Suc manh noi tam _ su vi dieu cua long tu
Sức mạnh nội tâm & sự vi diệu của lòng từ:
Hello everyone!
Welcome to our webpage
Translate this page in
your preferred language:
You can translate the content of this
page by selecting a language in the
select box (The translation is not very exactly because of the automatic machine limitation).
Sức mạnh nội tâm & sự vi diệu của lòng từ
Hơn 40 năm ở chùa, tôi may mắn lớn lên trong sự chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu của những bậc tu hành khả kính. Nhớ khi xưa, lúc còn là chú tiểu, bổn phận của tôi là hầu trà, pha nước mỗi khi chùa có khách đến thăm. Vì lẽ này, tôi thường được diện kiến, gần gũi và thân cận rất nhiều vị cao tăng, trí giả. Đúng như tục ngữ Việt Nam đã dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Cuộc đời và hạnh nguyện của các vị như là ngọn hải đăng chỉ đường cho thế nhân giữa biển đời tăm tối. Đức độ và tuệ tâm của những hiền nhân này đã có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với cuộc đời tôi. Ý chí xuất gia của tôi đã được tẩm ướt và nuôi lớn bởi tấm lòng từ bi hỷ xả của các bậc xuất trần thượng sĩ. Tâm thức của tôi từng ngày lớn mạnh trong giáo pháp của Như Lai nhờ nghe chùng, học lén những sở trường và kinh nghiệm tu đạo và hành đạo mà chư vị luận đàm bên tách trà. Từng câu chuyện, từng lời nói đều là những bài pháp vô cùng ý nghĩa và lợi ích đối với hàng hậu học chúng tôi.
Suốt thời kỳ làm thị giả, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu sự kỳ diệu xảy ra trong nếp sống thường nhật của các ngài. Tuy nhiên, điều tạo ấn tượng lớn nhất đối với tôi là hình ảnh thanh thản, tự tại, giải thoát, vô úy của các bậc chân tu trước phút giây sinh tử, giờ khắc trọng đại của một đời người: cái chết! Ở đây, tôi không bàn luận về triết lý cái chết, mà chỉ đề cập đến thái độ và phương cách mà các bậc cao tăng, trí giả hành xử trước phút giây trọng đại này.
Đã là người, ai cũng phải tuân thủ quy luật sanh già bịnh chết! Tuy nhiên, cái chết lại xảy ra rất khác nhau đối với từng người. Có người vì tuổi già sức yếu mà cỡi hạc quy tiên. Có người nhẹ bước Tây quy sau một cơn cảm lạnh… Cái chết như thế thường xảy ra một cách nhẹ nhàng và hầu như ít tạo ra sự đau đớn cho xác thân. Nhưng có những cái chết không chỉ hành hạ thân xác của người sắp chết, mà còn dằng xé tâm thức của người ở lại. Ai đã từng một lần chứng kiến nỗi đau đớn khốc liệt của các bệnh nhân mang chứng nan y trước giờ phút sinh ly tử biệt mới cảm nhận được cái đáng sợ của bệnh tật. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được cơn đau đứt ruột đứt gan của bệnh nhân do căn bệnh ung thư hành hạ. Cảnh tượng người bệnh thân hình gầy gò, da bọc lấy xương, đau đớn quằn quại khi bị cơn đau hành hạ khiến người ta khó lòng cầm được nước mắt.
Suốt thời gian ở chùa, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm như thế đến với những người đồng đạo của tôi, nhất là những người tuổi đạo còn non, nội tâm chưa khéo tu tập và huấn luyện. Khi bị cơn bệnh ung thư quái ác hành hạ, họ cũng rên rỉ, trăn trở, la lối, thậm chí khóc lóc như bao bệnh nhân bình thường khác. Tuy nhiên, phong thái và cách ứng xử của các bậc cao tăng trước hiện trạng “bệnh là khổ” đã khiến không biết bao nhiêu bác sĩ, lương y đã giật mình thán phục. Giật mình vì những kết quả hội chẩn y khoa của hội đồng bác sĩ đối với bệnh trạng của các bậc chân tu thường không thật sự chính xác như các bệnh nhân tương tự! Thán phục vì sự phản ứng điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn, thanh thản, tỉnh táo của giới tu hành niên cao lạp trưởng trong những giờ phút đớn đau khốc liệt do bệnh tật hành hạ. Nhiều bác sĩ, y tá đã tận mắt chứng kiến nhân cách người tu hành qua đức kiên nhẫn, sự chịu đựng và sức mạnh nội tâm. Phương pháp chuyển hóa nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần bằng công phu thiền quán của các ngài là những ấn tượng khó quên đối với những người tinh chuyên y học và khoa học.
Trong thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sức mạnh tinh thần và yếu tố tâm linh có khả năng giúp người ta vượt qua nỗi đau của thân xác lẫn tâm hồn, kể cả chứng bệnh nan y. Trong chốn thiền môn, sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày. Như đã đề cập, một trong những phương pháp để hành giả có thể có được sức mạnh tinh thần và tâm linh nhằm đạt được kết quả như trên là vận dụng giáo lý thiền định của Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày. Thiền định Phật giáo đã và đang đem đến nhiều giá trị và lợi ích cho người hành trì khắp mọi nơi. Một pháp môn hành trì khác của đạo Phật đơn giản hơn, thích hợp với mọi người, có khả năng tạo ra sức mạnh nội tâm để hóa giải mọi chướng duyên của cuộc sống là ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả. Thực tập giáo lý này, một mặt, tạo nên sự thư thái, an tịnh, hỷ lạc cho tự thân người hành trì; mặt khác xây dựng một môi trường sống đầy tình yêu thương nhân loại.
Một số công trình nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của giới y học cũng nói rằng những bệnh nhân nào bị bệnh ung thư thường trầm tư về lòng thương người, thương đồng loại, nuôi dưỡng tâm từ bi trong mọi hành vi, cử chỉ hàng ngày của mình thì ít bị cơn đau hành hạ, đồng thời có thể làm giảm thiểu tốc độ phát triển của mầm bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhờ vận dụng tâm từ bi vào trong suy nghĩ và sinh hoạt của mình, quán tưởng từ bi như là một loại dược phẩm, một thứ thức ăn (tư niệm thực) còn có khả năng chữa lành được những căn bệnh quái ác. Bởi vì công năng của lòng từ là dập tắt lòng dục, khát ái, sân hận; công năng của lòng bi là dập tắt tính hung ác, tàn bạo của con người. Tham lam, sân hận và tàn bạo là nguyên nhân chính tạo ra những rối loạn, ách tắc và biến chứng về vật lý, tâm lý, nhân cách và hành vi của con người. Rồi sầu muộn, lo lắng, bất an và bệnh tật khởi sinh từ sự mất cân đối và nhịp nhàng trong quá trình vận hành của thân và tâm. Tiến trình này đang xảy ra với mọi con người, không có ngoại lệ đối với kẻ tu, người tục. Tuy nhiên, dường như những ai có tu tập và thường ứng dụng giáo lý từ bi vào trong cuộc sống thì bệnh tật - dù đó là ung thư, nan y- cũng không tạo ra nhiều hệ lụy đối với họ. Sự thật này đã được minh chứng một cách thực tế qua đời sống của các bậc cao tăng đức độ. Trưởng lão Hòa thượng chùa Linh Sơn-Đà Lạt là một trong những người như thế.
Tinh thần từ bi hỷ xả đã được Hòa thượng hiện thực hóa một cách nhuần nhuyễn trong suốt cuộc đời tu hành và phụng sự của mình. Do hàng ngày dùng hương liệu từ bi để tẩm ướt thân tâm, cuộc sống của ngài luôn ngập tràn nụ cười an bình và hỷ xả. Ai có duyên được hạnh ngộ ngài sẽ tự mình cảm nhận được sức mạnh nội tâm của một bậc chân tu ở tuổi thượng tuần. Bởi vì lẽ đó mà sau gần 10 năm phát hiện bị nhiễm bệnh (viêm gan siêu vi C), Hòa thượng vẫn thản nhiên sống và hành đạo vì lợi ích cho đời. Dường như căn bệnh này không hề quấy nhiễu đến cuộc sống của ngài. Cho đến những ngày tháng cuối cùng khi bệnh tình chuyển sang ung thư gan giai đoạn cuối, Hòa thượng vẫn an nhiên, thanh thản cho đến hơi thở sau cùng. Sự vi diệu của lòng từ đã chuyển hóa mọi cơn đau và sự hành hạ của bệnh tật; bởi vì, theo các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM, giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan là vô cùng khủng khiếp đối với bệnh nhân. Mỗi khi bệnh tật hoành hành, các bệnh nhân phải trải qua cơn đau như xé thịt. Giải pháp duy nhất mà y khoa có thể giúp đỡ là sử dụng thuốc giảm đau để trợ giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau đớn xác thân. Thế nhưng, đối với Hòa thượng, dường như hiện trạng này không hề tác động mấy. Suốt gần 20 ngày sau cùng hầu cận và săn sóc Hòa thượng, tôi không hề thấy ngài than thở, rên siết hoặc biểu hiện sự đau đớn như các bệnh nhân khác. Luôn lo sợ cơn đau dằng xé thân xác ngài, tôi thường hỏi Hòa thượng có đau không! Câu trả lời là một nụ cười hoan hỷ và cái lắc đầu. Điều này chứng tỏ được diệu dụng của lòng từ trong cả nếp sống thường ngày và trong mọi tình huống của cuộc sống.
Sự vi diệu của lòng từ là thế! Lợi ích của việc thực tập từ bi là không thể bàn luận hết. Ai ước ao sống có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thì hãy ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả vào trong cuộc sống hàng ngày. Công năng của bốn pháp này vô cùng vi diệu, vì chúng không những tạo ra nhiều lợi ích, an vui cho hành giả, mà còn có khả năng xây dựng một môi trường sống an bình, hạnh phúc cho con người và xã hội.
-------------
Phương Tây chuộng chữa bệnh bằng “Phật giáo”:
Ngày càng có nhiều chuyên gia tâm thần học và bác sĩ phải nhờ cậy đến biện pháp thiền, một hoạt động của Phật giáo, nhằm giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng suy sụp, quên đi nỗi đau hay tránh nguy cơ tái phát.
“Nỗi đau có ở khắp nơi và là điều không ai muốn”. Đó là lời nhận định rất ngắn gọn và cơ bản của khoa học phân tích tri năng cũng như của Phật giáo. Dù là ở đâu - Boston, Toronto, Geneve, Maastricht hay thậm chí ở Châteauroux thì thiền dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đều được lựa chọn bởi các chuyên gia tâm thần học và cả các bác sĩ, những người đang phải chứng kiến nỗi đau thể xác cũng như tinh thần của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều nước đã làm như vậy nhưng ở Pháp thì không, hay đúng hơn là có nhưng rất ít. Liệu quê hương của Descarte có để lãng phí đời sống tâm linh có nguồn gốc từ châu Á này hay không?
Không hẳn thế. Christophe André, bác sĩ tâm thần ở bệnh viện Sainte-Anne, Paris đã đưa liệu pháp thiền vào trị bệnh nhằm tránh tình trạng bệnh nhân bị suy sụp trở lại. Ông giải thích: “Chính xác là người ta học cách giữ vững tinh thần trong thời điểm đó. Lúc đầu thường khó bởi người ta còn vướng bận suy nghĩ. Hoặc cần học cách không để mình bị cuốn vào vòng suy nghĩ. Đây là một biện pháp nghe có vẻ khá rắc rối nhưng lại cực kì hiệu quả. Nó không xoá sạch những suy nghĩ tiêu cực mà giúp bệnh nhân thấy được nó và hãm những suy nghĩ đó lại. Còn Claude Penet, bác sĩ tâm thần ở Châteauroux lại bắt đầu áp dụng phương pháp thiền trong một quá trình nghiên cứu của riêng mình rồi mới đề xuất áp dụng cho bệnh nhân. Ông nói: “Tôi không quá chú trọng đến phương diện tĩnh tâm như Phật giáo. Bởi điều duy nhất bệnh nhân cần là học cách giúp mình làm chủ được những tình cảm tiêu cực”. Xét cho cùng thì đó không phải là một phương pháp được đào tạo trong trường Đại học, cũng không phải là sự sùng bái của các bậc thầy về lí luận. Các nhà tiên phong đều đến từ Mĩ và họ đã bắt đầu áp dụng liệu pháp này từ gần 30 năm nay. Song hiện tại, những tiến bộ về việc sử dụng hình ảnh trong y học đã cho thấy rằng ngồi thiền làm thay đổi chức năng của não bộ. Ví dụ, những thầy tu ở Tây Tạng đã cho thấy nhiều điều đặc biệt khi não của họ được soi gần: khu thần kinh liên quan đến cảm xúc như lòng trắc ẩn hoạt động mạnh hơn so với người bình thường. Trường Đại học Madison – bang Wisconson có nhiều bài viết khoa học nhất về chủ đề này, với đóng góp lớn của bác sĩ tâm thần Richard Davidson.
Matthieu Ricard cũng chỉ rõ trong cuốn “Nghệ thuật ngồi thiền” (NXB Nil) rằng: “Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy ngồi thiền trong thời gian ngắn cũng làm giảm đáng kể stress (ảnh hưởng tiêu cực của stress cũng được nêu rõ), phiền muộn, xu hướng nổi giận (vốn làm giảm cơ hội sống sót sau phẫu thuật tim) và nguy cơ tái phát bệnh ở những người đã trải qua ít nhất 2 giai đoạn suy sụp. Tám tuần ngồi thiền, khoảng 30 phút mỗi ngày, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, đồng thời giảm nguy cơ tăng huyết áp ở những đối tượng bị bệnh huyết áp cao và đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh vảy nến. Nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm thần đối với sức khoẻ trước đây vốn được xem là một việc không nghiêm túc thì nay lại là chủ đề chính của các công trình khoa học”. Tất cả các tác dụng của phương pháp thiền đều được nói đến nhiều trong các tạp chí khoa học quốc tế có tiếng như Journal of the National Cancer Institute hay Journal of Behavioral Medicine.
Trong số những nhà tiên phong, tất cả đều là người Mỹ, thì người đáng được chú ý nhất với hành trình và uy tín của mình chắc chắn là Jon Kabat-Zinn. Là giáo sư y khoa danh dự của trường Đại học Massachusetts, ông bắt đầu áp dụng phương pháp thiền khi còn là sinh viên của viện công nghệ Massachusetts dưới sự hướng dẫn của Salvador Luria, người từng đoạt giải Nobel Y khoa. Là chuyên gia về sinh học phân tử, cũng như Matthieu Ricard, ông luôn quan tâm đến chức năng của thần kinh. Năm 1979, tức là 13 năm sau những bước đi đầu tiên về nghiên cứu ngồi thiền, ông mong muốn được sử dụng phương pháp thiền nhằm làm giảm sự đau đớn ở những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Dần dần, ông tìm ra MBSR (Mindfulness-Based Stress Reduction), một chương trình rèn luyện ngồi thiền trong 8 tuần. Ý tưởng của ông rất được mọi người trong bệnh viện ủng hộ. Ông nhớ lại: “Bằng cấp của tôi là sự đảm bảo với người nghe. Lúc đầu tôi chỉ có một khoảng không gian rất nhỏ và kiêm luôn nhiệm vụ thư ký. Người ta chuyển cho tôi những bệnh nhân ung thư, tim mạch hay những bệnh nhân phải chịu đau đớn sau phẫu thuật. Tôi đã đẩy chương trình lên 8 tuần và nó đã mang lại nhiều thành công đến mức tôi phải nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ huấn luyện viên. Phần lớn trong số họ không phải là bác sỹ nhưng quan trọng nhất là họ nhiệt tình và có khả năng truyền năng lượng toàn năng cho những người không hề có mối quan tâm đặc biệt gì đến Phật giáo nhưng đang phải chịu nhiều đau đớn.” Khi đó, 18.000 người đã tham gia chương trình 8 tuần này, rải rác trong hơn 200 bệnh viện. Việc áp dụng phương pháp thiền giúp giảm một nửa nguy cơ tái phát bệnh sau ít nhất 2 giai đoạn bị suy sụp nghiêm trọng của người bệnh.
Tại trường đại học Geneve, tiến sĩ tâm lý học Lucio Bizzini, phụ trách chương trình khắc phục tình trạng suy sụp của bệnh nhân, đang áp dụng MBSR cũng như các phương pháp tương tự khác như MBCT (Mindfulness Based Cognitive Therapy), biện pháp được tiến sĩ Zindel Segal triển khai tại bệnh viện Toronto. Lucio Bizzini giải thích: “Liệu pháp này được đặc biệt áp dụng cho những trường hợp bị suy sụp triền miên. Đây là một chương trình đòi hỏi khá khắt khe, lúc đầu cần luyện tập 1giờ/ngày; như vậy bệnh nhân cần có sự đầu tư rất lớn. Nhưng mục tiêu đạt được cũng xứng đáng bởi bệnh nhân đến được, như Jon Kabat-Zinn nói rất đúng, một thời điểm mang tính quyết định, thời điểm mà họ ở “sau màn nhào lộn nguy hiểm”, trong một không gian mà họ có thể quan sát được những suy nghĩ của mình nhưng không làm họ bị ngập chìm trong nó”. Điều đáng nói mà tất cả mọi người, trước hết là Jon Kabat-Zinn, đều thừa nhận, đó là vì phải có sự đầu tư cần thiết này mà những bệnh nhân theo chương trình ngồi thiền MBSR chắc chắn là những người có nhiều động cơ nhất và vì thế mà họ ít có nguy cơ bị mắc bệnh lại nhất.....
Share on facebook:
You don't have to be worried about the FACEbook Robots Auto Blocking Servers anyway.
Bạn hãy nhấn nút sau để chia sẽ liên kết trang web mới này trên FACEBOOK. Xin các bạn cứ yên tâm mà chia sẽ vì sẽ không bị các chương trình auto robot servers kiểm tra tin rác ngăn chặn được đâu. Xin cám ơn FACEBOOK, INC,. and many others. Cheers! From your friends!!! Hi!
Please click these buttons to share these links (these new other sites) on FACEBOOK. (You don't have to be worried about any FACEBOOK firewall automatic spam checking robot servers anyway, it is our warranty now. Thanks to our FACEBOOK. INC,. and many others.
Cheers! From your friends!!! Hi!)
No comments:
Post a Comment