du Royaume céleste réalisée par l’homme sur la terre…

[6] Các triết gia Ấn Độ phỏng định một chu kỳ lịch sử nhân loại là:

4.320.000 năm (12000x360=1 ngày Brahma) chia thành bốn thời đại:

a/ Krita-Yuga (thời đại vàng) 1.728.000 năm.

b/ Treta-Yuga (thời đại bạc) 1.296.000 năm.

c/ Dwapara-Yuga (thời đại đồng đen) 864.000 năm.

d/ Kaliyuga (thời đại sắt) 432.000 năm.

Theo tỷ lệ: 4/10 + 3/10 + 2/10 + 1/10 = 10/10 =1

Cf. Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême-Orient, p.119.

Chu kỳ lịch sử nhân loại, khác với chu kỳ lịch sử vũ trụ: Một chu kỳ sau theo triết gia Ấn Độ là 4.320.000.000 năm (ibid., tr.129)-- (Xem thêm Raoul Auclair, Le Livre des Cycles, p.232; và Doctrine Secrète III 83 85; và A.E. Powell, Le système solaire, p.113)

[7] Cf. F. Tomlin, Les Grands Philosophes de l’Occident, p.210:

… Il (Fichte) affirme aussi que le but de l’humanité est la réalisation du moi. La chose en soi n’est pas inconnaissable; c’est notre propre ego, notre moi idéal. Prendre conscience de soi-même, c’est devenir libre. Mais la liberté ne s’atteint pas sans lutte, sans oppositon, sans conquête: le moi atteint donc la liberté en surmontant tout ce qui n’est pas lui-même – le non-moi, en fait, qu’il creé afin d’engager la lutte. Ce non-moi, c’est l’apparence, ce sont les phénomènes; et tandis que l’entendement perçoit le monde des phénomènes, concourt à le construire, la Volonté ou moi l’utilise, comme un ponton, improvisé pour découvrir la vérité qui se trouve au-delà. Agissante chez l’individu, cette dialectique l’est aussi dans la société, et vraiment, dans tout le cours de l’histoire. L’histoire n’est que histoire de la liberté, de la lute de l’homme pour la libération, l’histoire des vicissitudes de la liberté…

[8] Xem các đồ bản trang sau.

Cf. Ernest d’Aster, Histoire de la philosophie, p.124:

Origène: La création du monde, dans le temps, devient une creation éternelle qui, déjà, par ce changement, se rapproche fortement d’une émanation; derrière le Dieu fait Homme à une époque du monde, il (Origène) montre le Logos qui sort éternellement de Dieu; et pour les âmes elles-mêmes, il admet la préexistence.

… Par le retour de tous les êtres en Dieu, s’achève par conséquent un circuit – mais qui recommence et se renouvelle dans l’Eternité…

Grégoire de Nysse (né à Césarée en Cappodoce vers 335):

… Chez lui (Grégoire de Nysse) aussi, à la fin du mouvement circulaire, tous les êtres reviennent à Dieu…

Trông bao quát vòng lịch sử này, rồi đem áp dụng nó vào từng trường hợp mỗi quốc gia, các nhà chính trị có thể tùy thời mà thay đổi trọng tâm hoạt động để làm sao cho dân nước được sinh hoạt đều hòa, hạnh phúc. Khi dân chúng đói khổ, thì trọng tâm là khuếch trương canh nông kỹ nghệ, khi dân chúng yếu hèn, thì phải lo chấn chỉnh võ bị ngoại giao, khi dân chúng no đủ thì phải lo chấn hưng đạo đức, khuyến khích thuần phong mỹ tục, cổ vũ văn hóa tư tưởng cốt sao cho dân khỏi sa đọa vào vòng ăn chơi trụy lạc, tóm lại một quốc gia, cũng như một con người nó cũng có lúc sinh lúc trưởng, lúc mạnh lúc đau, lúc vinh lúc nhục, lúc sang lúc hèn, cái khóe của nhà cầm quyền là phải đoán xem nước mình đang ở giai đoạn nào trên con đường tiến hóa để tùy thời mà xử sự, tùy cơ mà ứng biến…

[9] … Et c’est le même mystère que celui de l’Involution et de l’Evolution, de l’Incarnation cosmique et de la rédemption universelle, ces deux versants conjugués du Cercle du Devenir.

(Raoul Anclair, Le livre des Cycles, p.238)

… Le temps éternel et indestructible comme la matière se divise en deux périodes: Utsarpini et l’Avasarpini.

Selon les Djaïns, l’Utsarpini est la période ascendante et l’Avasarpini la période descendante de la durée. (Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême-Orient)

… Phase de négativation (phase descendante): oui devient non-phase de positivation (phase ascendante): non devient oui.

Cf. Dr Jean Choain, La voie rationnelle de la médecine Chinoise.

… Le demi-cercle de gauche, représente l’ascension du soleil, le demi-cercle de droite la descente (Inn). Autrement dit, à gauche, le soleil va du Inn au Iang (le Iang monte et Inn descend); c’est la barque de Rà ascendant (mandjit) – à droite, il va «du Iang au Inn (le Iang descend et Inn monte). C’est la barque de Rà descendant (Sektet). (Ibid., p.125)

[10] Lúc ấy cũng là lúc con người tận dụng được vật chất (chí dụng).

[11] Xem các đồ bản trang sau.

1. Vòng tuần hoàn vạn vật theo thập nhị chi:

Vạn vật khóac hình hài, có mùi vị (未 = 味 ), thân thể (申 = 身也, 物 體 皆 成). Dần dà, lại thâu súc, thu liễm (酉 = 緧 縮 ), bị khắc sát, tàn vong 亥 = 刻 殺. 陰 氣 刻 殺 萬 物 ). Sau đó lại thai dưỡng (子 = 而 為 子 ), lọt lòng ra (丑 = 紐 ). Khai triển, diễn tiến 寅 = 演 ), tốt đẹp (卯 = 茂 ), phấn chấn (辰 = 震, 萬 物 盡 震 而 長 ), vươn mãi lên (巳 = 起, 物 畢 盡 而 起 ) đến chỗ trưởng đại (午 = 大 長 ).

2. Vòng tuần hoàn vạn vật theo thập can:

Vạn vật canh tân (庚 = 更 也. 辛 = 新 也 ) Rồi bế tàng, hoài thai, manh nha (壬 = 任 妊; 癸 = 揆 然 萌 芽 ). Rồi thoát khỏi vỏ, mà vươn lên (甲 =解 莩 甲 而 出. 乙 = 屈). Rồi sáng sủa rực rỡ (丙 丁 = 炳 然 著 現 ). Chung cuộc sẽ tốt đẹp, thành tựu. (戊 = 茂. 巳 = 起)

(Cf. Uyên hải tử bình, Cẩm Chương thư cục, Hương Cảng.) Cf. Maître Eckart cité par Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p.143: «Dieu avec toi» c’est alors qu’a lieu la naissance. Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ. (Dịch Kinh Phục quái)

[12] Phục quái. Dịch Kinh.

[13] Xem các đồ bản trang trước.

[14] … Cố năng niên trung thủ nguyệt, nguyệt trung thủ nhật, nhật trung thủ thời, thời trung thủ khắc. Xúc nhất niên tạo hóa ư nhất nhật chi nội, nãi ư nhất khắc chi nội hành nhất niên chi công. Đạo thiên địa, đoạt tạo hóa; thục hữu đại ư thử giả; thần thánh tai! nguyên diệu tai! 故 能 年 中 取 月, 月 中 取 日, 日 中 取 時, 時 中 取 刻. 蹙 一 年 造 化 於 一 日 之 內, 乃 於 一 刻 之 內 行 一 年 之 功. 盜 天 地, 奪 造 化, 孰 有 大 於 此 者; 神 聖 哉. 元 妙 哉 (Nhập dược kính 入 藥 鏡, tr.8)

… Toute la science du Yogin est d’enseigner aux hommes comment abréger, en intensifiant leur pouvoir d’assimilation, le temps nécessaire pour atteindre la perfection, au lieu de progresser lentement, d’étape en étape et d’attendre que toute la race humaine soit devenue parfait. (Marc Semenoff, Pour Connaître la pensée de Bouddha, p.167)

[15] Chu kỳ của mặt trời trên vòng Hoàng Đạo. Sau một chu kỳ 25.920 năm mặt trời lại ở vị trí cũ ngày xuân phân.

[16] Le rythme alchimique consistera dans la reproduction du rythme naturel, et la Grande oeuvre débutera à l’instant précis désigné par l’astrologie, celui où cesse la régression pour faire place à l’ascension (cf. Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ!…)

La seule différence sera qu’une fois en possession du grand secret, la marche de l’oeuvre ne parcourra plus les millénaires comme la nature elle-même mais se trouve réduite à quelques années, voire quelques mois. C’est donc bien une imitation de la nature dans son processus évolutoire que se propose l’alchimiste. (J. Chabosseau, Le Tarot, p.30).

[17] Définissons le Karma comme l’ensemble des étapes psychiques réalisées, en voie de réalisation et réalisables en vue de l’accomplissemet d’un cycle. En conséquence, nous prenons conscience de l’existence d’un Karma cosmique, d’un Karma universel, d’un Karma particulier à chaque élément manifesté dans la nature et par conséquence d’un Karma individuel humain. (L. Ferrer, Hatha – Yogin Occidental, p.38)

… La grande année, période entre deux conjonctions générales identiques, est finalement le multiple décimal de 432.000 soit 4.320.000 années solaires valant 12.000 années divines. (La science indienne antique – Histoire générale des sciences, Tome I, p.165). (Cf. Aussi: Cycles of time – Encyclopedia of religions, p.213).

[18] «Avec la première argile de la terre,

Ils pétrirent le dernier homme,

Et là ils ensemencèrent la graine de la moisson dernière.»

(Omar Khayam, cité par Eddington. Cyrill Wilczkowski, L’homme et le Zodiaque, p.35)

[19] Chỉ ư chí thiện 止 於 至 善.– Đại học, ch.I.

[20] L’absence abyssale de toute imagse rappelle le «Rien» de Boehm, le Vide (Shunya) du Véda, demeure de Brahman ou le Vide (Hsu Kung) du Taoïsme dont «le but ultime, le secret est l’union du soi avec le soi». (Dr Ervin Roussel, Seelische Forschung in lebenden Taoismus, Eranos Jahrbuch, 1933, p.151) -- … Có lẽ sách Khải huyền (Apocalyse) cũng đã mô tả nhân loại lúc chung cuộc, khi đã đạt tới Thái cực huyền đồng (Apocalypse 21,1-27; 22,1,1-5).

--------------------------
**************************         

Chương 14

NHỮNG ĐỊNH LUẬT CHÍNH CHI PHỐI

CON NGƯỜI VÀ HOÀN VŨ THEO TRUNG DUNG VÀ DỊCH LÝ

Nghiên cứu Trung Dung, Hà đồ, Lạc thư và Dịch, ta có thể tìm ra được nhiều định luật chi phối hoàn vũ và con người.

Nhưng trước khi đề cập ít nhiều định luật, chúng ta hãy dùng ngọn bút Thái cực, và hai màu sắc Âm Dương, cố phác họa lại đáng dấp của tâm hồn con người, một tâm hồn mung lung huyền ảo, đến nỗi nhiều người hiện nay vẫn còn đang tự hỏi nó có hay không:

«Thái cực sinh lưỡng nghi»…

«Có Thái cực, có Âm Dương,

Biến hằng vạch sẵn, đôi đường tử sinh.»

Thái cực là Hóa công là chân tâm, Đạo tâm hằng cửu. Âm Dương là hai động lực biến hóa trong Trời đất và trong lòng con người.

Cho nên dùng nguyên lý Âm Dương mà khảo sát tâm hồn, ta nhận thấy ngay trên bình diện biến thiên, tâm hồn cũng là hai mặt sáng tối.

Thực là:

«Hai vẻ mặt, một con người,

Trung tâm lại có Trời soi vào lòng.» [1]

Chân tâm bất biến và hai vẻ sáng tối của môt tâm hồn ấy đã được diễn tả bằng từ ngữ sau:

                                             

THÁI CỰC


Dương        Âm
 

     THẦN



Qui hồn   Du hồn


                THẦN

   


Khí                       Tinh


               TÍNH

   


Khí                        Tinh
 

    THẦN


Hồn         Phách
 

NHẤT LINH CHÂN KHÍ

 

Hồn           Phách
 

Olov R.T. Jansé, trong quyển Nguồn gốc văn minh Việt Nam, dựa vào các bằng chứng khảo cổ, cho rằng: «Người Trung Hoa và người Việt Nam thời cổ, quan niệm con người có hai bản tính vô hình[2]: một khí thiêng và một hồn đeo huyết tính. Sau khi chết thì khí thiêng biến thành một vị thần linh hay một vị cao siêu giúp đỡ nòi giống, giúp đỡ con cháu làm ăn an lành. Sự thờ cúng tổ tiên theo quan niệm đặc biệt ấy mà ra.

«Còn cái hồn mang huyết tính thì sống một đời sống vô định, nhạt mờ và mong manh rồi cuối cùng tiêu mất.[3]

«Ngôn ngữ Âu Á có hai danh từ để gọi sự trạng đó. Trong tiếng Pháp có hai chữ Esprit và Âme. Trong tiếng Latin có: Spiritus, Anima. Trong tiếng Hy Lạp có: Pneuma, Psyché. Phải chăng là chữ Esprit tương xứng với chữ Esprit Souffle[4] (khí thiêng) còn chữ Âme tương xứng với chữ Âme de sang (hồn theo huyết tính) như chúng tôi vừa nói! Có thể vậy.» [5]

Âm dương là một ngẫu lực (couple de forces), cho nên hồn phách bao giờ cũng cộng tác với nhau trên đường đời. Hai bên theo nhau như bóng với hình, cùng chung nhau dự tấn kịch đời: bên này tiến thì bên kia lui; bên kia thắng bên kia bại; bên này thịnh bên kia suy; giao tranh mà vẫn cộng tác; ngoài như thù địch mà trong vẫn là tình cốt nhục; gần gũi nhau mà vẫn tưởng chia phôi; như Sâm Thương, như Psyché và Amour, như Orphée và Eurydice, một ẩn một hiện, không bao giờ lộ diện cùng một lúc.

«Có biết đôi cành sinh cùng gốc,

Mới hay con cháu có ngàn muôn.» [6]

Quan niệm này có lẽ soi sáng được mâu thuẫn giữa con người, và hai khả năng tương phản của con người, vừa có thể tiến được về phía tinh thần, vừa có thể tiến được về vật chất[7] và giải quyết được mối tranh chấp cố hữu giữa tinh thần và vật chất bằng cách thu xếp cho mỗi bên nhượng bộ nhau một thời: con người, nửa đời trước sẽ tiến ra vật chất, nửa đời sau sẽ hướng về tinh thần, theo đúng cơ Trời, để có thể luân phiên làm hai công việc mưu sinh và tu đạo:

«Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời cho hợp cơ mầu thời gian.» [8]

Nếu cố chấp một bề, là người thiển cận, không biết quyền biến.[9]

Sách Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ viết: «Nhất linh chân tính một khi đã sa xuống cung Càn, liền phân thành hồn phách. Hồn là dương (Animus) sống tại «Thiên tâm», là khí khinh thanh phơi phới, từ Thái hư giáng hạ, nên cùng một hình ảnh như nguyên thủy. Còn phách (Anima) là âm, là khí trầm trọc nặng nề, bám víu vào phàm thể. Hồn thích sống, phách chực chết. Phách say mê những hình sắc chuyển động bên ngoài. Đó chính là thức thần.» [10]

Quan niệm như trên về tâm hồn con người phù hợp với định luật đối xứng của Trời đất: nghĩa là có hai vế đối đãi nhau ở hai bên một tâm đối xứng (Centre de symétrie).[11]

Phải chăng những hình «lưỡng long triều nguyệt», «lưỡng long tranh châu» đã vô tình hay hữu ý [12] phản ảnh lại quan niệm trên?


1. Định luật biến, hằng

Nhìn vòng Dịch tiên thiên, ta thấy mọi sự đều biến thiên, luân lưu, ngoại trừ tâm điểm. Nói cách khác chỉ có Trời, có Đạo là bất biến, còn muôn loài thì đều bị đẩy đưa trên vòng biến dịch, ảo hóa.

Đạo thể từ trung điểm tung tỏa nguồn sống khắp nơi, phát huy ra quần sinh vũ trụ, như vầng dương phát huy muôn ánh quang hoa. Mọi vật, mọi sự trên vũ trụ là văn vẻ, hay trạng thái của Bản thể duy nhất.[13]

Hiểu định luật này là hiểu huyền cơ Tạo hóa, và ý nghĩa cuộc đời. Bao lâu con người còn chạy theo những ảo ảnh bên ngoài, chạy theo hiện tượng, còn sống cuộc đời xốc nổi phù phiếm bên ngoài, thì bấy lâu con người còn sống trong cảnh phù du, tang thương biến đổi (devenir). Muốn thực hiện bản thân (Etre), phải biết thoát ly hiện tượng, sống đời sống tinh thần, kết hợp với Thượng đế.[14]

Lẽ biến hằng này cũng được diễn tả trong Phật giáo bằng những danh từ nghiệp chướng và Hư vô, luân hồi và Niết bàn,[15] vô thủy sinh tử căn bản và vô thủy Bồ Đề Niết bàn, Nguyên thanh tịnh thể.[16]

2. Định luật thuận nghịch

Đường đời như một vòng tròn có hai chiều thuận nghịch. Nếu đi theo chiều thuận, từ vô hình tiến ra hữu hình, là đi theo chiều «sinh hóa, lao tác» của vũ trụ, sẽ tìm ra được nhiều ứng dụng mới mẻ cho cuộc đời, nhưng dần dà sẽ tiến tới chỗ phàm phu, tục lụy. Nếu đi theo chiều nghịch, từ hữu hình trở ngược về vô hình, là đi theo chiều «thành», của vũ trụ, sẽ tìm ra được chân lý và tinh hoa của nhân loại, và dần dà sẽ tiến tới bậc siêu phàm thánh thiện.

Kinh Dịch dạy bí quyết đi ngược dòng đời.[17]

Muốn hiểu rõ vi ý của Trung Dung và Dịch lý cần hiểu rõ định luật tuần hoàn có hai chiều vãng lai, tiêu tức hợp lại thành một vòng càn khôn, gồm hai phần thuận nghịch.

Chiều thuận là chiều sinh của đất trời, từ nhất tỏa lan tới vạn, từ trên đi xuống dưới, sinh sinh không cùng.

Chiều nghịch là chiều thành của trời đất, từ vạn qui về nhất, từ dưới vươn lên cao, từ một dương biến dần thành sáu dương, biến hóa tính mệnh, bảo hợp Thái hòa, trở về cùng Nguyên thủy.[18]

Theo lẽ thường của trời đất, thì có đầu rồi mới có đuôi, có thủy rồi mới có chung, có Dương rồi mới có Âm, có sống rồi mới có chết...

Nhưng Dịch lại dụng ý nói ngược lại hết. Dịch nói: «Âm Dương», «tử sinh», «chung thủy». Đó là dựa theo sự biến hóa vô biên của trời đất để xiển minh lẽ «cùng, thông», bày ra hai chiều ngược xuôi, qua lại cho chu toàn thiên ý, nhân tâm, cho vạn lẽ sinh thành.[19]

Thực đúng như thi hào Tagore đã viết trong Duy nhất sáng tạo: «Vô hạn vì muốn biểu hiện mình, đã hạ xuống trong thiên hình, vạn trạng của hữu hạn; và hữu hạn vì sự thực hiện mình phải vượt lên cái duy nhất của vô hạn,có như thế vòng chân lý mới hoàn thiện.» [20]

3. Định luật Âm Dương điên đảo

Cũng như muốn cho đất đai sinh sôi nảy nở, cần phải đào bới xới lộn, để không khí dễ dàng thâm nhập vào trong, con người muốn thần thánh hóa mình, cũng phải đem Trời, đem tinh hoa nhân loại lồng vào trong lòng mình.

Trời ở trên đất, thì đất sẽ bị đè nén (Thiên địa Bỉ ) Lửa cháy trên nước, thì nước nóng làm sao (Hỏa thủy Vị tế ). Nhưng nếu đất chứa trời trong tâm, nếu nước mà được lửa hun nấu phía dưới thì sẽ phát sinh lợi ích vô biên (Địa thiên Thái  ; Thủy hỏa Ký tế ).

«Được thủy hỏa hai đường tương tế,

Ấy Âm Dương, hai vế hiệp hòa

Nuôi muôn vật, giúp dân ta,

Tham Thiên tán địa, thực là công ta.» [21]

Cũng một lẽ, bao lâu nhân loại chưa hay trong lòng mình có Trời, có Đạo, bao lâu nhân tâm không có Đạo tâm làm chủ chốt bên trong, thì bấy lâu con người sẽ còn lao lung, luân lạc.[22]

Bao lâu còn ấu trĩ, con người sẽ tưởng rằng Trời, hay sự toàn thiện phải tìm kiếm ngoài mình, nhưng khi đã trưởng thành thì sẽ nghĩ ngược lại, và sẽ tìm Trời, tìm tinh hoa và toàn thiện trong lòng mình. Định luật Âm Dương điên đảo này chẳng những áp dụng cho cá nhân mà sẽ áp dụng cho lịch sử nhân loại. Đó cũng chính là một tiêu chuẩn chính xác để quyết đoán xem ta còn ấu trĩ hay đã trưởng thành về phương diện tâm thần....

4. Định luật Âm Dương thác tống

Định luật này phân tôn ti quí tiện của Âm Dương, của tinh thần và vật chất, và còn dạy người phải biết tùy thời, lúc trọng Âm, lúc trọng Dương cho hợp cơ trời.

«Tống» bày lẽ dưới trên, áp dụng cho không gian, cho trường hợp tĩnh.

«Thác» bày lẽ trước sau, áp dụng cho thời gian, cho trường hợp động.


Không gian cốt để phô bày, phân phối các giá trị, để cho tâm thần trông thấy hết các giá trị thấp cao, la liệt bày ra trước mắt, mà định hay dở.

Thời gian cốt là để cho tâm hồn có cơ hội lần lượt thu thập và hưởng dụng các giá trị đó. Biết dùng thời gian chinh phục không gian, thu thập các giá trị, biết lúc nào phải trọng dụng loại giá trị nào ấy là biết «thời trung», uyển chuyển theo thời cho hợp thiên cơ, làm rung lên hết cả các phím tơ của cây đàn muôn điệu.[23] Có như vậy cuộc đời mới đầy đủ ý nghĩa và lúc nào cũng thơ mộng uyển chuyển. Nói thế có nghĩa là con người phải biết nhập thế, xuất thế, biết nhập thể, biết nhập thần (Descente de l'âme dans la chair et son retour vers l'esprit).

Mới hay:

«Thiên nhiên tự tính uy linh

Trong ngoài hai mặt một mình quán thâu.» [24]

5. Định luật tụ tán

Nếu ta chấp nhận trung điểm tâm thần ta là tâm điểm phát quang, ta sẽ nhận thức được định luật tụ tán của trời đất.

Càng tiến ra xa, càng tiến ra bên ngoài, thì ánh sáng càng yếu, càng mờ, càng bị tản mạn. Nhưng nếu tâm thần không bị chia năm sẻ bảy, thì ánh sáng tinh thần ấy sẽ có thể tập trung lại và trở nên xán lạn.

Tỏa lan, chiếu diệu ra bên ngoài, là để ứng phó với hoàn cảnh, nhưng nếu suốt đời cứ để tản mác ánh sáng tâm thần ấy mãi, nó sẽ như đàn bướm tung bay, chẳng đem lại được kết quả gì vĩ đại.

Người xưa còn cho rằng:

«Anh hoa phát tiết ra ngoài

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.» (Kiều)

Còn nếu biết tập trung ánh sáng tinh thần ấy lại, con người sẽ có thể trở thành thần minh.

Cho nên xưa nay, công phu tu luyện của thánh hiền đều là «Hồi quang phản chiếu», tập trung ánh sáng tinh thần lại. Trước thời còn tập trung trên một đề tài gì, gọi là chuyên tâm, chú ý (attention, méditation, concentration) nhưng sau khi đã tu luyện tinh thần rồi, sẽ tập trung tinh thần mà không cần đối tượng, đó chính là xuất thần (extase). Lúc ấy sẽ nhìn thấy thấu đáo những lẽ huyền vi của trời đất.

Đó là phương pháp «Thoái tàng ư mật» của đạo Nho, «nhiếp tâm pháp» của đạo Lão.[25]

Tập trung tinh thần rốt ráo sẽ đạt tới điểm hội tụ, sẽ tới Trung điểm, Tuyệt điểm. Thế là đạt tới «Thiên địa chi tâm» là Đắc Trung là Phối Thiên, là đạt tới điểm «đồng qui nhất chí» của Nho giáo, tới chỗ «Vô cảnh», ôm giữ được thuần nhất theo Trang tử,[26] tới «Bát nhã bình đẳng», hay tới Niết bàn của Phật giáo.

Sự tập trung tinh thần còn có những ích lợi thực tế khác. Khi một con người biết trầm tĩnh, ít lời, sẽ hàm súc nghĩ lý, xử sự sẽ hữu hiệu hơn và sẽ được nhười khác kính nể hơn.

Vả lại biết tập trung tinh thần, thì thần xác đỡ bị kích thích, thác loạn, dày vò, sẽ được thảnh thơi thoải mái, như vậy sẽ đỡ tật bệnh và sống lâu hơn...

Định luật tụ tán này có một giá trị rất là phổ quát, có thể áp dụng vào mọi lãnh vực. Ví dụ, trong đời sống thường ngày ai cũng ghét những người phá tán dù là sinh lực, hay là tài nguyên. Tập trung là tăng cường, phá tán là suy nhược, cho nên trong binh pháp khi cần công phá thì tập trung, khi cần ẩn lủi thì phá tán.

Ngay vũ trụ cũng bị định luật tụ tán chi phối. Nhà toán học A. Friedmann khi giải lại những phương trình của Einstein cũng kết luận vũ trụ có thể tụ tán, co giãn được...[27]

Suy rộng ra, thì ngay sự sinh thành, tuần hoàn, phản phúc, thủy chung của vũ trụ cũng đã được bao hàm trong định luật tụ tán; chung qui, muôn vật đều cùng khuôn theo một định luật tụ tán: Nhất tán vạn, vạn qui nhất.[28]

6. Định luật tiến hóa

Từ sự biến thiên vô hạn định, Trung dung suy ra sự tiến hóa vô hạn định của hoàn võ và con người:

«Đạo trời đất một câu tóm hết.

Làm muôn loài chẳng biết hai khuôn,

Nhưng mà sinh hóa khôn lường.

Đất trời đường lối mênh mang rộng dày,

Cao minh, trong sáng xưa nay

Xa gần, vĩnh cửu đó đây khôn lường.» [29]

Cho nên, nhờ sự tu luyện, con người cũng có thể trở nên hoàn thiện, «dữ Thiên đồng đức», vĩnh cửu vô chung.

«Việc Trời ngẫm xiết bao huyền ảo,

Thực sâu xa, ẩn áo khôn cùng,

Thực là đáng mặt Hóa công.

Đức vua Văn tinh thuần chói lọi.

Thế cho nên đáng gọi là Văn,

Tinh ròng vĩnh cửu, vô chung.» [30]

**************************         

7. Định luật tự cường bất tức


Trung dung và Dịch kinh đều chủ trương con người có thể tiến hóa vô hạn, và như vậy cần bắt chước trời đất cố gắng không ngừng, hoạt động không ngừng để tiến tới hoàn thiện...

Nhờ sự cố gắng không ngừng, mà thánh nhân sẽ có ảnh hưởng bao trùm vũ trụ. Đó là theo được đường lối của đất trời:

«Bậc chí thánh không hề ngơi nghỉ

Không nghỉ ngơi nên sẽ vững bền,

Vững bền muôn vẻ trưng lên,

Trưng lên vang dội khắp miền gần xa

Khắp gần xa ắt là dày rộng,

Đã rộng dày thời cũng cao minh.

Rộng dày để chờ chúng sinh,

Cao minh che khắp sinh linh xa gần,

Trường cửu để tác thành muôn vật,

Rộng dày nên cùng đất sánh duyên

Cao minh kết ngãi thanh thiên,

Vô biên, vô tận triền miên không cùng.» [31]

 Các thánh hiền Nho giáo chủ trương trong nhân tâm còn có Đạo tâm.[32]

Gia Cát Võ Hầu giải chữ tâm như sau:

«Hai người đứng ở bên mình,

Thái dương chói lọi một vành trên cao.

Lòng người thẳng rọi chiếu vào,

Tiên cơ đã biết thế nào hay chưa.» [33]

 Nghiên cứu mối tương quan giữa Nhân tâm, Đạo tâm chúng ta sẽ hiểu những lẽ:

- Chính, tùy

- Tinh, thô

- Hằng, biến

- Ẩn, hiện

- Thể, dụng

- Bản, mạt

- Đại, tiểu

- Lý, khí, v.v...



Nhìn vào đồ bản Dịch tiên thiên tròn, ta thấy các hào, từ vòng trong nhìn ra vòng ngoài, biến thiên nhanh chậm khác nhau tùy theo tỉ số 1, 2, 3, 4, 8, 16, 32.

Suy ra thì những tín ngưỡng và tư tưởng nhân loại cũng biến đổi nhưng rất chậm, còn phong tục, hình thức, lễ nghi bên ngoài biến đổi mau hơn.

Dịch Kinh còn đưa ra 1 đồ bản có 2 tầng lớp:

- Tầng ngoài, 64 quẻ xếp vòng tròn.

- Tầng trong, 64 quẻ xếp hình vuông.

Tròn chỉ động dụng, chỉ biến thiên của vạn hữu (dynamisme et changement).

Vuông trong tròn chỉ sự tĩnh lãng, sự bất biến của bản thể (stabilité et immutabilité), mà vẫn hàm tàng mọi biến thiên của vạn hữu.[34]

Nhưng nếu hai hình vuông tròn được tách rời khỏi nhau thì ý nghĩa lại khác. Lúc ấy vuông lại tượng trưng cho vật chất, sự bất động, sự bảo thủ;[35] tròn lại tượng trưng cho tinh thần, sự biến thiên, và tiến hóa.

1. Quan niệm bất động (Fixisme)

Nếu có quan niệm bất động, bất biến về cuộc đời, ta sẽ ít đếm xỉa đến thời gian và sức biến hóa vô biên của vũ trụ và con người. Theo quan niệm này, cái gì quý sẽ quý mãi; cái gì hèn sẽ hèn mãi. Càn nhất định phải ở trên, Khôn nhất định phải ở dưới. Dương phải hơn, Âm phải kém, v.v.

«Nguyên lý đồng nhất» (Principe d'identité) sẽ là nền tảng cho mọi suy luận. Nghĩa là: A là A

«Con vua thì lại làm vua,

Con thằng sãi chùa thì quét lá đa.»

Con người cũng có sự «tự ti mặc cảm», cho mình là hèn kém, nên hết sức tôn trọng những phát minh sẵn có, cho đó là tuyệt đối, tuyệt hảo, ôm ấp lấy dĩ vãng, gò bó mình vào trong những khuôn khổ tinh thần vật chất chật hẹp, ghét mọi sự đổi thay, cho đó là nguy hại.

2. Quan niệm biến hóa (Dynamisme et changement)

Theo quan niệm này con người sẽ chủ trương, vũ trụ thăng trầm, không có gì hay mãi, không có gì dở mãi. Tùy nơi, tùy thời, tùy quan niệm hay có thể biến thành dở; dở có thể hóa thành hay. Tinh thần cũng có lúc bị vật chất chi phối, cái chính cũng có khi phải thua cái tà, nhưng rồi ra vật chất sẽ hàng phục tinh thần, tà khuất sẽ rút lui nhường chỗ cho công chính. Đó là chủ trương của Dịch Phục Hi.

Khi con người đã biết lồng thời gian vào cuộc đời, đã biết cưỡi lên mình rồng biến hóa, thì nguyên lý đồng nhất không còn áp dụng được nữa:

A sau một thời gian cũng có thể là B,

B sau một thời gian có thể là C, v.v.

Chủ trương bảo thủ, bất biến là chủ trương của đại chúng, của những tổ chức chánh trị, tôn giáo bên ngoài; nó hữu ích vì kìm hãm được sự ngông cuồng của đại chúng, giữ gìn được trật tự xã hội.

Quan niệm biến hóa là con đường của hiền thánh, của Trời đất; nó biến ảo, cao siêu bao la vô tận, khó lường, khó đoán được.

Trung Dung và Dịch có một quan niệm rất biến hóa, uyển chuyển, không đặt giới hạn nào ngăn cách Âm Dương, chia rẽ tinh thần vật chất, mà chủ trương Âm biến Dương, Dương biến Âm, tinh thần biến thành vật chất (dégradation, régression), vật chất hóa thành tinh thần (évolution, sublimation).[36]

Phương pháp để tìm ra các định luật

Nếu coi Trung Dung như tâm điểm, và Dịch như một hay nhiều vòng tròn đồng tâm ta sẽ tìm ra những lẽ: 
     - Ẩn, hiện

     - Quân, thần

     - Hằng, biến

     - Nhất, vạn, v.v.

Đi từ trung tâm ra biên thùy, ra các vòng ngoài, là đi ra ngọn,[37] là lìa bỏ chân tâm,[38] là ra đi,[39] là quay lưng lại Trời,[40] chối bỏ Trời.

Đi từ «biên thùy» hoàn cảnh xác thân trở về «trung tâm» tinh thần bản thể, là trở về nguồn[41] là trở về chân tâm.[42] là trở về,[43] là quay mặt lại Trời,[44] tuân phục Trời.

Đó là hai giai đoạn diễn dịch (déduction), và qui nạp (induction), bao quát cả trời đất.

Nếu cho vòng Dịch quay tròn, ta còn thấy nhiều định luật khác như:

- Định luật tuần hoàn (loi du movement cyclique) [45]

- Định luật tiệm tốc (loi de l'accelération progressive)[46]

- Định luật ly tâm, hướng tâm (mouvement centrifuge et mouvement centripète)

- Định luật vãng lai (mouvement de va-et-vient) [47]

- Định luật phản phúc (loi d'inversion), v.v.

Nếu nghiên cứu ngẫu lực Âm Dương, coi chúng như hai vâng nhật nguyệt, hay như đôi trai thanh, gái lịch, lúc ghét nhau, lúc ưa nhau, lúc ly tán lúc đoàn tụ, lúc làm hại lẫn nhau, lúc lại hy sinh cho nhau, lúc chống đối nhau, lúc lại giúp đỡ nhau, ta sẽ hiểu và sẽ suy ra nhiều định luật về «Âm Dương» «sinh, khắc, chế, hóa, thành», «Âm Dương tiêu trưởng doanh hư», Âm Dương tương thôi, tương đối, tương đãng, tương thừa v.v... Vì những định luật âm dương đã lồng vào vũ trụ và trong con người.[48]

Tóm lại muốn suy ra các định luật đất trời, định luật tâm lý, ta có thể dùng những yếu tố sau đây:

1. Nghiên cứu tâm điểm và nhiều vòng tròn đồng tâm, để đứng yên, hoặc cho di động.

2. Nghiên cứu hai đối tượng Âm Dương và cho vần xoay, đảo lộn, hợp tan, để tìm ra các biến hóa.[49]

3. Nghiên cứu sự tăng giảm của Âm Dương trên vòng Dịch.[50]

4. Nhìn xem vũ trụ thiên văn, địa lý, lịch sử, nhân quần, xã hội, các hiện tượng tâm lý, theo các khía cạnh thẻ và dụng, bản thể và hiện tượng, và các khía cạnh tương tranh, tương thừa của hai sức mạnhtinh thần, và vật chất, của «chính», «tà», v.v.


Hình A: Âm Dương tương hợp
 

Hình B: Âm Dương tương thôi


Hình 24

Ngoài ra, Trung dung và Dịch lý còn đưa ra những tiêu chuẩn để nhận xét thế nào là chân đạo, thế nào là thánh nhân.


Trung Dung viết:

«Đạo quân tử phát xuất tự thâm tâm,

Đem trưng bày phổ cập tới thứ dân.

Khảo chứng tiên vương không có chi lầm lỗi,

Sánh với định luật đất trời không phản bội.

So quỉ thần, thấy đường lối đúng không sai,

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng hề có chê bai.

So quỉ thần đường lối đúng không sai,

Thế là đã biết lòng Trời đó;

Thánh nhân ngàn đời sau chẳng có chê bai,

Thế là đã biết lòng người tỏ rõ.» [51]

Thế là: để nhận xét chân lý và chân đạo, có những tiêu chuẩn được đưa ra:

- Tâm lý (critère psychologique)

- Xã hội (critère sociologique)

- Vũ trụ (critère cosmologique)

- Lịch sử (critère historique)

- Đại đồng phổ quát (critère d'universalité)

Tóm lại chân lý, chân đạo không phải là của riêng ai, mà là của chung hoàn võ, không lệ thuộc không gian, thời gian mà tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, tản mạn khắp mọi nơi, ẩn hiện trong lịch sử. Nhưng chân lý, chân đạo như viên ngọc quí phải có nhiều thiện tâm, thiện chí, ra công tìm cầu mới mong chấp hữu được.


Còn thánh nhân, không phải là những người hy sinh vì chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, hay có đức tính này, đức tính kia hơn người, mà là những người thông minh, duệ trí đem tư tưởng mình sáng soi muôn ngàn thế hệ; hoàn thiện, hồn nhiên, biết tiến thoái, biết lẽ tồn vong, uyển chuyển như bốn mùa, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, là những người đã đạt tới «thiên vị», «thiên đức», là những người có tâm hồn bao quát vũ trụ...[52]

Suy cho cùng, muốn tu thân, cần phải suy tư, tìm hiểu, phải quán triệt các định luật chi phối vũ trụ, thấu triệt bản thể tâm hồn mình.

Mục phiêu các thánh hiền xưa nay chỉ có một, lối đường thánh hiền xưa nay đi cũng chẳng có hai; tư tưởng của các ngài là những dấu, những mốc đã cắm trên con đường đó, cho hậu sinh khỏi lạc bước. Mục phiêu các ngài sau trước đều là tìm tuyệt đối thể đáy lòng. Con đường các ngài đi sau trước đều là con đường nội tâm, những nêu mốc đã cắm trên đường đó tức là tư tưởng các ngài; những phương pháp các ngài dùng chung qui chỉ là cố gắng học hỏi, suy tư, thoát sự kiềm tỏa của xác thân vật chất, sống trầm lặng, biết tập trung tinh thần, ôm ấp lấy Trời, lấy Đạo, lấy Tuyệt đối thể, đứng vững trên nền tảng bất biến ở trung tâm hoàn võ, trung tâm lòng người, nắm giữ tinh hoa, vứt bỏ phù phiếm bác tạp...

Muốn biết ta đã đi đến đâu trên con đường trời muôn dặm, ta hãy xem chí hướng của ta ra sao, tư tưởng ta thế nào, mong muốn của ta là gì, tầm mắt của ta đến đâu, độ lượng tâm hồn ta bao nhiêu, lòng ta rung động lên theo những loại giá trị gì... «Triết nhân tri kỷ».

Trung Dung viết:

«Biết xa gần, biết nguyên lai, bản mạt,

Biết lẽ vi hiển, vừa rỡ ràng vừa e ấp,

Là có thể bước vào nẻo đức, đường nhân.» [53]

Thiệu Khang Tiết viết: «Biết Dịch số là biết Trời, biết Dịch lý là biết Trời.» [54]


Hình 25: Vừng Thái dương tượng trưng Thượng Đế hay Thái Cực ngự giữa hoàn võ.


CHÚ THÍCH


[1] Vịnh chữ tâm của tác giả (xem tr.211).

[2] Từ ngữ của Olov R.T. Jansé.

[3] Cf. Saint Paul II Thessaloniciens 4, 23.

[4] L’esprit (ruah en hébreu, pneuma en grec, mot qui se rencontre 827 fois dans la Bible) c’est le souffle de vie qui est communiqué par Dieu… L’Âme (nephesch en hébreu, psuché en grec, mot mentionné 873 fois dans la Bible) désigne avant tout la vie individualisée, la vie passagère… (Charles Gerber, Le Chemin du Salut: L’homme est-il immortel).

[5] Cf.: Olov R. T. Jansé, Nguồn gốc văn minh Việt Nam, tr.13.

[6] Tu tri nhất bản sinh song cán, 須 知 一 本 生 雙 幹

Thủy tín thiên nhi dữ vạn tôn. 始 信 千 兒 與 萬 孫

Dịch Kinh đại toàn, quyển 1, tr.35.

[7] Dương chủ nhân, Âm chủ vật. 陽 主 人 陰 主 物.

Dịch Kinh đại toàn, quyển 1, tr.40. Xem hình 24, tr.268.

[8] Tiên thiên chi nhi Thiên phất vi. Hậu thiên nhi phụng Thiên thời. 先 天 之 而 天 弗 違. 後 天 而 奉 天 時 (Dịch, Khôn quái)

[9] Dương tượng trưng bằng Càn (3x3=9). Âm tượng trưng bằng Khôn (2x3=6). Sự toàn thiện của Trời đất gồm đủ sinh thành là 5+0 (Ngũ thập cư trung)= 15. Vậy con người phải có đủ hai mặt Âm Dương (9+6=15)

[10] «Nhất linh chân tính» ký lạc càn cung tiện phân hồn phách. Hồn tại Thiên tâm Dương dã, khinh thanh chi khí dã. Thử tự Thái hư đắc lai, dữ Nguyên thủy đồng hình. Phách âm dã, trầm trọc ư khí dã, phụ ư hữu hình chi phàm thế. Hồn hiếu sinh, phách vọng tử. Nhất thiết hiếu sắc khí động, giai phách chi sở vi; tức thức thần dã. Tử hậu hưởng huyết thực. Hoạt tắc đại khổ. Âm phản âm dã, dĩ loại tụ dã. Học nhân luyện tận âm phách tức vi thuần dương. 一 靈 真 性 既 落 乾 宮 便 分 魂 魄 魂. 在 天 心 陽 也 輕 清 之 氣 也. 此 自 太 虛 得 來 與 元 始 同 形. 魄 陰 也 沉 濁 之 氣 也 附 於 有 形 之 凡 體. 魂 好 生, 魄 望 死. 一 切 好 色 動, 氣 皆 魄 之 所 為. 即 識 神 也. 死 後 享 血 食. 活 則 大 苦. 陰 反 陰 也. 以 類 聚 也. 學 人 煉 盡 陰 魄 即 為 純 陽 (Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, tr.4)

[11] Thực ra: đối xứng nhau về hình thức mà bất đối xứng trong thực tế.

[12] Cf. Hình Caducée. Théosophie et Science (A.Tanon), tr.499. Hình Thái cực Âm Dương của Ai Cập (I-SO) Papus La Cabbale, tr.95.

[13] Cf. Trang Tử, Tề vật luận: Bất dữ vật thiên, mệnh vật chi hóa, nhi thủ kỳ tông. 不 與 物 遷, 命 物 之 化 而 守 其 宗.

[14]..»L’idée de Dieu est une forme de l’idée de l’infini. Tant que le mystère de l’infini planera sur la pensée humaine, des temples seront élevés au culte de l’infini, que le Dieu s’appelle Brahma, Allah, Jéhova ou Jésus (Pasteur) Q.S. Janvier 1965, No 1, p.8.

[15] Au milieu est le Rien, dit Bouddha... autour nous prenons des formes diverses,… des personnalités diverses selon l’enchaýnment du déterminisme univesel… Le Karma est l’océan du tout; en lui, les formes qui ne sont rien, s’enchaýnent avec rigueur… En un mot, le Karma n’existe que dans les limites du moi et là, il existe, mais aussitôt que je suis sorti de là pour rentrer dans le Soi universel, il n’a plus de sens… (Marianne Verneul, Dictionnaire pratique des Sciences Occultes, Karma, p.236).

[16] Cf. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, q.1, Phật học nghiên cứu hội Linh Sơn xuất bản, tr.56: «A Nan! Ngươi muốn tu cho thành đạo thì phải biết hai thứ căn bản: một là căn bản của vô thủy sinh tử và hai là căn bản của vô thủy Niết bàn. Căn bản sinh tử tức là hiện nay ngươi và chúng sinh đều lấy tâm vọng tưởng mà nhận làm tự tính đó. Còn căn bản Niết bàn tức là cái «Thức thứ tám» vi tế tư tưởng của người hiện đang có ngày nay gọi là Thức tính đó.»

[17] - Dịch nghịch số dã... 易 逆 數 也 (Hệ từ hạ)

- Diên lưu tố nguyên 沿 流 溯 源 (Dịch kinh đại toàn, tr.76)

- Thuận tắc nhân, nghịch tắc tiên 順 則 人 逆 則 仙

 (Đạo Nhất Tử 道 一 子, Tu chân bất tử phương 修 真 不 死 方, tr.16)

- Thái hư thị viết: Đơn đạo thánh công bất ngoại hoàn phản. 太 虛 氏 曰: 丹 道 聖 功 不 外 還 返. Thượng phẩm đơn pháp 上 品 丹 法, tiết thứ 7.

[18] Cố viết: số vãng giả thuận, thuận kỳ thiên địa sinh lục tử, tự thượng há hạ, sinh sinh bất tức chi nguyên lý, vô thời hoặc vi, tri dĩ tàng vãng dã. Tri lai giả nghịch, nghịch dụng lục tử chi lực, hạ học thượng đạt, tự nhất dương, nhị dương, tam dương, tứ dương, ngũ dương nhi lục dương, biến hóa tính mệnh bảo hợp Thái hòa. 故 曰 數 往 者 順, 順 其 天 地 生 六 子, 自 上 下 下, 生 生 不 息 之 原 理 無 時 或 違, 知 以 藏 往 也 知 來 者 逆, 逆 用 六 子 之 力 下 學 上 達 自 一 陽 二 陽 三 陽 四 陽 五 陽 而 六 陽, 變 化 性 命 保 合 太 和 (Thái cực quyền bổng đô thuyết, tr.52)

... Thị cố Dịch nghịch số dã 是 故 易 逆 數 也 (Hệ từ hạ)

[19] Thiên đạo chi thường tiên dương nhi hậu hữu âm, tiên thủy nhi hậu hữu chung, tiên sinh nhi hậu hữu tử; kim Dịch sở ngôn nhi viết: Âm dương, viết: chung thủy; viết: tử sinh giả giai giáng nhất đẳng nhi thủ kỳ biến dã. Cái tự kỳ thường giả nhi ngôn chi đãn kiến kỳ tiên hậu lưỡng sự chi cùng yên. Tự kỳ biến giả nhi ngôn chi, tắc cùng nhi phục thông, vị thường dĩ dã... 天 道 之 常 先 陽 而 後 有 陰, 先 始 而 後 有 終, 先 生 而 後 有 死; 今 易 所 言 而 曰: 陰 陽 曰 終 始;曰 死 生 者 皆 降 一 等 而 取 其 變 也. 蓋 自 其 常 者 而 言 之 但 見 其 先 後 兩 事 之 窮 焉. 自 其 變 者 而 言 之, 則 窮 而 復 通, 未 嘗 已 也 (Tống Nguyên học án, q.62, tr.17: Thái Uyên)

[20] Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, q. III, tr.9.

[21] Thủy hỏa tương tế, Âm Dương tương khế, Dục vật tân dân, tham thiên tán địa. 水 火 相 濟, 陰 陽 相 契, 育 物 新 民, 參 天 贊 地 (Bí bản Gia cát thần số, bài 362)

[22] Dịch Càn hạ Khôn thượng vi Thái; ngoại Khảm nội Ly vi Ký tế. Dưỡng sinh gia chi thủ Khảm điền Ly, phản lão hoàn đồng giai thủ nghịch dã... Dịch nghịch số dã. Dương thượng, âm hạ nhi tất viết: nhất âm nhất dương chi vị đạo, âm tiên ư dương, chính bất trắc chi thần dã. 易 乾 下 坤 上 為 泰; 外 坎 內 離 為 既 濟. 養 生 家 之 取 坎 填 離, 返 老 還 童 皆 取 逆 也... 易 逆 數 也. 陽 上 陰 下 而 必 曰: 一 陰 一 陽 之 謂 道, 陰 先 於 陽, 正 不 測 之 神 也 (Nhiếp sinh tam yếu 攝 生 三 要, thượng, tr.4)

- Cf: Vương xương Chỉ, Chư tử đích ngã kiến tr.68: Thất kỳ chân tể, mang muội nhất sinh... 失 其 真 宰 茫 昧 一 生.

[23] Cf: Thác, Tống. (Dịch kinh lai chú đồ giải, q.I, tr.38, 39, 40, 41): Thác giả Âm Dương tương đối dã. Như Càn thác Khôn. Tống tự chi nghĩa tức chức bố bạch chi tống hoặc thượng hoặc hạ chi đảo chi giả dã; như Tốn Đoài, Cấn Chấn; như Truân Mông... 錯 者 陰 陽 相 對 也. 如 乾 錯 坤. 綜 字 之 義 即 織 布 帛 之 綜 或 上 或 下 之 倒 之 者 也, 如 巽 兌, 艮 震, 如 屯 蒙.

[24] Tính chi đức dã hợp nội ngoại chi đạo dã. 性 之 德 也 合 內 外 之 道 也 (Trung Dung, ch.14)

[25] Dư thường vị thử nhiếp tâm pháp; nhĩ tâm hữu sở y tắc định, tâm định tắc thần vương. 余 嘗 謂 此 攝 心 法, 爾 心 有 所 依 則 定, 心 定 則 神 王 (Hàm phân lâu bí cấp, tập 7. Tây sơn nhật ký)
 
[26] Nam Hoa kinh, Tề vật luận.

... Ngụ chư vô cảnh. 寓 諸 無 境.

... tham vạn tuế nhi nhất thành thuần. 參 萬 歲 而 一 成 純.

[27] Cf.: G. Gamow, La création du l'univers, tr. xiv, xv, 25 et ss.)

[28] Trình phu tử tri vạn lý qui ư nhất lý, nhi bất tri nhất lý tán ư vạn sự, trùng trùng vô tận vô tận trùng trùng, tự tha bất gián ư vi trần, thủy chung bất ly ư đương niệm, cùng huyền cực diệu, phi nhị thừa phàm phu chi sở năng tri dã. 程 夫 子 知 萬 理 歸 於 一 理, 而 不 知 一 理 散 於 萬 事, 重 重 無 盡 無 盡 重 重, 自 他 不 間 於 微 塵, 始 終 不 離 於 當 念, 窮 玄 極 妙, 非 二 乘 凡 夫 之 所 能 知 也 (Đào Hư Tử, Đạo dư lục, tr.19)

[29] Trung Dung, ch.26.

[30] Trung Dung, ch.26.

[31] Trung Dung, ch.26. Tất cả chương này đều đề cập sự tiến hóa của thánh nhân, cũng như của hoàn võ. Cf.: Chương XVI Tổng luận của sách này.

[32] Cf. G. Jung, Psychology and Alchemy, p.455, 456:... But if we try to understand the phenomenom from inside, i. e., from the standspoint of the psyche, we can start from a central position where many lines converge, however far apart they may be in the external world. We are confronted with the underlying human psyche which, unlike consciousness hardly changes at all in the cours of many kenturies. Here, a truth that is two thousand years old is still the truths to day - in others words, it is still alive and active. Here too, we find those fundamental facts that remain unchanged for thousand of years and will still be unchanged thousand of years hence...

[33] Lưỡng nhân tại bàng, Thái dương tại thượng, chiếu nhữ nhất thốn tâm, tiên cơ tằng minh phủ. 兩 人 在 旁, 太 陽 在 上, 照 汝 一 寸 心, 仙 機 曾 明 否 (Bí bản Gia Cát thần số, bài 353)

[34] Le carré signifie l’immuable stabilité du Principe. (Pierre Grison, Angkor ou l’univers manifesté, 114-115, p. 356.

[35]... Aspect statique ou terrestre du mandala. (Ibid., p.356)

[36] Âm cực sinh Dương, Dương cực sinh Âm. 陰 極 生 陽 陽 極 生 陰. Vô Dương tắc Âm vô dĩ sinh, vô Âm tắc Dương vô dĩ hóa. 無 陽 則 陰 無 以 生, 無 陰 則 陽 無 以 化.

[37] Tồ uỷ 殂 委.

[38] Ly tâm 離 心 (mouvement centrifuge)

[39] Vãng 往.

[40] Bối thiên 背 天.

[41] Qui nguyên 歸 原.

[42] Hướng tâm 向 心 (mouvement centripète)

[43] Lai 來, hoàn phản 還 返.

[44] Thuận thiên 順 天.

[45] Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. 天 地 循 還 終 而 復 始.

[46] Từ Cấu đến Độn 16 quẻ. Độn đến Bĩ 8 quẻ. Bĩ đến Quan 4 quẻ. Quan đến Bác 2 quẻ. Bác đến Khôn 1 quẻ.

Lại từ: Phục đến Lâm 16 quẻ. Lâm đến Thái 8 quẻ. Thái đến Đại Tráng 4 quẻ. Đại Tráng đến Quải 2 quẻ. Quải đến Kiền 1 quẻ.

[47] Vãng lai giả dĩ nội ngoại ngôn, dĩ tiêu tức ngôn dã. Tự nội nhi ngoại vị chi vãng, tự ngoại nhi nội, vị chi lai. 往 來 者 以 內 外 言, 以 消 息 言 也 自 內 而 外 謂 之 往, 自 外 而 內 謂 之 來 (Tống Nguyên học án, q.37, tr.3)

[48] Cf. Jean Chabosseau, Le Tarrot, p.62:... Ce cycle des lois de la nature presénte l'analogie alchimique de l'ordre incressant des évolutions et des involutions atomiques et de leur désintégration consécutive à leur régrégation: les fluides s'échangent, les natures pénètrent, - la roue entre en mouvement, - «le Feu de la Roue», - les changements s'opèrent... l'inférieur s'élève vers le supérieur, le fixe va vers le volatil, et celui-ci descend dans la substance, «pour accomplir les miracles d'une seule chose».

Cf. C.G.Jung, Psychology and Alchemy, p.357:... The alchemical parallel to this antagonism is the double nature of Mercurius which shows itself most clearly in the Uroboros, the dragon that devours, fertilizes, begets, and slays itself and brings itself to life again. Being hemaphroditic it is compounded of opposites and is at the same time their uniting symbol, at once deadly poison, basilisk, scorpion, panacea and saviour...

[49] Nghiên cứu Dịch, ta thấy 64 quẻ là do tứ tượng chồng ba, phát sinh 4 x 4 x 4 = 64. Dưới đây xin trình bày một trong những phương pháp phát sinh 64 quẻ và sự tương ứng của chúng với 64 nucléotides trong khoa Génétique.



Ta đặt: Dương ━━━ và Âm ━ ━ .

 Âm Dương chỉ có 4 cách phối hợp: Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm (xem hình).

(A = adenylic acid, G = guanilic acid, C = cytidylic acid, U = uridylic acid)

Nếu ta nhận như hình dưới đây :-


Và cho xếp chúng chồng lên nhau 3 lần ta sẽ có:

I. AAA, AAG, AAC, AAU, AGA, AGG, AGC, AGU

II. ACA, ACG, ACC, ACU, AUA, AUG, AUC, AUU

III. GAA, GAC, GAU, GGA, GGG, GGC, GGU

IV. GCA, GCG, GCC, GCU, GUA, GUG, GUC, GUU

V. CAA, CAG, CAC, CAU, CGA, CGG, CGC, CGU

VI. CCA, CCG, CCC, CCU, CUA, CUG, CUC, CUU

VII. UAA, UAG, UAC, UAU, UGA, UGG, UGG, UGU

VIII. UCA, UCG, UCC, UCU, UUA, UUG, UUC, UUU

I/ Tức là Càn, Quải, Đại hữu, Đại tráng, Tiểu súc, Nhu, Đại súc, Thái.

II/ Lý, Đoài, Khuê, Qui muội, Trung phu, Tiết, Tổn, Lâm, Đồng nhân, v.v.

Xem Isaac Asimov, The genetic code, tr.162, 163. Phải chăng hiện tượng sinh lý cũng theo định luật Dịch?)

[50] Sự tăng giảm này theo định luật Âm tiêu, Dương trưởng, và Dương tiêu Âm trưởng trong bát quái, và định luật Nhất trinh bát hối: 1 quẻ dưới đứng, tám quẻ trên thay, trong 64 quẻ.

[51] Cố quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dn. Khảo chư tam Vương nhi bất mậu; kiến chư thiên địa nhi bất bội; chất chư quỉ thần nhi vô nghi; bá thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc. Chất chư quỉ thần nhi vô nghi: tri thiên dã. Bá thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc, tri nhân dã. 故 君 子 之 道, 本 諸 身, 征 諸 庶 民 考 諸 三 王 而 不 繆, 建 諸 天 地 而 不 悖 質 諸 鬼 神 而 無 疑 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感 質 諸鬼 神 而 無 疑, 知 天 也 百 世 以 俟 聖 人 而 不 感, 知 人 也 (Trung Dung, ch.29)

[52] Thánh nhân ký đắc Thiên vị 聖 人 既 得 天 位 (Dịch, Càn quái, cửu ngũ, Truyện)

... Thánh nhân tri tiến thoái, tồn vong nhi vô quá. 聖 人 知 進 退 存 亡 而 無 過 (Dịch, Càn quái, thượng cửu, Truyện)

... Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời, Âm Dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, dị giản chi thiện phối chí đức. 廣 大 配 天 地, 變 通 配 四 時 陰 陽 之 義 配 日 月, 易 簡 之 善 配 至 德 (Dịch - Hệ từ thượng)

Cf.:... Si l'on vous demande ce qu'est un homme divin ou divinisé, vous répondrez: Celui qui est tout éclairé et resplendissant de la lumière éternelle et divine, tout embrasé de l'amour éternel et divin. Nous avons déjà parlé de la lumière, mais il faut savoir que la lumière c'est-à-dire la connaissance, n'est rien sans l'amour. (Théologie Germanique - La religion essentielle, p.161)

[53] Tri viễn, tri cận, tri phong chi tự, tri vi chi hiển, khả dữ nhập đức hĩ. 知 遠 之 近, 知 風 之 自, 知 微 之 顯 可 與 入 德 矣 (Trung Dung, ch.33)

[54] Vị Nghiêu phu viết: Tri dịch số vi tri thiên, tri Dịch lý vi tri Thiên. Nghiêu phu vân: Hoàn tri Dịch lý vi tri Thiên. 謂 堯 夫 曰: 知 易 數 為 知 天, 知 易 理 為 知 天 (Dịch kinh đại toàn, q.I, tr.64)

**************************         

Chương 15

DI TÍCH TRUNG ĐIỂM VÀ VÒNG DỊCH TRONG HOÀN VŨ

Một học thuyết chẳng qua là để xiển minh các vấn đề về Thượng đế, nhân loại, vũ trụ và những liên quan tương ứng.

Học thuyết cao cho nhìn thấy bao quát vấn đề, học thuyết thấp chỉ bàn giải về một vài khía cạnh. Một học thuyết cao còn có tính cách phổ quát, nghĩa là ta có thể dùng nó mà giải thích hết các học thuyết cổ kim; được vậy chính vì nó phát xuất từ căn nguyên và cũng là vì nó là tuyệt điểm tuyệt đích.

Khi đã hiểu vi ý Trung Dung, khi đã hiểu lẽ «đồng qui nhi thù đồ», khi đã xác định rằng Trung Dung là tâm điểm bất biến, mà Dịch là vòng tròn chu luân vạn hữu biến thiên, ta có thể dùng tâm điểm và vòng tròn làm chìa khóa để mở chốt then các học thuyết, làm kim chỉ nam để nghiên cứu các tượng hình, hoạ bản, đền đài miếu mạo Đông Tây mà tìm cho ra ẩn ý cổ nhân.

Mục đích là để:

«Rẽ sóng thời gian tìm nghĩa lý.

Khơi lòng trời đất lấy tinh hoa.»

Và cũng là để chứng minh rằng muôn vạn ngả đường đều gặp gỡ ở Trung tâm, và chủ trương, đường lối xưa nay của các thánh hiền trên hoàn vũ chẳng phải là sai ngoa vu khoát.

1. Ý nghĩa tâm điểm và vòng tròn trong các học thuyết Âu Á


Như trên đã chứng minh, đối với Nho giáo, thì tâm điểm, trung điểm là Trời là Thái cực, mà vòng tròn bên ngoài là các hào quái tượng trưng cho vạn hũu biến thiên.

Lạ thay, khi khảo sát lại các học thuyết cổ từ á sang Âu, ta đều thấy quan niệm này được lưu truyền với những tượng hình y thức như vậy.[1]

Đi ngược dòng thời gian, trở về với những văn minh tối cổ như Ai Cập, Chaldée, trở về với những học thuyết tối cổ như Vệ Đà, Pythagore,[2] Zoroastre,[3] đâu đâu ta cũng thấy tâm điểm tượng trưng Hóa công bất biến, và vòng bên ngoài chỉ sự luân lưu biến ảo của hiện tượng và vạn hữu.

Trong các di tích cổ Ai cập, ta thấy một hình vòng tròn trong tâm có chữ AUM, bên ngoài có hai con rắn song song tượng trưng quyền năng và trí tuệ Tạo hóa.

Chữ w.ee hay AUM hay Thủy Chung ở giữa vòng tròn là Thượng đế tuyệt đối toàn năng.[4]

Hình 26: Tâm điểm và vòng tròn trong huyền học Ai cập.


(Egyptian point within a circle)

... «Theo kinh Veda, thì trước khi muôn loài được tạo dựng, chỉ có Brahman, Bản thể thuần túy, không hình thức sắc tướng; đó là Mahâ Bindu, là Tuyệt điểm, là Thần, Khí... Tuyệt điểm ấy siêu hình, vô trụ, vô lượng, nhưng chính là căn nguyên phát huy muôn vật.

Tuyệt điểm ấy ví như trung tâm vòng Hoàng đạo phát sinh mười hai cung.

Tuyệt điểm ấy có thể sánh với Hư không của Veda (Shunya) vì chưa bị ảo ảnh bên ngoài khoác lên trên mình các lớp hình thức sắc tướng, hay có thể sánh với Hư vô của J. Boehme.[5]

... «Còn vòng tròn bên ngoài tượng trưng sự phát triển muôn mặt của Tâm Điểm, hay của Căn nguyên tuyệt đối... Thế tức là vòng tròn[6] tượng trưng cho Vô hạn hiển dương trong hữu hạn bằng biến chuyển tuần hoàn, vãng lai, tiêu trưởng...» [7]


Đứng về một phương diện khác, thì tâm điểm là tự do khinh khoát; còn vòng tròn bên ngoài là vòng định mệnh gồm đủ các ảnh hưởng chi phối con người.[8]

Bao lâu con người còn ở các vòng, lớp bên ngoài thì dĩ nhiên sẽ bị ngoại cảnh chi phối, bao lâu còn hòa mình với phù du ảo ảnh thì cũng sẽ bị tàn phai, hủy hoại như phù du ảo ảnh. Còn trái lại nếu biết thu hồi thần trí cho qui tụ về Tâm, thì sẽ trở nên một «lữ khách» trên con đường về Trung điểm, sẽ hòa mình với Trung điểm, Tuyệt điểm, và lúc ấy các duyên nghiệp bên ngoài không còn ảnh hưởng tới mình được nữa...

René Guénon, nhà huyền học Pháp cũng viết: «Sở cư của Brahma» chính là ở tâm điểm vũ trụ và nhân loại, còn hình thức sắc tướng có thể nói được là đều ở quanh bên ngoài, trên vòng «bánh xe vạn hữu».[9]

Thay vì dùng tâm điểm và vòng tròn, nhiều học thuyết dùng những hình tương đương thay thế: Trong các hình vẽ Trung Hoa thời cổ, thường có hình Phục Hi cầm «Qui» (compas) Nữ Oa cầm «Củ» (thước vuông).[10]

«Qui» để vẽ vòng tròn, «Củ» để vẽ 2 đường thẳng góc trong vòng, xác định tâm điểm. Vì thế, người xưa còn gọi Trung điểm là Thập tự nhai 十 字 街 .[11]


Hình 27: Hình Phục Hi cầm Qui, Nữ Oa cầm Củ


Hình 28: Biểu tượng Qui Củ của hội Tam Điểm

Dấu hiệu của hội Tam Điểm (Franc Maconnerie) là hình một chiếc «Qui= compas» xếp trên một hình thước thợ (Củ), ôm lấy chữ G vào trong, mà G, tức là God là Iod, là Thượng Đế.[12]


Hình 29: Hình Thái Cực (hay Lưỡng Nghi) cầm Qui Củ.

Khoa Huyền Học cũng thường vẽ hình Lưỡng Nghi (Rebis), một bên cầm Qui, một bên cầm Củ hợp nhất thành Thái Cực (Mercure).[13]

Biểu hiện của phái Rose-Croix, là một bông hồng (hình tròn đặt trên hình chữ thập.

René Guénon và C.G. Jung đều cho rằng những kiểu kính hoa hồng, hoa thị (rosace) ở Âu Châu cũng vẫn chỉ có một ngụ ý như tâm điểm và vòng tròn[14] hay hình hoa sen ở Á Châu.

Tóm lại, dẫu nói xa hay nói gần, nói thật thà chất phác, hay nói bóng gió, tất cả các hiền nhân, thánh triết đều truyền thụ cho nhau Trung Đạo cao siêu...

Nghiên cứu thuật luyện đan Âu Châu thời cổ, ta cũng thấy cổ nhân đã dùng tâm điểm và vòng tròn[15] để toát lược chủ trương, và kỹ thuật luyện kim, hay nói cho đúng hơn, phương pháp giải thoát con người, thần thánh hóa con người.

Tâm điểm chính là bản thể, là nguồn gốc con người, là tiên đan, là nguồn mạch trường sinh, là thiên địa chi tâm, là «ngọc châu viên giác» (lapis philosophorum) mà con người cần tìm cho ra.[16]

Ngoài những từ ngữ, cổ nhân còn dùng nhiều hình vẽ để xiển minh chân lý đó.[17]

C.G. Jung, sau khi đã nghiên cứu, trong vòng ba mươi năm, các «mandala» từ Đông sang Tây đã quả quyết chắc chắn là tâm điểm những họa bản ấy cốt để ám chỉ «trung tâm», «chân tâm», «đạo tâm» chứ không phải «vọng tâm», «nhân tâm», con người riêng tư, phù phiếm bên ngoài,[18] còn vòng tròn bên ngoài tượng trưng công trình tu luyện để tiến về tâm điểm đó.[19]

Như thế, mục đích các đan gia (alchimiste) chân chính chẳng qua đều cốt chỉ vẽ cho con người tìm ra bản thể mình;[20] dùng thời gian, vạn hữu, thân xác, tâm thần làm công cụ để tìm ra và tiến tới bản thể.[21]

Thế tức là tìm ra được kim đan,[22] thế tức là tìm được thuốc trường sinh bất tử...

3. Tâm Điểm và Vòng Hoàng Đạo

Muốn hiểu rõ thêm ý nghĩa của tâm điểm bên trong và vòng tròn bên ngoài, chúng ta hãy nghiên cứu các vòng Hoàng đạo, hay vòng Dịch.

Các nước Babylone, Ai Cập, Do Thái, Ba Tư, ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, các nước Hồi giáo v.v... đều có dùng vòng Hoàng Đạo với 12 cung gọi là vòng Zodiaque.

Chữ Zodiaque (Zoe = Sự sống, diakos = bánh xe) có nghĩa là Bánh xe sự sống,[23] hay vòng chu luân gồm các kiếp sống khác nhau, hay vòng tuần hoàn của các quần sinh vũ trụ.

Đại khái, vòng Hoàng Đạo gợi ra sự biến thiên, thăng (évolution), trầm (involution) không ngừng của quần sinh vũ trụ. Nó gợi ra muôn vàn nếp sống khác nhau thường xuyên diễn tiến trên hoàn vũ.[24]

Nhưng thực ra, tâm điểm mới là đầu giây mối nhợ. Tâm điểm hay Trung điểm của các vòng Hoàng đạo tượng trưng cho Tuyệt đối thể, vô hình tích, cho nguyên tinh, nguyên khí nguyên thần sẽ phát huy ra quần sinh vũ trụ. Đó là Đạo thể, là Hư vô, hư vô vì huyền diệu không thể suy cho thấu, nghĩ cho cùng được.

Tâm điểm ấy các nhà huyền học Cổ kim gọi bằng nhiều danh hiệu: Ether, Akasha, Brahma, Hư vô (Shunya), Chakravarti, kim đan, huyền cơ bất động (le moteur immobile d'Aristote) hay Chân Như, Bản lai diện mục, v.v.[25]

Tâm điểm ấy chính là Cực (Pôle), là điểm bất biến làm khu nữu cho vũ trụ xoay quanh; còn sự tuần hoàn của vũ trụ thường được tượng trưng bằng bánh xe.Đó là một quan niệm phổ quát thấy ở khắp các dân nước.[26]

Người Ai Cập gọi tâm điểm là Thượng đế duy nhất, đấng tạo thành vũ trụ quần sinh, hay là Tem nghĩa là chủ chốt khu nữu của sự vận chuyển các tinh cầu.[27]

Tâm điểm cũng còn được mệnh danh là thần Mercure, là Tạo hóa phát sinh muôn ngàn biến ảo.[28]

Trong hình vẽ le Tarot,[29] ta thấy ở tâm điểm của hoàn vũ có viết bốn chữ Yod he Vau He, nghĩa là Yahwe, là Thượng đế...

Vòng Hoàng đạo Phật giáo, hay nói đúng hơn, vòng luân hồi của Phật giáo thường gồm bốn vòng tròn đồng tâm.[30]

Vòng trong bỏ trống tượng trưng cho Hư vô (Sunya hay Sunyata)[31] hay có vẽ hình Phật Vairocana. Các vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho tham, sân, si, lục đạo và thập nhị nhân duyên. Cho nên, vòng bên ngoài tức là vòng luân hồi, hay vòng thập nhị nhân duyên cốt mô tả những cuộc sống phù du, những ảo ảnh của cuộc đời:

Sự luân lạc của con người bắt đầu do dốt nát u muội, [32] để rồi hành động mù quáng chuốc mua oán nghiệt vào người, [33] chuyên lo tìm hiểu ngoại cảnh [34] để cho các hình ảnh phù du hư ảo bên ngoài [35] xâm nhập vào ngũ quan và ý chí, [36] đâm ra vấn vương [37] bịn rịn [38] khao khát say mê, [39] cố gắng tìm cầu cho được, [40] để làm của sở hữu riêng tư. [41] Mỗi lần say mê theo vật chất phù sinh như vậy là như bắt đầu sinh ra ở một kiếp người [42] để rồi tàn tạ già nua chết chóc [43] cùng với sự điêu tàn của ảo ảnh ...

Suy nghiệm ra thì Vairocana 毗 盧 舍 耶 Tì lô xá gia) tức là Trung điểm, là Tuyệt đối, là Pháp thân, là Bản lai diện mục, là Tịnh mãn 淨 滿 , là «Biến nhất thiết xứ», là Đại Nhật Như lai, là nguồn sống muôn vật.

Khi đã đối chiếu các học thuyết, ta có thể kết luận như sau:

Cổ nhân dùng tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho hai phương diện biến hằng của vũ trụ. Tâm điểm bất biến hằng cửu là căn bản, là Đạo, là Thể. Vòng tròn bên ngoài biểu hiện sự di động biến thiên, phần công dụng.[44]

Vòng tròn bên ngoài tức là:

- Vòng Dịch Nho giáo

- Vòng Sinh mệnh (Rota fati et generationis     của phái Orphisme)

- Vòng số mệnh (Khoa học Tarot)

- Vòng Luân hồi (Phật giáo)

- Chu kỳ Abred (học thuyết Bardisme)

- Vòng Hoàng đạo (chiêm tinh học)

- Ouroboros (con chu xà của Thông thiên học)

- Brahma luân (Brahma Wheel) trong Bà La Môn giáo[45]

Người ta còn dùng vòng tròn tượng trưng cho các tuần trăng, ngụ ý biến thiên phiêu lãng v.v...

Trong con người, thì vòng Dịch, hay vòng Hoàng Đạo gồm hai mạch: Nhâm (Âm, chạy phía trước), Đốc (Dương chạy phía sau lưng). Còn Trung điểm là Nê Hoàn Cung (xem hình 30). Nê hoàn cung hay Não thất ba (3è ventricule) cũng như nội tẩm trong các đền đài, là nơi Hóa Công ngự trị (Garbhagrita, chambre de l'Embryon), vì đó chính là trung tâm điểm vũ trụ, nơi mà căn nguyên tuyệt đối của mọi hiện tượng ngự trị.[46]

Hình 30: Tâm điểm và vòng Hoàng Đạo trong con người

Hình 31:-  Hai mạch Nhâm Đốc và Nê Hoàn Cung

     

Nhìn sang Ấn Độ giáo ta thấy: Sách Áo Nghĩa Thư chỉ đường về tâm điểm, trung điểm tâm thần như sau:

«Tâm người trăm linh mốt kinh,

Mà duy có một thượng đình đi lên.

Cứ theo đường ấy mà men,

Rồi ra ắt được tới miền trường sinh.» [47]

Nơi khác lại viết:

«Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vòng bánh xe.

Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi Tuyệt đối chưa hề hóa thân.

Cố tìm Tuyệt đối, Chân Tâm,

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê...» [48]

Tóm lại, vòng chu luân, vòng dịch, vòng luân hồi, vòng Hoàng đạo, v.v. chẳng qua là cốt tượng trưng vạn hữu, tượng trưng hiện tượng và mọi sự biến thiên chất chưởng bên ngoài. Vòng chu luân hay xa luân ngoài ra còn chỉ: thăng (ascension), giáng (descente); trầm hiện (précipitation), siêu thăng (sublimation); Thượng đế xuống với con người, và con người lên cùng Thượng đế.[49] Còn tâm điểm thời học thuyết nào cũng dùng để chỉ Bản thể, hay Tuyệt đối.[50]

Suy ra thì con người cần phải biết dùng vạn hữu làm phương tiện để tiến về Tuyệt đối, nhìn hiện tượng để suy ra bản thể, thấy biến thiên chất chưởng bên ngoài để lập chí đi tìm trường tồn vĩnh cửu bên trong, bỏ tiểu tiết chi mạt, mà tìm cầu cho được đại thể, căn nguyên. Đó cũng chính là con đường muôn dặm con người phải đi để trở về cùng Thượng đế, đó cũng chính là một chương trình hoạt động vĩ đại mà Trời đã uỷ thác cho con người thực hiện, trước khi vào an nghỉ tại Trung cung...

Theo đà thời gian, con người sẽ phát huy dần dần hết mọi nguồn năng lực, và cuối cùng sẽ biết sử dụng thần lực của mình. Theo đà thời gian con người sẽ trừ khử được mọi sự ngộ nhận về thân thế mình, và đến chung cuộc sẽ nhận biết mình là ai, nghĩa là sẽ nhìn nhận ra bản thể tối hậu của mình, sự trường tồn vĩnh cửu mình trong Thượng đế... [51]

4. Tâm điểm và vòng tròn trong khoa Kiến trúc và Mỹ thuật

Mới đầu, người xưa thường coi những danh sơn, cao sơn là trung tâm điểm vũ trụ là nơi mà trục hoàn vũ xuyên qua trái đất, nơi đất trời gặp gỡ, nơi mà những người hiền lương nhờ ảnh hưởng trời đất giao hội có thể trở thành hiền thánh. Đó là những danh sơn, cao sơn như Côn Lôn, Phú Sĩ, Elbrouz, Thabor, hay Olympe.

Nhưng dần dà các đền đài miếu mạo lớn, những công trình kiến trúc lớn cũng được coi là trung tâm điểm vũ trụ như đền thờ Jerusalem, Kim Tự Tháp, v.v.[52]

Các nhà khảo cổ, quan sát các đền thờ, các thành thánh xưa (ví dụ như Angko-Thom) đã nhận thấy rằng khi xây cất các công trình vĩ đại ấy, cổ nhân muốn lấy gỗ, đá để xây lại một vũ trụ nhỏ, cho nên trung cung bao giờ cũng dành để thờ các đấng Tối cao, còn bên ngoài hoặc là trạm trổ tiên thánh, quần sinh, hoặc là có thành quách bao bọc, tượng trưng cho núi non; có hào lạch, tượng trưng cho sông biển. Con người muốn đi vào Trung cung muốn lên tới thần minh sẽ phải, trèo non, sẽ phải lướt thắng các trở ngại, sẽ phải đi quanh quất, tiến tới mãi mới đến được chứ không phải là chuyện dễ...[53]

Tâm điểm và vòng tròn với những ẩn ý sâu xa của nó (Hóa công và hoàn vũ)[54] còn là đề tài cho nhiều công trình kiến trúc, hay đền đài miếu mạo.

Chính điện trong khu đền Bayon ở Angkor-Thom là hình một Pháp luân lớn có tám tai hoa tỏa ra tám hướng như bông sen tám cánh, như bát chính đạo, ở giữa có chuyển luân Thánh Vương.[55] Ở Ấn Độ, các di tích bằng đá xếp vòng tròn, còn được thấy ở nhiều nơi. Di tích cổ nhất có lẽ là ở Dipaldiana.[56]

Trong những cổ tích của đạo Druidisme, ta cũng thấy nhiều tảng đá khổng lồ xếp thành vòng tròn như ở Stonehenge, và ở Avebury.[57]

Các đền thờ Druide cũng xếp theo hình tròn; ở trung tâm lại có đặt một tảng đá lớn, chắc chắn là tượng trưng cho đấng Tối cao (di tích «Y Cromlech» ở Pembroshire hay di tích ở gần Keswich trong vùng Cumberland nước Anh).

Đối với các dân miền Na Uy, Thụy điển thì đền thờ thần Odin gồm có 12 tòa xếp vòng tròn dành cho mười hai vị thần chính, có một chính tòa ở Trung cung dành cho chúa thần Odin. Những cổ tích này còn thấy ở Scania, Zeland, Jutland...[58]

Thật là:

«Một trời bát ngát trăng sao,

Vần xoay âu cũng nương vào Trung Cung,

Sen kia nghìn cánh nở tung,

Nhưng mà gốc gác vẫn cùng một tâm.» [59]


Khảo sát các truyền thuyết Do Thái,[60] Công Giáo,[61] Ba Tư,[62] Atlante,[63] hay Hi Lạp,[64] Ấn Độ,[65] v.v. ta đều thấy cây trường sinh, hay núi hạnh phúc đều ở trung tâm một khu vườn huyền diệu có bốn con sông chảy vào.

Áp dụng những truyền thuyết này vào công cuộc khảo sát con người, ta cũng thấy ở trung tâm não bộ, phía mặt dưới, có vòng Willis với bốn động mạch phát ra tứ phía não bộ.

Nếu đúng vậy, thì cây trường sinh, hay nguồn hạnh phúc cũng chẳng phải ở Doành Châu, Phương Trượng, mà đã ở sẵn ngay trong đầu não con người.[66]

Khảo sát khoa trang trí và hội họa từ Á sang Âu, ta thấy một loại hình ảnh rất đặc biệt mà C.G. Jung gọi là «Mandala». Những Mandala này hoặc vuông, hoặc tròn; tâm điểm thường có những hình Chúa, Phật, hay Shiva, ám chỉ căn nguyên vũ trụ; vòng ngoài là những thần nhân hay, thần vật tượng trưng tứ tượng.[67]

Bên ngoài chỉ ly tan, chia rẽ, hay là sân khấu để đóng tấn kịch đời, còn tâm điểm là nơi hòa hợp,[68] là «kim hoa», «kim thân», hay là «cố hương, cố quốc».

Các mandala ngụ ý dạy người tìm về gốc, trở về nguồn,[69] cốt giúp con người tìm ra chân tâm bất biến của mình. Mà chân tâm ấy chẳng ở đâu xa, nó ở ngay trong ta.[70]

5. Tầm quan trọng của Trung điểm trong thiên văn và địa lý

Copernic đã đặt mặt trời vào tâm điểm thái dương hệ, cho địa cầu và các hành tinh khác xoay trên các vòng tròn bên ngoài, khác hẳn với quan niêm của Ptolémée lấy trái đất làm tâm điểm vũ trụ.

Có thể nói rằng quan niệm của Copernic về thiên văn tương-ứng vói những quan niệm triết-học Đông Tây lấy «Đạo» (Logos) làm tâm điểm con người. Quan niệm Ptolémée tương ứng với những quan niệm triết học lấy «tâm hồn» (âme) làm tâm điểm con người.

Các dân tộc xưa thường coi tâm điểm, trung diểm là quê hương của họ. Theo Do thái thì trung điểm hoàn cầu là Jerusalem, là núi Sion.

Pindare, Sophocle, Tite Live, Ovide, v.v. chủ trương Athènes hay Delphes là trung tâm trái đất (omphales).[71] Người Trung Hoa thì lấy núi Côn Lôn làm trung điểm. Ấn Độ giáo và Phật giáo lấy núi Tu Di làm tâm điểm. Dân Babylone lấy thành Babylone làm tâm điểm hoàn cầu.

Nếu chỉ xem các hình vẽ không, ta sẽ tưởng người xưa thiển cận, chỉ biết nước mình mà không biết nước người, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng, thì tất cả đều ngụ một ý: Tu-Di, Côn Lôn, tâm điểm địa cầu, tâm diểm vũ trụ chẳng có ở đâu xa, nó ở ngay trong lòng ta...[72]


6. Bí quyết tìm Đạo tìm trời

Chúng ta đã cùng nhau dùng thần trí đi chu du khắp hoàn vũ, chúng ta đã cùng nhau rong ruổi trên triền không gian thời gian của ngót sáu ngàn năm lịch sử nhân quần, đã bao quát các học thuyết Đông Tây, đã dùng chữ Trung làm chìa khóa mở kho tàng tư tưởng các hiền nhân quân tử mọi nơi mợi đời, chúng ta cần phải thâu lượm được một kết quả gì cụ thể và hữu ích.

Kết quả ấy là bí quyết tìm đạo, tìm Trời của người xưa.[73]

Cổ nhân đã lao tâm khổ tứ vẽ các tượng hình, xây các miếu mạo có dụng tậm dụng ý như trên, cốt là đã chỉ vẽ cho ta con đường trở về căn nguyên, con đường «hoàn nguyên phản bản».

Học thuyết nào cũng dạy ta tìm cho ra tâm điểm, trung điểm tức là tìm cho ra tuyệt đối thể, tìm cho ra chân thiện mỹ, tìm cho ra Trời ẩn áo trong đáy lòng vũ trụ và lòng người.

Trở về trung điểm là giải thoát vì tâm điểm tượng trưng cho tự do khinh khoát, còn vòng chu luân tượng trưng cho nghiệp chướng cho sự thằng thúc, sự chi phối.[74]

Trở về trung điểm tức là tìm được nguồn mạch trường sinh. Thông thiên học vẽ dấu hiệu chữ thập Ankh ở trung điểm, có ấn tín vua Salomon (âm dương thác tống) và con chu xà Ouroboros bao quanh (thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy) cũng không ngoài ý đó, vì chữ thập Ankh tượng trưng cho sự sống.[75]

Theo «le Livre des morts» của Ai Cập thì trở về Trung cung, Trung điểm là kết hợp với thần Osiris, là phục sinh, đó là lên núi thánh Ament nơi thần Osiris ngự trị ở Trung cung, Trung điểm của hoàn vũ.[76]

 Trở về Trung điểm là đạt đạo Trung Dung, là đắc đạo, là phối thiên. Pho Kinh Dịch viết ra cũng không ngoài mục đích cao cả ấy. Vì Kinh Dịch cốt chỉ vẽ cho nhân loại đường trở về cùng Thượng đế.[77]

 Cho nên, nếu không tìm ra được Trung cung, trung điểm để kết hợp với Trời tức là phụ lòng các tiên hiền, tiên thánh:

«Đường về chẳng rõ tiêu hao

 làm sao biết được lối vào Trung cung

 Thế là bát quái thành không,

 Thế là vòng Dịch uổng công vẽ vời .

 Bên trong mù mịt tăm hơi,

 Làm sao biết được bên ngoài mà mong,

 Thế là bố trí như không,

 Ngũ hành thác loạn rối tung, rối bời.» [78]

Tìm được Trung cung, Trung điểm, tức là tìm ra tâm ấn, tâm pháp, tìm ra bí quyết tương truyền giữa các thánh hiền muôn thủa:

«Ta nay truyền dạy đạo trời,

 Nương theo Dịch lý dạy người điểm trung.

 Huyền quan ở chính giữa lòng,

 Giữ chừng tý ngọ, khơi giòng thần tiên.

 Hồi quang soi tỏ căn nguyên,

 Căn nguyên rạng rỡ ước nguyện thỏa thuê.» [79]

Tóm lại, nếu thực tình chúng ta có thiện tâm, thiện chí, muốn tìm Đạo, tìm Trời chúng ta phải đi vào nội tâm để mà tìm kiếm. Đạo, Trời không phải là chuyện bán mua, quảng cáo nơi ngã ba, đầu chợ;[80] nước Trời chẳng có đến rộn rã trong rước sách, trống chiêng, mà đến âm thầm, mà đã ẩn tàng ngay trong tâm hồn ta.[81] Vậy muốn tìm ra chân sư[82] bày tỏ cho mình các lẽ huyền vi, chỉ giáo cho mình phương pháp tu luyện trường sinh bất tử, ta phải như Tề Thiên đại thánh tìm về Phương Thốn Sơn, tìm tới ‘Tà nguyệt tam tinh động’, mà Phương Thốn Sơn[83] chính là ‘tấc lòng’ ta, mà tà nguyệt tam tinh động chính là tâm ta viết bằng ‘nửa vành trăng khuyết và ba sao giữa trời’.[84]

 Đi vào nội tâm, gạt cho hết mây mù dục vọng tăm tối, không sờn lòng, không lui gót, theo gương các hiền thánh muôn đời tiến bước, chắc chắn có ngày chúng ta sẽ thấy Trời, thấy Đạo hiện ra rực rỡ giữa tâm hồn ta.[85] Khi ta đạt được mục phiêu cao diệu ấy, ta cũng tự nhiên sẽ hấy thánh hiền sau trước chẳng hề có nói sai ngoa. Dịch và Trung Dung thực ra cũng không có bí quyết nào cao diệu hơn ...

-----------
**************************         

CHÚ THÍCH

[1] Cf. A.Tanon, Théosopie et Science, p.44 et ss., 48 et ss.:

... Symbole d'Isvara c'est le cercle avec un point au centre. Le centre universel n'est pas, dit-il (René Guénon) «nulle part» étant absolument transcendant par rapport à la manifestation tout en étant intérieur à toutes choses.

- C'est au contraire la circonférence qui est partout puisque tous lieux de l'espace, toutes choses manifestées ne sont que des éléménts du «courant des formes», des points de la circonférence de la «roue cosmique».

- Un texte taoïste (Tchoang Tseu) dit: «Le point qui est le pivot de la norme est le centre immobile d'une circonférence sur le contour de laquelle roulent toutes les contingences, les distinctions et les individualitiés.» (Cf. Tchoang Tseu, ch. 2, Traduction de Léon Wieger).

[2] Cf. René Guénon, Le Roi du Monde, p.18,19,20.

- Senard, Le Zodiaque Clef de l'ontologie appliqué à la psychologie, p.10 et ss.

- Dr R. Allendy, Le Symbolisme des Nombres, p.16,17.

- La Doctrine Secrète IV, 134, IV 123 et 133.

- Ezechiel I, 4, 15, 16, 18, 21.

- Théosophie et Science, p.48, 49.

[3] The Signet of Zoroaster. - the wise man of the East - the Point within the Circle... was hailed among all nations as the Beginning and the End, the Cause and Effect, the Principle of Life and Action which pervades, animates and governs the universe. (The New Age Magazine, March 1964, Vol.72, No3, p.39, 40)

[4] Point within a circle. Mackey's revised encyclopedia, vol.II, p.187.

[5] Cf. Mr Senard, Le Zodiaque, Clef de l'ontologie appliqué à la psychologie, p.10.

... Avant la création, disent les textes védantins, il n'y avait rien que Brahman, l'être pur, le non-manifesté, l'indifférencié, Mahâ Bindu, le Point suprême, Energie-Conscience-Potentialité. Afin de nous donner une idée du Premier Principe, car nos facultés imparfaites ne nous permettent pas de concevoir adéquatement la Réalité en soi, ce Point peut être comparé au point métaphysique sans grandeur, ni position. Du Point Suprême il est dit qu'il est «la Source de toutes les directions de la Création».

Ce point peut être assimilé au Centre du Zodiaque d’où émanent ses douze rayons en direction des douze signes.

Il peut être comparé au Vide du Véda (Shunya) qui n'a aucune forme tant qu'il n'est pas encerclé par la Mâyâ (A. Avalon) ou encore au Rien de J. Boehme...

[6] Vòng tròn (le cercle) hoặc là Hình cầu (la Sphère) cũng vậy.

[7] Le Cercle symbolise l'extension dans toutes les directions possibles du Point ou Principe suprême se manifestant sur un plan ou en un cycle limité dont l'accomplissement prépare un cycle ultérieur de manifestation. La période involutive de la manifestation de l'Energie-Conscience (mouvement de haut en bas est représenté par l'hémi-cycle gauche du cercle et la période évolutive de cette manifestaion (mouvement de bas en haut par l'hémi-cycle droit.

Le Cercle symbolise donc l'Infini se manifestant dans le fini par un mouvement involutif - évolutif.

(Mr Senard, Le Zodiaque, Clef de l'Ontologie, appliqué à la psychologie, p.14)

[8] Cf. Senard, Le Zodiaque, p.36: Ce centre et cette circonférence expriment en outre le rapport de la liberté et de la nécessité... S'il (l'homme) s'identifie avec le monde manifesté et transitoire, alors il bubit le sort de ce monde. Mais si retirant son Energir. Soi - Conscience en son "Centre", il devient un pèlerin de la "Voie du milieu", puis cette Voie même; il se soustrait à la necessité qui règne à la circonférence et ke qui s'y passe ne peut plus l'atteindre. Vivant en l'essence, il est libre de participer ou non aux vissicitudes de la substance...

[9] Ce «séjour de Brahma» est véritablement le point Central, tant dans l'ordre cosmique que dans l'ordre humain, tandis que tout ce qui est de la manifestation et surtout de la manifestation formelle, est extérieur et «périphérique», si l'on peut s'exprimer ainsi, appartenant exclusivement à la circonférence de la «roue des choses». (René Guénon, L'homme et son devenir selon le Védanta, p.96)

... The Center of the Mandala corresponds to the calyx of the Indian lotus, seat and birthplace of the Gods. (C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.171)

[10] Trung Hoa ngũ thiên niên sử, q.1, tr.7.

[11] Xem Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, chương Trung Đồ. Bài này cũng đã được tục biên và phiên dịch nơi phụ lục IV sách này.

[12] «Yet I this forme of formeless Deity,

Drewe by the Square and Compasses of our creed.» (John Davies, Summa Totalis or All in All and the Same Forever, 1607. Mackey’s revised Encyclopedia, p.64.

The letter G then has in Freemasonry the same force and signification that the letter Yod had among the Cabaliste. It is only a symbol of the Hebrew letter and as that is a symbol of God. (Mackey’s revised Encyclopedia, p.385)

[13] C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.357.

[14] Cf.: René Guénon, Le roi du monde, p.19.

 C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.171.

[15] Habentibus symbolum facilis est transitus (for those who have the symbol the passage is easy). - An alchemical verbum magistri from Mylius. (Philosophia reformala, p.239; C.G. Jung Psychology and Alchemy, p.215-217)

[16] Tâm điểm, bản thể được gọi bằng nhiều danh hiệu trong khoa luyện đan Âu Châu; xin đan cử ít nhiều danh từ: Mercurius; Prima materia (nguyên thể); Archetype of the divine child (Hóa nhi); Anthropos (chân nhân), Hermès; philosophical gold (Kim đan), Quintessence (Tinh); Unum; Unica res; Monad (Nhất), Rebis (Thái Cực); the drug of immortality (thuốc trường sinh) v.v...

Đọc: C.G. Jung, Psychology and Alchemy, đoạn the Materia prima, tr.304-331.

... Các đơn gia Trung Hoa thời cổ cũng dùng tâm điểm và vòng tròn để toát lược thuật luyện đan. Tâm điểm cũng là kim đan (hay Đạo, hay Thái Cực hay Cốc thần), các quẻ xếp vòng tròn ngoài tượng trưng cho lô đỉnh (Càn, Khôn), dược vật (Khảm, Ly), hỏa hầu (60, sáu mươi quẻ còn lại).

Xem các hình trong quyển Chu Dịch Xiển Chân của Lưu Nhất Minh. Cụ Nguyễn Minh Thiện (Tam tông Miếu) đã dịch ra Việt văn phần đầu và xuất bản.

[17] Cf. Các hình trong: C.G. Jung, Psychology and Alchemy:

Hình 8, tr.47: Tâm điểm là vũ trụ chi tâm (The Anima mundi, guide of mankind, herself guided by God).

Hình 20, tr.62: Tâm điểm là nơi «Loan phụng đồng minh» (The red and white - hermaphroditic - double eagle).

Hình 23, tr.65: Tâm điểm là nơi «Âm Dương giao thái» (the mystic vessel where the two natures unite - Sol et luna caduceus - to produce the filius hermaphroditus).

Hình 25, tr.69: Tâm điểm là nguồn sống (the fountain of life as fons mercurialis).

Hình 31, tr.79: Tâm điểm là đế đô, là thánh điện (The symbolic city as center of the earth).

Hình 51, tr.104: Tâm điểm là ngọc cung (The lapis sanctuary).

Hình 112, tr.214: Tâm điểm là Bộ Lông cừu vàng (la Toison d'or), v.v.

[18] Unless everything deceives us, they (the mandala) signify nothing less than a psychic center of the personality not to be identified with the ego. (Jung, Psychology and Alchemy, p.97)

[19] The circumambulatio means as always concentration on the center. (C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.180)

... Rota or opus circulatorium which serves the same purpose of sublimation. (ibid., p.365)

... It is to be noted that the wheel is a favourite symbol in Alchemy for the circulating process, the circulatio... The contemporary moral allegories of the wheel emphasize that the ascensus and descensus are, among other things, God's descent to man and man's ascent to God... (Ibid., p.157)

... There is a circle surrounded by rays of light in the center of the square.

The Scholium gives the following explation: reduce your stone to the four elements... and unite them into one and you will have the whole magistery.

The circle in the middle is called a mediator, making peace between enemies or (the four) elements... circulation of spirits or circular distillation that is the outside to the inside, the inside to the outside, likewise the lower and the upper, and when they meet together in one circle, you could no longer recognize what was outside or inside or lower or upper but all would be one thing in one circle or vessel...

For this vessel is the true philosophical Pelican, and no other is to be sought for in all the universe. This process is elucidated by the accompanying drawing. The quartering or the exterius, four rivers in and out of the inner «Ocean». (Ibid., p.123)

[20] Res ex qua sunt res, est Deus invisibilis et immobilis (That from which things arise is the invisible and immovable God). C. G. Jung, Psychology and Alchemy, p.309.

[21] Presumably the leftward circumambulation... is one of those paths to the center of the non-ego, which were also trodden by the medieval investigators when producing the lapis. (Ibid., p.122)

... Transmutemini in vivos lapides philosophicos (Transform yourselve into living philosophiccal stones). (Ibid., p.141)

[22] I may define "self" as the totality of the conscious and unconscious psyche, but this totality transcends our vision; it is a veritable lapis invisibilitatis... (Ibid., p.172)

[23] Bánh xe là một biểu tượng quan trọng trong các học thuyết vì nó có nhiều ngụ ý:

(1) Nó chỉ sự biến động, biến dịch.

(2) Nó chỉ sự tuần hoàn (the circulation, the circulating process) và gợi ra được hai chiều thăng (ascensus), giáng (descensus) của vạn hữu.

(3) Nó ám chỉ sự Trời xuống với Người, người lên với Trời (Suo nobis descensu ac salubrem dedicavit ascensum, nhờ sự xuống thế, ngài đã chuẩn bị cho ta được lên trời hạnh phúc sung sướng. Thánh Bernard).

(4) Nó ám chỉ các đức tính trung kiên tùng phục, tiết lộ, bình thản, khiêm cung cần thiết cho công phu tu luyện.v.v...

(C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.157, 158)

[24] Sénard, Le Zodiaque: chef de l'ontologie appliqué à la psychologie. Collection de la Colonne Vendôme, p.16 et ss.

[25] Ibid., 10 et ss., 21 et ss.

[26] Cf. René Guenon, Le Roi du Monde, p.19: Le centre dont il s’agit est le point fixe que toutes les traditions s’accordent à désigner symboliquement comme le Pôle, puisque c’est autour de lui que s’effectue la rotation du monde, représenté généralement par la roue, chez les Celtes aussi bien que Chaldéens et chez les Hindous. Telle est la véritable signification du Swastika, ce signe que l’on trouve répandu partout de l’Extrême-Orient à l’Extrême-Occident et qui est essentiellement ‘Signe Du Pôle’... Le symbole celtique de la roue s’est conservé au Moyen Âge; on peut en trouver de nombreux exemples sur les églises romanes et la rosace gothique elle-même semble bien en être dérivée car il y a une relation certaine entre la rou et les fleurs emblématiques telles que la rose en Occident et le lotus en Orient…

[27] Ibid., p.21. - Eurel, Les Origines de la Genèse, p.128.

[28] Ibid., p.208.

[29] Papus, La Cabballe, p.94.

[30] A. Volguine. Cf: L'Esotérisme de l'Astrologie, tr.139; La Mystique tibétaine, tr.337 và tiếp theo.

[31] Hư vô không có nghĩa là tương đối hay vạn pháp, hay là hư không, mà trái lại nghĩa là tuyệt đối, hay là bản thể siêu việt.... cho nên chữ Hư vô (Sunyata) nên hiểu là tuyệt đối.

Empty (sunya) or emptiness (sunyata) is one of the most important notions in Mahayana philosophy and at the same time the most puzzling for non-Buddhists readers to comprehend. Emptiness does not mean «relativity» or «phenomenality» or «nothingness» but rather means the Absolute or something of transcendental nature... When Buddhists declare all things to be empty, they are not advocating a nihilistic view on the contrary an ultimate reality is hinted at, which cannot be subsumed under the categories of logic... Sunyata may thus often be most appropriately rendered by the Absolute. (D.T. Suzuki, Zen Buddhism, p.29)

[32] Vô minh (hình người đàn bà mù rờ rẫm)

[33] Hành = (hình thợ gốm)

[34] Thức = (hình khỉ leo cành)

[35] Danh sắc = (hình hai người ở chung một thuyền)

[36] Lục nhập = (hình sáu cửa sổ một căn nhà)

[37] Xúc = (hình cặp nhân tình nhìn nhau say đắm)

[38] Thụ = (hình người bị tên bắn vào mặt)

[39] Ái = (hình người uống rượu có đàn bà chuốc mời)

[40] Thủ = (hình người hái quả)

[41] Hữu = (hình hai người giao hoan)

[42] Sinh = (hình người đẻ)

[43] Lão tử = (hình người mang xác chết trên vai)

(Lama Govinda, Les fondements de la mystique tibétaine. Traduction française de Charles Andrieu et Jean Herbert, tr.333-347)

[44] La roue est un symbole du monde; la circonférence représente la manifestátion produite par les rayons émanés du centre.

Régénération, réalisation de l’harmonie universelle, l’évolution et le Karma sont les interprétations que l’on ne saurait éviter, surtout si l’on considère les deux figures, l’une préparée par les successions d’existence conscientes et raisonnées, est l’Elu, celui qui approche du terme de l’élevation finale; l’autre encore près de la matière attachée par yous les biens terrestres, échoué et devra recommencer ! ce sera pour elle l’obligation de rentrer dans le cycle. L’image de la Roue du samsara s’impose: du sein de ce tournoiement surgit l’espoir de l’être purifié qui s’élève en Brahma et demeure... Pour la théologie chrétienne, Dieu est au centre. (Jean Chabosseau, Le Tarot: Essai d’interprétation selon les Principes de l’Hermétisme, p.62)

[45] Svetasvatara Upanishad 1-6;6-1.

Brih. 6.2.15-16; Chand. 5,10; G.Bhagavah Gita 8.24-26.

[46] C’est ce centre du monde en effet qu’occupe l’Embryon d’or, Hiranyagarbha, figuration potentielle de toutes les possibilités, origine des expansions, foyer de rayonnment. Il est aussi ‘l’Hôte intérieur’ qui a son siège dans la caverne de ton cœur dont parle Shankarâchârya. Et parce qu’il n’est pas différent d’Agni, ‘Sache, dit la Katha Upanishad, que cet Agni qui est le fondement du monde éternel et par lequel celui-ci peut être atteint est caché dans la caverne (du cœur)’. (Pierre Grison, Angkor ou l’univers manifesté. France-Asie 114-115, p.357)

[47] There are a hundred and one channels of the heart.

One of these passes up to the crown of the head.

Going up by it, one goes to immortality Chandoguya 8. 6 - 6.

(Il sort du cœur 101 canaux. L'un deux communique avec la grande fontanelle. S'élevant par ce canal, l'homme (l'âme particulière) rejoint l'immortalité.)

[48] Where the channels are brought together

Like the spokes in the hub of a wheel

Therein He moves about,

Becoming manifold

Om! Thus meditate upon the Soul (Atman)

Success to you crossing to the farther Shore beyond darkness.

(Mundaka Up. 2. 2 - 6)

[49] C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.157.

[50] The Sidpe - Korlo or World Wheel represents the course of human existence in its various forms as conceived by the Buddhists...

... The mandalas (the ritual or magic circles) used in ceremonial are of great significance because their centers usually contain one of the highest religious figures: either Shiva himself - often in the embrace of Shakti- or Buddha, Amitabha, Avalokiteshvara or one of the great Mahayana teachers or simple the dorje, symbol of all the divine forces together, whether creative or destructive in nature.

The text of the Golden Flower, a product of Taoist syncretism, specifies, in addition, certain "Alchemical" properties of this center after the manner of the Lapis and the Elixir vitoe...

C.G.Jung, Psychology and Alchemy, p.93, 94, 95.

[51] En toi, mon Dieu, j'aurai ma solidité, ma fixité, mon être définitif (Saint Augustin).

[52] Le temple est aussi montagne, il est Centre du monde, à quoi tout se résume et se rallie: d'abord à Roluos, le Bakong; premier construit à Angkor, le Bahsei Chamkrong; puis Takeo, Baphuon, seront l'un et l'autre "montagnes d'or". C'est qu'en effet le Kun Lun, le Fuji, l'Elbrouz, le Thabor et l'Olympe, ne sont pas les seuls centres du monde, mais aussi les tours babyloniennes et la Grande Pyramide, les tours précolombiennes et le temple de Salomon. Les uns et les autres sont le point où l'Axis Mundi - le Shambha du Veda-issu du Ciel, touche à la terre, projection sur le plan terrestre de l'activité divine, point d'aboutissement aussi du cheminement horizontal à partir duquel "l'homme" véritable" pourra s'élever à la condition de «l’Homme universel"...

(Pierre Grison, Angkor ou l'univers manifesté, France Asie No 114- 115, p.357) -- Xin tham khảo: Mircea Eliade, Traité d'Histoire des religions - Epiphanies signes et formes p.191-207 et Espace sacré: temple, palais, "centre du monde" ib. 315 - 331.

[53] Dans l'Inde, l'intérieur comme l'extérieur des temples est un symbole du Cosmos et la cella qui renferme la divinité est assimilée au corps divin qui contient le germe sacré... mais chose curieuse, ce symbolisme hindou du temple-cosmos, représentation de l'univers se retrouve au Cambodge, non plus appliqué au temple lui-même mais à des ensembles, à des plans de ville (Angkor Thom), à des bassins (Néak Péan)...

... C'est ainsi que si le Bayon au Centre d'Angkor Thom symbolise le Méru... les remparts de la ville, le fossé qui les entoure, symbolisent les océans et les montagnes qui circonscrivent la terre...

(France Asie No114-115, Le Symbolisme des temples Hindous et Khmers, p.341 et ss)

... L'accès au centre royal du mandala est l'aboutissement d'un long voyage. Les enceintes sont autant de chaýnes de montagnes et les fossés des océans... (P.Grison, Angkor ou l’univers manifesté, France Asie, p.358)

[54] "The Signet of Zoroaster, the wise man of the East, the Point within the Circle, the Sign of the Sun is thus explained: As the sun is the ruler of the whole Terrestrial and Celestial world and the Source and Fountain of Light and Life to all the beings of Creation therein, in like manner as the Grand Architect of the Universe is the ruler and Source of Light and Life to the Whole Celestial and Terrestrial Universe, and as the Circle is the most comprehensive form possible in geometry, in which all other forms are contained, this signet is hailed among all nations as the Beginning and the End, the Cause and Effect, the Principle of Life and Action which pervades, animates and govern the Universe. (The New Age Magazine, March 1964, Vol.72, no3, p.39,40)

[55] Le massif central du Bayon s’épanouit, Dharmachakra à huit rayons, lotus à huit pétales, source des Huit sentiers de la voie, rose où concourent, de l’horizon, les huit directions de l’espace...

... Hiératique, Roi du monde au centre se l’Agartha régnant sur les quatre Lokapâlas, gardiens de souverain est l’immobile Chakravarti, ‘Monarque universel’, ‘Celui qui fait tourner la roue’. Il est en d’autres mots, vaishwânara, «l’Homme universel» lequel s’identifie à Hiranyagarbha: il est médiateur entre le Ciel et la terre. Cette fonction suprême est le signe de la connaissance: Elle seule conduit à la souveraineté. (Angkor ou l’univers manifesté, France-Asie 114-115, p.356 et ss.)

[56] Cf. Point within a circle. (Mackey’s revised Encyclopedia, vol.II, p.787.)

[57] Ibid., p.787.

[58] Ibid., p.787.

Cf. Léon Sprink, L’art sacré en Occident et en Orient, p.28:

... Au VIIe siècle, saint Maxime le Confesseur disait que par rapport à Dieu le cosmos est ordonné selon des cercles concentriques: au milieu il y a l’Eglise militante dont les membres deviennent fils de Dieu, mais le centre est formé par un cercle encore plus étroit: celui de l’Eglise triomphante, consommée dans l’union avec Dieu.

Chose significative: dans la même harmonie que les tracés des églises, nous trouvons les trois cercles dans une mosaïque du VIIe siècle qui est une figuration aniconographique de la Pentecôte sous la forme d’un triple crismon au baptistère d’Albenga en Italie…

[59] Nhất thiên tinh đẩu, vận dụng chỉ tại trung ương. Thiên biện liên hoa, căn đế sinh ư điểm trích. 一 天 星 斗 運 用 只 在 中 央 千 瓣 蓮 花 根 蒂 生 於 點 滴 (Tống: Ngô Cảnh Loan, Huyền không bí chỉ)

[60] Genèse, 2-8-14.

[61] Apocalypse de Saint Jean 22-1-2. Xem hình 67 tr.125 và hình 197 tr.354 trong Psychology and Alchemy của C.G. Jung về chúa Ki Tô ngự giữ 4 sông thiên đàng, giữa các thánh sử và giáo phụ, v.v.

[62] Mais très anciennement l’Iran, à qui nous devons le mot de ‘Paradis’, pardès qui signifie un jardin, avait adopté un troisième type, le vieux typesémitique du Tchahârbagh c’est-à-dire du Paradis des quatre fleuves, confluant au centre à l’intérieur d’une enceinte carrée très haute, dans un miroir d’eau qui devait faire l’objet de la contemplation. Les quatre fleuves arrivaient des quatre points cardinaux mais l’intérêt était au centre... (L’Âme de l’Iran, Editions Albin-Michel, p.97)

... Le maître du jardin est assis sur une terrasse devant un lac qui porte le nom de «l’eau de l’éternelle aurore» au milieu duquel s’élève une ýle inaccessible qui s’appelle «La Sainte Montagne des mille béatitudes.» (Ibid., p.95)

[63]... D’un massif montagneux central partant quatre fleuves coulant en direction des quatre points cardinaux. Ces quatre fleuves se déversent en quatre canaux qui les terminent en formant avec eux des angles droits. (Swastika= plan de l’Atlantide) -- Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême-Orient, p.8.

[64] Kalypso était une des innombrables théophanies de la Grand Déesse qui se révélait ‘au centre du monde’, au côté de l’Omphalos, l’Arbre de Vie et les quatre sources. (Mircea Eliade, Traité d’histoire de religions, p.248)

[65]... Comparer la tradition indienne plaçant le centre du monde en un site élevé (région de l’Himalaya), d’où s’écoulent par quatre orifices en forme de tête d’animal les quatre fleuves (Sita, Gange, Indus, et Oxus) vers les quatre points cardinaux.

- cf.: Przyluski, La grande Déesse, 1950, p.66,67.

- Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme, p.163.

[66] cf.: C.G. Jung, Psychology and Alchemy:

... The ‘Os occiput’ is used in the work because ‘cerebrum est mansio partis divinoe. (The brain is the lodging house of the divine part). (‘Liber Platonis Quartuorum.’ 7, xxviii, p.124). The ‘occiput’ is the ‘vas cerebri’ (ibid., p.148). The brain is ‘...sedes animoe rationalis. Nam est triangulus compositione et est propinquius omnibus membris corporis at similitudiem simplicis...’ (...the seat of the rational soul. For it is triangular in composition (Shape) and is nearer to simplicity than all other parts of the body...) (ibid., p.127). It is the organ which is nearest to the simplicity of the soul, and is therefore the bridge to spiritual transformarion. (ibid., p.187)

[67] Just as the stupas preserve relics of the Buddha in their innermost Sanctuary, so in the interior of the lamaistic quadrangle, and again in the Chinese earth-square, there is a Holy of Holies with its magical agent, the cosmic source of energy, be it the God Shiva, Buddha, a bodhisatta or a great teacher. In China it is Kien-heaven - with the four cosmic forces radiating from it (fig. 61, Psychology and Alchemy).

And equally in the Western mandala of medieval Christendom the deity is enthroned at the center often in the form of the triumphant Redeemer together with the four symbolical figures of the evangelists. (ibid., fig. 62. C.G.Jung, Psychology and Alchemy, p.124)

[68] Mandala as symbol of unity. (C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p.27)

[69]... the square corresponds to the temenos (fig.31, Psychology and alchemy), where a drama is taking place... The inside of the ‘Golden flower’ is a ‘seeding place’ where the ‘diamond body’ is produced. The synonymous term ‘the ancestral land’ may actually be a hint that this production is the result of integrating the ancestral stages. (Psychology and alchemy, p.124)

[70] Xem chú thích trang 282 của sách này.

Cf. The spirit of Prayer «Liberal and mystical writing of William Law», tr.14; Evelyn Underhill, Mysticism, tr.61:

... «there is a root or depth in thee», says Law, «from whence all these faculties come forth as lines from a center or as branches from the body of a tree. This depth is called the center, the fund or bottom of the soul. This dpth is the unity, the Eternity, I had almost said the infinity of the Soul for it is so infinite that nothing can satisfy it, or give it any rest, but the infinity of God...»

[71] Cf. Mircea Eliade, Traité d'histoire des religions, p.203: Ce que les habitants de Delphes appellent omphalos est fait en pierre blanche et considéré comme se trouvant au centre de la terre et Pindare, dans une une de ses odes confirme cette opinion...

[72] Xem chú thích ở các hình trong phụ bản IX.

[73] Theo Pythagore, tất cả mọi thế giới đều phát sinh từ một tâm điểm mà ông mệnh danh là "chân cảnh" (Plaine de vérité). Chân cảnh ấy hàm tàng khuôn mẫu, hình tượng muôn vật muôn đời. Từ nguồn mạch vĩnh cửu ấy, giòng suối thời gian sẽ chảy vào các thế giới bên ngoài. Thấy được các chân cảnh ấy, đối với nhân quần, là điều hy hữu ngàn vạn năm một thủa. Và tất cả các công trình học hỏi suy tư chính là để nhìn thấy chân cảnh đó với mọi sự đẹp đẽ ẩn áo bên trong... (... La plaine qui est au-dedans du triangle était le fondement et l’autel commun de tous ces mondes - qui s'appelait le champ ou la Plaine de vérité; dedans laquelle sont les desseins, les moules, les idées et les exemplaires de toutes ces choses qui furent onc et qui jamais seront; et à l'entour de ces idées étant éternité, le temps comme un ruisseau qui en sortait, coulait dedans ces mondes; et les âmes des hommes s’ils ont bien vécu en ce monde, en dix mille ans une fois les voient... toute la peine que l’on emploie à l'étude de la philosophie était pour parvenir à la vue de ces beautés-là, ou autrement c’était toute peine perdue) (Cf. De defectu oraculorum, Plutarque, 23. & Grande encyclopédie illustrée des sciences occultes - Dr. Néroman- Tome II chapitre V, page 97, 98, 99 - Nơi trang 99, D. Néroman có vẽ một họa bản để hình dung chân cảnh và 183 thế giới bao quanh chân cảnh ở trung điểm, còn 183 thế giới được xếp trên một vòng tròn bên ngoài.)

[74] Cf. Senard, Le Zodiaque, p.36; Cf. Ernest d'Aster, Histoire de la Philosophie, p.52.

... De Pythagore (580-500) nous savons qu'il fut un adepte de la doctrine de la transmigration des âmes. Né dans l'ýle de Samos, il se rendit plus tard dans l'Italie du Sud, la congrégation qu'il avait fondée à Crotone, et dont les rites et les règles de vie avaient pour but de libérer l'homme de la "roue de la fortune"...

[75] Cf. Philippe Eucausse, Sciences occultes, tr.106. Crux ansata - Mackey’s revised encyclopedia Vol.I.

[76] Cf. Le Zodiaque, p.251.

... Dans toute mystique, le but constant de l'être humain doit être l'élevation de l'esprit qui, se détachant de la contemplation de la l'homme extérieur, rejoint, par le canal interne et à travers la propre substance de l'homme, le Principe éternel, Dieu. (La religion essentielle, p.295)

... Le but le plus élevé de la religion c'est l'union la plus intime de l'homme avec Dieu, et cette union est même ici-bas déjà possible, mais elle ne l'est que par l'ouverture de notre sensorium intérieur et spirituel qui ouvre notre cœur pour le rendre susceptible de recevoir Dieu...

(Le Conseiller d'Eckhartshausen) La religion essentielle, p.203.

[77] Dịch chi vi thư, giáo nhân hồi thiên chi đại kinh, đại pháp dã. 易 之 為 書, 教 人 回 天 之 大 經 大 法 也 (Thái cực quyền đồ thuyết, tr.52)

[78] Bất tri lai lộ yên tri nhập lộ, bàn trung bát quái giai không. Vị thức nội đường, yên thức ngoại đường, cục lý ngũ hành tận thác. 不 知 來 路 焉 知 入 路, 盤 中 八 卦 皆 空 未 識 內 堂 焉 識 外 堂, 局 裏 五 行 盡 錯 (Ngô Cảnh Loan, Huyền không bí chỉ).

[79] Ngô kim lược thuyết tâm chân lộ. Hoàng trung thông lý tải đại Dịch. Chính vị cư thể thị huyền quan, Tí ngọ trung gian kham định tức. Quang hồi tổ khiếu, vạn thần an. 吾 今 略 說 尋 真 路. 黃 中 通 理 載 大 易. 正 位 居 体 是 玄 關. 子 午 中 間 堪 定 息. 光 回 祖 竅 萬 神 安 ( Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, tr.15)

[80] Cf. Phúc âm Mathieu VI, 1-18,VII, 6, 13, 21, 22, 23.

[81] Cf. Phúc âm Luc XVII, 20-21.

[82] Cf. Wang Tch'ang Tche, Wang Yang Ming, Appendice 1.

Thiên thánh giai quá ảnh, lương tri tức ngô sư. 千 聖 皆 過 影 良 知 即 吾 師.

[83] Phương thốn 方 寸 = tấc vuông = tấc lòng.

[84] Tà nguyệt tam tinh động 斜 月 三 星 洞 = Tâm 心  .

[85] Cf. Paul Claudel, Sur la Présence de Dieu (1932), p.23: «Comme l'ont bien vu les bouddhistes, nous pouvons descendre jusqu'au fond de nous-mêmes par tous les échelons de l'introspection sans rencontrer autre chose qu'un élément fluide, volatile et inconsistant, le mouvement qui va de la puissance à l'acte, jusque nous mettions la main sur l'être même, sur cette image agissante de Dieu en nous qui est substance, cause, esprit et vie, et que les Livres saints appellent essentiellement firmamentum. Dieu, nous le livre des Rois a été fait mon firmament...» (Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme, p.152)

**************************         

Chương 16


TỔNG LUẬN


Sau khi đã phân tích, đã khai triển Trung Dung để nhìn cho rõ các khía cạnh, chúng ta hãy cùng nhau ước thúc, giản lược Trung Dung để làm nổi bật lên ít nhiều điểm chính. Trước hết, chúng ta sẽ khảo sát, giải thích lại hai chữ Trung Dung; sau đó, chúng ta sẽ đặc biệt chú trọng đến mấy vấn đề triết lý, đạo giáo và mấy định luật thiên nhiên đã được Trung Dung đề cập.

HAI CHỮ TRUNG DUNG


Muốn hiểu hai chữ Trung Dung cho minh xác, thiết tưởng phải đặt chữ Trung vào đúng ngôi vị của nó, tức là phải đặt chữ Trung vào trung tâm điểm các hoạ bản kinh Thư, kinh Dịch.


Hình 31: Trung là tâm điểm vòng Dịch.


Thực vậy, trong Hà đồ, Lạc thư, Bát quái, Cửu trù (Hồng phạm Cửu trù), trung điểm bao giờ cũng tượng trưng cho ngôi vị tối thượng sinh thành vạn vật.

Đó là:

- Ngũ, thập (sinh số, thành số) trong Hà Đồ

- Ngũ ( sinh số) trong Lạc Thư [1]

- Thái cực trong Bát quái

- Hoàng cực trong Cửu trù (Hồng phạm Cửu trù)


Thiệu Khang Tiết đã minh định rằng các đồ Dịch tiên thiên và hậu thiên đều do Trung tâm điểm phát sinh.[2] Đặt Trung vào tâm điểm các đồ Dịch, ta sẽ thấy Trung tượng trưng cho ngôi Thái cực bất biến trường tồn. Ta sẽ thấy Trung bất thiên, bất ỷ, không thái quá, không bất cập, muôn đời không biến dịch,[3] mặc dầu thiên biến, vạn hóa, luôn luôn tiến diễn bên ngoài.

Trung là nguồn gốc phát sinh vạn sự, vạn vật và cũng hàm tàng mọi hiện tượng. Trung là nguồn mạch, sống động bất diệt tung tỏa ra muôn muôn, vạn vạn chi nhánh quần sinh sau này.

Vì thế tiên hiền mới nói: Trung là gốc lớn thiên hạ,[4] vì thế Trung mới chí thành, chí thiện, bất biến trường tồn (Dung).

«Khi tung tràn ngập muôn phương,

Khi thu ẩn áo khó lường tăm hơi.» [5]

Nếu hiểu Trung là Thái cực, là Trời, ta sẽ vén được bức màn bí mật của Trung Dung và Kinh Dịch.

Các đồ bản Dịch cho ta thấy Trung điểm hay Thái cực vừa tạo thành muôn vật vừa ẩn áo trong đáy thẳm, lòng sâu muôn vật.

Trung hay Thái cực vừa chủ sinh vừa chủ thành: vừa sinh hóa tạo dựng, muôn loài, muôn vật, vừa là khuôn phép, đường lối cho muôn vật thành tựu hòan thiện mình. Và Trời chẳng ở đâu xa: Trời vốn ở ngay đáy lòng con người; nên nếu con người muốn hiểu nguyên do, muốn hiểu cùng đích đời mình, trước hết cần phải hiểu biết Trời.

Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

 Hiểu Trời chẳng nổi hiểu người làm sao?» [6]

Hình 32

Hơn nữa, vì Trời ẩn áo huyền vi nơi đáy lòng người, nên con người cần biết phản tỉnh, biết tĩnh trí, hồi tâm mới có thể tìm ra mọi điều vi diệu của Hóa công được.[7]

Thiệu Khang Tiết viết:

 «Thiên hướng nhất trung phân tạo hóa,

 Nhân do tâm thượng khởi kinh luân.» [8]

 (Trời do Thái cực [9] phân tạo hóa,

 Người từ Thái cực phát kinh luân.) [10]

Quan niệm này làm ta liên tưởng đến Duy nhất (l'Un), đến Thần ngôn (Le Logos) của Plotin, của Philon,[11] đến Ngôi Hai Thiên Chúa trong bài phi lộ sách phúc âm thánh Jean.[12]

Nếu hiểu Trung là Thái cực, là Trời tiềm ẩn đáy lòng thì Trung Dung hiển nhiên là tâm pháp đạo Khổng như các tiên hiền đã chủ trương.

Hiểu Trung Dung theo nghĩa siêu hình như vậy, ta thấy Trung Dung là mục đích tối hậu cho mọi tâm hồn hướng về.

Hình 33: Vòng tuần hoàn của con người.

Lĩnh hội được vi ý Trung Dung và Dịch Kinh ta sẽ tìm ra đường lối tu thân của cổ nhân. Đường lối đó đại khái như sau:

Cổ nhân phân đời người làm hai giai đoạn chính: Nửa đời đầu, phải đem tinh thần khai thác hoàn cảnh vật chất để thích ứng với hoàn cảnh, để mưu sinh. Nửa đời sau, khi đời sống vật chất đã được bảo đảm, phải dùng những tiện nghi vật chất sẵn có, để hoàn hảo tâm thần mình, phục hồi phong thái cũ, suy nghiệm học hỏi để tìm ra Trời tiềm ẩn trong đáy lòng, để sống đời đạo đức ngõ hầu tiến tới mức chí thành, chí thiện, nên như vẻ sáng của Trời, sống kết hợp với Trời.

 Sách Trung Dung, vì chủ trương cao siêu như vậy, nên đã giữ địa vị tối thượng trong tứ Thư ngũ Kinh.

 TRIẾT LÝ

 Đề cập tính tình, phân tâm hồn thành hai phần tách biệt vẻn vẹn bằng mấy chữ ở trang đầu, Trung Dung đã phác ra cả một chương trình siêu hình học cho các triết gia hậu thế.

 Về sau, ngoài hai chữ tính tình, các triết gia đời Tống còn dùng thêm chữ Lý, Khí, hay Tính, Khí, nhưng đại khái các thánh hiền trước sau vẫn công nhận tâm hồn có hai phần: thể và dụng; thanh, trọc; động, tĩnh; tinh, thô rất đỗi khác nhau.

 Lúc hồn nhiên tĩnh lãng, thì là tính, thuần túy chí thiện phổ quát mọi nơi mọi đời. Lúc đã vương mùi tục lụy trần hoàn, bị ngọai vật công kích dụ dỗ, thì là tình, vấn vương giăng mắc vẩn đục, lôi thôi. Lúc dục tình đã đua nhau nổi sóng, thì ngon triều trong dạ sẽ rạt rào, chao động, mất hết tĩnh lãng hồn nhiên, tâm hồn sẽ mất tự do tự lập, mắc mối trăm nghìn duyên nợ. Vì thế con đường thiên đạo phổ quát là con đường ‘qui nguyên, phục mệnh’, trở lại sự tĩnh lãng, quang minh, hiệp hòa nguyên thủy, bỏ hết mọi tư tà, để tiến tới công chính ngàn thu.

Siêu hình học Trung Dung là thứ siêu hình giản ước như của thánh Jean de la Croix.[13]

Mục đích Trung Dung là gây cho chúng nhân một niềm tin tưởng vào sự giáng lâm, sự hiện diện của Thượng Đế, dạy người phát huy mầm mống hoàn thiện sẵn có nơi đáy lòng mình, để đi đến chỗ tuyệt diệu, tinh vi, chí thành, chí thánh, chí cao, chí mỹ.

Trung Dung đề cập công trình suất tính : theo tiếng lương tâm để tiến tới Trung Dung, tới thăng bằng hòa hợp, tới thế ‘nhất quán’ giữa Trời, người. Chủ trương này cũng là chủ trương ‘bão nguyên thủ nhất’ của Đạo Lão,[14] ‘Đả thành nhất phiến’ của Thiền tông.[15]

Nhân sinh quan của Trung Dung là cố gắng tiến tới hoàn thiện. Như vậy người ta sinh ra ở đời, không phải là để nhẫn nhục, khắc khổ vô ích, hay để tiêu dao hành lạc, mà chính là để thực hiện một sứ mạng cao siêu: thần thánh hóa bản thân bằng sự cố gắng thường xuyên, bằng sự tu luyện toàn diện.

Người quân tử của Trung Dung lúc nào cũng tận tâm, tận tình, tận trung, tận hiếu, tận nghĩa, lúc nào cũng khắc khoải thao thức, mong tiến tới chỗ chí thành, chí thiện.

Đời người như vậy thực đã có định hướng chứ không phải sinh ra để:

«Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Thử xem con tạo xoay vần ra sao!» (Kiều)

Đời người như vậy thực đầy ý nghĩa, rất đáng sống. Nhân loại đáng lý không thể phàn nàn:

«Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.»

(Nguyễn Công Trứ)

Trung Dung cũng như Kinh Dịch đề cập tới ba thế giới: Địa đạo, Nhân đạo, Thiên Đạo.[16]

Hình 34: Thiên đạo, Nhân đạo, Địa đạo.

Thế tức là đề cập tới ba đoạn đường trong đời sống nhân loại.

Trước tiên phải lưu tâm đến hoàn cảnh sinh hoạt, cải thiện đời sống vật chất, dùng trí óc tổ chức cho đời thêm đẹp tươi, cho giang sơn thêm cường thịnh. Đó là vật Đạo, địa đạo.

Tiếp đến, phải quay về bản tâm mà lo tu đức lập thân, phát huy ánh sáng nhân nghĩa trong nhân loại. Đó là nhân đạo.

Cuối cùng, nếu biết hồi quang phản chiếu, thu hồi ánh sáng tâm thần mà nhìn cho ra căn để, nguyên do của đời mình sẽ tiến tới giai đoạn giác ngộ, nhờ đó có thể đi vào nhãn giới thiên đạo.

Cơ tâm hay óc máy móc, tổ chức vẫy vùng trong thế giới vật chất, làm sáng choang thế giới hữu hình. Cái vẻ đẹp ấy là văn minh. Nhân tâm rong ruổi trong thế giới tinh thần, đem hương hoa nhân ái điểm tô cho nhân loại, đem bút thần lễ nghĩa vẽ nên những bức tranh nhân sự tuyệt vời, làm cho vẻ sáng nhân loại chói lói lên như muôn ánh trăng sao. Vẻ sáng tâm hồn đó là nhân văn hay văn hóa.

Thế giới tinh thần ấy thực man mác. Khi nó phát triển tới cực độ, tới chỗ siêu việt tinh hoa, sẽ bắt được tầm thiên đạo, hòa mình với vinh quang trời, nên thiên văn, và cung đàn của tâm hồn sẽ hòa điệu với cung đàn muôn thuở tuyệt vời của đất trời. Đó là Thiên Văn, Thiên đạo. Như vậy, nếu hiểu Trung Dung một cách chân chính, con người sẽ không lúc nào vừa lòng với chính mình, vừa lòng với hiện tại, mà luôn luôn cố gắng, cải thiện không ngừng để tiến tới cao minh cùng cực, tới Trung Dung.[17] Khi đã đạt tới chỗ tuyệt đỉnh công phu thì bao nhân dục, tư dục sẽ không còn nữa mà chỉ còn lại phần tinh hoa cao quí, là phần thiên lý chí công, chí chính.

**************************         

ĐẠO GIÁO

Đạo Trung Dung khởi điểm từ một lòng tín ngưỡng thành khẩn.

Không phải là tin có Trời suông, mà còn tin Trời giáng lâm mọi nơi mọi chỗ, soi xét mọi uẩn khúc của lòng người. Niềm tín ngưỡng ấy, các kinh văn thường nhắc tới bằng nhiều thể cách.

Kinh Thư viết: duy Thiên thông minh.[18]

Sách Nhật giảng quảng luận như sau: Trời trên tầng cao thăm thẳm, thật chí hư, chí công, chí thần, chí linh. Không cần nghe mà thông biết mọi sự, không cần nhìn mà thấy mọi điều. Chẳng những công cuộc hưng vong của các chính thể, vận hội thịnh suy của các dân tộc không thoát được sự chứng giám của Ngài, mà ngay muôn điều xảy ra trong những căn phòng tối tăm hẻo lánh, mắt thế nhân không dòm hành tới được, thì Trời vẫn thông suốt không sót một mảy may. Ấy Trời thông minh là vậy.[19]

Vì thế người quân tử trong Trung Dung e dè kính cẩn luôn:

«E dè cái mắt không nhìn,

 Tai nghe không nổi, cho nên hãi hùng.»[20]

Địch Nhân Kiệt, một văn nho đời Đường chỉ vì sực nhớ câu «Hoàng Thiên bất khả khi» mà không dám làm những điều thương luân, bại lý trong một quán trọ xa xăm, giữa một đêm thanh vắng. Ông lý luận: giấu người được, chứ giấu Trời sao được.[21]

Từ chữ kính, người quân tử sẽ cố vươn tới chỗ chí thành, chí thiện.

Với một lương tâm bình thản, với một dạ nhất quyết tu đạo lập thân, người quân tử luôn sống thung dung, tùy thời xử thế. Cũng có khi sống ẩn dật như chiếc quạt thời đông giá lạnh lùng,[22] như rồng còn ẩn kín dưới vực sâu,[23] cũng có khi ra tài Y Doãn,[24] đem khả năng, tài đức mưu toan điều ích quốc lợi dân,[25] cũng có khi âm thầm trau dồi kiến văn, đức độ, như rồng tập uốn mình nơi vực thẳm,[26] cũng có khi treo gương xán lạn cho muôn người soi chung, đó là khi đạt tới mức ‘nội thánh, ngoại vương’ của sách Đại Học, Trung Dung, hay hào cửu ngũ kinh Dịch.[27]

Trung Dung đã khéo trà trộn Trời vào trong đời sống nhân loại. Sách bắt đầu bằng chữ Thiên, và tận cùng bằng ‘Đức độ Trời’, một mục phiêu hoàn hảo tuyệt vời cho mọi người tiến tới.[28]

Bàn về chính trị, Trung Dung viết:

«Biết người trước phải biết Trời,

 Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao.» [29]

Có lẽ ngày nay, nhân loại cũng cần phải sống gần Trời hơn, cần tin tưởng Trời hơn.

C. Virgil Gheorghiu, một nhà văn chuyên mô tả những cái phi lý, bất nhân của chiến tranh, và sự độc tài tàn nhẫn của các cường quốc hiện tại đã viết trong quyển «La seconde chance»: «Hiện nay nhân loại đang cần một đồng minh trung kiên không bao giờ có thể bị ám sát, bị công an cảnh sát bắt được, không thể bị giam giữ được, tra tấn được, một đồng minh kín đáo, âm thầm, lặng lẽ, một đồng minh có một ngọn lưả thiêng đốt cháy được muôn tim, có thể biến mọi người thành anh hùng vô địch; đồng minh đó thường quá, hay được nhắc nhở tới nhiều quá, mà nhân loại vẫn không biết tên: Đồng minh đó là Thượng đế. (La Seconde chance, tr.432)

   
Mấy định luật thiên nhiên


a. Định luật tự cường (cố gắng)


Trung Dung cũng như kinh Dịch cho rằng bí quyết thành công là luôn gắng gỏi công trình.[30]

«Đã làm, làm tới tinh hoa,

 Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.»[31]

Con người sinh ra ai cũng tay không, cũng hèn yếu như nhau, nhưng dần dà mỗi người có một giá trị khác nhau, tùy ở sự cố gắng, tùy ở sự học hỏi, sự tu luyện của mình.

Do đó, con người sinh ra để bất mãn, bất mãn với mọi sự tầm thường, chếch mác, bất mãn với hiện tại, bất mãn với chính mình. Con người bao giờ cũng muốn vươn lên mãi, vươn lên tới chỗ cao sang, mênh mang, vĩ đại, bằng công trình gắng gỏi, bằng học vấn, bằng sự bền bỉ, bằng sự đào luyện tâm thần trí não, trí não và thể chất.

Phàm những anh hùng hào kiệt xưa nay, ai cũng đều chê bai những kẻ ăn không ngồi rỗi, ‘an thân dật lạc’.

Triệu Khuông Dẫn (Tống Thế Tổ) trong tương lai khi còn hàn vi đã biết khuyên người em kết nghĩa của mình là Trịnh Ân bỏ sự dật lạc ở miếu Hưng Long Trang để bước vào con đương lập thân đầy phong sương gian khổ như sau: «Phàm con người sinh ra phải ráng cho tận nhân lực, chẳng làm việc kia thì cũng việc nọ, cho có ích với đời, phòng để danh thơm tiếng tốt về sau. Như vậy trước là rực rỡ đức tổ tông, sau là hiển công sinh thành cha mẹ, mới gọi là chí khí trượng phu. Nếu ham việc vui sướng vô ích thì có khác chi phàm phu tục tử.» [32]

Người quân tử lúc nào cũng phải nói như Tăng tử: «Hai vai gánh nặng, mà đường thì xa.» [33]

Lịch sử cũng chứng minh rằng, một dân tộc nào cố gắng sẽ tiến tới cường thịnh, một dân tộc nào ăn chơi nhong nhóng sẽ sa đọa vào vực thẳm diệt vong; một cá nhân nào cố công lao tác sẽ tiến tới, một cá nhân nào lêu lổng ăn chơi sẽ lụn bại, sẽ hại cơm, hại áo của đất trời.

b. Định luật mô phỏng (Bắt chước)


Đường lối nhân loại, nền luân lý nhân loại đã được ghi vào thiên thư của trời đất, Con người chỉ việc trông lên trời, nhìn xuống đất là tìm được khuôn phép, mẫu mực, đường đi nước bước của mình. Nhân loại sinh ra để bắt chước, nhưng không phải là bắt chước loài vật, xâu xé lẫn nhau để tranh cướp mồi, mặc cho các thú tính ti tiện phát sinh mà không chút mảy may kìm hãm. Con người phải biết soi gương đất trời mà xử sự. Đất rộng và dày, con người cũng cố lo cho sự hiểu biết mình ngày thêm rộng, đạo đức phúc trạch mình ngày thêm dày.[34]

Đạo trời là hoàn thiện, là nguyên, là tuyền vẹn, thì mục tiêu của người quân tử cũng là sự toàn thiện.[35]

Trời vận hành không hề nghỉ ngơi: người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng.[36]

Cuối thế kỷ 19, Nietzsche (1844-1900) đưa ra chủ nghĩa siêu nhân, và cho rằng ý chí quật cường (Volonté de puissance) là đặc tính của con người siêu nhân, nhân loại tiến bộ hay sa đọa là tùy sự tồn vong của ý chí quật cường đó.

Điểm này ăn khớp với Trung Dung nói riêng, và đạo Nho nói chung, vì Trung Dung cũng chủ trương phải cố gắng mới có thể đi đến chỗ chân, thiện, mỹ.

Nhưng từ khởi điểm ấy, Nietzsche cho ‘người hùng’ của mình được quyền gian ác, tàn bạo, để ‘bành trướng’, để tiến bộ: «Người siêu nhân của Nietzsche hiên ngang, xa quần chúng, gánh vác trách nhiệm lớn lao, tâm hồn bộc lộ hùng tráng như một dã thú; bản năng hiếu chiến, xâm lược, đầy nhiệt tình thù oán, mưu kế, giận dữ, khoái lạc, mạo hiểm, kiến thức rất mực uyên thâm...Tao nhã khôn ngoan, quật cường , uy nghi, sâu hiểm.» [37]

«Người anh hùng của Nietzsche là người anh hùng dữ tợn,... một loài dã thú hùng tráng, khát máu, đi tìm mồi, một giống nòi quí tộc đã để trên đường đi của họ những dấu tích man rợ, những cảnh khoái lạc dữ tợn, những hành động độc ác tàn nhẫn.[38]

Người anh hùng của Nietsche đã đề cao những thú tính tiềm ẩn trong con người, trong võ lực. có thể nói được Nietzsche đã đem luật cạnh tranh sinh tồn, đem cảnh xâu xé nhau để tranh cướp mồi của loài vật áp dụng vào xã hội loài người. Kết quả dĩ nhiên là chiến tranh, chém giết, và con người bị vật chất hóa, khí cụ hóa, mất hết mọi giá tri tinh thần.

Trái lại người quân tử trong đạo Trung Dung có một vẻ hùng tráng khác. Lòng họ thiết thạch, kiên cương, sống chết vì chính nghĩa và chân lý. Họ không kiêu sa, ích kỷ, độc ác, chỉ biết cúc cung tận tụy làm phận sự, phục vụ nhân loại.

Trời cao sang vô biên vô tận, thì người quân tử cũng cố vươn lên tới chỗ cao sang, vô biên vô tận, vĩnh cửu, trường tồn.[39]

Trong trời đất, chỉ có con người đầu đội trời, chân đạp đất, nên con người cần noi gương trời mà vươn lên, mà tiến tới mãi mãi. Tất cả lịch sử nhân loại, tất cả những công trình cổ kim, từ những Kim tự tháp cho tới Vạn lý trường thành, từ những cung vàng, điện ngọc cho tới những lăng tẩm âm u, bao la, bát ngát, từ những võ công hiển hách cho tới những văn nghệ phẩm tinh vi, những công trinh khoa học vĩ đại, nhất nhất đều cho ta thấy con người muôn thủa lúc nào cũng muốn vươn lên tới chỗ cao đại, tinh vi, huy hoàng hùng vĩ.

Đà vươn lên tới chỗ chí thành, chí thiện bất kỳ về một phương diện gì cũng xác định phẩm giá con người, phân định tôn ti, quý tiện.

c. Định luật tiến hóa

Như đã nói trên, Trung Dung từ ngót hai nghìn năm nay đã đề cập định luật tiến hóa trong vũ trụ, và đã biết áp dụng rất là khéo léo định luật này vào công cuộc tu thân.

Nhưng khác với chủ nghĩa duy vật cực đoan hiện đại, chối bỏ Thượng Đế và cho rằng vạn vật ngẫu nhiên sinh, và biến hóa do sự đấu tranh sinh tồn (Darwin) hay sự thích ứng với hoàn cảnh (Lamarck), Trung Dung chủ trương trời đất sinh muôn loài, nhưng mỗi loài vẫn có thể biến thiên thành nhiều thứ hạng.

Đọc Mạnh Tử ta thấy chủ trương này đã được các môn đệ đức Khổng đề cập và đem áp dụng vào công cuộc tu luyện tính tình:

«Hữu Nhược nói: Người năm bảy đấng,

Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,

Phượng hoàng vẫn loại chim muông,

Thái sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò.

Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,

Thánh với phàm một phách thế nhân.

Nhưng thánh phàm muôn phân, ngàn biệt,

Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần.» [40]

Thánh với phàm khác nhau ở chỗ hiểu và không hiểu, hoàn thiện và không hoàn thiện mà thôi. Tóm lại khuôn người chỉ có một, nhưng tiến hóa thì vô hạn định, cho nên về phương diện tâm tính đức độ, thì con người chỉ khác nhau một dày một mỏng, một thô, một tinh, một tụ một tán mà thôi.

Như vậy Trung Dung vừa nhận công trình tạo dựng của trời đất, vừa dành công trình thành tựu về người, vì con người có thể tiến hóa mãi mãi.

Ai cũng tiến hóa được, nếu có thiện chí, nếu cố gắng bền bỉ. Nhan Hồi nói: Vua Thuấn là ai, mà ta là ai? Nếu ta cố gắng làm điều thiện thì ta cũng như ngài.[41] Đó chính là đề tài cho các văn gia ngâm vịnh về sau:

«Người là người mà tớ cũng là người,

Nhắm cho kỹ vẫn chênh vênh đầu dốc.»

(Phan Văn Ái)

Các nhà bác học hiện nay, như Lecomte du Nouy cũng nhận rằng định luật tiến hóa khi tới nhân loại đã chuyển hướng vào nội tâm. Ông viết trong quyển «Định mệnh nhân loại»: «Trong thời kỳ nhân loại này, sự tiến hóa vẫn tiếp tục, nhưng đã đổi chiều. Thay vì tiến hóa về phương diện sinh lý, hình thể, nhân loại tiến hóa về phương diện tinh thần và siêu nhiên.» [42]

Jean Rostand cũng chủ trương: «Suy nghiệm về con người, tôi nhận thấy sự hăng hái quyết tâm của nó luôn vượt cao hơn, muốn tiến triển hơn, vì lẽ đó tôi sẽ không cho rằng con người trong tình trạng hiện hữu đã tạm hoàn hảo, như bao người thường nghĩ. Tiền đề của tôi là con người phải có gắng vượt cao lên, phải rút ra ở bản thân mình một cái gì có giá trị hơn bản thân ấy.» [43]

Vậy con người sinh ra, có nhiệm vụ đạt tới chỗ tinh hoa tận dụng mọi khả năng mình, để tiến tới cao minh chính đại.

Hình 35: Con đường Trung Dung

Âu Dương Tử cho rằng tất cả cái học siêu vi là tìm ra những phương pháp để mài giũa, uốn nắn, thay đổi tính tình cho tới chỗ chí thành chí thiện.[44]

Tới chỗ chí thành chí thiện tức là tới chỗ thiên ý nhân tâm hòa hợp, tới chỗ tinh hoa thuần túy, tới chỗ hòa hiệp tuyệt đối của tính tình. Thế là ‘qui nguyên phục mệnh’ thế là bước vào thiên giới vĩnh cửu vô biên, phối hợp với Trời trong một tình siêu phàm tuyệt diệu. Chỗ tuyệt điểm của đạo Trung Dung chính là chỗ tuyệt điểm của các đạo giáo. Giai đoạn huyền đồng tức là đại đạo, là chỗ gặp gỡ của các thánh hiền muôn thủa.

Tóm lại, tinh túy Trung Dung có thể cô đọng lại trong mấy điểm sau:

1. Trong thâm tâm ta có ảnh tượng Trời. Người quân tử lĩnh hội được điều ẩn áo nên lúc nào cũng e sợ giữ gìn.

2. Ảnh tượng ấy hoàn thiện, đó là tính, là thiên mệnh, thiên lý thiên đạo.

3. Nhân loại phải noi gương hoàn thiện ấy, cố gắng tu thân để tiến tới chỗ chí thành chí thiện.

4. Tới mức chí thành chí thiện, tức là kết hợp với Trời, tức là phối Thiên, đạt mức Trung hòa, thực hiện sự hòa hợp quân bình giữa thiên lý, nhân tâm.[45]

Đó cũng có thể gọi được là tinh túy của các đạo giáo, và là chân lý thiên mệnh.

Vì thế cổ nhân cho rằng Trung Dung gồn tóm hết mọi vi diệu của thánh hiền, thâu tóm hết mọi tinh hoa của Kinh Dịch, của đạo Nho.

Chu Hi cho rằng: Phải học Đại Học trước, để biết qui mô, đường lối, rồi học Luận Ngữ để lập căn bản tu thân, kế đó học Mạnh tử để biết các giai đoạn tiến triển, sau cùng mới đọc Trung Dung để biết lẽ vi diệu của cổ nhân.[46]

Hội ý Trung Dung ta thấy con người có ba đời sống:

- Một đời sống vật chất: cần biết thích ứng và chế ngự hoàn cảnh để lo cuộc mưu sinh. Đời sống này bao trùm cả đời sống tư nhân, gia đình, xã hội con người.

- Một đời sống tâm hồn: Cần khuếch sung các đức tính để tâm hồn ngày một thêm đẹp tươi.

- Một đời sống tinh thần hay siêu nhiên: Mục đích là phối hợp vời Trời, trường tồn vĩnh cửu.

Dương Tử lý luận cách khác, và cho rằng: Thiên hạ có 3 cửa:

Theo dục tình, là bước vào cửa cầm thú.

Theo lễ nghĩa là bước vào cửa người.

Theo sự minh giác, là vào cửa thánh.[47]

Chúng ta liền hiểu rằng trong trời đất có định, có biến, có động, tĩnh; có doanh, hư; có phù du, mộng ảo, và có vĩnh cửu trường tồn.

Phàm cái gì thuộc hình hài vật chất đều thăng trầm, chất chưởng, đều có sinh, có tử có tươi thắm, có tàn phai; cho nên ta đừng ai oán thế sự biến ảo như cuộc cờ, đừng than trách cảnh đòi đổi thay như tuồng ảo hóa. Sự thăng trầm tròn khuyết, chẳng qua là định luật chung cho thế giới hữu hình.

Ta cũng đừng mải mê chạy theo những thú vui vật chất

«Rượu nồng đừng quá chén say,

Hoa thơm đừng hưởng tới ngày xác xơ.» [48]

Cảnh tang thương biến đổi ấy, lịch sử đã chứng minh rõ ràng. đầu sách Tam Quốc, có thơ sau:

«Trường giang về Đông cuồn cuộn chảy,

Làn sóng hoa đào thải hết anh hùng,

Dở hay, thành bại, cát hung,

Ngoảnh đi, ngoảnh lại, đều không còn gì.

Núi xanh biếc vẫn y nhiên đó,

Bóng tịch dương mấy độ tô son.

Bên sông phơ phất mái sương,

Ngư tiều quen thói vui phường gió trăng.

Một hồ rượu tương phùng vui chén,

Vui cười rồi nói chuyện cổ kim,

Cổ kim to nhỏ muôn nghìn,

Dốc vào mấy chén hàn huyên chuyện trò.» [49]

Nhưng dưới cái hình hài vật chất, dưới sự biến thiên phiến diện ấy, chúng ta còn có một phần vĩnh cửu trường tồn. Đó là phần tính lý, phần thiên mệnh, thiên lý, phần tinh hoa của tâm hồn.

Vậy chúng ta phải lĩnh hội chỗ vi diệu đó, để có thể tiến tới chỗ chí thành, chí thiện, trường tồn vĩnh cửu với đất trời.

Hiểu Trung Dung như vậy, biết cố gắng cải thiện mình như vậy, tức là học được cái học của Nhan Hồi, nối được cái chí Y Doãn,[50] tức là thông đạt được bí quyết của đạo thánh hiền xưa; đó tức là ‘tham tán tài thành’, trợ giúp đất trời, làm công cuộc tài bồi đức độ để thành tựu mình.

Thế tức là ‘ức âm tiến dương’: phá hết mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thuở hiện ra; ‘trưởng thiện tiêu ác’: tài bồi mầm thánh thiện và làm tiêu ma hết mọi điều gian ác.[51]

Suy rộng ra, con đường Trung Dung tức là ‘Con đường hoàn thiện’ lên tới mức cao siêu sẽ tiến tới trung tâm huyền diệu vũ trụ, trở về Thái cực của bát quái, tiến vào bản nguyên ‘ngũ thập cư trung’ của Thái cực hà đồ,[52] phối hợp với Thượng Đế.[53]

Muốn được vậy, ta cần phải cố gắng, cố gắng không ngừng, cố gắng mãi mãi, cần phải ‘cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ’,[54] hết lòng, hết sức đến chết mới thôi.

Và để kết thúc tưởng nên nhắc lại một lần nữa châm ngôn của hai vua Nghiêu, Thuấn:

«Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng trời.» [55]

**************************         


CHÚ THÍCH

[1] In Hebrew the name of God ㄇフ Jah, is equivalent to 15, because フ =10 and ㄇ =5, and 15 thus becomes a sacred number. (Mackey's revised Encyclopedia, vol.II, p.22: Numeration by letters)

[2] Tiên thiên học tâm pháp dã. Đồ giai tùng trung khởi, vạn hóa vạn sự sinh vu tâm dã. 先 天 學 心 法 也, 圖 皆 皆 從 中 起, 萬 化 萬 事 生 于 心 也 (Tống Nguyên học án, q.10, tr.5: Thiệu Khang Tiết)

[3] Bất dịch chi vị dung. 不 易 之 謂 庸.

[4] Trung dã giả thiên hạ chi đại bản dã. 中 也 者 天 下 之 大 本 也 (Trung Dung, ch.1)

[5] Phóng chi tắc di lục hợp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật. 放 之, 則 彌 六合, 卷 之, 則 退 藏 於 密 (Trung Dung, tựa)

[6] Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri thiên. 思 知 人 不 可 以 不 知 天.

[7] Cf: Le mysticisme spéculatif de Tauler, Histoire de la philosophie de Frédéric Copleston S.J., Tome 3, p.211: «L'image de Dieu réside au sommet en la partie la plus haute de l'âme, et c'est en se retirant en lui-même, par delà les images et les figures que l'homme trouve Dieu. Si le "Cœur" (Gemüt) de l'homme se tourne vers ce fondement de l'âme c'est-à-dire vers Dieu, ses facultés d'intelligence et de volonté fonctionnent comme il faut. Mais si son "cœur" se détourne du fondement de l'âme, du Dieu intérieur, ses facultés aussi se détournent de Dieu...

[8] Nhất vật kỳ lai hữu nhất thân,                 
一 物 其 來 有 一 身

Nhất thân hoàn hữu nhất càn khôn.     
一 身 還 有 一 乾 坤

Năng tri vạn vật bị ư ngã,                       
能 知 萬 物 備 於 我

Khẳng bả tam tài biệt lập căn.               
肯 把 三 才 別 立 根

Thiên hướng nhất trung phân tạo hóa, 
天 向 一 中 分 造 化

Nhân do tâm thượng khởi kinh luân.     
人 由 心 上 起 經 綸

Thiên nhân hà hữu lưỡng ban nghĩa,   
天 人 何 有 兩 般 義

Đạo bất hư hành chỉ tại nhân.               
道 不 虛 行 只 在 人

(Thơ: Quan Dịch của Thiệu tử. Tính lý, q.5, tr.47)

[9] Đạo sinh nhất, nhất vi Thái cực, nhất sinh nhị, nhị vi lưỡng nghi, nhị sinh tứ, tứ vi tứ tượng, tứ sinh bát, bát vi bát quái, bát sinh lục thập tứ; lục thập tứ cụ nhi hậu thiên địa, vạn vật chi đạo bị hĩ. Thiên địa vạn vật mạc bất dĩ nhất vi bản nguyên. Ư nhất nhi diễn chi dĩ vi vạn, cùng thiên hạ chi số nhi phục qui ư nhất. Nhất gia hà dã.Thiên địa chi tâm dã, tạo hóa chi nguyên dã. 道 生 一, 一 為 太 極 一 生 二, 二 為 兩 儀 二 生 四, 四 為 四 象 四 生 八, 八 為 八 卦 八 生 六 十 四 六 十 四 具 而 後 天 地 萬 物 之 道 備 矣 天 地 萬 物 莫 不 以 一 為 本 原, 於 一 而 衍 之 以 為 萬, 窮 天 下 之 數 而 復 歸 於 一 一 者 何 也 天 地 之 心 也, 造 化 之 原 也 (Bách nguyên học án, Ngữ lục: Tống Nguyên học án, q.10, tr.51)

[10] Thiên dĩ nhất vi Thái cực. Nhân dĩ tâm vi Thái cực. 天 以 一 為 太 極 人 以 心 為 太 極 (chú thích thơ Quan Dịch, Tính lý, tr.47)

[11] Ici c'est l'Un qui se trouve au sommet de la pyramide. II est l'absolu, la cause et la fin de toute réalité, mais il est indéfinissable, car toute définition est une limltation et l'Un est illimité, infini, susceptible seulement par conséquent de déterminations négatives... Maîtriser la chair, s'émanciper des préoccupations terrestres, vivre dans la pensée de l'Un une vie de pureté parfaite, tel est dès lors le but auquel tend Plotin...

Il croit (Philon d'Alexandrie) avec les Stoïciens au Logos partout présent mais dont l'homme est normalement inhabile à comprendre l'ordonnance. Eternel comme Dieu, le Logos extériorise sa pensée, il est à la fois la Raison et le Verbe où elle s'exprime; il est comme un souffle propageant à travers le monde la puissance créatrice de Dieu... (Trích: Richard Kreglinger, l'Evolution religieuse de l'humanité, tr.142-158)

[12] Au commencement était le Verbe le Verbe et le Verbe était auprès de Dieu et le Verbe était Dieu. Il était au commencement auprès de Dieu. Tout a été fait par lui et sans lui, rien n'a été fait de ce qui a été fait (Evangile de Saint Jean - Prologue l, l-3) Cf. Luc 17,20,21: Interrogé par les Pharisiens: «Quand va venir le royaume de Dieu?" Il leur répondit:"Le Royaume de Dieu ne doit pas venir ostensiblement. On ne dira pas non plus: "Le voici!" ou "le voilà!" car déjà le royaume de Dieu est en vous."

Cf. Aussi Upanishads:

- Il est l'Un lumineux, le créateur de tout, le Mahatma. Toujours dans le cœur des peuples établi;

- Révélé par le cœur, par l'intuition, par l'intelligence.

- Celui qui le connaît devient immortel...

 (Camille Drevet, Pour connaître la Pensée de Gandhi, tr.108)

[13] Cf. La montée du Carmel (Les oeuvres spirituelles du Bien heureux Père Jean de la Croix. Desclée et Brower) p.133,134: «... Donc pour entendre quelle est cette union, dont nous traitons, il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut-ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d'union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elles s'aneantiraient âussitôt et ne seraient plus. Ainsi quand nous parlerons de l'union de l'âme avec Dieu, ce ne sera pas de cette union substantielle de Dieu qui est toujours en toutes les créatures mais de l'union et de la transformation de l'âme en Dieu qui n'est pas toujours faite mais qui se fait seulement quand il y a ressemblance d'amour et partant celle-ci se nomme union de ressemblance, comme l'autre s'appelle l'union essentielle ou substantielle. Celle-là est naturelle, celle-ci surnaturelle, qui est quand les deux volontés, à savoir celle de l'âme et celle de Dieu, sont conformes en un, n'y ayant aucune chose en l'une qui répugne à l'autre. Partant quand l'âme ôter entièrement de soi ce qui répugne et n'est pas conforme à la volonté divine, elle demeurera transformée en Dieu par amour.

[14] L. Wieger, Les pères du Système taoiste, p.34.

[15] Présence du Bouddhisme, p.637.

[16] Địa đạo mẫn thụ. Nhân đạo mẫn chính. 地 道 敏 樹, 人 道 敏 政 (Trung Dung, ch.20, tr.66)

... thành giả, phi tự thành kỷ nhi dĩ dã, sở dĩ thành vật dã. Thành kỷ, nhân dã, thành vật, trí dã. 誠 者 非 自 成 己 而 已 也 所 以 成 物 也 成 己 仁 也, 成 物 智 也 (Trung Dung, ch.25, tr.78)

Tử Tư thừa thượng chương, Phu tử Thiên đạo, Nhân đạo chi ý, nhi lập ngôn dã. 子 思 承 上 章, 夫 子 天 道 人 道 之 意 而 立 言 也 (Trung Dung, ch.21, tr.76)

[17] Trí quảng đại, nhi tận tinh vi. Cực cao minh, nhi đạo Trung Dung. 致 廣 大 而 盡 精 微. 極 高 明 而 道 中 庸 (Trung Dung, ch.27)

[18] Notitioe sinicoe, tr.168.

[19] Notitioe sinicoe, tr.168: Duy thiên cao cao tại thượng, chí hư, chí công, chí thần, chí linh, bất dụng thính nhi thông vô bất văn, bất nhu thị nhi minh vô bất kiến, bất duy chính lệnh chi đắc thất, dân sinh chi hưu thích, cử bất năng đào Thiên chi giám, tức ám thất ốc lậu chi trung, bất đổ bất văn chi địa, diệc giai chiêu nhiên sát vô di yên. Thiên chi thông minh như thử. 惟 天 高 高 在 上, 至 虛, 至 公, 至 神, 至 靈 不 用 聽 而 聰 無 不 聞 不 需 視 而 明 無 不 見, 不 惟 正 令 之 得 失, 民 生 之 休 戚, 舉 不 能 逃 天 之 鑒 即 暗 室 屋 漏 之 中, 不 睹 不 聞 之 地, 亦 皆 昭 然 察 無 遺 焉. 天 之 聰 明 如 此.

[20] Giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. 戒 慎 乎 其 所 不 睹 恐 懼 乎 其 所 不 聞 (Trung Dung, ch.1, tr.40)

[21] Phản Đường, tr.6,7.

[22] Vũ tuyết thê thê. Bá Di, Thúc Tề. 雪 雨 淒 淒 伯 夷 叔 齊 (Mạc Đĩnh Chi, Vịnh quạt)

[23] Sơ cửu tiềm long vật dụng. 初 九 潛 龍 勿 用 (Kinh Dịch, càn quái)

[24] Uẩn long trùng trùng, Y Doãn Chu Công. 蘊 隆 蟲 蟲 伊 尹 周 公 (Mạc Đĩnh Chi, Vịnh quạt)

[25] Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân. 現 龍 在 田 利 見 大 人 (Kinh Dịch, Càn quái)

[26] Cửu tứ: Hoặc dược tại uyên. 九 四 或 躍 在 淵 (Kinh Dịch, Càn quái)

[27] Cửu ngũ: Phi long tại thiên lợi kiến đại nhân. 九 五: 飛 龍 在 天 利 見 大 人 (Kinh Dịch, Càn quái)

[28] Đầu sách: Thiên mệnh chi vi tính 天 命 之 謂 性.

 Cuối sách: Thượng thiên chi tải vô thanh vô xú chí hĩ. 上 天 之 載 無 聲 無 臭 至 矣.

[29] Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên 思 知 人 不 可 以 不 知 天 (Trung Dung, ch.19)

[30] Lực hành cận hồ nhân. 力 行 近 乎 仁 (Trung Dung, ch.20, tr.68)

[31] Hữu phất hành. Hành chi phất đốc. Phất thố dã. 有 弗 行 行 之 弗 篤 弗 措 也 (Trung Dung, ch.20, tr.74)

[32] Phi Long, tr.237.

[33] Tăng Tử viết: «Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị. Nhậm trọng nhi đạo viễn.» 曾 子 曰: 士 不 可 以 不 弘 毅. 任 重 而 道 遠 (Luận Ngữ, Thái Bá - 8, tr.124)

[34] Bác hậu phối địa. 博 厚 配 地 (Trung Dung, ch.26, tr.80)

[35] Thành giả, Thiên chi đạo dã, Thành chi giả, nhơn chi đạo dã. 誠 者 天 之 道 也 誠 之 者, 人 之 道 也 (Trung Dung, ch.20, tr.74)

[36] Quân tử hồ bất tháo tháo nhĩ. 君 子 乎 不 慥 慥 爾 (Trung Dung, ch.13, tr.54) Chung nhật càn càn dĩ thời giai hành. 終 日 乾 乾 以 時 皆 行 (Kinh Dịch, quẻ càn, Dịch Kinh tân khảo) Tượng viết: Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức. 天 行 健 君 子 自 強 不 息 (Kinh Dịch, quẻ Càn. Dịch Kinh tân khảo, tr.602)

[37] Bách Khoa, tr.32, số 92 (01-11-1960)

[38] Bách Khoa, tr.31, số 92, Nietzsche.

[39] Thiên Địa chi đạo, Khả nhất ngôn nhi tận dã: kỳ vi vật bất nhị, tắc kỳ sinh vật bất trắc. 天 地 之 道 可 一 言 而 盡 也: 其 為 物 不 貳, 則 其 生 物 不 測 (Trung Dung, ch.26, tr.80)

[40] Hữu Nhược Viết: Khởi duy dân tại? Kỳ lân chi ư tẩu thú, phụng hoàng chi ư phi điểu, Thái sơn chi ư khâu diệt, hà hải chi ư hàng lạo, loại dã. Thánh nhân chi ư dân, diệc loại dã. Xuất ư kỳ loại, bạt hồ kỳ tụy. 有 若 曰: 豈 惟 民 在? 麒 麟 之 走 獸, 鳳 凰 之 於 飛 鳥 泰 山 之 於 丘 垤 河 海 之 於 行 潦, 類 也 聖 人 之 於 民, 亦 類 也. 出 於 其 類, 拔 乎 其 萃 (Mạnh Tử, Công tôn Sửu [thượng, 2] tr.98)

[41] Nhan Uyên viết: Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả, diệc nhược thị. 顏 淵 曰: 舜 何 人 也?予 何 人 也?有 為 者 亦 若 是 (Mạnh Tử, Đằng Văn Công [thượng], tr.146)

[42] Evolution continues in our time, no longer on the physiological or anatomical plane but on the spiritual and moral plane. (Lecomte du Noüy, Human destiny, tr.79)

[43] Con người có thể sửa đổi được không? Bài của Jean Rostand, Hương xa, số 37. tr.21. Bài rút trong sách Can man be modified, 1959, The Curtis Publishing Company.

[44] Âu Dương Tử viết: Giáo học chi pháp bản ư nhân tính ma nhu thiên cách, xử xu ư thiện; chí ư lễ nhượng hành nhi phong tục thuần mỹ, nhiên hậu vi học chi thành. 歐 陽 子: 教 學 之 法 本 於 人 性 磨 揉 遷 革, 使 趨 於 善;至 於 禮 讓 行 而 風 俗 醇 美, 然 後 為 學 之 成 (Cận Tư Lục, I, Tựa)

[45] Cf.: En toi, mon Dieu, j’aurai ma solidité, ma fixité, mon être définitif (Saint Augustin) (Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme, notes 103, p.152)

- cf. Aussi: La montée du Carmel (Les oeuvres spirituelles du Bienheureux Père Jean de la Croix, Desclée de Brower, p.133,134):

«... Donc pour entendre quelle est cette union, dont nous traitons, il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fut-ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d'union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elles s'aneantiraient âussitôt et ne seraient plus. Ainsi quand nous parlerons de l'union de l'âme avec Dieu, ce ne sera pas de cette union substantielle de Dieu qui est toujours en toutes les créatures mais de l'union et de la transformation de l'âme en Dieu qui n'est pas toujours faite mais qui se fait seulement quand il y a ressemblance d'amour et partant celle-ci se nomme union de ressemblance, comme l'autre s'appelle l'union essentielle ou substantielle. Celle-là est naturelle, celle-ci surnaturelle, qui est quand les deux volontés, à savoir celle de l'âme et celle de Dieu, sont conformes en un, n'y ayant aucune chose en l'une qui répugne à l'autre. Partant quand l'âme ôter entièrement de soi ce qui répugne et n'est pas conforme à la volonté divine, elle demeurera transformée en Dieu par amour.

[46] Chu Tử viết: Mỗ yêu nhân tiên độc đại học dĩ định kỳ qui mô, thứ độc Luận Ngữ dĩ lập kỳ căn bản, thứ độc Mạnh Tử dĩ quan kỳ phát việt. thứ độc Trung Dung dĩ cầu cổ nhân chi vi diệu. 朱 子 曰: 某 要 人 先 讀 大 學 以 定 其 規 模, 次 讀 論 語 以 立 其 根 本, 次 讀 孟 子 以 觀 其 發 越, 次 讀 中 庸 以 求 古 人 之 微 妙 (Minh thành tổ ngự chế tứ thư ngũ kinh, Tính lý đại toàn, Đại Học, tr.11)

[47] Thiên hạ hữu tam môn: Do ư dục tình, nhập tự cầm môn. Do ư lễ nghĩa, nhập tự nhân môn. Do ư độc tri, nhập tự thánh môn. 天 下 有 三 門: 由 於 欲 情 入 自 禽 門. 由 於 禮 義 入 自 人 門. 由 於 獨 知 入 自 聖 門 (Notitiӕ sinicӕ, p.176)

[48] Ẩm tửu mạc giao thành mính đính,       
飲 酒 莫 教 成 酩 酊

Khan hoa thận vật đáo ly phi.               
看 花 慎 勿 到 離 飛 .

[49] Cổn cổn Trường giang đông thệ thủy, 
滾 滾 長 江 東 逝 水

Lãng hoa đào tận anh hùng,                 
浪 花 淘 盡 英 雄

Thị phi, thành bại chuyển đầu không. 
是 非 成 敗 轉 頭 空

Thanh sơn y cựu tại.                               
青 山 依 舊 在

Kỷ độ tịch dương hồng.                           
幾 度 夕 陽 紅

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng, 
白 髮 漁 樵 江 渚 上

Quán khan thu nguyệt phong.               
慣 看 秋 月 風

Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.         
一 壺 濁 酒 喜 相 逢

Cổ kim đa thiểu sự,                                 
古 今 多 少 事

Đô phó tiếu đàm trung.                           
都 付 笑 談 中

(Tam Quốc, Hồi I).

[50] Chí Y Doãn chi sở chí, học Nhan tử chi sở học, quá tắc thánh, cập tắc hiền. 至 伊 尹 之 所 志, 學 顏 子 之 所 學, 過 則 聖, 及 則 賢 (Cận tư lục, II tr.1).

[51] Giá tiện thị nhất cá tham tán tài thành chi đạo; cái ức âm tiến dương, trưởng thiện nhi tiêu ác, dụng quân tử nhi thoái tiểu nhân. 這 便 是 一 簡 參 贊 栽 成 之 道; 蓋 抑 陰 而 進 陽, 長 善 而 消 惡, 用 君 子 而 退 小 人 (Cận tư lục, I, tr.3).

[52] Dịch Kinh tân khảo, I, tr. 20, 56, 60.

[53] Liêm Khê tiên sinh viết: thánh hi thiên, hiền hi thánh, sĩ hi hiền. 濂 溪 先 生 曰: 聖 希 天, 賢 希 聖 士 希 賢 (Cận tư lục, II, tr.1).

[54] Tam Quốc, hồi 97. Hậu xuất sư biểu của Gia Cát Lượng.

[55] Nhân Tâm duy nguy. Đạo tâm duy vi. Duy tinh duy nhất. Doãn chấp quyết trung. 人 心 惟 危. 道 心 惟 微. 惟 精 惟 一. 允 執 厥 中 (Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15).

--------------------------
* Trân trọng cảm ơn quí vị
**************************         







No comments:

Post a Comment

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: