Mạnh Tử quan niệm về nhân, nghĩa
Mạnh Tử quan niệm về nhân, nghĩa
Giáo sư Francois Jullien, Chủ tịch Viện quốc tế triết học là tác giả 10 tập chuyên luận so sánh triết học Trung Hoa và triết học Âu Châu đặc biệt chú ý là những công trình: xác lập cơ sở cho đạo đức, đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng (Grasset, 1995)… làm nổi bật vai trò cơ bản của triết học trong đối thoại giữa những nền văn hóa, đưa ra một phương pháp luận so sánh văn hóa Đông - Tây mới mẻ có thể trình bày vắn tắt như sau: “hiểu lý trí Châu Âu từ lý trí Trung Hoa và ngược lại”, “suy tư Trung Hoa bằng Châu Âu và ngược lại”. Sau đây là bản dịch Chương I của công trình xác lập cơ sở cho đạo đức.
Một ông vua băn khoăn không biết mình có đủ tài đức để bảo hộ dân chúng gây dựng nên nghiệp vương không. Để nhà vua tin ở khả năng của mình, một nhà hiền triết gợi nhắc lại một giai thoại về chính nhà vua. Một hôm vua đương ngồi trong đền bỗng thấy một người lôi một con bò qua cửa đền, con vật bị đưa đến noi hiến tế nó sẽ bị giết, đặng lấy máu làm lễ bôi chuồng. Trước bộ dạng nhớn nhác của con vật, giống như một kẻ vô tội bị giải tới nơi nhục hình, nhà vua không nỡ, bèn ra lệnh thả nó ra. Một viên quan hỏi: "Bỏ lệ lấy máu bôi chuồng sao"? Vua trả lời: "Sao lại bỏ? Hãy đem con dê mà thế vào”!
Chỉ chừng ấy, nhà hiền triết kết luận đủ để thấy rằng nhà vua có khả năng gây dựng nghiệp vương. Tuy vậy, giai thoại được kể mới nghe tưởng chừng như chọc vào nhà vua: với ý kiến đem con dê thay cho con bò, nhà vua bị chê là hà tiện và chính nhà vua chống chế một sự quy kết như vậy cũng thừa nhận cách xử sự của mình có chỗ không ổn. Bởi lẽ vì sao tha cho con bò mà lại không tha cho con dê, con này chẳng cũng vô tội như con kia hay sao? Nhà hiền triết lại phải làm sáng tỏ cái gì đã diễn ra trong lòng dạ nhà vua, điều này những người xung quanh và bản thân nhà vua không nhận biết được: nhà vua đã đề nghị một cách vô tư thay con bò bằng con dê, chẳng qua là vì ông đã "nhìn thấy" vẻ xớn xác của con bò còn con dê thì ông không "nhìn thấy". Đích thân ông được chứng kiến sự khủng khiếp của con bò: nó xuất hiện ra đột ngột trước mắt ông mà ông chẳng có một dự phòng vào cả, trong khi đó số phận của con dê ở ông chi là một ý niệm. Một ý niệm vô danh, trừu tượng và do đó không có hiệu quả Không có tác động của sự hiện diện mặt đối mặt - mắt nhà vua đã trợn ngược nhìn thấy sự khủng khiếp của con bò và từ đó không nhắm lại dược nữa. Chính vì vậy việc con dê bị làm vật hy sinh không làm cho nhà vua xao xuyến , trước sau ông xem sự việc này cũng là lẽ thường vậy. Còn đối với con bò, sự nhìn thấy đủ làm cho ông xúc động và tình lý trong nội tâm ông trong chốc lát bị xao động. Như vậy, nhìn chiều sâu, sự không nhất quán trong cách ứng xử mà nhà vua lấy làm hổ thẹn trên thực tế lại bộc lộ một phẩm giá đáng quý ở ông: nhà vua "không nỡ” đứng "nhìn" sự đau khổ, ông không thể làm một người chứng kiến dửng dưng với số phận của kẻ khác, ngay cả khi kẻ khác đó là một con vật. Và phản ứng trực tiếp này của lòng không nỡ đủ để chứng tỏ tâm hướng đạo đức của ông.
Giai thoại nói trên được thuật lại theo lời của Mạnh Tử, một nhà triết học Trung Hoa thế kỷ IV trước CN. Mạnh Tử khái quát hóa: "Người quân tử đối với chim chóc và thú vật, đã trông thấy chúng nó sống thì chẳng nỡ nhìn xem chúng nó chết, đã nghe chúng kêu la thì chẳng nỡ ăn thịt chúng nó". Châm ngôn này làm tôi nhớ đến: những con vịt thời bé chúng tôi đem thả vào một cái bể to, chúng tôi thích thú xem chúng nô giỡn, rồi một hôm một con chó cắn chết chúng và chúng tôi không nỡ đem vặt lông nấu ăn. Nhưng nhân danh cái gì mà không nỡ? Cái gì đã ngăn giữ chúng tôi không làm thịt những con vịt, sức mạnh nào đã đưa vào kinh nghiệm sống, sự phân định ranh giới cần thiết này, ranh giới này cũng tương đối thôi nhưng cuối cùng thi không thể chối từ được (và tác động của nó, một khi được minh định, trở thành điều căn cốt, hệ trọng). Tiếp theo giai thoại, Mạnh Tử có nhận xét "người quân tử nên ở xa nhà bếp và nơi mổ lợn, mổ gà" (nói một cách khác, lò sát sinh cần đặt nơi xa khuất). Nhận xét này xen vào đây (dễ bị lầm tưởng như một thành kiến của loại người sang trọng cao đạo) thực ra nhấn mạnh điều này: một khi có âm mưu đối với một sinh tồn khác (ngay cả một sinh tồn động vật) một khi có tác động của sự đối diện với sụ hiện hữu (dù là trong chốc lát) của một sinh tồn khác. Ta không thể nào dửng dưng được. Cũng phải thấy rằng trong lĩnh vực này, ví dụ được nêu lên không đơn thuần là một sự minh họa, nó có vai trò như hòn đá thử vàng: về chủ đề được tranh cãi quá nhiều này của đạo đức. chí có kinh nghiệm là bảo đảm cuối cùng và là căn cứ để sàng lọc các lý lẽ. Dĩ nhiên qua kinh nghiệm phải nắm được đạo đức trong sự căn cốt của nó và sự kiện được nêu lên phải là sự kiện không chối cãi được. Chính vì vậy Mạnh Tử có ý thức đưa ra một tình thế có tính điển hình: thấy một đứa trẻ con sắp té xuống giếng , ai cũng động lòng kinh sợ, thương xót, chạy bổ đến cứu đứa bé. Mà họ hành động như vậy "không phải vì tình giao kết với cha mẹ đứa trẻ mà muốn cho được thân thích hơn; cũng không phải vì muốn cho hàng xóm, bằng hữu khen tặng mình, lại cũng không phải vì tránh tiếng xấu là người bất nhân. Những đặc điểm của lòng không nỡ trước sự bất hạnh của người khác là: không có sự tính toán, không có sự nghĩ ngợi nào và sự phản ứng có tính chất tự phát. Không có lợi lộc nào xen vào động cơ, hành động cứu trợ ở ngoài sự giám sát của ý chí. Một tình thế như vậy đáng được nêu lên làm tình thế mẫu. Nó phơi trần ra một cách ứng xử tuyệt đối vô tư, trong đó cái cá nhân bị vượt qua: bất thần tôi không chủ động được nữa, tôi không làm chủ những cứu cánh ích ký của mình được nữa, chinh là bản thân sự sinh tồn, qua tôi, đương trỗi dậy vì người khác.
Như vậy được phơi bày ra ở trạng thái tự nhiên và tức thì điều mà không một lý lẽ nào có thể bác bỏ. Chứng cứ là những điều thuộc tập quán cổ xưa mà Mạnh Tử thuật lại, người đời xưa chưa có lệ chôn cất cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời, họ đem bỏ xác xuống hố. Ít hôm sau, đi qua, họ thấy chồn cáo xâu xé những cái thây, ruồi nhặng và ròi bọ đục khoét: toát mồ hôi trán, họ chỉ ngó nghiêng, không dám nhìn thẳng... Mồ hôi rịn ra trên mặt, "đó chẳng phải là tại họ xấu hổ với người khác", Mạnh Tử bình luận, sự phản ứng là từ sâu thẳm lòng họ. Họ bèn quay về nhà, mang thúng mủng cuốc xẻng tới, họ đào đất mà lấp thây cha mẹ. Việc mai táng, Mạnh Tử kết luận, không chỉ là một ước lệ: nó bộc lộ một mối liên hệ giữa các sinh tồn mả ngay cái chết cũng không xóa bỏ được. Mạnh Tử còn đưa ra một điều tế nhị là đối với những người đã "hóa thân" không để cho đất cát,chạm da. Chúng ta không nỡ dửng dưng trước những gì đe dọa người khác ngay cả khi họ đã chết.
Những ví dụ như vậy khiến ta nghĩ đến tính phổ biến của nguyên tắc "Người ta ai cũng có lòng thương xót, lòng chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác" (Đ.T.C Mạnh Tử, t.thượng tr.273) từ đó Mạnh Tử suy ra: đem tấm lòng chẳng nỡ ấy (đối với người khác) phổ cập đến những điều mình còn nỡ (còn đang tâm đối với người khác), đó là "nhân" vậy. Cá nghĩa là đối với ai cũng vậy, có cái gì đó khiến mình, trong cơn hoạn nạn của người khác, không thể dửng dưng và gây ra phản ứng. Sự không dửng dưng này có nghĩa là ta không thể nào bình thản, “thoải mái", yên ổn" đứng trước nhũng gì bất hạnh đến với người khác (đối chiếu với cảm giác "bất an" trong lương tâm mà Khổng Tử đã từng nói đến). Đồng thời còn có khá nhiều điều bất hạnh trong cuộc sống người khác mà ta còn dửng dưng, thậm chí không hề quan tâm. Từ quan điểm Trung Hoa, luân lý đạo đức không đặt ra định đề nào cả, cũng không đưa ra giới luật và lời dạy nào cả, chẳng qua nó chỉ là sự mở rộng này: sự triển khai phản úng không nỡ (không chịu đụng nổi) tới tất cả những gì ta vẫn nỡ (vẫn đành chịu) trước sự cùng khốn của con người.
Mặt khác, với ai cũng vậy, có "những điều mình chẳng làm" (tức là mình không thèm làm): đem triển khai, mở rộng ý thức chẳng chịu làm, không thèm làm này tới những điều (đáng chê trách) mà mình vẫn cứ làm, đó là "nghĩa" vậy. Trên thực tế người không thèm "khoét vách", “trèo tường” để ăn trộm hàng xóm rất có thể giống nịnh hót nhà vua, không còn biết chính trực là gì nữa: "lúc chẳng nên nói thì lại thưa thốt" hoặc "lúc đáng nói thì lại ngậm miệng”. Sự bất lương "thưa thốt, ngậm miệng" này thực ra là cùng một "ruột" với sự ăn trộm trắng trợn nhất. Ngược lại, với kẻ "có khả năng khuyếch sung hình thức lương tâm ngăn ngừa trộm cắp" thì nguồn nghĩa ở anh ta là "vô tận".
Sự mở rộng này như là một nhân tố cấu thành của ý thức đạo đức được thực hiện theo hai chiều: trong bản thân chúng ta nó là sự triển khai của lòng không nỡ thỉnh thoảng ta cảm nhận được trước sự cùng khốn của người khác tới toàn bộ kinh nghiệm sống của chúng ta (hoặc đó là sự triển khai của những điều ta có sự quan tâm tới những người khác sang tất cả những gì ta chưa có sự quan tâm tới họ hoặc đó là sự triển khai tình cảm không chịu làm, không thèm làm tới tất cả những điều đáng chê trách mà ta vẫn cứ làm), ở ngoài chúng ta. nó là sự triển khai hướng tới những người khác, từ người gần nhất đến người xa nhất, bằng sự khuy ếch trương, bằng động tác của gương mẫu nêu lên cho họ (trước hết là gương mẫu được nêu lên từ bậc thiên tử). "Đẩy tới" (hoặc "triển khai"), "mở rộng khuyếch trương" (hoặc "khuyếch sung") đó là những chức năng then chốt trong sách Mạnh Tử. Bởi lẽ ý thức đạo đức cũng giống như ngọn lửa “nhen nhúm sắp cháy bùng", như dòng suối "phát tích sắp lưu thông". Chính vì vậy chỉ mỗi sự phản ứng không nỡ ở nhà vua lần ông thấy vẻ xốn xác của con bò bị lôi đi tới nơi hiến tế- miễn là tình cảm không nỡ này được khuyếch sung đầy đủ cũng đủ để nhà vua bình thiên hạ.
Hoàng Ngọc Yến.
(Tạp chí Tia sáng)
No comments:
Post a Comment