Monday, March 23, 2020

DỊCH KINH GIẢN LƯỢC

DỊCH KINH GIẢN LƯỢC


DỊCH KINH GIẢN LƯỢC



DỊCH KINH GIẢN LƯỢC



***

Trước khi vào các quẻ, để cho dễ hiểu tôi xin nói về:

1) Ít nhiều nhận định về Quẻ, Thoán, Hào.

2) Áp dụng những nguyên tắc của Dịch Kinh vào cuộc đời.

 I. ÍT NHIỀU NHẬN ĐỊNH VỀ QUẺ, THOÁN, HÀO


1) Nhận định về quẻ

Quẻ có quẻ đơn và quẻ kép.

Quẻ Đơn. Quẻ Đơn gồm 8 quẻ; mỗi quẻ có 3 vạch (Hào):

Kiền (Càn), Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.

Quẻ Đơn tượng trưng cho Vạn Vật, Vạn Hữu

Quẻ Kép. Quẻ Kép gồm 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 Hào.

Quẻ Kép tượng trưng cho hết mọi biến hóa, mọi tình trạng, mọi hoàn cảnh mà Vạn hữu và Nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau. Thượng Kinh và Hạ Kinh viết lại 64 quẻ , tức là đưa ra 64 hoàn cảnh tượng trưng, để dạy con người phương pháp xử sự cho khéo léo, tùy theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.

Quẻ Kép gồm 2 quẻ đơn, ta gọi:

----Quẻ phía dưới là Nội Quái

----Quẻ phía trên là Ngoại Quái

Vì mỗi hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật bị dính dấp ảnh hưởng, nên mỗi quẻ lại có 6 Hào. Sáu Hào cốt là để nói lên cho rõ ràng:

---*Mọi khía cạnh, mọi trạng thái biến thiên của hoàn cảnh.

---*Mọi giai đọan của một công trình.

----*Mọi tầng lớp trong xã hội, đang cùng chia xẻ một hoàn cảnh

----*Những trường hợp khác nhau, có thể xảy ra cho từng hạng người sống cùng chung một hoàn cảnh..

Bàn về mỗi quẻ Kép có:

A) Tự Quái. B) Thoán Từ. C) Thoán Truyện. D) Tượng Truyện. E) Hào Từ và Tiểu Tượng Truyện.


Muốn hiểu rõ mỗi quẻ, phải nghiên cứu tận tường:

A) Tự Quái có mục đích dạy ta khi gặp mỗi quẻ, tức là mỗi hoàn cảnh, phải xét xem nó duyên do tự đâu.

B) Thoán bàn luận tổng quát về sự hay dở của mỗi quẻ, tức là của mỗi hoàn cảnh.

Dịch Kinh dùng 11 chữ để xét đoán hay dở:

1) Nguyên = chí thiện,
= nguyên thủy (gốc gác vạn hữu)
= lớn, mạnh, hào hùng, cao đại.

2) Hanh = Thông suốt (hanh thông)
= Chí mỹ (Gia chi hội - Văn ngôn)

3) Lợi = Lợi, thuận nhân tâm, thích nghi, thích đáng.

4) Trinh = Chính, bền, thành đạt, bền vững, hằng cửu, chủ chốt, chủ đích của mọi việc.

5) Cát = Tốt, được, thành công.

6) Hung = Xấu, mất, thất bại.

7) Hối = Hối lận, ưu lự, băn khoăn.

8) Lận = Xấu hổ.

9) Lệ = Nguy hiểm.

10 & 11) Vô cữu là không có lỗi.

Tóm lại, một hoàn cảnh, một công tác hay, hay dở tùy ở chỗ thành hay bại, đắc hay thất, có làm cho mình phải hối hận, phàn nàn, xấu hổ hay không? Việc xấu mà không, hay chưa hối hận thời nguy hại, đã phàn nàn, cải quá thì không lỗi gì. Nhiều khi Dịch cũng dùng 2 chữ Trinh hung đi đôi với nhau. Chữ Vô Cữu nhiều khi phải giải là Không trách cứ ai được.


Thoán có Thoán Từ, Thoán Truyện:

---*Thoán Từ là của Văn Vương. Thoán Từ rất vắn tắt, cô đọng, nói đại ý toàn quẻ & sự hay dở tổng quát của toàn quẻ

---*Thoán Truyện là lời của Khổng Tử, dùng để giải thích Thoán Từ. Thoán Truyện nhiều khi viết có âm vận, và thường theo phương pháp sau đây: -

1) Giải thích tên quẻ mỗi khi cần.

2) Phân tích quẻ thành 2 quẻ Đơn (Quái Thể), rồi lấy 2 quẻ đơn ấy mà phân tích Thoán Từ (Dĩ Quái Thể thích Quái Danh, Quái Nghĩa)

3) Lấy đức tính của 2 quẻ đơn ấy để cắt nghĩa Thoán Từ (Dĩ Quái Đức thích Quái Từ)

4) Dùng những hình ảnh do 2 quẻ đơn ấy gợi nên để cắt nghĩa Thoán Từ (Dĩ Quái Tượng thích Thoán Từ)

5) Xem quẻ đương cuộc đã do quẻ nào sinh ra, là biến thể của quẻ nào, rồi lấy đó mà giải thích Quái Từ (Dĩ Quái Biến thích Quái Từ)

6) Xem 2 quẻ đơn là Âm hay Dương, Cương hay Nhu, giao nhau hay không giao nhau để giải thích Quái Từ (Dĩ Quái Tài thích Quái Từ)

7) Tìm hào chủ chốt của quẻ (Chủ Hào), rồi nhân đó cắt nghĩa Quái Từ, Quái Nghĩa. Hào chủ chốt thường là hào 2 và 5, nhưng cũng có khi là hào 1 như ở quẻ Truân, là hào 3 như ở quẻ Khiêm, hào 4 như ở quẻ Dự.

Có nhiều khi lời Thoán giống lời Hào chủ chốt.

Ví dụ: Thoán quẻ Truân có chữ Lợi kiến hầu, thì hào Sơ Cửu cũng có chữ Lợi kiến hầu.

8) Thoán Truyện thường nhắc lại để giải thích từng câu trong Thoán Từ.

9) Ngoài công việc chú giải Thoán Từ, Thoán Truyện còn đưa ra những nhận định tổng quát, những định luật của Trời Đất. Ví dụ:

---*Nơi quẻ Hàm, thì đề cập đến định luật cảm thông trong Trời đất

---*Nơi quẻ Khuê, thời nói về Âm Dương lưỡng dụng để đi tới đại thành.

---*Nơi quẻ Phong, thì bàn về lẽ Doanh, Hư, Tiêu tức của Trời đất.

---*Nơi quẻ Hằng thì bàn về sự bền vững là điều kiện để tiến tới vĩnh cửu, bất biến...

Vì vậy, hiểu được Thoán Từ là hiểu được quá 1/2 quẻ Dịch rồi (Trí giả quan kỳ Thoán Từ tắc tư quá bán hỹ - Hệ Từ hạ, Chương 9)

C) Hào

Trong 1 hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều nhân vật liên hệ, quẻ là một hoàn cảnh, nên cũng lấy các Hào mà tượng trưng cho sự diễn biến của hoàn cảnh, những khía cạnh khác nhau của hoàn cảnh, những nhân vật liên hệ đến hoàn cảnh. Hào có Hào Tài & Hào Vị.

---*Hào Tài là bản chất của từng Hào, tài đức của từng Hào. Hào Tài được diễn tả bằng Âm và Dương.

Âm Hào

tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân, hoặc những người bất tài, nhu nhược.

Dương Hào

tượng trưng cho quân tử, người tài cán, cương nghị.

---*Hào Vị . Mỗi quẻ Kép có 6 vị ngôi, tức là 6 Hào

Mỗi một hào mang một số thứ tự tính từ dưới lên trên:  1, 2, 3, 4, 5, 6 có tên là Hào Sơ, Hào Nhị, Hào Tam, Hào Tứ, Hào Ngũ và Hào Thượng. Số lẻ 1, 3, 5 là vị Dương. Số chẵn 2, 4, 6 là vị Âm. Tùy Hào tài là Dương hay Âm, ta dùng thêm chữ Cửu hay Lục. Từ dưới lên trên ta xưng danh như sau:

Nếu là Dương Hào ta có: Sơ Cửu, Cửu Nhị, Cửu Tam, Cửu Tứ, Cửu Ngũ, Thượng Cửu.

Nếu là Âm Hào ta có: Sơ Lục, Lục Nhị, Lục Tam, Lục Tứ, Lục Ngũ, Thượng Lục.

Hào Vị có nhiều công dụng:

a) Nó biểu dương không gian TRÊN, DƯỚI, GIỮA.

b) Thời gian: ĐẦU, GIỮA, CUỐI.

c) Các tầng lớp xã hội từ lê thứ, đến quan, vua, đến miếu mạo, triều ca.

d) Nó xác định ngôi vị của từng nhân vật.

e) Các giá trị tinh thần từ thấp đến cao.

f) Chiều hướng biến hóa từ trong ra ngoài, hoặc từ ngoài vào trong. Từ dưới lên trên là biến chuyển từ trong ra ngoài. Gặp trường hợp ấy nơi Thoán Truyện, dùng chữ Vãng. Biến chuyển từ trên xuống dưới là biến từ ngoài vào trong. Trường hợp này Thoán Truyện dùng chữ Lai.

Như trên đã nói, lối tính các Hào bao giờ cũng tính từ dưới lên trên, cho nên:

----Hào dưới là thấp, Hào trên là cao.

----Hào dưới thì là hạ tiện, là lê dân, Hào trên thời là tôn quí, là quan, là vua.

Đối với thân thể con người, thì dưới là chân, trên là mặt, là miệng, là đầu.

Đối với con vật, thì hào Sơ là đuôi, hào trên cùng là đầu, là sừng vv...

Đối với quá trình một công việc, thì dưới là khởi điểm công việc, khó biết, khó làm. Giữa là giai đoạn gian một vài qui ước đã được chấp thuận cho mỗi một Hào.

---*Hào Thượng: Thái miếu, Thái thượng hoàng, Thượng phu, ẩn sĩ thoát trần. Đó là hào hưu tức, ngoại vị, vô vị.

---*Hào Ngũ: Thiên tử, Quân vương.

---*Hào Tứ: Đại thần, cận thần, chư hầu.

---*Hào Tam: Công khanh, Tam công, là những người có thế lực trong nước.

---*Hào Nhị: Công thần, Đại phu.

---*Hào Sơ: Nguyên sĩ, là vạn dân, thứ dân. (Xem thêm nơi Hệ Từ hạ , Chương 9 )


TRUNG CHÍNH & BẤT TRUNG BẤT CHÍNH


---- Hào 2 và 5 là Trung Hào, nên gọi là Trung.

---- Hào 3, 4 chẳng hạn, không phải Hào giữa nên gọi là Bất trung.

---- Hào Dương cư Dương vị, hào Âm cư Âm vị gọi là Chính.

---- Hào Dương cư Âm vị, hào Âm cư Dương vị gọi là Bất chính.

Trung chính & Bất trung chính cốt để chỉ 2 sự kiện:

1) Trung là những người thành khẩn, trung thực, có lương tâm chức nghiệp, tận tụy vì công vụ.

2) Chính là những người được dùng vào những ngôi vị, những công việc xứng với tài đức của mình.


Bất trung chỉ những người gian ngoan, không thành khẩn.

Bất chính chỉ những người sống trong những địa vị bất xứng, không thích hợp với tài đức của mình, ví như dốt nát, bất tài mà lại ở địa vị cao (Âm cư Dương vị); hoặc có tài, có đức mà không được trọng dụng, không được đặt vào những chức vị xứng đáng (Dương cư Âm vị) Nhân đó ta suy ra được tình trạng hay dở rất nhiều.


ỨNG & TỈ


Mỗi người trong xã hội lại có một số người hỗ trợ, hay không hỗ trợ, Dịch kinh diễn tả sự kiện này bằng ỨNG HÀO . ỨNG HÀO thì

 1 ứng với 4

 2 ứng với 5

 3 ứng với 6

---*Âm ở dưới ứng Dương ở trên thì phải hiểu là tiểu nhân dựa thế quân tử, tiểu nhân dựa thế lực người có quyền thế ở trên, như vậy đâu có hay.

---*Dương ở trên ứng với Âm ở dưới thì phải hiểu là người trên hay, mà người dưới dở, không giúp ích được bao lâu.

---*Âm lại gặp Âm, Dương lại gặp Dương thì thường phải hiểu là một người hoạt động đơn độc, không người hỗ trợ.

---*Nhưng ở Hào ngũ, Hào nhị, nếu Cửu Ngũ mà lại gặp Cửu Nhị thì có thể hiểu là Minh quân lại gặp Hiền thần. (Xem Kiền)

TỈ:  là thân cận, là sống kế cận nhau.

ỨNG là nói 2 Hào cách xa nhau, TỈ là nói 2 Hào kề cận nhau. Phàm gần nhau phải giống tính, giống nết nhau mới tốt. Vì thế Âm cận Hào Âm mới tốt, Dương cận Hào Dương mới hay. Còn như Âm bên Dương, Dương bên Âm, vì một đằng Cương, một đằng Nhu, một đằng quân tử, một đằng tiểu nhân, một đằng hữu tài, một đằng vô tài, nên thường khủng khiểng, kèn cựa.

Nếu Âm ở dưới Dương, tức là kẻ bất tài nhường nhịn người có tài.

Nếu Âm ở trên Dương, tức kẻ vô tài mà lại trèo đầu, cưỡi cổ người có tài thì sẽ sinh lắm chuyện.

---- Trường hợp quị lụy, nhường nhịn, Dịch gọi là THỪA

---- Trường hợp đè đầu, cưỡi cổ, Dịch cũng gọi là THỪA.

Như vậy, để đoán định CÁT, HUNG, Dịch theo những tiêu chuẩn sau đây:

1) Địa vị phải xứng kỳ đức mới hay.

2) Làm việc gì phải có người hỗ trợ, hưởng ứng, phụ bật mới hay.

3) Không hợp nhau, mà xa nhau thì còn khả trợ, vì không giao tiếp với nhau. Nhưng đã không hợp nhau mà phải sống bên nhau, thật là căn cớ mọi hung họa.

4) Thành khẩn mà đối đãi nhau mới hay. Giả dối mà đối đãi với nhau thật là điều tai hại.

5) Và như vậy, cả bộ Dịch khuyên ta phải ở những nơi, giữ những công việc thích hợp với tài đức mình, giao thiệp với những người đồng tâm, đồng chí với mình.vv...



ÍT NHIỀU VÍ DỤ ĐỂ HIỂU VỀ 6 HÀO:

(Ta đi từ Hào Sơ cho tới Hào Thượng)

1) Ví dụ Quẻ Tỉnh:


Sáu Hào ở đây mô tả các loại giếng, và các công dụng khác nhau của những giếng.

Hào 1) Đáy giếng bùn = Tiểu nhân không nên dùng.

Hào 2) Giếng có ngách ngang hông, để mất hết nước.= Người không lý tưởng, không ích lợi gì.

Hào 3) Giếng tốt bỏ hoang không ai dùng = Người tài đức không được trọng dụng.

Hào 4) Giếng được xây sửa lại, tạm thời không dùng được = Công bộc Quốc Gia nhiều khi phải ngưng phục vụ để tu nghiệp lại.

Hào 5) Giếng trong có người ăn = Vị quốc quân có tài đức, thực ích lợi cho quốc dân.

Hào 6) Giếng nước ngon, có nắp đậy, lại đầy nước = Ở trên càng làm ích cho đời, càng nhiều cái hay.

2. Quẻ Đỉnh.


(Mô tả các phần và công dụng của cái đỉnh, cái vạc dùng để nấu thức ăn)


Hào 1) Đỉnh chổng chân (để rửa bụi bậm bên trong: bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân vật nào mà ta biết lợi dụng vẫn hay)

Hào 2) Vạc đầy thức ăn (Không nên thân cận tiểu nhân)

Hào 3) Tai đỉnh (Vạc thay tai: Quân tử lúc đầu không được trọng dụng, sau sẽ được hòa hợp với vua)

Hào 4) Đỉnh gãy chân: (Dùng tiểu nhân vào chức trọng, sẽ hỏng việc.

Hào 6) Khoen đỉnh (Ở đời mà cương nhu hòa hợp, trên đưới một lòng, thì hay biết mấy)

3. Quẻ Hàm.



(Dùng các phần mình trong người để diễn tả sự cảm xúc, cảm
thông)

Hào 1) Cảm bằng ngón cái chân (Sức cảm hóa còn yếu ớt)

Hào 2) Cảm bằng bắp chân (Muốn cảm hóa người trên rất khó)

Hào 3) Cảm bằng vế đùi (Cảm hóa không phải là xu phụ quần chúng)

Hào 4) Cảm bằng tâm (Cảm hóa bằng cả tâm hồn mới tốt, không nên dùng thủ đoạn)

Hào 5) Cảm hóa bằng gáy vai (Cảm hóa mà hờn hợt sẽ không bền )

Hào 6) Cảm hóa bằng mép môi (Cảm hóa người bằng cửa miệng không hay)



4. Quẻ Tiệm.


(Dùng những cảnh trí thiên nhiên từ dưới bờ biển cho tới khung trời cao để mô tả sự tiệm tiến, tiệm thăng của chim Hồng hay của người Quân tử)

Hào 1) Chim Hồng đậu nơi bờ biển (Người quân tử mới vào đời, nếu chậm tiến chớ buồn)

Hào 2) Chim Hồng đậu nơi thạch bàn (Người Quân tử khi có địa vị vững chắc, đừng ăn không ngồi rồi, hãy làm điều gì ích quốc, lợi dân)

Hào 3) Chim Hồng đậu ở cao nguyên (Tiểu nhân muốn đốt giai đoạn mà tiến lên, vong ân bội nghĩa mà tiến lên thời đâu có hay. Quân tử sống kề cận với Tiểu nhân, nhưng nếu biết tự thủ, biết ngăn chặn tiểu nhân đừng bước vào đường tội lỗi, thời như ngăn được giặc vậy)

Hào 4) Chim Hồng đậu trên cây (Người ở địa vị cao mà biết nhu thuận, thì cao cũng không nguy)

Hào 5) Chim Hồng đậu núi cao. (Vua hay mà có hiền tài phụ bật, dầu gặp kẻ ly gián tạm thời hiểu lầm nhau, sau cũng sẽ hòa hợp)

Hào 6) Chim Hồng bay lên trên trời, lông rụng xuống vẫn có thể dùng (Thánh nhân siêu việt trần gian, nhưng vẫn làm ích cho đời)



5. Quẻ Sư.


(Mô tả mọi khía cạnh trong công cuộc hưng binh, động chúng)

Hào 1) Xuất quân phải có phép tắc.

Hào 2) Cầm quân phải có tướng tài.

Hào 3) Tướng dở cầm quân là đem quân vào chỗ chết, là đem xe chở thây.

Hào 4) Dùng binh có lúc phải biết thoái.

Hào 5) Điều động binh mã, có lúc là để bảo vệ sơn hà. Dùng tướng tài cầm quân, không được dùng tướng dở.

Hào 6) Khi đã khải hoàn, phải khen thưởng quân tướng cho hẳn hoi, nhưng không được dùng kẻ bất tài, dùng tiểu nhân vào chính quyền.

Cứ theo đường lối ấy mà nghiên cứu các Hào, ta sẽ thấy thường Hào nào cũng có nghĩa đen, nghĩa bóng. Tìm ra được thâm ý mỗi Hào, ta sẽ học được những bài học tiếp nhân xử kỷ rất là thâm thúy và khôn ngoan.

Thường mỗi quẻ chỉ nói đến một vấn đề, nhưng đôi khi cũng nói đến 2, 3 vấn đề. Cho nên gặp quẻ nào cũng phải hiểu xem quẻ ấy muốn đề cập đến vấn đề gì, nhiên hậu mới khỏi lạc lõng, khi nghiên cứu Thoán, Tượng, Hào.

Nếu ta đọc một quẻ mà không biết nó muốn nói những gì, nếu ta không tìm ra được mạch lạc nối liền Thoán, Tượng, Hào, mà ta chỉ hiểu nổi đại khái vặt vãnh, thì chắc chắn là ta chưa hiểu nổi Kinh Dịch.


II. ÁP DỤNG NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA DỊCH KINH VÀO CUỘC ĐỜI:


Áp dụng nguyên tắc Dịch kinh để đoán định công việc ta làm hay, hay dở

Phàm một công việc ta làm, muốn biết là dở, hay hay, ta sẽ phân tách nó theo những tiêu chuẩn sau đây:

----Lý: Minh chính hay tà khuất.

----Tình: Thành khẩn hay giả dối, đắc ý hay không đắc ý. Ta thích làm hay làm miễn cưỡng.

----Tài: Ta là người có chân tài hay không?

----Đức: Ta là người có đức hay không?

----Thời: Công việc ta làm có hợp thời hay không?. Có hợp với tuổi ta không?.

----Vị: Địa vị và hoàn cảnh của ta chính đáng, hay không?, thích hợp với ta hay không?

----Sự hiểu biết của ta về công việc: Ta có am tường công việc này hay không?

----Sự chuẩn bị của ta: Làm công việc này ta có chuẩn bị chu đáo hay không?

----Ứng: Ta làm công việc này có người giúp hay không, có người hưởng ứng hay không? Có bị ai phá phách, gàng quải hay không?

----Cát Hung: Ta làm công việc này để thành công, hay là để thất bại?

----Hối lận: Ta làm công việc này có bị lương tâm phiền trách hay không? Có bị người đời đàm tiếu hay không. Ta sung sướng, hãnh diện mỗi khi nghĩ đến công việc ta làm, hay trái lại nó làm ta xấu hổ.

----Lệ, Vô Cữu: Khi làm công việc này, mỗi khi ta thấy ta sai đường, lạc lối, mỗi khi ta thấy ta lầm lẫn, ta sẽ có thực tình sửa đổi đường lối hay không?

Nếu xét từng tiêu chuẩn, mà ta thấy phải trả lời là không, thì việc của ta là không hay, đừng có làm. Như vậy, là ta theo đúng đường lối của Trời Đất, theo đúng Mệnh Trời.



MỖI KHI TA TÍNH TOÁN MỘT CÔNG VIỆC GÌ, MỖI KHI TA LÂM VÀO MỘT HOÀN CẢNH NÀO, ta phải:


1) Nghiên cứu, tìm hiểu công việc hay hoàn cảnh ta cho tận tường.

----Tìm xem những yếu tố nào đã gây nên hoàn cảnh này.
----Xem ai làm chủ chốt, ai làm chốt, làm nọc trong hoàn cảnh này.
----Ta có can dự nào đối với hoàn cảnh. Trực tiếp bị ảnh hưởng, gián tiếp bị ảnh hưởng, hay không bị ảnh hưởng?

2) Nghiên cứu các lực lượng bạn và thù.

3) Nghiên cứu các vấn đề cần phải giải quyết.

4) Nghiên cứu xem các khó khăn vấp phải.

----Vượt tầm giải quyết của ta.
----Vừa tầm giải quyết của ta.
----Ta có thể giải quyết dễ dàng với tài sức ta.

5) Hoàn cảnh ta gặp, công việc ta tìm đang ở vào thời kỳ nào: đầu hay đuôi.

6) Hoàn cảnh ta đang gặp, thuận lợi hay không thuận lợi đối với ta.

Tóm lại, Dịch Kinh muốn dạy ta những điều chính yếu sau đây trong cuộc sống hàng ngày:


----Muốn làm việc gì phải thông suốt vấn đề, nghiên cứu tỉ mỉ, phân tách công việc ra thành từng giai đoạn, phải biết tiên liệu những đường đi, nước bước của mình, tiên đoán những trường hợp mình sẽ gặp phải, chương trình hoạt động của mình phải có mục phiêu sáng suốt rõ ràng, những phương thế để đạt mục phiêu ấy phải được hoạch định, nghiên cứu tỉ mỉ. Phải chọn người cộng tác có tài đức, khả dĩ thi hành được công việc cho đến thành công.

----Muốn đối phó hoàn cảnh cho xuôi xắn, phải biết tùy thời xử thế. Lúc cương, lúc nhu, khi mạnh thì cương, khi yếu thời nhu, phải luôn luôn theo đường lối tự nhiên, công chính và phổ quát.

----Trong khi hành sự, phải bình tĩnh, sáng suốt, bình dị, đừng có rối rắm, đừng có phức tạp cầu kỳ.

----Đừng làm gì để cho lương tâm, người đời chê trách. Đừng làm gì để di hại đến tinh thần, thể xác, hoàn cảnh, sự nghiệp, danh giá của mình.

----Gặp nguy biến, phải ẩn lánh để bảo toàn tấm thân.

----Gặp lúc thuận tiện, phải đem tài năng, đức độ ra giúp nước, giúp dân.

----Không cộng tác với bạo chúa, cường quyền.

----Chỉ cộng tác với người tài đức, vì dân, vì nước.

----Không thân cận với kẻ tiểu nhân, với người ác đức. Khi cần giao thiệp với họ, phải giữ gìn cho lắm.

----Phải tránh những sự giao thiệp giả dối.

----Đối với mọi người, cần sự thành khẩn.

----Không có tài, đừng ham địa vị cao.

----Không phải việc mình, đừng rây vào. Những nguy hiểm có thể tránh được thì nên tránh, đừng có dấn thân vào. Nếu chúng ta giữ được như vậy, thì công việc chúng ta thi hành thường được trôi chẩy, cuộc đời chúng ta luôn được vui tươi như ý.

Dịch Kinh đã dạy chúng ta những tôn chỉ chính xác, để hướng dẫn hành động chúng ta cho chúng ta trở nên hoàn bị. Có những tư tưởng sáng suốt, những tôn chỉ chính xác, mục phiêu cao cả, những hành vi, cử chỉ, tác phong hợp lý hợp nghĩa, tức là có những phương tiện để tiến tới hoàn thiện, trở thành Thánh Hiền.


HÌNH 64 QUẺ

THƯỢNG KINH: - 30 quẻ

 1


Bát Thuần Kiền

 2


Bát Thuần Khôn

 3


Thủy Lôi Truân

 4


Sơn Thủy Mông

 5


Thủy Thiên Nhu

 6


Sơn Thủy Tụng

 7


Địa Thủy Sư

 8


Thủy Địa Tỷ

 9


PhongThiên Tiểu Súc

 10


Thiên Trạch Lý

 11


Địa Thiên Thái

 12


Thiên Địa Bĩ

 13


Thiên Hỏa Đồng Nhân

 14


Hỏa Thiên Đại Hữu

 15


Địa Sơn Khiêm

 16


Lôi Địa Dự

 17



Trạch Lôi Tùy

 18


Sơn Phong Cổ

 19


Địa Trạch Lâm

 20


Phong Địa Quan

 21


Hỏa Lôi Phệ Hạp

 22


Sơn Hỏa Bí

 23


Sơn Địa Bác

 24


Địa Lôi Phục

 25


Thiên Lôi Vô Vọng

 26


Sơn Thiên Đại Súc

 27


Sơn Lôi Di

 28


TrạchPhong Đại Quá

 29


Bát Thuần Khảm

 30


Bát Thuần Ly


*********     

HẠ KINH: - 34 quẻ


 31


Trạch Sơn Hàm

 32


Lôi Phong Hằng

 33



Thiên Sơn Độn

 34


Lôi Thiên Đại Tráng

 35


Hỏa Địa Tấn

 36


Địa Hỏa Minh Di

 37


Phong Hỏa Gia Nhân

 38


Hỏa Trạch Khuê

 39


Thủy Sơn Kiển

 40


Lôi Thủy Giải

 41


Sơn Trạch Tổn

 42


Phong Lôi Ích

 43


Trạch Thiên Quải

 44


Thiên Phong Cấu

 45


Trạch Địa Tụy

 46


Địa Phong Thăng

 47


Trạch Thủy Khốn

 48


Thủy Phong Tỉnh

 49


Trạch Hỏa Cách

 50


Hỏa Phong Đỉnh

 51


Bát Thuần Chấn

 52



Bát Thuần Cấn

 53


Phong Sơn Tiệm

 54


Lôi Trạch Quy Muội

 55


Lôi Hỏa Phong

 56


Hỏa Sơn Lữ

 57



Bát Thuần Tốn

 58



Bát Thuần Đoài

 59



Phong Thủy Hoán

 60



Thủy Trạch Tiết

 61


Phong Trạch Trung Phu

 62


Lôi Sơn Tiểu Quá

 63


Thủy Hỏa Ký Tế

 64


Hỏa Thủy Vị Tế



Thượng Kinh: quẻ 1—30 ; Hạ Kinh: quẻ 31—64


HẾT

DỊCH KINH GIẢN LƯỢC


BÌNH GIẢNG QUẺ PHỤC


*Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

------------------


Quẻ Phục 復 là một trong những quẻ quan trọng của Dịch Kinh, nói lên được lẽ Âm Dương tiêu trưởng, lẽ phản phục của đất trời và của tâm lý con người.

Từ trước đến nay, các nhà bình giải cũng đã nhận định được rằng: Quẻ Phục đề cập đến hai vấn đề:

---+ Sự hồi phục của khí Dương.

---+ Sự hồi phục của nhân tâm về cùng đạo lý.[1]

Ngày nay với sự tiến triển của khoa học, với sự phổ biến của các triết thuyết Á Âu, ta có thể bàn rộng thêm về lẽ phản phục của đất trời cũng như của lịch sử.

A. Phục đánh đấu một thời kỳ mà vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Vì nếu vũ trụ mà khuếch tán được, triển dương được[2] thì cũng có thể thâu súc được,[3] phản phục được.

Cũng một lẽ, thời gian cũng có thể phản phục được (réversibilité du temps), vì thời gian gắn liền với không gian. Không gian và thời gian lai vãng khuất thân, theo cùng một chiều hướng.

Cho tới ngày nay ít ai nghĩ được rằng thời gian cũng có hai chiều, hai hướng; cũng có thể vãng phục như không gian.

B. Phục, đứng về phương diện tiết khí, là lúc mà sinh khí phục hồi. Trong ngày Đông Chí, khi mà vạn vật bên trên mặt đất như đang muốn chết cóng vì gió sương, băng tuyết thì ở dưới lòng đất Dương khí phục sinh để chuẩn bị cho gian trần một mùa Xuân mới, để đem lại cho muôn loài một nguồn sinh khí mới.

C. Phục cũng vẽ lại con đường phiêu lãng của vầng Dương.

Phục xét về phương diện lịch số là ngày Đông Chí, là ngày mà vầng dương như dừng gót lại (Solstice) để trở về sống gần gũi với trái đất và vạn vật hơn, bỏ bộ mặt lạnh lùng để mặc lấy một hình dung, một thái độ đầm ấm hơn.

Các dân tộc xưa thường ăn mừng ngày Đông Chí để đánh dấu sự phục sinh của ‘ông Mặt Trời’, của ‘con Trời,[4] của thần Mithra. Từ thế kỷ IV, Giáo Hội La Mã cũng theo tục lệ của dân gian này mà ăn mừng Lễ Giáng Sinh ngày 15 tháng Chạp, tức là vài ngày sau tiết Đông Chí.

Quẻ Phục ứng vào khoa chiêm tinh học là cung Ma Yết (Le Capricorne). Sénard viết:

«Trong các hình thiên bàn xưa nay thì cung Ma Yết được viết bằng một trong những cổ tự sau đây:

«Tất cả những cổ tự này tuy khác nhau nhưng đều có một đặc điểm là nét chữ đều vòng trở lại. Có thể đó là biểu tượng sự phản phục về tư tưởng của Hóa Công và là biểu tượng sự hồi phục tâm hồn con người để vươn lên đến bình diện bao la của nội giới.[5]

«Dẫu sao thì cung Ma Yết cũng là giao điểm của hai luồng biến dịch có chiều hướng khác nhau. Nó vừa tượng trưng cho một giai đoạn khi mà vũ trụ hoàn toàn thành hình; và cho một giai đoạn cũng không kém quan trọng khi mà tâm hồn con người siêu thăng vào trong vô tướng nhờ công phu tu luyện.» [6]

Những lời lẽ của chiêm tinh học ấy có thể phác họa lại một cách rõ ràng những ý tưởng của tiền nhân hàm chứa trong quẻ Phục.

D. Xét về phương diện lịch sử thì khi tới quẻ Phục, nhân loại đã đạt tới một mức độ văn minh vật chất tuyệt đích, con người đã hoàn toàn chi phối được vật chất; nhưng mà con người thì vẫn còn sống trong đau khổ, lo âu; đau khổ do chính con người tạo ra cho mình; cũng như do chiến tranh, do tội ác, do nền luân lý suy đồi, do một đời sống nhục dục vật chất đầy đủ đem lại.[7]

Con người sẽ nhận thấy công trình của mình đều là hư ảo, đều là những căn nhà đã xây trên cát và phải bắt buộc phải nói như Einstein và như Ủy Hội các nhà bác học Nguyên tử như sau:

«Thế giới chúng ta đang bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng mà tầm kích còn vượt trên quyền hạn của những người có quyền quyết định cái hay cái dở (cho nhân loại).

«Uy lực mà nguyên tử đã tạo ra, đã thay đổi hết, ngoại trừ lề lối tư tưởng của chúng ta và chúng ta đang trượt dần vào một đại họa không tiền khoáng hậu. Cần phải có một lề lối trông nhìn mới, nếu nhân loại muốn sống sót và vươn lên tới những bình diện cao hơn.» [8]

Khi ấy nhân loại sẽ đau khổ, và sẽ như là chết trong lòng. Nhưng mà lòng con người chết đi, cốt là để cho lòng trời xuất hiện. Cái nhân tâm càng nghiêng ngửa đảo điên bao nhiêu thì cái đạo tâm tế vi càng có cơ xuất hiện bấy nhiêu. Thế mới hay, nhân tâm như hạt gieo xuống đất hoàn cảnh, xác thân có chết đi thì thiên tâm mới như cây non nảy mộng phát sinh ra được.[9]

Nói tóm lại, thời kỳ Phục trong tương lai tức là thời kỳ mà lịch sử nhân loại chuyển hướng, bỏ những thông lệ đấu tranh để quay về những chủ trương nhân ái. Lúc đó, con người sẽ quay về thám sát các tầng sâu của lòng người và sẽ thấy hé mở cả một vũ trụ bao la vô cùng tận, sẽ nhận ra rằng dưới lớp nhân tâm phù phiếm hạn hẹp còn có lớp thiên địa chi tâm 天 地 之 心 thẳm sâu và không giới tuyến… Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ. 復 其 見 天 地 之 心 乎.

Các tôn giáo khi ấy cũng trở nên sâu sắc hơn, khoa học hơn, và sẽ chuộng những phương pháp tu luyện nội tâm hơn là nắm giữ những hình thức bên ngoài.

D. Quẻ Phục sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới, mà nhân loại sẽ cố khuôn theo định luật của lương tri, lương tâm.

 «Luật trời ghi tạc tâm can,

 Lương tri là luật trời ban cho người.» [10]

 - Tinh thần dần dà sẽ được trọng.

 - Nội tâm dần dà sẽ được trọng.

 - Quân tử dần dà sẽ được trọng mãi thêm…

E. Đối với con người, quẻ Phục là lúc con người trở nên minh giác, giác ngộ, biết được thiên mệnh, biết được rằng trong lòng mình vốn đã có sẵn lòng trời.[11]

 Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ.

 復 其 見 天 地 之 心 乎 .

Phục là lúc con người tự tri, tự giác. Tự giác để biết trời ở nagy trong lòng dạ.

 Phục là tri kỷ tận tường,

 (Tri tâm, tri tính, thời thường tri thiên.) [12]

Theo toán học cổ truyền, con người có thể giác ngộ vào khoảng tuổi 42, 43 tuổi.[13]

G. Quẻ Phục cũng còn nêu lên mấy vấn đề triết lý và đạo giáo khác, là:

- Con người khi nào sẽ kiến thiên địa chi tâm ?

- Và làm sao biết mình đã kiến thiên địa chi tâm ?

Các nhà bình giải thường cho rằng chỉ khi nào tâm hồn con người chí hư chí tĩnh mới thấy được thiên địa chi tâm.[14]

Nhưng thực ra nếu mình mài miệt tìm cầu, suy tư, khảo sát lâu tháng lâu ngày, thì cũng có thể có một ngày nào đó, sâu biến thành bướm, nước hóa thành hơi, và con người tìm ra được thiên địa chi tâm.[15]

Làm sao biết mình đã kiến thiên địa chi tâm ? Ta nhận định như sau:

Thiên tâm, đạo tâm là nguồn năng lực, là nguồn sinh hóa, cho nên khi kiến thiên địa chi tâm ta sẽ thấy tâm hồn chuyển động, nguồn sống trở nên dạt dào, cảm hứng trở nên sôi động, trí tuệ trở nên mẫn tiệp. Nói tóm lại ta đã trở thành con người mới.[16]

Chấp nhận lẽ phản phục của Dịch Kinh, chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một quan niệm tuần hoàn, phản phục của vũ trụ, của lịch sử và của nhân quần.

Ngô Lâm Xuyên nói: «Thảo mộc không thu hút nhựa lại thì không thể nào mà trở nên tươi tốt lại được. Côn trùng mà không thu hình nép xác thì không thể nào mà trở lại hoạt động phấn chấn được. Vì thế con người trọng ở chỗ biết Phục, mà Phục cốt là ở chỗ Tĩnh. Tĩnh rồi mới có thể cảm. Đóng rồi mới có thể mở. Mùa Đông tàng nạp là mùa Phục của một năm; đêm trường tĩnh mịch là lúc Phục của một ngày; tình dục tĩnh lãng là lúc Phục của con người.[17]

Chấp nhận lẽ phản phục, ta mới thấy rằng: «Thủy chung như nhất».[18]

 α = ω

Và lịch sử nhân quần vũ trụ khởi điểm từ Thuần Thần rồi sẽ chung kết ở Thuần Thần.[19]

Phục chính là bước đầu của con đường trở lại.

Sau khi đã dùng khoa học, chiêm tinh, triết học, đạo lý, bàn rộng về quẻ Phục, chúng ta hãy trở lại với quẻ Phục với những lời bình giải của tiên nho.

Tiên nho kho bình tới quẻ Phục, chắc đã nhận chân được sức thiêng của sinh khí. Nó như tiếng sấm làm rung vang cả lòng đất bao la, và hứa hẹn tất cả những gì đẹp đẽ cho vũ trụ và cho nhân quần, sau những giờ phút đen tối, lạnh lùng của thời tiết và của lịch sử.

Chỉ có nơi quẻ Phục ta mới thấy các nhà bình giải cao hứng làm thơ.

Đây là bài thơ của Thiệu Khang Tiết:

Đông chí Tý chi bán,
冬 至 子 之 半

Thiên tâm vô cải di;
天 心 無 改 移

Nhất Dương sơ động xứ,
一 陽 初 動 處

Vạn vật vị sinh thì.
萬 物 未 生 時

Huyền tửu vị phương đạm,
玄 酒 味 方 淡

Thái Âm thanh chính hi,
太 陰 聲 正 希

Thử ngôn như bất tín,
此 言 如 不 信

Cánh thỉnh vấn Bao Hi.
更 請 問 包 羲


Tạm dịch:

 Đông Chí hàn băng, khí phục qui,

 Cơ trời vốn dĩ chẳng sai đi;

 Nhất Dương vừa thoạt manh nha động,

 Vạn vật còn trong bão dựng thì.

 Tiên tửu nếm qua nhường nhạt nhẽo,

 Thái Âm nghe thoạt tưởng li ti,

 Ví như lời ấy chưa tin đủ,

 Xim hãy tiềm tâm hỏi Phục Hi.[20]


Đây là bài thơ của Chu Hi:

Hốt nhiên dạ bán nhất thanh lôi,
忽 然夜 半 一 聲 雷

Vạn hộ thiên môn thứ đệ khai,
萬 戶 千 門 次 第 開

Thức đắc vô trung hàm hữu xứ,
識 得 無 中 含 有 處

Hứa quân thân kiến Phục Hi lai.
許 君 親 見 伏 羲 來

Phỏng dịch:

Nửa đêm bỗng thấy sấm rền trời,
Cửa rã muôn nghìn lớp lớp khai,
Hiểu được trong không đầy dẫy có,
Khác nào thấy được Phục Hi lai.

Xem hai bài thơ ấy, đủ thấy rằng quẻ Phục là một trong những quẻ đặc biệt của Dịch Kinh. Dịch Kinh đề cập đến quẻ Phục một cách đơn giản:

---+ Ở nơi Thoán thì dùng cho sự hồi phục của Dương khí.

---+ Ở nơi Tượng thì nói đến tục lệ thời xưa đã theo trong ngày Đông Chí.

---+ Ở nơi các hào thì bình luận các cung cách con người trở về cùng đạo lý.


CHÚ THÍCH

[1] Phục hữu lưỡng dạng: 1- Hữu thiện ác chi phục; 2- Hữu động tĩnh chi phục. 復 有 兩 樣: 有 善 惡 之 復 ;有 動 靜 之 復 .

Dịch Kinh Đại Toàn, Phục, Thoán (hoặc vấn), tr. 217.

… Hựu viết: Thiên địa chi khí, sở dĩ hữu Dương chi phục giả dĩ kỳ hữu Âm cố dã. Chúng nhân chi tâm sở dĩ hữu thiện chi phục giả, dĩ kỳ hữu ác cố dã. 又 曰:  天 地 之 氣,所 以 有 陽 之 復 者 以 其 有 陰 故 也 眾 人 之 心 所 以 有 善 之 復 者 以 其 有 惡 故 也. (Ibid., tr. 216)

[2] Sens involutif: expension et matérialisation.

[3] Sens évolutif: rétraction et sublimation.

Cf. M. Sénard, Le Zodiaque. Le capricorne, p. 376.

[4] Il est intéressant de voir que la naissance de l’univers se place tout au commencement du signe (Capricorne) était symbolisée par la naissance du Dieu solaire ou de l’enfant divin au solstice d’hiver… L’Occultisme du Zodiaque, p. 121

… Ngày Đông Chí thường là ngày 22 tháng Chạp (Décembre). Từ năm 354 Giáo Hội mới chỉnh đốn lại: ngày 25 tháng 12 được chọn làm lễ Giáng Sinh. Xem tạp chí Văn Đàn, số Giáng Sinh, 1962, tr.5.

[5] Dans les Zodiaques anciens comme dans modernes, les formes hiéroglyphiques du Capricorne sont variées: . Mais toutes présentant la particularité d’un retour du trait sur lui-même pour former un boucle. Faut-il y voir le symbole du retour sur elle même de le pensée du Démiurge créant l’Univers; comme aussi celui du repli de la conscience humaine sur elle même pour atteindre le plan infini du monde intérieur? -- M. Sénard, Le Zodiaque, p. 373.

[6] Il se trouve que le Capricorne marque la phase de croisement de ces deux courants évolutifs dont la direction est inverse. Il représente à la fois la phase ou l’Univers va prendre forme et celle non moins critique où la conscience humaine va se sublimer dans l’informel par l’ascèse. (Ibid., p.373)

… Au point de vue de l’Univers, c’est la période de transition entre la Pensée une et sa multiplication sensible sur le plan Espace, Temps, Matière. Pour l’homme c’est la transition entre la conscience du sensible et celle du suprasensible et de la Pensée pure. (Ibid., p. 373)

[7] Il est plus facile de changer la nature du plutonium que l’esprit du mal chez l’homme… Le vrai problème est dans le cœur des homme. (Einstein, Science et la Vie, Oct. 1966, p. 155)

[8] Notre monde est menacé par une crise dont ampleur échappe encore à ceux qui possèdent le pouvoir de prendre des grandes décisions pour le bien et pour le mal. La puissance déchaýnée de l’atome a tout changé, sauf nos modes de pensée, et nous glissons ainsi vers une catastrophe sans précédent. Une nouvelle façon de voir est essentielle si l’humanité doit survivre et se mouvoir vers les plus plans élevés. -- Cf. Science et Vie, Oct. 1966, p. 15. (Albert Einstein)

[9] Ta có thể so sánh nhân tâm và thiên tâm bằng đồ bản sau đây:

NHÂN TÂM
THIÊN TÂM

Nhân tâm

Esprit du mal

Corps physique

Âm

Nhân dục

Tư tâm



Chúng sinh

Thường nhân

Nhân, v.v...
Đạo tâm

Esprit du bien

Corps spirituel

Dương

Thiên lý

Công lý

Chính

Tiên

Phật

Thánh, v.v.


Cf. I Cor. 15-544: «Semé corps animal on ressucite corps spirituel.»

[10] Je mettrai ma loi au fond de leur être et je l’écrirai sur leur cœur (Jérémie, 31-33)

… Il (le Capricorne) est pour l’entité humaine l’achèvement de son expérience sur le plan sensible et son passage à l’expérience du plan suprasensible.

[11] The Light principle returns. Thus the hexagram counsels turning away from the confusion of external things, turning back to one’s inner light. There, in the depths of the soul, one sees the Divine, the One. (R. Wilhelm, The I Ching, vol II, p. 145.)

[12] Return leads to self-knowledge. (Ibid., p. 145) Phục dĩ tự tri 復 以 自 知 (Hệ Từ Hạ, chương 7)

… Chúng nhân vật dục hôn tế, tiện thị ác để tâm. cập kỳ phục dã nhiên hậu bản nhiên chi thiên tâm khả kiến. 眾 人 物 欲 昏 蔽, 便 是 惡 底 心 . 及 其 復 也 然 後 本 然 之 善 心 可 見.

Dịch Kinh Đại Toàn.

[13] Dans les temps modernes la doctrine des périodes de sept ans risquait de tomber en oubli, et c’est un grand mérite de Steiner que d’avoir parmis d’éviter ce danger. Il fait la même division qu’Agrippa.

Les trois premières périodes de sept ans structurent la triple corporalité de l’homme, l’homme subit, pour ainsi dire trois naissances au debut de chaque premièrepériode de sept ans. Durant les trois période suivantes a lieu la formation de trois membres psychiques correspondants que Steiner qualifie comme âme de sentiment, âme de raison et âme de conscience. On ne perçoit plus de façon aussi nette ce qui se trouve au delà de la sixième période, c’est-à-dire au delà de 42 ans, si l’homme dirige alors sa volonté du côté spirituel, il peut s’orieinter vers son essence supérieure, vers la partie de son essence générale, qui ne se révèle à l’humanité terreste que bien plus tard et dont la manifestation intérieure est l’esprit lui-même.

L. Bindel, Les Éléments spirituels des Nombres, p. 154.

[14] Trình Tử không đồng ý điều ấy. Ông viết: Nhân thuyết phục kỳ kiến thiên địa chi tâm, giai dĩ vi chí tĩnh, năng kiến thiên địa chi tâm dã. Duy mỗ ngôn động nhi kiến thiên địa chi tâm. 人 說 復 其 見 天 地 之 心 皆 以 為 至 靜 能 見 天 地 之 心 而 也 . 惟 某 言 動 而 見 天 地 之 心. Dịch Kinh Đại Toàn, Phục, Thoán.

[15] … Concentration aboutissant à l’illumination. -- M. Sénard, Le Zodiaque, p. 377.

[16] Phục chi quái hạ diện nhất hoạch tiện thị động dã. An đắc vị chi tĩnh. Tự cổ Nhu giả giai ngôn tĩnh kiến thiên địa chi tâm. Duy mỗ ngôn động nhi kiến thiên địa chi tâm. Vấn: Mạc thị tử động xứ cầu tĩnh phủ? Viết: Cố thị nhiên tối nan. 復 之 卦 下 面 一 畫 便 是 動 也 .安 得 謂 之 靜 .自 古 儒 者 皆 言 靜 見 天 地 之 心 .惟 某 言 動 而 見 天 地 之 心 . 問:  莫 是 子 動 處 求 靜 否 ? 曰:  故 是 然 最 難 (Trình Tử) Dịch Kinh Đại Toàn, Phục, Thoán.

… Nhất Dương lai phục, kỳ thủy sinh thậm vi. Cố nhược tĩnh hĩ. Nhiên kỳ thực động chi cơ, kỳ thế nhật trưởng, nhi vạn vật mạc bất tư thủy yên. 一 陽 來 復,其 始 生 甚 微 .故 若 靜 矣 .然 其 實 動 之 機, 其 勢 日 長 而 萬 物 莫 不 資 始 焉 (Ibid.)

[17] Lâm Xuyên Ngô Thị viết: Thảo mộc bất liễm kỳ dịch tắc bất năng dĩ phu vinh; côn trùng bất trập kỳ thân tắc bất năng dĩ chấn phấn. Thử nhân chi sở dĩ quý ư Phục nhi Phục chi sở dĩ quý ư tĩnh dã. Tịch giả cảm chi triệu, hấp giả tịch chi căn. Đông chi tàng tuế chi Phục dã. Dạ chi tức nhất nhật chi Phục dã. Hỉ nộ ái lạc chi vị phát, tu du chi Phục dã. 臨 川 吳 氏 曰:  草 木 不 斂 其 液,則 不 能 以 敷 榮 ;昆 蟲 不 蟄 其 身 則 不 能 以 振 奮 .此 人 之 所 以 貴 於 復 而 復 之 所 以 貴 於 靜 也 .寂 者 感 之 召 ;翕 者 闢 之 根 .冬 之 藏 歲 之 復 也. 夜 之 息 一 日 之 復 也 .喜 怒 唉 樂 之 未 發 須 臾 之 復 也 . Dịch Kinh Đại Toàn, Phục, Thoán.

[18] There is coincidence of the beginning and the end.

(Radakrishnan). Grace E. Cairns, Philosophy of History, p.312

Nguyên thủy phản chung 原 始 反 終 (Dịch Kinh, Hệ Từ Thượng, chương 4). Nguyên thủy yếu chung 原 始 要 終 (Dịch Kinh, Hệ Từ Hạ, chương ).

[19] The process of history has come from the divine spirit and to the divine spirit it returns. (Radakhrishna). (Ibid., p. 312)

[20] Nguyễn Duy Tinh dịch trong Chu Dịch Bản Nghĩa (tr. 209):

Đông Chí nửa Tí rồi,

Lòng trời không đổi dời,

Nơi khí Dương mới động,

Muôn vật chưa sinh sôi.

Rượu ngon mùi đã nhạt,

Tiếng lớn ít lời thôi,

Câu ấy bằng không đúng,

Xin hỏi vua Phục Hi.


HẾT



BÌNH GIẢNG QUẺ TÙY



Quẻ Tùy với chữ Thời [1]


*Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

----------------


I. TÙY VỚI CHỮ THỜI


Quẻ Tùy là một trong 12 quẻ Dịch bàn về chữ Thời. Vì thế nơi quẻ Tùy ta hãy duyệt lại vấn đề chữ Thời, vấn đề thời gian trong Kinh Dịch cũng như trong cuộc đời.

Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề thời gian với những lời văn bình dị, những nhận xét bình dị, với một tâm hồn bình dị của một lữ khách cũng đang như ai thả thuyền đời trên giòng sông thời gian, nhưng không phải là để sống cuộc sống phiêu bạt giang hồ mà chính là dùng thời gian làm phương tiện chuyển vận tiến về căn nguyên vĩnh cửu.

Có thể nói được rằng thời gian sinh ra là do sự chuyển dịch, biến dịch của vạn hữu. Thời gian! Thời gian! Che dấu dưới bộ mặt hiền từ và đơn sơ của từ ngữ là biết bao bí ẩn của nhân sinh nhân thế, biết bao là cơ cấu và tự sự khác nhau!

---- Trước tiên, tinh cầu và địa cầu chuyển dịch trên vòm trời, tạo nên tháng năm và tuần tiết: dó là thời gian thiên văn (temps sidéral, astonomique, ou physique).

---- Các tế bào trong người ta sinh sinh hóa hóa, lúc thạnh lúc suy, lúc tụ lúc tán, cũng tạo nên một thứ thời gian: đó là thời gian tuổi tác (temps biologique).

---- Tâm hồn ta chuyển dịch, biến thiên, vui vui buồn buồn, lúc thì bừng sáng như bình minh, lúc thì ảm đảm như bóng tối. Sự chuyển biến ấy cũng tạo nên một thứ thời gian: đó là thời gian tâm lý (temps psychologique).

---- Tâm tư chí hướng, dân tình của mỗi dân, mỗi nước cũng biến thiên, tạo nên một thứ thời gian mới là thời gian lịch sử (temps historique).

---- Nếu thời gian là sự chuyển dịch thì những duyên cớ, những ý hướng gây nên sự chuyển dịch ấy chính là nguyên do sinh ra sự mất thăng bằng, sinh ra sự chuyển dịch, sinh ra thời gian. Mà đã chuyển dịch thì phải đưa đến một kết quả nào, cho nên thời gian chính là quá trình để ta thực hiện một công tác gì, một mục đích gì.

Vũ trụ dùng thời gian để làm hiện lên tất cả những gì đẹp tươi còn đang tiềm ẩn trong lòng vũ trụ.

Cá nhân chúng ta dùng thời gian để thực hiện ước mơ, thực hiện nguyện vọng của chúng ta.

Xã hội nhân quần dùng thời gian để thực hiện sự siêu thăng hóa của con người.

Thời gian như là động cơ mà không gian như là môi trường chuyển dịch.

Thời gian, không gian cũng có thể nói chung là hoàn cảnh mà tâm hồn ta sẽ băng qua, trên lộ trình đi tìm chân lý, đi tìm bản thể và tuyệt đối, hay nói cách khác, trên lộ trình thực hiện con người chân thực của ta.

Ngày nay thời gian và không gian cũng chỉ được coi là hai chiều động tĩnh của một thực thể, cho nên ta dùng chữ hoàn cảnh mà gọi thời gian cũng chẳng sai.

Trên đây ta đã dùng lời lẽ giăng dò đan lưới để bắt con thỏ thời gian, những lời lẽ ta, những định nghĩa ta chỉ cốt là để bắt thời gian và để sử dụng thời gian, chứ chúng ta không có cao vọng đi sâu vào thực chất của thời gian. Dò lưới bắt thỏ dĩ nhiên phải khác thỏ.

Hiểu thời gian là chuyển biến. hiểu thời gian là những hoàn cảnh khác biệt, những giai đoạn khác biệt mà tâm hồn mỗi người sẽ băng qua, hoặc là để thực hiện căn cốt bản tính của mình, hoặc là để thực hiện một hoài bão, một ước mơ hay một công trình nào đó sẽ làm cho ta thấy thời gian có chiều hướng.

Và mỗi tâm hồn, mỗi con người đều đang vẽ trên nền tĩnh lãng của vĩnh cửu một hay nhiều chu kỳ thời gian, để vẽ nên bộ mặt thực của mình, để diễn xuất một vai trò nào đó, trước sự quan chiêm của xóm giềng, của họ hàng, của quốc gia xã hội, của hoàn võ, vũ trụ và thần minh.[2]

Như vậy thời gian trở nên có ý nghĩa với con người và con người không còn phải than thở như Lamartine:

«Phiêu dạt mãi tới bến bờ xa lắc,
Trong đêm tăm lưu lạc biết về đâu;
Lênh đênh sống trên trùng dương thời khắc,
Chẳng buông neo dừng lại được ngay sao?» [3]

Muốn cho cuộc đời ta thêm ý nghĩa, ta phải phác họa đại khái cho ta những chiều hướng, những bước đường của ta sẽ đi, những giai đoạn mà ta sẽ muốn vượt, những công trình mà ta sẽ muốn làm từ đầu đến cuối cuộc đời. Được như vậy ta sẽ sống một cuộc đời thoải mái sung sướng và cuộc đời chúng ta sẽ là một mùa xuân bất diệt như lời Thiệu Tử:

«Nhĩ mục thông minh nam tử thân,

 耳 目 聰 明 男 子 身

Hồng Quân phú dữ bất vi bần.

 洪 鈞 賦 與 不 為 貧

Tu tham nguyệt quật phương tri vật,

 須 探 月 窟 方 知 物

Vị nhiếp Thiên Căn khởi thức nhân.

 未 躡 天 根 豈 識 人

Kiền ngộ Tốn thời quan nguyệt quật,

 乾 遇 巽 時 觀 月 窟

Địa phùng Lôi xứ kiến thiên căn.

 地 逢 雷 處 見 天 根

Thiên căn nguyệt quật thường lai vãng,

 天 根 月 窟 常 來 往

Tam thập lục cung đô thị xuân.»

 三 十 六 宮 都 是 春.[4]

Dịch:

Thông tuệ nam nhi đứng cõi đời,
Lòng mang tạo hóa há đâu chơi.
Quyết tham nguyệt quật cho hay vật,
Cố hiểu thiên căn để biết người.
Trời nổi gió giông thông động nguyệt,
Đất vang sấm chớp lộ căn trời.
Căn trời nguyệt động thường lai vãng,
Ba sáu cung xuân trọn vẹn đời.

Dịch cho rằng sự chuyển biến, chuyển dịch hay thời gian đã phát sinh từ một nguồn bất biến, bất dịch, và như con rồng sau khi đã triển dương thiên biến vạn hóa trên kịch trường không gian lại xoay trở về được với bất dịch, bất biến, vô vi, vô gián.

Vì vậy người quân tử khi đã hiểu lẽ Dịch phải biết cỡi 5 con rồng biến hóa của thời gian để trở lại cùng vĩnh cửu và tuyệt đối.

Lão giáo viết: «Ngũ long bổng thánh Côn Lôn đỉnh.» 五 龍 棒 聖崑 崙 頂.[5]

Trình Tử viết một cách giản dị hơn: «Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo.» 隨 時 變 易 以 從 道.[6]

Chữ tòng đạo ở đây cũng giống như chữ suất tính 率 性 của Trung Dung.

Nôm na hơn, ta nói rằng: Bổn phận người quân tử là phải dùng thời gian tuổi tác, lịch sử để tinh luyện tâm thần mình, để rốt ráo thực hiện được tuyệt đối. Và muốn biết định mệnh của mỗi một con người ta chỉ cần biết xem mục phiêu của họ, bình sinh chi chí của họ là gì, xem họ tùy thời biến dịch để tòng đạo hay tòng danh, tòng lợi, tòng nghĩa, tòng dục…

Cho nên chữ tùy thời thực là can hệ vậy.

Dịch là bàn về chữ Thời và dạy cách cư xử cho hay cho khéo trong mỗi giai đoạn, mỗi trường hợp. Nhưng đặc biệt có 12 quẻ bàn đến chữ Thời:

1. Bàn suông chữ Thời, có 4 quẻ:

---. Di.

---. Đại Quá.

---. Cách.

---. Giải.

2. Bàn đến Thời nghĩa tức là bàn ý nghĩa của chữ Thời và hoàn cảnh cũng như cách xử thế trong mỗi một khung cảnh thời gian, có 4 quẻ:

 ---. Dự.

 ---. Lữ.

 ---. Cấu.

 ---. Độn.

3. Bàn về ý nghĩa của sự Tùy Thời có quẻ Tùy.

4. Bàn về cách lợi dụng những hoàn cảnh đặc biệt nguy hiểm, có 3 quẻ:

 ---. Khảm.

 ---. Khuê.

 ---. Kiển.

Ta bình giải chung đại khái như sau: Sống ở đời ta sẽ mục kích nhiều thời kỳ khác nhau:

---- Có lúc bình yên để cho mọi người nghĩ đến sự di dưỡng tâm thần và thể chất (quẻ Di).

---- Có những thời kỳ thay đổi toàn diện như cọp đổi lốt, báo thay da, để đem lại cái gì mới mẻ hơn (quẻ Cách).

---- Có thời kỳ cá nhân hay nhân loại phải lập nên những đại công, đại nghiệp đặc biệt phi phàm (quẻ Đại Quá).

---- Cũng có thời kỳ phải xây dựng lại trên những tàn tích cũ (quẻ Giải).

Về ý nghĩa của chữ Thời, ý nghĩa của ít nhiều giai đoạn trong cuộc đời, ta bình giải như sau:

--- Chúng ta sở dĩ phải dấn thân vào chốn trần hoàn là cốt làm cho trần hoàn thêm đẹp, thêm tươi, chịu thử thách để cho mình thêm điêu luyện, tinh toàn (quẻ Cấu).

---- Tuy nhiên vì mục đích của chúng ta là Đạo, là Thái Cực, ta phải coi những chặng đường trần hoàn của ta như một cuộc lữ thứ đi qua ngoại cảnh (quẻ Lữ).

---- Mặt trời có lúc lặn lúc mọc, con người cũng có khi ẩn khi hiện. Khi thấy cơ nguy nên ẩn, nên độn mới hay. Thế mới là minh triết bảo thân (quẻ Độn).

---- Nếu ta dùng được trần hoàn để mà tinh luyện tâm thần, để tâm hồn rung cảm được với khúc đại hòa ca của vũ trụ, thì tuy sống trong trần ai tục lụy nhưng mà lòng ta bao giờ cũng vẫn vui tươi (quẻ Dự).

---- Tóm lại ta phải biết tùy thời xử thế, chấp nhận mọi hoàn cảnh như một cuộc thử thách, tìm mọi phương cách để lướt thắng, chế ngự hoàn cảnh, để rèn luyện giũa mài nhân tâm, nhân cách của ta; dùng hoàn cảnh làm bậc thang hay làm xe, làm ngựa, chở mình về Thái Cực, về tuyệt đỉnh tinh hoa mới là hiểu được nghĩa lý của hai chữ tùy thời (quẻ Tùy).

---- Đàng khác, nếu ta có tài thì ta có thể biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, lợi dụng mọi hoàn cảnh để tô điểm cho đời ta thêm đẹp thêm tươi.

---+ Gặp núi non hiểm trở, địa thế kỳ khu, ta sẽ dùng làm bình phong phòng ngự cho kinh đô, cho quốc thổ (quẻ Khảm).

---+ Tinh thần hay vật chất đều có thể giúp ích cho tao nhân mặc khách. Hiểu được như vậy, vạn sự vạn vật đều thuộc quyền sử dụng của ta (quẻ Khuê).

---- Khi mà gặp hiểm nguy ở đời như người kẹt giữa khe cùng núi, ta hãy trở về tu luyện nội tâm, như vậy cũng sẽ hóa thông, hung sẽ hóa cát. Thế là hiểu được Dịch (quẻ Kiển).

Hiểu được thời gian như vậy, thời gian sẽ luôn luôn là công cụ cho ta dùng để thực hiện lý tưởng, chứ không phải là cái gì xa lạ đối với ta, để lúc thì muốn níu kéo lại, lúc thì muốn xua đuổi đi, như Lamartine làm bài thơ tình bên hồ nước:

Thời gian hỡi xin khoan đừng rong ruổi,

Giờ ái ân xin tạm hoãn đừng trôi.

Cho ta hưởng phút thần tiên ngắn ngủi,

Của những ngày thơ mộng nhất trong đời.

*

Trần hoàn nay bao người đang khỏ ải,

Van thời gian vì họ hãy trôi đi.

Trôi đi để xóa nhòa niềm oan trái,

Còn quên cho vì kẻ sống mê ly.

*

Nhưng thời khắc van xin đâu có được,

Thời gian trôi nghiệt ngã cứ trôi đi.

Ta tha thiết van xin đêm ngừng bước,

Nhưng bình minh tàn nhẫn chẳng diên trì. [7]



II. TÙY VỚI HAI CHỮ TÙY THỜI

Bây giờ ta trở về quẻ Tùy để giảng rộng hai chữ tùy thời.

Như trên đã nói, thời gian chỉ là những giai đoạn, những công cụ, những điều kiện cần thiết để chúng ta đào luyện xác thân, trí não, tâm thần, để con người trở nên hoàn hảo, toàn chân, toàn mỹ.

Như vậy ta cần phải xác định mục phiêu và chí hướng của ta. Sau đó phải biết quyền biến, tùy thời xử thế, tùy nghi tiến thoái để thực hiện mục phiêu ấy.

Nghĩa chữ thùy thời xử thế đã được Mạnh Tử hết sức tán dương. Mạnh Tử khen Khổng Tử là «Thánh chi thời», vì đã biết xử sự khéo léo tùy theo mỗi hoàn cảnh:

«Đức Khổng Tử khi ra khỏi nước Tề, gạo vừa vo xong, chưa kịp nấu chín, thế mà ngài tiếp lấy vội vã ra đi. Khi ngài ra khỏi nước Lỗ, ngài nói rằng: ‘Ta chầm chậm mà đi thôi.’ Đó là cách buộc lòng rời đất nước của cha mẹ vậy. Lúc cần đi gấp thì ngài đi gấp, lúc cần ở lâu thì ngài ở lâu. Khi nên lui về ở ẩn thì ngài lui về ở ẩn. Khi nên tiến lên làm quan thì ngài tiến lên làm quan. Đó là phong độ của Đức Khổng Tử vậy… Đức Khổng là bậc thánh có đức thời trung.» [8]

Về phương diện cá nhân, có thể nói sự nhận định về niềm tin tưởng của ta về cốt cách, về bản tính con người, có một ảnh hưởng quyết định trong công cuộc tùy thời biến dịch.

Bàn chung về cốt cách con người xưa nay, đại khái có 3 quan niệm khác nhau:

1. Montaigne cũng như các triết gia duy vật hiện nay cho rằng con người chỉ có vật cách, con người chỉ là con vật tiến hóa.[9] Nếu vậy thì đối với họ, thời gian chỉ có thể dùng mà tìm cầu, mà hưởng những lạc thú nhãn tiền.

2. Epictète cũng như các nhà huyền học Âu Châu xưa nay chủ trương con người có thiên cách, thần cách, tiên cách. Như vậy, thời gian và hoàn cảnh chính là lò cừ để luyện cho con người trở nên tinh ròng, thuần túy, toàn chân, toàn thiện.[12] Con người sinh ra phải dùng thời gian và hoàn cảnh, hay cũng như dở mà làm cho sáng tỏ, cho chói chang phẩm cách, thần cách, tiên cách của mình. Đó chính là tùy thời biến dịch dĩ tòng Đạo của Trình Tử.

3. Pascal và các giáo hữu Âu Mỹ hiện nay chủ trương con người chẳng phải là vật, cũng chẳng phải thần. Con người chỉ có nhân cách. Con người là một loài ở giữa thần và vật, một mâu thuẫn sống động, một quái tượng hay là một kỳ quan, mà chỉ có sự mặc khải, qua trung gian của ‘sự điên khùng của thánh giá’ [13] mới có thể giải thích và cứu rỗi được.[14] Trong trường hợp này con người chỉ được cứu rỗi do ân cứu chuộc và nếu giữ được các giới răn, các giáo điều, v.v. và thời gian trần thế trở nên một sự đền bù, phạt tạ, một cuộc chuẩn bị cho lai sinh hạnh phúc vô biên trên thiên quốc.

Sở dĩ ở quẻ Tùy chúng ta vừa phải bàn đến các quan niệm về cốt cách con người, về bản tính con người, cũng như đề cập đến thời gian, không gian và hoàn cảnh ngoại tại, chính là vì giá trị chân thực của chúng ta là một hàm số tùy thuộc nhiều biến số như tín ngưỡng, hoàn cảnh, tính tình, lập trường, quan điểm, chí hướng, trình độ giáo dục, trình độ hiểu biết, v.v. Khi mà những biến số chưa định được hết thì hàm số vẫn còn vô định. Có lẽ vì thế mà Tạp Quái gọi Tùy là Vô cố.

---- Tùy thời dẫu sao cũng vô cùng quan trọng, vì nhờ thời gian và hoàn cảnh với tất cả sự thách đố cám dỗ của chúng mà cốt cách của mỗi người dần dà theo đà thời gian sẽ được minh định bằng tầm hiểu biết, bằng cái yêu cái ghét, cái thích thú đặc biệt của mỗi người, niềm tin tưởng, chí hướng và sự quyết tâm thực hiện chí hướng ấy của mỗi người.

Mới hay: Tùy thời chi nghĩa đại hỉ tai !



---- Quẻ Tùy dạy ta một bài học rất lớn lao là sống phải biết thích ứng với thời gian hoàn cảnh, tuổi tác, và bất kỳ muốn hiểu ai, hiểu việc gì, phải đặt việc ấy, người ấy vào khung cảnh không gian và thời gian của nó.

---- Quẻ Tùy cũng dạy chúng ta rằng cái gì mà tự bản thân chúng ta làm mới đem lại cho chúng ta một nguồn vui thực.

---- Khi đã biết con người có nhiều khuynh hướng, nhiều tính cách khác nhau, ta mới biết cách xử thế hay nhất là tùy thời xử thế, nhập giang tùy khúc và ta mới thấy chữ khoan là trọng.

 Đạo Đức Kinh chương 29 viết:

Những muốn nặn, muốn nhào thiên hạ,

Suy cho cùng, chẳng khá được nào.

 Lòng người nghệ phẩm (thần khí) tối cao,

Ai cho ta nặn, ta nhào tự do.

Ngao ngán kẻ mưu đồ như vậy,

Chẳng chóng chày, hủy hoại lòng người.

 Lòng người ai nắm giữ hoài,

Già tay nắn bóp, bao đời tiêu ma.

Người trần thế (muôn hoa đua nở)

Có nhanh chân, cũng có chậm chân.

 Người nóng nảy, kẻ lần chần,

Người in gang thép, kẻ thuần đào tơ.

Người kiên gan, kẻ như cánh bướm.

Nên thánh hiền sùng thượng chữ khoan.

 Chỉ ngăn quá lạm cực đoan,

Quá giàu, quá chướng, quá ham tiền tài.

Quẻ Tùy trong là sống động, ngoài là vui tươigợi lên cho ta hình ảnh những nhà đạo học Á Đông, bên trong thì dạt dào nguồn sống, mặt ngoài thì hớn hở hồn nhiên, sống cảm thông với người, uyển chuyển linh động, không câu nệ, không chấp nhất, không cứng ỏi, một chiều, một gióng.

Hệ Từ cho rằng nhìn quẻ Tùy, người xưa đã nghĩ ra cách dùng trâu ngựa tải đồ. Hệ Từ viết:

Dùng trâu dùng ngựa tải xa,

Chở cỗ thiên hạ lợi là biết bao.

Ngựa trâu chuyên chở thấp cao,

Quẻ Tùy chỉ vẽ tiêu hao sự tình.

Ngày nay, trông quẻ Tùy và nhân hai chữ Tùy thời ta sẽ dùng thời gian và hoàn cảnh làm thần ngưu thần mã để ngao du lục nữ và để vượt lên đỉnh non thần Thái Cực.



III. QUẺ TÙY ÁP DỤNG VÀO THUẬT TRỊ DÂN

Dịch nơi quẻ Tùy dạy chúng ta một phương pháp trị dân rất là giản dị.

Xã hội chẳng qua chỉ là một tập thể con người. Cái tập thể ấy không nên dùng những luật pháp vô nhân, những biện pháp hà khắc để cai trị.

Trái lại phải tổ chức sao cho mọi người đều nhận định ra được thiện chân, thiện lý, nhận định ra rằng mỗi người sinh ra kẻ nhanh người chậm đều cốt là tạo cho mình một đời sống lý tưởng, gồm đủ chân thiện mỹ.

Phải lấy chân thiện mỹ làm mục phiêu để vươn lên, phải lấy sự công chính là cùng đích để đạt tới, rồi ra cuộc đời của mỗi người cũng được hanh thông, cũng được lợi ích thật sự.

Như vậy nhà vua cai trị dân không phải bằng ý riêng mình mà chính là bằng ý trời, đem luật trời hằng cửu mà ban cho dân, đem lý tưởng toàn thiện mà làm mục phiêu để cùng nhau tiến tới. Được như vậy là tùy Thiên thuận Thiên.

Phương châm thứ hai qua bậc lãnh đạo dân là phải biết tùy theo ý muốn của toàn dân, vì dân đã muốn cũng tức là trời muốn, dân đã muốn tức là trời sẽ theo.[15] Lẽ nào nhà lãnh đạo dân đi ngược lại? Đó cũng là chủ trương của Đại Học. Đại Học viết: «Vui sướng thay bậc quân tử cha mẹ dân, dân ưa thích điều gì, nhà cầm quyền cũng ưa thích theo. Dân chán ghét điều gì, nhà cầm quyền cũng chán ghét theo, vì biết thuận theo dân tâm, đó mới gọi là cha mẹ dân vậy.

Đó tức là:

 Sướng thay là bậc trị dân,

Cùng dân yêu ghét muôn phần chẳng sai.

 Đáng làm cha mẹ muôn người…[16]

Mà ước muốn của dân thật là giản dị: làm sao có được một đời sống bình an sung túc, đầm ấm thuận hòa, không bị quấy nhiễu bóc lột. Tóm lại, sống một cuộc đời đáng sống, không phải thở than, phải xót xa, phải cay đắng cơ cực.

Trị dân mà thuận lòng dân như vậy, thì bất kỳ đề xướng chuyêen gì, dân cũng vui theo, vì họ biết đó là vì họ, vì quyền lợi của họ, và của con cháu họ.

Nếu cai trị mà biết dạy cho dân biết tự động dùng thời gian và hoàn cảnh để cải tạo mình, để tiến tới công chính, tiến tới nguyên tuyền, hoàn thiện, thì còn ai dám trách một vị quân vương như vậy.

- Tượng lại bàn tiếp đến phương châm thứ ba là trị dân phải biết pháp Thiên nhi hành (bắt chước trời mà hành sự). Lúc cần động thì động, lúc cần tĩnh thì tĩnh. Không bắt dân làm gì trái thời trái tiết, để cho dân luôn sống hòa mình vào khối đại vũ trụ.

Đó là bí quyết của thiên Nguyệt Lệnh trong Lễ Vận và đó chính là sự áp dụng kỳ diệu của hai chữ tùy thời vào nghệ thuật trị dân.

Nếu vua trị dân mà biết tùy thời thì triều đình của vua chẳng những gồm có quần thần, mà nhật nguyệt tinh cầu, Nhị thập bát tú cũng đều trở nên những vị quân sư; năm tháng nóng lạnh nắng mưa cũng đều trở nên những quân hầu phục vụ dưới trướng.

Ta có thể dùng mấy vần thơ tóm tắt nghệ thuật tùy thời hành động của người xưa từ đời Nghiêu Thuấn như sau:

Xuân phân tinh đẩu đỉnh đầu,
Dân con nay đã rủ nhau ra ngoài.
Chim muông đẻ trứng, tìm đôi,
Ngày xuân ta chớ buông lơi việc làm.
Tới ngày Hạ Chí chói chang,
Đêm về sao Hỏa hiên ngang đỉnh đầu.
Chúng dân tản mạn dãi dầu,
Chim muông thôi cũng thay màu đổi lông.
Thu phân trú dạ tương đồng,
Sao Hư chập tối vời trông đỉnh đầu.
Dân con mát mẻ bảo nhau,
Chim muông lông lá ra màu tốt tươi.
Đông Chí ngày vắn đêm dài,
Đêm về sao Mão chơi vơi đỉnh đầu.
Dân con ít muốn đi đâu,
Chim muông lông lá trước sau thêm dài. [17]

Các hào tiếp tục bàn đến nghệ thuật tùy thời và thuận thiên, thuận nhân để trị dân.

1. Hào Sơ Cửu cho rằng trị dân phải có phương châm cao cả này là: Luôn luôn theo lẽ chính, luôn theo chính đạo, theo lý tưởng. Trị dân mà lâng lâng vẹn sạch niềm tây, treo gương chính nghĩa, tùy thuận nhân tâm thì còn gì hay hơn.

2. Hào Lục Nhị cho rằng người trị dân cvó hai con đường thuận nhân tâm. Một là theo bầy bọn tiểu nhân, theo thị dục thị hiếu của chúng. Theo tiểu nhân, kích thích nuông chiều thị dục thị hiếu của chúng, âu sẽ mất lòng những người quang minh chính đại, mất lòng những người hiền lương. Không thể nào được vừa lòng cả đôi bên.

3. Hào Lục Tam cho rằng: Nếu thuận theo ước vọng của những người hiền lương công chính thì những kẻ gian tà sẽ lánh mặt xa. Theo đường lối ấy cho cương quyết, cho bền gan, thì sau sẽ hay, sẽ lợi, vì có thể cảm hóa được bọn tiểu nhân tà ngụy.

4. Hào Cửu Tứ cho rằng cai trị thuận nhân tâm không phải là cai trị mị dân. Hơn nữa, một trọng thần mà được lòng dân yêu mến thì phải biết ăn ở cho phải đạo để sao cho lòng người luôn luôn giữ được sự tính thành, hành động luôn luôn hợp nghĩa lý, ngôi vị tuy cao trọng mà không mang tiếng lấn vị vua, quyền thế tuy to tát mà vẫn không đi quá trớn, thế mới là sáng suốt khéo léo. Đó chính là trường hợp Hưng Đạo Vương ba lần phá quân nguyên, phò vua giúp nước mà vẫn trọn được niềm thần tử.

5. Hào Cửu Ngũ: Còn nhà vua ở ngôi vị cao mà luôn luôn sống thuận theo đạo lý, bao giờ cũng tín thành hợp lễ nghĩa, sử xự luôn đúng theo hai chữ Chính Trung, như vậy còn gì đẹp đẽ hơn.

Trong bộ Kinh Thư Đại Toàn có viết: «Vua ở ngôi trung ương trong thiên hạ, tất phải có nhân đức tuyệt vời, mới lập ra tiêu chuẩn tối cao cho mọi người được.» [18]

Lễ Ký cũng viết: «Nhà vua cần phải có một tâm hồn thanh nhã, không chao động, mới có thể giữ gìn được sự công chính tuyệt hảo.» [19]

Nói thế tức là sống ở thời Tùy, khi mà chúng dân đã biết thuận Thiên thuận lý, thì nhà vua phải siêu phàm thoát tục, phải là một vị Chân thiên tử.

6. Hào Thượng Cửu cho rằng: Nếu quân vương cùng với bách quan ai nấy trước sau đều tha thiết một lòng thuận theo đạo lý, thuận theo chính nghĩa, chính đạo, thuận theo ước nguyện của dân, thuận theo nhân tâm mà trị dân, thì dĩ nhiên dân sẽ quy thuận, sẽ một dạ trung thành với vua, với chính quyền. Sự khắng khít gắn bó ấy dẫu chư thần cũng phải cảm động; như vậy lo chi mà giang sơn không bền vững. Đó là phương pháp lập nghiệp của Thái Vương xưa ở đất Kỳ Sơn vậy.

Đàng khác, Dịch nói tùy thời. Vậy khi mà dân đã no đủ, đã vui sướng, đã có một tâm hồn tinh khiết, thì nhà cầm quyền còn có chương trình gì nữa được thực hiện thêm cho họ? Thưa, lúc ấy phải chỉ cho họ con đường trời, phải hướng họ về tuyệt điểm tinh hoa, dạy họ sống một cuộc đời toàn chân, toàn diện, cho mọi người hướng về Hoàng Cực, hội nơi Hoàng Cực. Kinh Thư viết:

Đường trời nọ thẳng vo thẳng tắp,
Vút một lèo tới cực cao minh.[20]

Thế mới chính là ‘tùy thời biến dịch nhi tòng đạo’ cho mình và cho dân. Tòng đạo để các đạo cùng nhau tiến đến tinh hoa thuần túy, vĩnh cửu vô cương.

Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng toàn thể xã hội bao giờ cũng được sắp xếp theo định luật Dịch và đồ biểu Gauss, nghĩa là thượng thánh và hạ ngu thì rất ít, còn kẻ tầm thường thì chiếm đại đa số.

Nói theo Dịch ta có: (A+D) 6= A6 + 6A5D + 15A4D2 + 20A3D3 + 15A2D4 + 6AD5 + D6

Và theo đồ biểu Gauss ta có:

Biết như vậy ta mới hiểu tại sao Trung Dung nói:

Vua Thuấn thực thông minh sáng suốt,
Thích hỏi han, quan sát chuyện đời.
Rồi ra cân nhắc đầy vơi,
Xấu thời đậy điệm, lành thời phô trương.
Hai cực đoan ngài thường giữ lấy,
Chỉ xem điều vua phải dậy dân,
Thảo nào vua Thuấn tiếng tăm.[21]

************         


CHÚ THÍCH

[1] Trích từ phần bình luận quẻ TÙY trong quyển Chu Dịch Giảng Bình của Bs Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, quyển 2, sách Ronéo, Saigon, 1974, tr. 15-26.

[2] Tout Cycle parcouru par une âme est mesurée par un temps. mais tandis que le cycle de chacun des autres âmes est mesuré par un certain temps, le cycle de la première Âme qui soit soumise à la mesure du temps est mesuré par le temps total.

Comme tous les mouvements des ces âmes en effet, comportent succession, il en est de même de leurs cycles périodique, en sorte que ceux-ci sont mesurés par un temps, et le temps est cela même qui mesure tous les cycles périodiques des âmes.

La Religion essentielle, p. 101.

[3] Trích dịch bài thơ Le Lac của Lamartine.

[4] Dịch Kinh Đại Toàn, viên đồ, tr. 41

[5] Tiên Thiên Luận Ngữ 先 天 論 語 , 5.

[6] Đại Toàn, Chu Dịch Trình Tử truyện tự

[7] Xem Le Lac của Lamartine.

[8] Mạnh Tử, Vạn Chương [hạ], 1.

[9] … En effet, Montaigne le sceptique abaisie l’homme au niveau de la bête, lorsqu’il dénie à la raison la capacité de connaître la vérité, et par la même, ravale son orgueil.

La Table Ronde, No 171, Avril 1962, p.123.

[10] Xem Le Lac của Lamartine.

[11] Xem Le Lac của Lamartine.

[12] Epictète le Stoïcien, exalte l’homme au-dessus de lui-même, jusqu’à en faire un Dieu, un rival du Ciel, qui se suffit à lui même, et de lui-même se perd du se sauve, selon qu’il soit vivre ou non selon la raison. La Table Ronde, No171, Avril 1962, p. 125

[13] La langage de la croix est en effet folie pourceux qui se perdent, mais pour ceux qui se sauvent, il est puissance de Dieu.» I Cor. 1.18.

[14] Pascal se sert du scepticisme de Montaigne pour ‘abaisser’ ‘l’orgueil stoïcien, et de celui-ci pour élever l’homme au dessus de la bête… L’homme est contradiction vivante ‘monstre’ ‘prodige’ que la seule révélation, à traverse la ‘folie de la Croix’ peut expliquer et sauver…

La Table Ronde, No171, Avril 1962, p. 126

[15] Thiên thị tự ngã dân thị. Thiên thính tự ngã dân thính. 天 視 自 我 民 視 . 天 聽 自 我 民 聽. Thư Kinh, Thái Thệ, Trung, 7.

… Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. 民 之 所欲 天 必 從 之. Thư Kinh, Thái Thệ, Thượng, 11.

[16] Xem Đại Học, chương 10.

[17] Xem Thư Kinh, Nghiêu Điển. Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học Tinh Hoa, tr. 229, 230, 231.

[18] Nhân quân cư thiên hạ chi trung, tắc tất hữu thiên hạ chi tuyệt đức, nhi hậu khả dĩ lập chí cực tiêu chuẩn. 人 君 居 天 下 之 中 , 則 必 有 天 下 之 絕 德 , 而 後 可 以 立 至 極 之 標 準. Kinh Thư Đại Toàn, quyển III, tr. 27

[19] Vương trung tâm vô vi dã, dĩ thủ chí chính. 王 中 心 無 為 也 , 以 守 至 正. Lễ Ký, Lễ Vận, tiết 2. Xem thêm Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học Tinh Hoa, tr. 240.

[20] Kinh Thư, Hồng Phạm, tiết 1: Vương đạo chính trực; Hội kỳ hữu cực; Quy kỳ hữu cực. 王 道 正 直 ; 會 其 有 極 ; 歸 其 有 極.

[21] Trung Dung, chương 6.


************         


BÌNH GIẢNG QUẺ BÁC

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


Quẻ Bác là một trong 12 quẻ dùng để chỉ sự vận chuyển tuần hoàn của guồng máy Âm Dương, của tiết khí, cũng như để mô tả sự doanh hư tiêu tức, sự thịnh suy, thăng trầm, tụ tán của vũ trụ và vạn vật. Mười hai quẻ đó là:

Cấu Độn Bĩ Quan Bác Khôn

---→ Âm trưởng - Dương tiêu →

Phục Lâm Thái Đại Tráng Quải Kiền

---→ Dương trưởng - Âm tiêu →

Ta nhận thấy ở nơi sáu quẻ trên (từ Cấu đến Khôn), Âm là chủ và Dương biến dần thành Âm. Ở nơi sáu quẻ dưới (từ Phục đến Kiền), Dương là chủ và Âm biến dần thành Dương. Đó là sự biến hóa hai chiều, hai mặt của một thực thể là Thái Cực mà ta có thể dùng phương trình của Einstein mô tả như sau:

E = m x C2

Nếu vẽ hình (đồ bản) để cho thấy rõ sự biến thiên, tuần tự, sự tiêu trưởng, tụ tán, ta sẽ có hai đồ bản như sau:


Đồ bản 1


Đồ bản 2

Thấu triệt hai đồ bản này, ta sẽ hiểu lẽ biến dịch, tiết tấu của vũ trụ, của lịch sử nhân quần, và của vạn vật.

Ta sẽ lần lượt tháo gỡ ít nhiều cơ vi huyền nhiệm của vũ trụ và của Dịch lý:


A. VỀ VŨ TRỤ

Ta thấy rằng vũ trụ có tụ có tán. Vũ trụ của chúng ta còn ở trong thời tán, và ngày nay đang tiến về phía biên.

Nhờ phương pháp thâu quang phổ (spectroscopie) và dựa vào định luật Doppler-Fizeau [1] các nhà thiên văn học khám phá ra rằng giải Ngân Hà đang đua nhau tiến về miền biên viễn, và vũ trụ y như cái bọt xà bông của trẻ con chơi đang được thổi phồng lên, theo lý thuyết của Georges-Lemaître, đã được Hubble và Eddington xác nhận.[2]

Sư kiện khuếch tán, nở nang này càng ngày càng đưa các vì sao xa dần trái đất; muôn triệu vì sao không còn đủ soi cho trái đất,[3] sức nóng của các vì sao không được dùng để sưởi ấm hay nung nấu trái đất.

Nhìn vào quang phổ, ta thấy quang phổ các giải ngân hà xê dịch dần về phía màu đỏ, y như tiếng còi tàu càng ngày càng thấp giọng, khi tàu trườn mình phóng mãi xa ta.

Khi tới một cực điểm nào đó, các vì sao sẽ có lúc quay gót trở về dần cùng trái đất. Và trong một tương lai xa xăm có lẽ những vì sao đã già nua tuổi tác ấy sẽ trở thành những ngọn đèn điện soi đêm cho nhân quần, sưởi ấm cho trần hoàn, để không còn những ngày giá băng, không còn có những đêm trường tăm tối.[4]


B. PHÁC HỌA SỰ BIẾN THIÊN CỦA TIẾT KHÍ, BỐN MÙA

Mười hai quẻ Dịch tiêu tức nói trên còn được dùng để phác họa lại bộ mặt biến thiên của khí tiết, của bốn mùa, từ những:

«Ngày xuân con én đưa thoi,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.» [Kiều]

cho đến:

«Rừng thu từng biếc chen hồng,

Nghe chim như nhắc tầm lòng thần hôn.» [Kiều]

Quẻ Bác là quang cảnh của tháng 9, tháng 10 âm lịch, từ Sương Giáng đến Tiểu Tuyết,[5] lúc trời đất đã đem sương pha tuyết phủ lên cỏ cây, làm cho «cây trơ trụi lá, cành xác xơ cành». Lúc ấy may mắn lắm mới còn được một vài quả lủng lẳng trên những cành cao; còn lại được là vì người muốn ăn mà ngại hái.


C. TRÀO LƯU LỊCH SỬ

Xét về trào lưu lịch sử thì Bác là lúc vật đạo thịnh, thiên đạo suy. Bao nhiêu cái đẹp cái hay đều chạy ra ngoài bì phu, dồn cả vào vật chất.

Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi.[6]

Xét về phương diện vật chất thì đó là một thời kỳ huy hoàng, vàng son nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần thì đó lại là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ mà:

«Hình thời còn bụng chết đòi nau.»

Đó cũng là thời kỳ mà tiểu nhân thời gióng trống phất cờ, còn quân tử thì lao đao lận đận, chạy được miếng ăn cũng khó, giữ được thân là may.

Lịch sử chẳng qua là một sự diễn biến cộng đồng, theo định luật của toán xác suất từ tụ đến tán; từ trị đến loạn; từ chính đến tà; từ đức đến tài; từ nhất đến vạn; từ thiên đạo đến nhân đạo, đến vật đạo; từ tinh thần đến vật chất; từ thiên lý đến nhân dục; từ tinh thần đến thể xác; nội tâm đến hoàn cảnh; từ phúc đến họa; từ lạc đến bi. Hết vòng rồi quay ngược lại như nước thủy triều khi lên khi xuống, và con người thì như thân phận cánh bèo trôi dạt trên dòng thời gian, mặc tình cho ba đào thế sự dập vùi, không mấy khi tự mình điều khiển được gót lãng du phiêu bạt của mình.

Xét về chiêm tinh học thì quẻ Bác ứng với cung Ma Yết. Ma Yết là con bọ cạp, cũng có khi còn được đổi thành con phượng, con diều. Đó là thời kỳ mà tiểu nhân như con bọ cạp dùng nọc độc hại người, không còn phương sách ám muội đê hèn nào mà họ chẳng dùng, để thủ tiêu những người mà họ xét là chướng tai gai mắt.[7]

Con bọ cạp tượng trưng cho dục vọng, cho đấu tranh, cho xâm lăng, cho chinh chiến,[8] và thời kỳ này cũng là thời kỳ địa ngục của trần gian,[9] một thời kỳ lao lung khổ sở mà con người phải qua trước khi hồi tâm trở về cùng chân lý chân đạo.


D. THỜI GIAN CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI

Quẻ Bác đối với một con người thì là khoảng 30-35 tuổi, gần nửa đời, nửa đoạn, đang còn chạy theo những vật dục, những chuyện ăn mặc, hưởng thụ bên ngoài, như là đứa con hoang đàng đang xài phá đến mức hầu khánh tận cái gia tài tinh thần mà lúc sơ sinh trời đã phú thác cho.

Quẻ Bác như vậy cho ta thấy sự phá tán tinh thần của những hạng người ngoại quân tử nội tiểu nhân, ngoài thì hào nhoáng lộng lẫy mà trong lòng thì là hang ổ rắn rết, trộm cướp. Đứng về phương diện đạo lý, đó là những hạng người đang sống trong giấc mơ trần thế, bao nhiêu tình dục dồn cả ra ngoài, sống vong thân mà vẫn hỉ hả; sống trong mê loạn mà vẫn tưởng mình trong sáng, nhưng rồi ra:

«Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.» [Cung Oán]

Để lồng quẻ Bác vào trong khúc nhạc biến thiên của vũ trụ và của con người, ta hãy ghi lại tất cả những nhận xét trên vào trong một đồ bản sau đây:

Sau khi đã bình giải rộng về lẽ doanh hư tiêu tức của đất trời bằng 12 quẻ Dịch, ta cũng nên nhận định rằng 4 chữ doanh, hư, tiêu, tức thường được dùng để chỉ sự thịnh suy của Dương khí,[10] ta có thể vẽ lại như sau:

Để trở về quẻ Bác, ta có thể tóm tắt đại khái như sau:

Bác là tiêu hao, bác lạc; quần âm muốn tiêu ma, hủy diệt cho hết mọi hào Dương.

Bác ứng với thời kỳ quân tử suy, tiểu nhân thịnh, thời kỳ mà các tiêu chuẩn giá trị được dựa trên các căn bản thực dụng, vật chất và ngoại cảnh.

Bác ứng vào tháng 9 (kiến Tuất), ứng vào khoảng từ Sương Giáng đến Tiểu Tuyết.

Ta có thể bình đại khái về quẻ Bác như sau:

Bác là bác lạc suy tàn, âm khí tăng, dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Đó là thời kỳ mà năng lực triển dương, khuếch tán của trời đất đã gần hao kiệt theo nguyên lý «năng lực tiêu hao»[11] của Carnnot Clausius… Đó là thời kỳ mà nơi kinh thành thì thiếu lãnh tụ anh minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân quân tử…

Đó là thời kỳ mà mọi người trở nên cao ngạo, nhố nhăng, không còn biết thế nào là phải là hay, sống gặp hay chăng chớ. Đó là thời kỳ nhiễu nhương ly loạn, sẻ nghé tan đàn, làm ta liên tưởng đến mấy vần Kinh Thi:

«Lạnh lùng gió bấc lọt da,
Bời bời mưa tuyết, tuyết sa đầy trời!
Ai ơi ai có yêu ai,
Dắt nhau ta kiếm một nơi đi cùng.
Còn gì là cái thung dung,
Sự đời đã giục bên lòng xiết bao !» [12]

Đạo trời tuần hoàn: đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy; thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh.
Bác đến cùng cực sẽ khốn khổ đến điều… Khốn khổ đến điều người ta sẽ xót xa, hối tiếc vì những lầm lỗi của mình vì đã chiêu lấy họa hoạn. Khi con người biết hối tiếc tức thì cơ trời sẽ xoay chuyển, và Dương sinh, và ánh sáng hạnh phúc thịnh trị sẽ dần dà trở lại với nhân quần.

Lý Long Sơn bình rằng:
«Doanh hư tiêu tức là do thời vận xui nên. Người quân tử nên trọng lẽ trời. Như thế, dẫu ở vào thời Bác cũng không đến nỗi phải thở than sầu muộn, cũng không đến nỗi phải đổi dạ thay lòng. Vì biết rằng sau thời Bác sẽ có thời Phục, nên bình tâm chờ đợi. Nếu không thế mà lại giận vì thấy tiểu nhân đắc thế, ra sức kình chống, ắt sẽ khiến cho bọ cạp xỉa ngòi độc ra mà đốt hại, đến nỗi phải thân tàn ma dại, không có thuốc nào cứu vãn được.» [13]

Bác theo Từ Nguyên là búa rìu đang ra sức chặt, chém cho cây trở nên xơ xác.[14]

Thoán Từ cho rằng đó là thời kỳ tiểu nhân hoành hành, còn người quân tử thì chẳng làm ăn dở dói gì được. Dịch Kinh an ủi người quân tử hãy nên nhẫn nhục, hãy nên biết cơ trời, thời trời, đừng có buồn, bởi vì:

«Sông có khúc, người có lúc.»

Hay: «Anh hùng mà gặp khúc lươn,
Khi cuộn thời ngắn, khi vươn thời dài.»

Tượng Từ thì tạm quên những chuyện phôi pha, bác lạc mà lại dạy ngược lại rằng: Khi người quân tử ở trên mà cầm quyền trị dân, phải biết chăm sóc cho dân, vì dân là nền tảng cho quốc gia; dân có hay thì mình mới vững; mình mà mất dân thì cũng như núi mất đất, sẽ không còn nơi nương tựa, và cảnh suy vong bác lạc sẽ theo sau.

Trong quẻ Bác, trên là một hào Dương liền, dưới là 5 hào Âm, trông chẳng khác gì cái giường có chân, có mặt; hay cái nhà có mái có vách.

Vì thế mà hào Sơ, hào Nhị, hào Tứ vẽ ra một cảnh phá giường. Hết chặt chân giường (hào Sơ) rồi lại phá tới khung giường (hào Nhị), hết thang giường rồi lại xoay tới cả đến người nằm bên trên (hào Tứ).

Ý nói rằng: Tiểu nhân có nhiều thủ đoạn để hãm hại người quân tử. Khi họ đắc thế, có bầy có bọn, mà quân tử thì lẻ bạn lẻ bầy, cô thân cô thế, họ sẽ tìm cách hại người quân tử. Họ làm cho người quân tử mất công mất việc, mất cơ sở sinh nhai, mất cả môi trường hoạt động, mất sự an lạc tĩnh lãng, hồn nhiên. Ví như người quân tử có cái giường, mà tiểu nhân đến chặt chân cho khập khiễng, đến phá thang, phá giát cho hư, cho gẫy (hào Sơ và Nhị). Chẳng những thế, họ còn muốn vạc da đẽo thịt người quân tử, làm cho lầm than điêu đứng, họ mới vui, mới thỏa (hào Tứ).

Tuy nhiên, không phải là ai cũng xấu. Có những người tuy bề ngoài về phe phái với tiểu nhân nhưng trong lòng vẫn hướng về người quân tử, vẫn muốn ám trợ người quân tử. Đó là Trần Bình không nỡ chuốc rượu cho Bái Công nơi Hồng Môn hội yến, để Bái Công khỏi say sưa mà thất thế; sau lại còn giúp cho Bái Công đào tẩu;[15] đó là Từ Thứ tuy bề ngoài về với Tào Tháo mà lòng vẫn hằng ám trợ cho Lưu Bang[16] (hào Tam).

Hơn thế nữa, có những người đã lên tới bậc lãnh tụ quần âm, đã thống suốt cả bầy cả đảng tiểu nhân, mà có khi còn biết xướng xuất dắt nhau về cùng chính nghĩa. Đó là như trường hợp của vua A Dục đem dân về cùng Phật Giáo, vua Constantin, vua Clovis đem dân về cùng Công giáo, v.v. (hào Ngũ).

Gặp thời Bác, tức là thời đảo điên ly loạn, thì số người quân tử còn lại cũng rất là thưa thớt, y như là một vài quả may ra còn sót lại đầu cành.

Tuy ít, nhưng đó chính là hứa hẹn cho sự phục sinh tinh thần sau này, và cũng chính là bằng chứng chính nghĩa chẳng bao giờ bị sức gì có thể làm suy vong tiêu diệt được. Mà lạ hơn nữa, người quân tử khi ấy vẫn được dân kính, dân tôn, vẫn có thể còn được lên xe xuống ngựa…

Kẻ tiểu nhân nếu cố tâm hủy diệt cho tận tuyệt quân tử, cho tận tuyệt chính nghĩa và đạo lý, thì có khác chi con người ngu dại tự nhiên đi kéo sập mái nhà mình đang ở, rồi ra sẽ lấy gì mà che nắng che mưa. Thế chính là Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu (Ngậm máu phun người trước dơ miệng mình) (hào Thượng Cửu).

*****

Thế mới hay:

Gặp thời điên Bác, phải khôn ngoan,

Phải biết dừng chân chớ tiến càn.

Trời đất doanh hư, người phúc họa,

Đừng vì cảnh ngộ loạn tâm xoang. [Thoán]

*

Núi kia nhờ đất mới vươn cao,

Vua phải nhớ dân mới vững trào.

Hãy biết thương dân, thương bách tính,

Lòng người tựa vững mới anh hào. [Tượng]

*

Tiểu nhân có lúc cũng lên hương,

Quân tử hãy lo chuyện phá giường.

Phá hoại chân giường, giường khập khiễng,

Sinh nhai trắc trở ắt tang thương.

[Sơ Lục: Bác sàng dĩ túc.]

*

Phá chân chưa thỏa, phá thang giường,

Độc ác bày chi cảnh nhiễu nhương?

Quân tử bơ vơ vương tủi hận,

Lầm than cám cảnh, nẫu can trường.

[Lục Nhị: Bác sàng dĩ biện]

*

Theo bọn tiểu nhân, chẳng tiểu nhân,

Cũng vì sinh kế mới vong thân.

Nhưng lòng chê chối phường đơn bạc,

Quân tử trước sau quyết đỡ đần.

[Lục Tam: Bác chi vô cữu.]

*

Tiểu nhân mà mạnh thế thời thôi,

Cái nạn Cao Cầu sắp tới nơi.

Quân tử có thân nên bảo trọng,

Kẻo không cùng khốn, cũng tơi bời.

 [Lục Tứ: Bác sàng dĩ phu.]

*

Thống suất quần âm bỏ nẻo tà,

Cải tà qui chánh mới vinh ba.

Như vì vương nữ đưa cung nữ,

Về với quân vương vẹn xướng hòa.

 [Lục Ngũ: Quán ngư.]

*

Gặp thời bác lạc thế chênh vênh,

Quân tử khác chi quả mót cành.

Quân tử lúc cùng dân vẫn trọng,

Tiểu nhân quá quắt ắt điêu linh.

 [Thượng Cửu: Thạc quả bất thực.]


-------------------     

CHÚ THÍCH

[1] En 1842, un professeur de mathématiques autrichien, Christian Doppler, découvrit ce que nous connaissons sous le nom d’effet de Doppler.

… Les ondes de lumière nous paraissent plus longues lorsqu’elles nous proviennent d’un objet qui s’éloigne de nous; elles semblent plus courtes et entassées «si l’objet s’approche de nous… Les ondes lumineuses en provenance d’une source qui s’éloigne tendent donc à se porter vers la zone rouge du spectre; c’est ce qu’on appelle le décalage vers le rouge». Les astronomes en sont arrivés à la conclusion que ce décalage, observé dans le spectre lumineux d’un corps céleste, signifie que ce corps s’éloigne de l’observateur.

 Bruce Bliven, Pourquoi fait-il noir la nuit. Sélection du Reader’s Digest, Septembre 1963, p. 47.

[2] Georges Lemaître avait expose, avec une rigueur impeccable la théorie d’un univers en expansion… (Eddington) constata que Lemaître avait prédit le phénomène observé par Hubble, et que la fuite des néculeuses trahissait une expansion de l’univers. -- Pierre Rousseau, Histoire de la Science, p. 769.

[3] Le ciel est noir la nuit parce que l’univers se dilate. (Dr. Olbers) Sélection, Septembre 1963, p.48.

[4] Il n’y aura plus de nuit: donc nul besoin de la lumière d’un flambeau ou de la lumière de soleil, car le Seigneur Dieu les illuminera et ils règneront pour les siècles des siècles. -- Apocalypse, XXII, 5 (Bible de Crampon)

[5] Dương bác vu cửu nguyệt chi sương giáng nhi tận ư thập nguyệt chi tiểu tuyết. 陽 剝 于 九 月 之 霜 降 而 盡 於 十 月 之 小 雪. -- Song Phong Hồ Thị, Chu Dịch Đại Toàn, quẻ Bác, Thượng Cửu.

[6] Đức giả, bản dã. Ngoại bản, nội mạt. Tranh dân, thi đoạt. 德 者 本 也 .外 本 , 內 末 .爭 民 , 施 奪. Đại Học, chương 10.

[7] Tiểu nhân chi dục khử quân tử, từ bất thuận, lý bất trực, tất thê phỉ tẩm nhuận dĩ xâm thực chi, sử chi nhật tiêu, nguyệt thước nhi bất tự tri, cố viết biến. 小 人 之 欲 去 君 子, 辭 不 順 , 理 不 直 , 必 萋 斐 浸 潤 以 侵 蝕 之 , 使 之 日 消 , 月 鑠 而 不 自 知 , 故 曰 變 . -- Trần Long Sơn, Dịch Kinh Đại Toàn, quẻ bác, Tượng.

[8] Le Scorpion présidera non seulement au désir mais aussi à la destruction. Sur le plan physiologique, il gouverne non seulement les organes sexuels, mais aussi le processus de dégradation et de putréfaction. (Le Scorpion sera le champ de bataille du zodiaque) -- Cyrille Wilczkowski, L’homme et le Zodiaque, p. 221.

[9] … L’enfer Scorpionique régénérateur, par lequel ils (les hommes) devront passer pour atteindre la réalisation ultime du Verseau. -- Sénard, Le Zodiaque, p.295.

[10] Tiêu tức doanh hư, giai vi dương ngôn. Phục giả dương chi tức. Cấu giả dương chi tiêu. Kiền giả dương chi doanh. Khôn giả dương chi hư. 消 息 盈 虛 皆 為 陽 言 復 者 陽 之 息 姤 者 陽 之 消 乾 者 陽 之 盈 .坤 者 陽 之 虛 (Hồ văn Phong) Dịch Kinh Đại Toàn, quẻ Bác, Thoán.

[11] Lors de sa conversion en chaleur, il y a dégradation définitive de l’énergie… Le processus en question a été nommé par Clausius, Entropie (Entre Savoir et Croire Intro. XXIII).

[12] Tản Đà, Kinh Thi, Bắc Môn, tr. 131.

[13] Long Sơn Lý thị viết: Tiêu tức doanh hư nãi thời vận chi sử niên. Quân tử thượng chi dữ thời giai hành. Tuy xử Bác chi thời nhi bất chí ư tu ta thích ưu nhi biến kỳ sở thủ giả. Tri kỳ hậu chi tất phục, nhi bình tâm ninh nhi dĩ đãi chi dã. Bất nhiên, bất phẫn quần âm chi tiến, tận lực dĩ kháng chi, tất kích kỳ sãi vĩ chi độc, cam thụ kỳ tồi bác ma lạn chi họa, nhi bất khả cứu dược hĩ. 隆 山 李 氏 曰 消 息 盈 虛 乃 時 運 之 使 然 君 子 尚 之 與 時 偕行 雖 處 剝 之 時 而 不 至 於咨 嗟 戚 憂 而 變 其 所 守 者 知 其 後 之 必 復 而 屏 心 寧 而 以 待 之 也 不 然 , 不 憤 群 陰 之 進 , 盡 力 以 抗 之 , 必 激 其 蠆 尾 之 毒 , 甘 受 其 摧 剝 摩 爛 之 禍 而 不 可 救 藥 矣 . -- Dịch Kinh Đại Toàn, Bác, Thoán.

[14] Bác hay 剝 tạo thành bởi các bộ phận: ♮ (Ký: rìu), nét 丿(chỉ sự chặt), nét | (cây), nét — (đã bị chặt đầu), nét >< (vỏ và lá rụng xuống quanh cây).

 Xem Léon Wieger, Leçons étymologiques, tr. 132 (Leçon 68F).

… Xem Mathieu 3, 10: «Déjà la cognée est à la racine des arbres…»

[15] Xem Tây Hán Chí, (Thanh Phong dịch), tr. 131.

[16] Xem Tam Quốc Chí, (tử Vi Lang dịch), tr. 653 và 869.











No comments:

Post a Comment

Feature Post Co Thuoc

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are just exactly some cold or flu influenza) Smart Curing Therapy Treatment _ Toa Thuoc dieu tri benh Corona hieu qua nhat hien nay

Corona Virus (exactly flu influenza or high /low blood pressure syndrome statement, the corona or covid-19 pandemic are j...

Popular post Co Thuoc: